#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 117
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai
trăm năm mươi hai:
Tam, tổng kết.
(Kinh) Dữ như thị đẳng chư đại Bồ Tát.
三、總結。
(經) 與如是等諸大菩薩。
(Ba, tổng kết.
Kinh: Cùng với các vị đại Bồ Tát giống như vậy).
Câu này nhằm tổng kết phần Bồ Tát Chúng trong phần trên.
(Sớ) Kết thượng lệ dư đồng tiền, tựu đương kinh, tắc biểu Tín, Hạnh, Nguyện tam, thành Tịnh Độ nhân cố.
(疏)結上例餘同前,就當經,則表信行願三,成淨土因故。
(Sớ: Kết lại [ý nghĩa biểu pháp của] những vị trên đây và các vị Bồ Tát khác giống như trong phần trên, kinh này biểu thị ba thứ Tín, Hạnh, Nguyện, tạo thành cái nhân Tịnh Độ).
Đoạn này sẽ được giải thích trong lời Sao.
(Sao) “Đồng tiền” giả, kết thượng Văn Thù, Di Lặc đẳng. “Lệ dư”, tắc Phổ Hiền, Quán Âm nhất thiết Bồ Tát dã.
(鈔)同前者,結上文殊彌勒等。例餘,則普賢觀音一切菩薩也。
(Sao: “Giống như trên” là kết luận Văn Thù, Di Lặc v.v… [đã nói trong] phần trên. “Các vị Bồ Tát khác” là như Phổ Hiền, Quán Âm, hết thảy các vị Bồ Tát).
Số lượng các vị Bồ Tát dự hội rất nhiều, vì sao không nêu tên các Ngài, ở đây chỉ nhắc tới bốn vị Bồ Tát Văn Thù, A Dật Đa, Càn Đà Ha Đề, Thường Tinh Tấn? Nêu tên nhằm biểu thị pháp, có ý nghĩa giống như [ý nghĩa biểu pháp] của mười sáu vị tôn giả trong phần Thanh Văn Chúng ở phía trên. Ngoài bốn vị Bồ Tát này ra, các vị Bồ Tát khác dự hội khá đông, nên nói “dữ như thị đẳng” (và các vị Bồ Tát giống như thế). Chữ “như thị” chỉ bốn vị Bồ Tát đã nói trong phần trước. Các vị Bồ Tát giống như các Ngài rất nhiều!
(Sao) Tín, Hạnh, Nguyện giả, Diệu Thủ biểu tín.
(鈔) 信行願者,妙首表信。
(Sao: “Tín, Hạnh, Nguyện”: Diệu Thủ biểu thị Tín).
Văn Thù Bồ Tát (Diệu Thủ) tượng trưng cho Tín.
(Sao) Cầu sanh Tịnh Độ, Tín vi tối tiên, kinh vân “nhược hữu tín giả”, thị dã.
(鈔) 求生淨土,信為最先,經云若有信者是也。
(Sao: Cầu sanh về Tịnh Độ thì lòng tin là [điều kiện cần phải hội đủ] trước hết. Kinh nói “nếu kẻ nào có lòng tin” chính là nói về điều này).
Thứ nhất là phải kiến lập lòng tin chân thật đối với Tây Phương Tịnh Độ, quyết định chẳng hoài nghi, có như vậy thì chuyện vãng sanh mới quyết định nắm chắc. Phàm là người niệm Phật đến lúc cuối cùng chẳng thể vãng sanh, tuyệt đại đa số nguyên nhân là đến phút cuối, lòng tin dao động, tới lúc lâm chung chẳng tin tưởng, hoặc chẳng nỡ bỏ thế giới này, những điều ấy tạo thành chướng ngại cho sự vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, lúc bình thời, vì sao chúng ta phải thâm nhập, nghiên cứu, đọc kinh luận Tịnh Độ? Mục đích là đoạn nghi, khiến cho nội tâm của chúng ta thật sự chẳng còn nghi hoặc, tín tâm thanh tịnh.
(Sao) Tinh Tấn biểu nguyện hạnh, tinh giả bất tạp.
(鈔) 精進表願行,精者不雜。
(Sao: Tinh Tấn biểu thị nguyện và hạnh, Tinh là chẳng xen tạp).
Là chẳng xen tạp!
(Sao) Tấn giả, bất thoái.
(鈔) 進者不退。
(Sao: Tấn là chẳng lui sụt).
Là chẳng gián đoạn; ở đây nói tới bất thoái, tức là chẳng lui sụt.
(Sao) Bất tạp giả, kinh vân nhất tâm bất loạn. Bất thoái giả, kinh vân “bất thoái chuyển Bồ Đề” thị dã.
(鈔)不雜者,經云一心不亂。不退者,經云不退轉菩提是也。
(Sao: “Chẳng tạp”, kinh nói “nhất tâm bất loạn”. Bất thoái: Kinh nói “chẳng thoái chuyển Bồ Đề” là nói tới điều này).
Càn Đà Ha Đề Bồ Tát biểu thị ý nghĩa này. Sau khi đã tin mới thật sự phát nguyện. Lòng tin chẳng vững vàng, nguyện lực chẳng mạnh mẽ; vì lẽ đó, người ấy tu hành chẳng nỗ lực, dễ giải đãi. Thông thường, chúng ta thấy người tu Tịnh Độ hoàn toàn chẳng phải là không sốt sắng, nhưng kẻ ấy trọn chẳng thấy đây là một chuyện trọng yếu, chúng ta biết gốc bệnh của họ là do lòng tin chẳng kiên cố. Nếu lòng tin kiên cố, tự nhiên nguyện lực mạnh mẽ, to lớn, nhất định coi niệm Phật là đại sự bậc nhất trong một đời này. Cơm có thể không ăn, chẳng cần ngủ, nhưng chẳng thể không niệm Phật! Chúng ta biết người ấy thật sự tin, thật sự nguyện vãng sanh, đúng là dốc hết tánh mạng để thực hiện, người như vậy chắc chắn có thành tựu. Lợi ích thứ hai do thâm nhập kinh luận là giúp chúng ta có năng lực tiếp dẫn chúng sanh. Bản thân chúng ta đạt được lợi ích ấy, lợi ích ấy là lợi ích thù thắng khôn sánh. Cổ đức nói lợi ích ấy là “lợi ích hiếm có, khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay”, ngày nay chúng ta đã đạt được, sau khi đã đạt được, đương nhiên chính mình thành tựu.
Nhưng chúng ta phải suy nghĩ, đức Phật ban cho chúng ta ân đức này, tổ sư các đời truyền lại cho chúng ta. Nếu ngày nay chúng ta chẳng được đức Phật dạy cho biết, chẳng được tổ sư đời đời truyền thừa, chúng ta làm sao có thể đạt được? Báo đền ân đức ấy như thế nào? Chẳng có cách nào báo đáp! Chúng ta dựng cho Phật một ngôi chùa, Phật chẳng cần trụ trong ngôi chùa tả tơi ấy! Chúng ta đem món gì cúng dường Phật, chớ bảo là đức Phật ăn, ngửi mà Phật còn chưa ngửi nữa kia! Cách duy nhất có thể báo ân Phật là hoằng dương pháp môn này, hoằng dương trọn khắp pháp giới, mong cho hết thảy chúng sanh đều có thể giác ngộ. Giác ngộ rồi mới chịu niệm Phật, đấy là thật sự đại triệt đại ngộ, tu học pháp môn niệm Phật này. Đã có nguyện thì phải tinh tấn, phải sốt sắng, nỗ lực, phải thật sự tinh tấn, có như vậy thì mới có thể thật sự đạt được Bất Thoái, chẳng tạp, mà cũng là “nhất tâm bất loạn, bất thoái Bồ Đề” như trong kinh điển đã nói.
(Sao) Bất Hưu Tức giả, tức Bất Thoái nghĩa.
(鈔) 不休息者,即不退義。
(Sao: Bất Hưu Tức có nghĩa là Bất Thoái).
Nếu nói chúng ta phải thực hành, phải tu pháp môn này, suốt ngày từ sáng đến tối đều chẳng nghỉ ngơi, tinh thần con người sẽ chẳng thể chịu đựng được! Bất Hưu Tức là nói quý vị [tu tập] suốt đời, chúng ta niệm Phật suốt đời, hễ mệt thì quý vị cứ nghỉ ngơi, nghỉ ngơi khỏe khoắn rồi lại tiếp tục niệm. Đấy là Bất Hưu Tức, quyết chẳng phải là bữa nay ta niệm Phật suốt cả ngày, ngày mai quên bẵng, ngày mốt nhớ tới, ta lại niệm bù! Như thế là không được, sai rồi! Vì thế, người niệm Phật có định khóa và tán khóa. Định khóa là công khóa sớm tối, quyết định chẳng thể thiếu, hễ thiếu thì gọi là thoái chuyển. Do vậy, tôi khuyên mọi người công khóa sớm tối chớ nên ấn định quá nhiều. Ấn định quá nhiều, sợ quý vị bận bịu công việc sẽ bỏ sót, hễ bỏ sót thì công phu của quý vị bị gián đoạn, chẳng thể gọi là công phu. Vì thế, công khóa sớm tối của chúng ta càng ít càng hay, quý vị có thể gìn giữ suốt đời, chẳng gián đoạn.
Cổ đại đức dạy chúng ta pháp Thập Niệm đơn giản nhất, suốt đời chẳng gián đoạn, cũng phù hợp với ý nghĩa “nhất hướng chuyên niệm” (một bề chuyên niệm) như trong kinh Vô Lượng Thọ đã nói. Chúng ta chẳng vi phạm, phải tuân thủ kinh điển, y giáo phụng hành thì mới có thể thành công. Chớ nên trái nghịch ý nghĩa kinh dạy. Trong tự viện, đạo tràng, mọi người cùng nhau có thời gian làm việc và nghỉ ngơi nhất định, khóa tụng dài một chút cũng chẳng sao. Chư vị tại gia học Phật, chuyện trong gia đình rất bận bịu, nếu khóa tụng rất dài, chẳng tránh khỏi bị gián đoạn. Hôm nay bận quá, không tụng khóa sớm được, ngày mai ta tụng bù! Tới ngày mai lại bận, thôi thì ta sẽ bù vào ngày mốt. Nếu cả ba ngày đều bận rộn, thôi luôn, chẳng làm, bèn thoái chuyển! Đâm ra chẳng bằng Thập Niệm.
Thời gian Thập Niệm ngắn ngủi, thời gian năm phút là đủ rồi, tôi nghĩ bất luận là ai cũng đều có thể dành ra khoảng thời gian ấy. Buổi sáng, sau khi rửa mặt, súc miệng, quý vị bèn tu pháp Thập Niệm. Buổi tối, ngủ ít đi năm phút, buổi sáng thức sớm năm phút, làm được! Do vậy, cần phải có tâm thường hằng, phải có lòng kiên trì, điều này vô cùng quan trọng. Trừ định khóa ra là tán khóa; tán khóa là tùy lúc, tùy chỗ, quý vị có thể nhắc nhở chính mình niệm A Di Đà Phật. Nói tóm lại một câu, trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, hết thảy cảnh duyên, “cảnh” là hoàn cảnh vật chất, “duyên” là hoàn cảnh nhân sự (quan hệ giữa con người với nhau), bất luận trong hoàn cảnh vật chất hay trong hoàn cảnh nhân sự, từ đầu tới cuối gìn giữ cái tâm thanh tịnh của chính mình, tâm thanh tịnh là gì? A Di Đà Phật. Trong tâm quý vị có A Di Đà Phật, đó là tâm thanh tịnh; đấy là chuyên tu! Cổ đại đức bảo cách tu này là “vạn người tu, vạn người về”.
Do vậy, trong lúc chúng ta làm việc, cần phải suy nghĩ, chúng ta buông Phật hiệu xuống, nghiêm túc làm công chuyện. Làm xong việc, lại tiếp tục niệm Phật. Niệm Phật quan trọng nhất là trong tâm có Phật, miệng có niệm hay không chẳng sao hết, niệm trong tâm. Miệng niệm đã mệt bèn có thể nghỉ, nhưng trong tâm chớ nên gián đoạn. Lại thưa cùng quý vị, chúng ta đọc kinh cũng là niệm Phật, chúng ta đọc kinh Di Đà, Di Đà Kinh Sớ Sao, Di Đà Kinh Yếu Giải vẫn là niệm Phật, vì kinh toàn giảng về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Quý vị niệm Tịnh Độ tam kinh, hay niệm Tịnh Độ ngũ kinh, niệm Vãng Sanh Luận, thảy đều là niệm Phật. Quý vị chớ nên niệm kinh khác! Quý vị nói tôi niệm kinh Hoa Nghiêm, niệm kinh Pháp Hoa, niệm kinh Kim Cang, đó chẳng phải là niệm Phật, mà là xen tạp. Những kinh ấy chẳng giảng về A Di Đà Phật, chẳng nói tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, chư vị phải hiểu rõ ràng điều này! Vì thế, chúng ta miệng niệm, niệm mệt bèn đổi sang xem kinh, xem kinh vẫn là niệm Phật, có thể điều hòa sinh lý, khiến chúng ta tu tập chẳng mệt mỏi, chẳng chán ngán! Phương pháp tùy thuộc bản thân chúng ta vận dụng sao cho thích đáng thì niệm Phật mới có thể đạt đến pháp hỷ sung mãn.
(Sao) Hựu Di Lặc từ hạnh, Càn Đà phạm hạnh.
(鈔) 又彌勒慈行,乾陀梵行。
(Sao: Lại nữa, Di Lặc là từ hạnh, Càn Đà Ha Đề là phạm hạnh).
Di Lặc Bồ Tát biểu thị đại từ đại bi, Càn Đà Ha Đề Bồ Tát biểu thị trì giới thanh tịnh.
(Sao) Quán Kinh vân: “Từ tâm bất sát, cụ chư giới hạnh”, thị dã.
(鈔) 觀經云:慈心不殺,具諸戒行,是也。
(Sao: Quán Kinh nói: “Từ tâm chẳng giết, đủ các giới hạnh” là nói đến ý nghĩa này).
Di Lặc Bồ Tát tượng trưng cho “từ tâm chẳng giết”, Càn Đà Ha Đề Bồ Tát tượng trưng “giới hạnh trọn đủ”. Trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, đức Phật dạy chúng ta ba thứ tịnh nghiệp, những ý nghĩa được biểu thị bởi Bồ Tát đều ở trong đó. Loại tịnh nghiệp thứ nhất là “từ tâm bất sát”, bồi dưỡng tâm từ bi; loại tịnh nghiệp thứ hai là “đầy đủ các giới”; loại tịnh nghiệp thứ ba là “tin sâu nhân quả”, Văn Thù Bồ Tát biểu thị Tín.
(Sao) Thành Tịnh Độ nhân.
(鈔) 成淨土因。
(Sao: Thành cái nhân Tịnh Độ).
Trong kinh, đức Phật đã giảng ba thứ tịnh nghiệp này rất rõ ràng, đấy là “chánh nhân thành Phật của mười phương chư Phật”. “Tịnh Độ nhân” là chánh nhân của Tịnh Độ.
(Sao) Tắc liệt chư Bồ Tát, phi vô nhân cố.
(鈔) 則列諸菩薩,非無因故。
(Sao: Tức là chẳng phải vô duyên cớ mà kể tên các vị Bồ Tát).
Trong phần trước, kinh này kể tên bốn vị Bồ Tát, chẳng phải là tùy tiện nêu tên, mà là có nghĩa thú biểu thị pháp rất sâu trong ấy. Chúng ta xem đoạn cuối cùng là đoạn luận về xứng tánh.
(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh vô bất chiếu, thị Văn Thù trí nghĩa; tự tánh vô bất dung, thị Di Lặc từ nghĩa; tự tánh vô cùng vô tận, thị Bất Hưu Tức, Thường Tinh Tấn nghĩa. Dư khả loại tri.
(疏)稱理,則自性無不照,是文殊智義;自性無不容,是彌勒慈義;自性無窮無盡,是不休息常精進義。餘可類知。
(Sớ: Xứng Lý thì tự tánh không đâu chẳng chiếu là ý nghĩa trí huệ của Văn Thù, tự tánh không gì chẳng bao dung là ý nghĩa lòng Từ của Di Lặc, tự tánh vô cùng, vô tận là ý nghĩa Bất Hưu Tức và Thường Tinh Tấn, những điều khác có thể suy theo đó mà biết).
Trong kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy ba chữ Tự. Thế Tự Tại Vương Phật trả lời tỳ-kheo Pháp Tạng vô cùng cao minh, trong Thiền Tông gọi đó là Thiền cơ! Phật pháp phải cầu từ nơi đâu? Phải cầu từ tự tánh. Trong bản chú giải này, Liên Trì đại sư đã chú giải vô cùng hay, trong mỗi đoạn đều có lời bàn xứng tánh, tiêu quy tự tánh. Chúng ta thường nghe nói: “Xem kinh phải tiêu quy tự tánh, tu hành phải chuyển thức thành trí”, rốt cuộc phải như thế nào mới được coi là tiêu quy tự tánh? Mỗi đoạn xứng Lý của Liên Trì đại sư chính là tiêu quy tự tánh, như vậy thì mới có thể đạt được thụ dụng chân thật. Nói cách khác, mỗi đoạn ấy là tâm đắc của Liên Trì đại sư khi đọc kinh Di Đà, thật sự tâm đắc, [tức là] điều Ngài đạt được! Vì thế, hết thảy đều có thể quy vào Chân Như tự tánh.
“Tự tánh vô bất chiếu” (tự tánh không gì chẳng chiếu), trong tự tánh có ý nghĩa tịch – chiếu, tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch. Tự tánh mới là chính mình thật sự, cái được gọi là “diện mục vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra” trong Thiền gia chính là tự tánh, nói về điều này. Chính quý vị phải ngộ! Khi Lục Tổ khai ngộ, Ngài đã ngộ gì? Ngộ tự tánh. Ngài nói: “Nào ngờ tự tánh, vốn thanh tịnh”. Chưa từng bị nhiễm dơ. Nay chúng ta nói “quý vị bị nhiễm dơ”, trên thực tế chẳng phải là tự tánh của quý vị bị nhiễm dơ. Nếu tự tánh bị nhiễm dơ, làm sao có thể gọi là Chân Như tự tánh? Chẳng thể gọi là tự tánh! Tự tánh chẳng bị nhiễm dơ. Cái gì bị nhiễm dơ? Tám thức của quý vị bị nhiễm dơ!
Tám thức bị nhiễm dơ như thế nào? Tám thức bị năm mươi mốt Tâm Sở nhiễm dơ, trọn chẳng phải là Chân Như bổn tánh của chúng ta bị nhiễm dơ. Chẳng hạn như mắt chúng ta nhìn thứ gì, chúng ta ví tròng mắt như tự tánh, chúng ta đeo kiếng thì kiếng giống như tám thức. Trên mắt kiếng dính rất nhiều bụi bặm, bôi rất nhiều màu, sẽ thấy chẳng rõ ràng, mắt quý vị có bị nhiễm dơ hay không? Chẳng có! Vốn là mắt kiếng bị nhiễm dơ. Trong Phật môn thường giảng nhiễm dơ theo ý nghĩa này, bổn tánh chẳng bị nhiễm dơ! Người giác ngộ biết chân tướng sự thật này, nào ngờ tự tánh vốn thanh tịnh. Quý vị thành Phật, tự tánh thanh tịnh như thế đó. Dẫu quý vị đọa trong tam ác đạo, tự tánh vẫn thanh tịnh dường ấy, chắc chắn chẳng bị nhiễm dơ bởi ngoại cảnh. Giống như chúng ta đeo đôi kiếng ấy, mắt kiếng lau rất sạch, mắt ta thanh tịnh. Mắt kiếng của quý vị bị bôi [màu] lung tung, nhưng con mắt của ta vẫn thanh tịnh, đạo lý là như vậy đó. Vì thế, bổn tánh là chân tâm, tám thức và năm mươi mốt Tâm Sở là vọng tâm, có chân, có vọng, vọng tâm giống như mắt kiếng, nó chẳng phải là chân tâm.
Lục Tổ lại nói: “Nào ngờ tự tánh, vốn trọn đủ”. Trí huệ, đức năng, cho đến phước báo đều trọn đủ. Thế giới Hoa Tạng trang nghiêm dường ấy, thế giới Cực Lạc giàu có, sung túc như vậy, đó là đại phước báo, do đâu mà có? Chẳng phải do A Di Đà Phật tu được, mà do trong tự tánh vốn trọn đủ. Vì sao nay chúng ta chẳng có phước báo? Chúng ta mê tự tánh, cho nên phước báo chẳng thể hiện tiền. Nếu giác ngộ tự tánh, phước báo sẽ hiện tiền, phước báo ấy là phước báo xứng tánh, vĩnh viễn hưởng bất tận, dùng chẳng cạn kiệt. Khác với thế gian này, phước báo của chúng sanh trong thế gian này là do tu được, phước báo do tu được chẳng xứng tánh, sẽ dùng hết. Phước báo xứng tánh hưởng thụ bất tận. Vì thế, người thông minh, giác ngộ, cầu gì? Cầu minh tâm kiến tánh. Trong pháp môn này là cầu nhất tâm bất loạn, nhất tâm bất loạn là minh tâm kiến tánh.
Trong đoạn này, chúng ta thấy được đôi chút ánh sáng của công đức trong bổn tánh mà thôi, nói thật ra, một chút ánh sáng đã thụ dụng bất tận! “Tự tánh vô bất chiếu” (tự tánh không gì chẳng chiếu) là trí Văn Thù. Văn Thù Bồ Tát tượng trưng Chân Như bổn tánh, trong ấy vốn trọn đủ quang minh, trí huệ, Ngài tượng trưng điều này.
Lòng Từ của Di Lặc Bồ Tát là tự tánh không gì chẳng bao dung. Người Trung Quốc đắp tượng Di Lặc Bồ Tát là tượng Bố Đại hòa thượng. Điểm đặc sắc của Bố Đại hòa thượng là khuôn mặt cười toe toét, bụng rất lớn, biểu thị có thể dung chứa, bụng dạ rộng rãi, có thể bao dung, mang ý nghĩa này. Tạo tượng ấy vì Bố Đại hòa thượng là hóa thân của Di Lặc Bồ Tát, xuất hiện tại Trung Quốc vào triều đại Nam Tống, nhằm thời Tống Cao Tông (1127-1162), cùng thời với Nhạc Phi, Ngài xuất hiện tại huyện Phụng Hóa, tỉnh Chiết Giang. Lúc Ngài ra đi, tự nêu bày thân phận, tiết lộ Ngài là Di Lặc Bồ Tát tái lai. Nói xong bèn tịch, sanh tử tự tại! Từ đấy, người Trung Quốc hễ tạc tượng Di Lặc Bồ Tát bèn tạc tượng Ngài.
Ngài dạy chúng ta tu hành, rất đáng cho chúng ta phản tỉnh thật sâu. Ngài suốt ngày từ sáng đến tối chẳng làm chuyện gì, luôn đi hóa duyên bên ngoài, hóa duyên xong cũng chẳng dùng tới. Hằng ngày xách một cái túi vải to, người ta cũng chẳng biết Ngài từ đâu tới, chẳng biết Ngài tên họ gì, ngay cả pháp danh xuất gia cũng không biết luôn! Người ta thấy mỗi ngày Ngài xách một cái túi vải lớn, bèn gọi Ngài là Bố Đại hòa thượng. Cái tên Bố Đại hòa thượng do đó mà có. Người ta cho thứ gì Ngài bèn dồn vào trong túi, cũng chẳng nhìn tới, cứ dồn vào trong túi. Người khác hỏi Ngài về Phật pháp, Phật pháp là gì? Ngài buông túi xuống đất, buông thõng hai tay, nghĩa là gì? Hãy buông xuống! Buông túi xuống có thể nhập Phật pháp, người khác cũng hiểu được ý nghĩa này. Sau khi buông xuống thì làm như thế nào? Ngài cầm lấy túi, đặt lên vai, bỏ đi. Buông xuống được, nhắc lên được. Buông trần lao xuống, “nhắc lên” là phổ độ hết thảy chúng sanh. Thị hiện ra cho chúng ta thấy, đại từ đại bi! “Tự tánh vô bất dung” (tự tánh không gì chẳng chứa đựng) là ý nghĩa của lòng từ Di Lặc, từ bi là gì? Từ bi là phải có thể tha thứ, phải có thể bao dung.
Nhưng trong kinh này, chư vị xem kỹ, vị thứ nhất là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, vị thứ hai là Di Lặc Bồ Tát, nhằm nói rõ từ bi phải có lý trí, phải nương vào trí huệ. Chẳng có lòng từ bi được hướng dẫn bởi trí huệ, thiên hạ sẽ đại loạn. Tông chỉ của nhà Phật là “từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”, nhưng nhà Phật lại nói: “Từ bi lắm họa hại, phương tiện thành hạ lưu” là chuyện như thế nào? Nếu từ bi và phương tiện thiếu lý tánh, đó chính là họa hại, là hạ lưu. Vì thế, tâm từ bi, khoan dung, tha thứ, và các pháp phương tiện đều phải kiến lập trên cơ sở đại trí huệ, đó mới là Phật pháp thật sự.
Hiện thời Phật môn suy vi, suy đến cùng cực, vì sao suy? Thiếu lý tánh, thảy đều là xử sự theo cảm tình. Tôi ưa thích bèn từ bi; tôi không ưa bèn chẳng thèm đoái hoài tới. Từ bi và phương tiện tùy thuộc vào sự cao hứng của cá nhân! Người ấy chẳng xử sự theo lý trí, mà theo cảm tình; do vậy, Phật môn đọa lạc, Phật pháp trong thế gian này bị hủy hoại. Trong quá khứ, tôi giảng Thiền Lâm Bảo Huấn tại chùa Pháp Hoa, giảng sáu, bảy lần. Khi ấy, có người cảnh cáo tôi: “Pháp sư! Tốt nhất là thầy không nên giảng tiếp nữa! Nếu thầy giảng tiếp, sợ sẽ có người đến sửa lưng thầy đó nghe!” Ai đến kiếm chuyện? Người xuất gia đến kiếm chuyện! Nội dung Thiền Lâm Bảo Huấn giảng gì? Kiểm thảo những điều được mất của người xuất gia chúng ta, những thói tật nào cần phải sửa chữa. Chúng tôi giảng trước tác của cổ đại đức, nào ngờ người nghe có lẽ cũng cảm thấy tôi đang chửi họ, chẳng phục, muốn đến kiếm chuyện với tôi! Người hiện thời cả thân đầy bệnh, nhưng không ai được phép phê bình! Không chỉ là chẳng ai được phép phê bình, mà quý vị giảng kinh đụng đến chỗ họ kỵ húy cũng không được, còn có cách nào nữa! Kinh nói đến những điều ấy, chúng ta đều phải tránh né, vậy thì còn có thể giảng kinh gì nữa, kinh gì cũng chẳng thể giảng. Trong Phật môn há có đạo lý bất hoại! Đó là chúng sanh thiếu phước, giảng kinh vẫn phải nhìn vẻ mặt của thính chúng, câu nào có thể nói được, câu nào chớ nên nói, ngay cả ý nghĩa của kinh cũng chẳng thể thật sự hiển lộ, sợ gặp phải đố kỵ, sợ bị kiếm chuyện, điều này đúng là khiến cho người ta đau lòng!
Hai vị Bồ Tát một vị tượng trưng trí huệ, một vị tượng trưng từ bi, liên khởi! “Tự tánh vô cùng vô tận, thị Bất Hưu Tức, Thường Tinh Tấn nghĩa” (tự tánh vô cùng, vô tận là ý nghĩa Bất Hưu Tức và Thường Tinh Tấn), tự tánh tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch, bao la pháp
giới, không gì chẳng chứa đựng!
(Sao) Loại tri giả.
(鈔) 類知者。
(Sao: So sánh để biết).
“Loại” là so sánh sẽ biết.
(Sao) Tự tánh quảng đại thị Phổ Hiền nghĩa.
(鈔) 自性廣大是普賢義。
(Sao: Tự tánh rộng lớn nghĩa là Phổ Hiền).
Chúng ta đọc tác phẩm chú giải kinh Hoa Nghiêm của Thanh Lương đại sư, đối với danh hiệu Phổ Hiền Bồ Tát, Ngài đã giải thích đơn giản, “Phổ” là gì? “Hạnh di pháp giới viết Phổ” (hạnh trọn khắp pháp giới là Phổ). Hạnh của chúng ta có đối tượng là tận hư không khắp pháp giới. Bồ Tát Hạnh là gì? Lục Ba La Mật, thượng cầu, hạ hóa, cảnh giới ấy rộng lớn không ngằn mé, đấy là ý nghĩa của Phổ Hiền. “Hiền” là nói địa vị của Ngài chỉ kém Phật, Phật là thánh, dưới thánh nhân là hiền nhân. Chân Như bổn tánh của chúng ta tận hư không khắp pháp giới, thường nói là “thụ cùng tam giới, hoành biến thập phương” (theo chiều dọc thấu suốt tam giới, theo chiều ngang trọn khắp mười phương). Tự tánh của chúng ta chẳng có ngằn mé, đó là ý nghĩa Phổ Hiền. Do vậy cũng biết, danh hiệu của tất cả chư Phật và chư Bồ Tát đều quy vào một tự tánh, hiển thị tự tánh phát xuất quang minh vô hạn, đức năng vô hạn. Như vậy thì quý vị mới có thể nhập Phật môn, mới vào được!
Nếu quý vị thấy hết thảy Bồ Tát đều đối lập với chính mình, “ta là người nào đó, đấy là Quán Âm Bồ Tát, kia là Phổ Hiền Bồ Tát”, quý vị và các Ngài là hai thứ đối lập, cảnh giới học Phật của quý vị có hạn độ. Quý vị có thể chứng đắc A La Hán, Bích Chi Phật, hoặc Quyền Giáo Bồ Tát, chứ lên cao hơn nữa quý vị chẳng có phần, vì sao? Quý vị chẳng thể xứng tánh, chẳng thể kiến tánh. Nói theo phía người niệm Phật, quý vị chẳng thể niệm đến Lý nhất tâm bất loạn, công phu của quý vị dẫu tốt đẹp cách mấy, chỉ có thể đạt đến Sự nhất tâm bất loạn, chẳng thể đạt tới Lý nhất tâm, vì sao? Lý nhất tâm kiến tánh, sau khi kiến tánh, tận hư không trọn pháp giới và chính mình là một. Quý vị thấy ở đây, tổ Liên Trì giảng: Văn Thù Bồ Tát là trí huệ của chính mình, Di Lặc Bồ Tát là bổn tánh bao dung của chính mình, Phổ Hiền Bồ Tát là tự tánh rộng lớn của chính mình, chẳng có điều nào ra ngoài [tự tánh]! A Di Đà Phật là vô lượng giác trong tự tánh, Thích Ca Mâu Ni Phật là năng nhân tịch mặc trong tự tánh, chẳng có một pháp nào ở ngoài tự tánh, pháp nào cũng quy về tự tánh, đó gọi là “kiến tánh thành Phật”. Đây là cảnh giới Lý nhất tâm bất loạn, là công phu của người tu hành chân thật, hợp nhất với hết thảy vạn sự vạn vật.
Vương Dương Minh là một Phật giáo đồ rất kiền thành, ông ta học không ít điều từ giáo lý Phật giáo, sáng lập học thuyết Dương Minh, nhấn mạnh “tri hành hợp nhất, thiên nhân hợp nhất”. Trong mười pháp giới, ông đã hợp hai pháp giới lại, nhưng còn tám pháp giới vẫn chưa hợp được. Do vậy, ông ta chưa thành Phật, mà cũng chẳng thể thành Bồ Tát; ông ta chỉ có thiên nhân hợp nhất. Trừ trời, người ra, còn có tam ác đạo, ngoài lục đạo còn có Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật, ông ta đều chẳng hợp nhất được! Vì thế, ông ta vẫn chưa viên dung Phật pháp, thật sự viên dung là mười pháp giới hợp nhất. Mười pháp giới hợp thành một, sẽ không thể gọi là mười pháp giới, mà gọi là Nhất Chân pháp giới.
Khi chư vị chưa kiến tánh, quý vị trụ trong mười pháp giới. Sau khi kiến tánh, quý vị trụ trong một pháp giới, tức Nhất Chân pháp giới. Đã giác ngộ, pháp giới là Nhất Chân; mê rồi, Nhất Chân biến thành mười pháp giới. Do vậy, mười pháp giới là đối lập, Nhất Chân pháp giới là viên dung. Trong viên dung, chẳng tìm được dấu vết, giống như nước hòa lẫn sữa, giống như hai ngọn đèn chiếu lẫn nhau. Chúng ta thấy ánh đèn, ánh sáng nào là của ngọn đèn này, ánh sáng nào là của ngọn đèn kia, chẳng tách rời được, toàn thể dung hợp thành một. Đấy là tự tánh viên dung, đó mới là thật sự “lìa khổ, được vui”, vì sao? Hết thảy phân biệt, chấp trước, phiền não thảy đều chẳng có; Vô Thượng Bồ Đề, Niết Bàn, Bát Nhã dung hội thành nhất thể. Trong cảnh giới ấy, nói gì cũng chẳng phải, nói gì cũng đều phải, đấy chính là cảnh giới thật sự chẳng thể nghĩ bàn!
(Sao) Tự tánh viên thông thị Quán Âm nghĩa.
(鈔) 自性圓通是觀音義。
(Sao: Tự tánh viên thông là ý nghĩa của Quán Âm).
Pháp Viên Thông do Quán Âm Bồ Tát nói là Nhĩ Căn Viên Thông. Một căn đã viên thông thì căn nào cũng đều viên thông, Ngài tu pháp môn này nên hết sức thích hợp với chúng sanh trong thế giới Sa Bà. Văn Thù Bồ Tát chọn lựa pháp Viên Thông đã nói: “Thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn” (chân giáo thể phương này, thanh tịnh nơi nghe tiếng). Thuở ấy, đức Phật đi khắp nơi thuyết pháp dùng âm thanh, giảng cho mọi người nghe, thời ấy chẳng có kinh sách, chưa có văn tự. Lúc tại thế, cụ Khổng dạy học, cũng giống như Thích Ca Mâu Ni Phật, cũng giảng giải mỗi ngày, nhưng chẳng có sách giáo khoa. Sau khi Khổng lão phu tử khuất bóng, các đệ tử ghi chép từng điều giáo huấn của Khổng phu tử lúc bình thời, hiện thời là sách Luận Ngữ. Đức Phật cũng giống vậy, sau khi đức Phật nhập diệt, các đệ tử cũng ghi chép những lời đức Phật đã giảng trước đó, trở thành kinh điển hiện thời. Nhưng học trò Khổng Tử ghi chép ngôn hạnh của Ngài quá đơn giản, phân lượng chẳng nhiều lắm. Học trò đức Phật rất chịu khó, những lời đức Phật đã nói trong cả một đời từ đầu đến cuối đều được ghi chép lại. Hiện thời, Phật giáo có kinh điển phong phú như thế là do sau này ghi chép lại, chẳng phải là được ghi chép ngay trong lúc ấy, cũng chẳng phải do đức Phật viết trong thuở ấy.
Mãi cho tới hiện thời, chúng ta vẫn cảm thấy nhĩ căn nhạy bén. Vì sao? Đối với cái thấy, chưa hề thấy có chuyện chỉ nhìn bèn hiểu ngay, nhưng đối với nghe thì do nghe bèn dễ dàng hiểu rõ. Vì thế, đọc tụng chẳng bằng lắng nghe, vì sao? Lúc nghe sẽ chuyên tâm, tâm bèn tịnh. Khi ta niệm kinh, tâm là động. Tâm thanh tịnh, thấu hiểu sâu xa. Tâm đang động, sẽ nhập nông cạn. Tôi nghĩ mọi người đều nên biết đạo lý ấy. Vì sao khi các đồng tu cùng tu một chỗ, một người niệm kinh, mọi người chuyên tâm nghe, trong khi nghe sẽ có ngộ xứ. Đấy là do nghe mà có tâm đắc, cứ mỗi biến in vào trong óc, nói theo Phật pháp là mỗi biến đều in vào ruộng tám thức, sau một thời gian dài sẽ sanh ra sức mạnh. Sức mạnh ấy có thể phá mê, khai ngộ, đoạn nghi, sanh tín. Vì thế, tự tánh của chúng ta viên dung thông đạt, chẳng có chướng ngại chính là ý nghĩa [của danh hiệu] Quán Âm.
(Sao) Như thượng tùy cử nhất môn, dĩ tiêu danh tự. Nhược các cụ giả, tức danh tự hỗ thông, cố vị tâm tức danh dã. Như thị giải giả, tức ư chánh quán tâm trung, kiến nhất thiết Bồ Tát dã.
(鈔)如上隨舉一門,以標名字。若各具者,即名字互通,故謂心即名也。如是解者,即於正觀心中,見一切菩薩也。
(Sao: Để nêu ra bất cứ một môn nào như trên đây, bèn nêu ra một danh tự [của một vị Bồ Tát]. Nếu [thấu hiểu các danh tự khác nhau biểu thị những tánh đức khác nhau], nhưng mỗi mỗi đều trọn đủ, thì các danh tự sẽ dung thông, nên nói “tâm chính là danh”. Hiểu như vậy thì trong tâm chánh quán sẽ thấy hết thảy các Bồ Tát).
Điều này là thật, không chỉ thấy hết thảy Bồ Tát, mà còn thấy hết thảy chư Phật. Không chỉ thấy hết thảy chư Phật, mà y báo và chánh báo trang nghiêm trong tất cả các cõi nước tận hư không, khắp pháp giới, quý vị đều thấy. “Danh tự hỗ thông” vì tất cả hết thảy danh tự đều tượng trưng cho công đức trong tự tánh. Tự tánh là một, không hai; vì thế, những danh tự ấy đều dung thông. Thí dụ như “tự tánh vô bất chiếu” (tự tánh không gì chẳng chiếu), ta là Văn Thù Bồ Tát. Từ “tự tánh vô bất dung” (tự tánh không gì chẳng bao dung), ta là Di Lặc Bồ Tát; từ “tự tánh quảng đại”, ta là Phổ Hiền Bồ Tát. Do vậy hết thảy chư Phật, Bồ Tát là ai? Đều là chính mình, thật đấy, chẳng giả đâu! Vì lẽ đó, trong Phật pháp học Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ở chỗ nào? Cầu trong tự tánh. Kinh Bát Nhã nói: “Phật chẳng độ chúng sanh”. Thật vậy, Phật chẳng độ chúng sanh.
Phật chẳng độ chúng sanh, Phật đang làm gì? Nói thật ra, tự tánh của chúng ta giống như vàng trong quặng. Trong ấy, ẩn chứa chẳng biết bao nhiêu vàng ròng, nhưng chưa được khai thác, chẳng đáng một đồng, quý vị chưa khởi tác dụng! Đức Phật giảng cho chúng ta những kinh điển, lý luận ấy, nhằm dạy chúng ta nhận biết dưới đất có quặng, bảo quý vị hãy nhận biết. Đức Phật dạy chúng ta Tam Quy, Ngũ Giới, Lục Ba La Mật, đó là các phương pháp tu hành, cho đến niệm Phật là công cụ để khai thác quặng. Chúng ta đã biết chỗ nào có quặng, đức Phật lại ban cho [chúng ta] các công cụ nhiều ngần ấy, chuyện khai quặng do chính quý vị ra tay tự làm, Ngài chẳng giúp quý vị được, chính mình phải ra tay! Chính chúng ta nương theo Giới, Định, Huệ, nương theo Tam Quy, Ngũ Giới, nương theo tín nguyện trì danh để khai quật quặng báu trong tự tánh của chúng ta. Trong ấy có vô lượng vô biên trí huệ, vô lượng vô biên đức năng, chẳng hai, chẳng khác với mười phương ba đời hết thảy Như Lai. Đức Phật chỉ giúp chúng ta những việc này, chúng ta phải hiểu rõ ràng! Ân đức ấy vô cùng to lớn. Vì thế, danh tự có ý nghĩa dung thông lẫn nhau. “Vô bất chiếu” đương nhiên là “vô bất dung”, “quảng đại” đương nhiên trọn đủ “viên thông”.
“Tâm tức danh dã” (tâm chính là danh), Bồ Tát vô danh, chư Phật, Bồ Tát đều chẳng có danh hiệu; do chúng sanh phân biệt, chấp trước mà kiến lập danh hiệu. Nếu chúng sanh chẳng có phân biệt, chấp trước, nói thật thà, quý vị thỉnh đức Phật thuyết pháp, đức Phật chẳng nói một câu nào! Thiền Tông nói: “Khẩu quải tường bích” (Miệng treo trên vách). Đóng đinh trên vách tường, treo ở nơi đó, chẳng dùng được! Vì chúng sanh có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, nên đức Phật có pháp để thuyết. Phân biệt, chấp trước, vọng tưởng là bệnh, vì quý vị có bệnh, thầy lang mới có thể kê toa thuốc cho quý vị, dùng thuốc để chữa trị. Quý vị chẳng có bệnh, thầy lang đối với quý vị chẳng có cách nào hết, chẳng cần đến thuốc, chẳng có chuyện gì! Do vậy ta biết: Phật pháp được kiến lập trên pháp tương đối của thế gian. Chẳng có chúng sanh thì cũng chẳng có Phật pháp, chúng ta phải biết đấy mới là diện mục sẵn có.
[Sách Diễn Nghĩa giảng] “Danh giả” (tên gọi) là “nhân nhân tự tâm” (tự tâm của mỗi người), “ly tự tâm, biệt cầu Bồ Tát” (lìa tự tâm để riêng cầu Bồ Tát), kẻ ấy gọi là “hành tà đạo, Kim Cang kinh thượng thuyết, bất năng kiến Như Lai” (hành tà đạo, kinh Kim Cang nói kẻ ấy chẳng thể thấy Như Lai). Như Lai là gì? Như Lai là tự tánh. Quý vị chẳng thể kiến tánh, do tin tà đạo, tà đạo là gì? Ngoài tâm có pháp! Dựa theo tiêu chuẩn này để nói, hiện thời, người học Phật chúng ta, trong một trăm người có tới chín mươi chín người là tà đạo, người nào chẳng tà? Tuy chúng ta nói Tam Quy Y, quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh, cũng bất quá là niệm đằng miệng đó thôi, ai quy y? Vẫn mê hoặc, điên đảo, vẫn cầu tà đạo, làm sao có thể thanh tịnh! Đức Phật ắt phải nói ba chữ (Giác, Chánh, Tịnh), ba chữ ấy chính là tự tâm. Tôi hỏi quý vị, Giác là gì? Giác là chánh tri chánh kiến. Chánh tri chánh kiến là gì? Chánh tri chánh kiến là tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là gì? Tâm thanh tịnh là giác. Ba chữ này giải thích lẫn nhau. Ba phương diện đã thấy rõ ràng, chúng ta mới hiểu tự tâm là như thế nào!
Trong ba phương diện ấy, pháp môn Niệm Phật thiên trọng thanh tịnh. Chỉ cần tâm chúng ta thanh tịnh, tri kiến của chúng ta quyết định là chánh tri chánh kiến, là Phật tri Phật kiến, từ tâm thanh tịnh của quý vị hiển lộ. Chúng ta hãy suy nghĩ, hiện thời tâm ta có thanh tịnh hay không? Tự mình nghĩ “tâm ta rất thanh tịnh”, thật ra, còn có ta, còn có người, còn có chúng sanh, [còn có tướng thọ giả], kinh Kim Cang nói là “bốn tướng trọn đủ”, tâm của quý vị chẳng thanh tịnh! Trong tâm quý vị còn thấy thị phi nhân ngã thì làm sao thanh tịnh cho được? Trong tâm của quý vị còn có phân biệt, chấp trước, làm sao quý vị thanh tịnh? Trong tâm quý vị còn có tham, sân, si, mạn, làm sao quý vị thanh tịnh? Trong tâm thanh tịnh những thứ ấy đều chẳng có, tâm ấy mới được coi là thanh tịnh.
Tịnh Độ đi theo con đường này, “tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh”. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới nhờ vào con đường ấy, con đường ấy thật sự khó khăn! Quá khó, làm như thế nào? Phải mở rộng phương tiện môn. Phương tiện môn là đổi tất cả hết thảy phiền não, chấp trước, vọng tưởng thành A Di Đà Phật, tâm quý vị cũng kể như thanh tịnh, vì sao? Trong tâm thứ gì cũng đều chẳng có, chỉ còn lại A Di Đà Phật, chấp nhận được, đó gọi là “đới nghiệp vãng sanh”. Nếu ta mỗi ngày niệm A Di Đà Phật, mỗi ngày niệm mười vạn tiếng A Di Đà Phật, nhưng tham, sân, si, mạn trong tâm chẳng đoạn, thị phi, nhân ngã chẳng đoạn, có được hay không? Không được! Chẳng thể vãng sanh. Đúng như cổ đức đã nói, quý vị mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, rách toạc cổ họng cũng uổng công, mọi người phải đặc biệt ghi nhớ điều này.
Người thật sự vãng sanh, điều kiện thấp nhất là chế ngự Hoặc, phiền não chưa đoạn, nhưng một câu Phật hiệu có sức mạnh dằn nén phiền não, đó gọi là đới nghiệp vãng sanh, công phu thành phiến. Người ấy thật sự chưa đoạn phiền não, quả thật có thị phi, ta – người, tham, sân, si, mạn, nhưng là như thế nào? Chúng chẳng khởi tác dụng, hễ niệm dấy lên người ấy bèn ngay lập tức đổi nó thành A Di Đà Phật, những thứ bên ngoài đều bị A Di Đà Phật ngăn lấp, chứ cái gốc ở dưới đó chưa đoạn, hành như vậy gọi là “đới nghiệp vãng sanh”, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Nếu công phu cao hơn một bậc, đoạn phiền não, đoạn Kiến Tư phiền não, phá Ngã Chấp, chẳng còn chấp trước có Ngã, người như vậy sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nếu công phu cao hơn một tầng nữa, sẽ là kiến tánh, xứng lý, đấy là Lý nhất tâm bất loạn, vãng sanh sẽ là Thượng Phẩm Thượng Sanh trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Vì thế, công phu thực hiện trong nội tâm, chẳng phải là ở bề ngoài! Nhìn bề ngoài sẽ thường nhìn trật, xem lầm; xem lầm sẽ ảnh hưởng đến chúng ta rất lớn, vì sao? Chúng ta thấy có người nêu gương bèn học theo, tức là nhìn vào tấm gương ấy để học tập, kết quả là kẻ ấy nêu gương sai lầm, chúng ta cũng học theo sai lầm, thảy đều là học theo biểu hiện bề ngoài, học trở thành hình thức bề ngoài! Bề ngoài có vẻ ngon lành lắm, bên trong thì một tí phiền não cũng chẳng đoạn! Không chỉ chẳng đoạn, mà còn dấy lên hiện hành y như cũ. Người như vậy niệm Phật hay tu hành đều biến thành phước báo trời người trong đời sau, chẳng thể thành công.
Chúng ta thấy trong kinh điển, đức Phật đã nói đến tỳ-kheo-ni Liên Hoa Hương, đó là một tấm gương! Đời trước bà ta suốt đời niệm kinh Pháp Hoa. Trong sách Pháp Hoa Kinh Cảm Ứng có một câu chuyện như vậy. Suốt đời niệm kinh Pháp Hoa rất chuyên cần, đời trước là một người xuất gia, mỗi ngày niệm kinh Pháp Hoa, tới đời thứ hai vẫn là một nữ nhân, nữ thân chuyển sang nam thân rất khó khăn! Đó là gì? Tập khí, từ đầu đến cuối cảm thấy bản thân là nữ nhân, trọn chẳng nghĩ chính mình là thân nam, cho nên đời đời kiếp kiếp lưu chuyển đều là nữ nhân. Đời thứ hai chuyển sanh làm thân nữ, duyên chẳng tốt đẹp, sau khi khôn lớn, trở thành kỹ nữ, miệng thơm mùi hoa sen là quả báo do đời trước bà ta niệm Diệu Pháp Liên Hoa kinh. Do vậy ta biết, chẳng thể chế phục phiền não, chẳng thể cầu vãng sanh, đời sau vẫn đáng lo, chúng ta phải thật sự giác ngộ và cảnh giác điều này. Đời này gặp cơ duyên này, nhất định phải nắm chắc, nhất định phải thành công.
“Như thị giải giả, tức ư chánh quán tâm trung, kiến nhất thiết Bồ Tát dã” (hiểu như thế tức là nơi tâm chánh quán thấy hết thảy các Bồ Tát). “Giải” (解) là lý giải, như trong phần trên đã nói, hoàn toàn quy vào tự tánh, hoàn toàn hòa nhập trong tự tánh, kiến giải ấy là Phật kiến, tức kiến giải của Phật, Phật tri Phật kiến, cũng là như kinh Pháp Hoa đã nói “nhập Phật tri kiến”. Chúng ta có thể nói Liên Trì đại sư chú giải bộ kinh này, sau mỗi đoạn đều có một đoạn Xứng Lý chính là nhập Phật tri Phật kiến. Không giống như trong phần trước, những điều đã nói trong phần trước là tùy thuận tri kiến của phàm phu chúng ta để giải thích bộ kinh này; đoạn này chẳng tùy thuận phàm phu, mà hoàn toàn dùng Phật tri Phật kiến để nhìn bộ kinh này, [sẽ thấy] thảy đều là đàm luận xứng tánh. Sở dĩ Ngài chú giải theo cách này là nhằm phô bày pháp môn Di Đà thù thắng khôn sánh, trong hết thảy các pháp môn, [pháp môn này] là Đại Thừa của các pháp Đại Thừa, là liễu nghĩa nhất trong các pháp liễu nghĩa, hiển thị ý nghĩa ấy, cực viên, cực đốn! Chúng ta được gặp gỡ đúng là may mắn! “Chánh quán tâm trung” (trong tâm chánh quán) là thật sự hiểu rõ, thông đạt, tự tánh không gì chẳng chiếu, đó là Văn Thù hiện tiền, tự tánh không gì chẳng bao dung, đó là Di Lặc xuất thế; tự tánh rộng lớn, quý vị thường thấy Phổ Hiền, tự tánh viên thông, quý vị sẽ ở cùng một chỗ với Quán Thế Âm Bồ Tát mỗi ngày, thảy đều quy vào tự tánh.
(Sao) Kim kiến phàm phu bất kiến Bồ Tát giả, dĩ thất chánh quán cố.
(鈔) 今見凡夫不見菩薩者,以失正觀故。
(Sao: Nay thấy phàm phu, chẳng thấy Bồ Tát là do đã mất chánh quán).
Hiện thời chúng ta chỉ thấy phàm phu, chẳng thấy một vị Bồ Tát nào, cũng chẳng thấy một vị Phật nào! Nói thật ra, chư Phật Như Lai, chư đại Bồ Tát mỗi ngày đều ở cùng chúng ta, nhưng chúng ta chẳng nhận ra, chẳng biết! Lầm lỗi ở chỗ nào? Lầm lỗi ở chỗ bản thân chúng ta mê hoặc, điên đảo; chúng ta phải nghiêm túc phản tỉnh, kiểm điểm! Như trong kinh Địa Tạng đã dạy: “Diêm Phù Đề chúng sanh, cử tâm động niệm, vô bất thị nghiệp, vô bất thị tội” (Chúng sanh trong cõi Diêm Phù, suy nghĩ, dấy lên ý niệm, không gì chẳng phải là nghiệp, không gì chẳng phải là tội). Chúng ta đang tạo tác khá nhiều tội lỗi, nhưng chính mình không biết, cứ tưởng những gì chúng ta đang làm đều rất chính xác, làm sai nhưng trọn chẳng biết. Mỗi ngày đều diệt Phật pháp, nhưng vẫn tưởng chính mình đang hưng khởi Phật pháp. Tạo nghiệp diệt Phật pháp là nghiệp tam đồ, là nghiệp địa ngục A Tỳ. Ta mỗi ngày đã lạy Phật lại còn tụng kinh, làm sao ta diệt Phật pháp cho được? Đối với câu nói ấy, tôi cũng chẳng nhiều lời, trong tương lai, nếu quý vị thật sự đọa địa ngục, tại chỗ Diêm La Vương sẽ có sổ sách để tính toán; quý vị hãy tự tính toán mới biết vấn đề này chẳng phải là chuyện đơn giản.
Vì vậy, xuất gia phải thận trọng, chẳng phải là tùy tiện, vì sao? Quý vị vừa xuất gia liền có hai con đường: Một là hưng khởi Phật pháp, hai là diệt Phật pháp, tất nhiên là như vậy. Nếu quý vị chẳng thể hưng khởi Phật pháp, sẽ diệt Phật pháp. Tôi nêu lên thí dụ để nói, chẳng hạn như chúng ta bầu thị trưởng Đài Bắc, ông ta làm thị trưởng, con người vô cùng tốt đẹp, đúng là người tốt, nhưng làm thị trưởng như thế nào? Hằng ngày chẳng làm chuyện gì, chẳng làm chuyện tốt, mà cũng chẳng làm chuyện xấu. Ông ta có phạm tội lỗi hay không? Đương nhiên có tội lỗi, chẳng làm việc! Chẳng mưu cầu hạnh phúc cho dân chúng trong cả thành phố, đó là cái tội của ông ta. Ông ta mưu cầu hạnh phúc cho dân chúng, nhưng chẳng tận tâm tận lực, đó là cái lỗi của ông ta. Ông ta có thể làm được mười phần, mà chỉ làm đến tám phần, sẽ có lỗi!
Do vậy, một người xuất gia phải làm cho Phật pháp hưng thịnh. Lời nói và việc làm khiến cho người ta nhìn vào bèn ca ngợi Phật pháp, hay là khiến cho kẻ khác hủy báng Phật pháp? Nếu chúng ta ra ngoài, mọi người đều khen ngợi Phật pháp, tức là mặt Phật tỏa sáng, chúng ta đã thếp vàng cho Phật. Nếu chúng ta ra ngoài, người ta chửi bới, hủy báng chúng ta, thôi rồi, chúng ta tội lỗi to lớn. Vì thế, xuất gia chẳng dễ dàng! Tại gia cư sĩ cũng có thể phát tâm hoằng pháp lợi sanh y hệt, nhưng lỗi lầm nhỏ hơn, vì sao? Họ chẳng phải là hình ảnh đại diện, còn người xuất gia là đại diện. Nếu hình ảnh xấu xa, sẽ có lỗi với đức Phật, phạm lỗi với Bồ Tát, phạm lỗi với lịch đại tổ sư, Phật pháp phải diệt vong trong đời quý vị, không được rồi, tội lỗi vô lượng vô biên! Quý vị đừng nói: “Tôi mỗi ngày niệm kinh, lạy Phật, chẳng làm chuyện gì sai quấy!”
Tôi lại nêu một thí dụ khác để nói với quý vị, một đạo tràng, đạo tràng là gì? Tất nhiên phải có đạo, có học. Nay chỗ này của chúng ta là một đạo tràng thọt chân, chẳng kiện toàn, vì sao? Chỉ có một nửa, tuy có hành, nhưng hành chẳng trọn vẹn. Một đạo tràng thật sự trọn vẹn, mỗi ngày giảng kinh, mỗi ngày niệm Phật mới là một đạo tràng trọn vẹn. Người tu hành trong tùng lâm tự viện thời cổ chẳng có vọng tưởng, vì sao chẳng có vọng tưởng? Chẳng có thời gian để khởi vọng tưởng, mỗi ngày phải đến giảng đường nghe kinh tám tiếng đồng hồ, nghe đã mệt nhoài rồi, lại còn phải đến Niệm Phật Đường niệm Phật tám tiếng đồng hồ, đã mất mười sáu tiếng đồng hồ rồi, mệt đứ đừ, không thể làm gì khác hơn là ngoan ngoãn nghỉ ngơi, chẳng suy tưởng gì hết. Vì thế, đạo tràng ấy tu ba năm, so với chúng ta hiện thời tu tập như vậy, sợ là chúng ta tu suốt ba trăm năm vẫn chẳng bằng người ta tu ba năm. Đó là nương vào đại chúng, cậy vào đại chúng, chẳng có thời gian dấy vọng tưởng.
Kinh thường nói “nhị thời giảng kinh”. “Nhị thời” là tám giờ hiện thời. Một ngày của Ấn Độ gồm sáu thời, ngày ba thời, đêm ba thời. Tại Trung Quốc, tính theo thời thần là mười hai “thời thần”, một ngày đêm có mười hai thời thần: Tý, Sửu, Dần, Mão… Do vậy chúng ta gọi đơn vị thời gian hiện thời theo lối Tây phương là “tiểu thời” (giờ), vì nó nhỏ hơn thời thần của Trung Quốc. Thời thần của Trung Quốc lại nhỏ hơn “thời thần” của Ấn Độ. Một thời thần của Ấn Độ bằng hai thời thần của Trung Quốc, bằng bốn giờ hiện thời.
“Nhị thời giảng kinh” là mỗi ngày giảng kinh tám tiếng. Trong tự viện tùng lâm giống như trường đại học, mỗi ngày lên lớp tám tiếng, quý vị nhất định phải đến nghe. Không có lý do sẽ chẳng thể vắng mặt. Trong hành môn là hai thứ: Một là Niệm Phật Đường, hai là Thiền Đường, tùy quý vị chọn lựa. Quý vị chọn Thiền Đường thì mỗi ngày phải ngồi Thiền tám tiếng, Chọn Niệm Phật Đường thì đến Niệm Phật Đường niệm Phật tám tiếng, giải hạnh tương ứng. Tám giờ còn lại, trên thực tế là ngủ nghỉ nói chung chỉ có bốn giờ, vì quý vị còn phải ăn cơm, còn phải giặt quần áo, còn phải làm những việc lặt vặt cho chính mình. Vì thế, người thật sự tu hành thời gian ngủ mỗi ngày là bao nhiêu? Bốn giờ, họ sẽ chẳng thể dấy vọng tưởng, cũng không bị ác mộng, so với huấn luyện trong quân đội còn nghiêm ngặt hơn, như thế mới có thể
thành tựu nhân tài!
Trong quá khứ, thuở tại thế, cụ Phương Đông Mỹ đã nói với tôi mấy lần: “Muốn hưng khởi Phật giáo mà chẳng khôi phục chế độ tùng lâm sẽ không được!” Lời ấy rất hữu lý! Chúng tôi suy nghĩ thấy cụ có kiến giải rất đúng. Hiện thời, toàn bộ bạc nhược, thong dong, biếng nhác, đó là phá hoại và tiêu diệt Phật pháp! Chính chúng ta đang phá hoại, tiêu diệt, nhưng chính mình không biết, vẫn tưởng chính mình làm rất chánh đáng, rất chính xác! Làm như vậy có thể vãng sanh hay chăng? Rất khó! Trong quá khứ, tôi đã từng nói, tôi nói rất thiết tha. Người niệm Phật hiện thời, tôi thấy phần nhiều có thụy tướng vãng sanh là người tại gia. Gần đây, chúng ta thấy người tại gia niệm Phật, có người đứng mất, ngồi mất, biết trước lúc mất, chẳng ngã bệnh mà qua đời. Chúng ta thấy người xuất gia toàn là chết vì bệnh khổ, lúc mất hồ đồ, mê loạn. Quý vị thấy người ra đi như vậy bèn biết quả báo của người ấy, rất đáng cho chúng ta cảnh tỉnh, kiêng dè! Nếu vẫn tiếp tục như vậy, chính mình có phần trong tam đồ, vãng sanh thì sẽ quyết định vãng sanh, nhưng vãng sanh trong địa ngục A Tỳ, chẳng phải là sanh về thế giới Tây Phương.
Do phàm phu chẳng thấy Bồ Tát, do chẳng có nhân duyên thấy Bồ Tát, tâm họ mê, tức là mê hoặc, điên đảo, tâm bị cảnh chuyển, chẳng có năng lực quán chiếu. Cổ đức nói: Dẫu kẻ ấy trì giới, tu thiện, hoặc còn có một chút công phu Thiền Định, nhưng toàn là pháp hữu vi. Sở dĩ nói là pháp hữu vi là vì tâm kẻ ấy chẳng thanh tịnh, vẫn còn có Năng và Sở, còn có thị phi, nhân ngã, còn có tham, sân, si, mạn, nên chẳng gọi là chánh quán. Cảnh giới chánh quán rất cao, chánh quán là “trực tâm chánh niệm Chân Như”. Nếu nói theo Thiền Tông, chánh quán là minh tâm kiến tánh. Chưa đạt tới kiến tánh, chẳng thể gọi là chánh quán. Ở đây nói tới xứng lý, đặc biệt là trong pháp môn này, sở dĩ pháp này thù thắng và thuận tiện hơn hết thảy các pháp môn khác là ở chỗ nào? Trong pháp môn này, chúng ta chưa kiến tánh vẫn có thể đạt được chánh quán! Chánh quán là gì? Trong mười hai thời, trong tâm chỉ có một câu A Di Đà Phật, đấy là chánh quán. Chẳng cần đoạn phiền não, niệm niệm đều A Di Đà Phật là được rồi, sẽ có thể đới nghiệp vãng sanh. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới có thể gặp A Di Đà Phật, phép Quán ấy mới có thể coi là chẳng sai lầm, có thể coi là chánh quán.
Vậy thì quý vị biết niệm Phật phải niệm theo cách nào, vận dụng công phu ra sao, niệm niệm phải đổi ý niệm thành A Di Đà Phật, đó là đúng. Vì thế, niệm Phật chẳng cốt yếu niệm nhiều hay ít, mà quan trọng là trong tâm chúng ta khởi một niệm bèn ngay lập tức là A Di Đà Phật. Niệm thứ nhất dấy lên, đừng sợ! Cổ nhân nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Quyết định chớ để ý niệm tiếp tục, niệm vừa dấy lên bèn ngay lập tức đổi thành A Di Đà Phật, quý vị phải đổi nhanh chóng. Quý vị chẳng đổi nhanh, vọng niệm sẽ nối tiếp nhau dấy lên, phải đổi cho nhanh! Một câu A Di Đà Phật là chánh quán của người niệm Phật. Nếu chúng ta đạt được chánh quán. Thưa quý vị, Văn Thù, Di Lặc, Phổ Hiền, Quán Âm không vị nào chẳng gia trì quý vị, chẳng hề không che chở quý vị, mười phương chư Phật hộ niệm mà! Vì thế, khuyết điểm của chúng ta trong hiện thời là đánh mất chánh quán, “dĩ thất chánh quán cố” (vì đã mất chánh quán).
(Sao) Cố viết: “Bồ Tát thanh lương nguyệt, thường du tất cánh không, chúng sanh tâm cấu tịnh, Bồ Đề ảnh hiện trung”.
(鈔)故曰:菩薩清涼月,常遊畢竟空,眾生心垢淨,菩提影現中。
(Sao: Vì vậy nói: “Bồ Tát trăng trong mát, thường dạo rốt ráo không, chúng sanh tâm nhơ sạch, Bồ Đề hiện bóng hình”).
Bốn câu này hay tuyệt, miêu tả xác thực cảnh giới kiến tánh, miêu tả vô cùng chân thật! Chỉ cần tâm chúng ta thanh tịnh, khi tâm chúng ta thanh tịnh đến mức chẳng nhiễm mảy trần, trần là vọng niệm, khi nhất niệm chẳng sanh, chẳng có vọng niệm nào, nhưng chư vị phải hiểu, tuy chẳng có vọng niệm, nhưng phải có chánh niệm. Nếu vọng niệm chẳng có, chánh niệm cũng không có luôn, vậy là hỏng rồi, biến thành Vô Tưởng Định, trở thành ngoại đạo, quả báo là Vô Tưởng Thiên trong Tứ Thiền, lầm lẫn to lớn quá đỗi! Vì thế, chẳng có vọng niệm thì phải có chánh niệm. Tu các pháp môn khác chánh niệm rất khó, tu pháp môn này chánh niệm dễ dàng; trong pháp môn này của chúng ta, chánh niệm là gì? Câu danh hiệu A Di Đà Phật là chánh niệm, Tịnh Độ tam kinh là chánh niệm, chúng ta niệm kinh này, tưởng cảnh giới trong kinh, đấy là chánh niệm.
Tưởng Tây Phương Cực Lạc thế giới, phải tưởng tượng nơi ấy giống như quê hương thì mới được. Phải hiểu quê hương trên thế gian này là giả, chẳng cần nghĩ tới nó. Nghĩ đến quê hương trên thế gian này, nghĩ đến những người thân ái trên thế gian này, quả báo là lục đạo luân hồi, vì sao? Tăng trưởng tham, sân, si. Vì quý vị nghĩ nhớ người thân ái, tăng trưởng tâm tham, tăng trưởng tâm ngu si, nghĩ nhớ không được, trong tâm khó chịu, tăng trưởng tâm sân khuể. Đó là tạo tam đồ, tạo nghiệp tam đồ. Hãy nên bỏ pháp thế gian, chuyên tưởng A Di Đà Phật, chuyên tưởng Tây Phương Cực Lạc thế giới. Bởi lẽ, chúng ta tạo tịnh nghiệp, chẳng tạo nghiệp tam đồ lục đạo thì mới có thể thật sự thoát ly biển khổ, thật sự siêu phàm nhập thánh ngay trong một đời này. Ngày hôm nay, chúng tôi giảng tới đây!