#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 98
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm tám mươi lăm:
(Sớ) Thử kinh bổn danh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh.
(疏)此經本名:稱讚不可思議功德一切諸佛所護念經。
(Sớ: Kinh này vốn có tên là Kinh Khen Ngợi Công Đức Chẳng Thể Nghĩ Bàn Được Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm).
Tên kinh này do chính Thích Ca Mâu Ni Phật nói ra. Trong phần sau, trong đoạn Sáu Phương Phật sẽ nêu ra tên gốc của kinh này. Tên này hết sức trọng yếu. Từ tên kinh này, chúng ta có thể nhận biết pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn. Xưng Tán là ai khen ngợi? Mười phương ba đời hết thảy chư Phật, không vị Phật nào chẳng khen ngợi, khen ngợi điều gì? Khen ngợi Bất Khả Tư Nghị Công Đức. Công là gì? Đức là gì? Công là tín nguyện trì danh, công phu, công tu hành ấy. Đức là gì? Đức và Đắc (đạt được) có cùng một ý nghĩa, thời cổ, hai chữ này dùng lẫn lộn; vì thế, Đức là cái ta đạt được! Quý vị nương theo công phu này để tu, sẽ đạt được gì? Vãng sanh bất thoái. “Tín nguyện trì danh, vãng sanh bất thoái” là công đức của bộ kinh này!
Vì sao nói chẳng thể nghĩ bàn? Thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Sự thật này “chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu đạt rốt ráo”, Đẳng Giác Bồ Tát cũng chẳng thể hiểu rất rõ ràng, do nguyên nhân nào? Chúng ta thường tán thán Phật là vạn đức vạn năng, giác hạnh viên mãn. Có rất nhiều người nói khen ngợi như vậy chính là cách nói tượng trưng, vì Phật há có năng lực to lớn ngần ấy? Phật chẳng thể làm được rất nhiều chuyện như thế. Chúng ta không chỉ nghe tục nhân phê bình như thế, thậm chí các đại pháp sư xuất gia cũng phê bình như vậy! Họ phê bình đúng hay sai? Họ phê bình chẳng đúng, nói thật ra, họ chẳng thấy được mọi mặt trong Phật pháp!
Nói cách khác, nếu người ấy thật sự liễu giải kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, và pháp môn Tịnh Độ, sẽ thừa nhận Phật thật sự vạn đức vạn năng, đúng là giác hạnh viên mãn, chẳng còn tranh cãi gì nữa. Vì sao? Chúng sanh tội nghiệp cực nặng, Ngũ Nghịch, Thập Ác, tạo những trọng tội ấy ngay lập tức phải đọa địa ngục, nếu chúng ta hỏi, đức Phật có bản lãnh khiến cho những kẻ như vậy chẳng đọa địa ngục hay chăng? Không chỉ chẳng đọa địa ngục, mà còn có thể khiến cho kẻ ấy ngay lập tức thành Phật hay không? Nếu đức Phật có bản lãnh ấy, đức Phật là vạn đức vạn năng, là giác hạnh viên mãn. Nếu đức Phật chẳng có năng lực ấy, tức là năng lực của Phật vẫn còn khiếm khuyết, chúng ta nói Ngài vạn đức vạn năng chỉ là lời ca ngợi, chẳng thật, chẳng phải là sự thật. Thật ra, từ kinh này, chúng ta đã có được kết luận, Phật vạn đức vạn năng là sự thật, tức là nói chúng sanh Ngũ Nghịch, Thập Ác phải đọa địa ngục, đức Phật không chỉ có thể khiến cho họ chẳng đọa địa ngục, mà còn có thể khiến cho họ lập tức thành Phật. Đức Phật dùng phương pháp gì? Bảo họ niệm Phật.
Từ Thập Lục Quán Kinh, tức là từ kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật,
có mười sáu phép Quán [để quán] Vô Lượng Thọ Phật. Mười sáu phép Quán ấy bao gồm trọn hết: Mười hai phép Quán đầu là Quán Tưởng Niệm Phật, [phép Quán thứ] mười ba, mười bốn và mười lăm là Quán Tượng Niệm Phật; [phép Quán] thứ mười sáu là Trì Danh Niệm Phật. Quý vị phải ghi nhớ: Kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ đều chú trọng trì danh niệm Phật. Trì Danh Niệm Phật là phép Quán thứ mười sáu trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Độ hạng chúng sanh nào? Kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác, khi lâm chung, một niệm hay mười niệm đều có thể vãng sanh. Hễ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ viên chứng ba thứ Bất Thoái, còn có gì để nói hay chăng? Viên chứng ba thứ Bất Thoái là thành Phật!
Nếu chẳng thành Phật, làm sao có thể viên chứng ba thứ Bất Thoái? Trong phần trước, chúng tôi đã nói: Tiểu Thừa Sơ Quả mới chứng Vị Bất Thoái; thuộc về Đại Thừa là hàng Tứ Quả A La Hán hồi Tiểu hướng Đại. Nếu nói theo Viên Giáo, Bồ Tát thuộc địa vị Thất Tín chứng Hạnh Bất Thoái, tức loại Bất Thoái thứ hai. Minh tâm kiến tánh, phá một phẩm vô minh, phần chứng Pháp Thân thì mới có thể chứng đắc Niệm Bất Thoái, nhưng đó là mới vừa chứng đắc, chưa viên mãn. Viên mãn ba thứ Bất Thoái là ai? Là Đẳng Giác Bồ Tát trong Viên Giáo, tức là những vị như Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc, các Ngài mới là viên chứng ba thứ Bất Thoái. Do vậy, công đức ấy chẳng thể nghĩ bàn, vì sao? Quý vị thấy các Ngài chẳng cần tu ba đại A-tăng-kỳ kiếp, chẳng cần phải trải qua nhiều tầng cấp, địa vị như vậy, từ Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, lại đạt đến Đẳng Giác, không cần phải trải qua như thế, từ phàm phu ngay lập tức đạt lên cao như vậy, lại là trong một niệm hay mười niệm trong khoảng sát-na bèn đạt được, điều này chẳng thể nghĩ bàn! Thật vậy, Bồ Tát đều nghĩ chẳng thông suốt, đây là đạo lý gì? Trong Tịnh Độ Tam Kinh đã giảng cặn kẽ đạo lý này, giảng cho chúng ta biết đạo lý này. Vì vậy, đấy là công đức chẳng thể nghĩ bàn. Do đó, mười phương chư Phật không vị nào chẳng tán thán, không vị nào chẳng hoằng dương, quý vị phải biết [như vậy]!
Vì lẽ đó, pháp môn này thù thắng nhất, là pháp môn bậc nhất. Các pháp môn khác chẳng thể độ, chẳng có cách nào độ, nhưng pháp môn này có thể độ, đấy mới là bậc nhất. Quý vị nghĩ đến Thiền hay Mật, bất luận một pháp môn nào, có thể độ kẻ Ngũ Nghịch Thập Ác hay không? Chẳng độ được! Dẫu là có thể độ thì cũng phải mất một thời gian rất dài, phải mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp, hay vô lượng kiếp, chẳng thể khiến kẻ ấy đắc độ ngay lập tức! Trong kinh này đã nói: “Hoặc một ngày, hoặc hai ngày, cho đến hoặc bảy ngày”. Một ngày bèn độ được! Trong một ngày độ kẻ phàm phu trong địa ngục thành Phật, pháp này chẳng phải là pháp môn bậc nhất để chư Phật độ chúng sanh thì pháp môn nào mới gọi là bậc nhất? Quý vị hãy suy nghĩ cặn kẽ! Do vậy, [pháp này được] mười phương chư Phật xưng tán.
Mười phương chư Phật đã xưng tán, chúng ta lại hỏi: Mười phương chư Phật có giảng kinh này hay không? Đương nhiên là giảng! Căn tánh của chúng sanh trong mười phương thế giới khác nhau, nên chư Phật trong mười phương thế giới giảng kinh cũng khác nhau, chỉ riêng bộ kinh này là giống nhau. Mười phương ba đời tất cả chư Phật không vị nào chẳng giảng kinh Di Đà, không vị nào chẳng giảng kinh Vô Lượng Thọ. Tịnh Độ Tam Kinh Nhất Luận chắc chắn giống nhau, vị Phật nào cũng đều phải giảng, vì sao? Nếu Phật chẳng giảng kinh này, sẽ chẳng thể phổ độ chúng sanh, sẽ chẳng thể triệt để viên mãn độ thoát chúng sanh trong một thời gian ngắn nhất, đức Phật sẽ chẳng thể [làm được]; chỉ có mình pháp môn này! Do vậy, chư vị phải hiểu: Quý vị có thể gặp gỡ pháp môn này, đến rốt ráo là phước khí như thế nào? Chẳng có cách nào diễn tả được! Bất khả thuyết bất khả thuyết [phước báo], không có cách nào nói được! Từ vô lượng kiếp tới nay, trong một đời này, quý vị có thể gặp pháp môn này, đúng là lạ lùng, phước báo do đâu mà có? Từ đề mục này, chúng ta có thể hiểu thật sâu ý nghĩa này.
Do vậy, tôi khuyên mọi người, quý vị học kinh bèn học ba kinh là đủ rồi, học giảng kinh bèn học giảng ba kinh, chính mình nương theo kinh này để tu hành, dùng kinh này hóa độ chúng sanh, giảng cho người khác nghe, không nên giảng gì khác, những kinh khác đều là kinh hạng hai, hạng ba, kinh này là bậc nhất. Kinh bậc nhất chỉ có một bộ này, không có bộ thứ hai! Ngay cả Hoa Nghiêm và Pháp Hoa đều là Tự Phần của kinh này, dẫn đường, hướng dẫn [tới kinh này], quý vị có thể suy nghĩ mà biết tầm quan trọng của kinh này. Quả thật chẳng dễ gì gặp gỡ, cho nên công đức chẳng thể nghĩ bàn, hết thảy chư Phật đều nói đây là công đức chẳng thể nghĩ bàn, có thể khiến cho chúng sanh tội nghiệp cực nặng thành Phật trong một ngày.
Nay chúng ta nghiệp chướng chẳng nặng như vậy, chẳng tạo trọng tội Ngũ Nghịch, Thập Ác, chúng ta chẳng thành Phật hay sao? Chắc chắn có thể thành tựu. Nhưng hiện thời vẫn chưa thành tựu, quý vị chẳng thành tựu là do nguyên nhân nào? Quý vị đối với kinh này, đối với pháp môn này vẫn chưa thể khăng khăng một mực, vì sao? Chưa nhận thức rõ ràng, kinh nói “pháp khó tin”, quý vị có tin hay không? Tin! Tuy tin, nhưng chưa đủ chân thật, tin chưa triệt để. Quý vị có phát nguyện hay không? Có phát nguyện, nhưng nguyện chẳng thiết tha. Quý vị có hành hay không? Có, cũng niệm Phật, nhưng niệm chẳng đủ sức, niệm chưa đến mức! Do vậy, tuy Tín, Nguyện, Hạnh đều có, nhưng rất dễ duôi, biếng nhác. Bộ kinh này rốt ráo [giảng dạy] chuyện gì, quý vị chẳng triệt để hiểu rõ. Thật sự triệt để hiểu rõ thì điều gì cũng đều buông xuống. Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức, phải hiểu điều này! “Xưng tán” là được mười phương chư Phật xưng tán, mười phương ba đời hết thảy chư Phật đều xưng tán.
Trong Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh cũng có rất nhiều ý
nghĩa này. Nhất Thiết Chư Phật chỉ mười phương ba đời hết thảy chư Phật. [Kinh này] được hết thảy chư Phật hộ trì, trong tâm hết thảy chư Phật đều nghĩ tới. Nói lời thật thà, Phật có phải niệm kinh này hay không? Phải niệm, vì sao? Nếu Ngài chẳng niệm kinh này, sẽ chẳng thể thành Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật như thế nào? Niệm A Di Đà Phật thành Phật, chư vị phải biết điều này. Không chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật, mà hết thảy chư Phật đều do niệm A Di Đà Phật mà thành Phật, đạo lý này cũng rất sâu xa. Đối với ý nghĩa của A Di Đà Phật, A là Vô, Di Đà là Lượng, Phật là Giác, quý vị hãy suy nghĩ: Hết thảy chư Phật có phải là Vô Lượng Giác hay không? Nếu các Ngài chẳng phải là Vô Lượng Giác, làm sao thành Phật cho được? Vì thế, A Di Đà Phật là danh hiệu chung của hết thảy chư Phật. Nếu các Ngài không thành Vô Lượng Giác, sẽ chẳng thể thành Phật. Do vậy, các Ngài phải niệm tự tánh A Di Đà, niệm Vô Lượng Giác trong tự tánh, chứng đắc Vô Lượng Giác trong tự tánh, sẽ thành Phật viên mãn. Do vậy, mới hiểu chư Phật do niệm A Di Đà Phật mà thành Phật.
Đồng thời, qua kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy Văn Thù, Phổ Hiền là Đẳng Giác Bồ Tát trong Viên Giáo, trong hội Hoa Nghiêm, [các Ngài] vẫn phải phát nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, vì sao? Đương nhiên là vì muốn thành Phật. Thành vị Phật nào? Thành Viên Giáo Phật, là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là Vô Lượng Giác. Không chỉ chính các Ngài phát nguyện vãng sanh, còn dùng mười đại nguyện vương để khuyên dạy trọn khắp những vị Bồ Tát minh tâm kiến tánh, tức là bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong Hoa Tạng hải hội, thảy đều cầu sanh Tây Phương thế giới. Bốn mươi mốt địa vị là Thập Trụ gồm mười địa vị, Thập Hạnh gồm mười địa vị, Thập Hồi Hướng gồm mười địa vị, Thập Địa gồm mười địa vị; [tổng cộng] bốn mươi địa vị, kể cả Đẳng Giác Bồ Tát thành bốn mươi mốt địa vị Bồ Tát. Trong mỗi một địa vị chẳng biết có bao nhiêu người? Chẳng có cách nào tính toán! Thảy đều vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, để làm gì? Sang bên kia để thành Phật quả trong Viên Giáo.
Còn có pháp hội nào thù thắng, trang nghiêm hơn pháp hội này? Chúng ta tìm không được. Vì thế, nói “kinh Hoa Nghiêm là Tự Phần của kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ”, chẳng sai tí nào! Do vậy, một bộ Hoa Nghiêm tới cuối cùng trở về Tịnh Độ, trở về kinh này, được hết thảy chư Phật hộ niệm. Hộ pháp thì pháp môn này là pháp môn bậc nhất, nhưng quý vị chẳng biết giá trị, chẳng quý mến nó. Quý vị thật sự biết giá trị, sẽ hết sức quý trọng, yêu mến nó, chớ nên để nó thất truyền, phải hoằng dương rạng rỡ, thật sự nhận biết. Huống chi kinh còn dạy chúng ta: Một người thật sự phát tâm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, A Di Đà Phật sẽ phái hai mươi lăm vị Bồ Tát ngày đêm bảo vệ, hộ trì quý vị. Quý vị sẽ chẳng gặp những tai nạn xấu ác, chẳng bị nguy hiểm, thật lòng sanh về Tịnh Độ, hoằng dương Tịnh Độ. Không chỉ phải phát tâm cầu sanh Tịnh Độ, mà chúng ta còn phải phát tâm hoằng dương Tịnh Độ, vì sao? Tương ứng với bổn nguyện của Phật.
Có rất nhiều đồng tu cũng có lúc nói với tôi, muốn tôi dạy họ giảng kinh. Tôi giảng ở nơi đây là dạy quý vị giảng kinh, quý vị hãy chú ý nghe, nghe kỹ càng, nghe xong, quý vị sẽ biết giảng. Sau khi quý vị đã nghe, có thể giảng được bao nhiêu bèn giảng bấy nhiêu, chỉ cần chẳng giảng sai là được rồi! Chỗ nào không biết giảng, đừng giảng; biết giảng thì giảng, [như vậy] thì sẽ chẳng sai! Tôi dạy quý vị giảng một bộ kinh Di Đà, đừng lôi Sớ Sao ra, vì một bộ sách lớn như vậy sẽ dọa kẻ khác chết khiếp! Ta biết giảng đề mục, bèn giảng một câu ấy là được rồi. Ta biết giảng kinh văn bèn giảng mấy câu cũng được. Vì thế, giảng những thứ đơn giản, dễ hiểu, nhất là đối với con người hiện thời, mọi người công việc đều rất bận rộn, đâu có thời gian dài như vậy để nghe quý vị giảng một bộ kinh lớn? Đó là chuyện không thể nào được! Càng đơn giản càng hay! Nói ra những ý nghĩa trọng yếu trong ấy là được rồi! Chúng ta nhắm đến mục đích làm cho người khác tin tưởng pháp môn Niệm Phật, khiến cho họ phát nguyện, chịu niệm thì mục đích đã đạt. Giảng cho họ tin tưởng, khiến họ thật sự phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, thật sự chịu niệm Phật, hoằng dương Tịnh Độ nhằm mục đích này! Do vậy, đây là kinh được hết thảy chư Phật hộ niệm.
Do điều này có thể biết: Chúng ta là người thật sự đọc tụng bộ
kinh điển này, nhất định sẽ được hết thảy chư Phật hộ niệm. “Niệm” ở đây là Phật thường nhớ đến chúng ta, thường nghĩ nhớ chúng ta, Phật thường che chở chúng ta, vì sao? Ngài phải bảo vệ pháp môn này. Chúng ta muốn cầu Phật, Bồ Tát bảo vệ, cầu Phật, Bồ Tát phù hộ thì hãy niệm kinh này. Quý vị niệm A Di Đà Phật, nhất định được hết thảy chư Phật gia hộ. Do vậy, có thể thấy sự thù thắng của pháp môn này. Vì sao khi Cưu Ma La Thập đại sư dịch kinh chẳng dùng tên gốc của bản kinh, mà đổi đề mục thành Phật Thuyết A Di Đà Kinh? Vì sao phải sửa như vậy?
(Sớ) Kim danh thị Thập Sư cải định.
(疏) 今名是什師改定。
(Sớ: Tên kinh hiện thời do La Thập đại sư sửa đổi).
“Kim danh” là tên hiện thời của kinh này, chính là Phật Thuyết A Di Đà Kinh. Tựa đề kinh này chẳng phải do đức Phật nói, mà do chính La Thập đặt ra tên gọi ấy. Ngài đặt tên này cũng có dụng ý rất sâu, vì kinh này chủ yếu dạy quý vị hãy chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn, rành rành là dùng ngay danh hiệu để làm tựa đề của kinh. Do vậy, vừa nhìn thấy kinh này, tự nhiên quý vị niệm một câu A Di Đà Phật, dụng ý ấy rất ư là sâu! Do vậy, người đời sau cũng hết sức tán thán trí huệ của La Thập đại sư, cũng rất bội phục, chẳng nói đề mục do Ngài đặt ra chẳng đúng, vì Ngài đặt ra đề mục này phù hợp rất sâu với ý đức Phật: Khuyên con người hãy niệm A Di Đà Phật.
(Sớ) Tự hữu nhị nghĩa.
(疏) 自有二義。
(Sớ: Tự có hai nghĩa).
Nêu ra hai đạo lý [trong việc La Thập đại sư chọn tên kinh như vậy].
(Sớ) Nhất giả, Phật nhiếp vô tận nghĩa cố.
(疏) 一者佛攝無盡義故。
(Sớ: Một là do Phật nhiếp thọ vô tận ý nghĩa).
Trong bốn chữ A Di Đà Phật bao hàm vô lượng nghĩa.
(Sớ) Nhị giả, bỉ Phật nhân sở nhạo văn cố.
(疏) 二者彼佛人所樂聞故。
(Sớ: Hai là con người thích nghe [danh hiệu] đức Phật ấy).
“樂” đọc là Yào (âm Hán Việt tương ứng là Nhạo), nghĩa là ưa thích, vui thích. “Bỉ Phật” là A Di Đà Phật. A Di Đà Phật đặc biệt có duyên rất sâu với chúng sanh trong thế gian này, mọi người thích nghe tên Ngài. Do vậy, La Thập đại sư dùng danh hiệu Phật để làm tên kinh với dụng ý ấy. Trong lời Sao tiếp theo đây, [Liên Trì đại sư] đã giải thích hai ý nghĩa của việc La Thập đại sư lập ra đề mục này.
(Sao) Nhiếp nghĩa vô tận giả, như tiền vân “ngôn Phật tiện châu”.
(鈔) 攝義無盡者,如前云言佛便周。
(Sao: “Nhiếp thọ vô tận nghĩa” là như trong phần trước đã nói: “Nói tới Phật liền trọn khắp”).
“Ngôn Phật tiện châu”: Nói tới Phật, hết thảy các ý nghĩa đều viên mãn, trọn đủ.
(Sao) Tắc nhất thiết công đức giai tùng Phật xuất, Phật tức bất tư nghị cố.
(鈔) 則一切功德皆從佛出,佛即不思議故。
(Sao: Tức là hết thảy công đức đều phát xuất từ Phật, Phật là chẳng thể nghĩ bàn).
Ý nghĩa này cũng rất rõ ràng.
(Sao) Hựu Di Đà vạn đức hồng danh, thập phương tam thế nhất thiết chúng sanh chi sở hỷ nhạo, thượng chí chư Phật tán thán, hạ chí quỷ súc quy y, chánh vị bất tư nghị công đức cố.
(鈔)又彌陀萬德洪名,十方三世一切眾生之所喜樂,上至諸佛讚歎,下至鬼畜歸依,正謂不思議功德故。
(Sao: Lại nữa, vạn đức hồng danh Di Đà được mười phương ba đời hết thảy chúng sanh ưa thích, trên là được chư Phật tán thán, dưới là ngạ quỷ, súc sanh đều quy y, nên bảo là “công đức chẳng thể nghĩ bàn”).
Ý nghĩa này cũng hết sức hay. Như vừa mới nói, mười phương ba đời hết thảy chư Phật, không vị nào chẳng tán thán A Di Đà Phật, không vị nào chẳng khuyên con người cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, không vị nào chẳng khuyên con người niệm A Di Đà Phật. Do vậy, quý vị niệm A Di Đà Phật, chư Phật hoan hỷ. Đức Phật chẳng nói: “Cớ sao các ngươi niệm A Di Đà Phật, mà chẳng niệm ta?” [Nếu nghĩ] Phật sẽ tức giận, thì đó là tâm lượng của người trong thế gian chúng ta, chẳng phải là tâm Phật. Vì sao? Đức Phật biết: “Quý vị niệm ta sẽ chẳng thành Phật, chẳng thể vãng sanh. Chỉ có niệm A Di Đà Phật, mới có thể vãng sanh, mới có thể thành Phật”. Chúng ta phải hiểu rõ điều này.
Nguyện vọng lớn nhất của mười phương chư Phật là mong mỏi chúng ta ngay lập tức thành Phật, đó là nguyện vọng của Phật. Chúng ta làm như thế nào thì mới có thể ngay lập tức thành Phật? Quý vị niệm A Di Đà Phật, sẽ nhanh chóng thành Phật. Đúng như Thiện Đạo đại sư đã dạy, Ngài bảo chúng ta hãy chuyên niệm, thứ nhất là thân chuyên lễ, mỗi ngày thân chúng ta lễ bái, lễ bái vị nào? Lạy A Di Đà Phật, thân chuyên lễ A Di Đà Phật. Miệng chẳng niệm điều gì khác, những điều khác thảy đều chẳng niệm, chuyên niệm A Di Đà Phật. Trong tâm cũng chẳng tưởng gì khác, điều gì cũng chẳng nghĩ tới, chuyên tưởng A Di Đà Phật. Thân này cũng chẳng cần lạy vị Phật nào khác, chẳng cần lạy vị Bồ Tát nào khác, thân, khẩu, ý tam nghiệp của quý vị có thể chuyên chú vào A Di Đà Phật. Thiện Đạo đại sư nói: Một trăm người tu, một trăm người vãng sanh. Một ngàn người tu, một ngàn người vãng sanh. Vạn người tu, vạn người đến. Có thật hay chăng? Thật đấy! Chẳng giả tí nào!
Chúng ta thấy khá nhiều chuyện thật sự; chẳng hạn như những câu chuyện do lão pháp sư Đàm Hư đã kể trong lời khai thị Phật Thất. Đó là thật, chẳng giả! Một đồ đệ của pháp sư Đế Nhàn niệm Phật ba năm bèn đứng vãng sanh, biết trước lúc mất. Chết rồi vẫn đứng sững ba ngày, chờ lão hòa thượng đến lo liệu hậu sự cho ông ta. Quý vị thấy bản lãnh của người ta lớn cỡ nào? Người ấy chẳng biết chữ, tuy xuất gia, pháp sư Đế Nhàn cho ông ta xuống tóc, nhưng chẳng cho thọ giới, lão hòa thượng chẳng cần ông ta phải thọ giới. Ông ta đã già khọm rồi mới xuất gia, chẳng cần thọ giới. Chính ông ta đương nhiên chẳng thể xem kinh, trước nay cũng chưa hề nghe giảng kinh lần nào! Sau khi [ông ta] xuất gia, lão hòa thượng dạy: “Ông cứ niệm miết một câu Nam-mô A Di Đà Phật”. Ông thật sự mỗi ngày lễ bái A Di Đà Phật, niệm A Di Đà Phật, tưởng A Di Đà Phật, thực hiện ba năm, bèn thành công. Quý vị hỏi ông ta điều gì khác, ông ta cũng không biết. Đại Bi, Thập Tiểu Chú đều không biết. Gõ dẫn khánh, gõ mõ ra sao, ông ta cũng không biết. Điều gì cũng không biết, chỉ ôm chặt một câu Nam-mô A Di Đà Phật, niệm ba năm [bèn vãng sanh].
Lúc ông ta vãng sanh, pháp sư Đế Nhàn lo liệu hậu sự, vô cùng bội phục ông ta, rất tán thán, lại còn nói: Sự thành tựu của ông ta cao hơn những vị đại pháp sư giảng kinh, thuyết pháp, và các vị phương trượng trụ trì những ngôi chùa nổi tiếng. Đấy là “chuyên”, không có gì khác! Mấy câu ấy của Thiện Đạo đại sư được chép trong chú giải kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, bộ Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Tứ Thiếp Sớ do Thiện Đạo đại sư soạn. Do vậy, chúng ta làm nhiều thứ, làm rất nhiều chuyện hoa dạng sẽ vô dụng, chẳng đắc lực! Thật sự đắc lực là một câu A Di Đà. Quý vị nhất định phải biết, nhất định phải hiểu rõ, một câu danh hiệu A Di Đà Phật thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Vì thế, ngài Cưu Ma La Thập dùng nó làm tựa đề kinh này!
(Sớ) Vân Sớ Sao giả, Sớ dĩ thích kinh, Sao dĩ thích Sớ, ký dị hiểu dã.
(疏) 云疏鈔者,疏以釋經,鈔以釋疏,冀易曉也。
(Sớ: Nói Sớ Sao thì Sớ là giải thích kinh, Sao nhằm giải thích Sớ, mong cho [độc giả] dễ hiểu).
“Sớ Sao” nói theo cách bây giờ là “chú giải”. Chú giải có rất nhiều tên gọi. Trong Phật môn, [chú giải có thể] gọi là Luận, như Đại Trí Độ Luận là chú giải của kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, được gọi là Luận, do Long Thọ Bồ Tát soạn. Phàm [những tác phẩm nào] dùng chữ Luận đều hàm ý rất kiên định, rất khẳng định: [Những ý nghĩa được nêu lên trong] bản chú giải này của tôi là ý nghĩa của Phật, quyết định chẳng sai, thì mới có thể gọi là Luận, chẳng khác gì đức Phật đã giảng. Các đại đức về sau chẳng dám gọi [tác phẩm chú giải của mình] theo kiểu ấy, lời tôi giảng chưa chắc đã là ý Phật, chỉ có thể dâng lên quý vị tham khảo, quý vị có thể chọn lọc [những ý kiến nào phù hợp], có thể sửa sai tôi, chứ Luận thì không thể. Luận là lời tôi nói và lời Phật dạy chẳng hai, quý vị chỉ có thể tuân theo, chẳng thể nào không tôn sùng, quyết định chẳng thể thay đổi. Tôi nói một chữ cũng chẳng sai, [dùng chữ Luận nhằm tỏ] thái độ như vậy đó. “Sớ” khách sáo, khiêm hư hơn. Sớ có nghĩa là “khai thông”.
Tại Trung Quốc vào thời cổ, chú giải cũng giống như vậy. Như Xuân Thu Tam Truyện, kinh Xuân Thu do Khổng lão phu tử nói, Tả Khâu Minh soạn một bản chú giải gọi là Tả Truyện. Công Dương Truyện, Cốc Lương Truyện [cùng với Tả Truyện là chú giải của ba người khác nhau[1]] dành cho bộ kinh Xuân Thu của Khổng lão phu tử. Gọi là Truyện thì Truyện có nghĩa là truyền lại, ý nghĩa này cũng kiên định: [Ý nghĩa trong] bản chú giải này của tôi là ý nghĩa của Khổng lão phu tử, chẳng sai! Một câu cũng chẳng thể sửa, có thể truyền mãi đến đời sau, khẩu khí rất lớn! Người đời sau chẳng dám dùng chữ này; vì thế, [các bản] chú giải dùng chữ Chú, Giải, Sớ hay Sao, dùng những từ ngữ ấy đều là lời lẽ khiêm hư. Có nghĩa là tôi [giảng giải] không nhất định có thể hoàn toàn phù hợp ý Phật, có thể sửa chữa, có thể dùng làm [tài liệu] tham khảo cho mọi người, chẳng khẳng định như vậy. [Dùng các chữ Chú, Giải, Sớ, Sao có] ý nghĩa như vậy đó.
“Sớ” là chú giải “Kinh”. Trong kinh văn có chỗ nào văn tự hay nghĩa lý sâu xa, khó hiểu, sẽ khai thông, khiến cho quý vị dễ liễu giải. Nhưng đôi khi Sớ vẫn còn rất sâu, vẫn cần phải chú giải lời Sớ, tức là chú giải lời chú giải, đó là “Sao”. Sao tức là chú giải của lời chú giải, nghĩa là Sớ vẫn còn rất khó hiểu, bèn dùng Sao để giải thích Sớ. Hiện thời, chúng ta đọc Sao vẫn chưa hiểu, vẫn thấy [lời Sao] rất sâu, vẫn cần phải chú giải thêm, tức là vẫn phải giải thích thêm lời chú giải của chú giải, lời giải thích ấy gọi là Diễn Nghĩa. Do vậy có Sớ Sao Diễn Nghĩa. Diễn Nghĩa là chú giải lời Sao. Càng chú giải, ý nghĩa càng nhiều, ý nghĩa vĩnh viễn chẳng cùng tận, mục đích là mong cho chúng ta dễ hiểu rõ, dễ thấu hiểu ý nghĩa trong kinh. Vì thế, soạn Sớ, soạn Sao, hay viết Diễn Nghĩa, cho đến chúng tôi giảng giải, đều nhằm [cùng một] mục đích [như đã được nói] ở đây: Giúp cho chúng ta lý giải kinh này. Tiếp theo đây là định nghĩa nhằm giải thích chữ Sớ Sao:
(Sao) Sớ giả, cổ vân Điều Trần dã, hựu Ký Chú dã.
(鈔) 疏者,古云條陳也,又記注也。
(Sao: “Sớ”: Cổ gọi là Điều Trần hoặc Ký Chú).
Trong kinh văn có những ý nghĩa rất sâu, ý nghĩa sâu thẳm, chúng ta có thể hiểu được, có thể thấy đôi chút, bèn ghi chú bên cạnh. Hoặc dùng một cuốn vở riêng để viết xuống, ghi chép, đó gọi là Điều Trần, viết xuống từng điều một. Cũng có nghĩa là “ký chú”, “ký” là bút ký, ghi chú minh bạch chỗ tâm đắc, cảm tưởng, ngộ xứ, lãnh ngộ của chính mình.
(Sao) Kim vị kinh nghĩa đắc thử, điều trần nhi bất ẩn hối.
(鈔) 今謂經義得此,條陳而不隱晦。
(Sao: Nay [Sớ] có nghĩa là do nhờ vào đấy mà ý nghĩa của kinh được nêu bày từng điều, chẳng bị ẩn khuất).
Ý nghĩa rõ rệt, qua chú giải, chúng ta thấy ý nghĩa hết sức rõ rệt.
(Sao) Ký chú nhi bất di vong dã.
(鈔) 記注而不遺忘也。
(Sao: Ghi chú để chẳng quên sót).
Đây là sợ sau này chúng ta sẽ quên mất, nên viết lại, viết thành bút ký để ghi nhớ, sau này sẽ không quên mất. Những điều ấy đều là ý nghĩa của chữ Sớ.
(Sao) Sao giả, cổ vân Lược Thủ dã, hựu Tả Lục dã. Lược Thủ, tắc Điều Trần chi thiết yếu; Tả Lục, tức Ký Chú chi hiển minh.
(鈔)鈔者,古云略取也,又寫錄也。略取,則條陳之切要;寫錄,即記注之顯明。
(Sao: Cổ nhân nói “Sao” là Lược Thủ, hoặc Tả Lục. Lược Thủ là [chọn lấy] những điều thiết yếu trong phần Điều Trần (Sớ). Tả Lục là giảng rõ phần Ký Chú).
“Lược Thủ, tắc Điều Trần chi thiết yếu”: Đặc biệt nêu ra, đặc biệt trình bày những ý nghĩa hay câu văn trọng yếu khiến cho những ý nghĩa ấy càng thêm rõ rệt, chọn lấy những điều trọng yếu [trong lời Sớ]. Chẳng hạn như Hoa Nghiêm Kinh Sớ Luận Toản Yếu, Pháp Hoa Kinh Văn Cú Toản Yếu, những tác phẩm ấy đều thuộc loại Lược Thủ. Vì Sớ và Luận có phân lượng quá lớn, cho nên chọn lấy những chỗ trọng yếu. Chỗ không trọng yếu sẽ không sao lục, chỉ trích lục những điểm trọng yếu, bèn gọi là Toản Yếu. Hai bộ sách ấy đều do thiền sư Đạo Bái biên tập trong niên hiệu Khang Hy đời Thanh, là tác phẩm trích lục. Đối với kẻ nghiên cứu Sớ Luận kinh Hoa Nghiêm như chúng ta, có thể nói [hai bộ sách ấy] đã giúp đỡ rất lớn. Hoa Nghiêm Sớ Luận phân lượng lớn, ý nghĩa cũng sâu, chẳng dễ đọc! Pháp Hoa Kinh Văn Cú Ký cũng giống như vậy, cũng vô cùng sâu, phân lượng khá nhiều! Do Sư thực hiện công tác này, đối với kẻ sơ học chúng ta, quả thật là hết sức có ích. Chúng ta đọc phần tinh hoa, đọc phần lược thuật trọng điểm. Đó chính là ý nghĩa của chữ Lược Thủ. Tả Lục là viết bút ký, nghe giảng, đọc sách đều phải viết bút ký, mang ý nghĩa này. Trước đây gọi là Ký Chú, nay gọi là “viết bút ký”. Giúp quý vị ghi nhớ chẳng quên, lại còn viết rõ ràng, minh bạch những chỗ quan trọng. Đấy là định nghĩa của hai chữ Sớ Sao.
(Sao) Ký, vọng dã.
(鈔) 冀,望也。
(Sao: “Ký” là mong mỏi).
“Ký” là mong muốn, là lòng mong mỏi của chúng ta đối với một chuyện gì đó.
(Sao) Kinh nan minh.
(鈔) 經難明。
(Sao: Kinh khó thể hiểu rõ).
Kinh có ý nghĩa rất sâu, chẳng dễ hiểu rõ!
(Sao) Sớ thông chi.
(鈔) 疏通之。
(Sao: [Chú giải] cho thông suốt).
Khai thông [những ý nghĩa ẩn kín bằng cách sớ giải], chúng ta sẽ hiểu rõ ý nghĩa trong kinh.
(Sao) Sớ nan minh.
(鈔) 疏難明。
(Sao: Lời Sớ khó hiểu rõ).
Sớ cũng chú giải rất sâu!
(Sao) Sao xuất chi.
(鈔) 鈔出之。
(Sao: Lời Sao bèn nêu rõ ra).
Sao là viết rõ ràng, phơi bày ý nghĩa.
(Sao) Vọng nhân nhân hiểu liễu kinh nghĩa dã.
(鈔) 望人人曉了經義也。
(Sao: Mong cho ai nấy hiểu rõ ý nghĩa của kinh).
Mục đích ở đây là mong sao mọi người đều có thể hiểu rõ nghĩa lý trong kinh. Nói nhiều ngần ấy! Chỗ hay trong bản chú giải này của Liên Trì đại sư là: Không chỉ là giảng rõ ràng giáo tướng, mà mỗi đoạn đều có lời bàn luận xứng tánh. Đoạn xứng tánh ấy [nhằm trình bày] những nghĩa lý rất sâu trong kinh, thường nói là “huyền ngoại chi âm” (âm thanh nằm ngoài dây đàn, ý nằm ngoài lời), nhìn theo văn tự bề ngoài sẽ chẳng thấy được. Trên thực tế, đoạn văn tự [Xứng Tánh] này nhằm hiển thị đạo lý ấy.
(Sớ) Xứng Lý.
(疏) 稱理。
(Sớ: Xứng Lý).
Sau mỗi một đoạn đều có phần Xứng Lý. Lý là Chân Như bổn tánh, [“xứng Lý”] là nói theo Chân Như bổn tánh.
(Sớ) Tắc tự tánh giác, thị Phật nghĩa.
(疏) 則自性覺,是佛義。
(Sớ: Tự tánh giác là ý nghĩa của chữ Phật).
Đó gọi là “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”, hoàn toàn trở về tự tánh.
(Sớ) Tự tánh giác vô lượng, thị A Di Đà nghĩa; tự tánh Bổn Thỉ nhị giác, thị lưỡng độ quả nhân nghĩa.
(疏)自性覺無量,是阿彌陀義;自性本始二覺,是兩土果人義。
(Sớ: Tự tánh giác vô lượng là ý nghĩa của A Di Đà, Bổn Giác và Thỉ Giác trong tự tánh là ý nghĩa của “quả nhân hai cõi”).
“Quả nhân” là Phật. “Lưỡng độ” là thế giới Cực Lạc và thế giới Sa Bà của chúng ta. Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật là Bổn Giác, Thích
Ca Mâu Ni Phật ở cõi này là Thỉ Giác, Bổn và Thỉ chẳng hai.
(Sớ) Tự tánh giác thể biến chiếu, thị thuyết kinh nghĩa, hậu giai lệ thử.
(疏)自性覺體遍照,是說經義,後皆例此。
(Sớ: Giác thể của tự tánh chiếu trọn khắp là ý nghĩa của sự “nói kinh”, trong những đoạn kế tiếp sau đây đều phỏng theo cách thức này).
Từ đây trở đi, sau mỗi đoạn đều có phần bàn luận xứng tánh, đây là chỗ tuyệt diệu trong bản chú giải này. Tự tánh giác là Phật, “Phật” là tiếng Phạn dịch âm, dịch sang chữ Hán là Giác. Mỗi cá nhân chúng ta cũng đều có giác, có ai chẳng giác? Đều giác. Vì sao không gọi là Phật? Vì quý vị chưa phải là tự tánh giác. Nếu quý vị là tự tánh giác, sẽ được gọi là Phật. Cái giác hiện thời của quý vị là gì? Giác của quý vị trong hiện tại là vọng tâm giác, chẳng là chân tâm, mà là vọng tâm! Suốt ngày từ sáng đến tối khởi vọng tưởng, tưởng Đông, nghĩ Tây, đó là tâm vọng tưởng, tâm ấy cũng đang giác, nhưng những gì tâm ấy giác đều là “thác giác” (giác sai lầm), chẳng phải là chân giác. Vì sao? Vì chẳng phải là chân tâm, làm sao quý vị chân giác cho được? Quý vị dùng vọng tâm, [nên sự giác ngộ của quý vị là] vọng tâm giác, đó là thác giác, chẳng phải là chân giác. Do vậy, nếu quý vị giác ngộ bằng chân tâm, sẽ gọi là Phật; nếu giác ngộ bằng vọng tâm, sẽ chẳng gọi là Phật.
Trong kinh Kim Cang có một câu, ý nói: Chúng ta học Phật, nếu cầu từ sắc tướng và âm thanh của Phật, sắc tướng là gì? Là oai nghi. Đức Phật ngồi thì ngồi như thế nào? Đứng thì đứng ra sao? Ngủ như thế nào? Bốn oai nghi “đi, đứng, nằm, ngồi” là sắc tướng. Cầu từ âm thanh, âm thanh là đức Phật thuyết pháp, quý vị nghe, chiếu theo lời Phật nói để cầu. Đức Phật bảo: “Thị nhân hành tà đạo” (người ấy hành tà đạo). Y giáo phụng hành, cớ sao vẫn là tà đạo? Quý vị phải hiểu: Sắc tướng và âm thanh của Phật đều nhằm dạy chúng ta phải phát tự tánh giác, chứ không phải là bảo chúng ta học [rập khuôn] dáng vẻ đức Phật, mà là nhìn vào hình dáng, nghe pháp ngữ của Ngài, bèn khơi mở tự tánh giác của chúng ta, đức Phật nhắm tới mục đích ấy, chẳng muốn chúng ta học theo dáng vẻ và cách ăn nói của Ngài.
Trong thuở ấy, [lời giảng ấy] quả thật rất khó hiểu, hiện thời dễ hiểu hơn. Vì sao nói hiện thời dễ hiểu hơn? Nay chúng ta đã cách Phật ba ngàn năm, hình thái ý thức và cách sống của chúng ta hoàn toàn khác [thời] Phật. Nếu chúng ta vẫn học theo dáng vẻ, âm thanh của Ngài, đúng là quý vị lội ngược dòng, lạc hậu trong xã hội này, không thể thực hiện được! Do vậy, Phật pháp bảo quý vị cầu tự tánh giác. Nếu quý vị thật sự giác ngộ tự tánh, Phật pháp là sống động, chẳng chết cứng, mà sống động, hoạt bát. Phật pháp là gì? Phật pháp là cuộc sống hiện thực, là xử sự, đãi người, tiếp vật trong cuộc sống, giác chứ không mê, đó là Phật pháp. Vì vậy, chẳng cần phải làm ra vẻ kiểu cọ gì, chẳng phải vậy! [Nếu làm như vậy] sẽ là chết cứng trong Phật pháp. Vì thế, đức Phật nói: “Kẻ ấy hành tà đạo”. Vì sao? Thấy Thích Ca Mâu Ni thành Phật, chính mình biến thành ma! Phật dạy chúng ta hãy tự mình thành Phật, đừng biến chính mình thành ma, có ý nghĩa này. Vì thế, câu kinh Kim Cang ấy có ý nghĩa rất sâu.
Quý vị thấy Phật giáo truyền đến Trung Quốc, lập tức liền bị Hán hóa. Ở Ấn Độ, ba y, một bát, mỗi ngày ăn một bữa Ngọ, ngủ dưới gốc cây. Truyền đến Trung Quốc, hoàng đế Trung Hoa cúng dường cung điện, hoặc nơi cư ngụ rất tốt đẹp, các tăng sĩ chẳng cần phải ra ngoài ngủ nơi trống trải. Mỗi ngày đều được cúng dường chu đáo, chẳng cần ra ngoài khất thực. Lại còn được cúng dường y phục rất tốt, ăn uống, quần áo, chỗ ở, cuộc sống toàn bộ đều được Hán hóa. Do vậy, hiện thời còn có những người học Phật, nhất định phải mặc theo kiểu y phục Tiểu Thừa đắp y. Nếu quý vị thật sự muốn học, hiện thời học điều gì? Học theo người xuất gia ở Thái Lan, chứ đâu phải là [học theo] Phật. Vì sao? Vì Phật chỉ có ba y, quý vị còn mặc quần lót, quý vị chẳng [ăn mặc giống như] Phật, ngay cả quần lót cũng không mặc. Đức Phật khất thực, giữa trưa ăn một bữa, hiện thời quý vị ăn ba bữa, chưa học được! Thuở ấy, đức Phật và các đệ tử ngồi xếp bằng dưới gốc cây, chẳng có nhà để ở, nay quý vị còn có nhà để ở, quý vị vẫn chưa học được! Quý vị thấy đó: Học chẳng giống, chẳng ra thể thống gì, chẳng gọi là “hành tà đạo” thì gọi là gì?
Những người đó nghe nói như vậy, nhất định sẽ phản đối, nói tôi chửi họ, nói tôi chẳng tuân thủ giáo huấn của Phật, lại còn chửi rủa họ! Chính bọn họ tưởng đó là Phật pháp thì trật mất rồi! Bởi lẽ, Phật pháp thuộc thời đại nào, nhất định sẽ hoàn toàn tương đồng với thời đại ấy. Ở nơi nào hay thuộc quốc gia nào, nhất định cũng sẽ hoàn toàn tương đồng với phong tục, tập quán nơi đó, mọi người mới vui vẻ, mới hoan hỷ tiếp nhận. Do vậy, Phật giáo truyền đến Trung Quốc dường như là bị Hán hóa, nhưng thật ra, đó là gì? Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Mọi người nhất định phải hiểu rõ đạo lý này, chớ nên chết cứng trong Phật pháp, đừng học chết cứng, mà phải phát khởi tự tánh giác. Đây là
một chút ý nghĩa.
“Tự tánh giác vô lượng là ý nghĩa của A Di Đà”, A là Vô, Di Đà là Lượng, Phật là Giác, dịch toàn bộ danh hiệu ấy sang tiếng Hán sẽ là Vô Lượng Giác. Giác tánh của chúng ta là một, giác tánh khởi tác dụng vô lượng vô biên. Vô lượng vô biên tác dụng là A Di Đà. Quý vị phải nhớ kỹ điều này! Giác tánh là gì? Rất khó giảng! Giác tánh là như thế nào? Nếu giảng [giác tánh] là như thế nào, có lẽ cũng có thể hiểu được đôi chút. Lục Tổ đã nói ra hình dáng của tự tánh. Lục Tổ đã trình bày rõ hình trạng của tự tánh giác, Ngài nói: “Vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần”, đó là hình trạng của giác tánh. Vì thế, giác tánh chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước. Quý vị có phân biệt, có chấp trước, sẽ là bất giác, là mê! Không chỉ chẳng có phân biệt, chấp trước, mà tâm địa thanh sạch, chắc chắn không lưu giữ ấn tượng. Đó là giác thật sự. Chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, không ghi ấn tượng, tâm thanh tịnh lắm! Tâm ấy rộng lớn không ngằn mé! Tâm có phân biệt sẽ có giới hạn, hễ có chấp trước, tâm lượng bèn hẹp hòi, có lớn và nhỏ. Vô phân biệt, vô chấp trước, không ghi ấn tượng chính là trạng huống của giác!
Khởi tác dụng, có phân biệt, có chấp trước, nhưng không giữ lại ấn tượng. Vì sao có phân biệt? Vì chúng sanh có phân biệt! Thuận theo chúng sanh mà phân biệt, chính mình chẳng có phân biệt; thuận theo chúng sanh chấp trước mà chấp trước, chính mình chẳng chấp trước. Vì thế, người ấy chấp trước mà chẳng chấp trước, phân biệt nhưng không phân biệt. Trong Đàn Kinh, thiền sư Hoài Nhượng và Lục Tổ hỏi đáp. Khi câu trả lời của Hoài Nhượng có lời biện bác, Lục Tổ nói: “Có phải là ngươi có phân biệt hay chăng?” Hoài Nhượng đáp rất hay: “Phân biệt cũng chẳng phải là Ý”, [nghĩa là: Lời đáp mang tính chất phân biệt ấy] chẳng thuộc vào tâm ý thức. Đó chính là tùy thuận Ngài phân biệt mà tôi phân biệt, chẳng phải là trong tâm tôi thật sự có phân biệt. Lục Tổ bèn ấn chứng, ấn khả. Chẳng phải là chính mình thật sự có phân biệt, chẳng phải là chính mình thật sự có chấp trước, đối với chính mình thì phân biệt lẫn chấp trước thảy đều không có! Do tùy thuận chúng sanh mà phân biệt, tùy thuận chúng sanh mà chấp trước, nhưng tâm địa người ấy thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. Đấy là trạng huống của tự tánh. Điều này không dễ gì làm được, đấy là công phu thật sự.
“Tự tánh Bổn Thỉ nhị giác, thị lưỡng độ quả nhân nghĩa” (Bổn Giác và Thỉ Giác trong tự tánh là nghĩa của vị chứng quả trong hai cõi). Bổn Giác là đối với Thỉ Giác mà nói. Thỉ Giác và Bổn Giác tương đồng, đó là quý vị bắt đầu giác ngộ. Do vậy, quý vị phải biết: Công đức niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn, bất luận pháp môn nào chẳng thể sánh bằng công phu niệm Phật! Ví dụ như tham Thiền, học Mật, học Chú, chắc chắn chẳng bằng niệm Phật, vì sao? Chúng ta niệm một câu A Di Đà Phật, cái tâm năng niệm là Thỉ Giác, một câu Phật hiệu được niệm là Bổn Giác, Thỉ, Bổn tương ứng, Thỉ, Bổn chẳng hai. Thỉ Giác hợp với Bổn Giác, “nhất niệm tương ứng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”, dùng cách niệm này để đồng thời đoạn Kiến Tư, Trần Sa, Vô Minh phiền não. Quý vị nói pháp môn nào có thể đồng thời đoạn ba thứ phiền não ấy? Không thể nào! Các pháp môn thông thường đều là trước hết phải đoạn Kiến Tư, rồi đoạn Trần Sa, cuối cùng phá Vô Minh, chúng chia thành tầng lớp, chẳng thể đồng thời; chỉ riêng pháp môn Niệm Phật là đồng thời. Chư vị hãy suy nghĩ, nếu chẳng đồng thời, vì sao vừa vãng sanh liền được viên chứng ba thứ Bất Thoái? Nói theo Lý chẳng xuôi! Đấy là vì khi niệm Phật, chúng là đồng thời, Thỉ Giác hợp với Bổn Giác, Thỉ và Bổn chẳng hai. Do vậy, một câu Phật hiệu này đồng thời đoạn Kiến Tư phiền não, phá Trần Sa phiền não, phá căn bản vô minh. Những chỗ hay của pháp môn này đúng là nói chẳng tận, nhưng người biết tới quá ư là ít.
Vì thế, pháp môn này thù thắng chẳng còn phải tranh cãi nữa, mười phương chư Phật tán thán là có lý, chẳng phải là tùy tiện tán thán. Quý vị thấy các kinh khác có được mười phương chư Phật tán thán hay không? Không có, tìm không ra! Chỉ có bộ kinh này được mười phương hết thảy chư Phật tán thán. Do vậy, bình thường chính chúng ta niệm nhưng chẳng biết đến công phu này. Nói thật ra, chính quý vị là người niệm Phật nhưng niệm cũng chẳng đúng pháp, tuy niệm nhưng công phu chẳng đắc lực. Quý vị thật sự đắc lực thì pháp Niệm Phật thật sự hữu hiệu, phiền não nhất định mỗi ngày một nhẹ hơn, vô minh nhất định mỗi ngày một giảm ít, giác tánh bèn thấu lộ. Tới lúc mạng chung, Phật đến tiếp dẫn quý vị, Phật quang chiếu soi, Phật lực gia trì, khi ấy, quý vị sẽ đắc nhất tâm bất loạn. Do vậy, hễ vãng sanh bèn viên chứng ba thứ Bất Thoái, đạo lý là như thế đó!
Vì thế, pháp này mới gọi là pháp môn Nhị Lực, nhưng chính chúng ta làm phân nửa, đến khi ấy, Phật lực sẽ gia bị được! Pháp môn thù thắng như vậy, phải cực lực tuyên dương. Do tuyên dương, một chúng sanh tin tưởng thì chúng sanh ấy được thành Phật. Không chỉ là đắc độ, người ấy còn thành Phật! Hai người tin tưởng, hai người thành Phật. Thật sự tin tưởng, đó là đại thiện căn, đại phước báo, kinh dạy: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên đắc sanh bỉ quốc” (chẳng thể do chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy). Chúng ta có thể tạo nhân duyên cho chúng sanh, tức là giới thiệu sự thù thắng và công đức lợi ích của pháp môn này với người khác, giảng giải cho người khác nghe. Kẻ ấy tin tưởng, tức là người ấy có đại thiện căn, có đại phước đức. Nếu kẻ ấy không tin, tức là chẳng có thiện căn, chẳng có phước đức. Tuy thiếu thiện căn, phước đức, nhưng “nhất lịch nhĩ căn, vĩnh vi đạo chủng” (một phen thoảng qua tai, vĩnh viễn là hạt giống đạo), đã gieo một chủng tử, tuy chưa thể thành tựu trong đời này, trong tương lai vẫn còn có thể thành tựu! Có thể thực hiện tốt đẹp chuyện này tức là báo đền ân Phật.
“Tự tánh giác thể biến chiếu, thị thuyết kinh nghĩa” (Giác thể trong tự tánh chiếu trọn khắp là ý nghĩa của việc “nói kinh”), chúng sanh mê mà chẳng giác, vì vậy, đức Phật đến khai thị cho họ, làm cho họ giác ngộ. Có thể khiến cho hết thảy chúng sanh giác ngộ chính là mục đích của việc nói kinh. “Giác thể biến chiếu” cũng là ý nghĩa của việc “thuyết kinh”. Nói đơn giản, “biến chiếu” là đối với hết thảy người, hết thảy sự, hết thảy vật, hết thảy thời gian và không gian, không có gì chẳng rõ ràng, không có gì chẳng hiểu rõ, đấy là “biến chiếu”. Quyết định chẳng mê, biết rõ ràng, rành rẽ, biết được chính mình phải nên xử lý như thế nào, biết chính mình phải nên dùng phương thức gì, làm với thái độ gì, tuy không nói kinh mà cũng giống như nói kinh. Quý vị giác mà chẳng mê. Những kẻ khác có thiện căn và phước đức sâu dầy ra, do thấy quý vị đãi người tiếp vật với thái độ như thế, sự giác ngộ của họ được dẫn khởi, chúng ta gọi đó là “thân giáo”. Thân giáo và ngôn giáo thảy đều phải trọn đủ, đương nhiên tâm quý vị thanh tịnh, đấy là ý giáo, [tức là] trong tâm đã thuyết kinh, miệng chẳng thuyết kinh, nhưng tâm đã thuyết kinh, chẳng lúc nào, không chỗ nào chẳng nói kinh, mang ý nghĩa này! Đấy là ý nghĩa “biến chiếu”. Hôm nay đã hết thời gian rồi,
chúng tôi giảng tới chỗ này!
[1] Công Dương Truyện do Công Dương Cao, người nước Tề, biên soạn. Ông này là một đệ tử của Tử Hạ. Tử Hạ là một đệ tử trứ danh của Khổng Tử, có tên thật là Bốc Thương, quê ở Ôn Ấp, nước Tấn. Tử Hạ được xếp vào Thập Triết, tức mười đại học giả của Khổng Giáo. Thông thường, người ta coi Công Dương Truyện là những ghi chép của Công Dương Cao đối với lời dạy của Tử Hạ về kinh Xuân Thu.
Cốc Lương Truyện do Cốc Lương Tử, ông này cũng ghi chép những lời dạy của Tử Hạ về kinh Xuân Thu mà viết thành sách này. Nhận định về ba tác phẩm chú giải này, Trịnh Huyền nhận xét: “Tả Thị giỏi về Lễ, Công Dương giỏi về Sấm (dự đoán), Cốc Lương giỏi về Kinh”. Phạm Ninh cho rằng Tả Truyện phong phú nhưng có khuyết điểm chứa nhiều chuyện huyền hoặc, Cốc Lương Truyện trong sáng nhưng quá ngắn gọn, còn Công Dương Truyện có quá nhiều biện luận, phán đoán, và cách hành văn quá thông tục, thiếu tao nhã.