Tập 4/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 01-003-0289

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 4/289

 

          Hàng thứ ba trang thứ nhất trong quyển Thượng [cuốn Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa], hoặc trang thứ ba cuốn Hội Bản, hàng thứ hai đọc từ dưới lên.

          (Sớ) Thử kinh sớ sao, đại văn phân tam: Sơ Thông Tự đại ý, nhị khai chương thích văn, tam kết thích chú ý, vị thuận chư kinh Tự, Chánh, Lưu Thông tam phần, diệc thuận Tịnh nghiệp Tín – Hạnh – Nguyện cố.

          () 此經疏鈔,大文分三:初通序大意,二開章釋文

,三結釋咒意。為順諸經序、正、流通三分,亦順淨業信行願故。

          (Sớ: Toàn bộ lời Sớ Sao của kinh này được chia thành ba phần: Phần thứ nhất là Thông Tự đại ý, phần thứ hai là chia thành chương đoạn để giải thích kinh văn, phần thứ ba là tổng kết lời giải thích, giảng ý nghĩa của chú Vãng Sanh, nhằm thuận theo thứ tự ba phần Tự, Chánh Tông, Lưu Thông của các kinh, mà cũng thuận theo Tín – Hạnh – Nguyện của Tịnh nghiệp).

                   Trong lần trước, tôi đã giới thiệu phần Thông Tự Đại Ý. Hôm nay, chúng ta xem phần thứ hai là Khai Chương Thích Văn.

          (Diễn) Khai chương giả, thị biệt khai chương đoạn, tức tổng khải Thập Môn thị. Thích Văn giả, thị tiêu thích kinh văn, tức biệt giải văn nghĩa thị. Đại ý tuy minh, bổn văn vị ủy, cố biệt khai chương đoạn, tiêu thích kinh văn, sử nhất kinh huyền văn ủy tất tường tận, nhân nhân hiểu liễu dã.

          () 開章者,是別開章段,即總啟十門是。釋文者,

是消釋經文,即別解文義是。大意雖明,本文未委,故別開章段。消釋經文,使一經玄文委悉詳盡,人人曉了也。

          (Diễn: “Khai chương” là tách riêng từng chương từng đoạn, tức là chia ý nghĩa tổng quát của kinh thành mười môn (mười chủ đề lớn, mười thiên sách lớn). “Thích văn” là giải thích trọn vẹn ý nghĩa kinh văn, tức là giải thích ý nghĩa riêng biệt của từng đoạn văn. Phần đại ý tuy rõ ràng, nhưng ý nghĩa của kinh văn chưa được trình bày cặn kẽ, nên tách riêng từng chương, từng đoạn, nhằm giải thích tỉ mỉ ý nghĩa kinh văn, khiến cho huyền nghĩa của bản kinh được giảng giải tường tận, ai nấy đều hiểu rõ).

           Văn từ của pháp sư Cổ Đức rất rành mạch, chúng ta thường thấy cách kết cấu giống như vậy trong những bản chú sớ của cổ nhân, [cách kết cấu] được chú giải tường tận như thế này hết sức khó có. “Chương” (章) là chương cú (章句: câu, đoạn), phân đoạn. “Khai chương” là tách riêng thành từng chương, từng đoạn. Tiếp theo đó, đại sư dựa theo cách chia thành mười môn như ngài Hiền Thủ đã làm để tạo thành mười đoạn lớn nhằm giới thiệu đại ý của toàn bản kinh, cách này gọi là “tổng khải thập môn”, chúng ta thường gọi là “huyền nghĩa” hoặc còn gọi là “huyền đàm”. Trong tông Thiên Thai, phần này gọi là Ngũ Trùng Huyền Nghĩa, tức là dùng năm điều, [những cách phân chia thành mười đoạn hay năm điều như vậy] đều gọi là “khai chương”. “Thích văn” là giải thích kinh văn hay chú giải kinh văn; còn “khai chương” nhằm giải thích giảng giải đại ý hay huyền nghĩa của toàn bộ cuốn kinh. Trong phần Huyền Nghĩa, nêu rõ đại ý của toàn bộ cuốn kinh, nhưng hoàn toàn chưa nói tới kinh văn. “Bổn văn vị ủy”: Ủy (委) là nói rõ ràng, cặn kẽ, giảng rõ một cách tường tận, uyển chuyển. [Nói cách khác], phần giải thích kinh văn gồm hai đoạn lớn:

          – Huyền đàm.

          – Giải thích kinh văn.

          Có như vậy mới hòng giải thích tường tận, cặn kẽ những ý nghĩa huyền vi trong kinh văn nhằm mục đích làm cho mỗi một người đọc sẽ đều có thể thấu hiểu rõ rệt.

          Phần thứ ba của Sớ Sao là “kết thích chú văn”. Nói thật ra, chú Vãng Sanh hoàn toàn không nằm trong kinh này, vì sao đại sư lại ghép thêm chú văn vào cuối kinh? Có ý nghĩa rất sâu, trong lời chú giải [của pháp sư Cổ Đức], Ngài sẽ giảng rõ.

          (Diễn) Kết thích chú ý giả, chú bổn bất khả thích, nhi chú ý khả thích.

() 結釋咒意者,咒本不可釋,而咒意可釋。

          (Diễn: Phần kết thúc là giải thích ý nghĩa của chú Vãng Sanh. Chú vốn chẳng thể giải thích được, nhưng ý nghĩa của chú thì có thể giải

thích).           

            Vì sao không thể giải thích thần chú? Chú ngữ là ngôn ngữ của lục đạo. Do vậy, phiên âm, không dịch nghĩa; tuy dịch âm, nhưng ý nghĩa của thần chú thì có thể phiên dịch được.

          (Diễn) Chú ý giả, bạt nghiệp căn sanh Tịnh Độ dã.

          () 咒意者,拔業根生淨土也。

          (Diễn: Ý nghĩa của chú này là dứt trừ nghiệp căn, sanh về Tịnh Độ).

          Ý nghĩa của bài chú này là: Dứt trừ nghiệp chướng căn bản, được sanh về Tịnh Độ.

          (Diễn) Thử chú bổn bất phụ kinh.

          () 此咒本不附經。

          (Diễn: Chú này vốn chẳng thuộc vào kinh).

           Nói rất rõ ràng. Phía sau kinh Di Đà không có chú, trong kinh Di Đà cũng không có chú, chú này vốn chẳng được ghép vào phía sau bản kinh.

          (Diễn) Nhi kim kết quy ư thử vi chi giải thích giả, chánh hiển thử Tịnh Độ pháp môn, Hiển Mật viên thông, Sự Lý vô ngại dã.

          () 而今結歸於此為之解釋者,正顯此淨土法門,顯

密圓通事理無礙也。

          (Diễn: Nhưng nay tác phẩm này được kết thúc bằng cách giải thích chú Vãng Sanh, nhằm chỉ rõ pháp môn Tịnh Độ là Hiển Mật viên thông, Sự Lý vô ngại).

          Vì sao Liên Trì đại sư đem chú Vãng Sanh ghép vào sau bộ Sớ Sao, rồi lại còn phải giải thích, đạo lý là ở chỗ này: Trong lời chú giải của đại sư đã bao gồm [những giáo nghĩa của các tông] Thiên Thai, Hiền Thủ, hai tông Tánh và Tướng, đúng là “nhiếp trọn năm tông, bao trùm tám giáo”. Ghép thêm chú vào, [nhằm nêu rõ] “Hiển – Mật viên thông, Sự – Lý vô ngại”. Nói cách khác, bản chú giải này chẳng những bao gồm toàn bộ giáo lý do Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng trong suốt bốn mươi chín năm, mà thậm chí những kinh luận do mười phương ba đời hết thảy chư Phật đã nói đều chẳng ra ngoài bản Sớ Sao này được. Ở đây, ta có thể thấy được giá trị của bộ Sớ Sao. Nếu pháp sư Cổ Đức không nhắc nhở chúng ta như thế, quả thật chúng ta rất khó nhận ra. Nếu nói Liên Trì đại sư đã vận dụng tinh hoa của Tông Môn và Giáo Hạ để làm sáng tỏ ý nghĩa kinh A Di Đà, đấy là bản lãnh của Ngài, nhưng có phải là khiên cưỡng ghép thêm [lời giải thích chú Vãng Sanh] hay không? Đây là một câu hỏi lớn.

Chúng ta có nên đồng ý hay không? Đấy cũng là một câu hỏi nữa! Thật ra, không phải như vậy, qua kinh văn, đại sư đã nhận thấy từng câu, từng chữ trong kinh Di Đà đều gồm trọn hết thảy nghĩa, hết thảy nghĩa đương nhiên bao gồm [những giáo nghĩa của tông] Thiên Thai, Hiền Thủ, Hiển Mật viên thông. Người khác không thấy [những điều này], còn Ngài thấy được, nên Ngài vì chúng ta giảng rõ, [những lời giảng ấy] hoàn toàn tương ứng với các tông, các phái, điều này không còn phải bàn gì nữa! Liên Trì đại sư đúng là phi phàm. Pháp nhãn của hàng Bồ Tát chưa chắc đã có thể thấy được rõ ràng như vậy, cũng có thể nói Liên Trì đại sư là bậc ngũ nhãn viên minh, có thể thấy được rõ ràng ý nghĩa của kinh này như vậy, giảng rất rõ ràng như vậy, quả thật rất khó có!

          (Diễn) Hựu kiến thử trì danh niệm Phật, thị đại thần chú, đại minh chú, vô thượng vô đẳng đẳng chú dã.

       () 又見此持名念佛 ,是大神咒 ,大明咒,無上無

等等咒也。

          (Diễn: Lại thấy cách trì danh niệm Phật này là đại thần chú, là đại minh chú, là chú vô thượng không gì sánh bằng).

           Đoạn này nói giống hệt như trong Tâm Kinh. Tâm Kinh là [kinh giảng về] Bát Nhã. Có những người muốn học Mật, quý vị hãy xem câu A Di Đà Phật có phải là Mật Tông hay không? Chú Vãng Sanh này có phải là Mật Tông hay không? Thật sự là Mật Tông. Ở đây, không bàn về chú Vãng Sanh, mà luận về “trì danh niệm Phật”, một câu Nam-mô A Di Đà Phật là chú ngữ, chính là “đại thần chú, đại minh chú, vô thượng vô đẳng đẳng chú”, linh nghiệm hơn chú Lăng Nghiêm rất nhiều! Thật sự hiểu rõ đạo lý này, thông đạt đạo lý này thì quý vị mới có thể thật sự buông xuống hết thảy pháp môn, từ nay trở đi mới chết sạch lòng mong ngóng, không thay đổi, chấp trì danh hiệu, quyết định thành tựu ngay trong một đời này!

          (Diễn) Tự, Chánh Tông, Lưu Thông tam phần giả, Tấn Đạo An pháp sư, phán thích Đông lưu nhất đại thời giáo, vi Tự, Chánh, Lưu Thông tam phần.

          () 序、正宗、流通三分者,晉道安法師,判釋東流

一代時教,為序、正、流通三分。

          (Diễn: Ba phần Tự, Chánh Tông, Lưu Thông là do pháp sư Đạo An đời Tấn đã phán định giáo pháp cả đời đức Phật truyền sang phương Đông gồm ba phần là Tự, Chánh, Lưu Thông).

          Cách phân chia này được đề xướng đầu tiên bởi pháp sư Đạo An vào đời Đông Tấn. Sư là học trò của Cưu Ma La Thập đại sư. Sau khi kinh Phật được truyền đến Trung Quốc, Sư là người đầu tiên đề xướng kinh văn phải gồm có ba đoạn lớn. Đoạn lớn thứ nhất là Tự, đoạn lớn thứ hai là Chánh Thuyết, đoạn lớn thứ ba là Lưu Thông. Thuở ấy, mọi người rất không đồng ý với cách nói này. Về sau, sau khi bộ Phật Địa Luận của Ấn Độ được dịch ra, Thân Quang đại sư phán giáo cũng có cùng quan điểm này. Do vậy, người đời sau mới coi trọng quan điểm của pháp sư Đạo An, không những coi trọng mà còn noi theo. Bất luận giảng kinh hay chú giải kinh đều áp dụng cách phân chia thành ba đoạn lớn này. “Đông lưu” là Phật pháp từ Ấn Độ truyền sang Trung Quốc. “Nhất đại thời giáo” là những pháp do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong một đời Ngài, bất luận một bộ kinh nào cũng đều có thể chia thành ba bộ phận.

                   (Diễn) Tự giả, đoan tự dã.

          () 序者,端緒也

          (Diễn: Tự là đầu mối)

                   “Tự” là mở đầu, duyên khởi. Vì sao đức Phật phải giảng bộ kinh này? Phải nêu ra nguyên do, đây là một phần của kinh.

          (Diễn) Như ty chi đắc tự, năng tận nhất kiển chi ty.

          () 如絲之得緒,能盡一繭之絲。

          (Diễn: Như tìm được mối tơ, sẽ gỡ được hết tơ từ cái kén tằm).

          Đây là nói tỷ dụ. Tơ tằm kết thành kén, quý vị nhất định phải tìm được mối tơ tằm nằm ở đâu thì mới kéo tơ được. Kinh cũng là giống như

vậy, quý vị phải biết đầu mối ở đâu. Vì vậy, Tự là phần đầu mối.

                   (Diễn) Kinh chi đắc tự, năng tri nhất kinh chi chỉ.

       () 經之得序,能知一經之旨。

          (Diễn: Biết được phần Tự của một bài kinh, sẽ biết được tông chỉ của bài kinh ấy).

           Đọc phần Tự của kinh sẽ biết được tông chỉ của bộ kinh ấy, hiểu được đại ý của bộ kinh ấy.

          (Diễn) Hựu, Tự giả, Đông Tây tường dã, như quán tường tự, tắc tri đường áo chi thiển thâm.

          () 又序者東西牆也,如觀牆序,則知堂奧之淺深。

          (Diễn: Lại nữa, Tự là vách tường phía Đông và Tây của một khu nhà. Nếu nhìn vào phần vách tường của một khu nhà, sẽ biết khu nhà ấy có bề dày sâu hay cạn).

           Đây cũng là nói tỷ dụ. Trong quá khứ, tại Trung Quốc, nhà cửa chẳng phải là xây dựng tùy tiện, chẳng giống như hiện tại. Hiện thời, chẳng chú ý đến Âm Dương, Ngũ Hành cho lắm. Trước kia, hễ cất nhà, người Trung Quốc luôn chú ý tới Âm Dương, Ngũ Hành: Nhà cửa cất theo lối chánh thống, chánh quy thì phải “tọa Bắc, triều Nam”, [tức là] cửa mở về phương Nam, phía sau nhà là phương Bắc, hai bên nhà là hai phía Đông và Tây. Vách tường phía Đông và Tây gọi là “tự tường” (序牆). Tự tường dài thì phòng ốc có bề sâu, là nhà to. Do vậy, nhìn vào phần tự tường liền biết ngay là phòng ốc sâu hay cạn. Trong quá khứ tại Trung Quốc, nhà cửa xây thành từng lớp. Giữa gian nhà phía trước và phía sau có một khoảng sân nhỏ, có “đan trì”[1]. Đấy là kiến trúc tại Trung Quốc vào thời cổ. Nếu ba thế hệ cùng sống chung một nhà thì nhà cửa sẽ gồm ba lớp, bốn thế hệ sống chung một nhà thì sẽ gồm bốn lớp. Người già sống trong khu nhà ấy, nếu quý vị bước vào nhà họ để gặp những người già ấy, trước hết sẽ gặp họ, rồi gặp cha họ sống ở phía trong, ông nội lại sống ở phía trong nữa, đi vào từng tầng một, chia ra rất rành mạch. Hiện thời kiến trúc kiểu này không còn nữa, xem ra, kiến trúc cổ đại Trung Quốc hết sức có ý nghĩa.

                   (Diễn) Quán thủ tự, tắc minh toàn kinh chi diệu nghĩa.

       () 觀首序,則明全經之妙義。

          (Diễn: Nhìn vào phần Tự đầu kinh, sẽ hiểu rõ ý nghĩa huyền diệu của cả bộ kinh).

          Nghĩa lý u thâm, huyền diệu trong kinh này cũng được phô bày rõ trong phần Tự. Nếu quý vị biết cách nhìn, quả thật quý vị cũng sẽ nhìn ra. Trong một bộ kinh, Tự Phần hết sức quan trọng. Phần thứ hai là Chánh Tông Phần.

                   (Diễn) Chánh Tông giả, nhất kinh chánh sở tông thượng.

          () 正宗者,一經正所宗尚。

          (Diễn: Chánh Tông là điều chánh yếu được đề cao trong một bộ kinh).

          Bộ phận này là chủ thể của cả bộ kinh, mà cũng là phần luận định chánh yếu. Phần trước là phần giới thiệu, còn phần này là phần luận định chánh yếu.

          (Diễn) Như Pháp Hoa chi duy hữu Nhất Thừa pháp, vô nhị diệc vô tam.

          () 如法華之唯有一乘法,無二亦無三。

          (Diễn: Như kinh Pháp Hoa chỉ có pháp Nhất Thừa, không có hai mà cũng chẳng có ba thừa).

           Đây là nói về phần Chánh Tông của kinh Pháp Hoa. Đương nhiên phần Chánh Tông rất dài, nhưng tinh hoa [của kinh Pháp Hoa] nằm trong mấy câu này. Kinh văn dài như thế, nhưng không gì chẳng nhằm giảng rõ mấy câu này mà thôi. Ý nghĩa của mấy câu này quá sâu, [toàn bộ kinh văn trong phần Chánh Tông] không gì chẳng nhằm giải thích rõ ràng mấy câu này mà thôi. Kinh Pháp Hoa là kinh cuối cùng được đức Phật nói ra, “khai Quyền, hiển Thật”, những kinh do đức Phật nói sau khi giảng kinh Hoa Nghiêm đều là pháp phương tiện, đến thời kinh Pháp Hoa, đức Phật giảng pháp chân thật, đức Phật sắp nhập diệt, đến cuối cùng mới nói pháp chân thật. Pháp chân thật là gì? Pháp chân thật chỉ có pháp Nhất Thừa, đó là thật. Trước kia, giảng Nhị Thừa, Đại Thừa, Tiểu Thừa, giảng pháp [Tam Thừa], tức Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, giảng Ngũ Thừa, [tức là ngoài ba thừa trên] còn thêm vào Nhân và Thiên, đều là pháp phương tiện, đều là Quyền Giáo. Pháp chân thật chỉ có Nhất Thừa, pháp Nhất Thừa gọi là Viên Giáo Nhất Thừa. Trong những kinh luận do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong suốt bốn mươi chín năm, chỉ có hai bộ giảng về Viên Giáo Nhất Thừa, trước hết, Phật giảng Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh là Viên Giáo Nhất Thừa, cuối cùng nói Diệu Pháp Liên Hoa Kinh cũng là Viên Giáo Nhất Thừa, “không hai, cũng chẳng ba”. Học nhân Thiền Tông hiểu được tông chỉ này; do vậy, sư Ấn Tông hỏi Lục Tổ, Lục Tổ liền bảo thẳng thừng: “Hai pháp chẳng phải là Phật pháp, Phật pháp là pháp chẳng hai”. Ý nghĩa của câu này chính là “duy hữu Nhất Thừa pháp, vô nhị, diệc vô tam”, mang ý nghĩa này! Ấn Tông hỏi Lục Tổ về Thiền Định và Giải Thoát vì Ấn Tông vẫn còn chấp trước vào hai và ba, nên một câu nói của Lục Tổ nhằm chỉ điểm, phá trừ, tức phá trừ chấp trước mà thôi! Đấy là tông chỉ của kinh Pháp Hoa. Tông chỉ của kinh Pháp Hoa là Nhất Chân pháp giới.

          (Diễn) Lăng Nghiêm chi phát minh thường trụ chân tâm, chuyên tu viên chiếu tam-muội.

          () 楞嚴之發明常住真心,專修圓照三昧

          (Diễn: Kinh Lăng Nghiêm nêu tỏ ý nghĩa chân tâm thường trụ, chuyên tu viên chiếu tam-muội).

          Đây là Lăng Nghiêm Đại Định, là chánh tông của kinh Lăng Nghiêm, tức tông chỉ của kinh Lăng Nghiêm. Cổ nhân vô cùng tán thán bộ kinh này, bảo: “Khai huệ Lăng Nghiêm, thành Phật Pháp Hoa”, tức là kinh Lăng Nghiêm mở mang trí huệ, kinh Pháp Hoa [chỉ cho hành nhân con đường] thành Phật. Tại Trung Quốc, hễ là người có học, chưa có ai chẳng đọc các kinh Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, và Kim Cang. Trước kia, dù không học Phật, người đọc sách vẫn đọc những kinh này, vì văn chương quá hay, nhất là kinh Lăng Nghiêm, đây là tác phẩm văn chương bậc nhất. Kinh được đọc như một tác phẩm văn học nên được lưu truyền hết sức phổ biến. Kinh Lăng Nghiêm nêu tỏ giáo nghĩa “chân tâm thường trụ”, quả thật là mở mang trí huệ, quả thật là một bộ sách hay để mở mang trí huệ. Phải như thế nào thì chúng ta mới có thể phân biệt chân – vọng, tà – chánh, đúng – sai, thiện – ác? Đọc Lăng Nghiêm rồi sẽ có thể phân biệt, trí huệ hiện tiền. Trong kinh Lăng Nghiêm, điều quan trọng nhất là kinh dạy: Mỗi một cá nhân chúng ta hiện thời đều có chân tâm thường trụ. Điều này quan trọng lắm! Nếu dùng chân tâm thường trụ để tu hành, quý vị nhất định sẽ thành Phật ngay trong một đời này. Nếu quý vị dùng cái tâm sanh diệt, dùng vọng tâm để tu hành, trong một đời này, [chứng quả] cao nhất cũng chẳng qua là thành A La Hán trong Tiểu Thừa mà thôi! Do vậy, ý tưởng chánh yếu nhất của kinh Lăng Nghiêm là dạy chúng ta hãy sử dụng chân tâm, đừng dùng vọng tâm. Quý vị thật sự có chân tâm, nếu dùng vọng tâm để tu Vô Thượng Bồ Đề sẽ chẳng thể nào [thành công] được, khác nào “nấu cát thành cơm”; bởi lẽ, nhân và quả chẳng phù hợp!

          Kinh Lăng Nghiêm đúng là bi tâm triệt để của Như Lai, chẳng trách gì tại Ấn Độ vào thời cổ coi kinh này là quốc bảo, Huyền Trang đại sư tới Ấn Độ không thấy kinh Lăng Nghiêm. Người ngoại quốc tiếc pháp; do vậy, Ấn Độ bị mất nước, toàn bộ Phật pháp ở Ấn Độ bị tiêu diệt là vì có nhân quả: Họ tiếc pháp! Họ cất giấu bộ kinh điển hay nhất, chẳng cho người nước ngoài xem. Do vậy, Huyền Trang đại sư không thấy. Ngài Bát Lạt Mật Đế đem kinh này tới Trung Quốc, gặp nhiều khổ nạn to lớn, mấy lượt lén đem đi đều bị hải quan (quan thuế, tuần tra biên phòng) bắt được. Kiểm thấy, họ bắt Sư về, Sư lại còn bị xử phạt. Đến cuối cùng, không còn cách nào, Sư phải chép kinh bằng chữ nhỏ, xẻ thịt nơi bắp tay để giấu vào, dùng kim may lại, mang đi như vậy thật chẳng dễ dàng! Mỗi cá nhân chúng ta tiếc pháp sẽ mắc quả báo ngu si. Một quốc gia tiếc pháp sẽ mắc quả báo trong tương lai Phật pháp tiêu diệt. Cho đến hiện tại, đã hơn một ngàn năm xứ Ấn Độ không có Phật pháp, do vì tiếc pháp đấy! Quả thật, nhân quả báo ứng không sai sót mảy may.

          Trung Quốc có nhiều người được thành tựu nơi Phật pháp, nói thật ra, số người được đắc lực do kinh Lăng Nghiêm chiếm một tỷ lệ hết sức lớn, họ biết xả vọng dùng chân. Trong sách Chánh Mạch, Giao Quang đại sư đã nói: “Bỏ Thức, dùng Căn”, tức là bỏ vọng tâm, dùng chân tâm thường trụ, trong một đời này ắt sẽ có thể thành vô thượng đạo. Nếu chúng ta đem lý luận và phương pháp ấy của kinh Lăng Nghiêm áp dụng vào niệm Phật thì trong một đời chúng ta sẽ có thể đạt được Lý nhất tâm bất loạn. Nếu quý vị học các pháp môn khác để đạt được minh tâm kiến tánh, đại khai viên giải sẽ chẳng dễ dàng; nhưng vận dụng lý luận ấy vào phương pháp Niệm Phật thì quả thật trong một đời sẽ có thể đắc Lý nhất tâm. Cũng có các vị hỏi: “Bao lâu mới làm được?” Thời gian dài hay ngắn tùy theo mỗi người mỗi khác, tùy thuộc quý vị có thật sự làm hay không? Có phải là làm chẳng gián đoạn hay không? Nếu quý vị thật sự tu, tu học chẳng gián đoạn thì thưa với quý vị, ba năm sẽ đắc Lý nhất tâm bất loạn. Cổ nhân đã nêu gương, thật sự phi phàm!

          Lý nhất tâm bất loạn chính là địa vị Phần Chứng Phật trong Lục Tức Phật như tông Thiên Thai đã nói, tức Chánh Đẳng Chánh Giác. Khó khăn ở chỗ nào? Khó khăn ở chỗ chúng ta không chịu bỏ Thức dùng Căn. Thức là tâm phân biệt, tâm chấp trước. Thức thứ sáu, tức Ý Thức, là phân biệt; thức thứ bảy là chấp trước. Nếu quý vị dùng cái tâm [chấp trước, phân biệt] ấy là không được rồi! Kinh Lăng Nghiêm dạy chúng ta bỏ Ý Thức, tức thức thứ sáu, mà hãy dùng Diệu Quán Sát, bỏ thức thứ bảy để dùng Bình Đẳng Tánh, đó gọi là “bỏ Thức, dùng Căn”. Bỏ được thức thứ sáu và thứ bảy, quý vị mắt nhìn Sắc sẽ là do tánh Thấy mà thấy Sắc tánh. Đó gọi là “minh tâm kiến tánh”. Kiến tánh sẽ minh tâm. Quý vị thấy được Sắc tánh ở bên ngoài nên gọi là kiến tánh. Dùng tánh Nghe để nghe Thanh tánh, tánh Nghe cũng là minh tâm, nghe được Thanh tánh thì cũng gọi là kiến tánh. Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật! Thành Phật quả thật không khó, thật ra thành Phật chẳng cần phải tốn một thời gian rất dài, mấu chốt ở chỗ quý vị có hiểu rõ hay không, quý vị có chịu làm hay không? Nếu quý vị không hiểu, sẽ tu mù luyện đui, không có cách nào hết! Chẳng thể tu mù luyện đui mà hòng tu được những thứ này, mà phải tu học đúng lý, đúng giáo và đúng pháp, công phu chẳng gián đoạn, sẽ thành tựu trong một thời gian rất ngắn. Cổ nhân nói: “Nhất nhật bạo chi, thập nhật hàn chi” (Một ngày nóng, mười ngày lạnh), chẳng thể thành tựu!

          Chúng ta hãy nghĩ xem: Một ngày trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, ngẫu nhiên có một niệm hồi quang phản chiếu, ta muốn bỏ Thức dùng Căn, còn chưa dùng được hai giây đã lại dùng Thức mất rồi! Nếu một ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ, quý vị [dùng Căn bỏ Thức] một tiếng đồng hồ thì chưa được! Chẳng thể thành tựu! Dùng một tiếng đồng hồ, gián đoạn hai mươi ba tiếng còn làm gì được nữa? Do vậy, thật sự nói tới “dụng công” thì công phu quyết định chẳng thể gián đoạn. Hễ gián đoạn, chẳng thể gọi là công phu. Công phu phải miên mật, đừng để gián đoạn. Trước kia, trong tùng lâm tự viện có thời khóa hằng ngày, có khóa trình bình thường, mỗi ngày đều là mười sáu tiếng đồng hồ, tức là trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, công khóa chiếm hết mười sáu tiếng. Nó có sức mạnh chế phục vọng tưởng, công phu đắc lực. Hễ nửa nọ nửa kia sẽ không đắc lực. Do vậy, ngày nay chúng ta nói tới chuyện tu hành, quý vị dùng công phu nào, làm thế nào để có thể chế phục phiền não? Mỗi ngày công khóa sáng tối chẳng thiếu sót, nhưng khóa sáng hai tiếng đồng hồ, khóa tối hai tiếng đồng hồ, trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ chỉ mới được bốn tiếng, trong ấy gián đoạn hai mươi tiếng, làm sao có thể thành công cho được? Chẳng thể thành công! Huống chi lại còn dùng vọng tâm, chẳng biết dùng chân tâm!

          Người có thể sử dụng chân tâm thì gọi là “phát Bồ Đề tâm”. Phát Bồ Đề tâm là gì? Người phát Bồ Đề tâm chịu dùng chân tâm, chẳng dùng vọng tâm. Bất cứ lúc nào, chân thành đãi người tiếp vật thì là tu hành. Trong chân tâm chẳng có vọng niệm, đó gọi là “chuyên tu viên chiếu tam-muội”. Dùng chân tâm là viên chiếu tam-muội, chân tâm là thanh tịnh tâm, chân tâm là bình đẳng tâm, chân tâm là từ bi tâm. Lục Tổ đại sư nói: “Nào ngờ tự tánh, vốn sẵn trọn đủ”, trọn đủ thanh tịnh, trọn đủ từ bi, trọn đủ bình đẳng, trọn đủ vạn pháp. Do vậy, nó có thể sanh ra vạn pháp, ai nấy đều có! Chân tâm là thường trụ, vọng tâm là sanh diệt. Một niệm khởi lên, niệm kia liền diệt. Chúng ta đang dùng cái tâm sanh diệt, sanh diệt trong từng sát-na, đó là vọng tâm. Khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, hoàn toàn là tâm sanh diệt, tâm ấy là giả. Dùng cái tâm ấy để niệm Phật, có thể niệm đến mức công phu thành phiến, có thể niệm đến Sự nhất tâm bất loạn, nhưng chẳng thể đắc Lý nhất tâm. Nhất định phải dùng chân tâm thì mới có thể đắc Lý nhất tâm. Do vậy, nói kinh Lăng Nghiêm mở mang trí huệ chính là mở mang loại trí huệ ấy. Xả vọng tâm, dùng chân tâm, đấy là người có trí huệ chân chánh, trí huệ của người ấy chẳng hai, chẳng khác với chư Phật, Bồ Tát; bởi lẽ, chư Phật và các vị đại Bồ Tát cũng dùng chân tâm, chẳng dùng vọng tâm. Quý vị dùng chân tâm, chẳng dùng vọng tâm, có khác gì với chư Phật, Bồ Tát hay chăng? Không khác gì cả! Xin lại xem kinh.

          (Diễn) Thử kinh chi y chánh thanh tịnh, tín nguyện vãng sanh thị dã.

          () 此經之依正清淨,信願往生是也。

          (Diễn: Tông chỉ của kinh này là “y báo và chánh báo thanh tịnh, tín nguyện vãng sanh”).

          Phần Chánh Tông của kinh này là “y chánh thanh tịnh”. Y là y báo, Chánh là chánh báo, y báo và chánh báo trang nghiêm. Mở đầu phần Chánh Tông, đức Phật nói ra sự trang nghiêm nơi y báo và chánh báo của Tây Phương Cực Lạc thế giới, khuyên chúng ta sanh lòng tin tưởng, khuyên chúng ta phát nguyện, khuyên chúng ta trì danh, “tín nguyện vãng sanh”. Pháp môn này là pháp môn thành Phật trong một đời, nếu quý vị thật sự hiểu rõ, không một ai chẳng chết lòng sát đất tu học. Đừng sợ người khác cười cợt. Người khác cười nhạo quý vị là chuyện ắt phải có, là lẽ đương nhiên. Vì sao? Người không thông suốt, nhìn vào pháp môn này đương nhiên sẽ ha hả cười vang, “hạ sĩ văn đạo” (kẻ căn cơ bậc hạ nghe đạo), ha hả cười to, chẳng cười thì mới là không hợp lý, kẻ ấy không hiểu mà! Kẻ ấy muốn học Thiền, học Mật, tự nghĩ ta cao minh, hắn học là chuyện của hắn, đợi đến khi quý vị thành Phật rồi sẽ đến độ hắn. Hắn chê cười quý vị cũng là có duyên phận với quý vị, có duyên sẽ độ được hắn. “Phật chẳng độ kẻ không có duyên”, hắn khen ngợi quý vị là kết duyên với quý vị, hắn chê cười quý vị cũng là kết duyên. Quý vị thành Phật rồi sẽ đến độ hắn. Chớ nên vì ta học pháp môn này, người khác cười cợt ta, ta bèn học Thiền kẻ khác sẽ khen ngợi ta, vậy thì ta hãy đi học Thiền! Quý vị vì muốn thành Phật hay là vì muốn lấy lòng người khác? Thuận lòng chúng sanh, làm đẹp lòng chúng sanh, sẽ là đời sau kém hẳn đời trước, đời sau thua đời trước, không xong rồi! Đương nhiên phải vâng theo giáo huấn của Như Lai, đừng thuận theo tri kiến của chúng sanh, điều này quan trọng lắm! Chúng sanh tà tri tà kiến, làm sao có thể tùy thuận họ được? Phải tùy thuận chánh tri chánh kiến của Như Lai thì mới là người thông minh, mới là người thật sự yêu thương, quan tâm đến chính mình.

          Trong kinh Đại Tập, đức Phật đã nói rất rõ rệt: “Thời kỳ Chánh Pháp, Giới Luật thành tựu. Thời kỳ Tượng Pháp, Thiền Định thành tựu. Thời kỳ Mạt Pháp, Tịnh Độ thành tựu”. Câu này cũng giống như đức Phật thọ ký trọn khắp hàng đại chúng chúng ta. Ngày nay, chúng ta sanh nhằm thời kỳ Mạt Pháp, chúng ta tu Tịnh Độ thì đúng là y giáo phụng hành, là học trò ngoan của Như Lai. Sanh nhằm thời kỳ Mạt Pháp, lại học Giới Luật, học Thiền, là đã trái nghịch lời Phật giáo huấn. [Những pháp môn ấy] đều do Phật nói, chẳng phải là không hay, nhưng thời cơ đã qua rồi! Tu học trong thời đại hiện tại, chướng ngại rất nhiều, chẳng dễ thành tựu. Vì sao chẳng y giáo phụng hành mà cứ ham cao chuộng xa? Nói thật ra, “cao” thì có pháp môn nào cao hơn kinh Di Đà? Kẻ vô tri không hiểu biết, mở kinh Di Đà ra đọc một lượt từ đầu đến cuối, [chê cười nội dung] chẳng có gì! Giống như chuyện thần thoại, giống kể chuyện xưa tích cũ, không thấy được đường lối trong ấy. Giống như chuyện thần thoại, không có ý nghĩa gì hết, không đáng để mắt tới, vậy là sao? Kẻ ấy nghiệp chướng quá nặng, quá hời hợt!

          Trong tác phẩm chú giải này, Liên Trì đại sư đã chỉ rõ bao nhiêu là ý nghĩa trong từng câu từng chữ của bản kinh này. Trong quá khứ, chúng tôi đã giảng từ đầu đến cuối bộ Sớ Sao này hai lượt; lần thứ nhất không giảng Huyền Nghĩa, chúng tôi chỉ giảng đề mục, giảng từ phần giải thích kinh văn trở đi, phần Thông Tự Đại Ý không giảng, phần Khai Chương cũng không giảng. Do không giảng phần Huyền Nghĩa, chúng tôi giảng bốn năm mới xong. Lần thứ hai, giảng toàn bộ, ngay cả phần Huyền Nghĩa lẫn Tự Phần đều giảng, giảng mất năm năm. Chúng tôi lưu lại một bộ băng thâu âm hoàn chỉnh gồm ba trăm ba mươi lăm cuốn. Kinh Di Đà chẳng đơn giản! Giảng lần này còn thù thắng hơn lần giảng thứ hai, cặn kẽ hơn, thấu triệt hơn, hy vọng trong ba năm, mọi người chúng ta cùng nỗ lực đặt cơ sở vững vàng cho pháp môn này.

          Thưa quý vị, muốn cầu vãng sanh thì như trong kinh nói “nhược nhất nhật chí nhược thất nhật” (hoặc một ngày cho đến hoặc bảy ngày) sẽ thành, không khó! Khó ở chỗ nào? Công tác chuẩn bị khó khăn. Thật sự ra đi, không khó! Trong hội giảng kinh Hoa Nghiêm ngày hôm qua, chúng tôi cũng nhắc đến vấn đề này, tôi giảng về Căn Bản Trí. Căn Bản Trí là tâm thanh tịnh, tức là như nhà Thiền nói “minh tâm kiến tánh”. Trong buổi giảng, tôi bảo mọi người: Cảnh giới ấy dễ hiện diện nhất trong Thiền Thất hay Phật Thất, chứ lúc bình thường chẳng dễ; nhưng trong các loại Thiền Thất, Phật Thất giống như chúng ta đang làm hiện thời, chúng là pháp hội, cảnh giới ấy chẳng hiện tiền. Thật sự kết thất niệm Phật, trong vòng bảy ngày, Phật hiệu quyết định chẳng được gián đoạn giữa chừng, chớ nên ngủ nghỉ, suốt bảy ngày bảy đêm. Thiền Thất còn khó hơn Phật Thất, chẳng dễ dàng đâu nhé! Trong vòng bảy ngày ấy, yêu cầu người ấy làm điều gì? Trong nhà Phật thường nói: “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hạnh xứ diệt” (dứt bặt ngôn ngữ, diệt sạch tâm hạnh), phải làm được điều này. Trong vòng bảy ngày, trong tâm chẳng khởi ý niệm, tâm hạnh xứ diệt, chẳng nói câu nào thì mới thấy có công phu. Nhưng lũ chúng ta tập khí phiền não, nghiệp chướng sâu nặng, trong khi ấy, một là vọng niệm tơi bời đè nén không được, căn bệnh ấy gọi là “trạo cử” (lao chao); một chứng bệnh khác là “hôn trầm”, buồn ngủ rũ người ra, ngủ gục, tinh thần trầm trệ. Nói chung là mắc những chứng bệnh ấy. Do vậy, Thiền Thất còn khó hơn Phật Thất. Phật Thất có điểm nào tốt? Có một câu Phật hiệu, câu Phật hiệu có công đức tuyệt diệu, đã có thể đối trị trạo cử lại còn có thể đối trị hôn trầm. So với cách sử dụng tham Thoại Đầu và quán tâm của nhà Thiền quả thật thuận tiện hơn nhiều lắm, có một câu Phật hiệu để khởi lên, nhất định sẽ làm được “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hạnh xứ diệt”, chẳng có vọng tưởng nào! Đấy mới là công phu, khi ấy tâm thanh tịnh sẽ có thể hiện tiền, chẳng đơn giản!

          Nếu chẳng hiểu rõ lý luận, không hiểu rõ phương pháp, không thông hiểu cảnh giới, nếu quý vị sử dụng công phu này, thưa với quý vị, rất dễ gặp ma chướng, phiền phức lớn lắm. Ma do đâu mà có? Chính là oán gia trái chủ của quý vị trong đời đời kiếp kiếp. Ngày nay quý vị phát tâm dũng mãnh, mong vượt thoát tam giới, liễu sanh tử, họ sẽ nói: “Ngươi nợ mạng ta, người còn chưa đền mạng ta, ngươi còn nợ mạng và tiền của ta, ngươi còn chưa đền tiền cho ta mà muốn bỏ đi ư?”, họ đến gây rối. Quý vị không tích cực tu hành thì chẳng sao, họ sẽ nói: “Hóa ra ngươi chạy không khỏi, nhất định sẽ có ngày ta báo thù”. Họ ung dung chờ đợi. Quý vị thật sự muốn ra đi, họ sẽ lo ngại, nhanh chóng báo thù, nghiệp chướng xảy đến liền. Chẳng dụng công sẽ chẳng vướng ma chướng, ma coi thường quý vị, ma từ từ chờ đợi quý vị. Nói chung là có lúc ta sẽ báo thù ngươi. Quý vị thật sự muốn ra đi, ma cũng sẽ vội vàng, nhanh chóng gây rối, chẳng gây rối thì sau này sẽ không kịp nữa, ma chướng bèn hiện tiền. Do vậy, bình thường đãi người, tiếp vật, hãy nhớ kỹ một nguyên tắc, tuyệt đối chớ kết oán cừu với người khác. Phật pháp dạy chúng ta “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”, công đức ấy là tu hành, tu Định – Huệ trong tùy hỷ. Định – Huệ là công đức, đừng kết oán cừu với người khác, nhất định phải tu từ bi, bình đẳng. “Oan gia nên gỡ, đừng nên buộc”, cởi gở oán thù trói buộc chắc chắn là [thái độ tu học] chính xác!

          Nói đến chỗ này, chúng tôi đã giới thiệu khái lược chỗ hay của bộ kinh này, tức là công đức lợi ích của cả bộ kinh. Ở nơi này, chúng tôi đã nói với quý vị bao nhiêu lần: Tôi học Phật ba mươi mấy năm, bắt đầu học Phật vào năm Dân Quốc 42 (1953), giảng kinh hai mươi lăm năm mới nhận ra chỗ hay của kinh này, mới nhìn ra được. Hoa Nghiêm, Pháp Hoa chẳng thể sánh bằng, thua quá xa! Kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng, Phổ Hiền Bồ Tát dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc, trở về kinh này. Kinh Hoa Nghiêm được xưng tụng là “kinh trung chi vương” (vua trong các kinh), kinh Di Đà là “vương trung chi vương” (vua của các vua), có mấy ai có thể nhận biết? Không ai nhận biết, thật đáng tiếc quá! Kinh này được gọi là pháp khó tin mà! Không trách mười phương chư Phật đều tán thán, đều khuyên tu. Chạy theo những kinh luận khác sẽ đều là “đối với vật báu thật sự mà vẫn không nhận biết, không biết giá trị”. Nếu đối với những vật báu đều nhận biết thì quý vị mới có thể chọn lựa vật tốt đẹp nhất, có giá trị nhất, quý báu nhất trong số đó, quý vị mới có con mắt biết chọn pháp. Quý vị không có con mắt chọn lựa pháp thì sẽ thấy pháp này cũng khá quá, pháp kia cũng rất tuyệt! Không biết noi theo pháp nào! Có con mắt chọn lựa pháp đương nhiên chẳng dễ dàng, đấy là trí huệ, chứ không phải cảm tình!

          Nói tới “tín nguyện vãng sanh”, thành tựu trong một đời, thì [kinh này] cùng với Hoa Nghiêm, Pháp Hoa và hết thảy các đại kinh đại luận xét về Lý chẳng hai, chẳng khác; nếu luận theo mặt Sự, sai khác rất lớn. Trong những pháp môn khác, một đời thành tựu há nói dễ dàng ư? Pháp môn này ngàn phần chân thật, muôn vàn đích xác, thành tựu trong một đời. Nếu nhìn theo phía các pháp môn theo đường lối thông thường thì công phu thành phiến, chế phục phiền não, Sự nhất tâm bất loạn, đoạn phiền não, Lý nhất tâm bất loạn phá vô minh, chẳng khác gì với những điều được giảng trong Giáo Hạ, nhưng phương pháp là sử dụng một câu Phật hiệu. Tuy vậy, phải biết dụng tâm nơi câu Phật hiệu này, vấn đề nằm ở chỗ này. Mọi người chúng ta đều biết niệm, nhưng quý vị dùng cái tâm nào để niệm? Khác nhau! Mỗi cá nhân dùng cái tâm khác nhau nên hiệu quả của Phật hiệu chẳng giống nhau! Âm thanh giống hệt nhau, nhưng mỗi người đắc lực mỗi khác. Ấy là vì mỗi cá nhân dùng cái tâm khác nhau. Nếu quý vị biết dùng chân tâm, quý vị biết dùng chân tâm thường trụ để niệm Phật hiệu này thì sẽ là tuyệt diệu, sẽ là tối thượng thừa. Bởi lẽ, một câu “chân tâm thường trụ” này quả thật trọn đủ viên mãn Tam Học, Tam Huệ, Tam Tư Lương, ba năm nhất định đắc Lý nhất tâm bất loạn, là bậc Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo hoặc Sơ Địa Bồ Tát trong Biệt Giáo. Tu học thông thường thì phải tu hành một hai A-tăng-kỳ kiếp mới tu thành như vậy, còn quý vị tu hai ba năm sẽ đạt được, thuận tiện quá mức! Do quá thuận tiện nên quý vị không tin tưởng, Vì sao có thể đạt được? Vì quý vị dùng chân tâm. Nếu quý vị dùng vọng tâm thì thật sự phải mất hai, ba A-tăng-kỳ kiếp. Do vậy, vấn đề là sử dụng cái tâm, có biết dùng cái tâm hay không? Mấu chốt tu học của chúng ta thật sự ở chỗ này!

                   (Diễn) Tiền chi Tự, Chánh tự thử, hậu chi Lưu Thông, chánh lưu thông thử dã.

() 前之序,正序此,後之流通,正流通此也。

          (Diễn: Phần Tự trong đoạn trước nhằm giới thiệu phần Chánh Tông trong phần này, phần Lưu Thông ở đằng sau [phần Chánh Tông] nhằm lưu thông phần Chánh Tông).

          Phần Chánh Tông là chủ thể của một bộ kinh, là phần chứa đựng tinh hoa của bộ kinh. Tiếp theo đây, [sách Diễn Nghĩa] giải thích phần Lưu Thông.

                   (Diễn) Lưu giả, vô trụ.

          () 流者無住。

          (Diễn: Lưu là không trụ).

           “Trụ” là ngưng lại, dừng lại ở một chỗ nào đó.

          (Diễn) Thông giả, vô tắc, sử thử diệu pháp, tự thử giới dĩ cập tha phương, do hiện tại dĩ cập vị lai, vô hữu lưu ngại, danh vi Lưu Thông.

       () 通者無塞。使此妙法,自此界以及他方,由現在

以及未來,無有留礙,名為流通。

          (Diễn: “Thông” là không nghẽn. Khiến cho diệu pháp này từ cõi này lan đến các phương khác, từ hiện tại truyền đến tương lai chẳng bị trở ngại thì gọi là Lưu Thông).

          Lưu thông Pháp Bảo công đức vô lượng. Lưu thông Pháp Bảo thuận lòng chư Phật, là đại từ đại bi phổ độ chúng sanh. Do vậy, phải lưu thông Phật pháp. Phật pháp không chú trọng đến quyền lợi, quý vị thấy đằng sau những bản chú giải của các vị đại đức từ xưa, những bản chú giải ấy do các Ngài trước tác, hoàn toàn không ghi thêm câu “giữ bản quyền, in lại ắt sẽ truy cứu trách nhiệm”. Các Ngài đều khuyên người khác lưu thông, “hoan nghênh ấn hành, công đức vô lượng”. Đấy là đại từ đại bi, đấy là chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, thực hành đại nguyện của quý vị. Trước tác của chính mình còn ghi thêm câu “hoan nghênh ấn hành, công đức vô lượng”, huống hồ trước tác của cổ nhân, huống hồ là kinh điển! Tôi thấy hiện thời có rất nhiều kinh điển phía sau có nơi phần bản quyền cũng in thêm câu “giữ bản quyền, in lại ắt sẽ truy cứu trách nhiệm”, ai có bản quyền? Bản quyền kinh A Di Đà thuộc về Cưu Ma La Thập đại sư, Ngài phiên dịch kinh ấy [nhưng không giữ bản quyền], ai sẽ truy cứu? Cưu Ma La Thập đại sư không truy cứu, ai dám truy cứu? Sớ Sao là tác phẩm của Liên Trì đại sư, Liên Trì đại sư không kiện ra tòa, ai dám thay Ngài kiện ra tòa? Trong thời kỳ Mạt Pháp, có những kẻ buôn bán Như Lai, trong kinh đã giảng rất rõ ràng [chuyện này, nhưng họ vẫn] coi Phật pháp như hàng hóa để buôn bán. Trong kinh nói rất rõ rệt: Tội lỗi ấy có quả báo là A Tỳ địa ngục. Chướng ngại lưu thông, quả báo là A Tỳ địa ngục. Hiện tại, những kẻ ấy được lợi ích bé tí teo, sau này mắc khổ quả to đùng! Ngu si đấy! Những đồng tu học Phật chớ nên không biết điều này! Bởi lẽ, Phật pháp phải lưu thông, hễ những thứ gì có lợi ích cho chúng sanh đều nên lưu thông.

          (Diễn) Vi thuận giả, ngôn phẫu xuất kinh tâm, phương khiết xuất trần chi đoan tự, cố Thông Tự thuận Tự Phần.

          () 為順者,言剖出經心,方挈出塵之端緒,故通序

順序分。

          (Diễn: Thuận dịp, nói ra những lời mổ xẻ phô bày những điều tâm yếu của bản kinh nên mới nêu ra đầu mối thoát khỏi trần lao; vì thế, phần Thông Tự Đại Ý tương ứng với Tự Phần).

          Đặc biệt là trong Sớ Sao, trong Diễn Nghĩa, quả thật đã mổ xẻ những điều tâm yếu trong bộ kinh này, khiến cho chúng ta thật sự nhìn thấy rõ ràng, thật sự hiểu rõ. Có như vậy mới là “khiết xuất trần chi đoan tự” (nêu ra được đầu mối xuất trần): “Khiết” (挈) là đưa ra, bày ra những điều cương lãnh, “trần” (塵) là trần lao, tam giới lục đạo. Từ vô thỉ đến nay không có cách nào để vượt thoát lục đạo luân hồi, lục đạo luân hồi giống như tằm kéo kén, từng tầng, từng tầng một vây kín chúng ta trong ấy, không có ngày thoát ra. Nay tìm được đầu mối tơ, sẽ có biện pháp thoát khỏi. Do vậy, “Thông Tự thuận Tự phần” (phần Thông Tự tương ứng với Tự phần). Sớ Sao gồm bốn quyển, quyển thứ nhất là Thông Tự Đại Ý, Khai Chương Thích Văn, quả thật đã phân tích, trình bày những cương lãnh huyền diệu, trọng yếu của bộ kinh này, khiến cho chúng ta thật sự hiểu rõ pháp môn này, trân quý pháp môn này, [những điều ấy] phù hợp với Tự Phần. Kinh văn của Tự Phần không dài, đến khi bước vào phần kinh văn, chúng tôi sẽ lại giảng cặn kẽ ý nghĩa của toàn bộ Tự Phần. Ý nghĩa ấy quá sâu, còn khó hiểu hơn phần Chánh Tông, không có Phật nhãn sẽ không có cách nào thấy được.

          (Diễn) Tùy văn nhập quán, phương tri đại đạo chi du quy, cố Khai Chương thuận Chánh Tông Phần.

          () 隨文入觀,方知大道之攸歸,故開章順正宗分。

          (Diễn: Thuận theo kinh văn nhập quán, mới là biết chỗ quy hướng

của đại đạo, vì thế, phần Khai Chương Thích Văn tương ứng với Chánh

Tông Phần).

                   Đây là đoạn lớn thứ hai, giảng về phần Chánh Tông, đều nói là “thuận” theo những ý nghĩa ấy (tức là dựa trên ý nghĩa của ba phần Tự, Chánh Tông, và Lưu Thông vừa giảng trên đây, mà phán định các đoạn lớn như Thông Tự Đại Ý, Khai Chương Thích Văn v.v… sẽ tương ứng với phần nào). “Văn” là kinh văn. Thế nào là “tùy văn nhập quán”? “Quán” là quán chiếu. Chúng ta không có cách nào, chúng ta niệm kinh văn này như thế nào, niệm đến mức nhuyễn nhừ cũng chẳng khởi lên công phu quán chiếu được. Nếu quý vị hỏi cách quán chiếu ra sao ư? Bộ Sớ Sao Diễn Nghĩa chính là do Liên Trì đại sư tùy văn nhập quán, nói cho chúng ta biết cảnh giới quán chiếu của Ngài, đấy là quán chiếu. Cái hay của Ngài là kinh có nghĩa lý không cùng tận, mà ý nghĩa trong bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư cũng chẳng cùng tận, thật sự khó có, thật chẳng dễ dàng! Điều này cho thấy Liên Trì đại sư không soạn văn chương, bởi ý nghĩa của văn chương có cùng tận. Nói cách khác, văn chương có giới hạn, có phạm vi, chẳng phải là không có cùng tận. Văn tự của bộ Sớ Sao không có cùng tận. Nói thành thật thì văn tự của bộ Diễn Nghĩa chẳng bằng bộ Sớ Sao, thua rất xa. Văn tự trong bộ Diễn Nghĩa có phạm vi, có cùng tận; còn văn tự của bộ Sớ Sao không có cùng tận, không có phạm vi. Điều này chứng tỏ cảnh giới của pháp sư Cổ Đức không cao như cảnh giới của Liên Trì đại sư. Rốt cuộc tổ sư là tổ sư, học trò vẫn là học trò, không có trình độ cao như thầy, không đạt cảnh giới như thầy. Đối với những thứ bày ra trước mắt chúng ta, một đằng là vừa nhìn liền hiểu ngay; một đằng là có giới hạn, có phạm vi, một đằng là không có giới hạn, không có phạm vi. Diễn Nghĩa là bút ký nghe giảng kinh của pháp sư Cổ Đức, Ngài trực tiếp nghe Liên Trì đại sư giảng, ghi lại những điều Ngài đích thân nghe được, cống hiến cho chúng ta làm tài liệu tham khảo, giúp chúng ta hiểu rõ Sớ Sao.

          Những ý nghĩa này cho thấy Liên Trì đại sư là bậc minh tâm kiến tánh, ngôn ngữ văn tự của Ngài từ Chân Như bổn tánh lưu lộ, cho nên không có cùng tận. Pháp sư Cổ Đức chưa kiến tánh, văn chương của Ngài phát xuất từ thức thứ sáu nên có phạm vi, có cùng tận. Do vậy, Liên Trì đại sư được tôn xưng là vị tổ sư đời thứ tám, còn pháp sư Cổ Đức chẳng thể gọi là tổ sư đời thứ chín, đạo lý ở chỗ này. Ngẫu Ích đại sư mới được tôn xưng là tổ sư đời thứ chín. Pháp sư Cổ Đức là thị giả của đại sư [Liên Trì], trước thuật trong cả đời đại sư đều do pháp sư Cổ Đức chỉnh lý, khắc ván lưu truyền cho đời sau, công đức vô lượng vô biên, tuy chưa kiến tánh! Hai cuốn sách này bày ra trước mặt, quý vị lắng lòng xem sẽ biết ngay, một cuốn ý vị không cùng tận, một cuốn ý vị có cùng tận, khác hẳn! Điều này chẳng thể gạt ai được; do vậy, Sớ Sao chính là do Liên Trì đại sư đọc kinh Di Đà, “tùy văn nhập Quán”. Ngài đem những lý luận và cảnh giới do Ngài quán chiếu được nói cho chúng ta biết.

          “Phương tri đại đạo chi du quy” (mới biết chỗ quy hướng của đại đạo), ai biết? Liên Trì đại sư biết! Nếu chúng ta không đọc Sớ Sao, làm sao biết được? Ngày nay chúng ta biết được “đại đạo chi du quy” là do Liên Trì đại sư bảo cho biết. Liên Trì đại sư bảo chúng ta mà chúng ta có tin tưởng hay không? Nếu chúng ta tin tưởng thì ngay trong năm ấy, đọc Sớ Sao lần thứ nhất lẽ ra phải tin tưởng ngay. Vì sao đọc lần thứ nhất không tin tưởng? Đọc lần thứ hai vẫn chưa tin tưởng, đọc mấy chục lượt đều chẳng tin tưởng. Hiện nay tin tưởng, vì sao tin tưởng? Bây giờ tôi cũng đã thấy rồi! Tôi thấy giống như Ngài thấy. Tôi tin tưởng, không nói gì. Tôi chưa thấy mà quý vị chỉ nói một lượt, tôi chẳng tin. Do tôi cũng đã thấy, quý vị nói, tôi liền gật đầu: “Không sai! Đúng như vậy đó! Tôi tin”. Chân tín chẳng dễ dàng, khá là khó! Do vậy, tôi mò mẫm Phật pháp ba mươi mấy năm rồi mới tin tưởng. Tôi giảng lần thứ nhất, giảng lần thứ hai, tín tâm không thanh tịnh như hiện thời, không kiên cố như hiện thời, quý vị nghe băng thâu âm [hai lần giảng] trong quá khứ sẽ nhận ra. Giảng lần đầu là nghe sao nói vậy, lần thứ hai là giảng được đôi chút phảng phất. Hiện thời là thật sự thấy được, do vậy, khác hẳn. Chân tín mà! Chữ “tri” này chẳng dễ dàng. Không tùy văn nhập quán, làm sao quý vị biết? Chúng ta là người đời sau được người đời trước tạo thuận tiện, hãy nên hiểu rằng: Bản thân chúng ta không khởi lên được công phu quán chiếu, cổ nhân giúp chúng ta một tay. Sớ Sao giúp đỡ chúng ta.

                   (Diễn) Bạt nghiệp chướng căn, tự nhiên lưu nhập thanh tịnh hải, cố kết thích thuận Lưu Thông Phần.

          () 拔業障根,自然流入清淨海,故結釋順流通分。

            (Diễn: Dứt nghiệp chướng, tự nhiên lưu nhập biển thanh tịnh, nên phần Kết Thích tương ứng với Lưu Thông Phần).

          “Nghiệp chướng”: Nghiệp chướng là gì? Phải hiểu rõ định nghĩa này. Quý vị phải hiểu rõ: Nghiệp là chướng, ác nghiệp là chướng, mà thiện nghiệp cũng là chướng. Quả báo của ác nghiệp là trong tam ác đạo, quả báo của thiện nghiệp là trong ba thiện đạo, đều chẳng ra khỏi luân hồi, đều chẳng thể vãng sanh, đều là Chướng! Đấy là nói thô thiển. Nói vi tế thì Nghiệp là gì? Nghiệp là tạo tác, kết quả của tạo tác gọi là Nghiệp. Nghiệp lực chẳng thể nghĩ bàn, nghiệp lực gây chướng ngại cho quý vị. Đối với tạo tác, đặc biệt chú trọng sự tạo tác nơi tâm địa: Quý vị khởi tâm động niệm, khởi vọng tưởng đều là tạo tác. Muốn thật sự dứt trừ nghiệp chướng thì phải “dứt bặt ngôn ngữ, diệt sạch tâm hạnh” thì mới có thể dẹp trừ nghiệp chướng. Trong mười hai thời, hãy giống như nhà Thiền đã nói “tâm như tường vách”, lục căn đối trước lục trần bên ngoài chẳng khởi lên một niệm, niệm gì cũng chẳng khởi, nhưng vẫn hiểu rõ ràng, minh bạch cảnh giới bên ngoài, đấy là quán chiếu, là trí huệ, trong tâm “như như bất động”, đấy là Thiền Định, như vậy thì mới có thể dẹp trừ nghiệp chướng căn bản. “Tự nhiên lưu nhập thanh tịnh hải”: Thanh tịnh hải là tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh rộng lớn khôn sánh nên dùng biển để sánh ví. Dùng bài chú này để tổng kết cả bộ kinh, kết thúc bằng giải thích chú Vãng Sanh, đấy là “tương ứng với phần Lưu Thông”.

          Những điều này nhằm giải thích hai chữ “vi thuận”. Chữ Thuận có ý nghĩa rất sâu, rất nhiều, sâu rộng không cùng tận. Chữ Thuận ấy có ý nghĩa thông với chữ “thuận” trong “hằng thuận chúng sanh” của mười đại nguyện vương. Lại thưa rõ cùng quý vị, Trung Quốc nói đến hiếu đạo, hiếu thuận, vậy hiếu là gì? Thuận gọi là hiếu, hiểu theo ý nghĩa này cũng hợp lý. Trí huệ đầy ắp trong ấy, đầy ắp phương tiện thiện xảo, do vậy mới có thể trong khi hằng thuận chúng sanh lại có thể dẹp trừ hết thảy nghiệp chướng căn bản, thật tuyệt vời! Đạt được sự thanh tịnh chân thật thì mới là Lý nhất tâm bất loạn, mới thật sự là Thượng Phẩm Thượng Sanh. Hôm nay đã hết thời gian rồi!

[1] Đan trì (丹墀) theo nghĩa gốc là những tầng cấp được sơn màu đỏ, không có mái che, dẫn lên một tòa điện đường trong kiến trúc cổ. Về sau, dù không sơn đỏ, phần tam cấp (hoặc nhiều bậc hơn) chiếm hết toàn bộ phần trước nền nhà vẫn được gọi là “đan trì”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *