#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 116
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm bốn mươi chín.
(Sớ) A Dật Đa giả, thử vân Vô Năng Thắng, tức Di Lặc Bồ Tát dã.
(疏) 阿逸多者,此云無能勝,即彌勒菩薩也。
(Sớ: A Dật Đa (Ajita), cõi này dịch là Vô Năng Thắng, tức là Di Lặc Bồ Tát).
Vị thứ hai trong Bồ Tát chúng là Di Lặc Bồ Tát.
(Sao) Di Lặc, thử vân Từ Thị, tánh dã, A Dật Đa, danh dã. Cụ túc đương vân Từ Vô Năng Thắng, dĩ tại mẫu thai trung, tức hữu từ tâm, cố dĩ danh tộc.
(鈔)彌勒,此云慈氏,姓也,阿逸多,名也。具足當云慈無能勝,以在母胎中,即有慈心,故以名族。
(Sao: Di Lặc (Maitreya) cõi này dịch là Từ Thị, đó là họ. A Dật Đa là tên. Nói đầy đủ sẽ là Từ Vô Năng Thắng, do khi ở trong thai mẹ, bèn có từ tâm, vì thế, lấy họ như thế).
Ở đây, tổng cộng có sáu điều giải thích, đây là điều thứ nhất. Từ Vô Năng Thắng là nói đến từ bi. Trong Phật môn, thông thường nói từ bi có ba thứ, hoặc nói tới bốn thứ. Trong bốn thứ, thì:
1) Loại thứ nhất là Ái Duyên Từ, loại này phàm phu chúng ta đều có. Chúng ta thích kẻ khác, bèn đối xử rất từ bi với kẻ ấy, đó là Ái Duyên Từ, tâm lượng rất nhỏ, giống như cha mẹ đối với con cái.
2) Loại thứ hai là Chúng Sanh Duyên Từ, phạm vi mở rộng, như tâm lượng của bậc thánh hiền, quân tử trong thế gian tương đối lớn, như ông Phạm Trọng Yêm đã nói: “Lão ngô lão dĩ cập nhân chi lão, ấu ngô ấu dĩ cập nhân chi ấu” (dùng lòng yêu thương đối với người già của ta để đối đãi người già của người khác, dùng lòng yêu thương đối với trẻ nhỏ của chính ta để yêu thương trẻ nhỏ của người khác). Đấy là Chúng Sanh Duyên Từ, tâm lượng lớn hơn.
3) Thứ ba là Pháp Duyên Từ. Pháp Duyên Từ là quan sát tự tánh của hết thảy các pháp bình đẳng, xuất phát từ cái tâm bình đẳng mà bình đẳng quán hết thảy chúng sanh. Bồ Tát mới có lòng Từ này, vì Ngài đã thật sự liễu giải Thật Tướng của các pháp. Do vậy, tâm từ bi này phải sâu và lớn hơn Chúng Sanh Duyên Từ.
4) Thứ tư là Vô Duyên Từ, vô điều kiện, Như Lai mới có lòng từ bi này, đó gọi là chứng đến quả vị rốt ráo. Như Lai từ bi đối với hết thảy chúng sanh chẳng đòi hỏi một điều kiện nào. Bồ Tát còn có điều kiện, Pháp Duyên Từ còn có điều kiện, Phật chẳng có điều kiện. Đây là lòng từ bi thù thắng nhất.
Di Lặc là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Từ Bi. Khi Ngài ở trong thai mẹ đã có tâm từ bi, nên dòng họ Ngài dùng danh xưng này làm họ. Nói theo kiểu này chính là lòng Từ tự lợi, vì Ngài còn ở trong thai mẹ chưa sanh ra. Cũng có thể nói từ tâm ấy là lòng Từ hiện tại, từ tâm hiện tại, từ tâm tự lợi. Thông thường, chúng ta nói đến từ bi đều là lợi tha, đều nói theo phương diện lợi tha, chẳng biết từ tâm có thể tự lợi. Lòng người từ bi đến cùng cực, sẽ có thể hóa giải hết thảy độc hại, chẳng điều gì có thể tổn hại người ấy được, từ tâm mà! Ý nghĩa thứ hai:
(Sao) Hựu quá khứ sanh trung, ngộ Đại Từ Như Lai, nguyện đồng thử hiệu, tức đắc từ tâm tam-muội.
(鈔)又過去生中,遇大慈如來,願同此號,即得慈心三昧。
(Sao: Lại nữa, trong đời quá khứ, gặp Đại Từ Như Lai, nguyện có cùng danh hiệu ấy, liền đắc từ tâm tam-muội).
Ý nghĩa thứ hai vô cùng rõ rệt. Trong đời quá khứ, Ngài tu Bồ Tát
đạo, gặp một vị Phật có hiệu là Đại Từ, nên gọi là Đại Từ Như Lai. Ngài phát nguyện, mong đời đời kiếp kiếp trong tương lai có cùng nguyện, cùng hạnh với Phật. Nguyện ấy quả nhiên chẳng hư dối, sau này, khi Ngài làm Bồ Tát, đời đời kiếp kiếp quả nhiên đắc danh hiệu ấy. Danh hiệu ấy nhìn từ hình tướng là do vị Phật trong quá khứ, trên thực tế, Ngài tu Từ Tâm tam-muội, tâm địa vĩnh viễn từ bi. Bất luận trong thuận cảnh hay nghịch cảnh đều một mực từ bi, nên gọi là Từ Tâm tam-muội. Trong quá khứ, rất nhiều vị Bồ Tát đều học theo Phật. Trong kinh Lăng Nghiêm, chúng ta thấy Quán Thế Âm Bồ Tát gặp gỡ cổ Quán Âm Phật, cũng mong mỏi đồng hạnh, đồng nguyện với Quán Âm Phật, nên đời đời kiếp kiếp làm Quán Âm Bồ Tát. Tình hình như vậy, chẳng phải chỉ mình Di Lặc Phật, mà rất nhiều vị có tình hình như vậy. Ý nghĩa thứ ba là:
(Sao) Hựu tích vi Bà La Môn, hiệu Nhất Thiết Trí, ư bát thiên tuế, tu tập từ hạnh.
(鈔)又昔為婆羅門,號一切智,於八千歲,修習慈行。
(Sao: Lại nữa, xưa kia Ngài là Ba La Môn, hiệu là Nhất Thiết Trí, trong tám ngàn năm, tu tập hạnh từ bi).
Thứ ba, trong đời quá khứ, Ngài từng thị hiện thân ngoại đạo. Tuy thị hiện thân phận Bà La Môn, theo đạo Bà La Môn, Ngài cũng là tu tâm từ bi. Thứ tư…
(Sao) Hựu Phất Sa Phật thời, dữ Thích Ca Như Lai đồng phát Bồ Đề tâm, thường tập từ định.
(鈔)又弗沙佛時,與釋迦如來同發菩提心,常習慈定。
(Sao: Lại nữa, thời Phất Sa Phật, cùng phát Bồ Đề tâm với Thích Ca Mâu Ni Phật, thường tu tập Từ định).
Đây cũng là nói đến chuyện quá khứ, thảy đều là thiên trọng phương diện tự lợi hạnh. Nhìn từ chỗ này, chúng ta biết Di Lặc Bồ Tát và Thích Ca Mâu Ni Phật từng là đồng học. Kinh còn nói thêm, không chỉ là đồng học, mà thân phận, địa vị, tư cách của Ngài còn cao Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật sớm hơn Ngài, vượt trỗi, Ngài biến thành Hậu Bổ Phật của Thích Ca Mâu Ni Phật, do nguyên nhân gì? Trong kinh, đức Phật đã dạy: Trong quá khứ, khi tu Bồ Tát đạo, đức Thế Tôn dũng mãnh, tinh tấn, nên vượt trội. Nếu chẳng dũng mãnh, tinh tấn, dựa theo thứ tự thuận, ngài Di Lặc sẽ là vị Phật thứ tư, trong Hiền kiếp, Thích Ca Mâu Ni Phật là vị thứ năm; hiện thời các Ngài đã đảo lộn thứ tự. Đó là do tinh tấn chẳng thể nghĩ bàn! Đức Phật cũng khuyến khích chúng ta phải nên tinh tấn, đừng biếng nhác! Thứ năm:
(Sao) Hựu Tư Ích Kinh vân: “Chúng sanh kiến giả, tức đắc từ tâm tam-muội”.
(鈔) 又思益經云:眾生見者,即得慈心三昧。
(Sao: Lại nữa, kinh Tư Ích[1] nói: “Chúng sanh trông thấy Ngài, liền đắc từ tâm tam-muội”).
Ý nghĩa này hết sức rõ rệt là lợi tha, lợi ích chúng sanh. Chùa thờ Phật hiện thời, hễ bước vào sơn môn, điện thờ thứ nhất là Thiên Vương Điện. Chính giữa Thiên Vương Điện thờ Di Lặc Bồ Tát, đặc biệt thờ tượng Bố Đại hòa thượng vì hết sức rõ rệt là tượng Bố Đại hòa thượng có thể khiến cho người ta vừa trông thấy bèn sanh tâm hoan hỷ, sanh tâm từ bi. Theo lịch sử Trung Quốc ghi chép, hóa thân của Di Lặc Bồ Tát tại Trung Quốc vô cùng rõ rệt, mọi người đều biết đến thì có hai lần: Lần đầu tiên là Phó Đại Sĩ đời Đường, hiện thân cư sĩ; lần thứ hai nhằm thời đại Tống Cao Tông nhà Nam Tống, hiện thân Bố Đại hòa thượng. Từ đấy trở đi, người Trung Quốc đắp tượng Di Lặc Bồ Tát đều tạc tượng Bố Đại hòa thượng, dùng Ngài để biểu thị từ tâm tam-muội. Bên cạnh Bố Đại hòa thượng thường vẽ mấy đứa bé vây quanh, nhất định là có năm hay sáu đứa trẻ. [Tượng tạc có] năm đứa trẻ khá nhiều! Năm đứa tượng trưng cho tài, sắc, danh, ăn uống, ngủ nghỉ, [tức là] tượng trưng Ngũ Dục. Sáu đứa tượng trưng cho Lục Trần, tức Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Tượng trưng Ngũ Dục, Lục Trần suốt ngày từ sáng đến tối vây bủa Ngài, Ngài chẳng động tâm, chẳng bị quấy nhiễu! Mang ý nghĩa này!
Chư vị phải hiểu, đối với chuyện tu hành, ngày nay chúng ta nói thật ra, nhìn vào Phật môn cảm khái ngàn muôn, tu gì vậy? Chẳng biết! Mỗi ngày niệm mấy quyển kinh, gọi đó là tu hành ư? Cổ nhân nói một ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, rách toạc cổ họng cũng uổng công. Có thể thấy niệm kinh, niệm Phật, lễ bái nếu chẳng đúng pháp, chỉ có hình thức, chẳng thể nói là tu hành! Nếu bảo đó là tu hành thì hiện thời khoa học kỹ thuật rất tiến bộ, chúng ta chế ra người máy sai nó mỗi ngày lạy tượng Phật, mỗi ngày lạy từ sáng đến tối, trong tương lai người máy ấy sẽ thành Phật! Chúng ta chế ra một người máy khiến cho nó niệm A Di Đà Phật. Nó mỗi ngày niệm suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ không ngừng, niệm còn siêng năng hơn chúng ta, nó có thể thành Phật hay không?
Hiện thời tôi ở ngoại quốc, tại đạo tràng Dallas, dùng máy thâu âm tự động xoay băng, hai mươi bốn tiếng đồng hồ niệm Phật không ngừng, vậy thì cái máy thâu âm ấy trong tương lai nhất định thành Phật, nhất định là Thượng Phẩm Thượng Sanh? Trật rồi! Thành Phật là tâm thành Phật, thân chẳng thể thành Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ cũng hỏa táng, có thể thấy thân chẳng thành Phật, mà là tâm thành Phật! Tu gì? Tu tâm! Lục Tổ Đàn Kinh ghi chép, Lục Tổ đại sư ở Hoàng Mai, suốt tám tháng mỗi ngày đều giã gạo, bửa củi nơi ấy, chẳng nghe kinh ngày nào, cũng chẳng bước vào cửa Thiền Đường, mà cũng chẳng biết niệm kinh, cũng chẳng biết lạy Phật, không ai dạy Ngài! Ngài cũng chẳng hiểu giới luật, cái gì cũng chẳng biết, lạ lùng thay! Ngũ Tổ truyền địa vị Tổ Sư cho Ngài, dựa vào đâu? Người ta thật sự biết tu! Do vậy, nay chúng ta đã làm trật rồi, ngay cả một câu Phật hiệu cũng chẳng biết niệm, ngay cả kinh cũng chẳng biết nghe!
Cổ nhân nói nghe kinh phải tiêu quy tự tánh, nghe phải có ngộ xứ. Nghe mà chẳng có ngộ xứ, chẳng liên quan đến sự tu hành của quý vị! Nghe xong tôi luôn ghi nhớ, được chưa? Không được! Không chỉ chẳng được, quý vị còn phạm lỗi lầm rất lớn. Vì sao? Tăng trưởng tà kiến. Đầu óc quý vị vốn chẳng có tà tri tà kiến nhiều ngần ấy, nay nghe xong nhận vào một đống lớn tri kiến, sẽ như Thanh Lương đại sư đã nói [“tăng trưởng tà kiến”]. Nghe kinh phải khai ngộ, chẳng phải là bảo quý vị nghe kinh phải ghi nhớ, quý vị nhớ để làm gì? Quý vị đọc kinh Kim Cang thấy đức Phật phủ nhận toàn bộ những gì Ngài đã nói: Nếu ai nói đức Phật giảng kinh, kẻ ấy báng Phật! Đức Phật chẳng nói kinh, quý vị nghe kinh từ chỗ nào? Nhớ nhiều ngần ấy từ chỗ nào?
Người biết nghe kinh, nghe kinh một tiếng rưỡi sẽ tu gì? Tu Giới,
Định, Huệ, giống như đọc kinh, buông hết thảy vọng niệm xuống, lặng lẽ nghe giảng ở nơi đây, chẳng dấy phân biệt, không khởi chấp trước, chẳng dấy vọng tưởng, ta tu Giới một tiếng rưỡi ở đây. Giới luật là “đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành”. Một vọng tưởng ta cũng chẳng dấy lên, ta đã “đừng làm các điều ác”, Giới ấy bèn trọn đủ. Kinh là lời lẽ chân thật lưu lộ từ tâm tánh của Phật, đó là chí thiện, thiện nhất trong các điều thiện. Chúng ta nghe kinh là “vâng làm các điều lành”, giới luật viên mãn. Ta dùng tâm thanh tịnh để nghe, chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, ta tu Định một tiếng rưỡi. Ta nghe rõ ràng, rành rẽ, nghe có ngộ xứ, đó là trí huệ. Nghe kinh như vậy gọi là “tiêu quy tự tánh”. Khi ấy, tự tánh Giới, tự tánh Định, tự tánh Huệ của quý vị thảy đều hiện tiền, đấy là tiêu quy tự tánh.
Tu hành phải chuyển thức thành trí, đấy là cương lãnh của việc nghe giáo và tu hành, hành là hành vi. Trong hành vi, quan trọng nhất là tri kiến. Nếu tri kiến sai lầm, dẫu chúng ta tu thân và khẩu tốt đẹp đến mấy, vẫn là phước báo nhân thiên hữu lậu. Thời cổ có tỳ-kheo-ni Liên Hoa Hương suốt đời niệm kinh Pháp Hoa, đáng tiếc là chẳng khai ngộ, chẳng may mắn như thiền sư Pháp Đạt. Pháp Đạt gặp gỡ Lục Tổ chỉ điểm, khiến Sư đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Nếu Pháp Đạt không gặp Lục Tổ, sợ rằng chẳng khác tỳ-kheo-ni Liên Hoa Hương. Đời thứ hai, tỳ-kheo-ni Liên Hoa Hương làm thân người, nhưng kém đời trước, đời thứ hai sanh làm kỹ nữ, trong miệng có mùi thơm hoa sen, vì đời trước đã niệm kinh Pháp Hoa cả đời, nên trong miệng thơm hương hoa sen, nhưng làm kỹ nữ, quý vị thấy bà ta tu hành đạt được gì? Kết quả là như vậy! Bà ta chỉ tu cái miệng, chẳng tu tâm! Trong miệng có kinh Diệu Pháp Liên Hoa, trong tâm không có! Niệm kinh Pháp Hoa cả đời được quả báo như vậy!
Quý vị xem những câu chuyện của cổ nhân, đọc Cao Tăng Truyện, ngữ lục các tông, chúng ta sẽ tìm ra, họ tu gì? Thứ nhất là tu nhẫn nhục. Kinh Kim Cang dạy: “Nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn” (hết thảy pháp do nhẫn mà thành tựu). Lục Ba La Mật trong kinh Kim Cang nhằm răn dạy kẻ sơ học trước hết phải tu hai điều: Một là bố thí, hai là nhẫn nhục. Bố thí là buông xuống, tuyệt đối chẳng phải là nói “ta có tiền liền ngay lập tức đem bố thí, làm chuyện tốt”, [nếu nói như vậy], quý vị đã hiểu lầm toàn bộ ý Phật mất rồi! Đó chẳng phải là ý nghĩa thật sự của bố thí. Ý nghĩa thật sự là phải buông kiến giải xuống, buông phiền não xuống. Hãy đem những thứ ấy bố thí, hãy bố thí tham, sân, si, hãy đem Thân Kiến, Biên Kiến, Kiến Thủ Kiến, Giới Thủ Kiến, Tà Kiến bố thí hết, mang ý nghĩa này. Chỉ đem tiền tài bố thí, quý vị sẽ được phước báo trong đời sau. Trong thế gian hiện thời, kẻ có tiền, có thế lực rất nhiều, do trong đời quá khứ đã tu nhân ấy mà ra. Quý vị thấy hiện thời những kẻ ấy có tiền, chẳng hề tu hành, chẳng làm chuyện tốt! Vì thế, nói bố thí là buông xuống hết thảy tri kiến của chúng ta, buông hết thảy phiền não xuống, [Phật dạy chúng ta bố thí] là dạy chúng ta bỏ những thứ ấy, đem bố thí hết! Vì thế, công phu áp dụng ở chỗ này!
Nếu quý vị hiểu rõ đạo lý này, Lục Tổ đại sư ở Hoàng Mai tám tháng đã tu Lục Độ, vạn hạnh, quý vị nghĩ xem có đúng hay không? Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, Thiền Định, Bát Nhã, thứ gì Ngài cũng đều trọn đủ. Sự tu hành ấy chỉ có hòa thượng Ngũ Tổ Nhẫn hiểu rõ, nhìn ra. Trong chùa ấy có hơn ba ngàn người, chỉ có một người đang thật sự tu hành, những người khác đều là giả tu hành, chỉ có một mình Lục Tổ tu hành. Người tu hành thật sự ấy bị những kẻ giả tu hành coi thường, nhưng người chân tu hành cung kính mọi kẻ giả tu hành. Quý vị đọc Đàn Kinh sẽ thấy ngay cả đối với một tiểu hành giả mười bốn, mười lăm tuổi còn chưa xuất gia, hãy còn để tóc, làm việc trong ngôi chùa ấy, Lục Tổ đều gọi kẻ ấy là “thượng nhân”. Từ Đàn Kinh chúng ta thấy, Tổ đều gọi họ là Thượng Nhân, tôn kính như vậy đó. Có thể thấy Ngài không chỉ tu Lục Độ, vạn hạnh, mà còn thật sự tu mười nguyện Phổ Hiền. Chúng ta xem kinh, nghe giảng phải chú trọng những chỗ này, phải hiểu rõ, mới hiểu tu học như thế nào trong cuộc sống hằng ngày.
Cương lãnh tu hành là tu “giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ chẳng nhiễm”, người tu Tịnh Độ chúng ta đặc biệt chú trọng điều thứ ba là tâm thanh tịnh. Trong tâm thanh tịnh trọn đủ Giới, Định, Huệ, trong tâm thanh tịnh trọn đủ vô lượng trí huệ, đức hạnh. Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối thấy lỗi lầm của người khác, chẳng thấy bản thân có lỗi lầm! Trên thực tế, người khác quyết định chẳng có lỗi lầm, vì sao là quyết định không có lỗi lầm? “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, lỗi lầm của người ta từ đâu mà có? Không có! Lỗi lầm từ đâu ra? Trong chính cái tâm của chúng ta có lỗi lầm, tâm kính (tấm gương lòng) của chúng ta dơ bẩn nên soi đến những nơi khác sẽ thấy chúng đều dơ bẩn. Quý vị thấy cái này dơ bẩn, cái kia cũng bẩn thỉu, chẳng biết cái tâm soi chiếu của chính mình là nhớp nhúa, chứ bên ngoài trọn chẳng dơ bẩn. Lục Tổ đã giảng tình hình này rất rõ ràng: “Nếu người thật tu đạo, chẳng thấy lỗi người khác. Nếu thấy người khác trật, chính mình càng sai hơn”. Nói rất rõ ràng, người khác há có lầm lỗi? Chúng ta phải vận dụng giáo huấn quý báu này vào cuộc sống, vận dụng vào xử sự, đãi người, tiếp vật.
Ngày nay chúng ta thấy các đạo tràng trong thiên hạ đều rối beng, chẳng thấy có một đạo tràng thanh tịnh nào, nguyên nhân vì đâu? Tâm kính của mỗi cá nhân đều một mực hồ đồ, nên khi soi chiếu bên ngoài, luôn thấy bên ngoài dơ bẩn, chẳng biết lỗi lầm nơi chính mình. Tu hành, quý vị thật sự hiểu rõ đạo lý này, sẽ biết tu hành phải thực hiện từ chỗ nào? Nên tu theo cách nào? Ngày nay chúng ta niệm tới [danh hiệu] Từ Thị Bồ Tát, phải tu Từ Tâm tam-muội. Chúng ta đãi người tiếp vật có tâm từ bi hay không? Chúng ta có từ bi đối với chính mình hay không? Nếu chẳng thể sửa đổi những khuyết điểm của chính mình, tức là chẳng có chút từ bi nào đối với chính mình, vẫn khiến cho chính mình đời sau phải luân hồi trong lục đạo, vậy thì coi là từ bi sao được? Mức độ thấp nhất là phải sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, lúc ấy mới là từ bi đối với chính mình.
Vì thế, tôi nói Phật hiệu cũng chẳng biết niệm, cớ sao nói chẳng biết niệm? Người biết niệm mỗi câu Phật hiệu đều chế ngự phiền não. Quý vị niệm Phật chẳng thể chế ngự phiền não, niệm Phật hiệu vô dụng! Ý niệm vừa dấy lên bèn lập tức đổi thành A Di Đà Phật, đó là biết niệm. Chẳng biết niệm là miệng niệm A Di Đà Phật, trong tâm vẫn dấy vọng tưởng, đó là chẳng biết niệm. Vì thế, công phu đắc lực nhìn từ chỗ này, mỗi một câu Phật hiệu đều có thể chuyển biến ý niệm. Do vậy biết: Niệm Phật chẳng phải quý ở chỗ niệm cho nhiều, cũng chẳng quan trọng phải dùng phương thức gì để niệm. Nói ngắn gọn là một nguyên tắc: Niệm đến mức thân tâm thanh tịnh, niệm tới mức chính mình chẳng sanh phiền não, công phu đắc lực. Niệm Phật phải niệm theo cách ấy!
Có người hỏi tôi, niệm Phật rốt cuộc là niệm Ơ (ㄛ) Di Đà Phật, hay A (ㄚ) Di Đà Phật? Điều này chẳng quan trọng! Từ băng thâu âm, chúng tôi nghe lão pháp sư Đàm Hư, Ngài là người Đông Bắc, niệm Ơ (ㄛ) Nỉ (ㄋㄧˊ) Đà Phật, âm điệu rất lạ lùng. Đó là thổ âm phương Bắc, Ngài vẫn có thể thành tựu, Ngài vãng sanh cũng là ngồi vãng sanh. Do vậy, ta biết, âm thanh niệm Phật chuẩn xác đương nhiên là tốt, niệm sai âm cũng chẳng sao cả, vấn đề là gì? Chỉ cần quý vị có thể chế phục phiền não, chỉ cần trong tâm quý vị có A Di Đà Phật. Âm niệm chính xác là A (ㄚ), đó là âm tiếng Phạn. Trong bốn mươi hai chữ Hoa Nghiêm Tự Mẫu, chữ cái thứ nhất đọc là A (ㄚ). Chúng ta do thói quen niệm Ơ
(ㄛ) Di Đà Phật[2], chẳng sao cả, chuyện ấy không quan trọng!
Trong Phật môn cũng có câu chuyện về niệm chú Lục Tự Đại Minh, người ấy niệm sai, [đọc thành] “Án, ma-ni bát-mê ngưu”, khi người ấy niệm, các hạt đậu đều có cảm ứng, các hạt đậu tự nhảy lên[3]. Người ta nói: “Ngươi niệm sai rồi! Chú ấy phải đọc là Án, ma-ni bát-mê hồng”. Người ấy vừa thay đổi, các hạt đậu chẳng nhảy lên nữa. Người ấy chẳng quan tâm nữa, ta vẫn niệm “Án, ma ni bát mê ngưu” bèn có cảm ứng. Vì thế ta biết: Tâm thành ắt linh, âm đọc sai chẳng có quan hệ to tát gì! Thứ sáu:
(Sao) Hựu Bi Hoa Kinh vân: “Phát nguyện ư đao binh kiếp trung, ủng hộ chúng sanh”.
(鈔) 又悲華經云:發願於刀兵劫中擁護眾生。
(Sao: Lại nữa, kinh Bi Hoa nói: “Phát nguyện ủng hộ chúng sanh trong lúc đao binh kiếp”).
Đây cũng là nói tới lòng Từ lợi tha. Không chỉ là lòng Từ lợi tha, mà còn là lòng từ bi đến tận tương lai. Ngài phát nguyện trong “kiếp đao binh”. “Kiếp đao binh” là nói tiểu tam tai và đại tam tai, đại tam tai là hỏa tai, thủy tai, và phong tai, những tai nạn ấy to lớn. Tiểu tam tai là chiến tranh, cơ cẩn (飢饉: đói kém), và ôn dịch. Trong quá khứ, chúng tôi đọc kinh thường thấy nói đến tiểu tam tai, rất nghi hoặc, từ xưa đến nay, có ngày nào chẳng phải là chiến tranh? Trong quá khứ, người Hoa và Nhật Bản đánh nhau tám năm, có được coi là kiếp đao binh [trong tiểu tam tai] hay không? Vẫn chưa tính, cố nhiên là kiếp đao binh, nhưng chẳng phải tiểu tam tai. Theo kinh nói, đao binh trong tiểu tam tai, tức chiến tranh, chỉ có bảy ngày bảy đêm; ôn dịch là bảy tháng bảy ngày bảy đêm, “cơ cẩn” là đói kém, bảy năm bảy tháng bảy ngày.
Tôi đến thăm Quảng Đảo (Hiroshima) và Trường Kỳ (Nagasaki) mới hoát nhiên đại ngộ, tiểu tam tai như trong kinh Phật nói vốn là chiến tranh hạch tử (chiến tranh nguyên tử). Chiến tranh kéo dài bảy ngày, sau đấy nạn ôn dịch do bụi phóng xạ gây ra phải bảy tháng mới có thể tiêu mất. Nơi bị ném bom, cây cỏ chẳng mọc được. Bảy, tám năm sau trên mặt đất mới mọc cây cỏ, cây cỏ chẳng mọc chính là nạn đói kém. Vì vậy, tiểu tam tai được giảng trong kinh Phật là tiên đoán chiến tranh hạch tử (chiến tranh hạt nhân, chiến tranh nguyên tử). Thời gian đao binh kiếp ngắn ngủi, nhưng thời gian đói kém lâu dài. Từ ba ngàn năm trước, đức Phật đã thấy chiến tranh hạch tử trong thời hiện đại, đã nói về kiếp nạn ấy. Di Lặc Bồ Tát xuất hiện trong kiếp nạn này để cứu vớt, che chở hết thảy chúng sanh.
(Sao) Thị tắc từ long tức thế, bi trăn hậu kiếp, chí cực chi từ, siêu xuất phàm, tiểu, cố Vô Năng Thắng.
(鈔)是則慈隆即世,悲臻後劫,至極之慈,超出凡小,故無能勝。
(Sao: Do vậy, lòng Từ chan chứa đời này, lòng Bi thấm tới kiếp sau, lòng Từ đạt tới tột bậc, vượt trỗi phàm phu và Tiểu Thừa, nên gọi là Vô Năng Thắng).
Đây là tán thán Di Lặc Bồ Tát đại từ, đại bi, phàm phu, ngoại đạo, Tiểu Thừa đều chẳng thể sánh bằng Ngài. Vì vậy, Di Lặc có nghĩa là lòng Từ không ai vượt trội hơn được (Từ Vô Năng Thắng), không có ai hơn được Ngài.
(Sớ) Hựu Di Lặc ký văn thử kinh, Long Hoa tất thuyết thử kinh, đương tri thử kinh lưu thông vô tận.
(疏)又彌勒既聞此經,龍華必說此經,當知此經流通
無盡。
(Sớ: Lại nữa, ngài Di Lặc đã nghe kinh này, ắt trong hội Long Hoa sẽ nói kinh này, nên biết kinh này lưu thông vô tận).
Đoạn này nói vô cùng hay, đây là phục bút[4], vì đến phần sau trong bản kinh này, sáu phương Phật tán thán. Sáu phương Phật đều tán thán kinh này, có thể thấy sáu phương Phật nhất định hoằng dương bộ kinh này, quả thật là tận hư không, khắp pháp giới, không lúc nào, không chỗ nào chẳng lưu thông bộ kinh này! Do vậy, ta biết: Kinh này là “pháp môn bậc nhất để độ chúng sanh” của mười phương ba đời hết thảy chư Phật. Ý nghĩa được bao hàm ở đây là dạy chúng ta hãy tỉnh ngộ, nhận thức pháp môn này.
(Sao) Vấn: Hà tri tất nhĩ?
(鈔) 問:何知必爾。
(Sao: Hỏi: Vì sao biết ắt sẽ phải là như vậy?)
Trong phần trên đã nói trong tương lai, trong hội Long Hoa, ngài Di Lặc nhất định thuyết kinh này, vì sao quý vị biết nhất định sẽ là như thế?
(Sao) Đáp: Pháp Hoa xưng cổ Phật phóng quang, vị thuyết thử kinh.
(鈔) 答:法華稱古佛放光,為說此經。
(Sao: Đáp: Kinh Pháp Hoa nói cổ Phật phóng quang để nói kinh này).
Đây là dùng kinh Pháp Hoa để chứng minh. Trong kinh Pháp Hoa, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói: “Phật phóng mi gian bạch hào tướng quang, chiếu Đông phương vạn bát thiên thế giới” (Đức Phật phóng quang minh từ tướng bạch hào, chiếu tới một vạn tám ngàn thế giới ở phương Đông), trong quang minh hiển hiện các cõi Phật, cùng với cảnh giới y báo và chánh báo trang nghiêm trong cõi Phật ấy. Di Lặc Bồ Tát cũng tham gia hội Pháp Hoa. Sau khi thấy như vậy, Di Lặc Bồ Tát bèn hoài nghi, hỏi Văn Thù Bồ Tát. Văn Thù Bồ Tát bảo: Trong quá khứ, Nhật Nguyệt Đăng Minh Phật cũng từng phóng quang như vậy. Sau khi phóng quang bèn giảng Diệu Pháp Liên Hoa. Nay Thích Ca Mâu Ni Phật cũng phóng quang, nhất định sẽ giảng kinh giống như vậy. Dùng thí dụ này để nhìn, sẽ biết trong tương lai, Di Lặc Bồ Tát nhất định giảng kinh này trong hội Long Hoa.
(Sao) Kim Phật phóng quang, tri tất thuyết thử, tắc Phật Phật thuyết Pháp Hoa dã. Nhi thử kinh giả, độ sanh tối cấp, chư Phật cộng tán.
(鈔)今佛放光,知必說此,則佛佛說法華也。而此經者,度生最急,諸佛共讚。
(Sao: Nay đức Phật phóng quang, ta biết là đức Phật ắt nói kinh ấy, tức là đức Phật nào cũng đều nói kinh Pháp Hoa. Nay kinh này độ chúng sanh cấp thiết nhất, được chư Phật cùng khen ngợi).
Đây là sáu phương Phật tán thán trong phần sau.
(Sao) Ký vị chư Phật cộng tán, tất vị chư Phật sở thuyết, Long Hoa chi hội, tất thuyết thử kinh, hà nghi chi hữu.
(鈔)既為諸佛共讚,必為諸佛所說,龍華之會,必說此經,何疑之有。
(Sao: Đã được chư Phật cùng khen ngợi, ắt sẽ được chư Phật nói. Hội Long Hoa ắt nói kinh này, há còn ngờ chi?)
Trong hội Long Hoa, Di Lặc Bồ Tát nhất định nói Tịnh Độ tam kinh, nhất định cũng khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Bởi lẽ, hiện thời có rất nhiều người, thậm chí còn một số pháp sư, chẳng tu Tây Phương Tịnh Độ mà muốn tu Di Lặc Tịnh Độ. Di Lặc Tịnh Độ khó tu lắm! Tu thành công, trong tương lai vãng sanh Đâu Suất Nội Viện, thân cận Di Lặc Bồ Tát, lại đợi đến năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm sau, sẽ theo Di Lặc cùng xuống thế gian này. Di Lặc Bồ Tát thị hiện thành Phật, họ sẽ thị hiện làm A La Hán, cho đến lúc ấy, Di Lặc Bồ Tát giảng Tịnh Độ tam kinh vẫn khuyên họ vãng sanh. Nếu chúng ta tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, thấy họ đến: “Lão huynh, sao đến bây giờ anh mới tới?” Vì thế, phải biết pháp môn này thù thắng. Tôi lại bảo quý vị, nếu quý vị đã vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, muốn đến thăm đạo tràng của Di Lặc Bồ Tát, mỗi ngày đều có thể đi. Đồ đệ của Di Lặc Bồ Tát nếu muốn tới Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng thể dễ dàng như thế! Vì thế nói Tây Phương Tịnh Độ thù thắng, mười phương chư Phật tán thán. Di Lặc Tịnh Độ chẳng được mười phương chư Phật tán thán. Chúng ta phải nhận thức rõ ràng điều này, nỗ lực tu Tây Phương Tịnh Độ. Vị thứ ba là Càn Đà Ha Đề Bồ Tát :
(Sớ) Càn Đà Ha Đề, thử vân Bất Hưu Tức.
(疏) 乾陀訶提,此云不休息。
(Sớ: Càn Đà Ha Đề (Gandhahastin), cõi này dịch là Bất Hưu Tức).
Đây là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán, có nghĩa là chẳng nghỉ ngơi.
(Sao) Bất Hưu Tức giả, hành chư phạm hạnh, lịch hằng sa kiếp, nhiên hậu thọ ký, kinh thử đa kiếp, tằng bất hưu tức cố.
(鈔)不休息者,行諸梵行,歷恆沙劫,然後授記,經此多劫,曾不休息故。
(Sao: Bất Hưu Tức là hành các phạm hạnh trải hằng sa kiếp, rồi mới được thọ ký, trải qua nhiều kiếp như vậy, chưa từng nghỉ ngơi).
Bồ Tát tu hành bao kiếp dài lâu chưa hề gián đoạn, chưa từng nghỉ ngơi. Vị tiếp theo là Thường Tinh Tấn Bồ Tát (Nitiyodyukta) :
(Sao) Thường Tinh Tấn giả nhị nghĩa, nhất giả Thiên Thai vân: “Kiến Pháp Tánh thường trụ, hành vô tác Chánh Cần cố”. Nhị giả, Bảo Tích Kinh vân: “Thử Bồ Tát vị nhất chúng sanh, kinh vô lượng kiếp, tùy trục bất xả, do bất thọ hóa, tằng vô nhất niệm khí xả chi tâm, nãi tinh tấn chi chí cực dã”.
(鈔)常精進者二義,一者天台云:見法性常住,行無作正勤故。二者寶積經云:此菩薩為一眾生,經無量劫,隨逐不捨,猶不受化,曾無一念棄捨之心,乃精進之至極也。
(Sao: Thường Tinh Tấn có hai nghĩa, một là như ngài Thiên Thai nói: “Thấy Pháp Tánh thường trụ, hành Chánh Cần vô tác”. Hai là như kinh Bảo Tích dạy: “Vị Bồ Tát này vì một chúng sanh mà trải qua vô lượng kiếp theo sát kẻ ấy chưa hề buông bỏ, dẫu kẻ ấy chẳng tiếp nhận sự giáo hóa, Bồ Tát vẫn không có một niệm tâm buông bỏ, đấy là tinh tấn tới tột bậc vậy”).
“Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân” (trong cửa nhà Phật, chẳng bỏ một ai), một người cũng chẳng buông bỏ! Thường Tinh Tấn Bồ Tát làm được [điều ấy]. Đối với Thường Tinh Tấn và Bất Hưu Tức, trong quá khứ, khi chúng tôi giảng kinh này đã nói, bốn vị Bồ Tát này biểu thị pháp, Văn Thù biểu thị trí huệ, Di Lặc biểu thị đại từ, tu học pháp môn Tịnh Độ phải có đại trí huệ, đại từ bi, phải chẳng ngưng nghỉ, phải thường tinh tấn, quý vị mới có thể vãng sanh. Các danh hiệu Bồ Tát được nêu lên ở đây nhằm dạy chúng ta yếu lãnh (cương lãnh trọng yếu) trong tu hành.
(Sao) Nhị nghĩa giả, nhất thị tự lợi, vị sanh thiện tăng trưởng, dĩ sanh thiện bảo trì, vị sanh ác dự phòng, dĩ sanh ác tốc diệt, danh Tứ Chánh Cần.
(鈔)二義者,一是自利,未生善增長,已生善保持,未生惡預防,已生惡速滅,名四正勤。
(Sao: “Hai nghĩa”: Một là tự lợi, điều thiện chưa sanh phải tăng trưởng, điều thiện đã sanh phải gìn giữ, điều ác chưa sanh phải ngăn ngừa, điều ác đã sanh phải nhanh chóng diệt, đó gọi là Tứ Chánh Cần).
Hãy nên tu học điều này. Trong bản dịch của Huyền Trang đại sư, ba mươi bảy Đạo Phẩm hoàn toàn được nêu ra. Trong bản dịch của La Thập đại sư, ba khoa trước (Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc) của ba mươi bảy Đạo Phẩm bị tỉnh lược, chỉ nói Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, và Bát Thánh Đạo Phần, bốn khoa ấy. Niệm Xứ và Chánh Cần rất trọng yếu, chúng ta tu hành phải thực hiện từ nơi đây. Tứ Niệm Xứ là trí huệ, do Văn Thù Bồ Tát đại diện, dạy chúng ta thấy thấu suốt. Tứ Chánh Cần là từ bi, do Di Lặc Bồ Tát đại diện. Từ bi đối với chính mình, đó là nói tu lòng Từ tự lợi, tự lợi rồi mới có thể lợi tha, phải từ bi đối với chính mình! Từ bi là chính mình nhất định phải sửa lỗi tu thiện, phải nghiêm túc tu Tứ Chánh Cần. Thiện đã có thì phải giữ gìn nó, thiện chưa sanh phải khiến cho nó sanh trưởng. Điều ác chưa có phải ngăn ngừa, chẳng cho ác niệm dấy lên. Đã tạo ác nghiệp phải sám hối, sau đấy chẳng tạo nữa!
(Sao) Nhi ngôn kiến tánh vô tác, tắc liễu tri Pháp Tánh bổn phi thiện, phi ác. Tuy vân tu thiện, bất tu nhi tu; tuy vân khử ác, bất khử nhi khử. Sở vị “nhất niệm bất sanh”, thị chân tinh tấn cố.
(鈔)而言見性無作,則了知法性本非善非惡。雖云修善,不修而修;雖云去惡,不去而去。所謂一念不生,是真精進故。
(Sao: Nhưng nói kiến tánh vô tác, tức là hiểu rõ Pháp Tánh vốn chẳng thiện, chẳng ác. Tuy nói tu thiện, nhưng chẳng tu mà tu; tuy nói trừ ác, nhưng không trừ mà trừ. Đó gọi là “nhất niệm chẳng sanh”, là tinh tấn thật sự).
Những ý nghĩa được giảng trong phần trên dễ hiểu, hiện thời, chúng ta có thể làm được, nhưng đối với ý nghĩa ở đây, chúng ta rất khó làm được. Nếu làm được ý nghĩa ở chỗ này, quý vị sẽ giống như Lục Tổ: “Chẳng tu mà tu, tu mà chẳng tu”. Phàm phu chúng ta chẳng thấy Ngài đang tu hành, chỉ có người thật sự từng trải mới hiểu. Phật và các đại Bồ Tát biết, phàm phu và Nhị Thừa chẳng biết, vì sao? Các Ngài xứng tánh, xứng tánh là thật tu. Xứng tánh là thật sự tinh tấn. Các Ngài biết hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng có một pháp nào là ngoại lệ, như huyễn, như hóa, như mộng, như ảnh, đó là sự thật! Ngay cả đối với chuyện đức Phật thuyết pháp độ sanh, kinh cũng nói rất hay: “Như không cốc hưởng” (như tiếng vọng từ hang trống). Kinh Hoa Nghiêm nói: “Như mộng, huyễn, bọt, bóng”, Phật môn thường nói: “Đại tác mộng trung Phật sự, kiến lập thủy nguyệt đạo tràng” (Làm chuyện Phật sự to lớn trong mộng, tạo lập đạo tràng bóng trăng in nước), đạo tràng giống như bóng trăng in xuống nước, là hình bóng, chẳng chân thật! Quý vị liễu giải chân tướng của y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, sẽ tâm bình, khí hòa, biết hết thảy các pháp đều chẳng thể được, hết thảy các pháp đều thanh tịnh, tự tại, vì sao? Chúng là hình bóng!
Đối với người trước kia, quả thật hình bóng rất khó lãnh hội, nhưng đối với người hiện thời, điều này rất dễ hiểu. Chúng ta mỗi ngày coi TV, [những hình ảnh hiện ra trên] màn hình TV là hình bóng. Quý vị thấy một đống to kim cương, châu báu, quý vị cũng chẳng đạt được, biết nó là Không. Thấy một đống phân lớn trên màn hình, quý vị cũng chẳng ngửi thấy mùi thối, hình bóng mà! Chúng chẳng có tốt, xấu, chẳng có thiện, ác, vì sao? Đều là Không. Thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật này, [sự thật ấy] được gọi là Chư Pháp Thật Tướng, quý vị đều hiểu rõ. Bất luận trong cảnh giới nào, tâm quý vị thanh tịnh, bình đẳng. Do vậy, ta biết: Hết thảy lỗi lầm đều do chúng ta ngỡ hình bóng là thật, thấy kim cương, châu báu trên màn hình, bèn hận chẳng thể đoạt lấy ngay lập tức; đó là thứ của ta! Trông thấy thứ không thích bèn sốt ruột toan đập vô mặt nó, kết quả là màn hình TV bị đập nát bét, tay bị thương máu chảy ròng ròng, mà vẫn không biết vì sao! Hiện thời hết thảy lũ chúng sanh chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối làm chuyện ngốc nghếch này, chẳng biết tất cả các cảnh giới đều Không. Đó là điện ảnh, điện ảnh lập thể (3D), trọn chẳng thể được, chẳng có một pháp nào để có thể đạt được! Chúng ta thấy màn chiếu của phim ảnh là mặt phẳng, cớ sao nay nhìn vào chúng lại thấy là [hình ảnh] lập thể, trọn chẳng thể được! Nếu quý vị tu từ chỗ này sẽ kiến tánh. Khi kiến tánh, tu mà chẳng tu, chẳng tu mà tu!
Người niệm Phật chúng ta giống hệt như Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói trong kinh Lăng Nghiêm: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm liên tục”. Nhiếp trọn sáu căn là vô tu, vô niệm, tịnh niệm liên tục là hữu niệm, niệm A Di Đà Phật chẳng ngừng là “niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”. Hai dòng trước trong đoạn này nói về Sự, hai dòng sau giảng về Lý, giảng chân tướng sự thật, chẳng có thiện hay ác, chẳng có tu, chẳng có chứng. Chính vì chân tướng sự thật là như vậy, nên quý vị mới có thể một bước lên trời, đạo lý của pháp môn Tịnh Độ niệm Phật được kiến lập trên cơ sở này. Dùng một câu Phật hiệu để thay thế hết thảy các niệm, bất luận niệm ấy là thiện hay ác, thiện và ác đều là Không, chỉ có một câu A Di Đà Phật, hết thảy những điều khác đều xa lìa, đó là một bước lên trời, ngay lập tức khôi phục bổn tánh. Do vậy, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới mới viên chứng ba món Bất Thoái, mới lên trọn bốn cõi, đạo lý là như thế đó!
Ở đây, đại sư kết luận, kết luận ấy cổ nhân cũng đã nói, “sở vị nhất niệm bất sanh, thị chân tinh tấn” (đó gọi là “một niệm chẳng sanh”, là tinh tấn thật sự). Cổ nhân có một bài kệ như sau: “Nhược khởi tinh tấn tâm, thị vọng, phi tinh tấn; nhược năng tâm bất vọng, tinh tấn vô hữu nhai” (nếu khởi tâm tinh tấn, là vọng, chẳng tinh tấn. Nếu tâm thật chẳng vọng, tinh tấn không bến bờ). Đó là đúng, quý vị khởi tâm tinh tấn, thì cái tâm tinh tấn ấy là vọng tưởng, trong tâm thanh tịnh đã có một vọng tưởng tồn tại, làm sao có thể gọi là tinh tấn cho được? Chẳng thể gọi là tinh tấn. Lục Tổ nói “vốn chẳng có một vật”, quý vị đã có một vật, nếu quý vị tinh tấn thì vật ấy là vô minh, là điên đảo, không thể gọi là chân tinh tấn được!
Do vậy, đối với hết thảy các kinh, hết thảy các lời do đức Phật đã nói về sau này được ghi chép thành văn tự nhiều ngần ấy, quyết định chớ nên chấp tướng, hễ chấp tướng là trật. Điều này là chuyện bất đắc dĩ, chẳng có cách nào, là một thứ phương tiện, giống như cột mốc chỉ đường, quý vị coi cột mốc chỉ đường là mục tiêu thì sai mất rồi! Nhìn cột mốc chỉ đường rồi đi tiếp, chẳng cần phải quan tâm đến nó. Chúng ta nghe kinh điển và ngôn ngữ của Phật, nghe rồi đừng nên suy tưởng, chẳng cần quan tâm đến, quý vị đi tiếp là đúng. Nếu quý vị dừng lại, suy nghĩ một chút, ghim nó trong đầu óc, đầu óc quý vị sẽ trở thành đống rác, chồng chất cả một đống lớn rác của Phật, đấy là một lỗi lầm rất ư là lớn! Tu học Phật pháp khó khăn, nói thật ra, khó là khó ở chỗ này, rất nhiều người đã hiểu lầm Phật pháp. Chúng ta lại xem ý nghĩa thứ hai.
(Sao) Nhị thị lợi tha, vị đa chúng sanh, do vị vi nan.
(鈔) 二是利他,為多眾生,猶未為難。
(Sao: Hai là lợi tha, độ nhiều chúng sanh, vẫn chưa phải là khó khăn).
Đây là nói hóa độ rất nhiều chúng sanh, vẫn chưa phải là khó khăn. Độ một chúng sanh, chúng sanh ấy chẳng nghe lời, tuy chẳng nghe vẫn chẳng bỏ cuộc. Điều này rất khó, quả thật chẳng dễ dàng!
(Sao) Kim viết vị nhất chúng sanh, thiểu thời vị nhất chúng sanh, do vị vi nan.
(鈔) 今曰為一眾生,少時為一眾生,猶未為難。
(Sao: Nay nói độ một chúng sanh, dành một thời gian ngắn cho một chúng sanh thì vẫn chưa phải là khó khăn).
“Thiểu thời” là thời gian ngắn, dành một thời gian ngắn vì một chúng sanh thì vẫn chưa phải là khó.
(Sao) Kim viết vô lượng kiếp, đa kiếp nhi dị khả hóa độ, diệc vị vi nan. Kim viết do bất thọ hóa nhi bất khí xả, bất khí xả do vị vi nan. Kim viết vô nhất niệm khí xả, như thị tinh tấn, cánh vô thoái đọa, cố danh viết Thường.
(鈔)今曰無量劫,多劫而易可化度,亦未為難。今曰猶不受化而不棄捨,不棄捨猶未為難。今曰無一念棄捨,如是精進,更無退墮,故名曰常。
(Sao: Nay nói trong vô lượng kiếp hoặc nhiều kiếp mà dễ hóa độ thì vẫn chưa phải là khó. Nay nói do kẻ ấy chẳng tiếp nhận sự giáo hóa mà chẳng buông bỏ, chẳng buông bỏ thì vẫn chưa phải là khó. Nay nói là chẳng có một niệm nào buông bỏ, tinh tấn như thế, càng chẳng lui sụt, nên gọi là Thường).
Quý vị thấy từng tầng tỷ dụ cho thấy Bồ Tát quả thật là từ bi đến cùng cực, tinh tấn đến tột cùng. Đặt điều này ở đầu kinh, nói cách khác, vừa mở đầu đã dạy chúng ta điều kiện cơ bản để học kinh Di Đà, chúng ta có trọn đủ [những điều kiện ấy] hay không? Những điều kiện ấy chẳng trọn đủ, chẳng có tí kiên trì nào, sẽ chẳng thể vãng sanh!
Căn bệnh lớn nhất của thế hệ hiện thời là thiếu lòng kiên trì, chẳng biết tu hành là gì? Quý vị hãy đọc Thiền Lâm Bảo Huấn. Thuở ấy, tôi đến Đài Trung cầu học với thầy Lý, thầy Lý chỉ định tôi đọc bộ sách thứ nhất là Thiền Lâm Bảo Huấn[5]. Lúc ấy rất khổ, Thiền Lâm Bảo Huấn không có bản lưu hành riêng, tôi phải sao từ Đại Tạng Kinh. Dường như tôi sao không nhiều lắm, vì chỉ có văn bản, chứ không có chú giải. Thuở ấy, tôi dùng bản Tần Già Tạng. Bản hiện thời rất tốt, lại còn có chú giải, tức Thiền Lâm Bảo Huấn Bút Thuyết, chú giải soạn rất tỉ mỉ.
Thiền Lâm Bảo Huấn có tất cả hơn ba trăm điều, hơi giống như Thái Căn Đàm[6], rất có ý vị, đọc rất cảm động, toàn là dạy người khác phải biết phát tâm ra sao, thân cận thầy bạn như thế nào. Tôi có ấn tượng sâu đậm nhất [khi đọc chuyện] một người tham học, người này phẩm hạnh lẫn học vấn đều tốt đẹp, nhưng lão hòa thượng và ông ta đúng là giống như oan gia đối đầu, nhìn kiểu nào cũng chẳng thuận mắt, vô duyên vô cớ chửi đánh ông ta. Nhưng ông ta rất hay, khinh nhục thế nào vẫn chẳng bỏ đi, vẫn ngồi trong hội nghe kinh. Có một hôm, lão hòa thượng đem nước rửa chân trút lên người ông ta từ đầu đến chân, ông ta vẫn nín chịu, vẫn không bỏ đi. Cuối cùng, lão hòa thượng thấy vậy rất cáu, trực tiếp hạ lệnh đuổi ông ta đi, để ông ta không còn có cách nào nữa. Ông ta có đi hay không? Vẫn không đi. Ông ta tìm chỗ ở bên ngoài chùa, tới nghe giảng kinh từ ngoài tường qua cửa sổ, vẫn chẳng bỏ đi. Lão hòa thượng cũng biết như vậy. Ba năm trôi qua như vậy, lão hòa thượng muốn truyền pháp, giống như Ngũ Tổ truyền pháp, muốn tìm một người kế thừa để truyền pháp. Những đại đệ tử đều tưởng là chính mình [sẽ được chọn], kết quả là lão hòa thượng tuyên bố, tìm người ấy từ bên ngoài về, truyền pháp cho người ấy, ngoài dự liệu của mọi người! [Đại chúng] mới hiểu lão hòa thượng vùi dập đủ mọi cách nhằm bồi dưỡng đức hạnh cho người ấy. Ông ta được lão hòa thượng nhìn trúng, nên mới cố ý đày đọa như thế, cuối cùng truyền pháp cho ông ta. Vì thế, nhất cử nhất động của ông ta lão hòa thượng đều biết rõ. Do vậy, chúng tôi rất cảm động.
Vì vậy, học đạo, thường thân cận một vị thầy tốt, bốn năm năm thầy chẳng nói một câu nào, mà sai quý vị làm những việc khổ sở, nặng nề. Có kẻ chẳng nín nhịn được: “Ta đến đây để cầu pháp, nhưng thứ gì cũng chẳng cầu được”, lắc đầu bỏ đi. Muốn đi thì để cho người ấy đi, đó là gì? Người chẳng thể đào tạo được, thiếu lòng kiên trì, là kẻ chẳng thể thành tựu. Do vậy, cũng biết: Tu hành thì điều đầu tiên là tu gì? Tu Nhẫn Nhục Ba La Mật. Nhẫn Nhục Ba La Mật tu thành, những gì quý vị đạt được chẳng bị mất đi; bởi lẽ, “hết thảy các pháp do Nhẫn mà thành”. Nếu quý vị không có trình độ công phu này, lão hòa thượng dạy quý vị này nọ, đến cuối cùng sẽ ra sao? Quý vị ham cao chuộng xa, kiêu căng, ngạo mạn, ngỡ chính mình chẳng ai sánh bằng, rốt cuộc, thân bại danh liệt, kết quả tất nhiên là như vậy. Vì thế, người nào là pháp khí? Xem người ấy có kiên trì, có nhẫn nại hay không! Người ấy có bao nhiêu thành tựu, chắc chắn sẽ tỷ lệ thuận với lòng nhẫn nại của người ấy. Công phu nhẫn nại càng sâu, thành tựu càng lớn, nhẫn nại càng cạn, căn khí nhỏ nhoi, thành tựu càng nhỏ bé! Đó là đạo lý nhất định.
Công phu nhẫn nại tới mức thuần thục, là tam-muội, đã đắc Định. Vì thế, Lục Độ phải theo thứ tự thuận, chẳng thể điên đảo. Do vậy, vì sao hiện nay chẳng có trì giới? Vì không có bố thí. Bố thí là tầng thứ nhất, trì giới là tầng thứ hai. Không có bố thí là trong tâm quý vị vướng mắc, quá nhiều thứ tạp nhạp, chẳng thể buông thứ nào xuống, làm sao quý vị giữ giới cho được? Bố thí là dạy chúng ta hãy buông xuống, hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng phiền não thảy đều buông xuống, quý vị mới có thể tinh tấn. Có giới mới có thể nhẫn. Giới là cơ sở của nhẫn. Nhẫn là cơ sở của tinh tấn, tinh tấn là cơ sở của Thiền Định. Thiền Định là cơ sở của trí huệ, căn lầu ấy có thể xây càng cao. Thiếu tầng thấp nhất, chắc chắn chẳng thể xây tầng trên được!
Có ai chẳng biết nói danh từ Lục Độ? Ai nấy đều nhớ thật kỹ, nhưng nhớ kỹ có ích gì? Vô dụng! Không thể thật sự buông xuống được! Không chỉ hết thảy các pháp tạp nhạp của thế gian phải buông xuống, mà Phật pháp cũng phải buông xuống. Nếu thứ gì trong Phật pháp quý vị cũng nhớ kỹ, hỏng bét, huệ môn sẽ bế tắc, quý vị chẳng thể khai ngộ! Đấy là “tăng trưởng tà kiến” như Thanh Lương đại sư đã nói! Quý vị nghe càng nhiều, đọc càng lắm, tà kiến càng lắm, thành kiến càng nhiều, thấy cái này không đúng pháp, cái kia cũng chẳng đúng pháp, kinh này nói như thế này, kinh kia nói như thế nọ, cho là Phật đều có nói, đó là báng Phật. Quý vị hãy lôi kinh Kim Cang ra xem, kinh Kim Cang dạy: Nếu ai nói đức Phật thuyết pháp, tức là báng Phật. Chẳng dễ dàng! Vì thế, chúng ta đọc kinh, xem kinh, quyết định chớ chấp trước, đó là đúng pháp. Chẳng chấp trước là buông xuống; bởi lẽ, đức Phật dạy: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (pháp còn nên bỏ, huống gì phi pháp), “bỏ” là bố thí, buông xuống.
Chúng ta mỗi ngày phải niệm kinh, phải đọc, phải giảng, phải nghe mỗi ngày, nhưng mỗi ngày chớ nên chấp tướng, chớ nên chấp trước, cảnh giới của quý vị sẽ mỗi ngày mỗi khác! Ngày hôm qua, tôi đọc kinh này có kiến giải như thế này, cách giảng như thế này. Ngày hôm nay đọc kinh này, kiến giải và cách giảng khác hôm qua. Có thể thấy ngày hôm qua tôi đọc kinh này [có ngộ xứ khác với hôm nay], đã đọc qua đoạn ấy, tôi chẳng chấp trước vào đấy! Nếu nhớ kỹ, ngày hôm nay tôi vẫn giảng y hệt, giống như băng cassette, nghe một trăm lượt vẫn giống hệt như cũ, chẳng có gì mới mẻ xuất hiện, chẳng có trí huệ, ghi nhớ chết cứng mà! Vì vậy, nhất định phải khai trí huệ, chớ nên ghi nhớ chết cứng!
Thuở ấy, tôi học kinh, thầy Lý cũng một gậy đánh thức tôi. Lúc đó, tôi viết bút ký, cụ gọi tôi vào phòng cụ, hỏi: “Có phải là anh ghi bút ký hay không?” Tôi thưa: “Dạ phải!” “Anh ghi để làm gì? Sang năm cảnh giới của anh lại khác, chẳng phải là bút ký năm nay của anh trở thành thứ phế thải hay sao?” Tôi nghĩ rất có lý, cần gì phải chuốc lấy phiền phức vậy! Vì thế, đơn giản là chẳng ghi bút ký nữa, chuyên môn chú ý nghe. Vì chép bút ký bị phân tâm, chẳng thể chuyên tâm nghe, chuyên tâm nghe chắc chắn có Định, có Huệ. Tôi vừa mới nói, đó là Tam Học Giới, Định, Huệ được hoàn thành cùng lúc, ân đức của thầy Lý rất lớn! Nếu khi ấy cụ chẳng dạy tôi làm như vậy, tôi vẫn một mực biên biên, chép chép; nói cách khác, tất nhiên cũng là chết cứng nơi ghi chép. Bản thân tôi giảng điều gì sẽ chẳng rời khỏi bút ký, không thoát khỏi phạm vi ấy!
Vì thế, ở Đài Trung, tôi học được một phương pháp sống động, chẳng phải là học thứ bị chết cứng! Tôi đọc chú giải của cổ nhân, thấy trong ấy có vô lượng ý nghĩa xuất hiện. Cụ vừa chỉ điểm, ý nghĩa ấy bèn xuyên suốt, thông đạt, tuyệt đối chẳng phải là giảng [rập khuôn] theo bản chú giải ấy. Nếu giảng theo chú giải, mỗi lần sẽ giống nhau, vì sao mỗi biến đều khác nhau? Mỗi ngày đều khác nhau? Có thể thấy là chẳng chiếu theo chú giải, nhưng cũng chẳng rời khỏi chú giải! Mọi người phải lắng lòng thấu hiểu đạo lý này. Vì thế, hiểu tinh tấn là gì, biết phải tu hành ra sao thì mới thật sự là đúng Lý, đúng pháp.
(Sao) Hựu Bất Hưu Tức, tất Thường Tinh Tấn; Thường Tinh Tấn, tất Bất Hưu Tức. Thử nhị Bồ Tát, diệc danh thù nhi đức nhất giả dã.
(鈔)又不休息,必常精進;常精進,必不休息。此二菩薩,亦名殊而德一者也。
(Sao: Lại nữa, Bất Hưu Tức ắt Thường Tinh Tấn; Thường Tinh Tấn ắt Bất Hưu Tức (chẳng ngơi nghỉ). Hai vị Bồ Tát này cũng là tên khác nhau, nhưng đức là một).
Trong kinh này, chẳng nhắc đến những vị Bồ Tát khác, đặc biệt nêu tên hai vị Bồ Tát này, dụng ý rất sâu! Vì tín nguyện trì danh đòi hỏi “chẳng hoài nghi”, buông xuống, bỏ sạch nghi tình, chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp. “Chẳng gián đoạn” là Bất Hưu Tức, “chẳng xen tạp” là Chân Tinh Tấn, xen tạp sẽ chẳng phải là tinh tấn! Do vậy, danh hiệu Bồ Tát ở đây phô bày nguyên tắc trọng yếu trong sự tu học pháp môn này. Chúng ta nương theo cương lãnh ấy để tu hành, nhất định thành tựu trong một đời này.
Như đức Thế Tôn, như đức Di Đà có cùng đại trí, đại từ, đại trí khế nhập Thật Tướng của các pháp. Đại từ phổ độ chúng sanh. Nếu nói theo pháp môn này, đại trí là thật sự lý giải ba kinh, thật sự lý giải, chẳng sai lầm tí nào! Đại từ là chuyên hoằng ba kinh. Vì kinh này là pháp môn bậc nhất để chư Phật độ hết thảy chúng sanh. Lại còn là khiến cho những chúng sanh tội ác nặng nề nhất có thể nhờ mười niệm hay một niệm mà vãng sanh, có thể thành Phật. Pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn! Hết thảy các pháp môn khác đều chẳng có công hiệu này, chỉ riêng pháp môn này thù thắng, đại trí cần phải tương ứng với kinh, ắt phải vận dụng đại từ thì mới có thể hoằng dương trọn khắp. Chính mình y giáo tu hành là lòng Từ tự lợi, tuyên dương pháp môn này lòng Từ lợi tha. Chúng tôi giảng tới chỗ này!
[1] Kinh này có tên gọi đầy đủ là Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn Kinh, còn gọi là Tư Ích Nghĩa Kinh, do ngài Cưu Ma La Thập dịch vào thời Diêu Tần, gồm hai mươi bốn phẩm. Trong kinh này, đức Phật vì Võng Minh Bồ Tát và Tư Ích Phạm Thiên v.v… giảng lý Không Tịch. Các bản dịch khác của kinh này là Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn Kinh do ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào thời Tây Tấn và Thắng Tư Duy Phạm Thiên Sở Vấn Kinh do ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch vào thời Bắc Ngụy. Kinh này được chú giải khá nhiều, nổi tiếng nhất là các bộ Trì Tâm Phạm Thiên Kinh Lược Giải của ngài Đạo An, Chú Tư Ích Kinh của ngài Hiền Minh, Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn Kinh Giản Chú của ngài Viên Trừng.
[2] Đây giọng đọc chữ A trong tiếng Quan Thoại tùy từng địa phương, thế mà cũng gây nên tranh luận, giống kiểu tranh luận phải đọc A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật trong hiện tại, thậm chí có người chủ trương phải đọc Phật là Bụt, hay không được niệm A Di Đà Phật mà phải niệm là Phật A Di Đà hoặc Bụt A Di Đà thì mới là “Việt hóa kinh điển”! Có người còn cực đoan đến mức chủ trương tất cả chữ Di trong kinh điển phải đọc thành Mi hết như Tu Mi Sơn thay vì Tu Di Sơn, và quả quyết chư Tổ và những vị dịch kinh tiền bối đã đọc ngọng chữ Mi thành Di (sic!) Nếu đúng như vậy, không hiểu sao các vị học giả như Đào Duy Anh, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn v.v… đều nhất loạt không hẹn mà cùng “đọc ngọng” Mi Đà thành Di Đà hết!
[3] Trong câu chuyện này, do người niệm chú chữ nghĩa kém cỏi, thấy các chữ Ma, Ni, Bát (嘛呢叭) trong chú Lục Tự Đại Minh có bộ Khẩu đằng trước vẫn đọc là Ma, Ni, Bát, bèn nghĩ chữ Hồng (吽) gồm hai chữ Khẩu (口) và Ngưu (牛) ghép lại, có lẽ vẫn phải đọc là Ngưu. Tin chắc như vậy, người ấy cứ trì như thế nhiều năm. Để nhớ biến số đã tụng niệm, do không có xâu chuỗi, người ấy dùng hai cái chén, một chén đựng đầy đậu, chén kia trống không, cứ niệm xong một biến lại bỏ một hạt đậu từ chén đậu sang cái chén trống không cho đến hết bèn bỏ ngược lại. Niệm nhiều năm như thế, do tâm tinh chuyên, có cảm ứng, cứ niệm xong một biến, một hạt đậu từ chén này nhảy sang chén kia, người ấy khỏi cần phải thò tay bốc như trước.
[4] “Phục bút” là một thủ pháp trong cách viết văn, nhất là trong tiểu thuyết chương hồi của Trung Hoa, nhằm ngầm chỉ diễn biến trong tương lai, nếu người đọc tinh ý sẽ đoán biết được tình tiết câu chuyện diễn biến như thế nào. Một thí dụ kinh điển thường được dùng để miêu tả lối Phục Bút là trong Hồng Lâu Mộng, Giả Bảo Ngọc nằm mơ thấy chính mình đến Thái Hư Huyễn Cảnh, thấy trên giá sách có nhiều cuốn sách đề tên theo từng tỉnh. Hỏi tiên cô chủ quản Thái Hư Huyễn Cảnh thì được cho biết đó là các sách ghi số mạng của những nữ nhân trong mỗi tỉnh. Vì quê ở Nam Kinh (thuở ấy gọi là Kim Lăng), nên Giả Bảo Ngọc mở cuốn Kim Lăng Thập Nhị Thoa Chính Sách ra coi, thấy có hình vẽ và những bài thơ tứ tuyệt. Trong ấy, có một trang vẽ một con sói đang đuổi một cô gái, phía dưới đề bốn câu thơ: “Tử hệ Trung Sơn lang, đắc chí tiện xương cuồng, kim khuê hoa liễu chất, nhất tái phó hoàng lương” (tạm dịch: Sói ở trong rừng núi, đắc chí càng hung tàn, thân liễu bồ khuê các, một năm mộng huyễn hư). Các nhà chú giải bảo bài thơ này nói về số mạng của Giả Nghênh Xuân (chị họ Giả Bảo Ngọc; Nghênh Xuân là con của Giả Xá. Giả Xá là bác ruột của Giả Bảo Ngọc). Chữ Tử Hệ (子系) trong bài thơ ghép lại thành chữ Tôn (孫), tức là Tôn Thiệu Tổ, chồng Giả Nghênh Xuân. Giả Nghênh Xuân lấy Tôn Thiệu Tổ gia đình khá giả, nhưng chồng hung bạo, hành hạ đến nỗi Nghênh Xuân chết rất trẻ, xuất giá vừa đầy năm đã chết.
[5] Sách Thiền Lâm Bảo Huấn do hai ngài Diệu Hỷ Phổ Giác và Trúc Am Sĩ Khuê biên soạn tại chùa Vân Môn ở Giang Tây vào thời Nam Tống, thâu thập những lời giáo huấn từ ngài Hoàng Long Huệ Nam cho đến ngài Phật Chiếu Chuyết Am. Tác phẩm này được chú giải khá nhiều, trước sau có Thiền Lâm Bảo Huấn Hợp Chú (do Trương Văn Gia hiệu đính), Thiền Lâm Bảo Huấn Niêm Tụng, nhưng phổ biến nhất là bộ Thiền Lâm Bảo Huấn Bút Thuyết do ngài Thích Trí Tường soạn vào cuối đời Minh, đầu đời Thanh. Tác phẩm này được viết xong vào năm Bính Tuất (1706) triều Khang Hy.
[6] Thái Căn Đàm do Hồng Ứng Minh soạn vào thời Vạn Lịch nhà Minh, gồm 358 câu cách ngôn về trí huệ và nhân sinh, được chia thành hai tập. Hồng Ứng Minh là một đạo sĩ, tự là Tự Thành, hiệu Hoàn Sơ, không rõ quê quán, năm sinh và năm mất. Ông tinh thông tam giáo, thường lui tới các chùa Phật và trường học, thâu thập những tinh hoa. Ông ta cho biết đã nhặt được Thái Căn Đàm là một tác phẩm ngôn luận của Thiền Tông từ một ngôi chùa đổ nát, đem về tu chỉnh, biên tập thành tác phẩm hoàn chỉnh. Đây có lẽ cũng là một cách nói khiêm tốn, vì trước đó chưa ai nghe nói đến tác phẩm này. Tác phẩm này cùng với Tiểu Song U Ký của Trần Kế Nho và Vi Lô Dạ Thoại của Vương Vĩnh Bân được ca tụng là “xử thế tam đại kỳ thư” (ba bộ sách tuyệt diệu về cách xử thế). Xin trích một đoạn trong Thái Căn Đàm như sau: “Lương dược khổ khẩu, trung ngôn nghịch nhĩ. Nhĩ thường văn nghịch nhĩ chi ngôn, tâm thường hữu phất tâm chi sự, tài thị tấn đức tu hạnh đích chỉ thạch. Nhược ngôn ngôn duyệt nhĩ, tiện bả thử sanh mai ư trấm độc trung hĩ. Hòa khí chí tường, thần hỷ đa thụy. Tật phong nộ vũ, cầm điểu thích thích, tễ nhật quang phong, thảo mộc hân hân. Khả kiến thiên địa bất khả nhất nhật vô hòa khí, nhân tâm bất khả nhất nhật vô hỷ thần” (Thuốc hay đắng miệng, lời trung chói tai. Tai thường nghe lời chói tai, tâm thường có những chuyện chẳng thuận ý, đấy mới là cột trụ để tấn đức, tu hạnh. Nếu lời lẽ nào cũng bùi tai, ắt đời này sẽ bị vùi lấp trong chất độc của chim Trấm. Hòa khí tốt lành nhất, tinh thần vui vẻ sẽ có lắm điều tốt đẹp. Gió giật mưa cuồng, chim chóc run rẩy. Trời quang, gió lặng, cây cỏ hân hoan. Đủ thấy trời đất chẳng thể có ngày nào không có hòa khí, lòng người chẳng thể có một ngày nào tâm tình chẳng vui vẻ).