Tập 223/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 223

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm ba mươi chín:

          (Sớ) Hựu chấp trì, tức quy mạng nghĩa.

          ()又執持,即歸命義。

(Sớ: Chấp trì lại có nghĩa là quy mạng).

                   “Quy mạng”“quy y” có ý nghĩa giống nhau.

          (Sao) Quy mạng giả, Phạn ngữ Nam-mô.

          ()歸命者,梵語南無。

(Sao: Quy mạng: Tiếng Phạn là Nam-mô).

          “Nam-mô”, thời cổ hai chữ này được đọc là Nam-mô (ná-móu), hiện thời đọc thành nam-vô (nán-wú), chúng ta phải đọc theo âm thời cổ.

          (Sao) Giải kiến tiền tự.

          ()解見前序。

          (Sao: Xem [lời giải thích chữ Nam-mô] trong phần Tự ở trước).

           Trong phần trước đã giải thích, ở đây tỉnh lược.

          (Sao) Nhược bất ủy thân quy mạng, yên năng nhất tâm chấp trì, cố nghĩa đồng dã.

          ()若不委身歸命,焉能一心執持,故義同也。

(Sao: Nếu chẳng toàn thân quy mạng, làm sao có thể nhất tâm chấp trì cho được? Vì thế, có ý nghĩa giống nhau).

          [Nam-mô và “quy mạng”] có ý nghĩa giống nhau.

          (Diễn) Nhược bất ủy thân nhị cú, vị nhược triệt kiến niệm Phật chi diệu, tắc tự nhiên bất tích hình hài, bất cố thân mạng. Thiểu hữu ái luyến chi tâm, tắc bất năng nhất tâm chấp trì dã.

()若不委身二句,謂若徹見念佛之妙,則自然不惜形骸,不顧身命。少有愛戀之心,則不能一心執持也。

(Diễn: Hai câu “nếu chẳng toàn thân…” ý nói: Nếu đã thấy thấu suốt sự mầu nhiệm của niệm Phật, sẽ tự nhiên chẳng tiếc hình hài, chẳng đoái hoài thân mạng. Nếu có chút tâm yêu luyến, sẽ chẳng thể nhất tâm chấp trì).

          Nói kiểu này là nói theo cảnh giới, mà cũng là nói đến công phu. Người biết đến ưu điểm của niệm Phật thật sự chẳng nhiều, nguyên nhân là do công phu vẫn chưa đủ; [do đó], người niệm Phật vẫn chưa thể nếm trải lợi ích chân thật. Thật sự đạt được lợi ích do niệm Phật, sẽ hiểu được ưu điểm của việc niệm Phật. Trong phần trước, chúng tôi đã từng trình bày công đức của danh hiệu cùng chư vị. Có biết công đức của danh hiệu, mới biết sự mầu nhiệm do niệm Phật. Kẻ biết sự mầu nhiệm do niệm Phật, sẽ chẳng yêu tiếc thân thể. Niệm mệt bèn nghỉ ngơi, nghỉ đã khỏe khoắn lại niệm tiếp. Sau khi đã nhập cảnh giới, thời gian nghỉ ngơi ngày càng ít, thời gian niệm Phật ngày càng dài. Đó là đạo lý nhất định. Kẻ bình phàm chưa nhập cảnh giới, [thường cảm nhận] giống như họ đang phải liều hết tánh mạng, cho rằng niệm Phật rất vất vả. Người đã nhập cảnh giới, không chỉ chẳng [cảm thấy] nhọc nhằn, mà còn biết niệm Phật có lạc thú trong ấy. Đối với thân thể của chính mình, hễ còn có “ái luyến chi tâm” (cái tâm yêu luyến), sẽ chẳng để cho mình quá sức vất vả, [sẽ cảm thấy] niệm Phật quá nhọc nhằn. Như vậy thì muốn đạt tới công phu thành phiến, đắc nhất tâm bất loạn sẽ rất khó khăn, khó khăn ở chỗ nào? Rất hiển nhiên, chúng ta có thể cảm nhận: Chính là vì đã xen tạp vọng tưởng. Vọng tưởng gì vậy? Sợ quá vất vả, sợ quá mệt mỏi. Có vọng niệm ấy xen tạp vào đó, sẽ chẳng có cách nào niệm đến mức tâm địa thanh tịnh. Sau khi đã thật sự đoạn trừ vọng tưởng thì mới thật sự có thể một mực xưng niệm, nhất tâm chuyên niệm.

          (Diễn) Cổ vân: “Giả sử cân đoạn cốt khô, ngã thử công phu quyết bất thoái chuyển”.

          ()古云:假使筋斷骨枯,我此工夫決不退轉。

(Diễn: Cổ nhân nói: “Giả sử gân đứt, xương khô, công phu này của ta quyết chẳng thoái chuyển”).

          Cổ đức nói như vậy, hàm ý: Tín tâm kiên cố, công phu tinh tấn. Vất vả đến đâu đi nữa, họ cũng chẳng bị thoái chuyển. Dụng công như thế thì công phu mới đắc lực. Khi công phu đã đắc lực, tinh thần tự nhiên phấn chấn. Vì thế, khi người ta đang giải đãi, mệt mỏi, vừa dụng công bèn ngay lập tức có thể xua tan mệt mỏi. Do vậy, người tham Thiền chẳng cần ngủ nghê. Chúng ta nói: “Lẽ nào chẳng ngủ cho được? Mệt mỏi, vất vả lắm!” Trên thực tế, khi họ mệt mỏi, nhọc nhằn, bèn tĩnh tọa nhập Định, trong một thời gian rất ngắn bèn có thể khôi phục. Công phu trong Niệm Phật Đường cũng là như vậy, khi niệm đến lúc thân thể rất mệt mỏi, rất nhọc nhằn, bèn niệm mấy câu Phật hiệu trong Niệm Phật Đường, tinh thần lại khôi phục. Thoạt nghe, chúng ta [cảm thấy] dường như là chuyện thần thoại, trên thực tế, đấy là sự thật. Nếu quý vị hỏi vì sao người ta mệt mỏi ư? Thân thể này có thể bị mệt nhọc ư? Thân thể là một cỗ máy. Quý vị thấy máy móc trong công xưởng vận hành suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ, nó có kêu mệt mỏi hay chăng? Có đòi phải nghỉ ngơi một lát hay chăng? Thân thể là một cỗ máy, cỗ máy ấy vận hành; nói thật ra, chẳng khác gì máy móc trong công xưởng, rốt cuộc vì sao bị mệt nhọc? Do vọng niệm nên nói là “mệt mỏi”, tức là vọng niệm “làm lụng lâu như thế, phải nên nghỉ chốc lát”. Tới khi đó, kẻ ấy bèn mệt mỏi, chẳng nghỉ ngơi đôi chút sẽ chẳng thể chịu nổi. Hoàn toàn là vọng tưởng!

Vì thế, khi tâm đã đạt đến thanh tịnh, không chỉ là có thể chẳng cần ngủ, mà cũng có thể chẳng cần ăn uống! Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ được gọi là Ngũ Dục. Dục Giới mới có [Ngũ Dục]. Càng lên cao hơn, nhu cầu càng ít hơn, Ngũ Dục càng nhạt mỏng hơn. Đến Sơ Thiền, hoàn toàn chẳng cần nữa! Sơ Thiền Thiên chẳng có ngủ nghỉ và ăn uống, trong Dục Giới Thiên mới có ăn uống và ngủ nghê. Vì sao đạt đến Sơ Thiền bèn chẳng cần ăn uống và ngủ nghê nữa? Tâm họ thanh tịnh, Thiền Định đắc lực, đắc lực gì vậy? Sức mạnh chế phục phiền não, đã chế phục vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, hoàn toàn chưa đoạn; họ có năng lực ấy. Đáng tiếc là họ chẳng biết niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Nếu họ niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, họ sẽ đến [Cực Lạc] ngay lập tức. Chúng ta niệm Phật, phải niệm đến mức độ ấy, chắc chắn vãng sanh, [trình độ] ấy được gọi là “công phu thành phiến”, phải đạt tới tiêu chuẩn ấy. Các đồng tu niệm Phật chớ nên không biết chuyện này, đấy chính là công phu.

          (Diễn) Hựu vân: “Giả sử nhiệt thiết luân, tại ngã đảnh thượng tuyền, chung bất dĩ thử khổ, thoái thất Bồ Đề tâm”.

          ()又云:假使熱鐵輪,在我頂上旋,終不以此苦,退失菩提心。

(Diễn: Lại nói: “Ví bánh xe sắt nóng, xoay trên đỉnh đầu tôi, trọn chẳng do khổ ấy, thoái thất tâm Bồ Đề”).

          Đây là một tỷ dụ do đức Phật đã nói trong kinh điển. “Nhiệt thiết luân” (熱鐵輪) là hỏa luân (火輪: bánh xe bốc lửa, cháy rừng rực, hoặc bánh xe nung đỏ). Hỏa luân đè xuống đỉnh đầu, rất đau khổ. Đó chính là “nhiệt thiết” (sắt nung), tức là bánh xe bằng sắt nung đỏ rực, người ấy vẫn chẳng thoái thất tâm Bồ Đề. Tỷ dụ này hình dung Bồ Tát phát tâm kiên cố, bất luận trong nghịch cảnh hay ác duyên nào cũng đều chẳng bị thoái chuyển.

Chẳng giống như bọn phàm phu chúng ta, tu hành hễ hơi gặp phải đôi chút thử thách liền thoái chuyển. Do đó, rất khó thành tựu. Những điều này nhằm giải thích câu “nhược bất ủy thân quy mạng” (nếu chẳng toàn thân quy mạng), “ủy thân” (委身) là toàn thân. Nếu chẳng gieo trọn toàn thân nương tựa, làm sao có thể đạt đến nhất tâm? “Nhất tâm” được nói ở đây hoàn toàn là nói về Sự nhất tâm.

          (Sao) Quy phục nhị nghĩa.

          ()歸復二義。

          (Sao: Quy lại có hai nghĩa).

          “Quy” (歸) lại có hai ý nghĩa.

          (Sao) Diệc như tiền Tự trung thuyết.

          ()亦如前序中說。

(Sao: Cũng như trong phần [giải thích] lời Tựa ở trước đã nói).

 Trong phần Tự trước đó đã từng giải thích cặn kẽ, dưới đây, vẫn nêu đại lược.

          (Sao) Nhất giả quy đầu nghĩa, chấp trì danh hiệu, nhất tâm hướng vãng, tức Sự nhất tâm. Nhị giả quy nguyên nghĩa, chấp trì danh hiệu, hoàn quy nhất tâm, tức Lý nhất tâm dã.

          ()一者歸投義,執持名號,一心向往,即事一心。二者歸元義,執持名號,還歸一心,即理一心也。

(Sao: Một là ý nghĩa “quay về, gieo vào”. Chấp trì danh hiệu, nhất tâm hướng về, tức là Sự nhất tâm. Hai là ý nghĩa “quy nguyên”. Chấp trì danh hiệu, trở về nhất tâm, tức là Lý nhất tâm).

           “Quy đầu”“quy nguyên” có ý nghĩa cạn và sâu khác biệt, chúng ta hãy xem lời chú giải:

(Diễn) “Nhất giả quy đầu nghĩa” hạ, vị tiền quy mạng hữu đầu nghĩa.

()一者歸投義下,謂前皈命有投義。

(Diễn: Từ câu “một là ý nghĩa quay về, gieo vào” trở đi, ý nói: Trong sự quy mạng trên đây, có ý nghĩa “gieo vào”).

           Tức là có ý nghĩa “tiến nhập, nương cậy”.

          (Diễn) Kim chấp trì danh hiệu, nhất tâm hướng vãng, như điểu đầu lâm, như khách đầu chủ, như du tử linh đinh, duy hữu tư quy nhất niệm. Thử đản sự tướng tinh cần, do vị minh Lý, tức Sự nhất tâm.

          ()今執持名號,一心向往,如鳥投林,如客投主,如游子伶仃,唯有思歸一念。此但事相精勤,猶未明理,即事一心。

(Diễn: Nay chấp trì danh hiệu, nhất tâm hướng đến, như chim quay về rừng, như khách nương tựa chủ, như kẻ lưu lạc lênh đênh, chỉ có một niệm mong quay về. Loại này chỉ chuyên tinh, siêng gắng nơi sự tướng, còn chưa hiểu Lý, chính là Sự nhất tâm).

Niệm Phật có Sự Trì và Lý Trì. Lý Trì hay Sự Trì là do cảnh giới khác nhau, chứ công phu y hệt! Nhất định phải niệm đến mức đoạn Kiến Tư phiền não thì mới đắc Sự nhất tâm bất loạn. Niệm đến mức phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân thì mới là Lý nhất tâm bất loạn. Do vậy, hai loại Lý niệm Phật và Sự niệm Phật đều chẳng quan trọng, điều khẩn yếu là công phu. Do Sự Trì có thể niệm đến mức Lý nhất tâm bất loạn, Lý Trì vẫn phải trải qua Sự nhất tâm bất loạn rồi mới có thể chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn. Do vậy có thể biết: Đoạn phiền não và đoạn tập khí hết sức khẩn yếu, ngàn muôn phần đừng nên coi nhẹ! Dẫu mỗi ngày niệm Phật hiệu nhiều đến mấy đi nữa, nhưng chẳng đoạn vọng tưởng, chấp trước, tập khí phiền não, sẽ là vô dụng. Mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, vẫn chẳng thể vãng sanh. Vãng sanh nhất định phải là tâm địa thanh tịnh, nhất định là phải chế phục phiền não. Chẳng đoạn phiền não, không sao cả! Chế phục là như thế nào? Phiền não chẳng khởi tác dụng, đó là chế phục. [Có thể chế phục phiền não] thì niệm câu Phật hiệu mới được gọi là “có công phu, có sức mạnh”, có thể đè nén phiền não; tham, sân, si, mạn chẳng thể phát tác. Hễ chúng còn có thể phát tác; nói cách khác, câu Phật hiệu của chúng ta vẫn chưa thể đè nén phiền não, phải cảnh giác điều này! Nói thật ra, cuộc sống hằng ngày đang khảo nghiệm chúng ta. Đối với khởi tâm động niệm trong cuộc sống thường nhật, [hãy xét xem] Phật hiệu có thể chèn ép phiền não hay chăng?

“Quy đầu” thì mỗi người chúng ta đều có thể làm được. “Quy” (歸) là trở về, quay lại. “Đầu” (投) là dựa vào. “Đầu” còn có nghĩa là “có chỗ nương tựa”, tức là ý nghĩa Quy Y. Nay chúng ta từ hết thảy cảnh duyên quay về, “cảnh” là hoàn cảnh vật chất, “duyên” là hoàn cảnh nhân sự. Từ hết thảy người, hết thảy sự quay lại, chẳng còn phan duyên (nắm níu) những thứ đó. Từ nay trở đi, nhất tâm nhất ý nương cậy A Di Đà Phật. Đó là ý nghĩa “quy đầu”. A Di Đà Phật ở nơi đâu? A Di Đà Phật ở ngay trong kinh này. Chỗ có kinh điển chính là nơi A Di Đà Phật ngự. Nương cậy bằng cách nào? Đọc tụng, thọ trì. Đọc tụng kinh điển, chấp trì danh hiệu, câu hồng danh sáu chữ niệm niệm chẳng lìa tự tâm. Đó là “nương tựa”. Vì sao? Trong tâm chẳng có A Di Đà Phật, chắc chắn sẽ lại dấy vọng tưởng. Nếu chẳng dấy vọng tưởng, sẽ rớt vào vô minh. Vô minh và vọng tưởng đều là nghiệp nhân của ba ác đạo. Vô minh đọa súc sanh đạo, súc sanh hồ đồ, mờ mịt. Do vọng tưởng, bèn đọa trong ngạ quỷ đạo hoặc địa ngục đạo. Vọng tưởng tốt là ba thiện đạo, vọng tưởng xấu là ba ác đạo, đều phải luân hồi trong lục đạo. Do vậy, chúng ta hiểu rõ chỉ có một câu Phật hiệu này là có thể giúp chúng ta vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, liễu sanh tử, thoát tam giới ngay trong một đời này. Không chỉ là có công đức ấy, công đức thù thắng nhất là nó giúp chúng ta thành Phật viên mãn ngay trong một đời này. Do vậy, kinh này và pháp môn này thật sự chẳng thể nghĩ bàn.

          Trong lời chú giải đã nêu ra mấy tỷ dụ, những tỷ dụ ấy rất dễ hiểu, nhưng chẳng dễ thấu hiểu cho mấy. Vì sao? Mỗi cá nhân, nhất là trong xã hội hiện thời, xã hội hiện thời chẳng giống xã hội thuở trước. Chú giải do cổ nhân viết, cổ nhân chỉ có thể viết theo bối cảnh xã hội, tâm thái và hình thái ý thức trong thời đại của họ, chẳng giống [bối cảnh sống của] người hiện thời. Người hiện thời lìa nhà, chẳng nhớ nhà cho mấy. Thời cổ, rời khỏi nhà, người nhớ nhà rất nhiều. Hiện thời, nói thật thà, người vừa mới rời khỏi cửa, ra khỏi nhà, đại khái là một hai tháng còn nhớ nhà, một thời gian lâu sau cũng chẳng nhớ nhà nữa, quên bẵng quê nhà! Người thuở trước biết quay về, đặc biệt là người đã rời nhà lâu ngày, ở bên ngoài khi chẳng đắc ý, càng nhớ nhà.  Khi đắc ý, sẽ  quên  bẵng  nhà

cửa!

          Ý nghĩa trong đoạn thứ nhất là tinh tấn, siêng gắng tu học nơi Sự, chẳng hiểu rõ Lý. Vì thế, [ý nghĩa thứ nhất] thuộc về Sự nhất tâm. Ý nghĩa thứ hai là nói đến quy nguyên. “Nguyên” (元) là Lý, chẳng phải là Sự.

          (Diễn) Nhị giả, quy nguyên nghĩa, vị chấp trì danh hiệu, hoàn quy nhất tâm, tắc bối trần hợp giác, phản bổn hoàn nguyên, niệm niệm hoàn quy tự tâm, tức danh “quy nguyên”. Thử tắc bất duy Sự hành, kiêm tu Lý quán, vi Lý nhất tâm.

          ()二者歸元義,謂執持名號,還歸一心,則背塵合覺,返本還源,念念還歸自心,即名歸元。此則不唯事行,兼修理觀,為理一心。

(Diễn: Hai là ý nghĩa quy nguyên, nghĩa là chấp trì danh hiệu, trở về nhất tâm, tức là trái nghịch trần lao, xuôi theo tánh giác, quay về nguồn cội, niệm niệm trở về tự tâm, nên gọi là “quy nguyên”. Đây chẳng phải chỉ là hành theo Sự, mà còn kiêm tu Lý quán, là Lý nhất tâm).

          Quy nguyên, “nguyên” (元) là Chân Như bản tánh. Chân Như bản tánh là cội nguồn của vũ trụ và nhân sinh. “Nhân sinh” là nói về bản thân chúng ta, là chính bản thân ta. “Vũ trụ” là nói theo không gian hoạt động, hoặc hoàn cảnh hoạt động của chúng ta. [Nhân sinh và vũ trụ là] chính mình và hoàn cảnh. Hoàn cảnh rất lớn, tận hư không khắp pháp giới đều là hoàn cảnh sinh tồn của chúng ta. Ví như không gian hoạt động của chúng ta hiện thời thuộc phạm vi của tỉnh Đài Loan, hòn đảo này ở trên địa cầu, địa cầu là hoàn cảnh sinh tồn của chúng ta. Địa cầu là một tinh cầu trong thái dương hệ; thái dương hệ là hoàn cảnh sống của chúng ta. Thái dương hệ là một tiểu tập đoàn [các thiên thể] trong hệ Ngân Hà, hệ Ngân Hà là hoàn cảnh sống của chúng ta. Quý vị tiếp tục mở rộng, [sẽ thấy] tận hư không khắp pháp giới đều là hoàn cảnh sống của chúng ta. Hoàn cảnh sống rất lớn, do đâu mà có? Từ tự tánh biến hiện, xác thực là “ngoài tâm chẳng có pháp, ngoài pháp chẳng có tâm”. Hư không pháp giới do tự tánh của chúng ta biến hiện. Ai biết? Thưa cùng chư vị, chỉ có chư Phật, Bồ Tát biết, từ Quyền Giáo và Nhị Thừa trở xuống đều chẳng biết. Tuy trong kinh, đức Phật đã nói đến sự thật này, chúng ta nghe xong vẫn chẳng biết. Vì sao nghe mà vẫn chẳng biết? Người thật sự biết, thái độ xử thế làm người sẽ thay đổi. Thái độ xử thế làm người chẳng biến đổi, ta biết kẻ ấy chẳng biết! Bất quá, chúng ta nghe đức Phật nói như thế mà thôi, chẳng thể đích thân chứng nhập. Đích thân chứng nhập cảnh giới này, quý vị chẳng gọi là phàm phu nữa, mà thay đổi danh từ, gọi là Phật, hoặc Bồ Tát. Đây là tướng chân thật của hết thảy các pháp, tức là “chư pháp Thật Tướng” như kinh Bát Nhã đã nói, còn gọi là Đệ Nhất Nghĩa Đế, cũng gọi là minh tâm kiến tánh. Danh xưng khác nhau, ý nghĩa hoàn toàn tương đồng.

          Từ mấy câu này, chúng ta thấu hiểu thật sâu: Pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn. Người dùng phương pháp chấp trì danh hiệu này có thể “hoàn quy nhất tâm”. Nhà Thiền gọi “hoàn quy nhất tâm” là minh tâm kiến tánh, cũng là như trong kinh Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Bồ Tát đã dạy chúng ta: “Chẳng nhờ vào phương tiện, tâm được tự khai”, mới biết sự xảo diệu của phương pháp này. Quý vị thấy [phương pháp này] đơn giản ngần ấy, dễ dàng ngần ấy, mà có công đức thù thắng dường ấy. Thật sự niệm đến mức nhất tâm bất loạn thì cái nhất tâm bất loạn ấy sẽ được gọi là Lý nhất tâm bất loạn. “Lý” (理) là tánh, [do đã] kiến tánh, nên gọi là Lý nhất tâm bất loạn. Nó là Huệ, chẳng phải là Định. Trong Huệ đương nhiên có Định. Sự nhất tâm bất loạn là Định, chẳng phải là Huệ. Nếu nói đến Huệ thì là đã kiến tánh. Vì nó (Sự nhất tâm bất loạn) là Định, chẳng có Huệ, chẳng kiến tánh, nên gọi là Sự nhất tâm. Định có thể đoạn Kiến Tư phiền não, chẳng thể phá vô minh. Huệ chính là trí huệ Bát Nhã hiện tiền, mới có năng lực phá vô minh, chứng Pháp Thân.

          “Bối trần hợp giác” (Trái nghịch trần lao, hợp với tánh giác) là công phu chúng ta phải làm trong hiện tại. Trần là gì? Trần (塵: bụi bặm) là tỷ dụ, Trần có nghĩa là “ô nhiễm”. Giống như cái bàn này, quý vị một ngày chẳng lau nó, trên bàn sẽ đóng bụi. Vì thế, phải lau chùi hằng ngày. Trần là ô nhiễm, tỷ dụ cái tâm thanh tịnh của chúng ta bị nhuốm bẩn. Thứ gì nhuốm bẩn? Phiền não nhuốm bẩn, tà kiến nhuốm bẩn, vô minh nhuốm bẩn, phải vĩnh viễn rời lìa những thứ ấy. Nói cách khác, chúng ta khởi tâm động niệm đều là ô nhiễm. Ác niệm ô nhiễm, mà thiện niệm vẫn là ô nhiễm. Chẳng khởi tâm, không động niệm, khi trong tâm điều gì cũng không biết, nó vẫn ô nhiễm, tức là bị ô nhiễm bởi vô minh. Phải như thế nào thì mới chẳng bị ô nhiễm? Chẳng ô nhiễm là giác, giác là bản năng trong bản tánh. Tự tánh vốn là giác, chẳng phải là vô minh, cũng chẳng phải là vọng tưởng, nó vốn là giác. “Giác” là hết thảy đều hiểu rõ. Đối với chúng ta, trong giai đoạn sơ học này, một câu “nam-mô A Di Đà Phật” là giác, vì trong tâm quý vị có câu Phật hiệu này, chẳng có hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tức là chẳng có vọng niệm, cũng chẳng phải là vô minh. Niệm câu Phật này rành mạch, rõ ràng, đó là giác. Vì lẽ đó, “một niệm tương ứng một niệm giác, niệm niệm tương ứng niệm niệm giác”. Tương ứng là gì? Chẳng có phiền não bèn tương ứng, chẳng có vọng tưởng bèn tương ứng.

          Người thật sự niệm Phật, trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, bất luận là thuận cảnh, hay nghịch cảnh, chỉ cần nhất tâm nhất ý nương cậy một câu Phật hiệu sẽ thành công, cảnh giới gì cũng chẳng thể nhiễu loạn quý vị. Khi cảnh giới chẳng nhiễu loạn, thưa cùng chư vị, cảnh giới ấy được gọi là “cảnh giới Phật”, là cảnh giới tốt đẹp. Nếu cảnh giới nhiễu loạn quý vị thì gọi là “cảnh giới ma”, phá sạch công phu của quý vị. Vì thế, cảnh giới bên ngoài hiện tiền, tâm địa của ta thanh tịnh, một câu Phật hiệu miên mật bất đoạn, cảnh giới bên ngoài sẽ là cảnh giới tốt đẹp. Dẫu là nghịch cảnh ác duyên, vẫn là cảnh giới tốt đẹp, nó chính là để xét nghiệm công phu của ta có tiến bộ hay không. Vì lẽ đó, bên ngoài là Phật hay là ma là do một niệm tâm của chính quý vị chuyển biến. Cảnh giới bên ngoài chẳng phải là Phật, mà cũng chẳng phải là ma. Nói cách khác, bên ngoài chẳng có người tốt, mà cũng chẳng có kẻ xấu. Con người là trung lập, chẳng có tốt hay xấu. Người tốt hay kẻ xấu là do trong tâm chính quý vị dấy phiền não. Quý vị thấy người này sanh tâm hoan hỷ, người ấy là người tốt. Quý vị thấy kẻ kia bèn sanh tâm sân ác, người ấy là kẻ xấu. Thật ra, kẻ ấy há có tốt hay xấu? Chính quý vị dấy động tâm tốt, tâm xấu, chẳng phải là cảnh giới bên ngoài có tốt hay xấu, mà là do tâm quý vị có tốt hay xấu, then chốt ở chỗ này.

          Ngẫu Ích đại sư nói: “Cảnh duyên vô hảo xú, hảo xú khởi ư tâm” (Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu dấy nơi tâm), ở trong tâm của chính mình, phải biết điều này! Nếu cảnh giới bên ngoài thật sự có tốt xấu, cảnh giới làm sao có thể bình đẳng cho được? Chẳng thể bình đẳng! Bên ngoài xác thực là chẳng có tốt, xấu, do tâm của chính mình biến hiện cảnh giới. Vì vậy, cảnh giới là thanh tịnh, cảnh giới vĩnh viễn là bình đẳng. Chỉ cần quý vị dùng giác tâm để đối ứng cảnh giới, cảnh giới nhất định sẽ là thanh tịnh, bình đẳng. Nhà Phật thường nói: “Tâm thanh tịnh, thân bèn thanh tịnh”. Thân tâm thanh tịnh, cảnh giới bèn thanh tịnh. Đây là chân tướng sự thật. Chúng ta thấy cảnh giới bên ngoài có tốt, xấu, chính mình phải giác ngộ: [Bản thân ta] phiền não tập khí còn hiện hành, câu Phật hiệu chẳng đắc lực. Phải thật sự có tâm sám hối, có tâm hổ thẹn, sửa lỗi đổi mới: Vì sao ta còn có những ác niệm này? Hãy còn có vọng tưởng hiện tiền? Khi nào lục căn trong lúc đối đãi cảnh giới mà chẳng có vọng niệm, chẳng có vọng tưởng, chúc mừng quý vị, tối thiểu là quý vị đã đắc Sự nhất tâm bất loạn, đó là mức tối thiểu! Người đắc Sự nhất tâm bất loạn, chẳng có lẽ nào không vãng sanh. Bản thân chúng ta hãy suy nghĩ đôi chút, có nắm chắc vãng sanh hay không? Hãy suy nghĩ, ta suốt ngày từ sáng đến tối, thấy người, thấy sự, thấy vật, còn có phiền não hay không? Còn có mừng, giận, buồn, vui hay chăng? Nếu còn có những thứ ấy, vãng sanh chẳng đáng trông cậy, chẳng trông mong được! Thật sự niệm Phật đến mức “hết thảy cảnh giới hiện tiền, ta chẳng khởi tâm, không động niệm, đối với bất cứ ai, cũng đều là một tâm, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi”, quý vị quyết định vãng sanh! Vì thế, có thể vãng sanh hay không, chẳng cần phải hỏi ai khác, cũng chẳng cần hỏi Phật, Bồ Tát, hãy hỏi chính mình! Chính mình biết rõ hơn ai hết, điều này trọng yếu lắm! Đó là cách tu trái nghịch trần lao, hợp với tánh giác. Câu Phật hiệu là giác, lìa khỏi Phật hiệu là mê. Quý vị nghĩ xem: Câu Phật hiệu trọng yếu dường ấy, một thời một khắc đều chớ nên buông bỏ.

          “Phản bổn hoàn nguyên” (trở về nguồn cội): Niệm cho đến khi công phu thuần thục, thấu suốt, sẽ phản bổn hoàn nguyên. Nhà Thiền gọi “phản bổn hoàn nguyên”“minh tâm kiến tánh”, cũng chính là “đại khai viên giải”, hoặc “đại triệt đại ngộ” như Giáo Hạ đã nói. Khi ấy, “niệm niệm hoàn quy tự tâm” (niệm nào cũng trở về tự tâm), câu này nói về cảnh giới. Tận hư không khắp pháp giới là tự tâm, hư không pháp giới biến hiện từ tự tâm, trở về tự tâm, đó là “quy nguyên”.

          “Thử tắc bất duy Sự hành, kiêm tu Lý quán” (Đây chẳng phải chỉ là hành theo mặt Sự mà còn kiêm tu Lý Quán). Lý Quán chẳng phải là dấy vọng tưởng, chẳng phải là suy nghĩ loạn xạ. Nay chúng ta thường coi suy xét là Lý Quán, sai mất rồi! Quán và vọng tưởng sai khác ở chỗ: Một đằng dùng tâm ý thức, một đằng chẳng dùng tâm ý thức. Chẳng dùng tâm ý thức thì gọi là Quán, dùng tâm ý thức thì gọi là Tưởng. Ý thức là gì? Phân biệt. Thức thứ sáu là Ý Thức [có công năng] phân biệt, thức thứ bảy chấp trước, thức thứ tám ghi giữ ấn tượng. Nói cách khác, chẳng phân biệt, không chấp trước, không ghi giữ ấn tượng, đó mới là Quán. Công phu được nói trong Phật môn là “quán chiếu”, tuyệt đối chẳng phải là suy xét. Hễ dùng suy xét, sẽ rơi vào thức thứ sáu, tức Ý Thức, đó là vọng tưởng. Nay chúng ta nói là “nghiên cứu”, hoặc “suy nghĩ”, thảy đều là vọng tưởng. Vọng tưởng thì làm sao có thể đạt đến chân tướng cho được? Bài kệ Khai Kinh có câu: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”. Quý vị dùng vọng tưởng, làm sao biết nghĩa chân thật của Như Lai cho được? Nếu muốn biết nghĩa chân thật của Như Lai, quyết định chớ nên dấy vọng tưởng, chớ nên suy tưởng, chớ nên phân biệt, chớ nên chấp trước, chớ nên dùng tâm ý thức, hãy bỏ sạch những thứ ấy! Lìa tâm ý thức, Thiền gia dạy tham Thiền phải lìa tâm ý thức để tham, [hay nói cách khác là] “tham cứu”, chẳng phải là nghiên cứu. Trong Giáo Hạ, lìa tâm ý thức thì mới có thể đại khai viên giải, người niệm Phật lìa tâm ý thức thì mới là Lý nhất tâm bất loạn. Dùng tâm ý thức sẽ là Sự nhất tâm bất loạn; chẳng dùng tâm ý thức là Lý nhất tâm bất loạn, đương nhiên chuyện này chẳng dễ dàng cho lắm!

          Xét theo sự dụng công trong Thiền gia, “quán chiếu” là công phu mới vừa đắc lực, giống như “công phu thành phiến” trong pháp môn Niệm Phật, là cảnh giới ấy, có năng lực chế phục phiền não, vẫn chưa có năng lực đoạn trừ. Nếu công phu tiến cao hơn một bậc, sẽ gọi là Chiếu Trụ (照住). Chiếu Trụ là đắc Định, trong pháp môn Niệm Phật sẽ là “đắc Niệm Phật tam-muội”, đoạn Kiến Tư phiền não, chưa phá vô minh, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn sanh trong cõi Phương Tiện Hữu Dư. Lại lên cao hơn nữa, sẽ là Chiếu Kiến (照見), Tâm Kinh nói “Quán Tự Tại Bồ Tát chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không”, đó là công phu bậc cao. Chiếu Kiến tương đương với Lý nhất tâm bất loạn trong pháp môn Niệm Phật. Chiếu Kiến là kiến (thấy) gì? Thấy bản tánh, thấy tự tâm, trở về tự tâm. Từ đoạn chú giải này, chúng ta có thể thông hiểu: Công đức và sự thành tựu của pháp môn Niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn. Đã thật sự thấu hiểu, chúng ta mới thật thà niệm câu Phật hiệu này, sẽ chẳng thấy những pháp môn khác liền mong học tập, như vậy là lại bị xen tạp mất rồi!

          (Sớ) Dĩ thượng cảnh pháp nhị trung, phục hữu tam nghĩa.

()以上境法二中,復有三義。

(Sớ: Đối với hai thứ cảnh và pháp trên đây, lại có ba nghĩa).

           Trên đây đã nói tới cảnh giới và phương pháp, trong hai điều ấy còn có các ý nghĩa; ở đây, đại sư lại nêu ra.

(Sớ) Nhất giả, văn thuyết Phật danh, thị vi Văn Huệ; nhị giả, chấp thọ tại hoài, thị vi Tư Huệ; tam giả, trì thủ bất vong, thị vi Tu Huệ.

()一者聞說佛名,是為聞慧;二者執受在懷,是為思慧;三者持守不忘,是為修慧。

(Sớ: Một là nghe nói danh hiệu Phật, đó là Văn Huệ. Hai là tiếp nhận, gìn giữ trong tâm, đó là Tư Huệ. Ba là gìn giữ chẳng mất, đó là Tu Huệ).

          Đối với hai pháp ấy (cảnh giới và phương pháp), nêu ra ba đại cương lãnh tu học của Bồ Tát là Văn, Tư, Tu. Nêu ra điều này rất hay. Nếu không nêu ra, có lẽ chúng ta cũng hiểu lầm niệm Phật là Tiểu Thừa, lẽ nào niệm Phật là pháp Bồ Tát cho được? Bồ Tát tu Tam Huệ Văn, Tư, Tu, niệm Phật có phải là Tam Huệ Văn, Tư, Tu hay không? Quý vị có biết niệm Phật là Tam Huệ Văn, Tư, Tu thì mới biết chấp trì danh hiệu chính là Bồ Tát hạnh.

          (Sao) Văn Huệ giả, A Di Đà Phật tuy hữu vô lượng công đức, nhi thử công đức, phi văn bất tri, phi thuyết bất văn. Cố Hoa Nghiêm vân: “Đắc vô sanh huệ, tiên lại đa văn”. Hựu vân: “Phật pháp vô nhân thuyết, tuy huệ bất năng liễu”. Hoặc văn kinh luận chi sở tuyên dương, hoặc văn tri thức chi sở khai thị, nhất lịch nhĩ căn, vĩnh vi đạo chủng, thị chi vị Văn.

          ()聞慧者,阿彌陀佛,雖有無量功德,而此功德,非聞不知,非說不聞。故華嚴云:得無生慧,先賴多聞。又云:佛法無人說,雖慧不能了。或聞經論之所宣揚,或聞知識之所開示,一歷耳根,永為道種,是之謂聞。

(Sao: Văn Huệ: Tuy A Di Đà Phật có vô lượng công đức, nhưng công đức ấy nếu chẳng được nghe, sẽ không biết, nếu chẳng nói, sẽ không nghe. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm nói: “Đắc vô sanh huệ thì trước hết phải cậy vào đa văn”. Lại nói: “Phật pháp không có ai nói thì tuy có trí huệ vẫn chẳng thể hiểu”. Hoặc nghe kinh luận tuyên dương, hoặc nghe tri thức khai thị, hễ thoảng qua tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo. Đó gọi là Văn).

          Đoạn này giải thích chữ Văn.

          (Sao) Nhi ngôn Huệ giả, Văn tức thị Huệ. Đối mộc thạch thuyết, ngoan bất văn cố.  Đối ngu nhân thuyết, văn bất xan thái, như bất văn

cố. Cố viết Văn Huệ.

     ()而言慧者,聞即是慧。對木石說,頑不聞故;對愚人說,聞不餐采,如不聞故。故曰聞慧。

(Sao: Nói là Huệ vì Văn chính là Huệ. Do nói với gỗ, đá, chúng trơ trơ chẳng nghe. Vì nói với kẻ ngu, họ tuy nghe mà chẳng thể tiêu hóa được, [cho nên] cũng như chẳng nghe. Vì thế, nói đến Văn Huệ).

          Đại sư giải thích ý nghĩa này rất rõ ràng, đơn giản, rất dễ hiểu. Nói thật ra, ý nghĩa trong ấy hết sức tinh tường, sâu xa. Đoạn văn tự này cũng chỉ rõ một câu danh hiệu A Di Đà Phật có vô lượng vô biên công đức, chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu hiểu rốt ráo, Đẳng Giác Bồ Tát cũng chẳng có cách nào nói trọn vẹn, [vì] trí huệ của bậc Đẳng Giác vẫn chưa đủ! Công đức như vậy “phi văn bất tri” (chẳng nghe sẽ không biết). Nếu chúng ta chẳng nghe nhiều, làm sao có thể hiểu cho được? Chẳng biết. “Phi thuyết bất văn” (Chẳng nói sẽ không được nghe), nếu không có ai nói với quý vị, làm sao quý vị có thể biết? Ai nói? Chính là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật nói. Chỉ có đức Phật mới biết thấu triệt, mới có thể nói rõ ràng. Trong phần trước đã có nói, Đẳng Giác Bồ Tát chẳng biết triệt để, vẫn chưa thể diễn tả rõ ràng. Chúng sanh trong chín pháp giới, “chín pháp giới” bao gồm Đẳng Giác Bồ Tát, nếu chẳng do oai thần của chư Phật Như Lai gia trì, họ sẽ chẳng thể hiểu, mà cũng chẳng thể nói. Bọn phàm phu lục đạo chúng ta nếu chẳng được oai thần của chư Phật gia trì, [cộng với] thiện căn từ nhiều đời nhiều kiếp của chính mình; nói thật thà, Phật, Bồ Tát có giảng cho chúng ta nghe, chúng ta nghe xong cũng chẳng hiểu!

          Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Đắc vô sanh huệ, tiên lại đa văn” (Đắc trí huệ vô sanh thì trước hết phải cậy vào đa văn). “Vô sanh” là trí huệ của chư Phật, Bồ Tát, là trí huệ chân thật, [muốn đạt được trí huệ ấy], trước hết, phải cậy vào đa văn. “Đa văn” có hai ý nghĩa: Một là học rộng nghe nhiều, ý nghĩa khác là “nghe nhiều lần, lặp đi lặp lại không gián đoạn”. Đối với hai ý nghĩa ấy, tùy thuộc thiện căn, phước đức và nhân duyên của mỗi người mà khác nhau. Kẻ nghiệp chướng tập khí sâu nặng, phải không ngừng huân tu một môn, dùng phương pháp đa văn theo kiểu này: Nghe từ lần này sang lần khác, nghe xong bèn nghe lại lần nữa. Sau đấy, nghiệp chướng mới có thể tiêu trừ. Nghiệp chướng tiêu trừ, tín tâm của quý vị bèn thanh tịnh. Kinh Kim Cang nói: “Tín tâm thanh tịnh bèn sanh ra Thật Tướng”. Kẻ tập khí nghiệp chướng nặng nề, chúng ta thường nói là “nghiệp chướng rất nặng”, sử dụng phương pháp này!

          Chúng ta thấy các vị tổ sư đại đức của Trung Hoa trong quá khứ, khá nhiều vị sử dụng phương pháp này. Thanh Lương đại sư suốt đời niệm kinh Hoa Nghiêm, chúng ta chẳng biết Ngài đã niệm bao nhiêu lượt. Ngài giảng kinh ấy đến năm mươi lần, quý vị có biết Ngài đã niệm bao nhiêu lần? Một bộ kinh thôi nhé! Từ Đàn Kinh, chúng ta thấy thiền sư Pháp Đạt niệm ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa. Mỗi ngày niệm một bộ, [niệm] ba ngàn bộ cũng phải mất ba ngàn ngày, cũng phải là gần mười năm. Quý vị bèn hiểu đa văn là một bộ kinh được nghe nhiều lần lặp đi lặp lại không ngừng! Đời Đường, tổ sư đời thứ nhất của Luật Tông Trung Hoa là Chung Nam Sơn Đạo Tuyên luật sư, nghe [các vị đại đức giảng] luật Tứ Phần[1] hơn hai mươi lượt, truyện ký có chép điều này. Thời đầu Dân Quốc, cư sĩ Giang Vị Nông suốt đời tu học kinh Kim Cang, dùng thời gian suốt bốn mươi năm để viết một quyển Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa. Cũng giống như vậy, cư sĩ Châu Chỉ Am cũng dùng thời gian bốn mươi năm để viết quyển Tâm Kinh Thuyên Chú. Trong lời tựa của bộ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa, lão pháp sư Viên Anh có nói từ lúc hai mươi lăm tuổi, Ngài đã chú ý kinh Lăng Nghiêm, suốt cả một đời chẳng gián đoạn. Sư sáng lập Viên Minh Giảng Đường tại Thượng Hải, mở Lăng Nghiêm Chuyên Tông Học Viện, dùng thời gian cả đời để đổ công dốc sức nơi một bộ kinh Lăng Nghiêm, mãi cho đến lúc xế bóng, bảy mươi mấy tuổi mới hoàn thành một bộ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa. Những vị ấy đều là những tấm gương, những khuôn mẫu cho chúng ta. Do đó, đa văn là một bộ kinh nghe đi nghe lại, đọc đi đọc lại, nghiên cứu chẳng ngừng, thâm nhập một môn.

          Thứ hai là “quảng học đa văn”. Đối với quảng học đa văn, tôi thường khuyên các đồng tu, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới chúng ta sẽ lại làm chuyện này. Vì sao? Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, điều bậc nhất là thọ mạng của chúng ta lâu dài, [học vô lượng vô biên kinh điển đi nữa] vẫn kịp, chẳng sợ! Nói thêm, thầy giỏi, bạn học tốt, học rộng nghe nhiều sẽ chẳng tốn công sức cho mấy, dễ thực hiện! Mong học rộng nghe nhiều trong cõi này, chẳng tìm thấy thầy giỏi, mà cũng chẳng tìm thấy đồng tham đạo hữu, hễ có nghi nan, chẳng có chỗ nào để hỏi, có khổ lắm hay không? Do đó, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ lại thực hiện. Nay chúng ta đa văn một môn, chọn lựa kinh thì đương nhiên thù thắng nhất là chọn kinh Vô Lượng Thọ, Sớ Sao Diễn Nghĩa, hoặc Di Đà Kinh Yếu Giải, đó đều là những chọn lựa tối thượng, chắc chắn có lợi cho việc cầu sanh Tịnh Độ.

          “Phật pháp vô nhân thuyết, tuy huệ bất năng liễu” (Phật pháp không có ai nói, dẫu có trí huệ vẫn chẳng thể hiểu): Hai câu này cũng là lời kệ trong kinh Hoa Nghiêm. Phật pháp phải do ai nói? Nhất định là phải do một vị hữu tu hữu chứng nói, lại còn phải là đã chứng đắc quả vị viên mãn rốt ráo thì mới có thể nói. Chứng đắc quả vị viên mãn rốt ráo tức là thành Phật. Vì lẽ đó, “Phật pháp vô nhân thuyết”, phải do người nào nói? Phải do đức Phật nói, chẳng phải là Phật sẽ chẳng thể nói! Tuy kinh dạy: “Kinh do năm loại người [khác nhau] nói”, nhưng trừ kinh do đức Phật đã nói ra, những gì do bốn loại người kia nói đều phải được đức Phật ấn chứng thì mới có thể xem như kinh Phật. Chẳng được đức Phật ấn chứng, chẳng thể coi [là kinh Phật]. Có thể thấy là vẫn lấy những gì do đức Phật đã nói làm tiêu chuẩn bậc nhất. Người thông minh trí huệ trong thế gian chẳng thể liễu giải, chẳng thể hiểu rõ. Nếu mở rộng tiêu chuẩn này một chút, người nói kinh phải có mức độ thấp nhất là đã phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân. Người như vậy tiếp xúc kinh điển, dẫu chẳng nói viên mãn, cũng sẽ không nói sai. Vì sao? Dụng tâm của người ấy và dụng tâm của Phật như nhau, đều là dùng chân tâm, chẳng dùng vọng tâm. Từ Quyền Giáo, Tiểu Thừa trở xuống, toàn là dùng tám thức và năm mươi mốt Tâm Sở, đó là vọng tâm, chẳng phải là chân tâm. Từ Sơ Trụ của Viên Giáo trở lên, các Ngài chuyển A Lại Da thành Đại Viên Kính Trí, sử dụng Tứ Trí Bồ Đề tâm, chẳng dùng tám thức và năm mươi mốt Tâm Sở, quyết định chẳng thể nói sai!

          Tại Trung Hoa, trong quá khứ, những vị cao tăng đại đức phiên dịch kinh điển, những vị tổ sư của các tông, phần nhiều đều là Phật, Bồ Tát tái lai, đấy là người Hoa có phước! Cận đại, Ấn Quang đại sư là hóa thân của Tây Phương thế giới Đại Thế Chí Bồ Tát. Đại Thế Chí là Đẳng Giác Bồ Tát, chẳng phải là phàm nhân! Trong các vị cao tăng đại đức, có vị hé lộ thân phận nên chúng ta biết, còn có rất nhiều vị chẳng bộc lộ [thân phận], chúng ta hoàn toàn không biết. Có thể thấy [những vị ấy] chẳng phải là phàm nhân, phàm nhân còn chưa thể hiểu rõ, làm sao có thể nói cho được? Chú sớ của lịch đại tổ sư quyết định chẳng có vấn đề. Nếu có vấn đề, chắc chắn sẽ chẳng thể lưu truyền hậu thế. Trước kia, kỹ thuật ấn loát chẳng phát triển. Tại Trung Hoa, đến đời Tống mới phát minh kỹ thuật ấn loát, dùng ván gỗ khắc thành bản in, in từng trang một [bằng cách ép giấy lên bản gỗ khắc đã bôi mực], giá thành quá cao. Nếu chẳng phải là thứ thật sự tốt đẹp, ai chịu bỏ tiền, bỏ công sức lưu thông? Chẳng như hiện thời, hiện nay kỹ thuật ấn loát phát triển, in thứ này thứ nọ quá thuận tiện, trước kia khó khăn! Vì thế, những thứ của cổ nhân được lưu truyền cho tới hiện thời, có thể nói là đã được khảo nghiệm bởi thời đại và lịch sử, chịu được khảo nghiệm, đã vượt qua sự phê bình của đại chúng, là thứ thật sự tốt đẹp được truyền lại cho đời sau.

          Do vậy, tôi khuyên các đồng tu xem chú giải thì phải đọc chú giải của cổ nhân, đừng xem những bản chú giải của người hiện thời. Vì sao? [Quan điểm được trình bày trong các bản chú giải của] người hiện thời rốt cuộc là thật hay là giả, chúng ta chẳng có năng lực phân biệt. Thật đấy, điều này hữu ích cho chúng ta. Lỡ không may xem nhằm thứ giả, chúng ta sẽ bị mắc lừa, thua thiệt! Chẳng có năng lực phân biệt, hãy đọc những thứ của cổ nhân vẫn tốt hơn, đáng tin cậy! Giống như bộ sách này, Liên Trì đại sư cách chúng ta hơn năm trăm năm, [từ đó đến nay] đã trải qua những năm cuối đời Minh, suốt cả một triều đại nhà Thanh, từ Dân Quốc [thành lập] cho tới nay cũng là đã tám mươi năm, [tác phẩm này] đã được bao nhiêu cao tăng đại đức ngó tới, chẳng có vị nào không tán thán, nên chúng ta có thể yên tâm đọc tác phẩm này. Vì lẽ đó, tôi chẳng đọc những thứ của người hiện thời, rất nhiều người biết điều này. Tuyệt đối chẳng phải là tôi coi thường người hiện thời, mà là do bản thân tôi chẳng có con mắt sáng suốt, chẳng phân biệt được hiền hay ngu, [vì chính mình] là kẻ ngu! Vì thế, nghĩ tưởng cổ nhân đã được mọi người thừa nhận, đáng tin cậy hơn, nên tôi mới đọc những tác phẩm của cổ nhân. Những trước tác hiện thời, nếu trải qua năm trăm năm mà còn có người lưu truyền, tức là đã chịu được sự khảo nghiệm, tự nhiên là thứ tốt đẹp. Đấy là một tiêu chuẩn để chọn lựa cho chúng ta.

          Đối với trước tác của cổ nhân, văn chương Văn Ngôn tương đối khó đọc. Thật ra, đây là tác dụng tâm lý, đọc nhiều lần sẽ [cảm thấy] chẳng còn khó nữa! Tôi xem những bài luận của học trò Tiểu Học thời đầu Dân Quốc. Đối với những bài văn do những đứa trẻ mười một, mười hai tuổi viết ấy, chỉ sợ sinh viên đại học ngành Hán văn [hiện thời] đọc đến vẫn phải tra tự điển, còn có khá nhiều điều họ không hiểu! Vì sao người thời đó có thể, mà người hiện thời chẳng thể? Chẳng phải là do người hiện thời không thể, mà là do người hiện thời chẳng chịu đọc văn chương Văn Ngôn. Bí quyết để đọc được Văn Ngôn chẳng có gì khác: Hãy đọc, hãy học thuộc lòng. Trước kia, tại Đài Trung, thầy Lý dạy chúng tôi: Có thể học thuộc lòng năm mươi bài cổ văn, sẽ có thể xem đọc [Văn Ngôn], sẽ chẳng bị chướng ngại, quý vị đọc Văn Ngôn sẽ hiểu. Quý vị có thể học thuộc lòng một trăm bài cổ văn, bèn có thể viết theo lối Văn Ngôn. Thầy khích lệ chúng tôi học thuộc lòng, cho nên hiện thời tôi khuyên các đồng học thuộc lòng kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ gồm bốn mươi tám chương, còn kém quy định năm mươi bài của thầy Lý hai bài, chẳng sai biệt cho mấy! Có thể đọc thuộc lòng kinh Vô Lượng Thọ, khả năng đọc kinh Phật của quý vị quyết định chẳng có vấn đề gì, chẳng còn bị văn tự chướng ngại nữa! Do lẽ đó, phải nên đổ công dốc sức nơi chuyện này. Chẳng cần cố ý học thuộc lòng; cố ý học thuộc lòng sẽ tăng thêm áp lực. Mỗi ngày tối thiểu đọc ba lần, chẳng thiếu ngày nào; niệm suốt một năm sẽ có thể đọc thuộc lòng. Chẳng cần thuộc lòng mà tự nhiên có thể thuộc làu làu! Có không ít đồng tu chúng ta niệm [kinh Vô Lượng Thọ] ba tháng bèn có thể đọc thuộc lòng. Do vậy có thể biết: Đây chẳng phải là một chuyện khó, chính mình phải đổ công dốc sức!

          Phàm phu cũng phải phát tâm tuyên dương pháp môn này, vì đại chúng giải nói, làm như thế nào? Chính mình chưa khai ngộ, chưa kiến tánh, thầy Lý dạy chúng ta một phương pháp, chúng ta chẳng thể giảng kinh bèn giảng chú giải. Giống như ở đây chúng tôi giảng Sớ Sao là bản chú giải của Liên Trì đại sư, giảng Diễn Nghĩa là [giảng] bản chú giải của pháp sư Cổ Đức.

          “Hoặc văn kinh luận chi sở tuyên dương” (Hoặc nghe kinh luận tuyên dương), đây là đọc kinh và nghe kinh. Đọc tụng, lợi ích hết sức nhiều! Nếu có mấy vị đồng tu cộng tu với nhau, đọc tụng thì tốt nhất là một người đọc, những người kia chuyên tâm lắng nghe. Thân, tâm, thế giới hết thảy vạn duyên thảy đều buông xuống, mắt nhìn vào kinh văn, tai lắng nghe, đọc kinh cũng có thể khai ngộ. Mọi người thay phiên nhau đọc, thay phiên nghe, lợi ích hết sức to lớn. “Hoặc văn tri thức chi sở khai thị” (Hoặc nghe tri thức khai thị), [nghe] “khai thị” là nghe giảng giải, giống như các khóa giảng của chúng tôi trong hiện tại là giảng giải. “Nhất lịch nhĩ căn, vĩnh vi đạo chủng” (Một phen thoảng qua tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo), bất luận là nghe kinh hay nghe giảng, chủng tử của thế giới Tây Phương nhất định đã gieo vào A Lại Da Thức. “Thị chi vị văn”, [có nghĩa là] đấy là Văn.

          Vì sao gọi Văn là Huệ? “Văn tức thị Huệ” (Văn chính là Huệ). Đối với Tam Huệ của Bồ Tát, Huệ nói ở đây chính là Huệ trong Giới, Định, Huệ. Do đó, pháp Bồ Tát là pháp Đại Thừa, cao hơn pháp Tiểu Thừa. Chẳng có cơ sở Tiểu Thừa, làm sao có Đại Thừa cho được? Khó khăn trong hiện thời của chúng ta là ở chỗ này: Chẳng có cơ sở Tiểu Thừa mà trực tiếp học Đại Thừa, đây là chuyện hết sức khó khăn. Tại Trung Hoa, vào thời Tùy – Đường, Tiểu Thừa từng hưng vượng trong một thời gian rất ngắn, sau đấy bị suy vi. Vì sao bị suy vi? Do bị Nho gia và Đạo gia của Trung Hoa thay thế. Trong quá khứ, người Hoa hầu như hễ là người học Phật thì đều là người đã từng đọc sách Khổng Tử. Vì thế, người học Phật xưa kia, nói thật ra là giai cấp sĩ đại phu, là người đọc sách. Quý vị chẳng có tu dưỡng học thuật kha khá, chẳng dễ gì lý giải kinh Phật. Đã đọc sách của Nho gia và Đạo gia, nếu đọc tới kinh Tiểu Thừa, sẽ cảm thấy chẳng cần đọc, không cần phải đọc nữa. Do vậy, Tiểu Thừa suy vi, chẳng còn tồn tại ở Trung Hoa.

          Kinh Tiểu Thừa được phiên dịch hết sức đầy đủ. Nay chúng ta so sánh giữa kinh A Hàm và kinh điển Tiểu Thừa bằng tiếng Ba Lợi (Pāḷi), nghe nói họ chỉ nhiều hơn chúng ta năm mươi mấy bộ. Kinh Tiểu Thừa có gần hai ba ngàn thứ, họ chỉ nhiều hơn chúng ta năm mươi bộ. Người hiện thời học Tiểu Thừa rất ít, thế hệ chúng ta vứt bỏ những trước tác của Nho gia và Đạo gia, cũng chẳng đọc nữa. Kinh Tiểu Thừa cũng chẳng cam tâm đọc, ngay lập tức mong học Đại Thừa, giống như xây nhà chẳng có nền móng. Người thành tựu trong thời đại này quá ít, nguyên nhân chủ yếu là ở chỗ này! Vì lẽ đó, các đồng tu nếu muốn học Phật, đặc biệt là những đồng tu phát tâm muốn hoằng pháp trong tương lai, chẳng đọc sách Nho sẽ không được! Thập Tam Kinh quá nhiều, mức độ thấp nhất là Tứ Thư và Ngũ Kinh nhất định phải đọc. Phải đọc Tứ Thư cho nhuần, Ngũ Kinh cũng phải xem mấy lượt, phải có cơ sở này thì mới có thể nhập Đại Thừa.

          Tiểu Thừa là tu Giới, tu Định, từ Định khai Huệ. Sau khi đã khai Huệ, những cái gọi là Văn, Tư, Tu đều là Huệ. Văn Huệ, Tư Huệ, Tu Huệ chính là Huệ trong Giới, Định, Huệ. Văn là gì? Văn là tiếp xúc, tai nghe âm thanh bên ngoài; đó là Văn (聞), tức là tiếp xúc. Mắt thấy sắc tướng bên ngoài cũng là Văn, dùng một chữ [Văn] này để biểu thị. Sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài thì gọi là Văn. Hễ tiếp xúc bèn hiểu rõ, chẳng cần thông qua suy lường bèn hiểu rõ, “hiểu rõ” được hiểu theo ý nghĩa này, chúng ta gọi đó là Tư Huệ. Trên thực tế, [sự hiểu rõ ấy] chẳng cần thông qua suy xét. Tư (思) biểu thị hiểu rõ, Tu (修) biểu thị quyết định chẳng sai lầm. Chẳng có sai lầm chính là Tu. Đó là sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần bèn khởi tác dụng, đấy chính là điều tu tập của Đại Thừa Bồ Tát. Từ tiếp xúc bèn gọi là Văn, từ hiểu rõ bèn gọi là Tư, từ quyết định chẳng phạm sai lầm thì gọi là Tu. Đó là Tam Huệ. Tam Huệ chính là Huệ trong Giới, Định, Huệ. Nay chúng ta chẳng đắc Định, lấy đâu ra Huệ? Do đó, ở đây, Tổ nêu ra ý nghĩa ở mức độ khá cạn.

          “Đối mộc thạch thuyết, ngoan bất văn cố” (Do nói với gỗ, đá, chúng trơ trơ chẳng nghe). Quý vị nói với khúc gỗ hay tảng đá, chúng nó sẽ chẳng thể nghe, chẳng nghe được! “Đối ngu nhân thuyết, văn bất xan thái” [nghĩa là] nói với kẻ ngu, hắn nghe xong chẳng hiểu, chẳng thể tiếp nhận. Chẳng thể hấp thụ, cũng như chẳng nghe, chẳng khác gì không nghe! Nói thật ra, ý nghĩa này đã bao gồm cả ý nghĩa tôi vừa mới nói: Nay chúng ta nghe, tuy nghe cũng như chẳng nghe. Vì sao? Nghe chẳng hiểu, chẳng hiểu rõ. Vừa nghe liền hiểu rõ thì mới là Văn Huệ. Do vậy, hiểu rõ Tam Huệ là một, tuy một mà ba, tuy ba mà một, đồng thời, chẳng phải là có giai đoạn. Vừa nghe thì sự nghe ấy gọi là Văn, hiểu rõ là Tư, chẳng sai lầm là Tu. Vì thế, Tam Huệ đồng thời viên mãn trong một sát-na. Đó là phương pháp tu học của Bồ Tát.

          (Sao) Tư Huệ giả, ký nhập hồ nhĩ, tu tồn hồ tâm, đế thẩm, đế quán, thị hà pháp môn, thị hà nghĩa lý, thị chi vị Tư.

          ()思慧者,既入乎耳,須存乎心,諦審諦觀,是何法門,是何義理,是之謂思。

(Sao: Tư Huệ: Đã lọt vào tai, cần giữ mãi trong tâm, suy nghĩ, quan sát kỹ lưỡng “là pháp môn nào, là nghĩa lý như thế nào”, đó gọi là Tư).

          Giải thích chữ Tư. Người bình phàm sẽ nói là “suy xét”.  Chúng ta

nghe ngôn luận của kẻ khác, nhất định sẽ suy nghĩ đạo lý trong ấy; đó là Tư.

          (Sao) Nhi ngôn Huệ giả, Tư tức thị Huệ.

          ()而言慧者,思即是慧。

(Sao: Nhưng nói là Huệ, Tư chính là Huệ).

Vừa tiếp xúc bèn hiểu rõ thì mới được.

          (Sao) Cầm súc tuy văn, bất giải tư cố. Ngu nhân tuy văn, nhập nhĩ xuất khẩu, bất ức tưởng cố. Cố viết Tư Huệ.

     ()禽畜雖聞,不解思故;愚人雖聞,入耳出口,不憶想故。故曰思慧。

(Sao: Do chim, thú tuy nghe, nhưng chẳng suy nghĩ, hiểu biết. Do kẻ ngu tuy nghe, lọt vào tai, bèn tuôn ra miệng, chẳng nhớ nghĩ. Vì thế, nói là Tư Huệ).

          Kẻ ngu nghe xong chẳng thâm nhập, liễu giải nghĩa lý, chẳng thể gọi là Tư Huệ, gọi là Tư thì được!

          (Sao) Tu Huệ giả, ký thâm tư chi, nghi lực hành chi, thị chi vị Tu.

          ()修慧者,既深思之,宜力行之,是之謂修。

(Sao: Tu Huệ là đã suy nghĩ sâu xa, hãy nên tận lực hành, đó gọi là Tu).

          Chỉ nói tới Văn, Tư, Tu, chưa nói tới Huệ. Có nhiều người tách Tam Huệ Văn, Tư, Tu của Bồ Tát thành từng phần để nói. Nói kiểu ấy chẳng sai, nhưng chỉ có thể gọi là Văn, Tư, Tu, chẳng thể gọi là Văn Huệ, Tư Huệ, Tu Huệ, chẳng thể gọi chúng là Huệ được! Lũ bình phàm chúng ta đều có Văn, Tư, Tu, kẻ ngu cũng có, người đọc sách càng chẳng cần phải nói nữa. Người đời có Văn, Tư, Tu, nhưng chẳng có Tam Huệ. Đây là Tu.

          (Sao) Nhi viết Huệ giả, Tu tức thị Huệ. Cuồng nhân tuy tư, tế tinh dịch thần, bất thực tiễn cố.

          ()而言慧者,修即是慧。狂人雖思,敝精役神,不實踐故。

(Sao: “Mà nói là Huệ”: Tu chính là Huệ. Do kẻ cuồng tuy suy nghĩ, nhọc nhằn tinh thần, nhưng chẳng thể biến thành thực tiễn).

Kẻ cuồng tuy suy nghĩ, suy xét, cũng rất dụng tâm, cũng rất mệt óc, nhưng chẳng thể làm được, chẳng thể thực hiện triệt để, chẳng thể viên mãn. Do đó, kẻ ấy chỉ có thể gọi là Văn, Tư, Tu, chẳng thể gọi là Tam Huệ. Chư vị ghi nhớ ý nghĩa Tam Huệ như tôi vừa mới nói, sẽ liễu giải: Quả thật Tam Huệ chẳng giống Tam Học. Do có Tam Học, nên mới có Tam Huệ. Dưới đây là một đoạn vấn đáp giả thiết:

          (Sao) Vấn: Thử chỉ Tam Huệ, hữu hà chứng cứ?

          ()問:此指三慧,有何證據?

          (Sao: Hỏi: Tam Huệ như vừa được nêu ra đó, có chứng cớ gì hay không?). 

          “Thử chỉ”, “thử” (此) là nói tới niệm Phật. Niệm câu A Di Đà Phật, chính là Tam Huệ, có chứng cứ gì hay không? Niệm Phật đích xác là Tam Huệ, xác thực là Tam Huệ Văn, Tư, Tu được bao gồm trong ấy. Một câu Phật hiệu, khi tiếp xúc là Văn; tiếp xúc liền hiểu rõ, câu Phật hiệu trọn đủ vô lượng vô biên công đức, chẳng cần thông qua suy tưởng bèn lập tức biết ngay. Lại còn lập tức thật thà niệm. Nghe niệm Phật thì chẳng có ai không thật thà niệm theo; niệm chính là Tu.

          (Sao) Phật Địa Luận vân.

          ()佛地論云。

          (Sao: Phật Địa Luận nói).

          Liên Trì đại sư trích dẫn kinh điển. Phật Địa Luận nói:

          (Sao) Bồ Tát lý tam diệu huệ, Tịnh Độ vãng hoàn.

          ()菩薩履三妙慧,淨土往還。

(Sao: Bồ Tát [do] thực hành ba diệu huệ mà qua lại Tịnh Độ).

           Nêu lên chứng cứ này quá hay! Nêu trường hợp Bồ Tát tu Tịnh Độ, tức Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Lý” (履: đạp lên, bước đi) là thực hiện, thực hành. Thực hành “tam diệu huệ” nghĩa là gì? Là niệm câu A Di Đà Phật. Niệm câu A Di Đà Phật, thường qua lại Tây Phương Cực Lạc thế giới và các thế giới phương khác, tới lui qua lại! Bồ Tát trong thế giới Tây Phương hằng ngày đều đến các thế giới ở phương khác để “thượng cúng chư Phật, hạ hóa chúng sanh” (trên là cúng dường chư Phật, dưới là hóa độ chúng sanh). Dùng phương pháp gì? Dùng một câu A Di Đà Phật để phổ độ hết thảy các chúng sanh có duyên đã chín muồi trong pháp giới. Duyên chưa chín muồi, họ sẽ chẳng tiếp nhận. Nếu duyên đã chín muồi, họ vừa nghe bèn tiếp nhận, độ những chúng sanh ấy, [đó chính là] “Tịnh Độ vãng hoàn” (qua lại Tịnh Độ). Đấy là nguyên văn lời luận; kế đó, còn có lời giải thích.

          (Sao) Dĩ Văn Tư Tu, đắc nhập Tịnh Độ, cố tri niệm Phật tất hữu tam huệ.

()以聞思修,得入淨土,故知念佛必有三慧。

(Sao: Do Văn, Tư, Tu được vào Tịnh Độ; vì thế biết niệm Phật ắt có ba thứ huệ).

          Nói thật ra, đây là vì khá nhiều kẻ nẩy sanh hiểu lầm đối với pháp môn Niệm Phật, cho rằng “niệm Phật nếu nói miễn cưỡng sẽ là đắc Định đôi chút” thì họ còn có thể tiếp nhận. [Họ nghĩ] niệm Phật đạt đến nhất tâm bất loạn là Định, chứ người niệm Phật chẳng có trí huệ. Kẻ bình phàm nói như vậy; thật ra, họ chẳng liễu giải pháp môn này, nghe lỏm nói mò, kẻ khác bảo thế nào bèn lặp y hệt như vậy, nẩy sanh khá nhiều quan niệm sai lầm. Lũ sơ học chúng ta tiếp xúc kinh luận Tịnh Tông cũng nông cạn, ít ỏi, nghe kẻ khác nói như vậy, chẳng đành lòng, thôi đi! Ta không học pháp môn này nữa, ta theo học pháp môn có trí huệ, kết quả là lầm lỡ tương lai! Đoạn vấn đáp này của Liên Trì đại sư hết sức hay, giúp chúng ta phá nghi sanh tín, hiểu pháp môn Niệm Phật thật sự đạt  viên mãn rốt ráo, vượt trỗi thù thắng hết thảy các pháp môn khác, nay chúng ta gặp được mới thật sự là đáng vui mừng. Hôm nay, tôi giảng tới chỗ này!

[1] Tứ Phần Luật là một bộ luật trong Luật Tạng theo truyền thống của Đàm Vô Đức Bộ (Pháp Tạng Bộ, Dharmagupta). Bộ luật này do bốn phần hợp thành, phần thứ nhất là giới Tỳ Kheo, phần thứ hai là giới Tỳ Kheo Ni, phần thứ ba là các pháp an cư, tự tứ v.v… phần thứ tư là các quy định về phòng ở, các oai nghi v.v… Tương truyền sau khi đức Phật diệt độ, tôn giả Ưu Bà Ly trùng tuyên giới luật, định ra giới luật căn bản, truyền cho các vị Ca Diếp, A Nan; sau đó, các vị Thương Na Hòa Tu, Mạt Điền Địa, Ưu Ba Quật Đa… truyền thừa. Sau khi đức Phật diệt độ một trăm năm, tôn giả Chánh Pháp chọn lựa những giới luật được lưu truyền trong Thượng Tọa Bộ, kết tập thành văn bản, trước sau trải qua bốn lần kết tập, chia thành bốn bộ phận, nên bộ luật này có danh xưng là Tứ Phần Luật. Bộ luật này được hai vị Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm dịch sang tiếng Hán tại Trường An. Đây là bộ luật có ảnh hưởng lớn nhất trong giới luật tại Trung Hoa và tác động sâu xa đến các nước theo Phật giáo Đại Thừa. Tác phẩm nổi tiếng nhất để chú giải bộ luật này chính là bộ Tứ Phần Luật San Phồn Bổ Khuyết Hành Sự Sao của ngài Đạo Tuyên.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *