Tập 97/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 97

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm tám mươi mốt:

          (Sao) Giáo Hành Lý giả, bổn Lý lập Giáo, y Giáo tu Hành, tùng Hành hiển Lý, chư kinh giai cụ Giáo Hành Lý tam, cố danh vi Thông.

          ()教行理者,本理立教,依教修行,從行顯理,諸經皆具教行理三,故名為通。

          (Sao: “Giáo, Hành, Lý”: Vốn dựa trên Lý để lập Giáo, nương theo Giáo để tu hành, từ tu hành mà hiển Lý. Các kinh đều trọn đủ ba món Giáo, Hành, Lý, nên gọi là Thông).

          Những điều được nói trong mấy câu này cũng là những ý nghĩa trọng yếu trong tựa đề kinh. Hết thảy các kinh Phật, bất luận Đại Thừa hay Tiểu Thừa, nhất định trọn đủ ba ý nghĩa “Giáo, Hành, Lý”. Có ba điều ấy thì mới thấy rõ chỗ khác biệt giữa kinh Phật và sách vở thế gian. Nay chúng ta gọi Giáo là sách giáo khoa. Thuở Phật tại thế không có sách, cũng chẳng có giảng nghĩa, đó gọi là “dĩ âm thanh vi Phật sự” (dùng âm thanh để làm Phật sự), lời Phật giảng diễn là Giáo. Đời sau kết tập kinh điển, bèn gọi [kinh điển] là Giáo, giống như đức Phật nói bộ kinh A Di Đà này chính là Giáo, những điều do đức Phật đã nói là Giáo. Trong ấy, nhất định có đạo Lý, lý luận trong kinh ấy là gì? Những gì là cách tu hành trong kinh ấy? Tựa đề bản kinh này do La Thập đại sư dùng thiện xảo phương tiện nhất để chọn lựa, lấy danh hiệu của A Di Đà Phật làm đề mục. Thật ra, tựa đề gốc của kinh này là Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh, đó là tên gốc của kinh; nhưng danh hiệu A Di Đà Phật đúng là hết sức kỳ diệu, bốn chữ ấy trọn đủ cả ba món Giáo, Hành, Lý, thật sự tuyệt diệu chẳng thể diễn tả được!

          “Bổn Lý lập Giáo, y Giáo tu Hành”: Giáo nhất định phải kiến lập từ Lý. Lý là gì? Lý là Chân Như Thật Tướng. Hết thảy các kinh Đại Thừa đều lấy Thật Tướng làm Thể, trong phần trước, chúng ta đã thảo luận [điều này]. Trong phần đầu bộ Sớ Sao, Liên Trì đại sư sử dụng Thập Môn Khai Khải [để thảo luận thể tánh của kinh này], giảng hết sức tỉ mỉ. Phật từ Chân Như bổn tánh lưu lộ giáo học, mà cũng từ chân tánh lưu lộ hết thảy các kinh. Hết thảy các kinh lưu lộ từ chân tánh. Chân tánh là Lý, Chân Như bổn tánh là Lý, nương vào Lý ấy để kiến lập giáo học. “Y giáo tu hành”, nói theo ý nghĩa thông thường sẽ là nương theo Văn Tự Bát Nhã, kinh điển là văn tự, là sách giáo khoa, chúng ta phải nương theo lý luận và phương pháp trong sách giáo khoa để tu hành, tu gì vậy? Khôi phục tự tánh của chúng ta, tu điều này, chẳng phải điều nào khác, khôi phục tự tánh mà thôi! Trong tự tánh có Pháp Thân, Giải Thoát, Bát Nhã. Giáo Hạ thiên trọng Bát Nhã, tức là nương vào Văn Tự Bát Nhã để tu Quán Chiếu Bát Nhã, nương theo lý luận và phương pháp ấy để tu hành.

          Tu hành phải có mục tiêu, mục tiêu ấy là gì? Là “tùng Hành hiển Lý” (do Hành mà hiển Lý), Hành là tu hành. Nói thật ra, Hiển là hiển lộ Chân Như bổn tánh, Thiền gia nói là “minh tâm kiến tánh”. Minh tâm kiến tánh là hiển lộ Lý. Thiền nhằm mục đích minh tâm kiến tánh, Giáo Hạ vẫn nhằm mục đích minh tâm kiến tánh, chúng ta niệm Phật cũng không ngoài minh tâm kiến tánh. Niệm tới Lý nhất tâm bất loạn bèn minh tâm kiến tánh. Có thể thấy bất luận tông nào, phái nào, tuy phương pháp, kỹ xảo khác biệt, có các cách [tu tập] sai khác, nhưng mục tiêu là nhất trí, chỗ để đạt tới hoàn toàn tương đồng. Vì thế mới nói pháp môn vô nhị, pháp môn bình đẳng, mới nói ra ý nghĩa này. “Chư kinh giai cụ Giáo, Hành, Lý tam” (các kinh đều đủ ba món Giáo, Hành, Lý), hết thảy các kinh đều đầy đủ ba yếu tố này. Đó là Thông Đề, hết thảy các kinh phải trọn đủ ba ý nghĩa này.  Tiếp đó,  [chuyên]  nói về kinh  [A Di Đà]

này:

          (Sao) Chuyên chỉ thử kinh, tắc Phật Thuyết thị Giáo.

       () 專指此經,則佛說是教。

          (Sao: Chuyên nói về kinh này, thì Phật Thuyết là Giáo).

          Trong tựa đề kinh thì Phật Thuyết là Giáo.

          (Sao) Chấp trì danh hiệu thị Hành, A Di Đà thị Lý.

          () 執持名號是行,阿彌陀是理。

          (Sao: Chấp trì danh hiệu là Hành, A Di Đà là Lý).

           Giáo là A Di Đà, chấp trì danh hiệu (Hành) vẫn là A Di Đà, Lý được chứng đắc vẫn là A Di Đà; do vậy, A Di Đà Phật chẳng thể nghĩ bàn. Trong những kinh điển khác, mỗi chuyện đều có thể phân biệt, nhưng kinh này rất lạ lùng: Một câu A Di Đà Phật có đủ các ý nghĩa ấy (Giáo, Hành, Lý), thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Trong kinh Vô Lượng Thọ, mỗi chuyện đều [tách bạch] rõ rệt; nhưng kinh này hết sức lạ lùng, đặc biệt, A Di Đà Phật dịch sang nghĩa tiếng Hán là Vô Lượng Giác. Vô Lượng Giác là tự tánh của chúng ta. Nói cách khác, [A Di Đà Phật] là danh hiệu của tự tánh. Danh hiệu Phật đồng thời cũng là danh hiệu của tự tánh; do vậy, nó là Lý, chúng ta niệm Phật phải chứng, chứng gì? Phải đích thân chứng đắc A Di Đà.

          (Sao) Cục thử dị dư, cố danh vi Biệt.

          () 局此異餘,故名為別。

          (Sao: Hạn cuộc trong kinh này thì [trong tựa đề kinh] có chỗ khác biệt với những với kinh khác, nên gọi là Biệt).

          “Cục thử”: Chữ “thử” (此) chỉ kinh này, bộ kinh này không giống những kinh khác, những kinh khác chẳng lấy A Di Đà làm tên kinh.

          (Sao) Phối Tam Đức giả, Lý tức Pháp Thân, Giáo tức Bát Nhã, Hành tức Giải Thoát.

          () 配三德者,理即法身,教即般若,行即解脫。

          (Sao: Phối hợp với Tam Đức thì Lý là Pháp Thân, Giáo tức Bát Nhã, Hành tức Giải Thoát).

          Lý là Pháp Thân, điều này dễ hiểu. Lý là Chân Như Lý Thể, là Thanh Tịnh Pháp Thân của chính chúng ta. Giáo là Bát Nhã; chữ “Bát Nhã” chỉ hết thảy các kinh điển do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói, thường gọi là Văn Tự Bát Nhã. Từ Văn Tự cho tới Quán Chiếu Bát Nhã vẫn thuộc về Giáo. Trong mùa Đông năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức đại chuyên giảng tòa, giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, trong ấy sẽ đặc biệt giảng về quán chiếu, [giảng theo] chú giải của Thiên Thai đại sư, phải từ Lục Tức Phật để giảng, từ Danh Tự Tức, Quán Hạnh Tức, Tướng Tự Tức, Phần Chứng Tức cho đến Cứu Cánh Phật, chúng ta sẽ lại thảo luận cặn kẽ vấn đề này.

          Hành là Giải Thoát. Nói thật ra, Hành là hành vi sinh hoạt. Hiện thời, hành vi sinh hoạt của chúng ta chẳng tự tại, thường nói là “chẳng tự do”, chính mình không thể làm chủ, chỗ nào cũng bị bó buộc! Vì sao không thể làm chủ? Vì thiếu trí huệ, hễ có trí huệ sẽ làm chủ được. Hiện thời, chúng ta thiếu trí huệ, bị phiền não khống chế, cho nên chúng ta cảm thấy chỗ nào cũng chẳng tự tại! Học Phật phải cầu trí huệ, Phật pháp chẳng cầu chi khác, quý vị nhất định phải nhớ điều này! Phật pháp nhằm cầu trí huệ, có trí huệ thì vấn đề gì cũng đều có thể giải quyết. Do vậy, Phật pháp là phương pháp trí huệ, Phật học là học vấn trí huệ. Các đồng tu phải lưu ý điều này!

          Ngày hôm qua, chúng ta có hội giảng diễn; giảng diễn xong, có một người đến hỏi tôi nhiều vấn đề. Nghe nói ông ta là một giáo sư đại học có tiếng, nhưng những vấn đề ông ta hỏi đều thiếu trí huệ. Chẳng hạn như ông ta nêu ra câu hỏi thứ nhất là: “Nếu người trên thế giới này đều xuất gia hết, chẳng phải là người trên thế giới này đều bị diệt chủng ư?” Tôi hỏi ngược lại ông ta: “Nếu người trên cả thế giới đều làm giáo sư đại học thì vẫn bị diệt chủng, đúng không?” Đều là giáo sư đại học, cũng không có ai cày ruộng, cũng không có ai dệt vải, chẳng phải vẫn là một con đường chết hay sao? Quý vị hãy suy nghĩ thử xem, người trên thế giới này đều có thể xuất gia hết hay chăng? Có thể đều làm giáo sư đại học hay không? Không thể nào có chuyện ấy! Đấy là thiếu trí huệ! Do vậy, trí huệ có thể giải quyết hết thảy vấn đề, trí huệ có thể đem đến cuộc sống tự tại mỹ mãn; đấy là giải thoát. Vì thế, hành vi sinh hoạt của người học Phật quả thật là giải thoát tự tại, vì người ấy có Quán Huệ.

          (Sao) Hựu Lý thông Hành, Giáo, Pháp Thân tức Bát Nhã, Giải Thoát, nãi chí Hành thông Lý, Giáo, Giáo thông Lý, Hành. Cử nhất tức tam, lệ thượng khả tri.

            ()又理通行教,法身即般若解脫,乃至行通理教,教通理行,舉一即三,例上可知。

          (Sao: Lại nữa, Lý thông với Hành và Giáo. Pháp Thân tức là Bát Nhã và Giải Thoát; cho đến Hành thông với Lý và Giáo, Giáo thông với Lý và Hành. Nêu một điều sẽ chính là ba, cứ dựa theo trên đây sẽ biết).

          Đây là một mà ba, tuy ba mà một, quả thật là như vậy. Pháp Thân là Bát Nhã và Giải Thoát, đó gọi là “toàn tánh khởi tu”, cho nên Lý thông với Hành. “Tánh” là Chân Như bổn tánh. Điều này tuy là nói đến Phật pháp cao cấp, tu trì cao cấp, nhưng khi mỗi cá nhân chúng ta tu tập, nhất là pháp môn Niệm Phật, hễ quý vị tu tập sẽ là toàn tánh khởi tu. Tuy toàn tánh khởi tu, nhưng chính quý vị không biết! Người thấu hiểu sẽ biết rõ điều này, nhưng chính quý vị chẳng biết chính mình đang toàn tánh khởi tu. Ở đây, có một điều phải nhận thức rõ ràng: Hiện thời, trước hết, chúng tôi buông cái Tánh ấy xuống, chẳng bàn đến, mà luận về tâm, mọi người sẽ dễ hiểu. Trong tâm suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn xạ, khởi tâm vọng tưởng.

          Chúng ta vọng niệm gì cũng chẳng có, toàn tâm toàn ý niệm một câu Phật hiệu này, có phải là toàn tâm khởi tu hay không? Trọn chẳng biết tâm là tánh! Nhất là quý vị toàn tâm toàn ý niệm một câu Phật hiệu này, nếu chẳng phải là tánh thì là gì vậy? A Di Đà Phật là đức hiệu lưu lộ từ tự tánh của Như Lai; nay quý vị dốc toàn bộ cái tâm để niệm Phật hiệu, nếu chẳng phải là toàn tánh khởi tu thì là gì vậy? Vừa niệm Phật, vừa dấy vọng tưởng, sẽ chẳng phải là [toàn tánh khởi tu]. Nếu vọng tưởng gì cũng đều buông xuống, toàn tâm toàn ý niệm Phật, thưa quý vị, đấy là toàn tánh khởi tu. Các pháp môn khác chưa chắc là như vậy, nhưng pháp môn Niệm Phật chắc chắn là như vậy, vì sao? Vì một câu Phật hiệu chính là đức hiệu của tự tánh. Vì vậy, quý vị tham thiền, trì chú, không nhất định có thể đạt tới cảnh giới này, nhưng niệm Phật quyết định tương ứng, quyết định là cảnh giới này. Vì thế, pháp này chẳng thể nghĩ bàn. Cái hay của niệm Phật thật sự chẳng thể nói trọn! Thật sự thông đạt, quả thật điều gì cũng đều buông xuống, chúng ta thấy bậc cổ đại đức thông Tông thông Giáo, thuở trẻ học rộng nghe nhiều; về sau, đã học thông suốt, bèn phát hiện thật sự có những thứ tốt đẹp trong pháp môn này, đối với những thứ kém tốt đẹp khác đều chẳng cần nữa, đều gạt bỏ! Vì vậy, tới cuối cùng [các Ngài] nhất tâm nhất ý niệm A Di Đà Phật, biết pháp môn niệm A Di Đà Phật mới là pháp môn bậc nhất trong ngàn kinh vạn luận, những pháp môn khác đều chẳng cần tới nữa!

          Nếu chúng ta nhận biết “toàn tánh khởi tu”, tuy là sơ học niệm Phật, nói thật ra, công phu ấy đúng là công phu thượng thừa, là cách tu của các vị đại Bồ Tát. Trong bản chú giải kinh Vô Lượng Thọ, cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã trích dẫn cách nói ấy của cổ nhân, chúng tôi càng nghĩ càng thấy có lý! Pháp môn Niệm Phật này nhằm tiếp dẫn bậc thượng thượng căn; chúng ta vừa nghe [nói như vậy, bèn tự nhủ]: Bậc thượng thượng căn thì chúng ta chẳng có phần, chúng ta là kẻ hạ căn, chính mình cũng chẳng dám gánh vác, rất khiêm hư, rất khách sáo. Tiếp đó, người ta đã nói rất rõ ràng, chỉ cần có thể tin tưởng pháp môn này, chịu phát nguyện vãng sanh, kẻ ấy là bậc thượng thượng căn. Chúng ta nghe lời ấy lại [cảm thấy] như thế nào? Chúng ta nghe xong, suy nghĩ, tin tưởng, thật sự phát nguyện, đó chính là bậc thượng thượng căn. Kẻ căn cơ trung hạ nghe xong sẽ hoài nghi, chẳng tin tưởng, chẳng chịu cầu sanh Tịnh Độ, chẳng chịu niệm Phật. Đó là kẻ căn cơ trung hạ!

          Do vậy, “thượng thượng căn” tuyệt đối chẳng phải là nói về kẻ thông minh tài trí, mà là nói tới người trọn đủ Tín, Nguyện, Hạnh; chỉ cần quý vị trọn đủ ba điều kiện ấy, sẽ là bậc thượng thượng căn. Thượng thượng căn như vậy được mười phương chư Phật, Bồ Tát thừa nhận là hạng thượng thượng căn; [cách nói ấy] rất có lý, vì sao? Vì người ấy sẽ vãng sanh trong một đời này, vãng sanh là thành Phật. Nếu người này chẳng gọi là thượng thượng căn, ai mới xứng là thượng thượng căn? Kẻ thông Tông thông Giáo vẫn phải luân hồi trong sáu nẻo, vẫn chẳng thể thoát khỏi tam giới trong một đời này, làm sao coi là thượng thượng căn cho được? Vì thế, nghĩ ra, lời cổ đức nói có lý lắm, chẳng phải là vô lý! Sau đấy, chúng ta suy nghĩ: Có nhiều bà cụ niệm Phật vãng sanh trong một đời, đúng là bậc thượng thượng căn. Chúng ta tự nghĩ mình thông minh tài trí ghê gớm lắm; so ra, thua kém những người ấy! Người ta có thể thành Phật, còn chúng ta sống cả đời rồi vẫn luân hồi trong lục đạo. Đấy là nói “Pháp Thân chính là Bát Nhã và Giải Thoát”. Chiếu theo Lý này để suy luận, Bát Nhã cũng là Pháp Thân và Giải Thoát, Giải Thoát cũng là Pháp Thân và Bát Nhã; một chính là ba, ba chính là một!

          “Nãi chí Hành thông Lý, Giáo, Giáo thông Lý, Hành” (cho đến Hành thông với Lý và Giáo, Giáo thông với Lý và Hành): Giáo là văn tự, văn tự tánh Không, đó là Thật Tướng, giống như kinh Kim Cang đã nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Quý vị biết nó là hư vọng, đó chính là Thật Tướng. Tới khi ấy, có thể bảo quý vị: Thật Tướng và hư vọng là một, không hai, quý vị thật sự giác ngộ. Đó gọi là “dùng vàng chế các vật, món nào cũng đều là vàng”, chúng tôi dùng tỷ dụ này cho mọi người dễ hiểu. Các món vật là hư vọng, vàng là chân thật, đồ vật có phải là vàng hay không? Đồ vật là vàng; đồ vật hư vọng và vàng chân thật là một, không hai. Hết thảy vạn vật trong vũ trụ là đồ vật, có hình, có tướng. Những thứ có hình có tướng sẽ là tướng hư vọng, Thể của tướng hư vọng là Chân Không. Chân Không là tên gọi khác của bổn tánh; nói Chân Không hay nói bổn tánh đều là nói về cùng một thứ. Do vậy, văn tự tánh Không là Thật Tướng, là Chân Như bổn tánh. Do vậy, “Giáo thông Lý”.

          Chính vì Giáo và Lý là một, không hai; do vậy, chúng ta chớ nên chấp trước tướng văn tự, đừng nên chấp trước nó. Hễ quý vị chấp trước là trật mất rồi! Chẳng chấp trước nó, quý vị sẽ thông đạt, đắc tự tại đối với văn tự, đắc Bát Nhã, đắc giải thoát. Nếu quý vị chấp trước nó, sẽ mê, mê nơi văn tự, Giáo cũng chẳng thông, trí huệ cũng chẳng có, Giải Thoát cũng không có, tự tại lẫn trí huệ đều không có. Đó là chết cứng nơi câu văn, chẳng biết văn tự tánh Không, chẳng biết văn tự là Thật Tướng. Mọi người phải chú tâm lãnh hội ý nghĩa này, chớ nên suy tưởng; nếu suy tưởng sẽ nghĩ không ra. Nếu quý vị suy xét, càng nghĩ càng hỏng bét, chớ nên suy tưởng, mà phải lãnh hội. Không thể lãnh hội thì cũng chẳng sao! Niệm A Di Đà Phật là được rồi; quý vị niệm ba năm, sẽ tự nhiên hiểu. Chuyện này rất kỳ diệu, niệm ba năm bèn hiểu. Đúng như [lời Sao] đã viết: “Cử nhất tức tam, lệ thượng khả tri” (Nêu lên một điều chính là ba điều, dựa theo những điều trên đây sẽ có thể suy ra).

          (Sao) Thể Tướng Dụng giả.

          () 體相用者。

          (Sao: Thể, Tướng, Dụng).

          Đây là dùng Tam Đại để xét.

          (Sao) Thể giả, tổng thể, ngôn Phật tiện châu, cố Phật vi Thể. Tướng giả, Thể trung sở cụ chi Tướng. Thể vô tận, Tướng diệc vô tận, cố Vô Lượng Thọ vi Tướng. Dụng giả, Thể trung sở phát chi Dụng. Thể vô bất chiếu, Dụng diệc vô bất chiếu, cố Vô Lượng Quang vi Dụng. Nhược thông, nhược biệt đẳng, diệc như thượng lệ.

       ()體者,總體,言佛便周,故佛為體;相者,體中所具之相,體無盡,相亦無盡,故無量壽為相;用者,體中所發之用,體無不照,用亦無不照,故無量光為用。若

通若別等,亦如上例。

          (Sao: Thể là tổng thể, nói Phật liền trọn đủ. Vì thế, Phật là Thể. Tướng là tướng sẵn đủ trong Thể. Thể vô tận, nên Tướng cũng vô tận. Vì thế, Vô Lượng Thọ là Tướng. Dụng là tác dụng do Thể phát ra. Thể không gì chẳng chiếu, nên Dụng cũng không gì chẳng chiếu. Vì thế, Vô Lượng Quang là Dụng. [Các nghĩa] dù thông, hay biệt cũng đều theo lệ trên đây).

          Thể là bản thể. Nói “Phật”, bản thể bèn trọn đủ viên mãn, chẳng khuyết thiếu mảy may. “Phật” ở đây, tự nhiên là nói về Pháp Thân Phật. Chúng ta nghe nói Pháp Thân Phật, [chẳng cảm thấy] có vấn đề gì, nhưng Báo Thân và Ứng Thân lại như thế nào? Cũng như vậy ư? Cũng thế! Nhưng ý nghĩa này chẳng dễ hiểu cho lắm, giống như kinh Hoa Nghiêm đã dạy: “Phá nhất vi trần, xuất đại thiên kinh quyển” (phá một vi trần, hiện ra quyển kinh to bằng tam thiên đại thiên), lại nói: “Giới tử nạp Tu Di” (núi Tu Di nhét vào hạt cải), tức là nói một và nhiều chẳng hai, lớn nhỏ như nhau. Nếu hiểu rõ đạo lý này, lẽ đâu Ứng Thân chẳng phải là Pháp Thân? Kinh Hoa Nghiêm nói như vậy. Cuối chương Truyền Hương Sám Hối của Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư đã giảng “nhất thể tam thân”, cũng là giảng rõ ràng, minh bạch ý nghĩa “một tức là ba, ba chính là một” trong kinh Hoa Nghiêm.

          Vì thế, đối với chữ “Phật” ở đây, quý vị nói là Pháp Thân, Báo Thân, hay Ứng Thân đều được. Nói “Phật” liền “châu”, “châu” (周) là viên mãn. Nếu nói cái thân này của phàm phu chúng ta [cũng viên mãn] thì có được hay không? Giống hệt! Không hề chẳng trọn khắp! Thánh phàm chẳng hai, chúng sanh và Phật chẳng hai! Do vậy, trong các kinh Hoa Nghiêm, Viên Giác, Niết Bàn cũng có ý nghĩa này: “Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật”. Phật và chúng sanh khác biệt ở chỗ mê hay ngộ, nhưng tự tánh chẳng có mê hay ngộ, Phật Tánh chẳng có mê hay ngộ! Nói thật ra, Thể và Tướng đều không có mê hay ngộ, trong Thể chẳng có mê hay ngộ, trong Tướng cũng chẳng có mê hay ngộ. Mê và ngộ do đâu mà có? Trong Dụng có mê hay ngộ! Thể, Tướng và Dụng là Tam Đại, hai thứ đầu đều chẳng có tướng mê hay ngộ; Phật ngộ, ngộ gì vậy? Ngộ Thể, ngộ Tướng. Lũ chúng sanh chúng ta mê, mê gì vậy? Mê Thể, mê Tướng. Bản thân Thể và Tướng không có mê hay ngộ, cho nên chúng sanh và Phật chẳng hai. Hễ nói tới Phật liền trọn vẹn, tùy tiện nêu ra một pháp nào, nêu ra một pháp sẽ trọn khắp, cho đến nêu ra một vi trần cũng trọn khắp, nhất định phải hiểu ý nghĩa này,  đấy là nói về bản

thể.

          Tướng là hiện tướng, Thể nhất định hiện Tướng, chẳng thể nói Thể không có Tướng, quyết định là có Tướng. Hư không cũng có Tướng, hư không cũng là Tướng Phần của Chân Như bổn tánh. Có hình sắc thì chúng ta gọi nó là Tướng; nhưng không có hình sắc vẫn là Tướng, tức là “hư không tướng”. Nói có hình sắc, mọi người dễ hiểu tướng ấy, nhưng nói đến [điều gì] không có hình sắc, chúng ta chẳng hiểu cho lắm. Cớ sao không có hình sắc mà gọi là Tướng? Nó cũng do tự tánh biến hiện, cũng chẳng rời khỏi tự tánh. Chúng tôi nêu tỷ dụ để nói thì ban đêm quý vị nằm mộng, trong giấc mộng có hư không hay chăng? Nếu trong mộng chẳng có hư không, quý vị sẽ chẳng thể chuyển động; quý vị muốn hoạt động thì luôn luôn phải có hư không. Hư không trong giấc mộng do đâu mà có? Có phải là do cái tâm của quý vị biến hiện hay không? Có thể thấy hư không cũng do tự tánh biến hiện; hết thảy vạn pháp trong hư không cũng do tự tánh biến hiện. Vì thế, hư không là một thứ thuộc về Tướng Phần của tự tánh. Nó vẫn là Tướng Phần, chẳng thể nào không có tướng, giống như chúng ta nói tới vàng, vàng nhất định có tướng. Quý vị làm thành một cái nhẫn, sẽ có tướng nhẫn; làm thành vòng đeo tay, sẽ có tướng vòng đeo tay. Hết thảy đều chẳng cần tới nữa, ta ép cho những thứ ấy dẹp lép, nó bèn có tướng dẹp lép, kéo dài ra bèn có tướng dài ngoằng. Quý vị nói: “Tôi chẳng cần tướng”, không cần tướng thì vàng cũng chẳng có. Đã có vàng, nhất định có tướng. Điều này cho thấy: Hễ có Thể, nhất định có Tướng. Quý vị phải hiểu: Kiến tánh chẳng phải là diệt Tướng rồi quý vị mới kiến tánh. Diệt Tướng, chẳng thấy Tánh; giống như vàng, tướng gì cũng chẳng cần tới nữa thì vàng cũng không có, quý vị cũng không có được vàng!

          Do vậy, nói “lìa hết thảy tướng” nghĩa là trong tâm, lìa [ý niệm] chấp trước tướng, chẳng phải là lìa tướng bên ngoài. Ví như kinh Kim Cang có dạy: “Nếu Bồ Tát có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, bèn chẳng phải là Bồ Tát”, Bồ Tát nhất định phải lìa bốn tướng ấy. Nhân tướng và ngã tướng chúng ta đều chẳng cần, đâu có đạo lý ấy! Lìa gì vậy? Trong tâm lìa rời [ý niệm] “tôi chấp trước có người, có ta, có kẻ khác”. Quý vị lìa cái tướng phân biệt, chấp trước ấy, chứ không phải là bên ngoài chẳng có [tướng]. Tướng Phần bên ngoài chắc chắn tồn tại. Hiện thời, căn bệnh nặng của chúng ta là gì? Căn bệnh nặng là trong tâm quý vị có tướng chấp trước, có tướng phân biệt! Những thứ ấy phiền lắm, chúng khiến cho quý vị chẳng thể kiến tánh. Kinh Hoa Nghiêm giảng rất hay: Lìa khỏi hết thảy vọng tưởng, chấp trước, Tướng là Tánh, Tánh là Tướng. Khi ấy, minh tâm kiến tánh, Tánh ở nơi đâu? Tướng là Tánh; giống như nói: “Vàng ở nơi đâu? Đồ vật là vàng”. Thuận tay cầm lấy [bất cứ vật nào], không có gì chẳng phải là vàng; đấy cũng là kiến tánh.

          Ngày nay, sở dĩ chúng ta không có cách nào thực hiện “Tánh – Tướng như một”, chẳng thể kiến tánh, là vì trong tâm chính mình có một thứ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Vọng tưởng ấy gọi là tướng hư vọng. Rời khỏi tướng hư vọng này, tất cả hết thảy cảnh giới bên ngoài đều là tướng chân thật, gọi là “Thật Tướng của các pháp”. Do vậy, đạt đến cảnh giới ấy, đức Phật lại nói theo một cách khác: “Phàm những gì có hình tướng, đều là Thật Tướng”. Đối với câu đã nói trong phần trước “phàm những gì có hình tướng, đều là hư vọng”, hai câu này có mâu thuẫn hay không? Chẳng mâu thuẫn! Chúng có cùng một ý nghĩa, tướng hư vọng là Thật Tướng, Thật Tướng là tướng hư vọng, chẳng mâu thuẫn tí nào! Quý vị mới hiểu chân, vọng chẳng hai, phàm thánh giống như nhau; nhưng nếu tâm quý vị chẳng thanh tịnh, sẽ chẳng thấy được. Ắt cần phải tâm thanh tịnh hiện tiền thì chân tướng ấy mới có thể hiện tiền.

          Đây là nói về Tướng, tức là Tướng được hiện bởi Thể. “Thể vô tận”, đương nhiên Tướng vô tận. Vì vậy, kinh này lấy Vô Lượng Thọ làm đại diện. Tác dụng là mê hay ngộ. Dụng của phàm phu là mê, Dụng của Phật, Bồ Tát là ngộ, khác nhau ở chỗ này, những điều khác giống hệt như nhau! “Thể vô bất chiếu, Dụng diệc vô bất chiếu” (Thể không gì chẳng chiếu, Dụng cũng không gì chẳng chiếu). Do vậy, Vô Lượng Quang là đại dụng của chư Phật, Bồ Tát. Các Ngài có trí chiếu, giác ngộ, chẳng mê. Nay [những điều] chúng ta phải học, nói thật ra là học điều này. Vì vậy, toàn thể giáo học trong Phật pháp, quả thật lấy Bát Nhã làm chủ.

Trong sự giáo hóa cả một đời đức Phật, kinh Hoa Nghiêm chỉ nói trong mười bốn ngày, cũng có người bảo là hai mươi mốt ngày; nếu tính là ba thất, thì cũng chẳng hơn hai mươi mốt ngày. Kinh Hoa Nghiêm do đức Phật giảng trong Định, phàm phu chúng ta chẳng thể hiểu cảnh giới ấy. Giảng A Hàm mười hai năm, [A Hàm] giống như Tiểu Học; Phương Đẳng tám năm; Bát Nhã hai mươi hai năm, dài nhất. Đức Phật giảng kinh tổng cộng bốn mươi chín năm, Bát Nhã chiếm hai mươi hai năm, gần như là chiếm phân nửa [thời gian], quý vị mới biết Phật pháp lấy trí huệ Bát Nhã làm chủ. Chúng ta nhất định phải biết điều này.

          Nếu Bát Nhã trọng yếu như vậy, nay chúng ta có phải học kinh Bát Nhã hay không? Học cũng được, mà không học càng tốt hơn, vì sao? Niệm một câu A Di Đà Phật này, [chính là] phước huệ song tu. Một câu A Di Đà Phật bao gồm vô lượng Bát Nhã. Niệm một câu Phật hiệu này cho tới khi tâm thanh tịnh, Bát Nhã trong bổn tánh sẽ hiện tiền. Cách này tuyệt diệu lắm, tuyệt diệu ở chỗ này! Phương cách của Thiền Tông rất đặc biệt, Thiền Tông là “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền”, “giáo” là giáo học. Họ chẳng dốc sức nơi giáo học; nói cách khác, chẳng đổ công nơi kinh điển, chẳng dốc sức nơi giảng kinh, thuyết pháp; họ dồn sức chỗ nào? Trực tiếp bảo quý vị tu Định. Thuở đầu, khi Đạt Ma Tổ Sư đến [Trung Hoa], đã dạy người khác phương pháp quán tâm, dùng phương pháp ấy. Sau đấy, do chúng sanh nghiệp chướng tập khí nặng nề, dùng phương pháp ấy công phu chẳng đắc lực. Vì thế, tổ sư mới đổi sang một phương pháp gọi là “tham thoại đầu”, nhằm mục đích cầu đắc tâm thanh tịnh. Tâm địa thanh tịnh, trí huệ Bát Nhã khai, khi ấy, lại đọc kinh. Do vậy, chẳng phải là họ không cần đến kinh điển, họ cần kinh điển, nhưng đặt kinh điển vào nửa giai đoạn sau, trước hết, cầu đắc Thiền Định, đắc Thiền Định rồi mới đọc kinh, mở quyển kinh ra bèn hiểu rõ ý nghĩa. Do vậy, tốc độ [lãnh hội kinh điển] của họ vô cùng nhanh chóng!

          Vì thế, chẳng phải là Thiền gia không cần kinh, họ cần! Những tổ sư đại đức trong Thiền Tông có vị nào chẳng thông đạt hết thảy các kinh? Quý vị thấy ngữ lục, trước tác của các Ngài dẫn kinh điển làm chứng, chẳng có pháp thế gian hay xuất thế gian nào các Ngài không biết. Không chỉ thông thạo kinh Phật, mà bá gia chư tử của Trung Quốc, các Ngài đều thông hiểu. Các Ngài sau khi ngộ mới xem sách; trước khi khai ngộ, quyết định chẳng đọc sách, quyết định chẳng nghe kẻ khác giảng diễn, dùng phương pháp ấy. Nhưng niệm Phật càng thuận tiện hơn tham thoại đầu của Thiền Tông. Nói thật thà, hiện thời, tham thoại đầu của nhà Thiền cũng chẳng dễ dàng. Hiện thời, nói thật ra, tham thoại đầu là dấy vọng tưởng, đâu có gì là tham thoại đầu? Làm ra vẻ, chứ chẳng khai ngộ! Tham thoại đầu tâm phải rất vi tế, quý vị chẳng có cách nào thực hiện công phu này!

          Thoại đầu là gì? Nếu khi câu nói ấy khởi lên, nó đã trở thành thoại vĩ mất rồi, chẳng phải là thoại đầu! Thoại đầu không có ý nghĩa, chẳng hạn như nhà Thiền thường nói: “Tham phụ mẫu vị sanh tiền bổn lai diện mục” (tham cứu diện mạo vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra), quý vị bèn nghĩ: Khi cha mẹ chưa sanh ra ta, ta vốn là như thế nào? Đó gọi là khởi vọng tưởng, có gì là tham thoại đầu? Quý vị có thể tìm ra câu trả lời ở nơi ấy hay chăng? Nó chẳng có ý nghĩa, mà cũng chẳng có câu trả lời! Nhằm dạy quý vị dùng một phương pháp, [câu tham thoại đầu ấy khiến cho quý vị khởi nghi, mối nghi ấy] gọi là “nghi tình”. Khi ý niệm dấy lên, quý vị bèn bí mật tìm tòi, niệm ấy do đâu mà có? Đó gọi là “thoại đầu”. Quý vị tìm nguồn gốc, cội nguồn của nó, quan sát nó, tâm sẽ đắc Định. Cách này đòi hỏi tâm hành nhân phải rất vi tế, kẻ hời hợt sẽ không hành được, chẳng có cách nào! Nếu quý vị muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi ấy, đó là khởi vọng tưởng, chẳng gọi là tham thoại đầu. Nhưng quý vị truy ngược lại coi ý niệm ấy do đâu mà có? Tất nhiên ý niệm ấy không có, khi nó không có, quý vị bèn chú ý, niệm ấy đi đâu rồi? Quý vị dõi theo câu ấy, tìm kiếm nó, chỉ quan sát nó, tâm sẽ đắc Định. Thiền giả dùng phương pháp này thì gọi là “tham thoại đầu”.

          Vận dụng công phu đắc lực, sẽ chẳng trở ngại công việc;  đi, đứng,

nằm, ngồi đều tham Thiền. Trong Thiền Tông, Thiền hòa tử[1] mỗi ngày làm lụng, gánh nước, bửa củi, luôn làm những việc cực nhọc ấy, nhưng tham cứu quyết định chẳng gián đoạn. Nhưng quý vị hãy suy nghĩ: Phương pháp ấy chẳng đơn giản, thuận tiện như niệm Phật. Nếu nói về sự thành tựu thì niệm Phật cao hơn. Nếu họ (hành giả nhà Thiền) chẳng đại triệt đại ngộ, sẽ chẳng có một tí tác dụng gì! Sau khi đại triệt đại ngộ, chưa chắc đã có thể vượt thoát tam giới, vì sao? Nếu chẳng đoạn Kiến Tư phiền não, dẫu là đại triệt đại ngộ, quả báo bất quá là Tứ Thiền Thiên mà thôi!

          Ở đây, chúng tôi có một cuốn băng thâu âm lời khai thị của lão pháp sư Đàm Hư, quý vị có thể thỉnh về nhà nghe nhiều lần. Có những đồng tu nói: “Sư là người phương Bắc, chúng tôi nghe không hiểu giọng địa phương của Ngài!” Cuốn băng ấy là bảo bối, không nghe không được! Quý vị nghe tới hai mươi lần, ba mươi lần, sẽ nghe hiểu, phải kiên trì nghe. Tôi nghe lời giảng của Ngài có thể hiểu tám, chín phần, tôi còn nghe ba mươi mấy lần. Do cuốn băng của Ngài dài một tiếng rưỡi, gần như tôi có thể nhớ nằm lòng, tôi nghe quá nhiều lượt! Thật là hay, Sư giảng khai thị, giảng về tham Thiền. Bởi lẽ, quả báo tham Thiền là Tứ Thiền Thiên, chẳng thể thoát tam giới, công phu ấy kể như rất khá, khi người ấy đến được Tứ Thiền Thiên, đã đạt công phu là khuất phục phiền não. Nếu chưa thể khuất phục phiền não, chẳng thể đến Tứ Thiền Thiên. Tuy có thể chế phục phiền não, [nhưng vì] tập khí phiền não chưa đoạn, nên chẳng ra khỏi tam giới. Nếu chúng ta niệm Phật, niệm tới mức vừa mới có thể khuất phục phiền não đôi chút thì đã có thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Hễ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, bèn viên chứng ba thứ Bất Thoái, một đời thành Phật; tham Thiền làm sao có thể sánh bằng niệm Phật? Chẳng sánh bằng! Nếu có công phu định lực của Thiền Tông, thưa quý vị, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, phẩm vị sẽ rất cao.

           Quán Kinh và kinh Vô Lượng Thọ giảng hết sức thấu triệt. Đối với pháp môn Tịnh Độ, hai lời nguyện, tức nguyện mười tám và nguyện mười chín trong bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật là tinh túy của đại nguyện. Nguyện mười tám nói gì? Kẻ Ngũ Nghịch Thập Ác lúc lâm chung mười niệm vãng sanh; [đối với hạng người này] Thiền chẳng có một tí ti biện pháp nào cả! Kẻ Ngũ Nghịch Thập Ác lâm chung gặp thiện tri thức, khuyên kẻ ấy niệm Phật bèn có thể vãng sanh. Quý vị hãy nghĩ xem, còn có ai chẳng thể vãng sanh? Không có ai chẳng thể vãng sanh! Nguyện mười chín bảo [hành nhân] hãy phát Bồ Đề tâm. Chúng ta nghe nói tới Bồ Đề tâm cũng ngán, chúng ta chẳng thể phát nổi tâm ấy! Nhưng Ngẫu Ích đại sư đã nói một câu huỵch toẹt: Chỉ cần quý vị thật sự chịu phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó là Vô Thượng Bồ Đề tâm. Chúng ta nghe Ngài nói câu ấy, tảng đá [đè trĩu trong lòng] rơi phịch xuống đất, chúng ta dấy lên Vô Thượng Bồ Đề tâm, vì sao? Tâm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là tâm Vô Thượng Bồ Đề. Chúng tôi càng nghĩ càng thấy có lý, thật vậy! Vì người ấy vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thành Phật trong một đời, tâm ấy chẳng phải là Vô Thượng Bồ Đề tâm, thì tâm gì mới là Vô Thượng Bồ Đề tâm? Đấy là chỗ chẳng thể nghĩ bàn của Tịnh Độ, trong hết thảy các kinh khác không có, trong các thế giới của mười phương chư Phật cũng không có. Vì thế, quý vị phải thật thà nắm chắc nhân duyên đúng là khó thể gặp gỡ từ vô lượng kiếp tới nay, thế mà chúng ta được gặp gỡ trong một đời này!

          Người bên ngoại quốc mời tôi đi giảng kinh, tôi chẳng thể không đi, đấy là nhân duyên trong vô lượng kiếp, tôi phải nói với họ. Người nào tin sẽ thành Phật, chỉ cần vãng sanh sẽ thành Phật. Đối với người không tin, cũng gieo chủng tử cho họ. Vì thế, nhất định phải đi. Chúng tôi ra nước ngoài giảng kinh, các đồng tu ở đây phải niệm Phật, chớ nên gián đoạn. Tôi lại kính khuyên quý vị, hy vọng các đồng tu phải thật sự nỗ lực, để làm gì? Đọc kinh. Điều trọng yếu nhất trong Quán Kinh là ba phước. Quán hạnh có ba thứ: Quán Tưởng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật, và Trì Danh Niệm Phật, [Quán Kinh] giảng ba phương pháp ấy. Từ phép Quán thứ nhất tới phép Quán thứ mười hai là Quán Tưởng Niệm Phật, phép Quán thứ mười ba trở đi là Quán Tượng Niệm Phật, phép Quán thứ mười sáu là Trì Danh Niệm Phật. Quán Kinh chủ yếu giảng về phương pháp niệm Phật và tam phước. Đối với tam phước, chúng ta nhất định phải nhớ kỹ, nói thật ra, tam phước là ba tầng lớp:

1) Thứ nhất, chúng ta phải tu phước báo nhân thiên. Phước thứ nhất là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết”. Nếu quý vị chưa thể ăn chay, ăn thịt cũng không sao, nhưng đừng sát sanh, mua ngoài chợ những thứ đã bị giết rồi, mua về ăn, đừng mua thứ còn sống đem về nhà giết, hãy từ tâm chẳng giết! “Tu Thập Thiện Nghiệp Đạo”, đấy là phước thứ nhất, nhân thiên phước.

2) Phước thứ hai là phước báo Tiểu Thừa, đấy là  [phước tu] trong

nhà Phật: “Thọ trì Tam Quy, trọn đủ các giới, chẳng phạm oai nghi”, Tam Quy, Ngũ Giới, oai nghi là nghi biểu, nói theo cách bây giờ là lễ nghi, chúng ta phải giữ lễ tiết.

          3) Phước thứ ba là phước Đại Thừa, tức phước của Đại Thừa Bồ Tát. Câu đầu tiên là “phát Bồ Đề tâm”, chúng ta phát tâm vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới tức là phát Bồ Đề tâm. “Tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa”, câu tiếp theo là “khuyến tấn hành giả”, khuyến tấn là gì? Phải giảng cho người khác nghe, khuyên người khác tu pháp môn Tịnh Độ.

          Vì vậy, đọc tụng rất quan trọng, đọc tụng giống như nghe đức Phật răn dạy. Chúng ta đọc bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư, sẽ giống như nghe Liên Trì đại sư khai thị. Quý vị thấy cổ đức, chúng ta đọc kinh luận, ngữ lục thường thấy các Ngài nghe giảng kinh, nghe chưa xong bộ kinh, đã khai ngộ, chứng quả. Quý vị đồng tu từ lúc học Phật, nghe cho tới nay vẫn chẳng khai ngộ, vì sao chẳng khai ngộ? Vì bình thường, quý vị chẳng đọc tụng, nguyên nhân đơn giản như thế đó! Trong Lục Tổ Đàn Kinh, quý vị thấy: Nếu thiền sư Pháp Đạt chẳng niệm ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa, Lục Tổ giảng giải như thế, Sư có thể khai ngộ hay chăng? Chẳng thể ngộ! Vì sao Sư khai ngộ? Vì Sư niệm ba ngàn bộ. Kinh Pháp Hoa có bảy quyển, mỗi ngày niệm một biến, niệm ba ngàn bộ gần như là niệm mười năm. Sư có căn cơ mười năm đọc tụng Đại Thừa; vì thế, Lục Tổ vừa giảng một tí, Sư đã hoảng nhiên đại ngộ.

          Nếu hiện thời quý vị cũng niệm Di Đà Kinh Sớ Sao ba ngàn biến, nghe tôi giảng kinh ở nơi đây, sẽ khai ngộ hay không? Nhất định có người khai ngộ. Vì vậy, cổ nhân nghe kinh khai ngộ, chẳng phải là không có đạo lý. Người ta căn tánh nhạy bén, vì sao nhạy bén? Niệm nhiều nên nhạy bén! So với họ, quý vị còn thông minh hơn, nhưng không chịu làm, còn có cách nào nữa? Trong nhà bị trở ngại, chẳng thể đọc tụng thì đến đây, tới chỗ này để làm. Nếu chẳng ngừng niệm mãi như vậy, đối với quý vị sẽ rất có lợi. Quý vị niệm nhuần nhuyễn, giảng phần trước, quý vị biết phần sau, giảng tới phần sau, quý vị nghĩ đến phần trước, sẽ xuyên suốt ý nghĩa của cả bộ kinh. Tâm địa thanh tịnh, đích xác sẽ có ngộ xứ. Do vậy, đọc tụng Đại Thừa vô cùng trọng yếu.

          Chúng ta có thể thường xuyên niệm, thường xuyên nghe, thường xuyên giảng cho người khác, nhất định phải giảng cho người khác, thật sự là một ngày khó gặp gỡ trong vô lượng kiếp. Bản thân chúng ta đạt được lợi ích này, nếu chẳng lần lượt bảo với người khác, chúng ta sẽ có lỗi với Phật, có lỗi với tổ sư. Chúng ta nói cho họ biết, họ chẳng tin, chẳng tiếp nhận, đó là vì chính kẻ ấy nghiệp chướng nặng nề, chúng ta đã tận hết tâm lực rồi! Chính kẻ ấy không chịu tu, đó là chuyện của kẻ ấy, chúng ta xét lòng chẳng thẹn, tâm địa thản nhiên. Tuyệt đối chẳng phải là chúng ta đã đạt được, nhưng chẳng bảo với kẻ khác, [như vậy là] không được!

          Bản thân tôi đã học Phật hơn ba mươi năm, nay tôi hiểu thật sâu pháp môn này, nên tôi dám khuyên người khác hãy đều buông xuống tất cả các pháp môn khác! Quý vị chỉ cần học một môn này, chắc chắn sẽ thành công. Quý vị tu thêm những thứ khác, chắc chắn bị chướng ngại. Hiện thời, chúng ta hãy toàn tâm toàn lực đi theo pháp môn này, chắc chắn sẽ đi thông suốt. Nếu quý vị thông đạt môn này, bất luận trong tương lai quý vị học pháp môn nào, hết thảy pháp môn đều đạt được. “Một kinh thông, hết thảy các kinh đều thông”. Một pháp môn thành tựu, hết thảy các pháp môn thành tựu, đúng là Thiền, Giáo, Mật, Luật, không có môn nào quý vị chẳng thành tựu. Do vậy, đây là pháp môn đơn giản nhất, dễ dàng nhất, ổn thỏa nhất, đáng tin cậy nhất; nếu chúng ta chẳng tu pháp môn này, quả thật quá đáng tiếc!

          (Sớ) Chư kinh lập danh, giai dĩ Nhân, Pháp, Dụ, hoặc đơn, hoặc phức. Thử kinh đơn Nhân, Nhân phục hữu nhị, lưỡng độ quả nhân cố, thật tắc tam giai dung thông cố.

       ()諸經立名,皆以人法喻,或單或複。此經單人,人復有二,兩土果人故,實則三皆融通故。

          (Sớ: Đặt tên cho các kinh đều dùng Nhân, Pháp, Dụ, hoặc đơn, hoặc phức. Kinh này chỉ dùng Nhân. Nhân lại có hai, tức là bậc đã chứng quả trong hai cõi. Quả thật là ba thứ này (Nhân, Pháp, Dụ) đều

dung thông).

          Đây là nói về cách đặt tên trong kinh Phật có một nguyên tắc, đề mục (tên kinh) chẳng phải là tùy tiện thành lập, mà dùng Nhân, Pháp, và Tỷ Dụ. Tất cả các kinh đều chẳng tách rời ba nguyên tắc này. Ba loại đơn là chỉ dùng Nhân làm đề mục, hoặc chỉ dùng Pháp, hay chỉ dùng Dụ (tỷ dụ), đó là ba loại. Ngoài ba loại này, còn có hai loại trùng điệp, tức là “Nhân Pháp, Nhân Dụ, Pháp Dụ”, biến thành ba thứ trùng phức, gọi [gộp chung] là “tam đơn tam phức”; còn có một loại gọi đủ là “cụ túc”, tức là trong tựa đề ấy, Nhân, Pháp, Dụ đều có. Vì thế, có tất cả bảy thứ. Kiến lập đề mục của hết thảy các kinh Phật đều chẳng ra ngoài phạm vi của bảy loại này. Vì thế, gọi là “thất lập tuyển đề” (bảy cách chọn lựa để

đặt tựa đề một bản kinh).

          Trong bảy cách chọn lựa để đặt tên kinh, kinh này thuộc loại nào? Đơn nhân, Phật Thuyết A Di Đà Kinh. Trong tên kinh này, chỉ có Nhân, không có Pháp, mà cũng không có tỷ dụ (Dụ), hoàn toàn dùng Nhân để đặt tên. Nhân lại có hai người: “Phật Thuyết” thì Phật là Thích Ca Mâu Ni Phật, là vị thuộc thế giới Sa Bà, vị được nói đến là “A Di Đà” thuộc về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, trong nhân có cõi này và cõi kia. “Quả nhân” là người chứng đắc Phật rốt ráo. Kinh này thuộc loại “đơn nhân lập đề”.

          (Sao) Đơn phức giả, như Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, cụ túc Nhân, Pháp, Dụ tam.

          () 單複者,如大方廣佛華嚴經,具足人法喻三。

          (Sao: “Đơn phức”: Như Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh trọn đủ ba thứ Nhân, Pháp, Dụ).

          Trong đề mục của kinh Hoa Nghiêm, ba thứ Nhân, Pháp, Dụ đều có. Đại Phương Quảng là Pháp, Phật là Nhân, Hoa Nghiêm là tỷ dụ, Hoa là đóa hoa, Nghiêm là trang nghiêm, giống như trong vườn hoa, các thứ hoa đều có, hoa nở hết sức tươi thắm, dùng điều này làm tỷ dụ. Vì thế, gọi là Hoa Nghiêm, đó là tỷ dụ.

          (Sao) Đại Phương Tiện Phật Báo Ân Kinh, Nhân Pháp vô Dụ.

       () 大方便佛報恩經,人法無喻。

          (Sao: Tựa đề của Đại Phương Tiện Phật Báo Ân Kinh có Nhân và Pháp, không có Dụ).

          Trong đề mục này, có Nhân và Pháp, không có tỷ dụ. Đại Phương Tiện là Pháp, Báo Ân cũng là Pháp, Phật là Nhân. Trong đề mục này, không có tỷ dụ. Đề mục này thuộc loại “Nhân Pháp lập đề”.

          (Sao) Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Pháp Dụ vô Nhân.

          () 妙法蓮華經,法喻無人。

          (Sao: Diệu Pháp Liên Hoa Kinh có Pháp và Dụ, không có Nhân).

          Diệu Pháp là Pháp, Liên Hoa là tỷ dụ. Trong đây, không có Nhân, vì thế, là Pháp Dụ Vô Nhân, dùng Pháp và Dụ để đặt tên kinh.

(Sao) Bồ Tát Anh Lạc Kinh, Nhân Dụ, vô Pháp.

            () 菩薩瓔珞經,人喻無法。

(Sao: Bồ Tát Anh Lạc Kinh, có Nhân và Dụ, không có Pháp).

          Bồ Tát là Nhân, Anh Lạc là tỷ dụ. Anh Lạc là những thứ trang sức đeo trên người, do châu ngọc hoặc các thứ hoa kết thành. Chúng ta thấy trước ngực của tượng Phật, Bồ Tát đeo rất nhiều, đầy ắp, đó là anh lạc. Bồ Tát Anh Lạc Kinh không có Pháp, tên kinh thuộc loại “Nhân Dụ vô Pháp”.

          (Sao) Đại Bát Nhã Kinh, đơn Pháp, vô Nhân Dụ.

            () 大般若經,單法無人喻。

          (Sao: Đại Bát Nhã Kinh, chỉ có Pháp, không có Nhân và Dụ).

          Đại Bát Nhã là Pháp, không có tỷ dụ, cũng không có Nhân, đây là “đơn Pháp lập đề”.

          (Sao) Phạm Võng Kinh, đơn Dụ, vô Nhân Pháp.

       () 梵網經,單喻無人法。

          (Sao: Phạm Võng Kinh, chỉ có Dụ, không có Nhân và Pháp).

          Phạm Võng là tỷ dụ, tức là cái lưới của Đại Phạm Thiên, trong đề mục này không có Nhân, mà cũng chẳng có Pháp, dùng tỷ dụ để đặt tên kinh.

          (Sao) Kim thử kinh giả, đơn Nhân, vô Pháp Dụ, tha giai lệ thử.

          () 今此經者,單人無法喻,他皆例此。

          (Sao: Nay kinh này chỉ có Nhân, không có Pháp và Dụ, đối với tên gọi của những bộ kinh khác, cứ dựa theo những điều đã trình bày ở đây để biết).

          “Tha” (他) là hết thảy những kinh khác. [Tựa đề của] hết thảy các kinh Phật khác cũng chẳng ngoài bảy cách đặt tên này!

          (Sao) Lưỡng độ quả nhân giả, Bồ Tát tại nhân, Như Lai tại quả, cố Phật hiệu “quả nhân”.

          ()兩土果人者,菩薩在因,如來在果,故佛號果人。

          (Sao: “Quả nhân thuộc hai cõi”: Bồ Tát đang tu nhân, Như Lai đã chứng quả, nên Phật được gọi là “quả nhân”).

          “Hiệu” (號) là danh hiệu, chúng ta gọi Ngài là “quả nhân”. Bồ Tát còn đang tu nhân, vẫn đang tu hành, vẫn chưa viên mãn; viên mãn gọi là kết quả.

          (Sao) Kim thị thử phương chi Phật.

          () 今是此方之佛。

          (Sao: Nay là vị Phật ở phương này).

          “Thử phương chi Phật” là Thích Ca Mâu Ni Phật.

          (Sao) Thuyết bỉ phương Phật cố.

       () 說彼方佛故。

          (Sao: Nói tới vị Phật ở phương kia).

                     “Bỉ phương Phật” là Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật. Do vậy, trong tựa đề kinh là “lưỡng độ quả nhân” (bậc đã chứng đắc Phật quả ở hai cõi).

          (Sao) Dung thông giả, cử nhất tức tam cố.

          () 融通者,舉一即三故。

          (Sao: “Dung thông”: Nêu lên một chính là ba).

          Nói thật ra, ý nghĩa này phát xuất từ kinh Hoa Nghiêm, kinh Hoa

Nghiêm quả thật chẳng thể nghĩ bàn. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Hàng bố

chẳng trở ngại viên dung, viên dung chẳng trở ngại hàng bố”, “hàng bố” là theo thứ tự, còn “viên dung” là không có thứ tự, “một tức là nhiều, nhiều tức là một”. Chiếu theo Lý ấy trong kinh Hoa Nghiêm để nhìn, chẳng có một pháp nào không viên dung, đó gọi là “viên nhân thuyết pháp, chẳng pháp nào không viên”, viên nhân quán pháp, cũng chẳng pháp nào không viên! Có thể thấy: Đối với viên và chẳng viên, pháp không có viên hay chẳng viên, tùy thuộc vào tầm nhìn của người ấy là viên hay chẳng viên, vấn đề ở chỗ này! Viên là như vậy, mà nhiễm, tịnh, cấu, uế, không pháp nào chẳng phải là như vậy. Do vậy, tâm tịnh thì hết thảy các pháp đều tịnh; tâm ô nhiễm, hết thảy các pháp bị ô nhiễm. Pháp có tịnh hoặc uế hay không? Chẳng có! Nhiễm hay tịnh là do tâm, chẳng do pháp. Đấy là nguyên lý chân thật được giảng trong kinh Hoa Nghiêm.

          Liên Trì đại sư chú giải kinh Di Đà, chọn dùng phương thức [chú giải kinh điển] của tông Hoa Nghiêm; vì thế, mở đầu Ngài dùng Thập Môn Khai Khải. Lại còn khắp mọi chỗ đều trích dẫn kinh Hoa Nghiêm để giải thích kinh Di Đà, Ngài dụng tâm rất nhọc nhằn, dụng ý rất sâu, nhằm mục đích bảo chúng ta kinh Di Đà và kinh Hoa Nghiêm là một, không hai, dụng ý ở chỗ này. Vì thế, cổ đức nói: Kinh Di Đà là kết luận của kinh Hoa Nghiêm, là chỗ quy túc của Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Trong bản chú giải kinh Vô Lượng Thọ của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, chúng ta cũng thấy cụ trích dẫn lời cổ đức, chứ chẳng phải do chính cụ nói, [cổ đức] nói Hoa Nghiêm và Pháp Hoa bất quá nhằm dẫn khởi kinh Di Đà mà thôi, nhằm hướng dẫn quý vị. [Có thể sánh ví kinh Hoa Nghiêm và Pháp Hoa] giống như lời tựa cho một cuốn sách mà thôi! Từ những kinh ấy, [đức Phật] dẫn dắt chúng ta vào kinh Di Đà. Lời ấy càng nghĩ càng thấy có lý! Do vậy, quý vị phải nghĩ kinh này quan trọng lắm. Hoa Nghiêm và Pháp Hoa được mọi người trong thiên hạ công nhận là vua trong các kinh, nhưng vua các kinh lại dẫn về Cực Lạc. Điều này đáng để chúng ta suy nghĩ sâu xa!

          (Sao) Như kim kinh tuy thuộc đơn nhân, nhi Pháp tùng Nhân thuyết, Dụ dĩ Nhân cử.

          () 如今經雖屬單人,而法從人說,喻以人舉。

          (Sao: Như [tựa đề] kinh này tuy thuộc loại đơn Nhân, nhưng Pháp do người nói, tỷ dụ do người nêu ra).

Nói đến Nhân thì đương nhiên Pháp và Dụ cũng được bao gồm trong ấy!

          (Sao) Ngôn thiên, nghĩa viên, thông dung giao triệt, Lý cố nhiên dã.

          () 言偏義圓,通融交徹,理固然也。

(Sao: Lời nói có thiên lệch, nhưng nghĩa viên dung, dung thông thấu triệt, Lý vốn là như vậy).

          Nói tới Pháp Thân thì Pháp Thân, Bát Nhã và Giải Thoát là ba đức, hễ nói tới Phật liền trọn khắp. Ba món ấy cũng giống như vậy, bất luận nói tới Nhân, nói tới Pháp, hay nói tới Dụ, nhất định sẽ là “một mà ba, tuy ba mà một”. Nói tới Nhân, thì Pháp là do Nhân nói, Dụ do Nhân nêu ra; đương nhiên Nhân bao gồm Pháp và Dụ. Nếu chỉ nói tới Dụ, Dụ do Nhân tỷ dụ, Nhân có thể thuyết pháp, cho nên trong Dụ cũng bao gồm Nhân và Pháp. Pháp cũng như vậy, Pháp do Nhân nói, đương nhiên chẳng lìa Nhân, Nhân lại nêu tỷ dụ để hiển thị pháp, Dụ cũng được bao gồm bên trong, quả thật là một mà ba, ba mà một. Nếu chúng ta hiểu, tách ra thì nói như thế nào, viên dung thì như thế nào, khi đáng chia thì chia, khi nên viên dung thì nên viên dung. Khi đáng chia là nhằm khiến cho người khác dễ lãnh ngộ, dễ hiểu. Khi viên dung là nhằm khiến cho người khác đừng chấp trước; chẳng chấp trước thì mới có thể hiểu được ý nghĩa viên dung. Nếu quý vị có phân biệt, chấp trước, quý vị chỉ có thể hiểu ý nghĩa một bên, ý nghĩa ấy chẳng viên; ắt phải đạt đến đừng chấp trước, ý nghĩa sẽ viên mãn. Do vậy, phải dùng hai cách nói khiến cho quý vị có thể thật sự thấu hiểu! Ngày hôm nay chúng tôi giảng tới đây.

[1] “Thiền hòa tử” là tiếng gọi chung những người tham Thiền, “hòa tử” mang ý nghĩa đồng tham đạo hữu, cùng nhau tu tập thân ái.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *