Tập 283/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 01-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 283

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm chín mươi bảy:

          (Sao) Đương cơ giả, dĩ nan tín chi pháp, duy Trí năng tín, cố thỉ chung thủ cử Xá Lợi Phất dã.

()當機者,以難信之法,唯智能信,故始終首舉舍利弗也。

(Sao: “Đương cơ”: Do pháp khó tin, chỉ có trí thì mới có thể tin tưởng. Vì thế, từ đầu đến cuối nêu tên ngài Xá Lợi Phất trước hết).

           Câu này nhằm giải thích câu “độc cử Thân Tử giả, dĩ đương cơ cố” (nêu một mình ngài Xá Lợi Phất vì Ngài là bậc đương cơ) trong lời Sớ. Đức Phật thuyết pháp nhất định là có thính chúng căn cơ đã chín muồi. Cũng có nghĩa là trình độ và căn tánh của họ hết sức khế hợp pháp môn này. Họ nghe xong, sẽ có thể sanh tâm hoan hỷ, có thể lý giải, có thể nương theo phương pháp này để tu học. Hạng thính chúng ấy được gọi là “đương cơ giả” (bậc đương cơ). Pháp môn Tịnh Tông, nhất là kinh A Di Đà, trong hết thảy các kinh, chính là pháp môn trực tiếp chỉ dạy chúng ta thành Phật viên mãn ngay trong một đời. Vì thế, thính chúng khế hợp pháp môn này chẳng nhiều, hết sức hiếm có, cũng ứng với “pháp khó tin” như trong phần trước đã nói. Kinh Di Đà được gọi là Tiểu Bổn, kinh Vô Lượng Thọ được gọi là Đại Bổn, hai bộ kinh này thuộc cùng một bộ, có nội dung hoàn toàn như nhau. Đại Bổn nói cặn kẽ. Trong kinh Đại Bổn, đức Phật dạy: Đương cơ của pháp môn này chỉ có hai loại người:

1) Một loại là bậc thượng căn chân thật, tức là người có trí huệ nhất. Họ nghe xong, chẳng hoài nghi, sẽ nghe hiểu, sẽ nghe thông suốt. Hạng người này sẽ được lợi ích. Như tôn giả Xá Lợi Phất, ngài Xá Lợi Phất là vị trí huệ bậc nhất trong các đệ tử Tiểu Thừa. Vì vậy, kinh này từ đầu tới cuối, đức Thế Tôn đều gọi ngài Xá Lợi Phất, chẳng gọi người khác. Giáo học Phật pháp hết sức coi trọng sự biểu thị pháp. Ngài Xá Lợi Phất biểu thị người có trí huệ chân thật. Gọi ngài Xá Lợi Phất, tức là gọi hết thảy những người có trí huệ. Họ nghe giảng sẽ chẳng có vấn đề gì, họ sẽ nghe hiểu.

2) Loại người thứ hai là những người trọn đủ thiện căn, họ cũng thích hợp. Tuy trí huệ chưa chắc nhạy bén, nhưng họ có thiện căn; thiện căn chẳng phải là đạt được trong một đời. Trong kinh Đại Thừa, đức Phật đã dạy: Đó là [thiện căn] do tích lũy đời đời kiếp kiếp từ vô lượng kiếp trong quá khứ, chín muồi trong một đời này. Tuy họ chẳng có trí huệ, mà cũng chẳng thông minh. Thậm chí chưa từng học hành, không biết chữ, nhưng họ nghe nói đến A Di Đà Phật, bèn có thể sanh tâm hoan hỷ, tin tưởng, chẳng hoài nghi. Họ cũng chẳng hỏi “có ý nghĩa là gì”, họ chịu tin, chịu niệm, nhất tâm cầu sanh Tịnh Độ. Tới khi mạng chung, thường là họ có thể đứng vãng sanh, hoặc ngồi vãng sanh, biết trước lúc mất. Đó là thiện căn thành tựu. Đúng như điều kiện vãng sanh đã nói trong kinh này: “Chẳng thể do chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên [mà được sanh về cõi ấy]”; họ là thiện căn, phước đức, nhân duyên thảy đều trọn đủ. Hạng người này là bậc đương cơ.

          Vừa mở đầu kinh, đức Phật kể ra mười sáu vị đệ tử Thanh Văn, ngài Xá Lợi Phất đứng đầu, ngài Mục Kiền Liên thứ hai. Mười lăm vị kể từ ngài Mục Kiền Liên trở đi đều là những người có thiện căn và phước đức chín muồi. Ngài Xá Lợi Phất biểu thị trí huệ thành tựu viên mãn. Trí huệ của chúng ta chẳng sánh bằng ngài Xá Lợi Phất. [Tuy chúng ta] chẳng phải là loại đương cơ thứ nhất, ngẫm ra, chúng ta có thể đảm đương làm loại đương cơ thứ hai. Vì sao? Chúng ta nghe kinh này xong, có thể sanh tâm hoan hỷ, cũng có thể nghe hiểu rõ ràng, thật sự phát nguyện cầu sanh, cho nên phải là loại đương cơ thứ hai. Hai loại ấy đều khó có, đáng quý, đều là vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi ngay trong một đời này. Chư vị hiểu luân hồi là khổ! Từ vô lượng kiếp đến nay, sanh tử, lưu chuyển trong ấy, chịu hết mọi nỗi khổ, chẳng có cách nào vượt thoát. Đời này gặp gỡ pháp môn này, thật sự có thể tin, có thể nguyện, chuyên tu, chắc chắn sẽ vượt thoát. Cơ hội này chẳng phải là “trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ”, mà còn là khó khăn hơn nữa. Cư sĩ Bành Tế Thanh nói: “Một ngày hiếm có khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay”. Câu nói ấy đã hình dung vận may của chúng ta, “hiếm có, khó gặp”, [thế mà] nay chúng ta đã gặp gỡ.

          (Sao) Nhiếp tỳ-kheo trung giả.

          ()攝比丘中者。

(Sao: Bao gồm trong hàng tỳ-kheo).

          Khi kết thúc kinh này, chẳng nói đến các vị Bồ Tát, Bồ Tát đã được gộp trong số các vị tỳ-kheo.

          (Sao) Bồ Tát tuy bất thường tùy Như Lai, nhiên dữ chư tỳ-kheo đồng vi hiền thánh đẳng lữ cố.

          ()菩薩雖不常隨如來,然與諸比丘同為賢聖等侶故。

(Sao: Tuy Bồ Tát chẳng thường theo Như Lai, nhưng các Ngài cùng với các tỳ-kheo đều là bạn hiền thánh).

Bồ Tát là học trò Đại Thừa, còn Thanh Văn là học trò Tiểu Thừa của đức Phật. Hàng Tiểu Thừa khá bảo thủ, Đại Thừa Bồ Tát cởi mở hơn. Kẻ bảo thủ chẳng nỡ rời khỏi thầy, quanh năm đi theo thầy. Thầy đến nơi đâu, bèn theo đến đó, biến thành Thường Tùy Chúng của đức Phật. Những học trò cởi mở, thường là sau một giai đoạn theo học với đức Phật, bèn vui lòng giúp thầy đến nơi khác tiếp dẫn đại chúng, giúp thầy hoằng hóa. Đó là bậc Đại Thừa Bồ Tát. Tâm lợi tha của Bồ Tát thiết tha hơn hàng Tiểu Thừa, nhưng các Ngài đều là học trò của đức Phật. Nói đến chúng tỳ-kheo thì trong ấy cũng có thể bao gồm hàng Bồ Tát.

          (Sao) Hựu Bồ Tát Chân Tục song dung, tùy loại ứng cơ, diệc khả thế gian trung nhiếp cố.

          (Diễn)  Bồ Tát Chân Tục song dung,  tùy loại ứng cơ giả,  phàm

phu trước Tục bất thông Chân, Nhị Thừa đam Chân bất thiệp Tục, như từ lục đảm bản, các chấp nhất biên. Bồ Tát tắc Chân Tục song dung, bất trệ sanh tử, bất trụ Niết Bàn cố, hoặc hiện Nhị Thừa đồng Chân, hoặc hiện lục phàm đồng Tục, tùy loại ứng cơ, bất độc tỳ-kheo trung nhiếp dã.

          ()又菩薩真俗雙融,隨類應機,亦可世間中攝故。

()菩薩真俗雙融。隨類應機者。凡夫著俗不通真。二乘耽真不涉俗。如徐六擔板。各執一邊。菩薩則真俗雙融。不滯生死。不住涅槃故。或現二乘同真。或現六凡同俗。隨類應機。不獨比丘中攝也。

(Sao: Lại nữa, Bồ Tát Chân và Tục cùng dung hội, tùy theo từng loài mà ứng với căn cơ của họ, nên cũng có thể nhiếp trong thế gian.

Diễn: “Bồ Tát Chân và Tục cùng dung hội, tùy theo từng loài mà ứng với căn cơ của họ”: Phàm phu chấp Tục, chẳng thông hiểu Chân. Nhị Thừa đắm chấp nơi Chân, chẳng dính líu Tục, [cả hai loại người ấy đều] như kẻ vác tấm ván gỗ chỉ thấy một bề, mỗi loại đều chấp vào một bên. Bồ Tát thì Chân và Tục đều dung hội, chẳng vướng mắc sanh tử, chẳng trụ trong Niết Bàn, hoặc hiện cùng trụ vào Chân như Nhị Thừa, hoặc hiện cùng ở trong cõi Tục như phàm phu trong lục đạo, tùy thuận từng loài, ứng theo căn cơ của họ, chẳng phải chỉ là bao gồm trong hàng tỳ-kheo).

           Tỳ-kheo nhất định là người xuất gia, [bao gồm] tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, sa-di, sa-di-ni. Bồ Tát không nhất định là xuất gia. Thị hiện tại Trung Hoa, ở Đại Lục có tứ đại danh sơn là đạo tràng của bốn vị đại Bồ Tát. Trong bốn vị Bồ Tát ấy, chỉ có Địa Tạng Bồ Tát mang hình tướng xuất gia, ba vị Bồ Tát kia đều mang hình tướng tại gia. Do vậy, có thể biết: Trong các vị Bồ Tát, hàng tại gia Bồ Tát đông đảo, Bồ Tát mang hình tướng xuất gia ít ỏi. Nói cách khác, Bồ Tát cũng có thể gộp trong đại chúng trời, người, vì các Ngài thị hiện tướng tại gia. Kinh gọi hàng tại gia đệ tử là ưu-bà-tắc và ưu-bà-di. Do đó, Bồ Tát cũng có thể gộp trong hàng ưu-bà-tắc hoặc ưu-bà-di, thân phận chẳng nhất định, chẳng nhất định là thân phận xuất gia hay tại gia.

          (Sao) Nhất thiết thế gian, sở cai giả chúng, nhi độc cử thiên, nhân, A Tu La giả, dĩ minh tu thử pháp môn, thiện đạo chúng sanh, tỷ

chi dư đạo, vi cư đa cố.

()一切世間,所該者眾,而獨舉天人阿修羅者,以明修此法門,善道眾生,比之餘道,為居多故。

(Sao: “Hết thảy thế gian” bao gồm các loại chúng sanh rất đông, nhưng chỉ kể thiên, nhân, A Tu La, nhằm nói rõ chúng sanh tu pháp môn này thuộc về thiện đạo chiếm đa số so với những đường khác).

          Kinh nói “nhất thiết thế gian thiên, nhân, A Tu La”, “nhất thiết thế gian” là nói tổng quát, “thiên, nhân, A Tu La” là nói riêng biệt. Nếu nói riêng biệt [từng loại chúng sanh], phạm vi của từng loài riêng biệt quá rộng, chẳng nói trọn hết được! Chỉ đành đối với “hết thảy thế gian” nêu ra mấy trường hợp tiêu biểu mà thôi! Những loài được nêu ra là “thiên, nhân, A Tu La”. “Nhất thiết thế gian” thật ra bao gồm mười pháp giới. Trong mười pháp giới có Phật, Phật mà cũng được coi là hữu tình chúng sanh ư? Có thể nói như thế! Nói theo tông Thiên Thai, có bốn loại Phật. Trừ Viên Giáo ra, tức là ngoài vị Phật rốt ráo viên mãn ấy ra, ba loại Phật thuộc Tạng Giáo, Thông Giáo, và Biệt Giáo trên thực tế đều là Bồ Tát. Trong Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa, cư sĩ Giang Vị Nông bảo: “Chư Phật” được nói trong kinh Kim Cang là từ Sơ Trụ cho đến Đẳng Giác Bồ Tát trong Viên Giáo, đều gọi là “chư Phật”. Thiền Tông nói: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. “Kiến tánh thành Phật” là chân Phật, chẳng phải là giả Phật, nhưng vị ấy chưa phải là một vị Phật rốt ráo, mà là Tạng Giáo Phật, hoặc Thông Giáo Phật. Vị ấy vừa mới kiến tánh, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, là Sơ Trụ Bồ Tát minh tâm kiến tánh trong Viên Giáo. Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, bốn mươi mốt tầng cấp [Bồ Tát] ấy đều là Phật, hễ kiến tánh đều là đã thành Phật. Do đó, những vị Phật ấy đều là Phật trong mười pháp giới, chẳng phải là đã đạt đến địa vị Phật viên mãn rốt ráo. Viên mãn rốt ráo Phật ở ngoài mười pháp giới, chúng ta gọi [cảnh giới ấy] là Nhất Chân pháp giới. Do đó, mười pháp giới chẳng thật, Nhất Chân là thật. Đó là nói về “nhất thiết thế gian”.

Độc cử thiên, nhân, A Tu La” (Chỉ nêu ra trời, người, A Tu La), đấy là thuyết pháp “ứng cơ” (應機: tương ứng căn cơ). Nay chúng ta ở trong lục đạo, chưa thoát khỏi lục đạo, chẳng có năng lực đạt tới tứ thánh pháp giới. Đức Phật thuyết pháp trong nhân gian, đương nhiên đối tượng chủ yếu sẽ là chúng ta. Loài người, chư thiên, A Tu La là ba thiện đạo trong lục đạo. Ba thiện đạo dễ độ hơn ba ác đạo rất nhiều. Đức Phật độ chúng sanh trong ác đạo chẳng dễ dàng. Địa ngục quá khổ, ngạ quỷ nghiệp chướng quá nặng, súc sanh quá ngu si. Do đó, giảng kinh, thuyết pháp cho họ, muốn cho họ lãnh ngộ, xác thực là một chuyện rất khó. Người và trời thông minh hơn, dễ lãnh ngộ hơn. “Thiên, nhân, A Tu La” là ba thiện đạo. “Thiện đạo chúng sanh, tỷ chi dư đạo, vi cư đa cố” (Chúng sanh trong thiện đạo chiếm đa số so với những đường khác), chỉ rõ: Đức Phật dạy mọi người, dạy hết thảy thế gian pháp môn Tịnh Tông, nhưng thật sự có thể tiếp nhận, có thể tu học vãng sanh, thì chúng sanh trong ba thiện đạo chiếm đa số. Do vậy, có thể biết: Tịnh Tông không chỉ lưu thông rộng rãi trong nhân gian, mà ngay trên cõi trời, cũng lấy pháp này làm chủ yếu. Chư thiên có thể vượt thoát lục đạo, có thể thành tựu trong một đời, cũng cậy vào pháp môn Niệm Phật. Vì thế, [pháp môn này] được tuyên dương phổ biến trên cõi trời và trong nhân gian. Ở đây, “A Tu La” là nói tới A Tu La trong thiên đạo.

(Sao) Phi Thiên giả, Tu La phú lạc đồng thiên, vô thiên hạnh cố. Tường hữu tứ chủng, tư bất phồn cử. Tiền liệt chúng trung, vô kỳ danh giả, nhiếp ư thiên nhân, cập đại chúng cố.

          ()非天者,修羅富樂同天,無天行故。詳有四種,茲不繁舉。前列眾中無其名者,攝於天人及大眾故。

(Sao: “Phi Thiên (chẳng phải trời)”: Do Tu La giàu có, sung sướng giống hệt như chư thiên, nhưng chẳng có hạnh của chư thiên, [nên gọi là Phi Thiên]. Nói tường tận thì có bốn loại, ở đây, do ngại rườm rà, nên chẳng nêu ra. Trong phần liệt kê thính chúng ở đầu kinh, chẳng kể A Tu La, vì đã gộp họ vào thiên, nhân và đại chúng).

          Đây là đặc biệt giới thiệu đơn giản về A Tu La (Asura). A Tu La phú quý và hưởng thụ hoàn toàn giống như chư thiên. “Vô thiên hạnh cố” [nghĩa là] họ chẳng có đức hạnh của chư thiên. Chư thiên tâm địa rất từ bi, rất nhu hòa, nhưng bụng dạ A Tu La hết sức hẹp hòi, ganh tỵ, ngạo mạn. Lại còn thường là rất tàn khốc, tâm sân hận rất nặng nề. Vì sao họ sanh lên cõi trời? Họ có phước cõi trời, có phước báo to ngần ấy, cho nên sanh lên cõi trời hưởng phước.

Đức Phật dạy chúng ta: Trong nhân hạnh của mười pháp giới, đức Phật bảo, nhân của chư thiên là tu thượng phẩm Thập Thiện và tu Tứ Vô Lượng Tâm. Tứ Vô Lượng Tâm là từ, bi, hỷ, xả, Từ vô lượng, Bi vô lượng, Hỷ vô lượng, Xả vô lượng, thì khi sanh thiên, bèn có đức hạnh của chư thiên. A Tu La chỉ tu phước mà chẳng tu đức. Họ cũng tu thượng phẩm Thập Thiện, nhưng họ ganh tỵ, hiếu thắng, ngạo mạn. Họ có thể làm chuyện tốt, nhưng họ cầu danh. Ví như chúng ta thấy trong xã hội này, có những kẻ làm chuyện tốt, nhưng chẳng thể đoạn tập khí, nhất định phải cầm đầu. Ví như bỏ tiền để làm chuyện tốt, người ta bỏ ra một vạn, ta liền bỏ ra hai vạn, ta nhất định phải hơn kẻ khác. Đã hiếu thắng, lại còn ganh tỵ, [trông thấy] người khác làm chuyện tốt, kẻ ấy nhất định phải vượt trỗi người khác, chẳng thể phục người khác. Quả báo của hạng người ấy quá nửa là trong Tu La đạo.

A Tu La có bốn loại:

1) Một là sanh từ trứng, thuộc về quỷ đạo.

2) Hai là sanh bằng bào thai, thuộc về nhân đạo.

3) Ba là do biến hóa, thuộc về thiên đạo.

4) Bốn là do hơi ẩm ướt mà có, thuộc về súc sanh đạo.

Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật có nói:

1) Bậc thượng sanh thiên, là Thiên A Tu La.

2) Bậc trung là trong nhân gian, tức A Tu La thuộc về loài người, giống như Hy Đặc Lặc (Hitler), Sử Đạt Lâm (Stalin), hoặc quân phiệt Nhật Bản, phước báo chẳng khác đế vương trong nhân gian, nhưng hết sức tàn khốc, tâm sân hận rất nặng!

3) [Bậc hạ thì như] rắn độc, thú dữ, tánh tình rất hung tợn, chính là A Tu La trong loài súc sanh. Trong quỷ đạo cũng có A Tu La, chúng ta thường nói là ngạ quỷ.

Cũng có quỷ thiện lương. Theo ghi chép trong Liêu Trai Chí Dị, Tử Bất Ngữ[1], hoặc Duyệt Vy Thảo Đường Bút Ký[2], có rất nhiều con quỷ rất tốt. Kinh thường nói đến lục đạo, chính là [đối với A Tu La trong các đường] nhân đạo, súc sanh đạo, ngạ quỷ đạo đều chẳng nói tới, [bởi lẽ] nhân A Tu La gộp trong loài người, súc sanh A Tu La gộp trong súc sanh đạo, chỉ riêng Thiên A Tu La là tách ra. Vì thế, Tu La được nói trong lục đạo chính là Thiên A Tu La, coi như là thiện đạo.

          (Sao) Vấn: Tu La chí vi hung ngoan, hà năng chấp trì thánh hiệu?

          ()問:修羅至為凶頑,何能執持聖號。

(Sao: Hỏi: Tu La hết sức hung bạo, ương ngạnh, làm sao có thể chấp trì thánh hiệu cho được?)

          Xác thực là Tu La ganh tỵ, ngạo mạn, có tâm sân hận rất nặng, tâm báo thù rất mạnh. Đó là đặc tánh của loài Tu La, hạng người như vậy lẽ nào chịu niệm Phật cho được? Lẽ nào họ sẽ chịu phát nguyện cầu vãng sanh?

          (Sao) Đáp: Quỷ súc thượng giải quy y, Tu La khởi bất tín thọ? Bất văn Thế Chủ Diệu Nghiêm phẩm, chư Tu La đẳng, các đắc giải thoát môn hồ?

          ()答:鬼畜尚解歸依,修羅豈不信受?不聞世主妙嚴品,諸修羅等,各得解脫門乎。

(Sao: Đáp: Quỷ và súc sanh còn biết quy y, lẽ nào Tu La chẳng tin nhận? Chẳng nghe trong phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm [của kinh Hoa Nghiêm], các loài như Tu La v.v… ai nấy đều đắc các môn giải thoát ư?)

          Ác nhân tuy nhiều, nhưng ác nhân có thể quay đầu [hướng thiện] cũng chẳng ít! Do vậy, thuở đức Phật giảng kinh, thuyết pháp trên cõi trời, hoặc trong nhân gian, có lúc A Tu La cũng đến nghe, bị cảm động sâu đậm, sửa lỗi, đổi mới rất nhiều! Trong tám bộ quỷ thần của Phật môn, trong các vị thần hộ pháp còn có A Tu La. Đó là những người đã quy y Phật pháp, bằng lòng làm hộ pháp cho đức Phật. Làm hộ pháp cho đức Phật, quý vị ngẫm xem: Họ có niệm Phật hay không? Nhất định là họ sẽ niệm Phật, nhất định là sẽ cầu sanh Tịnh Độ. Hết thảy ác quỷ, ác thần, cho đến loài súc sanh, đều biết quy y, quy y Tam Bảo, biết tu hành, thường là cũng có rất nhiều người đạt thành tựu.

Đối với những người như vậy, nếu chúng ta truy cứu nguyên nhân, sẽ chẳng khó lý giải. Trong đời trước, A Tu La chưa chắc là A Tu La. Trong đời quá khứ, họ đã đời đời kiếp kiếp ở trong cõi trời, người, huân tập thiện căn cũng rất sâu dầy, bất quá là do một niệm tâm sân khuể, bèn đọa vào A Tu La đạo. Chuyện là như vậy đó. Nói chung, những kẻ ở trong ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh mà có thể đắc độ, đều là do trong đời quá khứ, đã tu học có cơ sở Phật pháp rất sâu trong cõi trời, người. Khi thiện căn phát hiện, do chẳng được làm thân người, đang làm thân súc sanh, hoặc làm thân ngạ quỷ, trong khi mang những thân ấy, thiện căn phát hiện. Phật, Bồ Tát từ bi, “trong cửa nhà Phật, chẳng bỏ một ai”. Bất luận quý vị đang đọa trong đường nào, chỉ cần quý vị có một niệm hướng thiện, tức là thiện căn hiện tiền, Phật, Bồ Tát nhất định đến độ quý vị, chẳng bỏ sót một ai! Một niệm thiện tâm dấy động bèn có thể cảm động chư Phật, Bồ Tát. Chư Phật, Bồ Tát lập tức ứng hiện. Chuyện là như thế đó!

          (Sao) Kim xử nhân luân, mạo nhiên vô tín giả, lương khả quái dã.

          ()今處人倫,邈然無信者,良可怪也。

(Sao: Nay được làm thân người, lại coi rẻ, chẳng tin, thật là đáng trách).

          Đây là lời cảm thán của Liên Trì đại sư. Nay chúng ta được làm thân người, được làm người đúng là chẳng dễ dàng! “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Chúng ta xem những điều được ghi chép trong bút ký hoặc tiểu thuyết của cổ nhân, có nhiều câu chuyện chân thật, chẳng phải là hư cấu. Trong bút ký hoặc tiểu thuyết, thường nhắc đến “hồ tiên”. Hồ ly (cáo) là súc sanh, rất thông minh, biết tu hành. Nếu nó muốn tu luyện cái thân súc sanh thành thân người, phải tu năm trăm năm. Hồ ly thấy loài người chúng ta vừa đầu thai bèn có thân người, chúng nó hết sức hâm mộ! Súc sanh đạo biết: Sau khi đã được thân người thì mới có thể tu hành chứng quả. Nay chúng ta đã được làm thân người, lại ngược ngạo chẳng biết tu hành, quá đáng tiếc! “Mạo nhiên bất tín” (Coi thường, chẳng tin), chúng ta hoàn toàn chẳng thể tiếp nhận, chẳng thể tin tưởng pháp môn này, rất kỳ quái, “lương khả trách dã” (đúng là đáng trách)! Thật ra, chuyện này cũng có nguyên nhân, [tức là] nghiệp chướng và nghiệp lực đã chướng ngại Tín Căn của chúng ta.

          Nghiệp hết sức phức tạp, chủng loại quá nhiều! Đức Phật thuyết pháp đã quy nạp nghiệp lực quá nhiều và phức tạp thành hai loại lớn: Một loại là Phiền Não Chướng, loại kia là Sở Tri Chướng.

1) Sở Tri Chướng là gì? Nay chúng ta thường gọi nó là “thành kiến”, thành kiến quá sâu! Vừa nghe nói tới tôn giáo, [liền vơ đũa cả nắm], tôn giáo đều là mê tín. Căn bản là chẳng hề nghiên cứu, [dùng ngay] một câu “mê tín” để gạt phắt. Đấy là Sở Tri Chướng, tức là một thứ thành kiến rất sâu!

2) Loại kia là phiền não. Tâm kẻ ấy buồn phiền, lắm vọng tưởng, lắm tạp niệm, nghe [giảng pháp môn Tịnh Độ] chẳng thể lọt tai được!

Nói chung, chẳng ngoài hai loại chướng ngại lớn ấy, khiến cho tín tâm của chúng ta bị ngăn ngại. Có những người suốt đời chẳng tin, đến khi lâm chung bèn tin tưởng, chính là vì tới khi ấy, chướng ngại nhẹ bớt, người ấy có thể tiếp nhận. Đối với những kẻ có nghiệp chướng ấy, chúng ta phải có trí huệ quan sát, phải có lòng nhẫn nại chờ đợi. Chớ nên nóng ruột, hễ có duyên, kẻ ấy sẽ quay đầu. Chuyện này đòi hỏi chúng ta phải có trí huệ, phải có phương tiện thiện xảo để giúp đỡ những người ấy, khiến cho người ấy dần dần thông hiểu, lý giải, sẽ lại bắt đầu khẳng định Phật pháp, biết là trong quá khứ đã nhìn sai, đã hiểu lầm!

          (Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh cứu cánh viên mãn, thị Phật thuyết kinh dĩ nghĩa.

          (Diễn) Cứu cánh viên mãn, thị thuyết kinh dĩ giả, nhược ngôn Như Lai tương bãi pháp tọa, vi thuyết kinh dĩ, thử văn tự giáo kinh, phi tự tánh chân kinh dã. Tự tánh chân kinh, tắc thủ vĩ viên chiếu, vô khiếm, vô dư, vị triệu đương cơ, thuyết pháp dĩ cánh.

()稱理,則自性究竟圓滿,是佛說經已義。

()究竟圓滿。是說經已者。若言如來將罷法座。為說經已。此文字教經。非自性真經也。自性真經。則首尾圓照。無欠無餘。未召當機說法已竟。

(Sớ: Xứng Lý thì tự tánh rốt ráo viên mãn chính là ý nghĩa “Phật đã nói kinh xong”.

Diễn: “Rốt ráo viên mãn chính là nói kinh đã xong”: Nếu nói đức Như Lai sắp giải tán pháp hội là “nói kinh đã xong”, đấy là dạy kinh theo phương diện văn tự, chẳng phải là chân kinh trong tự tánh. Chân kinh trong tự tánh thì đầu đuôi chiếu soi trọn vẹn lẫn nhau, chẳng thiếu, chẳng thừa, chưa vời kẻ đương cơ đến mà đã thuyết pháp xong xuôi).

           “Dĩ” (已) là đã nói viên mãn, nói xong xuôi. Tự tánh rốt ráo viên mãn chính là ý nghĩa “Phật thuyết kinh dĩ” (đức Phật nói kinh xong xuôi).

          (Sớ) Tự tánh châu biến hàm dung, thị nhất thiết thế gian nghĩa.

          (Diễn) Châu biến hàm dung nhất thiết thế gian nghĩa giả, nhược vân thiên long bát bộ vi nhất thiết thế gian, thử hữu tình thế gian, phi chánh giác thế gian dã. Chánh giác thế gian, phàm thánh cai la, thiên túc, vạn túc, vị kích kiền chùy, nhân thiên tất tập.

          ()自性周遍含容,是一切世間義。

     ()周遍含容一切世間義者。若云天龍八部。為一切世間。此有情世間。非正覺世間也。正覺世間。凡聖該羅千足萬足。未擊犍槌人天畢集。

          (Sớ: Tự tánh bao hàm trọn khắp, chính là ý nghĩa của “hết thảy thế gian”.

Diễn: “Bao hàm trọn khắp là ý nghĩa hết thảy thế gian”: Nếu bảo trời, rồng, tám bộ là hết thảy thế gian, đấy chính là hữu tình thế gian, chẳng phải là chánh giác thế gian. Chánh giác thế gian thì phàm thánh bao trùm, ngàn phần, vạn phần trọn vẹn, chưa đánh kiền chùy mà trời, người đã nhóm họp đông đủ).

          “Nhất thiết thế gian” cũng chính là y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới như trong Phật pháp thường nói. Mười pháp giới rốt cuộc ở chỗ nào? Có phải là thuộc trong thời gian và không gian như chúng ta hay nói trong hiện thời hay chăng? Nếu bảo là thời gian và không gian như hiện thời hay nói, [mười pháp giới sẽ] nhất định thuộc trong thế giới Sa Bà này (thế giới Sa Bà là một đại thiên thế giới. Trong một đại thiên thế giới có mười ức đơn vị thế giới, cũng chính là mười ức hệ Ngân Hà. Tây Phương Cực Lạc thế giới ở về phía Tây của thế giới Sa Bà, cách xa nhau mười vạn ức đại thiên thế giới). Đấy là cách nghĩ của chúng ta. Cách nghĩ ấy tuyệt đối chẳng chánh xác. Nói thật ra, nay chúng ta nói đến thời gian và không gian vô tận, đều là [những cảm nhận] xuất hiện trong không gian ba chiều (chiều dài, chiều rộng, chiều cao). Tối đa là không gian bốn chiều như ông Ái Nhân Tư Thản (Einstein) đã nói, tức là kể thêm thời gian [thành chiều thứ tư], chúng ta sống trong ấy. Tây Phương Cực Lạc thế giới khác hẳn không gian chúng ta đang sống. Nó là một không gian khác, chúng ta nói là không gian năm chiều, không gian sáu chiều, không gian bảy chiều, không gian tám chiều, cho đến không gian vô hạn chiều. Rốt cuộc, Tây Phương Cực Lạc thế giới có bao nhiêu chiều? Chúng ta chẳng biết! Đấy là hoán chuyển không gian.

Nói thật ra, trong khi chúng ta tỉnh táo thì là một không gian, khi nằm mộng thì cảnh trong mộng lại là một không gian khác nữa. Thời gian và không gian trong cảnh mộng chắc chắn chẳng giống như thời gian và không gian trong khi chúng ta đang tỉnh táo. Đối với “nhất thiết thế gian”, dùng ngay chuyện này để giải thích, mọi người sẽ dễ hiểu, mới biết tự tánh đúng là bao dung trọn khắp. Tự tánh có thể biến hiện không gian vô hạn chiều. Đó chính là phạm vi hoạt động của chính chúng ta. Phạm vi ấy quá lớn, rộng lớn không có ngằn mé. Đó là ý nghĩa của “nhất thiết thế gian”. Dưới đây, Ngài lại giải thích hai ý nghĩa “cứu cánh”“châu biến”.

          (Sao) Cứu cánh, tắc thủ vĩ viên chiếu, vô khiếm, vô dư.

          ()究竟,則首尾圓照,無欠無餘。

(Sao: “Rốt ráo” là đầu đuôi chiếu soi trọn vẹn lẫn nhau, chẳng thiếu, chẳng thừa).

          Kinh Phật thường nói cảnh giới này là chẳng thể nghĩ bàn! Cảnh giới là chân thật, thực tại. “Chẳng thể nghĩ” là không có cách nào tưởng tượng. “Chẳng thể bàn”: “Bàn” là nghị luận. Chắc chắn là quý vị cũng không thể thốt lên lời nào! Quý vị nói thì chỉ có thể nói phần nào, chứ chẳng có cách nào nói toàn thể. Quý vị nghĩ thì cũng chỉ là vài phần của nó. Nói cách khác, ngôn ngữ và tư tưởng đều có phạm vi, đều có ngằn hạn, mà Thể và Dụng của tâm tánh chẳng có chừng hạn. Toan dùng sự tư duy, tưởng tượng, ngôn ngữ có ngằn hạn để liễu giải Thể và Dụng của tâm tánh chẳng có phạm vi thì sẽ chẳng thể được. Chuyện này chỉ có thể thật chứng. Quý vị đã chứng đắc, vẫn là chẳng nói nên lời y như cũ, nhưng xác thực là đã nhập cảnh giới này. Hàng Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo đã chứng đắc một phần. Đó là ít phần, chưa thể chứng đắc viên mãn. Đẳng Giác Bồ Tát vẫn còn thiếu một phần thì mới có thể viên mãn.

Từ hết thảy các kinh Đại Thừa, chúng ta đã thấy: Bồ Tát tu chứng gian nan, vất vả! Do đó, Văn Thù và Phổ Hiền còn phải phát nguyện cầu sanh thế giới Cực Lạc, còn mong thân cận A Di Đà Phật. Vì sao? Trong thế giới Cực Lạc, viên chứng dễ dàng. Trong thế giới Hoa Tạng, viên chứng khó khăn lắm! Vì Văn Thù và Phổ Hiền là đệ tử của Hoa Tạng thế giới Tỳ Lô Giá Na Phật, nếu viên thành Phật quả trong thế giới Hoa Tạng dễ dàng giống hệt như trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, các Ngài lại cần gì phải cầu sanh Tịnh Độ? Các Ngài mong mỏi cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta bèn hiểu: Nhất định là do Hoa Tạng khó khăn, Tịnh Độ dễ dàng, các Ngài mới chịu đi. Các Ngài vãng sanh, thầy các Ngài là Tỳ Lô Giá Na Phật còn rất tán thành, chẳng ngăn trở, chứng tỏ: Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, thành một vị Phật viên mãn rốt ráo dễ dàng!

Nay chúng ta hy vọng trong lúc còn sống cũng giống như Văn Thù và Phổ Hiền sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, Văn Thù, Phổ Hiền sẽ cùng A Di Đà Phật mở đại hội hoan nghênh. Khi phát biểu, Văn Thù và Phổ Hiền nhất định sẽ bội phục quý vị năm vóc sát đất. Vì sao? Các Ngài tu vô lượng kiếp, đến được thế giới Hoa Tạng, cuối cùng mới đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, đi vòng một quãng to như thế, chịu lắm nỗi khổ ngần ấy. Quý vị quá may mắn, làm sao mà ngay trong phút chốc bèn tới đó, lẽ đâu các Ngài chẳng bội phục cho được? Thật sự bội phục! Chư vị phải đọc thông thuộc kinh Đại Thừa. Đọc kinh Đại Thừa nhiều, quý vị mới biết sự thù thắng của Tây Phương. Tất cả hết thảy chư Phật, chẳng có vị Phật nào không tán thán, chẳng có vị Phật nào không khuyên kẻ khác niệm Phật vãng sanh. Chẳng có vị Bồ Tát nào cuối cùng không trở về Cực Lạc. Quý vị ắt phải đọc nhiều, quan sát tỉ mỉ thì mới hiểu rõ, mới chẳng hoài nghi.

          (Sao) Châu biến, tắc phàm thánh cai la, thiên túc, vạn túc.

          ()周遍,則凡聖該羅,千足萬足。

(Sao: “Trọn khắp” là bao trùm phàm thánh, muôn ngàn trọn vẹn).

         Phàm” là lục phàm, “thánh” là tứ thánh. “Cai la” (該羅: bao trùm): chẳng phải là tứ thánh lục phàm trong một tam thiên đại thiên thế giới, mà là hết thảy thế gian, hết thảy các cõi Phật trong tận hư không, khắp pháp giới. Đích xác là vô lượng vô biên, viên mãn trọn đủ, chẳng có mảy may khiếm khuyết nào! Từ hai câu này, chúng ta liền thấu hiểu Tánh Đức rốt ráo viên mãn. Tánh Đức là bản năng (năng lực sẵn có) của chính mình. Hư không pháp giới đều do tự tánh biến hiện. Người đã kiến tánh, đối với sự chuyển biến không gian bèn tự tại. Kẻ chưa kiến tánh, chẳng có cách nào vượt thoát không gian. Hễ kiến tánh, sẽ vượt thoát.

          (Sao) Như thị kinh giả, vị hô Thân Tử, dĩ tất toàn văn.

          ()如是經者,未呼身子,已畢全文。

(Sao: “Kinh như thế”: Chưa gọi ngài Xá Lợi Phất, toàn bộ kinh văn đã nói xong).

          Chúng ta phải hiểu đạo lý này, phải liễu giải chân tướng sự thật. Thích Ca Mâu Ni Phật tuy chẳng nói một câu nào, chẳng cần gọi ngài Xá Lợi Phất, đức Phật đã nói kinh viên mãn, cần gì phải có sự viên mãn nơi hình thức nữa? Vì sao? Viên mãn trong mỗi niệm, chẳng có niệm nào không viên mãn. Há cần phải chờ tới khi gọi ngài Xá Lợi Phất thì mới viên mãn ư? Ý nghĩa này hết sức sâu. Kế đó, Ngài lại nêu hai tỷ dụ. Từ tỷ dụ, chúng ta sẽ có ấn tượng càng sâu đậm hơn, nhưng phải chú tâm lãnh hội.

          (Sao) Hựu hà đãi Diệu Thủ bạch chùy, Song Lâm phủ xích.

          ()又何待妙首白槌,雙林撫尺。

(Sao: Há lại còn đợi ngài Diệu Thủ thỉnh chuông, xướng bạch, ngài Song Lâm vỗ xích[3]).

          Hai câu này là hai điển cố, tức chuyện cũ. “Chùy” (槌) là kiền chùy (楗槌)[4]. Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh, thuyết pháp, người gõ chuông là ngài Diệu Thủ. Diệu Thủ là Văn Thù Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát làm duy-na.

          (Diễn) Diệu Thủ bạch chùy giả, Thế Tôn nhất nhật thăng tòa, Văn Thù bạch chùy vân: “Đế quán Pháp Vương pháp, Pháp Vương pháp như thị”. Thế Tôn tiện hạ tòa.

          ()妙首白槌者,世尊一日升座,文殊白槌云:諦觀法王法,法王法如是。世尊便下座。

(Diễn: “Diệu Thủ bạch chùy”: Một ngày nọ, đức Thế Tôn thăng tòa. Ngài Văn Thù thỉnh chuông, xướng: “Hãy quán kỹ pháp của đấng Pháp Vương, pháp của đấng Pháp Vương như thế đó”. Đức Thế Tôn liền bước xuống khỏi tòa).

           Có một hôm, Văn Thù Bồ Tát cao hứng, biểu diễn một phen. Đức Phật bước lên giảng đài, sắp thuyết pháp cùng mọi người. Đức Phật lên tòa, ngồi xuống. Văn Thù Bồ Tát liền thỉnh một tiếng chuông, nói hai câu sau đây: “Hãy quán kỹ pháp của đấng Pháp Vương, pháp của đấng Pháp Vương là như thế”. Thích Ca Mâu Ni Phật liền bước xuống, đã thuyết pháp xong. Đức Phật chẳng nói, mọi người cũng chẳng nghe. Đức Phật chẳng nói, mà đã nói viên mãn, nói viên mãn rốt ráo. Mọi người chẳng nghe, mà đã nghe viên mãn.

Nói theo phía chúng ta, phương thức ấy khiến cho chúng ta ngơ ngác! Đối với người minh tâm kiến tánh, như trong phần trước đã nói Xứng Lý, xác thực là “chẳng nói mà nói”. Có nói thì chỉ có thể nói một vài phần, hạn cuộc! Chẳng nói bèn viên mãn. Có nghe thì quý vị cũng nghe cục bộ, nghe được chút ít. Không nghe chính là nghe viên mãn! Đấy mới là viên mãn rốt ráo! Đại Trí Văn Thù Bồ Tát thông hiểu, Ngài gõ chuông để nhắc nhở đại chúng. Đấy chính là “không nói mà là thật sự nói, không nghe mà là thật sự nghe”, nhưng đối với lũ phàm phu chúng ta, cách ấy vô dụng. Đức Phật dạy chúng ta học bằng cách ấy sẽ chẳng được! Trình độ của chúng ta quá kém cỏi, đấy là cách dạy học cao cấp nhất. Thời cổ, pháp sư thăng tòa giảng kinh. Sau khi đã giảng kinh xong, bèn vỗ xích một cái, vị duy-na ở phía dưới, sau khi gõ chuông một tiếng, bèn bạch hai câu ấy: “Đế quán Pháp Vương pháp, Pháp Vương pháp như thị”. Hiện thời, nghi thức giảng kinh như vậy chẳng còn nữa.

          (Diễn) Song Lâm phủ xích, Lương Vũ Đế thỉnh Phó đại sĩ giảng Kim Cang kinh, đại sĩ thượng tòa, phủ xích nhất hạ. Đế ngạc nhiên, Chí Công vấn vân: “Bệ hạ hoàn hội phủ?” Đế viết: “Bất hội!” Chí Công vân: “Đại sĩ giảng kinh cánh”.

     ()雙林撫尺,梁武帝請傅大士講金剛經,大士上座撫尺一下,帝愕然,誌公問云:陛下還會否?帝曰不會。誌公云:大士講經竟。

(Diễn: “Song Lâm vỗ xích”: Lương Vũ Đế thỉnh Phó đại sĩ[5] giảng kinh Kim Cang, đại sĩ lên tòa, vỗ xích một cái. Vua ngạc nhiên, Chí Công hỏi: “Bệ hạ vẫn chưa hiểu ư?” Vua nói: “Không hiểu”. Chí Công bảo: “Đại sĩ đã giảng kinh xong”). 

          Sau khi Phó đại sĩ thăng tòa, Ngài vỗ phủ xích lên bàn một cái rồi bước xuống tòa. Lương Vũ Đế chẳng hiểu, chẳng biết đầu cua, tai nheo ra sao: “Trẫm mời ông ta giảng kinh Kim Cang, cớ sao vừa lên đài, gõ bàn một cái rồi đi xuống vậy?” Ngài Bảo Chí Công ở bên cạnh thông hiểu, người khác chẳng hiểu! Bảo Chí Công bèn hỏi Lương Vũ Đế: “Bệ hạ có hiểu hay không?” Lương Vũ Đế đáp: “Chẳng hiểu”. Bảo Chí Công nói: “Phó đại sĩ đã giảng kinh Kim Cang xong rồi!”

          (Sao) Nhiên hậu danh vi thuyết pháp cánh dã.

          ()然後名為說法竟也。

(Sao: Sau đấy mới gọi là thuyết pháp đã xong).

          Ngài Văn Thù biểu diễn một phen, Phó đại sĩ biểu diễn một phen, Liên Trì đại sư thuyết: “Dư thừa quá! Chẳng cần biểu diễn, thuyết pháp đã xong, cần gì phải đợi đến lượt biểu diễn ấy?” Do vậy, hiểu điều gì? Tự tánh rốt ráo viên mãn, rốt ráo không chỉ là thuyết pháp đã xong, mà là hết thảy đều là đại viên mãn, chẳng có pháp nào không viên mãn. Nói viên mãn, nghe viên mãn, tín viên mãn, giải viên mãn, tu viên mãn, chứng viên mãn, chẳng có gì không viên mãn. Đó gọi là “đại viên mãn”. Cần gì nói năng? Cần gì biểu diễn? Đều chẳng cần, đã xứng tánh, đã đạt đến viên mãn rốt ráo!

          (Sao) Thị cố thăng đường, nhập thất, đại chúng vô tăng, cổ tịch, chung trầm, nhân thiên bất giảm.

          ()是故升堂入室,大眾無增;鼓寂鐘沉,人天不減。

(Sao: Do vậy, thăng đường, nhập thất, đại chúng chẳng tăng, trống lặng, chuông im, trời người chẳng giảm).

          Chúng ta thường đọc Tâm Kinh, đọc thấy câu “bất tăng, bất giảm”, bất tăng, bất giảm là nói về Tánh Đức viên mãn trong bản tánh. Có tăng, có giảm, sẽ chẳng viên mãn. Vì sao? “Có tăng, có giảm” là hai pháp. Lục Tổ nói: “Hai pháp chẳng phải là Phật pháp”. Phật pháp là pháp bất nhị. Có sanh, có diệt, sanh diệt là hai pháp; có thường, có đoạn, thường đoạn là hai pháp; có chân, có vọng, chân vọng là hai pháp. “Hai” là pháp thế gian, chẳng phải là Phật pháp; “một” mới là Phật pháp. Trong “một” bèn hoàn toàn bao quát viên dung, đó là Phật pháp, hiển thị tự tánh rốt ráo viên mãn. Nơi sự tướng, người thật sự biết dụng công “lịch sự luyện tâm” (trải qua sự việc để luyện tâm trong cuộc sống hằng ngày), “lịch” (歷) là trải qua, trải qua sự tướng để luyện tâm, luyện cái tâm gì? Luyện chẳng phân biệt, không chấp trước, không khởi tâm, không động niệm, luyện chuyện này. Thật sự luyện thành, tự tánh hiển lộ viên mãn, hiểu rành mạch, rõ ràng cảnh giới bên ngoài, chiếu kiến! Trong thì chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước, người ấy thật sự hạnh phúc, thật sự tự tại. Vì sao? Người ấy chẳng có phiền não, chẳng có ưu lự.

Tất cả hết thảy phiền não do đâu mà có? Từ phân biệt, chấp trước mà có. Vì sao bảo quý vị đừng phân biệt, đừng chấp trước? Kinh Kim Cang nói rất hay: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Phân biệt là sai, chấp trước cũng là trật, vọng tưởng cũng sai luôn. Chỉ cần khởi tâm động niệm thì đều sai lầm. Trong cảnh giới, chỉ cần quý vị chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước, đó là đúng, hoàn toàn đúng! Chỗ khác biệt giữa chư Phật, Bồ Tát và phàm phu là ở ngay chỗ này. Trong hết thảy các thọ dụng, tâm các Ngài thanh tịnh, bình đẳng. Tựa đề kinh Vô Lượng Thọ là “thanh tịnh, bình đẳng, giác”. Tâm Ngài thanh tịnh, bình đẳng, giác là thứ gì cũng đều hiểu rõ. Chẳng có gì không hiểu rõ. Không chỉ là hiểu rõ hiện tiền, mà còn hiểu rõ quá khứ, hiểu rõ vị lai, hết thảy đều hiểu rõ. Năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử là học gì? Là “lịch sự luyện tâm”. Bất luận cảnh giới nào, hoàn cảnh nhân sự lẫn hoàn cảnh vật chất đều trải nghiệm; luyện chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước trong ấy. Đó là thật sự dụng công.

          (Kinh) Văn Phật sở thuyết, hoan hỷ tín thọ, tác lễ nhi khứ.

          (Sao) Hoan hỷ giả, khánh sở văn cố.

          ()聞佛所說。歡喜信受。作禮而去。

          ()歡喜者,慶所聞故。

(Kinh: Nghe lời Phật dạy, hoan hỷ, tin nhận, làm lễ rời đi.

Sớ: Hoan hỷ là vui mừng với những điều được nghe).

          Đây là đại pháp bậc nhất, rất sâu, vô thượng, cơ hội được nghe chẳng nhiều. Người ấy đã gặp nhân duyên hết sức hy hữu, mừng rỡ may mắn dường ấy. Do vậy, nghe nói bèn hoan hỷ, đúng là vô lượng hoan hỷ.

          (Sớ) Tín thọ giả, lãnh sở văn cố.

          ()信受者,領所聞故。

          (Sớ: “Tin nhận” là nhận lãnh những điều đã nghe).

          “Tín” (信) là nghe xong tin tưởng, chẳng hoài nghi; “thọ” (受) là tiếp nhận. Những điều đức Phật đã nói, ta đều tin tưởng, ta đều có thể tiếp nhận.

          (Sớ) Tác lễ giả, trọng sở văn cố.

          ()作禮者,重所聞故。

          (Sớ: “Làm lễ”: Tôn trọng những điều đã nghe).

          Tôn sư trọng đạo. Vì sao tôn kính thầy dường ấy? Vì trọng đạo, thầy truyền dạy đạo cho chúng ta. Chúng ta trọng đạo, biểu lộ lòng cảm ơn thầy.

          (Sớ) Khứ giả, văn dĩ tắc thoái nhi tu trì dã, diệc tiền tam tư lương cập Tam Huệ dã.

          ()去者,聞已則退而修持也,亦前三資糧及三慧也。

(Sớ: “Rời đi”: Nghe xong bèn lui về tu trì, cũng là ba tư lương và Tam Huệ đã nói trong phần trước).

          “Khứ” (去) chẳng phải là rời khỏi giảng đường là hết chuyện, là đã xong. Phải nghiêm túc tu hành. Tam Tư Lương là Tín, Nguyện, Hạnh. Tam Huệ là Văn Huệ, Tư Huệ, Tu Huệ, những thứ ấy thảy đều trọn đủ.

          (Sao) Khánh sở văn giả, đa kiếp phiêu linh, chánh dĩ vị văn thử pháp, kim tri trì danh vãng sanh, khả vị trầm kha chẩm tịch, hốt ngộ thần phương, cửu khách tha hương, sạ văn gia tín, hân hạnh bất thắng, cố vân khánh dã.

()慶所聞者,多劫飄零,正以未聞此法,今知持名往生,可謂沈疴枕席,忽遇神方,久客他鄉,乍聞家信,欣幸不勝,故云慶也。

(Sao: “Mừng vui vì những điều đã được nghe”: Nhiều kiếp lênh đênh, chính vì chưa được nghe pháp này, nay biết trì danh vãng sanh, có thể nói là đang mắc bệnh trầm trọng, nằm bẹp trên giường, chợt gặp toa thuốc thần diệu, lưu lạc đất khách lâu ngày, chợt được nghe tin nhà, mừng rỡ khôn cùng. Vì thế nói là “vui mừng”).

          Đối với mấy câu này, nếu có ai đã từng gặp gỡ [cảnh ngộ giống như] trong tỷ dụ, sẽ thấu hiểu phần nào ý vị ấy. Nếu không, vẫn là rất khó lãnh hội. Ba câu đầu [trong đoạn Sao trên đây] là lời chân thật ngữ. “Đa kiếp” là vô lượng kiếp, “phiêu linh” (飄零: lênh đênh, trôi giạt) là sanh tử luân hồi, lưu lạc trong lục đạo, chúng ta hiện thời đúng là như vậy. Chính mình lắng lòng suy nghĩ đôi chút, nay chúng ta ở trong thế gian này, xác thực là không nơi nương tựa, hễ một hơi thở ra, chẳng hít vào được, sẽ là sang đời sau. Đức Phật dạy: “Nhân mạng tại hô hấp chi gian” (Mạng người ở trong hơi thở). Bất cứ ai ở trong tam giới cũng đều chẳng có bảo đảm, đều không có nơi nương cậy, bị nghiệp lực dắt dẫn. Cái thân trong tam giới lục đạo là thân nghiệp báo. Tạo thiện nghiệp, đắc thiện quả, ba thiện đạo gọi là thiện quả. Tạo tác ác nghiệp, sẽ mắc ác báo. Ba ác đạo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, được gọi là “ác báo”.

Nghiệp có hai loại:

1) Ví như nay mọi người đều biết [cái nghiệp khiến cho] chúng ta được làm thân người, đến đầu thai trong nhân đạo, được gọi là Dẫn Nghiệp (引業). Nó dẫn dắt quý vị đến đầu thai trong nhân gian, nghiệp này của chúng ta giống nhau, cho nên [ai nấy] đều được làm thân người.

2) Tuy được làm thân người, chúng ta thọ dụng khác nhau, trạng huống thân thể khác nhau, điều kiện sống khác nhau, thọ mạng dài hay ngắn khác nhau; đó gọi là Mãn Nghiệp (滿業). Người thế gian truy cầu phú quý, thông minh, trí huệ, khỏe mạnh, sống lâu, những điều này đều thuộc về quả báo của Mãn Nghiệp.

Người biết cầu sẽ cầu được; người chẳng biết cầu, sẽ cầu chẳng được! Người biết cầu bèn cầu nơi nhân, ta gieo nhân, sau này sẽ có quả báo. Kẻ chẳng biết cầu, bèn cầu nơi quả, làm sao có thể thành tựu cho được?

Đức Phật dạy chúng ta: Người tu Tài Bố Thí được quả báo giàu có, tu Pháp Bố Thí được thông minh, trí huệ, tu Vô Úy Bố Thí được khỏe mạnh, sống lâu. Đức Phật đã vì chúng ta chỉ ra nhân duyên của ba loại quả báo ấy; nếu chúng ta thật sự hiểu rõ, có thể lý giải, tu từ nơi đó, sẽ đạt được quả báo. Trong ba đại cương lãnh do đức Phật đã giảng ấy, [nhân duyên] trong ấy còn hết sức phức tạp, quả báo đạt được cũng rất phức tạp. Những điều ấy đều đòi hỏi phải có trí huệ cao độ thì mới có thể phân biệt. Tối thiểu là phải giống như phương pháp do thiền sư Vân Cốc đã dạy ông Viên Liễu Phàm, [phương pháp ấy] có chép trong Liễu Phàm Tứ Huấn! Nếu chư vị muốn đạt được phước báo hiện tiền trong nhân gian, đọc Liễu Phàm Tứ Huấn là đủ rồi, nó có thể thỏa mãn nguyện vọng của quý vị. Nhưng quý vị nhất định phải đọc thông thuộc, thấu triệt sách ấy, thật sự lý giải, quý vị mới biết tu. Vì sao? Ví như tu bố thí, ta mong tu phước, tu phú quý, đến đâu để bố thí? Đối tượng để bố thí là gì? Nếu đối với kẻ ác làm ác, ta bố thí rất nhiều tiền của giúp đỡ kẻ đó làm ác, quý vị còn có thể mong đạt được quả báo tốt lành ư? Chẳng thể nào! Kẻ đó làm ma vương, quý vị sẽ làm ma con, ma cháu. Kẻ đó đọa trong địa ngục A Tỳ, quý vị đọa trong biên địa ngục[6], vì tội của quý vị nhẹ hơn kẻ ấy đôi chút. Đó gọi là “đui dẫn mù”, thảy đều phải rơi vào hố lửa.

Do vậy, có thể biết, chúng ta mong bố thí tu phước, nhất định phải phân biệt: Đó có phải là phước điền thật sự hay không? Chúng ta muốn làm chuyện tốt, đó có phải là chuyện tốt thật sự hay không? Nhìn bề ngoài là chuyện tốt, trên thực tế, chưa chắc! Tình hình như vậy rất nhiều. Nhất là trong xã hội hiện thời, kẻ giả mạo đông lắm, quý vị nhất định phải có năng lực phân biệt. Phước điền ấy rốt cuộc là thật hay giả? Nếu chẳng có năng lực phân biệt, nói thật ra, cứ ở nhà, thật thà niệm Phật, chắc chắn sẽ chẳng tạo tội nghiệp. Trí huệ chưa khai, hãy đọc kinh, tu cái tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh bèn khai trí huệ. Đọc kinh, niệm Phật nhằm tu cái tâm thanh tịnh. Huống hồ kinh dạy: “Tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh”, mục tiêu cuối cùng của chúng ta là cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhất định phải đạt được trong một đời này. Vì thế, nhiều kiếp trôi giạt, người thật sự học Phật, chẳng cầu phú quý trong nhân gian, vì chuyện ấy chẳng phải là thứ tốt đẹp, tuyệt đối chẳng phải là chuyện tốt đẹp. Do vậy, phú quý, thông minh, cho đến khỏe mạnh, sống lâu, thảy đều chẳng mong mỏi, ta chỉ cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới.

          Do nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ chẳng nghe pháp môn này, cho nên hứng chịu những thứ khổ báo ấy trong luân hồi. Nay nghe, biết “trì danh vãng sanh”, biết phương pháp ấy có thể giúp ta vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, quý vị nói xem: Hoan hỷ quá chừng! Còn có chuyện gì đáng hoan hỷ hơn chuyện này? Nay cho quý vị làm đại tổng thống của cả thế giới, cũng chẳng hoan hỷ bằng chuyện này! Vì có được điều đó (làm đại tổng thống) thì vẫn phải sanh tử, vẫn phải luân hồi, còn do chuyện này, sẽ thật sự vĩnh viễn thoát khỏi lục đạo luân hồi, xác thực là chẳng có chuyện gì trong thế gian có thể sánh bằng chuyện này (trì danh vãng sanh), quá ư may mắn! Tiếp đó là hai tỷ dụ:

1) Tỷ dụ thứ nhất, giống như kẻ mắc bệnh, bệnh rất nặng. Trong lúc nguy ngập, bỗng có được tiên đan, có thể lành bệnh, hồi phục như cũ. Bệnh nặng mà được cứu giúp là chuyện hoan hỷ.

2) Tỷ dụ thứ hai, “cửu khách tha hương” (lưu lạc nơi đất khách đã lâu), giống như chúng ta hiện thời có thể qua lại đôi bờ[7]. Trong quá khứ, tin tức giữa đôi bờ chẳng thông. Chúng tôi đến Đài Loan, tôi cùng người nhà đã ba mươi sáu năm chẳng có tin tức, bỗng nhiên nhận được một bức thư từ quê nhà, hoan hỷ lắm thay! “Hân hạnh bất thắng” (Mừng rỡ khôn cùng), vui sướng, mừng rỡ.

Đó chính là ý nghĩa “khánh sở văn” (mừng vui vì những điều được nghe). Chúng ta hãy suy nghĩ cặn kẽ đôi chút: Thật ra, hai tỷ dụ ấy chẳng có cách nào so sánh với tình hình nghe kinh này, chỉ có thể sánh ví phảng phất. Ở đất khách lâu ngày, vài chục năm không gặp gỡ, làm sao có thể sánh bằng nhiều kiếp luân hồi? Chẳng thể so sánh được! Vô lượng kiếp luân hồi, nay được cứu giúp, phải trân quý chuyện này. Vì thế, người thật sự liễu giải sự thật này, sẽ quý trọng nhân duyên này, sẽ hết sức nghiêm túc nỗ lực học tập, đạt được lợi ích thù thắng khôn sánh. Hôm nay, chúng tôi giảng tới chỗ này!

[1] Sách Tử Bất Ngữ còn có tên là Tân Tề Hài, là một loại tiểu thuyết bút ký do Viên Mai viết vào đời Thanh, gồm có hai mươi bốn quyển. Về sau lại có tục bản gồm mười quyển nữa. Sách hoàn thành vào năm Càn Long 53 (1788). Tên sách dựa theo một câu nói của Khổng Tử trong Luận Ngữ: “Tử bất ngữ, quái lực, bột loạn, thần quỷ” (Khổng Tử chẳng nói những chuyện kỳ dị, bạo lực, bạo loạn, quỷ thần). Đúng như tên gọi, sách sưu tập những câu chuyện kỳ quái cũng như các hiện tượng kỳ lạ mà tác giả có dịp chứng kiến, hoặc do các quan lại địa phương trình báo.

[2] Tương tự, Duyệt Vy Thảo Đường Bút Ký cũng thuộc loại đoản thiên bút ký ghi chép những chuyện kỳ quái dưới đời Thanh. Sách do Kỷ Hiểu Lam (Kỷ Quân) viết từ năm Càn Long 54 (1789) cho đến năm Gia Khánh thứ ba (1798). Sách này được Phật môn Trung Hoa đánh giá cao hơn bộ Tử Bất Ngữ vì sưu tập nhiều câu chuyện liên quan đến nhân quả báo ứng, có tác dụng khuyến thiện trừng ác rất tốt. Phạm vi câu chuyện lại rộng hơn Tử Bất Ngữ, ngoài những vùng đất thông thường tại Trung Hoa, sách còn chép cả những câu chuyện tại vùng biên cương như Ô Lỗ Tề Mộc (Urumqi), Y Ninh (tên gọi tiếng Hán của thành phố Ghulja vùng Tân Cương), Điền Kiềm (Quý Châu), hoặc những vùng đất rất xa như Nam Dương (Indonesia)…

[3] Xích (尺) là một khối gỗ nhỏ, thường làm bằng gỗ cứng, dùng để vỗ xuống bàn tạo tiếng động, gây chú ý. Do nó là một khối gỗ nhỏ, hình hộp chữ nhật, có thể nắm gọn trong bàn tay, nên còn gọi là “thủ xích”. Trong Phật môn, nó thường được để trơn, hoặc có khắc chữ Hồng (Hum) bằng tiếng Phạn, hay khắc ba chữ Phạn “Án Á Hồng” trên lưng. Các loại xích dùng trong các pháp hội Trai Đàn Chẩn Tế, Thủy Lục, hoặc Diệm Khẩu đôi khi được sơn son thếp vàng, có khắc hoa văn chung quanh. Trước khi dùng, vị chủ pháp phải niệm mật chú, quán tưởng gia trì để tẩy tịnh. Trong khi đó, Xích dùng để tuyên pháp ngữ trong giảng đường hoặc pháp hội thông thường sẽ không được sơn phết hoặc khắc vẽ cầu kỳ, thường là nhỏ hơn loại xích dùng trong Trai Đàn một tí. Trong các công đường phủ huyện, khi thẩm án, nhằm tạo hiệu quả oai nghiêm và nhanh chóng ổn định quần chúng, vị quan ngồi xử án cũng có một khối xích lớn hơn loại dùng trong Phật môn, khi gõ xuống bàn sẽ tạo nên âm thanh vang dội, khiến cho công chúng kinh sợ, im thin thít. Do vậy, khối gỗ ấy còn được gọi là Tỉnh Mộc, Hướng Mộc, hoặc Kinh Đường Mộc (những tên gọi này đều nhằm diễn tả hiệu quả của tiếng vang to mạnh đột ngột khiến quần chúng hoảng hồn, im bặt, không dám hó hé).

[4] Kiền chùy (có thuyết nói là phiên âm từ tiếng Phạn cổ) là từ ngữ dùng để chỉ chung các loại pháp khí dùng để gõ đánh làm hiệu lệnh như chuông, trống, mõ, bang (mõ dài hình con cá), linh, khánh v.v…

[5] Phó đại sĩ (497-569), tên thật là Phó Hấp, tự Huyền Phong, hiệu là Thiện Huệ đại sĩ, là người huyện Nghĩa Ô, Vụ Châu, sống vào thời Nam Bắc Triều. Ngài cùng với tổ Đạt Ma và Bảo Chí Công được người đời gọi là Lương Đại Tam Đại Sĩ (ba vị đại sĩ đời Lương). Ngài còn có các mỹ hiệu Hành Ngư đại sĩ, Song Lâm đại sĩ, Đông Dương đại sĩ, Ô Thương cư sĩ. Theo Tục Cao Tăng Truyện, Ngài thị hiện thân phận cư sĩ, mưu sinh bằng nghề đánh cá, ẩn cư tại núi Vân Hoàng, tự xưng là Song Lâm Thụ Hạ Đương Lai Giải Thoát Thiện Huệ đại sĩ, chứng đắc Thủ Lăng Nghiêm tam-muội, tuyên dương tín ngưỡng Di Lặc, có nhiều sự tích thần dị. Nghe danh, Lương Vũ Đế vời Ngài đến hỏi đạo, qua một phen vấn đáp, vua hết sức tôn trọng, kính mến. Vua đã vì Ngài sáng lập chùa Song Lâm. Cách giảng kinh của Ngài độc đáo, chứa đầy Thiền cơ. Vì thế, hai vị Bảo Chí Công và Phó đại sĩ được coi là người dọn đường cho tổ Đạt Ma hoằng dương Thiền pháp tại Trung Hoa.

[6] Biên địa ngục: Các địa ngục ở ngoài địa ngục A Tỳ.

[7] Lưỡng Ngạn: Chỉ Đài Loan và Trung Hoa Đại Lục.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *