#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 01-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 26/289
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba mươi ba:
Nhị cứu minh lợi ích.
二究明利益。
(Hai, nêu rõ lợi ích rốt ráo).
Đoạn này được chia thành ba tiểu đoạn. Đoạn thứ nhất nói về “nhân thành” (tu nhân thành tựu).
Sơ, nhân thành.
(Tự) Tùng tư nhi vạn lự hàm hưu, cứu cực hồ nhất tâm bất loạn.
初因成。
(序) 從茲而萬慮咸休,究極乎一心不亂。
(Thứ nhất, tu nhân thành tựu.
Tựa: Từ đây, muôn mối lo đều dứt, đạt đến rốt ráo cùng cực là nhất tâm bất loạn).
Hai câu này là một đoạn kinh văn. Đoạn này do tiếp nối ý trong phần trước mà có. Trong đoạn lớn ở phần trước nói rõ: Về mặt tu hành, lấy Tịnh Độ làm chỗ chỉ quy, nhưng trong pháp môn Tịnh Độ, lại nên coi Trì Danh Niệm Phật là khẩn yếu nhất. Đoạn văn trong phần trước là so sánh ba kinh Tịnh Độ để chúng ta khẳng định pháp môn được nói trong Tiểu Bổn A Di Đà Kinh là tinh yếu nhất. Đề mục của đoạn này là “cứu minh lợi ích” (nêu rõ lợi ích rốt ráo). “Cứu” (究) là cứu cánh (rốt ráo), [do vậy, “cứu minh lợi ích” là] thuyết minh triệt để lợi ích thù thắng của pháp môn này. Do vậy, câu mở đầu bèn chỉ rõ: Trong sự tu học, trước hết, hành giả phải khuất phục phiền não, “vạn lự hàm hưu” (muôn mối lo đều dứt), đạt đến chỗ cùng cực là nhất tâm bất loạn. Hai câu này rất đơn giản, nhưng đã chỉ bày toàn bộ tông thú tu học trong Phật pháp. Do vậy, thường có người học Phật nêu câu hỏi, có lẽ bản thân chúng ta cũng có thắc mắc giống như vậy, “tu học Phật pháp rốt cuộc là tu gì vậy?” Kinh luận nhiều dường ấy, pháp môn nhiều ngần ấy, tu gì đây? Pháp môn nào là thù thắng nhất? Học Tịnh Độ thì nói Tịnh Độ tốt, học Thiền thì nói Thiền hay, học Mật thì nói Mật giỏi, rốt cuộc pháp nào mới tốt đẹp? Ở đây, sách Sớ Sao đã ban cho chúng ta một tiêu chuẩn thích đáng nhất: Nếu một pháp môn có thể thật sự giúp cho chúng ta hàng phục phiền não thì pháp môn ấy là tốt đẹp! Pháp môn nào có thể giúp quý vị đạt được nhất tâm bất loạn thì pháp môn ấy được gọi là bậc nhất!
Bất luận quý vị dùng pháp môn nào, nếu pháp môn ấy chẳng thể giúp quý vị hàng phục phiền não, suốt ngày từ sáng đến tối phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, khởi tâm động niệm vẫn tạo đủ thứ tội nghiệp, thì pháp môn ấy không thích hợp, học theo sẽ chẳng có hiệu quả gì! Điều này giống như chúng ta bị bệnh, phải uống thuốc, uống vào lành bệnh thì thuốc ấy hữu hiệu. Nếu uống thuốc ấy mà chẳng thấy có hiệu quả gì, chớ nên tiếp tục uống thuốc ấy nữa. Nếu uống thuốc ấy mà bị phản tác dụng thì chẳng những không có ích mà còn có hại, phải lập tức ngưng uống thuốc ngay. Đó là kiến thức thông thường chúng ta phải có. Do vậy, tu học Phật pháp là [xét xem pháp môn ta đang tu ấy] có thật sự trị được chứng bệnh hay không, hiệu quả là có giảm thiểu phiền não hay không, tâm chúng ta có thanh tịnh hay không, quan sát từ những chỗ này. Nếu phiền não thật sự giảm thiểu, tâm địa thật sự thanh tịnh thì pháp môn ấy là tốt đẹp.
Có mấy vị đồng học thường đến nghe kinh tại giảng đường của chúng ta, đôi khi cũng đi ra ngoài nghe người khác giảng, nghe rồi cảm thấy khó chịu, nghe xong rất phiền não, trở về thưa với tôi. Tôi nghe lời họ kể, lắc đầu, bảo: “Quý vị sai rồi! Sai ở chỗ nào? Quý vị bị cảnh giới chuyển. Quý vị nghe tôi giảng đã nghe thành thói quen, cho những gì tôi nói là đúng, chứ trên thực tế, đã bị tôi xỏ mũi lôi đi, quý vị chẳng phải là trang hảo hán! Khi quý vị nghe người khác nói không đúng như tôi nói, ngay lập tức quý vị phản kháng, cho thấy quý vị nghe kinh nhiều năm như vậy, đã chấp vào tướng, nên quý vị không thể khai ngộ. Ở chỗ tôi, nếu quý vị nghe mà chẳng chấp tướng thì nghe người khác giảng cũng sẽ chẳng chấp tướng, quý vị đã tự tại rồi!”
Sở dĩ Thích Ca Mâu Ni Phật cao minh là vì suốt đời Ngài chẳng xỏ mũi lôi người nào đi. Vì vậy, trong kinh Kim Cang, lão nhân gia phủ định toàn bộ các kinh Ngài đã nói trong cả một đời, nếu ai nói Phật có thuyết pháp thì kẻ đó báng Phật! Chẳng những không có pháp nhất định để nói, mà từ trước đến giờ, Phật chưa hề thuyết pháp. Đây là nói thật, chẳng giả, là sự thật ngàn vạn phần xác đáng. Do vậy, học Phật thì điều thứ nhất là phải hiểu rõ nguyên lý sau đây: Khi chúng ta nghe, chúng ta hiểu rõ ràng phân minh, đó là tăng trưởng trí huệ; nhưng trong nội tâm nhất định phải giữ được như như bất động, chẳng bị người khác lôi đi, đó là quý vị có công phu, có Định! Ở trước mặt chư Phật nghe kinh, tôi “chẳng giữ lấy tướng, như như bất động”, hết thảy yêu ma quỷ quái thuyết pháp tôi cũng nghe, tôi vẫn là “chẳng giữ lấy tướng, như như bất động”. Vậy thì quý vị có thành tựu, thành tựu vô lượng vô biên trí huệ. Quý vị xem năm mươi ba lần tham học trong kinh Hoa Nghiêm, trong số năm mươi ba vị thiện tri thức, có vị học Phật, cũng có ngoại đạo, các ngành các nghề trong xã hội, nam, nữ, già, trẻ, ban khải thị cho chúng ta, dạy chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối, sáu căn tiếp xúc cảnh giới lục trần bên ngoài, thứ gì cũng đều phải hiểu rõ, thành tựu vô lượng trí huệ, nhưng trong hết thảy cảnh giới, phải giữ được như như bất động, thành tựu Đại Định rất sâu; đó là Phật pháp.
Bài xích tà môn ngoại đạo cố nhiên là chuyện đáng làm, nhưng nếu chấp vào ngôn từ của Thích Ca Mâu Ni Phật rồi bị xoay chuyển thì vẫn là sai! Từ xưa đến nay, các vị tổ sư đại đức muốn chúng ta chuyển kinh, đừng bị kinh xoay chuyển. Trong Đàn Kinh có chép thiền sư Pháp Đạt trước khi gặp Lục Tổ đã bị kinh Pháp Hoa xoay chuyển. Nói khó nghe hơn, “bị chuyển” là kẻ ấy có một loại thành kiến nào đó. Thường xuyên nghe tôi giảng kinh, người ấy có thành kiến đối với lời tôi giảng, khi nghe người khác giảng, người ấy nghe chẳng lọt tai, nghe không quen! Chỉ cần quý vị có thành kiến là đã sai lầm, có thiên vị lệch lạc rồi, vì sao vậy? Muôn mối lo của quý vị chưa dứt. Do vậy, công phu thật sự là bất luận trong cảnh giới nào, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, một bề thanh lương, không gì chẳng tự tại, đấy gọi là “nghe pháp”. Nghe Phật pháp hiểu được nguyên lý và nguyên tắc ấy, sau đấy pháp gì cũng đều có thể nghe được, cảnh giới gì cũng có thể tiếp xúc được. Khi tiếp xúc, nhất định chẳng động tâm, quyết định chẳng khởi niệm, quyết định thứ gì cũng đều hiểu rõ. Nói cách khác, sáu căn tiếp xúc sáu trần đều là Giới, Định, Huệ, Tam Học, Tam Huệ, không có gì chẳng viên mãn, không có gì chẳng đầy đủ, đó gọi là “tu hành thật sự”.
(Diễn) Vạn lự hàm hưu, thị vọng tâm sơ tức.
(演) 萬慮咸休,是妄心初息。
(Diễn: Muôn mối lo đều dứt là vọng tâm vừa mới ngưng dứt).
Đây là nói về “công phu thành phiến”. Bất luận trong cảnh giới nào, bất luận nghị luận và ngôn thuyết ra sao, chúng ta nghe xong liền biết là đúng hay sai, vừa nghe liền biết nhân quả của nó, chẳng cần phải suy nghĩ, xét đoán, vừa tiếp xúc liền hiểu rõ. Hiểu rõ điều gì? Quá khứ, hiện tại, vị lai, như thường nói: “Hoành biến thập phương, thụ cùng tam thế” (theo chiều ngang trọn khắp mười phương, theo chiều dọc tột cùng ba đời). Vừa tiếp xúc liền hiểu rõ ngay, tiếp xúc mà chẳng động tâm thì là “như như bất động”, đấy mới là công phu thành phiến, tức là “vọng tâm sơ tức” (vọng tâm vừa mới dứt). Từ đấy trở đi, không ngừng rèn luyện trong cảnh giới, luyện gì vậy? Chánh niệm thành tựu, đấy là nhất tâm bất loạn. Bất luận là thuận cảnh hay nghịch cảnh, chánh pháp hay tà pháp, tâm quý vị trọn chẳng loạn. Trong hết thảy các pháp tà – chánh, quý vị quyết định là nhất tâm, chẳng phải là nhị tâm. Thưa quý vị, trong nhất tâm, không có tà hay chánh. Nếu còn có phân định tà – chánh, quý vị đã là nhị tâm! Chẳng phân tà – chánh, quý vị cũng là nhị tâm. Quý vị hãy suy nghĩ xem có đúng là như vậy hay không? Đối diện của “phân” là “bất phân”, đối diện của “bất phân” vẫn là “phân”; hễ có một bèn có hai, khởi tâm động niệm là nhị tâm!
Trong Phật pháp nói “tam tâm, nhị ý”, thì tam tâm nhị ý là khởi tâm động niệm rớt vào tám thức. A Lại Da, Mạt Na, và Ý thức, gọi là tam tâm; “nhị ý” chỉ Mạt Na và Ý thức tức thức thứ sáu. Tam tâm nhị ý là mê hoặc; tam tâm nhị ý là vô minh. Đọa lạc trong vô minh, làm sao quý vị có thể ngưng dứt vọng niệm? Chẳng ngưng dứt được! Do vậy, bước đầu học Phật là quý vị phải thấy thấu suốt, phải buông xuống! Bất luận thiện sự hay ác sự, chớ nên so lường. Ác sự, ác duyên phải buông xuống, mà thiện sự, thiện duyên cũng đừng nên nắm níu, nắm níu vẫn là sai! Do vậy, đức Phật dạy chúng ta: “Tùy duyên tiêu cựu nghiệp, mạc cánh tạo tân ương” (Tùy duyên tiêu nghiệp cũ, đừng tạo ương họa mới). Tùy duyên mới có thể tiêu nghiệp, tùy duyên là gì vậy? Trong hết thảy cảnh duyên, chẳng khởi tâm, động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, hết thảy tùy duyên, tùy duyên tự tại, tùy duyên sẽ chẳng dấy khởi phiền não. Nắm níu là phiền não, nắm níu là gì? Tôi nhất định phải như thế này, tôi nhất định phải như thế nọ. Quý vị nhất định như vậy, tức là phân biệt, chấp trước, tạo nghiệp. Do vậy, muôn mối lo không dứt, chúng ta niệm Phật không tốt đẹp, công phu chẳng thể thành phiến.
Pháp môn quyết định là bình đẳng, không có cao – thấp. Nếu quý vị có cao – thấp thì là vọng niệm, vọng tưởng. Trong các bộ kinh Đại Thừa, đức Phật đã nói rất nhiều, vạn pháp đều Như, không có pháp nào chẳng Như, không có pháp nào chẳng bình đẳng, không có pháp nào chẳng thanh tịnh. Do đây biết: Chẳng bình đẳng, chẳng Như, chẳng thanh tịnh đều do vô minh, vọng tưởng của chính mình biến hiện ra. Trong pháp chân thật, chắc chắn không có những sự tình ấy, nhất tâm bất loạn là khôi phục sự chân thật. Khi ấy, chánh niệm hiện tiền. Chánh Niệm chẳng phải là không có niệm. Chánh Tư Duy chẳng phải là không có tư duy. Tuy có niệm, có tư duy, nhưng chẳng rớt vào tâm ý thức nên gọi là Chánh. Nói cách khác, niệm và tư duy chẳng kèm theo vô minh thì gọi là Chánh. Ý niệm và tư duy mà còn đèo thêm vô minh thì chẳng Chánh, chẳng đèo thêm vô minh, chẳng kèm phiền não thì gọi là Chánh. Nói cách khác, nhất tâm là Chánh, nhị tâm là Tà. Hết thảy tư duy, niệm lự đều nương vào nhất tâm để khởi, đó là Chánh. Nếu dựa trên nhị tâm để khởi thì là Tà.
Thuở Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế, đức Phật đã giảng kinh hơn ba trăm hội, thuyết pháp bốn mươi chín năm, giảng kinh nhiều ngần ấy, đấy là Chánh Tư Duy và Chánh Niệm của Như Lai. Hiện tại, khi chúng ta mở cuốn kinh ra xem, bèn phân biệt vô lượng vô biên danh tướng. Chúng ta dùng cái tâm phân biệt, dùng cái tâm chấp trước, dùng cái tâm vọng tưởng để nghiên cứu, kết quả là chánh tri, chánh kiến, chánh tư duy của Phật bị biến thành tà tri, tà kiến, biến thành tà tư duy. Thật ra, những pháp của Phật có bị biến đổi hay chăng? Các pháp của Phật chẳng bị biến đổi! Pháp của Phật là chánh, nhưng ngay trong lúc pháp ấy được in vào tâm thức của chúng ta, chúng ta biến nó thành tà, nhưng Phật pháp vẫn là chánh tri chánh kiến. Trước kia, chúng tôi đã nói tới chuyển pháp luân, chữ “chuyển” (轉) này chẳng dễ dàng đâu nhé! Như Lai là chánh tri chánh kiến, chuyển đến tâm quý vị vẫn là chánh tri chánh kiến thì mới gọi là Chuyển. Chánh tri chánh kiến của Như Lai chuyển đến tâm quý vị mà bị biến thành tà tri tà kiến, thì có khác gì chẳng chuyển! Đấy là chỗ khó khăn trong Phật pháp. Nói thật ra, vấn đề này là do chính mình có hiểu hay là không. Thiền gia thường khám nghiệm người đến học: “Hiểu không?” Câu này cũng có thể dùng giống hệt như vậy trong Giáo Hạ, mà cũng có thể dùng tương tự trong công phu niệm Phật. Vì vậy, trong vô lượng vô biên pháp môn, pháp môn Niệm Phật quả thật chẳng thể nghĩ bàn! Nếu quý vị thâm nhập kinh tạng, quý vị mới có thể thấu hiểu, mới có thể chứng thực.
Pháp môn này bao hàm hết thảy các pháp môn, không có pháp môn nào vượt ngoài một câu A Di Đà Phật, kể cả Thiền Tông, kể cả Mật Thừa, trong phần trên, chúng tôi đã từng hé lộ tin tức với quý vị. Vậy thì chúng ta nhận thức, khẳng định điều ấy; sau đó, chúng ta ắt phải nghiên cứu, tìm tòi xem nên dùng phương pháp nào để niệm thì mới có thể thật sự đạt đến hiệu quả thù thắng? Phải niệm như thế nào thì mới có thể niệm đạt công phu đắc lực? Nói “đắc lực” có nghĩa là người ấy thật sự có thể chế phục phiền não, thật sự đắc nhất tâm bất loạn. Nói cách khác, phải biết niệm! Biết niệm và không biết niệm sai biệt rất lớn. Người biết niệm có thể niệm một câu A Di Đà Phật để thành Phật trong một đời, giống như trong kinh Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói: “Bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai” (Chẳng nhờ đến phương tiện nào khác mà tâm tự khai ngộ). Tâm tự khai ngộ là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh.
(Sớ) Bất niệm Phật tiền, niệm niệm trần lao, sở vị: “Nhất sát-na gian, cửu bách sanh diệt”. Sanh trụ dị diệt phân tễ đầu số vô lượng vô biên, thiên nhãn mạc thứ, danh vạn lự dã.
(疏) 不念佛前,念念塵勞,所謂一剎那間九百生滅,
生住異滅分劑頭數無量無邊,天眼莫覷,名萬慮也。
(Sớ: Trước khi niệm Phật thì niệm nào cũng là trần lao, như đã nói: “Trong một sát-na, có chín trăm lần sanh diệt”. Thứ tự sanh, trụ, biến đổi, diệt trong từng loại khác biệt nhiều đến vô lượng vô biên, ngay cả thiên nhãn cũng chẳng thể thấy được, đó gọi là “vạn lự”).
“Bất niệm Phật tiền” tức là khi quý vị chưa biết niệm Phật, trước khi niệm Phật. “Niệm niệm trần lao”: Quý vị có vô lượng vô biên vọng tưởng, có tìm được số lượng [của những vọng tưởng ấy] hay không? Thưa quý vị, không thể định được số lượng, thật sự là quá nhiều. Tiếp theo đó là lời đức Phật dạy: “Nhất sát-na gian, hữu cửu bách sanh diệt” (Trong khoảng một sát-na, có chín trăm lần sanh diệt). “Sanh, trụ, dị, diệt” là nói về một niệm; tuy một niệm rất ngắn ngủi, tạm thời, nhưng nó vẫn có bốn tướng này. Một niệm sanh ra, sanh rồi sẽ tồn tại, tồn tại rồi biến đổi (“dị” là đổi khác), biến đổi rồi diệt mất.
Quý vị hãy suy nghĩ: “Nhất sát-na” là thời gian cực ngắn ngủi, kinh thường nói “nhất đàn chỉ” (một khảy ngón tay), tức là nói một người hết sức khỏe mạnh, dũng mãnh, người ấy có sức lực, khảy ngón tay rất nhanh. [Trong thời gian] một khảy ngón tay có sáu mươi sát-na, trong một sát-na có chín trăm lần sanh diệt. Giống như người bình thường chúng ta khảy ngón tay nhanh hơn một chút, trong một giây có bốn lần khảy ngón tay, một khảy ngón tay là sáu mươi sát-na, bốn nhân sáu mươi lại nhân với chín trăm [lần sanh diệt], quý vị tính ra con số hơn hai mươi vạn lần!
Hơn hai mươi vạn lần đem nhân với bốn lần “sanh, trụ, dị, diệt” thì những thứ vọng tưởng, ý niệm vi tế ấy từ vô thỉ đến nay chưa hề gián đoạn, quý vị sẽ hiểu cái tâm của chúng ta tạp đến mức nào, rối loạn dường ấy! Người niệm Phật chúng ta thường có thể nhận biết trong khi ta niệm Phật vọng tưởng nhiều đến mức nào, đương nhiên là nhiều! Nếu quý vị niệm đến mức vọng tưởng chẳng khởi lên, muôn mối lo đều dứt, công phu đã thành tựu rồi! Nói cách khác, trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị đã đạt được. Đấy là mục tiêu thật sự của người học Phật, thật sự thụ dụng, những thứ khác đều là giả!
Đời người mấy chục năm, trong khoảng khảy ngón tay đã qua! Con người hiện thời mỗi ngày đều đọc báo, quý vị xem báo là xem gì vậy? Khi tôi mới học Phật, mỗi ngày, trang báo đầu tiên tôi đọc là trang đăng cáo phó: Ngày hôm nay có bao nhiêu người chết, người này tuổi đã cao mới chết, kẻ kia còn trẻ tuổi đã chết, trên nẻo suối vàng không phân già trẻ! Tôi hằng ngày đọc những thứ ấy, đọc những thứ ấy để làm gì? Để có cảnh giác: Mạng người vô thường! Nghĩ tới đời người để làm gì? Một đời dẫu là đế vương thì cũng là “vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân” (muôn thứ không mang được, chỉ có nghiệp theo thân). Kẻ ấy là vua chúa, có mang thứ gì đi theo được hay chăng? Cái mang theo là một thân đầy tội lỗi oan nghiệt! Kinh dạy chẳng sai tí nào! Đức Phật dạy chúng ta cách hoán chuyển tội lỗi oan nghiệt, đổi nó thành A Di Đà Phật, đổi nó thành mười đại nguyện vương, có thể mang theo điều này đi được! Do vậy, phải biết đổi! Mười đại nguyện vương, nguyện nào cũng có cảnh giới là tận hư không, trọn pháp giới, cũng là tột cùng chiều dọc, trọn khắp chiều ngang. Nguyện nào cũng là như vậy, thật sự chẳng thể nghĩ bàn!
(Diễn) Niệm niệm trần lao giả, trần giả bất tịnh, lao giả bất dật.
(演) 念念塵勞者,塵者不淨,勞者不逸。
(Diễn: “Niệm niệm trần lao”: Trần là chẳng tịnh, Lao là chẳng thảnh thơi).
Đây là tỷ dụ nhằm sánh ví cái tâm của chúng ta không thanh tịnh. “Trần” (塵) có nghĩa là nhuốm bẩn, bị nhuốm bẩn bởi gì? Nhuốm bẩn bởi tiếng tăm, lợi dưỡng, bị ngũ dục lục trần nhuốm bẩn, bị vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nhuốm bẩn. Do vậy, ý niệm của quý vị bất tịnh. Ý niệm bị nhuốm bẩn thì gọi là vọng niệm. Nếu chẳng bị nhuốm bẩn thì sẽ là thanh tịnh, ý niệm ấy được gọi là “chánh niệm”. “Dật” (逸) là tự tại, “lao” (勞) là mệt mỏi, phiền lụy, quý vị chẳng thể tự do tự tại.
(Diễn) Tụ duyên nội dao, xu ngoại bôn dật, thị kỳ tướng dã.
(演) 聚緣內搖,趨外奔逸,是其相也。
(Diễn: Duyên tụ tập xáo động bên trong, hướng ra ngoài rong ruổi là tướng trạng của “trần lao”).
Hai câu này trích từ kinh Lăng Nghiêm. “Duyên” (緣) là “duyên khí” (緣氣), nói theo cách bây giờ là kiến giải, vọng tưởng. Tụ tập rất nhiều kiến giải, rất nhiều vọng niệm ở trong tâm, khiến cho tâm của chính mình chẳng thể an tịnh. Nói cách khác, cái tâm của quý vị chẳng tịnh được, tâm không định được, đấy là “tụ duyên nội dao”. “Xu ngoại bôn dật” là chỗ nào cũng nắm níu ngoại cảnh. Lục căn nắm níu cảnh giới sáu trần bên ngoài, trong cảnh duyên lo được, lo mất, đấy là tướng “niệm niệm trần lao”.
(Diễn) Sát-na trung hữu cửu bách sanh diệt giả, sát-na, thời cực tốc dã. Kinh vân: “Chúng sanh nhất niệm, hữu cửu thập sát-na, nhất sát-na trung, hữu cửu bách sanh diệt”. Sanh trụ dị diệt giả, hữu vi tứ tướng dã.
(演) 剎那中有九百生滅者,剎那,時極速也。經云:
眾生一念,有九十剎那,一剎那中,有九百生滅。生住異滅者,有為四相也。
(Diễn: “Trong một sát-na có chín trăm lần sanh diệt”: Sát-na là khoảng thời gian rất nhanh. Kinh dạy: “Một niệm của chúng sanh có chín mươi sát-na, trong một sát-na có chín trăm lần sanh diệt”. Sanh, trụ, dị, diệt là bốn tướng hữu vi vậy).
Nếu quý vị đã đọc Duy Thức thì câu này sẽ dễ hiểu. Chữ “hữu vi” chỉ pháp hữu vi. Trong pháp hữu vi gồm có Tâm Vương, tám Thức, năm mươi mốt Tâm Sở, hai mươi bốn pháp bất tương ứng, và mười một sắc pháp, những pháp này đều gọi là pháp hữu vi. Hết thảy pháp hữu vi đều có bốn tướng “sanh, trụ, dị, diệt”.
(Diễn) Sanh biểu thử pháp tiên phi hữu, diệt biểu thử pháp hậu thị vô, dị biểu thử pháp phi ngưng nhiên, trụ biểu thử pháp tạm hữu dụng.
(演) 生表此法先非有,滅表此法後是無,異表此法非
凝然,住表此法暫有用。
(Diễn: “Sanh” biểu thị pháp này trước đó chẳng có, “diệt” biểu thị pháp này sau đấy sẽ không còn, “dị” biểu thị pháp này chẳng ngưng đọng, “trụ” biểu thị pháp này tạm thời có tác dụng).
Chúng ta dùng cách nói phương tiện để diễn tả, những pháp hữu vi sâm la vạn tượng trong mười pháp giới có tướng “tương tục” (tiếp nối) tạm bợ. Tôi vừa mới thưa cùng quý vị, đây là lời lẽ phương tiện, là Phật pháp sơ cấp, nhằm nói với những người mới học. Nếu là thật ngữ rốt ráo thì “hết thảy các pháp chẳng sanh, chẳng diệt”; nói như vậy [kẻ mới học] sẽ không hiểu được! Lời chân thật là thật, nói thật sẽ chẳng hiểu, chẳng thể tiếp nhận, còn lời lẽ phương tiện thì [kẻ mới học] nghe cảm thấy còn có lý, còn tiếp nhận được. Đây là lý do vì sao Phật pháp chẳng thể không dùng pháp phương tiện, đạo lý ở chỗ này. Thế nhưng học Phật nhất định phải từ pháp phương tiện của Phật để ngộ nhập chân thật, sự chân thật không nói ra được, có nói cũng chẳng hiểu! Pháp chân thật đòi hỏi quý vị phải ngộ nhập, ngộ nhập rồi thì sẽ như cổ nhân nói: “Như nhân ẩm thủy, lãnh noãn tự tri” (Như người uống nước, tự biết là nước nóng hay lạnh). Sau khi đã nhập cảnh giới ấy, nhìn vào lời Phật, lời Bồ Tát, hay lời tổ sư nói, đều cảm thấy thú vị chẳng thể nào diễn tả được. Đương nhiên là pháp hỷ phát sanh.
(Diễn) Phân tễ đầu số giả.
(演) 分劑頭數者。
(Diễn: “Lớp lang trong từng loại riêng biệt” là…)
“Phân tễ đầu số” là gì? Ở đây chú giải đơn giản như sau:
(Diễn) Thử phi bỉ viết phân tễ.
(演) 此非彼曰分劑。
(Diễn: Cái này chẳng phải là cái kia nên gọi là “phân tễ”).
“Phân” (分) là khác nhau, “tễ” (劑) là tễ loại (chia thành từng loại riêng biệt), hết thảy vạn vật có thể chia thành từng loại; trong kinh Phật gọi là “phân tễ”, tức là như chúng ta nói “phẩm chủng, phẩm loại”.
(Diễn) Các hữu tự viết đầu số.
(演) 各有緒曰頭數。
(Diễn: Mỗi thứ có lớp lang nên gọi là “đầu số”).
“Tự” (緒) là nó có thứ tự, chẳng rối loạn, đó gọi là “đầu số”. Lớp lang số đến vô lượng vô biên, dẫu Thiên Nhãn của bậc A La Hán cũng chẳng thể thấy rõ ràng, mà cũng chẳng có cách nào thấy rốt cuộc có bao nhiêu lớp lang. Từ kinh điển, chúng ta đọc thấy: Thiên nhãn của A La Hán có thể thấy được vi trần. Quả thật Thiên Nhãn của bậc A La Hán có khả năng quan sát vi tế hơn chúng ta quá nhiều. Vi trần còn có thể chia ra [thành những phần nhỏ hơn nữa], cho nên có sắc tụ cực vi, cực vi vi (Lân Hư Trần)[1], bậc A La Hán chẳng thể thấy được chúng. Điều này cho thấy A La Hán cũng không có cách nào biết được số lượng lớp lang
khác biệt của các trần lao trong từng niệm. A La Hán cũng nhìn không ra!
(Sớ) Thử vạn lự giả, Giáp diệt, tắc Ất sanh, nga khứ, tắc thúc phản, bách kế trừ chi, chung mạc năng đắc.
(疏) 此萬慮者,甲滅則乙生,俄去則倏返,百計除之
,終莫能得。
(Sớ: Muôn mối lo này, Giáp diệt, Ất sẽ sanh, khoảnh khắc này vừa đi, khoảnh khắc sau đã trở lại, dùng trăm phương cách trừ khử, rốt cuộc vẫn chẳng thể trừ được).
Đây là chỗ khổ não nhất của người tu hành. Quý vị đọc phần chú giải, lời văn có ý nghĩa trong ấy rất sâu, hết sức quan trọng. Giáp, Ất là gì vậy?
Đều là nói về ý niệm, tượng trưng cho vọng niệm, niệm thứ nhất vừa diệt, niệm thứ hai lại sanh, tiếp nối nhau dấy lên.
(Diễn) Giáp diệt, Ất sanh giả, ước bỉ thử thuyết.
(演) 甲滅乙生者,約彼此說。
(Diễn: “Giáp diệt, Ất sanh” là dựa theo niệm này, niệm kia để nói).
Niệm kia vừa diệt, niệm này bèn sanh; tiếp theo đó, sách viết:
(Diễn) Như tham diệt, sân sanh đẳng.
(演) 如貪滅瞋生等。
(Diễn: Như ý niệm tham vừa diệt, ý niệm sân bèn sanh v.v…)
Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối khởi lên những phiền não ấy. Tham, sân, si, mạn là những ý niệm phiền não mạnh mẽ nhất! “Nga khứ thúc phản”: Trong khoảnh khắc này nó vừa đi, trong khoảnh khắc sau nó trở lại.
(Diễn) Nga khứ thúc phản giả, ước nhất pháp thuyết.
(演) 俄去倏返者,約一法說。
(Diễn: “Khoảnh khắc này vừa đi, khoảnh khắc sau trở lại” là ước theo một pháp để nói).
“Nhất pháp” là nói về pháp tương tục, ý niệm này là tương tục. Thật ra, niệm trước chắc chắn chẳng phải là niệm sau, chỉ là tướng trạng tiếp nối mà thôi. Giống như chúng ta coi phim, những hình tượng chúng ta thấy trên màn bạc giống như là cùng một chuyện, nhưng [thật ra] quý vị nhìn vào từng tấm phim khác nhau, quý vị mới hiểu mỗi ý niệm đều độc lập, đây là nói thật với quý vị. Có thể thật sự thấu hiểu chân thật thì quý vị mới có thể tin tưởng, trong một đời này quý vị “phản bổn quy nguyên” (trở về nguồn cội). Sử dụng pháp phương tiện đúng như đức Phật đã dạy thì sẽ theo đường trở về nhà, chẳng cần phải đi đường vòng, đấy mới là hàng lợi căn thật sự có trí huệ chân thật. Điều này đúng như trong kinh Kim Cang, tôn giả Tu Bồ Đề đã thỉnh vấn Thích Ca Mâu Ni Phật hai vấn đề lớn, đều là những vấn đề căn bản.
Do vậy, trong ngàn kinh muôn luận, tại Trung Quốc, chẳng riêng gì các tổ sư Thiền Tông mà bất luận một tông một phái nào, không tông phái nào chẳng coi trọng kinh Kim Cang. Hai vấn đề lớn trong kinh Kim Cang, thứ nhất là “vân hà hàng phục kỳ tâm” (hàng phục cái tâm như thế nào). Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn xạ, vọng niệm tơi bời, dùng phương pháp nào để hàng phục ý niệm? “Ưng vân hà trụ” (nên trụ như thế nào), tâm chúng ta nên trụ vào đâu? Hai vấn đề lớn này chính là tổng cương lãnh tu học trong Phật pháp. Tâm chúng ta nên ở yên tại chỗ nào? Quý vị thấy người thế gian đặt cái tâm nơi đâu? Đặt trong tiếng tăm, lợi dưỡng! Tâm họ trụ trong tiếng tăm, lợi dưỡng! Nói cách khác, tâm họ suốt ngày từ sáng đến tối vướng mắc trong tiếng tăm, lợi dưỡng, vướng mắc bởi những thứ ấy, vướng mắc gọi là “trụ”.
Cái tâm của chúng ta nên vướng mắc điều gì? Chúng tôi dùng ngay lời này để giảng chắc mọi người dễ hiểu hơn. Quý vị vướng mắc trong tiếng tăm, lợi dưỡng thế gian, thứ gì cũng đều là giả. Đó là gì vậy? Tri kiến luân hồi, là tri kiến sanh tử luân hồi. Quý vị vướng mắc trong sanh tử luân hồi, làm thế nào để thoát khỏi luân hồi? Chúng ta lấy hai câu hỏi ấy từ kinh Kim Cang và dùng kinh A Di Đà để giải đáp thì sẽ dễ thực hiện. Tâm quý vị nên trụ vào đâu? Hãy nên trụ vào Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Dùng phương pháp nào để hàng phục cái tâm? Dùng một câu A Di Đà Phật để hàng phục cái tâm! Bất luận niệm nào khởi lên, lập tức chuyển biến, chuyển đổi nó thành A Di Đà Phật, quý vị sẽ đại công cáo thành. Thiện niệm, ác niệm, tham niệm, sân niệm, bất luận ý niệm nào, chỉ cần nó khởi lên, ngay lập tức chuyển thành A Di Đà Phật. Nếu quý vị niệm Phật như vậy, công phu sẽ đắc lực. Bằng phương pháp niệm Phật này, quý vị niệm không lâu, nhất định mọi mối lo sẽ đều ngưng. Do vậy, quý vị phải biết niệm! Phương pháp này hay hơn Thiền, mà cũng hay hơn Mật.
Khi tôi giảng Tâm Kinh đã từng nói một câu A Di Đà Phật là đại thần chú vô thượng, là đại minh chú, là chú không có gì sánh bằng, tôi nói rất rõ ràng! Hiểu một câu A Di Đà Phật: Thiền, Giáo, Mật thảy đều bao gồm trong ấy. Một câu A Di Đà Phật là pháp môn Đại Tổng Trì. Nếu quý vị không nắm vững điều này, quý vị sẽ chẳng nắm được những thứ cành lá, khổ chẳng kham nói nổi! Mong giải quyết vấn đề chẳng phải là chuyện dễ dàng! Nhưng phải niệm một câu A Di Đà Phật rất khá, mức độ thấp nhất là phải đau đáu đổ công nghiên cứu cặn kẽ, thảo luận tường tận bộ Sớ Sao Diễn Nghĩa này, công phu bỏ ra ấy trọn chẳng luống uổng.
Chúng tôi dự định giảng bộ kinh này ba năm mới viên mãn, đại khái phải giảng ba trăm năm mươi lượt, tuyệt đối chẳng lãng phí thời gian ấy. Do vậy, chúng ta một mặt nghiên cứu thảo luận, một mặt mọi người cùng tu một chỗ, giải và hạnh cùng tiến, các đồng tu dự hội đều có phước!
Chúng ta sanh nhằm thời Mạt Pháp, trong kinh, đức Phật đã dạy rất minh bạch: “Thời kỳ Mạt Pháp, Tịnh nghiệp thành tựu”. Có thể chọn lựa pháp môn này, thâm nhập một môn, thì chính là bậc thượng thiện, chính là “chư thượng thiện nhân” như trong kinh này đã nói. Quý vị có thể chết sạch lòng mong ngóng, so đo, kiên quyết chọn lựa pháp môn này, quý vị là bậc thượng thiện, có trí huệ. Phải là thượng căn lợi trí thì mới biết chọn lựa pháp môn này. Dẫu tiếp xúc các pháp môn khác, vẫn chẳng kinh, chẳng sợ, như như bất động, vì sao? Tiếp xúc hết thảy pháp môn đều biến những pháp môn ấy thành A Di Đà Phật, trọn chẳng dao động!
(Sớ) Kim dĩ trì danh chi lực, chánh niệm tài cử, tạp tưởng tự trừ.
(疏) 今以持名之力,正念纔舉,雜想自除。
(Sớ: Nay nhờ vào sức trì danh, chánh niệm vừa dấy lên, những ý tưởng tạp loạn tự trừ).
Quý vị nhất định phải biết dụng công. Vọng niệm vừa khởi lên, vọng niệm đương nhiên là có, chẳng thể nào không có. Nếu quý vị không có vọng niệm thì đã sớm thành Phật rồi, chẳng phải là phàm phu nữa! Quý vị có vọng niệm, phải ghi nhớ, quyết định là phàm phu. Không có vọng niệm sẽ là thánh nhân. Quý vị phải dùng một câu Phật hiệu để trừ khử vọng niệm!
Do vậy, khi niệm Phật mà có vọng niệm dấy lên, khi ấy phải làm sao? Phải dốc hết tinh thần vào câu Phật hiệu, tức là quý vị phải chú ý câu Phật hiệu, đừng quan tâm tới vọng niệm, tự nhiên vọng niệm sẽ không còn nữa!
Vọng niệm khởi lên mà quý vị đặc biệt quan tâm tới vọng niệm thì sẽ quên mất câu Phật hiệu, vậy là hỏng rồi! Vọng niệm ngày càng nhiều, Phật hiệu ngày càng ít. Vì sao? Quý vị lo bận tâm tới vọng niệm. Khi ấy, biết dụng công hay không chính là quý vị có thể chuyên chú nơi Phật hiệu, chẳng quan tâm đến vọng niệm thì quý vị biết dụng công. Công phu đắc lực, vọng niệm tự nhiên chẳng còn nữa.
Đừng mong trừ vọng niệm, mong trừ khử vọng niệm là tăng thêm một vọng niệm. Vọng niệm đã nhiều rồi, ta còn muốn trừ vọng niệm thì “muốn trừ vọng niệm” là tăng thêm một vọng niệm nữa, chắc chắn chẳng trừ được vọng niệm! Do vậy, căn bản là đừng quan tâm tới vọng niệm, toàn bộ tinh thần tập trung nơi một câu Phật hiệu; như vậy sẽ thật sự trừ được vọng niệm.
Tiếp theo đây, đại sư nêu lên một tỷ dụ.
(Sớ) Dụ như sư tử xuất quật, bách thú tiềm tung, cảo nhật chiếu sương, thiên lâm thất bạch, danh hàm hưu dã.
(疏) 喻如獅子出窟,百獸潛蹤,杲日照霜,千林失白
,名咸休也。
(Sớ: Ví như sư tử ra khỏi hang, trăm loài thú đều ẩn tăm tích, mặt trời rạng rỡ chiếu màn sương, ngàn khu rừng đều hết màu trắng, đó gọi là “đều ngưng dứt” vậy).
Tỷ dụ điều gì vậy? Phần chú giải giảng:
(Diễn) Sư tử, cảo nhật dụ chánh niệm.
(演) 獅子杲日喻正念。
(Diễn: Chánh niệm được ví như sư tử hay mặt trời rực rỡ).
Sư tử và mặt trời rực rỡ đều sánh ví chánh niệm. Chánh niệm là gì? Sáu chữ “Nam-mô A Di Đà Phật” là chánh niệm.
(Diễn) Bách thú dữ sương dụ vạn lự.
(演) 百獸與霜喻萬慮。
(Diễn: Vạn mối lo được ví như trăm loài thú hoặc màn sương).
Trăm loài thú và sương đều ví cho “vạn lự” (muôn mối lo, các thứ phiền não), tức là loạn tưởng, suy nghĩ tán loạn. Đây là tỷ dụ một câu A Di Đà Phật vừa mới dấy lên, hết thảy vọng tưởng của quý vị đều bị dứt trừ, công phu ấy thực hiện nơi khởi tâm động niệm, nhất định phải chế phục vọng tưởng.
Hôm nay, trong khi đang niệm Phật, tôi nói với quý vị mấy câu, đặc biệt dẫn phần Tam Phước trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, đấy là cơ sở tu hành, là căn bản tu hành. Mười sáu phép Quán trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh được kiến lập trên cơ sở Tam Phước, không có ba điều kiện ấy thì không có cách nào tu Quán được. Cũng thế, niệm Phật mà mong đạt đến nhất tâm bất loạn thì vẫn chẳng lìa khỏi những điều kiện ấy. Điều thứ nhất là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp”. Chúng ta hãy suy nghĩ, chúng ta có làm được điều này hay chưa? Đấy là cơ sở của Nhân Thiên Thừa trong Ngũ Thừa Phật Pháp. Nếu không làm được điều này thì đời sau sẽ chẳng được làm thân người.
Điều thứ hai là “thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi”. Chúng ta nhìn vào thì đây là pháp căn bản của Thanh Văn Thừa và Duyên Giác Thừa, tức pháp Tiểu Thừa.
Điều thứ ba là “phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”. Ngày nay, chúng ta đang đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả ở nơi này. “Hành giả” là người tu hành, [khuyến tấn hành giả] là khuyên mọi người tu hành, khuyên mọi người hãy phát tâm tự hành, hóa độ người khác, đây là pháp Bồ Tát. Do đây có thể biết: Đại Thừa Phật pháp được kiến lập trên cơ sở Thanh Văn, Duyên Giác và Nhân Thiên Thừa. Một câu Phật hiệu của chúng ta lấy Tam Phước làm cơ sở thì mới có thể thật sự đạt đến “vạn lự hàm hưu”. Dưới đây là một đoạn dẫn chứng:
(Sớ) Cố Vĩnh Minh vị: “Hữu nhân sổ tức, giác quán bất hưu, niệm Phật xưng danh, tức phá giác quán”, thử kỳ nghiệm dã. Hưu chi hựu hưu, cùng kỳ nguyên bổn, cố vân “cứu cực”. Chí ư nhất tâm bất loạn, thị vị thành tựu Niệm Phật tam-muội.
(疏) 故永明謂有人數息,覺觀不休,念佛稱名,即破
覺觀,此其驗也。休之又休,窮其源本,故云究極。至於
一心不亂,是為成就念佛三昧。
(Sớ: Vì thế ngài Vĩnh Minh nói: “Có người tu Sổ Tức, giác quán chẳng ngớt, niệm Phật xưng danh liền dứt trừ giác quán” Đấy là sự hiệu nghiệm của [pháp trì danh niệm Phật]. Đã ngưng dứt lại càng ngưng dứt hơn, thấu tột cội nguồn, nên nói là “cứu cực” (đạt đến rốt ráo cùng cực), còn đối với nhất tâm bất loạn thì pháp này sẽ thành tựu Niệm Phật tam-muội).
Trong đoạn này, Liên Trì đại sư trích dẫn một câu nói của tổ sư vĩnh Minh Diên Thọ hòng chứng minh. Sách Diễn Nghĩa chú giải như sau:
(Diễn) Sổ Tức giả, Sổ Tức Quán dã. Sổ xuất nhập tức, tùng nhất chí thập, đối trị tán loạn pháp dã.
(演) 數息者,數息觀也。數出入息,從一至十,對治
散亂法也。
(Diễn: Sổ Tức là Sổ Tức Quán, tức là đếm hơi thở ra vào từ một đến mười, là phương pháp đối trị tán loạn).
“Sổ Tức” là Sổ Tức Quán là phương pháp sử dụng trong nhà Thiền. “Sổ xuất nhập tức” là đếm hơi thở từ một đến mười. Phương pháp này có thể “đối trị tán loạn”. Khi tâm tán loạn có vọng tưởng, quý vị bèn dùng cách đếm hơi thở hoặc chuyên đếm hơi thở ra, hoặc chuyên đếm hơi hít vào, đều được cả!
(Diễn) Thử pháp thông thế gian xuất thế gian Thiền, như căn bản Thiền, đa do Sổ Tức nhi nhập, nhi Lục Diệu Môn.
(演) 此法通世間出世間禪,如根本禪,多由數息而入
。而六妙門。
(Diễn: Pháp này chung cho Thiền thế gian lẫn xuất thế gian, như các phép Thiền căn bản phần nhiều do cách đếm hơi thở mà nhập, nhưng sáu môn mầu nhiệm…)
Lục Diệu Môn[2] là phương pháp tu hành trong tông Thiên Thai, cũng là một loại Thiền.
(Diễn) Diệc tiên dĩ Sổ Tức vi thủ.
(演) 亦先以數息為首。
(Diễn: Cũng trước hết lấy cách đếm hơi thở làm đầu).
Cũng dùng cách này làm phương tiện tối sơ để tu tập.
(Diễn) Thỉnh Quán Âm diệc tất dĩ Sổ Tức vi trợ dã.
(演) 請觀音亦必以數息為助也。
(Diễn: Thỉnh Quán Âm tam-muội cũng dùng Sổ Tức để phụ trợ).
Câu này nhằm nói rõ ý nghĩa: Sổ Tức Quán là phương pháp sử dụng phổ biến nhất trong Đại Thừa Phật pháp, Tông Môn lẫn Giáo Hạ đều dùng nó làm phương tiện nhập môn. Giác quán là gì?
(Diễn) Sơ tâm tại duyên viết Giác, tế tâm quán sát viết Quán, chánh thị thử nhân sổ tức công phu.
(演) 初心在緣曰覺,細心觀察曰觀,正是此人數息工
夫。
(Diễn: Lúc ban đầu, tâm nhận biết chỗ để nó duyên vào thì gọi là Giác, sự quán sát khi tâm đã vi tế hơn thì gọi là Quán, đây chính là công phu đếm hơi thở của người ấy).
“Giác” là gì? Trước hết, khi sử dụng công phu này, tự mình cảm thấy tâm ràng buộc nơi hơi thở ra vào, đấy cũng là như kinh Kim Cang nói: “Ưng vân hà trụ?” (Nên trụ như thế nào). Tâm người ấy trụ nơi đâu? Vướng mắc nơi đâu? Vướng mắc nơi hơi thở ra vào. Vậy là chẳng vướng mắc nơi ngũ dục lục trần, chẳng suy nghĩ tán loạn, nhưng chuyên chú nơi hơi thở ra vào, khi đó gọi là Giác. Về sau, công phu dần dần nhỏ nhiệm hơn thì gọi là Quán. Do vậy, Giác và Quán chỉ là một đằng là thô giác, một đằng là tế giác. Tế giác gọi là Quán, thô giác gọi là Giác, chỉ là phân định dựa theo mức độ thô hay tế. Nếu công phu của quý vị thành tựu thì công phu ấy dần dần tăng tấn, đấy chính là tăng trưởng điều sẽ được nói ngay sau đây:
(Diễn) Giác quán bất hưu, diệc tức thị bệnh.
(演) 覺觀不休,亦即是病。
(Diễn: Giác quán chẳng ngơi thì cũng chính là bệnh).
Cho thấy điều này giống như uống thuốc. Uống thuốc này rất có hiệu quả, nó có thể trị bệnh. Đến khi bệnh sắp lành, lại phải bỏ thuốc ấy đi, chứ nếu tiếp tục uống sẽ sanh ra tác dụng phụ, lại biến thành bệnh. Điều này cho thấy pháp phương tiện này có thể dùng vào lúc mới học, chứ nó chẳng phải là pháp rốt ráo, nó có thể ngưng dứt vọng niệm, nhưng chưa thể làm cho quý vị khai ngộ. Nếu quý vị hiểu rõ đạo lý này, mới biết A La Hán thành tựu Cửu Thứ Đệ Định mà chưa thể khai ngộ, chưa thể phá vô minh, chưa thể minh tâm kiến tánh cũng do cùng một đạo lý. Do vậy…
(Diễn) Toại tá xưng danh vi chuyển trị dã.
(演) 遂借稱名為轉治也。
(Diễn: Bèn chuyển sang nhờ vào phép xưng danh để chữa trị).
Đến khi đã có công phu này, lại dùng Niệm Phật, dùng một câu A Di Đà Phật để phá trừ giác quán.
(Diễn) Đản tự tự phân minh, diệc thị Giác. Cú cú tiếp tục (tựu thị tương tục), diệc thị Quán. Vân hà tức phá giác quán? Cái thị dĩ độc công độc, dụng binh chỉ binh, độc tận, binh tiêu, thân tâm an lạc nhĩ.
(演) 但字字分明,亦是覺。句句接續(就是相續),亦
是觀。云何即破覺觀,蓋是以毒攻毒,用兵止兵,毒盡兵消,身心安樂耳。
(Diễn: Nhưng từng chữ phân minh cũng là Giác, từng câu tiếp nối thì cũng là Quán, làm sao có thể phá giác quán? Ấy là vì dùng độc trị độc, dùng binh dẹp binh, độc hết, binh tiêu, thân tâm an lạc vậy).
Thật ra, niệm một câu A Di Đà Phật vẫn là giác quán, nhưng phương thức quả thật khác với Sổ Tức. Sổ Tức là từ một đến mười, con số ấy nhất định phải rất rõ ràng, chẳng thể lầm loạn. Do vậy, tinh thần phải rất tập trung, đích xác là một phương pháp đối trị vọng niệm rất hay. Niệm Phật, có khi hành giả vừa niệm Phật vừa khởi vọng tưởng, vì sao? Người ấy chẳng đếm hơi thở. Câu Phật hiệu [được niệm] giống như ca thuộc lòng bài hát mà thôi, đâm ra chẳng thể chế phục vọng tưởng. Do vậy, niệm Phật phải đếm số là đạo lý này. Khi đếm số, niệm Phật và nguyên lý Sổ Tức được vận dụng đồng thời. Ví như sử dụng xâu chuỗi, một tiếng A Di Đà Phật lần một hạt, chẳng dễ khắc phục vọng tưởng. Nếu quý vị niệm ba tiếng A Di Đà Phật mới lần một hạt, so ra dễ dàng hơn, vì sao? Chuyên tâm! Khi chẳng chuyên tâm, ba tiếng sẽ bị quên. Niệm ba tiếng, chẳng thể nói “A Di Đà Phật một, A Di Đà Phật hai, A Di Đà Phật ba”, đếm như vậy là không được! Một câu A Di Đà Phật niệm rất bình thường, niệm rất thuần thục, tự nhiên, con số ấy phải ghi nhớ chẳng sai chút nào, có như vậy thì mới có thể hàng phục vọng niệm. Từ ba tăng lên bốn, tăng lên năm, tăng lên dần dần. Nếu có thể niệm đến mười tiếng A Di Đà Phật mới lần một hạt thì đương nhiên công phu khá cao minh. Kẻ mới học suốt hai ba năm chưa chắc đã làm được!
Phương thức này là một biện pháp dùng độc trị độc, độc là gì? Độc là chấp trước. Dùng phương pháp này để phá trừ chấp trước Sổ Tức. Do đây có thể biết: Nguyên tắc lớn trong Phật pháp từ đầu đến cuối là phá trừ chấp trước. Trước hết phá Nhân Ngã Chấp, kế đến phá Pháp Ngã Chấp, là vì trong Chân Như tự tánh không có phân biệt, chấp trước. Có phân biệt, có chấp trước là phàm phu; không có phân biệt, không chấp trước là Phật, Bồ Tát. Đây cũng là nguyên tắc, nguyên lý tu học tối cao trong Phật pháp. Hết thảy phân biệt, chấp trước đều gạt bỏ, thân tâm sẽ an lạc.
(Diễn) Hựu hoặc thử nhân kính tựu Lý trì, nghiên cứu chi cực, đốn nhập vô tâm tam-muội, diệc bất khả tri. Thử chánh thị nhất cá hàm hưu dạng tử, cố thủ chi dĩ vi nghiệm dã.
(演) 又或此人徑就理持,研究之極,頓入無心三昧,
亦不可知。此正是一個咸休樣子,故取之以為驗也。
(Diễn: Lại có khi người ấy sẽ mau chóng dùng cách Lý Trì, nghiên cứu đến tột cùng, nhanh chóng chứng nhập vô tâm tam-muội cũng không chừng! Đây chính là một thí dụ về “muôn mối phiền não đều dứt”, nên nêu ra để làm chứng nghiệm vậy).
“Nghiệm” (驗) là chứng nghiệm, tức là chứng minh; nay chúng ta gọi là “kiến chứng” (bằng chứng thấy rõ ràng). Chấp trì danh hiệu có Sự Trì và Lý Trì. Sự Trì là gì? Lý Trì là gì? Trong phần sau sẽ có đoạn kinh văn thảo luận cặn kẽ, đấy đều là nói về phương pháp, cảnh giới, hết sức trọng yếu! Nếu thật sự hiểu rõ, thông đạt lý luận và phương pháp thì không có chướng ngại gì, quả thật là có thể “đốn nhập vô tâm tam-muội”. “Vô tâm” là không có vọng tâm, vô niệm là không có vọng niệm, chứ không phải là chẳng có chân tâm, chẳng phải là không có chánh niệm. Đạt đến cảnh giới ấy sẽ là nhất tâm bất loạn, là Niệm Phật tam-muội hiện tiền. Đấy chính là tất cả vọng niệm đều ngưng dứt, toàn bộ hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều chẳng còn nữa, đều tiêu mất sạch sành sanh!
Do vậy, đại sư nêu lên một tỷ dụ để làm bằng chứng, khiến cho chúng ta tin tưởng một câu Phật hiệu quả thật có thể đạt đến công phu tối cao, rốt ráo nhất. Hôm nay đã hết giờ rồi!
[1] Theo Đại Tỳ Bà Sa Luận, “cực vi vi” (paramānu) là vật chất nhỏ nhất có thể chia chẻ được, nếu chia nhỏ cực vi sẽ không còn gì, chỉ là hư không, nên nó còn gọi là Lân Hư Trần (vi trần gần với hư không). Cực vi có những đặc tính như không thể chia nhỏ, không thể thấy, không thể nghe, không thể ngửi, không có các thuộc tính dài, ngắn, vuông, tròn, cao, thấp v.v… Bảy cực vi hợp thành một vi trần (anu), chỉ có mắt của chư thiên, chuyển luân thánh vương và Bồ Tát mới thấy được vi trần. Bảy vi trần hợp thành một đồng trần (loha-raja). Bảy đồng trần hợp thành một thủy trần (apa-raja), bảy thủy trần hợp thành một thố mao trần (śaśa-raja, tức là hạt bụi chỉ dính trên lông một con thỏ), bảy thố mao trần hợp thành một dương mao trần (avi-raja), bảy dương mao trần hợp thành một ngưu mao trần (go-raja), bảy ngưu mao trần hợp thành một hướng du trần (ātāyana-cchidra-raja), bảy hướng du trần hợp thành một kỷ (liksā), bảy kỷ thành một sắt (yūka), bảy sắt thành một khoáng mạch (yava), bảy khoáng mạch hợp thành một tiết (anguli-parva, lóng ngón tay), hai mươi bốn tiết hợp thành một chẩu (hasta).
Bốn chẩu là một cung (dhanu). Năm trăm cung hợp thành một câu lô xá (krośa), tám câu lô xá là một du thiện na (yojana, do tuần).
[2] Lục Diệu Môn gồm:
-
- Sổ Tức Môn: Đếm hơi thở từ một đến mười để nhiếp loạn tâm.
- Tùy Môn: Chú tâm quán hơi thở, biết đang thở ra hay hít vào, biết hơi thở dài, ngắn, nông, sâu v.v… nhưng không chú ý đếm hơi thở như trong Sổ Tức.
- Chỉ Môn: Lắng lòng dứt mọi vọng tưởng, cách này chỉ có thể áp dụng sau khi Tùy Môn đã đạt đến hiệu quả giúp cho tâm an tịnh.
- Quán Môn: Do Chỉ Môn đã chứng Thiền Tịch, nhưng Huệ chưa khai phát nên mới quán tâm phân minh để lắng dứt sự đắm trước nơi sự an tịnh trong Chỉ Môn.
- Hoàn Môn: Chuyển tâm phản chiếu. Hành giả tuy quán chiếu, nhưng rất có thể sẽ vướng vào các phân biệt, chấp trước như năng, sở, ngã chấp v.v… nên phải chuyển cái tâm để quán chiếu ngay cái tâm đang quán chiếu để dứt trừ mọi chấp trước.
- Tịnh Môn: Tâm không nương tựa vào đâu, sóng vọng dứt bặt, nên gọi là Tịnh.