#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 146
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm mười một.
Tam, liên hoa.
(Kinh) Trì trung liên hoa, đại như xa luân, thanh sắc thanh quang, hoàng sắc hoàng quang, xích sắc xích quang, bạch sắc bạch quang, vi diệu hương khiết.
三、蓮華。
(經) 池中蓮華。大如車輪。青色青光。黃色黃光。赤色赤光。白色白光。微妙香潔。
(Ba là hoa sen.
Kinh: Hoa sen trong ao to như bánh xe, màu xanh, ánh sáng xanh; màu vàng, ánh sáng vàng; màu đỏ, ánh sáng đỏ; màu trắng, ánh sáng trắng; vi diệu thơm sạch).
Đoạn kinh văn này nói về hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới vô cùng trọng yếu, nên thế giới Cực Lạc còn có tên là thế giới Liên Hoa. Thế giới ấy hoa sen đặc biệt nhiều, có quan hệ hết sức mật thiết với mỗi người cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, vì Đại Kinh đã dạy rõ ràng: Vãng sanh thế giới Tây Phương là liên hoa hóa sanh, cho nên chỗ để sanh vào là hoa sen, mà chỗ cư trụ cũng là hoa sen. Vì thế, đoạn kinh văn này phải giới thiệu tỉ mỉ. Xin hãy xem chú giải:
(Sớ) Thượng ngôn trì ngoại, kim biểu trì trung.
(疏) 上言池外,今表池中。
(Sớ: Phần trên nói về [sự trang nghiêm] bên ngoài ao, nay nói đến [những sự trang nghiêm] trong ao).
Đoạn trước nói đến sự trang nghiêm phía ngoài ao bảy báu, ở đây là nói đến sự trang nghiêm trong ao bảy báu.
(Sớ) Liên hoa, Phạn ngữ Phân Đà Lợi, diệc vân Ưu Bát La, diệc vân Bát Đặc Ma, diệc vân Câu Vật Đầu.
(疏) 蓮華,梵語芬陀利,亦云優缽羅,亦云缽特摩,亦云拘勿頭。
(Sớ: Hoa sen tiếng Phạn là Phân Đà Lợi (Puṃḍarīkaṃ), còn gọi là Ưu Bát La (Utpala), còn gọi là Bát Đặc Ma (Padma), còn gọi là Câu Vật Đầu (Kumuda)).
Đây là dịch âm từ tiếng Phạn của Ấn Độ. Trong phần trước đã nói đến bốn màu, [tức là hoa sen] gồm có bốn loại màu sắc [khác nhau]. Phân Đà Lợi là hoa sen trắng.
(Sao) Phạn ngữ Phân Đà Lợi, thử vân Bạch Liên Hoa, vị khai danh Khuất Ma La, tương lạc danh Ca Ma La.
(鈔) 梵語芬陀利,此云白蓮華,未開名屈摩羅,將落名迦摩羅。
(Sao: Tiếng Phạn là Phân Đà Lợi, cõi này dịch là Bạch Liên Hoa, chưa nở gọi là Khuất Ma La (Kuvala), sắp rụng gọi là Ca Ma La (Kamala)).
Những danh xưng này đều là cách gọi cổ xưa tại Ấn Độ. Đại chúng chúng ta ở nơi đây thật sự phát tâm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, trong ao bảy báu liền trổ một đóa sen. Nếu quý vị ngã lòng, chẳng muốn vãng sanh, hoặc là đổi sang học pháp môn khác, hành tham Thiền, niệm chú, đóa sen ấy liền khô héo, chẳng còn nữa, tiêu mất! Do vậy, hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới có héo rũ, nhưng chư vị phải biết: Hễ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, hoa sen ấy cũng là hoa sen tồn tại đời đời, vĩnh viễn chẳng diệt, giống như kinh Vô Lượng Thọ đã dạy: Hoa sen tươi đẹp, vĩnh viễn chẳng bị biến đổi. Có thể thấy hoa sen tàn héo, rơi rụng là lúc chúng ta chưa vãng sanh vì tâm quý vị biến đổi, thái độ biến đổi; chứ sau khi vãng sanh sẽ không có [những chuyện tàn héo, rơi rụng ấy].
(Sao) Xử trung chánh khai, danh Phân Đà Lợi.
(鈔) 處中正開,名芬陀利。
(Sao: Ngay trong lúc hoa sen đang nở thì gọi là Phân Đà Lợi).
Phân Đà Lợi là danh xưng trong khi hoa sen nở.
(Sao) Ưu Bát La giả, thanh liên hoa dã. Bát Đặc Ma giả, hồng liên hoa dã. Câu Vật Đầu giả, hoàng liên hoa dã.
(鈔) 優缽羅者,青蓮華也;缽特摩者,紅蓮華也;拘勿頭者,黃蓮華也。
(Sao: Ưu Bát La là hoa sen xanh. Bát Đặc Ma là hoa sen đỏ. Câu Vật Đầu là hoa sen vàng).
Kinh nêu ra bốn loại màu, bốn màu ấy thế gian này đều có. Theo như Đại Kinh đã nói, hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới có vô lượng màu, không chỉ là bốn thứ này. Do vậy, kinh này nói đại lược. Hoa ấy to như bánh xe.
(Sớ) Xa luân giả, ngôn kỳ hình dã, đại tiểu vô định.
(疏) 車輪者,言其形也,大小無定。
(Sớ: “Bánh xe” là nói đến hình dáng, [chứ hoa sen] lớn hay nhỏ không nhất định).
Hoa có hình tròn, không chỉ là tròn, mà còn là viên mãn, chẳng có mảy may khiếm khuyết, nên dùng “xa luân” làm tỷ dụ. Trong hết thảy các dụng cụ, bánh xe viên mãn nhất. Nó có tâm, có vành, có trục; trong hết thảy các pháp, nó biểu thị sự viên mãn, lại còn biểu thị Không và Có chẳng hai! Tâm bánh xe trống không, chắc chắn chẳng tìm được. Hiện thời, học Toán, học Hình Học đều biết, đường tròn có tâm hay không? Chắc chắn là có, nhưng ở đâu? Chẳng tìm được! Vì thế, nói là Không. “Không” được nói trong Phật pháp chẳng phải là Vô. “Không” chẳng phải là không có, Không là Có. Đã có thì sao gọi là Không? Mắt chẳng thấy được, tai cũng chẳng nghe được, sáu căn của chúng ta chẳng có cách nào tiếp xúc, nên gọi là Không. Nó xác thực là Có. Vì thế, [hình tròn, bánh xe] biểu thị Có và Không bất nhị, biểu thị tánh và tướng bất nhị. Tâm hình tròn tượng trưng Chân Như bổn tánh, chu vi hình tròn tượng trưng cho tướng. Tâm hình tròn chẳng thể tách lìa đường tròn, đường tròn chẳng thể tách rời tâm hình tròn. Vì thế, nó biểu thị tánh và tướng bất nhị, Không và Có bất nhị. Đó là ý nghĩa viên mãn. Trong hết thảy các pháp, rất khó tìm được một thứ cụ thể như vậy, có thể hiển thị rất rõ rệt ý nghĩa này, chỉ có hình tròn là có thể hiển thị. Vì thế, dùng bánh xe để biểu đạt.
Hoa sen trong thế gian này là vật chất, hoa sen trong thế giới Cực Lạc là đại viên mãn, thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Hoa sen bên đó có thể tỏa ánh sáng, trong ánh sáng có thể hiện vô lượng vô biên cảnh giới, có thể hiện tượng Phật, chẳng giống hoa sen trong thế gian này. “Đại tiểu vô định” nghĩa là hoa sen lớn hay nhỏ không nhất định.
(Sớ) Bà Sa đẳng thuyết, chủng chủng bất đồng, các tùy cơ hiện.
(疏) 婆沙等說,種種不同,各隨機現。
(Sao: Các thứ hoa sen khác nhau được nói trong luận Tỳ Bà Sa v.v… đều tùy theo căn cơ mà ứng hiện).
“Bà Sa” là Tỳ Bà Sa Luận (Abhidharma Mahāvibhāṣa Śāstra), một quyển sách trong kinh điển Phật giáo.
(Sao) Xa luân đại tiểu giả, Bà Sa Luận vân: “Luân Vương thiên bức kim luân, châu viên thập ngũ lý”. Hoa Nghiêm Sao vân: “Kim luân đại nhất do-tuần”. Quán Kinh vân: “Nhất nhất trì trung, hữu lục thập ức thất bảo liên hoa, đoàn viên chánh đẳng thập nhị do-tuần”. Đại Bổn vân: “Trì trung liên hoa, hoặc nhất do-tuần, nãi chí bách do-tuần, thiên do-tuần”. Nhi nhân thế xa luân, đại bất du trượng, bất khả dĩ thử nhi vi định chuẩn.
(鈔) 車輪大小者,婆沙論云:輪王千輻金輪,周圓十五里。華嚴鈔云:金輪大一由旬。觀經云:一一池中,有六十億七寶蓮華,團圓正等十二由旬。大本云:池中蓮華,或一由旬,乃至百由旬,千由旬。而人世車輪,大不逾丈,不可以此而為定準。
(Sao: “Bánh xe lớn hay nhỏ”: Tỳ Bà Sa Luận viết: “Kim luân ngàn căm của Luân Vương, tròn xoe mười lăm dặm”. Hoa Nghiêm Sao viết: “Kim luân to một do-tuần”. Quán Kinh chép: “Trong mỗi một ao, có sáu mươi ức hoa sen bằng bảy báu, tròn trặn vừa đúng mười hai do-tuần”. Kinh Đại Bổn chép: “Hoa sen trong ao, hoặc một do-tuần, cho đến trăm do-tuần, ngàn do-tuần”. Nhưng bánh xe trong cõi đời, to nhất không hơn một trượng, chẳng thể lấy nó làm định chuẩn).
Tỳ Bà Sa Luận nói đến Luân Vương, tức là nói đến Kim Luân Vương trong bốn loại Luân Vương. Trong thế gian này, từ thuở Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện tới nay, suốt ba ngàn năm chưa ai từng thấy luân bảo của Kim Luân Vương. Không chỉ là [luân bảo của] Kim Luân Vương, sợ rằng luân bảo của vị nhỏ nhất là Thiết Luân Vương cũng chưa có ai trông thấy. Trong kinh, đức Phật bảo chúng ta: Người có phước báo lớn nhất trong thế gian này là Luân Vương. Phạm vi thống trị của Kim Luân Vương là một thái dương hệ, đại vương của thái dương hệ là Kim Luân Vương. Ông ta có thể thống trị tứ thiên hạ, nay chúng ta gọi một tứ thiên hạ là thái dương hệ, tất cả những tinh cầu trong thái dương hệ ấy đều do ông ta thống trị.
Muốn thống trị hệ thống các tinh cầu, nhất định phải có công cụ giao thông nhanh chóng nhất, công cụ giao thông là luân bảo. Luân bảo rất giống đĩa bay do rất nhiều người hiện thời phát hiện, hình dạng của nó giống như bánh xe, tốc độ vô cùng mau chóng, vừa là công cụ giao thông vừa là vũ khí. To chừng nào? Chu vi là mười lăm dặm, nó có chu vi là mười lăm dặm Tàu[1], to ngần ấy! Nhưng hiện thời chúng ta chẳng phát hiện đĩa bay nào trên thế giới to chừng ấy. Đó là nói luân bảo của Kim Luân Vương. Hiện thời, đĩa bay ở ngoài vũ trụ đến thám hiểm địa cầu có thể là luân bảo của Đồng Luân Vương hoặc Thiết Luân Vương đã nói trong kinh Phật, nhỏ hơn [luân bảo của Kim Luân Vương] đôi chút, nhưng điều này là thật, tuyệt đối chẳng giả!
Hoa Nghiêm Sớ Sao nói: “Kim luân to một do-tuần”, luân bảo của Luân Vương lớn hay nhỏ cũng chẳng thể hoàn toàn giống hệt như nhau. Giống như trong thế gian này, phi cơ có lớn hay nhỏ, cũng chẳng phải là hoàn toàn giống hệt như nhau. Có thể thấy là luân bảo của luân vương tuyệt đối chẳng phải chỉ là một cái, nhất định là có rất nhiều, có lớn, có nhỏ. Một do-tuần là bốn mươi dặm, lớn hơn [luân bảo chỉ to] mười lăm dặm như đã nói trong phần trước. Hai câu này đều nói về luân bảo của Luân Vương trong thế gian này.
Điều được nói [trong câu kinh văn trích dẫn từ] Quán Kinh là nói về hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, khác hẳn! “Nhất nhất trì trung” (trong mỗi một ao), Tây Phương Cực Lạc thế giới có vô lượng ao bảy báu, chẳng phải là chỉ có một ao bảy báu. “Hữu lục thập ức thất bảo liên hoa, đoàn viên chánh đẳng thập nhị do-tuần” (có sáu mươi ức hoa sen bảy báu, tròn trặn vừa bằng mười hai do-tuần), trong mỗi ao báu đều có sáu mươi ức hoa sen bảy báu. Do vậy có thể biết: Ao to lớn chẳng thể nghĩ bàn! Tây Phương Cực Lạc thế giới to lớn, không có cách nào tưởng tượng được! Hoa sen trong ao lớn hay nhỏ cũng khác nhau. “Chánh đẳng thập nhị do-tuần”, có thể là hoa sen to cỡ mười hai do-tuần nhiều nhất, có hoa sen nhỏ hơn, mà cũng có hoa lớn hơn. Mười hai do-tuần là bốn trăm tám mươi dặm, đường kính đại khái là từ Nam đến Bắc Đài Loan, còn to hơn Đài Loan.
“Đại Bổn” là kinh Vô Lượng Thọ. Trong kinh Vô Lượng Thọ giảng hết sức tỉ mỉ, nên là một bộ kinh điển trọng yếu nhất trong Tịnh Độ Tông. “Trì trung liên hoa, hoặc nhất do-tuần” (hoa sen trong ao, hoặc to một do-tuần), kẻ vãng sanh thiện căn ít, hoa sen nhỏ nhất, to một do-tuần. Một do-tuần là bốn mươi dặm, nói chung to cỡ thành phố Đài Bắc, đấy là hoa sen bé nhất, “nãi chí bách do-tuần, thiên do-tuần” (cho đến một trăm do-tuần, một ngàn do-tuần). Một ngàn do-tuần thì lớn hơn địa cầu của chúng ta, có thể thấy lớn nhỏ chẳng như nhau. “Nhi nhân thế xa luân, đại bất du trượng” (nhưng bánh xe trong nhân gian, chẳng to hơn một trượng), bánh xe lớn nhất trong thế gian này, tối đa là một trượng[2]. Do vậy, chẳng thể dùng bánh xe trong thế gian này, hoặc dùng hoa sen trong thế gian để làm tiêu chuẩn, chẳng thể! Phải biết cảnh giới ở bên ấy chẳng thể nghĩ bàn. Kinh Đại Bổn nói “hoa diệp vô lượng vô biên” (cánh hoa vô lượng vô biên). Kinh Như Lai Tạng nói: “Hoa trung hóa Phật, quang minh vô số” (trong hoa hóa hiện chư Phật, quang minh vô số), nên đúng là chẳng thể nghĩ bàn.
(Sao) Hựu vân: “Chúng bảo liên hoa, châu biến thế giới, nhất nhất bảo hoa, hữu vô lượng bách thiên ức diệp”. Án kinh biệt liên hoa thắng liệt tam chủng, thập diệp, bách diệp, thiên diệp, kim viết “vô lượng bách thiên ức diệp”, diệp ký vô lượng, tắc hoa chi đại, diệc vô lượng hĩ!
(鈔) 又云:眾寶蓮華,周遍世界,一一寶華,有無量百千億葉。按經別蓮華勝劣三種,十葉、百葉、千葉。今曰無量百千億葉,葉既無量,則華之大,亦無量矣。
(Sao: Lại nói: “Hoa sen bằng các thứ chất báu trọn khắp thế giới. Mỗi một hoa báu có vô lượng trăm ngàn ức cánh”. Xét ra, kinh phân biệt hoa sen hơn kém thành ba loại: Mười cánh, trăm cánh, ngàn cánh; nay nói “vô lượng trăm ngàn ức cánh”, cánh đã là vô lượng thì hoa cũng phải to vô lượng vậy!)
Cánh hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng giống cánh hoa sen trong thế gian này. Hoa sen trong thế gian này ít cánh, chẳng có nhiều cánh, mà cánh hoa lại rất to. Trong kinh thường nói mắt Như Lai giống như cánh hoa sen xanh. Nếu [người nghe hiểu là mắt Phật] giống như cánh hoa sen trong thế gian này, con mắt ấy sẽ khó coi lắm! Người ấy chẳng biết hoa sen Tây Phương Cực Lạc thế giới có nhiều cánh. “Thiên diệp” là một đóa sen có ngàn cánh, cánh sen dài và nhỏ giống như cánh hoa cúc; vì vậy, hết sức đẹp. Mắt Phật, Bồ Tát giống như cánh hoa sen ấy, dài và nhỏ. Hoa sen trong thế gian này mà “trăm cánh, ngàn cánh” giống như vậy rất hiếm hoi. Hoa sen mười mấy cánh, hai mươi mấy cánh thì khá nhiều, hoa mười mấy cánh thì thường thấy. Hoa sen càng nhiều cánh càng lạ lùng, mà cũng càng trân quý. Hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới có vô lượng cánh, “diệp” là cánh hoa, nhiều vô lượng, nên hoa cũng phải to!
(Sao) Hựu Như Lai Tạng kinh vân: “Nhĩ thời, Thế Tôn ư Chiên Đàn Trùng Các, chánh tọa đạo tràng, nhi hiện thần biến, hữu thiên diệp liên hoa, đại như xa luân, hoa trung hóa Phật, các phóng vô số bách thiên quang minh”. Cố tri xa luân bất khả tư nghị, ninh đắc cục dĩ nhân thế thường sở ngự xa nhi vi hạn lượng.
(鈔) 又如來藏經云:爾時世尊於旃檀重閣,正坐道場,而現神變,有千葉蓮華,大如車輪,華中化佛,各放無數百千光明。故知車輪不可思議,寧得局以人世常所御車而為限量。
(Sao: Lại nữa, kinh Như Lai Tạng nói: “Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ở trong Chiên Đàn Trùng Các, hiện thần thông biến hóa, có hoa sen ngàn cánh to như bánh xe. Trong hoa hóa ra chư Phật, mỗi vị đều phóng vô số trăm ngàn quang minh”. Do vậy, biết “bánh xe” chẳng thể nghĩ bàn, há nên lấy [kích thước của] bánh xe người đời thường ngồi để đoán định kích thước của [hoa sen trong Cực Lạc] ư?)
Đây là một đoạn kinh văn trong kinh Như Lai Tạng[3], cho chúng ta biết: Đức Phật thị hiện thần biến, dùng sức thần thông của Phật, chuyển cảnh giới Tây Phương Cực Lạc thế giới đến trước mặt chúng ta, khiến cho mỗi kẻ phàm phu chúng ta cũng có thể trông thấy. Chúng ta thường gọi chuyện này là “thần thông biến hóa”. Nhưng các hiện tượng này chắc chắn chẳng phải là ảo thuật. Ảo thuật là giả, chẳng thật! Những tướng cảnh giới do đức Phật đã hiện đều là thật, Ngài đem cảnh giới của chư Phật nơi các phương khác đặt trước mặt chúng ta, khiến cho chúng ta cậy vào thần lực của Phật bèn có thể tiếp xúc, có thể thấy, thậm chí có thể nghe chư Phật, Bồ Tát giảng kinh, thuyết pháp; những điều này đều phải cậy vào oai thần của Phật. Ngài hiện hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, đúng như kinh Đại Bổn đã nói: Hoa tỏa ánh sáng, trong ánh sáng hóa hiện chư Phật. Do vậy có thể biết: Chắc chắn chẳng thể dùng hoa sen trong thế gian này để luận định hoa sen báu trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. [Kinh nói] “to như bánh xe” thì cũng chẳng thể lấy bánh xe trong cõi này để so sánh, hiểu là hình dáng bên ngoài tương tự thì được, chứ công đức lợi ích biến hóa chẳng có cách nào tưởng tượng được!
(Sao) Tùy cơ giả, dĩ hoặc tiểu, hoặc đại, diêu kỳ nhân địa niệm Phật, công hữu thắng liệt, cơ cảm tự trí nhĩ.
(鈔) 隨機者,以或小或大,繇其因地念佛,功有勝劣,機感自致爾。
(Sao: “Tùy cơ”: Do [hoa sen] lớn hoặc bé tùy thuộc sự niệm Phật trong lúc tu nhân, công phu có thù thắng hay hèn kém, nên tùy theo căn cơ mà tự cảm vời thành ra như vậy).
Câu này rất trọng yếu. Hoa sen trong Tây Phương thế giới chẳng phải do A Di Đà Phật gieo trồng, nên hoa sen lớn hay bé, ánh sáng và màu sắc của nó chẳng dính dáng gì đến A Di Đà Phật. Hoa sen do đâu mà có? Do người niệm Phật trong các cõi Phật ở mười phương trong lúc tu nhân đã sanh ra. Pháp môn này là pháp môn hy hữu thù thắng bậc nhất, người có thể thật sự nhận thức thấu triệt pháp môn này chẳng nhiều lắm. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư nói: “Ức vạn nhân trung, nhất nhị tri” [nghĩa là] trong ức vạn người, chỉ được một, hai kẻ hiểu biết! Pháp môn này là pháp môn bậc nhất để mười phương ba đời hết thảy chư Phật độ chúng sanh thành Phật đạo, nên nói kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà được gọi là “kinh bậc nhất trong hết thảy các kinh”. Cũng có thể nói là mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai, không có vị Phật nào chẳng giảng bộ kinh này, không có vị Phật nào chẳng khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Do vậy, pháp môn này là pháp môn được chư Phật chung nhau hoằng dương, ta có thể suy ra được sự thù thắng của nó vậy!
Nhưng chúng sanh có người tin, có kẻ chẳng tin, người tin ít ỏi, kẻ không tin đông đảo. Vì sao không tin? Nghĩ pháp này quá dễ dàng, họ nói “liễu sanh tử, thoát tam giới, thành Phật đạo há dễ dàng như vậy ư?” Họ chẳng tin tưởng. Phàm những người có thể tin tưởng đều do thiện căn, phước đức, nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp chín muồi, nên quý vị mới có thể tin tưởng, điều này chẳng dễ dàng! Nếu quý vị thật sự tin tưởng, bèn liễu sanh tử ngay trong đời này, được sống đời đời ngay trong đời này. Các tôn giáo thường nói đến chuyện sống đời đời; thật vậy, từ nay trở đi, bất sanh, bất diệt. Chúng ta vãng sanh là vãng sanh trong khi còn sống, chẳng phải là chết rồi mới vãng sanh. Ra đi trong khi còn sống, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới vô lượng thọ. Thọ mạng là vô lượng thật sự, chẳng phải là vô lượng có hạn lượng, mà là chân thật vô lượng. Nếu chẳng phải là phước đức, thiện căn, nhân duyên trong vô lượng kiếp đã chín muồi, chắc chắn chẳng thể nào gặp gỡ pháp môn này; dẫu có gặp gỡ, cũng chẳng thể tin tưởng.
Tín thì có tin nông cạn và tin sâu xa. Có người tuy đã tin, nhưng vẫn còn hoài nghi, chẳng phải là khăng khăng một mực tin tưởng. Nguyện cũng có cạn hay sâu khác nhau. Hạnh thì công phu cũng chẳng như nhau. Có người mỗi ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu, có người mỗi ngày chỉ niệm mười câu, mười niệm! Làm sao có thể như nhau được? Vì thế, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, hoa sen sẽ lớn hay nhỏ khác nhau. Nếu quý vị thật sự hiểu rõ chuyện này, nay chúng ta phải giữ lấy điều gì? Phải giữ lấy những gì có thể vĩnh viễn đạt được, vĩnh viễn chẳng mất đi. Quý vị giữ lấy những thứ ấy sẽ là thông minh, đó chính là hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Quý vị thật sự tin tưởng, thật sự phát nguyện, nỗ lực niệm Phật, hoa sen của quý vị ngày càng to hơn. Nửa tin nửa ngờ, dường như niệm, dường như chẳng niệm, dẫu được vãng sanh thì đến bên kia, hoa sen chỉ to một do-tuần, rất nhỏ!
Chúng ta chớ nên lưu luyến ngũ dục lục trần trong thế gian này, vì sao? Hết thảy các pháp trong thế gian này chẳng mang thứ nào theo được! Mọi người đều biết: “Sanh không mang gì đến, chết chẳng đem gì theo”. Nếu biết chết không mang được thứ gì theo thì cần gì phải tranh giành những thứ ấy? Hiện thời, quý vị còn chưa chết, đúng vậy, hôm nay vẫn còn chưa chết, nhưng ngày mai có thể còn sống hay không, ai dám bảo đảm? Không ai dám bảo đảm cả! Tai nạn bất ngờ quá nhiều! Chúng ta có được sanh mạng một ngày thì phải nỗ lực tu hành một ngày, chẳng cần tranh giành những thứ trong thế gian, chúng đều là giả.
Gần đây nhất, tôi gặp một vị đồng tu, rất phát tâm, và cũng là một Phật giáo đồ kiền thành, tính tự mình xây dựng một đạo tràng nhỏ để tu hành, đến hỏi tôi có nên hay không? Tôi nói: “Đài Loan có rất nhiều đạo tràng, ông đã thấy rồi đó. Ông cảm thấy có tốt đẹp hay không? Nếu ông có tiền, bây giờ mua một căn nhà nhỏ, đừng nói là mua chỗ lớn lao! Mua một nơi to bằng Thư Viện của chúng tôi, chỉ sợ cũng phải trên ngàn vạn. Nếu ông dùng số tiền một ngàn vạn ấy in kinh Vô Lượng Thọ, tặng một trăm vạn bản cho hết thảy chúng sanh để kết duyên, tức là ông tu được một đạo tràng to lớn, chắc chắn ông sẽ vãng sanh. Ông tự mình mua nhà lập đạo tràng, nói không chừng là đạo tràng đấu tranh, sợ là chẳng có cách nào vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới!”
Hiện thời, chúng tôi biên tập bộ kinh ấy hết sức hoàn chỉnh, phần đầu là kinh văn [của kinh Vô Lượng Thọ], chính giữa là Bảo Vương Tam Muội Sám và Tịnh Tu Tiệp Yếu, phía sau in kèm Âm Chất Văn và Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, nương theo một quyển ấy để tu hành, đủ rồi! Bảo Vương Tam Muội Sám và Tịnh Tu Tiệp Yếu là “hành kinh” (kinh điển để hành trì), còn hay hơn Lương Hoàng Sám và Thủy Sám, hai bộ sám ấy do cổ nhân biên soạn vào thời đại ấy. Cư sĩ Hạ Liên Cư là người thuộc thời đại hiện tại, từ lúc Ngài vãng sanh cho đến hiện thời bất quá là hai mươi lăm năm, cho nên những điều được viết trong bộ sám ấy đều là tật xấu của thế hệ chúng ta. Quý vị tu theo sám pháp ấy, phát lộ sám hối thì Lý Sám và Sự Sám thảy đều trọn đủ. Do vậy, sám pháp ấy vô cùng hay, hãy nên chiếu theo phương pháp ấy để tu tập. Nếu chẳng thể tu mỗi ngày, tốt nhất là mỗi tuần tu một lần. Tịnh Tu Tiệp Yếu có thể tu mỗi ngày, dùng Tịnh Tu Tiệp Yếu làm khóa lễ sáng tối. Bảo Vương Tam Muội Sám mỗi tuần tu một lần, tối thiểu là mỗi tháng tu một lần. Âm Chất Văn và Cảm Ứng Thiên do pháp sư Ấn Quang đề xướng. Lão nhân gia dùng này hai thứ ấy để thay thế giới luật, khiến cho chúng ta thường đọc, thường phản tỉnh, chỗ nào chúng ta đã làm đúng, chỗ nào đã làm trật. Dùng hai thứ ấy để làm tiêu chuẩn, hòng sửa đổi những hành vi sai trái nơi thân tâm của chúng ta. Chúng tôi đều chép hết vào tập sách nhỏ ấy, hết sức hoàn chỉnh. Hoa sen lớn hay nhỏ do bản thân chúng ta, đã hiểu đạo lý này thì phải nỗ lực, phải nghiêm túc tu học.
Nói theo nguyên lý, kinh điển liễu nghĩa đã nói rất rõ ràng: “Tâm tịnh, ắt cõi Phật tịnh”, nguyên lý này vĩnh viễn chẳng thể biến đổi, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng giống như thế. Vì sao Phật, Bồ Tát, tổ sư đại đức muốn chúng ta một ngày phải niệm bao nhiêu câu Phật hiệu? Nhằm mục đích dạy chúng ta tu cái tâm thanh tịnh. Chúng ta chẳng niệm Phật bèn dấy vọng tưởng, vọng tưởng là nghiệp luân hồi, quý vị đang tạo tác lục đạo luân hồi. Hằng ngày tạo tác lục đạo luân hồi, làm sao có thể thoát khỏi lục đạo luân hồi cho được? Quý vị chẳng thoát được! Vì thế, bảo quý vị niệm Phật. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, niệm Phật là bậc nhất. Bất luận cầu tiêu tai, trừ chướng, miễn nạn, công đức niệm Phật đều to lớn bậc nhất. Vì thế, yêu cầu quý vị mỗi ngày niệm mười vạn tiếng, niệm năm vạn tiếng, niệm ba vạn tiếng, niệm một vạn tiếng. Tối thiểu là một ngày phải niệm một vạn tiếng Phật hiệu, chẳng thể ít hơn. Niệm một vạn tiếng Phật hiệu chẳng khó, niệm bốn chữ, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, niệm theo cách như vậy thì mất hai tiếng đồng hồ. Chẳng thể niệm một lần thì ta chia làm hai lần niệm. Chẳng thể niệm hai lần thì ta chia ra niệm bốn lần, mỗi lần nửa tiếng. Có thể niệm chừng hai tiếng đồng hồ thì đại khái sẽ đủ một vạn tiếng. Vì vậy, quý vị niệm Phật càng nhiều càng hay, lúc niệm Phật, quý vị sẽ không dấy vọng tưởng. Do tu Tây Phương Cực Lạc thế giới Tịnh Độ, nên mỗi ngày phải niệm kinh, tối thiểu phải niệm kinh một lần mỗi ngày, Phật hiệu tối thiểu phải niệm một vạn tiếng.
Công khóa sáng tối chuyên tu tịnh nghiệp, dùng Tịnh Tu Tiệp Yếu là tốt nhất, chẳng cần dùng nghi thức tụng niệm thông thường. Khóa tụng bình thường vốn do cổ đức đặt ra cho các tự viện thông thường, chẳng dành cho người chuyên tu Tịnh nghiệp. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư tuổi già đề xướng Tịnh Độ Tông, chuyên tu, chuyên hoằng. Tịnh Tu Tiệp Yếu và Bảo Vương Tam Muội Sám là trước tác sau cùng của cụ vào lúc tuổi già. Trong thế gian hiện thời, người tin pháp môn này rất ít, kẻ bài xích, hủy báng pháp môn này hết sức nhiều. Ở hải ngoại, chúng tôi thường gặp kẻ bảo: “Niệm Phật là pháp Tiểu Thừa, [người tu Tịnh Độ] là kẻ chỉ cầu giải thoát cho riêng mình. Niệm Phật là tiêu cực”, nghe thấy những ngôn luận giống như vậy rất phổ biến. Nếu bản thân chúng ta tín tâm chẳng đủ, chẳng liễu giải Tịnh Độ, nghe lời lẽ ấy cảm thấy rất có lý, chính mình ngay lập tức ngã lòng, chẳng niệm nữa. Còn nghe có kẻ nói: “Bản hội tập của cư sĩ Hạ Liên Cư chẳng phải là bản dịch gốc, Ấn Quang đại sư phản đối”. Tuy Ấn Quang đại sư phản đối, Ngài chẳng phản đối bản của cụ Hạ Liên Cư. Khi cụ Hạ Liên Cư soạn ra bản này, Ấn Quang đại sư đã vãng sanh, Ngài chẳng đọc đến! Vì sao Ngài phản đối những bản hội tập trước đó? Hội tập lần đầu là cư sĩ Vương Long Thư, Ấn Quang đại sư cũng rất bội phục cư sĩ Vương Long Thư. Cư sĩ Vương Long Thư đứng vãng sanh, biết trước lúc mất. Nếu quý vị nói bản kinh này chẳng thể hội tập, lẽ ra ông ta chẳng đứng vãng sanh. Ông ta có thể đứng vãng sanh, chứng tỏ hội tập kinh này là điều chính xác.
Vì sao Ấn Quang đại sư phản đối ba bản hội tập trong quá khứ? Là vì người hội tập sử dụng ý nghĩ của chính mình để sửa chữa kinh văn. Ngài không phản đối hội tập, mà là phản đối quý vị tùy tiện sửa đổi kinh văn, chẳng thể mở ra lệ này! Vì sau khi quý vị lập ra tiền lệ, về sau sẽ có kẻ bắt chước, [tùy tiện] sửa kinh, đến cuối cùng, kinh bị biến đổi thành tình trạng nào [chẳng ai có thể tưởng tượng được], điều này chẳng thể [chấp nhận được]! Đối với bản [hội tập] này của cụ Hạ Liên Cư, quý vị hãy đối chiếu bản hội tập ấy với năm bản dịch gốc, [sẽ thấy] cụ chẳng sửa một chữ nào. Do vậy, nếu pháp sư Ấn Quang nhìn thấy, nhất định sẽ hoan hỷ, tán thán, quý vị chẳng tìm thấy khuyết điểm! Bản hội tập trước kia của Vương Long Thư có những khuyết điểm, ông ta thường sửa chữ, đương nhiên ông ta sửa theo ý nghĩa đúng, nhưng vẫn là [tùy tiện] thay đổi chữ. Các bản của cư sĩ Bành Tế Thanh và cư sĩ Ngụy Mặc Thâm đều phạm khuyết điểm ấy. Vì vậy, cư sĩ Hạ Liên Cư mới phát tâm [hội tập một bản mới], chẳng động đến một chữ nào! Hiện thời, ấn hành Tịnh Độ Ngũ Kinh Độc Bổn, chín phiên bản bày trước mặt quý vị, quý vị hãy tự mình đối chiếu. Sau khi quý vị đối chiếu, sẽ bội phục năm vóc gieo sát đất, chẳng còn nói gì được nữa! Vì thế, lần này chúng tôi đặc biệt ấn hành toàn bộ chín phiên bản, là vì sợ có người lại phê bình, lại hoài nghi bản của cụ Hạ Liên Cư có những khuyết điểm. Chín phiên bản bày ra trước mặt, quý vị chẳng còn nói gì nữa. Quý vị hãy tự nhìn xem. Đây là lý do vì sao chúng ta phải in Tịnh Độ Ngũ Kinh Độc Bổn, lý do là ở ngay chỗ này, hy vọng mọi người đối với bản này [tin tưởng] kiên định, chẳng đổi dời. Hạ lão cư sĩ vãng sanh cũng là biết trước lúc mất. Do vậy, kẻ thiện căn, phước đức mỏng sẽ hoài nghi; người thiện căn, phước đức sâu dầy “một phen thoảng qua tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo”, sẽ chẳng hoài nghi.
Theo băng ghi âm lời khai thị trong Phật Thất tại Hương Cảng của lão pháp sư Đàm Hư, lão nhân gia có nhắc tới một đồ đệ của pháp sư Đế Nhàn. Vị đồ đệ ấy mù chữ, điều gì cũng chẳng biết. Tuy xuất gia, [cụ Đế Nhàn] cũng chẳng cho ông ta thọ giới, mà cũng chẳng bảo ông ta ở trong chùa. Vì ông ta tuổi tác đã cao, nên Sư tìm một ngôi chùa hư nát ở vùng quê thành phố Ninh Ba cho ông ta ở, dạy ông ta [gắng niệm] một câu Nam-mô A Di Đà Phật. Sư dạy: “Ông cứ thẳng thừng mà niệm, niệm mãi, niệm mệt bèn nghỉ ngơi. Nghỉ khỏe khoắn rồi lại niệm”. Người đồ đệ ấy thật sự nghe lời, đúng là khó có! Thật thà niệm Phật, niệm một câu ấy suốt ba năm, ông ta cũng đứng vãng sanh, biết trước lúc mất. Đã chết rồi mà vẫn đứng sững ba ngày, đợi sư phụ đến lo liệu hậu sự. Pháp sư Đế Nhàn thấy tình cảnh ấy, ca ngợi ông ta. Sư nói: “Pháp sư giảng kinh, thuyết pháp đương thời, trụ trì các đạo tràng chốn danh sơn, không ai có thể sánh bằng ông ta”. Ông ta chỉ biết một câu Nam-mô A Di Đà Phật sáu chữ, trừ câu ấy ra, chuyện gì cũng chẳng biết. Đã chết rồi mà vẫn đứng sững ở đó ba ngày, chẳng dễ dàng! Do vậy, học Phật phải nghiêm túc tu! Ông ta vãng sanh chắc chắn là thượng phẩm thượng sanh, công phu ba năm đấy nhé! Nay chúng ta chẳng bằng người ta, người ta đúng là thật thà niệm Phật, chúng ta chẳng thật thà! Đầu óc suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ lung tung! Nói ra những lời này [nhằm khẳng định] hoa sen lớn hay nhỏ do chính chúng ta quyết định. Chúng ta phải nghiêm túc nỗ lực, phải tu công đức chân thật, chớ nên giả vờ!
Trong Cốc Hưởng Tập, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã viết mấy câu rất trọng yếu trong đoạn cuối bài Tịnh Độ Tư Lương, tôi hết sức tán đồng! Cụ nói: Tu hành trong hiện tại, thứ nhất là “đồng tu quý tinh, chứ không quý nhiều”. “Tinh” là gì? Thật sự tu! Chúng ta gồm mười người cùng tu, trong tương lai mười người đều có thể vãng sanh, rất tuyệt vời! Hiện thời, đạo tràng chúng ta có mấy trăm người, mấy ngàn người, nhưng một người cũng chẳng thể vãng sanh, trong tương lai đều tạo ác nghiệp phải đọa trong tam đồ, vậy thì dẫu nhiều, có ích gì? Vô ích! Do đó, các đồng tu quý tinh, chẳng quý nhiều. Thứ hai là “đạo tràng trọng thực chất, không trọng hình thức”, “thực chất” là thật sự tu, thật sự phát Bồ Đề tâm, thật sự tụng kinh, niệm Phật, không do hình thức. Kiến trúc trang nghiêm, chưng dọn lộng lẫy, bề thế, hương khói rất nhộn nhịp, đồ chúng rất đông, đều là hình thức, những hình thức ấy là gì? Đạo tràng náo nhiệt, chẳng phải là thật sự tu hành. Trước kia, thầy Lý bảo tôi: “Thật sự đả Phật Thất, chẳng thể đông hơn mười người”. Nhiều hơn mười người là đã bị biến chất, biến thành pháp hội, chẳng phải là niệm Phật! Năng lực tinh thần của vị Chủ Thất Sư có thể chiếu cố mười người thì còn được; người đông quá, Chủ Thất Sư là hình thức, chẳng có cách nào chiếu cố được! Đối với mỗi cá nhân, Chủ Thất Sư đều phải quan sát và hiểu cảnh giới của người ấy, khiến cho trong bảy ngày, người ấy thật sự có thể đạt được lợi ích, thật sự có thể đạt được một chút thành tựu, như công phu thành phiến hay nhất tâm bất loạn. Đả Phật Thất nhằm cầu điều này, đông người sẽ chẳng có cách nào, đều biến thành hình thức. Con người hiện thời chuộng hình thức, chẳng trọng thực chất. Thứ ba, “chân tu phải chú trọng nhất tâm, chú trọng tâm thanh tịnh”, không xem trọng cảnh giới, không đặt nặng thần thông, không coi trọng Thiền Định, không xem trọng cảm ứng, những thứ này đều chẳng cần! Ta đến đây để cầu gì? Cầu tâm thanh tịnh.
Do vậy, ba điều cụ Hoàng đã khai thị vô cùng quan trọng. Nếu có thể tuân thủ ba điều khai thị ấy, tuy sống trong thời kỳ Mạt Pháp, cũng chẳng bị đi vào ngõ rẽ, chẳng bị lạc lối. Tuy là Mạt Pháp, nhất định có thành tựu chẳng thể nghĩ bàn! Nhưng đại đa số người hiện thời đều phạm khuyết điểm, đều nói tới bề ngoài, đều nói tới chuyện dễ coi, toàn là nói tới hình thức. Nói đạo tràng hưng vượng thì “chùa to, người đông” có phải là hưng vượng hay không? Sai mất rồi! Sai lầm quá đỗi! Chúng ta đọc Tây Phương Xác Chỉ, nhóm đồ đệ của Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát tất cả chỉ có mười hai người tu hành, mười hai người ai nấy vãng sanh, lỗi lạc thay, đạo tràng Bồ Tát đấy nhé! Do vậy, quyết định chẳng phải là đông người, chư vị nhất định phải nhớ kỹ điều này! Chúng ta phải kết hợp những người thật sự chí đồng đạo hợp, thật sự chí đồng đạo hợp là gì? Chúng ta chỉ có một mục tiêu, cầu sanh Tây Phương, cầu sanh Tịnh Độ; chúng ta cùng một nguyện vọng, hoằng dương Tịnh Độ. Có thể phát tâm như vậy, không chỉ là đồng tâm đồng nguyện với A Di Đà Phật, mà nói thật ra còn là “đồng tâm, đồng nguyện, đồng hạnh” với mười phương hết thảy các đức Như Lai, có lẽ nào chẳng vãng sanh?
(Sao) Nãi hữu dĩ hoa như xa luân, ức thử kinh tán thiện, cái vị khảo ư luân nghĩa.
(鈔) 乃有以華如車輪,抑此經散善,蓋未考於輪議。
(Sao: Có kẻ viện cớ [kinh này nói] “hoa sen to như bánh xe” để gièm chê kinh này là tán thiện, ấy là vì chưa xét đến ý nghĩa của chữ Luân).
Cổ đại đức bảo pháp môn Niệm Phật là tán thiện, đó là vì chưa thâm nhập nghiên cứu ý nghĩa của kinh, nhìn sai ý nghĩa.
(Sớ) Đại như xa luân, thả dụ hình thể, dĩ luân dụ đức, diệc hữu đa nghĩa.
(疏) 大如車輪,且喻形體,以輪喻德,亦有多義。
(Sớ: To như bánh xe, là tỷ dụ hình thể, dùng bánh xe để tỷ dụ đức, cũng có nhiều nghĩa).
Bởi lẽ, mỗi chữ, mỗi câu trong Phật pháp đều bao hàm vô lượng nghĩa. Nếu chúng ta muốn liễu giải Phật pháp, nói thật ra, chẳng phải là chuyện dễ dàng! Thật sự có thể thấu hiểu Phật pháp, nhất định phải dốc sức nơi tâm địa, tuyệt đối chẳng ở nơi văn tự, hoặc nơi chú giải! Quý vị muốn thông đạt Phật pháp bằng văn tự hoặc chú giải, đó là chuyện chẳng thể nào có! Từ xưa tới nay, chẳng dùng phương pháp ấy, chỉ có con người hiện thời mới dùng phương pháp ấy, tức là nghiên cứu kinh luận, nghiên cứu chú sớ. Trong bộ Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao, nơi phần giải thích tựa đề bộ kinh, Thanh Lương đại sư lão nhân gia đã nói rất minh bạch: “Tăng trưởng tà kiến”. Chúng ta đọc rất nhiều kinh điển, xem rất nhiều chú sớ, Phật pháp đầy ắp trong đầu, đó là tà tri, tà kiến!
Những kinh luận chẳng phải là do đức Phật nói ra ư? Đức Phật chẳng nói một câu nào! Quý vị đọc kinh Kim Cang, [thấy chép]: Nếu kẻ nào nói đức Phật thuyết pháp, kẻ đó báng Phật! Đức Phật chẳng nói một câu nào! Nói thật thà, Phật pháp chẳng có ý nghĩa, Phật pháp chẳng nói được. Tâm Phật là tâm thanh tịnh. Trong tâm thanh tịnh, chẳng sanh một niệm, há có pháp để nói? Chẳng có pháp để nói. Đức Phật thuyết pháp bốn mươi chín năm, nói lắm kinh như vậy, trong kinh đã nói rất minh bạch: “Chẳng nói mà nói, nói mà không nói”. Nếu quý vị có thể hiểu ý nghĩa này, mới là thật sự nhập Phật tri kiến. Phật chẳng nói! Đó là lời thật thà, là lời chân thật, đức Phật chẳng nói một câu nào. Vì chúng sanh có bệnh (khuyết điểm), nên đức Phật bảo cho quý vị biết lỗi này, lỗi nọ! Quý vị nói “đức Phật nói một câu”, đức Phật chẳng nói một câu nào, chỉ nói ra lỗi này, lỗi nọ của quý vị. Vì thế, phải chú tâm thấu hiểu.
Phật pháp dạy chúng ta Giác, Chánh, Tịnh. Đạt được một chữ trong ba chữ Giác, Chánh, Tịnh thì cả ba đều đạt được! Thiền Tông dốc sức nơi Giác. Hễ đã Giác, đương nhiên là đạt được Chánh và Tịnh. Giáo Hạ dốc sức nơi Chánh, người niệm Phật đổ công nơi Tịnh. Trong ba chữ ấy, Tịnh tương đối thù thắng, tương đối dễ dàng hơn. Tịnh là cầu tâm thanh tịnh, dốc sức từ chỗ này. Chỉ cần cái tâm đã thanh tịnh, quyết định là chánh tri chánh kiến, quyết định là đại giác rạng ngời, đó là đạo lý nhất định! Do vậy, cầu tâm thanh tịnh. Nay chúng ta niệm Phật, tụng kinh, mục đích đều nhằm cầu tâm thanh tịnh. Do vậy, trong niệm Phật, tụng kinh, chớ nên có vọng tưởng, chớ nên nghĩ tưởng ý nghĩa trong kinh. Chẳng cần suy tưởng ý nghĩa trong kinh thì tâm mới thanh tịnh. Nếu vừa niệm vừa nghĩ đến ý nghĩa trong kinh, tâm sẽ chẳng thanh tịnh, tức là coi kinh Phật như sách thế gian để đọc. Do đó, phải hiểu kinh Phật chẳng có ý nghĩa gì, chúng ta chỉ niệm, chẳng cầu hiểu ý nghĩa. Niệm kinh như vậy thì Tam Học Giới, Định, Huệ thảy đều trọn đủ.
Vì lẽ đó, niệm kinh, niệm Phật là tu Giới, Định, Huệ, ta mỗi ngày niệm kinh này từ đầu đến cuối một lần là tu Giới, Định, Huệ một lần. Ta niệm Phật niệm hai giờ là tu Giới, Định, Huệ hai giờ. Huệ ấy là trí huệ chân thật, là Căn Bản Trí. Căn Bản Trí là như trong kinh Bát Nhã đã nói: “Bát Nhã vô tri”, tu gì? Tu vô tri; khi khởi tác dụng, lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần bên ngoài, “không gì chẳng biết”. Không gì chẳng biết do đâu mà có? Từ vô tri mà có! Nay chúng ta phạm khuyết điểm, nên gọi là điên đảo. Trong kinh, đức Phật thường bảo chúng ta là “kẻ đáng thương xót”, là “kẻ điên đảo”, điên đảo là gì? Chúng ta dốc hết tánh mạng “cầu tri”. Dốc hết tánh mạng “cầu tri” thì kết quả là có điều không biết, thứ gì cũng đều chẳng biết! Do vậy, đức Phật dạy chúng ta: Trước hết, quý vị phải cầu vô tri, thật sự đạt đến vô tri thì sẽ “chẳng gì không biết”. Con người hiện thời chẳng chịu cầu vô tri, đòi hỏi “có biết”, điên đảo ở chỗ này! Khi thật sự thanh tịnh đạt được vô tri thì lúc mở kinh ra sẽ là vô lượng nghĩa. Nếu quý vị giảng cho người khác, trong ấy sẽ là vô lượng nghĩa. Nếu quý vị chẳng giảng thì trong ấy một tí ý nghĩa cũng đều chẳng có! Vì thế, chúng ta chẳng thể cầu hữu tri, mà hãy cầu vô tri.
Trong lúc tâm quý vị thanh tịnh, sẽ giống Lục Tổ đã nói: “Vốn chẳng có một vật”, trí huệ của quý vị liền sanh. Khi Lục Tổ gặp Ngũ Tổ, đã thưa cùng Ngũ Tổ: “Trong tâm đệ tử thường sanh trí huệ”. Trong tâm con người chúng ta hiện thời thường sanh phiền não. Người ta thường sanh trí huệ, vì sao thường sanh trí huệ? Tâm thanh tịnh, trong tâm thứ gì cũng đều chẳng có! Tâm giống như nước phẳng lặng, giống như một tấm gương, chiếu kiến! Tâm Kinh có nói: “Chiếu kiến Ngũ Uẩn đều Không”. Trong tâm chúng ta là gió to, sóng lớn, thứ gì cũng chẳng thấy được! Thấy chẳng được, bèn suy nghĩ lung tung, chỗ nào cũng suy lường, gốc bệnh ở ngay chỗ này. Vì lẽ đó, pháp môn Tịnh Độ là pháp môn xảo diệu nhất, là pháp môn thiện xảo nhất, tức là dạy chúng ta lìa khỏi phân biệt, chấp trước, vọng tưởng bằng phương pháp dùng niệm Phật, tụng kinh để bài trừ. Quý vị công phu lâu ngày, tự nhiên phân biệt, chấp trước, vọng tưởng ít đi. Vọng tưởng ít, trí huệ liền sanh, trí huệ liền tăng trưởng.
(Sao) Hình thể giả, luân thể vi viên, hữu liên tượng dã.
(鈔) 形體者,輪體圍圓,有蓮象也。
(Sao: “Hình thể”: Bánh xe tròn xoe, giống như hình dáng của hoa sen).
“Hình” là hình trạng. Nói theo phương diện “hình thể”, bánh xe là tròn. Nhìn từ phía trên, hoa sen cũng là tròn. Hình tướng tương tự, mang ý nghĩa này.
(Sao) Đa nghĩa giả.
(鈔) 多義者。
(Sao: Nhiều nghĩa).
Trong Luân, quả thật có rất nhiều ý nghĩa.
(Sao) Hựu Luân hữu chuyển nghĩa.
(鈔) 又輪有轉義。
(Sao: Lại nữa, Luân có nghĩa là chuyển động).
Nói thật ra, tác dụng lớn nhất của bánh xe là xoay tròn, có thể nói là nhân loại tiến bộ, mãi cho đến ngày nay, phát triển đến tận vũ trụ đều cậy vào sự xoay tròn. Nếu nó chẳng chuyển động thì thứ gì chẳng thể chuyển động. Nếu bánh xe hơi không xoay được thì xe có tác dụng gì nữa? Nếu động cơ máy bay chẳng chuyển động, máy bay cũng chẳng thể bay được! Tất cả hết thảy khoa học kỹ thuật đều dựa vào sự chuyển động của bánh xe. Bánh xe có ý nghĩa động, có ý nghĩa chuyển!
(Sao) Thử liên hoa giả, thác dựng chúng sanh, dịch phàm thành thánh, tức Chuyển nghĩa cố.
(鈔) 此蓮華者,托孕眾生,易凡成聖,即轉義故。
(Sao: Hoa sen này là nơi để chúng sanh gởi thân sanh về, đổi phàm thành thánh, chính là ý nghĩa Chuyển).
Từ nơi này sanh sang nơi khác là ý nghĩa Chuyển. Đối với hoa sen trong thế giới Cực Lạc, chúng sanh sanh vào hoa sen là phàm phu, nhưng vừa vào hoa sen bèn thành thánh nhân, thánh nhân như thế nào? Thưa cùng quý vị, bậc đại thánh nhân phi phàm, thành Phật! Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn chẳng có chuyện này, chỉ riêng Tây Phương Cực Lạc thế giới thù thắng, nó là pháp môn thành Phật trong một đời. “Dịch phàm thành thánh” là ý nghĩa Chuyển.
(Sao) Hựu Luân hữu Triển nghĩa.
(鈔) 又輪有輾義。
(Sao: Luân lại có nghĩa là nghiền nát).
“Triển” (輾) là giống như xe hủ lô (xe lu, rouleau-compresseur, road roller), nó có thể cán bằng, nghiền phẳng mặt đất, mang ý nghĩa này.
(Sao) Thử liên hoa giả, bất nhiễm ô trược, phá trừ phiền não, tức Triển nghĩa cố.
(鈔) 此蓮華者,不染汙濁,破除煩惱,即輾義故。
(Sao: Hoa sen này chẳng nhiễm ô trược, phá trừ phiền não, tức là ý nghĩa Nghiền Nát).
Hoa sen trong sạch, thơm sạch vi diệu. Nếu chúng ta có Phiền Não Chướng thì bốn ý nghĩa “vi diệu hương khiết” đều không có. Do vậy, người sanh vào hoa sen, tất cả hết thảy phiền não tự nhiên chẳng còn. Chúng ta vãng sanh mang theo phiền não, đới nghiệp vãng sanh, tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, những phiền não ấy tự nhiên đều chẳng còn, chúng đi đâu rồi? Chuyển biến thành trí huệ. Đó gọi là “phiền não tức Bồ Đề”, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, phiền não hễ biến đổi liền biến thành trí huệ, rất mầu nhiệm! Do vậy, chẳng cần đoạn phiền não, mà phiền não tự nhiên chẳng còn! Điều này giống như ý nghĩa Nghiền Nát.
(Sao) Hựu Luân hữu phi hành nghĩa.
(鈔) 又輪有飛行義。
(Sao: Luân lại có ý nghĩa bay đi).
“Phi hành nghĩa”, người xưa đã có thể nói như vậy, chúng ta là người hiện tại đọc đến, [cảm thấy] chẳng thể nghĩ bàn! Người hiện thời nhìn vào nghĩa “phi hành” còn tương đối hiểu được, khoa học kỹ thuật phát triển mà! Trước đây làm sao có phi hành? Có thể thấy đại khái là vào thời cổ đã có đĩa bay.
(Sao) Thánh vương kim luân.
(鈔) 聖王金輪。
(Sao: Kim luân của thánh vương).
Đây là nói tới luân bảo của Chuyển Luân Thánh Vương, nói thật ra, ngày nay chúng ta gọi nó là đĩa bay.
(Sao) Nhất nhật chi trung, nhiễu tứ thiên hạ.
(鈔) 一日之中,遶四天下。
(Sao: Trong một ngày, giáp vòng tứ thiên hạ).
“Nhất nhật” là hai mươi bốn giờ, luân bảo của Kim Luân Thánh Vương có thể nhiễu quanh thái dương hệ một vòng.
(Sao) Thử liên hoa giả, biến chí thập phương.
(鈔) 此蓮華者,遍至十方。
(Sao: Hoa sen ấy tới khắp mười phương).
Luân bảo của Kim Luân Thánh Vương chẳng thể sánh bằng hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Luân bảo của Kim Luân Thánh Vương vòng quanh thái dương hệ phải mất một ngày, hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, trong một cái khảy ngón tay hay một sát-na, có thể đến trọn khắp mười phương pháp giới, chẳng thể sánh bằng! Tận hư không khắp pháp giới, trong một niệm có thể đến trọn khắp, hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới có tốc độ như vậy, thù thắng ngần ấy!
(Sao) Tiếp bỉ niệm Phật chúng sanh.
(鈔) 接彼念佛眾生。
(Sao: Tiếp dẫn chúng sanh niệm Phật).
Người niệm Phật trong lúc vãng sanh, Phật đến tiếp dẫn. Đóa sen đức Phật cầm trên tay chính là hoa sen do chính quý vị niệm thành. Ở đây, chúng ta thờ tượng A Di Đà Phật tiếp dẫn, tay Ngài cầm một đóa sen, hoa sen ấy do chính người vãng sanh tự niệm Phật, trong ao bảy báu bèn sanh một đóa sen, lớn hay nhỏ do công phu niệm Phật của chính mình sâu hay cạn. Đức Phật cầm đóa sen ấy đến tiếp dẫn quý vị. Hơn nữa, trên hoa sen ấy có tên của chính quý vị, chắc chắn chẳng lầm lẫn!
(Sao) Quy ư Cực Lạc, tức phi hành nghĩa cố, dư bất phiền cử.
(鈔) 歸於極樂,即飛行義故。餘不煩舉。
(Sao: Trở về Cực Lạc, tức là nghĩa “phi hành”. Những điều khác chẳng phải mất công kể ra).
Trong đây có quá nhiều ý nghĩa, nói chẳng hết! Chỉ nêu ra mấy điều khá trọng yếu để quý vị hiểu được ý nghĩa.
Chuyện vãng sanh là sự thật rõ rệt từ xưa đến nay. Chúng ta đích thân mắt thấy, tai nghe rất nhiều! Ngàn vạn phần chớ nên nghĩ những điều được nói trong Tịnh Độ Tông và tôn giáo chưa chắc là thật. Nếu quý vị có lòng hoài nghi thì đúng là đáng tiếc quá, quý vị lại bỏ lỡ cơ hội trong đời này mất rồi! Thuở đầu tôi mới học Phật cũng chẳng thể tin tưởng sâu xa pháp môn này, thầy Lý khuyên nhủ tôi, thầy khuyên theo cách nào? Thầy nói: “Từ xưa tới nay, khá nhiều người nương theo pháp môn này tu học, [giả sử] những người đó đều bị lừa thì chúng ta bị lừa một lần có sao đâu?” Thầy dùng phương pháp ấy để khích lệ tôi phải tin tưởng, nghiêm túc tu học. Bị lừa ư? Được! Đời này để cho pháp ấy lừa ta một lần cũng được. Nếu pháp ấy là thật, chúng ta đạt được lợi ích to lớn! Nếu nó chẳng thật, chúng ta cũng chẳng bị thua thiệt gì!
Nhưng tôi bảo quý vị, nếu giữ thái độ ấy để niệm Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới có thể vãng sanh hay không? Có thể chứ, nhưng sanh về đâu? Biên địa nghi thành, chúng ta biết điều này. Biên địa nghi thành cũng còn khá, cũng rất khó có! Bất quá sau năm trăm năm mới có thể hoa nở thấy Phật, phải ở đó năm trăm năm, bỏ lỡ năm trăm năm mà thôi! Nhưng quý vị sẽ chẳng bị thoái chuyển, biên địa nghi thành cũng chẳng thoái chuyển, rất khó có! Dẫu là [vãng sanh trong] biên địa nghi thành, vẫn vượt trỗi các pháp môn khác. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, bất cứ pháp môn nào cũng đều chẳng sánh bằng, công đức thù thắng của biên địa nghi thành cũng chẳng thể nghĩ bàn!
(Sớ) Thanh, hoàng, xích, bạch, ngôn kỳ sắc dã.
(疏) 青黃赤白,言其色也。
(Sớ: Xanh, vàng, đỏ, trắng là nói đến màu sắc của hoa sen).
Đây là nói tới màu sắc của hoa sen, có màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, bốn loại màu.
(Sớ) Bất duy cử sắc, nhi ngôn quang giả, thử độ liên hoa, hữu sắc vô quang cố, đản cử tứ sắc giả, tỉnh văn dã.
(疏) 不唯舉色,而言光者,此土蓮華,有色無光故。但舉四色者,省文也。
(Sớ: Không chỉ nói tới màu, mà còn nói tới ánh sáng. Hoa sen trong cõi này (Sa Bà) có màu nhưng không có ánh sáng. Kinh chỉ nói bốn màu là nói đại lược).
“Thanh sắc thanh quang, hoàng sắc hoàng quang”: Hoa sen trong thế gian này có màu, chẳng có ánh sáng. Hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới vừa có màu, vừa có ánh sáng. Màu sắc và quang minh tươi đẹp đều liên quan mật thiết với sự niệm Phật của chúng ta trong hiện tại. “Đản cử tứ sắc giả, tỉnh văn”, nói tỉnh lược, trên thực tế, hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới có vô lượng màu, vô lượng quang, tuyệt đối chẳng phải là bốn thứ.
(Sao) Tứ sắc giải kiến tiền sớ.
(鈔) 四色解見前疏。
(Sao: Xem giải thích về “bốn màu” trong lời Sớ ở trên).
Trong vô lượng màu, đức Phật nêu ra đơn giản bốn màu. Nêu ra bốn màu ấy cũng có lý, vì thế gian này cũng có bốn loại màu ấy. Nếu thế gian này chẳng có, đức Phật nói ra, chúng ta khó thể tin tưởng. Nêu ra những màu này, thế gian cũng có, chúng ta liền dễ dàng tin tưởng, dễ dàng lãnh hội. Đồng thời, chúng có ý nghĩa biểu thị pháp.
(Sao) Quang giả, tùng sắc nhi phát, như châu oánh khiết, tắc năng phát quang.
(鈔) 光者,從色而發,如珠瑩潔,則能發光。
(Sao: Quang minh từ màu phát ra, giống như hạt châu trong ngần, tinh khiết, bèn có thể tỏa ánh sáng).
Đây là tỷ dụ bảo châu trong thế gian này, chỉ cần có một tia sáng yếu ớt chiếu đến nó, nó liền sanh ra tác dụng phản xạ, phản xạ ánh sáng. Tây Phương Cực Lạc thế giới do vô lượng chất báu hợp thành, Tây Phương Cực Lạc thế giới là cõi Pháp Tánh, do Tánh Đức của Chân Như bổn tánh hiển hiện, nên mỗi một loại vật chất đều tỏa ánh sáng. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, thân Phật phóng quang, Bồ Tát phóng quang, trên thân mỗi người đều có quang minh, nên thế giới ấy còn gọi là thế giới Quang Minh. Không chỉ là thế giới Liên Hoa, mà còn là thế giới Quang Minh.
(Sao) Bỉ độ liên hoa chí vi thanh tịnh, cố hữu quang dã.
(鈔) 彼土蓮華至為清淨,故有光也。
(Sao: Hoa sen trong cõi ấy, thanh tịnh tột bậc, nên có quang minh).
Ở chỗ chúng ta, hoa sen là thân thảo[4], hoa sen trong cõi kia do trân bảo hợp thành; vì thế, có quang minh.
(Sao) Đại Bổn vân: “Thanh sắc thanh quang, bạch sắc bạch quang, huyền, hoàng, châu, tử chi sắc, kỳ quang diệc nhiên”.
(鈔) 大本云:青色青光,白色白光,玄黃朱紫之色,其光亦然。
(Sao: Kinh Đại Bổn chép: “Màu xanh ánh sáng xanh, màu trắng ánh sáng trắng, màu đen, vàng, son, tía, ánh sáng cũng giống như thế).
Kinh Vô Lượng Thọ nói cặn kẽ, chẳng phải chỉ là bốn loại ấy, “huyền, hoàng, châu, tử” tượng trưng rất nhiều màu trong ấy.
(Sao) Vĩ diệp hoán lạn, minh diệu nhật nguyệt.
(鈔) 煒燁煥爛,明耀日月。
(Sao: Chói tỏa, rực rỡ, sáng ngời che lấp ánh mặt trời, mặt trăng).
“Vĩ diệp” là dáng vẻ hết sức rực rỡ, đẹp đẽ, “minh diệu nhật nguyệt” là quang minh vượt trỗi ánh sáng của mặt trời, mặt trăng.
(Sao) Nhất nhất hoa trung, xuất tam thập lục bách thiên ức quang, nhất nhất quang trung, xuất tam thập lục bách thiên ức Phật.
(鈔) 一一華中,出三十六百千億光,一一光中,出三十六百千億佛。
(Sao: Trong mỗi hoa tỏa ra ba mươi sáu trăm ngàn ức ánh sáng, trong mỗi ánh sáng xuất hiện ba mươi sáu trăm ngàn ức Phật).
Trong quang minh có hóa Phật.
(Sao) Nhất nhất chư Phật, hựu phóng bách thiên quang minh, phổ vị thập phương chúng sanh thuyết vi diệu pháp.
(鈔) 一一諸佛,又放百千光明,普為十方眾生說微妙法。
(Sao: Mỗi đức Phật lại phóng trăm ngàn quang minh, khắp vì mười phương chúng sanh nói pháp vi diệu).
Đây là sự thù thắng của hoa sen. “Vi diệu pháp” là pháp gì? Là pháp niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, là pháp vi diệu bậc nhất trong các pháp do hết thảy chư Phật đã nói! Vì pháp môn này, bất luận căn tánh nào, bất luận chúng sanh như thế nào, nam, nữ, già, trẻ, các nghề nghiệp, trình độ cạn hay sâu, từ Đẳng Giác Bồ Tát cho tới A Tỳ địa ngục, hữu tình trong chín pháp giới nương theo pháp môn này thảy đều đắc độ, đều bình đẳng thành Phật, điều này chẳng thể nghĩ bàn! Đây là vi diệu pháp chân thật.
(Sao) Cứ thử, tắc thanh, bạch, huyền, hoàng, châu, tử, dĩ thành lục sắc.
(鈔) 據此,則青白玄黃朱紫,已成六色。
(Sao: Dựa theo điều ấy, xanh, trắng, đen, vàng, son, tím, đã thành sáu màu).
Theo như kinh Vô Lượng Thọ đã giảng, chẳng phải chỉ có bốn màu.
(Sao) Nhi Phật Địa Luận phục vân thất bảo, cố tri tứ sắc, kỳ văn tỉnh cố.
(鈔) 而佛地論復云七寶,故知四色,其文省故。
(Sao: Nhưng Phật Địa Luận lại nói tới bảy báu, nên biết “bốn màu” là nói vắn tắt).
La Thập đại sư dịch kinh này, dịch “bốn màu” là nói tỉnh lược. Sáu phương Phật trong phần sau cũng là tỉnh lược, nguyên văn là mười phương.
(Sao) Kỳ thật, liên hoa cụ vô lượng sắc, cụ vô lượng quang dã. Hựu bất ngôn thuyết pháp giả, diệc văn tỉnh cố.
(鈔) 其實蓮華具無量色、具無量光也。又不言說法者,亦文省故。
(Sao: Thật ra, hoa sen có đủ vô lượng màu, có đủ vô lượng quang. Lại chẳng nói [hoa sen phóng quang, quang minh hiện Phật, Phật] thuyết pháp, tức là nói vắn tắt vậy).
Quý vị đọc kinh Vô Lượng Thọ, mới biết xác thực là hoa sen “vô lượng sắc, vô lượng quang”, “quang trung hóa Phật”, Phật lại vì hết thảy chúng sanh thuyết pháp, “thuyết vi diệu pháp”. Trong Tiểu Bổn, những chuyện này đều tỉnh lược. Cùng đọc tụng nghiên cứu Đại Bổn và Tiểu Bổn, sẽ có thể nhìn thấy ý nghĩa khá viên mãn. Hôm nay tôi giảng tới chỗ này!
[1] Thông thường, một dặm (Lý) trong các sách tiếng Hán được hiểu là dài chừng 5.000 xích (thước). Do Xích trải qua các triều đại có độ dài khác nhau, nên Lý cũng dài ngắn khác nhau. Tính đến hiện thời, một Lý bằng 500 mét và thường được gọi là Hoa Lý (dặm Tàu) để phân biệt với Anh Lý (dặm Anh (mile) tức 1.6 km) và Công Lý (km, cây số).
[2] Một Trượng là mười Xích, bằng khoảng 3m3 hiện thời.
[3] Kinh này có tên gọi đầy đủ là Đại Phương Đẳng Như Lai Tạng Kinh, một quyển, do ngài Phật Đà Bạt Đa La dịch vào thời Đông Tấn. Kinh chép đức Thế Tôn ngự tại Chiên Đàn Trùng Các trong giảng đường Bảo Nguyệt tại thành Vương Xá, có sáu mươi Hằng hà sa Bồ Tát Ma Ha Tát vân tập, Kim Cang Huệ Bồ Tát làm Thượng Thủ, Trong kinh này, đức Phật giảng giải về Như Lai Tạng và Phật Tánh. Kinh này về sau được ngài Bất Không dịch lần nữa vào đời Đường với danh xưng Đại Phương Quảng Như Lai Tạng Kinh, nhưng đa số những người nghiên cứu, đọc tụng kinh này, đều lấy bản của ngài Phật Đà Bạt Đà La làm chính.
[4] Nguyên văn là “thảo bổn”, đây là cách người Hoa dịch chữ Herbaceous, ta dịch là “thân thảo” để phân biệt với thân mộc (thân gỗ, woody). Thân thảo là những loài thực vật thân mềm, có cành, hoặc không cành, nhưng thân và cành đều không có chất gỗ cứng. Đặc điểm của loài thân thảo thường là không có thân gỗ thường trực nằm trên mặt đất. Cây có thể rụi khi hết mùa, nhưng thân ngầm (phần củ) vẫn sống dưới mặt đất, rồi lại mọc lên khi đến mùa. Các loài thân thảo thường thấy là cà-rốt, khoai lang, phòng phong (parsnip), khoai tây, mẫu đơn (peony), bạc hà, dương xỉ, các loại cỏ, sen, súng, lục bình, hướng dương, v.v…