Tập 272/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 01-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 272

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm sáu mươi bảy:

(Sớ) Hựu tín tức tâm tịnh, như Duy Thức thuyết.

(Sao) Thành Duy Thức Luận vân: “Tín giả, vị ư thật, đức, năng, thâm nhẫn lạc dục, tâm tịnh vi tánh. Hà ngôn tâm tịnh? Dĩ tâm thắng cố, như thủy thanh châu, năng thanh trược thủy. Hựu chư nhiễm pháp, các tự hữu tướng. Duy hữu bất tín, tự tướng hồn trược, phục năng hồn trược dư tâm, tâm sở, như cực uế vật, tự uế, uế tha. Tín chánh phiên bỉ, cố tịnh vi tướng”. Kim tu Tịnh Độ, chủ hồ tâm tịnh. Tín vi cấp vụ, minh diệc thậm hỹ!      

()又信即心淨,如唯識說。

()成唯識論云:信者,謂於實德能,深忍樂欲,心淨為性。何言心淨,以心勝故,如水清珠,能清濁水。又諸染法,各自有相,唯有不信,自相渾濁,復能渾濁餘心心所,如極穢物,自穢穢他。信正翻彼,故淨為相。今修淨土,主乎心淨。信為急務,明亦甚矣。

          (Sớ: Tín lại chính là tâm tịnh như Duy Thức đã nói.

          Sao: Thành Duy Thức Luận[1] viết: “Tín là nói tới đức, năng, thật, thâm nhẫn, thâm lạc, thâm dục, tâm tịnh là tánh”. Vì sao nói là tâm tịnh? Do tâm thù thắng vậy. Giống như thủy thanh châu có thể lắng trong nước đục. Lại nữa, các pháp ô nhiễm, mỗi pháp đều có tướng riêng. Chỉ có bất tín là tướng của chính nó vẩn đục, lại còn có thể làm vẩn đục các tâm và tâm sở khác, giống như một vật tột cùng ô uế, chính nó đã ô uế, lại còn làm các vật khác bị ô uế lây. Do Tín có thể thay đổi tướng ấy (tướng dơ bẩn vì bất tín) nên lấy tịnh làm tướng”. Nay tu Tịnh Độ thì lấy tâm tịnh làm điều chủ yếu. Tín là việc cấp bách cũng đã rõ rành rành).

          Đây là đại sư rát miệng buốt lòng khuyên bảo, chẳng ngại tốn công dẫn kinh trích điển, nhằm bảo rõ cùng chúng ta: “Tín là trọng yếu”. Có rất nhiều đồng tu niệm Phật thường nói: “Tôi niệm Phật rất lâu, tâm vẫn chẳng thanh tịnh, vẫn chẳng thể đạt được hiệu quả”. Nay chúng ta đọc đoạn kinh văn này, hãy nên hiểu rõ câu trả lời. Niệm Phật chẳng đạt được hiệu quả thật sự, vẫn là do tín tâm chẳng đủ. Chúng ta thường nói là “công phu chẳng đủ”, công phu là gì? Tín, Nguyện, Hạnh gọi là công phu. Ba điều này khuyết một thì trên thực tế, hiệu quả sẽ rất khó thành tựu. Nếu có thể trong một thời gian ngắn ngủi mà đạt được hiệu quả thù thắng nhất, chỉ có một phương pháp là y giáo phụng hành. Đối với những phương pháp do đức Phật đã dạy trong kinh, chúng ta phải nghiêm túc thực hiện. Ở đây, đại sư nói rất hay: “Tín tức tâm tịnh”, [nghĩa là] Tín là tâm địa thanh tịnh. “Tín tâm thanh tịnh, tắc sanh Thật Tướng” (Tín tâm thanh tịnh bèn sanh Thật Tướng), đức Phật đã nói điều này trong kinh Kim Cang. Có thể thấy tín tâm xác thực là như kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Tín là nguồn đạo, mẹ công đức”, lời này là thật. Đại sư trích dẫn một đoạn trong Thành Duy Thức Luận nhằm chỉ rõ câu nói ấy (“Tín tức tâm tịnh”) là có căn cứ, chẳng phải là nói tùy tiện. Thành Duy Thức Luận có nói: “Tín giả, ư thật đức năng” (Tín là đối với thật, đức, năng), thuộc trong ba chuyện ấy, tức là Thật, Đức và Năng. “Thâm nhẫn lạc dục”: Thâm nhẫn, thâm lạc, thâm dục. Hiểu ý nghĩa của sáu chữ “thật, đức, năng, nhẫn, lạc, dục”, sẽ tự nhiên hiểu [ý nghĩa của] đoạn trích từ bộ luận ấy.

          (Diễn) Ư thật đức năng, thâm nhẫn lạc dục giả, vị: Ư Thật tắc thâm nhẫn, ư Đức tắc thâm lạc, ư Năng tắc thâm dục dã.

          ()於實德能,深忍樂欲者,謂於實則深忍,於德則深樂,於能則深欲也。

          (Diễn: “Đối với thật, đức, năng, thâm nhẫn, thâm lạc, thâm dục”: Ý nói đối với Thật bèn nhẫn sâu xa, đối với Đức bèn vui thích sâu xa, đối với Năng bèn ưa muốn sâu xa).

          Chữ Thâm (深) xuyên suốt cả ba chữ [nhẫn, dục, lạc].

(Diễn) Bát Thức Quy Củ vân: “Thâm nhẫn giả, ư chư pháp thật sự, thật lý, thâm tín minh khế, nhẫn khả ư tâm, bất vị hư vọng sự lý chi sở chuyển cố.

()八識規矩云:深忍者,於諸法實事實理,深信冥契,忍可於心,不為虛妄事理之所轉故

(Diễn: Bát Thức Quy Củ[2] nói: “Thâm nhẫn là đối với thật sự và thật lý của các pháp, tin sâu, ngầm khế hợp, tâm thừa nhận, khẳng định, chẳng bị xoay chuyển bởi sự lý hư vọng”).

                   Đây là “thâm nhẫn” được nói trong Bát Thức Quy Củ Tụng. Nay chúng ta nói Nhẫn là “khẳng định”. “Thâm nhẫn” là tin tưởng rất sâu, hoàn toàn khẳng định, đối với điều gì? Đối với hết thảy các pháp, cũng là như nay chúng ta nói “chân tướng của vũ trụ và nhân sinh”, Sự chân thật, Lý chân thật. Vũ trụ và nhân sinh do đức Phật đã dạy trong kinh xác thực là chân tướng, chân lý, chúng ta tin tưởng sâu xa. Tin sâu chẳng phải là mờ mịt, chẳng phải là mê tín, mà cũng chẳng phải là “hễ đức Phật nói, chúng ta đều tin tưởng”. Tin kiểu ấy thuộc loại mê tín. Chúng ta ắt cần phải chứng nhập cảnh giới ấy. Đối với những gì đức Phật đã dạy, chúng ta đích thân chứng minh “đức Phật dạy chẳng sai”, niềm tin ấy mới là Chân Tín. Chúng ta chẳng thấy, nghe đức Phật nói như thế, bèn cũng tin như thế, niềm tin kiểu đó là tin tưởng miễn cưỡng. Đương nhiên, đức Phật chẳng lừa chúng ta, chúng ta tin tưởng lời Phật dạy, đó gọi là Thánh Ngôn Lượng (聖言量). Đức Phật là thánh nhân, chẳng lừa gạt người khác. Tuy chúng ta chẳng hiểu rõ sự lý ấy, chúng ta vẫn có thể tin tưởng lời Phật dạy, lòng tin ấy gọi là Chánh Tín. Chánh Tín là tin tưởng đức hạnh và nhân cách của đức Phật, Ngài chẳng lừa gạt người khác. Sâu hơn một tầng so với lòng tin kiểu ấy là chúng ta hoàn toàn lý giải, đối với các đạo lý thảy đều hiểu rõ, tín tâm bèn sâu xa. Đó là Thâm Tín. Vì sao? Chẳng phải là nghe đức Phật nói chúng ta bèn tùy tiện tin ngay, xác thực là có lý luận để làm căn cứ, hữu lý, chuyện ấy đương nhiên là có khả năng. Sâu hơn một tầng nữa là Chân Tín, [tức là lòng tin của người đã] nhập cảnh giới của Phật. Đối với cảnh giới do đức Phật đã thấy, bản thân chúng ta cũng thấy, lòng tin ấy gọi là Chân Tín. “Thâm tín” được nói ở đây có đủ cả ba tầng ý nghĩa. Chỉ cần chúng ta tin sâu Thánh Ngôn Lượng chẳng nghi, bèn đạt được lợi ích trong hiện tiền. Muốn đạt tới tầng bậc cao hơn, phải cậy vào công phu tu chứng của chính mình.

“Nhẫn khả ư tâm” là trong tâm thừa nhận, khẳng định, chẳng có mảy may hoài nghi. “Bất vị hư vọng sự lý chi sở chuyển” (Chẳng bị xoay chuyển bởi sự lý hư vọng), sự lý hư vọng là gì? Chúng ta dùng một tiêu chuẩn nông cạn nhất để nói: Những gì kẻ khác nói chẳng tương ứng với lời Phật dạy, đó là hư vọng, chẳng phải là chân thật. Do nguyên nhân nào? Chư vị nhất định phải hiểu: Những gì đức Phật đã nói chính là cảnh giới Hiện Lượng, [tức là cảnh giới do chính Ngài] đích thân mắt thấy, tai nghe, những điều ấy làm sao còn có thể sai trật cho được? Tây Phương Cực Lạc thế giới cách cõi này mười vạn ức cõi Phật, nhãn quang của đức Phật sắc bén hơn chúng ta. Đức Phật ngồi ở nơi đây, thấy Tây Phương Cực Lạc thế giới rành rành. A Di Đà Phật giảng kinh, thuyết pháp bên đó, Ngài cũng nghe rõ ràng; đó gọi là cảnh giới Hiện Lượng. Ngài chẳng cậy vào tưởng tượng suông, chẳng phải là suy đoán, đó là cảnh giới Hiện Lượng. Người chẳng có năng lực này, tối đa là cảnh giới Tỷ Lượng (cảnh giới do suy luận dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ). Trong Tỷ Lượng vẫn có thể phạm sai lầm, chỉ riêng Hiện Lượng là chẳng sai lầm. Do vậy, nhất định phải dùng lời đức Phật dạy làm tiêu chuẩn. Đức Phật là ngũ nhãn viên minh, Ngài đích thân trông thấy chân tướng của vũ trụ và nhân sinh.

Nhưng điều quan trọng hơn là Phật pháp có Đại Thừa và Tiểu Thừa, Phật pháp có nhiều tông phái, pháp do đức Phật đã nói có liễu nghĩa và bất liễu nghĩa. Vì sao đức Phật phải thuyết pháp như vậy? Đối với một kẻ nghiệp chướng nặng nề, phiền não tập khí sâu đậm, đức Phật nói với kẻ ấy chân tướng sự thật, kẻ ấy chẳng thể tiếp nhận, kiên quyết chẳng tiếp nhận. Ví như nói về Tây Phương Cực Lạc thế giới, không chỉ là rất nhiều kẻ bình phàm trong thế gian chẳng tiếp nhận, mà ngay trong các đồng tu học Phật cũng [có rất nhiều người] chẳng thể tiếp nhận, số ấy rất đông! Những người học những tông phái khác chẳng thể tiếp nhận [pháp môn Tịnh Độ]! Nhà Phật nói “lục đạo luân hồi”, hiện thời những phần tử trí thức cao cấp đã tiếp nhận “phép rửa tội” của khoa học sẽ chẳng thể nào đồng ý được. Họ bảo đó là chuyện vô căn cứ, hoang đường, quái đản! Nói với những kẻ đó, sẽ chẳng thể thông suốt được.

Do vậy, đức Phật ứng cơ thuyết pháp. Quý vị chẳng tin luân hồi, Ngài không nói đến chuyện luân hồi, chỉ nói chuyện trước mắt, quý vị có thể thấy, có thể tư duy, tưởng tượng được, bàn với quý vị những chuyện đó. Còn những chuyện quý vị chẳng thấy, chẳng nghĩ được, chắc chắn là Ngài chẳng nói đến. Người có thể tin lời Phật thì đức Phật mới nói lời chân thật với họ. Đó gọi là “cơ duyên chín muồi”, đức Phật bèn nói pháp chân thật với họ. Họ mới có thể thật sự giải quyết vấn đề ngay trong một đời này, vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử, luân hồi. Chẳng phải là ai cũng có phước ấy, chẳng phải là ai cũng đều có cơ duyên ấy. “Thâm nhẫn” là đối với những chân tướng sự thật do đức Phật đã dạy, [bèn có thể tiếp nhận, tin tưởng sâu xa]. Tây Phương Cực Lạc thế giới quyết định là sự thật, lục đạo luân hồi cũng là sự thật, tuyệt đối chẳng giả!

          (Diễn) Thâm lạc giả.

          ()深樂者。

          (Diễn: Vui thích sâu xa).

          “Thâm lạc” là hết sức hoan hỷ. Hoan hỷ là gì?

          (Diễn) Ư Tam Bảo thanh tịnh Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát.

          ()於三寶清淨法身般若解脫。

          (Diễn: Đối với Pháp Thân, Bát Nhã và Giải Thoát thanh tịnh trong Tam Bảo).

          Chúng ta thường nói đến Tam Bảo. Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng, đấy là [cách hiểu theo] quan niệm của mọi người. Đó chỉ là bề ngoài của Tam Bảo, là Tam Bảo hình thức, chẳng có tác dụng to lớn cho lắm. Nếu quý vị biết dùng, sẽ hữu ích cho quý vị. Quý vị chẳng biết dùng, nói thật ra, hoàn toàn chẳng có lợi ích gì cả! Tam Bảo thật sự chính là Pháp Thân, Bát Nhã và Giải Thoát được nói tới ở đây. Pháp Thân là Phật Bảo, Bát Nhã là Pháp Bảo, Giải Thoát là Tăng Bảo, Tam Bảo thanh tịnh! Tam Bảo ở chỗ nào? Tam Bảo ở trong nhất tâm, chẳng ở bên ngoài, bên ngoài chẳng có! Tam Bảo hình thức là Phật, Pháp, Tăng; khi người học Phật biết ứng dụng, hình thức ấy sẽ thời thời khắc khắc nhắc nhở chúng ta. Chúng ta thấy tượng Phật, bèn nghĩ tới Pháp Thân, thấy kinh bổn bèn nghĩ tới Bát Nhã, thấy người xuất gia, bèn nghĩ tới Giải Thoát. Đó là đúng. Tác dụng lớn nhất của Tam Bảo hình thức là thời thời khắc khắc nhắc nhở, cảnh giác chúng ta: Chớ nên quên mất Tam Bảo. Trong Tam Quy, [Tam Bảo] là Giác, Chánh, Tịnh. Pháp Thân là Giác, tức Bổn Giác; Bát Nhã là Chánh; Giải Thoát là Thanh Tịnh. Đấy là “một mà ba, tuy ba mà một”.

           (Diễn) Chân tịnh đức trung, thâm tín, hảo nhạo, bất vị vọng nhiễm tà đức chi sở hoặc cố.

          ()真淨德中,深信好樂,不為妄染邪德之所惑故。

          (Diễn: Trong tịnh đức chân thật, tin sâu, ưa thích, chẳng bị mê hoặc bởi tà đức vọng nhiễm).

          Ý nghĩa của câu này tuy không quá sâu, vẫn là chẳng dễ lãnh hội. Trong Tam Quy nói “giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ chẳng nhiễm”, chính là ý nghĩa này. Nếu chúng ta hết sức yêu thích Giác, Chánh, Tịnh, đó là đúng, đó chính là đức. Giác, Chánh, Tịnh là đức, Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát gọi là Tam Đức. Tự tánh trọn đủ Tam Đức, chúng ta phải thường giác, phải thường chánh, phải thường thanh tịnh.

          (Diễn) Thâm dục giả.

          ()深欲者。

          (Diễn: Thâm dục là…)

          “Dục” (欲) là hy vọng. Chúng ta mong đợi, hy vọng, mong mỏi sâu đậm nhất.

          (Diễn) Ư nhất thiết thế xuất thế thiện, thâm tín hữu lực, năng đắc thiện báo, năng thành đạo quả, khởi hy vọng tâm, cầu tất đắc cố.

()於一切世出世善,深信有力,能得善報,能成道果,起希望心,求必得故。

(Diễn: Đối với hết thảy điều thiện thế gian và xuất thế gian, tin sâu xa là chúng có sức mạnh [khiến cho người làm lành] có thể đạt được thiện báo, có thể thành tựu đạo quả, dấy lòng hy vọng ắt sẽ đạt được [những điều mong mỏi ấy]).

 Nhà Phật thường nói: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng” (trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng). Lời này là thật, tuyệt đối chẳng phải là dối người, có cầu ắt ứng! Trong Liễu Phàm Tứ Huấn, thiền sư Vân Cốc đã giảng đạo lý này cho tiên sinh Viên Liễu Phàm rất rõ ràng, rất thấu triệt. Nếu quý vị đọc kỹ, suy nghĩ sâu sắc, sẽ có thể hiểu rõ chuyện “hữu cầu tất ứng” (có cầu ắt ứng) trong nhà Phật. Tiên sinh Liễu Phàm chẳng cầu mong nhiều nhõi gì! Tâm lượng của ông ta chẳng lớn, cho nên mong cầu rất hữu hạn. Trong mạng ông ta chẳng có công danh; công danh xưa kia là Cử Nhân hay Tiến Sĩ. Trong mạng ông ta chẳng có [những học vị ấy, thế mà] ông ta cầu công danh bèn đạt được, đã đậu Cử Nhân rồi về sau lại đỗ Tiến Sĩ. Trong mạng ông ta chẳng có con cái, ông ta chiếu theo phương pháp ấy để cầu, sanh được hai đứa con ngoan ngoãn. Ông chẳng cầu sống lâu, mà cũng được trường thọ. [Theo Khổng tiên sinh đoán định], thọ mạng của ông ta là năm mươi ba tuổi, [vậy mà] sống đến bảy mươi mấy tuổi!

Tâm lượng to lớn thì chúng ta mong cầu điều gì? Chúng ta phải cầu thành Phật; phước báo trong nhân gian quá nhỏ, vặt vãnh chẳng đáng kể, nhất định là phải cầu thành Phật viên mãn. Thành Bồ Tát vẫn chưa đủ, giống như Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, vẫn chưa đáng để vào mắt! Nhất định là phải cầu thành Phật, mong cầu ấy mới thật sự đạt đến viên mãn rốt ráo. Có thể cầu được hay không? Quyết định là có thể cầu được. Có thể cầu thành Phật được, những thứ khác có thể cầu được hay không? Trong pháp thế gian và xuất thế gian, khó nhất là thành Phật. Vượt thoát lục đạo luân hồi chẳng khó, A La Hán đã làm được. Do vậy, chúng ta phải cầu viên mãn, rốt ráo, nhất định phải cầu viên thành Phật đạo. Cách cầu như thế nào? Nương theo đạo lý và phương pháp do đức Thế Tôn và chư Phật đã dạy trong kinh này; trong một đời này, quý vị chắc chắn có thể đạt được, đấy là chân thật chẳng thể nghĩ bàn. Trong các điều thiện thế gian và xuất thế gian, đấy là điều thiện thứ nhất, đại thiện viên mãn rốt ráo chính là viên thành Phật đạo.

“Thâm tín hữu lực” (Tin sâu có sức mạnh), đối với chính mình phải có tín tâm. Trong Di Đà Kinh Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói về sáu thứ Tín. Thứ nhất là tin tưởng chính mình, chính là điều đang được nói ở đây. Thứ nhất là tin tưởng chính mình: Trong một đời này, ta quyết định có thể thành Phật, đó là quả. Vì sao khẳng định và nắm chắc như thế? Trước đó đã có nhân, ta tin tưởng những phương pháp do đức Phật đã giảng ta đều có thể làm được, đó là nhân. Tin tưởng chính mình có thể làm được những phương pháp do đức Phật đã nói, quả báo trong tương lai đương nhiên thành tựu. Nhân và quả nhất định tương ứng. Trong đoạn kinh văn này, đức Phật rát miệng buốt lòng khuyên dạy, khích lệ chúng ta, hòng kiến lập tín tâm sâu đậm nhất: “Năng đắc thiện báo, năng thành đạo quả” (Có thể đạt được thiện báo, có thể thành tựu đạo quả). Chúng ta gặp phải hết thảy tai nạn và chướng ngại trong thế gian và xuất thế gian, tự nhiên đều có thể hóa giải, đều có thể tiêu trừ. Đó gọi là “gặp dữ hóa lành, gặp tai nạn trở thành an tường”, đó là thiện báo. Đạo quả là chứng quả. Chứng quả đầu tiên là vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thân cận A Di Đà Phật. Chứng quả lần thứ hai là ở trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, viên mãn Bồ Đề, thành Đẳng Chánh Giác, thành Phật. Phải tin tưởng chính mình nhất định có thể thành tựu đạo quả, tin tưởng chính mình nhất định đạt được thiện báo. Hai thứ ấy đều thuộc về quả. Trước khi có quả, phải tu nhân. Nếu chẳng có nhân hạnh, quả báo ấy là giả, chẳng thật. Nhân nhất định là đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, thật thà niệm Phật, như vậy là được. Đối với thiện báo và đạo quả, quý vị nhất định có hy vọng, “khởi hy vọng tâm, cầu tất đắc cố” (dấy lòng hy vọng, cầu ắt đạt được).

          (Diễn) Ư trung nhẫn khả thị tín nhân.

          ()於中忍可是信因。

          (Diễn: Nhẫn khả những điều ấy, đó chính là cái nhân của Tín).

          Chúng ta tin tưởng những gì đức Phật đã giảng về chân tướng của vũ trụ và nhân sinh.

          (Diễn) Lạc dục thị tín quả.

          ()樂欲是信果。

          (Diễn: Lạc và dục là quả của Tín).

          Thâm lạc và thâm dục là quả của Tín.

          (Diễn) Tri chi tất háo chi dã.

          ()知之必好之也。

          (Diễn: Đã biết ắt sẽ ham thích).

          Nói cách khác, đối với những điều ấy, nếu quý vị vẫn chẳng dấy lòng ưa chuộng, chẳng sanh khởi lòng hy vọng, thì nói cách khác, quý vị chẳng liễu giải chân tướng sự thật. Có những đồng tu niệm Phật được một thời gian, tới nói với tôi họ chẳng thể tiếp tục niệm nữa, đến hỏi tôi phải làm sao? Quý vị hãy nghĩ xem: “Niệm không nổi thì nên làm sao? Vì sao có những người niệm rất ngon lành?” Nói thật ra, niệm năm kinh Tịnh Độ nhuần nhuyễn như thế, lẽ ra phải nên nói ra câu trả lời dễ dàng! Trong kinh, đức Phật đã dạy rất rõ ràng: Niệm Phật đến mức chẳng có chướng ngại, niệm thật sự có cảm ứng, rất có thọ dụng, chính là hai hạng người:

1) Một loại là người tin sâu chẳng nghi ngờ những lời đức Phật đã dạy trong kinh. Đó là người thiện căn và phước đức sâu dầy. Người ấy chẳng có chướng ngại, càng niệm càng hoan hỷ.

2) Một hạng người khác là người hiểu rõ ràng minh bạch những đạo lý do đức Phật đã dạy, biết chọn lựa như thế nào. Trong vô lượng pháp môn, người ấy đều nhận biết rõ ràng, đương nhiên sẽ chọn pháp môn người ấy cần thiết nhất. Giống như trong Quán Kinh, phu nhân Vi Đề Hy gặp nạn, cầu đức Phật giúp đỡ. Bà cảm thấy thất vọng quá lớn đối với thế gian này, hỏi đức Phật: “Có thế giới nào khác là một thế giới thanh tịnh, con có thể lìa khỏi đời ác ngũ trược này để sanh về một cõi Phật thanh tịnh hay không?” Thích Ca Mâu Ni Phật dùng thần lực khiến cho các thế giới của chư Phật trong mười phương đều biến hiện trước mặt bà ta, giống như chúng ta xem TV trông thấy hình ảnh. Sau khi đã xem trọn khắp, bà ta chọn thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật. Do vậy, Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng phải do đức Thế Tôn giới thiệu cho phu nhân Vi Đề Hy, mà do phu nhân Vi Đề Hy tự mình chọn lựa.

Hai hạng người ấy niệm Phật tâm bất thoái, càng niệm càng hoan hỷ, niệm được tương ứng. Nếu chẳng phải là hai loại người ấy, sẽ niệm chẳng nổi, sẽ ngã lòng. Đó là hiện tượng tất nhiên. Đối với y báo và chánh báo trang nghiêm trong thế giới Tây Phương, người ấy chẳng hiểu cho mấy, còn hoài nghi, vẫn chẳng thể hoàn toàn tin tưởng, cho nên mới ngã lòng. Đã thật sự biết, nhất định sẽ ưa chuộng. Phật pháp xác thực là “tri nan, hành dị”, [nghĩa là] biết rất khó, hành dễ dàng. Đặc biệt là pháp môn Tịnh Độ, đấy là pháp khó tin. “Tin khó, hành dễ”, pháp ấy tu hành xác thực là hết sức dễ dàng, hết sức thuận tiện. Trong xã hội hiện tiền, mọi người chẳng có cách nào thoát ly cuộc sống hiện thực. Tuy thời đại dường như là tiến bộ hằng ngày, khoa học kỹ thuật đổi khác hằng ngày, hằng tháng, cuộc sống của nhân dân dường như ngày càng giàu có hơn, tôi dùng từ ngữ “dường như”, chẳng phải là khẳng định. Vì sao chẳng phải là khẳng định? Nếu so giữa chúng ta và cổ nhân, chúng ta phải trả giá cho cuộc sống hiện thời quá lớn. Nói cách khác, cái được không bù đắp nổi cái mất, chẳng bằng cổ nhân! Cổ nhân tuy chẳng có đèn điện, máy lạnh, ra khỏi cửa chẳng có xe hơi, tâm cổ nhân thanh tịnh, thanh nhàn, tự tại; nay chúng ta là tâm tình gì? Trả một cái giá nặng nề ngần ấy để đổi lấy một chút hưởng thụ vật chất; tính toán kỹ một phen, chẳng bõ công! Thật đấy! Cổ nhân sống cuộc đời của nhân loại, nay chúng ta sống một cuộc đời chẳng ra người, có đôi chút giống như yêu ma, quỷ quái. Đây là nói rõ: Tín tâm chính là mấu chốt quyết định sự thành bại!

Chúng ta lại xem phần Sao. “Tâm tịnh vi tánh” (Tâm tịnh là tánh), “tánh” là Chân Như bản tánh, là chân tâm lý thể của chúng ta. Chân tâm là gì? Bản tánh là gì? Tâm tịnh là tự tánh. Nói cách khác, tâm thanh tịnh là Chân Như bản tánh. Trong kinh luận Đại Thừa, Phật, Bồ Tát coi trọng tâm thanh tịnh như vậy là có đạo lý. Pháp môn Tịnh Tông tu tập từ tâm thanh tịnh. Để viên thành đạo quả trong Phật pháp, chỉ có ba môn là Giác, Chánh, Tịnh. Thiền Tông, Tánh Tông từ Giác Môn mà chứng đạo, trong Thiền Tông nói là “đại triệt, đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Ngoài Thiền Tông là Giáo Hạ, như Hiền Thủ, Thiên Thai, Tam Luận, Pháp Tướng Duy Thức đều thuộc về Giáo Hạ, họ thành tựu từ Chánh Môn, chánh tri chánh kiến, đại khai viên giải, thành tựu Vô Thượng Bồ Đề như thế đó. Tịnh Độ Tông không theo hai môn này, mà đi theo Tịnh Môn. Giác Môn thì phải là bậc thượng căn lợi trí mới có phần, giống như Lục Tổ đã nói: Đối tượng tiếp dẫn của Ngài là người thượng thượng thừa thì mới có hy vọng. Thấp hơn thượng thượng thừa, căn tánh Đại Thừa thì đều chẳng được, đều chẳng có hy vọng. Do vậy, chúng ta đi theo môn đó sẽ không suông sẻ, tiêu chuẩn quá cao! Chánh Môn cũng chẳng dễ đi. Nói thật ra, đối với Chánh Môn, chúng ta có tư cách và cũng có năng lực, nhưng thời gian quá lâu, lộ trình quá dài, giống như đi học, [lần lượt học] Tiểu Học, Trung Học, Đại Học, nghiên cứu sinh, phải mất vài chục năm. Đó là tỷ dụ. Trong Phật môn, Giáo Hạ phải mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp, hoặc phải mất vô lượng kiếp, thời gian quá dài, quá xa xôi. Do vậy, Tịnh Tông không đi theo hai lộ trình ấy, mà đi theo một con đường đặc biệt phương tiện thiện xảo là tâm thanh tịnh, tu điều này. Chỉ cần tâm thanh tịnh, tâm tịnh ắt cõi tịnh, hành nhân liền nhập môn. Chư vị quyết định chớ nên sơ sót điều này!

          Niệm Phật đến trình độ nào thì mới biết chính mình có nắm chắc vãng sanh hay không? Cũng có đồng tu đến hỏi tôi: “Con phải niệm bao lâu mới biết chính mình khi nào sẽ vãng sanh?” Người ấy đến hỏi tôi, tôi liền thật thà bảo người ấy: – Hễ trong tâm quý vị có ý niệm ấy, suốt một đời này, quý vị sẽ chẳng thể vãng sanh! Vì sao? Xen tạp! Tâm quý vị chẳng thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh, chẳng thể vãng sanh. Chớ nên xen tạp, cứ thật thà niệm, nước chảy mãi thành giòng! Quý vị giữ ý niệm ấy, sẽ chẳng phải là thật thà. Chẳng thật thà, làm sao có thể thành tựu cho được? Xác thực là chúng ta phải cầu nhất tâm bất loạn, nhưng chớ nên giữ ý niệm cầu nhất tâm bất loạn trong tâm, [giữ] như vậy là hỏng, sai mất rồi! “Cầu” là nguyện, có nguyện ấy, nhưng chớ nên có ý niệm ấy. Hễ có ý niệm ấy, sẽ hỏng chuyện, chỉ một mực thật thà niệm là được rồi! Do vậy, chúng ta từ tâm thanh tịnh tiến nhập, chỉ niệm một câu Phật hiệu. Phật hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn! Trong đoạn kinh văn này, càng nói cụ thể hơn cho chúng ta biết. Đức Thế Tôn dạy: “Văn thị kinh” (Nghe kinh này), tức là nghe kinh A Di Đà, “thọ trì giả” là hành trì theo kinh A Di Đà, “cập văn chư Phật danh giả” (cùng nghe danh hiệu của chư Phật), nói rất rõ ràng, minh bạch: “Tức đắc nhất thiết chư Phật chi sở hộ niệm” (Liền được hết thảy chư Phật hộ niệm), chính là nói tới phước báo, chuyện này chẳng thể nghĩ bàn! Quý vị được hết thảy chư Phật gia hộ, gia trì, hộ niệm, còn gặp phải tai nạn chi nữa? Quý vị còn có chuyện gì chẳng thể thành tựu? Mười phương ba đời hết thảy chư Phật đều hộ niệm, đều giúp đỡ quý vị. Chúng ta xem câu kinh văn này mới hiểu, một người thật sự niệm Phật, sẽ đúng như tiêu chuẩn do Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát đã dạy: “Không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn”, mà cũng như Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. Đó gọi là người niệm Phật chân chánh. Người ấy được hết thảy chư Phật hộ niệm. Đối với các thứ thiện báo, các thứ đạo quả đã nói trong kinh, người ấy đỡ tốn công mất sức mà dễ dàng đạt được. Câu kế tiếp lại nói: “Giai đắc bất thoái chuyển ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” (Đều được bất thoái chuyển nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác), đó là đạo quả. Trong phần trước, “được hết thảy chư Phật hộ niệm” là thiện báo. Thiện báo ấy là thiện báo viên mãn rốt ráo, chẳng có thiện báo nào khác tốt lành hoặc thù thắng hơn thiện báo này. Nó là thiện báo bậc nhất trong hết thảy các thiện báo, thù thắng khôn sánh, là Phật quả viên mãn rốt ráo trong hết thảy các đạo quả, người nào có được? Người thật thà niệm Phật bèn có! Hễ còn tam tâm nhị ý học pháp môn này, học pháp môn nọ, đều gọi là chẳng thật thà!

          Chúng ta chưa đọc đến đoạn kinh văn này, sẽ thường là chẳng dám nói, [vì sợ người ta chê trách] kẻ tu tập Tịnh Tông chúng ta khoe khoang lớn lối! [Nói điều này], dường như chúng ta xem thường những kẻ tu hành khác. Thật ra, chẳng phải vậy, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật nói, A Di Đà Phật đã nói, hết thảy chư Phật Như Lai đều nói, há còn có thể sai lầm ư? Chúng ta vẫn chẳng tin điều này thì tín tâm làm sao kiến lập cho được? Đã thật sự tin, sau khi đã thật sự tin, hết thảy đều buông xuống. Không chỉ là hết thảy các pháp trong thế gian đều buông xuống, mà Phật pháp cũng buông xuống, cái tâm ấy gọi là thật sự thanh tịnh. Quả báo của pháp thế gian là lục đạo luân hồi; quả báo của Phật pháp là [bốn pháp giới] A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, và Phật, gọi gộp chung [quả báo của pháp thế gian và Phật pháp] là “mười pháp giới”. Pháp thế gian và Phật pháp đều buông xuống, tức là mười pháp giới đều buông xuống. Mười pháp giới đều buông xuống sẽ đến nơi đâu? Nhất Chân pháp giới. Di Đà Tịnh Độ là Nhất Chân pháp giới, Tịnh Độ của Hoa Nghiêm Tỳ Lô Giá Na Phật cũng là Nhất Chân pháp giới, đến Nhất Chân pháp giới.

Hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều buông xuống, chỉ cần một bộ kinh, chỉ cần sáu chữ hồng danh bèn thành công, thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Nếu chúng ta thấu hiểu chỗ này, tin sâu chẳng ngờ, y giáo phụng hành, vậy thì thật sự phải chúc mừng quý vị: Tín tâm đã thanh tịnh, công phu thành phiến, nhất tâm bất loạn tự nhiên đạt được. Do vậy, nếu mọi người hỏi: “Khi nào chính mình sẽ biết được vãng sanh?” [Câu trả lời sẽ là]: Khi nào tín tâm thanh tịnh sẽ biết. Tín tâm thanh tịnh, vãng sanh tự tại. Muốn đi khi nào, bèn đi khi ấy; muốn ở bao nhiêu năm, bèn ở bấy nhiêu năm, hoàn toàn chẳng có chướng ngại. Đó mới gọi là “sanh tử tự tại, đến đi tự nhiên”, chẳng có mảy may chướng ngại nào! Muốn đi bèn đi, muốn đến bèn đến.

          Mấy câu kế tiếp đều nhằm giải thích tâm tịnh. “Hà ngôn tâm tịnh” (Vì sao nói đến tâm tịnh), vì sao phải nhấn mạnh “tâm tịnh”? “Dĩ tâm thắng cố” (Vì tâm thù thắng), [nghĩa là] trong hết thảy các pháp, tâm tối thắng! Trong kinh, đức Phật đã dạy: “Hết thảy pháp sanh từ tâm tưởng”. Nói cách khác, tâm là năng sanh (cái có thể sanh), hết thảy các pháp là sở sanh (cái được sanh ra). So sánh giữa năng sanh và sở sanh, năng sanh thù thắng! Tâm là thù thắng. Do vậy, người biết tu hành thì phải tu từ tâm địa, Thiền Tông thường nói “tu từ căn bản”. Căn bản là gì? Căn bản của hết thảy vạn sự vạn pháp là tâm; trực tiếp dụng công từ tâm địa, đấy là Đại Thừa, là con đường tắt. Thực hiện từ tâm địa, vì tâm thù thắng nhất. Đổ công dốc sức nơi tướng, sẽ là cành nhánh, cổ đức sánh ví: “Nhập hải toán sa, tầm chi trích diệp” (Vào biển đếm cát, tìm cành lặt lá), rất phiền phức, tốn thời gian rất dài, chịu rất nhiều khổ sở! Tu từ căn bản sẽ dễ dàng.

Tiếp đó là tỷ dụ: “Như thủy thanh châu, năng thanh trược thủy” (Như thủy thanh châu có thể lắng trong nước đục). Tâm vốn thanh tịnh, tâm chẳng có ô nhiễm. Hiện tiền, dường như tâm tánh của chúng ta bị ô nhiễm; thật ra, nó chẳng bị ô nhiễm, mà là do có những thứ ô nhiễm chướng ngại cái tâm thanh tịnh. Chuyện là như vậy đó. Giống như trời âm u là do mây che lấp mặt trời, mặt trời có bị mây ô nhiễm hay không? Chẳng có. Tuy chẳng có, [mây] chướng ngại nó, che lấp nó, chúng ta chẳng thấy mặt trời, chuyện là như vậy đó. Vì thế, chân tâm quyết định là thanh tịnh, vô nhiễm.

          Tiếp đó, lại nói: “Hựu chư nhiễm pháp, các hữu tự tướng” (Các pháp ô nhiễm lại là mỗi pháp đều tự có tướng riêng). Nhiễm pháp: Mười pháp giới đều nhiễm, Kiến Tư nhiễm, Trần Sa nhiễm, Vô Minh cũng nhiễm. Mười pháp giới đều thuộc về nhiễm pháp, tướng của chúng khác nhau. Lục đạo phàm phu thì ba loại ô nhiễm lớn là Kiến Tư, Trần Sa, và Vô Minh đều trọn đủ. A La Hán, Bích Chi Phật và Quyền Giáo Bồ Tát đã đoạn Kiến Tư phiền não, nhưng có Trần Sa và Vô Minh, các Ngài nhiễm nhẹ hơn chúng ta. Thật Giáo Bồ Tát, kinh Hoa Nghiêm nói là Pháp Thân đại sĩ, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, các Ngài Kiến Tư lẫn Trần Sa đều chẳng có, chỉ còn sót lại Vô Minh, nhiễm nhẹ nhất. Mãi cho đến Đẳng Giác Bồ Tát của Viên Giáo, hãy còn có một phẩm sanh tướng vô minh chưa đoạn, vẫn là nhiễm, vẫn là đới nghiệp. Thật sự bất nhiễm, chỉ có một mình đức Phật, hoàn toàn chẳng có ô nhiễm. Đấy là nói mỗi pháp nhiễm đều có tướng riêng. Trong hết thảy các ô nhiễm, “duy hữu bất tín, tự tướng hồn trược” (chỉ riêng có bất tín là tự tướng của nó vẩn đục). “Bất tín” là pháp ô nhiễm nghiêm trọng nhất; không chỉ là trở ngại cái tâm thanh tịnh của chính mình, mà còn trở ngại hết thảy các pháp chung quanh chúng ta, chúng đều bị ô nhiễm bởi pháp này. “Phục năng hồn trược dư tâm, tâm sở” (Lại còn có thể vẩn đục các tâm và tâm sở khác), “tâm” là tám thức, “tâm sở” là năm mươi mốt Tâm Sở. Bất Tín ô nhiễm tám tâm vương và năm mươi mốt Tâm Sở, giống như một thứ “cực ô uế”, tức là vật bẩn thỉu đến cùng cực, “tự uế, uế tha” (tự mình bẩn thỉu, bẩn thỉu lây sang thứ khác), bản thân dơ bẩn, mà cũng trở ngại kẻ khác.

          “Tín chánh phiên bỉ” (Tín chính là tương phản với tướng ô uế ấy), “phiên” (翻) là đảo ngược lại. Tín tâm giống như các loại thuốc tẩy rửa, giống như thủy thanh châu. Đối với Phật pháp, đặc biệt là ba kinh Tịnh Độ, thật sự cần phải nhấn mạnh điều này, vì những điều được giảng trong ba kinh Tịnh Độ đều là thanh tịnh rốt ráo, là bi tâm triệt để của Như Lai, là pháp môn bậc nhất để hết thảy chư Phật phổ độ chúng sanh viên thành Phật đạo. Đối với những kinh luận khác, hết thảy chư Phật Như Lai không nhất định là sẽ nói. Hễ chẳng khế cơ, các Ngài sẽ không nói. Chỉ riêng ba kinh Tịnh Độ, tất cả hết thảy chư Phật hễ thuyết pháp bèn nhất định phải giảng, giống như những môn học bắt buộc trong nhà trường, nhất định phải giảng, lại còn là môn học chung [cho mọi khoa hệ]. Bất luận quý vị học khoa hệ nào, ba kinh là môn bắt buộc phải tu học, những kinh luận khác là những môn học tuyển tu, [nghĩa là] quý vị học cũng được, mà không học cũng được, chẳng sao cả! Do vậy, hết thảy chư Phật nhất định phải nói [ba kinh Tịnh Độ]. Nếu Phật chẳng nói ba kinh ấy, nói thật ra, Ngài sẽ có lỗi với chúng sanh. Nói rồi mà quý vị chẳng tin, chẳng thể tiếp nhận, đức Phật chẳng có lỗi với quý vị. Lỗi ở chính quý vị, đức Phật chẳng có lỗi với quý vị, quý vị có lỗi với Phật. Đối với đạo lý, cảnh giới, và phương pháp tu học trong năm kinh Tịnh Độ, quý vị có thể tin sâu chẳng ngờ, nhất định sẽ đạt được cái tâm thanh tịnh.

“Tín chánh phiên bỉ, cố tịnh vi tướng” (Tín chính là tương phản với tướng ô uế ấy, nên tịnh là tướng của tín). Tướng của tín là thanh tịnh. Từ tiêu chuẩn này, cũng có thể xét nghiệm cảnh giới của chính mình. Nếu tâm chúng ta chẳng thanh tịnh; nói cách khác, chúng ta chẳng có tín tâm. Thật sự có tín tâm, tâm thanh tịnh, tâm bèn định. Tâm đã định, bèn có thể lập tức thấy công đức lợi ích. Do tâm người ấy đã biến đổi, tướng bèn biến đổi theo. Thầy tướng số thường nói: “Tướng chuyển theo tâm”. Tâm đã biến đổi, thể chất bèn biến đổi theo, chẳng giả tí nào! Vì vậy, từ thể chất và tướng mạo, có thể nhìn thấy công phu tu hành của quý vị. Công phu là gì? Tâm thanh tịnh là công phu. Càng thanh tịnh, công phu càng sâu. Chẳng phải là nói quý vị hằng ngày niệm Phật bao nhiêu câu, niệm chú bao nhiêu biến, lễ Phật bao nhiêu lạy, đó chẳng phải là công phu. Công phu là Giác, Chánh, Tịnh. Hiện thời, chúng ta thiên trọng tâm thanh tịnh, công phu ở chỗ này. Vì tâm đã định, tâm đã thanh tịnh, vọng tưởng ít, tạp niệm ít, thân thể tự nhiên dấy lên sự biến hóa. Vốn có rất nhiều bệnh tật, bệnh tật là gì? Kết cấu trong thân thể chúng ta dấy lên sự biến hóa bất bình thường, dấy lên biến hóa như thế nào? Suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn xạ; hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng, suy nghĩ loạn xạ là bất bình thường. Vì thế, kết cấu bình thường biến thành bất bình thường, thân thể của quý vị bèn có lắm bệnh, lắm tai, lắm nạn! Hễ tâm thanh tịnh, đã định, [thân thể] bèn khôi phục bình thường. Hễ khôi phục bình thường, những bệnh tật vốn có đều chẳng còn nữa. Ốm đau đều chẳng có, chính là đạo lý này. Tướng mạo của quý vị cũng biến đổi, khí sắc cũng biến đổi, thứ gì cũng đều khác hẳn. Quý vị lập tức đạt được thiện báo, ngay lập tức có thể đạt được!

          “Kim tu Tịnh Độ, chủ hồ tâm tịnh” (Nay tu Tịnh Độ, điều chủ yếu là tâm tịnh). Nói nhiều ngần ấy, hai câu này mới là chủ đề. Tịnh Tông là tu tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh dùng phương pháp gì để tu? Dùng Tín để tu. “Tín vi cấp vụ, minh diệc thậm hỹ” (Tín là chuyện cấp bách, cũng đã rõ rành rành), điều này quá minh bạch, quá rõ rệt. Tín là trọng yếu. Trong kinh này, đức Phật đã bốn lượt khuyên chúng ta, hai lần trước là khuyên chúng ta “ưng đương phát nguyện, sanh bỉ quốc độ” (hãy nên phát nguyện, sanh về cõi ấy). Lần thứ ba bèn khuyên chúng ta phải Tin. Trong phần sau, còn có một lần khuyên chúng ta phải “cầu sanh Tịnh Độ”.

 

          (Diễn) Chủ hồ tâm tịnh giả, Duy Ma vân: “Nhược Bồ Tát dục đắc Tịnh Độ, đương tịnh kỳ tâm. Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh”.

          ()主乎心淨者,維摩云:若菩薩欲得淨土,當淨其心,隨其心淨則佛土淨。

(Diễn: “Điều chủ yếu là tâm tịnh”: Kinh Duy Ma chép: “Nếu Bồ Tát muốn đạt được Tịnh Độ, hãy nên tịnh cái tâm. Tùy thuận cái tâm tịnh mà cõi nước sẽ tịnh”).

          Đây là đoạn khai thị hết sức trọng yếu trong kinh Duy Ma. Nếu quý vị là người niệm Phật mà thắc mắc: “Có thể vãng sanh hay không? Có nắm chắc vãng sanh hay không? Khi nào vãng sanh?” Quý vị hãy niệm ba câu kinh văn trên đây nhiều lượt. Trong kinh này, đức Thế Tôn dạy chúng ta pháp môn “tín nguyện trì danh”, dùng ba phương pháp ấy, chuyên tín, chuyên nguyện, chuyên niệm A Di Đà Phật, tu gì? Tu tâm thanh tịnh. Hễ tâm thanh tịnh, sẽ có mối liên hệ với Tây Phương Cực Lạc thế giới, chúng ta thường nói là “cảm ứng đạo giao”. Xác thực là ngầm khế hợp với A Di Đà Phật. Sự ngầm khế hợp ấy càng ngày càng rõ rệt, tùy thuận công phu tín nguyện trì danh cạn hay sâu, càng ngày càng rõ rệt, giống như Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói: “Hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật”. Hiện tiền thấy Phật có ba loại:

          1) Một loại là “mộng trung kiến Phật” (trong mộng thấy Phật), đó là cảm ứng nông cạn.

2) Loại thứ hai là “Định trung kiến Phật” (trong Định thấy Phật). Chúng ta niệm Phật, chẳng tĩnh tọa, không tham Thiền, nhưng chúng ta chỉ tĩnh. Khi chúng ta chỉ tĩnh, cũng là ngồi rất bình yên ở nơi này. Tuy trong miệng chẳng có âm thanh, Phật hiệu trong tâm hoàn toàn chẳng gián đoạn. Thấy Phật trong khi ấy bèn thuộc loại thấy Phật trong Định, hoàn toàn chẳng phải là đang ngủ, [nhận biết] sáng suốt, rõ ràng. Phật hiện tiền trong Định cảnh.

3) Loại thứ ba, công phu càng sâu hơn, hoặc là đứng,  hoặc là ngồi,

Phật ở ngay trước mặt, bèn trông thấy.

Những điều này đều thuộc loại “hiện tiền thấy Phật”. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó là “đương lai kiến Phật” (thấy Phật trong tương lai). Khi lâm chung, người ấy còn sống, hoàn toàn chưa tắt hơi, thấy Phật đến tiếp dẫn, thuộc loại “hiện tiền kiến Phật”. Nhưng người niệm Phật nhất định phải ghi nhớ: Nếu cầu cảm ứng, cầu thần thông, hằng ngày đều cầu mong thấy Phật, quý vị cũng rất dễ dàng bị ma dựa. Vì chúng ta khởi tâm động niệm, Phật, Bồ Tát biết, ma cũng biết. Yêu ma quỷ quái có thần thông, chúng nó biết quý vị khẩn thiết mong mỏi thấy Phật, sẽ thừa cơ hội tìm đến, biến thành hình dáng một vị Phật cho quý vị trông thấy. Kết quả là quý vị bị chúng nó lừa, bị chúng nó gạt gẫm. Do vậy, chúng ta mong thấy Phật, bỗng nhiên Phật hiện đến, điều đó chẳng đáng tin cậy. Cớ sao Phật hiện tiền? Chúng ta trọn chẳng mong thấy Ngài mà Ngài hiện đến, chuyện này thuộc về cảm ứng. Đã thấy bèn như thế nào? Thấy mà như chẳng thấy. Tuy thấy, chúng ta cũng không khởi tâm, chẳng động niệm, cũng không cảm thấy: “Ta còn khá quá! Công phu của ta thành tựu bèn thấy Phật”. Nói không chừng, quý vị đã thấy ma.

Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã dạy chúng ta đề phòng, ngăn ngừa yêu ma quỷ quái biến hiện giả Phật, giả Bồ Tát đến gạt chúng ta. Đức Phật dạy chúng ta một phương pháp là “quyết định chẳng chấp trước”. Quý vị chẳng chấp trước, chúng nó sẽ chẳng khởi tác dụng đối với quý vị được, sẽ là cảnh giới tốt đẹp. Nếu khởi tâm động niệm, khởi tâm hoan hỷ, hỏng bét, sẽ bị ma lừa. Vì sao? Cái tâm thanh tịnh của quý vị đã bị nhiễu loạn. Dẫu là Phật hay Bồ Tát hiện đến, vẫn gìn giữ cái tâm thanh tịnh của chính mình, nhất định phải là như như bất động. Đó sẽ là cảnh giới tốt đẹp, chẳng bị lay động bởi cảnh giới. Vì thế, nhất định phải biết tịnh tâm.

          (Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh bổn lai thị Phật, thị tín thọ nghĩa.

          ()稱理,則自性本來是佛,是信受義。

          (Sớ: Xứng Lý thì tự tánh vốn là Phật chính là ý nghĩa “tin nhận”).

           Nói theo Lý, Phật là tự tánh, tự tánh là Phật, bổn ý của “văn thị kinh, thọ trì giả” là như thế đó.

(Sao) Hoa Nghiêm Thập Tín,  toàn  dĩ  Quả  Phật  vi  tự  tín  tâm.

Lương diêu Phật tức thị tâm, cố chúng sanh tâm trung, niệm niệm thường hữu Phật thành Chánh Giác. Tác như thị tín, Kỳ Viên diệu chỉ, thiên Phật huyền đàm, nhất thời thọ tất.

          (Diễn) Toàn dĩ Quả Giác vi tự tín tâm giả, dĩ bỉ Quả Phật vi ngã nhân tâm. Nhược ly giác thể, biệt ngôn tín giả, thị danh tà tín, phi Đại Thừa viên đốn chi chánh tín dã. Chúng sanh tâm trung, niệm niệm thường hữu Phật thành Chánh Giác giả. Kinh vân: “Ưng tri tự tâm niệm niệm thường hữu Phật thành Chánh Giác”. Hà dĩ cố? Bất ly thử tâm, thành Chánh Giác cố.

          ()華嚴十信,全以果佛為自信心。良繇佛即是心,故眾生心中,念念常有佛成正覺,作如是信,祇園妙旨,千佛玄談,一時受畢。

          ()全以果覺為自信心者。以彼果佛為我因心。若離覺體。別言信者。是名邪信。非大乘圓頓之正信也。眾生心中念念常有佛成正覺者。經云。應知自心念念常有佛成正覺。何以故。不離此心。成正覺故。

(Sao: Bậc Thập Tín trong Hoa Nghiêm hoàn toàn dùng Quả Phật để làm tâm tự tín. Ấy là vì Phật chính là tâm, cho nên trong tâm chúng sanh, niệm niệm thường có Phật thành Chánh Giác. Tin như thế, ý chỉ mầu nhiệm nơi Kỳ Viên, lời bàn luận u huyền của ngàn vị Phật sẽ được nhận lãnh hết trong một lúc.

Diễn: “Hoàn toàn lấy Quả Giác làm cái tâm tự tín”: Lấy Quả Phật của Ngài để làm cái tâm tu nhân của ta. Nếu lìa khỏi giác thể mà nói tới một cái Tín nào khác thì đó là tà tín, chẳng phải là chánh tín viên đốn của Đại Thừa. Trong tâm chúng sanh, niệm niệm thường có Phật thành Chánh Giác. Kinh dạy: “Hãy nên biết trong tự tâm niệm nào cũng đều có Phật thành Chánh Giác”. Vì cớ nào? Chẳng lìa cái tâm này mà thành Chánh Giác vậy).

           “Quả” là quả vị cao nhất trong Viên Giáo, chẳng phải là Biệt Giáo Phật, mà là Viên Giáo Phật. Chẳng cần đợi tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, “thiên Phật” là nói tới Hiền Kiếp. Trong tương lai, một ngàn vị Phật thuộc Hiền Kiếp xuất thế, giảng nói hết thảy các kinh, quý vị đều hiểu rõ ràng, minh bạch. Nói thật ra, chẳng phải là một ngàn vị Phật, mà đối với vô biên kinh giáo do mười phương ba đời vô lượng vô biên chư Phật đã nói, quý vị cũng “nhất thời thọ tất” (thọ trọn hết ngay trong một lúc). Vì sao? Tất cả hết thảy chư Phật do tâm thanh tịnh biến hiện, tất cả hết thảy các giáo pháp cũng từ tâm thanh tịnh lưu xuất. Nay quý vị khôi phục sự thanh tịnh, há chẳng phải là thảy đều đạt được ư? Do đó, Thiền Tông châm chọc Giáo Hạ, bảo là Giáo Hạ tìm cành vặt lá, giống như đối với một cái cây lớn, họ vặt lá, bẻ cành. Muốn trừ bỏ cái cây ấy, bèn tước bỏ lá, cành, nhánh, quá tốn sức! Lãng phí bao nhiêu thời gian! Thiền Tông dùng phương pháp gì? Thiền Tông đào trốc rễ. Rễ đã bị đào trốc, cái cây ấy ngay lập tức bị trừ khử. Không thực hiện từ cành lá, mà ra tay ngay từ cội rễ. Chẳng biết căn bản của căn bản chính là tâm thanh tịnh. Tịnh Tông còn thù thắng, còn căn bản, còn triệt để hơn Thiền.

Thập Tín: Thứ nhất là Tín Tâm, thứ hai là Niệm Tâm, thứ ba là Tinh Tấn Tâm, thứ tư là Huệ Tâm, thứ năm là Định Tâm, thứ sáu là Bất Thoái Tâm, thứ bảy là Hồi Hướng Tâm, thứ tám là Hộ Pháp Tâm (không chỉ hộ trì pháp của chư Phật, mà còn hộ trì tâm pháp của chính mình), thứ chín là Giới Tâm, thứ mười là Nguyện Tâm. Kinh Hoa Nghiêm giảng như vậy. Thập Tín đều dùng Quả Phật, tức là dùng Tỳ Lô Giá Na Như Lai, Tịnh Tông chúng ta dùng A Di Đà Như Lai, để làm “tự tín tâm”. Người niệm Phật thực hiện và hành trì trong cuộc sống hằng ngày. Tâm, nguyện, giải, hạnh của chúng ta đều phải học theo Phật, học theo A Di Đà Phật, chớ nên học theo những vị Phật khác, nhất định phải học theo A Di Đà Phật. Đó chắc chắn là chánh xác. Nếu quý vị học theo những vị Phật khác bèn là học tạp; đâm ra, tâm chẳng thể thanh tịnh. Hãy chuyên học theo A Di Đà Phật. A Di Đà Phật ở chỗ nào? Những điều được giảng trong ba kinh Tịnh Độ đều là A Di Đà Phật. Đối với tâm của A Di Đà Phật, A Di Đà Phật xử thế, đãi người dùng tâm gì? Kinh đã nói rất rõ ràng. Đối với nguyện của A Di Đà Phật, cách nhìn và cách nghĩ của A Di Đà Phật đối với vũ trụ và nhân sinh, A Di Đà Phật xử sự, đãi người, tiếp vật như thế nào, chúng ta học những điều ấy. Học giống hệt như Ngài, bản thân chúng ta sẽ biến thành hóa thân của A Di Đà Phật, bản thân chúng ta và A Di Đà Phật hợp thành một. A Di Đà Phật là chính mình, chính mình là A Di Đà Phật, có lẽ nào chẳng vãng sanh? Vì thế, vãng sanh đúng là có thể tự tại, đắc đại tự tại. Hôm nay, chúng tôi giảng đến chỗ này!

[1] Thành Duy Thức Luận (Vijñāptimātratāsiddhi) là một bộ luận chánh yếu trong Duy Thức Học, do ngài Huyền Trang biên soạn. Ngài đã lấy tư tưởng của Thế Thân Bồ Tát trong Duy Thức Tam Thập Tụng làm luận điểm chính yếu, đồng thời tập hợp ý kiến chú giải, diễn giảng bộ luận ấy của mười vị đại sư (chủ yếu là dùng thuyết của ngài Hộ Pháp) để biên soạn thành bộ luận này.

[2] Tác phẩm này có tên gọi đầy đủ là Bát Thức Quy Củ Tụng do ngài Huyền Trang biên soạn, và được coi là tinh tủy của Pháp Tướng Duy Thức Tông. Trong tác phẩm này, Ngài đã dùng bốn mươi hai bài kệ theo lối bảy chữ để hệ thống hóa những tinh nghĩa trong Duy Thức Học.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *