#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 01-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 269
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm năm mươi chín:
(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh tự quỹ, thị văn thử kinh nghĩa. Tự tánh tự giác, thị văn chư Phật danh nghĩa.
(疏)稱理,則自性自軌,是聞此經義;自性自覺,是聞諸佛名義。
(Sớ: Xứng Lý thì tự tánh có quy củ là ý nghĩa “nghe kinh này”. Tự tánh tự giác là ý nghĩa “nghe danh hiệu chư Phật”).
Cuối mỗi đoạn kinh văn, Liên Trì đại sư đều bàn luận xứng tánh, các vị đại đức trong Giáo Hạ cũng thường gọi đoạn này là “hội quy tự tánh”. Trong các chú giải kinh luận, thông thường chúng ta chẳng thấy có cách nói hội quy tự tánh. Trong bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư, mỗi đoạn đều hội quy tự tánh, hiển thị Thiền và Tịnh xác thực là một. “Tự tánh tự quỹ”: “Quỹ” (軌) có nghĩa là phép tắc, mà cũng là trật tự. Giống như hiện thời chúng ta quan sát thấy trong vũ trụ có khá nhiều tinh cầu, tinh hệ, ngân hà, chúng nó đều vận hành rất trật tự, chẳng rối loạn trong không gian, dường như mỗi thiên thể đều có quỹ đạo riêng. Mỗi hành tinh trong chín đại hành tinh[1] thuộc Thái Dương Hệ di chuyển quanh mặt trời đều có quỹ đạo riêng. Điều đó mang ý nghĩa “quy tắc”. [“Tự tánh tự quỹ” nghĩa là] tự tánh vốn có quy tắc, vốn có lớp lang, chẳng rối ren!
(Diễn) Kinh hữu quỹ trì nghĩa, tự tánh bổn tự quỹ trì, tức thị chân kinh, cánh ư hà xứ tầm kinh.
(演)經有軌持義,自性本自軌持,即是真經,更於何處尋經。
(Diễn: Kinh có ý nghĩa “vâng theo khuôn khổ, phép tắc”. Tự tánh vốn tự gìn giữ khuôn khổ, quy tắc, đó chính là chân kinh, còn phải tìm kinh ở nơi đâu nữa?)
Kinh Phật nhằm dạy chúng ta lý luận, phương pháp, giảng rõ cảnh giới, xác thực là nó có quy tắc, có trật tự rạch ròi, chẳng rối loạn tí nào! Cổ nhân dùng Khoa Phán (科判), Khoa Phán [là một sáng tạo trong] Phật môn. Sau này, Nho gia cũng học theo phương pháp ấy, dùng Khoa Phán để phán định một bộ kinh hoặc một bài văn chương, họ gọi là “chương cú chi học” (章句之學), nhằm phân chia [nội dung] thành từng phần theo một thứ tự hoặc tầng lớp rõ ràng, minh bạch. Kinh Di Đà phân lượng chẳng lớn; cuối bản in này, chúng tôi có đính kèm phần Biểu Giải, bao gồm phần Khoa Phán của Liên Trì đại sư và Khoa Phán của Ngẫu Ích đại sư. Mỗi vị có cách phán định khác nhau, cho nên Yếu Giải và Sớ Sao có [Khoa Phán riêng biệt]. Xem Khoa Phán sẽ biết: Kết cấu văn tự hết sức hoàn mỹ. Thật sự là đạt tới mức độ: Thêm vào một chữ cũng chẳng được, mà bớt đi một chữ cũng chẳng được. Hễ bớt một chữ, [mạch văn, ý tưởng] sẽ chẳng liên tục, bị gián đoạn! Thêm vào một chữ, sẽ thành thừa thãi! Trong văn chương, làm được như vậy, đó là văn chương hay khéo bậc nhất. Văn tự được chia thành thứ lớp phân minh, nghĩa lý rạch ròi, có lớp lang. Một bộ kinh nhỏ là như thế, mà đối với một bộ kinh lớn cũng chẳng ra ngoài lệ ấy. Quý vị thấy Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, kinh văn của bộ kinh ấy rất lớn, có tới tám mươi quyển, Thanh Lương đại sư cũng phân khoa, phán giáo, phân chia hết sức tinh tế. Ở đây, chúng ta có Khoa Văn Biểu Giải của kinh Hoa Nghiêm. Sau khi chúng ta xem Khoa Phán của bộ Đại Bát Nhã sáu trăm quyển, thật sự cảm thán là Quán Chỉ[2], mới biết kinh Phật đúng là vĩ đại. Những điều này đều có ý nghĩa “quỹ trì” (軌持: tuân thủ nguyên tắc, giữ vững khuôn khổ), xác thực là từ tự tánh lưu lộ, rành mạch, lớp lang, có trật tự, chẳng rối loạn. Tự tánh vốn trọn đủ như vậy, pháp vốn là như thế. Người thế gian có mấy ai minh tâm kiến tánh? Tại Trung Hoa, hết sức hy hữu; về căn bản là ngoại quốc chẳng có. Bởi lẽ, mọi người thấy mặt trời, mặt trăng, tinh tú vận hành trên bầu trời đều rất có quy tắc, họ liền nghĩ: Nhất định là phải có một người an bài chuyện ấy, bèn tưởng tượng người ấy được gọi là Thượng Đế, [cho rằng mọi sự do] Thượng Đế an bài, hoặc do thần tạo dựng! Thần và Thượng Đế đều do con người nghĩ ra, rốt cuộc là có hay không? Xác thực là hiện thời có khá nhiều người đánh dấu hỏi đối với thần và Thượng Đế. Nói theo Phật pháp, xác thực là có thần và Thượng Đế, nhưng họ chẳng phải là Tạo Vật Chủ (Tạo Hóa), chỉ là thiên thần.
Ý nghĩa Quỹ Trì của tự tánh là: Tự tánh tự nhiên có những pháp tắc ấy, đó là “chân kinh”. Kinh điển thuyết minh chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. “Tự tánh tự quỹ” (Tự tánh tự gìn giữ pháp tắc) là ý nghĩa của việc nghe kinh; hội quy tự tánh chính là ý nghĩa này. “Tức thị chân kinh, cánh ư hà xứ tầm kinh” (Chính là chân kinh, còn tìm kinh ở nơi nào nữa). Từ đạo lý này, chúng ta cũng có thể thông hiểu một sự thật. Trong Phật môn thường nói: “Một kinh thông, hết thảy các kinh đều thông”, quý vị phải hiểu “thông” là thông đến tự tánh thì mới được! Ta thông đạt văn tự của bộ kinh này, có thể đọc từ đầu đến cuối rất thuần thục, chưa chắc đã thông! Phải từ một bộ kinh mà minh tâm kiến tánh [thì mới là “thông”]. Minh tâm kiến tánh là như thế nào? Từ một bộ kinh bèn thấu đạt “tự tánh tự quỹ” thì mới được coi là “thông” bộ kinh ấy. Tất cả hết thảy các kinh, không chỉ là những kinh do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm, mà các kinh do mười phương ba đời hết thảy chư Phật đã nói đều là tự nhiên lưu lộ từ tự tánh. Do vậy, sau khi kiến tánh, sẽ tự nhiên thông đạt các kinh do hết thảy chư Phật đã nói, [bởi lẽ], chúng đều lưu xuất từ tự tánh, có ý nghĩa này.
“Tự tánh tự giác, thị văn chư Phật danh nghĩa” (Tự tánh tự giác là ý nghĩa “nghe danh hiệu chư Phật”). Tự tánh tự giác, [có nghĩa là] tự tánh vốn là giác. Cái giác ấy chẳng đến từ bên ngoài, cũng chẳng phải là do tu được. Vì thế, gọi là Bổn Giác, tức là sự giác ngộ vốn sẵn có trong tự tánh. Phật có nghĩa là Giác, tức là ý nghĩa tự tánh giác.
(Diễn) Phật hữu giác chiếu nghĩa, tự tánh bổn tự oánh chiếu, tức thị chân Phật, cánh ư hà xứ mịch Phật? Nhược ly tự tánh biệt cầu Phật pháp, đại tự kỵ ngưu mịch ngưu, phao gia lãng tẩu dã.
(演)佛有覺照義 ,自性本自瑩照 ,即是真佛。更於何
處覓佛。若離自性別求佛法。大似騎牛覓牛。拋家浪走也。
(Diễn: Phật có nghĩa là giác chiếu. Tự tánh vốn tự chiếu rạng ngời, đó chính là chân Phật, còn tìm Phật ở nơi đâu nữa? Nếu lìa tự tánh để cầu Phật pháp nào khác, sẽ rất giống như đang cưỡi trâu mà tìm trâu, bỏ nhà đi lang thang vậy).
Phật ở nơi đâu? Phật là sự giác chiếu của tự tánh. Tâm Kinh dạy: “Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai Không” (Soi thấy năm uẩn đều Không). Đó chính là tự tánh giác chiếu, là ý nghĩa của Phật. Thiền gia nói rất hay: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Tánh khởi tác dụng là giác chiếu; đã giác chiếu bèn gọi là Phật. Những điều này đều là nói theo kiểu hội quy tự tánh. Có thể thấy Giáo Hạ, Tịnh Tông và Thiền, nói thật ra, chẳng hai, chẳng khác, chỉ là phương pháp tu học khác nhau, kỹ xảo khác nhau, chứ đạt tới mục đích bèn hoàn toàn như nhau.
(Sao) Tự quỹ tự trì, tắc tôn giả bất thuyết, ngã nãi vô văn, thị chân Bát Nhã.
(鈔)自軌自持,則尊者不說,我乃無聞,是真般若。
(Sao: “Tự quỹ” là tự trì, chính là “tôn giả chẳng nói, ta bèn chẳng nghe”, đó là chân Bát Nhã).
“Trì” là (持) gìn giữ, những điều này đều là Tánh Đức.
(Diễn) Thị chân Bát Nhã giả, chung nhật chuyển kinh, bất tri kinh chuyển, dĩ phi chân kinh dã.
(演)是真般若者,終日轉經,不知經轉,以非真經也。
(Diễn: “Là chân Bát Nhã”: Suốt ngày chuyển kinh, chẳng biết là bị kinh chuyển, do chẳng phải là chân kinh).
“Chuyển kinh” (轉經) bao gồm đọc kinh, giảng kinh, nghiên cứu, thảo luận, đều dùng chữ Chuyển (轉) để biểu thị. Hằng ngày đọc tụng, hằng ngày nghiên cứu, thảo luận, kết quả là như thế nào? Luôn bị kinh chuyển, chẳng phải là đang chuyển kinh. Chúng ta thường nói chuyện này là “chết trong Giáo Hạ”. Chấp trước quyển kinh, chẳng thấy chân kinh. Chân kinh ở chỗ nào? Chẳng ở nơi văn tự, chẳng ở trong kinh bổn. Từ văn tự cho đến ngôn ngữ, tư tưởng của kinh sách, đều chẳng có chân kinh. Chân kinh là Chân Như tự tánh! Nói cách khác, đức Phật nói hết thảy các kinh nhằm giúp chúng ta phá mê khai ngộ. Nếu chúng ta thật sự phá mê khai ngộ, chân Bát Nhã bèn hiện tiền, chúng ta đạt được chân kinh. Nếu vẫn cứ loay hoay trong văn tự, đời này sang đời khác chẳng thể khai ngộ, [chính là] bị kinh xoay chuyển.
Trong Lục Tổ Đàn Kinh có một công án về thiền sư Pháp Đạt. Sư Pháp Đạt rất dụng công, đọc ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa. Mỗi ngày niệm một bộ, niệm ba ngàn bộ thì gần như là mười năm, có thể thấy là Sư chuyên ròng, thuần nhất. Bất luận tu học pháp môn nào, điều đáng quý là chuyên tinh. Trong Tam Tự Kinh có câu: “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên” (Đạo giáo hóa, chú trọng ở chỗ chuyên ròng). Chẳng chuyên sẽ không được! Người hiện thời học Phật, đọc kinh, sở dĩ chẳng khai ngộ là vì học quá tạp, quá loạn. Sư Pháp Đạt suốt mười năm thọ trì một bộ kinh Pháp Hoa, chưa khai ngộ, [là vì] chấp trước giáo nghĩa trong kinh. Sư gặp Lục Tổ, được chỉ điểm mới hoát nhiên đại ngộ, mới biết chính mình trong suốt mười năm qua luôn bị kinh Pháp Hoa chuyển, chẳng thể chuyển kinh Pháp Hoa. Lục Tổ vừa chỉ điểm, sau khi Sư khai ngộ, mới chuyển kinh Pháp Hoa, đạt được chân kinh. Do vậy, nhất định là phải biết chuyển kinh, đừng bị kinh chuyển. Bị kinh chuyển, sẽ chết ngắc trong Giáo Hạ!
(Diễn) Kim “vô thuyết, vô văn, phương thị chân Bát Nhã”, sở vị thường chuyển như thị kinh, bách thiên vạn ức quyển dã.
(演)今無說無聞,方是真般若,所謂常轉如是經,百千萬億卷也。
(Diễn: Nay “chẳng nói, chẳng nghe mới là chân Bát Nhã”. Đó gọi là “thường chuyển kinh như thế, trăm ngàn vạn ức quyển”).
Trong Thiền Tông, những công án tương tự như thế rất nhiều. Thuở tại thế, đức Thế Tôn cũng đã từng thị hiện. Giảng kinh luôn có duy-na, Thích Ca Mâu Ni Phật thăng tòa giảng kinh, Văn Thù Bồ Tát làm duy-na. Đức Phật vừa thăng tòa, lão nhân gia gõ khánh; giảng kinh xong, đức Phật bước xuống tòa. Ngay khi ấy, người ta hỏi Bồ Tát, Ngài đáp: “Đức Thế Tôn chẳng nói, ta cũng chẳng nghe”. “Vô thuyết, vô văn, thị chân Bát Nhã” (Chẳng nói, chẳng nghe, là chân Bát Nhã). Đấy là bảo minh bạch cùng chúng ta: Có thuyết, có nghe, đều là phương tiện, chẳng phải là chân thật. Lý Đế chân thật chẳng lập một pháp, quý vị nói gì nữa? Đàn Kinh vừa mở đầu liền nói: “Vốn chẳng có một vật”. Quý vị còn nói gì được nữa? Do vậy, mở miệng liền trật, động niệm bèn sai. Không chỉ là chẳng thể nói năng, mà khởi tâm động niệm cũng đều chẳng thể được. Khởi tâm động niệm bèn rớt vào ý thức. Trong Chân Như bản tánh, chẳng có khởi tâm động niệm; khởi tâm động niệm là vô minh. Khởi tâm động niệm là chuyển biến Chân Như bản tánh thành tám thức. Nghĩa lý này hết sức sâu; không chỉ chẳng phải là cảnh giới của phàm phu, mà Quyền Giáo lẫn Nhị Thừa đều không đạt tới. Đấy là cảnh giới của Pháp Thân đại sĩ, chân trí huệ hiện tiền. Thiền Tông dùng phương pháp tham cứu để đạt tới mục tiêu này. Trí huệ Bát Nhã hiện tiền, Thiền Tông nói là “đại triệt đại ngộ”, Giáo Hạ bảo là “đại khai viên giải”, Tịnh Tông gọi là “Lý nhất tâm bất loạn”. Danh tướng khác nhau, cảnh giới hoàn toàn như nhau, cùng nói đến một chuyện. Danh tướng khác nhau, cho thấy Thiền, Giáo, Tịnh sử dụng phương pháp khác nhau, nhưng phương pháp của Tịnh Tông thuận tiện nhất.
Trong tất cả các phương pháp, phương pháp Trì Danh Niệm Phật thù thắng nhất; bất luận quý vị hiểu Lý hay không, chẳng sao cả! Chỉ cần quý vị thật thà niệm. Then chốt ở ngay hai chữ “thật thà”, thật thà rất khó khăn! Đại Thế Chí Bồ Tát nói: “Nhiếp trọn lục căn, tịnh niệm tiếp nối”, đó là thật thà. Nói nông cạn, dễ hiểu hơn một tí, [sẽ là] chỉ cần chúng ta chuyên tín, chuyên nguyện, chuyên niệm A Di Đà Phật; trừ A Di Đà Phật ra, điều gì cũng chẳng để trong lòng, sẽ là rất gần với thật thà. Tuy chẳng phải là thật thà thật sự, nhưng rất giống với thật thà, cho nên hữu hiệu. Pháp môn này dễ tu, dễ thành tựu hơn các pháp môn khác, lại còn chẳng cần tốn thời gian [tu tập] rất dài.
(Sao) Tự giác tự chiếu, tắc vô danh, vô tự, vô thể, vô tướng, thị danh Như Lai.
(鈔)自覺自照,則無名無字,無體無相,是名如來。
(Sao: Tự giác tự chiếu, nên chẳng có danh, có tự, vô thể, vô tướng, bèn gọi là Như Lai).
Trong kinh điển, có nhiều cách giải thích danh xưng Như Lai. Kinh Kim Cang giải thích Như Lai có hai ý nghĩa:
1) Thứ nhất, Như Lai là “kim Phật như cổ Phật chi tái lai” (Phật
hiện tại giống như cổ Phật tái lai), Phật Phật đạo đồng. Do Phật hiện thời giống hệt như cổ Phật tái lai, nên gọi là Như Lai.
2) Một ý nghĩa khác là nói theo Lý. “Như Lai giả, chư pháp Như nghĩa” (Như Lai là nghĩa Như của các pháp). Nói hay lắm. Đúng là nói đơn giản, ngắn gọn, [nêu ra] ý nghĩa hết sức viên mãn. Nói thật ra, lời giải thích ở chỗ này đã sử dụng thuật ngữ “chư pháp Như nghĩa”.
(Diễn) Thị danh Như Lai giả, ngoại cầu hữu tướng Phật, dữ ngã bất tương can, dĩ phi chân Phật dã.
(演)是名如來者,外求有相佛,與我不相干,以非真佛也。
(Diễn: “Gọi là Như Lai”: Cầu vị Phật có hình tướng ở bên ngoài, chẳng liên quan gì đến ta; bởi lẽ, đó chẳng phải là chân Phật).
Phải ghi nhớ câu này, đó gọi là “tâm ngoại cầu pháp” (cầu pháp ở ngoài tâm). Cầu pháp ngoài tâm, pháp là giả, cầu Phật ở ngoài tâm, Phật cũng là giả. Nói gọn một câu, hết thảy những thứ ở ngoài tâm chắc chắn chẳng phải là chân thật. Nếu chúng ta hỏi: “Cách thế giới Sa Bà mười vạn ức cõi Phật về phương Tây, có một thế giới tên là Cực Lạc. Trong thế giới Cực Lạc, có một vị Phật hiệu là A Di Đà Phật” rốt cuộc là ở trong tâm hay ngoài tâm? Hằng ngày chúng ta niệm A Di Đà Phật, mong cầu sanh về thế giới Cực Lạc; thử hỏi [A Di Đà Phật và cõi Cực Lạc] ở trong hay ngoài tâm? Điều này rất khẩn yếu. Nếu chẳng hiểu rõ ràng, sẽ luôn có nghi vấn ở chỗ này. Nghi vấn ấy sẽ sanh ra chướng ngại cho người niệm Phật. Dẫu niệm Phật rất tốt đẹp, sẽ sanh vào Biên Địa Nghi Thành của Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Trong lần tổ chức Phật Thất tại Hương Cảng, pháp sư Đàm Hư lão nhân gia khai thị đã từng có một đoạn nói như thế này: Ngài mở trường học ở miền Đông Bắc, hiệu trưởng cũng niệm Phật. Có một hôm, ông ta hướng về Ngài nêu câu hỏi, nói: “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ. Đã là tự tánh Di Đà, chúng ta còn niệm Phật Di Đà để làm gì nữa? Đã là duy tâm Tịnh Độ, cần gì phải cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới cách xa mười vạn ức cõi Phật?” Lão hòa thượng bảo: “Hỏi rất hay!” Lão hòa thượng hỏi ngược lại: “Tự tánh Di Đà và Phật Di Đà trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, giới hạn ở chỗ nào? Thế giới Cực Lạc ở ngoài mười vạn ức cõi Phật và duy tâm Tịnh Độ, giới hạn lại ở chỗ nào?” Ông ta thưa cùng lão pháp sư: “Tìm chẳng ra biên giới!” Đúng vậy, chẳng có biên giới! Vì sao chẳng có biên giới? Vì thế giới Cực Lạc cách mười vạn ức cõi Phật là do tự tánh biến hiện. Thế giới Sa Bà cũng do tự tánh biến hiện, thảy đều là do tự tánh biến hiện, đương nhiên là chẳng có giới hạn. Nói theo Sự, có Đông, có Tây, có Tự, có Tha. Nói theo Tánh, chẳng có! Đàm luận xứng tánh là luận theo Lý, chẳng luận theo Sự. Cổ nhân nói “dĩ Lý đoạt Sự” (chỉ luận định theo Lý, chẳng bàn đến Sự), đó là cảnh giới trong Thiền Tông, hoàn toàn nói theo tự tánh. Vì thế, chúng ta đừng nên khởi phân biệt, chớ nên chấp trước. Hễ có phân biệt, chấp trước, bèn gọi là “ngoài tâm”. Về Sự, chẳng có ngoài tâm. Có thể thấy “cầu pháp ngoài tâm” là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của quý vị. Nói “ngoài tâm” là nói đến những điều ấy, chẳng phải là nói tới Sự. Sự và tâm là một, chẳng hai. Sự là Tướng Phần của tâm. Tánh và Tướng chẳng hai, Tánh và Tướng như nhau, Lý Sự bất nhị!
Kinh Hoa Nghiêm nói “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”; vì sao vô ngại? Chúng là một, chẳng phải là hai thứ. Vì thế, chẳng có chướng ngại! Chỉ sợ quý vị có phân biệt, có chấp trước, có vọng tưởng. Có thể buông phân biệt, chấp trước, vọng tưởng xuống, ai nấy đều thành Phật, vốn đã thành Phật. Trong kinh Hoa Nghiêm và kinh Viên Giác, đức Phật đã nói: “Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật”. Buông xuống bèn thành Phật, chẳng buông xuống thì là phàm phu. Nay chúng ta dùng phương pháp niệm A Di Đà Phật, buông xuống tất cả hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, ưu lự, vướng mắc, trong tâm chỉ là một câu A Di Đà Phật. Câu A Di Đà Phật ấy có phải là vọng tưởng hay không? Có phải là chấp trước hay không? Tùy thuộc cách quý vị niệm Phật dụng tâm như thế nào. Quý vị chẳng khéo dụng tâm, một câu Phật hiệu xác thực cũng là vọng tưởng, cũng là phân biệt, chấp trước; nhưng vẫn là tốt đẹp, vì ta dùng một vọng tưởng để phá sạch tất cả hết thảy vọng tưởng, vẫn là cao minh. Vì thế, vẫn có thể vãng sanh, nhưng phẩm vị vãng sanh sẽ thấp kém.
Nếu quý vị thật sự hiểu rõ: Một câu A Di Đà Phật chính là đức hiệu của Chân Như bản tánh nơi chính mình, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước bèn chẳng có, một câu Phật hiệu chính là Chân Như bản tánh. Kinh Kim Cang dạy: “Tín tâm thanh tịnh bèn sanh Thật Tướng”. Thật Tướng là minh tâm kiến tánh, “sanh Thật Tướng” là kiến tánh, là thành Phật. Có thể thấy: Tín tâm thanh tịnh rất quan trọng. “Thanh tịnh” là chẳng có hoài nghi, chẳng có vọng tưởng, chẳng có phân biệt, chẳng có xen tạp. Đấy là điều đáng quý nhất, đó gọi là “chân tâm”.
(Diễn) Kim vô danh, vô tướng, phương thị chân Như Lai, sở vị “chân Phật ốc lý tọa, thời nhân tự bất thức” dã.
(演)今無名無相,方是真如來,所謂真佛屋裡坐,時人自不識也。
(Diễn: Nay vô danh, vô tướng, mới là chân Như Lai, đó gọi là “vị Phật thật ngồi trong nhà, người đương thời chẳng biết”).
Hai câu này tôi chẳng nói, chư vị hãy suy nghĩ kỹ càng hòng tự thấu hiểu, tôi chẳng cần nói toạc ra. Chú ý hiểu những điều đã nói trong phần trước, sẽ thấu hiểu ý nghĩa này, sẽ có thể lãnh ngộ.
(Sao) Tư tắc thế gian nan tín chi diệu pháp, bất văn nhi lịch lịch phân minh; hằng sa chư Phật chi hồng danh, tuyệt thính nhi oanh oanh tại nhĩ. Khả vị sở vị văn kinh, tín chi bất nghi, thừa sự chư Phật, vô không quá giả.
(Diễn) Ký tri chân Bát Nhã, tắc xứ xứ Di Đà thuyết pháp. Cố lịch lịch phân minh. Ký thức chân Như Lai, tắc thời thời chư Phật hiện tiền. Cố oanh oanh tại nhĩ. Lịch lịch phân minh, tắc A Nan sở vị văn kinh, vô bất văn chi, thuyết Tín dĩ thành lưỡng quyết, hà huống hữu nghi! Oanh oanh tại nhĩ, tắc dạ thần sở sự chư Phật, nhất nhất thừa sự, thuyết bất không, tảo dĩ tương quai, huống hữu không quá.
(鈔)斯則世間難信之妙法,不聞而歷歷分明;恆沙諸佛之洪名,絕聽而轟轟在耳。可謂所未聞經,信之不疑,承事諸佛,無空過者。
(演)既知真般若。則處處彌陀說法。故歷歷分明。既識真如來。則時時諸佛現前。故轟轟在耳。歷歷分明。則阿難所未聞經。無不聞之。說信已成兩橛。何況有疑。轟轟在耳。則夜神所事諸佛。一一承事。說不空早已相乖。況有空過。
(Sao: Đấy chính là diệu pháp thế gian khó tin, chẳng nghe mà hiểu phân minh, rành rẽ; hồng danh của hằng sa chư Phật trọn chẳng nghe mà vang rền bên tai. Có thể nói: Đối với kinh chưa được nghe, tin tưởng chẳng nghi, phụng sự chư Phật, chẳng bỏ sót vị nào vậy.
Diễn: Đã biết chân Bát Nhã thì chốn chốn Di Đà thuyết pháp. Vì thế, vằng vặc phân minh. Đã biết chân Như Lai, lúc nào chư Phật cũng hiện tiền. Bởi thế, vang rền bên tai. “Vằng vặc phân minh” chính là ngài A Nan đối với những kinh chưa được nghe [đều thông suốt, chẳng khác gì] không kinh nào chẳng nghe. Nói đến Tín, đã thành hai thứ, huống hồ còn Nghi? “Vang rền bên tai” chính là dạ thần phụng sự chư Phật, mỗi mỗi đều thừa sự, nói “chẳng không” thì đã sớm trở thành trái nghịch, huống hồ là “bỏ sót” ư?)
“Diệu pháp thế gian khó tin” là nói tới kinh này, hoặc là nói ba kinh Tịnh Độ. Ba kinh ấy chuyên nói về Tây Phương Tịnh Độ, đấy chính là diệu pháp khó tin nhất. “Tuyệt thính” là chẳng nghe. Nói thật ra, đối với cảnh giới này, nếu tham Thiền thì không chỉ là tham cứu thấu suốt điều mình phải tham, mà còn phải là thật sự chứng đắc địa vị Bất Động, tức là địa vị Bát Địa Bồ Tát trong Viên Giáo, cảnh giới ấy mới thật sự hiện tiền. “Sở vị văn kinh, tín chi bất nghi” (Đối với kinh chưa được nghe, bèn tin tưởng chẳng ngờ): Kinh do mười phương hết thảy chư Phật đã nói, chúng ta chẳng nghe. Tuy chẳng nghe, do kinh giáo của tất cả chư Phật đều lưu lộ từ tự tánh, [chúng ta] có hiểu rõ hay không? Thứ gì cũng đều hiểu rõ, chẳng học mà hiểu! Vì sao? Tự tánh của ta và tự tánh của Phật là một tánh. Kinh nói: “Mười phương ba đời Phật, cùng chung một Pháp Thân”, một tự tánh! Do vậy, kinh do hết thảy chư Phật nói đã từ tự tánh lưu lộ; [vậy thì] quý vị đã kiến tánh, lẽ nào chẳng hiểu rõ? Há có lẽ nào hoài nghi? Tin tưởng chẳng ngờ! Mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đều là Tướng Phần do tự tánh biến hiện. Vì thế, sau khi đã kiến tánh, “thừa sự chư Phật”, chẳng bỏ sót một vị Phật nào! Nói thông thường, đấy là cảnh giới của bậc Bát Địa trong Viên Giáo trở lên.
Nói theo phía người niệm Phật, thật sự là “pháp khó tin chẳng thể nghĩ bàn”. Đối với cảnh giới của Bát Địa Bồ Tát, chúng ta thật sự chẳng có phần. Không chỉ là chúng ta chẳng có phần, mà Tiểu Thừa A La Hán, Bích Chi Phật, và Quyền Giáo Bồ Tát cũng đều chẳng có phần. Nhưng người niệm Phật lại chẳng thể nghĩ bàn, người niệm Phật chỉ cần tín tâm thanh tịnh, tức là “tịnh niệm tiếp nối” như Đại Thế Chí Bồ Tát đã dạy, chúng ta chỉ cần đạt được tiêu chuẩn này, cảnh giới ấy liền hiện tiền, quá dễ dàng! Dễ đến nỗi khiến cho người ta chẳng dám tin tưởng. [Vì thế] gọi là “pháp khó tin”. Vì sao người niệm Phật đạt tới cảnh giới này dễ dàng dường ấy? Chư vị phải hiểu: Đối với người niệm Phật, thật sự có thể niệm đến mức “tịnh niệm tiếp nối”, quý vị đừng nhìn vào một đời này của người ấy! [Nếu chỉ] nhìn vào một đời này của người ấy, quý vị nghĩ kiểu nào, cũng thấy chẳng thông suốt, chẳng có cách nào tiếp nhận! Thật sự có thể “tịnh niệm tiếp nối” thì thiện căn, phước đức, và nhân duyên của người ấy, [so ra], bậc A La Hán, Bích Chi Phật và hàng Bồ Tát bình phàm đều thua kém, chẳng thể sánh bằng! Quý vị niệm kinh Vô Lượng Thọ đều biết: Người ấy đã từng trong nhiều đời nhiều kiếp cúng dường vô lượng vô biên chư Phật Như Lai; đời này, thiện căn của người ấy chín muồi. Vì thế, cổ nhân nói: “Một ngày khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay!” Thiện căn và phước đức của người ấy từ vô lượng kiếp đến nay đã chín muồi, chẳng phải là ngẫu nhiên! Đồng thời, lại được bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì, mười phương hết thảy chư Phật Như Lai hộ niệm, phước báo ấy to lắm! Do vậy, người thật sự niệm Phật, Phật thường ngự trên đỉnh đầu người ấy, quang minh của Phật thường chiếu tới người ấy. Bọn phàm phu mắt thịt chúng ta, vọng niệm quá nhiều, chẳng thể thấy được! Người tâm địa hơi thanh tịnh, có một chút công phu định lực sẽ thấy được. Phật quang chiếu gội, chư Phật hộ niệm gia trì, lẽ nào là kẻ tầm thường? Hàng Quyền Giáo Bồ Tát bình phàm đều chẳng sánh bằng! Bản thân chúng ta phải hiểu rõ điều này. Chính mình phải quý tiếc, giống như Thiết Thụ nở hoa[3] trong thế gian, mấy chục năm, mấy trăm năm mới nở hoa một lần; trong lúc này đã nở, hy hữu quá! Nếu chúng ta chẳng biết quý tiếc, bỏ lỡ nhân duyên này, mong sau này sẽ lại nở hoa lần nữa, sợ rằng phải qua vô lượng kiếp sau mới gặp lần nữa! Chẳng phải là đời đời kiếp kiếp thường gặp gỡ! Hết sức hiếm có, hết sức khó có!
(Kinh) Thị chư thiện nam tử, thiện nữ nhân, giai vi nhất thiết chư Phật chi sở hộ niệm, giai đắc bất thoái chuyển ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề .(經)是諸善男子善女人。皆為一切諸佛之所護念。皆得不退轉於阿耨多羅三藐三菩提。
(Kinh: Các thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy đều được hết thảy chư Phật hộ niệm, đều đắc bất thoái chuyển nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác).
“Thiện nam tử, thiện nữ nhân” là nói tới những người nào? Trong kinh văn thuộc phần trước, đã có nói: “Xá Lợi Phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, nghe kinh này, thọ trì và nghe danh hiệu chư Phật, các thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy đều được hết thảy chư Phật hộ niệm, đều đắc bất thoái chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”. Xem liền mạch như vậy, ý nghĩa bèn rõ ràng. Điều này khẩn yếu! Kinh văn như vậy, chỉ dạy như vậy, chư vị tra duyệt Đại Tạng Kinh, [thử tìm xem], trừ kinh này ra, còn có kinh nào khác có câu nói giống như vậy hay chăng? Tìm chẳng thấy! Do vậy, pháp này biến thành pháp hy hữu khó tin! “Nghe kinh thọ trì, nghe danh hiệu chư Phật”, đấy là tiêu chuẩn “thiện” của thiện nam tử, thiện nữ nhân được nói trong kinh. Quý vị có thể nghe bộ kinh A Di Đà này, có thể hiểu rõ ý nghĩa được nói trong kinh, nghe danh hiệu A Di Đà Phật, hoặc là nghe danh hiệu chư Phật, danh hiệu của sáu phương và danh hiệu A Di Đà Phật như nhau. Chẳng nhớ danh hiệu sáu phương Phật, thì ghi nhớ một câu Nam-mô A Di Đà Phật là được rồi. Câu Phật hiệu ấy là danh hiệu của chư Phật. Người như vậy chính là [đạt] tiêu chuẩn “thiện” của thiện nam tử, thiện nữ nhân được nói trong kinh này. Chúng ta ngẫm xem: Tiêu chuẩn ấy không cao, chúng ta đều có phần. Nhưng quý vị phải hiểu, người không học Phật thì chẳng bàn tới, đối với tất cả những ai học Phật, họ có đạt tiêu chuẩn này hay không? Rất khó nói! Họ cũng từng niệm kinh Di Đà, khóa sáng tối mỗi ngày đều niệm, họ cũng đã từng nghe, cớ sao họ chẳng phải là thiện nam tử, thiện nữ nhân? Chư vị phải thấy rõ ràng: Cuối kinh văn còn có câu “thọ trì giả”. Nghe xong chẳng tiếp nhận, chẳng thể gìn giữ, đấy chẳng phải là thiện nam tử, thiện nữ nhân. Thọ (受) là gì? Ta thật sự tin tưởng, thật sự bằng lòng tới Tây Phương Cực Lạc thế giới. Trong mười hai thời, câu A Di Đà Phật chẳng gián đoạn, niệm đâu bèn nghĩ tại đó, thật sự làm được “tịnh niệm tiếp nối”. “Tịnh niệm tương kế” là “thọ trì”, tịnh niệm là Thọ, “tương kế” là Trì. Như thế thì mới được!
Các đồng tu niệm Phật phải ghi nhớ, những thứ tạp nhạp của thế gian và xuất thế gian đều là chướng ngại, đều phải buông xuống. Đối với những thứ chẳng thể buông xuống, không buông xuống được cũng phải buông xuống! Không buông xuống, sẽ là chướng ngại, gây chướng ngại vãng sanh trong một đời này, sẽ phiền phức to lớn, quý vị sẽ chẳng phải là “thiện nam tử, thiện nữ nhân” như kinh đã nói. Tiêu chuẩn “thiện” của thiện nam tử là “buông xuống vạn duyên”. Đối với “buông xuống”, ngàn muôn phần phải ghi nhớ, chớ nên hiểu lầm ý nghĩa. Chẳng phải là bảo quý vị buông xuống nơi Sự, nơi Sự chẳng có chướng ngại, Sự Sự vô ngại. Hãy buông xuống trong tâm, trong tâm chớ nên có. [Nghĩa là] bất luận chuyện gì, thiện pháp hay bất thiện pháp trong thế gian, Phật pháp, phi Phật pháp, đều buông xuống, chỉ là một quyển kinh này, một câu danh hiệu, bèn thành công.
Tôi khuyên lơn, khích lệ mọi người như vậy, cũng có những kẻ nêu ra ý kiến, có cách nhìn bất đồng, chê tôi nói quá võ đoán: “Há lẽ nào do một bộ kinh bèn có thể thành công ư? Dường như là ăn nói quá lố!” Chúng ta xem Vãng Sanh Truyện và Tịnh Độ Thánh Hiền Lục thời cổ, hoặc xem bộ Niệm Phật Luận của pháp sư Đàm Hư trong thời cận đại, [sẽ thấy] sách viết: Kẻ chẳng biết chữ, chưa hề nghe một bộ kinh nào, mà cũng chưa hề niệm. Do một câu danh hiệu, người ta niệm mấy năm bèn đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, biết trước lúc mất, ra đi tiêu sái tự tại dường ấy. Do một câu danh hiệu, bèn có thể thành công, huống hồ cả một bộ kinh? Chúng ta nhất định phải tin tưởng, chính mình chớ nên rối loạn bước chân. Hiện tại là thời đại thiên hạ đại loạn, “mạng người vô thường, chỉ trong hơi thở”. Há có nhiều thời gian để học tràn lan nhiều loại kinh luận ư? Chẳng kịp nữa rồi! Chúng ta phải đề cao cảnh giác điều này.
Kinh nào chẳng tốt đẹp ư? Kinh nào cũng đều tốt đẹp, nhưng kinh nào cũng đều mong học thì thời gian chẳng cho phép, hoàn cảnh chẳng cho phép. Nay chúng ta khăng khăng một mực, một bộ kinh, một câu danh hiệu; đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, nơi ấy là một thế giới thái bình, lại còn là vô lượng thọ, có đủ thời gian, có hoàn cảnh tốt đẹp, thứ gì cũng đều có thể học tập. Đấy mới là người thông minh, mới là chọn lựa thông minh. Vì thế, điều then chốt là Thọ Trì, cũng có nghĩa là ba điều kiện Tín, Nguyện, Hạnh đều trọn đủ. “Văn thị kinh” (Nghe kinh này) là Tín; “thọ trì” là Nguyện và Hạnh. Ba điều kiện Tín, Nguyện, Hạnh thảy đều trọn đủ, đức Phật nói thiện nam tử, thiện nữ nhân như vậy “giai vi nhất thiết chư Phật sở hộ niệm” (đều được hết thảy chư Phật hộ niệm).
Nay trong thế giới này, ai nấy đều thấu hiểu thế gian này chẳng có nơi nào an ổn. Bao nhiêu người hằng ngày vắt óc suy nghĩ: Do xã hội động loạn, họ mong có cách di dân đến một nơi tốt đẹp. Đi trọn khắp thế giới, chẳng có chỗ nào tốt đẹp, chẳng có nơi đâu thái bình, chẳng có một chỗ nào an ổn, quý vị tìm đâu ra? Phương pháp duy nhất là cầu chư Phật, Bồ Tát gia hộ, chúng ta liền bình an. Dùng phương pháp gì để cầu? Tín, nguyện, trì danh, tự nhiên quý vị được hết thảy chư Phật hộ niệm. Chẳng phải là một, hai vị Phật hộ niệm quý vị! Tất cả hết thảy chư Phật, chẳng có vị Phật nào không hộ niệm quý vị, phước báo của quý vị to cỡ nào! Chư vị ngẫm xem, tìm chẳng thấy người thứ hai nào có phước báo to hơn quý vị! Quý vị là người có phước báo bậc nhất trong tận hư không khắp pháp giới. Quý vị chẳng tin, chẳng mong muốn, chẳng niệm Phật thì chính là kẻ vô phước, chẳng được Phật gia hộ! Quý vị thật sự chịu tin, thật sự chịu nguyện, thật sự chịu niệm Phật, hết thảy chư Phật đều gia hộ, đều hộ niệm quý vị. Quý vị không chỉ là một người có phước báo lớn bậc nhất trên địa cầu này, cũng chẳng phải chỉ là một người có phước báo to bậc nhất trong một hệ Ngân Hà này, mà là người có phước báo to bậc nhất trong tận hư không khắp pháp giới. Được hết thảy chư Phật hộ niệm chính là phước lớn.
Câu kế tiếp nói tới trí huệ to tát, “giai đắc bất thoái chuyển” (đều được bất thoái chuyển), “giai” (皆) là đều. Bất luận là ai, chỉ cần quý vị phát tâm, phù hợp tiêu chuẩn này, bất luận quý vị là Bồ Tát, là La Hán, hay là phàm phu, thậm chí chúng sanh trong địa ngục A Tỳ, thảy đều đắc bất thoái chuyển nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đó là huệ! Người niệm Phật, huệ to bậc nhất, phước lớn bậc nhất. Vì thế, tôi nói pháp môn này là “kinh bậc nhất để mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai độ chúng sanh thoát luân hồi, thành Phật đạo”. Chư vị có thể hiểu rõ ràng ý nghĩa kinh này, sẽ tin tưởng lời tôi nói chẳng sai!
(Sớ) Chư Phật hộ niệm, cố đắc bất thoái Bồ Đề. Bất thoái nghĩa kiến tiền thích.
(疏)諸佛護念,故得不退菩提,不退義見前釋。
(Sớ: Do chư Phật hộ niệm nên được bất thoái Bồ Đề, đối với ý nghĩa của “bất thoái”, xem giải thích trong phần trước).
Bất Thoái là Vị Bất Thoái, Hạnh Bất Thoái, và Niệm Bất Thoái. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, điều thù thắng bậc nhất là: Người sanh vào thế giới Cực Lạc, dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh, cũng viên chứng ba món Bất Thoái. Chúng ta đặc biệt phải chú ý chữ Viên; viên chứng và chứng đắc bình thường sai khác rất lớn. Bậc Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo đã chứng ba món Bất Thoái, nhưng chẳng viên! Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa Bồ Tát đều chẳng viên. Viên chứng là ai? Đẳng Giác và Diệu Giác. Do vậy có thể biết: Người hạ hạ phẩm vãng sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, hễ tới Tây Phương bèn giống như bậc Đẳng Giác Bồ Tát. Người ấy có phải là Đẳng Giác hay không? Chẳng phải! Người ấy xác thực là phàm phu, chẳng đoạn một phẩm phiền não nào, đới nghiệp vãng sanh, chẳng thể nói người ấy là Đẳng Giác Bồ Tát được! Nhưng hình dạng, trí huệ, thần thông và đức năng của người ấy chẳng khác Đẳng Giác, quý vị lại chẳng thể nói người ấy là phàm phu. Chuyện này rốt cuộc là như thế nào? Do được bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì, xác thực chẳng phải là do chính người ấy chứng đắc. Thoạt nhìn, người ấy giống như Phật, giống như Quán Âm, Thế Chí, đó là do được oai thần của Phật gia trì. Vì thế, pháp môn này đúng là pháp khó tin, đúng là chẳng thể nghĩ bàn.
(Sao) Thượng trưng vân hà hộ niệm, kim xuất kỳ diêu.
(鈔)上徵云何護念,今出其繇。
(Sao: Trong phần trên đã gạn hỏi hộ niệm là gì, nay nêu nguyên do).
Trong phần trước đã từng đề cập, chư Phật Như Lai hộ niệm người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ như thế nào? Do vậy, người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ là người cát tường nhất. Bất luận ở nơi đâu, người ấy an toàn nhất, có đại phước báo, được chư Phật hộ niệm, chẳng gặp hết thảy tai nạn. “Kim xuất kỳ diêu” (Nay nêu ra nguyên do), “diêu” (繇) là nguyên nhân, nguyên do. Trong đoạn kinh văn này, đức Phật nêu bày nguyên nhân.
(Sao) Vị trì kinh cập Phật danh giả.
(鈔)謂持經及佛名者。
(Sao: Ý nói trì kinh và trì danh hiệu Phật).
Trì kinh, trì danh. “Trì kinh” chẳng phải là đọc tụng. Hằng ngày, sáng tối niệm kinh Di Đà một lượt, [ngỡ là] ta thọ trì kinh Di Đà, vậy là quý vị đã tự hiểu lầm ý nghĩa mất rồi! Ta suốt ngày từ sáng đến tối “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”, mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, [cứ ngỡ] ta đang trì danh, quý vị cũng sai mất rồi! Chỉ có đằng miệng, chẳng được! Trong tâm phải có thì mới là Trì. Quý vị miệng có, tâm không, vô dụng, chẳng được chư Phật hộ niệm. Trì là “trong tâm thật sự có”. Tôi thường nói theo lệ thường: Người thế gian thường bảo “người trong lòng”; quý vị biến A Di Đà Phật thành người trong lòng của chính mình, sẽ thành công. Đó là thật sự trì danh. Miệng niệm hay không, chẳng khẩn yếu! Trong tâm thật sự có, thật sự mong đến thế giới Tây Phương, thật sự mong sớm có ngày thấy A Di Đà Phật, phải có chân tâm, miệng niệm hay không, chẳng sao cả! Miệng niệm Phật, có hai ý nghĩa:
1) Một ý nghĩa là sợ trong tâm quên bẵng. Tâm và miệng phải tương ứng, miệng niệm hòng nhắc tâm nhớ. Trong tâm nhớ Phật, niệm Phật. Ức và niệm đều là tâm, chẳng phải là ngoài miệng.
2) Thứ hai, miệng niệm Phật ra tiếng nhằm độ chúng sanh, khiến cho chúng sanh có duyên phận nghe một câu Phật hiệu A Di Đà Phật. Câu Phật hiệu ấy thoảng qua tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo. Đó là hóa tha.
Chúng ta niệm ra tiếng là tự hành, hóa tha, dụng ý ở chỗ này, giúp đỡ kẻ khác, chẳng cần lôi kéo hoặc khuyên nhủ người ta. Tự nhiên người ấy nghe [danh hiệu] “A Di Đà Phật” lọt vào tai, là một phương pháp như vậy đó. Do vậy, thọ trì hết sức quan trọng. Trì kinh, tiếp nhận những gì được nói trong kinh điển là sự thật: Qua khỏi mười vạn ức cõi về phương Tây, thật sự “có thế giới tên là Cực Lạc. Trong cõi ấy, có Phật hiệu là A Di Đà”. Chúng ta thật sự tin tưởng, thật sự muốn vãng sanh. Trong kinh này, đức Thế Tôn khuyên chúng ta phát nguyện vãng sanh, tổng cộng là bốn lần khuyên nhủ. Đúng là một rồi hai, hai rồi ba, ba rồi bốn [lượt khuyên lơn]. Phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, đấy là Thọ. Quyết định chẳng để cho tâm nguyện ấy gián đoạn, đó là Trì. Đấy là trì kinh.
(Sao) Chư Phật hộ chi, niệm chi.
(鈔)諸佛護之念之。
(Sao: Chư Phật hộ niệm).
“Hộ” (護) là gia hộ, bảo vệ. Chư Phật che chở quý vị, bảo hộ quý vị. Chư Phật đều bảo hộ, vậy thì lẽ nào Bồ Tát, La Hán, thần hộ pháp chẳng bảo hộ? Hết thảy thiện thần đều vây quanh, bảo hộ quý vị. “Niệm” là ta niệm Phật, Phật niệm ta. Vì sao? Tâm ta và tâm Phật là một tâm, ta niệm Phật, há lẽ nào Phật chẳng niệm ta? Ta thật sự niệm Phật, Phật thật sự niệm ta. Ta niệm Phật giả dối, Phật chẳng quan tâm tới ta, đó là đạo lý nhất định. Nếu thật sự niệm, cảm ứng đạo giao chẳng thể nghĩ bàn.
(Sao) Linh bất thoái dã.
(鈔)令不退也。
(Sao: Khiến cho chẳng thoái chuyển).
Bất thoái chuyển nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đạo lý là như thế đó. Ba món Bất Thoái, nói thật ra, chẳng phải là sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới mới chứng ba món Bất Thoái. Tín tâm thanh tịnh, thật sự niệm đến mức “tịnh niệm tiếp nối”, ngay trong hiện tại đã là ba món Bất Thoái. Viên mãn ba thứ Bất Thoái, chẳng cần đợi vãng sanh, có thể chứng đắc trong hiện tại, chẳng giả tí nào!
(Sao) Hựu Đường dịch.
(鈔)又唐譯。
(Sao: Lại nữa, bản dịch đời Đường).
“Đường dịch” là bản dịch của Huyền Trang đại sư. Kinh Di Đà có hai loại bản dịch, chúng ta dùng bản dịch của Cưu Ma La Thập dịch vào đời Tấn[4]. Bản dịch kia là của Huyền Trang đại sư dịch vào thời Đường.
(Sao) Tất vị thập phương thập Căng Già sa chư Phật chi sở nhiếp thọ.
(鈔)必為十方十殑伽沙諸佛之所攝受。
(Sao: [Chép rằng]: “Ắt được mười phương mười Căng Già sa chư Phật nhiếp thọ”).
Đây là kinh văn trích từ bản dịch của Huyền Trang đại sư. La Thập đại sư dịch là sáu phương Phật, Huyền Trang đại sư dịch là mười phương Phật. Căng Già (Gaṅgā, Ganges) là sông Hằng, [người nghe kinh này, thọ trì ắt] được mười phương chư Phật nhiều như số cát trong mười sông Hằng nhiếp thọ. Ngài La Thập dịch “nhiếp thọ” (攝受) là “hộ niệm”. La Thập đại sư dịch là “giai vi nhất thiết chư Phật chi sở hộ niệm” (đều được hết thảy chư Phật hộ niệm), Huyền Trang đại sư dịch câu kinh văn này thành “tất vị thập phương thập Căng Già sa chư Phật chi sở nhiếp thọ”. “Tất vị” (必為: ắt được), Huyền Trang đại sư sử dụng giọng điệu rất khẳng định! Nhất định được hết thảy chư Phật hộ niệm.
(Sao) Tắc phi duy bất chỉ lục phương, diệc bất chỉ nhất hằng sa nhi dĩ.
(鈔)則非惟不止六方,亦不止一恆沙而已。
(Sao: Ắt chẳng phải chỉ là sáu phương, mà cũng chẳng phải chỉ là một Hằng hà sa mà thôi).
Xác thực là vô lượng vô biên Hằng hà sa số chư Phật, thật đấy! Phật hộ niệm quý vị nhiều ngần ấy, phước báo đó đúng là chỉ có Phật biết. Đẳng Giác Bồ Tát cũng chẳng có cách nào nói phước báo của quý vị to cỡ nào! Chúng ta nói đến tu phước và tu huệ thì đến nơi đâu để tu? Đến nơi nào để tu phước huệ lớn nhất, tu phước huệ tối cực viên mãn, nay quý vị đã biết, [tức là] tối nay quý vị chẳng uổng công đến đây! Phải thọ trì bộ kinh này, phải hiểu rõ nghĩa kinh. Muốn hiểu rõ nghĩa kinh, chú giải đã giúp đỡ chúng ta hết sức tốt đẹp. Nếu xem chú giải vẫn không hiểu, ở đây, chúng tôi có băng thâu âm, cũng hữu ích rất lớn cho mọi người. Phải nghe đi nghe lại băng thâu âm ấy. Thế hệ hiện thời có phước báo to hơn người thuở trước. Người thuở trước nghe kinh một lần; nếu quên mất, vĩnh viễn chẳng có cách nào [nghe lại]. Người hiện thời có băng thâu âm, có thể nghe lần thứ hai, lần thứ ba, nghe mấy trăm lượt, mấy ngàn lượt cũng chẳng khó. Chẳng thể thấu triệt, hiểu rõ ý nghĩa trong kinh, sẽ chẳng làm nổi hai chữ “thọ trì”. Nhất định là phải hiểu hết sức rõ ràng, hết sức minh bạch, chúng ta mới thọ trì kinh, thọ trì danh hiệu, mới có thể được hết thảy chư Phật hộ niệm.
(Sớ) A giả, thử vân Vô, Nậu Đa La, thử vân Thượng, Tam Miệu, thử vân Chánh Đẳng, Tam Bồ Đề, thử vân Chánh Giác, ngôn Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
(疏)阿者,此云無,耨多羅,此云上,三藐,此云正等,三菩提,此云正覺,言無上正等正覺。
(Sớ: A cõi này dịch là Vô, Nậu Đa La cõi này dịch là Thượng, Tam Miệu cõi này dịch là Chánh Đẳng, Tam Bồ Đề cõi này dịch là Chánh Giác, nói [gộp lại] sẽ là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác).
A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyak-saṃbodhi) dịch là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì sao không trực tiếp dịch thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác? Dịch kinh vào thời cổ, trong thể lệ dịch kinh có Ngũ Bất Phiên (năm loại không phiên dịch)[5]. Danh tướng này thuộc loại “tôn trọng bất phiên”, [nghĩa là] chúng ta đặc biệt tôn trọng danh tướng ấy, nên giữ nguyên âm đọc, chẳng trực tiếp dịch ý nghĩa. Như Bát Nhã cũng thuộc loại tôn trọng chẳng dịch. Chữ Phật thuộc loại “hàm đa nghĩa bất phiên”, [nghĩa là] chữ Phật Đà bao hàm rất nhiều ý nghĩa, trong tự vựng tiếng Hán chẳng tìm thấy ý nghĩa tương đương, bất đắc dĩ vẫn là phiên âm rồi mới giải thích thêm.
(Sao) Cứu cánh cực quả.
(鈔)究竟極果。
(Sao: Quả tột cùng rốt ráo).
Thật sự đạt tới đến viên mãn rốt ráo, đã “đăng phong tạo cực” trong quả báo, chẳng có gì cao hơn được!
(Sao) Đối hạ nhi ngôn, danh chi Vô Thượng. Chánh quán Chân Đế, đối tà nhi ngôn, danh chi viết Chánh.
(Diễn) Cứu cánh cực quả giả, đạo cùng Diệu Giác, vị cực ư Trà. Chứng Nhất Thiết Chủng Trí, viên quán Đệ Nhất Nghĩa Đế, đối Đẳng Giác nhi ngôn danh chi Vô Thượng, dĩ Đẳng Giác Bồ Tát do hữu vi tế vô minh vị đoạn, danh Hữu Thượng Sĩ cố. Chánh quán Chân Đế giả, Nhị Thừa tu Nhất Thiết Trí. Chánh quán Chân Đế, đối ngoại đạo tà kiến nhi ngôn, danh chi viết Chánh, dĩ cửu thập lục chủng ngoại đạo, các chấp dị kế, giai tà kiến cố.
(鈔)對下而言,名之無上。正觀真諦,對邪而言,名之曰正。
(演)究竟極果者。道窮妙覺。位極於茶。證一切種智。圓觀第一義諦。對等覺而言名之無上。以等覺菩薩猶有微細無明未斷。名有上士故。正觀真諦者。二乘修一切智。正觀真諦。對外道邪見而言。名之曰正。以九十六種外道。各執異計。皆邪見故。
(Sao: Đối với hạ mà nói, bèn gọi là Vô Thượng. Chánh quán Chân Đế: Đối với tà mà nói, bèn gọi là Chánh.
Diễn: “Quả rốt ráo tột cùng”: Đạo đạt đến Diệu Giác tột cùng, địa vị không còn gì cao hơn được nữa[6]. Chứng Nhất Thiết Chủng Trí, quán trọn vẹn Đệ Nhất Nghĩa Đế, do so với Đẳng Giác mà nói là Vô Thượng, vì Đẳng Giác Bồ Tát còn có vi tế vô minh chưa đoạn, nên gọi là Hữu Thượng Sĩ (bậc còn có người cao hơn). “Chánh quán Chân Đế”: Nhị Thừa tu Nhất Thiết Trí, chánh quán Chân Đế. Đối với ngoại đạo tà kiến mà nói, thì gọi là Chánh. Do chín mươi sáu thứ ngoại đạo, mỗi loại đều có sự chấp trước khác biệt, nhưng đều là tà kiến).
Chân Đế là chân tướng sự thật, là chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Ngài thấy rõ ràng, rành rẽ, quyết định chẳng thấy sai lầm, quyết định chẳng lệch lạc. Đó gọi là Chánh. Sai lầm, lệch lạc nghĩa là Tà.
(Sao) Đẳng quán Tục Đế, đối thiên nhi ngôn, danh chi viết Đẳng, diệc danh viết Biến.
(Diễn) Đẳng quán Tục Đế giả, Bồ Tát tu Đạo Chủng Trí, đẳng quán Tục Đế. Đối Nhị Thừa thiên quán nhi ngôn, danh chi viết Đẳng. Dĩ Nhị Thừa khí Hữu quán Không, đọa thiên kiến cố.
(鈔)等觀俗諦,對偏而言,名之曰等,亦名曰遍。
(演)等觀俗諦者。菩薩修道種智。等觀俗諦。對二乘偏觀而言。名之曰等。以二乘棄有觀空。墮偏見故。
(Sao: Bình đẳng quán Tục Đế, đối với Thiên (lệch lạc) mà nói, bèn gọi là Đẳng (bình đẳng), cũng gọi là Trọn Khắp.
Diễn: “Bình đẳng quán Tục Đế”: Bồ Tát tu Đạo Chủng Trí, nên bình đẳng quán Tục Đế. Do đối với Nhị Thừa mà nói, nên gọi là Đẳng. Bởi lẽ, Nhị Thừa bỏ Hữu quán Không, cho nên đọa vào tri kiến lệch lạc).
“Đẳng quán Tục Đế”, Tục (俗) là thế tục. Thấy rõ ràng, rành rẽ các thứ biến hóa của nhân quả, sự lý trong thế tục (tức lục phàm thế gian). Tuy sự tướng ngàn muôn sai khác, thể tánh là bình đẳng, lũ phàm phu chúng ta thấy là tuyệt đối bất bình đẳng, Phật và Bồ Tát thấy là hoàn toàn bình đẳng. Tục và Chân là bình đẳng, “danh chi viết Đẳng” (bèn gọi là Đẳng), “diệc danh viết Biến”, “Biến” (遍: trọn khắp) cũng có nghĩa là bình đẳng.
(Sao) Giác giả, linh minh tự tâm.
(鈔)覺者,靈明自心。
(Sao: Giác là linh minh tự tâm).
Đây là tâm địa, “linh” là chẳng mê mờ, “minh” là chẳng tối tăm. Tự tánh thanh tịnh tâm là quang minh, là chiếu trọn khắp. Đấy gọi là Giác.
(Sao) Chánh Giác giả, kiêm thượng Chánh Đẳng nhị nghĩa. Ngôn thử giác giả, thị Vô Thượng Chánh Đẳng chi Chánh Giác dã.
(Diễn) Chánh Giác kiêm Chánh Đẳng nhị nghĩa giả, dĩ Nhị Thừa đối ngoại đạo danh Chánh. Nhược đối Bồ Tát, khí Hữu, quán Không, diệc danh Tà cố.
(鈔)正覺者,兼上正等二義。言此覺者,是無上正等之正覺也。
(演)正覺兼正等二義者。以二乘對外道名正。若對菩薩。棄有觀空。亦名邪故。
(Sao: Chánh Giác gồm cả hai nghĩa Chánh và Đẳng trên đây. Nói tới Giác ấy thì chính là Chánh Giác Vô Thượng Chánh Đẳng vậy.
Diễn: “Chánh Giác kiêm cả hai nghĩa Chánh và Đẳng”: Do đối với ngoại đạo thì Nhị Thừa được gọi là Chánh, nhưng so với Bồ Tát, [do Nhị Thừa] bỏ Hữu để quán Không, nên cũng gọi là Tà).
Chánh Giác ở đây, nói thật ra là Chánh Đẳng Chánh Giác. Chánh Giác: Điều chứng đắc của A La Hán là Chánh Giác, [bởi lẽ] cách nhìn của Ngài đối với vũ trụ và nhân sinh chẳng đến nỗi sai lầm to lớn. Chánh Đẳng Chánh Giác là Bồ Tát, Đẳng có nghĩa là bằng với Phật. Tuy bằng Phật, chẳng viên mãn. Chẳng rốt ráo như Phật, chẳng viên mãn giống như Phật. Đạt tới địa vị Phật bèn gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đoạn này nhằm giải thích từ ngữ A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Hôm nay tôi giảng tới chỗ này.
[1] Chín đại hành tinh (tính từ hành tinh gần mặt trời nhất) là Thủy Tinh (Mercury), Kim Tinh (Venus), Địa Cầu, Hỏa Tinh (Mars), Mộc Tinh (Jupiter), Thổ Tinh (Saturn), Thiên Vương Tinh (Uranus), Hải Vương Tinh (Neptune), và Diêm Vương Tinh (Pluto). Hiện thời, Diêm Vương Tinh không được công nhận là một hành tinh.
[2] Thành ngữ Quán Chỉ (觀止) xuất phát từ sách Tả Truyện. Theo đó, công tử nước Ngô là Quý Trát đi sứ nước Lỗ. Sau khi xem biểu diễn nhạc Thiều Tiêu, đã cảm thán: “Quán chỉ tai! Nhược hữu tha nhạc, ngô bất cảm thính dĩ”. Các nhà chú giải giảng câu nói ấy có nghĩa là: “Tuyệt diệu thay! Nếu có loại nhạc khác, ta chẳng dám nghe nữa”. Do vậy, từ ngữ Quán Chỉ được dùng để chỉ những gì hay khéo đến mức độ tuyệt diệu, không còn gì có thể sánh bằng. Quý Trát tên thật là Cơ Trát, là con út của vua Ngô vương Thọ Mộng (do vậy thường gọi là Quý Trát). Ông là người nổi tiếng hiền tài, nên vua cha muốn truyền ngôi cho. Ông liền xin cha hãy truyền ngôi cho anh cả là Chư Phàn rồi bỏ trốn. Đến khi Thọ Mộng chết, Chư Phàn lại tìm đến, khuyên ông lên ngôi vua, nhưng ông cương quyết cự tuyệt. Do vậy, Chư Phàn đành phải lên ngôi vua, lập sẵn di chúc truyền ngôi cho Quý Trát. Khi Chư Phàn chết, người anh kế của Quý Trát là Dư Tế vẫn muốn tôn Quý Trát lên làm vua, nhưng Quý Trát vẫn từ chối. Vua buộc ông phải nhận đất phong là Diên Lăng. Khi Dư Tế chết, do Quý Trát vẫn từ chối vương vị, ngôi vua phải truyền cho em Dư Tế là Dư Muội. Khi Dư Muội chết, triều thần lại muốn tôn Quý Trát lên làm vua, nhưng ông lại từ chối. Do vậy, ngôi vua nước Ngô phải truyền một người con thuộc dòng thứ của Thọ Mộng là Vương Liêu. Con trai của Dư Muội là công tử Quang không phục bèn mưu sát Liêu, lên làm vua, tức là Ngô vương Hạp Lư (cha của Phù Sai).
[3] “Thiết Thụ” ở đây không phải là cây bằng sắt, mà là tên một loài cây có tên khoa học là Cycas Revoluta, ta thường gọi là cây Vạn Tuế. Cây này còn được gọi bằng các danh xưng Tô Thiết, Bích Hỏa Tiêu, Phượng Vĩ Tiêu, Phượng Vĩ Tùng hoặc Phượng Vĩ Thảo.
[4] Xin lưu ý, ở chỗ này, không phải là hòa thượng Tịnh Không nói sai. Tuy bản dịch kinh Di Đà của ngài Cưu Ma La Thập thường ghi là “Diêu Tần Tam Tạng pháp sư Cưu Ma La Thập phụng chiếu dịch”, nhưng thật ra vương triều lớn nhất thời đó tại Trung Hoa là nhà Tấn (Sử thường gọi là nhà Đông Tấn). Diêu Tần, còn gọi là nhà Hậu Tần, chỉ chiếm lãnh địa bàn tỉnh Thiểm Tây và một phần các tỉnh lân cận, trong khi lãnh thổ Đông Tấn chiếm gần như hai phần ba lãnh thổ Trung Hoa. Đồng thời tồn tại với nhà Hậu Tần còn có các quốc gia Tây Tần, Hậu Lương, Tây Yên, Bắc Ngụy và Hậu Yên. Nhà Hậu Tần chỉ tồn tại từ năm 384 đến năm 417, gồm ba đời vua, trong khi nhà Tấn kéo dài từ năm 266 đến năm 420 với hoàng đế khai quốc là Tấn Vũ Đế (Tư Mã Viêm). Tư Mã Viêm đã truất phế Tào Nguyên Đế (Tào Hoán), tức vị vua cuối cùng của nhà Tào Ngụy do Tào Phi (con trai Tào Tháo sáng lập) để lập ra nhà Tấn. Năm 420 là năm quyền thần Lưu Dụ ép vua Tấn Cung Đế (Tư Mã Đức Văn) thoái vị, lập ra nhà Lưu Tống, nhà Tấn thật sự diệt vong. Kinh Di Đà được dịch tại kinh đô Trường An nước Tần trong niên hiệu Hoằng Thỉ của Diêu Tần Cao Tổ Hoàn Hoàng Đế (Diêu Hưng), nên ghi quốc hiệu là Diêu Tần. Nếu xét theo niên đại toàn cõi Trung Hoa thì có thể nói là kinh dịch vào đời Đông Tấn.
[5] Ngũ Bất Phiên là năm nguyên tắc phiên dịch do ngài Huyền Trang đề ra, tức là khi dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán, nếu gặp năm trường hợp sau đây, sẽ chỉ phiên âm, không dịch nghĩa:
1) Bí mật bất phiên: Như các chữ trong Đà La Ni, vì là từ ngữ bí mật có ý nghĩa thậm thâm chẳng thể nghĩ bàn, nên chẳng phiên dịch. Nếu chỉ nhìn vào mặt văn tự để phiên dịch, sẽ trở thành ngô nghê, đánh mất vô lượng nghĩa thẳm sâu của chú ngữ.
2) Hàm đa nghĩa bất phiên: Nếu một danh từ có quá nhiều ý nghĩa thì chẳng dịch. Như danh xưng Bạc Già Phạm (Bhagavān) bao hàm sáu ý nghĩa “tự tại, xí thịnh, đoan nghiêm, danh xưng, cát tường, tôn quý”, nên chẳng dịch nghĩa.
3) Thử vô bất phiên: Những từ ngữ nói đến các sự vật chẳng có ở Trung Hoa bèn chẳng dịch, ví dụ chim Ca Lăng Tần Già, cây Diêm Phù Đề v.v…
4) Thuận cổ bất phiên: Tuân theo cổ lệ chẳng dịch nghĩa, như A Nậu Bồ Đề (Anubodhi: Vô Thượng Bồ Đề), chẳng phải là không thể dịch nghĩa, nhưng từ thời cổ đến nay, các vị dịch sư thời cổ chỉ dịch âm, nên nay tuân theo lệ ấy, không dịch.
5) Sanh thiện cố bất phiên (Tôn trọng bất phiên): Như Bát Nhã gợi lên sự tôn trọng, sanh khởi thiện căn, nên không dịch. Chứ nếu chỉ dịch là trí huệ thì sẽ bị hiểu lầm là trí huệ thông thường của thế gian.
[6] Nguyên văn “vị cực ư Trà”: Trong mẫu tự Phạn văn, có năm mươi hai mẫu tự, chữ Trà (kṣa) là mẫu tự cuối cùng, nên “‘vị cực ư Trà’ là địa vị đã đạt đến chữ Trà, sau đó không còn gì nữa”. Vì thế, “vị cực ư Trà” thường được dùng làm thành ngữ để diễn tả địa vị cao tột, tối hậu, không còn gì có thể cao hơn được nữa.