Tập 280/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 01-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 280

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm tám mươi chín:

          (Kinh) Vị chư chúng sanh, thuyết thị nhất thiết thế gian nan tín chi pháp.

          ()為諸眾生。說是一切世間難信之法。

          (Kinh: Vì các chúng sanh nói pháp này mà hết thảy thế gian khó tin).

           Chúng ta xem Liên Trì đại sư khai thị:

          (Sớ) Tiền thị nhân trung nan sự, kim thị nan sự trung chi nan sự dã.

()前是人中難事,今是難事中之難事也。

(Sớ: Trong phần trước là nói đến chuyện khó trong loài người, còn đây là nói đến chuyện khó khăn nhất trong các chuyện khó).

          Trong phần trước là nói đến những nỗi khó khăn trong việc đức Phật tu hành chứng quả nhằm đời ác Ngũ Trược. Tiếp theo đây, đức Phật lại nói rõ sự khó khăn trong việc hoằng pháp lợi sanh thuở Ngũ Trược ác thế, nhất là [hoằng dương] pháp môn Tịnh Tông.

          (Sớ) Lương diêu Tịnh Độ pháp môn, nhất thiết thế gian chi sở nan tín.

()良繇淨土法門,一切世間之所難信。

(Sớ: Ấy là vì pháp môn Tịnh Độ là pháp khó tin trong hết thảy các thế gian).

Chúng ta phải đọc câu này nhiều lần, ghi nhớ kỹ càng; sau đấy, chúng ta tự hành, hóa độ người khác, khuyên họ tu Tịnh Độ, nếu gặp những chướng nạn, tâm chúng ta sẽ bình lặng. Không phải là chỉ trong thế gian này, pháp môn này là pháp khó tin, mà là trong “nhất thiết thế gian” (hết thảy các thế gian). Nói cách khác, trong mười phương hết thảy các cõi Phật, chư Phật Như Lai khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, tuyệt đối chẳng dễ dàng hơn Thích Ca Mâu Ni Phật khuyên nhủ chúng ta. Pháp khó tin này gần như là pháp khó tin chung cho trọn khắp pháp giới. Chúng ta thường nói điều này là “cộng nghiệp sở cảm” (do nghiệp chung cảm vời), chẳng phải là cộng nghiệp trên địa cầu này, [chẳng phải] là cộng nghiệp [của riêng] thế giới Sa Bà, mà là cộng nghiệp của mười phương ba đời hết thảy các cõi Phật. Nếu chẳng khó, há chẳng phải là mọi người thảy đều thành Phật, há còn có tam đồ lục đạo nữa ư? Có thể thấy nỗi khó khăn này là thật, chẳng giả!

          (Sớ) Phật ư ác thế đắc đạo.

          ()佛於惡世得道。

          (Sớ: Đức Phật đắc đạo trong đời ác).

         Đây là đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

          (Sớ) Phục ư ác thế thuyết thử pháp, dĩ độ chúng sanh, hựu nan trung nan dã.

          ()復於惡世說此法,以度眾生,又難中難也。

(Sớ: Lại còn nói pháp này trong đời ác để độ chúng sanh, đó là điều khó nhất trong các điều khó).

          Nói pháp môn “niệm Phật thành Phật” này để độ chúng sanh là điều khó nhất trong các điều khó.

          (Sớ) Thị vi đệ nhị trùng nan sự, minh lợi tha công đức bất khả tư nghị.

          ()是為第二重難事,明利他功德不可思議。

(Sớ: Đây là tầng khó khăn thứ hai, nói rõ công đức lợi tha chẳng thể nghĩ bàn).

          Trong phần trước, đã nói rõ công đức tự lợi chẳng thể nghĩ bàn. Trong đoạn này, giảng rõ: “Công đức lợi tha chẳng thể nghĩ bàn”. Nếu chúng ta thật sự thấy thấu suốt, thấy thấu triệt đạo lý và chân tướng sự thật này, tín tâm và nguyện tâm của chúng ta đối với sự tu hành trong Tịnh Tông tự nhiên tăng trưởng, biết nhân duyên này thù thắng khôn sánh, rất khó gặp gỡ. Bài kệ Khai Kinh có câu “trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ”. Cư sĩ Bành Tế Thanh bảo là “một ngày hiếm có, khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay”. Nay chúng ta nghiễm nhiên gặp gỡ, may mắn ngần nào! Trong hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, chẳng có pháp nào thù thắng, chẳng có chuyện nào đáng coi là may mắn hơn được! Trong sự may mắn ấy, làm thế nào để nắm vững cơ hội này hòng thành tựu viên mãn ngay trong một đời này, thì mới là chẳng cô phụ dịp gặp gỡ hiếm có khó gặp này, chẳng cô phụ nỗi khổ tâm thuyết pháp truyền đạo của chư Phật, tổ sư. Điều này cũng có nghĩa là công đức tự lợi và lợi tha chẳng thể nghĩ bàn, nay chúng ta đã đạt được.

          (Sao) Ngôn nan tín giả, cử lược hữu thập.

          ()言難信者,略舉有十。

          (Sao: Nói đến “khó tin”, nêu ra đại lược gồm mười điều).

          “Khó tin”, nói khái quát, bèn có mười điều.

          (Sao) Kim cư uế độ, tập cửu tâm an, sạ văn bỉ quốc thanh tịnh trang nghiêm, nghi vô thử sự, nan tín nhất dã.

          ()今居穢土,習久心安,乍聞彼國清淨莊嚴,疑無此事,難信一也。

          (Sao: Nay sống trong cõi uế, do lâu ngày quen thói, tâm bèn cam chịu, chợt nghe nói cõi ấy thanh tịnh, trang nghiêm, bèn ngờ vực “chẳng có chuyện ấy”. Đó là điều khó tin thứ nhất).

          Đây là chuyện khó tin thứ nhất. Chúng ta sống nhằm đời ác, nhưng [kể từ khi] chúng ta sanh ra, do luôn sống trong đời ác, đã dưỡng thành thói quen, đối với những hoàn cảnh trước mắt đã rất quen thuộc, rất thích ứng, chẳng cảm thấy cõi đời là trược ác. Đặc biệt là những kẻ trẻ tuổi trong hiện thời, chưa hề trải qua cuộc sống khổ nạn trong Đệ Nhị Thế Chiến xưa kia, [nghe nói tới những nỗi khổ nạn ấy] giống như nghe chuyện cổ tích, nghe người ta nói mà vẫn nửa tin nửa ngờ: “Há có chuyện ấy? Cũng có lẽ những người lớn tuổi đã đặt chuyện lừa gạt chúng ta”. Trên thực tế, từ vô lượng kiếp tới nay, chúng ta đã thoạt vào, thoạt ra, luân hồi trong lục đạo trược ác. Đúng là “tập cửu” (習久), “tập” (習) là tập quán. Chúng ta chấp nhận hoàn cảnh trược ác, về căn bản là chẳng có ý nghĩ thoát lìa. Chợt nghe đức Phật nói Tây Phương Cực Lạc thế giới “thanh tịnh, trang nghiêm”, nghe đức Phật nói kiểu ấy, bèn sanh khởi ngờ vực: “Há có thế giới ấy? Có phải là một cõi lý tưởng của người ta hay không? Thật sự có chuyện ấy hay không?” Chẳng thể tiếp nhận, cho là cách nói về Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng phù hợp hiện thực! Đây là điều khó tin thứ nhất. Thật ra, xác thực là Tây Phương Cực Lạc thế giới tồn tại, là chuyện chân thật. Chẳng tin tưởng thế giới Cực Lạc, chẳng mong cầu sanh, người ấy mới là thật sự coi nhẹ hiện thực. Tầm mắt quan sát hiện thực của kẻ đó quá ngắn ngủi, chỉ thấy hiện thực trong hoàn cảnh cư trụ hiện tại; hễ vượt ra ngoài một chút, sẽ chẳng thấy nữa!

          (Sao) Túng tín bỉ quốc, hựu nghi thập phương Phật sát giai khả vãng sanh, hà tất định sanh Cực Lạc? Nan tín nhị dã.

          ()縱信彼國,又疑十方佛剎皆可往生,何必定生極樂?難信二也。

          (Sao: Dẫu tin tưởng cõi ấy, lại nghi mười phương cõi Phật đều có thể vãng sanh, cớ gì cứ nhất định sanh về Cực Lạc? Đó là điều khó tin thứ hai vậy).

           Trong Phật môn có lắm kẻ như vậy đấy! Họ nghe kinh Phật, khóa tối mỗi ngày vẫn niệm kinh A Di Đà, nhưng chẳng mong cầu sanh về thế giới Cực Lạc. Chúng ta thường thấy có kẻ phát nguyện cầu sanh về Di Lặc Tịnh Độ, có người phát nguyện cầu sanh về Dược Sư Tịnh Độ, có người phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ của Tỳ Lô Giá Na Phật, rất nhiều! [Họ bắt bẻ]: Hết thảy chư Phật đều có Tịnh Độ, cần gì phải sanh về thế giới Cực Lạc? Đây là điều khó tin thứ hai!

          (Sao) Túng tín đương sanh, hựu nghi Sa Bà chi khứ Cực Lạc thập vạn ức sát, vân hà cực viễn nhi đắc vãng bỉ? Nan tín tam dã.

          ()縱信當生,又疑娑婆之去極樂,十萬億剎,云何極遠而得往彼?難信三也。

(Sao: Dẫu tin là sẽ sanh về [Cực Lạc], nhưng lại nghi Sa Bà cách Cực Lạc đến mười ức cõi nước, lẽ nào lại có thể sanh về nơi hết sức xa xôi ngần ấy cho được? Đó là điều khó tin thứ ba).

          Nghe nói Tây Phương Cực Lạc thế giới cách thế giới này mười vạn ức cõi Phật. Chúng ta biết một cõi Phật là một đại thiên thế giới. Trong quá khứ, có người nói: Một đại thiên thế giới là một hệ Ngân Hà như chúng ta hay nói trong hiện thời, một hệ Ngân Hà thì đã là quá lớn rồi. Các nhà khoa học hiện thời chẳng có cách nào phát hiện Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì sao? Ngoài mười vạn ức hệ Ngân Hà, khoa học kỹ thuật hiện thời chưa đạt đến, quá xa xôi! Đó là cách nói trước kia. Theo cách nói của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, một hệ Ngân Hà thật ra là một đơn vị thế giới, một đại thiên thế giới có bao nhiêu đơn vị thế giới? Có mười ức, tức là nói rõ: Mười ức hệ Ngân Hà mới là một đại thiên thế giới, trong ấy, lại còn cách xa mười vạn ức đại thiên thế giới [mới tới cõi Cực Lạc], lại càng chẳng thể nghĩ bàn, đã xa xôi lại càng xa xôi hơn. [Có những kẻ] nghe nói vậy bèn sợ hãi, tới khi nào thì mới có thể tới đó? Huống chi trong vũ trụ chẳng có ngằn mé, hễ góc độ sai lệch đôi chút, chẳng biết sẽ lầm lạc đến nơi nào? Tuy tin tưởng, vẫn chẳng dám phát nguyện vãng sanh. Đó là điều khó tin thứ ba.

          (Sao) Túng tín bất viễn, hựu nghi bác địa phàm phu tội chướng thâm trọng, vân hà cự đắc vãng sanh bỉ quốc, nan tín tứ dã.

()縱信不遠,又疑博地凡夫罪障深重,云何遽得往生彼國,難信四也。

(Sao: Dẫu tin là chẳng xa, lại nghi [chính mình là] hạng phàm phu sát đất, tội chướng sâu nặng, làm sao có thể liền được vãng sanh cõi ấy. Đó là điều khó tin thứ tư).

           Đại chúng trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là hàng Bồ Tát tu hạnh Phổ Hiền, ngẫm lại bản thân, nghiệp chướng sâu nặng, có thể nào ở cùng một chỗ với Bồ Tát cho được? Chính mình hình thành mặc cảm tự ty rất nặng, cảm thấy chẳng xứng với những vị Bồ Tát ấy. Do vậy, chẳng dám phát nguyện vãng sanh. Đó là điều khó tin thứ tư.

          (Sao) Túng tín đắc sanh, hựu nghi sanh thử Tịnh Độ, tất hữu kỳ diệu pháp môn, đa chủng công hạnh. Vân hà đản trì danh hiệu, toại đắc vãng sanh? Nan tín ngũ dã.

()縱信得生,又疑生此淨土,必有奇妙法門,多種功行。云何但持名號,遂得往生?難信五也。

(Sao: Dẫu tin là được vãng sanh, lại nghi: Để sanh về cõi Tịnh Độ ấy, ắt phải có pháp môn kỳ diệu, nhiều thứ công hạnh. Lẽ đâu chỉ trì danh hiệu, bèn được vãng sanh? Đó là điều khó tin thứ năm vậy).

          Chúng ta cũng thường gặp kẻ như vậy. Họ chẳng tin “do một câu danh hiệu bèn có thể vãng sanh, chẳng tin niệm một bộ kinh bèn có thể vãng sanh”, cho rằng: Nhất định là phải học rất nhiều pháp môn, đọc tụng rất nhiều kinh điển thì mới có thể vãng sanh. Kẻ ấy trọn chẳng biết chính mình đã nghĩ sai bét, học pháp môn cho lắm, đọc tụng kinh điển cho nhiều, tâm lực bị phân tán, chẳng thể đắc Niệm Phật tam-muội, chẳng thể thành tựu nhất tâm bất loạn, đâm ra chẳng thể vãng sanh! Đó là điều khó tin thứ năm.

          (Sao) Túng tín trì danh, hựu nghi trì thử danh hiệu, tất tu đa lịch niên kiếp, nãi khắc thành tựu, vân hà nhất nhật, thất nhật, tiện đắc sanh bỉ? Nan tín lục dã.

()縱信持名,又疑持此名號必須多歷年劫乃克成就,云何一日七日便得生彼?難信六也。

(Sao: Dẫu tin tưởng trì danh, lại nghi trì danh hiệu ấy, ắt phải trải qua nhiều kiếp thì mới có thể thành tựu, lẽ đâu do một ngày hoặc bảy ngày [trì danh], bèn được sanh về cõi ấy? Đó là điều khó tin thứ sáu vậy).

          Nói thật ra, đối với khá nhiều điều khó tin chẳng thể trách móc những kẻ ấy; trong đây, xác thực là có đạo lý rất sâu. Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật đã dạy: Phàm những kẻ có thể nghe pháp môn này mà hoan hỷ, tin nhận, chẳng phải là phàm nhân, mà là do thiện căn trong vô lượng kiếp trong đời quá khứ đã chín muồi. Trong đời quá khứ, chẳng vun bồi thiện căn, dẫu được tiếp xúc, nhất định là có lắm nỗi khó tin ngần ấy. Nếu chúng ta tiếp xúc pháp môn này, xét thấy chính mình cũng có lắm nỗi khó tin dường ấy, chính mình phải phản tỉnh: Trong đời quá khứ, chúng ta đã vun bồi chẳng đủ thiện căn. Chẳng đủ thì trong đời này có thể bổ cứu. Tuy chẳng đủ, vẫn còn sai kém đôi chút, vậy thì trong một đời này phải càng thêm nỗ lực một phen, thiện căn, phước đức, nhân duyên bèn đầy đủ, bèn trọn vẹn. Nhất định là phải cậy vào đời này gặp gỡ thiện hữu, gặp được thiện duyên, giúp chúng ta kiến lập tín tâm, giúp chúng ta tăng trưởng tín tâm. Đó là điều tất yếu.

          Chúng ta nhất định phải tin tưởng lời đức Phật giáo huấn trong kinh. Kinh đã nói rành mạch, rõ ràng: Từ một ngày cho đến bảy ngày có thể thành tựu. Chúng ta lại xem những chuyện được ghi chép trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện, từ một ngày cho đến bảy ngày vẫn có người thật sự thành tựu, chứng tỏ lời Phật dạy trong kinh chẳng sai. Họ có thể thành tựu, vì sao ta chẳng thể thành tựu? Nay chúng ta đọc kinh Phật, đức Phật chẳng tại thế, đọc kinh Phật giống như nghe đức Phật giáo huấn, ngôn giáo đấy! Những người niệm Phật trong đời sau, từ một ngày cho đến bảy ngày bèn vãng sanh, đó là “thân giáo”. Họ nêu gương cho chúng ta thấy, xác thực là biết trước lúc ra đi, không bệnh tật mà mất. Họ chẳng sanh bệnh, biết khi nào sẽ ra đi, trước khi ra đi mấy phút, vẫn làm lụng như thường lệ, thời gian đã tới, [bèn bảo người chung quanh] “ta phải đi”. Tiêu sái như thế đó, tự tại như thế đó! Đấy là thân giáo. Chúng ta nghe được, thấy được, lẽ nào vẫn chẳng tin tưởng ư? Vẫn chẳng tin, đúng là chẳng có cách nào hết, đúng là chẳng có thiện căn! Đối với lời khai thị của lão pháp sư Đàm Hư trong kỳ Phật Thất tại Hương Cảng, chúng ta đã nghe hiểu, thật sự tin tưởng, đời này quyết định được vãng sanh. Lão hòa thượng kể cho chúng ta nghe những câu chuyện vãng sanh, thật sự có những người ấy, thật sự có những chuyện ấy.

 

          (Sao) Túng tín thất nhật đắc sanh, hựu nghi thất thú thọ sanh, bất ly thai, noãn, thấp, hóa, vân hà bỉ quốc tất thị liên hoa hóa sanh? Nan tín thất dã.

          ()縱信七日得生,又疑七趣受生,不離胎卵濕化,云何彼國悉是蓮華化生?難信七也。

(Sao: Dẫu tin bảy ngày bèn được vãng sanh, lại nghi chuyện thọ sanh trong bảy đường, chẳng ngoài [các phương cách] thai, noãn, thấp, hóa, cớ sao cõi ấy ắt là hóa sanh trong hoa sen? Đó là điều khó tin thứ bảy).

          “Thất thú” (七趣: bảy đường) là như trong kinh Lăng Nghiêm đã nói. Trong kinh Đại Thừa, đức Phật nói phàm phu thuộc trong tam giới, tức Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới. Tam giới có thể chia thành lục đạo, nhưng có lúc, đức Phật nói là ngũ thú (“ngũ thú” (五趣) là năm đường), [tức là] chẳng nhắc tới A Tu La đạo. Đối với A Tu La, kinh Lăng Nghiêm đã nói rất rõ ràng: Trừ địa ngục ra, trong bốn đường khác, đều có A Tu La. Cõi trời có A Tu La, nhân gian có A Tu La, trong súc sanh có A Tu La, trong ngạ quỷ có A Tu La. A Tu La trong quỷ đạo, chúng ta thường nói là chúng hại người, hết sức độc ác, tàn nhẫn. Ngạ quỷ chính là A Tu La trong quỷ đạo. Thuộc trong đường nào, sẽ nói gom vào đường đó, chẳng nói đơn độc. Nếu nói “lục đạo” thì [hễ nói đến] A Tu La đạo, chính là chuyên nói về A Tu La trong thiên đạo. Do vậy, ngũ đạo và lục đạo có cùng một ý nghĩa.

“Thất thú” là bảy đường, vì sao lại có thêm một đường? Thêm một đường là tiên nhân, nói những kẻ ấy thành một loại riêng. Thật ra, tiên nhân có thiên tiên, trong nhân gian có tiên nhân, trong súc sanh có tiên nhân. Súc sanh tu luyện [thành tiên], hồ tiên (hồ ly tinh) là tiên nhân trong súc sanh đạo. Chúng cũng có thần thông, cũng có thể biến hóa, [nói “thất thú” là] nói tiên đạo thành một đường riêng lẻ. Nói “lục đạo” thì tiên thuộc về đường nào, bèn nói gộp trong đường ấy, không nói đơn độc. Vì thế, nói là ngũ thú, lục đạo, hay thất thú, chính là gộp vào hay tách ra khác nhau, chứ nội dung chẳng khác gì nhau!

“Thất thú thọ sanh”, từ cõi trời, nhân gian, cho đến ba ác đạo là nơi thọ sanh của hữu tình chúng sanh, chúng ta nói thông tục là “đầu thai”. “Bất ly thai, noãn, thấp, hóa” (Chẳng lìa các cách thọ sanh bằng thai, trứng, sanh nơi ẩm ướt, hóa sanh), đó là bốn cách sanh nở. Có loài sanh nở bằng bào thai, bằng đẻ trứng, thấp sanh, hay hóa sanh. Đấy là hiện tượng trong thế giới này, chúng ta đã quen rồi. Kẻ ấy hoài nghi: Vì sao tất cả những ai vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, từ Đẳng Giác Bồ Tát cho đến chúng sanh trong địa ngục, hễ tới Tây Phương Cực Lạc thế giới đều bình đẳng, thảy đều là hóa sanh trong hoa sen? Người bình phàm cứ nghĩ bất bình đẳng là đúng; hễ bình đẳng, liền [cảm thấy] quái lạ. Bồ Tát đã tu trong thời gian vô lượng kiếp, chúng ta khắp thân tội nghiệp, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, làm sao có thể bình đẳng với các Ngài cho được? Đấy là vì họ chẳng hiểu rõ đạo lý trong ấy. Vì thế, hễ đối với chuyện gì, nhất định là phải hiểu rất rõ ràng, rất thấu triệt, thì chúng ta sẽ chẳng có nghi hoặc, tín tâm mới có thể sanh khởi. Nguyện được kiến lập từ tín. Chẳng có lòng tin chân thật, quyết định là chẳng thể phát nguyện. Đấy là điều khó tin thứ bảy.

          (Sao) Túng tín liên sanh, hựu nghi sơ tâm nhập đạo, đa thiệp thoái duyên, vân hà nhất sanh bỉ quốc, tiện đắc Bất Thoái? Nan tín bát dã.

          ()縱信蓮生,又疑初心入道,多涉退緣,云何一生彼國便得不退?難信八也。

(Sao: Dẫu tin hóa sanh trong hoa sen, lại nghi kẻ sơ tâm nhập đạo, sẽ vướng mắc nhiều duyên thoái chuyển, làm sao vừa sanh về cõi ấy liền đắc Bất Thoái cho được? Đó là điều khó tin thứ tám).

 “Sơ tâm nhập đạo”, đối với chân tướng sự thật, tợ hồ đã hiểu mà chẳng hiểu, chẳng thật sự hiểu rõ thấu triệt. Tâm kẻ ấy bị cảnh giới xoay chuyển, vẫn hoài nghi, bất định, lúc tiến, lúc lùi. Đây là một nhân tố quan trọng nhất khiến cho phàm phu học đạo rất khó thành công, tiến ít, lùi nhiều, tiến chậm chạp, lùi nhanh chóng, thành tựu hết sức gian nan. Hiện tượng này phổ biến trong thế gian. Nếu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ chẳng bị thoái chuyển. Điều này rất khó khiến cho kẻ khác tin tưởng. Thật ra, những vấn đề nghi hoặc khó tin ấy, nói thật thà, [là do] người ấy chẳng đọc kỹ kinh Vô Lượng Thọ và Tịnh Độ Ngũ Kinh, câu trả lời đều ở ngay trong đó. Thật sự niệm thuần thục, nghi vấn sẽ hoàn toàn chẳng còn nữa! Vì sao sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ bất thoái? Kinh đã dạy rất rõ ràng, quý vị sanh về nơi đó, những người ở chung quanh quý vị toàn là “chư thượng thiện nhân”. Đó là nhân tố thứ nhất thật sự khiến cho chẳng thoái chuyển. Chúng ta bị thoái chuyển là vì bị hoàn cảnh ảnh hưởng, tâm chuyển theo cảnh. Tây Phương Cực Lạc thế giới là cảnh giới thù thắng nhất. Hằng ngày, quý vị luôn bầu bạn cùng hàng Đẳng Giác Bồ Tát, có còn bị thoái chuyển hay chăng? Hiện thời, vây quanh chúng ta toàn là yêu ma, quỷ quái, dẫn dụ, mê hoặc chúng ta khởi tham, sân, si, mạn, cho nên mới bị thoái chuyển. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, vây quanh chúng ta là chư thượng thiện nhân, giúp đỡ chúng ta thành tựu đạo nghiệp. Đấy là một nhân duyên không thoái chuyển trọng yếu nhất.

Nhân duyên thứ hai, chúng ta ở trong thế gian này, do ăn, mặc, ở, đi lại chẳng dễ dàng, cứ phải bươn bả vì cơm áo, bị hoàn cảnh bức bách, [cho nên] dễ dàng thoái chuyển. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có những chuyện ấy, ai nấy đều có cuộc sống vật chất đại tự tại. Kinh đã nói rất rõ ràng, “nghĩ đến áo bèn được áo, nghĩ ăn bèn được ăn”. Hoàn cảnh sống của quý vị là “hết thảy thuận lòng mong muốn; nghĩ tới cảnh giới gì, cảnh giới ấy bèn hiện tiền”. Làm sao quý vị có duyên thoái chuyển cho được? Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhân duyên thoái đọa đã tiêu mất! Đấy chính là nhân tố thật sự khiến cho chẳng thoái chuyển.

          (Sao) Túng tín bất thoái, hựu nghi thử thị tiếp dẫn độn cơ chúng sanh, thượng trí lợi căn, bất tất sanh bỉ, nan tín cửu dã.

     ()縱信不退,又疑此是接引鈍機眾生,上智利根不必生彼,難信九也。

(Sao: Dẫu tin tưởng bất thoái, lại nghi pháp này là để tiếp dẫn chúng sanh căn cơ ngu độn, chứ bậc thượng trí lợi căn chẳng cần phải sanh về đó. Đó là điều khó tin thứ chín).

          Đây là điều khó tin thứ chín, chúng ta cũng thường thấy chuyện này. Có những kẻ thông minh, lanh lợi coi rẻ Tịnh Độ, cho rằng: “Đức Phật dùng Tịnh Độ để tiếp dẫn những bà cụ già chẳng có kiến thức. Chúng ta là những kẻ có học vấn, có trí huệ, thượng căn, lợi trí, chẳng nên học pháp môn dành cho hạng hạ căn này!” Họ rẻ rúng [Tịnh Độ], học Thiền, học Giáo, học Mật, nghĩ những pháp môn ấy là sở học của bậc thượng thượng căn. Đúng là họ chẳng hiểu! Căn tánh và trí huệ của họ có thể sánh bằng Văn Thù, Phổ Hiền hay chăng? Văn Thù và Phổ Hiền còn cầu sanh thế giới Cực Lạc, còn mong thấy A Di Đà Phật, [kẻ khinh rẻ Tịnh Độ] há chẳng phải là cuồng vọng ư?

          (Sao) Túng tín lợi căn diệc sanh, hựu nghi tha kinh, hoặc thuyết hữu Phật, hoặc thuyết vô Phật, hoặc hữu Tịnh Độ, hoặc vô Tịnh Độ, hồ nghi bất quyết, nan tín thập dã.

          ()縱信利根亦生,又疑他經,或說有佛、或說無佛,或有淨土、或無淨土,狐疑不決,難信十也。

(Sao: Dẫu tin lợi căn cũng vãng sanh, lại ngờ kinh khác nói có Phật, hoặc nói chẳng có Phật, hoặc là nói có Tịnh Độ, hoặc là chẳng có Tịnh Độ, [cho nên] hồ nghi, chẳng quyết đoán. Đó là điều khó tin thứ mười).

          Loại người này quá nửa là chẳng thân cận minh sư, chẳng có thiện tri thức thật sự chỉ dẫn. Họ nghe rất nhiều, xem rất nhiều, đầu óc đã rối tinh rối mù! Cho nên nghi vấn đối với Phật pháp đặc biệt nhiều, tạo thành chướng ngại rất lớn. Không chỉ là chẳng thể thành tựu nơi Tịnh Độ, mà bất luận tu pháp môn nào, thảy đều chẳng đạt được thành tựu.

          (Diễn) Thập chủng nan tín, đại ước bất xuất cuồng ngu nhị bệnh.

          ()十種難信,大約不出狂愚二病。

(Diễn: Mười thứ khó tin, nói đại lược chẳng ra ngoài hai căn bệnh cuồng và ngu).

          Thầy Lý thường nói: “Chẳng mong cầu sanh Tịnh Độ, chẳng phải là ngu thì chính là cuồng”.

          (Diễn) Tiền bát hệ ngu giả cao thôi thánh cảnh cố bất tín.

()前八係愚者高推聖境故不信。

(Diễn: Tám loại trước là do kẻ ngu đề cao thánh cảnh cho nên chẳng tin).

 Kẻ ngu si chẳng dám tin tưởng.

          (Diễn) Đệ cửu hệ cuồng giả miệt thị Tây Phương, cố bất tín. Đệ thập song kiêm nhị giả, dĩ ngu giả văn lý chi vô, cố nghi bất tín. Cuồng giả văn sự chi hữu, cố nghi bất tín.

          ()第九係狂者蔑視西方故不信。第十雙兼二者,以愚者聞理之無,故疑不信;狂者聞事之有,故疑不信。

(Diễn: Loại thứ chín là hạng người ngông cuồng miệt thị Tây Phương, nên chẳng tin tưởng. Loại thứ mười là kiêm cả hai, bởi kẻ ngu do nghe cái Không nơi Lý bèn nghi ngờ chẳng tin, kẻ cuồng do nghe cái Có nơi mặt Sự bèn nghi ngờ chẳng tin).

          Đã ngu lại cuồng, chẳng có cách nào! Hai loại người này gặp pháp môn này cũng như chẳng gặp, kinh Phật thường gọi họ là “kẻ đáng thương xót”.

          (Sao) Cố nan tín nhi viết “nhất  thiết  thế  gian”, thị  bất  đản  ác

đạo nan tín, nhi nhân thiên do hoặc nghi chi.

          ()故難信而曰一切世間,是不但惡道難信,而人天猶或疑之。

(Sao: Vì thế, khó tin mà nói là “hết thảy thế gian” là vì không chỉ là [chúng sanh trong] ác đạo khó tin, mà trời người vẫn còn nghi ngờ).

          “Ác đạo” là nói tới ba ác đạo, ngu si; đức Phật vì họ nói pháp môn này, thật sự là quá khó khăn! “Nhân thiên” thông minh hơn ba ác đạo, có một chút trí huệ, đức Phật vì hàng nhân thiên tuyên dạy pháp môn này, người tin tưởng vẫn là thiểu số!

          (Sao) Bất đản ngu mê nan tín, nhi hiền trí do hoặc nghi chi.

          ()不但愚迷難信,而賢智猶或疑之。

(Sao: Không chỉ là kẻ ngu mê khó tin, mà bậc hiền trí hãy còn ngờ vực).

          Trong hai đường nhân thiên, kẻ ngu si chẳng dễ dàng tiếp nhận cho lắm. Có không ít những người thông minh, tài nghệ rất cao, vẫn khó tin tưởng pháp môn này, cũng rất khó tiếp nhận.

          (Sao) Bất đặc sơ cơ nan tín, nhi cửu tu do hoặc nghi chi.

          ()不特初機難信,而久修猶或疑之。

          (Sao: Không chỉ là kẻ sơ cơ khó tin, mà kẻ tu lâu hãy còn ngờ vực).

          Người mới học Phật chẳng dễ dàng tiếp nhận, nhưng người học Phật suốt cả một đời vẫn chẳng thể tiếp nhận! Bất luận là tại gia hay xuất gia, kẻ tu học pháp môn khác bèn chẳng tin “niệm Phật có thể sanh về Tịnh Độ”.

          (Sao) Bất đặc phàm phu nan tín, nhi Nhị Thừa do hoặc nghi chi. Cố viết “nhất thiết thế gian nan tín chi pháp”.

()不特凡夫難信,而二乘猶或疑之。故曰一切世間難信之法。

(Sao: Không chỉ riêng phàm phu khó tin, mà hàng Nhị Thừa hãy còn chẳng tin. Vì thế, nói là “pháp mà hết thảy thế gian khó tin”).

          Nhị Thừa là Thanh Văn, Duyên Giác, bao gồm Quyền Giáo Bồ Tát.

          (Sao) Kim ư thử thế diễn thuyết thử pháp, thị do nhập lõa hình chi quốc, tuyên thị oai nghi, đối sanh manh chi nhân, chỉ trần hắc bạch, thử chi vị nan.

          ()今於此世演說此法,是猶入裸形之國宣示威儀,對生盲之人指陳黑白,此之謂難。

(Sao: Nay ở trong đời này, diễn thuyết pháp này, ví như vào cõi nước của kẻ lõa lồ mà tuyên dạy oai nghi, đối với kẻ mù từ thuở lọt lòng mà chỉ bày đen trắng. Điều này được gọi là khó khăn).

          Ở đây, đại sư nêu ra hai tỷ dụ, [nhằm hình dung] mức độ khó khăn giống như trong hai tỷ dụ đã nói:

1) Ví như đối với những người sống trong vùng đất lạc hậu, thân thể chẳng mặc quần áo, [họ tụ lại] ở đó vừa la hét vừa ca hát, những người dân lạc hậu ấy chẳng có giáo dục, chẳng có văn hóa, quý vị ở chỗ đó, nói với họ về chuyện lễ tiết, nói đến oai nghi, họ nghe xong ngơ ngác. Làm sao họ có thể nghe hiểu cho được? Đức Phật vì chúng ta tuyên nói Tây Phương Tịnh Độ, giống như ở trong vùng chưa khai hóa mà nói đến những nơi khác có nền văn minh bậc cao trên thế giới, trước nay họ chưa từng thấy, mà cũng chưa hề nghe nói tới, làm sao họ có thể tin tưởng cho được?

2) “Đối sanh manh chi nhân chỉ trần hắc bạch” (Đối với kẻ mù từ thuở lọt lòng mà chỉ bày đen trắng), “sanh manh” (生盲) là sanh ra đã mù. Quý vị nói với họ đây là đen, kia là trắng, họ chẳng có cách nào hiểu được, vì họ chẳng có kinh nghiệm ấy, chưa hề thấy qua!

          (Sao) Thử chi vị lợi tha công đức bất khả tư nghị dã.

          ()此之謂利他功德不可思議也。

(Sao: Đấy là nói công đức lợi tha chẳng thể nghĩ bàn vậy).

          Đức Phật vì hết thảy chúng sanh tuyên nói pháp môn này, công đức chẳng thể nghĩ bàn. Nói hết thảy các pháp, thì nói pháp môn Tịnh Tông khó tin nhất. Đối với pháp khó tin mà phải nói khiến cho người ta tin tưởng, chẳng phải là một chuyện đơn giản!

          (Sớ) Hựu Pháp Hoa, Kim Cang giai vân nan tín, dữ thử đồng ý.

          ()又法華金剛皆云難信,與此同意。

(Sớ: Lại nữa, kinh Pháp Hoa và Kim Cang đều nói là khó tin, có cùng ý nghĩa với điều này).

          Trong kinh Pháp Hoa và Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, đức Phật cũng nói đến pháp khó tin, ý nghĩa rất giống với ở đây.

          (Sao) Pháp Hoa vân: “Dục linh chúng sanh, giai đắc văn tri nhất thiết thế gian nan tín chi pháp”. Hựu vân: “Thử kinh nan văn, tín thọ diệc nan”.

(Diễn) Dục linh chúng sanh, giai đắc văn tri nhất thiết thế gian nan tín chi pháp giả, thị Văn Thù cáo Di Lặc chi từ, vị: Tứ thập niên tiền sở thuyết, thừa thị tam thừa, tánh hữu ngũ tánh, nhân giai dị tín. Nhược thuyết tam thừa thị nhất thừa, ngũ tánh thị nhất tánh, nhân sở nan tín. Tầm thường đản thuyết “duy Phật nhất nhân độc đắc Chánh Giác”, kim viết “Tiểu Thừa La Hán giai đương tác Phật”, nhân sở nan tín. Tầm thường đản thuyết “tu hành tam kỳ, phương thỉ thành Phật”, kim viết “tức tâm thị Phật”, nhân sở nan tín. Kim dục thuyết thử nan tín chi pháp, dục linh chúng sanh đắc tri “tức tâm tức Phật, vô nhị, vô tam” chi chỉ, cố hiện tư thụy nhĩ.

()法華云:欲令眾生,皆得聞知一切世間難信之法。又云:此經難聞,信受亦難。

()欲令眾生。皆得聞知一切世間難信之法者。是文殊告彌勒之辭。謂四十年前所說。乘是三乘。性有五性。人皆易信。若說三乘是一乘。五性是一性。人所難信。尋常但說唯佛一人獨得正覺。今曰小乘羅漢皆當作佛。人所難信。尋常但說修行三祇方始成佛。今曰即心是佛。人所難信。今欲說此難信之法。欲令眾生得知即心即佛。無二無三之旨。故現斯瑞耳。

(Sao: Kinh Pháp Hoa nói: “Muốn khiến cho chúng sanh đều được nghe biết pháp mà hết thảy thế gian khó tin”. Lại nói: “Kinh này khó nghe, tin nhận cũng khó”.

Diễn: “Muốn khiến cho chúng sanh đều được nghe biết pháp mà hết thảy thế gian khó tin”: Chính là như lời ngài Văn Thù đã bảo ngài Di Lặc rằng: – Đối với những pháp đã nói trong bốn mươi năm trước, ‘thừa’ là ba thừa, tánh thì có năm tánh, ai nấy đều dễ tin tưởng. Nếu nói “ba thừa là một thừa, năm tánh là một tánh”, người ta sẽ khó tin. Thông thường, chỉ nói “một mình đức Phật đắc Chánh Giác”, nay nói “Tiểu Thừa La Hán đều sẽ thành Phật”, người ta khó tin. Thông thường, chỉ nói “tu hành ba A-tăng-kỳ kiếp mới thành Phật”, nay nói “tâm này chính là Phật”, người ta khó tin. Nay muốn nói pháp khó tin này, muốn khiến cho chúng sanh được biết đến tông chỉ ‘cái tâm này chính là Phật, chẳng có hai thừa, hoặc ba thừa’, vì thế, hiện tướng lành này).

          “Pháp mà hết thảy thế gian khó tin” được nói trong kinh Pháp Hoa chính là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Đấy là một bộ đại kinh của Nhất Thừa Viên Giáo, cũng rất khó thể khiến cho hết thảy chúng sanh nghe xong bèn có thể tin tưởng, tiếp nhận. Đó là pháp khó tin. “Hựu vân: Thử kinh nan văn” (Lại nói: “Kinh này khó được nghe”), chữ “thử kinh” cũng chỉ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, vì chúng sanh khó tin, nên đức Phật ít nói. Nói ra, mọi người chẳng tin tưởng, cần gì phải nói? Cơ hội nghe pháp cũng rất ít, tin tưởng, thọ trì cũng rất khó.

Pháp môn Tịnh Tông này khó tin, vì sao đức Phật phải tuyên giảng nhiều lần? Tình hình khác nhau. Kinh Pháp Hoa nhằm uyển chuyển, mềm mỏng khuyên dụ chúng ta cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới; kinh này (kinh Di Đà) nhằm trực tiếp, thẳng thừng khuyên dạy chúng ta vãng sanh, mà bộ kinh này xác thực là pháp môn bậc nhất để độ hết thảy chúng sanh, đúng là vô thượng diệu pháp. Vì thế, bất luận quý vị tin hay chẳng tin, đức Phật đều nói cho quý vị. Dẫu chẳng tin, cũng đã gieo chủng tử Kim Cang trong A Lại Da Thức của quý vị. Vì thế, đức Phật nói nhiều lần, tuyên thuyết nhiều lượt. Các vị Bồ Tát, tổ sư đại đức làm theo đức Phật, cũng tuyên dương, phổ biến mạnh mẽ.

Ở Tân Trúc[1], có một vị xuất gia phát tâm chuyên giảng kinh Vô Lượng Thọ, nghe nói đã giảng mười một lần. Thầy ấy giảng một bộ kinh, mỗi ngày giảng một giờ, giảng hằng ngày, khó có lắm! Vị ấy đúng là đáng cho người khác tôn kính! Thâm nhập một môn, chẳng có ai không thành tựu! Theo sách vở ghi chép, các vị đại đức thuở trước, có vị chuyên môn giảng kinh A Di Đà, suốt đời giảng hai ba trăm lượt, đi khắp nơi tuyên giảng. Cận đại, chúng ta xem Niệm Phật Luận do lão pháp sư Đàm Hư giảng. Pháp sư có một đồ đệ quy y tại gia, tên là Trịnh Tích Tân, vốn làm nghề buôn bán. Về sau, khi đã học Phật, học hiểu kinh Di Đà, chẳng buôn bán nữa, chuyên môn đi giảng kinh A Di Đà. Xưa kia, tại vùng quê ở Đại Lục, chẳng có người giảng kinh, ông ta chỉ cần chỗ nào có người quen biết bèn đến đó. Ba người nghe cũng được, năm người nghe cũng được, chuyên môn giảng kinh A Di Đà. Về sau, ông ta vãng sanh, biết trước lúc mất, ngồi ra đi, tiêu sái, tự tại như vậy đó. Vì thế, học điều gì, bất luận là pháp thế gian hay xuất thế gian, thâm nhập một môn là đúng. Nếu quý vị không buông xuống được, điều này cũng muốn học, pháp kia cũng muốn học, suốt một đời này, quý vị chẳng thể thành tựu. Dẫu có thành tựu, cũng là loàng xoàng!

          (Sao) Kim Cang Bát Nhã vân: “Văn thuyết thử kinh, tâm tức cuồng loạn, hồ nghi, bất tín”, nhi dĩ bất kinh, bất bố, bất úy, vi hy hữu. Bất kinh đẳng tức năng tín dã.

()金剛般若云:聞說此經,心即狂亂,狐疑不信,而以不驚不怖不畏為希有。不驚等即能信也。

(Sao: Kim Cang Bát Nhã nói: “Nghe nói kinh này, tâm liền cuồng loạn, hồ nghi, chẳng tin”, tức là coi kẻ chẳng kinh ngạc, chẳng sợ sệt, chẳng hoảng hốt là hy hữu. “Chẳng kinh ngạc v.v…” là có thể tin tưởng vậy).

Có thể nghe nói Bát Nhã rất sâu mà chẳng kinh ngạc, chẳng sợ hãi, đó là có tín tâm. Nếu chẳng có tín tâm, nghe xong, nhất định là sẽ lắc đầu, “há có cách nói kiểu ấy!” Nhất định là sẽ phản đối, đưa ra lời chống đối. Vì thế, [nghe kinh Bát Nhã mà chẳng kinh sợ], hết sức khó có!

          (Sao) Kim kinh nan tín, đồng ư nhị kinh, hề khả khinh dã.

          ()今經難信,同於二經,奚可輕也。

(Sao: Kinh này khó tin giống như hai kinh ấy, há nên khinh rẻ ư?)

          Kinh Di Đà khó tin, tuyệt đối chẳng kém kinh Pháp Hoa và kinh Kim Cang.

(Diễn) Thử kinh nan văn, tín thọ diệc nan. Thị  Pháp  Sư  phẩm,

Phật cáo Dược Vương chi từ.

()此經難聞。信受亦難。是法師品。佛告藥王之辭。

(Diễn: “Kinh này khó nghe, tin nhận cũng khó”: Chính là lời đức Phật bảo Dược Vương Bồ Tát trong phẩm Pháp Sư).

 Chính là phần kinh văn trong phẩm Pháp Sư của kinh Pháp Hoa. [Trong phẩm ấy], đức Phật bảo Dược Vương Bồ Tát [như vậy].

          (Diễn) Cái dĩ hành Bồ Tát đạo giả, đắc kiến, văn, độc, tụng thị kinh, nãi năng thiện hành Bồ Tát chi đạo, cầu Phật đạo giả. Nhược kiến, nhược văn thị Pháp Hoa kinh, văn dĩ tín, giải, thọ trì giả, đắc cận A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề cố.

()蓋以行菩薩道者。得見聞讀誦是經。乃能善行菩薩之道。求佛道者。若見若聞是法華經。聞已信解受持者。得近阿耨多羅三藐三菩提故。

(Diễn: Ấy là vì người hành Bồ Tát đạo mà được thấy, nghe, đọc tụng kinh này, thì chính là người khéo hành đạo Bồ Tát, là người cầu Phật đạo. Nếu ai thấy, nghe kinh Pháp Hoa này, nghe xong bèn tin, hiểu, thọ trì, sẽ được gần Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác).

          Cái gọi là “hành Bồ Tát đạo”, nói theo cách hiện thời, sẽ là: Chúng ta sống theo cách sống của Bồ Tát thì gọi là “hành Bồ Tát đạo”. Tôi lại nói rõ chuyện này hơn một chút, tức là sống cuộc đời “giác chứ không mê”, có ý nghĩa này. Phải như thế nào thì mới có thể thực hiện được? Phải đọc kinh, phải cầu hiểu. Nếu áp dụng giáo huấn trong kinh vào cuộc sống hằng ngày, cuộc sống của chúng ta sẽ chẳng khác gì Bồ Tát, sẽ là cuộc sống của bậc giác ngộ. Trong hội Pháp Hoa, đức Phật bảo Dược Vương Bồ Tát nương theo kinh Pháp Hoa, nay chúng ta nói là nương theo kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, và kinh Quán Vô Lượng Thọ. Do đó, phải đọc kinh, phải cầu hiểu, phải hội quy đạo lý trong kinh về tự tánh, phải biến những giáo huấn trong kinh thành hành vi xử sự, đãi người, tiếp vật trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Đó là “hành Bồ Tát đạo”, là sống cuộc đời Bồ Tát.

(Diễn) Văn thuyết thử kinh, tâm tức cuồng loạn, hồ nghi, bất tín

giả.

()聞說此經。心即狂亂狐疑不信者。

(Diễn: “Kẻ nghe nói kinh này, tâm bèn cuồng loạn, hồ nghi chẳng tin”).

Kinh Kim Cang Bát Nhã nói như vậy.

 (Diễn) Thử kinh phi Đại Thừa căn khí, bất năng trì tụng, sở cảm công đức, phi thường nhân khả văn. Văn tất hồ nghi bất tín, cái thử kinh chi nghĩa thú, dữ kỳ quả báo bất khả tư nghị cố dã.

()此經非大乘根器不能持誦。所感功德。非常人可聞。聞必狐疑不信。蓋此經之義趣。與其果報不可思議故也。

(Diễn: Kinh này nếu chẳng phải là căn khí Đại Thừa, sẽ chẳng thể trì tụng. Công đức cảm vời [do hành trì kinh này] chẳng phải là kẻ tầm thường có thể nghe được. Họ nghe xong, ắt sẽ hồ nghi, chẳng tin. Ấy là vì nghĩa thú trong kinh ấy cũng như quả báo của kinh ấy đều chẳng thể nghĩ bàn).

          Đối với chuyện này, trong bộ sách Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa, cư sĩ Giang Vị Nông đã nói thấu triệt nhất. Từ xưa tới nay, người giảng kinh chẳng muốn giảng kinh Bát Nhã, sợ mọi người nghe xong, chẳng nghe hiểu ý nghĩa chân chánh, hiểu lầm ý nghĩa, tổn hại quá lớn! Cư sĩ Giang Vị Nông nói: “Chớ nên vì mắc nghẹn mà bỏ ăn, vậy thì phải làm sao? Nhất định là phải giảng thấu triệt, giảng minh bạch, đừng nói sao khiến cho người ta nghe xong sẽ nẩy sanh kiến giải cong vạy, nẩy sanh hiểu lầm, phải tránh những chuyện đó”. Do vậy, bộ [Kim Cang Kinh] Giảng Nghĩa [của ông Giang Vị Nông] cũng giải thích rất rõ ràng. Người căn tánh Đại Thừa, hễ nêu lên một góc, họ bèn biết ba góc kia. Đó gọi là “nghe một, biết mười”, nói theo Phật pháp, sẽ là “nghe một, ngộ cả ngàn”. Vì thế, người ấy nghe xong bèn ngộ, chẳng phải là suy nghĩ loạn xạ. Người hiện thời coi suy nghĩ loạn xạ là khai ngộ, sai lầm mất rồi!

Chư vị phải hiểu, “ngộ” là chẳng thông qua phân biệt, chẳng thông qua nghiên cứu, suy tư. Đó là ngộ. Trong tâm bỗng dưng sáng suốt, bỗng dưng hiểu rõ, đó là khai ngộ. Nếu nghe xong, chúng ta còn phải suy nghĩ đôi chút, càng nghĩ càng hỏng bét, càng nghĩ càng trật lất, những thứ ấy chẳng thể suy tưởng được. “Mở miệng bèn trật, động niệm đã sai”. Vì thế, gọi là “chẳng thể nghĩ, chẳng thể bàn”, chẳng thể nghiên cứu, thảo luận. Đó là Phật pháp ở mức độ cao. Phật pháp ở mức độ trung hạ bèn có thể thảo luận, có thể tư duy.

Đối tượng của Phật pháp bậc cao là Pháp Thân đại sĩ, chúng ta thường nói là “bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ”. Kinh Kim Cang là sở học của các vị Pháp Thân đại sĩ. Tiêu chuẩn của các Ngài, người phá tứ tướng là đối tượng của kinh Kim Cang: “Nếu có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, thì chẳng phải là Bồ Tát”, kẻ như thế chẳng phải là đối tượng của kinh Kim Cang. Đối tượng của kinh Kim Cang tối thiểu là phải phá tứ tướng. Vì thế, quý vị vừa nghe, vừa đọc, bèn có thể khai ngộ. Thuở ấy, Lục Tổ đại sư bán củi, ngẫu nhiên nghe có một người niệm kinh Kim Cang, Ngài đứng bên cạnh nghe, bèn khai ngộ. Vì sao? Ngài chẳng có tứ tướng; do đó, Ngài có thể khai ngộ. Chúng ta niệm hằng ngày, niệm suốt một đời, vẫn chẳng khai ngộ, do nguyên nhân nào? Chấp trước tứ tướng kiên cố. Chẳng khai ngộ, vừa đọc kinh vừa suy nghĩ loạn xạ, kẻ ấy suy đoán ý nghĩa chân thật của Như Lai, há lẽ nào hiểu được ý nghĩa chân thật của Như Lai? Bởi lẽ, tông chỉ và nghĩa thú của kinh chẳng thể nghĩ bàn.

          (Diễn) Dĩ bất kinh, bất bố, bất úy, vi hy hữu giả. Đại Thừa chi pháp, bổn tự nan tín, nan giải, phi Đại Thừa căn khí, tốt văn thị pháp, vị miễn kinh ngạc, nghi, phạ, úy cụ. Năng văn thị pháp, nhi bất úy cụ giả, thật vi hy hữu.

()以不驚不怖不畏為希有者。大乘之法。本自難信難解。非大乘根器。卒聞是法。未免驚愕疑怕畏懼。能聞是法。而不畏懼者。實為希有。

(Diễn: “Coi kẻ chẳng kinh ngạc, chẳng sợ sệt, chẳng hoảng hốt là hy hữu”: Pháp Đại Thừa vốn là khó tin, khó hiểu, chẳng phải là căn khí Đại Thừa, bỗng nghe pháp này, chưa tránh khỏi kinh ngạc, ngờ vực, sợ hãi, hoảng hốt. Có thể nghe pháp này mà chẳng kinh sợ, đúng là hiếm có).

 “Tốt văn thị pháp” nghĩa là đột nhiên nghe pháp môn này. Kinh Kim Cang được lưu hành phổ biến nhất tại Trung Hoa. Người Hoa nghe niệm kinh Kim Cang dường như chẳng có ai sợ hãi. Đó có phải là nghe rồi đều có thể tin hay không? Chưa chắc! Vì sao họ chẳng sợ hãi? Vì họ chẳng hiểu ý nghĩa. Nếu thật sự giảng cho họ một lượt, họ nghe xong sẽ kinh hoảng!

          (Sớ) Vấn: Ký vân nan tín, tắc thuyết vi cưỡng quát, hà dĩ thuyết vi? Đáp: Chung dĩ Phật thuyết, hữu tín giả cố.

()問:既云難信,則為強聒,何以為?答:終以佛說,有信者故。

(Sớ: Hỏi: Đã nói là khó tin, vậy thì nói ra sẽ là gượng ép lải nhải, cớ gì phải nói? Đáp: Trọn là vì đức Phật nói ra, sẽ có kẻ tin).

          Đã là khó tin như thế, vậy thì quý vị nói ra, chẳng phải là quá miễn cưỡng ư? “Cưỡng quát” (強聒) có nghĩa là quá miễn cưỡng. Đã là miễn cưỡng, lại cần gì phải nói? Lời hỏi có ý nghĩa này. Lời đáp cũng rất hay. “Chung dĩ Phật thuyết, hữu tín giả cố” (Trọn là vì đức Phật nói ra, sẽ có kẻ tin). Tuy đại đa số mọi người chẳng tin, hãy còn có một ít người có thể tin. Dẫu là có một người có thể tin, vẫn phải nên nói. Vì người ấy có thể vãng sanh, bất thoái, thành Phật ngay trong một đời. Đấy là nhân duyên hy hữu. Không thể vì rất nhiều người không tin tưởng, mà cũng buông bỏ người ấy, đó là sai lầm! “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân” (Trong cửa nhà Phật, chẳng bỏ một ai). Thuở đức Thế Tôn tại thế, trong pháp hội giảng kinh có nhiều người đến nghe ngần ấy, người thật sự đắc độ là thiểu số, người đến góp phần náo nhiệt chứ chẳng thể đắc độ không ít! Tới thời kỳ Mạt Pháp, người nghe kinh đông đảo, người thật sự đắc độ, có lẽ là một hoặc hai người! Chuyện này là sự thật. Tỏ rõ ý nghĩa “đại từ đại bi, chẳng bỏ một ai” như nhà Phật đã nói. [Hễ có] một người có thể tin thì phải nên nói.

          (Sao) Nhân thuyết hữu tín giả.

          ()說有信者。

(Sao: Do nói mà có người tin).

          Nói thì nhất định là có kẻ tin tưởng. Ở đây, chúng tôi giảng pháp khó tin này, trong giảng đường chẳng có một người tin tưởng, chẳng sao hết! Chúng ta truyền bá băng thâu hình này, cũng có lẽ sẽ có người khác nghe xong bèn tin tưởng. Người do nghe thuyết pháp từ băng thâu hình mà quay lại, thật sự tin tưởng niệm Phật, sanh về Tịnh Độ, tại Đài Loan, tại Đại Lục, tại Hoa Kỳ, tại Đông Nam Á, khắp nơi đều có. Do vậy, nhất định phải nói kinh này. Nói cặn kẽ thì nhất định là sẽ có người tin tưởng.

          (Sao) Thử chi diệu pháp, nhược Như Lai tằng bất văn tuyên, tắc vạn cổ vĩnh đồng trường dạ, chung vô hữu nhân niệm Phật cầu sanh. Cố thán kỳ nan tín giả.

     ()此之妙法,若如來曾不聞宣,則萬古永同長夜,終無有人念佛求生,故歎其難信者。

(Sao: Diệu pháp này, nếu đức Như Lai chưa từng nói ra, ắt muôn đời vĩnh viễn giống như đêm dài, trọn chẳng có người nào niệm Phật cầu vãng sanh. Vì thế, than là “khó tin” vậy).

          Tuy khó tin, đức Phật vẫn nói, lại còn tuyên nói nhiều lượt. Nếu đức Phật chẳng nói, chẳng người nào có thể biết đến pháp môn thù thắng như vậy, mà cũng sẽ chẳng có ai tu hành thành tựu ngay trong một đời. Đó là lòng đại từ đại bi của đức Phật.

          (Sao) Kiến bất tín giả chi tự khí, năng tín giả chi hữu duyên.

          ()見不信者之自棄,能信者之有緣。

(Sao: Kẻ thấy pháp môn này mà chẳng tin, tức là tự mình ruồng rẫy chính mình; kẻ có thể tin, tức là người hữu duyên).

          Nghe pháp này mà chẳng tin tưởng, tức là chính mình bỏ lỡ cơ hội thành Phật trong một đời này, quá đáng tiếc! “Năng tín giả chi hữu duyên” (Người có thể tin tưởng là kẻ hữu duyên): Kẻ có thể tin tưởng, bèn vãng sanh, bất thoái, thành Phật ngay trong một đời này, người ấy có duyên. Hai câu này có ý nghĩa rất sâu. Càng khẩn yếu hơn nữa là chúng ta phải thường dùng hai câu này để kiểm điểm chính mình: Chúng ta rốt cuộc có tin tưởng hay không? Có lẽ quý vị sẽ nói: “Tôi tin chứ!” Tôi lại hỏi: Quý vị có tin thật sự hay không? Tin thật sự tức là buông xuống vạn duyên! Nay quý vị trong tâm còn có khá nhiều phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, ưu lự, vướng mắc, lòng tin của quý vị chẳng phải là chân tín! Nếu quý vị thật sự tin Tây Phương là thế giới Cực Lạc, tuy quý vị chưa đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, đã nhiễm khí phận của Cực Lạc. Quý vị có thể cảm nhận cuộc sống hiện thời hết sức mỹ mãn, hết sức vui sướng hay chăng? Có thể cảm nhận điều ấy, có sự thọ dụng ấy, quý vị đã hưởng được khí phận của thế giới Cực Lạc.

Nếu quý vị còn có rất nhiều phiền não, ưu lự, vậy thì quý vị niệm Phật, nói cách khác, một tí lợi ích cũng chẳng đạt được, do nguyên nhân gì? Chẳng tin! Nếu chúng ta chia lòng tin thành mười phần, chúng ta chỉ có một phần hoặc hai phần, sức mạnh của lòng tin ấy quá mỏng yếu, chẳng có tác dụng. Đạt được năm sáu phần tín tâm, quý vị sẽ rất vui sướng, sẽ được thọ dụng. Quý vị có tám chín phần tín tâm, quyết định vãng sanh, chẳng còn nghi hoặc mảy may! Tín nguyện niệm Phật, công phu ở ngay trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Còn có một hình tượng rất rõ rệt, quý vị có thể thấy ngay trong cuộc sống hằng ngày: Người thật sự niệm Phật, thân tâm vui sướng, thân thể nhất định khỏe mạnh, tướng mạo nhất định viên mãn. Tướng mạo mỗi năm một dễ coi hơn, vì sao? Tâm thanh tịnh, bèn được Tam Bảo gia trì. Cả ba kinh đều nói mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai hộ niệm, gia trì. Chỉ có chân tín, tiếp nối khí phận, thì chúng ta sẽ thật sự đạt được sức gia trì ấy, chẳng có chướng ngại, hoàn toàn đạt được. Thể chất bèn biến hóa, biến đổi thể chất, biến đổi tướng mạo, tự nhiên là người ấy sẽ khác hẳn.

Người tu hành mà càng tu, thân thể càng kém, tướng mạo càng biến thành xấu xí hơn, có vấn đề to lớn đấy nhé! Từ chỗ này, có thể thấy được công phu của người tu hành. Chúng ta chẳng cần xem xét ai khác, hãy thường soi gương xem xét chính mình, xét coi chính mình mỗi năm sau so với năm trước có tiến bộ hay không. Mỗi năm sau so với năm trước, công phu của chính mình có đắc lực hay không? Điều này rất quan trọng. Vì thế, “bất tín giả chi tự khí, năng tín giả chi hữu duyên” (kẻ chẳng tin là tự ruồng rẫy chính mình, kẻ có thể tin là hữu duyên). “Chẳng tin” và “có thể tin” cũng chẳng phải là nói đến ai khác, đều là nói về chính mình.

          (Sao) Linh nhất thiết chúng sanh bi thương tuyệt phần, nhi hân hạnh đắc văn cố.

          ()令一切眾生悲傷絕分,而欣幸得聞故。

(Sao: [Nói ra pháp khó tin] nhằm khiến cho hết thảy chúng sanh buồn tủi, [tiếc mình] chẳng có phần, [còn kẻ nghe rồi có thể tin tưởng sẽ] vui mừng được may mắn nghe nói).

Kẻ không tin, tự ruồng rẫy chính mình, đối với pháp môn thù thắng như vậy, pháp môn thành tựu trong một đời, hết sức đáng tiếc, kẻ ấy chẳng có phần! Chẳng có phần không vì ai khác chướng ngại kẻ ấy, mà là do chính kẻ ấy tự chướng ngại mình! Người có thể tin tưởng, hữu duyên, hết sức hoan hỷ, mừng rỡ chính mình hữu duyên nghe pháp môn này. Pháp môn này chính là cơ duyên vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử luân hồi, viên thành Phật đạo ngay trong một đời này, người ấy đã đạt được.

          (Sao) Kim chi tín Tịnh Độ giả, giai nhân Phật thuyết nhi phát khởi dã.

          ()今之信淨土者,皆因佛說而發起也。

(Sao: Kẻ tin Tịnh Độ trong hiện thời, đều là do đức Phật đã nói khiến cho [tín tâm của kẻ ấy] được phát khởi).

          Kể từ thời Thích Ca Phật, mãi cho đến hiện thời, cho đến mai sau, có người thấy pháp môn này, đọc kinh điển này, nghe kinh điển này, xét đến nguồn cội, đều là do ân đức của Thích Ca Mâu Ni Phật. Thoạt đầu, lão nhân gia đã vì chúng ta tuyên nói, nay chúng ta đời đời truyền thừa, đạt được lợi ích. Trong các đồng tu, có mấy vị có khả năng ngoại ngữ rất khá, hãy làm sao để có thể dịch pháp môn này sang văn tự ngoại quốc để giúp đỡ những chúng sanh trong các nước khác cũng có thể nghe chánh pháp, cũng có thể tin nhận phụng hành. Công đức ấy đúng là vô lượng vô biên.

          (Sao) Tuy kim bất tín, nhất lịch nhĩ căn, vĩnh vi đạo chủng cố.

          ()雖今不信,一歷耳根永為道種故。

(Sao: Tuy nay chẳng tin, một phen lọt qua tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo).

          Mấy câu này đúng là đã nói trọn hết, chẳng thể không tuyên dương pháp môn này. Vì sao? “Nhất lịch nhĩ căn, vĩnh vi đạo chủng”, đời này người ấy chẳng tin, trong tương lai sẽ tin tưởng, vì đã có chủng tử này tồn tại. Hôm nay, chúng tôi nói đến chỗ này.

[1] Tân Trúc là một thành phố ở Đông Bắc Đài Loan, có tên gọi thân mật là Phong Thành do có rất nhiều gió, thuộc huyện Tân Trúc. Tại Tân Trúc, có trường đại học quốc lập Thanh Hoa nổi tiếng. Khu Tân Trúc Khoa Học Công Nghiệp Viên tập trung hơn 400 công ty kỹ thuật cao cấp, chiếm đến 10% tổng sản lượng quốc gia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *