#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 187
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm tám mươi bảy:
(Sao) Như Đại Bổn vân: “Bỉ Phật quang minh, tối vi viễn trước, chư Phật quang minh sở bất năng cập”. Thập phương chư Phật đảnh trung quang minh, hữu chiếu nhất lý giả, nhị lý giả. Như thị tiệm viễn, hữu chiếu nhị bách vạn lý giả, hữu chiếu nhất thế giới giả, nhị thế giới giả. Như thị tiệm viễn, hữu chiếu nhị bách vạn thế giới giả. Duy A Di Đà Phật quang minh, chiếu thiên vạn thế giới, vô hữu cùng tận. Cố hiệu Vô Lượng Quang Phật, Vô Biên Quang Phật, Vô Ngại Quang Phật, nãi chí Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật, giai quang minh vô lượng nghĩa dã.
(Diễn) “Chư Phật quang minh sở bất năng cập” giả, hoặc hữu nạn vân: “Phật Phật đạo đồng, tắc quang minh diệc đồng, kim Phật quang viễn cận huyền thù giả, hà dã?” Viết: Phật quang thật đồng, nhân cơ hiện dị.
(鈔)如大本云:彼佛光明,最為遠著,諸佛光明所不能及,十方諸佛頂中光明,有照一里者,二里者;如是漸遠,有照二百萬里者,有照一世界者,二世界者;如是漸遠,有照二百萬世界者;唯阿彌陀佛光明,照千萬世界,無有窮盡,故號無量光佛、無邊光佛、無礙光佛,乃至超日月光佛,皆光明無量義也。
(演)諸佛光明所不能及者,或有難云:佛佛道同,則光明亦同,今佛光遠近懸殊者,何也?曰佛光實同,因機現異。
(Sao: Như kinh Đại Bổn nói: “Quang minh của đức Phật ấy chiếu xa nhất, quang minh của chư Phật đều chẳng thể sánh bằng”. Quang minh từ trên đỉnh đầu của mười phương chư Phật có vị chiếu xa một dặm, hai dặm. Dần dần xa hơn như thế, có vị chiếu đến hai trăm vạn dặm, có vị chiếu xa một thế giới, hai thế giới. Dần dần xa hơn như thế, có vị chiếu hai trăm vạn thế giới. Chỉ riêng quang minh của A Di Đà Phật là chiếu ngàn vạn thế giới chẳng có cùng tận. Vì thế, Ngài có hiệu là Vô Lượng Quang Phật, Vô Biên Quang Phật, Vô Ngại Quang Phật, cho đến Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật, đều có nghĩa là quang minh vô lượng.
Diễn: “Quang minh của chư Phật chẳng thể sánh bằng”: Chắc là có kẻ bắt bẻ: “Phật Phật đạo đồng, vậy thì quang minh cũng giống nhau, nay Phật quang xa hay gần thật khác xa nhau, là do cớ nào?” Thưa: Phật quang vốn thật sự là như nhau, do căn cơ [của chúng sanh khác nhau] mà hiện [chiếu xa hay gần] khác nhau).
Đoạn này cho chúng ta biết: Phật tâm thanh tịnh, bình đẳng, chẳng có sai biệt. Sở dĩ Phật hiện tướng là vì cơ duyên của chúng sanh mà hiện tướng. Nếu chẳng có cơ cảm, Phật sẽ chẳng thể hiện tướng, chúng ta phải biết nguyên lý này. Cơ cảm như thế nào, Ngài sẽ hiện tướng như thế ấy. Biết sự thật này, mới biết chúng ta đang thuộc địa vị phàm phu, cũng có nghĩa là đối với thân phận của chúng ta trong hiện tiền, hãy nên tu học như thế nào. Không hiểu rõ đạo lý này, dẫu trong tương lai quý vị thành Phật, quang minh của quý vị cũng không chiếu xa hơn một dặm, hai dặm, thân cũng rất kém. Quý vị hóa độ chúng sanh; tuy đã thành Phật, chúng sanh chẳng có duyên với quý vị, chẳng ưa thích quý vị. Quý vị giảng kinh, họ chẳng thích nghe, lắc đầu bỏ đi! Chẳng phải là vì Phật nói không hay, mà do chẳng có duyên với chúng sanh. Đó là [lý do] trước khi thành Phật, phải kết thiện duyên rộng rãi.
Đây là muốn nói đến [vấn đề] thiện và ác. Tiêu chuẩn của thiện ác không ở ngoại cảnh, các đồng tu hãy nên nhớ kỹ sự thật này. Học Phật thành tựu trong một đời chẳng dễ dàng. Quý vị thấy bao nhiêu người niệm Phật, mấy người vãng sanh? Năm Dân Quốc 47 (1958), khi tôi chưa xuất gia, ở Đài Trung, thầy Lý bảo tôi, theo danh sách tên họ và địa chỉ [của các liên hữu] thuộc Đài Trung Liên Xã thì có gần hai mươi lăm vạn người. Liên hữu trong Liên Xã đông ngần ấy, vãng sanh mấy người? Cũng bất quá dăm ba người mà thôi! Trong hai ba vạn người niệm Phật mới có một người vãng sanh! Vì sao chẳng thể vãng sanh? Nghiệp chướng quá nặng. Cố nhiên pháp môn này là đới nghiệp vãng sanh, nhưng mang theo nghiệp cũ, chẳng mang theo nghiệp mới. Nay ta vừa niệm Phật, mà vẫn vừa tạo nghiệp, ngỡ là có thể mang nghiệp ấy đi vãng sanh, sai mất rồi! Những nghiệp mang theo là các nghiệp trước khi quý vị chưa nghe Phật pháp, những nghiệp đã trót tạo ấy có thể mang theo. Quý vị nghe pháp, tu học pháp môn này, mà vẫn tạo nghiệp, sẽ chẳng thể vãng sanh! Là người niệm Phật, có mấy ai không tạo nghiệp? Rất khó! Vì thế, mọi người tu tập, tích lũy một chút thiện căn trong pháp môn Tịnh Độ, chuyện này rất phổ biến, rất nhiều, nhưng [những người] thật sự muốn cầu sanh Tịnh Độ trong một đời, có thể y giáo phụng hành quá ít.
Thật sự mong vãng sanh, điều thứ nhất là phải khai ngộ. Khai ngộ là gì? Biết khuyết điểm và tập khí của chính mình, đó gọi là khai ngộ. Quý vị thật sự chẳng biết thì hãy niệm kinh Vô Lượng Thọ, quý vị hãy niệm năm chương ba mươi ba, ba mươi bốn, ba mươi lăm, ba mươi sáu, và ba mươi bảy, đối chiếu với chính mình, xem chính mình có những lỗi lầm, tập khí ấy hay chăng? Nếu có, quý vị hãy tìm kiếm. Sau khi đã tìm ra, từ nay trở đi hãy sửa đổi. Pháp môn này tu từ tâm địa; tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh. Tập khí nghiêm trọng nhất của lũ phàm phu tầm thường chúng ta là ganh tỵ, sân khuể, tham ái. Thấy người khác có chỗ nào tốt đẹp hơn ta đôi chút, tâm ganh tỵ liền sanh khởi, chẳng biết ganh tỵ, sân khuể, tham ái là nghiệp nhân của ba ác đạo, tuy suốt ngày từ sáng đến tối niệm A Di Đà Phật, mỗi ngày niệm mười vạn tiếng A Di Đà Phật chẳng ngừng, nhưng nếu quý vị chẳng đoạn ba tâm ấy, vẫn là niệm niệm tăng trưởng, dẫu niệm Phật, quả báo trong tương lai của quý vị là tam đồ!
Trong quá khứ, tôi đọc Đại Thế Chí Viên Thông Chương Sớ Sao của pháp sư Quán Đảnh, thấy một trăm loại quả báo của người niệm Phật ở cuối sách ấy, tôi cũng rất hoài nghi, liền thỉnh giáo thầy Lý: Vì sao quả báo thứ nhất của người niệm Phật là “đọa A Tỳ địa ngục”, tôi rất chẳng phục. Niệm Phật là chuyện tốt, cớ sao niệm đến nỗi vào A Tỳ địa ngục? [Thầy giải thích, đó là do] tâm ganh tỵ và sân khuể quá nặng, chướng ngại Phật pháp. Chướng ngại Phật pháp đáng sợ lắm. Chướng ngại chánh pháp là căn bệnh lớn của chúng ta, còn những khuyết điểm nho nhỏ thì nhiều lắm! Vì lẽ đó, mọi người niệm Liễu Phàm Tứ Huấn, niệm Cảm Ứng Thiên, chúng ta là kẻ nghiệp chướng nặng nề, hãy coi hai thứ ấy như công khóa. Chúng tôi in Vô Lượng Thọ Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, phía sau không chỉ in kèm thêm Bảo Vương Tam Muội Sám và Tịnh Tu Tiệp Yếu, mà tôi còn đặc biệt in thêm Cảm Ứng Thiên và Âm Chất Văn vào phía sau, vì sao? Người bình phàm chúng ta chẳng biết khuyết điểm của chính mình, những khuyết điểm ấy là nghiệp chướng. [Do chúng ta thường] chẳng biết nghiệp chướng của chính mình, [nên in thêm những sách ấy] khiến cho quý vị đọc xong, mỗi ngày sẽ phát hiện nghiệp chướng của chính mình. Quý vị có thể sửa đổi những khuyết điểm ấy thì gọi là “tiêu trừ nghiệp chướng”, tâm được thanh tịnh.
Tu học pháp môn Tịnh Tông này, chẳng có gì khác, tu cái tâm thanh tịnh mà thôi. Bất luận là hoàn cảnh nhân sự hay hoàn cảnh vật chất, phàm những gì có thể khiến cho tâm chúng ta không thanh tịnh, nhất định phải xa lìa. Vì thế, tôi khuyên các đồng tu đừng xem báo chí, đừng nghe radio, không xem TV, những kẻ không cần phải gặp bèn tận hết sức tránh gặp gỡ, tâm bèn thanh tịnh. Tục ngữ thường nói: “Biết nhiều chuyện, lắm điều phiền não”, quý vị cần gì phải biết nhiều chuyện ngần ấy? “Quen nhiều người, lắm nỗi thị phi”. Quý vị qua lại với người khác nhiều, thị phi sẽ nhiều, tâm làm sao thanh tịnh cho được? Quý vị nói: “Ta làm chuyện tốt”. “Chuyện tốt chẳng bằng không có chuyện gì”. Không chỉ là Bàng cư sĩ bảo như vậy, mà Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật trong kinh Vô Lượng Thọ đã dạy: “Túng sử cúng dường hằng sa thánh chúng” (Dẫu cúng dường thánh chúng số nhiều như cát sông Hằng), chẳng tuyệt diệu ư? Chư Phật, Bồ Tát đến, mọi người tranh nhau cúng dường, đức Phật dạy như thế nào? “Bất như kiên dũng cầu Chánh Giác” (Chẳng bằng kiên quyết, dũng mãnh cầu Chánh Giác). Quý vị thấy đó, Phật, Bồ Tát có đến cũng chẳng bắt buộc phải cúng dường, ta tu tâm thanh tịnh. Quý vị tu thành tựu cái tâm thanh tịnh, sẽ thật sự có thể vãng sanh, có thể thấy A Di Đà Phật, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới cùng Quán Âm, Thế Chí nắm tay cùng đi. Quý vị cúng dường hằng sa thánh chúng, chẳng có cách chi hết, làm không được, bất quá là tu một chút si phước trong cõi trời, người mà thôi.
Nay chúng ta chẳng tiếp xúc người khác, làm thế nào để kết pháp duyên? Trong niệm niệm, kết pháp duyên bằng tâm thanh tịnh. Một niệm thanh tịnh tâm chẳng có chướng ngại, chẳng có phạm vi, tận hư không khắp pháp giới đều ở trong một niệm thanh tịnh tâm. Ta niệm một tiếng A Di Đà Phật hồi hướng cho họ, đều kết duyên cùng họ. Trong tâm phân biệt, so đo, dẫu quý vị tu công đức to tát cách mấy, vẫn là hết sức hữu hạn, vì sao? Trong tâm quý vị có phân biệt, có chấp trước. Phân biệt và chấp trước chẳng phá, dẫu tu công đức to tát cách mấy, nó bị hạn cuộc, có phạm vi, chẳng thể đột phá, mà cũng chẳng thể xứng tánh.
Học Phật phải học từ chỗ nào? Chiều hôm nay, Lục lão cư sĩ dẫn theo một người bạn, họ đều là người đã ngoài bảy mươi tuổi, đã học Phật vài chục năm, đến đây hỏi tôi: “Hãy nên học Phật theo cách nào?” Tôi bảo họ: – Quý vị đã cao tuổi rồi! Cổ nhân thường nói “người bảy mươi tuổi, xưa nay hiếm”, còn được bao nhiêu năm nữa? Tôi khuyên họ buông xuống hết thảy, thật thà niệm Phật. Phải biết tu học Tịnh Độ, cầu sanh Tịnh Độ, chỉ có một cái tâm thanh tịnh. Tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh. Thực hiện từ chỗ nào? Hôm nay tôi tặng cho họ một quyển kinh Vô Lượng Thọ. Tôi nói: – Quý vị hãy thực hiện từ nơi đây. Những gì đã tu trong mấy chục năm qua thảy đều buông xuống, chẳng cần tới nữa. Đó là tu mù luyện đui, hãy bắt đầu học từ hôm nay, niệm một bộ kinh đến cùng. Trước hết, hãy niệm ba ngàn lần, khiến cho cái tâm định, niệm cho tâm tĩnh. Vì sao người bình phàm niệm kinh cái tâm chẳng định? Vì sao chẳng tĩnh? Họ chẳng thể tuân thủ ba nguyên tắc: Chẳng hoài nghi, không gián đoạn, không xen tạp. Làm những chuyện thị phi, nhân ngã là xen tạp, rảnh hơi quản chuyện người khác cũng là xen tạp, quên bẵng công phu thật sự của chính mình.
Người có phước báo lớn nhất thì mới có thể tu học pháp môn này,
nên khi chúng ta tu tập, sẽ có rất nhiều nghiệp chướng, vì sao? Thiếu phước! Vì sao chẳng có phước? Rảnh hơi lo chuyện bao đồng nhiều quá, chẳng chịu buông xuống muôn duyên, kẻ đó chẳng có phước! Người có phước báo tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh là có phước báo. Tâm chẳng thanh tịnh, không có phước! Chẳng phải là nói quý vị có tiền, có thế lực thì là có phước, rỗng tuếch! Có tiền, có thế lực, chết rồi đâu có mang theo được! Tiếng tăm, lợi dưỡng trong thế gian cũng bất quá là cho quý vị mượn vài ngày xem chơi mà thôi! Thế mà quý vị mê hoặc, điên đảo đến mức ấy, chúng đâu phải là thật. Phước báo thật sự là tâm thanh tịnh, là trí huệ khôn sánh. Tâm thanh tịnh khởi tác dụng là trí huệ. Quý vị có trí huệ thì mới phóng quang. Phật quang như đang được nói ở đây mới phóng quang. Chẳng có trí huệ, làm sao quý vị phóng quang cho được? Chẳng có lẽ ấy! Thân quang vẫn do trí quang sanh ra! Chẳng có trí, thân cũng chẳng thể phóng quang.
Các đồng tu nhất định phải ghi nhớ: Để tiêu nghiệp chướng thì niệm Phật là diệu pháp bậc nhất. Dẫu nghiệp chướng của quý vị lớn đến đâu đi nữa, dẫu sâu nặng đến mấy, một câu A Di Đà Phật đều tiêu diệt. Điều then chốt là phải giác, cổ nhân thường nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Ví như một niệm sân khuể vừa dấy lên trong tâm ta, liền lập tức nhận biết, ta sai rồi, đó gọi là sám hối. Một niệm tâm ganh tỵ vừa sanh khởi, ta sai rồi, ta là người niệm Phật, nếu muốn đến Tây Phương Cực Lạc thế giới thấy A Di Đà Phật, làm sao có thể ôm giữ ý niệm này cho được? Niệm ấy vừa sanh bèn lập tức giác ngộ, đó gọi là khai ngộ, người ấy là giác chứ không mê. Người ấy vừa giác, niệm ấy chẳng còn nữa, đã tiêu trừ, nghiệp chướng liền tiêu. Nếu như ý niệm [xấu ác ấy] tăng trưởng trong mỗi niệm thì là bất giác, là mê.
Nếu quý vị muốn thật sự giác ngộ, thật sự không mê, phải xem nhạt hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, phải buông xuống. Sở dĩ con người mê hoặc, điên đảo, chẳng thể giác ngộ, là do quá coi trọng các pháp thế gian, không chịu buông xuống, nên niệm niệm tăng trưởng mê tình, chẳng thể giác ngộ. Chuyện gì quý vị cũng coi nhạt, sẽ giác ngộ dễ dàng. Hễ giác ngộ, lập tức dấy lên một câu Phật hiệu, cũng có nghĩa là niệm thứ nhất của ta là vọng niệm, niệm thứ hai là A Di Đà Phật, chuyển thật mau; đó gọi là “chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Niệm thứ hai ta liền giác, liền chuyển thành A Di Đà Phật, khiến cho một niệm A Di Đà Phật này tăng trưởng trong mỗi niệm, khiến cho hết thảy các vọng niệm khác chỉ tồn tại trong một niệm, qua niệm thứ hai bèn chẳng còn nữa, tối đa là khởi một niệm, chứ niệm thứ hai, thứ ba, quyết định sẽ chuyển [thành niệm A Di Đà Phật]. Người như vậy có phước, chắc chắn thành Phật trong một đời này! Người như vậy có đại phước đức, đại trí huệ, chẳng ai có trí huệ cao hơn người ấy!
Giúp đỡ chúng sanh, chư vị thấy trong giảng tòa này, chúng ta cộng tu một thời gian dài như vậy, hãy nên hiểu rõ, mà cũng nên khẳng định: Giúp đỡ người khác chỉ có một câu A Di Đà Phật. Khuyên người ta niệm Phật, người ta không chịu niệm. Vì sao họ chẳng chịu niệm? Do họ chẳng nhận biết pháp môn này. Vì thế, hãy khuyên họ đến nghe kinh. Họ chưa từng tiếp xúc kinh Phật, có thành kiến đối với Phật pháp, khuyên thế nào cũng chẳng đến. Ở đây, chúng ta còn có băng thâu âm, có thể để cho họ rảnh rỗi thì nghe một, hai băng hòng khơi gợi, phát khởi tín tâm của họ. Còn có những người chẳng thích nghe, nếu chúng ta có thể tặng những tập sách nhỏ giới thiệu đơn giản, tóm tắt Phật pháp cho họ xem, cũng rất có thể tiếp dẫn người ta. Những tác phẩm lớn, họ vừa trông thấy [liền kêu]: “Quá nhiều! Tôi chẳng có thời gian xem!” Các tập sách nhỏ tốt lắm, hết sức cần thiết! Nhất là tại ngoại quốc, chúng ta có hai đạo tràng, trong những năm qua đã in không ít kinh sách, [nhận được] phản ứng [từ đại chúng] cũng tốt lắm, nhưng một mực nhận được lời phê bình là chúng ta in những thứ quá sâu, khiến cho rất nhiều người đọc không hiểu. Có nhiều đồng tu bảo tôi như vậy, mong chúng ta hãy in những tác phẩm dễ hơn. Những thứ dễ hơn kiếm đâu ra? Tìm không thấy. Mấy hôm nay, Quán Trưởng phát đại tâm, tôi thỉnh bà ta viết chú giải đơn giản cho Tịnh Độ Ngũ Kinh. Trước hết là viết lời thiển thích (chú giải nông cạn, sơ lược) cho kinh A Di Đà, sau đó sẽ viết [những phần thiển thích] cho kinh Vô Lượng Thọ và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nhằm chuyên môn tiếp dẫn hàng sơ cơ. Những tác phẩm ấy sau khi được ấn hành, nhất định sẽ được hết sức hoan nghênh!
Kế đó, mỗi lần viết thư, Hoàng lão cư sĩ đều nhắc nhở, hy vọng tôi rút ngắn thời gian giảng kinh, cụ yêu cầu tôi viết sách, yêu cầu tôi bồi dưỡng học trò. Bồi dưỡng học trò chẳng dễ dàng! Học trò có thể gặp, chứ không thể cầu, nhất là học trò trong Tịnh Độ Tông, phải có phước báo thượng thượng thừa. Chẳng có đại phước báo, sẽ chẳng thể học pháp môn này. Học trò khó tìm, trong vạn ức người mới có thể tìm thấy một hai người, chẳng dễ dàng. Nhưng viết sách thì dễ hơn nhiều, nhất là trong năm trước, tôi giảng kinh Vô Lượng Thọ ở Tân Gia Ba, băng thâu âm được lưu thông. Giáo sư Tạ đã ghi lại toàn bộ thành [một bộ sách] bảy tám chục vạn chữ, nay đã đưa cho tôi xem lại lần nữa, sửa chữa cẩn thận, thuận tiện hơn tôi tự viết lấy rất nhiều. Giảng kinh là giảng tại hiện trường, có đối tượng đặc biệt, nhất định, nhưng sách thì cung cấp phổ biến cho đại chúng xem, chẳng phải là một đối tượng đặc biệt, nhất định nào. Vì vậy, trong phần ghi chép còn có nhiều chỗ phải gạt bỏ, cũng như có những chỗ cần phải bổ sung. Sau khi chúng ta ấn hành bộ Vô Lượng Thọ Kinh Giảng Ký, nhất định có thể lợi ích nhiều vị đồng tu, khiến cho họ nhận biết pháp môn này, sau đó ưa thích và tu học pháp môn này, công đức ấy vô lượng vô biên. Chúng tôi tuyệt đối chẳng cầu tiếng tăm, lợi dưỡng, quyết định không cần những thứ ấy, vì mục tiêu của chúng tôi là hy vọng sớm có ngày về thế giới Cực Lạc, bỏ sạch sành sanh hết thảy những thứ trong thế giới này. Chúng ta dùng phương pháp này để báo ân Phật, dùng phương pháp này để mãn nguyện Phật.
Phật phổ độ chúng sanh, chúng ta có thể tận hết một chút sức lực yếu mỏng giúp Phật phổ độ chúng sanh. Đó là phương pháp báo ân thật sự duy nhất nhằm “thượng báo tứ trọng ân”. Trừ cách này ra, chẳng có gì gọi là báo ân thật sự. Quý vị hằng ngày dùng hoa quả cúng dường Phật, hằng ngày lạy Phật mười vạn lễ, vẫn chẳng thể báo ân Phật. Vì sao? Phật chẳng cần những thứ đó. Điều Phật cần là làm cho hết thảy chúng sanh giác ngộ, hy vọng hết thảy chúng sanh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, đó là nguyện vọng của Phật. Chúng ta có thể làm chuyện này nhiều hơn một chút thì mới thật sự là “thượng báo tứ ân, hạ tế tam khổ” (trên đền bốn ân, dưới cứu khổ ba đường). Đó là kết pháp duyên cùng hết thảy chúng sanh. Không chỉ kết pháp duyên cùng hết thảy chúng sanh, mà còn là kết duyên với mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai và hết thảy Bồ Tát, vì hết thảy Bồ Tát, hết thảy chư Phật đều hoằng dương pháp môn này, đều khuyên hết thảy chúng sanh cầu sanh Tịnh Độ. Nay chúng ta cũng tham dự công tác này, đồng tâm, đồng nguyện, đồng hạnh với hết thảy chư Phật. Quý vị chẳng có phước báo chân thật, làm sao có thể tu học suốt một đời này? Do đó, tu học pháp môn này là đại phước báo khôn sánh! Phàm nhân thường sanh phiền não, chúng ta phải rộng dung đối với họ, vì rốt cuộc là trong hết thảy chúng sanh, người trọn đủ phước báo và trí huệ chân thật cực ít; do đó, chúng sanh nẩy sanh phiền não là chuyện đương nhiên!
Quang minh của A Di Đà Phật, “chư Phật quang minh sở bất năng cập” (quang minh của chư Phật chẳng thể sánh bằng), đó là do chư Phật trong khi tu nhân đã phát nguyện khác nhau. Tuy sự giác ngộ nơi quả địa giống nhau, nhưng cái tâm nơi nhân địa khác nhau. Xét theo nhân địa của hết thảy chư Phật, chỉ riêng nguyện hạnh của A Di Đà Phật là chẳng thể nghĩ bàn, từ kinh Vô Lượng Thọ chúng ta đã đọc thấy điều này.
“Thập phương chư Phật đảnh trung quang minh” (Quang minh từ trên đỉnh đầu của mười phương chư Phật), nêu ra một loại trong các thứ quang minh. Chúng ta thường nói [quang minh] từ “Phật đảnh” là “viên quang”. Đỉnh đầu đức Phật phóng quang, “hữu chiếu nhất lý giả, nhị lý giả” (có vị chiếu xa một dặm, hai dặm), chúng ta có thể tưởng tượng [quang minh chiếu xa] một dặm hoặc hai dặm bèn là Liệt Ứng Thân của Phật. Giống như Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện trên thế gian này; thuở ấy, quang minh của đức Phật chiếu xa một Tầm. Một Tầm (尋) là tám thước. “Như thị tiệm viễn, hữu chiếu nhị bách vạn lý giả, hữu chiếu nhất thế giới giả, nhị thế giới giả” (Dần dần xa hơn như thế, có vị chiếu đến hai trăm vạn dặm, có vị chiếu xa một thế giới, hai thế giới). Một thế giới là một tam thiên đại thiên thế giới. “Như thị tiệm viễn, hữu chiếu nhị bách vạn thế giới giả” (Dần dần xa hơn như thế, có vị chiếu đến hai trăm vạn thế giới), có thể thấy là sau khi mỗi vị thành Phật, nhân địa tâm và quả địa giác tương ứng, vẫn không ra ngoài phạm vi nhân quả. Thành Phật còn chẳng lìa nhân quả, huống hồ lục đạo phàm phu? Đúng như câu nói “thiện có thiện báo, ác có ác báo”. Sở tu của đức Phật là chí thiện, nên quả báo được hiển thị bằng quang minh, hiển thị bằng quốc độ lớn hay nhỏ, thế giới trang nghiêm; hiển thị ở những chỗ này.
Trong hết thảy chư Phật, “duy A Di Đà Phật quang minh, chiếu thiên vạn thế giới, vô hữu cùng tận” (chỉ có quang minh của A Di Đà Phật chiếu ngàn vạn thế giới, chẳng có cùng tận). “Ngàn vạn” không phải là một con số, mà nhằm hình dung rất nhiều. Nếu hiểu là một con số, ngàn vạn vẫn là một số nhỏ, chẳng phải là một con số lớn. “Vô hữu cùng tận”, phạm vi chiếu soi do quang minh của A Di Đà Phật là tận hư không khắp pháp giới, chẳng bỏ sót chỗ nào. Hoằng nguyện của Phật Di Đà viên mãn, đại hạnh của Phật Di Đà cũng viên mãn, nguyện hạnh viên mãn; do đó, quang minh thù thắng khôn sánh. “Cố hiệu Vô Lượng Quang Phật, Vô Biên Quang Phật, Vô Ngại Quang Phật, nãi chí Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật” (Vì thế, hiệu là Vô Lượng Quang Phật, Vô Biên Quang Phật, Vô Ngại Quang Phật, cho đến Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật), đấy là mười hai [danh hiệu nhằm xưng tán] quang minh [của A Di Đà Phật] được nói trong kinh Vô Lượng Thọ, “giai quang
minh vô lượng nghĩa dã” (đều có nghĩa là quang minh vô lượng).
(Sao) Quán Kinh vân: “Bỉ Phật viên quang, như bách ức tam thiên đại thiên thế giới”. Hựu vân: “Bỉ Phật hữu bát vạn tứ thiên tướng, nhất nhất tướng, hữu bát vạn tứ thiên tùy hình hảo, nhất nhất hảo, hữu bát vạn tứ thiên quang minh, biến chiếu thập phương niệm Phật chúng sanh, nhiếp thủ bất xả”.
(鈔)觀經云:彼佛圓光,如百億三千大千世界。又云:彼佛有八萬四千相,一一相,有八萬四千隨形好,一一好,有八萬四千光明,遍照十方念佛眾生,攝取不捨。
(Sao: Quán Kinh nói: “Viên quang của đức Phật ấy như trăm ức tam thiên đại thiên thế giới”. Lại nói: “Đức Phật ấy có tám vạn bốn ngàn tướng, mỗi một tướng có tám vạn bốn ngàn tùy hình hảo. Mỗi một hảo có tám vạn bốn ngàn quang minh, chiếu khắp chúng sanh niệm Phật trong mười phương, nhiếp thủ chẳng bỏ”).
Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói như vậy. Đó là một đoạn kinh văn dạy về Báo Thân của A Di Đà Phật. Báo Thân Phật chẳng phải là ba mươi hai tướng và tám mươi thứ hảo, nói thật ra: “Phật có vô lượng tướng, mỗi tướng có vô lượng hảo, mỗi hảo có vô lượng quang”. Ở đây, [đối với mỗi thứ] đều nói thành tám vạn bốn ngàn. Tám vạn bốn ngàn cũng là biểu thị pháp, vì chúng sanh có tám vạn bốn ngàn phiền não, quý vị có biết hay không? Đức Phật biết, đức Phật nói mỗi điều thật sự tương ứng với tám vạn bốn ngàn phiền não của quý vị, chẳng sót một điều nào. Vì thế, “tám vạn bốn ngàn” chẳng phải là một con số thật sự, chẳng phải là giả thiết, chẳng phải là từ ngữ hình dung. Quý vị có thể tra cứu [từ ngữ này trong] từ điển Phật học hoặc sách Giáo Thừa Pháp Số[1]. Quý vị có thể tìm ra từng điều phiền não nơi thân mình, sẽ là bậc đại giác! Sau khi đã tìm ra, thảy đều đoạn sạch từng thứ một! Giáo Hạ dùng phương pháp này. Phương pháp này rất phiền phức, và cũng rất khó đoạn. Thiền Tông thông minh, chẳng đoạn từ cành lá, mà đoạn ngay từ căn bản. Tịnh Độ Tông dùng phương pháp còn thông minh hơn Thiền Tông. Có thể nói là “đoạn từ căn bản của mọi căn bản”, tức là tu tự tánh thanh tịnh tâm, những thứ khác đều chẳng quan tâm tới. Tâm đã thanh tịnh, thân bèn thanh tịnh, tất cả hết thảy cảnh giới đều thanh tịnh, chẳng có gì không thanh tịnh.
Chư vị phải hiểu, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta còn có vọng tưởng, tạp niệm, còn có tham, sân, si, mạn, nhất định phải giác ngộ! Đó là gì? Nghiệp chướng hiện tiền, Phật môn thường nói là “phiền não hiện hành”. Tôi nói “phiền não hiện hành”, chư vị cũng chẳng chú ý. Vì sao? Coi thường phiền não, chẳng quan tâm tới. Nhưng nghiệp chướng hiện tiền, vấn đề này nghiêm trọng. Đúng là nghiệp chướng hiện tiền, quý vị sẽ coi trọng nó. Khởi tâm động niệm, nghiệp chướng hiện tiền, nghiệp chướng ấy sẽ chướng ngại quý vị vãng sanh thế giới Cực Lạc, chướng ngại quý vị công phu thành phiến, chướng ngại quý vị nhất tâm bất loạn. Đó là nghiệp chướng, chẳng giả tí nào! Vì sao chúng ta niệm Phật mãi cho tới nay tâm vẫn chẳng thanh tịnh? Vì sao công phu chẳng thể thành phiến? Thưa cùng chư vị, hễ công phu thành phiến thì vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ nắm chắc. Trong công phu thành phiến, thượng phẩm liền sanh tử tự tại, mong khi nào vãng sanh bèn có thể vãng sanh khi ấy, mong ở lại thêm mấy năm cũng chẳng trở ngại. Sanh tử tự tại, tức là sanh tử chẳng còn nữa, đến đi tự do. Người khác làm được, vì sao chúng ta chẳng làm được? Thấy người ta làm được, chúng ta chẳng làm được, đúng là hổ thẹn, đúng là “kỳ sỉ đại nhục” (nhục nhã không chi bằng). Vì sao người ta có thể làm, chúng ta chẳng làm được? Người ta trong mười hai thời tâm địa thanh tịnh, vì sao chúng ta chẳng thanh tịnh? Phải tự trách mình ở chỗ này, chính mình phải nghiêm túc kiểm thảo, nghiêm túc sửa lỗi thì mới gọi là người tu hành, thì mới là người niệm Phật. Chẳng phải là suốt ngày từ sáng đến tối miệng leo lẻo một câu A Di Đà Phật, mà trong tâm suy nghĩ loạn tùng phèo, đó chẳng phải là người niệm Phật!
Vì thế, quý vị thật sự niệm Phật, Phật quang chiếu gội. A Di Đà Phật thời thời khắc khắc chiếu cố quý vị, đó gọi là “trong cửa nhà Phật, chẳng bỏ một ai”. Từ chỗ này, chúng ta có thể thấy. Từ kinh văn của kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật: “Nhất nhất hảo, hữu bát vạn tứ thiên quang minh, biến chiếu thập phương niệm Phật chúng sanh” (Trong mỗi tùy hình hảo, có tám vạn bốn ngàn quang minh, chiếu khắp các chúng sanh niệm Phật trong mười phương). Nay chúng ta đang niệm Phật ở đây, chúng ta cũng thuộc trong [phạm vi] chiếu gội của Phật quang. “Nhiếp thủ bất xả” chính là Phật lực gia trì, khiến cho chúng ta tín tâm thanh tịnh, trí huệ tăng trưởng, thiện căn tăng trưởng. Trừ phi bản thân quý vị trái nghịch giáo huấn của đức Phật, tức là quý vị chẳng muốn tiếp nhận sự nhiếp thủ của Phật quang. Chớ trách Phật, hãy tự trách mình, chính mình muốn thoát lìa Ngài! Chư Phật, Bồ Tát, lịch đại tổ sư đại đức, tâm luôn thanh tịnh, bình đẳng, đối với hết thảy chúng sanh, tuyệt đối chẳng yêu thương thiên vị. Nếu có yêu thương thiên vị, tâm sẽ chẳng thanh tịnh, sẽ chẳng bình đẳng, đó là mê, chẳng phải là giác. Vì thế, các Ngài chẳng yêu thương thiên vị, chẳng có tâm riêng tư. Nhưng chúng ta cũng thường thấy các Ngài đặc biệt chú trọng một người nào đó, đặc biệt vun vén một kẻ nào đó, giúp cho kẻ ấy thành tựu. Thấy [dường như] các Ngài có tâm riêng tư, vì sao chẳng chiếu cố người này, mà chiếu cố người kia? Chư vị phải hiểu, đó chẳng phải là tư tâm, mà là duyên của hết thảy chúng sanh đã chín muồi. Chúng sanh này duyên chín muồi, chúng sanh kia còn chưa chín tới. Đã chín muồi bèn chiếu cố trước, chưa chín muồi sẽ chiếu cố sau, có ý nghĩa ấy. Trong mắt phàm phu chúng ta, các Ngài đối với người khác đích xác là có sự ưa chuộng thiên vị. Trên thực tế, tâm các Ngài thanh tịnh, bình đẳng.
Ví như cây đào, quả đào đã chín muồi, khi quý vị hái trái, nhất định là hái trước những quả vừa đỏ vừa to. Quả bé, còn chưa chín, đợi mấy hôm nữa rồi mới hái, có ý nghĩa này! Những quả được quý vị hái hôm nay, có phải là do đặc biệt có lòng yêu chuộng thiên vị, bất công hay chăng? Chẳng có, tâm là bình đẳng. Đối với mỗi quả đào trên cây đều bình đẳng, nhưng quả nào chín trước [sẽ được hái trước], [căn cơ của] chúng sanh chín muồi có trước hay sau khác nhau! Chín muồi là gì? Có thể thật sự phụng hành lời thầy chỉ dạy. Đó là chín muồi, thầy bằng lòng dạy dỗ quý vị. Vì sao? Quý vị bằng lòng tiếp nhận. Nếu chẳng coi thầy là đúng, thầy sẽ đối với kẻ ấy rất khách sáo, đối đãi với kẻ ấy như bằng hữu, chẳng dạy dỗ, chẳng thân thiết. Có thể thấy: Chẳng phải là thầy có lòng riêng tư, mà do học trò có lòng cung kính sai khác. Thầy trọn chẳng đòi hỏi trò phải có tâm cung kính như vậy. Nếu thầy đòi hỏi người khác cung kính, vị thầy ấy chẳng đáng cho chúng ta tôn kính. Tâm cung kính là do Tánh Đức lưu lộ. Tánh Đức lưu lộ ra bên ngoài, người ấy coi như là có thể minh tâm kiến tánh, nhất định phải giúp đỡ người ấy. Đối với kẻ chẳng phải là Tánh Đức lưu lộ, mà là phiền não lưu lộ, chỉ đành từ từ chuyển biến kẻ ấy, chẳng thể nào giúp kẻ ấy thành tựu ngay lập tức được. Mấu chốt là ở chỗ này!
Tôi hết sức ưa thích chế độ xưa kia. Thuở đó, những quan viên thuộc chánh phủ do quốc gia tuyển lựa, đề bạt. Quốc gia tuyển chọn kẻ làm quan theo hai tiêu chuẩn: Một là Hiếu, hai là Liêm. Người có thể hiếu thuận với cha mẹ, sẽ có thể trung quân ái quốc, sẽ chẳng thể làm chuyện xấu. Vì sao? Làm chuyện xấu, sẽ nghĩ có lỗi với cha mẹ, khiến cha mẹ mất hết mặt mũi! Nhằm vinh diệu tổ tông, khiến cho cha mẹ nở mày rạng mặt, người ấy sẽ tuân theo lẽ công chánh và pháp luật. Do đó, “trung thần xuất hiếu tử chi môn” (từ hàng hiếu tử mới có bề tôi trung thành). Vì thế, quốc gia tuyển chọn, đề bạt quan lại, điều kiện thứ nhất là Hiếu. Quan viên địa phương thường đi thăm dò bên ngoài, tìm tòi kẻ vừa hiếu vừa liêm, nghe ngóng nơi ấy có hiếu tử hay không. Nếu thăm dò là có, chánh phủ nhất định mời mọc người ấy, quốc gia vun đắp cho quý vị, để quý vị học hành, nhận tiền tài trợ của nước nhà. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn có nhắc tới Lẫm Sinh (廩生)[2]. Lẫm là lẫm bổng (廩俸), [tức là] quốc gia cung cấp lương thực, đãi ngộ kẻ ấy, được quốc gia vun quén, nói theo hiện thời là sinh viên nhận học bổng của quốc gia. Điều kiện thứ hai là Liêm. Liêm là liêm khiết, tuyệt đối chẳng thể hối lộ, chắc chắn chẳng tham ô.
Thầy bồi dưỡng trò, cũng quan sát căn cơ của trò. Đối với vấn đề căn cơ, trong Văn Sao, lão pháp sư Ấn Quang đã nói rất hay: “Một phần cung kính được một phần lợi ích, mười phần cung kính được mười phần lợi ích”. Thầy dạy học giống hệt, mà mỗi đứa học trò đạt được lợi ích khác nhau. Vấn đề là chính mình có thật sự tiếp nhận lời thầy dạy hay không? Có phải là thật sự tiêu hóa [những giáo huấn ấy] hay không? Có thật sự biến những giáo huấn ấy thành hành động trong cuộc sống thực tế của chúng ta hay không? Điều này quan trọng lắm. Nếu chỉ học một ít học vấn ngoài cửa miệng, vô dụng! Học rồi sẽ biến thành Thế Trí Biện Thông. Nói đến nỗi hoa trời rơi lả tả, nhưng phiền não trùng trùng, tăng trưởng tham, sân, si, mạn, sai bét mất rồi! Vì thế, đạo nghiệp có thể thành tựu hay không là do chính mình, chẳng do ai khác. Thiện tri thức ở ngay trước mặt chúng ta! Trong năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử, tận hư không khắp pháp giới chẳng có một ai không phải là thiện tri thức. Đó gọi là “khéo học”, nên Ngài có thể viên thành Phật đạo trong một đời. Ngài thành Phật là thành Viên Giáo Phật, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Quý vị đọc kinh Hoa Nghiêm, thấy Ngài chẳng đổi thân, vẫn là thân này, là một thân, là nhục thân. Thế mà nhục thân thành Phật, thành Viên Giáo Phật. Đó là một tấm gương cho chúng ta, chúng ta hãy nên học tập, hãy nên làm theo. Mở Tứ Thập Hoa Nghiêm ra, [học theo] người ta xử sự, đãi người, tiếp vật như thế nào, trong hết thảy thuận cảnh và nghịch cảnh thành tựu Vô Thượng Bồ Đề của chính mình.
Từ xưa tới nay, hễ thầy dạy trò, cũng đều là nói “năm năm học giới”. Năm năm học giới là một môn trọng yếu nhất để tu Nhẫn Nhục Ba La Mật. Quý vị xem Cao Tăng Truyện, hoặc xem Ngữ Lục của các tông, sẽ phát hiện một chuyện hết sức phổ biến: Học trò bái sư, trong năm năm, thầy chẳng dạy trò chi hết! Sau khi Lục Tổ Huệ Năng đại sư đã bái Ngũ Tổ làm thầy, giã gạo suốt tám tháng trong phòng xay xát, suốt tám tháng chẳng gặp mặt Ngũ Tổ. Người bình phàm sẽ nói: “Tôi bái ông ta làm thầy, tám tháng mà chẳng thấy mặt, đi cho rồi, tôi theo ổng làm chi nữa?” Gặp phải hạng người ấy, nhất định là tổ sư chắp tay: “A Di Đà Phật! Hãy đi cho sớm!” Vì sao? Chẳng thể thành tựu, chẳng phải là nhân tài thích hợp. Vì thế, đầu tiên là huấn luyện quý vị nhẫn nhục. Hễ có nhẫn, sẽ có Định. Tiền phương tiện của Định là Nhẫn. Chẳng Nhẫn, lấy đâu ra Định? Chẳng có Định, làm sao quý vị khai Huệ? Do vậy có thể biết, thời gian dài như thế nhằm rèn luyện quý vị nhẫn nhục, cũng là thầy đang dạy dỗ. Chẳng phải là thầy không dạy, hằng ngày đều dạy tuy chẳng gặp mặt quý vị. Thầy hằng ngày xem xét, hằng ngày chú ý: Quý vị có thật sự dụng công hay không, có thật sự nghe kinh hay chăng? Mở đầu là huấn luyện. Vì thế, kẻ chẳng thể nhẫn, chắc chắn chẳng phải là pháp khí, quyết định chẳng phải là nhân tài, dẫu bỏ đi nhiều cách mấy cũng chẳng đáng tiếc, tận hết sức cho người ấy ra đi! Nếu chèo kéo kẻ ấy ở lại, vì cảm thấy đáng tiếc, đó chính là quý vị điên đảo, tri kiến sai lầm.
Người thật sự có trí huệ, cách nhìn và cách làm khác kẻ bình phàm như chúng ta. Kẻ bình phàm mê hoặc, có cảm tình, xử sự theo cảm tình. Người thật sự có trí huệ, dùng trí huệ để quán chiếu, chẳng xử sự theo cảm tình, có thể nhẫn. Do nhẫn mà đắc Định, khi ấy, rất dễ dàng, do một bộ kinh, hoặc nửa bộ kinh mà khai ngộ, đại triệt đại ngộ, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều thông đạt. Một vị thầy tốt yêu cầu học trò như vậy, chẳng phải là người bình phàm! Người bình phàm dạy quý vị suốt đời cũng chẳng dạy nổi, dạy một điều, quý vị liền hiểu một điều, dạy hai thứ quý vị liền biết hai thứ. Chẳng dạy, quý vị sẽ không biết. Quý vị nghĩ xem một vị thầy kiểu ấy cả đời có thể dạy mấy người? Một người cũng chẳng dạy được! Một trăm năm là ba vạn sáu ngàn ngày, dạy ba vạn sáu ngàn chuyện; những gì thầy không dạy, quý vị hoàn toàn chẳng hiểu, có ích gì hay chăng? Vô dụng! Khổng lão phu tử dạy học, “cử nhất ngung nhi bất dĩ tam ngung phản” (nêu ra một góc mà chẳng thể suy ra ba góc kia), lão phu tử chẳng dạy, chẳng thâu nhận đứa học trò ấy! Vì sao? Đầu óc chết cứng, đầu não cứng còng, dạy một chỉ hiểu một, Khổng lão phu tử chẳng dạy. Tôi dạy quý vị một thứ, những thứ khác quý vị đều có thể suy ra mà hiểu. Tôi bảo quý vị góc tường này vuông vức, quý vị sẽ hiểu: Ba góc khác cũng phải biết là giống như vậy. Học trò như vậy thì phu tử mới chịu dạy. Do đó, Khổng lão phu tử dạy học trò, chẳng phải là người nào cũng nhận làm học trò, chẳng thể có chuyện ấy! Ngài vẫn phải khảo thí, vẫn phải có điều kiện.
Nhà Phật thu nhận học trò là nhận lấy người có thể Định. Bất luận Hiển Giáo hay Mật Giáo, bất luận tông nào, chỉ cần là Phật pháp thật sự, chẳng phải là tà pháp, tà pháp chẳng cần bàn tới. Mục tiêu của tà pháp là tiếng tăm, lợi dưỡng, nên họ sẽ chẳng đòi hỏi quý vị nghiêm ngặt như thế. Chỉ cần quý vị đến [với họ], chỉ cần quý vị tán dương, chỉ cần quý vị có thể quyên cúng, họ đã đạt được mục đích. Đối với Phật pháp thật sự, những thứ ấy đều chẳng cần tới! Toàn bộ tiếng tăm, lợi dưỡng đều chẳng cần, đạo tràng cũng chẳng cần! Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có cách nhìn hoàn toàn giống như chúng tôi. Đạo tràng chẳng cần to, chẳng coi trọng hình thức, chẳng chú trọng bề ngoài, đồng tu không chú trọng đông người, chẳng mong làm chuyện náo nhiệt, đồng tu quý chuyên tinh, chẳng quý nhiều. Tu hành trọng kiến tánh, chẳng coi trọng cảm ứng, chẳng đặt nặng thần thông, chẳng muốn làm những chuyện ấy. Niệm Phật, chú trọng nhất tâm bất loạn, chúng ta phải học những điều này: Tu tâm thanh tịnh, tu nhất tâm bất loạn. Phàm những gì chướng ngại nhất tâm bất loạn, chúng ta nhất định phải xa lìa. Có thể nhẫn, có thể định, niệm niệm đều cầu nhất tâm như vậy, mười phương Như Lai đều hoan hỷ, đều tán thán, A Di Đà Phật nhiếp thọ, lẽ nào chẳng vãng sanh? Kinh đã nêu chứng minh cho chúng ta.
(Sao) Hựu Đại Bổn ngôn: “A Nan đầu não trước địa, xưng Phật danh hiệu, lễ vị khởi tế, Phật phóng đại quang minh, biến thập phương thượng hạ”, giai quang minh vô lượng nghĩa dã.
(鈔)又大本言:阿難頭腦著地,稱佛名號,禮未起際,佛放大光明,遍十方上下。皆光明無量義也。
(Sao: Lại nữa, kinh Đại Bổn nói: “A Nan gieo đầu xuống đất, xưng danh hiệu Phật, trong lúc lễ bái, chưa đứng dậy, Phật đã phóng quang minh to lớn, trọn khắp mười phương trên dưới”, đều là ý nghĩa quang minh vô lượng vậy).
Đoạn này ở trong kinh Vô Lượng Thọ. Người hiện tại nhiều nghiệp chướng hơn người thuở trước. Tôi tin là quý vị có thể tự hiểu, hễ phản tỉnh quý vị liền biết chúng ta phiền não rất nhiều, tâm tình chẳng ổn định, một hồi mong Đông, một hồi nghĩ Tây, một hồi cái này tốt, một hồi cái kia tốt, suốt ngày sống trong nghiệp chướng sâu nặng! Hết sức đáng sợ, hết sức đáng thương! Nếu muốn cứu vãn, chẳng có phương pháp nào khác, chỉ có một phương pháp là chuyên tâm. Do vậy, học Phật, tôi ở mỗi nơi trên toàn thế giới, đều khuyên dạy trọn khắp các đồng tu: Quý vị học Phật mong thật sự có thành tựu, chỉ có thể theo một thầy. Trước khi quý vị khai ngộ, quý vị theo hai vị thầy là đi theo hai con đường, ba vị thầy là ngã ba, bốn vị thầy liền thành ngã tư, quý vị không có gì để noi theo. Quý vị chỉ có thể tham dự một đạo tràng, chớ nên tham gia hai đạo tràng. Hai đạo tràng quý vị nhất định thất bại hoàn toàn. Đến khi nào thì quý vị mới có thể tham học trọn khắp? Đến lúc quý vị đắc Định, khai Huệ. Đến khi quý vị đã khai huệ, thầy sẽ chẳng bảo quý vị theo thầy, cũng chẳng thể buộc quý vị ở đạo tràng này. Vì thế, theo nhất định một vị thầy nhằm cầu Căn Bản Trí, theo hai vị thầy, chắc chắn chẳng thể nào đắc Căn Bản Trí.
Khi tôi theo cầu học với thầy Lý, thầy liền hạn chế: “Chỉ có thể nghe một mình thầy giảng kinh”. Thầy lại còn tuân thủ quy chế thời cổ: Năm năm! Trong năm năm, quyết định theo một vị thầy, nghe một vị thầy giảng kinh, thuyết pháp. Bất luận là ai giảng kinh, thuyết pháp, thầy cũng chẳng cho phép chúng tôi nghe. Đọc sách đều phải được thầy đồng ý. Chưa được thầy đồng ý, không được phép xem! Trên thực tế, chúng tôi phiền não quá nặng, thầy chỉ có thể yêu cầu tôi như vậy để giữ tôi lại. Nếu lúc đó, thầy hạn định sách chỉ có thể đọc một quyển, tôi chịu không nổi, ngày hôm sau sẽ bỏ đi. Tôi vẫn muốn đọc rất nhiều sách, nhưng nhất định phải được thầy đồng ý. Thầy không đồng ý, chẳng thể xem! Điều này thì còn có thể chịu được. Nếu thầy nói: “Anh chỉ có thể đọc kinh Vô Lượng Thọ. Trừ kinh ấy ra, thứ gì cũng chẳng được phép xem”, có lẽ tôi ở đôi ba bữa rồi nhất định rời đi. Đó là gì? Phiền não nặng nề!
Nay tôi mới hoảng nhiên đại ngộ; vì thế, tiêu chuẩn của tôi đòi hỏi cao hơn thầy Lý. Tôi buộc quý vị trong năm năm chỉ đọc một bộ kinh, vì sao? Chư vị sẽ thành tựu vượt trỗi tôi, càng thuần, càng chuyên, càng dễ dàng thành tựu hơn tôi. Tôi dạy theo cách như vậy mới hòng chẳng có lỗi với quý vị. Nếu tôi dùng phương pháp của thầy Lý để dạy chư vị, tôi sẽ có lỗi với quý vị, cảm thấy lương tâm áy náy! Đấy chính là phước báo và thiện căn của chư vị sâu dầy hơn tôi. Thuở đó, tôi mới tiếp xúc Phật pháp, nghe kinh rất ít. Nay chư vị đã nghe kinh nhiều năm ngần ấy, đã có nền tảng kha khá, tôi nói với quý vị, quý vị có thể tin tưởng. Trước đây, tôi vừa mới gặp thầy Lý, thầy Lý nói như vậy, tôi chẳng thể tin tưởng. Càng lợi hại hơn là “những gì anh đã học trước đây tôi đều chẳng thừa nhận, thảy đều bỏ hết! Từ nay trở đi, anh bắt đầu học lại từ đầu với tôi”. Ba điều kiện ấy tôi đều ưng thuận.
Sau khi đã học mấy tháng, dần dần có chút hiểu biết, biết phương pháp này là chánh xác, phương pháp này hay! Vì vậy, thầy Lý yêu cầu tôi vâng giữ năm năm, tôi tự động tăng thêm gấp đôi, chẳng phải do thầy yêu cầu, mà tôi tuân thủ giáo huấn của thầy suốt mười năm. Nhưng tôi thấy thầy Lý chẳng đòi hỏi các bạn học khác chuyện này, chỉ có lúc tôi đến học là buộc mình tôi làm như thế. Về sau, tôi giới thiệu ông Từ Tỉnh Dân đến đó, thầy cũng chẳng yêu cầu như vậy. Trước tôi là ông Châu Gia Lân, thầy Lý cũng chẳng đòi hỏi như vậy. Đại khái là thầy thấy tôi nghiệp chướng rất nặng, chẳng có sự hạn chế ấy, sẽ chẳng thể thành tựu, đó là lòng từ bi của lão nhân gia. Vì thế, đối với pháp môn này, nếu chẳng tuân theo đường lối của cổ nhân, chúng ta muốn thành tựu trong một đời này rất khó!
Những điều trên đây đều là trích dẫn kinh văn nhằm nói rõ ý nghĩa của vô lượng quang.
(Sao) Hoặc nạn.
(鈔) 或難。
(Sao: Hoặc có kẻ cật vấn).
“Nạn” (難) là có người đến vấn nạn, đưa ra câu hỏi khó khăn.
(Sao) Nhật do hữu ngại, thế sở cộng tri.
(鈔)日猶有礙,世所共知。
(Sao: [Ánh sáng của] mặt trời còn bị trở ngại, cõi đời đều biết).
Ánh sáng mặt trời có chướng ngại, mọi người chúng ta đều biết chuyện này!
(Sao) Phật quang vô ngại, đương hữu hà cứ?
(鈔) 佛光無礙,當有何據。
(Sao: Phật quang chẳng trở ngại, có căn cứ gì chăng?)
Quý vị nói “Phật quang chẳng bị chướng ngại”, có gì để làm chứng cứ?
(Sao) Đáp: Tu Đạt lão nữ, bất nguyện kiến Phật, tỵ nhập thâm khuê, Phật quang sở cập, viên bích câu triệt, nội ngoại tứ phương, hằng dữ Phật đối, tức vô ngại chi trưng dã.
(鈔)答:須達老女,不願見佛,避入深閨,佛光所及,垣壁俱徹,內外四方,恆與佛對,即無礙之徵也。
(Sao: Đáp: Người tớ gái già của trưởng giả Tu Đạt chẳng muốn thấy Phật, trốn vào trong phòng kín, Phật quang vẫn chiếu tới, tường vây đều xuyên qua, trong, ngoài, bốn phương, [dẫu bà ta chạy trốn đến đâu] đều luôn đối trước Phật. Đấy chính là chứng cớ [Phật quang] vô ngại vậy).
Lời đáp hay lắm. Thuở ấy, đức Phật đặc biệt thị hiện chuyện này cho các đệ tử thấy. Người ấy chẳng có duyên với Phật, đức Phật chẳng độ được bà ta. Ở đây nói “Tu Đạt lão nữ”[3], chính là “thành Đông lão mẫu” (bà cụ già ở phía Đông thành [Xá Vệ]) như trong kinh Phật đã nói. Người này chẳng có duyên cùng Phật. Chẳng có duyên thì có thể hóa độ hay không? Chẳng độ được bà ta! Bà ta gặp đức Phật, quay đầu bỏ đi [sang chỗ khác]. Đức Phật có thần thông, lại hóa thân khác ở nơi đó. Bà ta lại gặp Ngài: “Hừm! Lại gặp ngươi thì ta rẽ sang lối khác!” Đức Phật lại dùng thần thông, bất luận bà ta đi đến đâu, đức Phật đều biến hiện rất nhiều thân, bốn phương tám hướng đều vây chặt lấy bà ta; cuối cùng, bà ta bưng đầu khóc lớn, vẫn là chẳng chấp nhận [đức Phật tiếp độ], chứng tỏ vô duyên! [Câu chuyện] bà đầy tớ già của ngài Tu Đạt chứng tỏ điều gì? Chứng minh Phật quang chiếu trọn khắp, bà ta chẳng có duyên nên chẳng thấy! Bà ta núp trong phòng mình, Phật quang xuyên thấu vách tường vẫn chiếu đến. “Viên bích câu triệt” (Tường vách đều xuyên qua): Viên là viên tường (垣牆)[4], tường vách. [Phật quang] xuyên thấu, “nội ngoại tứ phương, hằng dữ Phật đối” (trong ngoài bốn phương, luôn đối trước Phật), bà ta vẫn chẳng tin y như cũ. Chẳng có cách nào, vẫn không thể tiếp nhận. Điều này chứng tỏ Phật quang vô ngại.
Đoạn này giải thích Vô Lượng Quang, đoạn tiếp theo là ý nghĩa trọng yếu nhất trong kinh này, tức Vô Lượng Thọ. Trong hết thảy các thứ vô lượng, thọ mạng là bậc nhất, lấy thọ mạng làm Thể. Nếu chẳng có thọ mạng, dẫu có vô lượng quang cũng vô dụng. Vì thế, nhất định phải có thọ mạng.
Nhị, thọ mạng vô lượng.
(Kinh) Hựu Xá Lợi Phất! Bỉ Phật thọ mạng, cập kỳ nhân dân, vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp, cố danh A Di Đà.
二 壽 命 無 量。
(經)又舍利弗。彼佛壽命。及其人民。無量無邊阿僧祇劫。故名阿彌陀。
(Hai là thọ mạng vô lượng.
Kinh: Lại này Xá Lợi Phất! Thọ mạng của đức Phật và nhân dân của Ngài là vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp, nên có tên là A Di Đà).
Ý nghĩa trọng yếu được bao hàm [trong danh hiệu] A Di Đà là Vô Lượng Thọ, Phật có thọ mạng vô lượng. Câu tiếp theo quan trọng: “Cập kỳ nhân dân” (Và nhân dân của Ngài). Phàm là người sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ có thọ lượng giống như Phật. Đức Phật thọ vô lượng, mỗi người [trong cõi Cực Lạc] cũng đều thọ vô lượng, tức là hạ hạ phẩm vãng sanh cũng thọ vô lượng! Lại thưa cùng quý vị, dẫu sanh trong Biên Địa, nghi thành, vẫn là thọ vô lượng. Thế giới ấy chẳng thể nghĩ bàn.
(Sớ) Quang minh vô lượng, thị vô lượng chi nhất nghĩa.
(疏)光明無量,是無量之一義。
(Sớ: Quang minh vô lượng là một nghĩa trong vô lượng nghĩa).
“Quang minh vô lượng” là một nghĩa trong vô lượng nghĩa, cũng là một ý nghĩa rất trọng yếu, có ý nghĩa trọn khắp mười phương.
(Sớ) Kim ngôn thọ mạng, diệc vô lượng dã.
(疏)今言壽命亦無量也。
(Sớ: Nay nói thọ mạng cũng vô lượng).
Thọ mạng vô lượng là nói “theo chiều dọc, trọn khắp ba đời”; vì thế, dùng một quang, một thọ sẽ là toàn thể pháp giới, đương nhiên là vô lượng. Quang và thọ tượng trưng cho toàn thể pháp giới, toàn thể của toàn bộ pháp giới là chính mình, chính mình là toàn thể pháp giới. Quay lại suy nghĩ, nay chúng ta tâm lượng nhỏ hẹp, đáng thương lắm! Tâm lượng chúng ta vốn là tận hư không khắp pháp giới, nay thì hai người chẳng thể dung nạp nhau. Không chỉ là hai người chẳng thể dung nạp nhau, mà chính mình và chính mình cũng chẳng thể dung nạp được. Vì sao? Một niệm trước chẳng thể dung nạp một niệm sau, quý vị thấy có hỏng bét hay là không? Chúng ta phải giác ngộ rất sâu điều này. Dẫu quý vị làm nhiều việc tốt lành, và cũng niệm Phật, nhưng nếu tật xấu và tập khí chẳng sửa, Quán Đảnh đại sư đã nói một trăm thứ quả báo do niệm Phật, trong tương lai quý vị sẽ vãng sanh nơi đâu? Vào trong A Tu La đạo, vì A Tu La là chính mình chẳng thể dung nạp chính mình, chính mình nổi cáu với chính mình, chính mình kèn cựa chính mình! Niệm Phật mà niệm thành A Tu La, có hỏng bét hay không? A Tu La có bốn loại là thiên A Tu La, phước báo to lớn, nhân gian A Tu La, phước báo ít nhất. Lại còn có ngạ quỷ đạo A Tu La, súc sanh đạo A Tu La, phước báo càng nhỏ hơn nữa. Quý vị sẽ đến làm A Tu La trong đường nào, vẫn là một câu hỏi lớn. Đến ngạ quỷ đạo cũng chẳng thể làm một con quỷ cho ra hồn, vẫn phải làm A Tu La, quý vị nói có hỏng bét hay là không?
Do đó, nghiệp chướng tập khí, nếu phát hiện, phải thống thiết sửa đổi lỗi trước! Phương pháp để sửa là niệm Phật tốt đẹp, tức là chuyên nhất niệm Phật. Vì thế, có thể thật sự dùng thời gian năm năm để học một bộ kinh, một câu Phật hiệu có thể đặt vững nền tảng của chính mình; sau đó, quý vị mới phát tâm tham học, sẽ khác hẳn. Hiện thời có những đạo tràng do ta đã đến đó nhiều lần, khi ta không đến nữa, nói theo phương diện tình cảm sẽ khó xử, [nhưng quý vị phải nhớ], tình cảm là cái còng tay xiềng chân của lục đạo luân hồi, còng chặt quý vị, Tây Phương A Di Đà Phật chẳng lôi đi được. Dưới chân có xích sắt khóa chặt tại đó, sợi xích sắt ấy là tình cảm, làm Phật sự theo lối tình cảm! Còng chặt quý vị, chẳng có cách nào vượt thoát luân hồi, mà cũng chẳng có cách nào lìa khỏi ba ác đạo, đáng sợ quá!
Chư vị hãy suy nghĩ kỹ càng, học Phật khó lắm, học Phật thật sự chẳng dễ dàng! Bản thân tôi học Phật có thể đạt một chút thành tựu như thế, đúng là rất may mắn, vừa học Phật liền gặp một vị thầy tốt, tôi chẳng đi theo con đường oan uổng. Tôi học Phật trước sau thân cận hai vị thầy, vị trước là Chương Gia đại sư, tôi theo Ngài ba năm thì lão nhân gia viên tịch. Vị sau là tôi theo thầy Lý mười năm, tôi cũng chẳng đến [rất nhiều] đạo tràng. Trừ Đài Trung Liên Xã và Từ Quang Đồ Thư Quán ở Đài Trung ra, tôi chẳng đến bất cứ đạo tràng nào! Vì thế, tôi biết chuyện rất ít, rất nhiều chùa miếu ở Đài Loan tôi không quen biết, rất nhiều pháp sư tôi cũng chẳng thân thuộc. Tôi đến Tân Gia Ba, pháp sư Diễn Bồi ở Tân Gia Ba vừa gặp mặt tôi liền hỏi: “Thầy từ Đài Loan đến đây, ắt là biết rõ chuyện ở Đài Loan”. Tôi nói: “A Di Đà Phật! Tôi chẳng biết chuyện gì ở Đài Loan cả! Hết sức hổ thẹn”. Thật vậy, chuyện gì cũng không biết. Quý vị nghĩ xem, vừa trở về, xuống máy bay thì quý vị sắp xếp cho tôi giảng kinh ngay tối hôm sau. Ngày mốt lên máy bay, tối mai vẫn chẳng bỏ không, vẫn phải giảng một buổi. Ra nước ngoài cũng là như thế, các đồng tu ở ngoại quốc bảo: “Thầy một năm mới đến dăm ba bữa”, đương nhiên là vừa đến là giảng liền, cũng chẳng để cho tôi nghỉ ngơi một hai bữa. Vì thế, phải biết là chuyện gì cũng chẳng biết, tốt lắm! Trong đầu chỉ có A Di Đà Phật, trừ A Di Đà Phật ra, thứ gì cũng không biết, quyết định vãng sanh.
Quá trình học Phật của tôi cũng là hết sức may mắn, đơn giản là tôi chưa đến đạo tràng nào, chẳng thân cận pháp sư đại đức nào. Trong quá khứ, thầy Lý hạn chế không cho phép thân cận, sau này học giảng kinh, muốn thân cận cũng chẳng có cơ hội thân cận, chẳng có thời gian, chẳng có cơ hội. Cổ nhân nói hai câu này, tôi đã làm được: “Biết chuyện ít, ít điều phiền não”, tôi rất ít phiền não, vì ít biết chuyện. “Quen nhiều người, lắm nỗi thị phi”, tôi quen biết người ta rất ít, nên thị phi cũng ít. Vì thường xuyên giảng kinh, người khác nhận biết tôi, tôi chẳng nhận biết họ. Họ gật đầu chào tôi, tôi cũng gật đầu lại, người ấy tên họ là gì tôi đâu có biết. Không chỉ là người bình thường nghe kinh tôi không biết, mà chư vị thường đến nghe kinh bao nhiêu năm, tôi cũng chẳng biết chư vị họ gì, địa chỉ và số điện thoại của quý vị tôi chưa hề nhớ. Chẳng nhớ chuyện gì, chỉ nhớ A Di Đà Phật là được rồi. Những thứ khác chẳng cần phải nhớ thì học pháp mới có thể đạt được lợi ích.
Đôi khi, có những đồng học đến gặp tôi, nói đạo tràng này, nói những chuyện nọ, người ấy nói cả buổi, nói rất nhọc nhằn, tôi chẳng nghe lọt vào tai, một câu cũng chẳng nghe. Không chỉ là chư vị nói chuyện tôi không hiểu, mà còn chẳng nghe thấy. Tôi giảng kinh một tiếng rưỡi, sau khi bước xuống tòa, quý vị hỏi tôi: “Thưa pháp sư! Trong một tiếng đồng hồ ấy, thầy đã giảng những gì?” Tôi cũng không biết. Chư vị hãy tìm băng thâu âm để nghe, đại khái là giảng qua rồi; nếu không, đích xác là chẳng biết [đã nói những gì]. Tôi giảng kinh chẳng chuẩn bị trước, xong chuyện bèn chẳng nghĩ tới nữa. Còn như hiện thời quý vị chép ra từ băng thâu âm, tôi mới xem qua, chỉnh sửa kỹ càng. Đó là một chút tâm đắc trong tu học của bản thân tôi kính dâng lên chư vị để mọi người tham khảo.
Phương pháp này do thầy Lý dạy tôi, tôi vận dụng phương pháp này của thầy vẫn thật sự đạt được một chút tốt lành, chỗ tốt lành chính là tâm địa thanh tịnh, ít phiền, ít não. Ít phiền, ít não, bèn lắm phước, nhiều huệ. Lắm phước chẳng phải là có tiền; tôi tiếng tăm lẫn lợi dưỡng đều chẳng có. Chúng tôi chẳng thù tạc, chẳng có thị phi, chẳng có phiền não, yên ổn niệm Phật, đọc kinh. Chúng tôi ngày một xa rời thế giới Sa Bà, ngày càng gần với Tây Phương Cực Lạc thế giới, chúng tôi đi theo con đường này. Hôm nay tôi giảng tới đây, ngày mai chúng ta lại nghiên cứu đoạn Vô Lượng Thọ, đó là một khoa trọng yếu nhất trong kinh Di Đà.
[1] Sách Giáo Thừa Pháp Số gồm 40 quyển do ngài Viên Tịnh biên tập tại Cối Kê. Ngài Thích Viên Tịnh, tự là Tâm Nguyên, không rõ thân thế, xuất gia từ bé, theo học với ngài Vũ Ông tại chùa Thiên Trúc, Hàng Châu. Trong niên hiệu Tuyên Đức (1426-1435), Ngài từng giữ chức Tăng Lục Ty Hữu Thiện Thế. Sách Giáo Thừa Pháp Số biên soạn theo ý tưởng của bộ Chư Thừa Pháp Số (do ngài Hành Thâm biên soạn vào đời Minh, thường gọi là Hoa Nghiêm Pháp Số), nhưng lấy giáo nghĩa Thiên Thai làm chủ. Sách gồm ba ngàn một trăm sáu mươi hai hạng mục. Lời giải thích cặn kẽ, tường tận, rất hữu ích cho người tham cứu. Điểm đặc biệt là tuy sách lấy giáo nghĩa tông Thiên Thai làm chủ để giải thích danh tướng pháp số, nhưng vẫn trích dẫn rộng rãi kinh luận của Tam Luận, Duy Thức, Hoa Nghiêm, Thiền, Tịnh Độ, Luật và Mật, kể cả những sách vở liên quan của Nho và Đạo.
[2] Lẫm Sinh, còn gọi là Lẫm Thiện Sinh, đôi khi còn gọi là Tú Tài, hoặc Sinh Viên, thường là những người đã đỗ thi Hương, đủ tư cách nhập học trường của phủ, châu, huyện; nhưng tùy theo xuất thân mà cách gọi hơi khác. Chẳng hạn như người thi đỗ vào trường do phủ, châu, huyện thành lập thì gọi là Tường Sinh. Dưới thời Minh – Thanh, nếu đỗ khoa thi Minh Kinh trong kỳ thi Hương, vào học Quốc Tử Giám thì gọi là Cống Sinh (khác với Cống Sĩ. Cống Sĩ là người đã đậu Cử Nhân, đỗ khoa thi Hội, đủ tư cách vào kỳ thi Đình, ta gọi là ông Cống, trong khi người đỗ kỳ thi Đình là Tiến Sĩ, gọi nôm na là ông Nghè. Còn Cống Sinh sau khi đã vào học trường Quốc Tử Giám thường gọi là Giám Sinh). Dưới thời Minh – Thanh, địa vị của Lẫm Sinh khá cao, họ được coi là đã dự vào hàng ngũ sĩ đại phu (dân khoa bảng), được coi là hàng thân sĩ tại địa phương, không phải làm việc lao dịch do nhà nước hoặc làng xã cắt đặt, gặp Tri Huyện chỉ vái chào, không phải quỳ. Nếu bị dính vào chuyện thưa kiện, Tri Huyện không được tùy tiện dùng hình cụ tra khảo họ. Nếu có chứng cớ phạm tội rõ ràng, phải chuyển lên các tòa án cao hơn để xét xử. Nếu có chuyện cần thiết, Lẫm Sinh có thể đến gặp thẳng Tri Huyện không cần phải có đơn từ tấu trình. Cũng trong thời này, Lẫm Sinh nhiều khi chưa đỗ khoa thi Hương mà chỉ trúng tuyển các kỳ Tuế Khảo (khoa thi hằng năm) của quận huyện, nhưng thành tích, phẩm hạnh ưu tú, nên vẫn được coi như hàng khoa bảng. Trong các triều đại, Lẫm Sinh được quốc gia trợ cấp lương bổng (trong khi Tú Tài thông thường không được châu, huyện cấp lương thực).
[3] Theo Quán Phật Tướng Hải Tam Muội Kinh, quyển sáu: Tại thành Xá Vệ, có trưởng giả Tu Đạt Đa giàu có bậc nhất, thường phát tâm cúng dường tăng đoàn. Hễ tăng chúng cần gì, cứ đến xin, ông ta đều châu cấp. Trưởng giả có một bà lão đầy tớ già, tính tình cẩn thận, siêng năng, tên là Tỳ Chi La. Do vậy, trưởng giả giao cho bà ta cầm chìa khóa nhà kho, quản lý mọi thứ xuất nhập. Do lòng keo tham, bà này tiếc của, oán ghét Phật và tăng chúng, xua đuổi chư tỳ-kheo, nói lời thô ác: “Ta nguyện chẳng nghe tên gọi Phật và Tăng, chẳng muốn thấy kẻ cạo đầu, đắp y nhuộm”. Tiếng ác đồn khắp thành Xá Vệ. Phu nhân Mạt Lợi (vợ vua Ba Tư Nặc) thương xót, muốn độ bà ta, nên bảo bà ta vào cung giúp hoàng gia làm cỗ cúng dường khách quý. Bà ta hoan hỷ vào cung, nào ngờ hoàng gia thỉnh Phật đến thọ trai. Bà ta thấy đức Phật, vừa sợ vừa tức: “Kẻ ác này đuổi theo ta đến tận đây”, bèn chui lỗ chó để trốn, nào ngờ lỗ chó bịt kín. Chạy vào ngõ nhỏ, ngõ nhỏ cũng bịt kín. Bà ta liền bịt mắt, che mặt để khỏi thấy Phật, nhưng Phật vẫn hiện rõ mồn một. Bà ta quay đầu rảo chạy, chạy khắp bốn phương đều thấy Phật trước mặt. Ngửa mặt lên trời cũng thấy Phật, cúi gằm đầu xuống đất cũng thấy Phật. Hết cách, bà ta chạy về nhà, chui vào một cái lồng gỗ to để trốn, sai người phủ một trăm tấm da lên, lại dùng bạch chiên phủ kín đầu, vẫn trông thấy Phật, bèn khổ não, khóc ròng. Đức Phật bảo phu nhân Mạt Lợi: “Chỉ có La Hầu La có đại nhân duyên là độ được bà này”, liền sai La Hầu La đi hóa độ. Một ngàn hai trăm năm mươi vị sa-môn hiếu kỳ cũng xin đi theo. Ngài La Hầu La nhập Như Ý Định, lễ bái đức Phật, đi nhiễu quanh Phật bảy vòng, hóa thành Chuyển Luân Thánh Vương đến nhà Tu Đạt. Ngài A Nan hóa làm thần coi kho, Nan Đà hóa làm vị nguyên soái, một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ-kheo bèn hóa làm con trai của Luân Vương. Đoàn người rầm rộ tiến đến nhà Tu Đạt. Bà lão nghe tiếng Thánh Vương xuất hiện, từ trong lồng chui ra, lễ bái, hoan hỷ. Vị thần coi kho lên tiếng chúc mừng, ca ngợi bà ta có phước báo, đã được Luân Vương chọn làm Bảo Nữ. Bà ta hổ thẹn, nói: “Con hèn hạ, xấu xí như phân nhơ, được thánh vương ghé mắt nhìn tới, đã hoan hỷ vô lượng, há dám làm Bảo Nữ”. Thánh Vương cầm ngọc như ý chiếu vào mặt, khiến bà ta trông như Bảo Nữ thật sự. Bà ta hoan hỷ lễ bái. Thừa dịp, vị thần coi kho (A Nan) thuyết pháp Thập Thiện, bà ta nghe xong, đại hoan hỷ: “Thánh vương nói năng chẳng có nghĩa nào bất thiện”, tự trách lỗi mình, tâm được điều phục. La Hầu La và chư tăng hiện lại hình ban đầu, truyền thọ Tam Quy Ngũ Giới. Bà lão do nghe pháp bèn chứng quả Tu Đà Hoàn. Theo ngài La Hầu La trở về Kỳ Viên, thấy Phật, sám hối, đảnh lễ, xin xuất gia. Đức Phật bảo bà ta hãy đến học với ni trưởng Kiều Đàm Di (Gautami, tức di mẫu của đức Phật). Trên đường đi, ngài La Hầu La lại nói các pháp khổ, không, vô thường v.v… bà ta nghe xong, tóc rụng sạch, thành tỳ-kheo-ni, chứng Tam Minh, Lục Thông v.v… Đức Phật liền giảng cho các tỳ-kheo biết nhân duyên: Trong quá khứ, bà lão là một vương tử, tên là Khoái Kiến, theo một vị tăng xuất gia. Vị tăng ấy là tiền thân của ngài La Hầu La. Thuở ấy, đức Phật là tỳ-kheo Đức Hoa Quang khéo thuyết pháp Đại Thừa. Vương tử do kiêu ngạo, không hiểu nghĩa sâu nên phỉ báng Đức Hoa Quang, chỉ tin tưởng vị thầy của mình. Do đó, chết đi đọa trong địa ngục tám mươi ức kiếp. Sau đó, được thoát ra làm kẻ nghèo hèn, trong năm trăm đời điếc đặc, khùng điên, không có mắt, một ngàn hai trăm đời luôn làm đầy tớ người khác. Do nhân duyên quá khứ, chỉ có ngài La Hầu La độ được bà ta trong đời này khi nhân duyên đã chín muồi.
[4] Viên tường: Tường hoặc hàng rào vây quanh một khu vực. Ở đây có nghĩa là tường xây quanh khu vực dành cho nữ nhân ở trong các nhà giàu có.