Tập 128/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 128

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang thứ hai trăm tám mươi mốt:

          (Sao) Nhiên cổ chi bạt thiệp, cái vị thân chá thánh hiền, kim nhật bôn trì, chi thị dao chiêm ảnh tượng, nhi thả bị kinh hiểm trở, bất đạn cù lao, hà đắc hiện tại từ tôn, xả chi bất vãng.

       () 然古之跋涉,蓋為親炙聖賢,今日奔馳,祗是遙瞻影像,而且備經險阻,不憚劬勞,何得現在慈尊,捨之不往。

          (Sao: Nhưng thời cổ bôn ba ngõ hầu thân cận thánh hiền, ngày nay bươn bả chỉ là nhìn ngắm hình bóng từ xa, lại còn trải qua đủ mọi nỗi hiểm trở, chẳng sợ nhọc nhằn, cớ sao lại bỏ qua, chẳng tìm đến đấng Từ Tôn trong hiện tại?)

          Đoạn này tiếp tục nói về sự tham học, trong quá trình tu học, tham học là chuyện vô cùng trọng yếu! Không chỉ người xuất gia phải tham học, mà trước đây kẻ tại gia cầu học cũng phải nhấn mạnh chuyện tầm sư phỏng đạo, chẳng khác gì tham học trong Phật môn. Vì sư đạo là tôn kính nhất, đó gọi là “chỉ văn lai học, vị văn vãng giáo” (chỉ nghe nói trò tìm đến học, chưa nghe nói thầy phải đi đến dạy). Nghe nói chỗ nào có bậc hiền đức, chúng ta nhất định phải tự mình tới đó để hướng về vị ấy thỉnh giáo, chẳng thể tùy tiện mà mời người ấy: “Ông hãy đến chỗ này để dạy chúng tôi”. Đấy là rất khinh suất, chính mình nhất định phải đến tham cứu, bái phỏng. Mục đích tham học của cổ đức đều là như thế, nhằm thân cận thánh hiền.

          Hiện thời xu hướng triều sơn (triều bái danh sơn) rất thịnh hành. Triều sơn là di phong của sự tham học, triều bái thiện tri thức; nhưng hiện thời chúng sanh phước bạc, bậc thánh hiền chẳng còn nữa. Tại Đài Loan, khoảng cách giữa mấy đạo tràng đều chẳng xa lắm, triều sơn chỉ cần một, hai ngày là đủ thời gian rồi. Nếu ở Đại Lục, giao thông rất bất tiện! Liên Trì đại sư sống vào cuối đời Minh, lão nhân gia là người thuộc niên hiệu Vạn Lịch, Ngài nói những lời này vì thuở ấy Phật giáo đã khá suy. Các vị được gọi là Minh Mạt Tứ Đại Sư (bốn vị đại sư vào cuối đời Minh), chính là bốn vị pháp sư Liên Trì, Ngẫu Ích, Tử Bách, Hám Sơn đã tái chấn hưng Phật giáo, đấy là nhân duyên hy hữu rất khó có. Thuở ấy, triều sơn đã trở thành hiện tượng như vậy, hiện tại còn gì để nói nữa đây? Còn nói gì được nữa! Toàn là du lịch ngắm nhìn phong cảnh, ngắm nhìn hình tượng, pháp tướng trang nghiêm của Phật, Bồ Tát. Trong quá khứ, người triều sơn quả thật vô cùng nhọc nhằn!

          Chúng ta đọc Hư Vân Lão Hòa Thượng Niên  Phổ, Ngài  triều  bái

Ngũ Đài Sơn phải mất ba năm mới đến nơi. Tuổi tác cũng đã cao, thân thể cũng chẳng khỏe. Trên đường đi ngã bệnh, có lúc bệnh nặng đến mức gần như không trở dậy được, bệnh tình nghiêm trọng như thế ấy. Ngài có hằng tâm nghị lực, đáng khiến cho người khác bội phục. Cuối cùng, Ngài đạt được mục đích, đến tham lễ đạo tràng của Văn Thù Bồ Tát. Trên đường, Ngài bị bệnh nặng, gặp Văn Thù Bồ Tát đến cứu giúp. Lúc ấy, Ngài hoàn toàn chẳng biết đó là Văn Thù Bồ Tát. Văn Thù Bồ Tát hóa thành một người xuất gia nghèo khổ, nhếch nhác, mặc quần áo rách nát, tả tơi, giống như kẻ ăn xin bên ngoài. Mỗi lần Sư ngã bệnh, hoặc khi gặp đại nạn, người ấy đều xuất hiện trước mặt, đến giúp đỡ Sư, chăm sóc Ngài, cho Ngài uống thuốc, mãi cho đến khi hết bệnh mới ra đi. Người ấy bảo Ngài: “Tôi ở núi Ngũ Đài, có tên là Văn Cát”. Sau này, Ngài đến núi Ngũ Đài, hỏi dò về người ấy, có vị lão hòa thượng bảo: “Đó là Văn Thù Bồ Tát hóa thân”, Ngài mới biết!

          Ở đây, Liên Trì đại sư khuyên chúng ta, chúng ta tham học là tham lễ thiện tri thức, nay A Di Đà Phật ở Tây Phương là hiện tại Phật, là vị thiện tri thức bậc nhất trong mười phương thế giới, vì sao quý vị không đến tham phỏng Ngài? Có nghĩa là: Vì sao chẳng cầu vãng sanh? Vì sao chẳng đến gặp A Di Đà Phật? Quý vị phải hứng chịu khổ cực nhiều ngần ấy, đi ra ngoài triều sơn bái Phật, đi tham lễ, kết quả là điều gì quý vị cũng chẳng đạt được, đúng là đã tốn công triều bái vô ích! Có lúc không chỉ là triều bái suông, mà còn đạt hiệu quả trái ngược! Quý vị tham phỏng một vị thiện tri thức, Ngài chỉ dạy quý vị một đường lối. Quý vị tham phỏng hai vị thiện tri thức, bèn được chỉ dạy hai con đường. Quý vị tham phỏng ba bốn vị, sẽ đứng ở ngã tư, chẳng biết phải đi theo đường lối nào mới nên? Vậy là khổ rồi!

          Rốt cuộc chúng ta học điều gì mới nên? Liên Trì đại sư nêu ra ý nghĩa này, nói thật ra, chẳng khác gì thái độ tiếp dẫn học trò của pháp sư Ấn Quang, bảo quý vị hãy thật thà niệm Phật, chẳng cần phải chạy Đông rảo Tây, khiến thời gian lẫn tinh lực đều bị lãng phí. Quý vị đã có thời gian và tinh lực như vậy, cớ sao chẳng khéo niệm Phật? Chúng ta phải thấu hiểu điều này, đoạn tiếp theo là nói…

          (Sao) Thành Đông lão mẫu.

          () 城東老母。

          (Sao: Một bà cụ ở phía Đông thành).

          Công án này nhằm thời Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế.

          (Sao) Dữ Phật đồng sanh nhi bất kiến Phật, phi thử chi lưu da?

          () 與佛同生而不見佛,非此之流耶。

          (Sao: Sanh cùng thời đức Phật mà chẳng thấy Phật, chẳng phải là loại người ấy ư?)

          Bà cụ ở phía Đông thành sống cùng thời đại đức Phật, cũng ở không xa [tinh xá nơi đức Phật trụ], nhưng vô duyên với Phật, chẳng thích thấy Thích Ca Mâu Ni Phật. Trông thấy Thích Ca Mâu Ni Phật đi đằng trước, bà ta liền quay đầu, đi sang chỗ khác, luôn tránh né, chẳng gặp. Tuy bà ta không muốn thấy Phật, nhưng đức Phật thường hiện ra trước mặt bà. Hiện ra trước mặt, bà ta bèn tránh né. Bà già ấy từ phía Đông đi đến, đức Phật liền hiện tại phía Đông. Bà ta thấy Phật liền ngoảnh mặt, đi về phương Nam. Đức Phật lại hóa một thân khác tại phía Nam để chặn bà ta. Bà ta lại chạy về phía Tây, đức Phật lại hóa thân ở phương Tây, khiến cho bốn phía đều là Phật. Kết quả, bà ta khóc rống lên, lấy tay bưng mặt chẳng nhìn Phật. Kết quả là mỗi đầu ngón tay đều hóa hiện một vị Phật, mười đầu ngón tay là mười tượng Phật. Nghiệp chướng nặng nề dường ấy! Đây là giải thích câu “tự cam đọa lạc, bất nguyện kiến Phật” (tự cam đọa lạc, chẳng mong thấy Phật). “Thị tắc danh vi khả lân mẫn giả” (do vậy, gọi là kẻ đáng thương xót), thật sự đáng thương. Chẳng có duyên với Phật, đích xác là Phật cũng chẳng có cách nào độ bà ta. Bà cụ ở phía Đông tòa thành cũng là một thí dụ rất hay!

          (Sao) Quá vị chi Phật, thế sở nan phùng.

            () 過未之佛,勢所難逢。

          (Sao: Phật quá khứ và vị lai, đương nhiên khó gặp).

           “Quá” là quá khứ, “vị” là vị lai. Quá khứ Phật, vị lai Phật, quả thật chúng ta rất khó gặp gỡ!

          (Sao) Hiện tại không quá, cố khả lân mẫn.

          () 現在空過,故可憐憫。

          (Sao: Bỏ qua vị Phật hiện tại, nên rất đáng thương xót).

          A Di Đà Phật là hiện tại Phật. Nếu quý vị bỏ lỡ hiện tại Phật, thật sự là “kẻ đáng thương xót”! Do vậy, một người thật sự niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, trong mười hai thời, tâm quyết định chớ nên rời khỏi A Di Đà Phật. Phật hiệu chớ nên gián đoạn, miệng có thể gián đoạn, nhưng trong tâm chớ nên gián đoạn. Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: “Ức Phật, niệm Phật, hiện tiền, đương lai, tất định kiến Phật” (Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai nhất định thấy Phật). Ức Phật là trong tâm phải nghĩ tới Phật, chúng ta đọc kinh là nghĩ tới Phật. Đọc chú giải như bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư, hoặc chú giải kinh Vô Lượng Thọ đều là “ức Phật”, trong tâm chúng ta chẳng lìa Phật. Vì người khác diễn nói cũng là niệm Phật, ta giảng giáo lý Tịnh Độ cho người khác nghe, khuyên người khác tin tưởng, khuyên người khác phát nguyện, thảy đều là niệm Phật. Ắt phải làm như vậy thì trong mười hai thời, trong tâm chúng ta đích xác chẳng hề rời lìa A Di Đà Phật. Như vậy thì trong tâm chúng ta mới chẳng có hoài nghi, mới nắm chắc chúng ta quyết định thành tựu trong một đời này, quyết định chẳng bỏ lỡ một đời này, chẳng có gì khẩn yếu bằng chuyện này. Đoạn cuối cùng là xứng lý, tức là bàn luận xứng tánh.

          (Sao) Xứng lý, tắc tự tánh thể tự linh tri, thị “kỳ độ hữu Phật” nghĩa; tự tánh tức kim hiển hiện, thị “hiện tại thuyết pháp” nghĩa.

            () 稱理,則自性體自靈知,是其土有佛義;自性即今顯現,是現在說法義。

          (Sao: Xứng lý thì Thể của tự tánh vốn linh tri chính là ý nghĩa “cõi ấy có Phật”, tự tánh nay hiển hiện là ý nghĩa “hiện tại thuyết pháp”).

          Đây là nói xứng tánh. Tự tánh của chúng ta vốn là linh minh giác tri, cổ đức thường nói “trạm tịch linh minh” để hình dung tự tánh của chúng ta. Đó là “kỳ độ hữu Phật” (cõi ấy có Phật), cõi ở đây là cõi Pháp Tánh. Tận hư không, khắp pháp giới, thường nói là “theo chiều ngang trọn khắp mười phương, theo chiều dọc cùng tột ba đời”, nơi nào chẳng có Phật? Có! Nơi đâu cũng đều có, lúc nào cũng hiện diện, đó là tự tánh giác. Bất giác thì chúng ta sẽ mê mất vị Phật ấy, tìm Phật chẳng ra!

          Tự tánh không mê là ý nghĩa “hiện tại thuyết pháp”. Câu cuối cùng là “tự tánh tức kim hiển hiện” (tự tánh nay bèn hiển hiện), “hiển hiện” là chẳng mê. Hiển hiện bằng cách nào? Trong tác phẩm chú giải kinh Lăng Nghiêm, Giao Quang đại sư đã bảo chúng ta hãy “bỏ Thức dùng Căn” thì sẽ chẳng mê. Thức là mê, nhưng tánh của Căn chẳng mê. Nếu chúng ta có thể sử dụng tánh của Căn, sẽ chẳng khác gì chư Phật, Bồ Tát. Thấy sắc, chúng ta dùng tánh Thấy để thấy, nghe tiếng, chúng ta dùng tánh Nghe để nghe, chẳng giống như phàm phu, Nhị Thừa, Quyền Giáo Bồ Tát, họ dùng Nhãn Thức thấy Sắc Trần, dùng Nhĩ Thức nghe Thanh Trần, đều là mê, chẳng giác. Phật, Bồ Tát khác chúng ta. Phật, Bồ Tát dùng tánh Thấy để thấy Sắc Tánh, minh tâm kiến tánh, dùng tánh Nghe để nghe Thanh Tánh, bên ngoài sẽ chẳng phải là sáu trần, mà là sáu tánh. Điều này gọi là “minh tâm kiến tánh”. Nói rất huyền, không chỉ là chúng ta chẳng có cách nào làm được, mà sợ rằng nghe cũng nghe không hiểu! Chúng tôi nói ý nghĩa này nông cạn hơn một chút để chư vị hiểu đại khái.

          Lúc mắt chúng ta thấy sắc bèn có phân biệt, tâm phân biệt dấy lên, đó là Nhãn Thức, thức thứ sáu là Ý Thức. Đó là thấy bằng Thức, trông thấy Sắc Trần. Trong sự thấy Sắc, dấy lên chấp trước, chấp trước là Mạt Na Thức, Mạt Na Thức chấp trước. Lúc thấy sắc bèn liên tưởng, nghĩ tới quá khứ, nghĩ tới tương lai, suy nghĩ liên tục nối tiếp dấy lên. Đó là cái Thấy do chủng tử trong A Lại Da Thức hiện hành, thấy bằng vọng tưởng, đó là tình thức, chẳng phải là tánh. Thấy bằng tánh Thấy là thấy như thế nào? Thấy rõ ràng, minh bạch, trong ấy chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, chẳng có vọng tưởng. Nói cách khác, lìa hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng là thấy bằng tánh Thấy. Thấy bằng tánh Thấy, sẽ thấy sắc tánh bên ngoài, tánh là bình đẳng, tánh là nhất như. Nếu trong ấy quý vị phân biệt xấu – đẹp thì trong thức mới có phân chia, trong tánh không có, trong tánh chẳng tìm được tốt – xấu! Tốt – xấu do tâm phân biệt và tâm chấp trước sanh khởi. Lìa khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước, há chỗ nào còn có [phân biệt, chấp trước]? Chẳng còn nữa!

          Cho nên nhìn bằng tánh Thấy, nghe bằng tánh Nghe, thế gian này sẽ là bình đẳng, thế giới đó gọi là Nhất Chân pháp giới. Do vậy, Nhất Chân pháp giới ở chỗ nào? Ở ngay trước mặt. Vì sao quý vị chẳng thấy? Vì quý vị có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, nên quý vị chẳng thấy. Quý vị lìa khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, cảnh giới hiện tiền là Nhất Chân pháp giới. Vì vậy, Phật, Bồ Tát khác với chúng ta, [các Ngài] vĩnh viễn chẳng có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, chẳng có! Đó là như trong [chú giải] kinh Lăng Nghiêm, pháp sư Giao Quang đã dạy chúng ta “bỏ Thức dùng Căn”. Bỏ hết thảy phân biệt là bỏ thức thứ sáu (Ý Thức). Thức thứ sáu tức Ý Thức phân biệt, thức thứ bảy chấp trước, thức thứ tám là căn nguyên của vọng tưởng.

          Trong phẩm [Như Lai] Xuất Hiện của kinh Hoa Nghiêm, đức Phật

cũng nói rõ ràng: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”. Nói cách khác, hết thảy chúng sanh và Phật giống nhau, bình đẳng, chẳng có mảy may sai biệt nào! Trí huệ, thần thông, đạo lực chẳng có thứ gì bất bình đẳng. “Nhưng do vọng tưởng, chấp trước, nên chẳng thể chứng đắc”, đây là đã nói rõ gốc bệnh của hết thảy chúng sanh. Vì sao quý vị không thể chứng đắc? Do quý vị có vọng tưởng, chấp trước. Vì thế, sau đó, đức Phật có nói: Chỉ cần quý vị có thể lìa vọng tưởng, chấp trước thì tự nhiên trí, vô sư trí, trí huệ Bát Nhã thảy đều hiện tiền. Trong cảnh giới, sáu căn tiếp xúc sáu trần là chỗ chúng ta tu hành, vì sao vẫn muốn khởi phân biệt, chấp trước? Rốt cuộc người giác ngộ đã giác điều gì? Giác điều này. Giác rồi khởi tu, sau khi ngộ bèn bắt đầu tu, tu gì vậy? Tu sửa những sai lầm trong dĩ vãng, từ đó trở đi, thấy sắc, nghe tiếng, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, chẳng còn phân biệt, chấp trước nữa, như vậy thì sẽ chẳng khác gì Phật.

          Trong hết thảy các pháp chẳng có lỗi, mà cũng chẳng có công. Công và lỗi là đối lập. Đã không có lỗi, lấy đâu ra công? Ác đã không có, lấy đâu ra thiện? Hết thảy thiện – ác tương đối thảy đều chẳng còn, do tương đối chẳng còn, nên mới gọi là Nhất Chân pháp giới. Do vậy, pháp giới chỉ có Nhất Chân. Vừa mới khởi tâm động niệm, Nhất Chân pháp giới liền biến thành đối lập, biến thành tương đối.

          (Sao) Chung triêu thị Phật trắc, bất kiến kim dung, cánh nhật tọa pháp diên, võng văn diệu đạo. Toại sử Ma Vương hỗn ư Phật điện, tà pháp loạn hồ chân tông, đản năng phản chiếu tâm nguyên, Phật pháp nhất thời song túc.

          () 終朝侍佛側,不見金容,竟日坐法筵,罔聞妙道。遂使魔王混於佛殿,邪法亂乎真宗,但能返照心源,佛法一時雙足。

          (Sao: Trọn ngày chầu hầu bên Phật, chẳng thấy kim dung; suốt ngày ngồi nơi giảng tòa, chẳng nghe đạo mầu, khiến cho Ma Vương trà trộn Phật điện, tà pháp rối loạn chân tông. Chỉ cần phản chiếu nguồn tâm, Phật và pháp sẽ cùng lúc trọn đủ).

          Đoạn này giải thích vô cùng hay. “Chung triêu thị Phật trắc” (trọn ngày chầu hầu bên Phật), đây là tỷ dụ, như tôn giả A Nan là thị giả của Thích Ca Mâu Ni Phật, suốt ngày từ sáng đến tối chẳng rời khỏi Phật Đà. Trong tỷ dụ này, Phật là gì? Là Chân Như bổn tánh của chính mình, chúng ta có lúc nào lìa khỏi Chân Như bổn tánh? Còn thân thiết hơn ngài A Nan hầu Phật, chẳng có phút, giây, hay sát-na nào rời lìa! Trước nay chưa hề rời lìa, mang ý nghĩa này. “Bất kiến kim dung” (chẳng thấy dung mạo vàng ròng), tức là quý vị chưa ngộ! Vì sao quý vị chẳng thấy tánh? “Cánh nhật tọa pháp diên, võng văn diệu đạo” (Suốt ngày ngồi nơi giảng tòa, chẳng nghe đạo mầu): “Cánh nhật” là suốt ngày, “pháp diên” là giảng tòa, mỗi ngày đều nghe giảng trong giảng đường vẫn chẳng khai ngộ, tức là có mắt như mù, có tai như điếc, chẳng thấy, chẳng nghe. Chẳng thấy, chẳng nghe tức là quý vị chưa thể ngộ nhập tâm tánh, chưa thể minh tâm kiến tánh. Vì sao chẳng kiến tánh? Nếu dùng pháp môn Niệm Phật [để nói], sẽ rất đơn giản: Chưa thể đắc nhất tâm! Quý vị chưa thể đắc nhất tâm [nên chưa kiến tánh]. Hễ đắc nhất tâm sẽ thấy Phật, đắc nhất tâm bèn nghe diệu đạo, bèn ngộ đạo.

          Nguyên nhân ấy là như chúng tôi vừa mới nói, chúng ta nhìn, nhưng chẳng thể thấy, nghe mà chẳng thể nghe. Vì sao? Thấy thì chúng ta dùng Nhãn Thức để thấy, dùng thức thứ sáu tức Ý Thức và thức thứ bảy để thấy, vĩnh viễn chẳng thấy “kim dung”. Nghe thì chúng ta dùng Nhĩ Thức để nghe, dùng thức thứ sáu tức Ý Thức và thức thứ bảy để nghe; do vậy, vĩnh viễn chẳng khai ngộ. Mắc khuyết điểm ở chỗ này! Trong Khởi Tín Luận và kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đều dạy chúng ta như thế này: Phải “lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên”. Thấy như vậy, nghe như thế, chẳng khác gì Phật, Bồ Tát! Lìa ngôn thuyết, lìa danh tự, lìa tâm duyên, tâm duyên là vọng tưởng, tức là trong tâm phan duyên (nắm níu), liên tưởng, những thứ ấy đều tách lìa. Nói cách khác, chẳng khác gì “bỏ Thức dùng Căn” như Giao Quang đại sư đã nói, quý vị hoàn toàn tương đồng! Nhưng chúng ta biết, tuy biết mà chẳng làm được, vì thế, vẫn là vô dụng! Biết là “giải ngộ”, làm được là “chứng ngộ”, như vậy thì mới hữu dụng. Giải ngộ vô dụng, ắt phải là chứng ngộ thì mới có thể thật sự làm được.

          Hai câu kế đó nói về trạng huống hiện tại của chúng ta. “Toại sử Ma Vương hỗn ư Phật điện” (khiến cho Ma Vương trà trộn nơi Phật điện), Ma Vương là gì? Ma phiền não tham, sân, si, mạn, Ngũ Ấm ma, sanh tử ma, đó là Ma Vương. Ma Vương lén chiếm Phật điện. Trạng huống hiện tiền của chúng ta là như thế, chẳng phải là Phật nắm quyền, mà là ma nắm quyền. Vì “võng văn diệu đạo” (chưa nghe diệu đạo), nên “tà pháp loạn hồ chân tông” (tà pháp rối loạn chân tông), “tà pháp” là tà tri tà kiến. Tà tri tà kiến là gì? Chỉ cần quý vị có tư tưởng, có kiến giải, thảy đều gọi là tà tri tà kiến. Nếu chúng ta hỏi: Phật có tư tưởng hay không? Có kiến giải hay không? Thưa với quý vị, Phật không có. [Nghe nói như vậy, quý vị bèn bắt bẻ]: Đức Phật nói các pháp, nói kinh điển nhiều ngần ấy, chẳng phải là có rất nhiều tư tưởng, kiến giải trong ấy hay sao? Quý vị đọc kinh Kim Cang, [sẽ thấy] đức Phật chẳng thuyết pháp, Ngài phủ nhận hết thảy. Nếu kẻ nào nói Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp, kẻ đó được gọi là “báng Phật”! Đức Phật chẳng thuyết pháp. Lời này là thật, chẳng giả. Do vậy, sự thuyết pháp của đức Phật thường được nói là “chẳng nói mà nói, nói nhưng chẳng nói” quý vị phải hiểu ý nghĩa này.

          Vì sao là “chẳng nói”? Vì Phật không có tư tưởng, chẳng có kiến giải, đối với bất cứ vấn đề gì, Phật đều không có cách nhìn [riêng biệt]. Quý vị nhìn như thế nào, Ngài nhìn như thế ấy, Phật chẳng có cách nhìn [của riêng mình]. Tâm Phật thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần, há Phật có pháp? Há có pháp để có thể nói? Ma mới có pháp để có thể nói, Phật chẳng có pháp nào để có thể nói. Chẳng có pháp? Vì sao thuyết pháp nhiều dường ấy? Đức Phật vì chúng sanh tháo khằn, cởi trói[1]. Nói cách khác, giống như thầy thuốc chữa bệnh, thấy kẻ này có bệnh, được rồi! Tôi kê một toa thuốc, cho quý vị một ít thuốc, quý vị uống vào bèn khỏi bệnh. Đã khỏi bệnh thì thuốc cũng chẳng còn! Người khỏe mạnh há dùng thuốc? Người bệnh mới dùng thuốc! Người khỏe mạnh chẳng dùng thuốc. Đức Phật tùy thuận chúng sanh, kê toa cho những kẻ bị bệnh, Phật có phải dùng thuốc hay không? Chẳng có!

          Nói cho quý vị biết phương pháp này, quý vị nghe xong, đã ngộ, quý vị cũng chẳng có chuyện gì, mà Phật cũng chẳng có chuyện gì! Nếu quý vị chưa ngộ, chuyện của quý vị chẳng giải quyết, nhưng Phật vẫn chẳng có chuyện gì! Đức Phật quyết định chẳng nói: “Quý vị chưa xong thì ta vẫn còn có chuyện này nọ”. Chẳng có! Phật vẫn là chẳng có chuyện gì. Từ đầu đến cuối, Phật đều chẳng có chuyện gì. Vì thế, Phật chẳng có pháp nào để có thể nói, xác thực là như thế! Chính vì như thế, nên người nghe kinh chúng ta phải biết nghe, biết nghe là nghe như thế nào? “Thính nhi vô thính, vô thính nhi thính” (nghe mà chẳng nghe, chẳng nghe mà nghe) thì mới có thể tiến nhập. Chúng ta có nghe, hỏng rồi! Có nghe sẽ ra sao? Rơi vào trong Ý Thức, rơi vào tri kiến. Hễ có nghe bèn tăng trưởng tà tri tà kiến. Vậy thì được rồi, tôi chẳng nghe gì hết, tức là “vô thính”. “Vô thính” như thế cũng không được! Vô thính bèn đọa trong vô minh, tăng trưởng vô minh. Đây là chỗ khó khăn trong Phật pháp!

          Thiên Thai đại sư giảng Tam Đế Tam Quán, tức là “tức Không, tức Giả, tức Trung”. Tam Đế Tam Quán đồng thời, chẳng có trước, sau, nên mới có thể tương ứng với chân tướng sự lý của tâm tánh. Chuyện này vô cùng khó khăn! Kẻ bình phàm chúng ta luôn tách Không, Giả, Trung thành ba chuyện, chẳng coi chúng là một chuyện. Hơn nữa, còn luôn coi chúng gồm ba giai đoạn, chẳng biết chúng là đồng thời. Do vậy, chẳng dễ dàng khế nhập, nguyên nhân là ở chỗ này. Trong cuộc sống, đối với đức Phật, Không, Giả, Trung như nhau, diệu là diệu ở chỗ này! Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, trong hết thảy thời, hết thảy chỗ đều là tức Không, tức Giả, tức Trung. Nói Không là nói theo Thể, như Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết pháp, nói mà chẳng nói, chẳng nói là Không, nói là Giả, giả hữu, chân không (Có là giả, Không là thật). Không và Có đồng thời, nói và chẳng nói là một, chẳng hai. Phàm phu chúng ta nghĩ “có nói” chẳng phải là “không nói”, “không nói” bèn chẳng phải là “có nói”, biến Có và Không thành hai điều đối lập, chẳng biết Có và Không chẳng phải là đối lập, Có và Không đồng thời, Có và Không là một Thể, đó là Trung Đạo. Đúng như kinh Hoa Nghiêm đã nói “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”. Vô ngại là Trung Đạo, hữu ngại chẳng phải là Trung Đạo, vì nó có chướng ngại. Do vậy, hết thảy các pháp đều không có chướng ngại.

          Nếu chúng ta nhập từ chỗ này, sẽ có thể tiến nhập, sẽ có thể thấu hiểu. Do đó, chúng ta mới đạt được Chân Như bổn tánh, Pháp Thân lý thể, nhất tâm bất loạn. Nếu chẳng hiểu chân lý này, không biết phương pháp này, chúng ta muốn nhập cảnh giới này, rất khó! Vì thế, “nói mà chẳng nói, chẳng nói mà nói”, “nghe mà chẳng nghe, chẳng nghe mà nghe” là một nguyên tắc rất cao. Nếu hiểu rõ nguyên tắc này, vận dụng vào sáu căn, áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, thấy mà chẳng thấy, chẳng thấy mà thấy, tiếp xúc mà chẳng tiếp xúc, chẳng tiếp xúc mà tiếp xúc thì sẽ không gì chẳng tự tại! Đó là thật sự giải thoát, chân thật tự tại. Tâm địa quyết định thanh tịnh, chẳng có vướng mắc, tâm và cảnh giống nhau! Vừa mới có phân biệt, chấp trước, bèn rơi vào tà kiến, rơi vào vô minh.

           “Tà pháp loạn hồ chân tông” (tà pháp rối loạn chân tông), chữ “tà pháp” trọn chẳng phải là nói về các pháp ở ngoài Phật giáo. Nếu quý vị chẳng hiểu ý nghĩa này, tất cả hết thảy kinh điển đều gọi tà pháp! Thí dụ như niệm Phật, chúng ta niệm Phật chưa thể đạt đến tâm địa thanh tịnh, nói cách khác, chưa thể niệm đến mức độ công phu thành phiến thì chúng ta niệm Phật cũng gọi tà pháp. Nếu niệm Phật là chánh pháp, quý vị nhất định phải niệm đến mức công phu thành phiến, niệm đến nhất tâm bất loạn, đi vào khuôn khổ, nhất định có thể đạt đến mục tiêu ấy. Quý vị niệm Phật vài chục năm, chẳng đạt tới mục tiêu ấy, nhất định là đã lạc lối mất rồi! Do vậy, [nói tới] Phật pháp thì Pháp có nghĩa là “quỹ trì”, giống như “quỹ đạo”. Xe lửa chạy trên quỹ đạo (đường rầy). Chỉ cần nó đừng trật đường rầy, chúng ta biết xe lửa lái từ nơi đây, mấy giờ, mấy phút sau sẽ nhất định đến trạm kế tiếp. Quý vị lái xe ở đây, lái bao nhiêu năm, chẳng đến trạm kế tiếp, điều này đúng là có vấn đề, vấn đề to lớn. Chắc chắn là đã trật quỹ đạo rồi. Do vậy, chắc chắn là tà pháp, chẳng phải là chánh pháp. Chư vị nhất định phải hiểu rõ đạo lý này. Các pháp môn khác đều nói “minh tâm kiến tánh”, nếu quý vị chưa thể minh tâm kiến tánh thì sẽ là tà pháp. Trong pháp môn Niệm Phật thì nói vãng sanh Tịnh Độ; nếu quý vị chưa vãng sanh thì cũng là tà pháp, chẳng phải là chánh pháp. Tà và chánh phân định theo cách như vậy.

          Do đó, mục tiêu thứ nhất của niệm Phật là niệm đến mức tâm chúng ta thanh tịnh, trong “mười hai thời” là suốt ngày từ sáng đến tối, trong tâm niệm Phật chẳng ngừng, “chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, chẳng hoài nghi”, thật sự làm được chín chữ ấy, đó là công phu thành phiến, đới nghiệp vãng sanh, quyết định vãng sanh. Trong công phu thành phiến cũng có ba bậc, chín phẩm. Ba phẩm thượng không chỉ biết trước lúc mất, mà còn sanh tử tự tại, muốn đi lúc nào thì đi lúc đó, muốn trụ thêm mấy năm cũng chẳng trở ngại gì, sanh tử tự tại! Công phu thành phiến bèn có thể sanh tử tự tại. Nhất tâm bất loạn thì càng chẳng cần phải nói nữa. Từ đó (công phu thành phiến) lại nâng cao hơn sẽ là nhất tâm bất loạn. Trong nhất tâm bất loạn có Sự nhất tâm, Sự nhất tâm bất loạn là đoạn Kiến Tư phiền não. Nếu nói theo công phu tu chứng thì bằng với A La Hán, Bích Chi Phật. Tiểu Thừa sau khi tu thành Tu Đà Hoàn phải qua lại trong nhân gian hoặc cõi trời bảy lần mới có thể chứng quả A La Hán. Người niệm Phật chúng ta có thể chứng đắc trong một đời, hàng Tiểu Thừa chẳng thể sánh bằng. Do vậy, pháp môn này là đại pháp viên đốn. Công phu vẫn không phải chỉ là như vậy, mà còn nâng cao hơn một tầng là Lý nhất tâm bất loạn. Lý nhất tâm là phá một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh, ở đây nói là quý vị thấy “kim dung”, nghe “diệu đạo”. Nếu không, sẽ là “Ma Vương hỗn ư Phật điện, tà pháp loạn hồ chân tông” (Ma Vương trà trộn trong điện Phật, tà pháp rối loạn chân tông), nhất định là hiện tượng này. Hàng phàm phu, Nhị Thừa, Quyền Giáo Bồ Tát đều có hiện tượng như vậy.

          Hai câu tiếp đó dạy chúng ta cách đối trị như thế nào. Bất luận tà ma nhiễu loạn như thế nào, tâm tánh và chánh pháp của chúng ta quyết định chẳng bị dao động. Nếu nó thật sự bị nhiễu loạn, dao động, sẽ chẳng gọi là Chân Như hay bổn tánh. Chẳng động! Đại sư dạy chúng ta “đản năng phản chiếu tâm nguyên” (chỉ nên phản chiếu nguồn tâm), “phản chiếu” là hồi quang phản chiếu, quý vị chịu quay đầu. Đó là phương pháp! Phương pháp này tuyệt diệu! Đặc biệt là kẻ sơ học hãy nên hiểu, nên biết sử dụng. Phương pháp này thường được nói là “quay đầu là bờ”, quay gì vậy? Quay tâm niệm lại, tức là xoay chuyển ý niệm. Hữu niệm thì niệm ấy bèn hướng ra ngoài rong ruổi, rong ruổi bên ngoài là phan duyên. Quay đầu là thâu hồi ý niệm ấy, đó là “quay đầu”. Tam Quy Y mang ý nghĩa này: Quy y Phật, từ mê quay về nương theo giác. Hễ quay lại bèn giác. Tà, quay trở lại bèn là chánh; nhiễm, quay trở lại bèn là thanh tịnh, tức là quý vị có thể hồi quang phản chiếu hay không!

          Chiếu theo tâm nguyên của quý vị, tâm nguyên là bổn tánh. Chân Như bổn tánh là như Lục Tổ đã nói: “Vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần”. Vốn chẳng có một vật, cũng là lúc một niệm chẳng sanh. Một niệm chẳng sanh, hiểu rõ ràng, rành rẽ bên ngoài, đó là “tâm nguyên”. Nếu một niệm chẳng sanh, nhưng thứ gì bên ngoài đều chẳng hay biết, đó là vô minh, chẳng phải là tâm nguyên. Một niệm chẳng sanh, thứ gì bên ngoài cũng đều biết rõ ràng, thứ gì cũng đều hiểu rõ; không chỉ hiểu rõ chuyện trước mắt, mà quá khứ, tương lai thảy đều hiểu rõ, đó là tự tánh giác. Chúng ta muốn phản chiếu, nhưng phản chiếu chẳng được, chẳng thể phản chiếu, làm thế nào đây? Thưa cùng quý vị, pháp môn này tuyệt diệu, thù thắng, quả thật chẳng giống những pháp môn khác. Vì sao? Dễ dàng! Các pháp môn khác khó khăn. Pháp môn này hồi quang phản chiếu tức là quý vị ngay lập tức quay trở lại nghĩ đến một câu A Di Đà Phật, [như vậy là đã] quay về rồi!

          Khi sáu căn của chúng ta tiếp xúc sáu trần, dấy lên tham, sân, si, mạn, đó là mê, tà, nhiễm. Trong khi ấy, bỗng nhiên một niệm giác ngộ, niệm một tiếng A Di Đà Phật bèn là quay về, phản chiếu. Cổ đức bảo: Chúng ta khởi tâm niệm một câu A Di Đà Phật thì niệm ấy là Thỉ Giác, tức là bắt đầu giác ngộ. Câu A Di Đà Phật được niệm chính là tâm nguyên, là Bổn Giác của chúng ta. Thỉ Giác và Bổn Giác là một, chẳng hai, được gọi là Cứu Cánh Giác. Bản thân năng niệm (cái tâm niệm Phật) và sở niệm A Di Đà Phật (đức Phật A Di Đà được niệm) cũng chẳng tách rời, trong ấy chẳng có giới hạn. Vì thế, xác thực là Pháp Tánh, là bản thể, là tâm nguyên. Trong pháp môn Niệm Phật, điều này dễ hiểu, dễ làm. Nói cách khác, ngay trong lúc chúng ta khởi tâm động niệm chính là cửa ải trọng yếu, có thể lập tức giác ngộ, lập tức chuyển niệm ấy thành A Di Đà Phật, như vậy là được rồi, đó chính là “phản chiếu tâm nguyên”.

          Khi ấy “Phật pháp nhất thời song túc” (Phật và pháp đồng thời trọn đủ). “Phật” là đại trí đại giác, “Pháp” là chánh tri chánh kiến. Đại trí đại giác và chánh tri chánh kiến đồng thời hiện tiền. Hai thứ ấy đều cùng viên mãn, trọn đủ. Ở đây toàn là nói về tâm niệm của chúng ta, đừng để tâm niệm chạy rong bên ngoài. Đại Thế Chí Bồ Tát bảo: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” chính là chú giải câu “phản chiếu tâm nguyên”. Chúng ta nhiếp trọn sáu căn, chẳng để cho sáu căn rong ruổi, phan duyên theo cảnh giới sáu trần bên ngoài, thâu hồi chúng, thâu tóm tất cả trong một câu Phật hiệu là được rồi!

          Nhị, biệt thích. Sơ y báo, nhị chánh báo.

          Sơ, tổng minh Cực Lạc

          (Kinh) Xá Lợi Phất! Bỉ độ hà cố danh vi Cực Lạc? Kỳ quốc chúng sanh, vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc. Cố danh Cực Lạc.

          二、別釋。初依報,二正報。

       初、總明極樂。    

       () 舍利弗。彼土何故名為極樂。其國眾生。無有眾苦。但受諸樂。故名極樂。

          (Hai, giải thích riêng biệt, một là y báo, hai là chánh báo.

          Trước tiên, giảng tổng quát về [danh xưng] Cực Lạc.

          Kinh: Này Xá Lợi Phất! Cõi ấy vì sao tên là Cực Lạc? Chúng sanh trong cõi ấy chẳng có các nỗi khổ, chỉ hưởng niềm vui, nên [cõi ấy] tên là Cực Lạc).

          Đoạn này trước hết giới thiệu tổng quát thế giới Cực Lạc. Chúng ta xem lời chú giải:

          (Sớ) Tiên  thích  y  giả, thuận  thượng  văn  cố, diệc  linh  chúng

sanh sanh hân nhạo cố. Khổ giả, bức não chi nghĩa, vi Tứ Đế thủ.

       () 先釋依者,順上文故,亦令眾生生忻樂故。苦者,逼惱之義,為四諦首。

          (Sớ: Trước hết, giải thích về y báo là thuận theo [thứ tự] trong đoạn văn trước, mà cũng nhằm làm cho chúng sanh sanh trưởng lòng ưa thích. Khổ có nghĩa là bức não, đứng đầu trong Tứ Đế).

          Y báo là hoàn cảnh, chánh báo là bản thân chúng ta. Đây là kiến thức Phật học thông thường, là thuật ngữ Phật giáo, chúng ta phải hiểu ý nghĩa chính xác. Hễ nói đến chánh báo tức là nói đến một mình ta, một cái thân thể của ta. Người khác sẽ được gọi là y báo của ta, chẳng phải là chánh báo. Y báo là hoàn cảnh sống của chúng ta, trong hoàn cảnh sống có hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất. Nói cách khác, người khác thuộc vào hoàn cảnh sống của chúng ta, chẳng phải là bản thân ta! Ngàn vạn phần đừng nên nghĩ chánh báo đại khái là hữu tình chúng sanh! Cách nhìn ấy, cách hiểu đó, ý nghĩ ấy đã trật mất rồi! Từ ngữ “chánh báo” chỉ là một mình ta. Trước hết, nói về y báo và chánh báo trang nghiêm. Đầu tiên nói đến hoàn cảnh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, trong hoàn cảnh bao gồm hoàn cảnh vật chất và hoàn cảnh nhân sự.

           “Linh chúng sanh sanh hân nhạo cố” (khiến cho chúng sanh sanh tâm vui thích), khiến cho chúng sanh hoan hỷ, yêu chuộng. Trước tiên nói đến y báo, rồi mới giới thiệu chánh báo. Thế giới ấy chẳng có các nỗi khổ, chỉ có vui, không khổ, chỉ hưởng những niềm vui. Khổ có nghĩa là bức bách, áo não. Trong pháp Tứ Đế, tức Khổ, Tập, Diệt, Đạo, Khổ xếp hàng đầu.

          (Sớ) Chúng khổ giả, chư kinh luận khai hữu tam khổ, bát khổ, thập khổ, bách nhất thập khổ.

          () 眾苦者,諸經論開有三苦、八苦、十苦、百一 十苦。

          (Sớ: “Các khổ”: Các kinh luận giảng rộng ra thì có ba khổ, tám khổ, mười khổ, một trăm mười nỗi khổ).

          Đây là cách giảng “khai hợp” khác nhau. “Khai” là nói triển khai, nói cặn kẽ. “Hợp” là quy nạp lại, nói giản lược.

          (Sớ) Hựu ước nhị chủng sanh tử.

       () 又約二種生死。

          (Sớ: Lại nữa, nói ước lược thì có hai thứ sanh tử).

                   Sanh tử là nỗi khổ to lớn. Trong các nỗi khổ, chẳng có gì khổ hơn sanh tử. Phật pháp nói có hai loại sanh tử, một loại là Biến Dịch sanh tử, loại kia là Phần Đoạn sanh tử.

                   (Sớ) Tắc biến dịch diệc khổ.

          () 則變易亦苦。

          (Sớ: Biến Dịch [sanh tử] cũng khổ).

          Không chỉ Phần Đoạn là khổ, mà Biến Dịch sanh tử cũng khổ. Dưới đây có giải thích:

          (Sớ) Huống kỳ dư giả, dĩ khổ sự phi nhất, cố viết “chúng khổ” dã.

            () 況其餘者,以苦事非一,故曰眾苦也。

          (Sớ: Huống hồ các thứ khác. Do chuyện khổ chẳng phải chỉ là một, nên nói là “các khổ”).

           Chuyện khổ quá nhiều, chẳng phải chỉ là một chuyện, nên gọi là “chúng khổ”. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có [những sự khổ ấy]. Những chuyện khổ mà quý vị có thể chỉ ra, nghĩ đến, trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều chẳng có. Không chỉ là chẳng có những chuyện ấy, mà tên gọi của chúng cũng chẳng nghe tới. Chỉ hưởng các sự vui, sự vui cũng rất nhiều, cũng chẳng phải chỉ là một điều!

          (Sớ) Chư lạc giả, như kinh sở trần nhị chủng thanh tịnh trang nghiêm. Diệc dĩ lạc sự phi nhất, cố viết “chư lạc” dã. Cực Lạc giả, dĩ chư quốc khổ lạc hữu kỳ tứ chủng: Hữu khổ đa lạc thiểu giả, hữu khổ lạc tương bán giả, hữu khổ thiểu lạc đa giả, hữu vô khổ thuần lạc giả, kim đương đệ tứ cố.

          () 諸樂者,如經所陳二種清淨莊嚴。亦以樂事非一,故曰諸樂也。極樂者,以諸國苦樂有其四種:有苦多樂少者,有苦樂相半者,有苦少樂多者,有無苦純樂者,今當第四故。

          (Sớ: “Chư lạc”: Như kinh đã nêu bày hai thứ thanh tịnh trang nghiêm. Cũng do chuyện vui chẳng phải chỉ có một nên nói là “chư lạc”. Cực Lạc: Do các cõi nước khổ vui gồm bốn loại, có cõi khổ nhiều vui ít, có cõi khổ vui ngang ngửa, có cõi khổ ít vui nhiều, có cõi chẳng có khổ, thuần là vui. Nay Cực Lạc thuộc loại thứ tư).

          Đây là nói tới các thế giới của chư Phật. Đại đa số các thế giới của chư Phật chẳng khác thế giới Sa Bà cho mấy. Thế giới Sa Bà là khổ vui xen lẫn, hoặc có thể nói là “khổ nhiều, vui ít”, là một thế giới như vậy.

          (Sao) Tứ Đế giả, Khổ, Tập, Diệt, Đạo, Khổ cư tối tiên.

          () 四諦者,苦集滅道,苦居最先。

          (Sao: Tứ Đế là Khổ, Tập, Diệt, Đạo, Khổ đứng trước tiên).

          Pháp Tứ Đế là hai tầng nhân quả ba đời. Khổ và Tập là nhân quả thế gian, Diệt và Đạo là nhân quả xuất thế gian. Chúng ta nhất định phải hiểu đức Phật thuyết pháp luôn nói quả trước rồi mới nói tới nhân, vì [nói tới] quả chúng ta liền hiểu, ấn tượng khắc sâu nhất, vừa nói liền lập tức cảm nhận. Nay chúng ta trong thế gian này chỉ hứng chịu khổ, chẳng vui sướng. Phải giác ngộ điều này! Nếu quý vị nghĩ trong thế gian này hãy còn có vui, như vậy là quý vị mê hoặc, điên đảo, chẳng giác ngộ. Người thật sự giác ngộ hiểu thế gian này là khổ. Không chỉ loài người chúng ta khổ sở, mà lục đạo đều khổ. Trước mắt dường như vẫn sống khá lắm, còn tự tại lắm, nhưng trong thực tế là gì? Sự khổ tạm thời ngưng dứt chốc lát, quý vị cảm thấy vui là do khổ tạm dừng, trọn chẳng phải là ngưng dứt vĩnh cửu, chẳng còn khổ nữa, chẳng phải vậy! Thí dụ như chúng ta hiện thời cảm thấy rất tự tại, ta ăn no, ăn ngon lắm, ăn rất thoải mái, nhưng có thể duy trì bao lâu? Mấy tiếng đồng hồ. Trong mấy tiếng đồng hồ ấy, quý vị chẳng cảm thấy khổ. Sau mấy tiếng đồng hồ ấy, quý vị chẳng ăn tiếp một bữa nữa sẽ bị khổ liền, khổ vì đói. Mỗi cá nhân đều có bệnh, bệnh gì vậy? Bệnh đói! Ba bữa cơm là ba bữa thuốc, Phật pháp gọi chúng là “dược thạch”. Quý vị một bữa chẳng ăn, bệnh đói liền phát tác, hai bữa chẳng ăn, bệnh tình nghiêm trọng, ba bữa chẳng ăn, bệnh càng nặng nề! Quý vị hãy suy nghĩ kỹ lưỡng, có ai chẳng khổ? Không có ai chẳng khổ! Vì thế, chúng ta phải tự mình giác ngộ, thế gian này thật sự là khổ.

          Nhất là có sanh ắt có tử, mỗi cá nhân không thể tránh được sanh, lão, bệnh, tử. Lão khổ, bệnh khổ, quý vị có thể tránh khỏi hay chăng? Có những người xem sanh tử rất nhạt, chết cũng chẳng bận lòng, kể như khá lắm, có thể thấy thông suốt rồi! Nhưng sau đấy còn có nỗi khổ luân hồi, quý vị chết là hết chuyện ư? Nếu chết là hết chuyện thì cũng được lắm! Vậy thì chúng ta chẳng cần phải học Phật, chết là hết mà! Trên thực tế thì sao? Chết chẳng phải là hết! Rắc rối ở chỗ này! Trong kinh Địa Tạng có nói, trong bốn mươi chín ngày sau khi chết, lại đầu thai. Tuyệt đại đa số chẳng lâu hơn bốn mươi chín ngày. Bốn mươi chín ngày đầu thai thì đầu thai trong đường nào? Chẳng biết! Không biết, nghiệp lực dắt quý vị đi. Ba thiện đạo, ba ác đạo, [đầu thai trong đường nào không biết]. Quý vị phải hiểu rõ chân tướng này, hết thảy chúng sanh trong lục đạo gọi là “sanh tử bì lao” (sống chết nhọc nhằn), chẳng ngưng dứt, khổ quá! Chẳng phải là khi chúng ta chết, phiền não sẽ được giải quyết. Chẳng có cách nào hết! Vĩnh viễn chẳng thể giải quyết. Đời đời kiếp kiếp chẳng có cách nào giải quyết.

          Khổ do đâu mà có? Tập. Tập là phiền não, tức cái nhân, tham, sân, si, mạn, khởi Hoặc, tạo nghiệp, nên quý vị mới có quả báo. Khổ và Tập là nhân quả thế gian, Khổ là quả, Tập là nhân. Diệt và Đạo là nhân quả xuất thế gian, Diệt là quả. Tiếng Phạn gọi Diệt là Niết Bàn, Niết Bàn dịch sang nghĩa tiếng Hán là Diệt, diệt gì vậy? Diệt sanh tử, diệt phiền não, diệt vô minh, diệt tà kiến. Phật và các vị đại Bồ Tát đắc quả báo ấy, quả báo ấy do đâu mà đạt được? Phải tu Đạo. Đạo là nhân. Nương theo các lý luận và phương pháp do Phật Đà đã dạy, chúng ta phải nghiêm túc thực hiện. Tuy Khổ, Tập, Diệt, Đạo là pháp Tiểu Thừa, nhưng nó thông với Đại Thừa, là giáo nghĩa căn bản trong Phật pháp. Các học giả tông Thiên Thai đã phối hợp pháp Tứ Đế với bốn giáo Tạng, Thông, Biệt, Viên. Khổ, Tập, Diệt, Đạo trong Tạng Giáo là Tiểu Thừa; Khổ, Tập, Diệt, Đạo của Thông Giáo, Biệt Giáo và Viên Giáo là pháp Đại Thừa thuần túy. Do vậy, [Tứ Đế] trọn chẳng phải là pháp riêng biệt của Tiểu Thừa.

          (Sao) Tri Khổ, nãi đoạn Tập, tu Đạo, chứng Diệt dã.

          () 知苦,乃斷集修道證滅也。

          (Sao: Biết Khổ là đoạn Tập, tu Đạo, chứng Diệt).

          Nhất định là trước hết phải “tri Khổ” (biết Khổ). Chúng ta biết cái quả khổ thì mới thật sự phát tâm đoạn cái nhân của sự Khổ. Đức Phật dạy chúng ta trì giới, trì giới là đoạn khổ nhân. Giết, trộm, dâm, dối, uống rượu là khổ nhân lớn nhất, là căn bản của sanh tử luân hồi. Giới luật nhà Phật chẳng phải là cố ý bó buộc chúng ta, khiến chúng ta nghe rồi sợ hãi, chẳng tự do, chẳng được tự tại, chẳng phải vậy! Giới luật nhằm làm cho quý vị thật sự liễu giải, nếu chẳng ngưng dứt những thứ ấy, sẽ chẳng có cách nào miễn trừ khổ quả, tự làm tự chịu! Quý vị thật sự dẹp trừ chúng từ trong tâm, tâm quý vị bèn thanh tịnh. Chẳng sát sanh, chẳng trộm cắp, chẳng tà dâm, chẳng nói dối, chẳng uống rượu, làm khá lắm, nhưng tâm địa chẳng thanh tịnh, có tác dụng hay không? Vô dụng! Vẫn chẳng tránh khỏi sanh tử luân hồi. Quý vị mới hiểu vì sao hàng Tiểu Thừa chẳng bằng Đại Thừa Bồ Tát? Nguyên nhân là do Tiểu Thừa tu giới nơi mặt Sự, tức là trên mặt sự tướng. Hàng Tiểu Thừa luận sự, chẳng luận tâm. Trong tâm khởi vọng niệm, họ chẳng màng đến, giống như pháp luật trong thế gian. Pháp luật thế gian luận sự, chẳng luận tâm. Tâm ta nghĩ muốn giết ai đó, nhưng ta chưa giết kẻ ấy, quyết định chẳng phạm pháp! Quý vị thật sự giết kẻ ấy thì mới bị phán tội, chịu phạt, đấy là luận sự, chẳng luận tâm. Đại Thừa Bồ Tát giới luận tâm, bất luận sự, nên Bồ Tát giới khó khăn!

          Bồ Tát giới kết tội từ nơi khởi tâm động niệm, chẳng kết tội nơi hành trì, nên khó khăn! Trong các vị cổ đức, vị rất quen thuộc đối với đại chúng là Đạo Tuyên Luật Sư núi Chung Nam vào đời Đường, Ngài trì giới Tiểu Thừa. Khuy Cơ đại sư hành trì rất tùy tiện. Trong mắt Đạo Tuyên luật sư, [ngài Khuy Cơ] chẳng phải là kẻ trì giới, nhưng người ta (tức ngài Khuy Cơ) trì tâm địa giới, khác hẳn! Quả báo khác nhau. Lúc Đạo Tuyên luật sư thấy Khuy Cơ đại sư đến [thăm viếng], rất muốn khoe khoang một chút cho Sư thấy, vì Ngài tự nghĩ chính mình giới hạnh rất lỗi lạc. Ý niệm ấy là sai mất rồi, thiếu tâm cung kính, dấy tâm ngạo mạn. [Ngài Đạo Tuyên] biết ngài Khuy Cơ học vấn khá lắm, nhưng thiếu đức hạnh, cảm thấy Sư chẳng coi trọng giới luật, thiếu đức hạnh, chính mình giới hạnh tinh nghiêm cảm động chư thiên đến cúng dường. Ngài mỗi ngày ăn một bữa giữa Ngọ, bữa ăn ấy do một vị trời dâng cúng. Ngài rất muốn khoe khoang trước mặt pháp sư Khuy Cơ một chút: “Ông thấy đó, chư thiên đến cúng dường ta”. Nào ngờ hôm ấy chẳng có vị trời nào dâng cúng. Ngày hôm sau, Ngài hỏi vị trời ấy: “Vì sao hôm qua ông chẳng đến cúng dường?” Vị trời ấy trả lời: “Ngày hôm qua có bậc Đại Thừa Bồ Tát trên núi này, khắp núi toàn là thần hộ pháp hộ vệ, chẳng dám tiến vào”. Đạo Tuyên luật sư nghe xong, mình mẩy đẫm mồ hôi, thật sự sám hối, biết chính mình sai quấy. Do vậy [chuyện này] chứng tỏ giới Đại Thừa và giới Tiểu Thừa khác nhau. Giới Đại Thừa khó khăn, rất ư là khó, tâm địa thật sự thanh tịnh, quang minh.

          Ở đây, chúng ta phải giác ngộ, nói thật ra, giới Đại Thừa kẻ sơ học chẳng thể làm được, mà người bình phàm cũng chẳng thể làm được! Do vậy, chúng ta nhất định phải thực hiện trên mặt sự tướng. Từ Ngũ Giới, Thập Thiện, thực hiện từ chỗ này. Có thể tu tập tốt đẹp Ngũ Giới, Thập Thiện, tôi cảm thấy coi như đã khá lắm rồi. Còn như Sa Di giới, tỳ-kheo giới, Bồ Tát giới đều là có cái tên mà thôi! Trên thực tế, làm không được! Chính chúng ta phải hiểu rõ, đừng tự gạt mình, đó là thật sự chẳng vọng ngữ! Chính mình lừa gạt chính mình, còn nói gì đến giới luật nữa? Điều gì cũng chẳng cần phải bàn đến nữa! Vì thế, đầu tiên là học chẳng dối gạt chính mình.

          Chúng ta thật thà thực hiện Ngũ Giới, có thể niệm tốt đẹp một câu Phật hiệu, niệm đến mức tâm ta thanh tịnh, thành tựu Niệm Phật tam-muội. Đắc Niệm Phật tam-muội, giới luật của quý vị viên mãn, vì sao? Có Định Cộng Giới. Tất cả giới luật đều nhằm giúp quý vị đắc Định. Nay quý vị đã đắc Định, đã đạt được, thảy đều trọn đủ, nên có Định Cộng Giới. Có thể niệm đến Lý nhất tâm bất loạn, bèn có Đạo Cộng Giới. Vì thế, chỉ cần niệm đến mức công phu thành phiến, quý vị trọn đủ giới luật. Một thiên Niệm Phật Khai Thị của Ngẫu Ích đại sư nói như thế, chẳng phải là giả, mà là thật. Do vậy, niệm tốt đẹp một câu Phật hiệu, sẽ như Liên Trì đại sư đã nói: “Viên nhiếp ngũ tông, cai la bát giáo” (nhiếp trọn năm tông, bao trùm tám giáo). Năm tông là [năm pháp phái trong] Thiền Tông, tám giáo là hóa nghi tứ giáo và hóa pháp tứ giáo, bao gồm trọn vẹn Phật pháp. Niệm tốt đẹp một câu Phật hiệu này, nghiêm túc tu Ngũ Giới, Thập Thiện Nghiệp Đạo, đó là chuyện rất quan trọng, phải tận tâm tận lực thực hiện. Ngày hôm nay chúng tôi giảng tới chỗ này.

[1] Nguyên văn “giải niêm khử phược”. Thuở xưa viết thư, nhằm bảo đảm người chuyển thư không lén xem thư, người viết thường dán lại bằng sáp rồi đóng dấu lên. Đó gọi là Niêm (粘, ta thường gọi là “dấu khằn”).

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *