#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 160
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm bốn mươi ba:
(Sao) Thiền duyệt vi thực, cố Định hữu thực nghĩa. Trí năng vận chuyển, cố Huệ hữu hành nghĩa. Như Luận Tụng vân: “Ái nhạo Phật pháp vị, Thiền tam-muội vi thực”. Hựu Phật Địa Luận: “Tịnh độ trung chư Phật, Bồ Tát, năng thuyết, năng thọ Đại Thừa pháp vị. Hựu chánh thể trí thọ Chân Như vị, năng trụ trì thân mạng, sử bất đoạn hoại, trưởng dưỡng vạn pháp, cố danh vi Thực”.
(鈔) 禪悅為食,故定有食義;智能運轉,故慧有行義。如論頌云:愛樂佛法味,禪三昧為食。又佛地論:淨土中諸佛菩薩,能說能受大乘法味,又正體智受真如味, 能住持身命,使不斷壞,長養萬法,故名為食。
(Sao: Lấy Thiền Duyệt làm thức ăn, nên Định có ý nghĩa “ăn”. Trí có thể vận chuyển, nên Huệ có ý nghĩa “đi”. Như [Vãng Sanh] Luận có bài kệ như sau: “Yêu thích pháp vị của Phật, dùng Thiền tam-muội làm thức ăn”. Phật Địa Luận lại nói: “Chư Phật, Bồ Tát trong Tịnh Độ có thể nói, có thể nhận pháp vị Đại Thừa”. Lại nữa, chánh thể trí thọ Chân Như vị, có thể duy trì thân mạng, khiến nó chẳng bị đoạn mất, hư hoại, [lại còn] trưởng dưỡng muôn pháp, nên gọi là Thực”).
“Thiền duyệt vi thực”: Phật pháp nói từ Sơ Thiền trở lên chẳng cần ăn uống, nên [người có thể lấy Thiền Duyệt làm thức ăn] chẳng thuộc trong Dục Giới, mà là đã đạt đến Sắc Giới Thiên. Sắc Giới có Tứ Thiền, bao gồm mười tám tầng trời. Sơ Thiền, Nhị Thiền, và Tam Thiền mỗi cõi đều có ba tầng trời, như Sơ Thiền là Phạm Thiên, gồm Phạm Chúng Thiên (Brahmapāriṣadya), Phạm Phụ Thiên (Brahmapurohita) và Đại Phạm Thiên (Mahābrahmā). Đệ Tứ Thiền rất đặc biệt. Tứ Thiền là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, trừ ba tầng trời bình thường [giống như Sơ Thiền, Nhị Thiền và Tam Thiền], còn có một tầng ngoại đạo thiên (tức là Vô Tưởng Thiên, Asaṃjñāsattvāh). Người tu Vô Tưởng Định thành tựu là ngoại đạo thiên. Ngoài ra, còn có nơi để thánh nhân cư trụ gọi là Ngũ Bất Hoàn Thiên (Śuddhāvāsa), gồm có năm tầng[1]. Vì thế, cộng thêm một tầng ngoại đạo thiên và kể cả ba tầng thông thường ra, Tứ Thiền gồm có chín tầng trời. Thêm nữa, do Sơ Thiền, Nhị Thiền và Tam Thiền trước đó, mỗi nơi đều có ba tầng, nên Sắc Giới có tất cả mười tám tầng trời. Chư thiên trong các tầng trời ấy đều không cần ăn uống, càng lên cao, công phu Thiền Định càng sâu. Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, là Ngũ Dục. Từ Sơ Thiền trở lên, thảy đều chẳng có [Ngũ Dục], họ chẳng cần ngủ, cũng không cần ăn uống. Trong Ngũ Dục, chúng ta thấy hai điều ấy vô cùng nghiêm trọng. Tài còn có thể không cần, danh cũng có thể chẳng cần, sắc cũng có thể chẳng cần, chứ ăn và ngủ chẳng thể nào không cần! Chúng ta quyết định không thể nào làm được! Do đó, phải hiểu, từ Sắc Giới trở lên, trọn chẳng cần ăn uống, “Thiền duyệt vi thực”.
Chúng ta hãy nghĩ, người hạ hạ phẩm vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng vượt trỗi Tứ Thiền Thiên, bất luận là công phu định lực, trí huệ hay phước báo đều vượt xa lục đạo. Đại Phạm Thiên Vương cũng chẳng thể sánh bằng họ, lẽ nào còn có ăn uống? Trong phần trước, tổ sư đã giải thích cũng rất có lý, nói [cõi Cực Lạc] “có ẩm thực” chỉ là đối với chúng sanh trong Dục Giới như chúng ta. Chúng ta niệm Phật đới nghiệp vãng sanh, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, tập khí ăn uống và ngủ nghê vẫn chưa đoạn, thỉnh thoảng nghĩ tới: “Cớ sao đã lâu rồi mà chưa ăn”, có ý niệm ấy. Tây Phương Cực Lạc thế giới rất kỳ diệu, hết thảy các pháp đều là biến hóa mà thành. Quý vị vừa động một niệm, thức ăn trăm vị liền hiện tiền. Sau khi hiện tiền mới biết: Nay chúng ta đang ở trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng phải ở trong thế giới Sa Bà, chẳng dùng những thứ ấy. Chẳng cần nữa, chúng liền chẳng có, liền biến mất!
Trong Thiền Định sanh ra niềm vui thích có thể bồi đắp tinh thần, khiến cho chúng ta tinh thần phấn chấn, chẳng mệt mỏi, nên [Thiền Định] còn có ý nghĩa “ăn uống”. Trong Dục Giới, tác dụng lớn nhất của ăn uống cũng là vun bồi, nuôi nấng thân mạng, nên [Thiền duyệt] có công năng và ý nghĩa giống hệt như vậy.
(Diễn) Thiền duyệt vi thực, Định hữu thực nghĩa giả, Thiền Định tư thần, khinh an, thích duyệt cố.
(演) 禪悅為食定有食義者,禪定資神,輕安適悅故。
(Diễn: Thiền duyệt làm thức ăn, Định có ý nghĩa là “ăn”: Thiền Định có thể bồi bổ tinh thần, nhẹ nhàng, yên vui, thoải mái).
“Tư” (資) là bồi bổ, “thần” là tinh thần, [“tư thần”] là bồi bổ tinh thần. “Khinh an, thích duyệt”: Không chỉ là tinh thần, ngay cả thân thể cũng được bao gồm trong ấy, thân lẫn tâm đều sung sướng! Vì thế, Thiền Định có ý nghĩa “ẩm thực”. Trong thế gian này, khi chúng ta ăn no, tinh thần thoải mái, thể lực cũng khôi phục.
(Diễn) Trí năng vận chuyển, Huệ hữu hành nghĩa giả, trí thể vô trụ, vận hành hoạt bát cố.
(演) 智能運轉慧有行義者,智體無住,運行活潑故。
(Diễn: Trí có thể vận chuyển, nên huệ có nghĩa là “đi”: Do trí thể chẳng trụ, vận hành hoạt bát).
“Trí năng vận chuyển”, Trí là có thể hiểu rõ, thông đạt hết thảy các pháp, nên nó có ý nghĩa là “đi”. Đều là quy kết tự tánh để nói, tức là tự tánh định, tự tánh huệ. “Trí thể vô trụ, vận hành hoạt bát cố”: Nay chúng ta tuy có thể vận hành, nhưng chẳng hoạt bát. Người tuổi càng cao, hành động càng chẳng thuận tiện, chẳng nhanh nhẹn như kẻ trẻ tuổi! Nói theo y học, nguyên nhân là do cao tuổi, bị lão hóa, hành động chẳng thuận tiện. Định Huệ được nói trong Phật pháp chính là tâm địa thanh tịnh. Thân tâm thanh tịnh, không chỉ tinh thần no đủ, mà thân thể cũng chẳng dễ gì bị lão hóa. Lão hóa là điều không thể tránh được, nhưng người ấy già suy rất chậm, chẳng giống những người thường già suy rất nhanh. Nếu công phu định lực rất sâu, người ấy chẳng già, xác thực là có thể khống chế thân thể.
Trong kinh Phật có nói, vào thời đại Thích Ca Mâu Ni Phật, đức Phật có hai vị đệ tử cho đến hiện tại vẫn còn ở trong nhân gian. Chiếu theo cách tính toán của người Hoa, đức Phật diệt độ đã hơn ba ngàn năm, nhưng hai vị ấy vẫn còn tại thế. Một vị là tôn giả Ca Diếp, đức Phật phó chúc Ngài phải đợi Phật Di Lặc xuất hiện trong thế gian này, đem y bát của Thích Ca Mâu Ni Phật trao truyền cho Phật Di Lặc rồi mới có thể diệt độ. Do đó, tôn giả Ca Diếp ở trong nhân gian chúng ta, chẳng nhập diệt. Vị thứ hai là tôn giả Tân Đầu Lô, đức Phật không cho phép tôn giả nhập diệt, buộc Ngài làm phước điền cho hết thảy chúng sanh trong thời kỳ Mạt Pháp. Quý vị thành tâm thành ý cúng trai, Ngài sẽ đến ứng cúng. Ngài thị hiện hình dạng gì? Không biết! Không ai nhận biết, Ngài biến hóa. Đây là do Thiền Định rất sâu, có thể khiến cho sắc thân này thường trụ. A La Hán có năng lực ấy, huống hồ Bồ Tát? Huống hồ Phật? Đương nhiên là có năng lực này! Chư Phật, Bồ Tát tuy có năng lực này, nhưng chẳng trụ thế. Chẳng trụ thế là do nguyên nhân nào? Chúng sanh phước mỏng! Nếu các Ngài dùng thân phận Phật, Bồ Tát để trụ thế, chẳng có lợi gì cho chúng sanh, vì chúng sanh chẳng có tâm cung kính đối với các Ngài. Không chỉ chẳng cung kính, mà còn hủy báng Phật, Bồ Tát, tạo tội nghiệp càng nặng. Do đó, các vị Phật, Bồ Tát chẳng dùng thân phận của chính mình xuất hiện trên thế gian. Phật, Bồ Tát rất từ bi, có thể dùng thân biến hóa, biến hóa thành tại gia cư sĩ, biến hóa thành một người xuất gia tầm thường, vì quý vị thấy những người ấy sẽ chẳng hủy báng, chẳng tạo khẩu nghiệp. Vì lẽ đó, các Ngài chẳng dùng thân phận vốn có để xuất hiện trên thế gian.
[Sách Diễn Nghĩa giảng câu]: “Như luận tụng vân: Ái nhạo Phật
pháp vị, Thiền tam-muội vi thực” [như sau]:
(Diễn) “Như luận” chi luận, thị Vãng Sanh Luận. Như luận tụng vân hạ, thị dẫn chứng, thực hữu lục đoạn, hành hữu nhất đoạn.
(演) 如論之論,是往生論。如論頌云下,是引證,食有六段,行有一段。
(Diễn: Chữ Luận trong “như Luận” chỉ Vãng Sanh Luận. Từ câu “luận tụng rằng” trở đi là dẫn chứng, có sáu đoạn nói về ăn, một đoạn nói về đi).
“Như Luận tụng vân”: Nêu một bài kệ tụng trong Luận để chứng minh, “Luận” [ở đây] là Vãng Sanh Luận. Thông thường, trước chữ Luận có kể thêm tên gọi như Đại Trí Độ Luận, Du Già Sư Địa Luận, Khởi Tín Luận. Đối với kinh điển Tịnh Tông, chỉ nói một chữ Luận, chẳng kể tên, chắc chắn là Vãng Sanh Luận. Trong Vãng Sanh Luận có nói: “Ái nhạo Phật pháp vị, Thiền tam-muội vi thực”. “Dẫn chứng”: Dẫn Vãng Sanh Luận để chứng minh. Vãng Sanh Luận do Thiên Thân Bồ Tát soạn, Đàm Loan đại sư viết chú giải, đặt tên là Vãng Sanh Luận Chú, chú giải hết sức hay! Ngài Đàm Loan là người thuộc thời đại Nam Bắc Triều, có cống hiến hết sức lớn đối với Tịnh Tông. Nhân duyên học pháp của Ngài rất đặc thù. Thuở trẻ, Ngài sợ chết, luôn cảm thấy mạng người vô thường, đi khắp nơi cầu phương pháp bất tử, cho nên học đạo thần tiên. Về sau, Ngài gặp một vị pháp sư từ Tây Vực đến Trung Quốc, bèn thỉnh giáo pháp sư: “Phật môn có phương pháp trường sanh bất tử hay không?” Vị pháp sư ấy liền giới thiệu: “Niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ trường sanh bất tử”. Sư nghe xong, rất hoan hỷ. Do vậy, Sư học Phật, chuyên tu Tịnh Độ, cũng được coi là một vị tổ sư trong thời ấy.
Phật Địa Luận nói: “Tịnh Độ Tông chư Phật, Bồ Tát, năng thuyết, năng thọ Đại Thừa pháp vị” (Chư Phật, Bồ Tát trong Tịnh Độ Tông có thể nói, có thể tiếp nhận pháp vị Đại Thừa). Có thể nói là Phật, có thể tiếp nhận là Bồ Tát.
(Diễn) Chư Phật, Bồ Tát năng thuyết, năng thọ giả, phi chư Phật bất năng thuyết, dĩ cụ tứ vô ngại biện, đắc đại vô úy cố. Phi Bồ Tát bất năng thọ, dĩ tối cực lợi căn, kham năng đảm hà cố.
(演) 諸佛菩薩能說能受者,非諸佛不能說,以具四無
礙辯,得大無畏故。非菩薩不能受,以最極利根,堪能擔荷故。
(Diễn: “Chư Phật, Bồ Tát có thể nói, có thể tiếp nhận”: Chẳng phải là chư Phật sẽ không thể nói, do [chư Phật] trọn đủ Tứ Vô Ngại Biện, đắc đại vô úy. Chẳng phải là Bồ Tát sẽ không thể tiếp nhận, vì Bồ Tát lợi căn tột bậc, có thể gánh vác).
Câu này có ý nghĩa cũng rất sâu. “Có thể nói” (năng thuyết) là A Di Đà Phật, đó là theo nghĩa hẹp. Nói theo nghĩa rộng, sẽ là mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai. Nói lên điều gì? “Đại Thừa pháp vị” được nói ở đây chỉ kinh A Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ, chỉ những kinh này. Kinh điển này là pháp khó tin trong hết thảy các pháp môn; chẳng phải là chư Phật Như Lai, sẽ không thể nói! Nếu không phải là Bồ Tát, cũng chẳng thể tiếp nhận! Quý vị giảng cho họ, họ chẳng tin tưởng. Chỉ có Bồ Tát trí huệ gần bằng Phật nên tin tưởng; từ kinh Hoa Nghiêm, chúng ta đã thấy điều này. Do đó, trước mắt chúng ta, không thể tiếp nhận pháp môn này, thậm chí bài xích, hủy báng, [chúng ta hãy] dùng cái tâm hết sức bình thường để nhìn họ, chẳng có gì đáng coi là kỳ lạ! Họ tu học pháp môn khác, chúng ta cũng khích lệ họ, khuyên họ hãy nghiêm túc học tập, vì sao? Họ tu học pháp môn khác thành công, bèn tin tưởng. Họ phải đi đường vòng rồi mới tin tưởng, hiện tại họ không tin tưởng. Cuối cùng, bất luận tông nào, bất luận tu hành pháp môn nào, đều quy túc Nhất Chân pháp giới, tức là thế giới Hoa Tạng. Thế giới Hoa Tạng thật sự giống như biển cả, tất cả trăm sông thảy đều chảy vào biển cả, vô lượng vô biên pháp môn đến cuối cùng đều trở vào thế giới Hoa Tạng. Đã đến thế giới Hoa Tạng thì dễ rồi, gặp Văn Thù, Phổ Hiền. Mười đại nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát dẫn người ấy về thế giới Cực Lạc, đi đường vòng thì vẫn phải đi.
Kinh Hoa Nghiêm nói rất hay: “Thập Địa Bồ Tát từ đầu tới cuối chẳng lìa niệm Phật”, nên Bồ Tát mới có thể tiếp nhận! Đăng Địa Bồ Tát hoàn toàn liễu giải chân tướng sự thật, sẽ nghiêm túc niệm Phật. Thập Địa Bồ Tát như Hoa Nghiêm đã nói chính là [các vị Bồ Tát] từ Sơ Địa cho đến Đẳng Giác, gồm mười một địa vị, chẳng cần ai khuyên bảo mà biết niệm Phật. Bất luận tu pháp môn nào, chẳng có gì là không tốt đẹp, chúng ta đều khuyên họ hãy nghiêm túc tu. Nếu người ấy có thể tu học pháp môn Tịnh Độ, người ấy tin tưởng, đó là thiện căn, phước đức, và nhân duyên từ vô lượng kiếp đến nay của người ấy đã chín muồi trong một đời này, hết sức hiếm có! Tuyệt đối chẳng phải là phàm nhân, người ấy có đại thiện căn, có trí huệ chân thật, nên mới có thể tin tưởng, ưa thích, tiếp nhận pháp môn này! Có thể thấy người có thể tiếp nhận [pháp môn Tịnh Độ] là Bồ Tát. Đây là một cách nói hoàn toàn xét theo Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Một cách nói khác là Bồ Tát có thể tiếp nhận, mà cũng có thể nói. Các vị Bồ Tát ấy đến các thế giới của chư Phật trong mười phương, cũng thường giúp Phật nhiếp thọ, tiếp dẫn hết thảy chúng sanh. Bồ Tát có thể tiếp nhận, đó là sự thật, còn Ngài có thể nói, đó là do nương vào Phật lực gia trì. Nếu Phật lực chẳng gia trì, Ngài chẳng thể nói pháp môn vi diệu bậc nhất, [giảng nói pháp môn vi diệu bậc nhất này] mới thật sự là độ thoát chúng sanh triệt để viên mãn rốt ráo. Vì thế, thần lực của Tam Bảo gia trì vị ấy. Không chỉ là A Di Đà Phật gia trì, mà mười phương hết thảy chư Phật đều gia trì. Chư vị hãy nghĩ xem, lẽ nào người ấy chẳng thể vãng sanh? Kinh Vô Lượng Thọ đến cuối cùng nói A Di Đà Phật và hết thảy chư Phật thọ ký cho người ấy. Do vậy, đặc biệt khuyên tứ chúng đệ tử trong đời sau hãy phát tâm giảng bộ kinh này. Tôi vừa mới nói, chẳng phải là quý vị có thể giảng, mà là: Quý vị vừa phát tâm giảng, A Di Đà Phật và hết thảy chư Phật Như Lai đều gia trì quý vị. Chẳng được gia trì, quý vị sẽ chẳng thể giảng! Không chỉ chúng ta giảng là do được Phật lực gia trì, mà lúc chư vị đồng tu nghe kinh này cũng là được Phật lực gia trì. A Di Đà Phật gia trì quý vị, mười phương hết thảy chư Phật gia trì quý vị, vì sao? Chẳng được Phật gia trì, quý vị sẽ nghe không hiểu! [Được chư Phật gia trì], pháp khó tin, nhưng quý vị sẽ tin. Chẳng được hết thảy chư Phật gia trì, do pháp khó tin, chúng ta bèn chẳng tin! Quý vị mới biết thiện căn ấy to cỡ nào! Trong đời quá khứ cúng dường vô lượng chư Phật Như Lai, thiện căn ấy hiện tiền trong đời này. Tôi chẳng tùy tiện nói lời này, mà có kinh điển làm căn cứ, trong kinh đã dạy như thế.
Nay chúng ta nhìn toàn thể thế giới này, chúng sanh trong thời đại này đích xác được thần lực của chư Phật Như Lai gia trì, mỗi nơi đều có người tin tưởng pháp môn này, đều có người nghiêm túc tu học pháp môn này, đó là một hiện tượng tốt đẹp. Ở Đài Loan, những chỗ như vậy rất nhiều! Trong đạo tràng này của chúng ta, thường có những đồng tu cùng nhau nghiên cứu, học tập, niệm Phật, chúng ta rất thân thuộc. Không chỉ trong đạo tràng này, tôi thường nghe nói mỗi nơi có chẳng ít người niệm kinh Vô Lượng Thọ, nghe băng thâu âm và cũng niệm Phật, đó là tướng trạng tốt đẹp. Hiện thời, xã hội Đài Loan loạn như vậy, may mắn là còn có nhiều người đang nghiêm túc tu phước ngần ấy. Phước báo ấy là phước báo lớn bậc nhất trong thế gian và xuất thế gian, hy hữu, khó gặp! Vì vậy, chúng ta phải quý trọng!
Một câu này bao hàm rất nhiều nghĩa, không chỉ nói đến chư Phật, Bồ Tát nơi Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nói thật ra, những người từ thế giới Tây Phương đến ứng hóa trong các thế giới phương khác chẳng biết là bao nhiêu! Đặc biệt là những xứ sở khổ sở, hoạn nạn, càng bị khổ nạn, bi tâm của Bồ Tát càng sâu nặng, Ngài thị hiện ở nơi ấy, nam, nữ, già, trẻ, các nghề nghiệp đều có. Chúng ta thường đọc tụng kinh điển Đại Thừa, có thể hiểu ý nghĩa này, có thể nói là “có thể tiếp nhận pháp vị Đại Thừa”.
Câu “hựu chánh thể trí thọ Chân Như vị, năng trụ trì thân mạng, sử bất đoạn hoại, trưởng dưỡng vạn pháp, cố danh vi thực” (lại nữa, chánh thể trí tiếp nhập Chân Như vị, có thể duy trì thân mạng khiến cho nó chẳng bị đoạn dứt, hư hoại, trưởng dưỡng vạn pháp, nên gọi là Ăn) [được sách Diễn Nghĩa giảng như sau]:
(Diễn) Chánh thể trí, tức Căn Bản Trí, diệc danh Như Lý Trí, thử trí năng chứng Chân Như.
(演) 正體智,即根本智,亦名如理智,此智能證真如。
(Diễn: Chánh thể trí là Căn Bản Trí, còn gọi là Như Lý Trí, trí này có thể chứng Chân Như).
Do vậy có thể biết, trí huệ này trọng yếu, người niệm Phật cầu loại trí huệ này. Người niệm Phật, người tu Tịnh Độ nhất định phải biết chúng ta cầu gì? Chúng ta cầu Tây Phương Cực Lạc thế giới. Làm thế nào mới có thể cầu được thế giới Cực Lạc? Trong hết thảy các kinh Đại Thừa, đức Phật đã nói rất nhiều: “Tâm tịnh, ắt cõi tịnh”. Trong kinh này có dạy: “Nhất tâm bất loạn, tâm không điên đảo”, kinh Đại Bổn dạy: “Phát Bồ Đề tâm, một bề chuyên niệm”. Nói tóm lại, quy nạp vào Căn Bản Trí. Căn Bản Trí là gì? Tâm Kinh dạy: “Vô trí, mà cũng vô đắc”. Vô trí là Căn Bản Trí, nhưng chư vị nghe lời này, chớ nên nẩy sanh hiểu lầm “vô trí là Căn Bản Trí, vậy là rất nhiều kẻ ngu ngốc trong thế gian này đều có Căn Bản Trí”, hiểu lầm mất rồi! “Vô trí” là chẳng có tà trí, người ấy có chánh trí, kinh gọi trí ấy là “chánh thể trí”. Người ấy có chánh trí, chẳng có tà trí, có ý nghĩa giống như nhà Thiền đã nói “vô niệm”, chẳng có tà niệm, nhưng có chánh niệm, điều này được gọi là Căn Bản Trí.
Nói thật ra, cái được gọi là Căn Bản Trí chính là tâm thanh tịnh. Khi tâm thanh tịnh chẳng dấy lên các tác dụng khác, khi nó chẳng khởi Tha Thụ Dụng thì gọi là Căn Bản Trí. Vì sao? Chính nó có trí huệ, tuy trí huệ chẳng khởi tác dụng, bản thân trí huệ ấy khi biểu hiện sẽ ở chỗ nào? Biểu hiện ở chỗ “có thể chứng Chân Như”. Tuy có thể chứng Chân Như, nhưng nó chẳng chấp trước Năng và Sở, đó mới là thật. Vì sao? Vì sở chứng Chân Như (Chân Như được chứng bởi Căn Bản Trí) và năng chứng Căn Bản Trí (cái trí để chứng Chân Như) là một, không hai, trong ấy chẳng có giới hạn, chẳng có Năng và Sở (chủ thể và khách thể). Trí là Như, Như là Trí, nên gọi là Như Lý Trí. Vì hễ có năng chứng và sở chứng, trong tâm liền động, dấy động ý niệm, ý niệm bị dấy động ấy gọi là vô minh. Khởi Tín Luận đã nói: Vô minh do đâu mà có? “Một niệm bất giác, bèn có vô minh”. Một niệm bất giác là gì? Là có Năng và Sở, hễ có Năng và Sở, bèn ngay lập tức sanh ra tương đối. Năng và Sở là tương đối, đó là vô minh. Vô minh ấy được gọi là Căn Bản Vô Minh. Do vậy, cái tâm thanh tịnh đến cùng cực, đích xác là trong tâm thanh tịnh chẳng sanh một niệm, chẳng lập một pháp, vạn pháp như như, đó là cảnh giới ấy. Đó là “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại” như kinh Hoa Nghiêm đã nói.
(Diễn) Như không hợp không, tự thủy đầu thủy.
(演) 如空合空,似水投水。
(Diễn: Dường như hư không hòa lẫn vào hư không, như nước gieo vào trong nước).
Tiếp đó là tỷ dụ. “Như không hợp không”: Chân Như là Không, trí huệ có thể chứng Chân Như cũng là không, Không và Không có cùng một Thể, chẳng có giới tuyến. “Như nước gieo vào nước”, chúng ta đổ một chén nước vào trong biển cả, có thể tìm được giới tuyến hay không? Tìm không thấy! Đó là Năng và Sở là một, không hai. Nay phàm phu chúng ta chẳng thể nhập cảnh giới này là do vạch giới tuyến rất rành mạch, chuyện này liền phiền phức to lớn, có Năng và Sở mà!
Chúng ta niệm A Di Đà Phật, ta là năng niệm, A Di Đà Phật là sở niệm (đối tượng được niệm) của ta, Năng và Sở rành mạch, rõ ràng; nhưng niệm Phật thì được, sẽ có thể đới nghiệp vãng sanh, học các pháp môn khác chẳng được! Học các pháp môn khác, chỉ cần quý vị có Năng và Sở tồn tại, chắc chắn chẳng thể kiến tánh, cũng có nghĩa là quý vị tu hành nhiều nhất bèn chứng quả A La Hán hoặc Bích Chi Phật, Quyền Giáo Bồ Tát, chứ các địa vị như Sơ Trụ hoặc Sơ Địa trong Biệt Giáo nhất định chẳng thể chứng đắc, vì từ các đẳng cấp này trở lên không có Năng và Sở, các đẳng cấp thấp hơn có Năng và Sở. Quý vị có khái niệm Năng và Sở rất sâu, liền chứng địa vị nông cạn. Quý vị có khái niệm Năng Sở rất mỏng, địa vị liền tăng lên. Nói theo kinh Hoa Nghiêm, [Năng và Sở] là vọng tưởng, chấp trước. Trong kinh A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung, đức Phật đã dạy: “Khả đắc vi thế gian sự, bất khả đắc vi thế gian ý” (Có thể làm chuyện thế gian, chớ nên khởi ý niệm thế gian). “Thế gian sự” là hết thảy mọi chuyện trong thế gian này, chúng ta không thể bỏ qua, vẫn phải làm đúng như thế. Chớ nên có “thế gian ý”, ý là chấp trước. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là “thế gian ý”. Ý niệm chấp trước ấy càng mỏng càng tốt, chuyện chẳng thể không làm nhất định phải nghiêm túc, đầy trách nhiệm thực hiện cho tốt đẹp, đó là “thế gian sự”. Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại! Đừng nói: “Ta làm chuyện này sẽ chướng ngại sự tu hành của ta”. Thật ra, chẳng có chướng ngại. Chỉ cần quý vị tâm địa thanh tịnh, sẽ chẳng có chướng ngại. Tâm địa quý vị chẳng thanh tịnh, bèn có chướng ngại. Vì lẽ đó, có chướng ngại hay không chẳng dính líu gì đến [hoàn cảnh] nhân sự, mà toàn là do quý vị dụng tâm như thế nào. Chướng ngại hay không là do dụng tâm, Phật pháp là tâm pháp. Hai tỷ dụ này đều so sánh rất hay!
(Diễn) Lý Trí nhất như.
(演) 理智一如。
(Diễn: Lý và Trí như một).
Lý là Chân Như, Trí là trí huệ có thể chứng Chân Như, tức là Căn Bản Trí. Tác dụng đối với bản thân là Căn Bản Trí, khởi tác dụng đối với người khác là Hậu Đắc Trí, không gì chẳng biết. Kinh Bát Nhã nói “Bát Nhã vô tri”, đó là Căn Bản Trí. Tâm Kinh đến cuối cùng nói “vô trí cũng vô đắc”, đó là Căn Bản Trí, ở đây nói là Chánh Thể Trí, hoặc Như Lý Trí. Nó khởi tác dụng giáo hóa chúng sanh, giúp cho người khác không gì chẳng biết. Từ trí này khởi lên tác dụng “không gì chẳng biết”. Khi chẳng [khởi tác dụng] đối với ai khác, chính nó là vô tri, chẳng biết gì cả, tâm ấy mới thật sự thanh tịnh.
Chúng ta đọc Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, thấy Ấn Quang đại sư dạy các đồng tu sơ học phải “thâm nhập một môn”, chớ nên học tạp, chớ nên đến các đạo tràng. Lời ấy từ bi đến tột bậc, lợi ích chân thật giống như kinh Vô Lượng Thọ đã nói: “Huệ dĩ chúng sanh chân thật chi lợi” (Ban cho chúng sanh lợi ích chân thật). Nói thật cùng quý vị, chẳng thể đến nhiều đạo tràng, chớ nên thân cận nhiều thiện tri thức, chớ nên xem nhiều kinh sách. Cụ Ấn Quang thâu nhận đệ tử quy y, từ Vĩnh Tư Lục hoặc Văn Sao, chúng ta thấy các đệ tử quy y thường đến chùa gặp thầy, Ngài trông thấy đều quở, hỏi ngay: “Ngươi đến làm gì?” “Con đến gặp sư phụ”. “Đã thấy sư phụ rồi! Còn có gì hay ho để thấy nữa ư?” Ngài quở mắng, đuổi quý vị về: “Ngươi chẳng trở về nhà, thật thà niệm Phật, mà đi tới chùa, lãng phí tinh thần, lãng phí tiền tài”, đó là giáo huấn chân thật!
Ngài dạy quý vị chỗ nào cũng đừng nên đến, cũng đừng nên tiếp xúc, nhằm làm gì? Tu Căn Bản Trí. Kinh gọi điều này là tu nhất tâm bất loạn. Kinh Đại Bổn dạy quý vị “một mực chuyên niệm”, kinh dạy quý vị “chuyên tinh hành đạo”, quý vị đi khắp nơi, tâm liền tán loạn, khi nào mới có thể đắc nhất tâm? Không sai! Chúng ta muốn đi tham phỏng thì tham phỏng chưa phải là lúc này! Theo giáo huấn của Ấn Quang đại sư, nên tham phỏng vào lúc nào? Sau khi đã sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, cho đến lúc ấy, quý vị hằng ngày đều đến các cõi Phật trong mười phương để lạy Phật, nghe kinh, nghe pháp, đến giúp đỡ hết thảy chúng sanh, khi ấy [sẽ làm những chuyện đó], chẳng phải là lúc này. Hiện thời chẳng có năng lực ấy, mà quý vị còn tham phỏng thêm mấy vị, thôi rồi, đã phá hỏng chuyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Làm tới, làm lui, vẫn là tạo nghiệp luân hồi trong lục đạo. Chuyện này phiền phức lắm! Vì thế, hiện tại phải buông chuyện tham phỏng xuống, nhất tâm nhất ý chuyên cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, có như vậy thì đời này chúng ta mới chẳng đến nỗi luống uổng!
Người ta nói quý vị tu Tịnh Độ là Tiểu Thừa, là kẻ lo tự giải thoát cho riêng mình, thiếu tâm từ bi, cứ mặc kệ cho họ nói! Chớ vì người khác nói vài câu, tâm chúng ta liền động: “Ta chẳng nên làm kẻ chỉ lo giải thoát cho riêng mình, ta có tâm từ bi”. Có tâm từ bi bèn đi lung tung khắp nơi, đi đến cuối cùng vẫn luân hồi trong lục đạo, từ bi nỗi gì! Thật sự đại từ đại bi là sau khi đã gặp A Di Đà Phật, khi ấy mới phổ độ chúng sanh. Ngay cả chính Phổ Hiền Bồ Tát cũng nói: Sau khi sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, mười đại nguyện vương của Ngài mới viên mãn. Do đó, chúng ta mới hiểu: Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới thì Tứ Hoằng Thệ Nguyện mới có thể viên mãn! Chưa sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, bốn điều ấy đều là giả, hữu danh vô thực. Chẳng có năng lực độ chúng sanh, đoạn phiền não thì chính mình cũng chẳng có năng lực đoạn; học pháp môn, thành Phật đạo thì chẳng có ai trong chúng ta có thể hoàn tất trong một đời này! Cả thảy bốn điều đều chẳng làm được! Nếu quý vị muốn làm được cả bốn điều ấy, làm viên mãn, chỉ có cách vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Vì thế, tổ sư khuyên chúng ta tu học, thật sự buốt lòng rát miệng khuyên bảo, bản thân chúng ta phải phản tỉnh thật sâu [nhận biết] chính mình là căn tánh như thế nào, có năng lực gì, trước hết là chính mình phải nhận biết chính mình. Kinh niệm một quyển là đủ rồi. Bộ Sớ Sao Diễn Nghĩa này phân lượng quá nhiều, chẳng bằng kinh Vô Lượng Thọ. Đối với người hiện thời mà nói, kinh Vô Lượng Thọ phân lượng vừa đúng, không quá nhiều, cũng không ít. Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa có thể dùng để tham khảo, Di Đà Kinh Yếu Giải và Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ đều là sách tham khảo hết sức hay, thỉnh thoảng nên mở ra đọc. Chánh kinh là kinh Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ là định khóa của chúng ta, nhất định phải niệm mỗi ngày. Những sách khác quý vị đọc hay không đọc cũng chẳng sao, vừa lễ bái, vừa lật xem một đoạn, không xem cũng chẳng sao! Nhất định phải phân định rành mạch Chánh Tu và Trợ Tu. Chúng ta lấy kinh Vô Lượng Thọ, hoặc lấy kinh Di Đà, lấy tín nguyện trì danh làm Chánh Tu của chúng ta, quyết định không thể lơi lỏng khóa trình ấy. Nếu quý vị nghiêm túc học theo cách như vậy, càng học, tâm càng thanh tịnh, phiền não thật sự giảm bớt, chính mình có thể cảm nhận được: Vọng tưởng ít đi, chấp trước cũng nhẹ nhàng, đối với chuyện gì cũng coi nhạt nhẽo, tâm được tự tại, có năng lực biện định pháp thế gian và xuất thế gian, đó là trí huệ tăng trưởng. Quý vị đạt được lợi ích này, mới hiểu những lợi ích thù thắng, lợi ích lớn nhất như kinh đã dạy, quý vị hiểu những lời ấy. Quý vị đã hiểu, vì sao? Thật sự đạt được! Trước kia là nghe nói, hiện thời là chính mình thật sự đạt được.
(Diễn) Trưởng vô đoạn tuyệt, tùng Thể khởi Dụng, trưởng dưỡng vạn pháp, như thực chi năng trì sắc thân, trưởng dưỡng vạn sự dã.
(演) 長無斷絕,從體起用,長養萬法,如食之能持色身,長養萬事也。
(Diễn: “Tăng trưởng chẳng đoạn tuyệt”: Từ Thể khởi Dụng, trưởng dưỡng vạn pháp, như thức ăn có thể duy trì sắc thân, trưởng dưỡng vạn sự).
Chư vị phải khéo niệm Phật! Lợi ích hiện tiền là thân tâm khỏe mạnh, vạn sự như ý, quý vị có muốn đạt được hay không? “Trưởng dưỡng vạn sự” được nói ở đây chính là vạn sự như ý, chuyện nào cũng hợp ý, thân tâm khỏe mạnh. Đó là sự phú quý chân thật trong đời người, chẳng phải là có tiền tài mới là phú quý. Có tiền, có địa vị, mà thân tâm chẳng khỏe mạnh, vô dụng! Hạnh phúc bậc nhất trong đời người là thân tâm khỏe mạnh, cuộc sống vui sướng, chẳng có phiền não, chẳng lo nghĩ, rất vui sướng, đó là hạnh phúc nhất, tuyệt đối chẳng phải là tiếng tăm, lợi dưỡng. Người thế gian coi trọng tiếng tăm, lợi dưỡng, nhìn sai mất rồi, đó là mê hoặc, điên đảo.
(Sao) Hựu A Hàm Duy Thức đẳng, thuyết xuất thế ngũ thực.
(鈔) 又阿含唯識等,說出世五食。
(Sao: Lại nữa, A Hàm, Duy Thức v.v… nói đến năm món ăn xuất thế).
Kinh A Hàm là kinh Tiểu Thừa, Duy Thức là Đại Thừa Thỉ Giáo, là kinh Đại Thừa. Trong những giáo nghĩa ấy, đức Phật đã nói người tu hành có năm thứ thức ăn.
(Sao) Nhất, Thiền duyệt; nhị, nguyện; tam, niệm; tứ, giải thoát; ngũ, pháp hỷ. Vị Thiền Định tư thần, khinh an, thích duyệt, tức vi thực nghĩa. Nguyện lực trì pháp, Pháp Thân tăng trưởng, tức vi thực nghĩa.
(鈔) 一、禪悅,二、願,三、念,四、解脫,五、法喜。謂禪定資神,輕安適悅,即為食義。願力持法,法身增長,即為食義。
(Sao: Một là Thiền duyệt; hai là nguyện; ba là niệm; bốn là giải thoát; năm là pháp hỷ. Ý nói: Thiền Định bồi bổ tinh thần, nhẹ nhàng, thoải mái, nên có ý nghĩa Ăn. Nguyện lực gìn giữ pháp, tăng trưởng Pháp Thân, chính là ý nghĩa của Ăn).
Nay chúng ta thấy rất nhiều người học Phật chẳng có Thiền Định,
nói gì nữa! Tuy họ có phát nguyện, tuy có nguyện, nhưng ta cũng chẳng thấy họ có biểu hiện công đức lợi ích thật sự gì, do duyên cớ nào? Vì nguyện của họ là giả, chẳng thật. Vì sao biết là giả? Được vài năm, nguyện của họ sẽ biến đổi, hoặc gặp cảnh giới hiện tiền, nguyện của người ấy cũng bị chuyển biến, có thể thấy nguyện ấy chẳng thật! Nếu nguyện chân thật, thiết tha, sẽ đích xác là ý nghĩa này. Như nguyện lực của A Di Đà Phật [được chép] trong kinh Vô Lượng Thọ, “túng sử thân nhập đại hỏa trung, như thị nguyện tâm vĩnh bất thoái” (dẫu cho thân vào trong lửa lớn, nguyện tâm như vậy vĩnh viễn chẳng lui sụt). Đó là chân thật, nguyện của Ngài liền sanh ra hiệu lực. Bất luận cảnh giới nào, nguyện của người ấy kiên cố, chẳng thoái chuyển. Nguyện lực ấy có thể “trì pháp”, “trì” là gìn giữ, “pháp” là phương pháp tu hành của người ấy. Căn cứ lý luận, phương pháp tu hành, do được nguyện lực gìn giữ, nên chẳng bị biến đổi. “Pháp Thân tăng trưởng”, Pháp Thân huệ mạng của người ấy tăng trưởng. Chỉ có tín nguyện kiên cố, Pháp Thân huệ mạng quyết định tăng trưởng.
Vì thế, tôi bảo các đồng học: Quý vị hãy làm, sẽ thấu hiểu, chứng nghiệm. Nếu quý vị thật sự tin tưởng pháp môn này, y theo phương pháp như tôi đã nói để tu hành, tối đa là ba năm, quý vị gặp lại tôi, sẽ nói: “Pháp sư ơi! Tôi thật sự nắm chắc vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, từ nay trở đi chẳng còn bị đọa trong lục đạo luân hồi nữa”. Đó là một đại sự phi phàm! Nếu quý vị thật sự nghiêm túc thực hiện ba năm, sẽ đạt được. Bất quá trong ba năm ấy, quý vị còn xem kinh luận khác, còn muốn nghe giảng cái này, nghe cái kia, còn muốn đến chùa miếu khắp nơi, đi dự pháp hội khắp nơi, vậy thì ba mươi năm, ba trăm năm cũng không được! Chúng ta làm phàm phu đời đời kiếp kiếp từ vô lượng kiếp tới nay sanh tử luân hồi, đời này gặp gỡ duyên phận tốt đẹp như vậy, đã tìm được đường nẻo để vượt thoát tam giới, chẳng dễ dàng! Cũng có thể nói là vô lượng kiếp đến nay đều chẳng phát hiện đường lối này! Đã tìm được, sao chẳng đi cho sớm? Tìm được, quý vị sẽ sớm thành Bồ Tát, thành Phật, chẳng còn làm phàm phu.
Ngay cả giáo học thế gian cũng luôn luôn là “giáo chi đạo, quý dĩ chuyên” (đạo giáo hóa chú trọng chuyên ròng), huống hồ đại pháp liễu sanh tử! Nhất định phải chuyên tu. Vì thế, người tu hành thật sự, trong Phật đường tại nhà, thờ một bức tượng A Di Đà Phật, một quyển kinh Di Đà, một lư hương, tối đa là thêm một cái dẫn khánh, một cái mõ, [ngoài ra], thứ gì cũng đều chẳng có, tâm chuyên nhất! Đầu bàn còn bày một đống sách lớn, không được rồi, chẳng chuyên! Thật sự chuyên thì tối đa là năm kinh Tịnh Độ. Càng tinh ròng, tâm người ấy càng chuyên, thật sự đạt đến chuyên nhất, sự thụ dụng đích xác là chẳng thể nghĩ bàn! Tôi có nói, quý vị cũng chẳng có cách nào hiểu được, vì sao chẳng có cách nào hiểu được? Vì quý vị chẳng chuyên! Chuyện này giống như người uống nước, ấm lạnh tự biết. Tôi uống hết chén nước, tôi bảo quý vị nước này rất nóng, quý vị chưa uống qua, nóng cỡ nào quý vị cũng chẳng thể tưởng tượng được! Quý vị phải nếm thì mới được. Nếu quý vị có thể chuyên ròng trong ba tháng, quý vị sẽ hiểu hương vị ở đây, quý vị liền đạt được lợi ích. Quý vị thật sự làm trong ba tháng, nhật báo, tạp chí, radio, TV đều chẳng xem, những thứ thù tạc chẳng cần thiết đều bỏ sạch. Không chỉ sách vở thế gian đừng xem, mà những kinh Phật khác cũng chớ nên xem. Chuyên niệm một quyển kinh Vô Lượng Thọ, niệm suốt ba tháng. Trừ niệm kinh ra, liền niệm Phật, tận hết khả năng sao cho Phật hiệu chẳng gián đoạn. Điều này đòi hỏi phải có nguyện lực chân thật để duy trì. Nếu quý vị chẳng có nguyện lực chân thật, sẽ thấy lạ, nghĩ khác! Cảnh giới bên ngoài vừa đưa đến, ngay lập tức dao động, ngay lập tức lui sụt. Bạn bè tìm quý vị đánh mạt chược, được lắm, quý vị phải đến thù tạc một chút. Người bạn nọ mời quý vị đi xem phim, quý vị đi một chút, thôi rồi, hết thảy xếp xó cả rồi!
(Sao) Niệm lực minh ký, thánh đạo hiện tiền, tức vi thực nghĩa.
(鈔) 念力明記,聖道現前,即為食義。
(Sao: Niệm lực hiểu rõ ràng, ghi nhớ, thánh đạo hiện tiền, chính là ý nghĩa Ăn).
Trong Lục Thư[2], chữ Niệm thuộc loại Hội Ý. “Niệm” (念) là kim tâm (今心), tức là cái tâm hiện tại, tức một niệm chân tâm hiện tiền. Chẳng phải là tâm quá khứ, chẳng phải là tâm vị lai, tâm hiện tại! “Niệm
lực minh ký”: Minh (明) là hiểu rõ, Ký (記) là không quên, “thánh đạo hiện tiền”. Nhất là vận dụng vào niệm Phật, một câu danh hiệu A Di Đà Phật nhiếp toàn bộ vô lượng công đức của Phật Di Đà. Dùng một niệm tâm tịnh tín để niệm câu Phật hiệu này, biến công đức của A Di Đà Phật đều thành công đức của chính mình. Tâm chính mình và tâm A Di Đà Phật giao hòa, trong ấy chẳng có giới tuyến, nhập vào nhau như ánh sáng dung hòa. Một niệm tâm của chúng ta gieo vào trong Nhất Thừa nguyện hải của A Di Đà Phật. Nhất thừa nguyện hải của A Di Đà Phật nhập vào tâm ta, tự tâm và Phật tâm chẳng hai, chẳng khác, trong ấy chẳng có giới tuyến. Vì thế, “một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”. Quý vị biết công đức niệm Phật to chừng nào? Trong thế gian, rất nhiều người chẳng biết điều này!
Quý vị niệm một câu danh hiệu Phật này, quý vị là A Di Đà Phật, A Di Đà Phật là quý vị, vì trong ấy chẳng có giới tuyến, “như không hợp không, tự thủy đầu thủy” (như hư không hợp cùng hư không, như nước gieo vào trong nước). Trong ấy chẳng có giới tuyến, mấy ai biết là có loại công đức, lợi ích thù thắng này? Nếu quý vị muốn tiêu tai miễn nạn, tiêu nghiệp chướng, phương pháp nào cao minh bằng phương pháp Niệm Phật? Có phương pháp nào hữu hiệu bằng phương pháp Niệm Phật? Phương pháp Niệm Phật này có công đức bậc nhất, hiệu quả thù thắng bậc nhất. Vì vậy, quý vị niệm Phật, có còn phải bái sám hay không? Chẳng cần thiết! Chúng ta chẳng hiểu đạo lý này, miệng niệm A Di Đà Phật, trong tâm có Năng và Sở, hoài nghi Phật, chẳng tin vào chính mình, niệm kiểu đó sẽ chẳng thể cảm ứng đạo giao. Hoài nghi Phật, “ta niệm thì Phật có nghe hay không? Rốt cuộc Ngài có biết hay là không?” Hoài nghi, chẳng biết A Di Đà Phật có biết ta đang niệm hay không! Hoài nghi chính mình, ta một đời này tội nghiệp sâu nặng, Phật có thể tha thứ cho ta hay không? Có thể rộng dung cho ta hay không? Chẳng tin Phật, lại chẳng tin chính mình, niệm kiểu ấy làm sao có thể cảm ứng đạo giao cho được? Tâm ấy chẳng thanh tịnh! Tâm chẳng thanh tịnh, niệm lực của quý vị chẳng tương ứng.
Vì sao bảo quý vị đến nghe kinh? Vì sao phải giảng giải, phân tích cho quý vị cặn kẽ như vậy? Nhằm phá nghi sanh tín. Nếu quý vị đoạn hết nghi hoặc, tín tâm sanh khởi; khi ấy, một niệm tương ứng một niệm Phật, quý vị niệm Phật lúc đó chẳng giống như niệm Phật trước kia. Trước kia, niệm Phật xác thực là suốt ngày từ sáng đến tối đều chẳng tương ứng, chẳng có một câu nào tương ứng. Sau khi quý vị thật sự hiểu đạo lý này, sẽ có thể phát hiện niệm Phật câu nào cũng tương ứng, câu nào cũng đều là tín tâm thanh tịnh niệm, câu Phật hiệu nào cũng dung hội với A Di Đà Phật thành một Thể. Công đức đã tu từ vô lượng kiếp đến nay của A Di Đà Phật, do tâm chúng ta và tâm Ngài tương ứng, công đức của Ngài liền biến thành công đức của ta. Pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn, pháp môn này thù thắng khôn sánh. Vì lẽ đó, hết thảy chư Phật tán thán, hết thảy Bồ Tát đều phải cầu sanh Cực Lạc. Vì thế là “niệm lực minh ký, thánh đạo hiện tiền”.
Quán Kinh giảng lý luận thấu triệt, giảng rất hay: “Tâm này là Phật, tâm này làm Phật”. “Tâm này là Phật” là Lý, đối với câu này, trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát nói là Bổn Giác, Bổn Giác vốn có. Tâm này là Phật, cũng là “hết thảy chúng sanh vốn thành Phật” như trong kinh Hoa Nghiêm và Viên Giác đã giảng. Tâm này là Phật, vốn đã thành Phật, đó là Lý. Trên sự thật, chẳng tương ứng, trên sự thật, chúng ta niệm niệm đều nghĩ tới lục đạo, nghĩ tới mười pháp giới, chẳng phải là Phật! Nay chúng ta niệm câu A Di Đà Phật này thì phải là “tâm này làm Phật”. Quý vị niệm một câu A Di Đà Phật là một niệm làm Phật, niệm hai câu A Di Đà Phật là hai niệm làm Phật. Niệm ấy chẳng gián đoạn, quý vị bèn là niệm niệm làm Phật, như vậy thì sẽ thật sự thành Phật. Chư vị hãy khéo suy nghĩ đạo lý này. Quý vị niệm Bồ Tát bèn thành Bồ Tát, niệm A La Hán bèn thành A La Hán. Quý vị niệm tham, niệm sân, niệm si, đều có quả báo. Niệm là tạo nhân, sau đấy, nhất định có quả báo, nhân duyên quả báo chẳng sai sót mảy may! Hiện thời, có rất nhiều người suốt ngày nghĩ đến tiền, quý vị nghĩ xem, quả báo tương lai là gì? Trên tiền giấy, có rất nhiều vi khuẩn, [kẻ chỉ nghĩ đến tiền] tương lai đều biến thành những thứ ấy! Hiểu rõ chân tướng sự thật thì mới biết hết thảy các pháp môn chẳng hay bằng niệm Phật! Niệm Phật thật sự tốt đẹp, thật sự rốt ráo!
(Sao) Giải thoát trừ chướng, cư nhiên tư ích, tức vi thực nghĩa.
(鈔) 解脫除障,居然資益,即為食義。
(Sao: Giải thoát trừ chướng, nghiễm nhiên tăng trưởng, đó chính là ý nghĩa Ăn).
Chúng ta đọc chữ Giải với giọng khứ thanh (tức là Xié trong âm Quan Thoại), dùng như động từ, có nghĩa là “giải trừ”. Giải trừ gì? Phiền não. “Thoát” là thoát lìa, thoát lìa gì? Thoát lìa lục đạo luân hồi, thoát lìa sanh tử. Phiền não là căn bản, là nhân của sanh tử! Sanh tử luân hồi là quả báo. Nếu muốn thoát lìa sanh tử luân hồi, phải tiêu diệt nhân tố của sanh tử luân hồi, nhân tố là vô minh phiền não. Nặng nhất trong các phiền não là kiến giải sai lầm và tư tưởng sai lầm, chúng được gọi gộp chung là Kiến Tư phiền não. Kiến giải sai lầm có năm loại lớn: Thân Kiến, Biên Kiến, Giới Thủ Kiến, Kiến Thủ Kiến, và Tà Kiến. Tư tưởng sai lầm cũng có năm loại lớn: Tham, sân, si, mạn (ngạo mạn), và nghi (hoài nghi thánh giáo). “Giải” là đoạn phiền não, mười điều Kiến Tư phiền não quý vị thảy đều có thể đoạn hết, liền được thoát, thoát khỏi lục đạo luân hồi, liền chứng quả A La Hán, đó là giải thoát. “Giải thoát trừ chướng”, chướng ấy là Phiền Não Chướng, có thể trừ Phiền Não Chướng.
“Cư nhiên tư ích” (Nghiễm nhiên tăng trưởng), nó có thể tăng trưởng Pháp Thân huệ mạng của quý vị. Trong Tiểu Thừa, đức Phật chỉ nói đến Kiến Tư phiền não; trong Đại Thừa, Ngài nói đến trừ chướng thì có ba thứ chướng là Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não, và Vô Minh phiền não. Giảng rất vi tế, rất rộng, [trừ phiền não trong Đại Thừa] không chỉ là trừ Kiến Tư phiền não mà thôi! Nếu chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, phương pháp được chúng ta sử dụng, tức là phương pháp làm thế nào để giải thoát, chính là tín nguyện trì danh. Ta tin tưởng Tịnh Độ rất sâu, tin tưởng trí huệ, nguyện lực, và công đức của A Di Đà Phật, chẳng hoài nghi tí nào. Thứ hai là tin tưởng chính mình, ta dùng tâm thanh tịnh niệm Phật, niệm niệm đều tương ứng với A Di Đà Phật; trong tương lai khi lâm chung, A Di Đà Phật quyết định đến tiếp dẫn ta. Dùng tín tâm thanh tịnh như vậy để niệm Phật, đoạn Kiến Tư phiền não, đoạn Trần Sa phiền não, đoạn Vô Minh phiền não, phương pháp này hay lắm, chẳng cần dùng phương pháp nào khác nữa! Đại Thế Chí Bồ Tát đã dạy chúng ta: “Bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai” (Chẳng nhờ vào phương tiện, tâm tự mở mang). “Tâm khai” là giải thoát. Giải thoát và “tâm khai” có cùng một ý nghĩa. “Bất giả” (不假) là không cần nhờ vào phương tiện pháp môn nào khác, một câu Phật hiệu bèn thành công. Quý vị nghĩ xem pháp môn này thù thắng lắm, thuận tiện lắm, đơn giản, dễ dàng, ai nấy đều có thể niệm, mỗi người đều có thể sử dụng cách này, nhưng quý vị chẳng chịu dùng thì chẳng có cách nào cả! Nếu quý vị thật sự biết dùng, quyết định hữu hiệu. Vì thế, tôi nói với quý vị, quý vị hiểu đạo lý này, hiểu phương pháp này, quý vị nghiêm túc thực hiện, ba tháng sẽ thấy hiệu quả, quý vị thấy đó, nhanh chóng lắm! Đó là chánh pháp, thật sự thuần chánh.
(Sao) Pháp hỷ nội sung, cực hỷ lạc cố, tức vi thực nghĩa.
(鈔) 法喜內充,極喜樂故,即為食義。
(Sao: Pháp hỷ sung mãn trong ấy, vui sướng tột bậc, tức là nghĩa Ăn).
Tục ngữ có câu: “Nhân phùng hỷ sự tinh thần sảng” (Người gặp chuyện vui, tinh thần sảng khoái). Quý vị gặp chuyện vui vẻ, tinh thần sung mãn gấp trăm lần, mệt mỏi gì cũng quên khuấy, hoan hỷ. Sự vui thế gian còn khiến ta quên mất mệt nhọc, tinh thần phấn chấn, huống gì trong Phật pháp, quý vị thật sự có thể cùng chư Phật, Bồ Tát cảm ứng đạo giao, thật sự có thể ngộ nhập nghĩa lý sâu xa tinh hoa, ẩn kín, vi tế trong Phật pháp, quý vị sẽ có thể lãnh hội niềm vui sướng, khoái lạc ấy! Bất luận là đọc kinh hay niệm Phật, tinh thần tăng tấn gấp trăm lần, chẳng mệt mỏi. Nếu niệm mà thấy mệt mỏi, tức là quý vị công phu chẳng đúng pháp, nghiệp chướng của quý vị còn rất nặng, phải dùng phương pháp niệm Phật để tiêu trừ. Công phu đắc lực, nghiệp chướng dần dần tiêu trừ, thưa cùng chư vị, sẽ ngủ ít đi, vì sao? Người ấy có pháp hỷ. Thuở đức Phật tại thế, đệ tử Phật, thông thường là những vị xuất gia với Phật, mỗi ngày ngủ bốn tiếng đồng hồ, [ngủ vào lúc] trung dạ, tức là mười giờ đêm đi ngủ, hai giờ sáng thức dậy. Họ ngủ bốn giờ là đủ, vì sao? Pháp hỷ sung mãn. Mỗi ngày họ ở chung với Phật, với Bồ Tát, nên hoan hỷ! Tâm địa thanh tịnh, ăn uống ít, ngày ăn một bữa là đủ, buổi trưa ăn một bữa, mỗi ngày ngủ bốn tiếng đồng hồ.
Nay chúng ta một ngày ngủ tám, chín tiếng đồng hồ, nghiệp chướng đấy! Ngủ đến nỗi đầu óc mê hoặc, điên đảo. Quý vị nói dùng phương pháp gì ư? Niệm Phật. Niệm Phật ư? Chẳng hữu hiệu! Đúng vậy, há lẽ nào vừa niệm liền thấy hiệu quả ngay! Chẳng thể nào mau chóng như thế được! Nói chung, quý vị phải niệm một thời gian, quý vị bị bệnh này đã quá lâu, vừa uống thuốc vào, chẳng thể nào hữu hiệu mau chóng như vậy được! Thật sự cảm thấy hữu hiệu, ba tháng, đó cũng là rất nhanh! Hiệu quả rõ rệt phải từ ba năm đến năm năm, sẽ có hiệu quả vô cùng rõ rệt. Vì thế, thân tâm thật sự khỏe mạnh, pháp hỷ sung mãn, suốt ngày từ sáng đến tối vui sướng, chẳng còn có phiền não, chẳng còn ưu lự. Bất luận cảnh giới nào, thuận cảnh hay nghịch cảnh, đều là pháp hỷ sung mãn, có trí huệ.
Năm loại ấy đều có nghĩa Ăn. Ăn [ở đây] có nghĩa là có thể dấy khởi tinh thần, khiến cho chúng ta quên mất mệt nhọc, trừ bỏ mệt nhọc [giống như ăn đồ ăn vào sẽ khiến ta chẳng còn đói nữa].
(Sao) Kim chỉ ngôn Định giả, cử nhất kiêm tứ, Thiền Định chi trung, vô bất nhiếp cố.
(鈔) 今止言定者,舉一兼四,禪定之中,無不攝故。
(Sao: Nay chỉ nói đến Định, nêu lên một điều bao gồm cả bốn điều, trong Thiền Định, không gì chẳng được bao hàm).
Trong lời giải thích trên đây, đại sư chỉ nói đến Thiền Định. Lời Sao do Ngài viết, nhằm bổ sung ý nghĩa này. Trong Thiền Định, cả bốn ý nghĩa ấy đều được bao gồm. Thật sự có Thiền Định thì “nguyện, niệm, giải thoát, pháp hỷ” tất nhiên xuất hiện trong Định. Vì thế, nói “cử nhất kiêm tứ” (nêu lên một điều bao gồm cả bốn điều).
Đoạn tiếp theo là Diễn Nghĩa, chư vị tự xem là được rồi, chẳng cần phải giảng[3]. Những ý nghĩa tôi đã giảng trong phần trên đều rất rõ rệt. Điều khẩn yếu là dùng phương pháp như thế nào để tu, nhất định phải ghi nhớ điều này. Sử dụng phương pháp Niệm Phật, chư vị đều có thể niệm, nhưng mấu chốt là dụng tâm như thế nào. Nhất định phải dùng tâm thanh tịnh, phải dùng tâm bình đẳng, phải dùng cái tâm tin tưởng chân thật, nguyện thiết tha, quý vị sẽ có cảm ứng rất nhanh. Sự cảm ứng ấy chẳng phải là nói quý vị thấy Phật, thấy Bồ Tát tỏa ánh sáng, rúng động cõi đất, chẳng phải vậy! Chẳng phải là những thứ cảm ứng ấy! Quý vị có thể cảm giác cái tâm của chính mình thanh tịnh, phiền não ít đi, sẽ cảm giác rất vui sướng, thậm chí thân thể quý vị có bệnh, bệnh chẳng còn nữa. Thật đấy! Chẳng cần chữa trị, tự nhiên [bệnh tật] chẳng còn nữa. Thân thể này xác thực là cảnh giới, cảnh chuyển theo tâm, tâm lý khôi phục sự lành mạnh, tâm thanh tịnh, thân thể này bèn trăm bệnh chẳng sanh. Khi thanh tịnh đến cùng cực, thân thể sẽ tỏa mùi thơm. Thân có mùi hôi, có tật bệnh, đều là nghiệp chướng. Hãy nghiêm túc niệm Phật, dùng cái tâm này, dùng phương pháp này, dùng lý luận này để tiêu nghiệp chướng! Thân tâm khỏe mạnh, thân tâm vui sướng, là những điều đạt được trước mắt, Phật pháp gọi những điều đó là hoa báo, quả báo ở Tây Phương Cực Lạc thế giới. Chín phẩm vãng sanh, sang bên đó làm Bồ Tát, làm Phật, đó là quả báo, công đức quả báo giống hệt từng điều được nói trong kinh Vô Lượng Thọ, trang nghiêm thù thắng khôn sánh. Hôm nay thời gian đã hết rồi, chúng tôi giảng tới chỗ này.
[1] Năm tầng trời ấy là Vô Phiền Thiên (Avṛha), Vô Nhiệt Thiên (Atapa), Thiện Kiến Thiên (Sudṛśa), Thiện Hiện Thiên (Sudarśana) và Sắc Cứu Cánh Thiên (Akaniṣṭha).
[2] Lục Thư là sự phân loại cách tạo chữ và phương pháp sử dụng các từ ngữ trong tiếng Hán, bao gồm:
– Tượng Hình: Mô phỏng hình dáng sự việc, như Nhật (日), Nguyệt (月), Sơn (山), Xuyên (川)…
– Chỉ Sự (còn gọi là Biểu Ý): Chỉ định một sự vật bằng cách dùng chữ để diễn đạt ý, như thêm nét vào một chữ gốc. Chẳng hạn, chữ Bổn (本: gốc cây), được tạo thành một vạch thêm vào dưới chữ Mộc (木), hoặc các chữ Thượng (上), Hạ (下).
– Hình Thanh: Kết hợp một chữ (gọi là Hình) để biểu thị ý nghĩa, thêm một chữ biểu thị âm đọc. Chẳng hạn Chỉ (趾: ngón chân), ghép bởi chữ Túc (足: chân) và Chỉ (止) để gợi ý âm đọc.
– Hội Ý: Ghép hai hay nhiều chữ lại, nhằm diễn tả một ý nghĩa như chữ Tửu (酒) gồm chữ Dậu (酉) nghĩa là cái vò bằng đất chứa đựng dịch thể được tượng trưng bằng bộ Thủy (水).
– Chuyển Chú: Dùng chữ này để chỉ ý nghĩa chữ khác, có thể phân thành ba loại như Hình Chuyển Chú (những chữ có cùng một bộ Thủ, có ý nghĩa gần giống nhau), Nghĩa Chuyển Chú (có ý nghĩa tương đồng), và Âm Chuyển Chú (âm đọc gần giống nhau, có thể dùng để giải thích hay dùng lẫn cho nhau). Nói chung, định nghĩa này không phân biệt rạch ròi ranh giới giữa Âm Chuyển Chú và Giả Tá.
– Giả Tá: Mượn những chữ có âm đọc giống nhau, để chỉ những ý khác. Cách này thường dùng trong biên chép cho nhanh, nhất là trong lối chữ Thảo. Chẳng hạn khi chép chuyện Ngu Công Dời Núi trong sách Liệt Tử, người ta đã than: “Thậm hỹ, nhữ chi bất huệ” (甚矣,汝之不惠: Ông thật là ngu đần quá). Chữ Huệ (惠) là cách viết Giả Tá thay cho Huệ (慧: trí huệ).
[3] Toàn bộ đoạn này chỉ được sách Diễn Nghĩa giảng vắn tắt như sau: “Từ câu ‘Thiền Định tư thần’ (Thiền Định bồi bổ tinh thần) trở đi, lần lượt giải thích năm món ăn trên đây. Thực (thức ăn) có ý nghĩa vun bồi, vui sướng. Nay Thiền Định duy trì cái tâm, xa lìa những thứ thô trược, nặng nề. Thân thể sảng khoái, tinh thần thoải mái, chính là ý nghĩa của Thực. Thực có ý nghĩa tăng trưởng, nay nguyện lực kiên cường, chấp trì chánh pháp, Pháp Thân tăng trưởng, chính là ý nghĩa Thực. Thực có thể hoàn thành các sự, nay do niệm lực có thể hiểu rõ, nhớ kỹ chẳng quên, nên hoàn thành thánh đạo, đó chính là ý nghĩa Thực. Thực có ý nghĩa giải trừ đói khát, nay giải thoát có thể trừ ba chướng, vun bồi, tăng trưởng Pháp Thân, đó chính là ý nghĩa của Thực. Thực có thể khiến cho thân tâm vui sướng, thoải mái, nay pháp hỷ có thể [làm cho hành nhân] đắc đại hoan hỷ, no đủ, sung túc, đó chính là ý nghĩa Thực”.