Tập 203/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 203

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm lẻ năm:

(Sao) Nguyện giả, Đại Bổn Pháp Tạng nguyện vân: “Ngã tác Phật thời, sát trung Bồ Tát, thần thông, trí huệ, biện tài, tướng hảo, oai thần, tất giai như Phật”, kim lai thành Phật, đắc toại sở nguyện dã. Hạnh giả, Đại Bổn ngôn: “Nhĩ thời Pháp Tạng giáo hóa chúng sanh, tu hành Lục Độ, quảng hành giáo hóa, trí vô lượng chúng sanh phát Bồ Đề tâm”, hạnh kim thành tựu, hữu tư trang nghiêm dã.

()願者,大本法藏願云:我作佛時,剎中菩薩,神通智慧辯才,相好威神,悉皆如佛,今來成佛,得遂所願也。行者,大本言:爾時法藏教化眾生,修行六度,廣行教化,致無量眾生,發菩提心,行今成就,有斯莊嚴也。

(Sao: “Nguyện”: Theo kinh Đại Bổn, ngài Pháp Tạng nguyện rằng: “Khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong cõi nước thần thông, trí huệ, biện tài, tướng hảo, oai thần thảy đều như Phật”, nay đã thành Phật, sở nguyện đã toại. “Hạnh”: Kinh Đại Bổn chép: “Khi ấy, Pháp Tạng giáo hóa chúng sanh, tu hành Lục Độ, giáo hóa rộng rãi khiến cho vô lượng chúng sanh phát Bồ Đề tâm”. Nay hạnh đã thành tựu, nên có sự trang nghiêm như vậy).

Đoạn này nhằm giảng rõ nguyện và hạnh được đề cập trong lời Sớ. Kinh chép: “Thành tựu như thị công đức trang nghiêm” (Thành tựu công đức trang nghiêm như thế), công đức trang nghiêm được thành tựu như thế nào? A Di Đà Phật tu nhân, chứng quả là do đại nguyện và đại hạnh từ vô lượng kiếp đến nay tạo thành. Vì sao phải cầu sanh Tây Phương? Chẳng cầu sanh Tây Phương, chúng ta có thể thành tựu hay không? Nói theo lý luận, chẳng cầu sanh Tây Phương vẫn có thể thành tựu; nhưng nói theo thực tế, đúng là rất khó thành tựu, nhất định phải có hoàn cảnh kha khá làm Tăng Thượng Duyên cho sự tu học. Trong các cõi Phật, chỉ có Tây Phương Cực Lạc thế giới là nơi chốn tu hành lý tưởng nhất; nguyên nhân hết sức nhiều, chúng ta nhất định phải nhận biết rõ rệt điều này! Các vị Pháp Thân đại sĩ trong mười phương thế giới đều cầu sanh Cực Lạc, chúng ta thường thấy chuyện này [được đề cập] trong kinh Đại Thừa. Kinh Hoa Nghiêm cũng chẳng phải là ngoại lệ. Chúng ta thấy trong kinh Hoa Nghiêm, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong thế giới Hoa Tạng đều tuân thủ lời khuyên dạy của Phổ Hiền Bồ Tát mà cầu sanh Tây Phương, chính Phổ Hiền và Văn Thù cũng tự cầu sanh Tây Phương. Chúng ta cũng nên suy nghĩ cho kỹ! Văn Thù và Phổ Hiền là Đẳng Giác Bồ Tát trong Viên Giáo, vì sao vẫn phải cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới? Các vị Đại Bồ Tát còn phải sanh về thế giới Tây Phương là do hai nguyên nhân:

1) Một là đến Tây Phương Cực Lạc thế giới để chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vì Đẳng Giác Bồ Tát vẫn còn là Chánh Đẳng Chánh Giác, chưa chứng đắc Vô Thượng. Trừ điều này ra, các Ngài còn cầu mong chi nữa? Đẳng Giác Bồ Tát mong cầu thành Phật.

2) Hai là các vị thượng thiện nhân ở cùng một chỗ, nhân duyên này quá hy hữu! Nay chúng ta tu hành trong thế giới này khó khăn, khó ở chỗ nào? Khó ở chỗ mọi người bất hòa, mỗi người có ý kiến riêng! Vì thế nói “làm việc khó, làm người càng khó hơn”. Xử sự khó khăn, cư xử với người khác càng khó hơn nhiều! Thế giới Tây Phương là nơi các vị thượng thiện nhân đều ở chung một chỗ, chẳng phải là “thiện” bình phàm, mà là “thượng thiện”. “Thượng thiện” là Đẳng Giác Bồ Tát, Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền là những vị như vậy, hằng ngày ở chung một chỗ với các Ngài. Mười phương thế giới chẳng có chuyện này, chỉ riêng thế giới Tây Phương là có!

          Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ. [Thời Liên Trì đại sư], kinh Vô Lượng Thọ có sáu bản, trừ năm bản dịch gốc ra, có một bản hội tập do cư sĩ Vương Long Thư biên soạn, đặt tên là Đại A Di Đà Kinh. Sớ Sao của Liên Trì đại sư trích dẫn kinh văn [kinh Vô Lượng Thọ] thì đại đa số trích từ bản hội tập của cư sĩ Long Thư, cũng có chỗ trích dẫn nguyên văn [từ năm bản dịch gốc]. Trong phần lời nguyện, đã nói hết sức rõ ràng: Thế giới Tây Phương là một thế giới bình đẳng. A Di Đà Phật phát nguyện (Pháp Tạng là đức hiệu của A Di Đà Phật khi Ngài còn là Bồ Tát): “Ngã tác Phật thời, sát trung Bồ Tát” (Khi tôi làm Phật, các Bồ Tát trong cõi nước), Tây Phương Cực Lạc thế giới toàn là Bồ Tát. Chúng ta từ cõi này niệm Phật, hạ phẩm hạ sanh tới đó cũng là Bồ Tát. Trong thế giới này có mười pháp giới, Tây Phương Cực Lạc thế giới chỉ có một pháp giới là Bồ Tát pháp giới. Do đó, [nhân dân trong cõi Cực Lạc] đều là Bồ Tát. “Thần thông, trí huệ, biện tài, tướng hảo, oai thần” chẳng khác A Di Đà Phật. Điều này chẳng thể nghĩ bàn, là pháp khó tin. Chúng ta một thân đầy nghiệp chướng, đới nghiệp vãng sanh, sanh sang Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn nghiễm nhiên giống như Phật. Không chỉ là giống như Phật, mà thần thông, trí huệ, biện tài, oai thần cũng giống như Phật. Quý vị nói xem người nào có thể tin tưởng được [điều này]? Do đó, pháp môn này được gọi là “pháp khó tin”, nhưng chắc chắn đức Phật chẳng nói dối. Trong kinh Kim Cang, đức Phật đã nói rất hay: “Như Lai là bậc Chân Ngữ”, Chân là chẳng giả; “là bậc Thật Ngữ”, Thật (實) là chẳng hư dối, “là bậc Như Ngữ”, Như Ngữ (如語) là vừa đúng, chẳng tăng, chẳng giảm, hoàn toàn là sự thật; “là bậc chẳng Vọng Ngữ, là bậc Bất Cuống Ngữ”, Bất Cuống (不誑) là chẳng khoe khoang quá lố. Chẳng vọng ngữ thì trọn chẳng lừa gạt kẻ khác. Lời này do chính A Di Đà Phật tự nói, Thích Ca Mâu Phật nhắc lại. Thích Ca Mâu Ni Phật kể lại, khác nào A Di Đà Phật đích thân tự bảo chúng ta. Nay Ngài đã thành Phật ở Tây Phương, lại còn đã thành Phật mười kiếp; do đó, mỗi nguyện trong bốn mươi tám nguyện đều được thực hiện. Chúng ta mong cầu sanh về Tây Phương thì điều quan trọng nhất là tâm chúng ta phải giống như A Di Đà Phật, nguyện của chúng ta cũng phải giống như A Di Đà Phật, giải hạnh cũng phải giống như A Di Đà Phật thì sẽ quyết định vãng sanh.

          Kế đó là nói về Hạnh. Ở đây nói đơn giản về Hạnh Môn, nói đến cương lãnh. Lời Sao nói đến Lục Độ thì Lục Độ là Chánh Hạnh, giống như trong tòa cao ốc này, nói với quý vị là tầng thứ nhất, hay tầng thứ hai, nhưng quý vị phải biết, dưới tầng trệt của tòa cao ốc này còn có nền móng. Nếu chẳng có nền móng, chẳng thể xây thành công tòa cao ốc này. Nền móng là gì? Nền móng [của việc tu học Phật] chính là Tam Phước được giảng trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Vì lẽ đó, nói đến Lục Độ, mọi người đừng quên Tam Phước, nó là cơ sở. Vì sao biết nó là cơ sở? Quý vị đọc Quán Kinh, [sẽ thấy] phu nhân Vi Đề Hy cũng do gặp phải khổ nạn, chẳng muốn sống nữa. Chẳng muốn sống, mà cũng chẳng thể chết, chết được thì đỡ quá rồi! Lúc đó mới cầu Phật: “Có chỗ nào tốt đẹp hay không? Con muốn cầu sanh về đó. Con chẳng muốn ở trong thế giới Sa Bà nữa!” Đức Phật rất từ bi, hiển hiện cõi nước của mười phương chư Phật trước mặt bà, giống như hiện thời chúng ta xem TV, mười phương các cõi Phật thảy đều trông thấy, để phu nhân Vi Đề Hy tự mình chọn lựa. Bà ta liền chọn trúng Tây Phương Cực Lạc thế giới. Có thể thấy: Nhất định là Tây Phương Cực Lạc thế giới thù thắng hơn các cõi Phật khác, nên bà ta mới chọn lựa pháp môn này, chọn lựa nơi chốn này!

          Chọn lựa xong xuôi, bà liền cầu Thích Ca Mâu Ni Phật dạy mình phương pháp nào để vãng sanh? Trước khi nói ra phương pháp, đức Phật bèn dạy bà ta tu Tam Phước trước, bảo rõ với bà: “Tam Phước là chánh nhân tịnh nghiệp của tam thế chư Phật”, chúng ta liền hoàn toàn hiểu rõ: Tam Phước là cơ sở để học Phật. Không riêng gì pháp môn Tịnh Độ, tất cả hết thảy các pháp môn đều phải lấy ba điều này làm cơ sở. Vì sao? Đó là chánh nhân tịnh nghiệp của tam thế chư Phật! Nay chúng ta học Phật công phu chẳng đắc lực, không đạt được kết quả, nguyên nhân vì đâu? Tu Lục Độ mà không chịu xây đắp nền tảng! Nếu chúng ta cất nhà, cất càng cao càng tốt, nhưng không xây móng, còn chưa xây xong đã bị sụp đổ, xây suốt một đời cũng chẳng thành công. Chư vị đồng tu phải hiểu: Học Phật thì bắt đầu học từ chỗ nào? Học khởi đầu từ chỗ này! Điều thứ nhất trong Tam Phước là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu thập thiện nghiệp”. Tôi lại bảo quý vị: Nếu chẳng có tâm từ bi, nếu trong tâm còn có tham, sân, si, mạn, sẽ là bất hiếu, sẽ là bất kính, bất hiếu với cha mẹ, bất kính với sư trưởng! Bởi lẽ, Phật pháp được kiến lập trên nền tảng hiếu đạo. Điều thứ hai là “thọ trì Tam Quy, trọn đủ các giới, chẳng phạm oai nghi”. Điều thứ ba là “phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”. Cơ sở đã hoàn thành thì mới tu Lục Độ. “Quảng hành giáo hóa, trí vô lượng chúng sanh, phát Bồ Đề tâm” (Giáo hóa rộng rãi khiến cho vô lượng chúng sanh phát tâm Bồ Đề). “Trí” (致) là khuyên dạy, chỉ bảo. Hạnh của A Di Đà Phật đã thành tựu, tức là thành tựu công  đức  trang  nghiêm

như thế đó!

          (Sao) Tịnh hoa chúng giả, như Tịnh Danh Kinh, thất chủng tịnh hoa.

          ()淨華眾者,如淨名經,七種淨華。

(Sao: “Các thứ hoa thanh tịnh” là như bảy thứ tịnh hoa được nói trong kinh Tịnh Danh).

          Thông thường, chúng ta cúng Phật bèn dùng hương hoa để cúng dường. Hoa biểu thị điều gì? Biểu thị “thất tịnh hoa”. Quý vị mỗi ngày đối trước Phật, Bồ Tát cúng hoa, chẳng biết hoa có ý nghĩa gì. Nói cách khác, quý vị cúng hoa mà chính mình chẳng được thọ dụng. Hoa nhắc nhở bảy thứ tánh cảnh giác của chính quý vị, gọi [chung] là “thất chủng tịnh hoa”. Bất luận quý vị cúng dường hoa gì, hễ thấy hoa [liền biết nó] biểu thị bảy ý nghĩa ấy, [bèn tự phản tỉnh] thất tịnh của chúng ta có hiện tiền hay không?

          Do vậy có thể biết: Trong Phật môn, kể cả hình tượng Phật, Bồ Tát, hết thảy các thứ xếp đặt, thiết lập, đều nhằm biểu thị ý nghĩa về pháp để khơi gợi trí huệ quang minh cho chúng ta. Chẳng hạn như chúng ta cúng dường đèn, đuốc, nến. Nến tỏa ánh sáng, tượng trưng cho trí huệ Bát Nhã. Nến càng cháy càng ngắn dần, cháy đến cuối cùng chẳng còn gì nữa, biểu thị [ý nghĩa] “thiêu mình nhằm soi sáng người khác, bỏ mình vì người”, nhằm biểu thị ý nghĩa này. Vì thế cúng đuốc, hoặc cúng đèn dầu có ý nghĩa hết sức rõ rệt, đèn điện chẳng có ý nghĩa rõ ràng [như vậy]. [Cúng đèn nhằm biểu thị] dùng trí huệ và đức năng của chúng ta để phục vụ hết thảy chúng sanh, bỏ mình vì người, có ý nghĩa này! Thất Tịnh là…

          (Sao) Nhất giả, giới tịnh, tam nghiệp tịnh cố.

          ()一者戒淨,三業淨故。

(Sao: Một là giới tịnh vì tam nghiệp thanh tịnh).

          “Giới tịnh” là ba nghiệp thân, ngữ, ý, thanh tịnh, tâm thanh tịnh, thân thanh tịnh, ngữ thanh tịnh. Lần này, ở Bắc Kinh, tôi gặp cụ Hoàng Niệm Tổ, lão nhân gia biết tại Đài Loan từ Nam đến Bắc người thọ trì kinh Vô Lượng Thọ rất nhiều, cụ rất hoan hỷ, bảo: “Những người ấy có bao nhiêu người có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới tôi chẳng dám nói, nhưng khẳng định là Đài Loan có thể tiêu trừ kiếp nạn. Trong tương lai, thế gian này có đại tai nạn, chỗ ấy chẳng mắc nạn”. Đồng thời, cụ cũng bảo chúng tôi: Vào thời cực thịnh của triều đại Mãn Thanh, Vạn Thánh Điện là nơi niệm kinh Vô Lượng Thọ; trong cung đình, thỉnh pháp sư hướng dẫn mọi người cùng niệm. Cụ nói: “Chỉ có một câu A Di Đà Phật là ngữ nghiệp tịnh. Chẳng niệm A Di Đà Phật thì đều chẳng thể coi là thanh tịnh. Hết thảy các lời lẽ nói ra, dẫu giảng kinh, thuyết pháp, cũng đều là những lời lẽ thừa thãi”. Đấy cũng là nói rõ một câu A Di Đà Phật là lời thật, những lời lẽ khác đều là thừa thãi, đều giả trất, toàn là vô dụng! Nói rõ tính cách trọng yếu của việc niệm Phật. Người đồ đệ của lão pháp sư Đế Nhàn niệm Phật ba năm bèn vãng sanh, vì suốt ba năm, người ấy chẳng nói một câu vô ích nào! Cụ Đế Nhàn dạy ông ta: “Ông niệm mệt bèn nghỉ ngơi, nghỉ khỏe rồi lại niệm tiếp”; khi mất, [người ấy] bèn đứng vãng sanh. Sau khi đã vãng sanh còn đứng sừng sững ba ngày, chờ thầy mình đến lo liệu hậu sự.

          Ba nghiệp thanh tịnh thì ngữ nghiệp thanh tịnh quan trọng nhất. Nhiều sự hiểu lầm giữa người và người với nhau đều do lời ăn tiếng nói. Nếu quý vị suốt ngày từ sáng đến tối đều “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”, ai hiểu lầm? Tuyệt đối chẳng có ai hiểu lầm. Hy vọng chúng ta phải ghi nhớ giáo huấn này, ba nghiệp thanh tịnh, thân lễ A Di Đà Phật, miệng niệm A Di Đà Phật, trong tâm nghĩ tưởng A Di Đà Phật, ba nghiệp liền thanh tịnh. Chẳng tưởng A Di Đà Phật, sẽ dấy vọng tưởng. Dấy vọng tưởng là tạo tác sanh tử luân hồi, há quý vị có thể tránh khỏi luân hồi ư? Làm sao có thể thoát tam giới cho được? Có thể thấy là ba nghiệp thanh tịnh vô cùng trọng yếu.

          (Sao) Nhị giả tâm tịnh, phiền não kết lậu tận cố.

          ()二者心淨,煩惱結漏盡故。

          (Sao: Hai là tâm tịnh vì phiền não kết lậu đã hết).

          “Tâm tịnh” là trong ba nghiệp, ý thanh tịnh. Giới tịnh vốn đã có thể bao gồm [ý nghĩa ý nghiệp thanh tịnh này, nhưng lời Sao] nêu ra lần nữa nhằm đặc biệt nhấn mạnh. Vì tâm thanh tịnh, thân và ngữ nhất định thanh tịnh; vãng sanh là tâm vãng sanh, thân chẳng thể vãng sanh. Đó cũng là tâm ý, nay chúng ta nói là “tinh thần”, chẳng phải là thân xác này. Chắc chắn là thân xác chẳng thanh tịnh, phải giác ngộ điều này. “Tâm tịnh, phiền não kết lậu tận cố” (Tâm tịnh, hết sạch phiền não kết lậu): Phiền não thì mọi người đều biết, Kết (結) là gì? Kết là vướng mắc, trong tâm có vướng mắc. Lậu (漏: rò rỉ) là nói tỷ dụ, chỉ cần quý vị có phiền não, có kết, công đức của quý vị đều bị rò rỉ, chảy mất. Vì vậy, Lậu cũng là một tên gọi khác của phiền não.

Người học Phật trước hết là đoạn phiền não rồi mới học pháp môn. Nếu chẳng dứt phiền não, sẽ chẳng có tư cách học pháp môn, vì sao? Pháp môn đã học đều là tà tri, tà kiến. Thanh Lương đại sư đã nói rất hay: Nơi phần giải thích tựa đề kinh trong bộ Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao, lão nhân gia đã nói: “Có giải thiếu hành, tăng trưởng tà kiến”. “Hành” là tu hành, “có giải” là học pháp môn, Hành là đoạn phiền não. Nói cách khác, có “pháp môn vô lượng thệ nguyện học” mà nếu chẳng đoạn phiền não, sẽ tăng trưởng tà kiến. “Có hành thiếu giải, tăng trưởng vô minh”: Chuyện này rất phiền phức! Vì vậy, chư Phật, Bồ Tát, tổ sư đại đức dạy chúng ta phải giải hành tương ứng thì mới có thể đoạn phiền não, mới có thể phá vô minh.

          Phiền não vô minh rốt ráo là gì? Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật dạy: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”, do vậy có thể biết, mỗi người chúng ta vốn là Phật. Vốn đều là Phật mà vì sao nay lại rơi vào tình cảnh này? Một câu nói của đức Phật đã vạch trần gốc bệnh của chúng ta: “Chỉ vì vọng tưởng, chấp trước, nên chẳng thể chứng đắc”. Vọng tưởng là vô minh, chấp trước là phiền não. Vì thế, học Phật thì trước hết phải đoạn sạch vọng tưởng và chấp trước, vô lượng trí huệ và đức năng trong bản tánh của chúng ta sẽ tự nhiên hiển hiện! Nhà Phật tu hành là tu điều này, những thứ này cần phải đổ công dốc sức nơi tâm địa, ngôn hạnh bên ngoài thuộc về trợ hạnh, điều quan trọng nhất là chuyển biến ý niệm. Trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện, trước hết là đoạn phiền não, sau đấy mới học pháp môn, chư vị đồng tu nhất định phải biết điều này!

          Giảng kinh, thuyết pháp, cho đến Tam Tạng mười hai phần giáo là để cho người chưa nhập môn sử dụng, mục đích nhằm giúp họ kiến lập chánh tín và chánh giải. Tới lúc thật sự tu hành, thảy đều chẳng cần đến những thứ ấy nữa, chư vị phải biết điều này. Dụng công thì giống như trước hết là giảng giải bản đồ, đi đường theo cách nào, đến khi quý vị đã ở trên đường thì chẳng cần đến những thứ ấy nữa, ta đã biết rõ đường lối, đã quen thuộc, ta đã đi trên đường rồi, cũng chẳng cần phải nói tới những thứ ấy nữa, cũng chẳng cần đến bản đồ, đều chẳng cần nữa. Trong vô lượng hạnh môn, chỉ có một câu A Di Đà Phật, pháp môn này thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Lão cư sĩ Hạ Liên Cư nói rất hay: “Ức vạn nhân trung, nhất, nhị tri” (Trong ức vạn người, chỉ có một hai kẻ biết). Thật sự liễu giải thấu triệt chẳng dễ dàng! Hiện thời, người niệm Phật tuy nhiều, nhưng người hiểu nguồn cội của việc niệm Phật trọn chẳng nhiều. So theo tỷ lệ trên toàn thế giới hiện thời, người Đài Loan biết [Tịnh Độ] nhiều nhất. Đài Loan là đảo báu, là phước địa, chỗ này sẽ chẳng gặp nạn, chúng tôi rất tin tưởng.

          Vì lẽ đó, nhất định phải đoạn phiền não, phải đoạn tập khí. Đoạn bằng cách nào? Khi phiền não tập khí dấy lên hiện hành, nhà Thiền nói rất hay: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Chắc chắn là sẽ dấy niệm! Nếu chẳng dấy, quý vị đã là thánh nhân, chẳng phải là phàm nhân. Phàm nhân thường dấy phiền não. Phiền não dấy lên, đừng sợ, mà sợ là quý vị chẳng giác. Giác là gì? Phiền não vừa dấy lên, ngay lập tức chuyển nó thành A Di Đà Phật, đó là giác. Nói theo Tịnh Tông, một câu A Di Đà Phật là giác. Ở đây, tôi đặc biệt nói rõ cùng các đồng tu: Phiền não là gì? Trong tâm bực bội, chẳng như ý chính là phiền não. Trong tâm vui sướng, thoải mái, vẫn là phiền não, phải ghi nhớ điều này. Tâm là thanh tịnh. “Vốn chẳng có một vật”, cho nên mừng, giận, buồn, vui đều là phiền não. Vì sao? Tâm quý vị động, tức là tâm chẳng bình thường! Do đó, khi chúng ta lo buồn, hãy ngay lập tức niệm A Di Đà Phật. Khi bực bội, bèn vội vã niệm A Di Đà Phật. Khi hoan hỷ, cũng vội vã niệm A Di Đà Phật. Chớ nên hễ hoan hỷ bèn quên bẵng A Di Đà Phật, [hễ quên bẵng] thì vẫn là rớt vào trong phiền não. Nói cách khác, làm như thế nào để gìn giữ cái tâm thanh tịnh của quý vị, điều này quan trọng lắm! Tựa đề của Đại Kinh có nói “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, điều này trọng yếu! Trong mười hai thời, quý vị có thể giữ gìn “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, quý vị đang hành Bồ Đề đạo, thật sự là Bồ Tát đạo, phương pháp là dùng một câu A Di Đà Phật. Khi nào niệm Phật là khẩn yếu nhất? Khi khởi tâm động niệm, ngay lập tức chuyển nó thành A Di Đà Phật. Một câu A Di Đà Phật có thể đoạn phiền não, có thể phá kết lậu, công đức vô lượng vô biên, tùy thuộc chính quý vị có biết dùng hay không, hữu hiệu hơn bất cứ gì khác!

          (Sao) Tam giả, kiến tịnh, kiến pháp chân tánh, bất khởi vọng tưởng cố.

()三者見淨,見法真性,不起妄想故。

          (Sao:  Ba là kiến tịnh,  vì thấy chân tánh của pháp,  chẳng dấy lên

vọng tưởng).

          “Kiến” (見) là kiến giải. Lục căn đối trước cảnh giới sáu trần bên ngoài, trong tâm dấy lên phản ứng, đó là kiến giải. “Kiến pháp chân tánh, bất khởi vọng tưởng cố” (Vì thấy chân tánh của pháp, chẳng dấy lên vọng tưởng). Chúng ta thấy cảnh giới bên ngoài luôn khởi tâm động niệm. Thuận cảnh bèn khởi tham ái, nghịch cảnh bèn dấy lên nóng giận. Chư vị phải biết: Tham ái là phiền não, nóng giận cũng là phiền não. Hằng ngày, lục căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới bên ngoài bèn sanh phiền não. Trong quá khứ, chúng tôi đã giảng Lục Tổ Đàn Kinh, lục căn của ngài Huệ Năng tiếp xúc cảnh giới sáu trần thường sanh trí huệ, chẳng sanh phiền não, còn chúng ta sanh phiền não. Do nguyên nhân nào? Tâm Ngài thanh tịnh, tâm Ngài “vốn chẳng có một vật”, Ngài đương nhiên sanh trí huệ. Tâm chúng ta chẳng thanh tịnh, trong tâm đầy ắp tham, sân, si, mạn, tiếp xúc ngoại cảnh bèn sanh phiền não. Sanh phiền não là vì chúng ta kiến giải sai lầm, cái thấy chẳng thanh tịnh.

          Nếu kiến giải chẳng sai lầm thì như thế nào? Thế gian này chẳng thật. Kinh Kim Cang nói rất hay: “Phàm những gì có hình tướng, đều là hư vọng. Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Pháp hữu vi là gì? Trong một trăm pháp của Bách Pháp Minh Môn Luận, chín mươi bốn pháp đầu đều là pháp hữu vi, chỉ có sáu pháp cuối là pháp vô vi. Chín mươi bốn pháp đầu bao gồm tâm pháp, tám thức, tức tám Tâm Vương, là pháp hữu vi; năm mươi mốt Tâm Sở cũng là pháp hữu vi, hai mươi bốn món Bất Tương Ứng vẫn là pháp hữu vi, cho đến mười một sắc pháp cũng là pháp hữu vi. Nay chúng ta gọi sắc pháp là vật chất, gọi tâm pháp là tinh thần. Theo quan niệm hiện thời, tinh thần và hết thảy vật chất đều là pháp hữu vi. Nếu là pháp hữu vi, sẽ đều là mộng, huyễn, bọt, bóng, chẳng có thứ gì là chân thật!

          Nếu quý vị nhìn thấu suốt, sẽ chẳng so đo, cũng sẽ thường sanh trí huệ, chẳng sanh phiền não. Vì sao? Khi thấy hết thảy đều vừa lòng, nói thật ra thì khi ấy, vừa lòng hoặc trái ý đều chẳng có, há còn có tham, sân, si, mạn chi nữa! Tâm thanh tịnh, bèn cùng hết thảy vạn pháp bình đẳng. Tây Phương Cực Lạc thế giới và địa ngục A Tỳ bình đẳng. Đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có tâm tham ái, đối với địa ngục A Tỳ cũng chẳng có ý niệm chán ghét, bình đẳng mà! Tâm đạt đến thanh tịnh, bình đẳng, đó là “kiến pháp chân tánh”. Tây Phương Cực Lạc thế giới do Chân Như bản tánh biến hiện, địa ngục A Tỳ và lục đạo luân hồi cũng do Chân Như bản tánh biến hiện. Do vậy có thể biết, kiến giải thanh tịnh trọng yếu lắm! Đó là “kiến tịnh”.

          Trong quá khứ, chúng ta còn nói tâm và vật, hiện thời, các khoa học gia đã phát hiện “chẳng có vật chất tồn tại”. Chúng ta thấy hình tướng mọi vật rốt cuộc là gì? Nay họ đã phát hiện chúng là dao động, là chấn động, là hiện tướng (tướng được biến hiện) sanh từ dao động. Rốt cuộc là sóng gì vậy? Các nhà khoa học còn đang nghiên cứu. Trên thực tế, Phật pháp bảo sóng ấy là “tâm ba” (sóng tâm), kinh Hoa Nghiêm đã nói rất thấu triệt: Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Thức là sự dao động của cái tâm, biến hiện thành mười pháp giới. Nếu chẳng có sự dao động ấy, pháp giới này sẽ được gọi là Nhất Chân pháp giới. Tây Phương Cực Lạc là Nhất Chân pháp giới, nên nó là bình đẳng.

          (Sao) Tứ giả, độ nghi tịnh, kiến thâm nghi đoạn cố.

          ()四者度疑淨,見深疑斷故。

(Sao: Bốn là độ nghi tịnh, vì thấy sâu xa, đã đoạn nghi).

          “Thâm” là [nói đến] Lý, Lý rất sâu. Người ấy đã thấy chân tướng của vạn hữu trong vũ trụ, nên chẳng hoài nghi. Đặc biệt là Tịnh Tông, Tịnh Tông là pháp môn bậc nhất để chư Phật Như Lai giáo hóa chúng sanh đoạn phiền não, chứng Bồ Đề. Kinh Vô Lượng Thọ là kinh Tịnh Tông bậc nhất, có thể nói là vô lượng vô biên kinh điển, vô lượng vô biên pháp môn thảy đều lưu xuất từ kinh Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ là cội nguồn. Nếu chẳng đạt đến “độ nghi tịnh”, sẽ chẳng thể tin tưởng bộ kinh này. Đạt đến “độ nghi tịnh” chẳng đơn giản, “độ” (度) là vượt qua. Nhiều nỗi nghi hoặc đối với vũ trụ, nhân sinh và hết thảy các pháp môn, người ấy thảy đều vượt qua, đạt đến thanh tịnh, rất khó!

          Do vậy, tôi nói các đồng tu hiện thời có phước, thiện căn, phước đức và nhân duyên của quý vị vượt trỗi hơn tôi nhiều lắm. Tôi phải mất ba mươi năm mới tin tưởng pháp môn này, nay quý vị nghe tôi nói liền tin ngay, đúng là chẳng đơn giản! Điều này chứng tỏ thiện căn của quý vị sâu dầy hơn tôi. Đúng như Đại Kinh đã nói, trong đời quá khứ, chư vị đồng tu đã từng cúng dường vô lượng vô biên chư Phật Như Lai, giống như kinh Kim Cang đã nói: Chẳng phải là đã gieo thiện căn nơi ba, bốn, năm đức Phật, mà là trong đời quá khứ quý vị đã gieo thiện căn nơi vô lượng vô biên chư Phật Như Lai. Hiện thời, do được chư Phật Như Lai âm thầm gia trì, cho nên quý vị vừa được tiếp xúc bộ kinh này bèn hoan hỷ, vừa nghe liền tin tưởng, tiếp nhận; đó gọi là “nhân duyên chín muồi”, đích xác là hiếm có, khó gặp! Đúng như cư sĩ Bành Nhị Lâm đã nói: “Một ngày hiếm có, khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay”, đáng nên mừng rỡ, đáng nên quý trọng, nhất định phải nắm chắc cơ duyên này, đoạn nghi sanh tín, như vậy thì chẳng có một ai không thành tựu.

          (Sao) Ngũ giả, phân biệt đạo tịnh, thị đạo nghi hành, phi đạo nghi xả cố.

          ()五者分別道淨,是道宜行,非道宜捨故。

(Sao: Năm là phân biệt đạo tịnh, là đạo thì nên hành, chẳng phải là đạo thì nên bỏ).

“Đạo” là đường lối. Nói cách khác, quý vị có thể nhận biết đường. Đạo được nói ở đây chính là “đạo thành Phật”. Đạo thành Phật có tám vạn bốn ngàn, có vô lượng pháp môn, Đạo là pháp môn. Trong nhiều pháp môn như vậy, quý vị nhận biết một con đường gần nhất, một con đường ổn thỏa, thích đáng nhất, trong một đời của chính mình, quyết định có thể chọn lựa và nhận biết một con đường đạt đến mục đích, điều này không dễ dàng, đó là trí huệ, là phước đức. Chẳng có đại trí huệ và đại phước đức thì trong vô lượng pháp môn, làm sao quý vị có thể chọn lựa pháp môn này? Điều này không dễ dàng! “Thị đạo nghi hành, phi đạo nghi xả cố” (Là đạo thì nên hành, chẳng phải là đạo thì nên bỏ). Ở đây, “đúng, sai” có tuyệt đối và tương đối. Nói theo tuyệt đối, hễ là đạo để minh tâm kiến tánh, đó là “thị đạo” (đúng với đạo). Nhất tâm bất loạn của Tịnh Độ Tông chính là minh tâm kiến tánh của Thiền gia, đó là Đạo. Giới, Định, Huệ là đạo tuyệt đối. Đạo tương đối thì phải là [pháp môn] nào thích hợp với căn tánh, thích hợp với sự hứng thú, thích hợp với hoàn cảnh sống của chính mình, chúng ta chọn lựa đạo ấy, tu hành sẽ chẳng gặp khó khăn.

          Nay mọi người chúng ta chọn lựa con đường Trì Danh Niệm Phật này, nhất định phải hiểu rõ ràng, rành rẽ con đường này. Con đường này là Chánh Trợ Song Tu. Chánh Hạnh là Trì Danh Niệm Phật, nhất tâm nhất ý cầu sanh Tịnh Độ. Trợ Hạnh là những người như chúng ta trong hiện thời chưa đến Tây Phương, vẫn chưa rời khỏi xã hội, chẳng rời khỏi nhân quần, chúng ta làm thế nào để cư xử cùng mọi người, trong ấy có khá nhiều nguyên tắc như Tam Phước và Lục Độ đều thuộc loại trợ tu. Tịnh Tông Học Hội của chúng ta đề ra năm khoa mục tu hành, thứ nhất là Tam Phước, thứ hai là Lục Hòa. Lục Hòa là đại giới căn bản của tăng đoàn Phật giáo. Vì sao trong hiện thời thế gian này chẳng có tăng đoàn? Do mọi người đều chẳng tuân thủ Lục Hòa, nên chẳng phải là tăng đoàn. Vì lẽ đó, ta biết Lục Hòa trọng yếu! Tục ngữ có câu “gia hòa vạn sự hưng”, nhà quý vị bất hòa, gia đình ấy chẳng thể nào hưng vượng. Đoàn thể, công ty, xã hội và quốc gia đều chẳng có ngoại lệ. Đương nhiên, điều trọng yếu nhất trong Hòa là kiến giải. Hai điều phía trước là cơ sở, [đã có] kiến thanh tịnh và độ nghi tịnh thì có thể thực hiện Hòa. Kiến hòa đồng giải, giới hòa đồng tu, sau đấy sẽ là Tam Học, Lục Độ, mười đại nguyện vương. Chúng ta tu Tịnh Tông, xử sự, đãi người, tiếp vật lấy năm khoa này làm nguyên tắc, dùng năm khoa này để sửa đổi tư tưởng, kiến giải và hành vi của chúng ta. Đó là Đạo. Những gì vi phạm với những điều này thì chính là “phi đạo nghi xả”.

          (Sao) Lục giả, hành đoạn tri kiến tịnh, sở hành, sở đoạn thông đạt cố.

          ()六者行斷知見淨,所行所斷通達故。

(Sao: Sáu là hành đoạn tri kiến tịnh, vì đã thông đạt những điều nên hành, nên đoạn).

          “Hành” là những điều được thực hiện, trong Hành có “đoạn tri kiến”, “sở hành sở đoạn thông đạt cố” (vì đã thông đạt những điều nên hành, nên đoạn). Có những người quý vị bảo họ đoạn, họ cũng có thể làm được, nhưng rốt cuộc vì sao phải đoạn, người ấy chẳng hiểu rõ ràng. Do chẳng hiểu rõ bèn miễn cưỡng làm, làm được một khoảng thời gian sẽ hoài nghi, thậm chí ngã lòng, hủy báng, đều là do tri kiến bất tịnh. Chúng ta tu hành, vì sao phải tu hành? Dựa vào gì để tu hành? Rốt cuộc tu hạnh gì? Sau khi tu hành sẽ đạt được kết quả như thế nào? Nếu đều biết, từ nhân đến quả đều hiểu rành mạch, rõ ràng, đó là “hành đoạn tri kiến tịnh”, sẽ chẳng có chướng ngại trên đường Bồ Đề.

          (Sao) Thất giả Niết Bàn tịnh, dĩ vô học cố.

          ()七者涅槃淨,以無學故。

(Sao: Bảy là Niết Bàn tịnh vì đã chẳng còn phải học nữa).

          Đây  là  thanh  tịnh  tối  cực.   Niết  Bàn  (Nirvāṇa)  là  tiếng  Phạn,

thường dịch là Diệt, [nghĩa là] diệt vọng tưởng, diệt phiền não, diệt chấp trước, thảy đều diệt trừ, khôi phục tâm địa chân tịnh, khôi phục bản tánh. [Niết Bàn] cũng còn dịch là Viên Tịch, Viên là viên mãn, Tịch là thanh tịnh tịch diệt. “Dĩ vô học” (Do đã chẳng còn học nữa), ở đây còn dịch là Vô Học, có học sẽ chẳng thanh tịnh. Thanh tịnh sẽ chẳng có học, đã tốt nghiệp rồi.

          Chư vị đồng tu phải ghi nhớ, Hoa có bảy ý nghĩa này. Mỗi ngày, khi quý vị cúng hoa, có nghĩ tới bảy thứ tịnh này hay không? Hoa là thất tịnh hoa, Quả là Niết Bàn quả. Quả là quả báo, hoa là tu nhân, tu nhân chứng quả. Chúng ta dâng trái cây cúng Phật, trái cây biểu thị quả báo. Tiểu Thừa có tứ quả, Đại Thừa có Bồ Tát, có Phật, đó là [những quả vị mà] chúng ta kỳ vọng. Chúng ta mong mỏi những quả báo ấy thì phải thật sự tu nhân. Hoa tượng trưng cho nhân, trước là nở hoa, sau là kết quả, biểu thị ý nghĩa này. Vì lẽ đó, hoa chẳng phải là để cho đức Phật ngắm, quả cũng chẳng phải là để cho đức Phật ăn. Phật không ăn mà cũng chẳng ngửi những thứ ấy. Vì vậy, cúng Phật, dâng cúng [những phẩm vật cúng dường] trước Phật, thứ nhất là để biểu lộ tâm ý cung kính của chúng ta đối với Phật. Cúng dường hoa hương để biểu lộ tâm ý cung kính. Dùng cái tâm kính Phật để kính hết thảy mọi người, kính hết thảy sự, kính hết thảy vật, đức Phật dạy chúng ta điều này. Chúng ta cung kính Phật mà chẳng cung kính người, sai mất rồi! Chúng ta bất kính người khác chính là bất kính đối với Phật, sự lễ kính đối với Phật hãy còn có khiếm khuyết, chẳng viên mãn. Thiện nhân thì phải kính trọng, nhưng ác nhân vẫn phải kính trọng, vì sao? Thiện nhân hay ác nhân đều là người, thiện nhân lẫn ác nhân đều có Phật tánh. Thiện nhân hay ác nhân trong tương lai đều sẽ thành Phật. Do vậy, lễ kính chẳng có giới hạn. Trong mười đại nguyện vương, điều thứ nhất là “lễ kính chư Phật”. Trong [điều thứ hai là] Xưng Tán Như Lai thì xưng tán có sai khác đôi chút. Như Lai và Phật [có ý nghĩa] khác nhau. Phật là nói theo tướng. Xét theo sự tướng thì bình đẳng, phải lễ kính bình đẳng; nhưng đối với xưng tán thì phải nói là Như Lai, Như Lai là nói đến Chân Như bản tánh. Tương ứng với tiêu chuẩn của Tánh Đức bèn khen ngợi, chẳng tương ứng với tiêu chuẩn của Tánh Đức thì chẳng khen ngợi. Lễ kính mà chẳng khen ngợi thì cổ nhân nói là “kính nhi viễn chi” (kính trọng nhưng tránh xa), Kính là chúng ta bình đẳng cung kính giống hệt như nhau, Viễn là chẳng khen ngợi, kẻ đó là người ác làm chuyện ác nên chẳng khen ngợi. Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần, đã làm mẫu cho chúng ta thấy. Thiện Tài đồng tử tham phỏng thiện tri thức, trong năm mươi ba vị ấy, có người học Phật, có [người là] ngoại đạo, nam, nữ, già, trẻ, các nghề nghiệp thảy đều có, có người làm chuyện tốt, cũng có kẻ làm chuyện xấu. Đối với Thắng Nhiệt Bà La Môn, Thiện Tài đồng tử lễ kính, nhưng chẳng tán thán. Đối với cô gái Phạt Tô Mật Đa, Thiện Tài đồng tử lễ kính, nhưng không tán thán. Đối với Cam Lộ Hỏa Vương, Thiện Tài đồng tử đến tham phỏng nhà vua, cũng là có lễ kính, nhưng không tán thán. Vì sao? Ba vị ấy tượng trưng cho tham, sân, si. Làm sao có thể tán thán tham, sân, si cho được? Chẳng thể tán thán! Vì vậy, phải lễ kính, chẳng thể tán thán! Tán thán là xưng tán Như Lai, chẳng nói là “chư Phật”. Nếu là chư Phật thì phải là bình đẳng, quyết định chẳng có sai biệt. Lễ kính chẳng có sai biệt, còn đối với xưng tán thì phải dùng trí huệ.

          Nếu chúng ta bình thường cúng hoa, cúng quả mà biết điều này thì cúng hoa, quả sẽ đạt được vô thượng pháp hỷ. Cúng dường tượng Phật, hoa thơm, nước trong, cúng một chén nước trong rất trọng yếu. Người thật sự tu hành, giống như trong Niệm Phật Đường của Ấn Quang đại sư chẳng có hoa, mà cũng chẳng có quả, Ngài chẳng cúng những thứ ấy, vì sao? Chẳng có thời gian để lo liệu, cúng dường đơn giản nhất là hương và nước. Nước biểu thị cái tâm, tâm thanh tịnh, nước thanh tịnh. Nước bình lặng, biểu thị sự thanh tịnh, bình đẳng. Thấy một chén nước, bèn nghĩ xem cái tâm có giống nước hay không, nó biểu thị pháp. Tuyệt đối chẳng phải nước đã cúng dường Phật ấy uống vào có thể trị bách bệnh, [thế nhưng hiểu theo chân nghĩa thì] thật sự là trị bách bệnh! Chẳng phải là uống vào trị bách bệnh, mà quý vị hiểu ý nghĩa của nó: Tâm địa quý vị thanh tịnh, bình đẳng thì bệnh gì cũng đều chẳng có! Bệnh từ đâu ra? Tâm quý vị chẳng thanh tịnh thì mới sanh bệnh, tâm đã thanh tịnh, lẽ đâu sanh bệnh? Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, sẽ không thể sanh bệnh. Nước biểu thị thanh tịnh và bình đẳng, hương biểu thị Giới Định Chân Hương. Hương cũng biểu thị Tín, [ta thường nói là] “tín hương”. Vì vậy, học Phật chẳng mê tín, quý vị cúng dường những thứ này thì phải nói được đạo lý [bao hàm trong ấy], kinh đã dạy rõ ràng!

          (Sao) Hải Đông vị luận tụng Thanh Văn, kim vị diệc khả kiêm thông Bồ Tát, như Đạo Phẩm diệc thông Đại Tiểu Thừa cố.

          ()海東謂論頌聲聞,今謂亦可兼通菩薩,如道品亦通大小乘故。

          (Sao: Ngài Hải Đông bảo [hai câu ấy trong] bài kệ tụng của Vãng Sanh Luận nói về Thanh Văn, nay tôi nói: “Cũng có thể là nói đến Bồ Tát, như Đạo Phẩm chung cho Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa vậy”).

          Hải Đông là một vị cổ đại đức, lão nhân gia bảo hai câu này trong Vãng Sanh Luận nói về A La Hán, nói về Thanh Văn. Liên Trì đại sư bảo hai câu này cũng có thể nói về Bồ Tát, hoàn toàn chẳng hạn định trong Thanh Văn. Tiếp đó, Ngài nêu ra chứng cứ. Ví như ba mươi bảy Đạo Phẩm, Tiểu Thừa nói ba mươi bảy Đạo Phẩm, Đại Thừa cũng nói ba mươi bảy Đạo Phẩm. Theo Thiên Thai đại sư, ba mươi bảy Đạo Phẩm còn có Tạng, Thông, Biệt, Viên. Ví như nói đến Tứ Niệm Xứ thì có Tạng Giáo Tứ Niệm Xứ, Thông Giáo Tứ Niệm Xứ, Biệt Giáo Tứ Niệm Xứ, và Viên Giáo Tứ Niệm Xứ. Thông, Biệt, Viên đều là pháp Bồ Tát. Ba mươi bảy Đạo Phẩm đã áp dụng chung cho Đại Thừa và Tiểu Thừa, đương nhiên hai câu này trong Vãng Sanh Luận cũng thể dùng chung cho Tiểu Thừa lẫn Đại Thừa. Liên Trì đại sư giải thích: Chớ nên hạn cuộc trong Tiểu Thừa, vì kinh Di Đà không chỉ là Đại Thừa, mà là Đại Thừa viên mãn. Kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ cùng bộ, là một bộ kinh, kinh kia nói cặn kẽ, kinh này nói đơn giản; tuy nói có cặn kẽ hay giản lược sai khác, nhưng nội dung trọn chẳng khác nhau. Vì thế, Liên Trì đại sư gọi [hai kinh ấy] là Đại Bổn và Tiểu Bổn.

          (Sao) Tự lan võng hàng thụ chí thử, y chánh cộng ngũ phiên trang nghiêm, Cực Lạc chi nghĩa, lược tận ư thị.

()自欄網行樹至此,依正共五番莊嚴,極樂之義,略盡於是。

(Sao: Từ lan can, lưới mành, hàng cây đến đây tổng cộng là năm tầng trang nghiêm nơi y báo và chánh báo, ý nghĩa Cực Lạc đã được trình bày đại lược trọn hết nơi đây).

          Tổng kết đoạn kinh trên đây, nói rõ y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Trong y báo là lan can, lưới mành, hàng cây; trong chánh báo là Phật, Bồ Tát, A Di Đà Phật là giáo chủ, Thanh Văn và Bồ Tát là hóa bạn, là đồng học, bạn lữ. Đối với điểm này, chúng ta ắt phải đọc Đại Kinh thì mới có thể thật sự hiểu rõ. Nói thật ra, trong thế giới Tây Phương có những danh hiệu Thanh Văn, Duyên Giác, trời, người hay không? Chẳng có. Vì sao chẳng có? Nếu thật sự có, tâm sẽ không thanh tịnh. Trong tâm thanh tịnh, há còn có trời, người, Thanh Văn, Duyên Giác? Không chỉ ngay cả những danh hiệu ấy chẳng có, lại thưa cùng chư vị, Phật, Bồ Tát cũng chẳng có. Trong tâm thanh tịnh, lấy đâu ra Phật? Nơi ấy thật sự là một thế giới thanh tịnh, Nhất Chân pháp giới. Đức Phật giới thiệu cho chúng ta, chẳng thể không dùng lời phương tiện. Đã tới Tây Phương Cực Lạc thế giới thì toàn bộ những danh tướng ấy đều chẳng có, đấy mới gọi là Nhất Chân. Trong tâm động một niệm, sẽ là hai, chẳng phải là một. Do đó, pháp giới ấy là Nhất Chân pháp giới. Kinh Vô Lượng Thọ và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật giảng rất tỉ mỉ, bộ kinh này giảng giản lược, nhưng cũng đã trình bày đại khái trạng huống trong thế giới Cực Lạc, [đúng là] “lược tận ư thị”.

          (Sao) Hạ văn chúng sanh sanh giả, cập Bổ Xứ đẳng, diệc chánh báo trung nhiếp.

          ()下文眾生生者,及補處等,亦正報中攝。

(Sao: “Chúng sanh sanh về cõi đó” và “Bổ Xứ v.v…” trong đoạn văn dưới đây cũng thuộc về chánh báo).

          Cả một đoạn lớn tiếp theo đây sẽ nói về chuyện vãng sanh, giới thiệu mười phương vô lượng vô biên chúng sanh, trên từ Đẳng Giác Bồ Tát, dưới đến chúng sanh trong ác đạo. Có thể nói là đối với chuyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ai nấy đều có phần. Vấn đề là quý vị có duyên phận gặp gỡ pháp môn này hay không? Đã gặp, quý vị có tin pháp môn này hay không? Nếu gặp gỡ mà có thể tín, có thể nguyện, chẳng có một ai không vãng sanh. Lý này rất sâu, nhưng xét về Sự thì chẳng khó. Xét theo Sự, rất dễ dàng, đó gọi là “tin khó, hành dễ”.

          (Kinh) Hựu Xá Lợi Phất! Cực Lạc quốc độ, chúng sanh sanh giả, giai thị A Bệ Bạt Trí.

          (Sớ) Thừa thượng bất độc kiến tại bỉ quốc, vô phi hiền thánh, đản hữu sanh giả, tất giai bất thoái dã.

          ()又舍利弗。極樂國土。眾生生者。皆是阿鞞跋致。

          ()承上不獨見在彼國,無非賢聖,但有生者,悉皆不退也。

          (Kinh: Lại này Xá Lợi Phất! Chúng sanh sanh về cõi nước Cực Lạc đều là A Bệ Bạt Trí.

Sớ: Tiếp nối ý trong phần trên: Không chỉ những người đang ở trong nước ấy, không ai chẳng phải là hiền thánh, mà chỉ cần sanh về cõi ấy, thảy đều là bậc Bất Thoái).

          Phàm là người vãng sanh thế giới Tây Phương, từ bốn mươi tám nguyện, chúng ta thấy dù là hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư cũng là A Bệ Bạt Trí (Avaivartika), cũng là Bất Thoái. A Bệ Bạt Trí là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Bất Thoái. Bất Thoái rốt cuộc là địa vị như thế nào? Cổ đức bảo: Từ Thất Địa trong Biệt Giáo trở lên mới có thể gọi là A Bệ Bạt Trí, địa vị này cao lắm. Phàm phu thông thường khởi sự tu học, tu đến địa vị Thất Địa Bồ Tát trong Biệt Giáo phải mất hai A-tăng-kỳ kiếp, hạng phàm phu ấy chẳng phải là phàm phu thông tục. Phàm phu thông tục thì mỗi vị đồng tu đang hiện diện nơi đây từ vô lượng kiếp tới nay chẳng biết đã tu bao nhiêu A-tăng-kỳ kiếp, có thể nói là đã tu vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp thì quý vị mới có cơ hội cúng dường vô lượng vô biên chư Phật Như Lai, vì sao đến nay vẫn chẳng thành tựu? Hai A-tăng-kỳ kiếp tính từ lúc nào? Tính từ địa vị Sơ Trụ trong Biệt Giáo; chưa chứng đắc Sơ Trụ trong Biệt Giáo thì đều chẳng tính. Giống như học hành trong nhà trường, quá trình học tập tính từ lúc nào? Tính từ lớp Một Tiểu Học, chứ thời gian học Mẫu Giáo chẳng tính. Chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay đời đời kiếp kiếp tu hành đều quẩn quanh trong lớp Mẫu Giáo, chưa hề lên Tiểu Học, vấn đề xuất hiện ở chỗ này! Vì thế, nói theo Phật pháp, Biệt Giáo Sơ Trụ là đoạn tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới, tính từ ngày ấy, sau hai A-tăng-kỳ kiếp bèn chứng A Bệ Bạt Trí. Hai A-tăng-kỳ kiếp là con số thiên văn, thời gian quá dài.

          Chúng ta tu pháp môn này vài ngày bèn có thể vãng sanh, kinh nói “hoặc một ngày, hoặc hai ngày”, tối đa là “hoặc bảy ngày”, quý vị nghĩ xem có pháp môn nào nhanh chóng hơn pháp môn này? Mật Tông nói “tức thân thành Phật” (thành Phật ngay trong cái thân này); ở đây, chúng ta là bảy ngày hoặc một ngày bèn thành Phật, cao hơn họ quá nhiều. Mấy ai thấy? Quá khó có. Năm trước, cư sĩ Châu Quảng Đại ở Washington DC niệm Phật ba ngày, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn ông ta vãng sanh, đúng là “ba ngày” bèn thành tựu. Chúng ta chẳng thể gọi Châu tiên sinh là Châu cư sĩ, vì ông ta chẳng học Phật, cũng chẳng nghe pháp, chẳng tin Phật. Khi lâm chung bệnh nặng sắp chết mới gặp Phật pháp, mới thật sự niệm Phật cầu nguyện vãng sanh. Niệm ba ngày cảm A Di Đà Phật hiện đến, theo Phật vãng sanh, ba ngày ba đêm thôi nhé! Do vậy, vãng sanh sẽ đều là bất thoái chuyển.

          (Sao) Sanh giai bất thoái giả, khủng nghi bỉ quốc cố đa hiền thánh, nhiên thị cửu tu thượng sĩ.

()生皆不退者,恐疑彼國固多賢聖,然是久修上士。

(Sao: “Vãng sanh đều bất thoái” là sợ nghi rằng: Cõi ấy cố nhiên có nhiều hiền thánh, dĩ nhiên họ là bậc thượng thừa đã tu từ lâu).

          “Thượng sĩ” là nói đến Đẳng Giác Bồ Tát, trong Tây Phương Cực Lạc thế giới hạng người như vậy rất nhiều.

          (Sao) Kỳ tân sanh giả, vị tất bất thoái.

          ()其新生者,未必不退。

          (Sao: Chứ người mới sanh về [cõi Cực Lạc], chưa chắc đã bất thoái).

          Có nỗi hoài nghi này: Ta vừa mới vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chỉ sợ làm chưa được, chỉ sợ sẽ bị thoái chuyển. Hễ lui sụt khỏi Tây Phương Cực Lạc thế giới, tức là lại lùi trở về [luân hồi trong lục đạo]. Quý vị có từng nghe nói có ai bị lui sụt trở lại hay không? Từ xưa đến nay, chưa nghe nói có người từ Tây Phương Cực Lạc thế giới lui sụt trở về. Vì thế, phải hiểu là ở đây [kinh văn] đặc biệt nói rõ sự bất thoái của người mới sanh về Cực Lạc.

          (Sao) Cố ngôn bất luận thánh phàm, đản vãng sanh giả, tức bất thoái chuyển, dĩ quyết kỳ chí dã.

()故言不論聖凡,但往生者,即不退轉,以決其志也。

(Sao: Vì thế nói: Bất luận thánh hay phàm, chỉ cần là người vãng sanh liền bất thoái chuyển, nhằm làm cho ý chí của họ được kiên quyết vậy).

          Chúng ta đọc đoạn kinh văn này, tín tâm bèn kiên định, nguyện tâm bèn khẩn thiết, nghi hoặc liền đoạn trừ, đoạn nghi, sanh tín.

          (Sao) Đại Bổn sở minh giả, như vân.

          ()大本所明者,如云。

          (Sao: Đại Bổn đã nói rõ, như [trong kinh ấy] có nói).

Trích dẫn kinh Vô Lượng Thọ.

          (Sao) Sanh bỉ quốc giả, xử nhân thiên nghĩa, bất vọng động tác, chung vô dâm nộ chi tâm, ngu si chi thái.

()生彼國者,處仁遷義,不妄動作,終無淫怒之心、愚痴之態。

(Sao: Người sanh về cõi ấy cư xử với nhau bằng nhân nghĩa, chẳng làm chuyện xằng bậy, trọn chẳng có tâm dâm, giận, chẳng có thói ngu si).

          Đoạn này nói lên hoàn cảnh tốt đẹp trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, ngoại duyên thù thắng, chẳng có cảnh giới có thể dẫn khởi phiền não. Đới nghiệp vãng sanh, “nghiệp” là phiền não tập khí trọn chẳng đoạn; thế giới Tây Phương chẳng có duyên, sẽ không dẫn khởi phiền não tập khí của quý vị. Đây là nói rõ cõi đó hoàn cảnh tốt đẹp, hoàn cảnh vật chất lẫn hoàn cảnh nhân sự đều tốt đẹp, quý vị đến cõi đó mọi chuyện vừa lòng, mọi chuyện như ý, những điều chẳng thể cầu được trong các cõi Phật khác đều được viên mãn trong thế giới Tây Phương. Đấy là nói theo mặt Sự.

          (Sao) Hựu vân: Sanh bỉ quốc giả, giai tất cụ túc tam thập nhị tướng, chư căn minh lợi, nãi chí thành Phật, bất thọ ác thú.

          ()又云:生彼國者,皆悉具足三十二相,諸根明利,乃至成佛,不受惡趣。

(Sao: Lại nói: Người sanh về cõi ấy thảy đều trọn đủ ba mươi hai tướng, các căn sáng suốt, nhạy bén, cho đến khi thành Phật chẳng đọa trong đường ác).

          Sanh về Tây Phương  Cực  Lạc  thế  giới,  trí huệ,  tướng hảo,  đức

năng, và thần thông của quý vị chẳng khác A Di Đà Phật. “Chư căn minh lợi” (Các căn sáng suốt, nhạy bén) tức là trí huệ và thần thông giống như Phật. Từ ngày vãng sanh cho đến khi thành Phật “bất thọ ác thú” (chẳng đọa trong đường ác). Không chỉ là chẳng thọ quả trong đường ác, mà cái nhân trong đường ác cũng chẳng thọ. Nhân là tham, sân, si, mạn đều chẳng thọ.

          (Sao) Hựu luận tụng vân, thiên nhân bất động chúng, thanh tịnh trí hải sanh.

          ()又論頌云,天人不動眾,清淨智海生。

          (Sao: Lại nữa, trong phần kệ tụng của Vãng Sanh Luận có nói: “Chúng trời, người bất động, biển trí thanh tịnh sanh”).

          Hai câu này trích từ Vãng Sanh Luận. “Thiên nhân bất động chúng”: Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có trời, người, nhưng kinh Di Đà nói có trời, người, Thanh Văn. Kinh Vô Lượng Thọ chỉ rõ “trời, người” là nói phương tiện, chẳng phải là nói chân thật. Nói “trời, người, Thanh Văn” do có hai ý nghĩa:

1) Thứ nhất là thân phận của quý vị trước khi sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Như chúng ta có thân phận là người, sanh sang đó bèn gọi là người. Trên thực tế, đã đến Tây Phương Cực Lạc thế giới thảy đều là Bồ Tát. [Nói “trời, người, Thanh Văn” là nói] thân phận của quý vị trước khi vãng sanh. Quý vị từ cõi trời vãng sanh bèn được gọi là chư thiên. Quý vị là Tiểu Thừa hồi Tiểu hướng Đại, cũng niệm Phật vãng sanh bèn gọi là Thanh Văn, chẳng phải [là Thanh Văn] thật sự. Tây Phương Cực Lạc thế giới chỉ có Bồ Tát, chẳng có Thanh Văn, trời, người. Phải biết điều này.

2) Một cách nói khác là luận theo mức độ đoạn phiền não khi quý vị đến Tây Phương Cực Lạc thế giới so với trời, người, A La Hán trong các thế giới khác. Chúng ta đới nghiệp vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, tuy trí huệ, thần thông, đạo lực, tướng trạng đều chẳng khác Phật, nhưng còn có một điểm khác nhau là Phật chẳng có phiền não, chúng ta vẫn còn phiền não, chúng ta là đới nghiệp vãng sanh. Nếu còn mang theo Kiến Tư phiền não, chưa đoạn hết, sẽ bằng với người, trời trong các thế giới phương khác. Đã đoạn Kiến Tư phiền não, chẳng phá Trần Sa và Vô Minh, sẽ bằng với Duyên Giác và Thanh Văn trong các thế giới khác, có ý nghĩa này.

Thật ra, trong cõi kia, xác thực là chẳng có danh hiệu Nhị Thừa, thiên, nhân. Câu “thiên nhân bất động chúng” trong Vãng Sanh Luận [có ý nói] trời, người đều khởi tâm động niệm, nhưng [người, trời trong cõi Cực Lạc] bất động, “thanh tịnh trí hải sanh” (biển trí thanh tịnh sanh).

          (Sao) Bất động tức bất thoái dã, lương diêu niệm Phật chi lực, đắc y Như Lai trí hải hàm nhuận nhi sanh, hữu tấn vô thoái cố.

()不動即不退也,良繇念佛之力,得依如來智海含潤而生,有進無退故。

(Sao: Bất động chính là bất thoái. Ấy là do sức niệm Phật bèn được cậy vào biển trí của Như Lai thấm nhuần mà sanh, nên [người trong cõi Cực Lạc] có tiến, mà chẳng có thoái vậy).

          Công đức lợi ích ấy do đâu mà có? Vì vậy, nói là “pháp khó tin”. Các pháp sư bên Giáo Hạ rất ít người tin tưởng, bậc đại đức bên Thiền Tông cũng không tin tưởng, há có chuyện thuận tiện dường ấy! Người thật sự triệt để đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh sẽ tin tưởng. Do thấy chân tướng sự thật, người ấy tin tưởng. Đúng như Ngẫu Ích đại sư đã nói: Những bậc như Mã Minh, Long Thọ, Trí Giả, Vĩnh Minh sẽ tin tưởng, vì sao? Các Ngài triệt để ngộ nhập Thật Tướng của các pháp, hạng người ấy tin tưởng. Đây là do thần lực của A Di Đà Phật gia trì [khiến cho] hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất, các thứ điều kiện ưu việt, ngõ hầu quý vị tuy đới nghiệp, nhưng nghiệp lực chẳng khởi tác dụng, chẳng thể dấy lên hiện hành trong cõi ấy, điểm này hết sức trọng yếu!

          Chúng ta niệm Phật, nghiệp lực phiền não thường dấy lên hiện hành, đó chẳng phải là một hiện tượng tốt lành, [vì chúng sẽ] chướng ngại quý vị vãng sanh, chướng ngại quý vị chẳng đạt được nhất tâm bất loạn, chẳng đắc công phu thành phiến trong hiện tiền. Đắc công phu thành phiến, quyết định nắm chắc vãng sanh. Tuy quý vị hiện thời công phu tu hành rất đắc lực, tiêu trừ một chút nghiệp chướng, tôi hỏi quý vị: Có nắm chắc vãng sanh hay không? Chẳng nắm chắc! Vì sao chẳng nắm chắc? Chưa thể chế phục phiền não. Tuy tiêu nghiệp chướng đôi chút, nhưng khẳng định là tiêu chưa đủ. Tiêu đến một mức độ nhất định, tâm quý vị thanh tịnh, công phu thành phiến. Công phu thành phiến, không chỉ là nắm chắc vãng sanh, mà công phu tốt đẹp hơn sẽ có thể tự tại vãng sanh, muốn vãng sanh lúc nào bèn vãng sanh lúc ấy.

          Nay quý vị nương theo pháp môn này để học, người nghiệp chướng tiêu một tí, đạt được một tí tốt đẹp và lợi ích rất đông; nhưng người đạt đến mức công phu thành phiến [có thể] nói [rất quả quyết] “muốn đi khi nào bèn đi ngay khi ấy”, hiện thời tôi vẫn chưa thấy có ai! Hy vọng mọi người hãy nghiêm túc nỗ lực tinh tấn, tiến thêm bước nữa thì sẽ đạt tới, chớ nên ngưng nghỉ. Đạt đến công phu thành phiến, chúng ta lại tiến thêm bước nữa, đắc Sự nhất tâm bất loạn. Kinh đã nói rất hay: “Tu hành trong thế giới Sa Bà một ngày bằng tu hành một trăm năm trong thế giới Cực Lạc”. Nếu chúng ta tu đạt đến Lý nhất tâm bất loạn trong thế giới này, sẽ sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, đấy là phương hướng mà chúng ta phải nghiêm túc nỗ lực đi theo. Hôm nay chúng tôi giảng tới đây!

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *