#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 143
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm lẻ sáu:
(Sao) Hựu tự tánh thuận vạn vật nhi vô tình, thượng hành tắc nhập thánh lưu, thánh vô sở tăng, hạ hành tắc nhập phàm lưu, phàm vô sở giảm, bất biến tùy duyên, châu biến pháp giới, sở vị “lưu chú hoa gian, cập chư lương đống” giả dã.
(鈔) 又自性順萬物而無情,上行則入聖流,聖無所增;下行則入凡流 ,凡無所減。不變隨緣,周遍法界,所
謂流注華間,及諸梁棟者也。
(Sao: Lại nữa, tự tánh thuận theo vạn vật nhưng vô tình. “Chảy lên trên” tức là nhập dòng thánh, thánh chẳng hề tăng. “Chảy xuống” là vào dòng phàm, phàm chẳng bị giảm. Bất biến nhưng tùy duyên, trọn khắp pháp giới. Đó gọi là “chảy luồn trong hoa và các kèo cột” vậy!)
Một chương kinh văn này giảng về “vô tình thuyết pháp”, hiển thị sự thù thắng của thế giới Tây Phương, hữu tình và vô tình cùng tuyên diệu pháp. Đoạn này nói theo lý luận. Có Lý thì mới có Sự. Hễ có Sự, nhất định có căn cứ lý luận. Có thể nói: Trong thế giới Tây Phương, Lý và Sự đều viên dung tột bậc, nên cổ đức thường bảo cảnh giới của kinh Di Đà và cảnh giới trong kinh Vô Lượng Thọ hoàn toàn là cảnh giới Hoa Nghiêm, tức là “tứ vô ngại pháp giới”, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, là một pháp giới trọn đủ thập huyền và tứ vô ngại giống như kinh Hoa Nghiêm. Trong quá khứ, cư sĩ Bành Tế Thanh đã gọi kinh Vô Lượng Thọ là Trung Bổn Hoa Nghiêm, điều này rất có lý!
“Thuận vạn vật nhi vô tình giả” (thuận theo vạn vật, nhưng vô tình), “tình” (情) là nói tới hữu tình chúng sanh, tức là động vật, “vô tình” là thực vật và khoáng vật. Đây là cách phân chia của con người hiện thời. Nếu quý vị vạch một giới tuyến thật rõ ràng giữa hữu tình và vô tình sẽ khá khó khăn! Trong thực vật và khoáng vật cũng có hữu tình. Chúng ta phân chia theo các phương diện dễ thấy, bèn gọi những thứ dễ biểu lộ “mừng, giận, buồn, vui” là hữu tình. Đối với những thứ tuy có thể biểu hiện [những cảm xúc ấy], nhưng chẳng rõ rệt cho lắm, chúng ta bèn quy nạp chúng vào vô tình. Nếu chư vị học Duy Thức, sẽ hiểu rõ đạo lý này. Vì sao khó tách rời? Vì hữu tình và vô tình vốn là một Thể, nên khó tách bạch. Dẫu là hữu tình, kinh Kim Cang cũng nói rất hay: “Phàm những gì có hình tướng, đều là hư vọng”, “hết thảy các pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Nói xuyên suốt, hữu tình lẫn vô tình đều chẳng chân thật, chúng ta nhất định phải hiểu điều này. Thứ gì chân thật? Tự tánh của chúng ta là chân thật, nơi hữu tình chúng sanh, nó được gọi là Phật Tánh, đó là thật, vĩnh viễn chẳng bị biến đổi. Nơi vô tình, nó được gọi là Pháp Tánh. Tuy danh xưng khác nhau, nhưng trên thực tế là cùng một chuyện. Phật Tánh và Pháp Tánh là một tánh, chẳng phải là hai tánh, đó gọi là “nhất tánh, vô nhị tánh”. Nói theo kiểu hiện thời, nó chính là Bản Thể như trong triết học đã nói. Trong Phật pháp, bản thể của vạn hữu trong vũ trụ được gọi là Tánh. Hết thảy các pháp
đều biến hóa từ Tánh.
Ở nơi ấy (Cực Lạc), tuy là vô tình, nhưng nước có thể chảy lên trên, mà cũng có thể chảy xuống dưới. Trong thế giới này của chúng ta, nước chỉ chảy xuống, chẳng chạy ngược lên. Nước trong cõi kia có thể chảy vòng quanh kèo cột, chẳng cần dùng đến sức mạnh của máy móc, nó tự mình chảy ngược lên trên. Ở đây, Liên Trì đại sư giải thích, nước chảy lên trên giống như chúng ta nhập bốn thánh pháp giới, dự vào hàng thánh nhân, đó gọi là “thượng hành tắc nhập thánh lưu”. “Chân Như tùy tịnh duyên, tắc vi tứ thánh” (Chân Như thuận theo tịnh duyên bèn trở thành bốn thánh pháp giới). Ở đây có ý nghĩa biểu thị pháp. Vì sao có lục phàm và tứ thánh? Do Chân Như bổn tánh của chúng ta tùy duyên, tùy thuộc quý vị thuận theo duyên nào. Quý vị thuận theo tịnh duyên bèn là thánh nhân, thuận theo nhiễm duyên bèn là phàm phu. Trong nhiễm duyên có thiện và ác; thuận theo thiện duyên bèn là ba thiện đạo, thuận theo ác duyên thì là ba ác đạo. Có thể thấy Phật pháp nói hết thảy các pháp được gọi là “duyên sanh”, điều này rất có lý. Trên thực tế, mấu chốt của mười pháp giới là duyên, tức là “tùy duyên”. Bất luận quý vị tùy thuận duyên nào, Chân Như bổn tánh bất biến. Quý vị tùy thuận thánh duyên, “thánh vô sở tăng”, [nghĩa là] Chân Như bổn tánh của quý vị trọn chẳng tăng thêm một chút gì. Quý vị thuận theo nhiễm duyên, bèn đọa lạc, trở thành phàm phu, nhưng Chân Như bổn tánh của quý vị cũng chẳng giảm chút nào!
Nhìn từ bổn tánh, Phật và chúng sanh quyết định là bình đẳng, bổn tánh của Phật chẳng nhiều hơn chúng ta chút nào, mà bổn tánh của bọn phàm phu chúng ta cũng chẳng ít hơn Phật tí nào, hoàn toàn như nhau! Bổn tánh của chúng sanh trong địa ngục A Tỳ và bổn tánh của Thích Ca Mâu Ni Phật hay A Di Đà Phật cũng là chẳng hai, chẳng khác, giống hệt như nhau. Vì thế, Phật thành Phật, thành Phật là kiến tánh, thấy tự tánh của hết thảy vạn pháp. Nói theo [phương diện] kiến tánh, hết thảy chúng sanh cùng thành Phật đạo. Ta đã thành Phật, mọi người đều thành Phật, vì sao mọi người đều thành? Vì ta thấy tự tánh của mọi người hoàn toàn như nhau; tôi đã thành Phật, vậy thì quý vị cũng thành Phật. Nếu nói “tôi thành Phật, quý vị chưa thành Phật”, [tức là] vẫn chưa kiến tánh. Trong Thiền Tông thường nói “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, thành Phật là kiến tánh, kiến tánh là thành Phật. Đấy là thấy bổn lai diện mục của hết thảy chúng sanh, chẳng còn thấy giả tướng nữa!
Sau khi kiến tánh, tướng cũng biến. Nói thật ra, trọn chẳng phải là
thật sự biến, mà là người kiến tánh biết trạng huống chân thật của hết thảy các tướng, nên gọi là “thấy Thật Tướng”. Có tướng nào chẳng phải là Thật Tướng? Đều là Thật Tướng! Khi chưa kiến tánh, “phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, tướng hư vọng. Sau khi đã kiến tánh, “phàm những gì có tướng đều là Thật Tướng”, lạ lùng thay! Đều là Thật Tướng. Nói xuyên suốt thì chẳng có chút kỳ quái nào! Vì sao chẳng kỳ quái? Vì Thật Tướng chính là tướng hư vọng, tướng hư vọng mới là Thật Tướng. Thay đổi danh từ, chứ Thể, Tướng, Dụng (tác dụng) đích xác là hoàn toàn chẳng đổi khác. Đó là một đằng đang mê, khi quý vị mê, bèn bảo quý vị “tướng là hư vọng”. Nếu quý vị đã ngộ, đã ngộ tướng thì tướng vẫn là hình trạng như vậy. Vì lẽ đó, tướng cũng là bất tăng, bất giảm, cũng chẳng bị biến đổi; nhưng cách nhìn giữa mê và ngộ khác nhau! Kẻ mê chấp trước, kẻ mê tạo nghiệp, rất khổ sở, có phiền não, có ưu lự, có vướng mắc, rất khổ sở! Người giác ngộ thì hết thảy phiền não, ưu lự, vướng mắc, thảy đều chẳng có, nên người ấy biết hết thảy các tướng. Hết thảy các tướng có cùng một hình trạng, nên gọi là Thật Tướng.
“Bất biến tùy duyên, châu biến pháp giới” (bất biến nhưng tùy duyên, trọn khắp pháp giới) là nói về Chân Như bản thể. Bản thể vĩnh viễn không thay đổi; bất luận quý vị thành Phật, hay thành Bồ Tát, hoặc đang luân hồi trong lục đạo, [Chân Như bản thể] quyết định chẳng biến đổi. Không chỉ chẳng biến đổi, mà trước nay chẳng động, trước nay chẳng nhiễm. Khi Lục Tổ kiến tánh đã nói: “Nào ngờ tự tánh vốn thanh tịnh”, “nào ngờ tự tánh vốn chẳng lay động”. Chẳng có đến, đi, chẳng có sanh diệt, đó là thật. Đúng là bất động! Phàm những gì động thì đều là hư vọng. Chân tâm bất động! Cái tâm của chúng ta có niệm; hễ tâm có niệm bèn là vọng tâm, chẳng phải là chân tâm. Định là chân tâm, tâm đã định. Trong tâm chẳng có niệm, tâm liền định, định là chân tâm. Nó có thể tùy thuận hết thảy các duyên nhiễm hay tịnh, lại còn trọn khắp mười phương thế giới, quý vị thấy tự tánh to cỡ nào!
Nếu quý vị hiểu rõ chuyện này, thế giới Tây Phương cách xa chúng ta mười vạn ức cõi Phật há thấm vào đâu? Thế giới Tây Phương chẳng ở ngoài tự tánh, đều ở trong tự tánh. Trong tự tánh, quý vị chỉ động một niệm, toàn thể tự tánh chẳng có mảy may “cách chướng”, [nghĩa là] chẳng có gián cách (gián đoạn, ngăn cách), chẳng có chướng ngại! Vì thế, quý vị vừa động một niệm bèn tới mười phương hằng sa chư Phật quốc độ. Quý vị nói xem: Tốc độ nhanh chóng ngần ấy! Nói thật ra, nói tốc độ như thế vẫn là lời lẽ gạt người, [vì] căn bản là chẳng có tốc độ! Nó là chuyện trong tự tâm của chính quý vị, chẳng phải là chuyện ở ngoài tâm. Đây là nói rõ [ý nghĩa biểu thị pháp của chuyện] “lưu chú hoa gian, cập chư lương đống” (chảy vòng quanh trong hoa và các kèo cột), tức là nước chảy lên trên.
(Sao) Vĩnh Minh vân: “Thủy hữu thập đức, đồng chân tánh cố”, ý chánh như thị. Định thủy trạm nhiên mãn, dục thử vô cấu nhân, vô cấu, diệc vô tịnh, thị danh “bát công đức”.
(鈔) 永明云:水有十德,同真性故,意正如是。定水湛然滿,浴此無垢人,無垢亦無淨,是名八功德。
(Sao: Ngài Vĩnh Minh nói: “Nước có mười đức vì có cùng một tánh với Chân Như”, chính là ý nghĩa này. Nước Định lắng trong, tràn đầy, người tắm nước ấy bèn chẳng có trần cấu, mà cũng chẳng nhơ, chẳng sạch, nên gọi là “tám công đức”)
Vĩnh Minh đại sư bảo “thủy hữu thập đức”, tức là [nước trong cõi Cực Lạc] có mười loại công đức. Trong phần trước, chúng ta nói tám công đức, tức là tám thứ, lão nhân gia tăng thêm hai thứ, đó là ý nghĩa viên mãn. “Mười” tượng trưng cho sự viên mãn. Kinh Hoa Nghiêm thường dùng “mười” để biểu thị sự viên mãn, tức là công đức viên mãn. “Đồng chân tánh cố” [nghĩa là] giống như Chân Như bổn tánh, chẳng bị khiếm khuyết mảy may. [Do lời ngài Vĩnh Minh] có ý nghĩa tương đồng [với những điều đang được trình bày ở đây, nên bảo là] “ý chánh như thị”.
“Định thủy trạm nhiên mãn, dục thử vô cấu nhân”, hai câu này trích từ kinh Duy Ma. “Định thủy” là nước tám công đức, nói đến chuyện người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới tắm rửa trong ao bảy báu. Kinh Vô Lượng Thọ đã giảng rất rõ ràng, người trong thế giới Tây Phương là “thanh hư chi thân, vô cực chi thể” (thân thanh hư, thể vô cực), thân thể há có dơ bẩn? Chẳng thể nào có chuyện đó! Không chỉ là thân chẳng dơ bẩn, mà quần áo cũng chẳng bị dơ bẩn, chẳng nhiễm mảy trần, chắc chắn chẳng cần giặt quần áo. Không chỉ Tây Phương Cực Lạc thế giới là như vậy, mà chư thiên cũng như thế. Y phục của chư thiên Dục Giới chẳng bị dơ bẩn. Trong kinh, đức Phật đã dạy: Trong năm tướng suy của Dục Giới Thiên, có tướng quần áo dơ bẩn. Chư thiên Dục Giới thấy y phục của chính mình dơ bẩn liền đau khổ tột bậc, khổ não xảy tới liền. Ở nơi đây, quần áo chúng ta bị bẩn chẳng sao cả, nhưng quần áo của họ bị bẩn là điềm báo họ sắp chết, thọ mạng sắp chấm dứt, nên họ hết sức đau đớn, lo nghĩ! Trời và người trong thế giới Cực Lạc thọ vô lượng. Thọ mạng ấy là vô lượng chân thật, chẳng phải là vô lượng hữu hạn!
Phải niệm kinh Vô Lượng Thọ nhiều lượt thì quý vị mới nhận biết, mới liễu giải Tây Phương Tịnh Độ, chúng ta phải thật sự phát nguyện cầu sanh, quyết định thành tựu trong một đời này, chẳng có mảy may hoài nghi. Chúng ta phát tâm ở nơi đây, A Di Đà Phật liền biết. Không chỉ A Di Đà Phật biết, mà mỗi người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều biết. Họ đều có Thiên Nhãn, Thiên Nhĩ, Tha Tâm Thông, Túc Mạng Thông, chúng ta khởi tâm động niệm họ đều biết. Nếu ý niệm của chúng ta kiên quyết, tới lúc đó, họ nhất định đến tiếp dẫn vãng sanh. Vì sao có lòng tự tin kiên cường ngần ấy? Dựa vào chuyện này: Chúng ta khởi tâm động niệm, người ta liền biết rành rẽ. Do đó, chỉ cần quý vị thật sự phát tâm, Phật chẳng khi nào không đến tiếp dẫn, chẳng có chuyện Phật, Bồ Tát không gia trì. Trừ khi quý vị chẳng trọn đủ tín tâm, vừa niệm Phật, vừa mong vãng sanh, vừa sợ “do nghiệp chướng sâu nặng, nên chẳng thể vãng sanh”, [hoặc hoài nghi] Tây Phương Cực Lạc thế giới rốt cuộc là thật hay giả? Vấn đề bèn to lớn! Gần đây, trong các trước tác của người Nhật, họ có cách nhìn hoài nghi đối với kinh điển Tây Phương Tịnh Độ. Đọc những tác phẩm của họ, tín tâm của chúng ta bị dao động toàn bộ. Vì thế, chớ nên đọc [những tác phẩm ấy]. Trước tác của con người hiện thời toàn là bịa đặt, đồn thổi; đọc những thứ ấy, chắc chắn bị hại. Có thời gian [rảnh rỗi], hãy đọc sách của cổ nhân. Trong sách của cổ nhân cũng là chuyên tu Tịnh Độ. Quý vị đọc năm kinh là đủ rồi, chẳng cần đọc những thứ khác, quyết định vãng sanh! Thậm chí, kinh gì ta cũng đều chẳng muốn xem, mà cũng chẳng muốn nghe, ta niệm một câu A Di Đà Phật đến cùng, vẫn được! Quý vị cũng quyết định vãng sanh. Những trường hợp như vậy rất nhiều! Có thể thấy điều này chắc chắn chẳng phải là giả!
Theo cách giải thích thông thường, nước có tác dụng thanh khiết. Nước trong mát, và cũng có tác dụng tiêu trừ nắng gắt. “Cổ thích vân: Thủy chi vi dụng, trừ cấu, khử nhiệt, giải thoát chi tánh diệc nhiên” (Cổ nhân giải thích: “Nước có tác dụng trừ dơ, khử nóng, tánh của giải thoát cũng giống như thế”), cũng có điểm giống nhau. Trong bổn tánh có ba đức là Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát. Giải Thoát là tự tại. “Giải thoát chi trung, Định Huệ ý túc, trạm nhiên mãn hĩ” (trong Giải Thoát, ý Định Huệ trọn đủ, nên lắng trong, đầy tràn). Trong Giải Thoát nhất định là “Định Huệ ý túc”. Quý vị chẳng có Định, chẳng có Huệ, làm sao đạt được tự tại? Đó là đạo lý nhất định. Tiểu Thừa A La Hán có Cửu Thứ Đệ Định. Tuy chúng ta nói họ chưa khai trí huệ, tức là trí huệ Bát Nhã chưa khai, nhưng trí huệ của A La Hán cao hơn chúng ta rất nhiều, chúng ta đừng mong bén gót họ! Họ có sáu món thần thông; nói thật ra, nói “thần thông” là nói tới tác dụng của trí huệ. Họ có Thiên Nhãn, Thiên Nhĩ, Túc Mạng, biết năm trăm đời quá khứ, biết năm trăm đời vị lai. Chuyện ngày hôm qua có khi chúng ta quên bẵng, chuyện ngày mai hoàn toàn không biết, nhưng họ biết quá khứ và vị lai, [do tác dụng của] trí huệ đấy mà! Trí huệ sanh từ trong Định, cũng chính là tác dụng của Định, nên nhất định là “Định Huệ ý túc”. “Định thủy trạm nhiên mãn”, “trạm nhiên” (湛然) nghĩa là thanh tịnh, “mãn” là “mãn túc” (滿足: trọn đủ, thỏa thích).
“Dục thử vô cấu nhân”, người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới thanh tịnh, đều là Bồ Tát, vì sao vẫn phải thường xuyên đến tắm gội trong ao bảy báu? Đại Kinh đã giảng rất rõ ràng, công đức của nước ấy vô cùng to lớn. Tuy các vị Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới trọn chưa đoạn hết vô minh phiền não, nước ở cõi này chỉ có công đức gột sạch những thứ dơ bẩn trên thân chúng ta, chẳng thể gột trừ phiền não trong bổn tánh. Nước trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là “tánh thủy”, có thể gột sạch mê hoặc, điên đảo, tà tri, tà kiến trong tự tánh, có thể gột sạch những thứ ấy. Chúng ta là kẻ đới nghiệp vãng sanh, Trần Sa, Kiến Tư thảy đều còn nguyên, một phẩm Vô Minh cũng chẳng đoạn, sang bên đó, nhất định phải thường xuyên tắm gội, đạo lý là như thế đó. Đẳng Giác Bồ Tát cũng tắm rửa trong ấy, vì sao? Ngài còn có một phẩm Sanh Tướng Vô Minh chưa đoạn, nguyên nhân là ở chỗ này! “Vô cấu, diệc vô tịnh”: Cấu và Tịnh cùng mất, đó mới là công đức chân thật. Đoạn này bàn luận xứng tánh, nghĩa lý hết sức sâu xa. Có những đạo lý này để duy trì những sự thật đã nói trong phần trước, chúng ta rất dễ thấu hiểu. Lại xem tiếp khoa thứ hai.
Nhị, giai các.
二、階閣。
(Hai, thềm bậc, lầu gác).
“Các” là lầu gác, “giai” là giai đạo (階道: thềm bậc và lối đi), nói tới những thứ ở bên cạnh ao bảy báu.
(Kinh) Tứ biên giai đạo, kim, ngân, lưu ly, pha lê hợp thành. Thượng hữu lâu các, diệc dĩ kim, ngân, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não nhi nghiêm sức chi.
(Sớ) Tứ biên giả, trung vi trì thủy, châu vi tứ biên vi giai đạo dã.
(經) 四邊階道。金銀琉璃玻璃合成。上有樓閣,亦以金銀琉璃。玻璃硨磲。赤珠瑪瑙。而嚴飾之。
(疏) 四邊者,中為池水,周圍四邊為階道也。
(Kinh: Bốn bên là bậc lên xuống, đường đi, do vàng, bạc, lưu ly, pha lê hợp thành. Phía trên có lầu gác, cũng dùng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não để trang hoàng.
Sớ: “Bốn bên”: Chính giữa là nước ao, vây quanh bốn bên là bậc lên, lối đi).
Chính giữa là ao bảy báu. Vây quanh bốn phía ao bảy báu là bậc lên xuống và lối đi.
(Sớ) Kim giả, Phạn ngữ Tô Phạt La. Ngân giả, Phạn ngữ A Lộ Ba.
(疏) 金者,梵語蘇伐羅。銀者,梵語阿路巴。
(Sớ: Vàng, tiếng Phạn là Tô Phạt La (Suvarṇaṃ); bạc, tiếng Phạn là A Lộ Ba (Rūpyaṃ).
Những thứ này được người Trung Quốc phiên dịch là “kim, ngân”.
(Sớ) Lưu ly giả, thử vân Thanh Sắc Bảo.
(疏) 琉璃者,此云青色寶。
(Sớ: Lưu ly, cõi này dịch là Thanh Sắc Bảo).
“Lưu ly” (Vaidūryaṃ) nay được gọi là ngọc Phỉ Thúy (Jadeite), loại ngọc này mầu xanh, là một loại bảo thạch rất quý giá, nổi tiếng.
(Sớ) Pha lê giả, thử vân Thủy Ngọc.
(疏) 玻璃者,此云水玉。
(Sớ: “Pha lê”, cõi này dịch là Thủy Ngọc).
Nay chúng ta gọi Pha Lê (Sphaṭikaḥ) là thủy tinh.
(Sớ) Xa cừ giả, thử vân Đại Bối.
(疏) 硨磲者,此云大貝。
(Sớ: “Xa cừ”(Musaragalva), cõi này dịch là Đại Bối).
Đây là vỏ [của một loại] sò. Vỏ sò cũng có thể làm thành vật trang sức rất quý giá, nổi tiếng.
(Sớ) Xích châu giả, Phạn ngữ Bát Ma La Già. Mã não giả, Phạn ngữ Bát Ma La Già Lệ.
(疏) 赤珠者,梵語缽摩羅伽。瑪瑙者,梵語缽摩羅伽隸。
(Sớ: “Xích châu”, tiếng Phạn là Bát Ma La Già (Padmarāgaḥ), “mã não”, tiếng Phạn là Bát Ma La Già Lệ).
Xích Châu là một thứ xích trùng châu[1]. Mã Não tương đối phổ biến, ở Trung Hoa cũng có thứ này. Kinh thường gọi những thứ này là “thất bảo”.
(Sớ) Dĩ tư thất bảo trang nghiêm hiệu sức dã.
(疏) 以斯七寶莊嚴較飾也。
(Sớ: Dùng bảy thứ báu ấy để trang hoàng đẹp đẽ).
Bậc lên, lối đi, lầu gác đều trang hoàng bằng bảy báu.
(Sao) Giai đạo giả, ly địa viết Giai, thản đồ viết Đạo.
(鈔) 階道者,離地曰階,坦途曰道。
(Sao: “Giai đạo”, nhô lên khỏi mặt đất là Giai (bậc thềm), đường phẳng gọi là Đạo).
“Giai” là cầu thang, bậc cấp.
(Sao) Lâu các giả, trùng ốc viết Lâu, sầm lâu viết Các.
(鈔) 樓閣者,重屋曰樓,岑樓曰閣。
(Sao: “Lâu các”: Nhà nhiều tầng là Lâu, lầu cao ngất là Các).
Nói thật ra, Các và Lâu giống nhau, chỉ là cách thức xây dựng khác nhau.
(Sao) Như Quán Kinh ngôn: “Hoàng kim địa thượng, nhất nhất bảo trung, ngũ bách sắc quang, kỳ quang như hoa, thành quang minh đài, lâu các thiên vạn, bách bảo hợp thành”. Đại Bổn vân: “A Di Đà Phật, giảng đường, tinh xá, cung điện, lâu các, giai dĩ thất bảo, thắng ư thử giới đệ lục thiên thượng Thiên Đế sở cư, bách thiên vạn bội. Bồ Tát sở cư, diệc phục như thị. Chư thiên cập nhân, cung vũ, lâu các, xứng kỳ hình sắc cao, hạ, đại, tiểu, hoặc dĩ nhất bảo, nhị bảo, chí vô lượng bảo”.
(鈔) 如觀經言:黃金地上,一一寶中,五百色光,其光如華,成光明臺,樓閣千萬,百寶合成。大本云:阿彌陀佛,講堂精舍,宮殿樓閣,皆以七寶,勝於此界第六天上天帝所居,百千萬倍;菩薩所居,亦復如是;諸天及人,宮宇樓閣,稱其形色高下大小,或以一寶二寶,至無量寶。
(Sao: Như Quán Kinh nói: “Vàng ròng phủ đất, trong mỗi thứ báu, có năm trăm tia sáng có màu. Quang minh ấy giống như hoa, hợp thành đài quang minh. Lầu gác số đến ngàn vạn, do trăm thứ báu hợp thành”. Kinh Đại Bổn chép: “Giảng đường, tinh xá, cung điện, lầu gác của A Di Đà Phật đều bằng bảy báu, trỗi vượt chỗ ở của Thiên Đế trong tầng trời thứ sáu trăm ngàn vạn lần. Chỗ ở của Bồ Tát cũng giống như thế. Cung điện, lầu gác của chư thiên và nhân loại tương xứng với hình sắc của họ mà cao, thấp, lớn, nhỏ, hoặc do một thứ báu, hai thứ báu, cho đến vô lượng thứ báu [hợp thành]”).
Những đoạn kinh văn này đều là đại sư trích dẫn kinh luận hòng giảng rõ trạng huống trang nghiêm khôn sánh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. [Phần đầu] trong đoạn này là những điều được nói trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. “Hoàng kim địa thượng”, trên mặt đất, người ta lót đường chẳng phải bằng nhựa đường mà bằng vàng ròng! Tài nguyên trong thế giới đó phong phú ngần ấy! Hiện thời, trong thế giới của chúng ta, vàng là kim loại hiếm có, mọi người thấy nó rất quý báu, nhưng trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, vàng ở khắp mọi nơi, dùng để lót đường! Kinh cho biết: Đem loại vàng tốt nhất trong thế giới này sánh với vàng trong thế giới Cực Lạc thì ngay cả đồng cũng còn chẳng bằng! Độ tinh thuần của vàng bên chỗ người ta quá tốt đẹp, quá thuần. Đất trong cõi chúng ta là bùn, cát, đá, là đất lẫn đá; đất của người ta ở bên kia là đất lưu ly. “Nhất nhất bảo trung” (trong mỗi thứ báu), trên đất bằng vàng còn khảm nhiều thứ trân bảo hiếm có, tạo thành đồ trang sức trên đường, giống như đường đi của chúng ta phải kẻ đường chia tuyến, đèn chiếu buổi tối phải tỏa ánh sáng. Người ta dùng châu bảo để làm vạch ngăn chia, tự nhiên tỏa quang minh. Trong mỗi món báu có “năm trăm ánh sáng có màu, quang minh ấy giống như hoa”. Vạch chia đường tỏa ánh sáng giống như hoa, hình dung sự đẹp đẽ tột bực, “thành quang minh đài”.
“Lâu các thiên vạn, bách bảo hợp thành” (lầu gác số đến ngàn vạn, do trăm thứ báu hợp thành), “bách bảo” là vật liệu để xây dựng lâu các. Vật liệu xây dựng ở chỗ chúng ta là xi-măng, cốt thép. Nay chúng ta có được một tí trân bảo bèn coi là rất quý báu, đeo trên thân như đồ trang sức. Người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới trông thấy sẽ [cảm thấy] rất buồn cười, đó là vật liệu xây dựng của họ. Chúng ta đeo một cái vòng vàng khá to [bèn rất hãnh diện], đó là thứ họ dùng để lót đường! Nay đức Phật dạy chúng ta phải bỏ sạch hết thảy những thứ tạp nhạp trong thế gian này, sau khi bỏ sạch sẽ đến Tây Phương Cực Lạc thế giới hưởng thụ, đó là vĩnh viễn chân thật. Xưa kia, văn nhân hình dung cung điện của đế vương là “lan điêu, ngọc thế” (lan can chạm trổ, bậc thềm bằng ngọc). Chúng ta đến Bắc Kinh viếng hoàng cung, có phải là thềm ngọc hay chăng? Chẳng có, bất quá là đá Đại Lý[2] chạm khắc, gọi hoa mỹ là “thềm ngọc”! Há có lắm ngọc dường ấy? Chẳng có! Nhưng đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, [thềm ngọc, tường ngà] sẽ là thật, chẳng giả tí nào! Vì thế, từ chỗ này, quý vị thấy tài nguyên trong Tây Phương Cực Lạc thế giới phong phú. Do vậy, ở bên đó chỉ là vui sướng, chẳng có khổ sở! Mỗi người đến đó đều có thể thành tựu, vấn đề là chính quý vị có chịu đến đó hay không? Vì lẽ đó, đến thế giới Cực Lạc dễ dàng, chứ đến nước Mỹ xin được quyền cư trú vẫn chẳng dễ dàng cho lắm!
“Đại Bổn vân” (Kinh Đại Bổn nói), Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ, “A Di Đà Phật, giảng đường, tinh xá, cung điện, lâu các, giai dĩ thất bảo” (giảng đường, tinh xá, cung điện, lầu gác của A Di Đà Phật đều bằng bảy báu), đều tạo bằng thất bảo. Điều này giống hệt như Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh đã nói. Chỗ khác biệt là như dưới đây: “Thắng ư thử giới đệ lục thiên thượng Thiên Đế sở cư, bách thiên vạn bội” (Trỗi vượt chỗ ở của Thiên Đế trong tầng trời thứ sáu của cõi này trăm ngàn vạn lần), đơn giản là chẳng thể so sánh! Đệ Lục Thiên là tầng trời cao nhất trong Dục Giới, tức là Tha Hóa Tự Tại Thiên (Parinirmita-vaśavartin). Phước báo của Tha Hóa Tự Tại Thiên Vương vô cùng to lớn, hết thảy chẳng cần chính mình phải tự lo liệu, hết thảy sự hưởng thụ hễ nghĩ tới bèn xuất hiện. Nghĩ tới thứ gì, nó bèn ở trước mặt; chẳng cần thì nó sẽ chẳng còn nữa. Đó là Tha Hóa Tự Tại Thiên. Tầng trời thứ năm là Hóa Lạc Thiên (Nirmāṇarati), phước báo của Hóa Lạc Thiên rất lớn, nhưng những thứ để họ hưởng thụ do chính mình biến hóa tạo ra. Họ vẫn phải biến hóa, nhưng Đệ Lục Thiên chẳng cần phải tự mình biến hóa, những thứ ấy do đâu mà có? Do Đệ Ngũ Thiên biến hóa cúng dường họ. Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng là như vậy, hết thảy chẳng cần do chính mình biến hóa, nhưng trong tâm chính mình vừa động niệm, tự nhiên liền biến hóa cho quý vị thụ dụng. Ai biến hóa cho quý vị? Tuyệt diệu thay! Chẳng phải do Đệ Ngũ Thiên biến hóa, mà do A Di Đà Phật biến hóa để cúng dường quý vị, thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Đệ Ngũ Thiên há có năng lực to như A Di Đà Phật? Đây là đạo lý nhất định! Vì thế, sự thụ dụng của họ trong cõi kia tuyệt đối chẳng phải là Tha Hóa thiên vương có thể sánh bằng!
Câu tiếp theo hết sức quan trọng: “Bồ Tát sở cư, diệc phục như thị” (chỗ ở của Bồ Tát cũng giống như thế). Câu này quan trọng như thế nào? Trong phần trước đã nói về giảng đường, tinh xá của A Di Đà Phật. Khi chúng ta đến nơi ấy, nhà cửa để chúng ta ở sẽ là như thế nào? Câu này có liên quan đến chúng ta. Hễ là người sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, ai nấy đều là Bồ Tát. Từ bốn mươi tám nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ, chư vị có thể thấy điều này! Thảy đều là Bồ Tát. Đối với hàng Bồ Tát đang được nói ở đây, chúng ta có phần. Hạ hạ phẩm vãng sanh cũng là Bồ Tát! Ở bên ấy, chẳng có mười pháp giới, chỉ có một pháp giới, [tức là] Bồ Tát pháp giới. Quý vị ở trong cung điện hoặc lầu gác hoàn toàn giống như A Di Đà Phật, [kinh đã dạy rõ] “diệc phục như thị” (cũng giống như thế) mà! Bởi lẽ đó, thế giới ấy là một thế giới bình đẳng, chẳng giống các cõi nước của hết thảy chư Phật trong mười phương. Mười phương các cõi Phật do nghiệp lực biến hiện; do nghiệp lực của mỗi cá nhân khác nhau, nên hoàn cảnh y báo và chánh báo của quý vị khác hẳn. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng phải do nghiệp lực, mà là xứng tánh, do tánh đức biến hiện, tánh là bình đẳng. Phật Tánh và chúng sanh tánh bình đẳng, từ trong tự tánh hiển hiện, đương nhiên giống hệt nhau, quyết định chẳng sai khác, nguyên lý ở chỗ này! Tây Phương Cực Lạc thế giới là Pháp Tánh Độ, còn các quốc độ trong mười phương thế giới là Tướng Phần của A Lại Da Thức nên khác nhau, cảm nhận của mỗi người đều khác nhau!
“Chư thiên cập nhân, cung vũ, lâu các, xứng kỳ hình sắc cao, hạ, đại, tiểu, hoặc dĩ nhất bảo, nhị bảo, chí vô lượng bảo” (cung điện, lầu gác của chư thiên và nhân loại xứng hợp với hình sắc của họ mà cao, thấp, lớn, nhỏ, hoặc dùng một thứ báu, hai thứ báu, cho đến vô lượng thứ báu [hợp thành]). Câu này nêu rõ “trong đồng, có bất đồng”, đến nơi ấy, hết thảy sự thụ dụng tự tại giống như A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí, nhưng trong sự giống nhau, còn có đôi chút bất đồng, bất đồng ở chỗ nào? Bất đồng ở chỗ lầu gác cư trụ lớn hay nhỏ, khác nhau ở chỗ này. Chất liệu lầu gác hoàn toàn giống nhau, lầu gác A Di Đà Phật bằng bảy báu, quý vị ở trong lầu gác cũng bằng bảy báu. Có thể là lầu gác của A Di Đà Phật to hơn, lầu gác của quý vị nhỏ hơn. Còn có lầu gác của những vị đại Bồ Tát có thể thăng lên không trung, lầu gác của quý vị chẳng thăng lên được, chỉ đành ở trên mặt đất. Trừ điều đó ra, chẳng có gì khác, hoàn toàn giống nhau.
Vì sao ở chỗ này có đôi chút sai biệt? Là vì tập khí phiền não của chúng ta ở nơi đây dầy hay mỏng khác nhau. Tập khí phiền não mỏng, [tức là những người] đắc nhất tâm bất loạn trở lên, lầu gác có thể cao lớn tự tại, cao lớn thuận theo lòng muốn. Từ thế giới Sa Bà của chúng ta vừa mới sanh về đó, một phẩm phiền não còn chưa đoạn, e rằng chẳng thể cao lớn tùy ý. Đến nơi ấy, hoàn cảnh cư trụ là do công phu tu hành của chúng ta trong hiện tại [cảm vời], phải biết điều này, giống như nói tùy thuộc phẩm vị [vãng sanh] của quý vị mà [lầu gác, cung điện] lớn hay nhỏ khác nhau. Trừ điều này ra, kinh đã nói rõ ràng, tường tận “chẳng khác gì nhau”. Do vậy, hiện thời, nhất định phải nghiêm túc niệm Phật. Công phu niệm Phật của quý vị siêng năng, công phu đắc lực, nói “công phu đắc lực” tức là Phật hiệu của quý vị thật sự có thể chế phục phiền não. Có năng lực ấy, quý vị đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, hoa sen của quý vị liền to, đương nhiên cung điện và lầu gác của quý vị cũng to. Hoa to, lầu gác to; hoa bé, lầu gác nhất định cũng bé theo, chắc chắn là tuân theo tỷ lệ thuận. Do vậy, phải nghiêm túc niệm Phật, phải niệm cho hết tập khí vô minh phiền não của chính mình, đó là chân thật, chính quý vị có thể vĩnh viễn đạt được.
Trong thế gian hiện thời, tất cả hết thảy những thứ trong thế gian quý vị đều chẳng đạt được. Tục ngữ có câu: “Sanh chẳng mang gì đến, chết chẳng đem gì đi”. Không chỉ là vật ngoài thân quý vị chẳng đạt được, mà thân thể cũng chẳng phải là của chính mình, quý vị cũng chẳng đạt được! Quý vị mới hiểu: Chẳng có thứ gì trong thế gian này là của chính mình, kể cả cái thân xác thịt cũng chẳng phải, đều là giả, hư huyễn, chẳng phải là thực tại, chúng ta chớ nên coi trọng những thứ ấy! Khi nào phải nên buông xuống bèn buông xuống, giữ lấy thứ chân thật, thứ gì trong Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng đều là chân thật, vì sao? Xứng tánh, y báo và chánh báo trang nghiêm chẳng có gì không xứng tánh. Tánh là chân thật, nên cõi ấy là cõi Pháp Tánh. Người thông minh phải biết giữ lấy cõi Pháp Tánh, cũng là nhất định phải giữ lấy Tây Phương Cực Lạc thế giới. Phần kế tiếp nói về cây báu số lượng bao nhiêu, chúng đều thuận theo lòng mong muốn, quý vị thích loại trân bảo nào, nó liền hiện ra loại trân bảo ấy. Đối với điều này, Phật và hết thảy Bồ Tát đều chẳng khác nhau.
(Sao) Hựu Phật Địa Luận vân: “Thả thuyết thất bảo, kỳ thật Tịnh Độ vô lượng diệu bảo”. Cố tri viết “tứ bảo” giả, văn tỉnh tiện dã.
(鈔) 又佛地論云:且說七寶,其實淨土無量妙寶,故知曰四寶者,文省便也。
(Sao: Lại nữa, Phật Địa Luận nói: “Lại nói đến bảy báu thì thật ra, Tịnh Độ có vô lượng diệu bảo”. Do đó biết: Nói “bốn báu” là lời văn giản lược cho thuận tiện vậy).
Đây là nói cho chúng ta biết tướng chân thật. Thật ra, Quán Kinh
và Đại Bổn Vô Lượng Thọ Kinh đã nói rất rõ ràng, các thứ báu trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là vô lượng vô biên. Đức Phật đã nói, nhân dân trong mười phương thế giới, giả sử các chúng sanh ấy đều chứng Bích Chi Phật quả, trí huệ và thần thông đều giống như Đại Mục Kiền Liên, cùng nhau tính toán, đều tính chẳng ra. Chủng loại trân bảo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là bao nhiêu? Chẳng có cách nào tính toán, quá ư là nhiều! Chủng loại nhiều, số lượng nhiều, chẳng ai có thể tính toán được. Kinh Đại Bổn đã nói như vậy.
Trong kinh, đức Phật thường nói đến bảy báu, hoặc bốn báu, đó là nói đại lược, [tức là] trong các thứ trân bảo nhiều ngần ấy, chỉ nêu tượng trưng mấy thứ để nói. Mấy thứ được nêu tượng trưng là do trong thế gian này có những thứ tương tự. Hơn nữa, người trong thế gian này hết sức quý trọng mấy thứ ấy, nên đức Phật đặc biệt kể ra mấy thứ ấy, nhằm dạy cho chúng ta biết trân bảo bên kia quá nhiều. Vì thế, [nói bảy báu hay bốn báu] là nói tỉnh lược.
(Sao) Hựu Hoa Nghiêm Nhập Pháp Giới phẩm vân.
(鈔) 又華嚴入法界品云。
(Sao: Lại nữa, phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm có nói).
Đây là trích dẫn phẩm cuối cùng của kinh Bát Thập Hoa Nghiêm, tức Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm.
(Sao) “Nguy lâu huýnh đới, các đạo bàng xuất, đống vũ tương thừa, song thát giao ánh, giai trì hiên hạm, chủng chủng mãn túc, nhất thiết giai dĩ diệu bảo trang nghiêm”, tức tư nghĩa dã.
(鈔) 危樓迥帶,閣道傍出,棟宇相承,窗闥交暎,階墀軒檻,種種滿足,一切皆以妙寶莊嚴,即斯義也。
(Sao: “Lầu cao chót vót, hành lang vây quanh, điện tòa san sát, cửa sổ và cửa cái chiếu ngời lẫn nhau, bậc thềm, lan can, các thứ trọn đủ, hết thảy đều được trang nghiêm bằng diệu bảo”, chính là nói về ý nghĩa này vậy).
Thế giới Hoa Tạng được nói trong kinh Hoa Nghiêm chẳng khác gì Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nếu quý vị muốn biết nhiều hơn về y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, tốt nhất là nên đọc kinh Hoa Nghiêm. Trong Tịnh Tu Tiệp Yếu, cư sĩ Hạ Liên Cư đã bảo: “Cực Lạc chẳng khác Hoa Tạng”, giống hệt như Hoa Tạng. Quý vị thấy thế giới Hoa Tạng tức là thấy thế giới Cực Lạc. Vì thế, Liên Trì đại sư cũng trích dẫn đoạn kinh văn này trong kinh Hoa Nghiêm, dùng thế giới Hoa Tạng để nhìn Tây Phương Cực Lạc thế giới, chẳng khác gì nhau.
“Nguy lâu huýnh đới” là nói về lầu cao[3]. “Các đạo bàng xuất, đống vũ tương thừa”[4] (hành lang vây quanh, điện tòa san sát): Chúng ta rất khó tưởng tượng cảnh giới này. Trong tương lai, nếu có dịp, quý vị đến vãn cảnh Bắc Kinh, thăm hoàng cung nhà Thanh, sẽ thấy những điều viết ở đây là nói về hoàng cung. Tuy vật liệu xây dựng hoàng cung hết sức đẹp đẽ, vẫn thua xa bảy báu! “Song thát giao ánh” (cửa sổ và cửa cái chiếu ngời lẫn nhau), Thát (闥) là cửa. “Giai trì”: Trì (墀) là “đan trì” (丹墀: thềm son)[5]. Nói thông thường, bậc thềm trong các sân trời (thiên tỉnh)[6] hoặc cung điện hết sức to. “Hiên hạm” (軒檻) là lan can. “Chủng chủng mãn túc” (trọn đủ các thứ), hết sức tương tự Tây Phương Cực Lạc thế giới, đều là “diệu bảo trang nghiêm”.
(Sao) Hựu Đại Bổn vân: “Thị chư lâu các, hữu tùy ý cao đại, phù ư không trung, nhược vân khí giả. Hữu bất năng tùy ý cao đại, chỉ tại địa thượng giả, dĩ cầu đạo thời, đức hữu hậu bạc sở trí”.
(鈔) 又大本云:是諸樓閣,有隨意高大,浮於空中,若雲氣者,有不能隨意高大,止在地上者,以求道時,德有厚薄所致。
(Sao: Lại nữa, kinh Đại Bổn nói: “Các lầu gác ấy, có cái cao lớn
tùy ý, nổi lơ lửng trên không như hơi mây. Có cái chẳng thể cao lớn tùy ý, chỉ ở trên mặt đất. Đó là do lúc cầu đạo, đức có dầy hay mỏng mà ra”).
Chúng ta đều đã đọc kinh Vô Lượng Thọ, đây chính là “trong tương đồng, có những điểm bất đồng nho nhỏ”, nguyên nhân là do “đức hữu hậu bạc sở trí” (do đức có dầy hay mỏng mà ra), [nguyên nhân] ở ngay trong câu này. Chữ Đức chỉ điều gì? Nói thật ra, Đức là công phu niệm Phật. Có thể niệm đến nhất tâm bất loạn thì là đức dầy; chưa đạt tới nhất tâm bất loạn thì là đức mỏng. Chư vị bèn hiểu: Trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, [lầu gác] chẳng có cách nào cao lớn tùy ý, lầu gác để cư trụ chỉ đành ở trên mặt đất. Nếu là nhất tâm bất loạn, [sẽ sanh trong] cõi Phương Tiện hoặc cõi Thật Báo, lầu gác của họ bèn cao lớn tùy ý, được đại tự tại. Nếu quý vị nói Bồ Tát trong thế giới Tây Phương bất đồng thì là một tí bất đồng như vậy; trừ điều ấy ra, chẳng có gì khác nhau!
(Sao) Hựu vân: “Lâu quán lan thuẫn, anh lạc phú thượng, giai tác ngũ âm”.
(鈔) 又云:樓觀欄楯,瓔珞覆上,皆作五音。
(Sao: Lại nói: “Lầu, đền, lan can, đều có chuỗi anh lạc phủ lên trên, [những chuỗi anh lạc ấy] đều vang ra [tiếng nhạc] ngũ âm”).
Đây là nói về âm nhạc, chúng ta nói là “thiên nhạc doanh không” (nhạc trời vang rền khắp hư không). “Ngũ âm”: Thời cổ, âm giai Trung Quốc chỉ có năm âm[7] là Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ, ngũ âm! Hiện thời Tây Dương dùng bảy âm (bảy notes nhạc). “Ngũ âm” [trong câu kinh văn trên đây] hiện thời gọi là “nhạc giao hưởng” (symphony). Thiên nhạc trong Tây Phương Cực Lạc thế giới không lúc nào, không chỗ nào chẳng tồn tại. Các khúc nhạc được diễn tấu đều khiến cho quý vị nghe hết sức hoan hỷ. Chúng không chỉ là âm nhạc, mà còn thuyết pháp. Nói cách khác, tất cả các kinh văn đều dùng phương thức ca xướng để xướng lên, nghe rất dễ chịu! Niệm kinh sẽ khô khan, vô vị, chẳng dễ nghe, bèn xướng lên cho quý vị nghe. Vì thế, Phật môn hết sức coi trọng âm nhạc. Nói theo cách bây giờ là hết sức coi trọng giáo học nghệ thuật; vì vậy, giáo học Phật giáo chẳng phải là cứng ngắc, vụng về, chẳng phải chỉ là giảng giải trên giảng đường. Quý vị thích nghe giảng trên giảng đường? Được rồi! A Di Đà Phật cũng biểu diễn một màn giảng kinh, thuyết pháp đúng quy củ trên giảng đường cho quý vị. Quý vị thích dạo chơi khắp nơi, A Di Đà Phật cũng có thần thông khác biệt, có thể làm cho pháp âm theo chân quý vị. Quý vị đến chỗ nào, nó theo đến đó, giống như hiện thời chúng ta mang theo máy nghe nhạc vậy. Máy nghe nhạc của chúng ta đôi khi còn bị trục trặc, có lúc hết pin (battery), hoặc chẳng phát ra tiếng; ở bên kia, chẳng cần đến những thứ ấy, nhạc trời tự nhiên vang rền không trung.
Hoàn cảnh ấy đúng là được mười phương chư Phật đều tán thán. Nơi chốn tốt đẹp như thế mà không sanh về đó, oan uổng quá! Thầy Lý bảo “[kẻ chẳng phát nguyện vãng sanh Cực Lạc] nếu chẳng phải là ngu thì cũng là cuồng”, quý vị chẳng phải là ngu si thì là cuồng vọng, nói lên ý nghĩa sau đây: Phàm là một người bình thường, chẳng có ai không mong sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Quyết định phải sanh về đó. Có lẽ quý vị cảm thấy ta sang bên ấy, đất khách, quê người, chẳng có một ai quen biết, há có ý nghĩa gì? Nếu quý vị sợ gặp cảnh đất khách, quê người, hãy khuyên thêm mấy người cùng vãng sanh! Do vậy, nhất định phải đem pháp môn này phổ biến, khuyến cáo mọi người, để mọi người đều sanh về đó; khi sang đó, người mà ta quen biết sẽ rất nhiều.
Nói thật ra, hễ sang tới bên đó, thần thông liền trọn đủ, quý vị có Thiên Nhãn, Tha Tâm, Túc Mạng Thông; thân thích, bằng hữu, quyến thuộc của quý vị trong đời quá khứ, đời đời kiếp kiếp từ vô thỉ đến nay, có chẳng ít người đã ở Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị đều nhận biết: “Các vị đã đến từ sớm, nay tôi mới đến!” Còn có những kẻ luân hồi trong lục đạo, khi ấy, quý vị đều thấy, họ ở nơi đâu, quý vị đều biết. Do vậy, quý vị chẳng cần hoài nghi, đến nơi ấy lạ nước lạ cái, chẳng có ai chiếu cố, chẳng cần phải hoài nghi những điều ấy! Hễ đến nơi đó, bèn tự nhiên hiểu, nguyên lai quý vị có rất nhiều người quen!
(Sao) Hựu Quán Kinh vân: “Lâu các lưỡng biên, các hữu hoa tràng, vô lượng nhạc khí, dĩ vi trang nghiêm, bát chủng thanh phong, cổ thử nhạc khí, diễn thuyết Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã chi âm”.
(鈔) 又觀經云:樓閣兩邊,各有華幢,無量樂器,以為莊嚴,八種清風,鼓此樂器,演說苦空無常無我之音。
(Sao: Lại nữa, Quán Kinh nói: “Hai bên lầu gác, đều có tràng hoa, vô lượng nhạc khí dùng để trang nghiêm, tám thứ gió mát tấu các thứ nhạc khí ấy, diễn thuyết các tiếng Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã ).
Đoạn này là nói về chuyện gió tấu các nhạc khí. “Tràng” (幢) là hình tròn, hơi giống như cây cột. Vật này vốn được dùng làm tín hiệu trong Phật môn, gọi là “phan tràng”. Phan (幡) có hình dáng dẹp, còn Tràng hình tròn, hơi giống những ống thông gió tại phi trường, ở giữa rỗng tuếch, có hình trụ. Xưa kia, truyền đạt tin tức chẳng thuận tiện, nên trong đạo tràng hễ có giảng kinh, thuyết pháp, bèn dựng cột cờ, từ nơi rất xa vẫn có thể thấy được! Nếu hiện thời chúng ta giảng kinh ở đây, liền đem cái tràng hình ống treo lên, nó giống như cờ hiệu, người ở ngoài xa thấy cột cờ treo tràng, liền biết hôm nay có giảng kinh, thuyết pháp. Giảng kinh, thuyết pháp được gọi là “cao thụ pháp tràng” (dựng cao tràng pháp) là do ý nghĩa này. Hiện thời, chúng ta đăng báo quảng cáo, in rất nhiều thông cáo gởi đi, gọi điện thoại, dùng những cách ấy để thay thế. Còn có những đạo tràng thuyết pháp quanh năm thì họ dùng đá [để làm tràng], tràng đá hơi giống như một cây cột, chung quanh đôi khi khắc tượng Phật, tượng Bồ Tát, còn có kinh văn.
Ở đây, [Quán Kinh nói] tràng được làm bằng hoa, tức là kết rất nhiều loại hoa hết sức đẹp đẽ thành “hoa tràng”. Trên hoa tràng có nhiều loại nhạc khí, chúng ta có thể tưởng tượng đó là những nhạc khí vốn có trong thế gian này. Nói thật ra, nhạc khí cũng nhiều vô lượng vô biên, có rất nhiều loại là nhạc khí trong các thế giới phương khác mà chúng ta chưa hề nghe nói tới, đương nhiên càng chưa hề thấy. Quý vị chưa nghe nói, chưa trông thấy, nên đức Phật chẳng nói, nói ra phiền thêm! Quý vị hỏi đức Phật, đức Phật giải thích nửa ngày, quý vị vẫn không hiểu, nên đức Phật chẳng nói. Đức Phật thuyết pháp là khế cơ, tức là muốn quý vị vừa nghe bèn hiểu ngay. Các đồng tu học giảng kinh phải ghi nhớ điều này! Hễ giảng mà kẻ khác nghe không hiểu, quý vị đừng giảng. Những gì chính quý vị nghi hoặc, đừng nên giảng! Những điều quý vị giảng ra phải là [những thứ] chính mình quyết định chẳng có nghi hoặc. Đó là một nguyên tắc.
Tôi có một người bạn lâu năm, là một vị tướng quân, tuổi rất cao, trong quá khứ, cụ là thị vệ của tiên sinh Tôn Trung Sơn. Cụ bảo tôi Quốc Phụ hết sức vĩ đại. Thuở ấy, Tôn tiên sinh giảng Tam Dân chủ nghĩa, tiên sinh Thái Nguyên Bồi ghi lại. Khi đó, ông Thái Nguyên Bồi là hiệu trưởng trường đại học. Sau khi ghi xong bản thảo, trong ấy có một đoạn ông Thái cũng chẳng hiểu rõ ràng cho lắm, bèn hỏi Quốc Phụ về ý nghĩa cặn kẽ, Quốc Phụ liền gạch bỏ hoàn toàn đoạn ấy trong bản thảo, chẳng cần đoạn ấy nữa! Quốc Phụ nói: “Ông là hiệu trưởng trường đại học mà nghe còn chẳng hiểu, người khác làm sao hiểu được, hãy bỏ đoạn ấy đi!” Thật vĩ đại, tuyệt vời! Ông ta nói: “Những thứ tôi nói phải khiến cho hết thảy mọi người đều có thể nghe hiểu. Phàm những thứ nào nghe không hiểu thì đều chẳng cần đến!” Người học giảng kinh phải chú ý điều này, nhất định phải khiến cho người nghe thấu hiểu, chứ nghe mà không hiểu thì có ý nghĩa gì đâu! Trong quá khứ, tôi cũng nghe [một vị] lão pháp sư giảng kinh. Sau khi giảng xong, có những vị lão cư sĩ, họ đều là đại hộ pháp, đến thưa với thầy: “Sư phụ! Thầy giảng hay lắm, nhưng con nghe không hiểu”. Sư phụ nói: “Nếu ta giảng kinh này mà nghe hiểu [dễ dàng] thì còn có giá trị gì nữa?” Sai lầm mất rồi! Nhất định phải khiến cho người khác nghe hiểu thì họ mới được lợi ích, mới đạt được điều tốt đẹp. Giảng mà khiến cho kẻ khác nghe chẳng hiểu thì gọi là “nói thừa thãi, nói uổng công”, làm mất thời gian của kẻ khác, sai mất rồi!
Nhất định phải giữ gìn tiêu chuẩn như cổ nhân Trung Quốc đã nói “giản, yếu, tường, minh” (đơn giản, ngắn gọn, cặn kẽ, rõ ràng). Giữ vững bốn nguyên tắc ấy, đơn giản, ngắn gọn, tỉ mỉ, rõ ràng, chớ nên tràn lan dây cà, dây muống! Nói cách khác, người ta phải tốn mười câu mới nói rõ, ta có thể dùng năm câu liền nói rõ ràng, quý vị cao minh hơn kẻ ấy, càng đơn giản càng hay! Do một câu liền nói rõ ràng, rất cao minh! Đó là cao minh tột bậc! Người ta nói khá lâu mà vẫn chưa nói rõ ràng được, quý vị nói mấy câu liền rõ ràng, cao minh lắm! Do đó, ăn nói hay viết văn chương đều phải tuân thủ nguyên tắc này. Tuyệt đối không phải là văn chương viết cả đống chữ mới là có giá trị. Hiện thời, điều này là thật, hiện nay [thiên hạ] luận định số chữ, chẳng luận định văn chương hay dở, tiêu chuẩn khác hẳn trước kia. Theo tiêu chuẩn trước kia, viết tràn lan cà kê dê ngỗng như vậy, căn bản là người ta chẳng đọc tác phẩm của quý vị. Đại chúng bình phàm chuộng đơn giản, ngắn gọn, cặn kẽ, rõ ràng. Hơn nữa, trong thời đại công nghiệp, phải tranh thủ từng giây, từng phút, đâu có thời gian dài ngần ấy để nghe quý vị cà kê dê ngỗng!
Chúng tôi giảng kinh trong nước khác với giảng kinh ở ngoại quốc. Trong nước có thời gian, thong thả giảng. Ở ngoại quốc, không được! Người ở ngoại quốc chặn ngay: “Pháp sư! Tốt nhất là thầy giảng xong bộ kinh này trong năm ngày”, chỉ đành năm ngày bèn giảng xong. Giống như kinh Vô Lượng Thọ, hoặc Di Đà Kinh Yếu Giải phải giảng xong trong năm ngày. Vì sao? Họ chẳng có thời gian đến nghe. Phải là có thể dài, có thể ngắn, có thể cạn, có thể sâu thì mới được, mới có thể ứng phó căn tánh bất đồng. Có thời gian nói cặn kẽ đương nhiên là hay, nói rõ ràng, giống như lần này chúng tôi giảng Di Đà Kinh Yếu Giải Đại Ý trong năm ngày tức mười tiếng đồng hồ tại Vĩnh Hòa. Trong quý vị, có người đến nghe, liền biết: Người thường nghe ở nơi đây, nghe giảng chẳng thấy thỏa mãn lắm, nhưng người chưa đến nghe [mà nghe giảng lần đầu] thì rất thỏa ý, cảm thấy rất hiếm lạ, trong thời gian ngắn ngủi ấy, họ hiểu được; nhưng người thường đến đạo tràng này liền biết: [Nghe giảng trong thời gian ngắn ngủi] chẳng được! Chẳng có thời gian để trình bày rất nhiều ý nghĩa khẩn yếu!
“Bát chủng thanh phong” (tám thứ gió mát) là tám loại gió trong thế gian: Điều phong (gió Xuân), Minh Thứ phong (gió Đông), Thanh Minh phong (gió Đông Nam), Cảnh phong (Tường phong, gió Nam), Lương phong (gió Tây Nam), Xương Hạp phong (gió Thu), Bất Châu phong (gió Tây Bắc), Quảng Mạc phong (gió Bắc, gió Bấc)[8]. “Cổ thử nhạc khí” [nghĩa là] chẳng cần người diễn tấu, các thứ nhạc khí có thể tự diễn tấu, toàn bộ là tự động. Nó còn có thể thuyết pháp, có thể “diễn thuyết Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã chi âm” (diễn thuyết âm thanh Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã). Hết thảy các pháp đều được chúng diễn tấu, vô lượng vô biên pháp Tiểu Thừa và Đại Thừa, chẳng có pháp nào không được diễn tấu. Ở đây chỉ nêu vài tỷ dụ, như Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, [các pháp này] thường được gọi là pháp Tiểu Thừa và pháp nhân thiên. Thuở ấy, trong số thính chúng hiện diện, người Tiểu Thừa chiếm đa số, đức Phật giảng kinh bèn tùy thuận thính chúng lúc ấy để giảng, nên nêu lên những thí dụ này!
(Sao) Dĩ thị thôi chi, tắc thử chỉ ngôn lâu các, bất phân Phật cập Bồ Tát, thiên, nhân, diệc bất phân tại không, tại địa, diệc bất ngôn nhạc âm diễn pháp, tất văn tỉnh dã.
(鈔) 以是推之,則此止言樓閣,不分佛及菩薩天人,亦不分在空在地,亦不言樂音演法,悉文省也。
(Sao: Do vậy, suy ra: Kinh này chỉ nói đến lầu gác, chẳng phân biệt là [lầu gác] của Phật, Bồ Tát, trời, người [to nhỏ khác nhau], cũng chẳng phân biệt là ở trên hư không hay trên mặt đất, cũng chẳng nói tiếng nhạc diễn thuyết pháp, tức là kinh văn nói tỉnh lược vậy).
Những điều này đều được tỉnh lược nơi văn tự, phải hợp ba kinh lại để tham chiếu, quý vị mới biết tình hình cặn kẽ, xem trọn năm kinh là lý tưởng nhất. Giống như Sớ Sao của Liên Trì đại sư, Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư và Viên Trung Sao của U Khê đại sư, các tác phẩm chú giải ấy trích dẫn kinh điển hòng giải thích rất nhiều điều. Vì thế, đọc Sớ Sao giống như đọc mấy trăm bộ kinh luận, Ngài trích dẫn rất nhiều. Có như vậy thì chúng ta mới liễu giải Tây Phương Cực Lạc thế giới rõ ràng, tín tâm và nguyện tâm mới có thể thật sự sanh khởi, điều này vô cùng trọng yếu. Hôm nay, chúng tôi giảng tới chỗ này!
[1] Trùng Châu là một loại trùng theo truyền thuyết. Theo sách Cách Trí Cảnh Nguyên, loại trùng này có sáu chân, hai mắt, sinh ra một thứ ngọc, phần nhiều có sắc đỏ, nên gọi là Xích Trùng Châu hoặc gọi tắt là Xích Châu.
[2] Đá Đại Lý là một loại đá hoa (cẩm thạch) vốn phát xuất từ vùng Đại Lý của tỉnh Vân Nam, thường có màu từ trắng đục đến xám nhạt. Về sau, tất cả các loại cẩm thạch đều được gọi chung là “đá Đại Lý”. Tùy theo vân đá có màu sắc, hình thái khác nhau, mà lại chia thành rất nhiều loại nhỏ, như Đan Đông Lục (vân đá có tia đỏ lẫn xanh đậm), Thiết Lãnh Hồng, Tuyết Hoa Bạch, Ngải Diệp Thanh, Thu Cảnh, Hải Lãng v.v… Loại đá này bền chắc, lại dễ điêu khắc, nên rất được ưa chuộng trong các công trình xây dựng mỹ thuật, chế thành những vật dụng thưởng ngoạn như bình phong, nghiên mực, bình hoa, lò hương, giá treo bút v.v…
[3] “Huýnh đới” là một thành ngữ diễn tả sự cao chót vót, dường như chọc trời hay dính vào trong mây.
[4] “Các đạo” còn là “phúc đạo” (复道) hoặc “thông đạo” (通道) là các lối đi trong các tòa điện đài, hoặc đường hành lang dưới mái thềm các tòa điện vũ, hay các đường đi bao quanh các tòa nhà. “Đống vũ” (棟宇) là từ ngữ chỉ chung các tòa điện đường to lớn.
[5] Trong kiến trúc cổ, trước các tòa nhà lớn thường xây thềm cao, tối thiểu là ba bậc, quét sơn màu đỏ, gọi là “đan trì”.
[6] Đây là cái sân ở giữa các tòa kiến trúc vây quanh bốn mặt. “Thiên tỉnh” có tác dụng thông gió và lấy độ sáng, đồng thời tạo không gian riêng tư cho người trong tòa nhà, nhất là trong khu vực cư ngụ dành riêng cho nữ quyến của các gia tộc lớn thời cổ.
[7] Ngũ âm còn gọi là “ngũ thanh âm giai”, gồm Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ, gần như tương ứng với năm note nhạc Do, Re, Mi, Sol, La trong âm nhạc Tây phương. Về sau này, nhạc lý Trung Quốc thêm vào hai note nữa là Đê (Đê Bán Âm Cung, Bán Cung, gần tương ứng với note Si) và Biến Chủy (Bán Chủy). Theo cách định nghĩa truyền thống, trong thang âm của một cây sáo trúc, âm Cung chiếm 81 đơn vị, Thương là 72 đơn vị, Giốc là 64 đơn vị, Chủy là 54 đơn vị, và Vũ là 48 đơn vị. Đây chính là cách định nghĩa dựa trên trường độ của sóng âm và tần suất dao động. Quan điểm Ngũ Âm do mô phỏng âm thanh trong tự nhiên và tương ứng với Ngũ Hành (sau này lại được mở rộng thêm ra, tương ứng với Ngũ Tạng, chẳng hạn như Cung tương ứng với Tỳ, Thương tương ứng với Phổi v.v…) Thiên Địa Viên trong sách Quản Tử đã viết: “Nghe âm Vũ như tiếng chim hót ngoài đồng, nghe âm Cung như tiếng trâu kêu trong chuồng, nghe âm Thương như tiếng dê kêu khi lìa bầy, nghe âm Giốc như tiếng chim Trĩ đậu trên cây đang hót, tiếng hót rất nhanh nhưng thật rõ ràng…”
[8] “Bát phong” là tên gọi chung cho các thứ gió từ tám phương. Tên gọi này dựa theo sự phối hợp tám phương với tám tiết khí. Các danh xưng trên đây dựa theo sách Dịch Vỹ Thông Quái Nghiệm: “Gió trong tám tiết khí được gọi là Bát Phong. Tiết Lập Xuân, Điều Phong thổi. Tiết Xuân Phân là Minh Thứ phong, tiết Lập Hạ là Thanh Minh phong. Tiết Hạ Chí là Cảnh phong, tiết Lập Thu là Lương phong, tiết Thu Phân là Xương Hạp phong, tiết Lập Đông là Bất Châu phong, tiết Đông Chí là Quảng Mạc phong”.