#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 149
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm mười tám:
(Sao) Vấn: Thử kinh bất kiêm sắc tượng, kim hồ nãi nhĩ?
(鈔) 問:此經不兼色像,今胡乃爾。
(Sao: Hỏi: Kinh này chẳng kiêm sắc tượng là vì sao như vậy?)
“Bất kiêm sắc tượng” là nói: “Văn Thù Nhất Hạnh tam-muội, bất thủ tướng mạo, chuyên xưng danh tự” (Nhất Hạnh tam-muội của ngài Văn Thù chẳng giữ lấy tướng mạo, chuyên xưng niệm danh tự), có ý nghĩa này. Cũng có thể nói là phương pháp tu hành được đề xướng trong bộ kinh này chú trọng trì danh, chẳng cần quán tưởng, mà cũng chẳng cần quán tượng. Ở đây, Liên Trì đại sư giả thiết một nghi vấn; tuy là giả thiết, nhưng trong số các đồng tu đọc Tịnh Độ Tam Kinh, quả thật có người có nghi vấn như vậy. Thí dụ như Quán Kinh chú trọng quán tưởng, có Quán Tưởng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật, cuối cùng mới nói đến Trì Danh Niệm Phật, còn kinh này chuyên giảng về trì danh. Dưới đây là lời giải đáp:
(Sao) Đáp: Hữu chuyên chủ cố, kiêm diệc vô ngại.
(鈔) 答:有專主故,兼亦無礙。
(Sao: Đáp: Do vì chuyên chú trọng một môn chủ yếu, nếu tu kèm thêm [các pháp niệm Phật khác] thì cũng chẳng trở ngại).
Kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ đồng bộ, nên chủ trương của hai kinh hoàn toàn nhất trí, chuyên lấy Trì Danh làm chủ yếu, nhưng trong quá trình tu học, nếu quý vị tu kèm thêm Quán Tưởng hoặc Quán Tượng cũng chẳng trở ngại, vẫn được! Trong Vãng Sanh Luận, Thiên Thân Bồ Tát đề xướng Ngũ Niệm Pháp, có quán tưởng, xưng danh, phát nguyện, hồi hướng và sám hối, năm phương pháp đều có thể tu, cũng vô ngại.
(Sao) Như Bồ Tát thiên hành Lục Độ thời, dĩ Thí vi chuyên chủ, dư phi bất tu, đản tùy lực, tùy phận.
(鈔) 如菩薩偏行六度時,以施為專主,餘非不修,但隨力隨分。
(Sao: Như Bồ Tát lúc chú trọng tu Lục Độ, lấy Bố Thí làm chủ yếu, chẳng phải là không tu những hạnh khác, chỉ tùy sức, tùy phận [mà tu tập]).
Đây là nêu ra một thí dụ, “Bồ Tát thiên hành Lục Độ” là nói tới Thập Địa Bồ Tát trong kinh Hoa Nghiêm. Thập Địa Bồ Tát là [các địa vị Bồ Tát] từ Sơ Địa cho đến Thập Địa. Tuy mười Độ đều tu, nhưng trong mỗi giai đoạn, Ngài chú trọng một Độ. Thí dụ như Sơ Địa Bồ Tát thiên trọng Bố Thí Ba La Mật, Nhị Địa Bồ Tát chuyên tu Trì Giới Ba La Mật, Tam Địa Bồ Tát chuyên tu Nhẫn Nhục Ba La Mật, cho đến Thập Địa Bồ Tát, mỗi địa vị có sự chuyên tu riêng. Tuy chuyên tu một hạnh ấy, nhưng chẳng phải là các hạnh khác không tu, thảy đều tu. Tuy đều tu, nhưng trong đó, lấy một hạnh làm chủ yếu. Ở đây nói Lục Độ, “dĩ Thí vi chuyên chủ” (lấy Bố Thí làm pháp tu chủ yếu) là nói về Sơ Địa. Quý vị đọc kinh Hoa Nghiêm liền biết Sơ Địa Bồ Tát chuyên dùng Bố Thí Ba La Mật làm hạnh chuyên chủ, tức là [dùng Bố Thí Độ] để chuyên tu, chủ tu, nhưng Ngài vẫn phải tu chín Độ kia, trọn chẳng phải là không tu!
“Đản tùy lực, tùy phận” (chỉ tùy sức, tùy phận), đối với Thập Ba La Mật, ở đây chỉ nói Lục Độ, tức là đại sư tỉnh lược, vì trong kinh Hoa Nghiêm, quả thật có những độ ấy. Vì sao kinh Hoa Nghiêm có Thập Độ? Thông thường, kinh Đại Thừa đều nói Lục Độ, kinh Hoa Nghiêm nói Thập Độ, nhưng nội dung của Thập Độ và Lục Độ chẳng sai khác! Thập Độ là Độ thứ sáu [trong Lục Độ], tức Bát Nhã Ba La Mật, được triển khai thành năm Độ; do vậy, năm Độ sau hoàn toàn là Bát Nhã. Bởi lẽ, Bát Nhã Ba La Mật là Căn Bản Trí, bốn thứ sau là Phương Tiện Ba La Mật, Nguyện Ba La Mật, Lực Ba La Mật và Trí Ba La Mật (trí này là Quyền Trí), bốn loại này thuộc về Hậu Đắc Trí.
Chẳng có Bát Nhã Ba La Mật, nói cách khác, quyết định chẳng có phương tiện. Phương tiện thiện xảo sanh từ Bát Nhã Ba La Mật; phương tiện thiện xảo chẳng dễ dàng! Nếu chẳng có Bát Nhã Ba La Mật, quý vị muốn dùng phương tiện thiện xảo sẽ bị rắc rối to! Trong Phật môn thường nói “Phương tiện thành hạ lưu!” Vì sao phương tiện trở thành hạ lưu? Kẻ ấy chẳng có Bát Nhã Ba La Mật, học đòi hành theo phương tiện của Bồ Tát, chắc chắn trở thành hạ lưu. Đó gọi là “từ bi lắm họa hại, phương tiện thành hạ lưu”. Lại nói: “Từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”. Chúng ta nghe như vậy, dường như rất mâu thuẫn; thật ra, nó có đạo lý, từ bi và phương tiện đều phải kiến lập trên cơ sở Bát Nhã Ba La Mật. Vì thế, có thể biết, sau khi viên mãn Lục Độ thì mới có thể tu phương tiện từ bi, chẳng có Lục Độ, làm sao có phương tiện từ bi cho được? Đây là Bồ Tát tu học, lấy Lục Độ làm chủ; Lục Ba La Mật đang được nói ở đây chính là Thập Ba La Mật.
Kinh Hoa Nghiêm nói Sơ Địa Bồ Tát “ư nhất thiết vật, vô sở lận tích” (đối với hết thảy mọi vật, chẳng keo kiệt, tiếc nuối), có thể bỏ bất cứ lúc nào, có thể thí xả, chẳng keo kiệt, tiếc nuối. Vì sao? Vì Ngài cầu trí huệ! Đại trí cũng là trí huệ viên mãn rốt ráo, trí huệ do đâu mà có? Trong các buổi giảng, chúng tôi thường thưa trình cùng quý vị, trí huệ sanh từ tâm thanh tịnh. Tâm địa thanh tịnh quang minh giống như trong Tâm Kinh, nó liền khởi tác dụng Chiếu, có thể chiếu kiến! Tâm chúng ta một mực hồ đồ, chẳng thanh tịnh, không quang minh, nên chẳng chiếu kiến! Vì thế, mê hoặc, điên đảo. Nếu muốn khôi phục tâm thanh tịnh, nhất định phải xả. Xả là quý vị phải buông xuống. Quý vị không buông xuống được, tâm chẳng thanh tịnh; thứ gì cũng đều phải buông xuống! Lục Tổ đã nói: “Vốn chẳng có một vật”, phải buông xuống sạch sành sanh, tâm quý vị liền khôi phục thanh tịnh, trí huệ viên mãn mới có thể hiện tiền.
Do vậy có thể biết, bố thí vô cùng trọng yếu, chẳng có gì không thể xả, chẳng có gì không thể bố thí. Bởi lẽ, đây là đại sự tu hành, hết thảy tất cả đều có thể thí. Trong Thập Ba La Mật của Bồ Tát, Bố Thí Ba La Mật tăng thượng, chuyên tu Bố Thí Ba La Mật, xếp nó [thành hạnh tu chủ yếu của] địa vị thứ nhất, tức Sơ Địa. Quý vị cũng hiểu, chúng ta học Phật thì phải thực hiện từ chỗ nào? Thực hiện từ buông xuống. Lúc tôi mới học Phật, lần đầu tiên gặp Chương Gia đại sư, tôi thỉnh giáo Ngài, tôi thưa: “Phật pháp tốt đẹp, mỗi người chúng ta đều biết Phật pháp tốt đẹp. Từ chỗ nào thì sẽ có thể tiến nhập?’ Chúng tôi hy vọng có thể tiến nhập rất nhanh, lão nhân gia dạy tôi sáu chữ: “Thấy thấu suốt, buông xuống được”. Tôi thỉnh giáo Ngài: “Thực hiện từ chỗ nào?” Ngài bảo tôi: “Bố thí”. Quý vị thấy đó, hoàn toàn giống như kinh Hoa Nghiêm đã dạy. Do vậy nói: Quý vị muốn học Phật thì học bắt đầu từ chỗ nào? Bắt đầu học bằng bố thí. Không chỉ là thân, tâm, thế giới có thể buông xuống, mà thưa cùng quý vị, quan trọng nhất là phải buông phân biệt xuống, buông chấp trước xuống, buông vọng tưởng xuống, quý vị sẽ thành tựu nhanh chóng, tâm quý vị mới thật sự đạt được thanh tịnh.
Vì thế, đối với những pháp môn khác bèn tùy phần, tùy sức mà tu. Tu bố thí đến một giai đoạn kha khá, Bố Thí Ba La Mật viên mãn, Bồ Tát liền tiến cao hơn, từ Sơ Địa tiến lên Nhị Địa, Nhị Địa Bồ Tát tu Trì Giới Ba La Mật. Thưa cùng chư vị, có thể dùng một câu để nói trọn hết Thập Ba La Mật, câu gì vậy? Tâm thanh tịnh. Càng tiến cao hơn, tâm địa càng thanh tịnh, mười Ba La Mật đều nhằm tu tâm thanh tịnh!
(Sao) Kim niệm Phật diệc nhiên.
(鈔) 今念佛亦然。
(Sao: Nay niệm Phật cũng thế).
Pháp môn Niệm Phật cũng giống như thế, cũng có từng giai đoạn, và cũng có chuyên tu.
(Sao) Chuyên chủ ư quán tưởng giả, thiểu thời trì danh. Chuyên chủ ư trì danh giả, thiểu thời quán tưởng, diệc “tùy lực, tùy phận” chi ý dã.
(鈔) 專主於觀想者,少時持名;專主於持名者,少時觀想,亦隨力隨分之意也。
(Sao: Chuyên tu chủ yếu quán tưởng thì ít dành thời gian để trì danh. Chuyên tu chủ yếu trì danh thì ít dành thời gian để quán tưởng, cũng là ý nghĩa “tùy phần, tùy sức” vậy).
Nếu dùng phương pháp mười sáu phép Quán, Trí Giả đại sư dùng mười sáu phép Quán, Ngài có niệm A Di Đà Phật hay không? Niệm! Thời gian Ngài tu Quán nhiều, thời gian niệm Phật ít. Nếu chuyên nương theo kinh A Di Đà, hoặc kinh Vô Lượng Thọ, bèn lấy niệm Phật làm chủ, thời gian niệm Phật nhiều, thời gian tu Quán ít. Cận đại, lão cư sĩ Hạ Liên Cư đề xướng, quý vị thấy cụ biên soạn Tịnh Tu Tiệp Yếu, phương pháp là lấy niệm Phật làm Chủ, lấy quán tưởng làm Trợ. Tịnh Tu Tiệp Yếu là sáng tối tu một lần.
Bình thời, phải giữ sao cho một câu A Di Đà Phật không gián đoạn. Quý vị niệm càng nhiều càng tốt, mỗi ngày phải niệm tối thiểu một vạn câu Phật hiệu. Một vạn câu Phật hiệu thì quý vị nhớ số cũng rất tốt, mà “nhớ thời” cũng được. “Nhớ thời” thì đại khái niệm một vạn câu sẽ là hai tiếng đồng hồ. Mỗi ngày quý vị có thể niệm đủ hai giờ, đại khái là có thể niệm được một vạn câu Phật hiệu. Hai giờ ấy không nhất định phải niệm xong trong một lần. Quý vị có thể chia thành hai lần, ba lần, hoặc bốn lần chẳng sao cả, nhưng phải sắp xếp thành công khóa cố định. Công khóa cố định là mỗi ngày nhất định phải niệm, không nhất định là phải sáng tối, tức là không nhất định phải niệm trong khóa tụng sáng tối, phải như vậy thì mới được, mới là chuyên tu. Nếu sáng tối chúng ta dùng phương pháp trong Tịnh Tu Tiệp Yếu thì ba mươi hai lạy hết sức hay. Trong ba mươi hai lạy ấy, còn có quán tưởng, xưng danh, lễ bái. Tinh thần của ba mươi hai lạy là dựa trên Ngũ Niệm Pháp trong Vãng Sanh Luận của Thiên Thân Bồ Tát. Năm khoa này thảy đều có, có sám hối và phát nguyện.
(Sao) Sở vị bất kiêm sắc tượng giả, cái khủng nhất tâm chấp trì danh hiệu, hựu nhất tâm quán tưởng sắc tượng, bất duy tâm vô nhị dụng, nhi lưỡng sự song hành, khinh trọng bất phân, câu vô thành tựu nhĩ.
(鈔) 所謂不兼色像者,蓋恐一心執持名號,又一心觀想色像,不唯心無二用,而兩事雙行,輕重不分,俱無成就耳。
(Sao: Nói “không kiêm sắc tượng” là vì sợ đã nhất tâm chấp trì danh hiệu, lại còn nhất tâm quán tưởng sắc tượng thì không gì chẳng phải là do tâm không có hai tác dụng, mà hai sự đều cùng hành, chẳng phân nặng, nhẹ, sẽ đều chẳng thành tựu).
Mấy câu này rất quan trọng, nói rõ lợi ích sai khác giữa chuyên tu và kiêm tu. Kiêm tu là gì? Quý vị nhất tâm nhị dụng! Các đồng tu chúng ta đến nay đã học Phật bao nhiêu năm? Đừng nói tới nhất tâm, ngay cả công phu thành phiến còn chưa đạt được, nguyên nhân ở chỗ nào? Nhất tâm đa dụng! Vì thế, chẳng tương ứng, chẳng thể nhất tâm chuyên chú. Quý vị mới biết nhất tâm chuyên chú có công đức chẳng thể nghĩ bàn! Do vậy, cổ đức niệm Phật, trong Niệm Phật Đường của chính mình chỉ thờ một bức tượng A Di Đà Phật, [ngay cả] Quán Âm và Thế Chí đều chẳng thờ, [làm như vậy] có lý, chuyên nhất mà! Nhìn thấy [hình tượng] Quán Thế Âm Bồ Tát hoặc Đại Thế Chí Bồ Tát sẽ phân tâm, đạo lý ở chỗ này. Lãnh chúng niệm Phật bèn lạy Tây Phương Tam Thánh, nhưng trong Niệm Phật Đường của chính mình chỉ thờ một bức tượng Phật, [ngõ hầu] chẳng bị phân tâm. Người học Phật chúng ta trong hiện thời vọng niệm đúng là quá nhiều. Không chỉ muốn thờ rất nhiều Phật, Bồ Tát, mà còn mong mỏi đọc tụng rất nhiều kinh điển. Dẫu chẳng đọc tụng, trong tâm vẫn mong đọc tụng, kinh này cũng hay, kinh kia cũng khá. Không chỉ là Phật pháp, mà còn có rất nhiều pháp thế gian cũng vướng mắc, pháp thế gian và xuất thế gian cả một đống lớn! Đó là đa tâm. Niệm Phật kiểu ấy chẳng phải là chuyên tâm niệm Phật, mà là đa tâm niệm Phật, không thể chuyên chú!
Trong đoạn khai thị này, Liên Trì đại sư thật sự đại từ đại bi, đã chỉ điểm những khuyết điểm của chúng ta. Vì sao “không kiêm sắc tượng”, mà bảo quý vị hãy chuyên chú? Là vì chỉ sợ “nhất tâm chấp trì danh hiệu, lại vừa nhất tâm quán tưởng sắc tượng”, đó là nhất tâm nhị dụng. Nhất tâm nhị dụng, “nhi lưỡng sự song hành, khinh trọng bất phân” (mà cùng hành hai sự, chẳng phân nặng nhẹ), niệm Phật chẳng niệm tốt đẹp, quán tưởng cũng chẳng quán tốt đẹp, hai phương diện đều chẳng thực hiện tốt đẹp. Chúng ta suy nghĩ, [nhận thấy] thật sự có lý! Vì thế, cổ nhân tu hành có Chánh, có Trợ, lấy Trì Danh làm Chánh Hạnh, lấy quán tưởng làm Trợ Hạnh, có chủ và khách, chẳng đều xem trọng hết. Nếu đều xem trọng hết, rất khó đắc lực, nhất định phải thiên trọng một pháp môn nào đó. Nếu quý vị chuyên tu tập một pháp môn, coi đó là chủ yếu, chẳng dùng các pháp môn khác, ta chuyên niệm Phật, chẳng dùng tới quán tưởng, càng tốt đẹp hơn! Nhưng chúng ta đang là kẻ sơ học, đôi khi chuyên niệm một câu Phật hiệu chưa thể hàng phục phiền não, vọng niệm hãy còn rất nhiều, bèn thêm vào một chút quán tưởng, vọng niệm sẽ bớt đi một chút. Khi ấy có thể dùng, có thể thêm vào một chút quán tưởng nhằm đối trị vọng niệm. Vọng niệm ít đi, ta chuyên tu chủ yếu trì danh, chẳng cần quán tưởng nữa, làm như vậy là đúng. Vì thế, thỉnh thoảng có thể dùng quán tưởng, hoặc quán tượng, nhằm mục đích giúp chúng ta hàng phục vọng tưởng, tạp niệm, phải hiểu mục đích ở chỗ này, chẳng phải là đồng thời tu hai hay ba pháp môn!
Bốn pháp môn Niệm Phật trong Tịnh Tông cũng chẳng thể đồng thời kiêm tu, há còn có thể kiêm tu Thiền Tịnh ư? Còn có thể kiêm tu Thiền, Tịnh, Mật ư? Chẳng thể nào! Chư vị phải hiểu điều này. Vĩnh Minh đại sư nói: “Có Thiền, có Tịnh Độ, giống như cọp đội sừng”. Ngài nói với ai? Chẳng phải là nói với quý vị, lời ấy nhằm nói với người tham Thiền trong thuở đó. Người tham Thiền vô cùng chấp trước! Vĩnh Minh đại sư thấy Thiền không thể thành tựu, khuyên họ niệm Phật, họ chẳng tiếp nhận, nên mới dùng pháp phương tiện: “Quý vị tham Thiền, nếu tu thêm Tịnh Độ sẽ rất lỗi lạc”, cổ vũ, khích lệ họ niệm Phật. Đó là cách nói bất đắc dĩ, tuyệt đối chẳng nhằm nói với người niệm Phật. Người niệm Phật thấy đoạn khai thị ấy của Vĩnh Minh đại sư [bèn nghĩ]: “Ta niệm Phật kèm thêm một chút Thiền, chẳng phải là càng tốt hơn ư?” Vậy là quý vị đã hoàn toàn hiểu lầm ý nghĩa của Vĩnh Minh đại sư mất rồi! Quý vị nhất định phải biết vì sao Ngài nói lời ấy, nói với ai, phải hiểu rõ ràng!
Chuyện này, trong phần trước, chúng tôi đã trình bày, trong cuộc sống hằng ngày, bất luận làm chuyện gì đều phải chuyên tâm. Khi chúng ta làm việc, bèn chuyên tâm làm việc, chớ nên niệm Phật, buông Phật hiệu xuống. Khi làm việc xong, bèn chuyên tâm niệm Phật, buông công việc xuống, như vậy thì quý vị niệm Phật cũng tốt đẹp, mà công việc cũng thực hiện tốt đẹp! Vừa làm việc, vừa niệm Phật, cả hai đằng đều lỡ làng, công chuyện chẳng làm tốt đẹp, niệm Phật chẳng chuyên tâm, mà chính mình vẫn ngỡ bản thân rất tinh tấn: “Hôm nay Phật hiệu của ta chẳng gián đoạn”. Thật ra, cả hai đằng đều chẳng đạt được! Việc phải dùng sức, chẳng cần dùng đầu óc thì việc ấy có thể [vừa làm] vừa niệm Phật. Phàm những việc phải dùng đầu óc, phải chuyên chú tinh thần, quyết định chẳng thể [vừa làm] vừa niệm Phật.
Các đồng tu lái xe phải rất chú ý! Vừa lái xe vừa chuyên tâm niệm Phật, xảy ra tai nạn cũng chẳng biết. Đừng nghĩ tai nạn xảy ra bèn vãng sanh Tây Phương, tuyệt đối chẳng thể có chuyện ấy! Vì vậy, trong tình huống quý vị phải chuyên tâm chú ý lái xe, đừng niệm Phật hiệu! Trên xe có mở máy niệm Phật là để cho khách ngồi xe nghe, tự mình chớ nên nghe, hãy dốc sức chú ý đường sá thì mới là đúng. Chúng tôi có một người bạn lái xe, có lần kể: Khi ông ta lái xe, chuyên tâm niệm Phật, lái taxi lộn đường, lái quẩn quanh một vòng lớn, rất có lỗi với khách hàng. Vừa làm việc, vừa niệm Phật, nhất định sẽ bị rối loạn, hai đằng đều chẳng thể thành tựu. Phải nhớ kỹ điều này!
(Sao) Cẩu minh ư Chánh Trợ chi nghĩa, tắc nhất tâm trì danh dĩ vi kỳ Chánh, thiểu thời chi Trợ, Trợ diệc quy Chánh.
(鈔) 苟明於正助之義,則一心持名以為其正,少時之助,助亦歸正。
(Sao: Nếu hiểu rõ nghĩa Chánh và Trợ, sẽ coi nhất tâm trì danh là Chánh, thời gian tu Trợ Hạnh ít hơn, Trợ cũng quy vào Chánh).
Chánh Trợ song tu, Trợ Tu vẫn nhằm giúp Chánh, vẫn lấy Chánh làm chủ yếu, vẫn là quy hoàn Chánh.
(Sao) Như hỏa ích tân, phục hữu hà ngại?
(鈔) 如火益薪,復有何礙。
(Sao: Giống như thêm củi vào lửa, há còn trở ngại chi?)
Đốt lửa. “Tân” (薪) là củi, than. Thêm [củi, than] vào lửa đang cháy, lửa càng hừng hực, chẳng bị trở ngại.
Do vậy có thể biết, công phu nhất định phải chuyên! Hạnh môn phải chuyên, giải môn cũng phải chuyên. Trong khoảng thời gian gần đây nhất, tôi phản tỉnh, quan sát rất sâu, vì sao người học Phật trong thời đại này chẳng thành tựu? Do giải môn không chuyên, họ muốn làm bậc thông gia, thứ gì cũng đều thông đạt, kết quả là học đến một trăm năm vẫn chẳng thông môn nào! Bởi lẽ đó, cổ nhân cầu học là thâm nhập một bộ kinh. Không chỉ kinh phải chọn một thứ, trong quá khứ, khi tôi học kinh với thầy Lý ở Đài Trung, thầy Lý chỉ dạy chúng tôi: “Chú giải cũng là chọn một thứ!” Thầy chẳng cho phép chúng tôi xem hai bản chú giải cùng một lúc. Chúng tôi giảng kinh, kẻ mới học giảng kinh nhất định phải nương vào chú giải. Thầy nói rõ, cùng giảng một bộ kinh giống nhau, nhưng viết chú giải cho bộ kinh ấy, mỗi vị pháp sư có đường lối suy nghĩ riêng, chẳng thể nào giống hệt nhau! Nếu giống nhau, những bản chú giải sau đó chẳng có giá trị, làm sao có thể lưu thông cho được? Vì thế, nhất định là hai tư tưởng bất đồng. Hai bản chú giải quý vị đều chọn thì rốt cuộc dựa theo ai? Chẳng nương cậy được! Khi chính quý vị giảng, chính mình nói nước đôi, người nghe sẽ do dự, chẳng quyết đoán. Bởi vậy, chọn lấy chú giải của một vị, học theo một vị, đó là chính xác!
Các vị tổ sư đại đức chưa thành Phật; nói cách khác, đối với nghĩa lý trong kinh Phật, [các Ngài] quyết định chẳng thể thông đạt viên giải một trăm phần trăm, nên trong các bộ chú giải, có chỗ chú giải tỉ mỉ, có chỗ sơ sài, lướt qua. Chúng ta đọc kinh văn, [cảm thấy có những chỗ] dường như rất trọng yếu, vì sao giải thích đơn giản như thế? Thầy Lý nói: Đối với đoạn đó, chính vị ấy vẫn chưa hiểu rõ. Chưa hiểu rõ, vị ấy liền viết sơ sài lướt qua, chẳng bỏ công giải thích tỉ mỉ. Vị ấy chẳng có lỗi, chẳng lừa gạt người khác. Đó gọi là “tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri” (biết thì nói biết, không biết bèn nói không biết). Đó là có thể lợi ích người khác, chẳng hại người, quyết định chớ nên “chẳng biết mà cứ gượng ép coi như biết!” Cổ nhân thật sự làm được điều này, điều ấy đáng cho chúng ta tôn kính. Chúng ta xem đến chỗ đó, có thể tìm bản chú giải khác để tham khảo, tham khảo phần chú giải câu đó, tham khảo xem người khác giảng câu ấy như thế nào, giúp cho chúng ta lý giải; đó là Trợ Tu. Vì thế, phải chọn lựa chú giải, hãy chọn chú giải của một người làm [tài liệu tham khảo cơ bản] chủ yếu. Đối với chú giải của vị ấy, chúng ta gặp khó khăn, lại tra cứu chú giải của một vị khác để xem câu ấy được giảng như thế nào, dùng làm tham khảo, như vậy thì được! Đây cũng là Chánh và Trợ phải phân định rành mạch. Đối với các bản chú giải trợ tu để giúp đỡ trong phương diện tham khảo, chớ nên chọn quá nhiều, tối đa chỉ nên chọn hai loại. Chớ nên chọn lấy quá nhiều! Quá nhiều, chắc chắn sẽ rối loạn, không thành lề lối! Phải dựa theo một bản chú giải làm chánh yếu.
Thật ra, những vị [chú giải kinh luận] trong thời cận đại, công phu sâu xa. Chẳng hạn như bộ Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của cư sĩ Giang Vị Nông nói thật ra là một bộ đại từ điển của kinh Kim Cang. Ông Giang thâu thập hết những bản chú giải kinh Kim Cang từ xưa tới nay, nên quý vị đọc tác phẩm ấy, sẽ giống như đọc hơn một trăm tác phẩm chú giải kinh Kim Cang. Chiếu theo [tác phẩm chú giải của] ông ta để tu học cũng rất khó khăn, vì sao? Tác phẩm ấy là đại từ điển, nói chung, quý vị chẳng thể giảng từ điển. Quý vị bưng từ điển ra giảng sẽ gây khó khăn cho nhiều người. Vì thế, học giảng kinh Kim Cang, tôi khuyên các vị đừng dùng bản Giảng Nghĩa của cư sĩ Giang Vị Nông. Tôi giảng kinh Kim Cang dùng bản chú giải của pháp sư Đế Nhàn, quyết định chẳng dùng chú giải của ông Giang Vị Nông. [Tuy vậy, vẫn] có thể giảng Giảng Nghĩa, coi như giảng Phật Học thường thức, các nội dung được ông ta thâu thập trong tác phẩm ấy vô cùng phong phú.
Sách Chú Giải kinh Vô Lượng Thọ của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có tánh chất phảng phất cuốn Kim Cang Giảng Nghĩa của Giang Vị Nông, chú giải của cụ là đại từ điển về kinh Vô Lượng Thọ. Vì sao cụ không tự mình soạn một bản chú giải, mà phải dùng phương thức này? Thật sự có nỗi khổ bất đắc dĩ, cụ chú giải như vậy sẽ chẳng mắc khuyết điểm! “Nếu quý vị cật vấn, [thì những nghĩa lý được nêu ra trong sách ấy] đều là sao lục, toàn là ý nghĩa của tổ sư, đại đức, đều chẳng phải là ý nghĩa của chính tôi”. Nói cách khác, bộ sách ấy của cụ cung cấp cho chúng ta nhiều tài liệu của tổ sư đại đức [chú giải] kinh Vô Lượng Thọ từ xưa tới nay. Vì thế, chư vị học giảng kinh Vô Lượng Thọ, hãy chú ý chọn lọc những chú giải trong ấy, chỉ có thể chọn lựa một phần mười, còn chín phần mười kia phải hạ quyết tâm bỏ đi, như vậy thì mới được! Nếu đều chọn hết, chẳng có ai thích nghe, sẽ khiến cho người ta chạy mất. Bản chú giải ấy cung cấp tài liệu, đương nhiên có ưu điểm. Nếu quý vị khéo lấy, bỏ, đối với người trình độ sâu, quý vị chọn ý nghĩa sâu xa trong bản chú giải; đối với kẻ sơ học, quý vị chọn lấy ý nghĩa nông cạn nhất để giảng. Do vậy, [giảng giải] kinh này có thể sâu, có thể cạn, có thể dài, có thể ngắn. Đối với đồng tu sơ học, xác thực là hữu ích rất lớn, chuyên môn đọc bản chú giải này, có khá nhiều kiến thức thông thường về Phật học, các danh từ thuật ngữ, quý vị đều hiểu. Đúng là một bộ sách đầy đủ, toàn bộ giáo nghĩa Phật giáo và những kiến thức thông thường về Phật học đều có.
Đoạn cuối cùng là Xứng Lý, cũng là như Giáo Hạ trong nhà Phật thường bảo: “Tiêu quy tự tánh”. Cổ đức dạy chúng ta: “Nghe kinh phải tiêu quy tự tánh, tu hành phải chuyển thức thành trí”. Quý vị thật sự được thụ dụng; “thức” là tình thức, “trí” là trí huệ Bát Nhã. Chuyển biến tình thức thành lý trí, đó là tu hành; dốc công đổ sức tu hành thì mới có thể đạt được. Nghe giảng phải tiêu quy tự tánh, dung hội trong nội tâm, chúng ta thường nói là “tâm đắc”. Quý vị nghe xong, xác thực là có tâm đắc. Đoạn này chính là tâm đắc của Liên Trì đại sư.
(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh thanh tịnh quang minh, thị liên hoa nghĩa.
(疏) 稱理,則自性清淨光明,是蓮華義。
(Sớ: Xứng Lý thì tự tánh thanh tịnh quang minh là ý nghĩa của hoa sen).
Câu giải thích trong lời Sớ nói thật ra đã giải thích rất rõ ràng, Tổ Liên Trì sợ kẻ sơ học chúng ta chẳng thể hiểu ý nghĩa, nên lại dùng [điều này] làm đề mục để soạn văn chương. Lời Sao chính là văn chương.
(Sao) Thanh tịnh, biểu Sắc, tự tánh tiêm trần bất lập cố. Quang minh, biểu quang, tự tánh vạn pháp lãng nhiên cố.
(鈔) 清淨,表色,自性纖塵不立故。光明,表光,自性萬法朗然故。
(Sao: “Thanh tịnh” biểu thị Sắc, tự tánh chẳng lập mảy trần.
“Quang minh” biểu thị quang minh, tự tánh vạn pháp rạng ngời).
Trong tự tánh thanh tịnh tâm, chẳng lập một pháp, chẳng có một pháp, đó mới là thanh tịnh chân chánh. Có một pháp, sẽ chẳng thanh tịnh. Cảnh giới ấy chẳng thể diễn tả được, mà cũng chẳng có cách nào tưởng tượng được, vì sao? Hễ quý vị nghĩ, bèn là một pháp. Tuy Lục Tổ nói: “Vốn chẳng có một vật”, nếu chấp trước “ta vốn chẳng có một vật” thì quý vị có hay không? Quý vị có, có gì vậy? Quý vị còn có “vốn chẳng có một vật”, vẫn có một pháp tồn tại, tâm quý vị vẫn chẳng thanh tịnh! Nếu “vốn chẳng có một vật” cũng không có thì có thanh tịnh hay không? Vẫn chưa thanh tịnh, vì sao? Vì kẻ ấy còn có [ý niệm chấp trước] “vốn chẳng có một vật cũng chẳng có”. Thiền Tông nói rất hay: “Khởi tâm liền trật, động niệm đã sai”, “ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt”, đó mới là thật sự thanh tịnh. Nếu quý vị hiểu rõ đạo lý này, đức Phật có thuyết pháp hay không? Nếu trong tâm Phật còn có pháp, sẽ chẳng thanh tịnh, đức Phật nói những pháp ấy vẫn là có ý nghĩa, càng chẳng thanh tịnh! Đức Phật không có pháp nào để có thể nói. Đức Phật trụ thế bốn mươi chín năm, chẳng nói một câu pháp nào, kinh Kim Cang nói như vậy, đúng thế! Nếu quý vị nói đức Phật từng thuyết pháp, đó là báng Phật. Đức Phật chưa từng nói một câu pháp nào, vì sao? Tâm Phật thanh tịnh, há có pháp nào để có thể nói? Đức Phật thấy quý vị có khuyết điểm, bèn bảo cho quý vị biết chỗ nào lầm lỗi, hãy nên sửa chữa như thế nào, chẳng liên can gì đến tâm Phật. Vì thế, đức Phật thuyết pháp là ứng theo căn cơ để nói. “Nói mà không nói, không nói mà nói”, đó là đức Phật thuyết pháp.
Do vậy, người biết học thì quý vị phải học “nghe mà không nghe, không nghe mà nghe”, như vậy thì quý vị sẽ hội quy tự tánh, sẽ khai ngộ, xác thực là như thế. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ Tát đã khai thị chúng ta, nghe kinh phải dùng thái độ gì? Phải “lìa tướng ngôn thuyết”, chớ nên chấp trước ngôn ngữ. “Lìa tướng danh tự”, đối với những danh từ, thuật ngữ, những thứ như thanh tịnh, tự tánh, hoa sen, phải lìa những tướng ấy, chớ nên chấp trước những thứ đó. “Lìa tướng tâm duyên”, tâm duyên là gì? Ta nghĩ, tư tưởng, có nghĩ cũng chẳng được. Chẳng chấp âm thanh, chẳng chấp danh tự, chẳng có một niệm, trong tâm chẳng sanh một niệm, nghe như vậy thì câu nào cũng đều tiêu quy tự tánh. Nếu quý vị nghe kinh, tôi ở đây thấy rất rõ ràng, khi nào giảng đến chỗ hứng thú, quý vị cười, đó là gì? Quý vị bị âm thanh chuyển, tâm chẳng bất động đối với âm thanh (tức là trong cảnh giới)! Nhất định phải huấn luyện sao cho trong cảnh giới chẳng động tâm, chẳng bị cảnh chuyển. Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: “Nếu có thể chuyển cảnh, ắt giống như Như Lai”. Ta không bị cảnh giới chuyển, mà còn có năng lực chuyển biến cảnh giới. Có năng lực chuyển biến cảnh giới, ắt chẳng khác gì chư Phật Như Lai. Phàm phu bị cảnh giới chuyển; Phật và đại Bồ Tát chuyển cảnh giới, nên trong cảnh giới, các Ngài làm chủ, đắc đại tự tại trong cảnh giới. Đạo lý là như thế đó.
Tịnh Độ Tông đặc biệt chú trọng thanh tịnh, hoa sen tượng trưng cho thanh tịnh, nên chúng ta dùng hoa sen để biểu thị pháp. Trông thấy hoa sen, trong tâm phải khôi phục sự thanh tịnh, pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng nhiễm. Hoa sen biểu thị pháp, vì rễ nó mọc trong bùn lầy, bùn lầy tượng trưng lục phàm. Phía trên bùn là nước trong, nước trong tượng trưng tứ thánh; do vậy, [lục phàm và tứ thánh] là mười pháp giới. Hoa sen vươn lên khỏi mặt nước, biểu thị ý nghĩa “pháp thế gian và pháp xuất thế gian thảy đều chẳng nhiễm”, đấy mới là thật sự thanh tịnh. Do vậy có thể biết, tinh thần tu học thật sự trong Phật pháp là phá chấp trước, chấp trước là nhiễm. Tuy không chấp trước, đối với hết thảy các pháp, sanh tâm cung kính, chí thành cung kính. Chí thành cung kính, chẳng chấp Không! Trong hết thảy các pháp, chẳng phân biệt, không chấp trước, chẳng chấp Có! Cũng chẳng chấp hai bên Không và Có; đó mới là Trung Đạo, mới là Đệ Nhất Nghĩa, mới là hạnh phúc chân thật viên mãn, là hưởng thụ cao nhất trong đời người. Nếu biết hết thảy các pháp Không, hết thảy đều chẳng chấp trước, tâm thanh tịnh, nhưng chẳng có tâm cung kính đối với hết thảy chúng sanh, đó là rớt vào một bên. Rớt vào bên Không bèn là sai lầm, có Thể mà chẳng có Dụng, chẳng viên mãn! Quý vị chỉ được một nửa. Phàm phu vướng bên Hữu, chỗ nào cũng chấp trước Có. Nhị Thừa chấp Không. Bồ Tát đối với hai bên Có và Không đều chẳng chấp trước, nên Bồ Tát thụ dụng tự tại. Phải biết điều này, “trong tự tánh, chẳng lập một pháp”!
Khi Lục Tổ khai ngộ, đã thưa trình cùng thầy, Ngài chỉ nói năm câu, thầy bèn nói: “Chẳng cần nói nữa, ta đã biết”. Câu đầu tiên Ngài nói: “Hà kỳ tự tánh, bổn lai thanh tịnh”, câu này ý nói tự tánh vốn thanh tịnh, nơi phàm chẳng giảm, nơi thánh không tăng, bất tăng, bất giảm, vốn thanh tịnh. Lại nói: “Hà kỳ tự tánh, bổn lai cụ túc”, [nghĩa là tự tánh] trọn đủ hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Nếu chẳng trọn đủ, sẽ không thể biến hiện, tự tánh trọn đủ. Có Tây Phương Cực Lạc thế giới hay không? Đương nhiên là có, [tự tánh] trọn đủ mà! Nếu trong tự tánh chẳng có Tây Phương Cực Lạc thế giới, lấy đâu ra Tây Phương Cực Lạc thế giới? Trong tự tánh chẳng có núi, sông, đại địa, đông đảo chúng sanh, lấy đâu ra núi, sông, đại địa, đông đảo chúng sanh? Toàn là do tự tánh biến hiện! Trong tự tánh vốn trọn đủ, chẳng có một pháp nào chẳng trọn đủ, tận hư không khắp pháp giới thảy đều bao hàm trong tự tánh. Sau đó, Tổ lại nói: “Hà kỳ tự tánh, năng sanh vạn pháp”, do tự tánh trọn đủ, nên gặp duyên nó liền biến hiện. Hoàn toàn có cùng một ý nghĩa với những điều đang được nói ở đây!
“Quang minh, biểu quang”, “quang” là trí huệ, “tự tánh vạn pháp lãng nhiên cố” (vì tự tánh vạn pháp rạng ngời). Trí huệ do đâu mà có? Trong tự tánh vốn trọn đủ, trí huệ chẳng do từ bên ngoài mà có. Nói cách khác, toàn là những thứ trong nhà mình sẵn có, chẳng cần cầu từ bên ngoài! Vô lượng vô biên trí huệ và đức năng, chỉ cần quý vị khôi phục tự tánh, toàn bộ đều hiển lộ. Nếu chúng ta hỏi: “Hiển lộ tự tánh như thế nào?” Nếu quý vị muốn hiển lộ tự tánh, đức Phật bảo mấu chốt trọng yếu nhất là Định. Trong pháp môn Niệm Phật, [Định] là nhất tâm, trong Tam Quy là tâm thanh tịnh. Tâm quý vị đã định, Tánh Đức liền hiện tiền, vì sao? Định ấy là chân tâm, chân tâm là thanh tịnh.
Trong tâm tồn tại một thứ gì đó, tức là chẳng Định. Có một thứ đã là chẳng Định, huống gì có vô lượng vô biên? Trong tâm phàm phu là vô lượng vô biên, một niệm sau khởi, niệm trước diệt, ý niệm sanh diệt trong từng sát-na, chẳng có cách nào tính đếm. Nghĩ Đông, tưởng Tây, nghĩ trước, nghĩ sau, nghĩ tới quá khứ, nghĩ tới vị lai, nghĩ tới hiện tại, khởi vọng tưởng rối lung tung beng, làm sao đắc Định cho được? Vì vậy, nhất định phải tu Định. Tám vạn bốn ngàn pháp môn trong Phật pháp, nói thật ra là tám vạn bốn ngàn phương pháp khác nhau, các phương pháp ấy nhằm tu gì? Đều nhằm tu Định. Vì thế mới nói “pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp”. Vì sao? Phương pháp, đường lối nhiều như thế, nhằm đạt tới cùng một mục đích, mục tiêu hoàn toàn tương đồng! Định có thể sanh ra huệ, trí huệ mới hiện tiền. Trí huệ quang minh sanh từ tâm thanh tịnh. Do vậy, thanh tịnh nhất định có quang minh.
Tác dụng của quang minh được hiển thị nơi lục căn. Lục căn thông lợi, “thông” (通) là thông đạt, chẳng có chướng ngại. Mắt có năng lực thấy, thấy đến tận hư không khắp pháp giới, có năng lực to như vậy, chẳng có chướng ngại! Đối với hết thảy vật chất, có thể nhìn xuyên qua, chẳng có chướng ngại, nay chúng ta nói là Thiên Nhãn. Đó là bản năng, tức năng lực sẵn có. Thiên Nhĩ, chúng ta ngồi ở nơi đây, Tây Phương Cực Lạc thế giới cách xa chúng ta mười vạn ức cõi Phật, A Di Đà Phật giảng kinh, thuyết pháp bên đó, chúng ta ngồi nơi đây, mắt thấy rõ ràng, tai nghe rõ rệt, đó là Thiên Nhĩ Thông. Những điều ấy đều là năng lực sẵn có, trong Phật pháp nói tới lục căn thì “lục căn thông lợi” chính là sáu món thần thông. Những năng lực ấy bị mất đi, nguyên nhân căn bản là vọng tưởng và chấp trước. Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã bảo chúng ta, “chỉ vì vọng tưởng, chấp trước, nên không thể chứng đắc”, chúng ta đánh mất như thế nào? Do có vọng tưởng, chấp trước, nên công đức và trí huệ trong tự tánh thảy đều bị mất đi, nguyên nhân ở chỗ này!
Học Phật chẳng có gì khác, Phật đích xác là chẳng phải cầu từ bên ngoài. Phật pháp được gọi là nội học, kinh Phật được gọi là nội kinh, cầu nơi tự tánh, cầu trong tự tánh. Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ cũng là cầu từ tự tánh, chẳng phải là cầu pháp ngoài tâm! Niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, lâm chung A Di Đà Phật tiếp dẫn, có phải là cầu pháp ngoài tâm hay không? Không phải. Nếu quý vị hiểu lầm là cầu pháp ngoài tâm, hãy đọc Di Đà Kinh Sớ Sao, xem có phải là cầu pháp ngoài tâm hay không? Vì thế, so với đại kinh Nhất Thừa Liễu Nghĩa, chẳng có sai khác gì! Kinh điển Nhất Thừa Liễu Nghĩa cầu từ trong tự tánh, là liễu nghĩa rốt ráo; từng câu từng chữ trong kinh Di Đà đều quy vào tự tánh. Tiếp theo đây, Tổ dẫn những câu rất hay trong Phật Địa Luận, nêu lên những chuyện thực tế để thuyết minh.
(Sao) Phật Địa Luận vân: “Như thị giả thật chi sắc, giai bất ly Phật tịnh tâm, tức thử tịnh tâm, năng hiển giả thật chi sắc”.
(鈔) 佛地論云:如是假實之色,皆不離佛淨心,即此淨心,能顯假實之色。
(Sao: Phật Địa Luận viết: “Sắc giả thật như vậy, đều chẳng lìa tịnh tâm của Phật. Do chính ngay tịnh tâm ấy mà có thể hiện sắc giả và thật”).
Đây là một đoạn dẫn chứng, trích dẫn kinh để chứng minh. Phật Địa Luận là một loại kinh luận trong Phật giáo. Vào thời Đông Tấn, pháp sư Đạo An và các vị Cưu Ma La Thập đại sư, Huệ Viễn đại sư, Đào Uyên Minh, Tạ Linh Vận đều là người cùng thời. Tôi nêu tên những vị này vì họ rất thân thuộc với nhau. Pháp sư Đạo An chia kinh Phật thành ba phần là Tự Phần, Chánh Tông Phần, và Lưu Thông Phần, nhưng thuở ấy có rất nhiều người không đồng ý. [Họ phản đối, bảo] kinh Phật là lời dạy của thánh nhân, chẳng thể chia thành từng đoạn, làm kiểu đó chính là chẳng cung kính kinh điển của Phật, nên họ chẳng tán thành. Về sau, Phật Địa Luận được truyền đến Trung Quốc, được phiên dịch sang tiếng Hán. Phật Địa Luận chia kinh Phật thành bốn phần, nó có Tự Phần, Lưu Thông Phần, Chánh Tông Phần lại được chia thành hai phần, nên [toàn bộ bản kinh được chia] thành bốn phần! Vì thế, mọi người đều nói ngài Đạo An đúng là rất lỗi lạc, có kiến giải giống như bậc Bồ Tát của Ấn Độ thời cổ, nên mới xưng tụng Ngài là “di thiên cao phán” (phán định cao ngất trời). Cao lắm! Mọi người đều phục. Khi Phật Địa Luận chưa truyền đến Trung Quốc, mọi người chẳng phục. Đó là kiến giải của các vị đại đức tại Trung Quốc chẳng khác kiến giải của các vị Bồ Tát tại Ấn Độ thời cổ. Sau đó, [khi chú giải], [toàn bộ kinh văn của một bộ] kinh đều chia thành ba phần. Đó là cội nguồn của cách Khoa Phán.
Ở đây, Tổ dẫn một câu nói trong Phật Địa Luận. “Giả thật chi sắc”, những gì là giả sắc? Những gì là thật sắc? Nói theo hình trạng, những thứ dài, ngắn, vuông, tròn đều là giả, chẳng phải là thật tại. Kinh Kim Cang nói “mộng, huyễn, bọt, bóng”, chúng có hay không? Có, nhưng chẳng thật, là giả; đó là giả sắc. Vì sao là giả sắc? Vì chúng là tương đối. Ví dụ như nói [một vật là] dài, nhưng gặp vật dài hơn, nó sẽ biến thành ngắn, chẳng gọi là dài. Quý vị nói ngắn, gặp vật ngắn hơn, nó lại biến thành dài. Nói dài thì nó chẳng phải là tuyệt đối dài. Nói ngắn, nó chẳng tuyệt đối ngắn. Nói vuông, nó chẳng tuyệt đối vuông. Nói tròn, nó cũng chẳng phải tuyệt đối tròn. Những thứ như vậy đều là giả, do tương đối mà thành lập. Do vậy, nó chẳng phải là nhất định, chẳng phải là một thứ nhất định. Nói theo màu sắc, xanh, vàng, đỏ, trắng. Xanh sẽ chẳng biến thành vàng, vàng sẽ chẳng biến thành đỏ, màu sắc chẳng thay đổi. Do chẳng thay đổi, nên chúng ta gọi nó là thật. “Giả thật”: Giả là bất định, Thật có thể xác định. Ví như thân thể của chúng ta là thật hay giả? Nói theo tiêu chuẩn này, thân thể của chúng ta là giả, vì sao? Nó bị biến đổi, mỗi năm một già hơn. Chẳng biến đổi là thật. Biến đổi thì là giả. Giả và thật dùng tiêu chuẩn này để xét.
Hai thứ sắc giả và thật ấy, có thể nói là trong sáu căn, năm căn đầu đối với giả và thật đều có thể duyên, Ý Căn chỉ duyên giả, chẳng duyên chân thật. Ý là tưởng tượng, cảm thụ, sở duyên (cái được nó duyên) đều chẳng phải là thật sắc, đều thuộc loại giả sắc. Nói theo cách hiện thời, đối với hết thảy hiện tượng vật chất, trong hiện tượng có cụ thể và trừu tượng. Thật sắc là cụ thể, giả sắc là trừu tượng. Trọng điểm là câu tiếp theo: “Giai bất ly Phật tịnh tâm” (đều chẳng lìa khỏi tịnh tâm của Phật). Hết thảy các sắc tướng giả thật, những hiện tượng vật chất ấy đều từ đâu mà có? Do tâm thanh tịnh biến hiện. Tâm là năng biến (có thể biến), hết thảy hiện tượng vật chất là sở biến (cái được biến); [hay nói cách khác], tâm là cái có thể biến, sắc là cái được biến. Có thể biến thì chẳng bàn thật hay giả, vì sao? Vì thật và giả là tương đối. Cái tâm có thể biến chẳng phải là tương đối; do vậy, thật và giả đều chẳng áp dụng cho nó được! Đối với cảnh giới được biến hiện, có thể nói chân hay giả; còn tâm do có thể biến, nên chẳng thể nói là chân hay giả, chẳng chân, chẳng giả.
“Giả thật chi sắc” thảy đều do cái tâm này biến hiện. Vì thế, tận hư không khắp pháp giới đều chẳng thể rời khỏi cái tâm có thể biến. Hư không pháp giới do đâu mà có? Duy tâm sở hiện. Tâm của ai? Tâm của chính mình, do tự tánh của quý vị hiện. Trong tất cả hết thảy kinh giáo Đại Thừa liễu nghĩa đều nói như vậy. “Tức thử tịnh tâm, năng hiển giả thật chi sắc” (dùng ngay tịnh tâm này bèn có thể hiển lộ sắc giả, thật). Tự tánh thanh tịnh tâm có thể hiển lộ sắc giả và thật, có thể biến, có thể hiển. Tâm có thể biến thì chẳng thật, chẳng giả.
Hết thảy các pháp được quy nạp thành hai loại lớn, một loại là tinh thần, loại kia là vật chất. Trong Phật pháp, vật chất dùng Sắc làm đại biểu, tinh thần dùng Tâm làm đại biểu, đó gọi là “Sắc Tâm nhị pháp”, tức là hai loại lớn gồm sắc pháp và tâm pháp. Hai thứ sắc (giả sắc và thật sắc) đều chẳng lìa tâm thanh tịnh, có nghĩa là tất cả hết thảy hiện tượng vật chất và tự tánh thanh tịnh tâm là một, không hai. Cổ nhân nói đến những chỗ này, người khác rất khó thấu hiểu, bất đắc dĩ phải dùng tỷ dụ để nói. Chẳng hạn như Hiền Thủ quốc sư đã nói: “Dùng vàng làm đồ vật, món nào cũng đều là vàng”, sánh ví vàng như tự tánh thanh tịnh tâm, sánh ví các món vật như hai pháp giả và thật, đó là sắc pháp. Chúng ta dùng vàng làm thành nhiều món vật, ngàn vạn các loại kiểu dáng khác nhau. Nhìn từ phương diện này, vàng có màu vàng, vàng là thật, chẳng thay đổi, nhưng hình dáng của các món vật có thể biến đổi. Hình dạng là giả sắc, màu sắc là thật sắc; đó là hai sắc thật và giả. Hai sắc thật và giả đều chẳng lìa khỏi vàng, toàn là do vàng hiện ra. Hết thảy các món đồ vật đều là vàng, vàng chẳng lìa khỏi đồ vật, đồ vật chẳng lìa khỏi vàng. Vàng là đồ vật, đồ vật là vàng! Tỷ dụ này dễ hiểu!
Nếu từ tỷ dụ này, quý vị tỉnh ngộ, nay lục căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới lục trần trước mắt, có pháp nào chẳng phải là tự tánh? Thiền Tông nói minh tâm kiến tánh, họ kiến tánh gì vậy? Tánh ở chỗ nào? Nếu quý vị thật sự giác ngộ, hiểu rõ, mắt quý vị thấy hết thảy sắc là tánh, tai nghe hết thảy âm thanh đều là tánh, chẳng có gì không phải là tự tánh. Tâm và cảnh là một, tâm và cảnh như nhau, tánh – tướng bất nhị, tánh là tâm thanh tịnh của chính mình, tướng là sâm la vạn tượng bên ngoài, là một, không hai, tánh và tướng bất nhị mà! Nếu quý vị nhập cảnh giới này, liền có thể minh tâm kiến tánh. Nói ra cảnh giới ấy, quý vị có thể tiến nhập hay không? Vì sao quý vị không tiến nhập được? Vì quý vị có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Lìa khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, hết thảy cảnh là tánh cảnh, những ý nghĩa ở đây liền hiển lộ.
Cổ đức có tỷ dụ sóng và nước, có ý nghĩa giống như tỷ dụ vàng và đồ vật. Sánh ví nước với tự tánh, sánh ví sóng như sắc giả và thật, chúng ta hiểu sóng là nước, nước là sóng! Nước và sóng chẳng một, chẳng khác. Vì thế, mười pháp giới vô lượng trang nghiêm, các thứ sai biệt, đều là tác dụng của Chân Như tự tánh.
Ý nghĩa chủ yếu của mấy câu này nói rõ: Hết thảy hiện tượng vật chất là chân tâm tự tánh của chúng ta. Chân tâm tự tánh của chúng ta có thể hiển hiện hết thảy vạn pháp, hết thảy hiện tượng, đúng như Lục Tổ đã nói: “Nào ngờ tự tánh có thể sanh ra vạn pháp”. Chư vị phải hiểu thế giới Sa Bà là do uế tâm, tức tâm nhiễm ô của chúng ta biến hiện, Tây Phương Cực Lạc do tâm thanh tịnh của chúng ta biến hiện. Trong tâm chúng ta có tịnh, có uế, tâm thanh tịnh bèn cảm ứng Tịnh Độ, chẳng đến mà tự nhiên đến. Tâm quý vị đã thanh tịnh, tâm tịnh, cõi nước tịnh, tự nhiên liền hiện Tịnh Độ. Tâm chẳng thanh tịnh, tự nhiên liền hiện uế độ. Vì thế, tịnh hay uế, cảnh giới bên ngoài nhiễm hay tịnh, do đâu mà có? Do tự tánh biến hiện. Nếu muốn cảnh giới bên ngoài thanh tịnh, quý vị chẳng thể đổ công dốc sức thanh tịnh bên ngoài, phải làm từ chỗ nào? Đổ công dốc sức nơi nội tâm; tâm tịnh, cõi nước liền thanh tịnh.
Giống như thế giới hiện thời rất loạn, các vị đại chánh trị gia, đại khoa học gia, đại triết học gia nghĩ trọn mọi phương pháp, dùng đủ mọi phương pháp, mong cho thế giới này có thể đạt đến hòa bình, an tĩnh, nhưng có làm được hay không? Thưa cùng quý vị, chắc chắn chẳng làm được, càng làm càng loạn! Kẻ này nói chủ ý này hay, kẻ kia nói chủ ý nọ tốt, càng làm càng loạn. Phương pháp gì mới có thể khiến cho thiên hạ thái bình? Tâm mỗi người đều khôi phục thanh tịnh, thiên hạ liền thái bình. Chân lý được giảng trong Phật pháp, giáo học của Nho gia Khổng Mạnh đều là công phu nơi tâm địa, nên chẳng cầu từ bên ngoài. Vì thế, thiên Học Ký [trong sách Lễ Ký] mới đặc biệt nhấn mạnh: “Kiến quốc, quân dân, giáo học vi tiên” (xây dựng đất nước, cai trị nhân dân, giáo học làm đầu), dạy điều gì? Dạy quý vị khôi phục tự tâm thanh tịnh. Tâm quý vị thanh tịnh, tâm mỗi người đã thanh tịnh, lẽ đâu thiên hạ chẳng thái bình? Tâm thanh tịnh, cảnh giới liền thanh tịnh, tâm có thể chuyển cảnh! Tự nhiên mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an, tự nhiên liền đạt được. Đó gọi là “vô vi nhi trị”, hữu vi sẽ chẳng bình trị, thiên hạ đại loạn.
Hiện thời, ai nấy đều rất thông minh, đều có một loạt biện pháp riêng, các thứ biện pháp ấy là các biện pháp nhiễu loạn khiến cho thiên hạ đại loạn. Thật sự muốn đạt tới thiên hạ thái bình, chẳng cần tới biện pháp nào cả, thiên hạ bèn thái bình, vô sự. Quý vị hãy suy nghĩ đạo lý này cặn kẽ một chút, chẳng khó hiểu đâu! Hôm nay đã hết thời gian rồi.