#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 155
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm ba mươi ba:
Tam, vũ hoa.
Sơ, thiên vũ diệu hoa.
(Kinh) Trú dạ lục thời, vũ thiên Mạn Đà La hoa.
三、雨華。
初、天雨妙華。
(經) 晝夜六時。雨天曼陀羅華。
(Ba, mưa hoa.
Thứ nhất, trời đổ mưa hoa mầu nhiệm.
Kinh: Ngày đêm sáu thời, mưa hoa Mạn Đà La cõi trời).
Câu kinh văn này cũng nhằm nói rõ sự trang nghiêm trên không trung.
(Sớ) Ngôn thử hoàng kim địa thượng, thường vũ thiên hoa dã. Bỉ vô Tu Di, nhật, nguyệt, nhi ngôn “lục thời” giả, dĩ hoa điểu vi hậu dã. Lô Sơn liên lậu, cái phỏng thử ý.
(疏) 言此黃金地上,常雨天華也。彼無須彌日月,而言六時者,以華鳥為候也。廬山蓮漏,蓋倣此意。
(Sớ: Ý nói trên đất vàng ròng ấy, thường mưa hoa cõi trời. Cõi ấy chẳng có núi Tu Di, mặt trời, mặt trăng, mà nói “sáu thời” là do lấy hoa và chim để hạn định thời gian. Đồng hồ sen ở Lô Sơn phỏng theo ý này).
Tây Phương Cực Lạc thế giới “hoàng kim địa thượng” (trên mặt đất vàng ròng), [nói] “hoàng kim địa” thì có thể thấy là nơi có đại chúng cư trụ đông đúc, vì vàng ròng dùng để lót đất, khắp nơi trên mặt đất đều [dùng vàng] lót thành đường, nơi ấy nhất định là có rất nhiều người ở, chẳng phải là nơi núi hoang, đồng vắng. Những nơi ấy có “mưa hoa”. Có thể thấy đây là sự cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn. Chỉ cần là chỗ có người ở, trên hư không bèn tuôn mưa hoa, đó là sự trang nghiêm trên không trung. “Trú dạ lục thời” (Ngày đêm sáu thời), mưa hoa chẳng ngớt. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có núi Tu Di, chẳng có mặt trời, mặt trăng, phân biệt ngày đêm bằng cách nào? Thế gian này có ngày đêm là vì có mặt trời, mặt trăng, địa cầu tự xoay, bên này được mặt trời chiếu tới là ban ngày, bên kia không có mặt trời chiếu sáng bèn là ban đêm; do đó, có ngày đêm. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có mặt trời, mặt trăng, nhưng bên ấy chẳng có thứ gì không tỏa sáng, tâm trái đất tỏa ánh sáng, thân người phóng quang minh, vật chất có quang minh, thế giới ấy là thế giới quang minh, chẳng có núi Tu Di, mặt trời, mặt trăng, hoặc ánh
đèn.
(Sao) Thử độ nhật nguyệt toàn hoàn, nhiễu Tu Di nhi phân trú dạ, như Thiệm Bộ chánh đương Tu Di chi Nam, trú tắc thỉ Đông châu bán, kinh hồ Nam châu, chung Tây châu bán. Dạ tắc thỉ Tây châu bán, kinh hồ Bắc châu, chung Đông châu bán. Phối thập nhị chi, lục thời thành trú, lục thời thành dạ, vi nhất nhật dã.
(鈔) 此土日月旋環,遶須彌而分晝夜,如贍部正當須彌之南,晝則始東洲半,經乎南洲,終西洲半;夜則始西洲半,經乎北洲,終東洲半。配十二支,六時成晝,六時成夜,為一日也。
(Sao: Trong cõi này, mặt trời, mặt trăng xoay tròn, nhiễu quanh núi Tu Di nên chia ra ngày đêm. Như châu Thiệm Bộ nằm ngay phía Nam núi Tu Di, ban ngày vừa mới hừng đông thì mặt trời đã đi qua một nửa Đông châu, rồi đi qua Nam châu, cuối ngày đã đến phân nửa Tây châu. Ban đêm thì lúc đầu đêm, mặt trời, mặt trăng đã đi hết nửa Tây Châu, rồi đi qua Bắc châu, đến cuối đêm nó đi hết nửa Đông châu. [Nhật nguyệt xoay vòng như thế] đem phối hợp với mười hai chi (Địa Chi), sẽ thành sáu thời ban ngày và sáu thời ban đêm, đó là một ngày).
Lời Sao do Liên Trì đại sư viết. Liên Trì đại sư là người sống vào cuối đời Minh, cách chúng ta khoảng năm trăm năm. Từ đoạn văn này, có thể thấy cách quan sát vũ trụ của người sống vào năm trăm năm trước, đương nhiên họ có cách nhìn khác với chúng ta trong hiện thời. Vì năm trăm năm trước, [nhân loại] vẫn chưa biết địa cầu xoay quanh mặt trời, không biết địa cầu tròn xoe. Người thuở trước quan niệm “thiên viên, địa phương”, [tức là] họ nghĩ đại địa vuông vức, còn bầu trời là hình tròn. Sách Diễn Nghĩa do pháp sư Cổ Đức soạn, Ngài là đồ đệ của Liên Trì đại sư, sống cùng thời đại với Liên Trì đại sư, nên có cùng vũ trụ quan với Liên Trì đại sư.
(Diễn) “Trú tắc thỉ Đông châu bán” lục cú, ngôn nhật chi toàn hoàn dã. Cổ vân: “Nam Thiệm Bộ Châu nhật đương ngọ, Bắc Câu Lô Châu đả tam cổ, Đông Thắng Thần Châu nhật tương bô, Tây Ngưu Hóa Châu khai môn hộ”, thị dã.
(演) 晝則始東洲半六句,言日之旋環也。古云:南贍部洲日當午,北俱盧洲打三鼓,東勝神洲日將晡,西牛貨洲開門戶,是也。
(Diễn: Sáu câu “ban ngày vừa mới hừng đông thì mặt trời đã đi qua một nửa Đông châu” là nói mặt trời xoay vòng [trong vũ trụ]. Cổ nhân nói: “Nam Thiệm Bộ Châu đang giữa trưa, Bắc Câu Lô Châu đánh trống báo canh ba, Đông Thắng Thần Châu ngày mới chớm, Tây Ngưu Hóa Châu mở toang cửa” nhằm diễn tả ý này).
Cách nói vào thời cổ là như vậy. Thật ra, cổ đại đức hết sức hiểu rõ vũ trụ, trọn chẳng mê hoặc. Các Ngài quan sát, lý giải tuyệt đối chẳng thua các nhà khoa học hiện đại, cớ sao chẳng nói? Các Ngài nói ra sẽ phiền lắm, vì sao? Giảng cho người thời đó, họ nghe cũng không lọt tai, huống chi chuyện này chẳng phải là chuyện khẩn yếu. Mọi người đều nghĩ như vậy, vậy thì được rồi, quý vị gật đầu, chấp nhận như vậy [là đúng], chẳng sao cả, [tôi cũng nói thuận theo quý vị]. Phật pháp chú trọng minh tâm kiến tánh, trọn chẳng coi trọng phương diện thiên văn vật lý. Hiểu biết về thiên văn vật lý của cổ đại đức chẳng thua các nhà khoa học hiện đại, nếu quý vị đọc Hoa Nghiêm hay Lăng Nghiêm sẽ biết rõ. Cách nói ở đây là cách nói lưu truyền trong dân gian, chẳng do đức Phật nói. Trong quan niệm của họ, núi Tu Di ở trên địa cầu. Trên thực tế, núi Tu Di chẳng ở trên địa cầu, mà địa cầu chỉ là một châu Nam Thiệm Bộ mà thôi! Mặt trời xoay quanh núi Tu Di, rốt cuộc núi Tu Di ở đâu? Các nhà khoa học hiện đại đã biết mặt trời xoay quanh hệ Ngân Hà, nên trung tâm của hệ Ngân Hà phải là núi Tu Di.
Trong chú giải kinh Vô Lượng Thọ, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã nói rất rõ ràng: Trước đây, chúng ta tưởng một đơn vị thế giới được nói trong kinh Phật là một thái dương hệ; thật ra, phải nên hiểu một đơn vị thế giới là hệ Ngân Hà thì mới đúng. Nếu một đơn vị thế giới là một hệ Ngân Hà, một tiểu thiên thế giới là một ngàn hệ Ngân Hà. Mười ức hệ Ngân Hà mới là một đại thiên thế giới. Cách nói này cũng rất hợp lý, nói theo kiểu này mới có thể tương ứng với những điều kinh đã giảng. Có thể thấy Phật pháp còn quan sát vũ trụ tỉ mỉ, rõ ràng hơn các nhà thiên văn trong hiện đại.
Xét theo hoàn cảnh của chúng ta trên quả địa cầu này, người Trung Quốc chia ngày đêm thành sáu thời. Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi là mười hai thời. Ngày sáu thời, đêm sáu thời, nên nói là “trú dạ lục thời” (ngày đêm sáu thời), đó là một ngày. Nay chúng ta dùng đơn vị thời gian là Giờ, hiện thời chia một ngày đêm thành hai mươi bốn giờ.
(Sao) Bỉ quốc ký vô Tu Di, hựu vô nhật nguyệt, thường minh, bất hôn, trú dạ vô biện.
(鈔) 彼國既無須彌,又無日月,常明不昏,晝夜無辨。
(Sao: Nước ấy đã không có núi Tu Di, lại chẳng có mặt trời, mặt trăng, thường sáng ngời, chẳng tối tăm, ngày đêm chẳng phân biệt).
Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có ban đêm, nên không có danh từ “ngày đêm”.
(Sao) Duy dĩ “hoa khai, điểu minh” nhi vi trú, “hoa hợp, điểu thê” nhi vi dạ dã.
(鈔) 唯以華開鳥鳴而為晝,華合鳥棲而為夜也。
(Sao: Chỉ coi “hoa nở, chim hót” là ban ngày, “hoa khép, chim đậu” là ban đêm).
Hoa có lúc nở, lúc cụp, chim có lúc kêu, lúc ngưng, dùng những điều đó làm đơn vị thời gian, mường tượng ngày đêm. Trên thực tế, Tây Phương Cực Lạc thế giới không có ban đêm.
(Sao) Nhiên nhật nguyệt hữu vô, chư bổn bất đồng. Hán dịch vân “nhật nguyệt xử không”. Ngô dịch nhưng Hán, Vương thị phục vân “xử không nhi bất vận chuyển”, Tào Ngụy bất ngôn “hữu, vô”, Nguyên Ngụy cập Tống, trực vân “vô hữu”.
(鈔) 然日月有無,諸本不同,漢譯云:日月處空,吳譯仍漢;王氏復云處空而不運轉,曹魏不言有無,元魏及宋,直云無有。
(Sao: Nhưng mặt trời, mặt trăng có hay không, các bản chép khác nhau. Bản dịch đời Hán ghi: “Mặt trời, mặt trăng ở giữa hư không”. Bản dịch đời Ngô nói giống bản dịch đời Hán. Bản của ông Vương Long Thư lại nói là “mặt trời, mặt trăng ở trên hư không, nhưng chẳng xoay chuyển”. Bản Tào Ngụy chẳng nói là có hay không. Bản dịch đời Nguyên Ngụy và bản đời Tống nói thẳng là “chẳng có”).
Đoạn văn này là tham chiếu kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ có mười hai loại bản dịch. Từ đời Đường trở về sau, có bảy bản bị thất truyền. Những bản kinh Vô Lượng Thọ mà Liên Trì đại sư được xem cũng chỉ là năm bản dịch hiện thời vẫn còn. Rốt cuộc Tây Phương Cực Lạc thế giới có mặt trời, mặt trăng hay không? Mỗi bản dịch của kinh Vô Lượng Thọ nói khác nhau. Bản dịch đời Hán là Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, nói có mặt trời và mặt trăng; mặt trời và mặt trăng ở trên hư không. Bản dịch đời Ngô và bản dịch đời Hán giống nhau, có cùng một cách nói. “Vương thị phục vân” (Họ Vương lại nói), “Vương thị” là cư sĩ Vương Long Thư; kinh Đại A Di Đà lưu thông hiện thời là bản hội tập của ông Vương Long Thư. Trong bản hội tập [của ông Vương] nói: “Xử không nhi bất vận chuyển” (Ở trên hư không, nhưng chẳng xoay vần). Ông ta nói có mặt trời, mặt trăng, nhưng chúng không giống như mặt trời, mặt trăng trong cõi này, mọc đằng Đông, lặn đằng Tây. Mặt trời và mặt trăng trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đứng yên, bất động. Chữ “Tào Ngụy” chỉ bản dịch của ngài Khang Tăng Khải. Bản này lưu thông rộng rãi nhất, chẳng nói có, mà cũng chẳng nói không, chẳng hề nói! “Nguyên Ngụy cập Tống”: Chữ Tống chỉ kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm, bản này nói thẳng: Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có mặt trời và mặt trăng. Rốt cuộc là có mặt trời và mặt trăng hay không? Trong các bản dịch có cách nói khác nhau như thế! Dưới đây là ý kiến của Liên Trì đại sư:
(Sao) Nhược hòa hội chi.
(鈔) 若和會之。
(Sao: Nếu nói dung hòa).
Hợp cả năm bản ấy lại để xem.
(Sao) Đương thị nhật nguyệt tuy tồn.
(鈔) 當是日月雖存。
(Sao: Sẽ là mặt trời, mặt trăng tuy là có).
Trong thế giới này, ban đêm chúng ta thấy trong hư không có nhiều tinh cầu. Tây Phương Cực Lạc thế giới đương nhiên cũng chẳng ra ngoài lệ ấy. Tôi nghĩ mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao cũng đều có cả. Tuy có, nhưng quang minh của chúng chẳng phát sanh tác dụng. Bản thân thế giới Cực Lạc có quang minh rất thù thắng, tuy mặt trời, mặt trăng chiếu sáng, ánh sáng ấy ảm đạm, chẳng rạng rỡ. Ví như ban ngày chúng ta đốt đèn dưới ánh mặt trời, ngọn đèn ấy có tỏa sáng hay không? Có ánh sáng, nhưng vô dụng, chẳng tỏ lộ quang minh. Liên Trì đại sư nói đến ý nghĩa này.
(Sao) Dĩ Phật cập thánh chúng, quang minh yểm ánh, dữ vô đồng nhĩ.
(鈔) 以佛及聖眾,光明掩映,與無同耳。
(Sao: Do bị quang minh của Phật và thánh chúng che lấp, nên [mặt trời và mặt trăng] tuy có mà cũng như không).
Tuy có cũng như không có, không có tác dụng.
(Sao) Nhi dĩ lý quỹ chi, vô giả vi chánh.
(鈔) 而以理揆之,無者為正。
(Sao: Nên xét theo Lý, không có là đúng).
Nói theo Lý thì không có [mặt trời và mặt trăng] là đúng. Vì sao?
(Sao) Hà giả? Đao Lợi nhi thượng, thượng bất giả nhật nguyệt vi minh, hà huống Cực Lạc!
(鈔) 何者,忉利而上,尚不假日月為明,何況極樂。
(Sao: Vì lẽ nào? Từ Đao Lợi trở lên, còn chẳng cần đến ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, huống gì cõi Cực Lạc?)
“Không có” là nói theo thực tại, chẳng như chúng ta nay phải cậy vào mặt trời! Hết thảy các sinh vật trên địa cầu nếu chẳng có ánh sáng mặt trời đều chẳng thể sống sót, có tánh chất phụ thuộc to lớn như thế! Tây Phương Cực Lạc thế giới tuy có mặt trời và mặt trăng, nhưng chúng không có tác dụng, vì sao? [Chúng sanh trong cõi ấy] không cần nhờ vả nguồn năng lượng ấy, chính bản thân phóng quang, cho nên tuy có [mặt trời, mặt trăng] mà cũng như không. Mặt trời, mặt trăng bên ấy giống như các ngôi sao trong thế gian này, chẳng có tác dụng gì đối với chúng ta. Hãy nên biết ý nghĩa như vậy thì mới chánh xác.
(Sao) Hoặc Hán dịch nhật nguyệt thượng, khuyết “vô hữu” nhị tự, vị khả tri dã, cao minh cánh tường chi.
(鈔) 或漢譯日月上 ,缺無有二字,未可知也,高明更
詳之。
(Sao: Hoặc là trong bản Hán dịch, đối với “nhật nguyệt” bị thiếu hai chữ “không có” chưa biết chừng, bậc cao minh sẽ hiểu rõ hơn).
Liên Trì đại sư nêu ra ý nghĩa này, nhưng nay chúng ta hiểu rõ, “y báo chuyển theo chánh báo”. Căn cứ trên lý luận này, sẽ có thể thấu hiểu và lý giải [nhật nguyệt là] có hay không có.
(Sao) Liên lậu giả, Viễn Tổ ư Lô Sơn, tập chúng niệm Phật, khắc mộc vi liên, cụ thập nhị diệp, dẫn lưu tuyền nhập trì, mỗi độ nhất thời, thủy kích nhất diệp, trú dạ lục thời, thiền tụng bất chuyết. Dự hội chư hiền, vãng sanh thậm chúng. Kim nhân lục thời tịnh nghiệp, bổn ư Viễn Tổ, Viễn Tổ bổn thử.
(鈔) 蓮漏者,遠祖於廬山,集眾念佛,刻木為蓮,具十二葉,引流泉入池,每度一時,水激一葉,晝夜六時,禪誦不輟,與會諸賢,往生甚眾。今人六時淨業,本於遠祖,遠祖本此。
(Sao: “Đồng hồ sen”: Tổ Huệ Viễn ở Lô Sơn, nhóm họp đại chúng niệm Phật, khắc gỗ thành hoa sen có mười hai cánh, dẫn nước suối vào ao. Cứ qua mỗi một giờ, nước ngập một cánh sen. Ngày đêm sáu thời, thiền tụng chẳng thiếu sót, các vị hiền nhân dự hội, vãng sanh rất đông. Người thời nay [thực hành] sáu thời tịnh nghiệp vốn là do tổ Huệ Viễn đề xướng, mà tổ Huệ Viễn lại căn cứ trên điều này (tức “trú dạ lục thời”) [để lập ra cách tu trì ấy]).
“Liên lậu” là do Huệ Viễn đại sư sáng chế, dùng phương pháp nước nhỏ giọt để tính giờ. Ngài dùng gỗ khắc thành hoa sen, hoa sen ấy có mười hai cánh, mỗi cánh có thể chứa nước. Dẫn nước suối vào cho nhỏ giọt lên cánh sen. Hễ chứa đầy một cánh thì là hai tiếng đồng hồ [đã trôi qua]. Hoa sen ấy giống như một cái chậu rửa mặt nhỏ, nước nhỏ giọt từ từ, chứa đầy một cánh này, nước lại được chứa trong cánh kế tiếp. Khi cả mười hai cánh đều đầy, sẽ là một ngày một đêm, tức mười hai “thời thần”. Từ xưa tới nay, phương pháp tính toán thời gian của Trung Quốc đều dùng “lậu”, dùng phương pháp này có thể biết thời khắc.
Tịnh Độ Tông ở Trung Quốc do Viễn Công đại sư đề xướng, về sau, hình thành một tông phái. Thuở ấy, Ngài tập hợp các đồng tu cùng chung chí hướng ở chung với nhau để chuyên tu Tịnh nghiệp. Đạo tràng ấy ở Lô Sơn, tỉnh Giang Tây, nay gọi là Đông Lâm Tự. Thuở ấy, Viễn Công mở Niệm Phật Đường, kinh điển Tịnh Độ chỉ có kinh Vô Lượng Thọ. Lúc đó, kinh A Di Đà và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật còn chưa được phiên dịch. Số lượng đồng tu cố định. Thuở ấy, chỉ có một trăm hai mươi ba người, những người ấy ai nấy đều thành tựu. Tham gia liên xã rất khó, Viễn Công lão hòa thượng thẩm tra, ai không đủ tư cách, Ngài chẳng thâu nhận. Ví dụ như người sống đồng thời với Ngài là Tạ Linh Vận, ông này là một đại văn học gia thời Đông Tấn, muốn tham gia liên xã, nhưng Viễn Công đại sư cự tuyệt. Vì sao chẳng thâu nhận? Lý do là ông Tạ tập khí văn nhân quá nặng, thích viết văn, thích làm thơ, soạn từ[1], những thứ ấy đều khiến cho người niệm Phật phân tâm. Quý vị liền biết quy củ trong liên xã thuở ấy rất nghiêm. Do đó, chư vị đồng tu phải nhớ: Kẻ thích đọc sách nhiều sẽ chẳng thể có thành tựu. Tôi nói với quý vị một câu thật thà: Tạ Linh Vận thích đọc sách, soạn văn chương, nên Viễn Công đại sư không cho ông ta tham gia liên xã!
Vì sao thích đọc sách sẽ không thể thành tựu? Chư vị biết chúng ta tu pháp môn này nhằm mục đích nào? Nhằm [đạt đến] nhất tâm bất loạn! Quý vị thích đọc kinh Phật cũng không được! Quý vị thấy kinh Kim Cang nói như thế này, kinh Địa Tạng nói như thế nọ, Hoa Nghiêm và Pháp Hoa lại nói một cách khác nữa, đến khi nào quý vị mới có thể đắc nhất tâm? Chẳng thể nào! Chư vị muốn thật sự đắc nhất tâm bất loạn, thật sự muốn đạt đến công phu thành phiến, phải ghi nhớ lời cổ nhân! Người trong thế gian thường nói: “Chẳng nghe lời cổ nhân, chịu thua thiệt trước mắt”, quý vị nhất định luống uổng đời này. Hiện thời, Phật Học Viện nào mời tôi tới dạy, tôi đều không đi. Bản thân tôi cũng chẳng lập Phật Học Viện, vì sao? Khoa mục quá nhiều, quá tạp, chẳng thể thành tựu, tới đó lãng phí thời gian! Cầu học khác cầu đạo. Cầu học thì kiến thức của quý vị ngày một tăng trưởng, mỗi ngày phải phong phú hơn, vì học mà mỗi ngày một tăng thêm! Mỗi ngày phải tăng trưởng! Cầu đạo khác hẳn, cầu đạo là tâm địa thanh tịnh, ngày càng thanh tịnh hơn. Nói cách khác, trong tâm quý vị càng ít những thứ tạp nhạp càng hay, vì đạo ngày càng giảm thiểu mà! Giảm bớt những thứ này nọ trong tâm thì quý vị mới thành công!
Tuy trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện có nói: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, chẳng sai! Nhưng “pháp môn vô lượng thệ nguyện học” ở sau “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Nay hỏi quý vị, quý vị đã đoạn phiền não hay chưa? Quý vị đoạn hết phiền não rồi thì mới có thể “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Nay quý vị chưa đoạn phiền não, càng đọc, phiền não càng nhiều hơn, tri giải của quý vị ngày càng nhiều hơn, tà tri tà kiến càng nhiều hơn, Thanh Lương đại sư bảo là “tăng trưởng tà kiến”. Không chỉ đọc sách thế gian nhiều sẽ tăng trưởng tà kiến, mà quý vị xem nhiều sách Phật vẫn là tăng trưởng tà kiến. Khi nào có thể bắt đầu xem? Đã đoạn phiền não; Kiến Tư, Trần Sa, và Vô Minh của quý vị đều đã đoạn! Do đó, nói thật thà, học rộng nghe nhiều là khi nào? Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo mới có tư cách đi tham học bên ngoài. Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo đã đoạn Kiến Tư phiền não và Trần Sa phiền não, phá một phần vô minh; phá một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh. Năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử trong kinh Hoa Nghiêm, đi ra ngoài tham học chính là học rộng nghe nhiều, phải có điều kiện gì? Điều kiện là đã chứng đắc Sơ Trụ trong Viên Giáo! Do đó, “pháp môn vô lượng thệ nguyện học” chẳng phải [dành cho những kẻ có căn cơ giống như] chúng ta trong hiện tại, hiện thời chúng ta không đủ tư cách.
Công việc chúng ta phải làm trong hiện tại là phải đoạn phiền não, phải tu cái tâm thanh tịnh! Các cảnh giới do lục căn tiếp xúc thảy đều là những thứ nhiễm bẩn chân tánh. Vì thế, chớ nên xem nhiều, chớ nên nghe nhiều! Quý vị xem sách bèn xem một quyển kinh A Di Đà, nếu nghe bèn là nghe một câu A Di Đà Phật. Nghe danh hiệu của những vị Phật, Bồ Tát đều là nhiễm ô, muốn đắc nhất tâm chẳng dễ dàng! Do liên xã trong thuở ấy là chuyên ròng, nên mới có thành tựu to tát như vậy. Mỗi người vãng sanh đều biết trước lúc mất, người đã vãng sanh trước theo A Di Đà Phật đến đón tiếp người vãng sanh sau. Quý vị đọc truyện ký về sự vãng sanh của Huệ Viễn đại sư, lúc Tây Phương Tam Thánh và đại chúng trong Liên Trì hải hội đến đón Viễn Công, những người như Lưu Di Dân đã vãng sanh trước, đều theo A Di Đà Phật đến, vừa trông thấy Viễn Công đại sư bèn nói: “Thầy dạy chúng con niệm Phật, chúng con đi trước, sao bây giờ thầy mới đến?” Trong truyện ký có ghi điều này, tuyệt đối chẳng phải là giả. Nếu chư vị muốn thật sự học, nếu muốn thành tựu thật sự, mà chẳng dùng biện pháp này của tổ sư, có thể nói là chẳng có hy vọng thành công!
Do đó, chúng ta ngày nay, trong tương lai có dịp mở Niệm Phật Đường, mọi người cùng tu, có mấy người thật sự là chí đồng đạo hợp là được rồi, ba người hay năm người trọn chẳng phải là ít, mà một hai trăm người cũng chẳng tính là nhiều! Nhưng chư vị phải biết: Chẳng tìm đâu ra hai ba chục người thật sự có chí đồng đạo hợp, đang nhằm thời kỳ Mạt Pháp mà! Thời Viễn Công đại sư cũng chẳng hơn một trăm hai mươi ba người. Do đó, rất khó! Vì sao? Quý vị thấy giữa bao người đông ngần ấy, Niệm Phật Đường là [nơi tu] pháp môn thành Phật, người có duyên thành Phật trong một đời này đã chín muồi, phước báo to tát lắm! Có mấy ai có duyên thành Phật chín muồi trong một đời này? Bởi lẽ đó, làm sao có thể miễn cưỡng chuyện này cho được? Duyên thành Phật của một người chưa đến, sẽ chẳng thể ở trong Niệm Phật Đường. Một người thật sự khăng khăng kiên quyết, thứ gì cũng đều buông xuống, suốt ngày từ sáng đến tối một bộ kinh, một Phật hiệu, duyên thành Phật của người ấy đã tới rồi! Người ấy đời này quyết định thành Phật, chư vị đồng tu nhất định phải nhớ điều này. Vì lẽ đó, quý vị đọc nhiều kinh, chắc chắn chẳng có lợi!
Phát nguyện giảng kinh, đích xác là vô cùng thù thắng, vô cùng khó có. Giảng kinh cũng chẳng phải là chuyện dễ dàng! Hai ngày hôm nay, cư sĩ Giản Phong Văn hết sức cảm khái thưa với tôi, ông ta nói chính mình tạo rất nhiều tội nghiệp. Tội nghiệp gì vậy? Khuyên người khác giảng kinh! Tôi nói: “Đó là chuyện tốt đẹp!” Ông ta nói: “Trước kia người ấy chưa biết giảng, người đó mới ra giảng thì hãy còn rất khiêm hư. Nay đã biết giảng bèn kiêu căng, ngã mạn, không để ai vào mắt. Đó là con đã hại kẻ ấy”. Tôi bảo: “Ông chẳng hại kẻ đó, chớ nên thường tự trách mình!” Tôi nói: “Có cha mẹ nào chẳng mong con cái tốt đẹp? Có người làm thầy nào chẳng mong học trò giỏi giang? Đứa con hay đứa học trò làm càn, làm quấy trong xã hội, vậy thì phải kết tội cha mẹ, thầy giáo hết sao?” Chẳng có lẽ ấy! Tôi nói: “Ông khuyên kẻ ấy là đúng, là chuyện tốt. Còn sau này, kẻ ấy trở thành tệ hại, học theo thói xấu, đó là chuyện của hắn! Làm sao thầy có thể bảo đảm học trò cả đời chẳng làm chuyện xấu?” Chẳng có cách nào làm được! Cha mẹ cũng làm không được! Tôi liền bảo ông ta: Nếu thường tự trách mình như vậy, sẽ bất lợi rất lớn cho sự tu hành của chính mình, trở thành đại chướng ngại, vì mỗi lần ông nghĩ đến là một lần “ta có lỗi với kẻ ấy, ta đã dẫn dụ người ấy thành hư hỏng”, tức là ông lại tạo tội nghiệp lần nữa trong A Lại Da Thức! Tôi nói: “Sao ông chẳng thay những ý niệm ấy bằng niệm A Di Đà Phật? Vì sao chẳng nghĩ tới kinh Vô Lượng Thọ? Như thế mới là đúng!”
Chúng ta khuyên người khác học giảng kinh, học giảng kinh thì học từ nơi đâu? Học khởi đầu từ tâm thanh tịnh, do kinh nghiệm mà chúng tôi biết điều này. Vì thế, tôi cổ vũ, khích lệ người khác giảng kinh. Học giảng kinh thì trước hết hãy học phẩm đức của chính mình, thành tựu đạo nghiệp của chính mình, học bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ chuyên môn niệm một bộ kinh trong ba năm hoặc năm năm. Cổ đại đức [hạn định] năm năm, người hiện thời chẳng kiên nhẫn như vậy, [nhưng nói gì thì nói] tối thiểu cũng phải là ba năm. Trong ba năm niệm một bộ kinh, quyết định chẳng xem bộ sách thứ hai, để cho cái tâm được Định. Sau ba năm rồi mới bắt đầu học giảng, sẽ khác hẳn! Nếu trong ba năm ấy, thứ gì quý vị cũng đều ưa thích, thứ gì cũng đều mến chuộng, vậy thì quý vị hãy theo người khác học, tôi ở đây chẳng muốn [thâu nhận] quý vị, điều này hết sức trọng yếu! Vì vậy, phải nghĩ đến đạo tràng của tổ sư, nghĩ tới thành tựu của tiền hiền trong quá khứ, đều là những tấm gương tốt cho chúng ta, hãy nên ghi nhớ, giữ lấy, hãy nên học tập, người ta là những người đã có thành tựu. Người hiện thời cố nhiên có rất nhiều phương pháp hay, nhưng chúng ta chẳng thấy kết quả và thành tựu như họ. Nếu chúng ta học theo [cách do người hiện thời đề xướng], học suốt một đời chẳng đạt được kết quả, rất đáng tiếc! Đường lối xưa rất đáng tin cậy, chúng ta thấy không ít người thành tựu. Vì thế, theo đường lối xưa vẫn là tốt đẹp hơn!
Người thời nay [áp dụng phương pháp] “sáu thời tịnh nghiệp”, tức là phương pháp niệm Phật quanh năm trong Niệm Phật Đường. Phương thức ấy “bổn ư Viễn Tổ” (vốn xuất phát từ tổ Huệ Viễn), Viễn Công đại sư đã lưu lại nghi thức niệm Phật này.
(Sớ) Mạn Đà La, thiên hoa danh dã, thử vân Thích Ý.
(疏) 曼陀羅,天華名也,此云適意。
(Sớ: Mạn Đà La là tên một loài hoa cõi trời, hoa này dịch là Thích Ý).
Kinh nói: “Trú dạ lục thời, vũ thiên Mạn Đà La hoa” (Ngày đêm sáu thời, mưa hoa Mạn Đà La cõi trời). “Thiên” là thiên nhiên, chẳng phải do người làm, cũng chẳng do thực vật sanh trưởng, mà là thiên nhiên. Mạn Đà La (Mandarava) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Thích Ý. Rốt cuộc hoa Mạn Đà La là hoa gì? Không nhất định! Quý vị thích hoa gì, trên trời liền rơi xuống hoa ấy. Thứ hoa do chính quý vị ưa thích, yêu chuộng, được gọi là Mạn Đà La. Người Hoa dịch nghĩa là “như ý”, [tức là] đúng ý của ta, mang ý nghĩa ấy. Do vậy, phẩm loại hoa, màu sắc, quang minh ở đây là vô lượng vô biên, tùy theo sự yêu thích của mỗi người. Quý vị thích loại gì liền hiện ra loại ấy, đó là Thích Ý.
(Sớ) Hựu vân Bạch Hoa.
(疏) 又云白華 。
(Sớ: Còn nói là Bạch Hoa).
Cũng có ý nghĩa là hoa màu trắng.
(Sớ) Thiên vũ giả, tán thán đạo đức, như Không Sanh Đế Thích sự.
(疏) 天雨者,讚歎道德,如空生帝釋事。
(Sớ: “Trời tuôn mưa” là ca ngợi đạo đức, như chuyện giữa ngài Không Sanh và vua Đế Thích).
Trong lời Sao có giải thích từ ngữ “Không Sanh, Đế Thích”.
(Sao) Bạch hoa giả, thiên hoa đa chủng, như Mạn Thù Sa, tắc vân Xích Hoa.
(鈔) 白華者,天華多種,如曼殊沙,則云赤華。
(Sao: Bạch Hoa: Hoa trời có nhiều loại, như Mạn Thù Sa chính là hoa màu đỏ).
Hoa màu đỏ.
(Sao) Kim chỉ bạch hoa, văn tỉnh tiện dã. Diệc khả Tây phương thuộc kim, thủ bạch nghiệp nghĩa.
(鈔) 今止白華,文省便也。亦可西方屬金,取白業義。
(Sao: Nay chỉ nói hoa trắng, là kinh văn nói giản tiện, mà cũng có thể là phương Tây thuộc hành Kim, [nói hoa trắng] nhắm tới ý nghĩa nói về nghiệp trắng sạch).
“Bạch hoa” không nhất định chỉ màu trắng, vì người Ấn Độ gọi thiện là Bạch, gọi ác là Hắc. Bạch Hoa là “thiện hoa”, có ý nghĩa ấy, vẫn thuộc trong ý nghĩa Thích Ý. Thích Ý, nhưng nó là thiện, thiện quyết định tăng trưởng đạo niệm của quý vị. Thấy những hoa ấy, tự nhiên quý vị biết niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, biết niệm Tam Bảo, chẳng thể nào thấy hoa ấy mà nghĩ đến chuyện gì khác. Nếu thấy hoa ấy mà nghĩ đến pháp khác, tức là hoa ấy bất thiện, chẳng thể gọi là Bạch Hoa. Do vậy, nói Bạch Hoa không nhất định là nói đến màu sắc, quý vị phải nhớ điều này. Vì thế, nói giữ lấy “ý nghĩa bạch nghiệp” hết sức hay!
(Sao) Thích Ý giả, thiên hoa diệu hảo, thích duyệt nhân ý dã.
(鈔) 適意者,天華妙好,適悅人意也。
(Sao: Thích Ý: Hoa trời đẹp đẽ tuyệt diệu, khiến người ta vui lòng, đẹp ý).
Một nghĩa là bạch nghiệp, một nghĩa là đẹp đẽ khiến người ta vui lòng, đẹp ý; hai ý nghĩa ấy hợp lại hết sức viên mãn.
(Sao) Đại Bổn vân: “Nhất thiết chư thiên, giai lãi thiên thượng bách thiên hoa hương, lai cúng bỉ Phật”.
(鈔) 大本云:一切諸天,皆賚天上百千華香,來供彼佛。
(Sao: Kinh Đại Bổn nói: “Hết thảy chư thiên, đều mang trăm ngàn hoa hương đến cúng dường đức Phật ấy…”).
“Chư thiên” nói ở đây là các vị Bồ Tát thuộc các phương khác. Có nhiều vị Bồ Tát từ các thế giới phương khác mỗi ngày đều đến Tây Phương Cực Lạc thế giới nghe A Di Đà Phật giảng kinh, thuyết pháp. Họ đến nghe Phật thuyết pháp, nhất định có cúng dường, mang các hoa trời đến cúng dường. Trên thực tế, hoa trời cũng chẳng phải là mang lại, lẽ nào họ mang đi xa ngần ấy? Mà do biến hóa ra. Trên không trung của thế giới Cực Lạc vô cùng trang nghiêm.
(Sao) Cập chư Bồ Tát, Thanh Văn chi chúng thị dã.
(鈔) 及諸菩薩聲聞之眾是也。
(Sao: “Và các vị Bồ Tát, Thanh Văn” là nói về ý này).
Những người khách từ bên ngoài đến cúng dường A Di Đà Phật, cúng dường các vị thượng thiện nhân trong Tây Phương Cực Lạc thế giới.
(Sao) Tán thán giả, thế nhân hành thiện, chư thiên hoan hỷ, hà huống bỉ quốc.
(鈔) 讚歎者,世人行善,諸天歡喜,何況彼國。
(Sao: “Tán thán”: Người đời làm lành, chư thiên hoan hỷ, huống hồ là cõi kia).
Nói đến pháp thế gian, người thế gian có thiện niệm, thiện hạnh, thưa cùng quý vị, chư thiên, quỷ thần đều hoan hỷ. Tà quỷ ác thần tuy hại người, nhưng trông thấy người lành bèn cung kính, cũng kính sợ, lánh xa. Nếu thấy kẻ nào làm chuyện bất thiện, những ác quỷ, ác thần thảy đều đến giúp kẻ ấy tạo ác, giúp họ làm chuyện bất thiện. Do vậy, có thể biết, trong tâm chúng ta khởi tâm động niệm, tạo tác hành vi, đều có quỷ thần trông thấy, có quỷ thần thừa cơ khuấy động, giở trò, quấy phá khiến tâm quý vị phát cuồng. Hiện thời, trong thế giới này, trong ngoài nước, chúng ta trông thấy nhiều lắm, có cứu được hay không? Chẳng cứu được! Lúc mới bắt đầu, còn chưa nghiêm trọng, còn cứu được, có thể quay lại! Nếu đã hãm thật sâu, y học hiện thời gọi [tình trạng đó] là “tinh thần phân liệt” (Schizophrenia), chẳng thể cứu được! Chính mình nhất định phải cảnh giác!
Đại Kinh dạy, phương pháp chân chánh, phương pháp xảo diệu nhất là phải đọc kinh, phải tuân thủ các giáo huấn trong kinh điển, phải y giáo phụng hành. Trong tâm có vọng niệm bèn đọc kinh, vọng niệm chẳng còn nữa! Kinh niệm thật sự thuộc làu, trong cuộc sống hằng ngày thường nghĩ đức Phật đã dạy chúng ta như thế nào, chúng ta phải nên hành ra sao, y giáo phụng hành. Trong kinh điển có nói “quán kinh ước lệnh” (quán những điều ước thúc, ngăn cấm trong kinh). Chẳng nói là Đọc, mà nói là Quán. Quán khắc sâu ấn tượng hơn Đọc. Trong Quán có công phu, tức là Quán Chiếu, Chiếu Trụ, và Chiếu Kiến như Thiền Tông thường nói. Quán Chiếu có ý nghĩa sâu hơn đọc kinh một tầng. Đọc kinh, khi quý vị chẳng khởi tác dụng, bèn chẳng có công phu quán chiếu. Đọc kinh thì trong cuộc sống, quý vị thường nghĩ tới, ta dấy lên một niệm, [liền đối chiếu] đức Phật đã nói trong kinh như thế nào, bèn ngay lập tức có thể sửa đổi chính mình, đó là Quán Chiếu. Cũng là thời thời khắc khắc ghi nhớ giáo huấn của kinh điển trong lòng, chẳng dám vi phạm, đó là Quán Chiếu. Vì thế, thật sự có thể sanh ra tác dụng ước thúc chính mình, phục tùng mệnh lệnh của Phật. Giáo huấn của Phật là mệnh lệnh của Phật, tuyệt đối phục tùng. Có như vậy, chúng ta mới có thể tránh khỏi suy nghĩ tà vạy, mới hòng tránh khỏi tà kiến, tà hạnh. Chúng ta tâm lành, hạnh lành, chư thiên hoan hỷ, đó là pháp thế gian. Pháp thế gian mà còn như thế, “hà huống bỉ quốc” (huống hồ cõi ấy), Tây Phương Cực Lạc thế giới là cõi thiện bậc nhất trong hết thảy các cõi Phật.
(Sao) Như Lai Bồ Tát hiền thánh thượng thiện chi sở tập hội, tán thán vũ hoa, lý cố ưng nhĩ.
(鈔) 如來菩薩賢聖上善之所集會,讚歎雨華,理固應爾。
(Sao: Chỗ Như Lai, Bồ Tát, hiền thánh và các bậc thượng thiện nhóm hội thì tán thán, mưa hoa là chuyện đúng lẽ).
Nói theo Lý thì phải nên như thế. Ngay cả mười phương chư Phật còn tán thán Tây Phương Cực Lạc thế giới, còn gì để bàn cãi nữa! Mười phương chư Phật đều tán thán, nói thật ra, chúng ta cũng được nhờ lây! Quý vị niệm kinh này, niệm A Di Đà Phật, mười phương chư Phật cũng tán thán quý vị. Khen ngợi kinh, khen ngợi người đọc kinh; khen ngợi Phật, khen ngợi người niệm Phật. Vì lẽ đó, chúng ta tu hành, một bản Tịnh Độ Ngũ Kinh là đủ rồi. Người tu Tịnh Độ chân chánh, một quyển kinh là đủ. Nếu vẫn ngại một quyển còn ít, tâm vẫn chưa buông xuống được, bèn đọc Tịnh Độ Ngũ Kinh. Năm kinh mà vẫn cảm thấy chưa đủ, vẫn muốn xem thứ gì khác, tôi lại giới thiệu với quý vị bộ Tịnh Độ Thập Yếu. Nếu vẫn chưa đủ, vậy thì tôi giới thiệu Ấn Quang Đại Sư Văn Sao. Nếu [vẫn cảm thấy] chưa đủ, Tây Phương Cực Lạc thế giới [quý vị] chẳng có phần! Quyết định không thể nhiều, càng tinh chuyên càng hay, tốt nhất là suốt đời tinh chuyên nơi một bộ kinh.
Tại Trung Quốc, từ xưa đã có nhiều vị tổ sư đại đức suốt đời chuyên giảng kinh A Di Đà, giảng mấy trăm lượt, suốt một đời chẳng giảng bộ kinh thứ hai, đó là tuyệt đối chánh xác. Nếu một mình quý vị, kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà đồng bộ, tức là Đại Bổn và Tiểu Bổn. Quý vị thật sự dùng mười năm đổ công dốc sức nơi Đại Bổn và Tiểu Bổn, chuyên tu, chuyên giảng. Trong mười năm, chẳng đọc bộ kinh thứ hai. Trừ hai bộ kinh ấy ra, [những thứ khác] nhất loạt chẳng xem; mười năm sau, quý vị sẽ là hóa thân của A Di Đà Phật. Vì sao? Nhắc tới kinh Vô Lượng Thọ hoặc kinh A Di Đà, quý vị sẽ là người [thông thạo] bậc nhất trên thế giới. Bất cứ pháp sư đại đức nào cũng chẳng thể sánh bằng quý vị. Vì sao? Quý vị chuyên dụng công nơi một bộ kinh tới mười năm! Nếu quý vị dùng mười năm công phu chuyên công dốc sức nơi Quán Âm Tam Kinh, tức là Phổ Môn Phẩm, Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương của kinh Lăng Nghiêm và chương Quán Tự Tại trong kinh Hoa Nghiêm, sau mười năm quý vị là Quán Âm Bồ Tát sống, là Quán Âm Bồ Tát tái lai, chẳng sai tí nào! Đúng là hóa thân của Quán Âm Bồ Tát, vì sao? Vì quý vị niệm mỗi ngày, được thần lực của Phật, Bồ Tát gia trì. Mười năm sau, quý vị nhất định hợp nhất với A Di Đà Phật, hợp nhất với Quán Thế Âm Bồ Tát, như vậy đó! Tôi nói lời thật cùng mọi người, về Lý và Sự, xác thực là như vậy; nhưng quý vị nếu muốn học nhiều, tu tạp, tu suốt một đời điều gì cũng chẳng thành, chẳng nắm chắc vãng sanh, chịu thua thiệt rất lớn!
Nếu tôi dạy học trò, bèn dạy theo cách này. Trong suốt năm năm, quý vị xem một bộ kinh, tôi thấy quý vị xem kinh khác, nhất định sẽ hung tợn đánh quý vị! Quý vị nhất định phải niệm bộ kinh này. Nếu quý vị niệm bộ kinh thứ hai, tôi buộc quý vị rời đi, tôi không nhận quý vị nữa, vì sao? Quý vị đọc thứ khác, ý nghĩ bị ô nhiễm. Chúng tôi yêu cầu nhất tâm, phải tu tâm thanh tịnh, mỗi ngày quý vị vẫn làm chuyện nhiễm ô, làm sao đạt thanh tịnh cho được? Làm sao có thể đắc nhất tâm cho được? Sách trong Đồ Thư Quán để cho kẻ khác xem, chẳng phải là để cho ta xem! Họ đến mượn, ta cho họ mượn, đó là chuyện của họ, chẳng dính líu gì đến ta! Bản thân ta suốt ngày từ sáng đến tối đọc một quyển, niệm một câu A Di Đà Phật, như vậy thì mới có thể thành công, mới là chuyên tu, chuyên hoằng. Nói thật ra, [học trọn] Tịnh Độ Ngũ Kinh cũng chưa chắc có thể thành công. Nói thật ra, đối với năm kinh, vẫn phải dốc sức nơi một bộ kinh! Ta học bộ kinh này hiểu rồi thì mới học bộ thứ hai, như vậy thì được! Nhưng bộ kinh thứ nhất phải học bao lâu? Tôi cảm thấy ít nhất là học mười năm. Trong quá khứ, tôi theo thầy Lý ở Đài Trung suốt mười năm học được năm bộ kinh, học nhiều quá! Nếu mười năm tôi chỉ học một bộ kinh, nay tôi đã sớm thành Phật, thành Bồ Tát, chẳng phải là như tình trạng này!
Khi tôi vừa mới đến Đài Trung, học được một bộ A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung Kinh, đây là bộ kinh vỡ lòng của tôi. Bộ thứ hai là kinh A Di Đà, bộ thứ ba là Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, bộ thứ tư là kinh Kim Cang, bộ thứ năm là kinh Lăng Nghiêm. Mười năm học năm bộ, học quá nhiều, học tạp! Nay chính tôi mới biết thuở ấy đi sai đường. Thầy chẳng nghiêm ngặt ước thúc chúng tôi, nếu thầy nghiêm ngặt ước thúc, tôi có thể nghe lời, có thể tiếp nhận. Nếu khi ấy, thầy Lý bảo tôi: “Nếu anh nghiêm túc đọc một quyển kinh Di Đà trong mười năm, tương lai anh sẽ là hóa thân của A Di Đà Phật”, tôi nhất định sẽ làm! Tôi biết nghe lời, sau mười năm tôi biến thành A Di Đà Phật, lẽ đâu chẳng vãng sanh? Quyết định vãng sanh! Đấy mới là thật sự giúp đỡ người khác. Thật sự tu hành, báo chí, tạp chí, sách vở thế gian thảy đều vứt bỏ, chẳng cần đọc nữa, đó là chân tu!
(Diễn) Thế nhân hành thiện chư thiên hoan hỷ giả, dĩ nhân tu giới thiện, tắc thiên đa quyến thuộc, thiên hỷ quyến thuộc, cố sanh hỷ dã. Hựu chư thiên giai hiếu thiện, nhân tu thiện, tắc thượng hợp thiên tâm, cố hỷ dã.
(演) 世人行善諸天歡喜者,以人修戒善,則天多眷屬,天喜眷屬,故生喜也。又諸天皆好善,人修善,則上合天心,故喜也。
(Diễn: “Người đời làm việc thiện, chư thiên hoan hỷ”: Do người tu giới thiện, ắt chư thiên có nhiều quyến thuộc. Do chư thiên ưa thích quyến thuộc, nên sanh hoan hỷ. Lại nữa, chư thiên đều chuộng điều lành, người tu thiện ắt là trên hợp với lòng trời, nên [chư thiên] hoan hỷ).
Đây là lời chú giải của pháp sư Cổ Đức, chú giải hết sức hay.
(Sao) Như Không Sanh, Đế Thích giả.
(鈔) 如空生帝釋者。
(Sao: Như Không Sanh và Đế Thích).
Đây là trích dẫn một công án trong Phật môn, là một câu chuyện xưa.
(Sao) Tu Bồ Đề yến tọa.
(鈔) 須菩提宴坐。
(Sao: Ngài Tu Bồ Đề ngồi yên).
“Không Sanh” là tôn giả Tu Bồ Đề. Tu Bồ Đề (Subhūti) là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Không Sanh. Ngài là bậc đương cơ trong kinh Kim Cang, vì Ngài Giải Không (thấu hiểu tánh Không) bậc nhất. “Tu Bồ Đề yến tọa” là khi ngài Tu Bồ Đề đả tọa, tĩnh tọa.
(Sao) Đế Thích tán hoa.
(鈔) 帝釋散華。
(Sao: Đế Thích rải hoa).
“Đế Thích” (Śakro Devānām Indraḥ) là Đao Lợi Thiên Chúa, người Hoa gọi ông ta là Ngọc Hoàng Đại Đế. Đao Lợi Thiên Chúa đi qua đó, thấy tôn giả Tu Bồ Đề nhập Định ở đó, Thiên Chúa rất hoan hỷ, rải hoa cúng dường.
(Sao) Tu Bồ Đề vấn: Không trung tán hoa, đương thị hà nhân?
(鈔) 須菩提問:空中散華,當是何人?
(Sao: Tu Bồ Đề hỏi: “Đang rải hoa trên hư không là người nào vậy?”)
Khi ngài Tu Bồ Đề đang ngồi, [thấy] hoa rơi xuống liền hỏi: “Ai đang rải hoa?”
(Sao) Đáp viết: Ngã nãi Thiên Đế.
(鈔) 答曰:我乃天帝。
(Sao: Bèn đáp: “Tôi là Thiên Đế”).
Ông ta đáp: “Tôi là Đao Lợi Thiên Chúa”. Đao Lợi Thiên Chúa rải hoa cúng dường. Lại còn nói:
(Sao) Dĩ tôn giả thiện thuyết Bát Nhã cố.
(鈔) 以尊者善說般若故。
(Sao: Do tôn giả khéo nói Bát Nhã).
Ngài Tu Bồ Đề khéo nói Bát Nhã, nên Thiên Đế rải hoa cúng dường. Điều này nói rõ tâm người tốt lành có thể cảm động chư thiên, thiện thần. Chư thiên, thiện thần hoan hỷ cúng dường.
(Sao) Thị tri Tịnh Độ vãng sanh chi chúng, nhất tâm bất loạn, tắc chư niệm bất sanh, vạn pháp không tịch, tức thị thiện thuyết Bát Nhã, cảm động chư thiên, hựu hà nghi tai!
(鈔) 是知淨土往生之眾,一心不亂,則諸念不生,萬法空寂,即是善說般若,感動諸天,又何疑哉!
(Sao: Do vậy biết đại chúng vãng sanh Tịnh Độ, nhất tâm bất loạn, nên các niệm chẳng sanh, vạn pháp không tịch, chính là khéo nói Bát Nhã, cảm động chư thiên, há còn ngờ ư!)
Kinh Đại Bát Nhã gồm sáu trăm quyển, Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh Bát Nhã hai mươi hai năm, chúng ta có cần phải học hay không? Chẳng cần học! Vì một câu A Di Đà Phật bao gồm trọn vẹn kinh Đại Bát Nhã do đức Phật đã giảng trong hai mươi hai năm. Chỉ cần quý vị niệm đến mức tâm thanh tịnh, niệm đến mức chẳng có một vọng niệm nào, Bát Nhã liền hiện tiền. Câu Phật hiệu này chẳng thể nghĩ bàn! Một câu Phật hiệu này đã hàm nhiếp các kinh giáo do Thích Ca Mâu Ni Phật và mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đã nói và các pháp môn do các Ngài đã tu, chẳng sót một điều gì! Nếu quý vị chú tâm thấu hiểu, đã đạt được pháp môn này, chẳng có pháp môn nào không đạt được! Hết thảy các pháp môn đều đạt được, vậy thì tôi hỏi quý vị: Trong tương lai, quý vị hoằng kinh phải hoằng kinh nào? Đương nhiên ý nguyện của mỗi người mỗi khác. Dùng công phu mười năm, kinh này đã thông, hết thảy các kinh đều thông đạt toàn bộ. Khi thông đạt, quý vị hoằng dương kinh nào? Nếu quý vị hỏi tôi, tôi vẫn hoằng dương bản kinh này, chẳng hoằng dương bản kinh thứ hai, vì sao? Nếu tôi dùng loại kinh thứ hai để dạy mọi người, tôi có lỗi với đại chúng. Vì sao? Vì bộ kinh này chân thật nhất, nhanh chóng nhất, dễ dàng nhất, nhưng quý vị chẳng dạy người khác pháp môn này, mà tìm những thứ gây phiền cho người ta, chẳng phải là cố ý làm khó người ta hay sao? Nói rất huyền, rất diệu, hoa trời rơi lả tả, nhưng chẳng đạt được lợi ích. Không chỉ là chẳng có lợi ích nơi tu hành chứng quả, mà thậm chí thật sự lý giải cũng chẳng đạt được, trọn chẳng thể nào!
Lợi ích chân thật nhất, không gì bằng truyền dạy kinh Di Đà cho người khác, dạy người khác biết đến câu Phật hiệu này, đó là chân thật khôn sánh! Kinh Vô Lượng Thọ nói “huệ dĩ chúng sanh chân thật chi lợi” (ban cho chúng sanh lợi ích chân thật). Pháp môn này là “trí huệ chân thật”, “chân thật chi tế”, kinh nói liên tiếp ba món Chân Thật, những kinh điển khác chẳng có chuyện này!
(Sớ) Hựu hoa hữu nhị chủng, nhất giả thiên hoa, nhị giả thụ hoa.
(疏) 又華有二種,一者天華,二者樹華。
(Sớ: Lại nữa, hoa có hai thứ, một là thiên hoa, hai là hoa do cây cối sanh ra).
“Thụ hoa” là những thứ sanh trưởng từ cây cối, hoa, cỏ trong thế gian.
(Sớ) Kim thị thiên hoa, dĩ thiên nhiếp thụ cố.
(疏) 今是天華,以天攝樹故。
(Sớ: Nay ở đây [kinh chỉ nói] là hoa trời, vì [nói] thiên hoa tức là đã bao gồm hoa của cây cối).
Nói “thiên hoa” thì đương nhiên bao gồm hoa từ cây cối, nhưng hoa từ cây cối chẳng thể bao gồm thiên hoa.
(Sao) Thiên hoa giả, tùng thiên nhi hạ, nghĩa như tiền thích.
(鈔) 天華者,從天而下,義如前釋。
(Sao: Hoa trời là hoa từ trên trời rải xuống, ý nghĩa như trong phần trên đã giải thích).
Giống như đã giải thích trong phần trước, hoa ấy từ không trung rơi xuống.
(Sao) Thụ hoa giả.
(鈔) 樹華者。
(Sao: Hoa từ cây cối).
Đây là nói Tây Phương Cực Lạc thế giới có hàng cây bảy báu.
(Sao) Đại Bổn vân: “Tứ phương tự nhiên phong khởi, xuất ngũ bách âm thanh, xuy chư thụ hoa, hoa sanh dị hương, tùy phong tứ tán, tán chư Bồ Tát, Thanh Văn đại chúng. Hoa đọa địa giả, tích hậu tứ thốn, cực mục minh lệ, phương hương vô tỷ, cập chí tiểu ủy, tự nhiên loạn phong xuy khứ. Thị bỉ độ diệc vũ thụ hoa, cố viết “dĩ thiên nhiếp thụ”.
(鈔) 大本云:四方自然風起,出五百音聲,吹諸樹華,華生異香,隨風四散,散諸菩薩聲聞大眾,華墮地者,積厚四寸,極目明麗,芳香無比,及至小萎,自然亂風吹去,是彼土亦雨樹華,故曰以天攝樹。
(Sao: Kinh Đại Bổn chép: “Bốn phương tự nhiên nổi gió, phát ra năm trăm âm thanh, lùa qua các hoa trên cây [bảy báu], hoa tỏa mùi hương lạ, theo gió bay khắp bốn phương, rải lên các vị Bồ Tát, Thanh Văn, đại chúng. Hoa rơi xuống đất, tích lại dầy đến bốn tấc, hết sức chói ngời đẹp đẽ, thơm ngát khôn sánh. Cho đến khi hơi héo, tự nhiên có trận gió mạnh cuốn hết đi”. Vậy là cõi ấy cũng có mưa hoa từ cây cối, nên nói: “Do thiên hoa bao gồm cả hoa từ cây cối”).
Đoạn kinh Vô Lượng Thọ này giảng rõ sự trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Hư không đổ mưa hoa, gió thổi cuốn đi, hoa từ cây cối cũng phiêu lãng khắp nơi, đẹp đẽ khôn kể xiết! Hoa rơi xuống đất, kinh nói dầy đến bốn tấc. Lại còn tự nhiên bày ra những kiểu dáng đẹp đẽ nhất, chẳng rối loạn. Nếu lúc hoa khô héo, bèn chẳng còn nữa! Hoa nơi ấy vĩnh viễn tươi mới, hoa này vừa biến mất, hoa mới lại rơi xuống.
(Diễn) Cập chí tiểu ủy, loạn phong xuy khứ giả, Pháp Hoa vân: “Hương phong xuy ủy hoa, cánh vũ tân hảo giả”, thị dã.
(演) 及至小萎亂風吹去者,法華云:香風吹萎花,更雨新好者,是也。
(Sao: “Cho đến khi hơi héo, gió mạnh cuốn đi”: Kinh Pháp Hoa nói: “Gió thơm cuốn hoa héo, lại mưa xuống hoa mới”, chính là ý này).
Tây Phương Cực Lạc thế giới có tình hình ấy.
(Diễn) Hoặc nạn viết: Cực Lạc sở hữu hoa mộc, giai thất bảo thành, bất dĩ xuân sanh, bất dĩ thu tụy, kim nãi ủy giả, hà dã?
(演) 或難曰:極樂所有花木,皆七寶成,不以春生,不以秋瘁,今乃萎者,何也?
(Diễn: Chắc sẽ có kẻ bắt bẻ: Tất cả hoa cỏ cây cối trong Cực Lạc đều do bảy báu hợp thành, chẳng sanh trưởng vào mùa Xuân, chẳng xơ xác vào mùa Thu, nay lại có hoa héo là như thế nào?)
Thế giới Cực Lạc là thế giới bất sanh, bất diệt, tất cả hết thảy các pháp đều là bất sanh, bất diệt, lẽ nào có thể khô héo? Có khô héo là có sanh diệt. Trong khi giảng kinh Vô Lượng Thọ, tôi đã thưa bày về Tây Phương Cực Lạc thế giới, người ở bên đó hễ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, tướng hảo và quang minh đều giống như A Di Đà Phật, chẳng thể nói là sanh ra bèn giống như trẻ nhỏ dần dần trưởng thành. Hễ có sanh trưởng, bèn có sanh, lão, bệnh, tử. Tây Phương Cực Lạc thế giới là hóa sanh, chẳng hề nói là trưởng thành dần dần, nên hễ sanh về đó bèn sống đời đời. “Hư vô chi thân, vô cực chi thể” (Cái thân hư vô, cái thể vô cực). Do đó, họ chẳng có sanh, lão, bệnh, tử. Nếu họ có sanh trưởng, từ đứa bé dần dần trưởng thành, sẽ nhất định có già, chết. Vì lẽ đó, câu hỏi này rất có lý!
(Diễn) Đáp: Thử hữu nhị nghĩa, nhất giả tùy thuận thử phương cố.
(演) 答:此有二義,一者隨順此方故。
(Diễn: Đáp: Ở đây có hai nghĩa, một là do tùy thuận phương này).
Chúng ta vãng sanh sang đó, [hoa héo là] do tập khí của chúng ta biến hiện. Vì trong thế giới ấy, hết thảy đều là “duy thức sở biến, duy tâm sở hiện”. [Do tập khí, nên chúng ta nghĩ]: “Hoa ấy rơi xuống, lẽ nào chẳng bị héo khô?” Do trong tâm nghĩ nó sẽ bị khô héo, nó liền khô héo. Đây là những người từ các thế giới phương khác mới tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, còn mang theo tập khí cũ, nên thấy hiện tượng ấy.
(Diễn) Nhị giả biểu pháp cố, dĩ hoa biểu Bồ Tát chi nhân hạnh.
(演) 二者表法故,以花表菩薩之因行。
(Diễn: Hai là nhằm biểu thị pháp, dùng hoa để biểu thị nhân hạnh của Bồ Tát).
“Hoa” tượng trưng cho nhân hạnh, tu nhân. Hễ tu hành hơi giải đãi, đúng là giống như cái hoa héo. Thật vậy, chẳng giả tí nào! Nơi ao bảy báu bên Tây Phương Cực Lạc thế giới, chúng ta ở nơi đây và chúng sanh trong mười phương thế giới chỉ cần phát tâm, thật sự mong sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, trong ao bảy báu bèn trổ một đóa hoa sen. Nếu quý vị niệm Phật rất tinh tấn, rất siêng năng, hoa ấy ngày càng to hơn, quang minh và màu sắc ngày càng đẹp đẽ hơn. Ở nơi đây, chúng ta phát tâm chịu niệm, hoa ấy được vun bồi thêm. Nếu chúng ta giải đãi, ngã lòng, chẳng muốn niệm nữa, hoặc chẳng tin pháp môn này, đổi sang học pháp môn khác, hoa ấy liền khô rụng, chẳng còn nữa! Hoa héo rũ trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là do A Di Đà Phật thị hiện một sự cảnh giác rất lớn, khuyên Bồ Tát phải tinh tấn, hễ giải đãi đôi chút, màu hoa ấy sẽ kém hẳn. Ý nghĩa này hết sức hay!
(Diễn) Sảo hữu giải đãi, như hoa chi tiểu ủy, tắc cổ dĩ Bát Nhã chi phong, khử kỳ giải đãi, trùng gia tinh tấn, như xuy khứ ủy hoa, cánh vũ tân hảo dã.
(演) 稍有懈怠,如花之小萎,則鼓以般若之風,去其懈怠,重加精進,如吹去萎花更雨新好也。
(Diễn: Hễ hơi có giải đãi, như hoa hơi héo, bèn nổi gió Bát Nhã để trừ khử sự giải đãi ấy, lại tăng thêm tinh tấn, như thổi sạch hoa héo, lại mưa hoa mới vậy).
Chúng ta phải hiểu ý nghĩa này. Trước mắt, chúng ta cúng Phật bằng hoa tươi cũng nhằm biểu thị ý nghĩa này. Cúng một hai ngày, hoa héo, liền biết là giải đãi. Lại cúng hoa mới là lại tinh tấn, lại nỗ lực, biểu thị ý nghĩa này. Nay chúng ta thường cúng [hoa] trong Phật đường, nhưng chẳng biết ý nghĩa. Tuy nói ra, quý vị cũng hiểu, nhưng chẳng thể vận dụng trong cuộc sống, chẳng thể dùng chuyện này để niệm niệm nhắc nhở chính mình. Nói cách khác, tập khí của chúng ta quá nặng, vẫn chẳng thể chuyển được, công phu chẳng đắc lực. Nếu quý vị thật sự chuyển được, công phu quyết định đắc lực. Trong nhà quý vị thờ Phật cũng là như thế. Không chỉ là cúng Phật, mà bất luận ở nơi đâu, những hoa cỏ quý vị trông thấy đều là biểu thị pháp. Vì thế, vừa thấy hoa, bèn nghĩ chính mình phải tinh tấn. Thấy hoa sắp héo, sắp rụng, bèn nghĩ đến sự giải đãi. Trông thấy hoa nở rất đẹp đẽ, rất sum suê, [bèn thấy] đó là tinh tấn. Không nhất định là nhìn trong Phật đường, mà tất cả bất cứ chỗ nào trông thấy hoa, đều biểu thị ý nghĩa này. Thường tương ứng với tự tánh như vậy sẽ là tốt đẹp.
(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh khai giác, thị hoa nghĩa.
(Diễn) Tự tánh khai giác thị hoa nghĩa giả, dĩ Viên Giác chi tâm, như hoa khai, minh chiếu thập phương sát cố.
(疏) 稱理,則自性開覺,是華義。
(演) 自性開覺是華義者,以圓覺之心,如花開,明照十方剎故。
(Sớ: Xứng Lý thì tự tánh khai giác là ý nghĩa của hoa.
Diễn: “Tự tánh khai giác là ý nghĩa của hoa”: Do cái tâm Viên Giác giống như hoa nở, soi rõ các cõi nước trong mười phương).
“Viên” là viên mãn, “Giác” là giác ngộ, giác chứ chẳng mê, ví như hoa nở. “Minh chiếu thập phương sát cố”, Minh là hiểu rõ, Chiếu là chiếu kiến, [hiểu rõ, thấy thấu suốt] các cõi nước của chư Phật trong mười phương. Nói thu nhỏ hơn đôi chút, sẽ là hoàn cảnh trước mắt chúng ta, tức là hoàn cảnh vật chất và hoàn cảnh nhân sự, thứ gì cũng hiểu rõ, tức là thứ gì cũng thông đạt, chẳng bị mê hoặc. Đó là Bát Nhã hiện tiền, tâm quý vị giác, chứ không mê!
(Diễn) Phật Địa Luận vân: “Như đại mộng giác, như liên hoa khai”, thị dã.
(演) 佛地論云:如大夢覺,如蓮華開,是也。
(Diễn: Phật Địa Luận nói: “Như tỉnh giấc mộng lớn, như hoa sen nở” là nói về điều này).
Hai câu này đều là tỷ dụ tự tánh lưu lộ. Tự tánh của chúng ta bị Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng ngăn trở, chẳng thể hiện tiền! Do vậy, bảo quý vị hãy buông tham, sân, si, mạn xuống. Đó là trừ khử Phiền Não Chướng; bảo quý vị chớ nên đọc nhiều, nghe nhiều, hòng trừ Sở Tri Chướng! Quý vị chớ nên tăng trưởng tà kiến, mà cũng đừng nên tăng trưởng phiền não, có ý nghĩa như vậy.
(Sao) Tự tánh tại mê, như hoa thượng nhụy.
(鈔) 自性在迷,如華尚蕊。
(Sao: Tự tánh đang mê, giống như hoa còn búp).
“Nhụy” (蕊) là nụ hoa. Khi tự tánh mê, hoa vẫn chưa nở, nên nói là búp hoa.
(Sao) Tự tánh hốt ngộ, như hoa chánh khai.
(鈔) 自性忽悟,如華正開。
(Sao: Chợt ngộ tự tánh, như hoa nở tung).
Đây là tỷ dụ.
(Sao) Hựu diệu sắc hoán lạn, bất hội nhi thành, diệu hương phức úc, bất hành nhi chí.
(鈔) 又妙色煥爛,不繪而成,妙香馥郁,不行而至。
(Sao: Lại nữa, màu sắc nhiệm mầu rạng ngời, chẳng vẽ vời mà thành, mùi hương ngào ngạt, chẳng đi mà đến).
Nói về Tánh Hoa, hoàn toàn nói đến Tánh Đức. Đối với người tu hành mà nói, điều này rất trọng yếu. Nếu chư vị lưu ý đôi chút, [sẽ biết] trên thân con người có quang minh. Hiện thời, có rất nhiều người học Khí Công, tu học đến mức độ khá, sẽ có thể thấy quang minh của người khác. Rõ rệt nhất là trên thân mỗi người đều có hơi hướng. Nếu hơi hướng nơi thân chẳng dễ ngửi, người khác tiếp xúc bèn tránh ra xa, chính mình phải cảnh giác: Bản thân ta tội nghiệp rất nặng, phải nghiêm túc tu hành, quyết định có thể tiêu trừ [nghiệp chướng] ấy!
(Sao) Hoa vũ tự không, bất chủng nhi sanh, bất thải nhi hạ, tự tánh thần linh thông đạt, diệc phục như thị.
(鈔) 華雨自空,不種而生,不採而下,自性神靈通達,亦復如是。
(Sao: Mưa hoa từ không trung, chẳng trồng mà sanh, chẳng ngắt mà rơi xuống, [biểu thị] tự tánh thần kỳ, linh diệu, thông đạt cũng giống như vậy đó).
Hoa từ không trung rơi xuống, cây báu trong Tây Phương Cực
Lạc thế giới chẳng cần trồng trọt, tự nhiên sanh trưởng. Hoa chẳng cần ngắt hái, tự nhiên có thể rơi xuống, thảy đều là “tự tánh thần, linh, thông đạt”, cũng là thần thông trong tự tánh, là Tánh Đức lưu lộ.
(Diễn) Như hoa thượng nhụy giả, mê tắc nhất vô sở giác cố.
(演) 如花尚蕊者,迷則一無所覺故。
(Diễn: “Như hoa còn búp”: Hễ mê thì chẳng giác một điều nào).
Giống như hoa chưa nở.
(Diễn) Như hoa chánh khai giả, ngộ tắc vạn pháp lãng nhiên cố.
(演) 如花正開者,悟則萬法朗然故。
(Diễn: “Như hoa nở tung”: Ngộ thì vạn pháp rạng ngời).
Sau khi đã giác ngộ, muôn pháp rạng ngời, giống như hoa nở. Dùng hoa để tượng trưng cho tự tánh.
(Diễn) Thần linh thông đạt diệc phục như thị giả, dĩ thập pháp giới y, chánh, sắc, tâm, tuần nghiệp phát hiện, vô chủ trì giả, vô tạo tác giả, vô phân tích giả, giai tự tánh nhậm vận, bất tư nghị chi vô tác diệu dụng như thị dã.
(演) 神靈通達亦復如是者,以十法界依正色心,循業發現,無主持者、無造作者、無分析者,皆自性任運,不思議之無作妙用如是也。
(Diễn: “Thần linh thông đạt cũng giống như thế”: Do y báo, chánh báo, sắc, tâm của mười pháp giới thuận theo nghiệp mà hiện ra, chẳng có kẻ chủ trì, chẳng có kẻ tạo tác, chẳng có kẻ chia chẻ, đều là do diệu dụng tùy ý vô tác chẳng thể nghĩ bàn của tự tánh là như thế đó).
Trong hai bộ kinh Lăng Nghiêm và Viên Giác, đức Phật đã giảng đạo lý này rất cặn kẽ. Do “tuần nghiệp phát hiện” (theo nghiệp mà phát khởi, hiện ra), nên hết thảy muôn pháp không có người chủ trì, không có người tạo nghiệp, không có người chia chẻ, quý vị nghiên cứu tu học, sẽ phí uổng công phu! Hằng ngày quý vị đều đọc tụng, nghiên cứu, có thể đạt được gì? Đạt được tà tri tà kiến. Phật pháp cầu gì? Cầu tự tánh khai phát, hết thảy thông đạt; bất luận tông nào hay phương pháp nào, đều tuân theo nguyên lý này. Người hiện thời học Phật dùng phương pháp học vấn của thế gian để nghiên cứu Phật học, nên đã đọc kinh điển như [đọc các sách vở thuộc] học vấn thế gian. Cổ nhân chẳng làm như vậy, cổ nhân dùng kinh Phật để tu Giới, Định, Huệ, nên chỉ có đọc tụng, chẳng giải thích. Trong các buổi giảng, tôi đã nói với quý vị rất nhiều lần: Đọc kinh là Tam Học Giới, Định, Huệ hoàn thành cùng một lượt, cổ nhân dùng phương pháp này. Hiện thời, chúng ta coi Phật pháp như học vấn thế gian, hoặc triết học để nghiên cứu, suốt một đời học pháp thế gian, chẳng phải là Phật pháp, đi ngược đường lối với Phật pháp, chúng ta nhất định phải hiểu rõ điều này. Hôm nay chúng tôi giảng tới chỗ này.
[1] Từ (詞, còn viết là 辭) là một thể loại văn chương, đôi khi còn gọi là Khúc Tử Từ, Thi Dư, Trường Đoản Cú hoặc Nhạc Phủ. Thể loại này xuất hiện dưới đời Đường (tuy có thuyết cho rằng có thể sớm hơn), đạt đến đỉnh cao nhất vào thời Tống. Thoạt đầu, Từ thường được dùng để phổ nhạc hoặc hát, về sau trở thành một thể loại văn chương độc lập. Có thể coi Từ như một thể loại thi ca, tuy có quy luật, nhưng không quá bó buộc, cứng ngắc như Đường Thi nên được giới văn nhân rất ưa chuộng vì có thể diễn tả ý tưởng phóng khoáng hơn. Đặc điểm của Từ là câu dài ngắn không đều, nhưng gieo vần nghiêm ngặt, Nếu căn cứ theo số chữ thì có ba loại lớn là Tiểu Lệnh (trong vòng 58 chữ), Trung Điệu (59-90 chữ), Trường Điệu (từ 91 chữ trở lên). Nếu căn cứ theo từng đoạn thì có Đơn Điệu (chỉ có một đoạn), Song Điệu, Tam Điệp (ba đoạn) và Tứ Điệp (bốn đoạn). Nếu căn cứ trên nhạc điệu thì lại chia thành Lệnh, Dẫn, Man, Tam Thai, Tự Tử, Pháp Khúc, Đại Khúc, Triền Lệnh, Chư Cung Điệu. Mỗi một Điệu như vậy có nhạc khúc nhất định, khi gieo vần dùng chữ phải tuân theo quy cách để có thể hát lên được.