#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 243
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm bảy mươi mốt:
(Sao) Sở vị vô sanh vô diệt, tất cánh không tướng, tập như thị Quán, Ngũ Dục tự đoạn, Ngũ Cái tự trừ, Ngũ Căn tăng trưởng, tức đắc Thiền Định.
(鈔)所謂無生無滅,畢竟空相,習如是觀,五欲自斷,五蓋自除,五根增長,即得禪定。
(Sao: Đó gọi là “vô sanh vô diệt”, tướng rốt ráo là Không. Tu tập pháp Quán như thế, Ngũ Dục tự đoạn, Ngũ Cái tự trừ, Ngũ Căn tăng
trưởng, liền đắc Thiền Định).
Đoạn văn này trích từ kinh Pháp Hoa Tam Muội Quán. [Dùng câu] “vô sanh vô diệt, tất cánh không tướng” (chẳng sanh, chẳng diệt, tướng Không rốt ráo) để giải thích “nhất tướng, nhất môn” được nói trong phần trước. Cách nói này rất phổ biến trong hết thảy các kinh giáo Đại Thừa, nhất là kinh luận [thuộc hệ thống] Bát Nhã đã nói nhiều nhất, mà cũng là nói tỉ mỉ nhất. Có thể nói là bộ kinh Đại Bát Nhã gồm sáu trăm quyển nhằm giảng rõ chân tướng sự thật này. Chân tướng sự thật là hết thảy các pháp bất sanh bất diệt. “Không” chẳng có nghĩa là do “không có tướng” cho nên gọi là Không; chẳng phải vậy, [mà là] “đương thể tức không” (chính cái bản thể của nó là Không), cảnh giới này rất sâu, rất cao. “Tập như thị Quán” (Tu tập pháp Quán như thế), thường có thể quán tưởng như thế. “Quán như thế” thì kinh Kim Cang Bát Nhã quen thuộc nhất đối với mọi người. Các kinh thuộc hệ thống Bát Nhã rất nhiều; trong đó, quen thuộc nhất đối với chúng ta là kinh Kim Cang Bát Nhã và Bát Nhã Tâm Kinh. Hai loại này thật sự là tinh hoa và cương yếu của Bát Nhã. Kinh Kim Cang dạy chúng ta: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, cũng như chớp, hãy nên quán như thế”. Đó là “tập như thị Quán” (tu tập pháp Quán như thế). Đức Phật đã dùng sáu chuyện ấy (mộng, huyễn, bọt, bóng, sương, chớp) để tỷ dụ hết thảy vạn pháp:
1) “Mộng” (夢): Phàm phu đều có thể nằm mộng. Thời gian nằm mộng rất ngắn ngủi. Sau khi tỉnh giấc, biết mộng là rỗng tuếch! Chẳng biết một đời người của chúng ta tuy là mấy chục năm nóng lạnh, nhưng trong khoảng thời gian và không gian vô tận, xác thực là ngắn ngủi như cảnh trong mộng! Quý vị thường tưởng như vậy, đó là sự thật, trọn chẳng phải là hư cấu.
2) Chúng ta thường nói “huyễn” (幻) là làm trò ảo thuật. Ảo thuật được gọi là “huyễn thuật”, đương nhiên là giả, chẳng thật! Nhưng thủ pháp (kỹ xảo, tay nghề) của người ấy (người làm ảo thuật) rất cao minh; tuy giả, quý vị chẳng thể nhận biết, ngỡ nó là thật, thật ra là giả.
3) “Bào” (泡) là bọt nước, giống như [bong bóng] xà phòng. Trẻ nhỏ thổi bóng xà phòng, thời gian [chúng tồn tại] rất ngắn, [trong khoảnh khắc] bèn vỡ tan.
4) “Ảnh” (影) là hình bóng.
5) “Lộ” (露) là sương sớm, mặt trời vừa mọc bèn chẳng còn!
6) “Điện” (電) là tia chớp.
Sáu thứ ấy đều có thời gian tồn tại rất ngắn, tỷ dụ những gì hư huyễn, chẳng thật!
Nếu quý vị có thể thường học tập và quan sát như vậy, dùng tiêu chuẩn này để quan sát hết thảy vạn pháp trong vũ trụ và nhân sinh, tự nhiên đoạn được Ngũ Dục. Ngũ Dục là tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê; tự nhiên sẽ chẳng khởi tâm tham luyến đối với những thứ ấy. Vì sao? Hiểu chúng là giả, chẳng thật, sẽ có thể buông xuống. Đức Phật nói “chúng sanh mê” là mê những gì? Ngỡ thật là giả, coi giả là thật, hoàn toàn là điên đảo, nên gọi là “điên đảo vọng tưởng”. Hết thảy vạn pháp trong thế gian vô thường, giả trất, chúng ta ngỡ chúng nó là thật. Thường trụ chân tâm, bất sanh, bất diệt, đó là thật; trong kinh, đức Phật thường dạy như thế, chúng ta khăng khăng nghĩ nó là giả, chẳng lưu ý đến nó, đó là điên đảo. Đối với chân, vọng, tà, chánh, thị, phi, thiện, ác đều điên đảo! Đã hiểu rõ chân tướng sự thật, sẽ tự nhiên đoạn được ý niệm tham luyến đối với ngũ dục lục trần. Chư vị phải biết “Ngũ Dục chi đoạn” (đoạn Ngũ Dục) chẳng phải là không có Ngũ Dục! Ngũ Dục chẳng gây trở ngại, cái gây trở ngại chính là tâm tham luyến Ngũ Dục! Phải đoạn cái tâm ấy, phải hiểu rõ đạo lý này! “Ngũ Cái tự trừ”, Ngũ Cái (五蓋) là tham, sân, si, ngủ nghê, điệu hối (掉悔: trạo hối, tức tâm lao chao, hay hối hận), năm thứ ấy. Tham, sân, si là Tam Độc phiền não, [cùng với] ngủ nghê và điệu hối đều có thể che lấp bản tánh, khiến cho tâm tánh của chúng ta chẳng thể thấu lộ. Do vậy, chúng được gọi là Ngũ Cái (năm thứ che đậy). Ngũ Cái cũng mang ý nghĩa phiền não. Ngủ nghê là hôn trầm, tinh thần chẳng thể phấn chấn. “Điệu” (掉) là điệu cử (掉舉: lao chao), “điệu cử” có nghĩa là tâm chẳng thể định, trong tâm quá nhiều vọng tưởng, quá nhiều ý niệm. Đặc biệt là khi chúng ta tĩnh tọa, hoặc lúc chỉ tĩnh trong khi niệm Phật, vọng niệm trong tâm đặc biệt nhiều. Đó là “điệu cử”. “Hối” (悔) là nghi hối (疑悔: nghi ngờ, hối hận). Thường là kẻ làm chuyện gì, hoặc là tu hành, học theo pháp môn này, thấy pháp môn của kẻ khác bèn có lòng hối hận [sao ta chẳng học pháp môn ấy, sao lại tu tập pháp môn này]. Hậu hối (hối hận) thuộc loại hoài nghi, chúng ta thường nói là “nghi hối”, thảy đều là chướng ngại, chướng ngại cái tâm thanh tịnh của quý vị, khiến cho tâm chẳng thanh tịnh. Nói theo pháp Niệm Phật, thì là: Chẳng thể thành tựu Niệm Phật tam-muội, bị nó (nghi hối) chướng ngại. Nếu chúng ta thật sự có thể thấy thấu suốt những phiền não ấy, sẽ tự nhiên buông xuống, Ngũ Cái tự trừ. “Ngũ Căn tăng trưởng”: Ngũ Căn là Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ. Đã đắc Thiền Định, Thiền Định ấy chính là Pháp Hoa tam-muội.
(Sao) Thích viết: Nhất xưng thành Phật giả, quy mạng nhất tâm, vô bất thành Phật.
(鈔)釋曰:一稱成佛者,歸命一心,無不成佛。
(Sao: Giải thích rằng: “Vừa xưng bèn thành Phật” chính là quy mạng nhất tâm, chẳng có ai không thành Phật).
“Thích viết” (釋曰) là giải thích. Kinh nói: “Nhất xưng nam-mô Phật, giai đương tác Phật” (Vừa xưng nam-mô Phật, đều sẽ thành Phật), đạo lý ở chỗ nào? Ở đây, đã nói rõ: Đạo lý là “quy mạng nhất tâm”. Nhất tâm là bản tánh, là chân tâm. Nhà Thiền nói “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, chính là đạo lý như thế đó. Vì thế, tám vạn bốn ngàn pháp môn, môn nào cũng đều có thể thành tựu Phật đạo. Nói cách khác, mục đích cuối cùng của pháp môn nào cũng đều là minh tâm kiến tánh. Không chỉ Thiền Tông là như thế, mà các pháp môn khác cũng chẳng có ngoại lệ. Tịnh Độ Tông cũng chẳng phải là ngoại lệ. Lý nhất tâm bất loạn được nói trong Tịnh Độ Tông chính là minh tâm kiến tánh. Nói cách khác, danh từ khác nhau, cảnh giới thực tế giống hệt! Điểm thù thắng của Tịnh Tông là trực tiếp tu nhất tâm. Thiền Tông cũng thù thắng, Thiền Tông cũng là trực tiếp tu nhất tâm, nhưng nó sử dụng phương pháp khác với Tịnh Tông. Thiền sử dụng phương pháp trực tiếp là quán tâm, hoặc tham thoại đầu. Nhất là quán tâm, đích xác là trực tiếp; nhưng kẻ căn tánh trung hạ chẳng dùng được. Kẻ căn tánh trung hạ vọng tưởng quá nhiều, phiền não quá nặng, quán chẳng thành công, gặp chướng ngại. Do có Ngũ Cái chướng ngại quý vị, quý vị chẳng thể thành tựu. So giữa pháp môn Tịnh Tông và pháp môn Thiền Tông, nói thật ra, [Tịnh Tông] cũng là trực tiếp, nhưng phương cách thù thắng hơn Thiền Tông, thù thắng ở chỗ nào? Chúng ta lấy ngay Như Lai quả địa, thường gọi là “quả địa giác” (sự giác ngộ khi đã chứng quả), một câu A Di Đà Phật chính là sự chánh giác được thành tựu nơi quả địa Như Lai, chúng ta dùng ngay điều này làm “nhân địa tâm” (cái tâm trong khi tu nhân), cho nên thù thắng! Tu trực tiếp từ nơi quả, chẳng như các pháp môn khác tu nhân để chứng quả, tức là từ nhân đạt đến quả. Chúng ta tu tập ngay nơi quả, trực tiếp tu từ nơi quả, nhất định phải nhận thức rõ ràng điều này! Khá nhiều kẻ do chẳng hiểu rõ nên có lắm ý kiến, lắm nỗi hiểu lầm, lắm điều hoài nghi, khiến cho pháp môn thù thắng này ngay trước mặt mà bỏ lỡ, thật đáng tiếc quá! Kinh Di Đà dạy chúng ta “nhất tâm bất loạn”, cả một đoạn văn rất dài này nhằm giải thích một câu “nhất tâm bất loạn”, chiếm đến một phần tám của cả bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư. Nguyên lai bộ kinh này là sách được khâu gáy bằng chỉ gồm bốn quyển, chỉ riêng phần giảng về “nhất tâm bất loạn” đã chiếm hết nửa quyển. Do vậy, đối với phân lượng như vậy, quý vị nghĩ xem: Nó chiếm một tỷ lệ khá lớn. Nói cách khác, câu “nhất tâm bất loạn” trong kinh Di Đà hết sức quan trọng. Chúng ta dùng phương pháp “tín nguyện trì danh” [để đạt đến] mục tiêu “quy mạng nhất tâm”. Đắc nhất tâm bèn thành Phật, đạo lý là như thế đó!
(Sao) Dĩ ly tự tâm nhất tướng nhất môn ngoại, cánh vô hữu pháp khả tác quy y.
(鈔)以離自心一相一門外,更無有法可作皈依。
(Sao: Bởi lìa ngoài “nhất tướng, nhất môn” nơi tự tâm ra, chẳng có pháp nào khác để có thể quy y).
Chúng ta phải nhớ kỹ câu này. Trong tu học Phật pháp, có một câu thường nói rất hay: “Pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp”. Đó là thật, chẳng giả! Nhưng trong tu học, nhất định phải thâm nhập một môn. Vì sao? Nhất môn nhất tướng sẽ dễ đắc nhất tâm. Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát nói rất hay: “Niệm Phật kỵ nhất là xen tạp”. Chúng ta hỏi: Tham Thiền kỵ nhất điều gì? Cũng là xen tạp! Tu Chỉ Quán kỵ nhất vẫn là xen tạp. Cũng thế, đối với tám vạn bốn ngàn pháp môn, quý vị phải tu sao cho hễ tu một pháp môn bèn chuyên ròng nơi pháp môn ấy, chẳng thể xen tạp pháp môn khác. Nếu quý vị hỏi vì sao ư? Vì xen tạp pháp môn khác, sẽ chẳng phải là “nhất môn, nhất tướng”, muốn đắc nhất tâm khó lắm!
Nếu hành theo pháp môn Thiền thì phải chuyên tâm nơi Thiền. Tông phái trong Giáo Hạ rất nhiều, học Hiền Thủ bèn chuyên tâm nơi Hoa Nghiêm, học Thiên Thai bèn chuyên tâm nơi Pháp Hoa, thảy đều có thể khai ngộ, đều có thể minh tâm kiến tánh, chớ nên học tràn lan quá nhiều! Học tràn lan quá nhiều, sẽ biến thành Phật học thường thức, nay chúng ta gọi [kẻ như vậy] là nhà Phật học. Nhà Phật học chẳng thể thành Phật, vẫn phải luân hồi trong lục đạo, chớ nên không biết điều này! “Ly tự tâm nhất tướng nhất môn ngoại” (Lìa ngoài nhất tướng nhất môn nơi tự tâm ra), chẳng có chỗ để quy y! Chúng ta học Phật bèn từ Tam Quy để nhập môn. Tam Quy phải quy nhất thì quý vị mới có thể thành tựu.
(Sao) Tất cánh không tịch, như thị quán giả, Ngũ Dục tự đoạn, nãi chí Lục Độ, vạn hạnh, tất giai thành tựu.
(鈔)畢竟空寂,如是觀者,五欲自斷。乃至六度萬行,悉皆成就。
(Sao: Rốt ráo không tịch, quán như thế thì Ngũ Dục tự đoạn, cho đến lục độ, vạn hạnh thảy đều thành tựu).
Thường có thể quán như thế, phép Quán ấy là trí huệ, là học vấn, chúng ta thường nói là “thấy thấu suốt”. Quán như thế là thấy thấu suốt. Dùng kinh Kim Cang [để giải thích] thì sẽ hết sức dễ hiểu: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, quý vị thật sự thấy thấu suốt. Đã thấy thấu suốt, quý vị sẽ chẳng chấp trước, đoạn trừ Ngũ Dục và Ngũ Cái rất dễ dàng!
(Sao) Như thượng sở thuyết, phi Lý nhất tâm nhi hà?
(鈔)如上所說,非理一心而何。
(Sao: Những điều vừa nói trên đây nếu chẳng phải là Lý nhất tâm thì sẽ là gì vậy?)
Nói theo Pháp Hoa Tam Muội Quán Kinh, cảnh giới ấy xác thực là Lý nhất tâm, chẳng phải là Sự nhất tâm, cảnh giới ấy hết sức cao. Sự nhất tâm là đắc Thiền Định, Lý nhất tâm là khai trí huệ. Chỉ có trí huệ thì mới có thể chiếu tan vô minh phiền não, khiến nó chẳng còn nữa!
(Sao) Hựu Phật Danh kinh vân: “Nhất văn Phật danh, diệt vô lượng kiếp sanh tử chi tội”. “Nhất văn” tắc bất đãi xưng niệm, “vô lượng” tắc bất chỉ bát thập ức kiếp.
(鈔)又佛名經云:一聞佛名,滅無量劫生死之罪。一聞則不待稱念,無量則不止八十億劫。
(Sao: Kinh Phật Danh lại nói: “Vừa nghe danh hiệu Phật bèn diệt tội trong vô lượng kiếp sanh tử”. Chỉ là nghe, chưa đợi tới lúc xưng niệm, [kinh nói] “vô lượng” tức là [do nghe danh hiệu, sẽ diệt tội] không chỉ là tám mươi ức kiếp).
Trong Quán Kinh có nói: “Xưng danh hiệu A Di Đà Phật một lượt, diệt trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử”. Trong phần trên đã có nói, [xưng niệm bằng] Lý nhất tâm thì mới có hiệu quả ấy. Nay chúng ta niệm A Di Đà Phật chẳng có hiệu quả ấy! Chẳng cần nói là tám mươi ức kiếp, niệm một vạn tiếng cũng chẳng thể diệt tội trong một ức kiếp! Đó là chân lý, vì sao? Tâm chẳng thanh tịnh; do vậy, chẳng tương ứng. Kinh Phật Danh nói: “Nhất văn Phật danh”, [nghĩa là] còn chưa niệm, chỉ nghe danh hiệu của một vị Phật. Toàn thể kinh Phật Danh đều là danh hiệu Phật, tổng cộng gồm một vạn hai ngàn mấy danh hiệu các vị Phật. Quý vị nghe danh hiệu của một vị Phật bèn diệt tội trong vô lượng kiếp sanh tử, còn chưa niệm, chỉ nghe đôi chút! Do đó, vào dịp Tết, trong các đạo tràng người ta đều lạy Vạn Phật Sám, nghe [danh hiệu] của một vị Phật bèn diệt tội trong vô lượng kiếp sanh tử; nghe [danh hiệu của] một vạn hai ngàn mấy vị Phật sẽ diệt tội hằng sa! Đạo tràng nhỏ này của chúng ta hằng năm chọn Thiên Phật Sám, gồm ba ngàn danh hiệu Phật, tức là một ngàn vị Phật trong quá khứ, một ngàn vị Phật trong hiện tại, một ngàn vị Phật trong vị lai. Nghe danh hiệu của một vị Phật sẽ diệt tội trong vô lượng kiếp sanh tử, kinh nói như vậy có đáng tin hay không? Nếu tương ứng, chắc chắn là đáng tin cậy, đó là sự thật. Chẳng tương ứng thì không được. Chúng ta xem lời giải thích dưới đây của Liên Trì đại sư sẽ hiểu ngay!
(Sao) Nhân di ước nhi quả di quảng.
(鈔)因彌約而果彌廣。
(Sao: Nhân quá đơn giản, mà quả quá rộng lớn).
“Ước” (約) là đơn giản. “Nhân” quá đơn giản, nghe một câu danh hiệu Phật, niệm một câu danh hiệu Phật, cái nhân này quá đơn giản! “Quả di quảng”, nghĩa là chẳng ngờ quả rộng lớn dường ấy!
(Sao) Phi Lý nhất tâm, an đắc trí thử.
(鈔)非理一心,安得致此。
(Sao: Chẳng phải là Lý nhất tâm thì làm sao đạt đến như vậy được?)
Nói lời chân thật! Nếu quý vị chẳng phải là Lý nhất tâm, dẫu nghe danh hiệu Phật, hoặc niệm danh hiệu Phật cũng đều chẳng thể diệt tội, phải biết điều này. Do đó, điều then chốt là nhất tâm. Nay chúng ta niệm Phật, chính là loạn tâm niệm Phật. Loạn tâm niệm Phật, có lợi ích gì chăng? Gieo chủng tử Phật vào A Lại Da Thức. Đời này gặp quả báo gì, vẫn phải hứng chịu quả báo ấy, quyết định là chẳng tránh được, sanh tử luân hồi quyết định chẳng tránh khỏi. Vì sao? Quý vị chẳng đắc nhất tâm.
(Sao) Đản hoạn tâm chi bất nhất, hà lự tội chi bất diệt!
(鈔)但患心之不一,何慮罪之不滅。
(Sao: Chỉ lo chẳng nhất tâm, lo chi tội chẳng diệt!)
Sau khi đã nói toạc chân tướng sự thật này, trong câu cuối cùng này, Liên Trì đại sư đã khích lệ chúng ta, rất khẩn yếu: Nay chúng ta sợ là sợ chẳng nhất tâm, chẳng sợ tội không diệt. Hễ nhất tâm, tội liền diệt. Đạo lý này chẳng khó hiểu. Nếu chư vị cẩn thận quan sát sự thật, sẽ rất dễ dàng phát hiện! Chúng tôi nêu một thí dụ đơn giản nhất: Người tâm địa thanh tịnh, vẻ mặt thường lộ vẻ tươi cười. Người tâm địa thanh tịnh chẳng dễ gì suy lão. Người tâm địa thanh tịnh chẳng dễ mắc bệnh. Có thể thấy quả báo ở mức độ nông cạn, dễ thấy đó. Do vậy có thể biết: Tâm càng thanh tịnh, cảnh giới càng tốt đẹp. Thanh tịnh đến tột bậc bèn thành Phật. Vì thế có thể biết: Thành Phật là tiêu diệt sạch sành sanh tội nghiệp! Từ đây, chúng ta có được một kết luận: Tâm thanh tịnh một phần bèn diệt tội một phần, tâm thanh tịnh hai phần bèn diệt tội hai phần. Đạo lý là như vậy đó. Nghe danh hiệu Phật, xưng danh hiệu Phật, diệt tội hằng sa, đó là tâm thanh tịnh đã đạt đến mức độ kha khá thì mới có công lực ấy. Bậc Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, chân tâm hiển lộ. Chân tâm là tâm thanh tịnh, tuy mới lộ chút ít, chút ít ấy chính là chân tâm, chẳng phải là vọng tâm. Vọng tâm có giới hạn, có phân biệt, có chấp trước, có phạm vi. Chân tâm chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, chẳng có phạm vi. Do đó, nó có hiệu quả diệt tội to tát. Nay phạm vi diệt tội của chúng ta rất bé. Vì sao? Tâm lượng của quý vị rất nhỏ hẹp, đó là chân tướng sự thật. Do vậy, tâm quý vị càng lớn, diệt tội càng nhiều; tâm lượng càng bé, diệt tội cũng ít đi. Do chân tâm và vọng tâm chẳng giống nhau, hiệu quả và tác dụng của chúng cũng chẳng giống nhau!
(Sớ) Cố tri cổ nhân tri kiến bất phổ chi luận, nãi chí định tâm chuyên tâm chi biện, lương diêu thả tựu Sự chi nhất tâm, phi Lý nhất cố.
(疏)故知古人知見不普之論,乃至定心專心之辨,良繇且就事之一心,非理一故。
(Sớ: Vì thế biết là cổ nhân có lời luận định [những kẻ cầu sanh Tịnh Độ] là do tri kiến chẳng trọn khắp, cho đến biện luận về định tâm và chuyên tâm, chính là dựa theo Sự nhất tâm [để phán định], chẳng phải là dựa theo Lý nhất tâm).
Trong lời Sao có giải thích đoạn văn này.
(Sao) Tri kiến bất phổ giả, Hoa Nghiêm Luận vân: “Nhất Thừa đại đạo, phi nhạo sanh Tịnh Độ Bồ Tát cảnh giới, dĩ tình tồn tịnh uế, tri kiến bất phổ”.
(鈔)知見不普者,華嚴論云:一乘大道,非樂生淨土菩薩境界,以情存淨穢,知見不普。
(Sao: “Tri kiến chẳng trọn khắp”: Hoa Nghiêm Hợp Luận nói: “Nhất Thừa đại đạo chẳng phải là cảnh giới của hàng Bồ Tát thích sanh về Tịnh Độ, [vì ưa thích cầu sanh về Tịnh Độ] tức là còn có tình kiến tịnh và uế, cho nên tri kiến chẳng trọn khắp”).
“Hoa Nghiêm Luận” chính là Hoa Nghiêm Hợp Luận, tức là tác phẩm chú giải [kinh Hoa Nghiêm] của Lý Trưởng Giả[1]. Trưởng Giả cũng là người rất lỗi lạc, thế nhưng bản kinh Hoa Nghiêm do lão nhân gia xem thuở sinh tiền là bản chưa hoàn chỉnh, cũng có nghĩa là Ngài chẳng thấy phần kết luận cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm. Vì thế, kiến giải đối với Hoa Nghiêm có phần lệch lạc. Chẳng như Thanh Lương đại sư, Thanh Lương đại sư đã xem Tứ Thập Hoa Nghiêm[2]. Cuối bộ Tứ Thập Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ Tát dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc, Hoa Nghiêm mới viên mãn. Lý Trưởng Giả chẳng thấy phần kinh điển này; vì thế, Ngài mới nói đến “Nhất Thừa đại đạo”. Chữ “Nhất Thừa đại đạo” chỉ Hoa Nghiêm. Đối với hết thảy các kinh do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm, các vị cổ đức đã phán định Hoa Nghiêm là Nhất Thừa, phán định Pháp Hoa là Nhất Thừa, [cũng như] kinh Phạm Võng được phán định là Nhất Thừa. Kinh Nhất Thừa chỉ có ba bộ, những kinh khác giảng về Đại Thừa hoặc Tiểu Thừa. Tại Trung Hoa, kinh Đại Thừa nhiều hơn kinh Tiểu Thừa. [Lý Trưởng Giả cho rằng] “Nhất Thừa đại đạo” chẳng phải là cảnh giới của hàng Bồ Tát thích sanh về Tịnh Độ. Chữ “Nhạo” (樂) nên hiểu là ưa thích. [“Nhạo sanh Tịnh Độ”] là nói tới hàng Bồ Tát ưa thích cầu sanh Tịnh Độ. Vì sao? Vì cầu sanh Tịnh Độ, [tức là còn thấy] tịnh và uế đối lập. Tịnh và uế là hai pháp, Lục Tổ bảo “hai pháp chẳng phải là Phật pháp”. Nói cách khác, tâm chẳng thật sự thanh tịnh. Thật sự thanh tịnh thì hai bên tịnh và uế đều chẳng lập, đó mới là chân tịnh. Vì thế bảo là “tri kiến bất phổ” (tri kiến chẳng trọn khắp). [Trong cách nhìn của Lý Trưởng Giả], những vị Bồ Tát một mực cầu sanh Tịnh Độ vẫn còn thiên kiến, tri kiến chẳng viên. “Phổ” (普) có nghĩa là viên, [“tri kiến bất phổ”] là tri kiến chẳng viên. Chúng ta hãy xem Liên Trì đại sư nói như thế nào!
(Sao) Kim vị thử chỉ cẩn đắc Sự nhất tâm giả, nhược đắc Lý nhất, tắc diệu ngộ nhất tâm, hữu hà tịnh uế.
(鈔)今謂此指僅得事一心者,若得理一,則妙悟一心,有何淨穢。
(Sao: Nay tôi nói: Đấy là nói về người chỉ đắc Sự nhất tâm, chứ nếu đã đắc Lý nhất tâm bèn diệu ngộ nhất tâm, há còn có tịnh uế chi nữa!)
Lời phản bác của Liên Trì đại sư hết sức mạnh mẽ, hợp lý lắm! Lý Trưởng Giả nhìn theo Sự nhất tâm bất loạn. Trong Sự nhất tâm bất loạn, thật sự có Năng, có Sở, xác thực là “tri kiến bất phổ”. Nếu là Lý nhất tâm, sẽ chẳng hai, chẳng khác “Nhất Thừa đại đạo” như Hoa Nghiêm đã nói. Nói thật ra, Lý Trưởng Giả chẳng thấy Tứ Thập Hoa Nghiêm. Nếu thấy Tứ Thập Hoa Nghiêm, thấy Văn Thù và Phổ Hiền đều phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, Ngài cũng chẳng dám nói câu này! Văn Thù, Phổ Hiền là nhân vật cỡ nào? Các Ngài đều nóng lòng muốn nhanh chóng cầu sanh Tịnh Độ, làm sao có thể nói Nhất Thừa đại đạo chẳng phải là cảnh giới của hàng Bồ Tát thích sanh về Tịnh Độ cho được? Lý trưởng giả chẳng thể thấy đoạn sau của kinh ấy, cho nên mới hiểu lầm như vậy. Nếu thấy trong phần sau [kinh Hoa Nghiêm], Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát đều phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, nhất định là Lý Trưởng Giả chẳng đến nỗi nói theo kiểu ấy. Bởi lẽ, trong nhất tâm có Sự nhất tâm và Lý nhất tâm, tuy nói tới Niệm Phật tam-muội, nói nhất tâm bất loạn, tuy cùng là đắc nhất tâm bất loạn như nhau, nhưng mức độ trong ấy cạn hay sâu sai khác rất lớn. Nói theo Lý nhất tâm, bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo là Lý nhất tâm, Đẳng Giác Bồ Tát cũng là Lý nhất tâm. Trong Viên Giáo, từ Sơ Trụ đến Đẳng Giác là bốn mươi mốt đẳng cấp. Do vậy có thể biết: Lý nhất tâm gồm bốn mươi mốt đẳng cấp cạn hay sâu khác biệt. Lý nhất tâm là như thế, đương nhiên Sự nhất tâm cũng chẳng phải là ngoại lệ. Sự nhất tâm cũng có thứ tự cạn hay sâu sai khác. Chúng ta thường nói “công phu thành phiến”, đó là Sự nhất tâm nông cạn. Kiến Tư phiền não đều đoạn, đó là Sự nhất tâm ở mức độ sâu. Những đẳng cấp này đều chưa kiến tánh, vẫn còn có Năng và Sở.
Pháp môn thù thắng, thù thắng ở chỗ nào? Chúng ta ắt cần phải biết điều này: Đối với các pháp môn khác, kể cả Thiền Tông trong ấy, nếu chẳng thể tu thành công Cửu Thứ Đệ Định, sẽ chẳng thể thoát tam giới, quý vị biết là khó khăn lắm! [Chứng đắc] Tứ Thiền Bát Định bất quá sanh lên Tứ Thiền Thiên hoặc Tứ Không Thiên mà thôi, chẳng thoát khỏi tam giới. Chẳng thoát khỏi tam giới, sẽ chẳng tránh khỏi luân hồi, nhất định phải hứng chịu quả báo luân hồi, mới biết thoát tam giới thật khó! Trong hết thảy các pháp môn, chỉ riêng pháp môn Tịnh Tông, chỉ cần đắc Sự nhất tâm ở mức độ nông cạn, là đã có thể đới nghiệp vãng sanh. Pháp môn này thù thắng ở ngay chỗ này. Chúng ta xem kinh luận hoặc chú sớ của cổ đại đức, đều thấy nói chỗ thù thắng của Tây Phương Tịnh Độ không thuộc hai cõi trên. “Hai cõi trên” chính là cõi Phương Tiện Hữu Dư và cõi Thật Báo Trang Nghiêm, hai cõi ấy chẳng khác gì [các cõi Tịnh Độ trong] mười phương thế giới, chỗ thù thắng nhất trong [Tây Phương Cực Lạc Tịnh Độ] là cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Cõi Đồng Cư trong các thế giới của tất cả hết thảy chư Phật đều chẳng thể sánh bằng cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Cực Lạc, [thù thắng là vì] có đới nghiệp vãng sanh. Hễ sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư [của Cực Lạc] thì Bồ Tát trong cả bốn cõi quý vị đều thấy; đó là chỗ thù thắng bậc nhất. Như thế giới của chúng ta là cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Thích Ca Mâu Ni Phật, chúng ta sống trong thế gian này, nghe nói có Quán Âm Bồ Tát, có Địa Tạng Bồ Tát, Văn Thù, Phổ Hiền, có những vị đại Bồ Tát như vậy, nhưng ai đã từng thấy? Có thì có đấy, nhưng quá ít! [Những người được thấy là do] nhân duyên đặc thù; tuy thấy, bất quá thời gian rất ngắn ngủi, ngẫu nhiên thấy một lát rồi chẳng thấy nữa. Chẳng giống như trong thế giới Tây Phương, những vị đại Bồ Tát ấy hằng ngày ở cùng một chỗ với quý vị, thời thời khắc khắc chẳng lìa. Duyên thù thắng như vậy tìm chẳng thấy trong khắp mười phương thế giới, chỉ riêng Tây Phương [là có]! Bởi lẽ, bốn cõi Tịnh Độ của Cực Lạc xếp thành hàng ngang, chẳng phải là xếp theo chiều dọc, mà là xếp ngang nhau, bốn cõi đều ở cùng một chỗ. Bốn cõi của những vị Phật khác chẳng ở cùng một chỗ. Thế giới Sa Bà của Thích Ca Mâu Ni Phật cũng có cõi Thật Báo, cũng có cõi Phương Tiện, nhưng không ở cùng một chỗ.
Vì thế, trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, chúng ta chẳng thấy Bồ Tát trong cõi Phương Tiện và cõi Thật Báo. Nhất định phải hiểu rõ sự thù thắng của Tịnh Độ. Sau khi đã hiểu rõ, nguyện vọng cầu sanh của chúng ta mới khẩn thiết. Vì sao phải sanh về thế giới Tây Phương? Chính là vì hằng ngày được ở cùng chỗ với chư Phật, Bồ Tát, được nhóm họp cùng một chỗ với các vị thượng thiện nhân. Từ xưa tới nay, người thế gian thường nói: “Làm việc khó, làm người càng khó hơn”. Làm việc rất khó, đối xử với người khác càng khó hơn, tình cảm của con người biến hóa quá lớn, khổ nạn trong ấy càng nhiều. Tâm địa của mỗi cá nhân trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều thanh tịnh, cư xử với nhau rất tốt đẹp; đây cũng là như tục ngữ thường nói: “Thiên thời chẳng bằng địa lợi, địa lợi chẳng bằng nhân hòa”. Nhân hòa trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đạt tới đỉnh cao nhất. Nếu nhân hòa đã viên mãn; khi ấy, còn phải bàn đến thiên thời và địa lợi chi nữa! Vì thế, nếu nói đến thiên thời, địa lợi, và nhân hòa, thế giới Tây Phương bậc nhất, cõi Phật nào cũng chẳng thể sánh bằng! Do vậy, ở đây, đại sư đã minh bạch chỉ rõ: Nếu đắc Lý nhất tâm bất loạn, sẽ chẳng hai, chẳng khác cảnh giới Hoa Nghiêm. “Nhược đắc Lý nhất, tắc diệu ngộ nhất tâm, hữu hà tịnh uế” (Nếu đắc Lý nhất tâm, sẽ diệu ngộ nhất tâm, còn có tịnh uế chi nữa).
(Sao) Nhiên tuy tri bình đẳng pháp giới, vô sanh khả độ, nhi thường tu Tịnh Độ, giáo hóa chúng sanh, chánh sở vị Nhất Thừa đại đạo dã.
(鈔)然雖知平等法界,無生可度,而常修淨土,教化眾生,正所謂一乘大道也。
(Sao: Nhưng tuy biết pháp giới bình đẳng, không có chúng sanh để có thể độ, nhưng thường tu Tịnh Độ, giáo hóa chúng sanh, điều ấy được gọi là Nhất Thừa đại đạo).
Phật pháp thường nói tới đại từ đại bi. Chẳng cần nói tới quả địa Như Lai, Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo vừa mới đắc Lý nhất tâm đã kiến tánh. Kiến tánh bèn đạt đến cảnh giới này, toàn bộ ý niệm thị phi, nhân ngã, Năng, Sở đều chẳng có. Sơ Trụ trong Viên Giáo thuộc về cảnh giới này; khi ấy, Ngài nhập pháp giới bình đẳng. Trong Ngũ Châu Nhân Quả (năm tầng nhân quả) của kinh Hoa Nghiêm, tầng thứ ba là nhân quả bình đẳng, khế nhập cảnh giới này. Vạn pháp bình đẳng, chúng sanh và Phật đương nhiên bình đẳng. Do vậy, đức Phật “vô sanh khả độ” (không có chúng sanh để có thể độ), đức Phật chẳng độ chúng sanh. Tuy chẳng độ chúng sanh, vẫn thường nêu gương độ chúng sanh, vẫn thường phải làm những chuyện độ chúng sanh, đó là “thường tu Tịnh Độ, giáo hóa chúng sanh”. Do nguyên nhân nào? Đó là đại từ đại bi. Ta đã nhập cảnh giới này, nhưng còn có rất nhiều kẻ mê hoặc, điên đảo, chúng ta phải giúp đỡ họ, đó gọi là “thả chiếc bè Từ, nương theo nguyện trở lại”. Đấy là đại từ đại bi, mới thật sự là “Nhất Thừa đại đạo”, là Lý Sự viên dung. Đối với kinh Hoa Nghiêm, Thanh Lương đại sư nêu ra bốn pháp giới chẳng thể nghĩ bàn, tức là [Lý vô ngại, Sự vô ngại], Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại. Nếu thành Phật, thành Bồ Tát mà chẳng độ chúng sanh, sẽ chẳng khác Tiểu Thừa, đọa trong Thiên Chân Niết Bàn, có Lý mà chẳng có Sự. Tiểu Thừa chẳng dám độ chúng sanh, vì sao? Độ chúng sanh quá phiền phức. Chúng sanh khó độ, ương ngạnh, khó thể giáo hóa, họ chẳng mong chuốc lấy nỗi phiền phức ấy. Sở dĩ họ chẳng mong chuốc lấy phiền phức, là vì chính họ còn vướng phiền phức.
Nói cách khác, chính họ còn có chướng ngại, đối với Lý Sự có chướng ngại, đối với Sự Sự có chướng ngại, cho nên thôi đi, chẳng độ [chúng sanh] nữa! Lý nhất tâm bất loạn Bồ Tát, tâm địa đạt tới thanh tịnh thật sự, Lý Sự chẳng có chướng ngại, Sự Sự cũng chẳng có chướng ngại, độ mà chẳng độ, chẳng độ mà độ, độ chúng sanh và chẳng độ là cùng một chuyện, chẳng phải là hai chuyện. Đối với hàng Tiểu Thừa, độ và chẳng độ là hai chuyện. Đối với Bồ Tát [đã đắc Lý nhất tâm], độ và chẳng độ là một chuyện. Vì thế, Ngài chẳng có chướng ngại, đó mới là “Lý Sự viên dung, Sự Sự viên dung, chẳng có chướng ngại”. Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo đã nhập cảnh giới này, há có lẽ nào chẳng độ chúng sanh? Ngài độ chúng sanh, đối với chính Ngài có trở ngại gì không? Quyết định là chẳng bị trở ngại! Vì lẽ đó, Quán Âm Bồ Tát là “ngàn xứ khẩn cầu, ngàn xứ ứng”, cảm ứng đạo giao; chúng sanh có cảm, Bồ Tát bèn có ứng. Quán Âm Bồ Tát là như thế, mà tất cả hết thảy Bồ Tát đều là như thế. Đó gọi là Nhất Thừa đại đạo.
(Sao) Tri kiến chi phổ, thục quá ư thị?
(鈔)知見之普,孰過於是。
(Sao: Tri kiến trọn khắp, có gì trỗi vượt điều này được nữa?)
“Phổ” (普) là viên, “tri kiến” viên mãn, há còn có thể vượt trỗi
pháp này (Lý nhất tâm) được ư?
(Sao) Hựu Phổ Hiền Bồ Tát vi Hoa Nghiêm trưởng tử, phi Nhất Thừa cảnh giới hồ?
(鈔)又普賢菩薩為華嚴長子,非一乘境界乎。
(Sao: Phổ Hiền Bồ Tát lại là trưởng tử trong hội Hoa Nghiêm, há chẳng phải là cảnh giới Nhất Thừa ư?)
Lời phản bác này có sức thuyết phục mạnh mẽ nhất [đối với luận định “Nhất Thừa đại đạo chẳng phải là cảnh giới của hàng Bồ Tát thích sanh về Tịnh Độ” của Lý Trưởng Giả, Liên Trì đại sư đã vận dụng ngay] kinh văn của kinh Hoa Nghiêm. Trong kinh Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ Tát là bậc nhất, Văn Thù Bồ Tát thứ hai. Phổ Hiền là con trưởng của đức Phật, Văn Thù là con trai thứ của đức Phật, xếp hạng nhì. Trong Phật môn, thứ tự sắp xếp danh hiệu của Bồ Tát và La Hán trước hay sau [trong một bản kinh] có mối quan hệ rất lớn. Xem cách sắp xếp danh hiệu bèn biết trọng điểm của một bộ kinh là ở chỗ nào. Nếu Văn Thù xếp hạng nhất, Phổ Hiền xếp hạng hai, kinh ấy coi trọng Giải môn (vì Văn Thù Bồ Tát trí huệ bậc nhất), Hành môn ít trọng yếu hơn. Phổ Hiền xếp hạng nhất, chỉ rõ kinh ấy coi trọng Hành môn, Giải là thứ yếu, Giải là hạnh phụ trợ. Do vậy, [xét theo kinh Hoa Nghiêm], Văn Thù và Phổ Hiền có thuộc về cảnh giới Nhất Thừa hay chăng? Hai vị này là Hậu Bổ Phật của Tỳ Lô Giá Na Phật, đương nhiên thuộc vào cảnh giới Nhất Thừa của kinh Hoa Nghiêm!
(Sao) Nhi dục diện kiến Di Đà, vãng sanh An Lạc, vị chi tình tồn tịnh uế khả hồ?
(鈔)而欲面見彌陀,往生安樂,謂之情存淨穢可乎。
(Sao: Vậy thì có thể nói “muốn gặp mặt Phật Di Đà, vãng sanh cõi An Lạc” là hãy còn tình kiến tịnh uế hay chăng?)
Hai vị ấy trong hội Hoa Nghiêm còn phải phát nguyện cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ. Không chỉ là hai vị ấy phát nguyện muốn vãng sanh, mà còn khuyên dạy bốn mươi địa vị Pháp Thân đại sĩ trong hội Hoa Nghiêm niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Quý vị nói xem: Hai vị ấy tri kiến là viên hay chẳng viên? Trong tâm các Ngài còn có tịnh uế hay chăng? Chất vấn ngược lại như thế này quá hay! Đáng tiếc là hai Ngài chẳng phải là người cùng thời! Lý Trưởng Giả là người sống vào đầu đời Đường, Liên Trì đại sư sống vào những năm cuối triều Minh, cách nhau quá xa! Do vậy, học Phật đúng là phải thâm nhập kinh tạng, phải thấu hiểu trọn vẹn Lý, phải thật sự thấu triệt. Nếu không, nghi nan trùng trùng, chướng ngại nhân duyên rất tốt đẹp của chúng ta, quá đáng tiếc!
Văn Thù, Phổ Hiền cầu sanh Tịnh Độ, người hiện thời đều thấy [chuyện này] trong kinh điển, nhưng vẫn còn có kẻ thắc mắc! Tôi thường gặp người đến hỏi: “Văn Thù, Phổ Hiền là Đẳng Giác Bồ Tát trong Viên Giáo, chẳng lẽ các Ngài không thể thành Phật trong thế giới Hoa Tạng ư? Vì sao vẫn phải sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới?” Câu hỏi này hay lắm, nhưng họ đến hỏi tôi thì sai mất rồi! Họ có nghi vấn là tốt, nhà Phật thường nói: “Tiểu nghi tiểu ngộ, đại nghi đại ngộ”, do nghi tình sẽ có thể khai ngộ. Họ đến hỏi tôi, tôi giải thích cho họ, họ vĩnh viễn chẳng thể ngộ. Vì sao? Đã đóng lấp cửa ngộ của họ. Nếu tôi chẳng giải thích, họ sẽ có rất nhiều phiền não. Giảng giải cho họ, sẽ lấp chặt ngộ môn của họ! Thời xưa, các vị đại đức trong Tông Môn do đại từ đại bi nên chẳng nói, bảo quý vị hãy tham cứu. Đó là phương pháp dạy học tốt nhất. Người hiện thời chẳng hiểu tham cứu là gì, cứ ngỡ suy nghĩ loạn xạ là tham cứu, có hỏng bét hay là không? Hằng ngày dấy vọng tưởng, càng sai lầm hơn! Chẳng thà nói rõ ràng với họ, đóng lấp cửa ngộ của họ, khiến cho họ thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thì cũng còn chấp nhận được. Chẳng cầu sanh về Tịnh Độ, chẳng có cách nào hết. Có thể cầu sanh Tịnh Độ thì còn được. Chẳng khai ngộ cũng không sao, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới rồi mới khai ngộ. Đúng như cổ đức đã nói: “Đản đắc kiến Di Đà, hà sầu bất khai ngộ” (Chỉ cần thấy Di Đà, lo chi chẳng khai ngộ). Vì thế, hễ có người đến hỏi, tôi cũng giảng cho họ. Trong ấy, có hai nguyên nhân:
1) Nguyên nhân thứ nhất là nêu tấm gương tốt đẹp cho hết thảy chúng sanh. Văn Thù và Phổ Hiền là Đẳng Giác Bồ Tát trong thế giới Hoa Tạng, còn phải cầu sanh Tịnh Độ. Quý vị hãy ngẫm xem, quý vị có nên vãng sanh hay không? Các Ngài lấy thân làm gương, tạo tác dụng dẫn đầu. Đó là lòng đại từ đại bi.
2) Ý nghĩa thứ hai, trong thế giới Hoa Tạng, phải phá một phẩm sanh tướng vô minh hòng viên thành Phật đạo, vẫn phải tốn một khoảng thời gian khá dài. Đến Tây Phương Tịnh Độ hòng rút ngắn thời gian. Thành tựu trong thế giới Tây Phương vẫn nhanh hơn trong thế giới Hoa Tạng, thời gian còn rút ngắn. Đó là lợi ích chân thật.
Vì hai nguyên nhân này, các Ngài nhất định phải phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, đạo lý là như vậy đấy!
(Sao) Định tâm, chuyên tâm giả.
(鈔)定心專心者。
(Sao: Định tâm và chuyên tâm).
Giải thích cho chúng ta biết hai chuyện này, định tâm và chuyên tâm [là như thế nào].
(Sao) Vĩnh Minh vị cửu phẩm thượng hạ, bất xuất nhị tâm: Nhất giả định tâm, như tu Định tập Quán, thượng phẩm thượng sanh. Nhị giả chuyên tâm, như đản niệm danh hiệu, đắc thành mạt phẩm. Kim vị ký vân “đản niệm”, “đản” chi nhất tự, chánh duy đắc Sự, vị đắc Lý cố.
(鈔)永明謂九品上下,不出二心:一者定心,如修定習觀,上品上生;二者專心,如但念名號,得成末品。今謂既云但念,但之一字,正唯得事,未得理故。
(Sao: Ngài Vĩnh Minh nói chín phẩm cao hay thấp, chẳng ngoài hai tâm: Một là định tâm, như người tu tập Thiền Định hay quán tưởng, bèn thuộc về thượng phẩm thượng sanh; hai là chuyên tâm, như người chỉ niệm danh hiệu, đạt được phẩm vị vãng sanh thấp hơn. Nay tôi nói: Chữ “chỉ” trong câu “chỉ niệm” có nghĩa là [hành nhân] chỉ đắc Sự nhất tâm, chẳng đắc Lý nhất tâm).
Vĩnh Minh là Diên Thọ đại sư[3]. Chúng ta thường gọi Ngài là Vĩnh Minh Diên Thọ, Ngài là thầy của Ngô Việt Vương Tiền Thục[4]. Đọc truyện ký, chúng ta thấy Ngài là A Di Đà Phật tái lai, chư vị xem bộ Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Nghĩa của pháp sư Bảo Tĩnh có giới thiệu [thân thế ngài Vĩnh Minh] rất tỉ mỉ. Chư Phật, Bồ Tát thị hiện hóa thân tại Trung Hoa rất nhiều, nhưng những vị bộc lộ thân phận chẳng nhiều; những vị chẳng bộc lộ thân phận đông lắm! Vĩnh Minh đại sư xác thực là một nhân vật truyền kỳ. Trước khi Ngài xuất gia, trông nom việc thâu thuế, quản lý việc thu chi, tiền bạc qua tay rất nhiều. Ngài lấy trộm tiền trong quốc khố để phóng sanh. Về sau bị phát hiện, Ngài cũng chẳng nói dối, thừa nhận đã lấy trộm. Vì sao trộm? Để phóng sanh. Có biết là phạm tội hay không? Biết chứ! Có biết là sẽ bị chặt đầu hay không? Biết! Cấp trên tâu lên Ngô Việt Vương. Chiếu theo pháp luật, phải phán tội tử hình. Ngô Việt Vương[5] bảo viên quan hành hình tại hình trường (刑場: chỗ hành hình) hãy quan sát: “Nếu khi bị xử tử, hắn cảm thấy rất kinh hoảng bèn giết ngay. Nếu hắn chẳng thay đổi sắc mặt, hãy đem hắn về gặp ta”. Quả thật là trước khi bị giết, Ngài chẳng đổi sắc mặt, lại còn rất hoan hỷ. Viên quan hành hình hỏi Ngài: “Vì sao?” Ngài đáp: “Mất một cái mạng của tôi để đổi ngàn ngàn vạn vạn cái mạng, rất đáng giá!” Giám trảm quan bèn đưa Ngài đến chỗ Ngô Việt Vương, Ngô Việt Vương hỏi Ngài: “Ngươi có chí nguyện như thế nào?” Ngài đáp: “Tôi có chí nguyện xuất gia”. Ngô Việt Vương chấp thuận, làm hộ pháp cho Ngài. Về sau, tôn
Ngài làm thầy.
Sau này vua mới biết Ngài là A Di Đà Phật tái lai. Chuyện phát sanh là khi Ngô Việt Vương Tiền Thục có một hôm cúng dường trai tăng một ngàn vị Tăng. Theo Phật pháp, cúng trai tăng cho một ngàn vị Tăng là cách tu phước có quy mô lớn nhất, thù thắng nhất, đấy là dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng cúng dường hết thảy người xuất gia. Tuy nói là bình đẳng, chỗ ngồi vẫn có ghế trên, ghế dưới. Ghế trên vẫn dành cho bậc trưởng lão ngồi, vẫn là bất bình đẳng. Nhưng ngày hôm ấy, bậc trưởng lão cũng rất đông, mọi người cứ nhường nhau, ai cũng chẳng muốn ngồi ghế chủ tọa. Đang trong lúc mọi người thoái thác, nhường nhau, bên ngoài một vị hòa thượng tiến vào, mọi người cũng chẳng biết Ngài là ai, cũng chẳng biết Ngài từ đâu đến, ăn mặc rách nát, tả tơi. Ngài thấy mọi người cứ thoái thác, nhường nhau, bèn chẳng khách sáo, tiến vào ngồi ngay chính giữa. Trong tâm Ngô Việt Vương cũng rất khó chịu, cứ nghĩ thầy mình đáng nên ngồi ghế chủ tọa, cớ sao lại nhường ghế chủ tọa cho kẻ khác ngồi? Sau khi dùng cơm xong, chư tăng giải tán, Ngô Việt Vương hỏi Vĩnh Minh đại sư: “Hôm nay trẫm cúng dường chư Tăng, có vị thánh hiền nào đến ứng cúng hay không?” “Thánh hiền” là Phật, Bồ Tát, A La Hán. Nếu có những vị ấy đến ứng cúng, phước báo của nhà vua sẽ to lớn! Vĩnh Minh đại sư bảo vua: “Hôm nay có chứ!” Vua hỏi: “Vị nào đến ứng cúng?” Sư đáp: “Định Quang Cổ Phật”. “Vị nào vậy?” “Chính là vị hòa thượng ngồi ghế chủ tọa”. Vua mới biết vốn là Định Quang Cổ Phật tới dự. Định Quang Cổ Phật thị hiện hình dạng ấy, tai đặc biệt to. Vì mọi người chẳng biết pháp hiệu của Ngài, bèn gọi Ngài là Đại Nhĩ hòa thượng. Do vậy, Ngô Việt Vương lập tức sai người truy tìm. Sư trụ trong một hang núi, họ đuổi theo tới đó, mọi người biết Ngài là Định Quang Cổ Phật, hết sức cung kính Ngài, lễ bái tại đó, thỉnh Ngài tới hoàng cung ứng cúng. Đại Nhĩ hòa thượng bèn nói một câu: “Di Đà nhạy miệng” rồi viên tịch, đã mất. Những người đến tìm chẳng biết làm sao! Biết Ngài là Định Quang Cổ Phật, cổ Phật đã nhập diệt. Nghĩ lại Ngài nói “Di Đà nhạy miệng”, A Di Đà Phật nhiều chuyện! Vậy là người được nêu rõ thân phận chính là Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư, họ bèn nghĩ ra, Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư vốn là A Di Đà Phật, vội vã trở về tâu trình. Ngô Việt Vương nghe nói Định Quang Phật đã nhập diệt, chẳng có cách nào! Nghe nói Vĩnh Minh đại sư là A Di Đà Phật tái lai, ngay lúc ấy hoan hỷ khôn cùng, chẳng đợi [người hầu chuẩn bị xe ngựa] kịp, bèn đi bộ đến gặp Vĩnh Minh đại sư. Vừa ra khỏi cửa cung, bên ngoài có người đến báo tin, cũng là hoang mang, vội vã, gần như đụng phải nhà vua. Vua hỏi: “Chuyện gì mà hoảng hốt vậy?” [Người ấy tâu]: “Vĩnh Minh đại sư đã viên tịch rồi!” Đấy là quy củ trong Phật môn: Thân phận chưa lộ thì còn có thể ở trong thế gian; thân phận bộc lộ, phải đi ngay lập tức. Vĩnh Minh đại sư là A Di Đà Phật tái lai, Thiện Đạo đại sư đời Đường cũng là A Di Đà Phật tái lai. Hàn Sơn, Thập Đắc là Văn Thù và Phổ Hiền, hòa thượng Phong Can là A Di Đà Phật tái lai. Đấy là mấy vị bộc lộ thân phận mà chúng ta biết được!
Lời Vĩnh Minh đại sư nói, đương nhiên là do đích thân A Di Đà Phật dạy. Trong chú giải kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, tức là trong bộ Tứ Thiếp Sớ, Thiện Đạo đại sư đã nói rất rõ ràng; Ngài nói chín phẩm trong Cực Lạc đều là phàm phu vãng sanh. Do phàm phu “gặp duyên bất đồng, nên có chín phẩm sai khác”, giống như điều đang nói ở đây. “Định tâm, như tu Định tập Quán” (Định tâm là như tu Định, tu quán tưởng), tức là nói đến Lý nhất tâm bất loạn, vãng sanh Tây Phương thế giới bèn là thượng phẩm thượng sanh. Chư vị phải hiểu, “định tâm” vãng sanh chính là thượng phẩm thượng sanh trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. “Chuyên tâm” niệm Phật chính là Sự nhất tâm bất loạn, sanh về thế giới Tây Phương, bèn sanh trong cõi Phương Tiện Hữu Dư hoặc cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Trong đó, cũng là chín phẩm khác nhau, chuyện là như vậy đó. Định tâm tu Quán, như trong Thập Lục Quán Kinh đã nói. Phương pháp niệm Phật đều ở trong Quán Kinh. Quán Kinh nói Quán Tưởng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật, và Trì Danh Niệm Phật. Kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà đều đề xướng Trì Danh Niệm Phật, nguyên nhân là do Trì Danh Niệm Phật đơn giản, dễ dàng. Vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ ai nấy đều có phần, thù thắng là ở chỗ này!
Tu Quán, tâm người hiện thời rất thô, rất loạn, cảnh giới để quán hết sức vi tế. Vì vậy, tu Quán rất khó thành tựu, phải biết điều này. Nói theo Lý chẳng sai, nhưng xét theo Sự, tùy mỗi người mỗi khác. Chúng ta chẳng nói ai khác, lấy ngay Thiên Thai đại sư làm thí dụ. Trí Giả đại sư là tổ sư tông Thiên Thai. Nói thật ra, tông Thiên Thai được hoàn thiện bởi chính tay Ngài. Nói nghiêm ngặt, xét trong tông Thiên Thai, Ngài là [tổ sư] đời thứ ba của tông Thiên Thai, nhưng [giáo nghĩa hoàn chỉnh của tông Thiên Thai] do chính Ngài hoàn thành. Giống như Hiền Thủ đại sư, trước ngài Hiền Thủ có Vân Hoa, có Đỗ Thuận, ngài Hiền Thủ là tổ sư đời thứ ba của tông Hoa Nghiêm, nhưng tông Hoa Nghiêm thật sự được kiến lập thành một tông phái là nhờ chính tay Hiền Thủ đại sư thành tựu. Do vậy, [tông Hoa Nghiêm] cũng gọi là tông Hiền Thủ, chẳng gọi là tông Vân Hoa, mà cũng chẳng gọi là tông Đỗ Thuận. Trí Giả đại sư thành tựu tông phái Thiên Thai, lão nhân gia niệm Phật vãng sanh, sử dụng phương pháp tu Quán. Tại Trung Hoa, người sử dụng mười sáu phép Quán để tu hành chẳng nhiều, Trí Giả đại sư là một vị trong số đó. Trí Giả đại sư vãng sanh thuộc phẩm vị nào? Chẳng phải là thượng phẩm thượng sanh! Khi Ngài lâm chung, học trò thưa hỏi phẩm vị vãng sanh của Ngài, lão nhân gia đương nhiên cũng rất khiêm hư, chúng tôi nghĩ Ngài cũng chẳng đến nỗi dối gạt chúng ta, Ngài nói Ngài vãng sanh trong địa vị Ngũ Phẩm. Vãng sanh thuộc địa vị Ngũ Phẩm là sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, địa vị hoàn toàn chẳng cao cho mấy; nhưng lão nhân gia có lưu lại một câu cho người đời sau: Nếu Ngài chẳng lãnh chúng, chính mình chuyên tâm tu hành, phẩm vị sẽ rất cao. Vì lãnh chúng phải quản người, quản sự, những chuyện vặt vãnh quá nhiều, bỏ mình vì người. Nói cách khác, hy sinh phẩm vị cao của chính mình để giúp đỡ đại chúng. Do đó, phẩm vị vãng sanh của Ngài chẳng cao! Đấy là Bồ Tát phát tâm. Vì vậy, Bồ Tát phát tâm phải có bản lãnh vãng sanh, ta sanh về Tây Phương Tịnh Độ là hạ hạ phẩm vãng sanh, ta có năng lực ấy, nắm chắc điều ấy, ta có thể [làm được]. Ta vốn có thể thượng thượng phẩm vãng sanh, nhưng hy sinh phẩm vị, [chọn lấy] hạ hạ phẩm vãng sanh để ta có thể giúp đỡ nhiều người. Đó gọi là Bồ Tát phát tâm. Nếu giúp người khác, mà chính mình chẳng thể vãng sanh, sai lầm to lớn! Vậy là chẳng đúng rồi! Vì thế, chính mình phải quyết định nắm chắc vãng sanh thì mới có thể học đòi Trí Giả đại sư.
“Chuyên tâm, như đản niệm danh hiệu, đắc thành mạt phẩm” (Chuyên tâm, như chỉ niệm danh hiệu, thành tựu phẩm vị thấp). Chữ Mạt (末) chẳng có nghĩa là hạ hạ phẩm. “Mạt” là gì? Từ thượng phẩm trung sanh trở xuống. Do đối với thượng phẩm thượng sanh, những phẩm vị ấy là Mạt. Chữ Mạt chỉ tám phẩm dưới đó, tùy thuộc công phu niệm Phật của quý vị sâu hay cạn. Ngẫu Ích đại sư nói rất hay! Ấn Quang đại sư tán thán bộ Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư đến tột bậc. Thân phận của Ấn Quang đại sư cũng bị bộc lộ, Ngài là Đại Thế Chí Bồ Tát tái lai. Lão nhân gia tán thán bộ Yếu Giải: “Dẫu cổ Phật tái lai để viết chú giải cho kinh Di Đà vẫn chẳng thể hay hơn tác phẩm này”, Ngài đã tán thán bộ Yếu Giải đến tột đỉnh. Ngẫu Ích đại sư chẳng bộc lộ thân phận, Đại Thế Chí Bồ Tát tán thán Ngài như vậy, Ngài là vị nào? Ngài chẳng phải là A Di Đà Phật, chắc cũng là Quán Thế Âm Bồ Tát. Chúng tôi nghĩ Ngài là chắc chắn là bậc ngang hàng với Quán Âm, hoặc Thế Chí Bồ Tát, nhất định chẳng phải là kẻ bình phàm! Do vậy, Ngài viết viên mãn dường ấy, có thể giúp đỡ nhiều người tín nguyện vãng sanh, đúng là vô lượng công đức. Sách Yếu Giải bảo chúng ta: Điều kiện để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là tín nguyện. Chân tín, thiết nguyện, nhất định được vãng sanh. Sanh về thế giới Tây Phương, phẩm vị cao hay thấp được quyết định bởi công phu trì danh sâu hay cạn. Chư vị phải nghe cho rõ ràng, chẳng phải là nói trì danh nhiều hay ít, mà là công phu trì danh sâu hay cạn! Công phu sâu là như thế nào? Có thể đoạn phiền não, công phu bèn sâu xa. Có thể chế phục phiền não, công phu bèn nông cạn. Có thể chế phục phiền não bèn nhập phẩm vị, quyết định được vãng sanh, nắm chắc vãng sanh. Chẳng thể chế phục phiền não, bèn tùy thuộc vào một sát-na khi lâm chung. Trong sát-na lâm chung, điều quan trọng nhất là đầu óc tỉnh táo, tín nguyện cầu sanh, người ấy quyết định được vãng sanh, lâm chung dẫu một niệm vẫn có thể vãng sanh. Khi lâm chung, đầu óc rất sáng suốt, người Hoa nói đó là phước báo lớn nhất trong ngũ phước, phước báo lớn nhất trong một đời người là chết an lành. Khi mất, tỉnh táo, sáng suốt, chết tốt lành, nhất định sẽ sanh tốt lành, vì sao? Người ấy sẽ tuyệt đối chẳng vào trong ba ác đạo. Phàm là những người vào trong ba ác đạo, đều hồ đồ, mê muội sanh vào đó. Há có người hiểu biết nào lại đi làm súc sanh, đi làm ngạ quỷ? Chẳng thể nào! Mơ hồ, điên đảo, hồ đồ, mê muội mà sanh vào đó. Do vậy, tu phước hết sức quan trọng. Chúng ta tu phước suốt cả một đời, chẳng cần hưởng phước. Tu được một chút phước bèn hưởng hết, lúc lâm chung sẽ chẳng có phước. Chúng ta tu phước mà chẳng hưởng, là vì hy vọng khi lâm chung sẽ hưởng phước.
Khi lâm chung, điều thứ nhất là chẳng sanh bệnh. Người chẳng sanh bệnh mà ra đi, có chứ! Trong những năm qua, tại Đài Loan, chúng ta thấy chẳng ít người biết trước lúc mất. Người công phu giỏi biết trước cả năm. Thông thường, người niệm Phật đại khái biết trước một, hai tháng, có đủ thời gian để dặn dò hậu sự. Như tại Đài Bắc, lão cư sĩ Lý Tế Hoa thuộc Liên Hữu Niệm Phật Đoàn, biết trước lúc vãng sanh hai tháng. Vì thế, cụ lợi dụng ngày nghỉ mỗi tuần để đến thăm bạn bè cũ, đó là từ biệt để ra đi, ra đi tiêu sái, ra đi tự tại. Hôm cụ mất, cụ đến Liên Hữu Niệm Phật Đoàn để tham gia cộng tu. Khi đó, thành phố Đài Bắc chưa có xe taxi, cụ và vợ ngồi trên xe ba bánh. Ngồi trên xe, cụ bảo vợ: “Nếu tôi vãng sanh thế giới Cực Lạc, bỏ bà lại một mình, có cảm thấy tịch mịch hay không?” Bà vợ thuận miệng đáp: “Nếu ông có thể vãng sanh, chẳng cần phải lo cho tôi”. Trong khi niệm Phật, họ cộng tu giống như tổ chức Phật Nhất (niệm Phật suốt một ngày), mỗi cây hương là một tiếng rưỡi. Khi chỉ tĩnh có giảng khai thị. Đạo tràng của họ là đạo tràng cư sĩ, do mấy vị lão cư sĩ thay phiên nhau giảng khai thị. Hôm đó, đến phiên Ngụy lão cư sĩ, cụ Lý bèn thương lượng với cụ Ngụy: “Hai người chúng ta đổi phiên, hôm nay tôi nói, lần sau để cụ nói”. Đương nhiên là cụ Ngụy rất tôn trọng cụ Lý, cụ Lý đã tám mươi mấy tuổi, bèn nhường cho cụ Lý giảng.
Thông thường khai thị là nửa tiếng, hôm đó lão nhân gia bèn nói tới một tiếng rưỡi, kéo dài thời gian niệm Phật. Cụ càng nói càng cao hứng, tận tình khuyên bảo chỉ dạy mọi người. Sau khi nói xong, bèn hướng về mọi người cáo biệt: “Tôi phải về nhà đây”. Mọi người tưởng cụ là cụ già tám mươi tuổi, nói cả một tiếng rưỡi đồng hồ, nói đã mệt phải về nhà nghỉ ngơi. Lão nhân gia bước xuống bục giảng, Niệm Phật Đường có một phòng khách nhỏ. Phòng khách rất hẹp, chỉ có một bộ sofa, cụ ngồi đó, ra đi, vãng sanh. Quý vị thấy có tự tại lắm hay không! Mảy may bệnh tật cũng chẳng có! Sau khi giảng xong, bảo mọi người: “Tôi phải về nhà” là quay về cố hương nơi thế giới Cực Lạc. Vì thế, đó gọi là phước báo thật sự, biết trước lúc mất, thân thể khỏe mạnh, chẳng có mảy may bệnh khổ, nói đi bèn đi, đó là đại phước báo. Nếu quý vị tu một chút phước, thông thường là hưởng hết sạch, khi lâm chung sẽ đau khổ! Vì thế, đây là quyết định vãng sanh, thật sự ngay trong một sát-na cuối cùng. Chúng ta phải nên ghi nhớ điều này, phải nên nỗ lực tu học.
“Đản niệm” (Chỉ niệm), chữ “đản” (但) này mọi người trong bọn chúng ta đều có thể làm được. “Đản niệm” (但念) là chuyên niệm, hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước trong tâm thảy đều buông xuống, chỉ vương vấn A Di Đà Phật, chỉ niệm A Di Đà Phật. Trừ A Di Đà Phật ra, hết thảy ta đều chẳng nghĩ tới. Cuộc sống của chúng ta có thể sống được là tốt rồi, có dư ra bèn giúp đỡ người khác. Giúp đỡ người khác thì điều khẩn yếu nhất là giúp họ học Phật, giúp họ niệm Phật, bố thí kiểu này là pháp bố thí. Kinh Hoa Nghiêm nói rất hay, trong hết thảy các sự bố thí, pháp bố thí cao nhất, công đức và phước đức [của pháp bố thí] thù thắng bậc nhất. Do vậy, phải biết bố thí, phải biết tu phước. Nay chúng ta giới thiệu, đề cao, hoằng dương Tịnh Tông trên toàn thể thế giới, đó là tu phước báo chân thật. Chúng ta mong mỏi khi lâm chung sẽ giống như lão cư sĩ Lý Tế Hoa, sáng suốt, tỉnh táo, tự tại vãng sanh. Được rồi, chúng ta niệm Phật hồi hướng.
[1] Lý Trưởng Giả là danh xưng tôn trọng đối với Lý Thông Huyền (635-730). Lý Thông Huyền tên thật là Lý Hoằng (Thông Huyền là mỹ hiệu do Võ Tắc Thiên ban tặng). Lý Thông Huyền sở dĩ được gọi là Lý Trưởng Giả là vì sau này, Tống Huy Tông đã truy tặng mỹ hiệu Hiển Giáo Diệu Nghiêm Trưởng Giả. Ông còn được gọi là Táo Bá Đại Sĩ, xuất thân thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Đường, quê ở Luân Châu (nay là Luân Huyện thuộc tỉnh Hà Bắc. Có thuyết nói ông quê ở Thương Châu). Ông bẩm tánh thông duệ, tính tình phóng khoáng, tinh thông Dịch Lý, đến lúc ngoài bốn mươi tuổi bèn chuyên nghiên cứu kinh Phật, đặc biệt hâm mộ kinh Hoa Nghiêm. Khi Bát Thập Hoa Nghiêm được dịch xong, vào năm Khai Nguyên thứ bảy (719), ông mang kinh đến vùng núi sâu thuộc thôn Đại Hiền, làng Đồng Dĩnh, Vu Huyện, tỉnh Thái Nguyên, để chuyên viết luận sớ chú giải. Suốt ba năm không rời khỏi chỗ ở, mỗi ngày chỉ ăn mười trái táo và một tấm bánh bé tí làm bằng bột nhào với lá cây bách nghiền, nên người đời gọi ông là Táo Bá Đại Sĩ (có thuyết nói ông chỉ ăn táo và nhai lá cây bách cho khỏi đói). Sau đó, ông mang bản thảo chuyển sang hang đất (có thuyết nói hang đất ấy do cọp nhường cho ông) trong núi Thọ Dương cũng thuộc Thái Nguyên để tiếp tục biên soạn suốt năm năm mới hoàn thành. Đó chính là bộ Tân Hoa Nghiêm Kinh Luận gồm bốn mươi quyển, sau đó lại tiếp tục viết Lược Thích Tân Hoa Nghiêm Kinh Tu Hành Thứ Đệ Quyết Nghi Luận gồm bốn quyển. Ngoài hai bộ luận quan trọng trên đây, ông còn viết khá nhiều chú giải về kinh Hoa Nghiêm như bộ Hội Thích (bảy quyển), Lược Thích (Hoa Nghiêm Kinh Trung Quyển Đại Ý Lược Tự), Giải Mê Hiển Trí Thành Bi Thập Minh Luận, Thập Huyền Lục Tướng, Bách Môn Nghĩa Hải, Phổ Hiền Hạnh Môn, Hoa Nghiêm Quán, Thập Môn Huyền Nghĩa Bài Khoa Lược Thích, Nhãn Minh Luận v.v… Sau khi Lý Trưởng Giả đã mất bốn năm, bộ Tân Hoa Nghiêm Kinh Luận mới được một nhóm tỳ-kheo do Quảng Siêu cầm đầu giảo chánh, hoằng truyền. Tới năm Đại Trung đời Đường Tuyên Tông, do tỳ-kheo Chí Ninh ghép chánh kinh vào lời luận để hành giả tiện theo dõi, đồng thời biên tập, chỉnh lý, nên có bộ luận này mới có tên gọi là Hoa Nghiêm Kinh Hợp Luận gồm một trăm quyển. Do bộ này quá lớn, nên đến đời Minh, Lý Chí bèn soạn bộ Hoa Nghiêm Kinh Hợp Luận Giản Yếu để học nhân tiện nghiên cứu bộ luận này. Về sau, Phương Trạch lại soạn bộ Hoa Nghiêm Kinh Hợp Luận Toản Yếu gồm ba quyển.
[2] Tứ Thập Hoa Nghiêm do ngài Bát Nhã dịch vào đời Đường Đức Tông trong niên hiệu Trinh Nguyên (785-805), trong khi Bát Thập Hoa Nghiêm được dịch vào thời Võ Tắc Thiên nhiếp chánh. Lý Trưởng Giả mất năm 730, như vậy là tối thiểu Ngài đã mất ba mươi lăm năm trước khi Tứ Thập Hoa Nghiêm được dịch ra tiếng Hán. Thanh Lương Trừng Quán đại sư sinh năm 737, mất năm 838, nên có cơ duyên đọc kinh Hoa Nghiêm hoàn chỉnh. Tứ Thập Hoa Nghiêm tức là phẩm Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện thường được lưu hành thật ra chỉ là quyển bốn mươi của bộ kinh này.
[3] Vĩnh Minh đại sư, húy Diên Thọ, hiệu Xung Nguyên, do trụ tại chùa Vĩnh Minh nên gọi là Vĩnh Minh Diên Thọ. Khi mới xuất gia, Ngài y chỉ thiền sư Thúy Nham Lệnh Tham, đã từng nhập Thiền suốt chín mươi ngày tại đỉnh Thiên Trụ trong rặng Thiên Thai, nhưng phải đến khi tham yết Thiên Thai Sơn Đức Thiều quốc sư mới phát minh tâm địa, được quốc sư ấn khả làm pháp tự của tông Pháp Nhãn. Năm 961, Sư dời sang chùa Vĩnh Minh ở núi Huệ Nhật, có đến hơn hai ngàn người theo học, cho nên người đương thời thường gọi Ngài là Vĩnh Minh Diên Thọ. Khi vua xứ Cao Ly đọc bộ Tông Kính Lục của Ngài đã hết sức khâm ngưỡng, sai sứ sang Trung Hoa ban tặng Sư một bộ ca-sa quý.
[4] Ngô Việt là một quốc gia ở miền Nam Trung Hoa vào thời Ngũ Đại Thập Quốc, được kiến lập vào năm 907 bởi Tiền Liêu, có kinh đô là Tiền Đường (nay là thành phố Hàng Châu), có địa bàn bao gồm toàn bộ tỉnh Chiết Giang hiện thời, phía Đông Nam tỉnh Giang Tô và phần Đông Bắc tỉnh Phước Kiến. Do vào thời Chiến Quốc, những nơi này là lãnh thổ của hai nước Ngô và Việt, nên Tiền Liêu đặt tên cho quốc gia của mình là Ngô Việt Quốc để phân biệt với nước Ngô (còn gọi là Dương Ngô, Nam Ngô, hoặc Hoài Nam, do Dương Hành Mật sáng lập, đóng đô ở Dương Châu, bao gồm tỉnh Giang Tô, An Huy, Giang Tây, một phần tỉnh Hồ Bắc). Tiền Thục có tên gọi đầy đủ là Tiền Hoằng Thục, là vua cuối cùng của nước này.
[5] Thật ra, ngài Vĩnh Minh Diên Thọ làm quan dưới đời Ngô Việt Văn Mục Vương (Tiền Nguyên Quán), và chính nhà vua đã giới thiệu ngài Vĩnh Minh đến y chỉ thiền sư Thúy Nham Lệnh Tham tại núi Tứ Minh. Mãi cho đến năm 952, Ngô Việt Trung Ý Vương Tiền Thục (Tiền Hoằng Thục) ngưỡng mộ đức hạnh của Ngài mới tôn Ngài làm quốc sư. Tiền Hoằng Thục là con thứ chín của Tiền Nguyên Quán. Tiền Hoằng Thục được tôn lên làm vua kế nghiệp hai anh là Trung Hiến Vương (Tiền Hoằng Tá) và Trung Tốn Vương (Tiền Hoằng Tông, ông này chỉ làm vua được một năm thì bị truất phế).