#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 127
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm bảy mươi tám.
(Sao) Trí Giác vân: “Tổng trì giáo trung, thuyết tam thập thất Phật, giai Tỳ Lô Giá Na nhất Phật sở hiện. Vị Giá Na nội tâm, chứng Tự Thụ Dụng, thành ư Ngũ Trí, tự đương trung ương Pháp Giới Thanh Tịnh Trí. Thứ tùng tứ trí, lưu xuất tứ phương tứ Như Lai, kỳ Diệu Quán Sát Trí, lưu xuất Tây Phương Cực Lạc thế giới Vô Lượng Thọ Như Lai, tắc nhất Phật nhi song hiện nhị độ dã”. Cố Thanh Lương vân: “Tức Bổn Sư dã”.
(鈔) 智覺云:總持教中,說三十七佛,皆毗盧遮那一佛所現。謂遮那內心,證自受用,成於五智,自當中央法界清淨智。次從四智,流出四方四如來,其妙觀察智,流出西方極樂世界無量壽如來,則一佛而雙現二土也。故清涼云:即本師也。
(Sao: Ngài Trí Giác nói: “Trong giáo pháp Tổng Trì có nói ba mươi bảy vị Phật đều do Tỳ Lô Giá Na Phật hiện ra. Nghĩa là từ trong nội tâm, Tỳ Lô Giá Na Phật chứng Tự Thụ Dụng, thành tựu Ngũ Trí, tự đảm nhiệm Pháp Giới Thanh Tịnh Trí ở trung ương. Kế đó, từ bốn trí kia lưu xuất bốn vị Như Lai ở bốn phương. Diệu Quán Sát Trí lưu xuất Tây Phương Cực Lạc thế giới Vô Lượng Thọ Như Lai, tức là một vị Phật mà hiện trong hai cõi”. Vì vậy, ngài Thanh Lương nói: “Chính là Bổn Sư vậy”)
Trí Giác chính là Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư, đoạn văn trên đây do Ngài viết trong quyển hai mươi bốn của bộ Tông Kính Lục, Tông Kính Lục tổng cộng một trăm quyển. Trong giáo pháp Đại Thừa thường nói: “Thập phương tam thế Phật, cộng đồng nhất Pháp Thân” (Mười phương ba đời Phật, cùng chung một Pháp Thân), hoàn toàn tương ứng với ý nghĩa trong cách nói này. Đại thế giới của chúng ta là thế giới Hoa Tạng, thế giới Sa Bà là một tiểu thế giới trong thế giới Hoa Tạng, chúng ta gọi [thế giới Sa Bà] là một tam thiên đại thiên thế giới. So với thế giới Hoa Tạng để nói thì tam thiên đại thiên thế giới này là một tiểu thế giới. Giáo chủ của đại thế giới này là Tỳ Lô Giá Na Như Lai, chúng ta gọi Ngài là Pháp Thân Phật. Kinh Hoa Nghiêm lấy Tỳ Lô Giá Na Phật làm chủ. Pháp Thân chẳng thuyết pháp, Pháp Thân chẳng có hình tướng, là bản thể của vạn pháp trong vũ trụ, nên Ngài chẳng có ngôn thuyết. Chúng ta thấy trong kinh Hoa Nghiêm các vị Bồ Tát thuyết pháp, nhưng trên thực tế, các vị Bồ Tát ấy là Hóa Thân của Tỳ Lô Giá Na Phật. Pháp Thân chẳng thuyết pháp, bản thể chẳng thuyết pháp. Từ Thể khởi Dụng, hiện thân, hiện tướng, lúc ấy sẽ có ngôn thuyết, sẽ có thuyết pháp. Do vậy, kinh Hoa Nghiêm từ đầu đến cuối đều là Bồ Tát thuyết pháp.
Kinh dạy, đã lấy Tỳ Lô Giá Na Phật làm bản thể, tức Chân Như bổn tánh, sau đấy, “tùng tứ trí” (từ bốn trí) “lưu xuất tứ phương Như Lai” (lưu xuất các vị Như Lai ở bốn phương). Bốn trí là Đại Viên Kính Trí, Bình Đẳng Tánh Trí, Diệu Quán Sát Trí, và Thành Sở Tác Trí. Tỳ Lô Giá Na ở trung ương. Chúng ta nói đến Ngũ Phật thì trung ương là Tỳ Lô Giá Na Phật, tức Pháp Thân Phật. Từ Đại Viên Kính Trí lưu xuất Đông Phương A Súc Phật, từ Bình Đẳng Tánh Trí lưu xuất Nam Phương Bảo Sanh Như Lai, từ Diệu Quán Sát Trí lưu xuất Tây Phương A Di Đà Phật, từ Thành Sở Tác Trí lưu xuất Bắc Phương Bất Không Thành Tựu Như Lai. Đó là nói tới Ngũ Phương Phật, gồm năm vị Phật. Mỗi vị trong năm vị Phật đều có “Tứ Đại Bồ Tát”, bốn lần năm là hai mươi, cộng thêm năm vị Phật là hai mươi lăm. Lại còn có Tứ Nhiếp, Bát Cúng Dường, tức là thêm mười hai vị nữa, do đó biến thành ba mươi bảy. Ba mươi bảy vị Phật do đó mà có! [Trong ấy], năm vị là Phật, hai mươi vị là Bồ Tát, nay chúng ta gọi Tứ Nhiếp và Bát Cúng Dường là “đạo cụ”, trong Phật pháp gọi [đạo cụ] là “pháp khí”. Những thứ Bồ Tát cầm trong tay được gọi là “pháp khí”, vì chúng đều nhằm biểu thị nghĩa lý giáo hóa chúng sanh rất sâu. Do vậy, đều được tính vào đây.
“Nhất Phật nhi song hiện nhị độ” (một vị Phật mà hiện trong hai cõi), “nhất Phật” là A Di Đà Phật, “nhị độ” là thế giới Cực Lạc và thế giới Sa Bà của chúng ta. Thanh Lương đại sư nói, Phật Thích Ca là Bổn Sư của chúng ta, A Di Đà Phật cũng là Bổn Sư. Vị thầy căn bản thật sự là A Di Đà Phật, Thích Ca Phật bất quá thay mặt A Di Đà Phật chiêu sinh trong thế giới Sa Bà mà thôi, hy vọng chúng sanh thật sự giác ngộ trong thế giới Sa Bà sẽ ngay lập tức cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, A Di Đà Phật quả thật là Bổn Sư của chúng ta. Ý nghĩa này được thấy rõ ràng nhất trong kinh Hoa Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng là “mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc”, có thể thấy A Di Đà Phật trong thế giới Cực Lạc thật sự là vị thầy căn bản của chúng ta.
(Sớ) Nhiên chư Phật thuyết pháp, đa chủng bất đồng, kim thị y chánh giai thuyết, tường như thử kinh, cập Đại Bổn, Quán Kinh trung thuyết.
(疏) 然諸佛說法,多種不同,今是依正皆說,詳如此經,及大本觀經中說。
(Sớ: Nhưng chư Phật thuyết pháp có nhiều thứ khác nhau, nay là y báo và chánh báo đều cùng nói, nói chi tiết [về chuyện y báo và chánh báo đều cùng thuyết pháp] thì như trong kinh này, Đại Bổn và Quán Kinh đã nói).
“Đa chủng bất đồng” (nhiều thứ khác nhau), tức là thuyết pháp không nhất định phải dùng ngôn ngữ; sáu căn, sáu trần đều có thể thuyết pháp. Do vậy, căn căn, trần trần chẳng có cùng tận. Ở đây chỉ là nêu thí dụ để nói. Nói tỉ mỉ thì như trong kinh này, đấy là nói sáu trần trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều thuyết pháp. Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ. Quán Kinh là kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Tịnh Độ Tam Kinh đều nói “y báo và chánh báo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới thảy đều đang thuyết pháp”. Trong lời Sao có giải thích đoạn văn này:
(Sao) Đa chủng giả, như ngôn thuyết, chiêm thị.
(鈔) 多種者,如言說瞻視。
(Sao: “Nhiều thứ” là như ngôn thuyết, chiêm ngưỡng, nhìn ngó).
“Ngôn thuyết”: Đối với chúng sanh Nhĩ Căn nhạy bén bèn dùng ngôn thuyết. Nhĩ Căn của đại đa số chúng sanh trong thế giới Sa Bà nhạy bén, đây là nói theo đại đa số. Có những người Nhãn Căn nhạy bén hơn Nhĩ Căn, quý vị nói với kẻ ấy, kẻ ấy nghe mà chẳng hiểu rõ cho lắm. Quý vị viết cho kẻ ấy đọc, kẻ ấy vừa nhìn liền hiểu rõ. Có những kẻ dẫu quý vị viết rõ ràng cách mấy, họ đọc rồi cũng chẳng hiểu rõ, nhưng quý vị giảng giải, họ nghe bèn hiểu ngay! Đó là do căn tánh của chúng sanh khác nhau. Vì vậy, đức Phật xuất hiện trong thế giới này, giống như trong kinh Lăng Nghiêm, Văn Thù Bồ Tát chọn lựa pháp Viên Thông đã nói: “Thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn” (Chân giáo thể phương này, thanh tịnh nơi nghe tiếng). Thuở ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật hóa độ chúng sanh sử dụng ngôn thuyết, giảng kinh, thuyết pháp mỗi ngày. So với Thích Ca Mâu Ni Phật, thời gian Khổng lão phu tử xuất hiện [trên thế gian] chẳng sai biệt mấy! Khổng Tử xuất hiện tại Trung Quốc, lão nhân gia dạy học cũng sử dụng ngôn ngữ; thuở đó, chẳng dùng văn tự để viết tài liệu giảng dạy. Sau khi phu tử khuất bóng, các đệ tử mới ghi chép lại những lời Ngài đã nói trong một đời, tình hình chẳng khác Thích Ca Mâu Ni Phật cho lắm! Học trò của Thích Ca Phật đông đảo, ghi chép tường tận; đệ tử của Khổng Tử chỉ ghi lại những nét chánh yếu, như từng điều trong Luận Ngữ [chỉ là] đại cương! Phu tử giảng mấy tiếng đồng hồ, giảng mười mấy tiếng đồng hồ, giảng hơn một trăm tiếng đồng hồ, giảng những điều gì? Giống như ghi chép đề mục, chỉ có mấy chữ, nói đại cương. Luận Ngữ có ý nghĩa ấy, đều là đề mục, giảng đề (chủ đề giảng dạy), cương yếu trong sự giảng giải của phu tử. Chẳng giống như đức Phật giảng kinh, có thể nói kinh do đức Phật đã giảng đều được ghi lại toàn bộ đại ý, khá tường tận, điều này rất khó có.
“Chiêm thị”: Chẳng dùng ngôn thuyết, mà chúng ta dùng mắt để nhìn, xem sắc tướng, xem động tác, bèn hiểu rõ ý nghĩa, đó là người Nhãn Căn nhạy bén. Thiền Tông thường dùng phương pháp này, chẳng giảng nói, giơ nắm tay lên, cuộn các ngón tay thành nắm đấm, giơ ngón tay bảo quý vị hãy nhìn, đối phương vừa nhìn bèn giác ngộ. Đó là do một động tác, hay ra hiệu khiến cho đối phương nhận biết ý nghĩa. Thuở ấy, trong pháp hội, Thích Ca Mâu Ni Phật “niêm hoa vi tiếu” (giơ cành hoa lên, mỉm cười), đó là động tác, đại chúng nhìn nhưng chẳng hiểu ý Phật, chỉ có Ma Ha Ca Diếp hiểu được. Ma Ha Ca Diếp trông thấy bèn cười, Ngài đã hiểu. Do vậy, đức Phật trao cành hoa ấy cho Ngài: “Ta có Niết Bàn diệu tâm truyền cho Ma Ha Ca Diếp”, đó là tổ sư đời thứ nhất của Thiền Tông. Do vậy, Thiền Tông “chẳng lập văn tự, chỉ thẳng tâm người”, tức là từ sắc tướng, động tác, quý vị bèn thấu hiểu ý nghĩa ấy. Do vậy, họ chẳng dùng ngôn thuyết, mà là “chiêm thị” (nhìn ngắm), dùng phương cách như vậy!
(Sao) Nãi chí hương phạn đẳng.
(鈔) 乃至香飯等。
(Sao: Cho đến cơm thơm v.v…)
“Hương phạn” là mời quý vị ăn cơm. Ăn cơm là Thiệt Căn tiếp xúc Vị Trần, người ấy vừa ăn bèn giác ngộ. Trong cõi Hương Tích, Hương Tích Như Lai độ chúng sanh trong thế giới ấy rất lạ lùng. Chính Ngài chẳng thuyết pháp, vị Phật ấy mỗi ngày sắp đặt nhiều món ăn ngon mời mọi người ăn. Ăn xong, ai nấy đều khai ngộ. Trong sáu căn, Thiệt Căn của chúng sanh nơi ấy rất nhạy bén!
Trong kinh Lăng Già có một đoạn kinh văn, đức Phật bảo Đại Huệ Bồ Tát: Hoàn toàn chẳng phải là tất cả các thế giới Phật đều giảng kinh, thuyết pháp. Nếu chúng sanh trong thế giới ấy Nhĩ Căn nhạy bén, đức Phật mới dùng ngôn thuyết; Nhãn Căn nhạy bén, đức Phật sẽ dùng sắc tướng, hoặc động tác, chẳng dùng ngôn thuyết.
(Sao) Cố Cực Lạc thế giới, bất đản kim khẩu thuyết pháp, y chánh tất nhĩ.
(鈔) 故極樂世界,不但金口說法,依正悉爾。
(Sao: Vì lẽ đó, thế giới Cực Lạc không chỉ là kim khẩu thuyết pháp, mà y báo và chánh báo đều là như thế).
Thế giới Cực Lạc là một thế giới bình đẳng. Người trong thế giới Cực Lạc là chúng sanh từ vô lượng vô biên sát độ trong mười phương di dân tới. Do vậy, các đại chúng trong thế giới Cực Lạc, chư thượng thiện nhân từ các thế giới đến, căn tánh gì cũng đều có. Nếu Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật cũng giống như Sa Bà thế giới Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh hơn ba trăm hội, thuyết pháp bốn mươi chín năm, sẽ không thể phổ độ chúng sanh. Dùng phương pháp ấy chỉ có thể tiếp dẫn [các chúng sanh đến từ] thế giới Sa Bà. [Chúng sanh từ] các thế giới phương khác vãng sanh [Cực Lạc] quá nhiều; vì thế, Tây Phương Cực Lạc thế giới thuyết pháp nhiệt náo, sáu căn và sáu trần thảy đều thuyết pháp, y báo lẫn chánh báo đều thuyết pháp. Đạo lý ở chỗ này.
(Sao) Như Đại Bổn vân.
(鈔) 如大本云。
(Sao: Như kinh Đại Bổn nói).
Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ.
(Sao) A Di Đà Phật, vị chư Bồ Tát, Thanh Văn, chư thiên, thế nhân, quảng tuyên đại giáo, phu diễn diệu pháp, mạc bất hân nhiên duyệt thích, tâm đắc giải ngộ, các hữu sở đắc.
(鈔) 阿彌陀佛,為諸菩薩聲聞諸天世人,廣宣大教,敷演妙法,莫不欣然悅適,心得解悟,各有所得。
(Sao: A Di Đà Phật, vì các Bồ Tát, Thanh Văn, chư thiên, người đời rộng tuyên đại giáo, diễn bày diệu pháp, không ai chẳng vui sướng, thoải mái, tâm được giải ngộ, ai nấy đều có sở đắc).
Đoạn này nói A Di Đà Phật vì đại chúng, “Bồ Tát, Thanh Văn, chư thiên, người đời”, đó là thân phận của họ trước khi đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Sau khi đã đến thế giới Tây Phương, thân phận giống nhau, đều là Bồ Tát. Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy Tây Phương Cực Lạc thế giới tuyệt đối chẳng còn có Tiểu Thừa, nhân, thiên, không có! Chư vị phải biết điều này! “Phu diễn diệu pháp”: Đức Phật thuyết pháp bên ấy. “Các hữu sở đắc”: Mỗi cá nhân do căn tánh, trình độ tinh
tấn khác nhau mà ngộ nhập có sâu hay cạn.
(Sao) Hựu vân: “Đông phương Hằng hà sa số chư Phật, các khiển vô lượng Bồ Tát, Thanh Văn, chí A Di Đà Phật sở, thính thuyết diệu pháp”.
(鈔) 又云:東方恆河沙數諸佛,各遣無量菩薩聲聞,至阿彌陀佛所,聽說妙法。
(Sao: Lại nói: “Hằng hà sa số chư Phật ở phương Đông, mỗi vị đều sai vô lượng Bồ Tát và Thanh Văn đến chỗ A Di Đà Phật nghe giảng diệu pháp”).
Đây là nói cặn kẽ một phương, những phương sau đó đều nói tỉnh lược.
(Sao) Tứ duy, thượng hạ, diệc phục như thị.
(鈔) 四維上下,亦復如是。
(Sao: Bốn phương, trên, dưới cũng đều như thế).
Chư Phật trong các thế giới Phật khắp mười phương, mỗi vị đều sai các vị Bồ Tát, A La Hán và Bích Chi Phật đến Tây Phương Cực Lạc thế giới để nghe A Di Đà Phật thuyết pháp.
(Sao) Thị chánh báo thuyết pháp.
(鈔) 是正報說法。
(Sao: Đó là chánh báo thuyết pháp).
Những điều này được nói trong kinh Đại Bổn.
(Sao) Thử kinh thủy, điểu, thụ lâm diễn sướng diệu pháp.
(鈔) 此經水鳥樹林演暢妙法。
(Sao: Trong kinh này, chim, rừng cây diễn nói thông suốt diệu pháp).
Nước là vô tình, chim là hữu tình, rừng cây cũng là vô tình. Tình và vô tình thảy đều thuyết pháp. Đó là sáu trần thuyết pháp.
(Sao) Cập Đại Bổn, Quán Kinh, như hậu văn trung tường dẫn,
thị y báo thuyết pháp.
(鈔) 及大本觀經,如後文中詳引,是依報說法。
(Sao: Và Đại Bổn, Quán Kinh như sẽ trích dẫn tường tận trong phần sau. Đó là y báo thuyết pháp).
“Y báo” là hoàn cảnh vật chất.
(Sao) Hựu Đại Bổn vân: “Bỉ quốc liên hoa xuất vô lượng quang”.
(鈔) 又大本云:彼國蓮華出無量光。
(Sao: Lại nữa, kinh Đại Bổn nói: “Hoa sen trong cõi ấy tỏa vô lượng quang minh”).
Hoa sen tỏa ánh sáng, trong quang minh xuất hiện vô lượng Phật. Những vị Phật ấy là hóa Phật, từ trong hoa sen biến hóa ra.
(Sao) Nhất nhất chư Phật, giai thuyết diệu pháp, thị y chánh câu thời thuyết dã.
(鈔) 一一諸佛,皆說妙法,是依正俱時說也。
(Sao: Mỗi một vị Phật đều nói diệu pháp, đó là y báo và chánh báo đồng thời thuyết pháp).
Đây là y báo và chánh báo đều thuyết pháp. Hoa sen là y báo, trong y báo hiện Phật, Phật là chánh báo, chánh báo xuất hiện từ y báo. Đức Phật lại thuyết pháp, y báo đồng thời thuyết pháp.
Trong Sớ Sao, Liên Trì đại sư trích dẫn kinh Vô Lượng Thọ, đại đa số chọn lựa trích dẫn [kinh văn] từ bản hội tập của cư sĩ Vương Long Thư, nay chúng ta gọi [bản hội tập ấy] là Đại A Di Đà Kinh. Bản hội tập ấy của Vương Long Thư tuy không hoàn toàn, đối với năm bản dịch gốc, ông ta chỉ chọn lựa từ bốn bản, chẳng chọn lọc kinh văn từ hội Vô Lượng Thọ của kinh Đại Bảo Tích, nhưng văn tự [trong bản hội tập ấy] hay hơn các bản dịch gốc.
(Sớ) Hữu vị thuyết pháp thị Ứng Thân, Báo Thân, hữu vị tam thân tề thuyết, các tùy cơ kiến.
(疏) 有謂說法是應身報身 ,有謂三身齊說 ,各隨機
見。
(Sớ: Có người nói Ứng Thân và Báo Thân thuyết pháp, có người nói ba thân cùng thuyết pháp, [những cách nói ấy] đều là kiến giải thuận theo căn cơ).
Có người nói Ứng Thân Phật hoặc Báo Thân Phật thuyết pháp, Pháp Thân Phật chẳng thuyết pháp; cũng có người nói ba thân đều cùng thuyết pháp. Giảng giải điều này như thế nào? Dưới đây, [Liên Trì đại sư] đã chú giải rất tỉ mỉ:
(Sao) Ứng Thân thuyết giả.
(鈔) 應身說者。
(Sao: Ứng Thân nói là…)
Đây là những người có kiến giải chủ trương Ứng Thân và Hóa Thân thuyết pháp.
(Sao) Hữu vân: Pháp Thân nhất hướng bất thuyết, Báo Thân cụ thuyết bất thuyết, Ứng Thân định thuyết.
(鈔) 有云:法身一向不說,報身具說不說,應身定說。
(Sao: Có người nói: Pháp Thân một mực không nói, Báo Thân hoặc nói, hoặc chẳng nói, Ứng Thân nhất định nói).
“Pháp Thân nhất hướng bất thuyết” (Pháp Thân luôn luôn không nói); đây là nói về ngôn ngữ, văn tự. Văn tự là phù hiệu ngôn ngữ, tương đồng với ngôn ngữ. Pháp Thân là lý thể, Pháp Thân không có hình tướng, không có hình tướng thì thuyết pháp bằng cách nào? Do vậy, nói “Pháp Thân nhất hướng bất thuyết”, ý nghĩa ở chỗ này. Chúng ta phải thấu hiểu kỹ càng những chỗ này. Cách nói của mỗi vị cổ nhân đều rất có đạo lý, nhưng quý vị hãy suy xét cặn kẽ, [sẽ thấy nói theo kiểu này] đạo lý chẳng viên mãn, đều lệch lạc một bên, người nói như vậy chẳng ít!
“Báo Thân cụ thuyết, bất thuyết”: Cụ (具) là trọn đủ, [Báo Thân] có thuyết hoặc chẳng thuyết. Thế nào là có thuyết và chẳng thuyết? Báo Thân có Tự Thụ Dụng thân và Tha Thụ Dụng thân. Tự Thụ Dụng thân chẳng nói, nhưng Tha Thụ Dụng thân có thuyết pháp. Tha Thụ Dụng thân là như kinh thường nói: “Phật vì hàng Thập Địa Bồ Tát hiện Báo Thân”. Thập Địa, từ Sơ Địa đến Đẳng Giác, mười một địa vị ấy, thân của Báo Thân to lớn. Trong kệ Tán Phật có câu: “Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di. Cám mục trừng thanh tứ đại hải”, đó là nói về Báo Thân Phật. Nếu [thân] Phật ấy ở trước mặt chúng ta, chúng ta sẽ chẳng nhìn thấy, vì sao? Thân Ngài còn to hơn địa cầu, quý vị làm sao trông thấy Ngài cho được? Chẳng thấy được! Giống như con kiến bò trên thân chúng ta, kiến chẳng biết người là như thế nào. Nó không biết, chẳng thấy, tướng ấy quá ư to lớn. Do vậy, Phật muốn độ Địa Thượng Bồ Tát, phải hiện thân to lớn giống như họ để thuyết pháp cho họ. Hiện thân giống như họ, đó là thân Tha Thụ Dụng. Đúng như trong ba mươi hai Ứng Thân đã nói: “Nên dùng thân gì để độ, Phật bèn hiện thân tướng ấy”. Vì thế, Ngài (Báo Thân Phật) có nói và chẳng nói.
“Ứng Thân định thuyết” (Ứng Thân nhất định nói). “Ứng Thân” ứng hóa trên thế gian, vì Tam Hiền, Nhị Thừa, lục đạo phàm phu mà thuyết pháp. Như Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện trong thế gian này, tướng mạo, thân hình chẳng khác người thế gian chúng ta cho mấy. Tuy vóc dáng cao hơn một chút, nhưng cũng không cao lắm. Nếu rất cao, sẽ biến thành quái nhân mất rồi. Trong kinh thường nói thân Phật là “trượng lục kim thân”, thân Phật cao một trượng sáu thước. “Trượng lục” là một trượng sáu thước tính theo thước đời Châu, chẳng phải là thước hiện thời. Hoằng Nhất đại sư biên soạn tác phẩm Luật Học Tam Thập Tam Chủng, trong ấy có một chương là Châu Xích Khảo (khảo cứu về thước đời Châu), đối với thước đời Châu, Ngài đã khảo cứu công phu. Một trượng sáu thước, gần như là một trăm chín mươi xăng-ti-mét hiện thời, dáng vóc cao như vậy.
Tướng hảo của Phật là quả báo do Ngài nhiều đời nhiều kiếp tu phước mà đạt được, Ngài có đầy đủ ba mươi hai tướng, tám mươi thứ hảo. Đấy là những tướng tốt theo sách coi tướng của thế gian Ngài đều có, tất cả tướng tốt đều do Ngài tu được. Mỗi cá nhân chúng ta đều hy vọng chính mình tướng hảo, đều có thể tu được. Ngay cả thầy xem tướng cũng nói: “Tướng chuyển theo tâm”. Phải tu tướng hảo theo cách nào? Tuyệt đối chẳng phải là đến thẩm mỹ viện. Dựa vào thẩm mỹ viện để tu tướng hảo, vấn đề sẽ nghiêm trọng, sẽ thường là một thân đầy bệnh tật, về sau, chẳng có thuốc nào chữa được! Chúng tôi đã thấy rất nhiều trường hợp [như vậy]. Đức Phật dạy chúng ta tu tướng hảo từ chỗ nào? Tu từ tâm địa. Tâm quý vị thật sự từ bi, thanh tịnh, bình đẳng, tướng tự nhiên tốt đẹp. Các nhà tướng số thường nói: Một người trước khi tròn bốn mươi tuổi, tướng mạo là bẩm sanh, tiên thiên, sau bốn mươi tuổi, tướng mạo là hậu thiên[1], do tâm lý và hành vi của quý vị trong một đời này đã biến tiên thiên thành hậu thiên. Do vậy, tướng mạo sau bốn mươi tuổi là hậu quả của một đời này.
Trên thực tế, tướng mạo do tâm chính mình biến hiện, mỗi cá nhân tướng mạo bất đồng là vì khi kẻ ấy đầu thai, trong kinh, đức Phật đã nói rất hay: “Ái chẳng nặng, chẳng sanh Sa Bà”, quý vị đến thế gian này đầu thai như thế nào? Quý vị có ái dục! Lúc đầu thai, quá nửa là chọn lấy tướng mạo của cha mẹ, vì kẻ ấy ưa thích tướng mạo đó, nên biến thành dáng vẻ ấy. Tướng mạo ấy in hằn khá sâu trong tâm kẻ ấy. Vì thế, tướng sanh từ tâm tưởng! Tâm tưởng bèn hiện tướng. Tướng mạo do chính mình biến hiện, cha mẹ chỉ làm Tăng Thượng Duyên cho quý vị, làm khuôn mẫu. Quý vị trông thấy, ưa thích tướng này bèn chọn lấy tướng này, ưa thích tướng kia bèn chọn lấy tướng kia, tướng do đó mà có, chẳng phải do di truyền. Người bình phàm chúng ta hiện thời thường nói là “di truyền”, nói theo Phật pháp, điều này chẳng suông, không có đạo lý ấy! Sau tuổi trưởng thành, chính mình hiểu chuyện, trong tâm có thiện, ác, tướng mạo bèn biến đổi theo tâm hạnh của quý vị. Do vậy, tướng mạo tuổi tráng niên và lão niên là do quý vị tu tích trong đời này. Đối với người học Phật [chuyện này] càng rõ ràng hơn, biến đổi rất nhanh, người ấy hiểu phương pháp và lý luận. Đó là nói về tu tướng hảo và quang minh, nhất định phải thực hiện từ nơi tâm. Ứng Thân Phật điều gì cũng giống như chúng sanh trong thế gian này, nên Ngài nhất định phải thuyết pháp.
(Sao) Tắc bỉ Phật thuyết pháp, đương thị Ứng Thân, nhiên diệc kiêm Báo, như Đại Bổn, cao xuất nhất thiết thế gian chi thân, Quán Kinh, lục thập vạn ức na-do-tha Hằng sa do-tuần chi thân, tắc khởi định trượng lục.
(鈔) 則彼佛說法,當是應身,然亦兼報,如大本,高出一切世間之身,觀經,六十萬億那由他恆沙由旬之身,則豈定丈六。
(Sao: Nên đức Phật ấy thuyết pháp sẽ là Ứng Thân, nhưng cũng có cả Báo Thân, như trong Đại Bổn có nói [thân Phật] cao vượt hết thảy thân trong thế gian, hoặc Quán Kinh nói thân cao sáu mươi vạn ức na-do-tha Hằng sa do-tuần, há cứ nhất định phải là thân trượng sáu).
Chúng ta thấy những điều này từ kinh Đại Bổn và Quán Vô Lượng Thọ Phật. Thân tướng của Phật vô cùng cao lớn, “lục thập vạn ức na-do-tha Hằng sa do-tuần chi thân” (thân cao sáu mươi vạn ức na-do-tha Hằng sa do-tuần), thân tướng ấy chẳng thể nghĩ bàn. Trong kệ Tán Phật có câu: “Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di, cám mục trừng thanh tứ đại hải”, nói như thế vẫn là quá nhỏ. Trên thực tế, hai mắt đức Phật và tướng bạch hào vượt xa những lời chúng ta tán thán, nhưng nếu nói lớn hơn nữa, chúng ta sẽ chẳng nói được, vì trên địa cầu này, chúng ta thấy biển lớn nhất là đại dương, núi cao nhất là núi Hỷ Mã Lạp Nhã, đó chính là núi Tu Di trên địa cầu này, không có gì cao hơn nữa! Nêu những gì chúng ta có thể trông thấy trước mắt để làm tỷ dụ, trên thực tế không phải chỉ có vậy. Có thể thấy thân tướng của Phật to lớn [dường nào]!
(Sao) Nhiên kinh vân: “Báo, Hóa phi chân Phật, diệc phi thuyết pháp giả”, hà đắc định ngôn Pháp Thân bất thuyết, đương thị tùy cơ sở kiến, tự bất đồng nhĩ.
(鈔) 然經云:報化非真佛,亦非說法者。何得定言法身不說,當是隨機所見,自不同耳。
(Sao: Nhưng kinh nói Báo Thân và Hóa Thân chẳng phải là Chân Phật, cũng chẳng là người thuyết pháp, làm sao có thể nói khẳng định Pháp Thân chẳng thuyết pháp. [Do vậy] phải là tùy theo cái nhìn của từng căn cơ mà thấy khác biệt).
Câu này nói rất hợp lý, vì sao nói Báo Thân và Hóa Thân chẳng phải là Chân Phật? Trong kinh nói “Báo Hóa phi Chân Phật, diệc phi thuyết pháp giả” (Báo Thân và Hóa Thân chẳng phải là Chân Phật, cũng chẳng phải là người thuyết pháp), ở đây bao hàm hai ý nghĩa: Thứ nhất, Báo Thân Phật và Hóa Thân Phật đều do Pháp Thân biến hiện, từ Thể khởi Dụng, là tác dụng của Pháp Thân lý thể. Dụng không có tự tánh, tức là Dụng không có tự thể, cho nên nói “vạn pháp đều là Không”; vì sao nói “vạn pháp đều là Không”? Vì hết thảy vạn pháp chẳng có tự tánh, toàn bộ Thể chính là Chân. Báo Thân, Ứng Thân, Hóa Thân đều không có tự thể, bản thể của chúng vẫn là Pháp Thân. Đây là một ý nghĩa.
Thứ hai, đối với hết thảy các pháp do Báo Thân và Hóa Thân đã nói, chúng ta quan sát sâu hơn một tầng, [sẽ thấy] ngôn thuyết, văn tự cũng chẳng có tự tánh. Trong Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát đã bảo: “Ly ngôn thuyết tướng, ly danh tự tướng, ly tâm duyên tướng”. Xem kinh, nghe pháp như thế thì mới có nhập xứ, nhập xứ là ngộ xứ, quý vị mới có thể thật sự nghe [pháp] này nọ. Nói cách khác, khi quý vị đọc tụng, nghe giảng, nếu trong tâm quý vị chấp trước ngôn thuyết, chấp trước danh tướng, trong tâm còn có phan duyên, “tâm duyên” là trong tâm có phan duyên, trong tâm có ý nghĩ, có cách nhìn và cách nghĩ của ta, có đủ thứ kiến giải, những điều ấy gọi là “tâm duyên tướng”, quý vị chẳng có hy vọng khai ngộ! Quyết định chẳng thể khai ngộ, vì sao? Ngộ môn đã bị bít chặt rồi. Khai ngộ thì tâm nhất định phải thanh tịnh, tâm thanh tịnh mới có thể khai ngộ! Trong tâm có đôi chút chướng ngại sẽ chẳng thể khai ngộ.
Chúng ta đọc Đàn Kinh, thiền sư Pháp Đạt niệm ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa, công phu rất sâu, vì sao Sư chẳng thể khai ngộ? Ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa niệm mười năm, mỗi ngày niệm một lượt thì gần như ba ngàn biến là mười năm. Kinh Pháp Hoa bảy quyển, văn tự khá dài. Nguyên nhân khiến Sư chẳng thể khai ngộ là do có chấp trước, cảm thấy chính mình giỏi giang hơn người khác, đáng để kiêu ngạo, hỏng bét rồi! Sư nhân duyên thù thắng, gặp gỡ Lục Tổ. Nếu Sư không gặp Lục Tổ, cả một đời chẳng thể khai ngộ, cuối cùng biến thành kiêu căng, ngã mạn. Niệm cả ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa như vậy, thưa quý vị, đời sau chỉ thuộc vào phước báo hữu lậu trong tam giới lục đạo, Sư có thể sanh trong đường trời người hay không? Không chắc! Nếu tâm ngạo mạn rất nặng, sẽ chẳng sanh trong đường trời, người! Nhiều lắm là sanh trong Tu La đạo thì đã là tột bậc rồi! Hiếu thắng, ngã mạn, xem thường kẻ khác, tự cho mình là đúng, phước báo rất lớn, sanh trong Tu La đạo đã khá lắm rồi! Kẻ ấy thiếu đức hạnh của người, trời. Phước trời nhất định phải là trọn đủ từ, bi, hỷ, xả, tứ vô lượng tâm. Từ kinh điển Đại Tiểu Thừa, chúng ta thấy chư thiên từ Sắc Giới trở lên chẳng ngạo mạn, không có loại phiền não ấy, tâm địa luôn từ bi; tu từ, bi, hỷ, xả. Mạn chỉ có trong Dục Giới, chứ Sắc Giới và Vô Sắc Giới đều không có.
Có thể thật sự lìa khỏi tướng ngôn thuyết, tướng danh tự, tướng tâm duyên, tâm bèn thanh tịnh. Tâm thanh tịnh nghe pháp có thể khai ngộ. Không chỉ nghe kinh có thể khai ngộ, mà thưa cùng quý vị, tâm thật sự thanh tịnh, nghe tiếng gió lùa, nghe lá rụng đều có thể khai ngộ, trong Thiền Tông có rất nhiều trường hợp [giống như vậy]. Chẳng phải là nói nhất định phải tham Thiền thì mới hòng khai ngộ! Không nhất định, chỉ cần tâm thanh tịnh sẽ có ngộ xứ. Trong quá khứ, tại Trung Quốc, một số các nhà văn, thi nhân, nghệ thuật gia, khá nhiều người thuận theo linh cảm, tâm địa thanh tịnh, thấy sắc, nghe tiếng trong thiên nhiên bèn đạt được linh cảm. Trong Phật môn, linh cảm được gọi là “ngộ xứ”. Do có chỗ lãnh ngộ, nên có thể viết ra văn chương bất hủ, soạn thành nhạc khúc hay thi từ bất hủ, đều do tâm thanh tịnh được cảm vời bởi ngoại vật, đạo lý là như thế đó! Do vậy có thể biết tâm thanh tịnh trọng yếu như thế nào! Hiểu rõ tánh của văn tự là Không, tánh của ngôn thuyết cũng là Không, vậy thì chúng ta lấy gì làm pháp? Nhất định là tâm có sở ngộ, ngộ nhập Pháp Tánh là có pháp, nhập Pháp Tánh là có pháp, nhà Thiền gọi đó là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”.
“Đương thị tùy cơ sở kiến, tự bất đồng nhĩ” (phải nên là tùy theo cách nhìn của từng căn cơ mà khác biệt). Phàm phu, Tiểu Thừa, Quyền Giáo chỉ thấy Ứng Thân Phật thuyết pháp; Đại Thừa, Biệt Giáo thì bậc Địa Thượng Bồ Tát, Viên Giáo thì từ Sơ Trụ trở lên, thấy Báo Thân Phật thuyết pháp. Nếu là viên đốn Bồ Tát, thưa cùng quý vị, sẽ thấy Pháp Thân cũng thuyết pháp, tuyệt diệu! Pháp Thân thuyết pháp như thế nào? Tây Phương Cực Lạc thế giới hữu tình và vô tình đều thuyết pháp, đó là Pháp Thân thuyết pháp. Vì thế, trước hết, chúng ta phải liễu giải Pháp Thân là gì? Ý nghĩa này rất khó hiểu. Có ai trong chúng ta chẳng có Pháp Thân? Tuy có Pháp Thân, nhưng chúng ta không nhận biết. Tuy có Pháp Thân, nhưng không thừa nhận, chẳng có cách nào cả! “Pháp” là vũ trụ vạn pháp, “Thân” là tự thân, toàn thể vũ trụ là tự thể, ai thừa nhận? Chẳng có ai thừa nhận! Nếu quý vị thừa nhận, quý vị đã là Pháp Thân Bồ Tát rồi.
Tôi thường dùng chuyện nằm mộng để tỷ dụ chuyện này, chỉ có dùng mộng cảnh để tỷ dụ, lãnh ngộ khá dễ dàng, do thời gian nằm mơ ngắn ngủi mà! Mỗi cá nhân đều có kinh nghiệm nằm mộng, mộng do tâm biến hiện. Cái tâm có thể nằm mộng ví như Chân Như bản thể, nó không có tướng, nó là Pháp Thân bản thể. Tuy nó chẳng có tướng, nhưng có thể hiện tướng, tùy duyên hiện tướng. Bình thường ta không hiểu, chẳng biết tâm có hình dạng ra sao? Lúc nằm mơ, nếu quý vị giác ngộ một thoáng, tâm ta giống như gì? Toàn thể cảnh trong mộng là Tướng Phần của cái tâm quý vị. Hình dáng của tâm quý vị trong khi ấy chính là những tướng trạng nơi mộng cảnh. Quý vị thật sự giác ngộ, cảnh trong mộng là hình trạng của cái tâm, vậy thì quý vị hãy xét xem, có thứ gì trong mộng cảnh chẳng phải là chính mình? Ngoài tâm chẳng có mộng, ngoài mộng chẳng có tâm! Toàn thể tâm biến thành mộng, toàn bộ giấc mộng là tự tâm của quý vị, là một, chẳng hai! Hễ giác ngộ, toàn thể mộng cảnh vốn là chính ta, điều này giống như quý vị đã chứng Pháp Thân. Quý vị mới biết đều là chính mình! Trong mộng có tự thân của chính mình thì tự thân ấy là chính mình, mà cả đống người trong mộng vẫn là chính mình. Núi, sông, đại địa trong mộng vẫn là chính mình, chẳng có gì không phải là chính mình! Chắc chắn chẳng thể nào có thứ gì từ bên ngoài đi vào trong mộng cảnh của quý vị được, không thể nào có chuyện đó! Đều do chính quý vị biến ra!
Nếu bây giờ quý vị hỏi, Chân Như bổn tánh của chúng ta có hình dạng ra sao? Nay chúng ta thấy tận hư không khắp pháp giới, hình tướng ấy chính là Tướng Phần của Chân Như bổn tánh. Thế giới này, vũ trụ này, có pháp nào chẳng phải là chính mình? Thảy đều là! Do vậy, chúng sanh đáng thương, chúng sanh điên đảo, vốn là chính mình mà phân chia ta, người, hư vọng phân biệt, khởi phân biệt, chấp trước, tạo đủ mọi nghiệp trong ấy, hứng chịu đủ thứ quả báo, hoàn toàn do chính mình biến hiện! Sau khi đã thật sự giác ngộ, quý vị mới hiểu!
Người chứng đắc Pháp Thân, mức độ thấp nhất là quyết định không có bốn tướng, “ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng” như kinh Kim Cang đã nói, vì sao? Người ấy thật sự nhập cảnh giới Hoa Nghiêm, “tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”. Đó là thật sự chứng đắc Pháp Thân, nói theo người niệm Phật là Lý nhất tâm bất loạn. Khi ấy, kẻ mê tự vạch giới hạn trong đó, còn người tự mình đã ngộ, chẳng còn vạch giới hạn với người khác, mà là người khác vạch giới hạn đối với người đó. Những kẻ khác vạch giới hạn với người ấy, người ấy bèn có thể tùy thuận giới hạn của chúng sanh, chính mình chắc chắn chẳng có giới hạn. Nói cách khác, chính mình quyết định không có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, không có một vọng niệm nào, có thể tùy thuận sự phân biệt, chấp trước, vọng tưởng của hết thảy chúng sanh, hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Công đức ở chỗ nào? Trong tâm của chính mình hiểu rõ!
Trong kinh Pháp Hoa cũng có một tỷ dụ, tức là tỷ dụ về một vị trưởng giả, con ông ta bỏ trốn từ nhỏ, về sau lớn lên, ăn mày bên ngoài, nghèo khổ khôn cùng! Trưởng giả biết gã ấy là con mình, nhưng gã nghèo ấy thấy vị trưởng giả bèn sợ hãi, chẳng dám nhìn, chẳng dám nhận. Quý vị nói với hắn, hắn chẳng thể tin tưởng. Chính ông trưởng giả hiểu rất rõ. Vị trưởng giả trong kinh Pháp Hoa ví như đức Phật, hoặc ví như hàng đại Bồ Tát đã kiến tánh. Đứa con bỏ trốn ví như lục đạo chúng sanh, hoặc Quyền Giáo, Nhị Thừa, họ chẳng biết vạn pháp trong vũ trụ là một, chẳng hai, chẳng biết hết thảy vạn pháp là chính mình. Khi nào quý vị thật sự hiểu rõ, thật sự giác ngộ, chuyển đổi quan niệm ấy, trong hết thảy các pháp giới, bốn tướng đều chẳng có, bốn kiến cũng không có, quý vị chứng đắc Thanh Tịnh Pháp Thân, sẽ thuộc vào địa vị nào? Quý vị là Pháp Thân đại sĩ, là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo. Hàng Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo khác chúng ta ở chỗ này. Trừ điều đó ra, chẳng có gì khác biệt, Ngài cũng mặc quần áo, ăn cơm, đi ra ngoài phải ngồi xe, đều giống hệt, nhưng tư tưởng, kiến giải, quan niệm khác nhau. Điều khác biệt rất lớn so với người bình phàm chúng ta là Ngài thật sự chẳng có phiền não, không có tham, sân, si, ngã mạn, chẳng có tập khí phiền não! Chúng ta lại xem đoạn tiếp theo.
(Sớ) Sở tích giả, vạn lý bách thành, vị tham tri thức, thê sơn hàng hải, vân lễ đạo tràng. Khởi khả vạn đức Như Lai hiện tại thuyết pháp, mạc nhiên bất cố, cam đọa thành Đông, thị tắc danh vi lân mẫn giả.
(疏) 所惜者,萬里百城,為參知識,梯山航海,云禮道場。豈可萬德如來現在說法,漠然不顧,甘墮城東,是則名為憐憫者。
(Sớ: Điều đáng tiếc là vượt muôn dặm, trăm thành để tham bái tri thức, trèo non, vượt biển hòng lễ bái đạo tràng, há đành đối với vạn đức Như Lai hiện đang thuyết pháp lại hờ hững chẳng đoái hoài, cam phận đọa lạc ở phía Đông tòa thành, nên được gọi là “kẻ đáng thương xót” vậy!)
Trong đoạn này bao hàm rất nhiều điển cố. “Vạn lý bách thành” là nói về sự tham học, muôn dặm tìm thầy, đi qua trăm thành tham phỏng thiện hữu.
(Sao) Vạn lý giả.
(鈔) 萬里者。
(Sao: “Muôn dặm”).
Đây là công án “vạn lý tầm sư” (muôn dặm tìm thầy).
(Sao) Tăng vấn Đại Tùy.
(鈔) 僧問大隨。
(Sao: Tăng hỏi ngài Đại Tùy).
“Tăng” là người xuất gia, cũng là người đi khắp nơi tham học, hỏi hòa thượng Đại Tùy.
(Sao) “Kiếp hỏa đỗng nhiên, vị thẩm giá cá hoại bất hoại?” Đáp vân: “Hoại!”
(鈔) 劫火洞然,未審這個壞不壞?答云:壞。
(Sao: “Kiếp hỏa cháy rụi, chẳng biết là cái này hoại hay không?” Sư (ngài Đại Tùy) đáp: “Hoại”).
Đây là gì? Nói về thân thể này. Kiếp hỏa cháy rụi, thân này có hoại hay không? Hoại!
(Sao) Tăng viết: “Nhẫm ma tắc tùy tha khứ dã”.
(鈔) 僧曰:恁麼則隨他去也。
(Sao: Tăng viết: “Như vậy là để tùy ý nó ư”?)
“Nhẫm ma” nói như bây giờ là “như vậy”. Vậy thì để mặc nó, Hoại thì sao? Hoại thì để mặc nó đi!
(Sao) Đáp viết: Tùy tha khứ.
(鈔) 答曰:隨他去。
(Sao: Sư đáp: “Để mặc nó”).
Hòa thượng Đại Tùy trả lời: “Để mặc nó”.
(Sao) Tăng nghi bất quyết.
(鈔) 僧疑不決。
(Sao: Vị Tăng ấy nghi ngờ, không giải quyết được!)
Một hỏi, một đáp, trả lời thật sự chẳng sai, nhưng người hỏi đối với lời đáp bèn hoài nghi. Nói cách khác, lần tham phỏng này chẳng đạt được yếu lãnh!
(Sao) Vãng hoàn vạn lý, quảng tham tri thức, thỉ đắc đại ngộ.
(鈔) 往還萬里,廣參知識,始得大悟。
(Sao: Qua lại vạn dặm, tham phỏng rộng khắp tri thức, mới đắc đại ngộ).
Đây là một công án nổi danh trong Thiền Tông Trung Quốc. Trong một ngàn bảy trăm bài công án của sách Ngũ Đăng Hội Nguyên có ghi câu chuyện này. Sau khi người tham học ấy rời ngài Đại Tùy, đến phương Nam gặp hòa thượng Đầu Tử, vị này cũng là một vị thiền sư đại triệt đại ngộ. Ngài Đầu Tử hỏi vị ấy: “Ông từ chỗ hòa thượng Đại Tùy đến đây, Tùy hòa thượng nói với ông điều gì?” Vị Tăng ấy bèn nhắc lại đoạn vấn đáp trên đây. Hòa thượng Đầu Tử sau khi nghe xong bèn hướng về phương Tây lễ bái (vì ngài Đại Tùy trụ tại Tứ Xuyên), nói: “Tứ Xuyên có cổ Phật xuất thế”. Bảo người xuất gia ấy: “Ông đến gặp tôi làm gì? Ngài [Đại Tùy] là bậc lỗi lạc, ông hãy trở về”. Người ấy ra đi, trở về, “vạn lý” là từ ngữ hình dung, [trên thực tế] vẫn chưa đến vạn dặm, nhưng vài ngàn dặm thì có. Nhất là xưa kia chẳng có phương tiện giao thông [thuận tiện như hiện thời], người xuất gia tham học đều là đi bộ. Một lần đi về phải mất mấy tháng, vô cùng vất vả! Nghe lời ngài Đầu Tử, vị Tăng ấy trở về, sau khi trở lại Tứ Xuyên thì hòa thượng Đại Tùy đã viên tịch, chẳng còn trụ thế nữa! Vị ấy vẫn hoài nghi y như cũ, chẳng thể giải quyết mối nghi tình, nghe những vị thiền sư ấy nói không đầu không đuôi, chẳng hiểu các Ngài nói gì!
Sau này, vị Tăng ấy lại tham phỏng thiền sư Long Nha, trình lên Sư những lời vấn đáp trước kia của các vị Đại Tùy và Đầu Tử. Nhà Thiền nói: “Đại nghi ắt đại ngộ, tiểu nghi ắt tiểu ngộ”. Trong tâm có nghi tình, nghi tình khác với hoài nghi. Hoài nghi là phiền não, [hoài nghi chính là “nghi” trong Ngũ Độn Sử] tham, sân, si, mạn, nghi, vì sao? Hoài nghi là không tin, còn nghi tình là tin, tin tưởng lời hai vị ấy nói chắc chắn chẳng sai, nhưng ta không hiểu, chẳng biết các Ngài nói gì. Thường ghi nhớ những lời ấy trong lòng, nhà Thiền gọi chuyện này là “tham thoại đầu”, thường nghĩ đến. Nếu người ấy không tin, căn bản là sẽ chẳng nghĩ đến. Thiền sư Long Nha bảo: “Giống như đại thiên”. Nghe xong câu ấy, vị Tăng bỗng nhiên ngộ nhập, nói: “Nhất cú tùy tha ngữ, thiên sơn tẩu nạp tăng”, [nghĩa là] chỉ có một câu nói “để mặc nó” ấy khiến cho ta phải đi ngàn vạn sơn thủy, khổ gần chết! Trước khi ngộ, vị Tăng ấy hỏi: “Lúc kiếp hỏa cháy rụi, chẳng biết cái này có hoại hay không?” Sau khi ngộ, vị ấy soạn một bài kệ: “Kiếp hỏa quang trung lập vấn đoan” (trong ánh lửa kiếp hỏa, đứng hỏi nguồn cơn), ta nêu ra nghi vấn này, “nạp tăng do trệ lưỡng trùng quan” (ông tăng vẫn bị vướng mắc nơi hai tầng ải), chẳng hiểu thấu, “chỉ nhân nhất cú tùy tha ngữ, vạn lý khu khu độc vãng hoàn” (chỉ vì một câu “để mặc nó” mà một thân mải miết qua lại vạn dặm). Một mình đi khắp nơi tầm sư phỏng đạo, mong giải quyết vấn đề này. Kể ra cũng khá lắm, thật sự giải quyết được vấn đề này, ngộ nhập, đó là cảnh giới minh tâm kiến tánh.
Ngài Long Nha nói: “Giống như đại thiên”, câu này đã nói xuyên suốt, mộng cảnh đấy! Thảy đều thuộc về mộng cảnh. Nếu quý vị hiểu đều là mộng cảnh, há có sanh diệt? Há có đến, đi? Người ta nói chẳng sai, để mặc nó! Để mặc nó thì hết thảy đều buông xuống. Trong hết thảy hiện tượng, hết thảy sự vật, chớ nên chấp trước, đừng nên phân biệt. Quý vị có thể thứ gì cũng để mặc nó, tâm quý vị thanh tịnh, thản nhiên, tự tại giải thoát lắm! Hết thảy chúng sanh không chịu để mặc nó, nên tự tìm phiền phức, lúc ấy mới khổ não ngàn muôn, mới có lục đạo luân hồi. Quý vị hết thảy đều có thể để mặc nó, một câu “để mặc nó” chính là “tùy hỷ công đức” được nói trong mười đại nguyện vương, hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, tự tại ngần nào! Người thật sự ngộ nhập cảnh giới mới hiểu rõ.
(Sao) Bách thành giả, Thiện Tài Nam du bách nhất thập thành, tham ngũ thập tam thiện tri thức, dẫn thử dĩ huống A Di Đà Phật thị tối thượng tri thức dã.
(鈔) 百城者,善財南遊百一十城,參五十三善知識,引此以況阿彌陀佛是最上知識也。
(Sao: “Trăm thành”: Thiện Tài đi về phương Nam qua một trăm mười thành, tham bái năm mươi ba vị thiện tri thức, dẫn điều này để sánh ví A Di Đà Phật là bậc tri thức tối thượng).
Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử tham phỏng năm mươi ba vị thiện tri thức, đi qua tất cả một trăm mười thành thị. “Nam du”: Nam không có nghĩa là phương hướng, mà Nam tượng trưng trí huệ, quang minh. Hễ đại thiện tri thức cư trụ nơi nào, nơi đó có người trí huệ, nơi đó được gọi là “Nam phương”, trọn chẳng phải là nói đến [các phương vị] Đông, Nam, Tây, Bắc, mà [Nam phương] tượng trưng trí huệ. Ở đây, đại sư trích dẫn đoạn công án này, nhằm tỷ dụ A Di Đà Phật là bậc tri thức tối thượng. Quý vị mong tham phỏng thiện tri thức, sao quý vị không tới thế giới Tây Phương? Đây là nói: “Thập phương nhất thiết Như Lai, A Di Đà đệ nhất” (mười phương hết thảy Như Lai, A Di Đà đệ nhất)! Trên thực tế, A Di Đà Phật vượt trỗi hết thảy chư Phật, Ngài chẳng phải là thiện tri thức bậc nhất thì là gì? Đáng tiếc rất nhiều người chẳng nhận biết Ngài. Phải thật sự nhận biết Ngài, phải tham phỏng vị đại thiện tri thức ở Tây Phương này! Cách tham phỏng như thế nào? Ngay lập tức ra đi, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Như thế nào mới có thể ra đi thành công? Ở đây nói, đối với hết thảy mọi thứ trong thế giới này hãy tùy thuận chúng là được, quý vị sẽ đến được Tây Phương Cực Lạc thế giới thành công. Trên thế giới này, nếu thứ gì quý vị cũng còn so đo, sẽ tạo thành chướng ngại cho việc cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, đối với thế giới này, hãy đừng bận tâm, hãy để mặc nó! Chúng sanh có phước cũng thế, mà thiếu phước cũng thế, thảy đều để mặc, chẳng cần phải bận tâm đến!
Tuy là như vậy, đối với người hữu duyên, chúng ta vẫn giúp họ. Trong Phật môn có một câu nói thông dụng: “Tố nhất thiên hòa thượng, chàng nhất thiên chung” (làm hòa thượng một ngày, gõ chuông suốt một ngày). Trọn hết bổn phận, trách nhiệm của chính mình. Bổn phận, trách nhiệm là hoằng dương Tịnh Độ. Giới thiệu pháp môn này với hết thảy chúng sanh, dâng lên hết thảy chúng sanh, chúng sanh nghe rồi, có thể tin, hiểu, hành, tức là duyên của người ấy đã chín muồi. Dẫu cho người ấy chẳng tin, chẳng hiểu, chẳng hành, thì cũng đã gieo một chủng tử A Di Đà Phật vào A Lại Da Thức của kẻ ấy. Chúng ta có thể làm điều này trong hiện tiền, đó cũng là chuyện chúng ta nên nỗ lực thực hiện trong hiện tại. Đối với chính mình mà nói, công đức viên mãn. Công đức viên mãn, tâm địa vô cùng sung sướng, niệm niệm viên mãn công đức, phải tận tâm tận lực làm chuyện này. Hôm nay đã hết thời gian rồi!
[1] Tiên thiên (先天) là những gì do bẩm sinh, được thừa hưởng từ cha mẹ (Trung Y còn dùng từ ngữ “thai nguyên” (胎元) để chỉ điều này), còn hậu thiên (後天) là những gì đạt được do quá trình nuôi dưỡng, bồi bổ, tập luyện.