#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 79
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một
trăm hai mươi bảy:
(Huyền Nghĩa) Ư thị khí trung, bối chi, phẩm chi, thành tam, thành cửu, cửu chi hựu cửu, tam chi hựu tam, hựu tế phân chi, phục ưng vô lượng, như nhị bộ trung thuyết.
(玄義) 於是器中 ,輩之品之 ,成三成九 , 九之又九
,三之又三,又細分之,復應無量,如二部中說。
(Huyền Nghĩa: Trong những người đúng là căn khí, lại chia ra thành ba bậc và chín phẩm, từ mỗi phẩm trong chín phẩm lại chia thành chín phẩm nhỏ hơn, từ mỗi bậc trong ba bậc lại chia thành ba bậc nhỏ hơn. Nếu phân chia tỉ mỉ hơn, sẽ là vô lượng như trong hai bộ kinh đã nói).
Đoạn này nói về phẩm vị trong Tây Phương Cực Lạc thế giới.
(Sớ) Thứ minh giai đẳng dã.
(疏) 次明階等也。
(Sớ: Kế đến là nói phẩm vị).
“Thứ” (次) là nói đến đoạn thứ hai, “minh giai đẳng”: Thuyết minh phẩm vị sai biệt trong Tây Phương Cực Lạc thế giới.
(Sớ) Bối giả, Đại Bổn tam bối, phẩm giả, Quán Kinh cửu phẩm, cố viết “tam, cửu”. Tam bối chi trung, phục tam bối chi, tắc thành cửu bối. Cửu phẩm chi trung, phục cửu phẩm chi, tắc thành bát thập nhất phẩm.
(疏) 輩者 ,大本三輩 ,品者 ,觀經九品 ,故曰三九
。三輩之中,復三輩之,則成九輩。九品之中,復九品之,則成八十一品。
(Sớ: “Bối” là ba bậc trong kinh Đại Bổn, “phẩm” là chín phẩm trong Quán Kinh, nên nói là “ba bậc, chín phẩm”. Trong ba bậc, [mỗi bậc] lại chia thành ba bậc nữa nên thành chín bậc. Trong chín phẩm, [mỗi phẩm] lại chia thành chín phẩm nữa, nên thành tám mươi mốt phẩm).
Trong “tam bối” lại chia thành tam bối nữa, tam bối là thượng, trung, hạ, trong bậc thượng có thượng thượng, thượng trung, thượng hạ, trong bậc hạ lại có hạ thượng, hạ trung, và hạ hạ. Trong ba bậc, lại chia mỗi bậc thành ba; do vậy, thành chín bậc. Mỗi một phẩm trong chín phẩm lại chia thành chín phẩm nữa nên thành tám mươi mốt phẩm.
(Sớ) Bối chi vô cùng, phẩm chi bất dĩ, tắc thành bách thiên vạn ức bối phẩm, cố viết “phục ưng vô lượng”.
(疏) 輩之無窮 ,品之不已 , 則成百千萬億輩品 ,故
曰復應無量。
(Sớ: Bậc thì vô cùng, phẩm chẳng thể xiết, nên thành trăm ngàn vạn ức bậc, phẩm; vì thế, nói “nên lại là vô lượng”).
Đoạn này nói ra chân tướng. Bình thường, quý vị đọc kinh văn, dường như phẩm vị trong Tây Phương Cực Lạc thế giới rất đơn giản, chỉ có ba bậc, chín phẩm, trên thực tế, chẳng phải vậy! Giống như học hành trong thế gian, trường học lại phân ra bao nhiêu là lớp; dẫu trong cùng một lớp, khi thi cử lại có bậc nhất, bậc nhì, bậc ba, một mực sắp xếp thấp dần như thế. Những điều này đều có ý nghĩa phẩm vị. Do công phu của mỗi người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới mỗi khác, nên phẩm vị cũng nhiều, đó là chuyện hết sức hợp lý.
(Sớ) Sở dĩ nhiên giả, quân danh niệm Phật, đồng nhất vãng sanh, nhi tu hữu Sự Lý, công hữu cần nọa, tùy nhân cảm quả, địa vị tự biệt.
(疏) 所以然者 ,均名念佛 ,同一往生 , 而修有事理
,功有勤惰,隨因感果,地位自別。
(Sớ: Nguyên do là tuy cùng gọi là niệm Phật, cùng là vãng sanh, nhưng tu tập có Sự và Lý, công phu có siêng năng hay biếng nhác, nhân nào cảm lấy quả nấy, nên địa vị tự sai khác).
Nêu ra lý do vì sao có nhiều phẩm vị dường ấy! Người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới công phu tu hành khác nhau, có Sự, có Lý. Nói thật ra, Lý và Sự đều tốt đẹp như nhau, nay chúng ta nhìn bằng con mắt thông thường, đương nhiên hiểu Lý tốt đẹp hơn chẳng hiểu Lý nhiều, tốt đẹp ở chỗ nào? Nói thật ra là một câu: “Chết sạch lòng so đo, khăng khăng niệm A Di Đà Phật”. Quý vị đã hiểu rõ Lý thì mới chết sạch lòng so đo, mong ngóng, khiêm hư sát đất. Nếu chẳng hiểu rõ Lý mà cũng có thể chết sạch lòng so đo, khăng khăng hành trì, quả báo đích thực sẽ chẳng khác người hiểu Lý cho lắm. Bất luận hiểu Lý hay không, đều phải niệm đến mức Kiến Tư phiền não đoạn sạch mới có thể đắc Sự nhất tâm bất loạn, quý vị phải ghi nhớ điểm này. Niệm Phật đến mức phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, đó là vừa mới chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn. Bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong thế giới Tây Phương đều là Lý nhất tâm. Chúng ta dùng kinh Hoa Nghiêm để phân định, phán đoán, thì từ Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, cho đến Đẳng Giác tại Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là Lý nhất tâm bất loạn. Do điều này có thể biết: Công phu Lý nhất tâm sâu hay cạn, [phẩm vị] sẽ sai khác rất nhiều. Lý nhất tâm là như thế thì Sự nhất tâm và công phu thành phiến chẳng ra ngoài lệ ấy, cũng đều có cùng một tình hình. Vì thế, công phu phải siêng năng, dũng mãnh, phải nỗ lực, phải dùng thời gian quý báu để niệm Phật, như vậy thì khi cảm được quả báo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, tự nhiên địa vị sẽ khác nhau!
(Sớ) Cố Niết Bàn thuyết thập nhị nhân duyên, tằng vô nhị pháp, nhi hạ trí quán giả, đắc Thanh Văn Bồ Đề, trung trí quán giả, đắc Duyên Giác Bồ Đề, thượng trí quán giả, đắc Bồ Tát Bồ Đề. Thượng thượng trí quán giả, đắc Phật Bồ Đề.
(疏) 故涅槃說十二因緣 , 曾無二法 。 而下智觀者,
得聲聞菩提。中智觀者,得緣覺菩提。上智觀者,得菩薩菩提。上上智觀者,得佛菩提。
(Sớ: Vì thế, kinh Niết Bàn nói mười hai nhân duyên chưa hề là hai pháp, nhưng kẻ hạ trí quán sát [mười hai nhân duyên ấy] đắc Thanh Văn Bồ Đề, kẻ trung trí quán bèn đắc Duyên Giác Bồ Đề, bậc thượng trí quán bèn đắc Bồ Tát Bồ Đề, bậc thượng thượng trí quán bèn đắc Phật Bồ Đề).
Cùng là một chuyện, tùy theo trí huệ của mỗi người sâu hay cạn mà chia thành nhiều phẩm bậc. “Hạ trí” vẫn còn có trí huệ, chẳng thể nói là không có trí huệ, [trí huệ] lớn hơn chúng ta nhiều lắm, chúng ta ngay cả hạ trí cũng chẳng có! Bậc hạ trí quán thẳng vào bản thể, kinh Phật thường nói “vạn pháp vô thường, vạn pháp đều không”. Người ấy quán mười hai nhân duyên, từ mười hai nhân duyên đạt được khải thị. Cách quán như vậy thành tựu Thanh Văn là cùng, là Tiểu Thừa A La Hán mà thôi. [Lời Sớ giảng] “hạ trí thị đản giải Thiên Không, nhi căn sảo độn giả” (hạ trí là kẻ chỉ hiểu lệch lạc lý Không, căn cơ hơi độn), tức là người căn tánh hơi độn, cho nên chỉ thấy Sanh Diệt Thập Nhị Nhân Duyên. Theo [cách phán định] Tứ Giáo của tông Thiên Thai, Sanh Diệt Thập Nhị Nhân Duyên là nông cạn nhất. “Trung trí”: Trí huệ cao hơn A La Hán, “diệc đản giải thiên Không, nhi căn đại lợi giả” (cũng chỉ hiểu lệch lạc lẽ Không, nhưng căn tánh nhạy bén hơn nhiều), căn tánh nhạy bén, thông minh hơn bậc A La Hán. Đối với thập nhị nhân duyên, họ quán thấy Bất Sanh Diệt Nhân Duyên, đối với pháp nhân duyên rất sâu, người này thấu hiểu, lý giải cao hơn A La Hán rất nhiều. Người như thế trở thành Bích Chi Phật, tức Duyên Giác, “Duyên Giác Bồ Đề”, Bồ Đề có nghĩa là giác ngộ.
Chữ “thượng trí” chỉ Bồ Tát, chỉ có Bồ Tát mới thật sự hiểu rõ Trung Đạo, mới thật sự thông hiểu Trung Đạo. Ngài quán mười hai nhân duyên, cách nhìn cao hơn hai loại trước nhiều lắm, Ngài thấy mười hai nhân duyên là nhân duyên sanh diệt chẳng thể nghĩ bàn, tâm lượng rộng lớn; do vậy, cũng thành hạnh môn rộng lớn, lục độ, vạn hạnh. Đó là “đắc Bồ Tát Bồ Đề”, thành tựu trí huệ của Bồ Tát. Chữ “thượng thượng trí” chỉ Phật, nơi quả địa Như Lai, không chỉ lý giải thấu triệt Trung Đạo, mà còn thật sự đạt được sự thanh tịnh nơi nhân duyên chẳng sanh diệt không thể nghĩ bàn, thanh tịnh là Phật pháp. Do hết thảy Phật pháp đều thành tựu, nên “đắc Phật Bồ Đề”. Do điều này biết rằng: Cùng là một pháp Thập Nhị Nhân Duyên, từ vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, cho đến lão tử, cùng là pháp Thập Nhị Nhân Duyên, mà mỗi người trông thấy, thấu hiểu, ứng dụng đều khác nhau. Đây là nêu ra một tỷ dụ để nói [mà thôi].
(Sớ) Thị tắc chư thiên cộng khí, thực hữu tinh thô.
(疏) 是則諸天共器,食有精粗。
(Sớ: Cho nên chư thiên cùng chung một đồ đựng, mà thức ăn có tinh hay thô).
Mấy câu này xuất phát từ kinh Tịnh Danh, tức là kinh Duy Ma Cật. Kinh Duy Ma Cật nói: Chư thiên cùng nhau dùng cơm; trên cõi trời, hết thảy đều là biến hóa thành tựu, phước báo lớn hơn nhân gian chúng ta nhiều lắm. Chư thiên muốn ăn gì, món ấy bèn biến hiện ra. Ăn no xong, nồi, thau, bát, đĩa cũng đều biến mất, giống như Tây Phương Cực Lạc thế giới do phước báo to lớn! Thế nhưng người sanh lên cõi trời, mỗi người khi tu nhân thực hiện công phu khác nhau, cho nên sau khi sanh lên trời, phước báo vẫn không giống nhau: Cơm từ cùng một nồi, người phước báo lớn ăn thấy cơm ấy rất thơm, rất tinh tế, kẻ phước báo nhỏ thấy cơm thô tháp, đấy cũng là do công phu của chính mình biến hiện ra. Nói những chuyện này để làm gì? Không gì chẳng nhằm khuyên chúng ta phải nỗ lực, phải dụng công tu hành nhiều hơn. Không chỉ quyết định vãng sanh thế giới Cực Lạc, mà còn đến thế giới Cực Lạc, phẩm vị phải tăng cao, đó mới là điều Phật, Bồ Tát mong mỏi chúng ta.
Phải biết trong hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, chỉ có một pháp này là thật. Trong lúc bình thường, quý vị hãy lặng lẽ suy tưởng: Thế gian này là giả, thứ gì cũng đều là giả, chẳng có thứ gì là của chính mình, kể cả thân thể này. Quý vị mỗi đêm đi ngủ, khi ngủ say, quên mất cái thân này, người ta khiêng cái thân của quý vị đi, quý vị cũng không biết! Ngay cả cái thân cũng không phải là chính mình, huống gì vật ngoài thân! Nhất định phải giác ngộ, trong kinh đức Phật thường nói: “Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân” (muôn thứ không đem được, chỉ có nghiệp theo thân). Vì thế, khởi tâm, động niệm, tạo tác, chúng ta phải đặc biệt lưu ý, phải thật sự làm được “đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành”.
Trong kinh, đức Phật đã nói tiêu chuẩn thiện – ác gồm rất nhiều thứ, những tiêu chuẩn ấy đều là so sánh nhằm chỉ bày rõ ràng; chúng tôi cũng nêu ra một trường hợp để nói: Chư thiên thiện hơn con người chúng ta, chư thiên tu Thập Thiện, tu từ – bi – hỷ – xả tứ vô lượng tâm, cao minh hơn nhân gian chúng ta tu Ngũ Giới khá nhiều; nhưng chư thiên so với A La Hán, thậm chí so với Tu Đà Hoàn, họ vẫn chẳng thiện bằng. Vì sao? Hưởng hết phước trời, vẫn đọa trong tam đồ. Tu Đà Hoàn chẳng đọa tam đồ, nhìn theo khía cạnh này, Tu Đà Hoàn thiện, chư thiên bất thiện! Tu Đà Hoàn chẳng bằng A La Hán, A La Hán chẳng bằng Bích Chi Phật. Thiện, ác có nhiều đẳng cấp. Kinh luận nêu ra một tiêu chuẩn tối thiểu, chúng ta phải ghi nhớ: Phàm là chuyện lợi ích chúng sanh thì là thiện, có lợi cho người khác. Đối với điều lợi này, cần phải nói rõ thêm: Đó là lợi ích trong một đời này. Đời này được hưởng sự tốt đẹp, đời sau vẫn được hưởng sự tốt đẹp thì mới là lợi ích chân chánh. Hiện thời được lợi, đời sau chịu khổ báo, đó là bất thiện. Thiện chân chánh thì hiện tại được lợi ích, trong đời sau vẫn được lợi ích. Hễ tự tư tự lợi thì là ác. Vì sao nói tự tư tự lợi là ác? Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Nhân bất vị kỷ, thiên tru địa diệt” (người không vì chính mình, trời tru, đất diệt), có ai chẳng vì chính mình? Vì sao Phật pháp nói “vì chính mình là ác”? Quý vị phải hiểu: Vì hết thảy chúng sanh thật sự là vì chính
mình. Đạo lý này rất sâu, quý vị phải tham cứu tỉ mỉ.
Quý vị có thể vì hết thảy chúng sanh, hết thảy chúng sanh sẽ tự nhiên vì quý vị, tự tại lắm! Hết thảy chúng sanh đều vì quý vị, quý vị hưởng phước báo bất tận. Quý vị chẳng gặp lúc khó khăn; nhà Phật chúng ta bảo là: “Pháp duyên thù thắng”. Pháp duyên của quý vị tốt đẹp! Đến bất cứ nơi đâu cũng đều có người tiếp đãi, đều có người chăm sóc. Làm sao tu được như vậy? Quý vị khởi tâm động niệm đều vì người khác, quý vị mới đạt được quả báo ấy. Niệm niệm chỉ vì chính mình, chẳng nghĩ đến người khác, sẽ chẳng đạt được quả báo thù thắng ấy! Chúng ta phải có khái niệm về tiêu chuẩn thiện ác, hãy nghĩ thay người khác cho nhiều, hãy làm giùm người khác cho nhiều, người ấy nhất định có phước. Có thể quên mất bản thân, phước ấy càng lớn, vì sao? Phá Ngã Chấp! Phá Ngã Chấp thì niệm Phật bèn là Sự nhất tâm bất loạn. Tiến hơn bước nữa là Pháp Chấp cũng phá, quý vị đắc Lý nhất tâm bất loạn, trong hàng Bồ Tát, địa vị ấy được gọi là Pháp Thân đại sĩ. Do vậy, nhất định phải nỗ lực đoạn ác tu thiện.
(Sớ) Tam thú đồng hà, độ phân thâm thiển, yên khả vu dã.
(疏) 三獸同河,渡分深淺,焉可誣也。
(Sớ: Ba con thú cùng vượt sông, thân hình chìm trong nước sâu hay cạn, há có thể dối gạt ư?)
Tỷ dụ này xuất phát từ Thiền Tông Tập của Vĩnh Gia đại sư. “Tam thú” là voi to, ngựa, và thỏ, ba con thú vượt sông. Thể tích của chúng khác nhau. Con thỏ bơi trên mặt nước, con ngựa qua sông, thân thể nó nặng hơn, nên nước ngập đến nửa mình, chìm trong nước sâu hơn. Voi lớn thân thể càng nặng, nó đi từng bước trên đáy sông để vượt qua. Đấy là nói sâu hay cạn khác nhau, tỷ dụ ba hạng người căn tánh khác nhau, đạt được quả vị sâu hay cạn khác nhau!
(Sớ) Thảng kỳ tự phụ lợi căn, văn thuyết niệm Phật nhược tương mỗi yên, ninh tri bối phẩm thiên uyên, tồn hồ kỳ nhân nhi dĩ. Chung bất niệm Phật, độn trí nhữ dã, hiếu kỳ phụ thắng chi sĩ, hạnh bình khí nhi tư chi.
(疏) 儻其自負利根 , 聞說念佛若將浼焉 , 寧知輩品 天淵,存乎其人而已。終不念佛,鈍置汝也,好奇負勝之士,幸平氣而思之。
(Sớ: Nếu kẻ nào tự phụ là lợi căn, nghe nói đến niệm Phật bèn cảm thấy như là phải quỵ lụy, đâu biết phẩm bậc [trong cõi Cực Lạc] khác nhau một trời một vực, tùy thuộc mỗi người mà thôi! Trọn chẳng niệm Phật thì ông được xếp vào hàng ngu độn; mong bậc ham chuộng quái lạ, cao siêu, hãy bình tĩnh suy nghĩ).
Mấy câu này nhằm khuyên lơn, khích lệ chúng ta, hãy hiểu tình hình thật sự bên thế giới Tây Phương, khích phát chúng ta phải tinh tấn chẳng lười nhác, nỗ lực tu trì. Đây là nói giả thiết, nếu quý vị tự cho mình là hạng căn tánh rất bén nhạy, “văn thuyết niệm Phật nhược tương mỗi yên” (nghe nói đến niệm Phật bèn cảm thấy như là quỵ lụy), chữ “mỗi” (浼) có nghĩa cầu cạnh người khác, quỵ lụy người khác. Vì kẻ lợi căn nghe nói đến pháp môn này, chẳng muốn tu học, vì sao? Bản thân ta tu hành dựa vào chính mình để thành công cớ gì còn phải quỵ lụy A Di Đà Phật? Pháp môn này gọi là pháp môn Nhị Lực, [phải hiểu rõ] vì lẽ gì ta phải trông cậy A Di Đà Phật? Do vậy, ở chỗ này, chúng ta nhất định phải tự hiểu: Phẩm loại trong Tây Phương Cực Lạc thế giới quá nhiều, hoàn toàn phụ thuộc chính mình tranh thủ như thế nào?
Nếu quý vị tu học các pháp môn khác, chẳng tin tưởng pháp môn Niệm Phật, cũng chẳng phát nguyện; ở đây, Liên Trì đại sư nói: Người ấy thật sự là độn căn, chẳng phải là kẻ thông minh. Trong lời chú đại lược cho Vô Lượng Thọ Kinh, thầy Lý có viết: “Chẳng cầu đới nghiệp vãng sanh, chẳng ngu, ắt cuồng!” Đọc đến đoạn kinh văn ấy rồi mới có cảm xúc sâu xa, vì kinh Vô Lượng Thọ đã nêu ra sự thật: Trong kinh có nói tới những vị Bồ Tát đời đời kiếp kiếp đều phát Bồ Đề tâm, tu Bồ Tát đạo, trong đời quá khứ từng cúng dường bốn trăm ức Phật, rốt cuộc vẫn bị mê khi cách ấm, vẫn bị thoái chuyển. Vì thế, thầy Lý nói: “Chẳng cầu đới nghiệp vãng sanh, chẳng ngu, ắt cuồng!” Ở đây cũng có cùng ý nghĩa ấy, khuyến khích, cổ vũ chúng ta phải phản tỉnh cẩn thận, những pháp môn khác có thật sự tu được hay chăng?
Tham Thiền có thể đắc Thiền Định, ngồi xếp bằng, ngồi mười ngày, nửa tháng không đứng dậy, chẳng cần ăn cơm, cũng không cần uống nước, làm được như vậy; nhưng thưa cùng quý vị: Chẳng ra khỏi tam giới, chẳng thể liễu sanh tử, chẳng đoạn phiền não! Nếu công phu Thiền Định sâu hơn một chút, biết hiện tại, quá khứ, vị lai, chẳng lầm nhân quả, nhưng vẫn có nhân quả báo ứng, chắc chắn chẳng sánh bằng Hạ Phẩm Hạ Sanh đới nghiệp vãng sanh. Vì sao chúng ta chẳng chọn lấy Tây Phương Tịnh Độ? Chọn lấy Tây Phương Tịnh Độ mới thật sự là
viên mãn rốt ráo.
Điều kiện để giữ lấy Tịnh Độ là ba món tư lương: Thứ nhất là tin sâu chẳng nghi, thứ hai là chịu phát đại nguyện thiết tha, trong một đời này, ta chỉ có một nguyện vọng: “Gặp A Di Đà Phật, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới”. Chúng ta hễ nghĩ bèn nghĩ đến A Di Đà Phật, nếu niệm bèn niệm A Di Đà Phật, những thứ khác thảy đều buông xuống, như vậy thì mới được. Nếu nghĩ đến chuyện khác, tức là xen tạp. Dẫu suốt ngày từ sáng đến tối thọ trì danh hiệu, trong ấy vẫn có xen tạp, vì sao? Quý vị nghĩ đến chuyện khác! Vì thế, phải ghi nhớ: Ngàn vạn phần đừng tơ tưởng! Nếu quý vị nghĩ đến người nhà quyến thuộc hiện thời, thì người nhà quyến thuộc nói chung phải chia lìa, phải giã biệt, chẳng có cách nào viên mãn, chẳng có cách nào thường tụ họp, đó là chuyện chẳng thể được! Chỉ có vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thì sẽ thường tụ họp. Vì thế, bản thân quý vị niệm Phật, người trong nhà chẳng chịu niệm Phật, quý vị hãy nêu gương cho họ thấy, họ sẽ niệm!
Trong cuốn Niệm Phật Luận, lão pháp sư Đàm Hư có kể chuyện cư sĩ Trịnh Tích Tân, ông ta học Phật rất kiền thành, buông bỏ hết sự nghiệp, chẳng cần tới nữa, hằng ngày niệm Phật. Ông ta biết giảng kinh, đến các nơi giảng kinh, thuyết pháp cho người khác, em trai ông ta hết sức bất mãn. Sau này, khi ông ta vãng sanh, người em trai thấy ông ta lúc vãng sanh chẳng ngã bệnh, biết trước lúc mất. Ông ta vãng sanh nhằm lúc giảng kinh; ông ta giảng kinh xong, đại chúng giải tán, còn lại mười mấy người, ông ta nói với các đạo hữu, nhờ họ thuê cho ông ta một căn nhà. Kết quả là những đạo hữu đó cảm thấy rất lạ lùng: “Ông nói ông sắp ra đi, thuê nhà để làm gì?” Ông ta đáp: “Tôi chẳng đến nơi nào khác, tôi sang Tây Phương Cực Lạc thế giới. Chết ở nhà người khác chẳng tiện, ông hãy thuê nhà giùm tôi”. Các đồng tu nghe chuyện này, bảo: “Chúng tôi chẳng kiêng kỵ, đến nhà tôi tốt hơn”. Mỗi người đều hoan nghênh ông ta: “Chúng tôi chẳng kiêng kỵ, ông thật sự có bản lãnh ấy”. Đây chẳng phải là người đơn giản! Ông ta lại chẳng bị bệnh. Được rồi! Trịnh Tích Tân liền nhận lời, ở nhà một người bạn. Khi lâm chung, các bạn bè trợ niệm cho ông ta, còn bảo ông ta: “Cổ nhân vãng sanh đều nói mấy câu kệ để làm kỷ niệm, ông cũng nên đọc cho chúng tôi một bài kệ”. Trịnh cư sĩ nói: “Không cần, thấy tôi như thế này là được rồi”. Mọi người niệm Phật cho ông ta mười lăm phút, ông ta qua đời. Em trai ông ta thấy như vậy mới giác ngộ, cho nên cũng dốc hết tánh mạng niệm Phật, ba năm sau cũng biết trước thời khắc vãng sanh. Đó là độ người nhà!
Vì thế, chính mình thật sự có thành tựu, nhất định sẽ hóa độ một phương. Đối với những chỗ giống như vậy, chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ nhiều phen, học Phật, bất cứ một pháp môn nào chẳng bằng niệm Phật. Niệm Phật mà cái tâm của quý vị chưa thật ổn thì phải nghiên cứu kinh điển cho nhiều. Nghiên cứu những kinh điển nào? Kinh điển quá nhiều, ở nơi đây chúng tôi in một cuốn sách lớn, tức là đem ba thứ chú giải kinh A Di Đà in gộp chung, sách ấy đáng để nghiên cứu. Bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ của lão cư sĩ Hạ Liên Cư hết sức hay. Kinh Vô Lượng Thọ có năm bản dịch khác nhau; thật sự nghiên cứu kinh Vô Lượng Thọ thì vẫn phải tham khảo các bản dịch gốc.
(Huyền Nghĩa) Tổng thâu giả.
(玄義) 總收者。
(Huyền Nghĩa: Nói tóm lại).
Đây là lời tổng kết, tổng kết của cả chương này.
(Huyền Nghĩa) Đản trì Phật danh, tất sanh bỉ quốc.
(玄義) 但持佛名,必生彼國。
(Huyền Nghĩa: Chỉ trì danh hiệu Phật, ắt sanh về cõi kia).
Ngữ khí hết sức khẳng định, nhất định sanh về thế giới Tây Phương.
(Huyền Nghĩa) Tắc hoặc cao, hoặc hạ, hoặc thánh, hoặc phàm.
(玄義) 則或高或下,或聖或凡。
(Huyền Nghĩa: Dù cao hay thấp, dù thánh hay phàm).
Do vì phẩm vị khác nhau, cho nên có cao – thấp, có thánh – phàm. Trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư là phàm, từ cõi Phương Tiện Hữu Dư trở lên là thánh, tức là thánh nhân. Nếu [xét theo] cõi Phương Tiện Hữu Dư trong thế gian này, họ bằng với A La Hán, tức bậc thánh trong Tiểu Thừa, nhưng trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm, họ là bậc Bồ Tát kiến tánh. Đó gọi là Tam Hiền Thập Thánh.
(Huyền Nghĩa) Nãi chí hoặc tín, hoặc nghi, hoặc tán, hoặc hủy, tri hữu bỉ Phật, tiện thành thiện căn, đa kiếp, đa sanh, câu mông giải
thoát.
(玄義) 乃至或信或疑 ,或讚或毀 ,知有彼佛 , 便成
善根,多劫多生,俱蒙解脫。
(Huyền Nghĩa: Cho đến dù tin hay ngờ, hoặc tán thán, hoặc hủy báng, do biết có vị Phật ấy, liền trở thành thiện căn nhiều kiếp nhiều đời, đều được giải thoát).
Mấy câu này quả thật chẳng thể nghĩ bàn!
(Sớ) Cao hạ giả, dĩ thượng phẩm tức đăng bỉ ngạn, hạ phẩm do thắng thiên cung, tắc phẩm vị tuy thù, giai đắc bất thoái cố.
(疏) 高下者 ,以上品即登彼岸 ,下品猶勝天宮 , 則
品位雖殊,皆得不退故。
(Sớ: “Cao, thấp”: Do thượng phẩm liền lên bờ kia, hạ phẩm vẫn hơn cung trời, tức là phẩm vị tuy khác biệt, nhưng đều đắc bất thoái).
Đây là chỗ chẳng thể nghĩ bàn của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Thượng Phẩm Thượng Sanh bèn “tức đăng bỉ ngạn” (liền vượt lên bờ kia), “bỉ ngạn” là thành Phật. Hễ đến Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn thành Phật. Trong bài kệ tán Phật [chúng ta] thường niệm, có câu: “Hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh”. Đấy chính là Thượng Phẩm Thượng Sanh, hễ vãng sanh bèn thành Phật. “Hạ phẩm” là nói tới hạ phẩm trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, là địa vị thấp nhất trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, hưởng phước báo vượt trỗi thiên cung. Chữ “thiên cung” chỉ Dục Giới, Sắc Giới, thậm chí bao gồm cả Vô Sắc Giới. Vì sao? Dục Giới thiên có ngũ suy[1], vẫn phải đọa lạc. Trời Tam Thiền có hỏa tai, thủy tai, phong tai. Cổ nhân nói: “Túng nhiên tu đáo Phi Phi Tưởng” (dẫu tu lên đến cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ), đó là Vô Sắc Giới, là tầng cao nhất trong hai mươi tám tầng trời, đã đến cõi trời Phi Phi Tưởng, “bất như Tây Phương quy khứ lai” (chẳng bằng trở về Tây Phương), chẳng sánh bằng Hạ Phẩm Hạ Sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì Hạ Phẩm Hạ Sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới không có tướng ngũ suy, không bị lui sụt, không có thiên tai, hai mươi tám tầng trời làm sao có thể sánh bằng? Đó là “hạ phẩm do thắng thiên quốc” (hạ phẩm vãng sanh vẫn còn hơn cõi trời).
“Tắc phẩm vị tuy thù, giai đắc bất thoái cố” (tức là phẩm vị tuy sai khác, nhưng đều đắc bất thoái): Đây là chỗ chẳng thể nghĩ bàn nhất của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Trong mười phương thế giới không có chuyện này, chỉ có Tây Phương Cực Lạc thế giới là có, họ bất thoái chuyển. Không chỉ bất thoái chuyển, mà trong kinh còn nói rất rõ ràng: Viên chứng ba món Bất Thoái, hãy đặc biệt chú ý chữ Viên! Thông thường, trong thế giới của chúng ta, hoặc là nói theo các cõi Phật trong mười phương, đều giống nhau, nhất định phải đoạn sạch tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong ba cõi mới chứng Vị Bất Thoái, đó là địa vị chẳng lui sụt, tức là vĩnh viễn không lui xuống ba ác đạo, quý vị ở trong hai đường nhân thiên, đó là Vị Bất Thoái. Sau khi đã đoạn Kiến Tư phiền não, chứng quả A La Hán, hồi Tiểu, hướng Đại, khi ấy mới chứng đắc Hạnh Bất Thoái, chẳng dễ dàng! “Hạnh” là tu hành, quyết định chẳng lui sụt xuống Nhị Thừa, tức là chẳng lùi xuống Tiểu Thừa. Môn Bất Thoái thứ ba cần phải phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, mới đạt đến Niệm Bất Thoái. Đó là nói về ba thứ Bất Thoái.
Nói thật ra, ai đắc ba thứ Bất Thoái? Bậc Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, Ngài đắc cả ba thứ Bất Thoái này. Người Hạ Phẩm Hạ Sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng có ba thứ Bất Thoái. Không chỉ có ba thứ Bất Thoái, mà còn viên chứng ba thứ Bất Thoái. Chữ Viên này phải giải thích ra sao? Tôi vừa mới nói đó thôi! Sơ Trụ Bồ Tát tuy chứng ba thứ Bất Thoái, nhưng chưa viên mãn. Chứng viên mãn ba thứ Bất Thoái là ai? Bậc Đẳng Giác Bồ Tát trong Viên Giáo, như Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát mới viên chứng ba thứ Bất Thoái. Vì thế, hễ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, các thứ hưởng thụ và cảnh giới chẳng khác các vị Đẳng Giác Bồ Tát cho mấy, chuyện tốt đẹp như vậy tìm ở đâu ra? Tra duyệt khắp hết thảy kinh điển, chẳng thấy Thích Ca Mâu Ni Phật nói như vậy [trong các kinh khác]. Nhìn vào các thế giới chư Phật trong mười phương, cũng chẳng có chuyện này. Vì thế, Tây Phương Cực Lạc thế giới được gọi là “pháp khó tin”, thật sự khiến người ta khó tin!
Quý vị phải nghiêm túc nghiên cứu những chú sớ kinh luận, mục
đích chẳng ngoài khiến cho chúng ta chết sạch lòng mong ngóng, kiên định nơi pháp môn này. Công đức Niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn! Niệm Phật có thể khử tà, đã có rất nhiều tấm gương [chứng tỏ niệm Phật] có thể xua đuổi yêu ma, quỷ quái, cho nên một câu Phật hiệu là được rồi!
(Sớ) Thánh phàm giả, dĩ cụ phược phàm phu, đản đắc vãng sanh, tức dữ chư đại Bồ Tát câu hội nhất xứ, tắc chung đương thành thánh cố, thử chuyên cử kỳ thuận giả.
(疏) 聖凡者 ,以具縛凡夫 ,但得往生 , 即與諸大菩
薩俱會一處,則終當成聖故,此專舉其順者。
(Sớ: Thánh phàm: Do hàng phàm phu đầy dẫy triền phược, chỉ cần được vãng sanh liền ở cùng một chỗ với các vị đại Bồ Tát, nên rốt cuộc sẽ thành thánh. Đây là chuyên nói về những kẻ thuận theo pháp môn này).
Thế giới Tây Phương đặc biệt, hễ vãng sanh sẽ được A Di Đà Phật và Quán Âm, Thế Chí đến tiếp đón. Sau khi đã được đón về Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị hằng ngày ở chung với Phật, Bồ Tát. Chắc quý vị cũng hoài nghi: Phật, Bồ Tát sao lại có nhiều thời gian như vậy để bầu bạn với tôi? Đúng là các Ngài chẳng rời quý vị, thật ra, hóa thân bầu bạn với quý vị, các Ngài có vô lượng vô biên chẳng thể nghĩ bàn hóa thân. Tuy ở trong búp sen, sen còn chưa nở, chư Phật Bồ Tát và hải hội đại chúng đều hóa thân trong ấy, quý vị hằng ngày ở cùng chỗ với Phật, Bồ Tát. Đó là cùng với các vị thượng thiện nhân ở một chỗ, các vị thượng thiện ấy chính là Đẳng Giác Bồ Tát. Tam Hiền Thập Thánh là Thiện, thiện nhất trong các vị thiện nhân, thượng thiện là Đẳng Giác Bồ Tát. Quý vị ở cùng một chỗ với các Ngài. Do đây có thể biết, sớm muộn gì quý vị cũng sẽ thành Phật. Đây là chuyên nói về “thuận”, thuận là những người đầy đủ Tín – Hạnh – Nguyện, tất nhiên là như thế. Tiếp theo đây, luận về những kẻ bất thuận.
(Sớ) Hạ ngôn tín nghi tán hủy.
(疏) 下言信疑讚毀。
(Sớ: Tiếp đó, nói về kẻ tin hay ngờ, tán thán hay hủy báng).
Hoặc là tin tưởng, hoặc hoài nghi, hoặc là khen ngợi, hoặc là hủy báng, đều chẳng sao cả!
(Sớ) Tắc kiêm vi thuận, vô bất hoạch ích dã.
(疏) 則兼違順,無不獲益也。
(Sớ: Tức là kẻ chống trái lẫn kẻ thuận theo, chẳng ai không đạt được lợi ích).
Không ai chẳng đạt được lợi ích! Trước kia, các sách Liễu Phàm Tứ Huấn và Cảm Ứng Thiên đặc biệt nhấn mạnh: Đừng nên tùy tiện vứt bỏ giấy có chữ, càng chẳng nên tùy tiện vứt bỏ hình tượng Phật. Trong thời đại quá khứ, lời này tuyệt đối chính xác, vì sao? Tượng Phật, kinh sách chẳng dễ dàng có được. Trước kia, kinh sách được in bằng bản khắc gỗ, phải đục chạm từng chữ một; khi in thì dùng mực bằng chất muội gỗ tùng để bôi lên [khuôn gỗ], đem từng trang giấy miết lên khuôn in, rất tốn công. Một người thợ in mỗi ngày in được mười cuốn sách là giỏi lắm rồi. Nếu in xong xuôi mười cuốn sách, đóng bìa đàng hoàng, sợ rằng phải tốn thời gian đôi ba ngày, sách chẳng dễ gì có được! Một loại khác là sách chép tay, khi không có sách thì chép tay. Vì thế, kinh sách hết sức quý báu. Chúng ta nhất định chẳng nên tổn hoại, tự mình đọc xong còn phải đưa cho người khác đọc, công đức sẽ to lớn.
Thời đại hiện tại khác hẳn. Kỹ thuật ấn loát phát triển, chúng ta hễ in là mấy ngàn cuốn, mấy vạn cuốn, in mấy ngày là xong. Do vậy, quan niệm học Phật của con người hiện tại cũng khác thuở xưa. Trong quá khứ, tượng Phật vẽ trên giấy, để lâu ngày cũ đi, còn được tu bổ lại, còn muốn để thờ. Hiện thời, hễ hình tượng Phật cũ kỹ, chẳng có ai muốn. Làm như thế nào? Đương nhiên phải thiêu đi, làm như vậy không mắc tội. Kinh sách cũng giống như vậy. Sách đã cũ rách cũng nên thiêu hủy, nhưng hiện thời có trường hợp phải nên chú ý, đó là những cuốn sách đóng gáy bằng chỉ, năm tháng đã lâu bị hư hỏng, chúng ta có thể bồi lại giống như bồi tranh vẽ, bồi thêm một lớp nữa dưới mỗi trang, tối thiểu có thể bảo tồn năm trăm năm, chúng ta gọi loại này là “thiện bổn thư”. Nhất định phải trân quý thiện bổn thư, chớ nên tùy tiện khuyên điểm, vẽ, vạch; đối với loại sách in bằng máy, chúng ta có thể vẽ, vạch, ghi chú, chứ nguyên bản nhất định phải bảo tồn, chớ nên tổn hoại.
Trong quá khứ, tôi từng đề nghị in hình Phật trên báo. Tôi đến mỗi nơi trên nước Mỹ đều khuyên các đồng tu nên làm theo cách ấy, phát hành báo chí, tạp chí với số lượng lớn nhất, in hình Phật trong đó khiến cho người mỗi ngày đọc báo đều có cơ duyên thấy Phật. Bên cạnh hình Phật cũng phải ghi danh hiệu Phật: “Nam-mô A Di Đà Phật”, khiến họ mỗi ngày niệm một tiếng, công đức chẳng thể nghĩ bàn. Bất luận người ấy có tin hay không, chủng tử của Tây Phương Tịnh Độ đã gieo trong A Lại Da Thức của người ấy. Có người nói: “Người ta quăng những tờ báo vào đống rác”, đừng bận tâm tới điều đó, đừng sợ. “Như vậy là tạo tội nghiệp”, tạo tội nghiệp cũng không sao! Nếu chúng sanh đều có thể độ, ta tạo tội nghiệp ấy phải đọa địa ngục, ta cam tâm tình nguyện, phải có tinh thần như thế! Quý vị phải biết: Độ bao nhiêu chúng sanh mà! Vì thế, phải có tấm lòng “xả mình vì người khác”, đừng nên lúc nào cũng chỉ nghĩ đến lợi ích của chính mình, khiến Phật pháp chẳng thể hoằng dương, chẳng thể tiến triển. Tiếp theo đây, đại sư nêu lên một câu vấn đáp nhằm giải thích vấn đề này.
(Sớ) Vấn: Tín tán ưng nhĩ, vân hà nghi hủy diệc viết thiện căn?
(疏) 問:信讚應爾,云何疑毀亦曰善根。
(Sớ: Hỏi: Tin tưởng, khen ngợi, lẽ đương nhiên là như vậy. Cớ sao ngờ vực, hủy báng mà cũng nói là thiện căn?)
Kẻ tin tưởng, tán thán đương nhiên là thiện căn, chúng ta chẳng hoài nghi điều này. Kẻ chẳng tin, hủy báng, cớ sao gọi là thiện căn cho được?
(Sớ) Đáp: Thường Bất Khinh thọ ký chư nhân.
(疏) 答:常不輕授記諸人。
(Sớ: Đáp: Ngài Thường Bất Khinh thọ ký cho mọi người).
Đây là Thường Bất Khinh Bồ Tát (Sadāparibhūta Bodhisattva). Trong hội Lăng Nghiêm, ta cũng thấy Ngài, mà trong hội Pháp Hoa, chúng ta cũng thấy Ngài. Thường Bất Khinh Bồ Tát thọ ký cho người khác.
(Sớ) Giai đương tác Phật.
(疏) 皆當作佛。
(Sớ: Sẽ đều thành Phật).
Hết thảy chúng sanh, mỗi chúng sanh đều sẽ thành Phật.
(Sớ) Nhân nghi bất tín, nãi chí đả mạ.
(疏) 人疑不信,乃至打罵。
(Sớ: Người ta nghi ngờ chẳng tin, thậm chí đánh, chửi).
Người khác nghe nói lời ấy chẳng tin tưởng, đánh đập, chửi bới Thường Bất Khinh Bồ Tát. A! Bồ Tát nói lời chân thật với quý vị, chẳng những quý vị không tin tưởng, mà còn muốn đánh Ngài, lại còn toan chửi bới Ngài. Tội lỗi ấy nặng lắm!
(Sớ) Nhân đọa địa ngục, tùng địa ngục xuất, chung đắc thành đạo.
(疏) 因墮地獄,從地獄出,終得成道。
(Sớ: Do vậy, đọa địa ngục, từ địa ngục thoát ra, rốt cuộc thành đạo).
Sau khi chịu hết tội báo do đánh chửi Bồ Tát ấy, hạt giống do nghe câu Phật pháp ấy thật sự là thiện căn, vĩnh viễn chẳng tiêu mất, nó là hạt giống Kim Cang trong bát thức tâm điền. Nhờ vào hạt giống Kim Cang ấy, sau khi đã hết nghiệp báo, gặp được duyên, bèn thật sự thành tựu, người ấy có duyên với Phật. Do vậy, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Tuy người khác chửi mắng, hủy báng, chúng ta cũng chẳng bận lòng, không cần phải để ý. Chúng ta biết người ấy trong tương lai nhất định sẽ thành Phật vì hạt giống Phật của người ấy đã được gieo rồi!
(Sớ) Khởi phi mạ đả tùng nghi nhi sanh, nghi tùng tri sanh, tri tùng văn sanh, văn tri hữu Phật, nhiên hậu sanh nghi.
(疏) 豈非罵打從疑而生 , 疑從知生 ,知從聞生 ,聞
知有佛,然後生疑。
(Sớ: Há chẳng phải là chửi đánh do nghi sanh ra, nghi do biết sanh ra, biết do nghe sanh ra. Nghe biết có Phật rồi mới sanh lòng nghi).
Tuy là sanh lòng nghi, nhưng người ấy đã nghe tới Phật.
(Sớ) Tằng vị văn chi, nghi tùng hà phát? Nhân văn tri cố, Phật chi nhất tự, dĩ uẩn thức điền, đầu chủng thổ trung.
(疏)曾未聞之,疑從何發。因聞知故,佛之一字,已蘊識田,投種土中。
(Sớ: Nếu chưa từng nghe, lòng nghi do đâu mà phát sanh? Do nghe biết, nên một chữ Phật đã chứa trong ruộng thức, như gieo hạt giống xuống đất).
Công đức lợi ích là ở chỗ này. Vì thế, người hiểu lý chẳng sợ kẻ khác không tin, chẳng sợ người khác hủy báng, chẳng sợ người khác lăng nhục, quý vị hãy nên tận tâm tận lực giới thiệu Phật pháp với hết thảy chúng sanh. Bất luận kẻ ấy tin hay không, chúng ta nhất định phải làm như thế này: Chỉ cần trong A Lại Da Thức của người ấy có hạt giống này, sau nhiều đời nhiều kiếp, người ấy nhất định gặp duyên. Sau khi gặp duyên, nhất định thành tựu. Khi người ấy thành tựu, nhất định sẽ cảm kích quý vị. Đến khi thành tựu, sẽ đắc Túc Mạng Thông, người ấy sẽ thấy: “Trong bao nhiêu kiếp trước, người đó đã giới thiệu Phật pháp cho ta”, người ấy hết sức cảm tạ quý vị, vì sao? Quý vị đã độ người ấy. Nếu quý vị không ban cho người ấy hạt giống đó, làm sao người ấy có thể thành Phật? Do vậy, đừng sợ, chẳng cần kiêng dè gì cả, chẳng cần phải chấp trước gì cả!
(Sớ) Vũ lộ hốt tư, chung hữu sanh nhật.
(疏) 雨露忽滋,終有生日。
(Sớ: Mưa, sương chợt tưới tắm, rốt cuộc sẽ có ngày sanh trưởng).
Hai câu này tỷ dụ trong tương lai gặp duyên, là vì người ấy có hạt giống, hễ gặp được duyên, nhất định sanh trưởng, nhất định thành tựu.
(Sớ) Bỉ hủy Phật giả, nghĩa diệc như thị.
(疏) 彼毀佛者,義亦如是。
(Sớ: Ý nghĩa những kẻ hủy báng Phật [mà vẫn được gọi là thiện căn] cũng như thế đó).
Hủy báng Phật cũng có đạo lý như vậy đó! Người hủy báng Phật, tương lai sẽ đều thành Phật. Bất quá là phải chịu tội một thời gian, có một khoảng thời gian bị đọa lạc, nhưng khi tội báo đã xong, nhất định gặp duyên, sẽ thành thục.
(Sớ) Cố viết đản tri hữu Phật, giai thành thiện căn, tất cánh giải thoát, bất văn, bất tri, tắc bất thành chủng.
(疏)故曰但知有佛,皆成善根,畢竟解脫,不聞不知
,則不成種。
(Sớ: Cho nên nói chỉ cần biết có Phật thì đều thành thiện căn, rốt ráo giải thoát. Chẳng biết, chẳng nghe, sẽ chẳng thành hạt giống).
Mấy câu này hết sức quan trọng, nhất là đối với pháp môn Tịnh Độ trong Phật pháp. Là vì quý vị nghe hết thảy các pháp môn khác chẳng thể thành tựu trong một đời này. Chẳng những không thể thành tựu trong một đời này, mà nói thật ra, đời đời kiếp kiếp đều chẳng thể thành tựu. Nếu muốn thành tựu, vẫn là phải niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Các đồng tu nghe tôi nói kiểu này, chắc cũng bảo tôi nói quá bạo miệng. Thật ra, tôi có căn cứ để nói như thế, chẳng phải là nói tùy tiện. Căn cứ gì vậy? Dựa theo Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Trong hội Hoa Nghiêm đến cuối cùng, mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát dẫn về Cực Lạc. Chúng ta nghe lời này phải giác ngộ! Không gì chẳng phải là dùng vãng sanh thế giới Cực Lạc hòng thành tựu rốt ráo. Nếu các thế giới phương khác cũng rốt ráo thành tựu, hàng Đẳng Giác Bồ Tát trong Viên Giáo cần gì phải vãng sanh thế giới Tây Phương? Không cần thiết! Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có ý nghĩa gì cả! Chính vì hàng Đẳng Giác Bồ Tát của Viên Giáo mà còn phải phát nguyện vãng sanh, chúng ta mới biết thế giới Tây Phương mới là quả báo rốt ráo chân thật viên mãn.
Đã biết sự thật này, vì sao nay chẳng tu? Hiện thời chịu tu, đấy là như trong kinh đã nói: Thiện căn, phước đức, nhân duyên, ba điều kiện trọn đủ. Không chỉ trọn đủ, mà thật sự là đại thiện căn, đại phước đức, đại nhân duyên. Thật sự hiểu rõ, thật sự tiếp nhận, từ nay trở đi, chúng ta không chỉ tùy duyên đối với pháp thế gian, tùy duyên là buông xuống. Buông xuống chẳng phải là chuyện gì cũng không hỏi tới. Quý vị phải hiểu rõ điều này. Buông xuống là gì? Chẳng còn phan duyên nữa, đó là buông xuống. Từ nay trở đi, tùy duyên sống qua ngày, dùng toàn bộ thời gian để niệm Phật, phải hoàn tất đại sự bậc nhất của chúng ta trong một đời này.
Tất cả những kinh luận trong pháp xuất thế gian cũng phải buông xuống, chẳng cần phải nghiên cứu, phí tinh thần chẳng cần thiết! Coi nhiều thêm mấy bộ kinh chẳng bằng niệm nhiều mấy câu Phật, vì sao? Quý vị xem kinh nhiều chẳng thể tăng cao phẩm vị, niệm Phật nhiều mới có thể tăng cao phẩm vị. Xem kinh nhiều, tư tưởng tán loạn, quý vị sẽ nghĩ kinh này nói như thế này, kinh kia nói như thế nọ, vì sao nói khác nhau? Đâm ra quý vị hoài nghi, thậm chí chẳng tin tưởng, thoái chuyển; do vậy, chẳng bằng không xem. Người niệm Phật chỉ đọc ba kinh một luận, hoặc là xem Tịnh Độ Thập Yếu, Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, đủ rồi, chẳng cần phải xem gì khác. Tu học như thế, trong một đời này, chúng ta nhất định có thành tựu. Hôm nay đã hết thời gian rồi!
[1] Ngũ suy là năm dấu hiệu báo trước một vị trời sắp hết thọ mạng, chia thành hai loại: Đại ngũ suy và tiểu ngũ suy.
Đại ngũ suy là: 1) Y phục tự nhiên biến thành bẩn thỉu, nặng nề. 2) Hoa cài trên đầu bị héo. 3) Dưới nách toát mồ hôi. 4) Thân thể bẩn thỉu, rít nhớp. 5) Chẳng ưa thích tòa ngồi của chính mình.
Tiểu ngũ suy là: 1) Tiếng nhạc không tự nhiên trỗi lên nữa. 2) Ánh sáng nơi thân mờ yếu. 3) Nước tắm dính vào mình. 4) Tham đắm cảnh chung quanh không bỏ được. 5) Cảm thấy thân trống rỗng, mắt nháy lia lịa.