#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 01-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 274
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm bảy mươi hai.
Tứ, hỗ chương nan sự linh thiết cảm phát.
四、互彰難事令切感發。
(Bốn, [đức Phật Thích Ca và chư Phật tán thán lẫn nhau] hòng lần lượt phơi bày sự khó khăn để phát khởi sự cảm kích thiết tha).
Đối với đoạn kinh văn tiếp theo, Liên Trì đại sư đã đặt một tiểu đề mục là “hỗ chương nan sự linh thiết cảm phát”, “chương” (彰) có nghĩa là “chương minh” (彰明: sáng tỏ), rõ rệt. Chư Phật tán thán lẫn nhau, phơi bày sự thật này rất rõ ràng, rất minh bạch, khiến cho thính chúng sau khi nghe xong sẽ cảm động sâu xa, phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Đề mục này có ý nghĩa ấy.
(Kinh) Xá Lợi Phất! Như ngã kim giả, xưng tán chư Phật bất khả tư nghị công đức.
(經)舍利弗。如我今者。稱讚諸佛不可思議功德。
(Kinh: Này Xá Lợi Phất! Như ta nay xưng tán công đức chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật).
Đức Thế Tôn gọi ngài Xá Lợi Phất. Hễ gọi tên Ngài thì đoạn kinh văn tiếp đó sẽ hết sức trọng yếu, [gọi tên] nhằm nhắc nhở Ngài chú ý. “Như ngã kim giả” (Như ta nay), “ngã” (我) là Thích Ca Mâu Ni Phật tự xưng, “kim” (今) là hiện tại, là khi đức Phật giảng kinh Di Đà. Giảng kinh Di Đà là tán thán A Di Đà Phật, “xưng tán chư Phật bất khả tư nghị công đức” (ca ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật) giảng kinh Vô Lượng Thọ, giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Ba kinh ấy chuyên môn tán thán vô lượng vô biên công đức của A Di Đà Phật, chuyên môn tán thán y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Ở đây, nói “xưng tán chư Phật” mà chẳng nói “xưng tán A Di Đà Phật”, La Thập đại sư dịch như vậy. La Thập đại sư dịch kinh theo lối dịch ý, chẳng phải là trực dịch. Huyền Trang đại sư dịch theo lối “trực dịch” (直譯), [nghĩa là] chiếu theo sát nguyên văn tiếng Phạn để dịch từng câu một. Nguyên văn tiếng Phạn chẳng phải là “xưng tán chư Phật” mà là “xưng tán Vô Lượng Thọ Phật”.
(Sớ) Đường dịch đản vân.
(疏)唐譯但云。
(Sớ: Bản dịch đời Đường chỉ nói).
“Đường dịch” là bản dịch của Huyền Trang đại sư.
(Sớ) Như ngã kim giả, xưng dương tán thán Vô Lượng Thọ Phật.
(疏)如我今者,稱揚讚歎無量壽佛。
(Sớ: Như ta nay ca ngợi, tuyên dương, tán thán Vô Lượng Thọ Phật).
Hợp hai bản dịch lại để xem, ý nghĩa bèn hết sức rõ ràng. Nguyên lai, La Thập đại sư nói “chư Phật” chính là A Di Đà Phật, Vô Lượng Thọ Phật là A Di Đà Phật. Vì sao nguyên văn là A Di Đà Phật, La Thập đại sư lại dịch thành “chư Phật”?
(Sớ) Thử ngôn xưng tán chư Phật, Cổ Nhai vân: “Dĩ Di Đà chư Phật, đồng nhất Pháp Thân cố”.
(疏)此言稱讚諸佛,古崖云:以彌陀諸佛,同一法身故。
(Sớ: Ở đây nói “khen ngợi chư Phật”: Ngài Cổ Nhai nói: “Do Phật Di Đà và chư Phật có cùng một Pháp Thân”).
Nói cách khác, Di Đà là chư Phật, chư Phật là Di Đà, rất chẳng thể nghĩ bàn! Công đức chẳng thể nghĩ bàn, ý nghĩa được bao hàm trong ấy hết sức phong phú, ý vị sâu xa!
(Sao) Đồng nhất Pháp Thân giả, như Hoa Nghiêm tụng vân: “Thập phương chư Như Lai, đồng cộng nhất Pháp Thân, nhất thân, nhất trí huệ, lực, vô úy diệc nhiên”.
(鈔)同一法身者,如華嚴頌云:十方諸如來,同共一法身,一身一智慧,力無畏亦然。
(Sao: “Cùng một Pháp Thân”: Như trong kinh Hoa Nghiêm có bài kệ rằng: “Mười phương chư Như Lai, cùng chung một Pháp Thân, một thân, một trí huệ, lực, vô úy cũng vậy”).
Trong Phật môn thường nói “Phật Phật đạo đồng”, rốt cuộc là thật sự tương đồng? Hay là đôi bên rất tiếp cận? “Tiếp cận” thì chẳng phải là hoàn toàn tương đồng. Chúng ta đọc ba kinh Tịnh Độ, đọc kinh luận Đại Thừa, sau đó mới hiểu rõ: Thật sự tương đồng, hoàn toàn giống nhau. Không chỉ là Phật Phật đạo đồng, mà Phật và hết thảy chúng sanh trong mười pháp giới, chẳng một ai bất đồng. Điều đó chính là như kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Tình dữ vô tình, đồng viên mãn Chủng Trí” (Tình và vô tình cùng viên mãn Chủng Trí), “đồng” ở đây là “đồng” với Phật, chẳng phải là “đồng” với ai khác! “Tình” (情) là nói tới hữu tình chúng sanh trong chín pháp giới, “vô tình” (無情) là y báo trang nghiêm trong chín pháp giới, hoàn toàn cùng Phật tương đồng, nhưng trong cảnh giới của chúng ta, cảm giác hoàn toàn bất tương đồng. Không chỉ là bất đồng với Phật, mà giữa mỗi người chúng ta, Giáp và Ất bất đồng. Ất và Bính cũng bất đồng. Nhưng trong cái nhìn của chư Phật Như Lai, các Ngài thấy hoàn toàn như nhau, chúng ta thấy bất đồng, nguyên nhân rốt cuộc là ở chỗ nào? Vì chúng ta sử dụng cái tâm bất đồng, [cho nên] thấy hết thảy cảnh giới đều bất đồng. Tâm bất đồng là gì? Là cái tâm sanh diệt, sanh diệt là vọng niệm. Tâm chúng ta là vọng tưởng, tạp niệm, sanh diệt và khởi diệt chẳng ngừng trong từng sát-na. Tâm Phật là định, là thanh tịnh, chẳng có hiện tượng sanh diệt. Điều này cho thấy: Dùng cái tâm bất sanh bất diệt để nhìn cảnh giới bên ngoài, tất cả hết thảy cảnh giới đều là bất sanh bất diệt, đều tương đồng. Dùng cái tâm sanh diệt để nhìn Phật, Phật cũng là sanh diệt; do vậy, bất đồng! Đó là chân tướng sự thật. Do hết thảy chư Phật Như Lai có cùng một Pháp Thân, cho nên “một chính là hết thảy, hết thảy chính là một”. Kinh Hoa Nghiêm đã nói chân tướng sự thật này minh bạch và triệt để nhất. Đã là như vậy, chúng ta tùy tiện lạy bất cứ vị Phật nào chẳng phải là đều có thể được ư? Đúng vậy! Bất cứ vị Phật nào, bất cứ vị Bồ Tát nào cũng đều hoàn toàn tương đồng. Lý như thế, mà Sự cũng như thế. Nhưng bí quyết tu học chỉ có một, quyết định chẳng thể trái nghịch, tức là phải chuyên tinh! Bất luận tu học pháp môn nào, pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp, quý vị chỉ có thể học một pháp môn, chẳng thể học rất nhiều pháp môn. Học rất nhiều pháp môn, quý vị sẽ tạp, sẽ loạn, chẳng nhất. Quý ở chỗ “nhất”! “Nhất” là chuyên nhất, [hễ chuyên nhất], quý vị bèn có thành tựu.
Vì sao hết thảy chư Phật khăng khăng khuyên chúng ta chọn pháp môn Tịnh Độ của A Di Đà Phật, chẳng chọn các môn khác? Hết thảy đã là bình đẳng, vì sao cách nói này dường như là bất bình đẳng? Trong ấy có một đạo lý rất sâu! Đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, đức Phật bảo “đều do một chữ Duyên”. Giữa người và người với nhau phải có duyên. Chẳng có duyên, chuyện ấy sẽ rất khó thành tựu. Nếu hữu duyên, sẽ rất dễ thành tựu. Trong tất cả hết thảy chư Phật, Bồ Tát, đối với thế giới này, đặc biệt là đối với người Hoa, những vị có duyên phận rất sâu là Quán Âm Bồ Tát và A Di Đà Phật. Hai vị này và chúng ta đã có nhân duyên đặc biệt từ đời đời kiếp kiếp trong quá khứ. Quý vị tìm người hữu duyên, học pháp môn hữu duyên, sẽ đặc biệt thành tựu dễ dàng, đạo lý là như thế đó. Đối với A Di Đà Phật, từ kinh điển, chúng ta đọc bốn mươi tám nguyện của lão nhân gia. Bốn mươi tám nguyện bao trùm hư không pháp giới, bao trùm quá khứ, vị lai. Vì thế nói: A Di Đà Phật và mười phương ba đời hết thảy chúng sanh thảy đều có duyên, duyên ấy lại còn rất sâu. Chư Phật, Bồ Tát khuyên lơn, khích lệ chúng ta chọn lựa pháp môn Tịnh Độ, chuyên niệm A Di Đà Phật, chính là vì lý do này!
Đạo tràng này của chúng ta rất nhỏ, đại khái là đạo tràng nhỏ nhất
trên toàn thể [lãnh thổ] Đài Loan, nhưng chúng ta kết duyên cũng rất rộng. Thường có người đến đây xin xuất gia. Nói thật ra, xuất gia chẳng dễ dàng! Chẳng phải là mong xuất gia bèn có thể xuất gia, cũng là phải có nhân duyên trọn đủ. Người ấy nghe Phật pháp, hiểu rõ đạo lý Phật pháp, phát đại tâm. Đó là Thân Nhân Duyên xuất gia của người ấy trọn đủ. Ý niệm xuất gia của người ấy liên tục, chẳng ngã lòng, [tức là] Vô Gián Duyên trọn đủ. Còn có một điều quan trọng là Tăng Thượng Duyên, quý vị có duyên phận cùng đạo tràng hay không? Nếu chẳng có duyên với đạo tràng này, quý vị chẳng có cách nào đến được. Hiện thời, trong đạo tràng của chúng ta có hơn hai mươi vị xuất gia. Quý vị có duyên với hai mươi mấy người đó hay không? Nếu chẳng có duyên, quý vị tới đây, suốt ngày từ sáng đến tối cãi cọ, gây chuyện, cũng chẳng thể thành tựu. Phải có duyên với đại chúng sống trong đạo tràng, lại còn phải hữu duyên cùng mọi người, tức là tín đồ của đạo tràng và đồng tham đạo hữu, điều này thuộc loại Tăng Thượng Duyên. Bởi lẽ, đồng tu xuất gia trong đạo tràng chúng ta đều cộng tu ở đây rất nhiều năm, đều rất thân thuộc, đều quen biết nhau, thông hiểu lẫn nhau. Vì thế, sau khi xuất gia, đối xử hòa thuận như người cùng một nhà. Do đó, hễ thiếu một duyên sẽ chẳng được. Chúng ta có duyên với A Di Đà Phật, thường niệm A Di Đà Phật, quyết định có thể sanh về Tịnh Độ.
(Sao) Tắc Di Đà tức chư Phật, chư Phật tức Di Đà, cố bất viết Di Đà nhi viết chư Phật.
(鈔)則彌陀即諸佛,諸佛即彌陀,故不曰彌陀而曰諸佛。
(Sao: Cho nên Di Đà chính là chư Phật, chư Phật chính là Di Đà. Vì thế, chẳng nói Di Đà mà nói là “chư Phật”).
Cách dịch này của La Thập đại sư bao hàm ý nghĩa rất sâu, nêu rõ “một chính là hết thảy, hết thảy chính là một” được nói trong kinh Hoa Nghiêm, bao hàm ý nghĩa này.
(Sao) Cái cai Di Đà tại chư Phật trung, hạ ngôn chư Phật, diệc Di Đà dữ chư Phật đồng tán Thích Ca dã.
(Diễn) Nhất thân tức Pháp Thân, nhất trí huệ tức Bát Nhã, lực vô úy tức Giải Thoát.
(鈔)蓋該彌陀在諸佛中 ,下言諸佛 ,亦彌陀與諸佛同
讚釋迦也。
(演)一身即法身。一智慧即般若。力無畏即解脫。
(Sao: Ấy là vì gộp Di Đà trong số chư Phật. “Chư Phật” được nói trong phần sau cũng là Phật Di Đà và chư Phật cùng khen ngợi Phật Thích Ca.
Diễn: Một thân là Pháp Thân, một trí huệ là Bát Nhã, lực vô úy chính là Giải Thoát).
Đó là [nói tới] đoạn kinh văn trong phần sau. Sách Diễn Nghĩa chú giải rất minh bạch, một thân là Pháp Thân, một trí là Bát Nhã, lực, vô úy là Giải Thoát, tức là Tam Đức Bí Tạng hoàn toàn giống nhau.
(Sớ) Đường dịch dĩ Di Đà cai chư Phật, kim kinh dĩ chư Phật cai Di Đà.
(疏)唐譯以彌陀該諸佛,今經以諸佛該彌陀。
(Sớ: Bản Đường dịch dùng Di Đà để bao gồm chư Phật, bản kinh này dùng chư Phật để bao gồm Di Đà).
“Đường dịch” là bản dịch của Huyền Trang đại sư, “kim kinh” là bản dịch của La Thập đại sư. “Cai” (該) có ý nghĩa là bao gồm, bao hàm.
(Sớ) Nhược nhị thuyết kiêm cụ, ư văn cánh thuận, nhi nghĩa diệc cụ.
(疏)若二說兼具,於文更順,而義亦足。
(Sớ: Nếu dùng cả hai thuyết thì kinh văn càng thuận, mà ý nghĩa cũng đầy đủ).
Gộp hai bản dịch lại để xem, ý nghĩa vô cùng rõ rệt.
(Sao) Cụ nhị thuyết giả.
(鈔)具二說者。
(Sao: Dùng cả hai thuyết).
Gộp cả hai thuyết lại thì phải nên nói như thế nào?
(Sao) Ưng vân.
(鈔)應云。
(Sao: Hãy nên nói).
Hãy nên nói theo cách như thế này.
(Sao) Như ngã kim giả xưng tán A Di Đà Phật, cập dữ chư Phật bất khả tư nghị công đức.
(鈔)如我今者稱讚阿彌陀佛,及與諸佛不可思議功德。
(Sao: Như nay ta khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật và chư Phật).
Đấy là gộp cả hai bản dịch lại thì ý nghĩa sẽ rất rõ rệt.
(Sao) Tắc kinh văn ký thuận, nhi đồng nhất Pháp Thân chi nghĩa, diệc tại kỳ trung. Văn nghĩa song mỹ, đương tri Thập Sư bổn hữu thử ý, văn tỉnh tiện cố.
(鈔)則經文既順,而同一法身之義,亦在其中,文義雙美,當知什師本有此意,文省便故。
(Sao: Thì kinh văn đã thuận, mà ý nghĩa “có cùng một Pháp Thân” cũng ở trong ấy. Kinh văn và ý nghĩa đều trọn vẹn. Hãy nên biết ngài La Thập vốn có ý ấy, [nhưng] kinh văn [chẳng ghi] là vì tỉnh lược vậy).
Cách dịch của La Thập đại sư xác thực là có bao hàm ý nghĩa này. Văn chương của lão nhân gia đơn giản, trọng yếu, tường tận, rõ ràng. Tuy kinh văn chẳng có, nhưng ý nghĩa thì có. Do Ngài dùng hai chữ “chư Phật”, nên có ý nghĩa ấy.
(Sao) Trang Sư hậu dịch, đặc vị đơn cử giả.
(鈔)奘師後譯,特為單舉者。
(Sao: Ngài Huyền Trang là người dịch sau, đặc biệt nêu riêng [A Di Đà Phật]).
Huyền Trang đại sư phiên dịch về sau, chiếu theo nguyên văn để trực dịch.
(Sao) Dục nhân ư nhị kinh thiện hội kỳ ý, nhi bất nệ kỳ văn dã. Hựu chư Phật Di Đà tương tức, thị diệc bất khả tư nghị.
(鈔)欲人於二經善會其意,而不泥其文也。又諸佛彌陀相即,是亦不可思議。
(Sao: Muốn cho người ta khéo hiểu ý của hai kinh, chẳng câu nệ nơi văn tự. Lại nữa, chư Phật chính là Di Đà, Di Đà chính là chư Phật, điều này cũng là chẳng thể nghĩ bàn).
Chư Phật là Di Đà, Di Đà là chư Phật, chuyện này cũng là chẳng thể nghĩ bàn. Ý cảnh này hết sức sâu xa. Rốt cuộc, A Di Đà Phật có những công đức chẳng thể nghĩ bàn nào? Chính là toàn thể những điều đã nói trong phần trước. Nhất là chúng ta niệm kinh Vô Lượng Thọ rất thuần thục, [sẽ biết] thoạt ban đầu, trong khi tu nhân, A Di Đà Phật đã phát tâm chẳng thể nghĩ bàn. Chẳng phải là như lũ bình phàm chúng ta phát tâm chẳng chân thật, chẳng thanh tịnh. Người ta phát tâm chân thật, thanh tịnh. Trong khi tu nhân, Ngài mang thân phận quốc vương, người Hoa thường nói “quý vi thiên tử, phú hữu tứ hải” (thiên tử sang quý, giàu khắp bốn biển). Trong loài người, phú quý đạt tới mức tột đỉnh, đạt tới mức cùng cực, Ngài vứt bỏ, thảy đều chẳng cần tới, xuất gia tu hành. Nếu phát tâm chẳng chân thật, chẳng thanh tịnh, sẽ chẳng làm được [như vậy]! Nay chúng ta tuy phát tâm, bất luận xuất gia hay tại gia, hễ thấy tiếng tăm, lợi dưỡng bèn động tâm. Nếu trong khi tu nhân, chính mình phú quý giống như tỳ-kheo Pháp Tạng, quý vị sẽ chẳng thể bỏ hết để xuất gia được! Sau khi đã xuất gia, trông thấy kẻ quyền quý trong thế gian bèn dốc trọn hết sức để bợ đỡ, quý vị ngẫm xem: Cái tâm ấy lấy đâu ra thanh tịnh? Thấy trong bọn tín đồ có kẻ làm quan to, hay giàu có lớn, bèn đặc biệt bợ đỡ, chèo kéo. Do vậy, chúng tôi suy nghĩ: Nếu những kẻ ấy có địa vị như thế, chắc chắn là họ sẽ không chịu xuất gia, mà cũng chẳng thể nghiêm túc học Phật. Học Phật để làm gì? Trước kia, thầy Lý nói rất hay, người phú quý học Phật để tiêu khiển, đến chùa miếu để vui chơi. Có tâm thái như vậy, làm sao có thể đạt thành tựu cho được? Chẳng có thành ý! Hàng tại gia thật sự trọn đủ tấm lòng chân thành học Phật sẽ khác hẳn. Xưa kia, tiên sinh Châu Bang Đạo, rất nhiều đồng tu biết vị này. Cụ làm sảnh trưởng[1] giáo dục tại Đại Lục, đến Đài Loan từng làm Thứ Trưởng Chánh Vụ của Khảo Thí Viện[2]. Tại Đài Trung Liên Xã, cụ mặc một bộ quần áo kiểu Tôn Trung Sơn đã cũ, đi giày mềm[3], quét dọn đại điện. Có đồng tu từ Đài Bắc đến Đài Trung gặp thầy Lý, thấy Châu tiên sinh đang quét dọn tại đại điện, coi cụ như nhân viên tạp vụ, hỏi cụ: “Thầy Lý có nhà hay không?” Cụ hết sức cung kính, khách sáo tiếp đãi người ấy. Về sau, người ấy biết cụ là Châu Bang Đạo bèn sững sờ, chẳng ngờ cụ có thân phận và địa vị như vậy mà trong Phật môn làm chuyện như vậy. Quan chức và địa vị ấy, hễ đến nơi đây, thảy đều buông bỏ. Đó là một người thật sự học Phật. Chúng ta thấy những kẻ phú quý có thân phận và địa vị đến Phật đường bèn thông báo trước, lão hòa thượng ra tận cổng nghênh tiếp. Họ đến nơi bèn được tiếp đãi bằng trà ngon, khác hẳn! Đó là học Phật giả trất, chẳng phải là học Phật thật sự!
Do vậy, chúng ta thấy công đức phát tâm của A Di Đà Phật chẳng giống kẻ bình phàm. Người ta phát khởi chân tâm, [cho nên] tu hành khác hẳn, thật sự tinh tấn! Nghiêm túc nỗ lực; phát nguyện khác hẳn, chẳng giống kẻ khác. Những điều ấy đều là công đức chẳng thể nghĩ bàn. Thành tựu chẳng thể nghĩ bàn, vì hết thảy chúng sanh kiến lập Tây Phương Cực Lạc thế giới, rộng độ hết thảy chúng sanh, khiến cho hết thảy chúng sanh bình đẳng đắc độ. Đó là công đức chẳng thể nghĩ bàn chân chánh. Hết thảy chúng sanh bình đẳng thành Phật, chẳng có giai cấp, chẳng có sai biệt. Vì vậy, thế giới Tây Phương là một thế giới bình đẳng. Chẳng thể nghĩ bàn quá nhiều! Điều chẳng thể nghĩ bàn nhất là từ kinh luận, chúng ta thấy: Mười phương hết thảy chư Phật Như Lai, chẳng có một vị Phật nào không tán thán A Di Đà Phật. Điều này chẳng thể nghĩ bàn! Cũng giống như vậy, A Di Đà Phật cũng tán thán hết thảy chư Phật. Hết thảy chư Phật đều khuyên học trò của các Ngài vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới hòng thân cận A Di Đà Phật. Trong ấy chẳng có ganh tỵ, chẳng có chướng ngại.
Trong thế gian này, có những pháp sư tâm lượng nhỏ nhen, giữ tín đồ của chính mình rất chặt. [Hễ thấy] pháp sư khác đến, đều khuyên tín đồ: “Đừng nên tới [chỗ ông ta]. Ông ta nói nhăng nói cuội ở đó. Chớ nên đến nghe, nghe ta giảng là được rồi”. Chẳng giống các vị Phật Như Lai khác khuyên học trò của chính mình đến thân cận A Di Đà Phật. Vì thế, chư Phật đúng là công đức chẳng thể nghĩ bàn. “Chư Phật Di Đà tương tức, thị diệc bất khả tư nghị” (Chư Phật chính là Di Đà, Di Đà chính là chư Phật, điều này cũng chẳng thể nghĩ bàn), câu này bao hàm ý nghĩa sâu xa. Đấy chính là đức Thế Tôn tán thán A Di Đà Phật, [đồng thời] tán thán chư Phật.
(Kinh) Bỉ chư Phật đẳng.
(經)彼諸佛等。
(Kinh: Các đức Phật ấy).
“Chư Phật” là nói A Di Đà Phật và mười phương hết thảy chư Phật, chẳng giống như trong từ ngữ “xưng tán chư Phật” ở phần trước: “Chư Phật” là A Di Đà Phật. Ở đây là hết thảy chư Phật:
(Kinh) Diệc xưng tán ngã bất khả tư nghị công đức.
(經)亦稱讚我不可思議功德。
(Kinh: Cũng khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của ta).
Chư Phật cũng khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật có những công đức chẳng thể nghĩ bàn nào? Dưới đây bèn nói rõ:
(Kinh) Nhi tác thị ngôn.
(經)而作是言。
(Kinh: Bèn nói như thế này).
Chư Phật tán thán rằng.
(Kinh) Thích Ca Mâu Ni Phật, năng vi thậm nan hy hữu chi sự.
(經)釋迦牟尼佛。能為甚難希有之事。
(Kinh: Thích Ca Mâu Ni Phật có thể làm chuyện hiếm có, rất khó).
“Thậm nan hy hữu” là chuyện chẳng thể nghĩ bàn, rất khó khăn, kẻ khác chẳng làm được, [thế mà] Thích Ca Mâu Ni Phật làm được. “Hy hữu”: Thế gian chẳng có chuyện này, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng biểu hiện ra. Chuyện gì vậy? Dưới đây là nói rõ cụ thể cùng chúng ta.
(Kinh) Năng ư Sa Bà quốc độ, Ngũ Trược ác thế, Kiếp Trược, Kiến Trược, Phiền Não Trược, Chúng Sanh Trược, Mạng Trược trung, đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
(經)能於娑婆國土。五濁惡世。劫濁。見濁。煩惱濁。眾生濁。命濁中。得阿耨多羅三藐三菩提。
(Kinh: Có thể ở trong cõi nước Sa Bà, nhằm đời ác năm trược: Kiếp Trược, Kiến Trược, Phiền Não Trược, Chúng Sanh Trược, Mạng Trược, đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác).
“Ngũ Trược ác thế”, đắc đạo thành Phật trong ấy. “Đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” là thành Phật. Đây là một chuyện rất khó khăn. Đoạn văn này bao hàm rất nhiều ý nghĩa. Nếu chẳng hiểu rõ đôi chút những ý nghĩa này, chúng ta sẽ chẳng cảm nhận nó rất khó khăn. Đối với chúng ta, [hiểu rõ chuyện này], sẽ có ích rất lớn trong việc chọn lựa pháp môn, [khiến cho chúng ta] tinh tấn, chẳng biếng nhác.
(Sớ) Phật Phật hỗ tán, biểu thử Tịnh Độ pháp môn, quyết ưng tín thọ cố.
(疏)佛佛互讚,表此淨土法門,決應信受故。
(Sớ: Chư Phật tán dương lẫn nhau, biểu thị nhất quyết phải nên tin nhận pháp môn Tịnh Độ này).
Trong phần trước, đức Thế Tôn tán thán chư Phật; trong đoạn này, chư Phật tán thán đức Thế Tôn, đấy là “Phật Phật hỗ tán” (chư Phật khen ngợi lẫn nhau). “Biểu thử Tịnh Độ pháp môn, quyết ưng tín thọ cố” (Biểu thị nhất quyết phải nên tin nhận pháp môn Tịnh Độ này), nêu rõ chuyện này hết sức trọng yếu, quyết định phải nên tin tưởng, quyết định phải nên tin nhận. Chẳng phải là một vị Phật khuyên chúng ta, mà tất cả hết thảy chư Phật đều khuyên, có thể nào chẳng tiếp nhận? Có thể nào chẳng tin tưởng?
(Sao) Phật Phật hỗ tán giả, dĩ thử niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, túng nhất Phật độc tán.
(鈔)佛佛互讚者,以此念佛求生淨土,縱一佛獨讚。
(Sao: “Chư Phật khen ngợi lẫn nhau”: Dùng pháp Niệm Phật này để cầu sanh Tịnh Độ, dẫu chỉ một vị Phật khen ngợi [thì cũng phải nên tin tưởng]).
“Túng” (縱) là giả sử một vị Phật, [giả sử chỉ có] một mình Thích Ca Mâu Ni Phật nói như vậy, chúng ta đều phải nên tin tưởng, đều chớ nên nghi hoặc.
(Sao) Nhi kim bất đản Thích Ca tán ư Kỳ Viên.
(鈔)而今不但釋迦讚於祇園。
(Sao: Nhưng nay chẳng phải là chỉ một mình Phật Thích Ca tán thán nơi Kỳ Viên).
“Kỳ Viên” là Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên, là chỗ Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh A Di Đà.
(Sao) Chư Phật tán ư lục phương.
(鈔)諸佛讚於六方。
(Sao: Chư Phật tán thán trong sáu phương).
Bản dịch của Huyền Trang đại sư ghi là “mười phương”. Mười phương chư Phật chẳng có vị nào không tán thán.
(Sao) Hựu thử Phật, bỉ Phật.
(鈔)又此佛彼佛。
(Sao: Lại nữa, vị Phật trong cõi này và các vị Phật trong cõi kia).
“Thử Phật” là Thích Ca Mâu Ni Phật, “bỉ Phật” là mười phương Phật.
(Sao) Đệ hỗ tán thán, khởi phi siêu sanh thoát tử tối yếu pháp môn. Thị dĩ tái tứ đinh ninh, đa phương hối dụ, ân du từ mẫu, nhân quá mân thiên, phấn cốt toái thân, nan túc vi báo.
(Diễn) Ân du từ mẫu nhị cú, từ mẫu chi ân, từ cập nhất sanh, tha sanh vị tất năng từ. Mân thiên chi nhân, nhân chỉ nhất giới, tha giới vị tất năng nhân. Phật chi từ nhân, vô xứ, vô thời, nhi bất từ nhân. Cố vân “du” dã.
(鈔)遞互讚歎,豈非超生脫死最要法門。是以再四叮嚀,多方誨誘,恩踰慈母,仁過旻天,粉骨碎身,難足為報。
(演)恩踰慈母二句。慈母之恩。慈及一生。他生未必能慈。旻天之仁。仁止一界。他界未必能仁。佛之慈仁。無處無時而不慈仁。故云踰也。
(Sao: Lần lượt tán thán lẫn nhau, há đây chẳng phải là pháp môn trọng yếu nhất để siêu sanh thoát tử? Do vậy, nhiều lượt căn dặn, nhiều cách khuyên răn, dẫn dụ. Ân đức hơn mẹ hiền, lòng nhân vượt trời thẳm, tan xương nát thân, khó đủ để báo đền.
Diễn: Hai câu “ân đức hơn từ mẫu”: Ân của mẹ hiền, chỉ có thể yêu thương một đời; sang đời khác, chưa chắc đã có thể yêu thương. Lòng nhân vượt trời thẳm, chỉ có nhân trong một cõi, chưa chắc đã có thể nhân đối với các cõi khác. Lòng từ, lòng nhân của Phật không nơi nào, không lúc nào chẳng nhân từ. Vì thế, nói là “vượt trỗi”).
Ân đức ấy to lớn. Hết thảy chư Phật đều tán thán, chỉ rõ: Đối với chúng ta, pháp môn này trọng yếu khôn sánh! Chuyện lớn nhất trong một đời chúng ta là thoát ly luân hồi, liễu sanh thoát tử. Thật sự có thể giúp đỡ chúng ta hoàn tất chuyện này trong một đời, trừ pháp môn này ra, chẳng còn có pháp môn thứ hai nào khác! Kinh dạy rất hay, nếu chẳng phải là đại thiện căn, đại phước đức, đại nhân duyên, quý vị sẽ chẳng gặp được [pháp môn này]! Nay chúng ta có thể gặp gỡ pháp môn này, mọi người có thể ở cùng một chỗ, chúng ta giảng giải, thảo luận rõ ràng, minh bạch; nhân duyên này rất khó có. Chẳng hiểu rõ, tín tâm của chúng ta chẳng thể sanh khởi. Chẳng có tín tâm thật sự, nguyện lực cũng chẳng đáng trông cậy. Nguyện lấy Tín làm cơ sở. Sau khi đã có chân tín thì nguyện mới thiết tha, mới có thể niệm Phật cầu vãng sanh. Đó là phương pháp trọng yếu nhất và đường lối khẩn yếu nhất để siêu sanh thoát tử. Vì thế, chư Phật nhiều lượt căn dặn, khuyên dạy chúng ta. Kinh này khuyên lơn, khích lệ bốn lượt, “đa phương hối dụ”, “hối” (誨) là giáo huấn, “dụ” (誘) là dẫn dụ. “Đa phương” (多方) là đức Phật không chỉ khuyên dạy chúng ta như vậy trong ba kinh [Tịnh Độ], ta thấy trong Đại Tạng Kinh, những loại kinh luận Ngài khuyên kèm thêm “hãy nên cầu sanh Tịnh Độ” có đến hai trăm bảy mươi bộ. Do vậy nói là “ngàn kinh vạn luận, chốn chốn chỉ về”. Đấy là sự thật. Đức Phật nói những pháp môn khác, chưa từng có hiện tượng này, chỉ riêng pháp Niệm Phật vãng sanh thì ba kinh là chuyên giảng, trong những kinh luận Đại Thừa khác bèn nói kèm thêm. [Đó chính là] “đa phương hối dụ” (nhiều cách giáo huấn, dẫn dụ). Ân đức của Phật vượt trỗi mẹ hiền. Lòng nhân ái của đức Phật đối với chúng sanh vượt khỏi trời thẳm. Trời che, đất chở chúng ta, ân đức ấy to tát chẳng có cách nào để hình dung, dùng chuyện này để hình dung. Dẫu chúng ta “phấn cốt, toái thân” (tan xương, nát thân), vẫn chẳng có cách nào báo đáp ân Phật.
(Diễn) Cổ vân: “Giả sử đảnh đới kinh trần kiếp, thân vi sàng tòa biến tam thiên, nhược bất truyền pháp độ chúng sanh, tất cánh vô năng báo ân giả”.
(演)古云:假使頂戴經塵劫,身為床座遍三千,若不傳法度眾生,畢竟無能報恩者。
(Diễn: Cổ nhân nói: “Giả sử đeo, đội trải trần kiếp, thân làm giường, tòa khắp tam thiên. Nếu chẳng truyền pháp độ chúng sanh, rốt cuộc chẳng thể báo ân được”).
Chúng ta báo ân Phật như thế nào? Một phương pháp duy nhất là toàn tâm toàn lực giới thiệu, đề cao cùng người khác pháp môn thù thắng chẳng thể nghĩ bàn như vậy, pháp môn quan trọng nhất có thể khiến cho hết thảy chúng sanh siêu sanh thoát tử này. Đó là báo ân Phật. Hai câu đầu trong bài kệ là tỷ dụ. “Đảnh đới” (頂載) là đội ở trên đầu, thời gian bao lâu? Trải số kiếp nhiều như cát bụi. “Trần kiếp” (塵劫) là nói thời gian lâu dài. Chúng ta đội ân nhân trên đầu. “Thân vi sàng tòa biến tam thiên” (Thân làm giường, tòa khắp tam thiên đại thiên thế giới), chúng ta cong lưng phủ phục trên mặt đất, dùng lưng làm ghế để ân nhân ngồi trên thân chúng ta, “biến tam thiên” (遍三千: trọn khắp tam thiên đại thiên thế giới) là nói về không gian, trọn khắp trong tam thiên đại thiên thế giới. Như vậy thì có thể báo ân hay không? Chẳng thể! Làm như vậy vẫn chẳng thể báo ân Phật! Chỉ có truyền pháp, nhất định là phải phổ biến hoằng truyền pháp môn này thì mới có thể báo ân. Chư vị nhất định phải hiểu: Ngăn trở kẻ khác truyền pháp, tội lỗi này nặng nề bậc nhất. Mười phương hết thảy Như Lai đều khuyên mọi người lưu thông Phật pháp, giúp đỡ hết thảy chúng sanh. Nếu quý vị ngăn trở Phật pháp lưu thông, tội lỗi ấy đúng là vô lượng vô biên. Lưu thông đại pháp là tâm nguyện duy nhất của mười phương ba đời hết thảy chư Phật, quý vị chống trái, kháng cự các Ngài, do tội nghiệp ấy, sẽ đọa trong địa ngục A Tỳ. Sợ rằng tội ấy nặng hơn bất cứ tội nghiệp nào, đúng là vĩnh viễn chẳng thể trở mình được. Chúng ta chớ nên không biết điều này, chớ nên không lưu ý. Trong thời đại hiện tại, những chuyện hữu ý hay vô tình ngăn trở Phật pháp lưu thông gần như trông thấy hằng ngày, kinh thường cảm thán hạng chúng sanh ấy đúng là “kẻ đáng thương xót”!
(Sớ) Bỉ chư Phật đẳng, tức Di Đà dữ lục phương chư Phật dã.
(疏)彼諸佛等,即彌陀與六方諸佛也。
(Sớ: “Các đức Phật ấy” chính là Phật Di Đà và sáu phương chư Phật).
Đây là lời giải thích cho một câu trong đoạn kinh văn này.
(Sớ) Thích Ca thử vân Năng Nhân.
(疏)釋迦此云能仁。
(Sớ: Cõi này dịch Thích Ca là Năng Nhân).
Thích Ca (Śākya) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Năng Nhân. “Nhân” (仁) là nhân từ, [Năng Nhân] là Ngài có thể dùng lòng nhân từ đối đãi hết thảy chúng sanh, Nhân là bình đẳng. Chữ này (chữ Nhân) thuộc loại Hội Ý, [hàm nghĩa] hai người (Nhân (仁) do nhị (二) và nhân (人) ghép lại), chẳng phải là một người. Đó gọi là “thôi kỷ cập nhân” (suy từ mình ra người), hễ nghĩ đến chính mình, bèn nghĩ đến người khác. Phu tử (Khổng Tử) nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn, chớ làm cho người khác). Đó là Nhân, chuyện gì cũng là hễ nghĩ đến mình bèn nghĩ giùm người khác, đó là Nhân. Do vậy, trong Phật pháp, tâm bình đẳng là Nhân.
(Sớ) Mâu Ni thử vân Tịch Mặc.
(疏)牟尼此云寂默。
(Sớ: Mâu Ni cõi này dịch là Tịch Mặc).
Mâu Ni (Muni) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Tịch Mặc (vắng lặng).
(Sao) Năng Nhân Tịch Mặc, tự hữu nhị nghĩa.
(鈔)能仁寂默,自有二義。
(Sao: Năng Nhân Tịch Mặc có hai ý nghĩa).
Bản thân từ ngữ này có hai ý nghĩa.
(Sao) Nhất giả đối đãi thuyết, tắc năng giả thiện quyền phương tiện, khúc tựu cơ nghi.
(鈔)一者對待說,則能者善權方便,曲就機宜。
(Sao: Một là nói tương đối, Năng là phương tiện quyền xảo, khéo tùy thuận cơ nghi).
Chúng ta phải chú tâm nghiên cứu, thấu hiểu thật sâu những điều này. Đấy chính là trọng điểm để chúng ta học tập. Chúng ta học theo Thích Ca Mâu Ni Phật. Vì sao học theo Thích Ca Mâu Ni Phật? Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta ứng phó các trạng huống trong cuộc sống hiện tiền như thế nào. Điều này rất quan trọng! Nay chúng ta còn chưa vãng sanh, chưa đến thế giới Cực Lạc, thân thể của chúng ta còn ở trong thế giới Sa Bà. Đối với người và sự trong thế giới Sa Bà phức tạp dường ấy, chúng ta ứng phó như thế nào? Danh hiệu của đức Phật dạy chúng ta nguyên tắc ứng phó, giữ vững nguyên tắc ấy là được rồi, đức Phật dạy chúng ta điều này. Do vậy, chúng ta phải “hữu năng”, tức là có năng lực để ứng phó những tình huống ấy. “Năng” biểu hiện từ chỗ nào? “Thiện quyền phương tiện”. “Thiện” là thiện xảo (善巧), đã là xảo (巧: khéo léo) lại thêm thiện (善), tức là sự xảo diệu ấy chẳng mâu thuẫn chân lý, chẳng trái nghịch Tánh Đức; sự khéo léo ấy được gọi là “thiện xảo”. Người thế gian làm việc cũng rất xảo diệu, nhưng lương tâm tăm tối, làm những chuyện chẳng đúng pháp, xảo kiểu đó chẳng thể gọi là thiện xảo! Thiện xảo là phương thức xảo diệu, lợi mình, lợi người, tuyệt đối chẳng tổn hại người khác, chỉ có tạo lợi ích cho người khác, chẳng tổn thương kẻ khác; xảo kiểu ấy chính là thiện xảo. Đối với thiện xảo phương tiện, “quyền” (權) là quyền nghi, quyền biến, tức là biết xét tình hình để xử sự, chẳng phải là “hễ đã thành lập bèn bất biến”! Vì vậy, cuộc sống trong Đại Thừa Phật pháp mang sắc thái đa dạng.
Quý vị thấy năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử, năm mươi ba vị thiện tri thức đều là Pháp Thân đại sĩ. Các Ngài thị hiện thân phận nam, nữ, già, trẻ, các ngành, các nghề trong xã hội, hạnh nghiệp tốt đẹp Bồ Tát cũng làm, hạnh nghiệp bất hảo Bồ Tát cũng làm. Đó chính là “thiện quyền phương tiện, khúc tựu cơ nghi” (phương tiện quyền xảo, khéo tùy thuận cơ nghi), “khúc” (曲) là uyển chuyển, linh động. “Cơ nghi” (機宜) là [căn cơ, căn tánh của] chúng sanh. Phật, Bồ Tát hoằng pháp lợi sanh, đối với chúng sanh phải uyển chuyển, mềm dẻo, lại còn phải là chỗ nào cũng linh động. Tuy uyển chuyển, mềm dẻo, linh động trong mọi hoàn cảnh, nhưng chẳng đánh mất cái tâm thanh tịnh và tâm bình đẳng của chính mình. Nói cách khác, chính là nguyên tắc trong Tam Quy Y: “Giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh mà chẳng nhiễm”, đó là Thiện. Nếu uyển chuyển, mềm dẻo, mà mê, tà, nhiễm, thì xảo kiểu đó chẳng thể kèm thêm thiện, chẳng thể gọi là thiện xảo. “Thiện xảo” là uyển chuyển, mềm dẻo, luôn linh động, nhưng chẳng mê, chẳng tà, chẳng nhiễm, cho nên mới có thể tự hành, hóa độ người khác. Chúng sanh chẳng dễ độ! Trong kinh, Địa Tạng Bồ Tát đã bảo: “Chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề ương ngạnh, khó thể giáo hóa”. Điều này chẳng giả tí nào. Do vậy [có thể biết] Phật, Bồ Tát thật sự kiên nhẫn đối với chúng sanh.
Trong quá khứ, Hà Đông Tước Sĩ phu nhân là mẹ của ông Hà Thế Lễ[4], bà cụ này quá tuyệt diệu! Người trong nhà cụ từ con trai, con dâu, [cho đến] cháu nội đều là tín đồ Cơ Đốc Giáo kiền thành, chỉ có mình cụ ăn chay trường, niệm Phật. Cũng may là con cái của cụ còn học Nho chẳng ít, vẫn rất hiếu thuận đối với mẹ. Trong nhà, [tuy con cháu] tin theo Cơ Đốc Giáo, tín ngưỡng bất đồng, cả nhà vẫn còn có thể chung sống hòa thuận. Ngày bà cụ vãng sanh, bèn gọi con cái đến, bảo họ: “Hôm nay mẹ sắp sang Tây Phương Cực Lạc thế giới, cả nhà chúng ta tin theo tôn giáo khác nhau, nhưng chẳng can thiệp tín ngưỡng của nhau. Hôm nay mẹ vãng sanh, các con đều phải niệm vài câu A Di Đà Phật tiễn mẹ, coi như tròn hết duyên mẹ con một phen”. Đó là yêu cầu hợp tình hợp lý. Do vậy, họ thông báo thân thích bằng hữu mở đại hội chúc mừng vãng sanh tại nhà. Thân thích bằng hữu đều tới, bà cụ tắm rửa, thay quần áo, ngồi xếp bằng, người trong nhà niệm Phật cùng cụ chưa đầy mười lăm phút, cụ đã ra đi. Con trai, con dâu, cả nhà [do vậy] đều tin Phật. Vì sao? Chính mắt trông thấy. Đó là cụ độ người trong nhà, nhẫn nại chờ đợi vài chục năm, chờ đợi hằng ngày, đợi đến sát-na cuối cùng bèn độ hết cả nhà! Đấy là “thiện xảo phương tiện, khúc tựu cơ nghi”. Người trong nhà quý vị khó độ, hãy học theo bà cụ Hà, người một nhà quý vị sẽ đắc độ. Quý vị nói với họ, họ nghe chẳng lọt tai. Biểu diễn cho họ xem, họ chẳng thể nào không tin tưởng! Đó gọi là năng lực, thật sự có năng lực! “Nhân” là nhân từ, là tâm đại từ bi.
(Sao) Nhân giả, chí đức hồng ân, phổ triêm vạn loại, thị đại bi lợi vật dã.
(Diễn) Thiện quyền phương tiện, khúc tựu cơ nghi, độ sanh chi tài dã. Chí đức hồng ân, phổ triêm vạn loại, độ sanh chi đức dã. Hữu tài vô đức, thất độ sanh chi bổn, bất năng độ sanh. Hữu đức vô tài, thất độ sanh chi dụng, diệc bất năng độ sanh. Tài đức kiêm bị, Thể Dụng đồng thi, nãi năng độ sanh dã.
(鈔)仁者至德洪恩,普霑萬類,是大悲利物也。
(演)善權方便。曲就機宜。度生之才也。至德洪恩。普霑萬類。度生之德也。有才無德。失度生之本。不能度生。有德無才。失度生之用。亦不能度生。才德兼備。體用同施。乃能度生也。
(Sao: Nhân là ân mênh mông, đức cùng tột, thấm nhuần muôn loài, chính là lòng đại bi lợi lạc chúng sanh vậy.
Diễn: “Phương tiện quyền biến, thiện xảo, tùy thuận cơ nghi” chính là tài độ sanh. “Ân mênh mông, đức cùng tột, thấm nhuần khắp muôn loài” là đức độ sanh. Có tài thiếu đức, tức là đã mất cái gốc của việc độ sanh, chẳng thể độ sanh. Có đức mà chẳng có tài, đánh mất tác dụng độ sanh, cũng chẳng thể độ sanh. Tài và đức đều đủ, Thể và Dụng cùng vận dụng, sẽ có thể độ sanh).
Có năng lực mà nếu chẳng có động lực từ bi thúc đẩy, người ấy sẽ ngã lòng đối với chúng sanh ương ngạnh, khó giáo hóa, chẳng độ nữa. Chúng sanh quá khó độ, đối xử với họ bằng lòng tốt, họ vẫn dùng ác tâm để đáp trả, dùng cừu hận để báo ân, [nếu chẳng có động lực từ bi thúc đẩy, sẽ tự nhủ]: “Chẳng bận tâm đến kẻ đó nữa”, vội vã tránh xa kẻ đó. Đấy là chẳng có lòng từ bi. Đức Phật có tâm đại từ bi, niệm niệm chẳng bỏ chúng sanh. Đó là Nhân. Thích Ca: Họ ngoài đời của đức Phật là Thích Ca, có ý nghĩa như vậy đó. Đức Phật hiệu là Mâu Ni, Mâu Ni dịch nghĩa thành Tịch Mặc. Năng Nhân là đối với chúng sanh: Chúng ta đối đãi chúng sanh như thế nào? Ứng phó xã hội phức tạp như thế nào? Tịch Mặc là làm thế nào gìn giữ chính mình. Hai chữ này (Mâu Ni) là tự lợi, hai chữ trước (Thích Ca) là lợi tha.
(Sao) Tịch tắc trừng nhiên bất động, đốn tức vạn duyên.
(Diễn) Trừng nhiên bất động, đốn tức vạn duyên, tâm hành xứ diệt dã.
(鈔)寂則澄然不動,頓息萬緣。
(演)澄然不動。頓息萬緣。心行處滅也。
(Sao: Tịch là lắng trong, bất động, dứt ngay muôn duyên.
Diễn: Lắng trong, bất động, dứt ngay muôn duyên: Tâm hành xứ diệt).
“Tịch” là Định, là tâm thanh tịnh. Tâm phải thanh tịnh, tâm phải
định. Bất luận trong cảnh giới nào, thuận cảnh cũng thế, mà nghịch cảnh cũng vậy; trong hoàn cảnh nhân sự, người lành cũng thế, mà kẻ ác cũng thế, chúng ta gặp những cảnh giới ấy, phải học theo đức Phật. Đức Phật đối diện chúng nó như thế nào? Đối với cảnh giới, đức Phật chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước. Đó là Tịch. “Trừng nhiên bất động”: “Trừng” (澄) là tỷ dụ, giống như nước rất sạch, chẳng có một tí ô nhiễm nào, rất ngưng lặng. Nước ấy thanh tịnh. Tâm phải giống như thế, chớ nên động. “Đốn tức vạn duyên”: Chẳng có một vọng niệm nào, phải thời thời khắc khắc gìn giữ trạng thái này. Đó là chân tâm, là Phật Tánh, tức là chân tâm của chính mình. Tâm dấy ý niệm, chuyển động thì gọi là vọng tâm, chẳng phải là diện mục sẵn có (bổn lai diện mục) của chính mình. Diện mục sẵn có của chính mình là chân tâm, là bất động.
(Sao) Mặc tắc mạc nhĩ vong ngôn, vĩnh ly hý luận, thị đại trí minh Lý dã.
(Diễn) Mạc nhĩ vong ngôn, vĩnh ly hý luận, ngôn ngữ đạo đoạn dã. Hữu nhất vị vong, tắc cuồng tâm vị hiết, mạng căn vị đoạn, bất năng chứng Lý. Tư nghị song vong, nãi năng chứng Lý dã.
(鈔)默則漠爾忘言,永離戲論,是大智冥理也。
(演)漠爾忘言。永離戲論。言語道斷也。有一未忘。則狂心未歇。命根未斷。不能證理。思議雙亡。乃能證理也。
(Sao: “Mặc” là vắng lặng, quên lời, vĩnh viễn xa lìa hý luận. Đấy là đại trí ngầm khế hợp Lý vậy.
Diễn: “Vắng lặng, quên lời, vĩnh viễn lìa khỏi hý luận”: Ngôn ngữ dứt bặt. Hễ có một điều gì chưa quên, tức là cuồng tâm chưa dứt, mạng căn chưa đoạn, chẳng thể chứng Lý. Suy nghĩ và bàn luận đều mất thì mới có thể chứng Lý).
Phật, Bồ Tát hoàn toàn chẳng phải là rất nghiêm nghị. Nói thật ra, chư Phật, Bồ Tát hòa ái, dễ thân thiết. Cuộc sống của Đại Thừa Bồ Tát hết sức tiêu sái, rất thơ mộng. Chúng ta gọi “hý luận” (戲論) là ăn nói nhảm nhí, tức là những ngôn luận chẳng có mảy may ý nghĩa gì! Phật, Bồ Tát chẳng hý luận. Bình thường tiếp xúc chúng sanh, Phật, Bồ Tát giảng kinh, thuyết pháp có chỗ nào hài hước hay chăng? Có chứ, rất nhiều! Từ kinh luận Đại Thừa, chúng ta thường thấy Phật, Bồ Tát có nhiều cảm xúc hài hước. Nhưng bất luận dùng phương thức thuyết pháp nào, nhất định là có lợi ích cho chúng sanh; nói, cười, cử động đều đủ để khơi gợi trí huệ và phát khởi tâm tánh cho chúng sanh. Nếu chẳng có mảy may lợi ích gì đối với chúng sanh, dẫu là chuyện rất nghiêm túc, đức Phật cũng chẳng nói, [vì nói chuyện đó] thì cũng gọi là hý luận! Vì thế, tiêu chuẩn của hý luận chính là “đối với chúng sanh chẳng có lợi ích gì”. Dẫu nói êm tai cách mấy, đều là hý luận!
“Mạc nhĩ vong ngôn” (Vắng lặng, quên lời), câu này có ý nghĩa hết sức sâu xa. Ta cũng thường thấy kinh Đại Thừa chép: Đức Phật thuyết pháp “nói mà không nói, không nói mà nói”, chính là ý nghĩa này. Đức Phật thuyết pháp hoàn toàn là nói ứng theo căn cơ, chẳng phải là chuẩn bị trước. Phàm phu đến nơi đâu để giảng diễn, trước đó phải chuẩn bị. Đã chuẩn bị trước thì là “có nói, mà là nói”. Đức Phật chẳng hề chuẩn bị, “chẳng nói mà nói, nói mà không nói”. Năng Nhân là đại bi lợi vật, Tịch Mặc là đại trí ngầm hợp Lý. “Đại trí minh Lý” (Đại trí ngầm hợp Lý), Lý là tự tánh, Trí và Tánh dung hợp thành một Thể, đấy là tự lợi. Do vậy, danh hiệu Phật dạy chúng ta: Nay ở trên đời, tu học, xử sự, đãi người, tiếp vật, phải dùng tiêu chuẩn nào? Phải giữ những nguyên tắc nào? Chính là bốn chữ ấy (Thích Ca Mâu Ni), đức Phật dạy chúng ta như vậy đó.
(Sao) Nhị giả viên dung thuyết, dĩ Bi tức Trí cố, chung nhật độ sanh, vô sanh khả độ, động nhất tĩnh dã.
(Diễn) Dĩ Bi tức Trí hạ, dĩ đại bi cố, vãng lai tam giới, xuất một tứ sanh, chung nhật độ sanh. Dĩ đại trí cố, nhất thiết chúng sanh tức tịch diệt tướng, vô sanh khả độ.
(鈔)二者圓融說,以悲即智故,終日度生,無生可度,動一靜也。
(演)以悲即智下。以大悲故。往來三界。出沒四生。終日度生。以大智故。一切眾生即寂滅相。無生可度。
(Sao: Hai là nói viên dung, do Bi chính là Trí, cho nên suốt ngày độ sanh mà không có chúng sanh để có thể độ, động là một với tĩnh.
Diễn: Từ câu “do Bi chính là Trí” trở đi: Do đại bi nên qua lại ba cõi, ra vào tứ sanh, suốt ngày độ sanh. Do đại trí, nên hết thảy chúng sanh chính là tướng tịch diệt, chẳng có chúng sanh nào để có thể độ).
Bi và Trí là hai khía cạnh của một Thể. Bi là mong độ chúng sanh, Năng Nhân là độ chúng sanh, giúp đỡ chẳng mệt, chẳng chán, khiến cho hết thảy chúng sanh phá mê, khai ngộ, lìa khổ, được vui. “Chung nhật độ sanh, vô sanh khả độ” (Suốt ngày độ chúng sanh, chẳng có chúng sanh để có thể độ). Trong kinh Bát Nhã, đức Phật đã nói rất rõ ràng: Phật chẳng độ chúng sanh. Suốt ngày từ sáng đến tối giảng kinh, thuyết pháp, cớ sao nói “chẳng độ chúng sanh”? Đức Phật chưa hề khởi tâm động niệm nói một câu pháp, chưa hề khởi tâm động niệm nói độ một chúng sanh. Vì sao? Tâm Ngài “trừng nhiên bất động, đốn tức vạn duyên” (lắng trong, bất động, dứt bặt muôn duyên). Nói theo tâm tánh của chính mình, xác thực là chẳng có! Đấy chính là “vốn chẳng có một vật” như Lục Tổ đã nói. Suốt bốn mươi chín năm, Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh, thuyết pháp, chưa hề nói một chữ. Vì sao bảo là “chưa từng nói một chữ”? Trong tâm Ngài chưa hề phân biệt một chữ, chưa hề chấp trước một chữ nào. Tâm địa thanh tịnh, chẳng nhiễm ô một chữ nào! Pháp được nói như thế nào? Do ứng với căn cơ của chúng sanh mà tự nhiên lưu lộ!
Cảm ứng đạo giao: Chúng sanh có cảm, Phật bèn có ứng. Giống như cái chuông, hễ gõ, nó liền ngân vang ngay lập tức. Quý vị hỏi cái chuông, nó có ngân vang hay không? Nó sẽ đáp: “Tôi chưa từng ngân vang”. Xác thực là chưa hề ngân vang, nhưng quý vị gõ, nó bèn ngân lên. Chẳng gõ, nó sẽ không ngân. Đức Phật thuyết pháp cũng lại giống như vậy. Vì thế, suốt ngày độ sanh, suốt ngày chẳng có chúng sanh nào để có thể độ. Nếu “suốt ngày độ sanh, suốt ngày có chúng sanh để có thể độ”, đó là phàm phu, chẳng phải là Phật, Bồ Tát. Quyền Giáo Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, các Ngài suốt ngày độ sanh, [vẫn thấy] có chúng sanh để có thể độ. Phật và Pháp Thân đại sĩ – Pháp Thân đại sĩ là những vị Bồ Tát đã phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân – các Ngài đều là suốt ngày độ sanh, [thế mà] chẳng có chúng sanh để có thể độ. Đó là bậc Bồ Tát đã kiến tánh. Trong động, các Ngài tĩnh. Phật pháp dùng bánh xe làm tiêu chí, tức là biểu tượng, dùng pháp luân. Luân là động, tâm bất động; động và tĩnh là một, chẳng hai. “Động nhất tĩnh dã” (Động và tĩnh là một): [Bánh xe] động là Năng Nhân, tâm hình tròn [của bánh xe] là Tịch Mặc, tâm là bất động. Đấy là chỗ khác biệt giữa chúng sanh và Phật. Vì thế, Bi chính là Trí.
(Sao) Dĩ Trí tức Bi cố, bất khởi nhất niệm, thường độ chúng sanh, tĩnh nhất động dã.
(Diễn) Dĩ Trí tức Bi hạ, dĩ đại trí cố, liễu pháp giai không, bất khởi nhất niệm, bất cư sanh tử. Dĩ đại bi cố, bất trụ không tịch, thường độ chúng sanh, bất chứng Niết Bàn.
(鈔)以智即悲故,不起一念,常度眾生,靜一動也。
(演)以智即悲下。以大智故。了法皆空。不起一念。不居生死。以大悲故。不住空寂。常度眾生。不證涅槃。
(Sao: Do Trí chính là Bi, chẳng dấy một niệm, thường độ chúng sanh, tĩnh là một với động.
Diễn: Từ câu “do Trí chính là Bi” trở đi: Do đại trí, nên hiểu các pháp đều là không, chẳng dấy một niệm, chẳng ở trong sanh tử. Do đại bi, nên chẳng trụ vào không tịch, thường độ chúng sanh, chẳng chứng Niết Bàn).
Các Ngài trong tĩnh có động. Xác thực là Phật, Bồ Tát chưa hề dấy một niệm, nhưng các Ngài hóa thân vô lượng vô biên trong mười phương thế giới, giúp đỡ lục đạo chúng sanh đang khổ nạn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thật sự đang làm [chuyện hóa độ ấy]! Tuy thật sự đang làm, xác thực là các Ngài chẳng dấy một niệm. Thật sự học Phật là học ở chỗ này. Như thế là đúng, quý vị mới đạt được pháp lạc chân thật trong Phật pháp, nhà Phật nói là “pháp hỷ sung mãn”. Học từ chỗ này thì mới có thể đạt được pháp hỷ thật sự.
Pháp hỷ thật sự sanh từ cái tâm thanh tịnh, trong tâm xác thực chẳng có một niệm. Bên ngoài bèn hòa quang đồng trần, ở chung với mọi người, quý vị tuyệt đối chẳng nhìn ra chỗ khác biệt, hoàn toàn giống như mọi người, nhưng bên trong thì khác. Phàm phu bên ngoài là động, bên trong cũng là động. Phật, Bồ Tát bên ngoài là động, bên trong là bất động. Phàm phu trong lẫn ngoài đều nhiễm; Phật, Bồ Tát thì bên ngoài giống như là nhiễm, nhưng bên trong là thanh tịnh, bên trong trước nay vẫn chẳng nhiễm. Trên thực tế, bên ngoài là nhiễm, hay chẳng nhiễm? Bên ngoài cũng chẳng nhiễm, nhưng quý vị thấy dường như là có nhiễm. Thật ra, bên ngoài các Ngài cũng chẳng nhiễm; nhưng lũ phàm phu chúng ta thấy các Ngài cũng nhiễm như chúng ta. Đó là chúng ta đã thấy sai mất rồi. Chúng ta thật sự nhiễm, trong lẫn ngoài đều nhiễm, các Ngài là trong lẫn ngoài đều chẳng nhiễm, nhưng biểu hiện bên ngoài hoàn toàn giống như chúng ta! Đấy chính là “thiện quyền phương tiện, khúc tựu cơ nghi” (phương tiện quyền biến, thiện xảo, khéo phù hợp cơ nghi) như trong phần trước đã nói.
(Sao) Cố tri thiên cử nhị tự, nãi chí nhất ngôn, Phật chi toàn đức, nhiếp vô bất tận.
(Diễn) Thiên cử nhị tự giả, dĩ Bi tức Trí, Năng Nhân tức kiêm Tịch Mặc. Dĩ Trí tức Bi, Tịch Mặc tức kiêm Năng Nhân, nãi chí nhất ngôn giả, Năng tức kiêm Nhân, Dụng tức Thể cố. Nhân tức kiêm Năng, Thể tức Dụng cố. Tịch tức kiêm Mặc, tâm hành xứ diệt, tự nhiên ngữ ngôn đạo đoạn. Mặc tức kiêm Tịch, ngôn ngữ đạo đoạn, nãi viết tâm hành xứ diệt cố.
(鈔)故知偏舉二字,乃至一言,佛之全德,攝無不盡。
(演)偏舉二字者。以悲即智。能仁即兼寂默。以智即悲。寂默即兼能仁。乃至一言者。能即兼仁。用即體故。仁即兼能。體即用故。寂即兼默。心行處滅。自然語言道斷。默即兼寂言語道斷。乃曰心行處滅故。
(Sao: Vì thế biết: Chỉ riêng nêu lên hai chữ, thậm chí chỉ bằng một lời, toàn bộ phẩm đức của Phật đã được hàm nhiếp chẳng sót chút nào.
Diễn: “Chỉ riêng nêu lên hai chữ”: Do Bi chính là Trí, nên Năng Nhân bèn kiêm Tịch Mặc. Do Trí chính là Bi, nên Tịch Mặc bèn kiêm Năng Nhân. “Thậm chí chỉ bằng một lời”: Năng bèn kiêm Nhân, do Dụng chính là Thể. Nhân bèn kiêm Năng, do Thể chính là Dụng. Do Tịch kiêm Mặc, nên tâm hành xứ diệt, tự nhiên ngôn ngữ dứt bặt. Do Mặc kiêm Tịch, ngôn ngữ dứt bặt, bèn nói là “tâm hành xứ diệt”).
“Thiên cử nhị tự” (Chỉ riêng nêu lên hai chữ), tức là Trí Bi hoặc Bi Trí. “Nhất ngôn” (Một lời), hai thứ ấy là một Thể, [tức là] một Thể, một tác dụng. Thể và Dụng lại còn có thể dùng lẫn cho nhau: Bi là Thể, Trí là Dụng. Hoặc Trí là Thể, Bi là Dụng. Thể và Dụng có thể dùng lẫn nhau, chẳng nhất định cái nào là Thể, cái nào là Dụng! Chẳng phải là nói theo kiểu đó. Nói kiểu đó sẽ bị chướng ngại, mới trở thành hai thứ. Chúng là một thứ!
(Sớ) Thậm nan hy hữu, tổng hạ nhị nan.
(疏)甚難希有,總下二難。
(Sớ: Nói “rất khó, hiếm có” hòng chỉ chung hai điều khó khăn [sẽ được nói đến] trong phần sau).
Hai sự khó khăn được nói trong phần kế tiếp.
(Sớ) Cụ thử nhị nan, cố ngôn công đức bất tư nghị dã.
(Sao) Ngôn nhị nan giả, ư Ngũ Trược đắc Bồ Đề, thị vi nhất nan.
(疏)具此二難,故言功德不思議也。
(鈔)言二難者,於五濁得菩提,是為一難。
(Sớ: Do có đủ cả hai điều khó khăn ấy, nên bảo là công đức chẳng thể nghĩ bàn.
Sao: Nói đến hai thứ khó khăn thì trong đời Ngũ Trược mà đắc Bồ Đề, đó là điều khó khăn thứ nhất).
Trong phần sau, còn có giải thích cặn kẽ, sau đấy, quý vị mới biết thật sự là khó! Chúng ta sống trong xã hội hiện thời, đọc bộ kinh này, sẽ có cảm xúc sâu đậm hơn cổ nhân rất nhiều! Người thời cổ, xã hội thuần phác, chẳng dễ cảm thấy việc ấy khó khăn cho lắm. Trong xã hội hiện thời, mọi người đều thấy: Phong khí thuần phác xa xưa đã hoàn toàn chẳng còn nữa! Đối với xã hội hiện thời, bốn điều giáo huấn thanh tịnh sáng suốt (thanh tịnh minh hối) trong kinh Lăng Nghiêm đã miêu tả [chuẩn xác] xã hội hiện thời. Nhìn vào xã hội hiện thời, trong xã hội là những gì? Yêu ma, quỷ quái, chẳng phải là người. Gì mới là người? Trong tâm con người là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, đấy là con người. Trong tâm con người là Ngũ Giới, Thập Thiện, đấy là con người. Nếu trong tâm là tham, sân, si, là giết, trộm, dâm, dối, sẽ là yêu ma, quỷ quái. Vì vậy, chẳng thể nhìn từ bề ngoài, phải nhìn từ tâm địa. Chúng ta sống trong một xã hội như vậy, là đời ác Ngũ Trược, sự trược ác xác thực đã lộ ra ngoài. Đối với Ngũ Trược ác thế như Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói xưa kia, sự trược ác ấy vẫn chẳng dễ phát hiện cho lắm, nhìn chẳng ra! Nay thì giống như một quả táo đã mục ruỗng, từ bên trong thối ruỗng đến bên ngoài; ai nhìn vào cũng đều biết đó là một quả táo thối nát. Trước kia là trong tâm hư nát một tí, nhìn bề ngoài còn đẹp đẽ, chẳng nhìn ra!
Hiện tại là một thời đại như vậy đó! Trong một thời đại như thế, quý vị muốn làm một người tốt khó lắm, chẳng dễ dàng! Thành La Hán, thành Bồ Tát, thành Phật, há chẳng phải là càng khó hơn ư? Trong đời ác Ngũ Trược, Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành Phật, đấy là chuyện khó khăn! “Đắc Bồ Đề” là thành Phật.
(Sao) Hựu ư Ngũ Trược, thuyết thử Tịnh Độ pháp môn, thị vi nhị nan.
(鈔)又於五濁說此淨土法門,是為二難。
(Sao: Lại ở trong Ngũ Trược, nói pháp môn Tịnh Độ này, đó là chuyện khó thứ hai).
Đây là nỗi khó khăn thứ hai. Thích Ca Mâu Ni Phật trong khi ấy, nói pháp môn Tịnh Độ, khuyên người ta chuyên tín, chuyên nguyện, chuyên niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tịnh Độ. Có khá nhiều Bồ Tát đệ tử, Thanh Văn đệ tử ở ngay bên cạnh Thích Ca Mâu Ni Phật mà chẳng tin tưởng! Nghe đức Phật nói xong, họ gật đầu, chẳng có ý nghĩ cầu vãng sanh! Cho thấy đây là pháp khó tin. Phật pháp lưu truyền cho tới nay đã ba ngàn năm; ba ngàn năm sau, chúng ta cũng tuyên dương pháp môn này, có lắm kẻ chẳng tin, có lắm kẻ bài xích, đó là lẽ đương nhiên. Có gì kỳ quái đâu nhỉ? Nếu họ chẳng ngăn trở, chẳng bài xích, há chẳng phải là pháp dễ tin ư? Làm sao có thể gọi là “pháp khó tin” cho được? Vì thế, chúng ta phải hiểu rành mạch, hiểu rõ ràng.
Có lắm kẻ tu hành bảo: “Một bộ kinh không được đâu! Chẳng đáng tin cậy! Lạy một vị Phật, chẳng thể thành tựu!” Chúng ta nghe nói [như vậy] rất nhiều, chúng ta cũng tuyệt đối chẳng bị họ lay động. Do đạo lý gì? Đối với đạo lý và chân tướng sự thật này, chúng ta hiểu rất rõ ràng, minh bạch, biết nhất định là có thành tựu, quyết định chẳng luống uổng. Kinh nói “công bất đường quyên” (công chẳng phí uổng), quyết định là sẽ có kết quả.
(Sao) Tịnh thử nhị chủng, thị vi tối thượng nan hành chi sự, duy Phật hành chi, hy hữu hãn kiến chi sự, duy Phật hữu chi.
(鈔)并此二種,是為最上難行之事,唯佛行之,希有罕見之事,唯佛有之。
(Sao: Và hai loại này, chính là chuyện khó làm bậc nhất, chỉ có Phật làm được, và là chuyện hy hữu hiếm thấy, chỉ riêng Phật là có).
Đây là sự khó hành mà có thể hành, là pháp hiếm có. Đấy là tán thán công đức chẳng thể nghĩ bàn. Hôm nay chúng tôi nói tới chỗ này.
[1] Sảnh (廳) là một cơ quan chính phủ được thiết lập từ cuối đời Thanh để chuyên trách một sự vụ quan trọng nào đó trong quân đội. Sau khi chính quyền Dân Quốc thành lập, Sảnh trở thành cơ quan đặc trách sự vụ trong một tỉnh, gần giống như khái niệm Ty tại miền Nam trước năm 1975, chẳng hạn Giáo Dục Sảnh, Cảnh Sát Sảnh, Dân Chánh Sảnh, Thẩm Phán Sảnh v.v… Do một tỉnh của Trung Hoa rất to, nên Sảnh Trưởng có quyền hạn rất lớn.
[2] Khảo Thí Viện là cơ quan giám sát việc thăng thưởng, tuyển mộ nhân viên chánh phủ. Khảo Thí Viện bao gồm bốn bộ:
1) Khảo Tuyển Bộ (chuyên đảm trách việc thi cử để tuyển lựa nhân viên, hoặc sát hạch xem các nhân viên trong các ngành có hội đủ tiêu chuẩn để đảm nhiệm chức vụ ấy hay không).
2) Thuyên Tự Bộ (đảm trách vấn đề xét duyệt lương bổng, hưu trí, thăng thưởng, giáng chức, tưởng lệ, cảnh cáo v.v…)
3) Ủy Viên Bộ (đảm bảo các chánh sách về quyền lợi, pháp chế, quy định đối với nhân viên chánh phủ được tuân thủ đúng mức, đồng thời nghiên cứu, xem xét hòng cải tiến những điều luật chưa hợp lý trong chánh sách).
4) Giám Lý Ủy Viên Hội (giám sát quỹ hưu bổng).
Cơ chế này được thiết lập dựa trên lý luận Ngũ Quyền Phân Lập của Tôn Văn. Theo đó, ngoài ba ngành chính của một quốc gia là Hành Pháp, Tư Pháp và Lập Pháp, còn lập thêm hai viện là Khảo Thí Viện và Giám Sát Viện để bảo đảm ba ngành Hành Pháp, Tư Pháp và Lập Pháp khống chế lẫn nhau phỏng theo cơ cấu giám sát theo hiến pháp Hoa Kỳ.
[3] Chúng tôi tạm dịch chữ “bộ hài” (步鞋). “Bộ hài” là các loại giày thoải mái như giày sneaker của Mỹ chẳng hạn, không phải loại giày trịnh trọng dùng với lễ phục.
[4] Hà Thế Lễ (1906-1998, tên thoạt đầu là Robert Hotung Jr., sau khi từ bỏ quốc tịch Anh, mới đổi sang tên tiếng Hoa là Hà Thế Lễ) là con trai thứ ba của nhà đại tư bản Hà Đông Tước Sĩ ở Hương Cảng. Hà Thế Lễ là tướng lãnh cao cấp trong quân đội Quốc Dân Đảng, đồng thời kế nghiệp cha kinh doanh rất thành công. Trong quân đội, ông từng giữ chức thượng tướng lục quân, từng làm Tham Mưu Trưởng, và là Ủy Viên Trung Ương Đảng của Quốc Dân Đảng. Hà Đông Tước Sĩ tên thật là Robert Hotung (1862-1956), lả con của ông Charles Henry Maurice Bosnman (người Hòa Lan gốc Do Thái, lấy tên tiếng Hoa là Hà Sĩ Văn, nên Hà Đông Tước Sĩ lấy họ Hà). Do được hoàng gia Anh phong tước Knight nên thường được gọi là Sir Robert Hotung và dịch sang tiếng Hoa thành Hà Đông Tước Sĩ. Hà Đông Tước Sĩ phu nhân được nói ở đây là bà Trương Tĩnh Dung (Clara Cheung Lin Kok, pháp hiệu Trương Liên Giác) vợ thứ hai của Hà Đông Tước Sĩ. Bà vợ đầu là Margaret Mark (Mạch Tú Anh) không có con, phải nhận cháu làm con nuôi. Bà Mạch Tú Anh và Trương Tĩnh Dung là chị em bạn dì.