#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 120
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm năm mươi chín:
(Sớ) Vấn: Chư kinh vô luận, chỉ như bổn giáo nhị kinh, giai hữu phát khởi, kim kinh hà độc bất nhiên? Đáp: Ý di thiết cố, diệc thị
bất phát khởi chi phát khởi cố.
(疏)問:諸經無論,只如本教二經,皆有發起,今經何獨不然。答:意彌切故,亦是不發起之發起故。
(Sớ: Hỏi: “Các kinh chẳng bàn tới, chỉ riêng hai kinh thuộc giáo này đều có phần phát khởi, cớ sao riêng mình kinh này chẳng vậy?” Đáp: Do ý càng thiết tha, cũng là chẳng phát khởi mà phát khởi vậy).
Đây là Liên Trì đại sư giả lập một nghi vấn, trên thực tế, cũng có thể có nghi vấn này. “Chư kinh” là các kinh khác, chúng ta chẳng bàn tới, chỉ nói tới Tịnh Độ tam kinh, kinh Vô Lượng Thọ và Quán Kinh đều có phần Phát Khởi, cớ sao Tiểu Bổn A Di Đà Kinh không có ai phát khởi? Nêu ra một câu hỏi như thế, Liên Trì đại sư giải đáp: “Ý di thiết cố” (do ý càng thiết tha)!
(Sao) Bổn giáo nhị kinh giả, Thập Lục Quán Kinh dữ thử kinh Đại Bổn.
(鈔) 本教二經者,十六觀經與此經大本。
(Sao: “Hai kinh thuộc giáo này” là Thập Lục Quán Kinh và Đại Bổn của kinh này).
Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ.
(Sao) Giai chuyên thuyết Tịnh Độ, cố xưng bổn giáo.
(鈔)皆專說淨土,故稱本教。
(Sao: Đều chuyên nói về Tịnh Độ nên gọi là “bổn giáo”).
Đây là Tịnh Độ tam kinh, thời Liên Trì đại sư, kinh điển chuyên về Tịnh Độ Tông là tam kinh nhất luận. Nay chúng ta thấy kinh luận Tịnh Độ là ngũ kinh nhất luận, thêm vào Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm và Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương. Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm do cư sĩ Ngụy Nguyên thêm vào dưới đời Thanh trong niên hiệu Hàm Phong, Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương do Ấn Quang đại sư thêm vào đầu thời Dân Quốc, nên mới biến thành Tịnh Độ Ngũ Kinh. Nói cách khác, cuối phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện là “mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc”, đương nhiên có thể nói là kinh điển Tịnh Độ! Không chỉ là kinh điển Tịnh Độ, mà còn là kinh điển rất trọng yếu trong Tịnh Độ Tông. Trong Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương đã nêu ra cương lãnh tu học vô cùng trọng yếu. Thời Liên Trì đại sư, Tịnh Độ vẫn chỉ có ba kinh. Vì thế, hễ nhắc tới [kinh điển Tịnh Độ] đều không nói ngũ kinh. Chẳng nói tới những kinh điển khác trong bổn giáo, chỉ nói “bổn giáo nhị kinh”.
(Sao) Quán Kinh, tắc Vy Đề thương tử ác nghịch, yếm trược cầu tịnh, nhi viết: “Ngã nguyện sanh thanh tịnh thế giới, bất nhạo thử Diêm Phù Đề trược ác thế” dã. Thị dĩ Xà vương mẫu tử vi phát khởi cố.
(鈔)觀經,則韋提傷子惡逆,厭濁求淨,而曰我願生清淨世界,不樂此閻浮提濁惡世也。是以闍王母子為發起故。
(Sao: Quán Kinh thì bà Vy Đề Hy đau lòng vì con ác nghịch, chán cõi trược, cầu cõi tịnh, bèn nói: “Nguyện sanh về thế giới thanh tịnh, chẳng thích đời trược ác trong cõi Diêm Phù Đề”; đấy là dùng mẹ con vua A Xà Thế để phát khởi).
Đây là nhân duyên phát khởi của Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh.
(Sao) Đại Bổn, tắc Thế Tôn nhất nhật dung nhan dị thường.
(鈔) 大本,則世尊一日容顏異常。
(Sao: Đại Bổn thì một hôm đức Thế Tôn dung nhan khác lạ).
“Dung nhan dị thường” tức là vô cùng hoan hỷ, Phật dùng sự hoan hỷ để phát khởi, hiện tướng lành hoan hỷ khôn sánh, tôn giả A Nan trông thấy.
(Sao) A Nan vấn ngôn: “Ngã tùng thị Phật, vị tằng hoạch đổ oai dung, hữu như kim nhật”.
(鈔)阿難問言:我從侍佛,未曾獲睹威容,有如今日。
(Sao: A Nan hỏi: “Con từ khi hầu Phật đến nay, chưa từng được thấy oai dung giống như ngày hôm nay”).
A Nan trông thấy vô cùng kinh ngạc, lạ lùng, Ngài nói: “Con hầu Phật đã lâu như thế, trước nay chưa hề thấy đức Phật vui sướng giống như ngày hôm nay”. Do vậy, quý vị phải hiểu đức Phật nói kinh này vô cùng hoan hỷ.
(Sao) Khởi phi niệm quá khứ chư Phật, hoặc niệm vị lai chư Phật, cố trí nhiên da?
(鈔) 豈非念過去諸佛,或念未來諸佛,故致然耶。
(Sao: Há chẳng phải là nghĩ tới quá khứ chư Phật hoặc vị lai chư Phật nên mới thành ra như vậy ư?)
A Nan suy nghĩ vì sao đức Phật hoan hỷ ngần ấy? Nhất định là do niệm Phật, chỉ có niệm Phật mới là hoan hỷ nhất, bèn hướng về Thích Ca Mâu Ni Phật thỉnh giáo.
(Sao) Thiện tai A Nan, hữu chư thiên giáo nhữ lai vấn? Nhữ tự vấn da?
(鈔) 善哉阿難,有諸天教汝來問?汝自問耶?
(Sao: Lành thay A Nan! Có chư thiên dạy ông hỏi? Hay là ông tự mình hỏi?”)
Đức Phật nghe A Nan hỏi, hỏi cũng vô cùng vui vẻ, bèn hỏi ngược lại: “Có phải là chư thiên bảo ông hỏi hay chăng? Hay do chính ông tự hỏi?”
(Sao) Nhữ sở vấn giả, thắng bố thí nhất tứ thiên hạ Thanh Văn, Duyên Giác, chư thiên, nhân dân, nãi chí quyên, nhuyễn, kinh ư lũy kiếp, thượng bách thiên vạn bội, bất khả dĩ cập.
(鈔)汝所問者,勝布施一四天下聲聞緣覺諸天人民,乃至蜎蝡,經於累劫,尚百千萬倍,不可以及。
(Sao: Lời ông hỏi [có công đức] trỗi hơn bố thí cho Thanh Văn, Duyên Giác, chư thiên, nhân dân, cho đến các loài cựa quậy, bò toài trong bao nhiêu kiếp, dẫu trăm ngàn vạn lần vẫn chẳng thể sánh bằng).
Do lời hỏi này của A Nan, đức Phật liền giảng cho chúng ta pháp môn Trì Danh Niệm Phật. Nói ra pháp môn ấy sẽ độ chẳng biết bao nhiêu chúng sanh? Chư vị nhất định phải biết, tuy trong Phật pháp thường nói “pháp pháp bình đẳng, vô nhị, vô biệt” (pháp nào cũng bình đẳng, chẳng hai, chẳng khác), Phật pháp xác thực là bình đẳng, bình đẳng là nói theo Lý. Nói theo Lý là bình đẳng, nhưng nói theo Sự bèn bất bình đẳng. Đối với sự bất bình đẳng ấy, nói thật ra, chẳng phải là Phật pháp bất bình đẳng, mà do chúng sanh chúng ta bất bình đẳng. Vì vậy, hết thảy Phật pháp có khó và dễ, các pháp môn khác khó tu, những kẻ căn tánh kém hèn như chúng ta, nghiệp chướng nặng nề, chẳng có cách nào tu được, tu suốt đời vẫn chẳng thể thành công. Pháp môn này đơn giản, dễ tu học, có thể nói là lục đạo phàm phu đều có phần.
Nếu pháp này dễ tu, mà trong tương lai thành tựu quả báo chẳng thù thắng gì hết thì cũng rất đáng tiếc, chẳng thể coi là viên mãn. Nếu vừa dễ vừa có quả báo thù thắng nhất, pháp môn này thật sự là viên mãn rốt ráo. Có pháp môn ấy hay không? Có! Như pháp môn Trì Danh Niệm Phật được giảng trong kinh Di Đà, pháp môn ấy thù thắng khôn sánh, thực hiện dễ dàng, thành công cao, thật cao! Cao đến mức độ nào? Cao đến thành Phật, cao đến mức triệt chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác; vì thế, đức Phật hoan hỷ.
Mười phương hết thảy chư Phật đều lấy độ chúng sanh làm bổn hoài, chư Phật thật sự mong mỏi hết thảy chúng sanh, ước gì các ngươi lập tức thành Phật, đấy mới là bổn nguyện độ chúng sanh của Phật, trọn chẳng mong quý vị trải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp, trải qua vô lượng kiếp rồi mới dần dần thành tựu. Nói thật ra, bổn nguyện của Phật là mong mỏi chúng ta lập tức thành Phật. Pháp môn Di Đà này là tâm nguyện của chư Phật, A Di Đà Phật đã thực hiện được tâm nguyện của chư Phật trong ấy! Mong mỏi quý vị mau chóng thành Phật, mau đến mức độ nào? Kinh nói từ một ngày cho đến bảy ngày, quý vị xem còn có pháp môn nào khác nhanh hơn pháp môn này? Khó hay không? Chẳng khó! Trong bốn mươi tám nguyện có nói “mười niệm vãng sanh”, “một niệm vãng sanh”, chuyện này quả thật chẳng khó, mười niệm hay một niệm đều có thể vãng sanh.
Nhưng nếu quý vị muốn vãng sanh làm Phật trong một đời này, phải nghiên cứu cặn kẽ những lý luận trong ba kinh ấy, phải tham chiếu lẫn nhau, chỉ đọc một bộ kinh sẽ chẳng viên mãn, hợp ba kinh lại để xem sẽ liễu giải. Kinh Vô Lượng Thọ là kinh Tịnh Độ bậc nhất, nội dung giảng về duyên khởi của Tây Phương Cực Lạc thế giới, Tây Phương Cực Lạc thế giới do đâu mà có? Do nhân duyên gì mà có? Thành tựu ra sao? Giảng cho chúng ta biết những chuyện ấy! Nói tới lịch sử, tình huống đại lược và thành tựu của Tây Phương Cực Lạc thế giới, bảo cặn kẽ những chuyện này cho chúng ta biết. Nhưng tông chỉ của kinh Di Đà là khuyên chúng ta phát nguyện niệm Phật cầu vãng sanh; vì thế, tông chỉ là “khuyến tín, khuyến nguyện, khuyến hạnh”. Tông chỉ của kinh Quán Vô Lượng Thọ là giảng về phương pháp Niệm Phật; vì vậy, rất trọng yếu, giảng về nhân quả của ba bậc chín phẩm trong thế giới Cực Lạc, chúng ta dùng cái nhân gì để tu, trong tương lai đến Tây Phương Cực Lạc thế giới chứng phẩm vị như thế nào? Do vậy, ta biết ba kinh quả thật có những chỗ khác nhau. Hợp ba kinh lại để xem, sự liễu giải của quý vị đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới mới viên mãn. Nếu có thể xem thêm Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm và Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương sẽ càng viên mãn hơn, tín tâm càng thanh tịnh, kiên định hơn, vãng sanh Tịnh Độ chắc chắn thành tựu trong một đời này.
Vì thế, công đức do lời hỏi của ngài A Nan đúng là vô lượng vô biên, khiến cho Thích Ca Mâu Ni Phật dạy cho chúng ta biết Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, đức Phật nói câu hỏi ấy còn hơn “bố thí chư Thanh Văn, Duyên Giác trong một tứ thiên hạ”, Thanh Văn, Duyên Giác đều là người chứng quả, cúng dường A La Hán, cúng dường Bích Chi Phật quả báo chẳng thể nghĩ bàn. “Chư thiên, nhân dân”: Chư thiên là các vị trời trong hai mươi tám tầng trời, cùng với loài người chúng ta, cho đến lục đạo chúng sanh. “Quyên nhuyễn” là súc sanh đạo, ở đây là nói về lục đạo chúng sanh. Người ấy bố thí bao lâu? Thời gian dài lâu, “kinh ư lũy kiếp, thượng bách thiên vạn bội, bất khả dĩ cập” (trải bao kiếp dài lâu, dẫu trăm ngàn vạn lần vẫn chẳng thể sánh bằng), vẫn kém hơn! Bao kiếp dài lâu cúng dường Bích Chi Phật, A La Hán, bố thí lục đạo chúng sanh, bố thí nhiều kiếp dài lâu vẫn chẳng bằng công đức hỏi Phật lần này của ngài A Nan. Công đức ấy nhiều đến nỗi chẳng có cách nào diễn tả được!
(Sao) Sở dĩ giả hà?
(鈔) 所以者何。
(Sao: Vì cớ sao vậy?)
Vì sao lời hỏi này có công đức to ngần ấy?
(Sao) Chư thiên nhân dân, nãi chí quyên nhuyễn, giai nhân nhữ vấn nhi đắc độ thoát.
(鈔) 諸天人民,乃至蜎蝡,皆因汝問而得度脫。
(Sao: Chư thiên, nhân dân, cho đến các loài cựa quậy, bò toài đều nhờ câu hỏi của ông mà được độ thoát).
A Nan vừa hỏi, đức Phật liền giảng pháp môn này! Tuyệt lắm! Mọi người đều đắc độ trong một đời này. Sự đắc độ ấy chẳng phải là tầm thường, mà là đắc độ thành Phật. Các Thanh Văn, Duyên Giác, lục đạo phàm phu thảy đều thành Phật, quý vị nghĩ xem công đức ấy nhiều cỡ nào? Tuyệt đối chẳng phải là công đức do bao kiếp cúng dường A La Hán, Bích Chi Phật, và lục đạo chúng sanh có thể sánh ví được, không có cách nào so sánh! Chúng ta hiểu rõ chuyện này, quý vị biết nay chúng ta niệm A Di Đà Phật công đức chẳng thể nghĩ bàn. Chúng ta khuyên người khác niệm Phật, công đức ấy chẳng thể nghĩ bàn. Nếu chư vị còn có thể phát tâm đi giảng kinh Di Đà, giảng Tịnh Độ ngũ kinh, khuyên khắp mọi người niệm Phật, công đức ấy, thưa quý vị, sẽ giống như công đức của ngài A Nan, quyết chẳng thể kém hơn A Nan! Chư vị phải phát tâm, chớ nên nói: Ta thiếu tài ăn nói, cũng chưa từng học hành, thiếu học vấn. Chuyện ấy chẳng quan trọng, chỉ cần quý vị phát tâm, oai thần của A Di Đà Phật và mười phương chư Phật gia trì quý vị, quý vị ngay lập tức trở thành biện tài vô ngại. Quý vị không chịu phát tâm sẽ chẳng có cách nào hết! Quý vị chịu phát tâm, đích xác là sẽ rất nhanh chóng trọn đủ trí huệ, thần thông, và đạo lực.
Trong quá khứ tôi theo thầy Lý học giảng kinh tại Đài Trung. Chúng tôi có một vị lão đồng học, tôi vẫn vô cùng cảm kích bà ta, vì tôi thấy bà ta phát tâm giảng kinh, tôi mới phát tâm. Tôi chẳng hề dấy lên ý niệm phát tâm đi giảng kinh. Thầy Lý mở lớp dạy học, trong số đó, một đồng học lớn tuổi nhất là cư sĩ Lâm Khán Trị, lúc ấy đã sáu mươi mấy tuổi, học xong Tiểu Học, vẫn học giảng kinh nơi ấy dốc chí gắng sức. Lúc đó, chúng tôi tuổi trẻ, trông thấy bà ta đã sáu mươi mấy tuổi, chúng tôi mới ba mươi tuổi. Bà ta hơn tôi ba mươi tuổi, học hết Tiểu Học, còn tôi đã tốt nghiệp Trung Học, học vấn cao hơn. Bà ta có thể làm được, vì sao tôi chẳng làm? Do vậy, mới dấy lên ý niệm giảng kinh, tham gia lớp học của thầy Lý, cùng học tập với mọi người, thấy chẳng khó cho lắm!
Bà Lâm Khán Trị học thành công, năm nay đã gần chín mươi tuổi, hiện vẫn còn sống tại Đài Trung. Bà suốt đời giảng kinh, pháp duyên thù thắng, phía Bắc cho đến Tân Trúc, phía Nam cho tới Lộc Cảng, mỗi tuần bà ta phải giảng vài lần, đúng là chẳng vui lắm sao? Công đức ấy rất lớn. Chúng tôi là những đồng học trẻ tuổi thật sự phát tâm nỗ lực học tập đều do chịu ảnh hưởng bởi bà ta. Vì thế, chỉ học xong Tiểu Học, sáu mươi tuổi vẫn chẳng muộn, vẫn có thể học, sau khi học, giảng suốt hai mươi năm vẫn chẳng có vấn đề gì! Cư sĩ Lâm Khán Trị đúng là gương tốt cho chúng ta, chúng ta phải học tập bà ta, công đức ấy vô lượng vô biên.
Giảng Tịnh Độ ngũ kinh, hoằng dương pháp môn Niệm Phật, hết thảy chư Phật không vị nào chẳng hoan hỷ, hết thảy chư Phật không vị Phật nào chẳng gia trì quý vị, vì sao? Phù hợp bổn hoài của Phật! Thập phương tam thế Phật, nói thật thà, dùng phương pháp gì để độ chúng sanh? Dạy chúng sanh mau chóng thành Phật? Chính là phương pháp Niệm Phật. Có những chúng sanh chẳng tin phương pháp này, chẳng thể tiếp nhận, đức Phật mới dùng phương pháp khác. Phương pháp này là chánh thuyết của Như Lai, tám vạn bốn ngàn pháp môn khác là biệt thuyết của Như Lai, chẳng phải là chánh thuyết. Chánh thuyết quý vị không tin, lại phải đi đường vòng, giảng cho quý vị pháp môn khác. Nói pháp môn khác, quý vị tu học theo đó phải mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp, hoặc vô lượng kiếp mới có thể thành Phật. Chánh thuyết pháp môn này, nếu quý vị tin tưởng, quyết định thành Phật trong một đời này!
Từ Vãng Sanh Truyện và Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, chúng ta thấy thường là người tu học pháp môn này khoảng từ ba năm tới năm năm bèn thành công, quyết định vãng sanh. Quý vị thấy tướng hảo lúc họ ra đi! Biết trước lúc mất, tuyệt đại đa số là trước một tháng biết sẽ ra đi vào ngày nào, còn có khi biết trước ba tháng sẽ đi vào ngày nào, người ấy cũng chẳng sanh bệnh, tới lúc đó, sẽ cáo biệt người nhà quyến thuộc: “Ngày hôm nay tôi sang Tây Phương Cực Lạc thế giới”, tiêu dao tự tại, đến đi như thường! Bao nhiêu gương trong pháp môn này bày ra trước mặt mà chúng ta vẫn chẳng tin, chẳng còn cách nào cả! Đó là đúng như kinh đã dạy, nghiệp chướng sâu nặng, tội nghiệp sâu nặng, chẳng tin tưởng! Thật sự chịu tin tưởng, chịu phát nguyện, chịu niệm Phật, không ai chẳng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì thế, pháp môn này được gọi là pháp khó tin, thật sự khó! Dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, sanh về nơi ấy sẽ thuộc địa vị nào? Kinh dạy rất rõ ràng: “Giai thị A Bệ Bạt Trí” (đều là Bất Thoái Chuyển).
A Bệ Bạt Trí là tiếng Phạn, dịch ra là Bất Thoái Chuyển! Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo chẳng thoái chuyển. Nói thông thường, tối thiểu phải là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo. Tính như vậy, quý vị chiếm tiện nghi to lớn, vì sao? Trong các kinh thông thường, đức Phật thường nói: Tính từ ngày đoạn tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới, phải tu một vạn đại kiếp mới có thể tu đến Sơ Trụ trong Viên Giáo. Quý vị thấy quý vị dùng ba năm công phu, hễ vãng sanh, thời gian ba năm hoặc năm năm ấy bằng với thời gian người khác phải tu cho đến khi đoạn được Kiến Hoặc! Trong Tiểu Thừa, đoạn Kiến Hoặc là quả Tu Đà Hoàn, tính từ lúc ấy thì phải mất một vạn đại kiếp mới có thể đạt được tình trạng giống như quý vị. Quý vị ba năm hay năm năm bèn thành công, điều này chẳng thể nghĩ bàn, đúng là pháp khó tin!
Trên thực tế, Tây Phương Cực Lạc thế giới có quả vị ấy hay
không? Chẳng phải, mà là quả vị gì? Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy A Bệ Bạt Trí là Thất Địa Bồ Tát, quả báo này càng chẳng thể nghĩ bàn! Trong Viên Giáo, từ Sơ Trụ tu đến Thất Địa bao lâu? Hai A-tăng-kỳ kiếp! Quý vị thấy đó, một vạn đại kiếp cộng thêm hai A-tăng-kỳ kiếp, pháp môn thông thường phải tu lâu ngần ấy! Pháp môn Niệm Phật thành công trong một đời. Vì vậy, thế giới Tây Phương thù thắng chẳng có cách nào tưởng tượng được, đúng là chẳng thể nghĩ bàn. Kinh giảng rất rõ ràng, cảnh giới ấy chỉ có Phật và chư Phật mới có thể thấu hiểu rốt ráo, chắc chắn là hữu tình trong chín pháp giới chẳng thể hiểu rõ được! “Hữu tình trong chín pháp giới” bao gồm hàng Bồ Tát, kể cả Đẳng Giác Bồ Tát, không có cách nào lý giải! Vì thế, vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, nói thật ra, đem kinh Vô Lượng Thọ phối hợp với kinh này để nhìn sẽ thấy rất minh bạch, rất rõ ràng, ở đây chúng ta là “hoành xuất tam giới”, về Tây Phương là “hoành sanh tứ độ”.
Thế giới Tây Phương là một thế giới bình đẳng, không có cao, thấp, chẳng có sai biệt. Do vậy, Thập Địa Bồ Tát vãng sanh, sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm, cũng đồng thời sanh vào cõi Thường Tịch Quang, cũng đồng thời sanh trong cõi Phương Tiện Hữu Dư và cõi Phàm Thánh Đồng Cư, một sanh, hết thảy sanh, đồng thời, tuyệt diệu! Chúng ta đới nghiệp vãng sanh, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, cũng đồng thời sanh trong ba cõi trên, tức cõi Phương Tiện Hữu Dư, cõi Thật Báo Trang Nghiêm, và cõi Thường Tịch Quang, đồng thời đều sanh, chẳng thể nghĩ bàn! Đích xác là [chỉ có] Phật và chư Phật mới hiểu rốt ráo điều này. Bồ Tát chẳng có cách nào [thấu hiểu] chuyện lạ lùng dường ấy! Giống như chúng ta đới nghiệp vãng sanh, sanh sang đó bèn là “hoành sanh tứ độ”, chẳng nói chi nhiều, chúng ta nói tới Thất Địa Bồ Tát! Giống như thế giới Hoa Tạng trong kinh Hoa Nghiêm, Thất Địa Bồ Tát vãng sanh tới đó, gặp mặt chúng ta, quý vị nói xem Thất Địa Bồ Tát cảm thấy thế nào? Nhất định Ngài sẽ hết sức chúc mừng chúng ta: “Quý vị rất may mắn! Quý vị tu một chút như thế bèn đến được, quý vị thấy tôi đã tu cả một vạn đại kiếp cộng thêm hai A-tăng-kỳ kiếp mới đạt đến trình độ này, quý vị tu một chút bèn bình đẳng với tôi”. Các Ngài rất chúc mừng quý vị! Quý vị ngay lập tức bình đẳng với các Ngài! Do vậy, quý vị hãy suy nghĩ cảnh giới này, cổ đức nói: “Duy Phật dữ Phật phương năng cứu cánh” (chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu hiểu rốt ráo”), chẳng phải là chuyện giả!
Trong thế giới Sa Bà này, chúng ta làm sao có thể bằng với Bồ Tát? Chẳng có cách nào bằng được A La Hán, tới nơi ấy, không chỉ bình đẳng với Thất Địa Bồ Tát và Đẳng Giác Bồ Tát, mà còn bình đẳng với Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, một sanh, hết thảy sanh, bốn cõi viên dung. Trong mười phương thế giới chư Phật không có tình hình này, chỉ riêng thế giới Cực Lạc là đặc biệt có! Các thế giới khác không có. Trong hết thảy các kinh điển, chẳng có cách nói này, chỉ riêng Tịnh Độ tam kinh là có, đúng là lạ lùng! Quý vị ắt phải đọc thấu suốt ba kinh thì mới có thể hiểu rõ ràng sự thù thắng, trang nghiêm, công đức và lợi ích của Tịnh Độ!
Đối với bộ kinh này, đại khái chúng tôi phải giảng bốn trăm lượt mới giảng xong, quý vị mới có nhận thức kha khá về Tây Phương Cực Lạc thế giới! Bốn trăm buổi giảng, tức là hơn một năm, đáng giá lắm! Nếu giảng kỹ kinh Vô Lượng Thọ cũng phải tốn thời gian dài như thế thì mới có thể giảng được. Mong mọi người hãy kiên trì, nỗ lực. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ ràng, minh bạch Tây Phương Cực Lạc thế giới, bản thân chúng ta hoan hỷ, mà còn có thể vì người khác diễn nói, cũng có thể giảng rõ ràng cho người khác. Giảng rõ ràng, người ta mới có thể tin tưởng; giảng chẳng rõ ràng, làm sao người khác tin tưởng cho được? Nếu người ta tin tưởng, tức là quý vị độ kẻ ấy thành Phật, công đức giống như đức Thế Tôn tán thán tôn giả A Nan. Vì thế, qua câu hỏi này của ngài A Nan, khiến cho chúng sanh trong sáu đường đều thành Phật.
(Sao) Thị dĩ Như Lai nhan dung vi phát khởi cố.
(鈔) 是以如來顏容為發起故。
(Sao: Đấy là dùng dáng vẻ của Như Lai để phát khởi).
Kinh Vô Lượng Thọ do đức Phật hoan hỷ mà phát khởi. Tục ngữ thường nói: “Nhân phùng hỷ sự, tinh thần sảng” (người gặp chuyện vui, tinh thần sảng khoái). Gặp chuyện vui vẻ, mệt nhọc gì cũng quên bẵng! Tinh thần sung mãn, vẻ mặt tươi sáng, rạng rỡ. Vì thế, đức Phật tuyên nói pháp môn này vô cùng vui vẻ.
(Sao) Kim nạn.
(鈔) 今難。
(Sao: Nay cật vấn).
Nay kẻ ấy đưa ra lời vấn nạn.
(Sao) Chư kinh phát khởi, thả trí vật luận.
(鈔) 諸經發起,且置勿論。
(Sao: Phát khởi của các kinh, hãy để đó chẳng bàn tới).
Đối với phần Phát Khởi của những kinh khác, chúng ta tạm thời không nói tới.
(Sao) Chỉ như nhị kinh, thị Tịnh Độ bổn giáo, giai hữu phát khởi, thử kinh bất dị nhị kinh.
(鈔)只如二經,是淨土本教,皆有發起,此經不異二經。
(Sao: Chỉ nói với hai kinh thuộc vào giáo pháp Tịnh Độ, đều có phần Phát Khởi, kinh này chẳng khác hai kinh ấy!)
Kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật chẳng có gì sai biệt.
(Sao) Hà dĩ độc vô?
(鈔) 何以獨無。
(Sao: Cớ sao riêng [kinh này] chẳng có?)
Vì sao kinh này không có phần Phát Khởi?
(Sao) Cố vị thử thông!
(鈔) 故為此通。
(Sao: Cho nên đả thông điều [nghi vấn] này!)
“Thông” nghĩa là thông đạt, chẳng có chướng ngại. Vì quý vị có nghi, có nghi bèn có chướng ngại. Nay phải khiến cho mối nghi lự ấy bị tiêu trừ, khiến cho quý vị có thể thông đạt vô ngại. Liên Trì đại sư muốn vì chúng ta giải thích:
(Sao) Ngôn Phật thuyết nhị kinh, tuy diệc đại bi tâm thiết, đặc thị vãng sanh, nhiên nhi quán pháp tinh vi, nguyện môn quảng đại, như tiền tự trung thuyết.
(鈔)言佛說二經,雖亦大悲心切,特示往生。然而觀法精微,願門廣大,如前序中說。
(Sao: Ý nói đức Phật nói hai kinh tuy cũng do tâm đại bi tha thiết mà đặc biệt chỉ dạy pháp vãng sanh, thế nhưng phép Quán tinh vi, nguyện môn rộng lớn, như trong phần Tự ở trên đã nói).
Liên Trì đại sư nói lời này, nói thật ra, cũng rất có lý, có kiến địa. Ngài nói hai bộ kinh như đã nói trong phần trước, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật là mười sáu phép diệu quán, nói thật ra, vẫn chẳng dễ dàng thành tựu, nhất là chúng sanh đời Mạt Pháp tâm thô tháp, cảnh giới quá vi tế, chẳng dễ gì quán thành công! Bốn mươi tám nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ, nguyện nào cũng đều sâu rộng chẳng thể nghĩ bàn.
(Sao) Vị nhược thử kinh, đản sự trì danh, tức sanh bỉ quốc, vưu vi yếu nhi hựu yếu.
(鈔)未若此經,但事持名,即生彼國,尤為要而又要。
(Sao: Chẳng như kinh này, chỉ chú trọng trì danh liền sanh về cõi ấy, càng là trọng yếu nhất trong những điều trọng yếu).
Trong ba kinh, bộ kinh này còn trọng yếu hơn hai bộ kinh kia, vì sao? Đơn giản, dễ dàng! Do vậy, Liên Trì đại sư chú giải bằng Sớ Sao, giải thích kinh Di Đà tỉ mỉ như thế, nhưng đối với kinh Vô Lượng Thọ, lão nhân gia chẳng chú giải. Cư sĩ Ngụy Nguyên vô cùng bội phục Sớ Sao, thường cảm thấy Liên Trì đại sư chẳng viết chú giải kinh Vô Lượng Thọ thật là chuyện rất đáng tiếc. Đương nhiên, nguyên nhân rất nhiều, trong kinh Vô Lượng Thọ chúng ta đã từng thảo luận, đấy là vì trong thời Liên Trì đại sư kinh Vô Lượng Thọ chưa có một bản rất hoàn chỉnh. Vì lẽ đó, Đại Kinh không được lưu truyền rộng rãi như Tiểu Bổn Di Đà Kinh, là vì phiên bản chưa hoàn chỉnh, chúng ta đọc thấy chẳng trôi chảy!
Thí dụ như xưa kia, pháp sư Luật Hàng trong quá khứ ở Đài Trung, thầy Quảng Hóa là đồ đệ của Ngài. Trong quá khứ, vị lão pháp sư này cũng là tướng quân, là Trung Tướng xuất ngũ, sau đấy xuất gia. Ngài có mấy bài viết nhắc tới chuyện ấy. Vì trong thời Kháng Chiến tại Đại Lục, Sư học Phật, thân cận lão hòa thượng Hư Vân, cư sĩ Hạ Liên Cư, thân cận pháp sư Từ Châu. Hạ cư sĩ và pháp sư Từ Châu đều khuyên Sư niệm Phật, lại còn giới thiệu tầm trọng yếu của kinh Vô Lượng Thọ. Bản kinh Vô Lượng Thọ của chúng ta [đang sử dụng trong hiện thời] do Sư mang từ Đại Lục sang Đài Loan. Sau khi mang tới, do cụ Từ Châu và cư sĩ Hạ Liên Cư phó chúc Sư, đúng là trọng yếu, nên sau khi tới Đài Loan, Sư đã từng đề xướng in hai lần. Năm Dân Quốc 38 và 39 (1950), kinh này đã được lưu thông tại Đài Loan, nhưng số lượng chẳng nhiều. Lúc đó, thầy Lý cũng đã giảng một lần. Mãi cho đến bản này của ngài Hạ Liên Cư mới có thể nói là thật sự không tìm được khuyết điểm nào; nhưng văn tự trong ba bản hội tập đều ưu mỹ hơn các bản dịch gốc, có thể đọc được! Lão pháp sư Luật Hàng đọc năm bản dịch gốc, thấy không suông, Sư nói: “Tôi đọc hai trang, chẳng muốn đọc tiếp nữa”. Đó là do phiên dịch chẳng khéo. Đã thế, nội dung của năm bản sai khác rất lớn, biến thành không biết nên theo bản nào, chẳng biết bản nào là tốt nhất. Do vậy, lưu thông đại kinh nẩy sanh chướng ngại.
Sau khi bản hội tập của cư sĩ Hạ Liên Cư ra đời, mọi người nhận định bản này là phiên bản tốt nhất của kinh Vô Lượng Thọ. Đồng thời, cũng chính do bản này thúc đẩy chúng ta nghiên cứu năm bản dịch gốc của kinh Vô Lượng Thọ và bốn bản hợp dịch. Kinh Vô Lượng Thọ có tổng cộng chín phiên bản khác nhau. Do vậy, tôi cảm thấy những đồng tu chúng ta hiện thời phước báo quá lớn, người thuở trước chẳng phước báo to lớn như quý vị! Ngay như lão pháp sư Đạo Nguyên và thầy Lý ở Đài Trung đều chưa thấy chín bản dịch gốc. Nay chúng ta cả chín bản đều thâu thập được, lại còn có bản hoàn chỉnh vô cùng hay. Sách này có thể in ra vào tháng Bảy này, mọi người đều có thể xem được. Chẳng biết mười phương chư Phật hoan hỷ như thế nào, chúng ta chẳng có cách nào hình dung! Đó là ngày chư Phật hoan hỷ!
Kinh này đơn giản, dễ dàng, tức là khuyến tín, khuyến nguyện, khuyến hạnh. “Đản sự trì danh, tức sanh bỉ quốc, vưu vi yếu nhi hựu yếu” (chỉ chú trọng trì danh liền sanh về cõi ấy, càng là trọng yếu nhất trong những điều trọng yếu). Trong Tam Kinh, nếu luận định về phương diện tu trì, đương nhiên kinh này trọng yếu nhất, là cương lãnh tu học của Tịnh Độ.
(Sao) Cố Phật ý ư tư, diệc phục thiết nhi hựu thiết.
(鈔) 故佛意於斯,亦復切而又切。
(Sao: Vì thế, ý Phật ở chỗ này, cũng càng là thiết tha nhất trong những nỗi thiết tha).
Do vậy, đức Phật tâm vô cùng khẩn thiết muốn giảng bộ kinh này. Nói cách khác, hận không thể ngay lập tức truyền dạy quý vị, khiến cho quý vị nay có thể viên thành Phật đạo trong một đời này. Do đó, [chẳng có phần Phát Khởi] là do tâm độ sanh khẩn thiết của Phật!
(Sao) Vị chư chúng sanh tác bất thỉnh hữu dã.
(鈔) 為諸眾生作不請友也。
(Sao: Làm bạn chẳng thỉnh của các chúng sanh).
Câu này trích từ kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật cũng mở toang cửa phương tiện, chẳng cần thỉnh, chẳng cần khách sáo, ta mau chóng, gấp rút nói với quý vị pháp môn này để quý vị thành tựu tốt đẹp. Đúng là ân sâu đại đức của Phật nát thân khó đền. Báo đại ân của Phật bằng cách nào? Tôi nghĩ, chỉ có y giáo tu hành, vãng sanh trong ba phẩm thượng, đại khái mới có thể gọi là “báo ân Phật”, chứ trung hạ phẩm vãng sanh, báo ân Phật vẫn còn thiếu sót! Thật sự báo ân Phật, phải phát nguyện quyết định cầu vãng sanh trong ba phẩm thượng, quý vị có làm được hay không? Có cầu được hay không? Khi A Di Đà Phật phát nguyện thành lập Tây Phương Cực Lạc thế giới, Ngài đã làm xong, nếu chúng ta cầu vãng sanh mà nói được, nhưng làm không được, lỗi lầm nơi chính mình, chẳng tại ai khác, há có chuyện chẳng làm được!
Nhưng ở đây, tôi đặc biệt kính khuyên chư vị một câu, nếu muốn chân thật làm được, tốt nhất là xem chung ngũ kinh, vì sao? Quý vị đã thấu triệt lý luận, chẳng hoài nghi, lòng tin kiên định, hiểu rõ phương pháp, làm theo phương pháp ấy, đoan chắc quý vị có thể tu thành công! Hiểu rõ cảnh giới, chắc chắn chẳng bị ma dựa, nhất định chẳng lạc đường. Vì thế, lý luận, phương pháp, cảnh giới thảy đều hiểu rõ ràng, lẽ nào chẳng thành Phật đạo? Trước khi thành Phật thì hiện nay nên ra sao? Thưa quý vị, hiện tại quý vị lìa khổ được vui. Trước khi vãng sanh, quý vị là người sung sướng nhất trên thế giới này, vì sao sung sướng? Vì tâm quý vị thanh tịnh, hiểu rõ đạo lý, hiểu phương pháp, thấu hiểu cảnh giới, chẳng vướng mắc, không lo nghĩ, quý vị biết ngày nào sẽ về Tây Phương Cực Lạc thế giới, lẽ đâu chẳng sung sướng? Không còn gì sung sướng hơn. Do vậy, ngay lập tức đạt được “lìa khổ, được vui”.
Nhưng nếu quý vị chẳng hiểu rõ lý luận, phương pháp, và cảnh giới, dẫu niệm câu Phật hiệu này, vẫn là sờ soạng, có nắm chắc vãng sanh hay không? Lắc đầu! Không biết, đấy là rất khổ! Giống như đi đường, hoài nghi ta đi theo con đường này đúng hay sai? Rốt cuộc còn bao xa? Ta phải đi tới khi nào mới đến đích? Vấn đề chồng chất! Quý vị tham cứu thấu suốt rõ ràng ngũ kinh, phương hướng chính xác, chẳng sai, đường đi cũng chẳng sai, có thể tính ra còn mấy ngày nữa sẽ đến nơi, hiểu rõ ràng, rành rẽ. Vì thế nói: Bất luận pháp môn nào cũng chẳng thể sánh bằng! Đây là đức Phật chân thật đại từ đại bi,“vị chư chúng
sanh tác bất thỉnh hữu dã” (vì các chúng sanh làm bạn chẳng thỉnh).
(Sao) Bất phát chi phát giả, hiện tiền chúng sanh, nhạo trước sanh tử, bất cầu xuất ly, tự năng phát khởi Phật chi đại bi, thuyết thử kinh cố.
(鈔)不發之發者,現前眾生,樂著生死,不求出離,自能發起佛之大悲,說此經故。
(Sao: “Chẳng phát mà phát”: Hiện tiền chúng sanh ưa thích, đắm đuối sanh tử, chẳng cầu xuất ly, khiến cho đức Phật tự phát khởi lòng đại bi nói kinh này).
Liên Trì đại sư nêu nguyên do vì sao kinh này chẳng có phần Phát Khởi. Bởi lẽ, chúng sanh khi nào giác ngộ? Khi nào thật sự giác ngộ? Người thật sự giác ngộ biết nỗi khổ lục đạo luân hồi, thật sự biết, biết lục đạo luân hồi đáng sợ, tâm luôn mong xuất ly, người ấy sẽ giác ngộ, chân thật giác ngộ. Nếu vừa học Phật vừa lưu luyến lục đạo luân hồi, kẻ ấy chưa giác ngộ, kẻ ấy niệm Phật cũng chẳng qua là kết duyên với A Di Đà Phật, hiện thời chẳng muốn vãng sanh, vẫn chưa muốn vãng sanh, chỉ là kết duyên mà thôi! Niệm mấy câu A Di Đà Phật, niệm mấy quyển kinh để kết duyên. Kết duyên cũng tốt, vì sau này khi đã nếm hết nỗi khổ, hối hận, muốn vãng sanh, vẫn được vãng sanh! Vì quý vị có duyên nên đến khi ấy lại đi. Nói cách khác, khi nào giác ngộ thì sẽ đi khi đó!
(Sớ) Độc cáo Xá Lợi Phất giả, lệ tiền duy trí sở tín cố, hựu nhất cáo, nhất thiết cáo cố. Hựu Tịnh Giác vân: “Hợp tứ tất cố”.
(疏)獨告舍利弗者,例前唯智所信故,又一告一切告故,又淨覺云:合四悉故。
(Sớ: Bảo mình ngài Xá Lợi Phất, giống như trong phần trên [đã nói], chỉ có người trí huệ mới có thể tin pháp môn này. Lại nữa, bảo với một là bảo với hết thảy. Lại nữa, ngài Tịnh Giác nói: “Do phù hợp Tứ Tất Đàn”).
Trong lời Sao sẽ giải thích tỉ mỉ.
(Sao) Lệ tiền giả, tức thủ cử Thân Tử ý.
(鈔) 例前者,即首舉身子意。
(Sao: “Giống như phần trên”: Tức là ý nghĩa nêu tên ngài Xá Lợi Phất đầu tiên).
“Lệ tiền” là trong mười sáu vị tôn giả thuộc Tự Phần, tôn giả Xá Lợi Phất được xếp vào vị trí thứ nhất, tức “trưởng lão Xá Lợi Phất”. Vì sao xếp Ngài đầu tiên? Ngài là trí huệ đệ nhất. Kẻ không có trí huệ đệ nhất, đức Phật nói với kẻ ấy, kẻ ấy chẳng tin! Phải là người trí huệ đệ nhất, nói với người ấy thì người ấy mới tin tưởng. Vì thế, không chỉ trong Tự Phần, tôn giả Xá Lợi Phất được nêu tên đầu tiên, mà tới phần Chánh Tông của kinh văn, Thích Ca Mâu Ni Phật mở miệng dạy cũng chuyên nói với Xá Lợi Phất, gọi Xá Lợi Phất để giảng, là do ý nghĩa này.
(Sao) Dĩ thậm thâm trí huệ, đỗng sát ư tịnh uế chi cơ, dung thông ư Sự Lý chi tế, phương năng tín thọ bất nghi.
(鈔)以甚深智慧,洞察於淨穢之機,融通於事理之際,方能信受不疑。
(Sao: Do trí huệ rất sâu, xét thấu suốt căn cơ tịnh hay uế, dung thông cả Sự lẫn Lý, mới có thể tin nhận, chẳng nghi).
Đây là lý do vì sao đức Phật phải gọi tôn giả Xá Lợi Phất để nói. Nói cách khác, chẳng phải là người thiện căn sâu dầy, phước đức viên mãn, quý vị nói kinh này và pháp môn này với người ấy sẽ vô ích! Dẫu người ấy chẳng phản đối, vẫn chẳng thể tu học pháp môn này! Người Nhị Thừa trí huệ nông cạn, Quyền Giáo Bồ Tát còn có chấp trước, rất khó tiếp nhận pháp môn này, nghe kinh nhiều, đọc nhiều, trọn chẳng tin tưởng! Vì sao? Người ta tu hành phải tu hai A-tăng-kỳ kiếp mới đạt đến Thất Địa, lẽ nào quý vị tiện nghi như vậy? Đôi ba năm bèn đạt tới Thất Địa, không ai tin được! Nói thật ra, do kẻ ấy trí huệ nông cạn nên chẳng tin! Ắt phải có trí huệ rất sâu mới triệt chiếu cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, người ấy mới có thể tin tưởng.
“Đỗng sát ư tịnh uế chi cơ”, nói thật ra, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, chẳng có tịnh hay uế để nói! Nói cách khác, tìm tịnh và uế không ra! Phỏng theo cách nói trong Thiền Tông sẽ là: “Mịch tịnh uế liễu bất khả đắc” (tìm kiếm tịnh và uế trọn chẳng thể được). Tịnh và uế do đâu sanh ra? Từ phàm tình chấp trước sanh ra. Tâm của quý vị thanh tịnh là Tịnh Độ, tâm của quý vị chẳng thanh tịnh là uế độ, tịnh và uế biến hiện như thế đó! Người có trí huệ rất sâu biết căn nguyên của tịnh và uế do đâu mà có; vì thế, người ấy tin tưởng! Người ấy có thể “dung thông ư Sự Lý chi tế” (dung thông nơi Sự và Lý), bằng lòng đến gặp A Di Đà Phật, bằng lòng vãng sanh thế giới Cực Lạc, ngoài Lý chẳng có Sự, ngoài Sự chẳng có Lý, Sự và Lý vốn viên dung, vốn vô chướng ngại. Ở đây nói “tịnh uế chi cơ” là nói đến căn cơ, hết thảy tâm địa thanh tịnh là một loại cơ duyên. Vì sao? Tâm thanh tịnh, người ấy sẽ tin tưởng, tín tâm thanh tịnh, người ấy quyết định vãng sanh.
Vì thế, trong các buổi giảng, chúng tôi thường [khuyên quý vị] nắm vững cương lãnh này, hãy nắm vững, lấy đó làm tiêu chuẩn tu hành cho chúng ta, cương lãnh là gì? Bình đẳng, thanh tịnh, từ bi. Trong tựa đề kinh Vô Lượng Thọ đã nêu minh bạch ý nghĩa này, Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh. Chúng ta tu gì? Tu thanh tịnh, bình đẳng. Bình đẳng là Lý, thanh tịnh là Tự Thụ Dụng, Tha Thụ Dụng là từ bi. Trong phần trước, tôi đã nhắc quý vị đồng tu một lần nữa, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi là một mà ba, ba mà một, có thể giải thích lẫn nhau. Bình đẳng là gì? Thanh tịnh bèn bình đẳng, từ bi bèn bình đẳng. Thanh tịnh là gì? Bình đẳng bèn thanh tịnh, bất bình đẳng làm sao thanh tịnh cho được? Từ bi bèn thanh tịnh, từ bi là gì? Thanh tịnh bèn từ bi, bình đẳng bèn từ bi. Quý vị chuyển qua chuyển lại ba câu ấy, đọc mấy lượt, sẽ có thể thấu hiểu.
Nay chúng ta niệm câu A Di Đà Phật này theo cách nào? Phải niệm cho ra thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, như vậy là thành công. Trong khi tâm chúng ta chẳng thanh tịnh, một câu A Di Đà Phật khôi phục sự thanh tịnh; khi tâm bất bình đẳng, một câu A Di Đà Phật [khiến cho tâm] bình đẳng; khi tâm chẳng từ bi, một câu A Di Đà Phật [khiến cho tâm] từ bi. Niệm như vậy, công phu đắc lực. Nói “đắc lực” là niệm cho ra thanh tịnh, bình đẳng, từ bi. Thanh tịnh, bình đẳng, từ bi là Chân Như bổn tánh, là Pháp Thân lý thể của chính quý vị, dùng một câu Phật hiệu này để niệm cho ra. Vì thế, quý vị có thành tựu bình đẳng với chư Phật, Bồ Tát, đạo lý là như vậy! Khi ấy mới tin sâu, chẳng nghi ngờ, hiểu rõ lý, hiểu rõ cảnh giới, quyết định chẳng nghi hoặc, đấy là trí huệ thật sự.
(Sao) Như Bát Nhã hội thượng thủ cử Tu Bồ Đề giả, dĩ Bát Nhã đàm Không, Tu Bồ Đề Giải Không đệ nhất cố dã.
(鈔)如般若會上首舉須菩提者,以般若談空,須菩提解空第一故也。
(Sao: Như trong hội Bát Nhã, nêu tên ngài Tu Bồ Đề đầu tiên vì Bát Nhã giảng về Không mà ngài Tu Bồ Đề là bậc Giải Không đệ nhất).
Lại nêu một thí dụ khác. Nếu là kẻ trí cạn sẽ chẳng thể tin tưởng, chẳng có cách nào nói với kẻ ấy cảnh giới cao xa như thế, Lý sâu mầu như thế, Sự cũng vi diệu. Vì thế, đức Phật phải tìm một người trí huệ bậc nhất để bàn luận, giống như trong kinh Kim Cang cũng phải như vậy, tìm tôn giả Tu Bồ Đề vì Ngài là bậc Giải Không đệ nhất. “Bát Nhã đàm Không”, Không là gì? Thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, đó chính là Bát Nhã Chân Không. Không là gì? Là trong tâm thứ gì cũng đều chẳng có, Lục Tổ nói: “Vốn chẳng có một vật”, đó là thanh tịnh, có một vật sẽ không thanh tịnh, thanh tịnh là Bát Nhã Chân Không. Quý vị có một vật sẽ chẳng Không, sẽ chẳng thanh tịnh.
Chúng ta tu hành, đặc biệt là tu Tịnh Độ, phải thường xuyên giữ cho tâm và cảnh của chính mình như một. Tâm là bên trong, cảnh là bên ngoài, đấy là “Không Hữu chẳng hai”. Đó là Bát Nhã rất sâu, chẳng giả. Bên trong là thanh tịnh, vốn chẳng có một vật, chẳng nhiễm mảy trần. Bên ngoài thì sao? Bên ngoài chẳng chấp tướng, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, không khởi tâm, chẳng động niệm. Trong và ngoài như nhau! Khi ấy, chân tánh của quý vị thật sự hiển lộ hoàn toàn, tác dụng của chân tánh là trí huệ Bát Nhã. Pháp môn này là phương tiện thiện xảo, dùng phương pháp gì để đạt tới cảnh giới ấy? Một câu A Di Đà Phật, hay tuyệt, quá khéo! Vì vậy, chư vị phải lãnh hội sâu xa, phương pháp này quả thật là khéo léo đến tột bậc!
(Sao) Nhất thiết cáo giả, cáo Thân Tử nhất nhân, tức thị cáo hiện tiền nhất thiết Thanh Văn, Bồ Tát, nhân, thiên, đại chúng, cập vị lai nhất thiết chư chúng sanh dã.
(鈔)一切告者,告身子一人,即是告現前一切聲聞菩薩人天大眾,及未來一切諸眾生也。
(Sao: “Bảo với hết thảy”: Bảo với một mình Thân Tử chính là bảo với hết thảy Thanh Văn, Bồ Tát, người, trời, đại chúng hiện tiền và hết thảy các chúng sanh trong tương lai).
Đây là giải thích câu “nhất cáo, nhất thiết cáo giả” (bảo với một người là bảo với hết thảy). “Cáo” là đức Phật nói, nói cho ai biết? Chỉ nói với ngài Xá Lợi Phất. Xá Lợi Phất là đại biểu, nói với Xá Lợi Phất là nói với hết thảy đại chúng. Đức Phật đang nói với ngài Xá Lợi Phất, mọi người quý vị nghe ké, đều nghe hết. Nghe xong, tùy thuộc quý vị có giác ngộ hay không. Nếu quý vị vừa nghe bèn giác ngộ, há chẳng phải là đức Phật cũng nói cho quý vị biết ư? Quý vị nghe xong chẳng giác ngộ, đấy cũng là đức Phật đã nói với quý vị. Chưa giác ngộ, nhưng nói với quý vị thì trong A Lại Da Thức của quý vị đã gieo một chủng tử. Chủng tử ấy gọi là Kim Cang chủng tử, vĩnh viễn bất hoại! Trong tương lai gặp duyên sẽ chín muồi!
Nếu vừa mới nói mà quý vị tin tưởng, tiếp nhận, suy nghĩ: “Vì sao đức Phật giảng nhiều pháp môn như thế? Vốn còn có một pháp môn tiện nghi, đơn giản, dễ dàng, như vậy, lại còn thành tựu thù thắng chẳng thể nghĩ bàn dường ấy. Tốt lắm, ta quyết định chọn lựa pháp môn này”. Người như vậy là hạng người gì? Trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư nói rất hay, người như thế cơ duyên thành Phật đã chín muồi. Nếu cơ duyên thành Phật của người ấy chưa chín muồi, nghe xong sẽ chẳng tin, hoặc tin nhưng không chịu vãng sanh, hoặc miễn cưỡng. Vãng sanh khá lắm, nơi ấy tốt đẹp, muốn đến đó. Tuy muốn đến đó, nhưng lại không chịu niệm Phật. Nói chung, sẽ chẳng thể thành công! Trong ba tư lương Tín, Nguyện, Hạnh, thiếu mất một thứ, chẳng được rồi, không thể đi. Ba điều kiện thảy đều trọn đủ, cơ duyên thành Phật trong đời này của người ấy đã đến rồi. Tôi nghĩ, trong đời hiện tại ở Đài Loan, sợ rằng có không ít người cơ duyên thành Phật đã chín muồi. Nếu chẳng phải là tình hình ấy, những điển tịch quý báu của pháp môn Tịnh Độ chẳng thể nào đều phát hiện, lại còn phát hiện phiên bản hoàn chỉnh vô cùng hay! Đó là cơ duyên thành Phật của mọi người đã chín muồi. Vì thế, duyên trong đời này thù thắng hơn đời trước, thù thắng rất nhiều! Do đó, nói với một người là nói với hết thảy mọi người.
(Sao) Tứ Tất giả.
(鈔) 四悉者。
(Sao: Bốn Tất Đàn).
Tứ là con số, [ở đây] là bốn điều. Tất Đàn (Siddantha) là pháp. Tất Đàn là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Biến Thí, tức là bình đẳng bố thí trọn khắp, gồm có bốn điều. Thứ nhất là Thế Giới Tất Đàn, Thế Giới Tất Đàn là gì? Nói đơn giản là khiến cho hết thảy chúng sanh sanh khởi tâm hoan hỷ. Vì thế, Phật, Bồ Tát thuyết pháp nhất định phải tuân theo nguyên tắc này, tức là tuân theo bốn nguyên tắc Tất Đàn, nhất định phải làm cho chúng sanh sanh tâm hoan hỷ. Quý vị tin tưởng Tịnh Độ, tôi giảng Tịnh Độ cho quý vị, quý vị rất vui vẻ. Kẻ khác chẳng tin Tịnh Độ bèn chẳng nói tới Tịnh Độ. Quý vị chuộng Thiền, tôi bèn giảng Thiền, trong tâm quý vị vui vẻ, rất hoan hỷ. Phải quán cơ, tức là xét coi [người được hóa độ] thuộc căn tánh gì, thích pháp môn nào, đức Phật bèn giảng cho họ pháp môn ấy. Có thể thấy đức Phật nói hết thảy các pháp chẳng xuất phát từ [ý kiến] chủ quan, mà xuất phát từ khách quan, xuất phát từ nhu cầu của đại chúng, quý vị muốn gì, Phật bèn nói với quý vị điều ấy. Vì thế, mới mở ra vô lượng vô biên pháp môn, tương ứng vô lượng vô biên căn tánh. Căn tánh khác nhau nên pháp môn nhiều; do đó mà có nhiều dường ấy!
(Sao) Nhất, Thân Tử nãi tả diện đệ tử, kinh đa cư thủ, pháp ưng nhĩ cố, thị Thế Giới Tất Đàn.
(鈔)一、身子乃左面弟子,經多居首,法應爾故,是世界悉檀。
(Sao: Một, Thân Tử là đệ tử bên trái, phần lớn đứng đầu các kinh, pháp phải nên như vậy. Đó là Thế Giới Tất Đàn).
“Pháp ưng nhĩ”: Xét theo pháp, đương nhiên là như vậy. “Tả diện đệ tử”, nói theo cách bây giờ, là đại đồ đệ, là đại đồ đệ của Thích Ca Mâu Ni Phật. Trong tất cả các học trò của Thích Ca Mâu Ni Phật, ngài Xá Lợi Phất là thượng thủ, là lớp trưởng, thường đứng ở bên trái Thích Ca Mâu Ni Phật, Mục Kiền Liên đứng bên phải, đấy là hai vị đại đệ tử của đức Phật. Đức Phật có chuyện gì đương nhiên phải nói với hai người bọn họ; do vậy, đây là chuyện đương nhiên. Gọi Xá Lợi Phất để nói, điều này nghe rất tự nhiên, chẳng có mảy may thiên vị nào. Đấy là ý nghĩa của Thế Giới Thất Đàn,
“Thế giới” nghĩa là sai biệt, vì Thế (世) là nói tới quá khứ, hiện tại, vị lai; Giới (界) là giới tuyến (界線), giới tuyến giữa Đông, Nam, Tây, Bắc, trên, dưới. Vì thế, nó có nghĩa là sai biệt. Nói cách khác, đức Phật giảng cho hết thảy chúng sanh các thứ pháp môn sai biệt, khiến cho hết thảy chúng sanh ai nấy sanh lòng hoan hỷ. Quý vị mong đời sau làm người, mong đời sau tốt đẹp hơn đời này, đại phú, đại quý, đức Phật bèn giảng cho pháp môn làm người đại phú đại quý trong đời sau; quý vị hài lòng, hoan hỷ. Kẻ khác nói: “Làm người chẳng tốt đẹp gì, thọ mạng rất ngắn, dẫu trường thọ thì một trăm hai mươi tuổi vẫn phải chết, huống chi tuổi già, khổ sở chẳng kham. Nghe nói cõi trời thọ mạng dài, chư thiên không chết, hễ sanh lên trời sẽ hưởng phước trời”. Đức Phật nói: “Rất tốt! Khá lắm, ta sẽ giảng pháp môn sanh thiên cho quý vị”. Quý vị cũng hoan hỷ. Thế Giới Tất Đàn mang ý nghĩa này!
Theo cái nhìn của chúng sanh nhạy bén, căn tánh tối thắng nhất thì họ nói cõi trời cũng chẳng tốt đẹp, vì sao? Tam giới đau khổ, dẫu sanh lên cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, thọ mạng tám vạn đại kiếp, đến lúc [hết tuổi thọ] vẫn phải đọa lạc. Lại nghĩ Tiểu Thừa cũng chẳng tốt đẹp. Gì mới là tốt? Phải giống như Phật mới là tốt đẹp, nhắm đến một mục tiêu mong thành Phật. Quý vị thật sự muốn thành Phật, đức Phật cũng gật đầu, đức Phật hoan hỷ: “Được! Ta sẽ dạy quý vị pháp môn thành Phật”. Pháp môn nào là pháp môn thành Phật? Tín nguyện trì danh, niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ là pháp môn thành Phật, là pháp môn vô thượng, pháp môn đệ nhất. Bởi lẽ, đây là pháp môn thành Phật. Vì sao gọi là Thế Giới Tất Đàn, phải hiểu ý nghĩa của nó.
(Sao) Nhị, Thân Tử trí huệ đệ nhất, chúng sở tông ngưỡng, bỉ tín Tịnh Độ, chúng diệc tín chi, thị Vị Nhân Tất Đàn.
(鈔)二、身子智慧第一,眾所宗仰,彼信淨土,眾亦信之,是為人悉檀。
(Sao: Hai, ngài Xá Lợi Phất trí huệ bậc nhất, được mọi người tôn sùng. Ngài tin Tịnh Độ thì mọi người cũng tin, đó là Vị Nhân Tất Đàn).
“Vị nhân” có nghĩa là khiến cho hết thảy chúng sanh đạt được lợi ích thật sự, tức là đạt được lợi ích Sanh Thiện. Xá Lợi Phất “trí huệ đệ nhất”, là đệ tử bậc nhất của đức Phật. Trong các đệ tử đức Phật, Ngài là bậc gương mẫu, các sư đệ không ai chẳng kính ngưỡng đại sư huynh, Ngài có tác dụng dẫn đầu và nêu gương. Ngài Xá Lợi Phất đã tin thì [những người khác] còn nói năng chi nữa? Đương nhiên các tiểu sư đệ ai nấy đều tin. Nếu đức Phật nói với người khác, người khác tin, vẫn có rất nhiều người chẳng tin tưởng lắm, vì sao? Đại sư huynh của chúng ta chẳng tin, chúng ta chẳng cần phải tin điều ấy. Nay đại sư huynh đã tin, còn tranh cãi chi nữa? Vì thế, nói theo cách bây giờ, ngài Xá Lợi Phất có sức ảnh hưởng, có sức hiệu triệu, hễ thuyết phục được Ngài sẽ giống như độ trọn khắp những người khác. Đấy là khiến cho hết thảy mọi người đều nhìn theo và mong được bằng ngài Xá Lợi Phất. Vì thế, đại chúng tham dự pháp hội, ai nấy đều được lợi ích Sanh Thiện (sanh trưởng điều lành).
Thiện được nói trong Phật môn cũng có tiêu chuẩn. Đời này thiện, đời sau bất thiện, đức Phật bảo [thiện kiểu ấy] chẳng phải là chân thiện, mà là bất thiện! Phải là đời này thiện, đời sau cũng thiện, đời sau nữa càng thiện hơn, đời đời kiếp kiếp đều thiện, đức Phật bảo đấy là thiện. Tiêu chuẩn thiện của Ngài là nhìn về sau, nhìn vào tương lai, hiện tại bất thiện, nhưng đời sau thiện, đời kế tiếp cũng thiện, đức Phật bảo đấy là thiện. Do vậy ta biết: Đức Phật chú trọng đời sau, chú trọng dài lâu, tuyệt đối chẳng chú trọng chuyện trước mắt, quang cảnh trước mắt vô cùng ngắn ngủi, tạm bợ, chẳng đáng nói tới.
(Sao) Tam, vị bất tín Tịnh Độ giả, tự bỉ bất như, chuyển kỳ tà chấp, thị Đối Trị Tất Đàn.
(鈔)三、為不信淨土者,自鄙不如,轉其邪執,是對治悉檀。
(Sao: Ba, vì kẻ chẳng tin Tịnh Độ, tự coi thường, nghĩ chính mình thua kém, nhằm chuyển biến tà chấp của họ, đấy là Đối Trị Tất Đàn).
Đối Trị nghĩa là chính kẻ đó có bệnh, nghĩ cách chữa trị cho kẻ ấy, thường gọi là “đối chứng hạ dược” (cho thuốc ứng với căn bệnh), dùng phương pháp này. Nói theo phương diện trí huệ, đại chúng chẳng có ai sánh bằng ngài Xá Lợi Phất. Ngài Xá Lợi Phất quay đầu, bỏ sạch các pháp môn Ngài đã tu học trước kia, từ nay trở đi niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, người khác bèn suy nghĩ: Trí huệ và thần thông của chúng ta đều chẳng bằng ngài Xá Lợi Phất, Ngài đã quay đầu, chúng ta còn chưa quay đầu ư? Ai nấy đều quay đầu! Quay đầu tuyệt diệu lắm, chẳng phải là quay đầu tu Đại Thừa, chẳng phải là tu pháp môn khác, mà là quay đầu tu pháp môn Niệm Phật vãng sanh, quay đầu tu pháp môn thành Phật trong một đời.
Xét đến ý nghĩa trong đoạn này, nói thật thà, những vị này đều diễn tuồng, đều là diễn viên biểu diễn cho chúng ta xem. Những vị này từ đâu tới? Toàn là từ Tây Phương Cực Lạc thế giới đến diễn một vở tuồng, biểu diễn cho chúng ta xem. Nếu chẳng phải từ Tây Phương Cực Lạc thế giới đến, làm sao có thể diễn hay như thế được? Diễn giống như thế được? Đúng là đại từ đại bi! Biểu diễn cho chúng ta xem! Tất cả hết thảy các pháp môn đã tu học trước đây đều là phương tiện của phương tiện, chưa rốt ráo! Trước đây quý vị chưa khai chánh huệ nhãn, thiện căn, phước đức, nhân duyên chưa chín muồi, nên giảng cho quý vị những tiểu pháp ấy, nay quý vị thiện căn, phước đức chín muồi, bèn giảng cho quý vị pháp viên mãn rốt ráo!
Trong các buổi giảng, nhìn thấy đại chúng tôi cũng rất cảm khái! Tôi giảng kinh tại Đài Loan, qua năm sau là ba mươi năm, trong ba mươi năm ấy tôi đã thấy khá nhiều khuôn mặt, những người thuộc mười năm, hai mươi năm trước chẳng còn nữa. Nay nhìn thấy quý vị có phước báo to hơn họ, vì sao? Mười năm, hai mươi năm trước tôi chưa chín muồi, tôi chẳng giảng hay như thế! Họ nghe đã chán chê rồi, họ chẳng nghe cho tới hiện thời. Người càng về sau càng có phước báo vượt trỗi người thuở trước. Người thuở trước tiếp tục nghe không ngừng, trong tâm hiểu rõ, những điều tôi giảng ở đây mỗi năm mỗi khác! Lại nói với quý vị, mỗi tháng khác nhau! Nay tôi nói với mọi người hoàn toàn là lời chân thật, bản thân tôi chẳng có chút hoài nghi nào! Tuy trong quá khứ cũng chẳng có hoài nghi, nhưng chưa thể khẳng định, hiện thời “chẳng hoài nghi” là hoàn toàn khẳng định! Trong quá khứ tôi chẳng dám nói, vỗ ngực: “Ta quyết định vãng sanh, ta là thượng phẩm thượng sanh”, không dám! Nay có thể vỗ ngực, bảo mọi người: “Tôi chẳng có vấn đề gì!”
Phải hiểu Đối Trị Tất Đàn là phải bỏ hết thảy chấp trước, chuyên tu Tịnh Độ, chuyên hoằng Tịnh Độ. Hiện thời trên cả thế giới, bất luận người ở nơi đâu thỉnh tôi giảng kinh, thỉnh giảng Tịnh Độ ngũ kinh nhất luận, tôi lập tức đáp ứng, thỉnh tôi giảng kinh khác, tôi nhất loạt không đáp ứng. Trong quá khứ đã giảng những bộ đại kinh, đại luận, nay tôi thảy đều không giảng, để cho người khác giảng, nhường cho họ giảng. Hiện thời, tôi quyết định chẳng xen tạp, vì sao? Tôi mong cầu thượng phẩm thượng sanh! Nhất định phải chuyên tu, chuyên hoằng, quyết định chẳng thể để tâm bị loạn.
(Sao) Tứ, vị linh tập tiểu pháp giả, hiệu kỳ hướng đại, cầu sanh Tịnh Độ, cứu cánh thành Phật, thị Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn.
(鈔)四、為令習小法者,效其向大,求生淨土,究竟成佛,是第一義悉檀。
(Sao: Bốn, vì khiến cho kẻ tu tập tiểu pháp sẽ noi theo mà hướng đến Đại Thừa, cầu sanh Tịnh Độ, rốt ráo thành Phật. Đó là Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn).
Điều thứ tư mới là rốt ráo viên mãn. Điều thứ tư là Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn, tức là “thành Phật”. Những người trong đoạn trên, một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị, thoạt đầu theo Thích Ca Mâu Ni Phật học giáo pháp A Hàm, học Tiểu Thừa. Dần dần từ trong Tiểu Thừa, đức Phật chuyển biến họ, lại từ Tiểu hướng Đại, hồi Tiểu hướng Đại, đến giai đoạn thứ hai, đức Phật giảng kinh Phương Đẳng, khuyên họ hồi Tiểu hướng Đại, giảng Đại Thừa. Pháp môn trong Đại Thừa rộng lớn vô biên, có thể giúp quý vị thành Bồ Tát.
Bồ Tát có rất nhiều giai đoạn, y theo kinh Hoa Nghiêm, có năm mươi mốt cấp bậc Bồ Tát. Trong ấy, sai khác hết sức to lớn, nhưng đều chẳng bằng Phật! Pháp môn này chẳng phải là dạy làm Bồ Tát, mà là dạy làm Phật, còn cao hơn Bồ Tát một cấp, pháp này dạy quý vị làm Phật. Đúng như trong hội Pháp Hoa đã nói: “Duy hữu Nhất Thừa pháp, vô nhị, diệc vô tam, trừ Phật phương tiện thuyết” (chỉ có pháp Nhất Thừa, không hai, cũng không ba, trừ Phật phương tiện nói). Pháp Nhất Thừa là một Phật Thừa, Nhị Thừa là Đại Thừa và Tiểu Thừa, Tam Thừa là Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát. Không hai cũng không ba, chỉ có pháp Nhất Thừa! Hoa Nghiêm là pháp Nhất Thừa, Pháp Hoa là pháp Nhất Thừa, kinh này là Nhất Thừa của Nhất Thừa, liễu nghĩa của liễu nghĩa. Mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc, trở về bộ kinh này, là chỗ quy túc cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm, còn gì để nói nữa!
Vì thế, nói với ngài Xá Lợi Phất, Xá Lợi Phất hồi Tiểu hướng Đại, mọi người thấy Xá Lợi Phất như vậy, còn có ai chẳng muốn hồi Tiểu hướng Đại? Do vậy, giảng cho ngài Xá Lợi Phất, ý nghĩa này rất sâu, Ngài là gương mẫu của đại chúng, nêu gương cho đại chúng, độ Ngài sẽ độ hết thảy đại chúng, ý nghĩa ở chỗ này. Do đó, kinh này từ đầu tới cuối, đức Phật chẳng gọi người khác, mà bảo Xá Lợi Phất. Ngày hôm nay chúng ta giảng tới chỗ này!