Tập 118/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 118

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm năm mươi tư:

          Tam, nhân thiên chúng.

          三、人天眾。

          (Ba, chúng trời người).

          Xin xem kinh văn.

          (Kinh) Cập Thích Đề Hoàn Nhân đẳng, vô lượng chư thiên đại chúng câu.

          () 及釋提桓因等。無量諸天大眾俱。

          (Kinh: Và Thích Đề Hoàn Nhân v.v… vô lượng chư thiên đại chúng cùng nhóm họp).

          Chúng ta đọc lời chú giải của Liên Trì đại sư.

          (Sớ) Cập giả, thừa tiền ngôn Tịnh Độ pháp môn, bất đản chư thánh dự hội, nhất thiết phàm chúng giai đồng văn cố.

          ()及者,承前言淨土法門,不但諸聖與會,一切凡眾皆同聞 故。

          (Sớ: “Cập” nhằm tiếp nối ý đã nói trong phần trước: Pháp môn Tịnh Độ chẳng phải chỉ có thánh chúng dự hội mà hết thảy phàm chúng đều cùng nghe).

          Câu này nói rõ trạng huống trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, quả thật là chỗ để hữu tình chúng sanh thuộc chín pháp giới cùng nhau nhóm họp một chỗ. Hiện tượng này cũng nói rõ sự viên chứng ba thứ Bất Thoái, lên trọn bốn cõi. Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy hết sức cặn kẽ, kinh Di Đà cũng nói giống như vậy. Bồ Tát sanh sang cõi Thật Báo Trang Nghiêm của bên đó, như bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong hội Hoa Nghiêm, tuy sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm, nhưng cũng đồng thời sanh vào cõi Thường Tịch Quang, cũng sanh trong cõi Phương Tiện Hữu Dư, và cũng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Do vậy rất đặc biệt, bốn cõi xếp hàng ngang, chẳng xếp theo hàng dọc, đây là chỗ khác với mười phương thế giới; đó gọi là “sanh vào một là sanh trong hết thảy”. Phàm phu cũng như vậy, phàm phu sanh vào cõi kia, hễ sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư nơi ấy, cũng đồng thời sanh trong ba cõi trên. Có thể cùng với các vị thượng thiện nhân, “thượng thiện nhân” chỉ Đẳng Giác Bồ Tát, hằng ngày có thể ở cùng một chỗ với các vị Đẳng Giác Bồ Tát, vì bốn cõi trong Tây Phương Tịnh Độ xếp hàng ngang, chẳng theo hàng dọc; cho nên có thể ở cùng một chỗ.

          Ở đây, “nhất thiết phàm chúng” (hết thảy phàm chúng), “phàm chúng” là kẻ chưa đoạn Kiến Tư phiền não, điều này cũng là nói tùy thuận theo tri kiến của bọn chúng sanh chúng ta trong thế giới này. Thật ra, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, dẫu một phẩm Hoặc vẫn chưa đoạn, họ cũng là Bồ Tát, đấy là vì trong bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật có nói: Phàm người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thảy đều là Bồ Tát. Do đó, thế giới ấy là thế giới thuần túy Bồ Tát, ở cõi chúng ta đây (thế giới Sa Bà) là ngũ thừa, bên kia chỉ có nhất thừa, chẳng có ngũ thừa. Nói “phàm phu” nghĩa là Kiến Tư phiền não chưa đoạn, nói A La Hán tức là đã đoạn Kiến Tư phiền não, nhưng chưa phá Trần Sa và Vô Minh. Chỉ dùng những danh từ này để tỷ dụ, chẳng phải là thật sự. Tuyệt đối chẳng giống như trong cõi này (thế giới Sa Bà), chúng ta nói “nhân thiên”, họ thật sự là nhân thiên, nói A La Hán bèn thật sự là A La Hán. Cõi kia chẳng vậy, do tùy thuận tập khí của chúng ta mà nói [nhân thiên, Thanh Văn]. [Cõi ấy] thuần nhất Bồ Tát, từ đại kinh (kinh Vô Lượng Thọ), chúng ta thấy điều này rất rõ ràng. Vì thế, hợp hai kinh lại để giảng quả thật rất có lợi!

          (Sớ) Thích Đề Hoàn Nhân, thử vân Năng Thiên Chúa. Viết “đẳng”, hựu viết “vô lượng” giả, tận nhất thiết chư thiên cố.

          ()釋提桓因,此云能天主。曰等,又曰無量者,盡一切諸天故。

          (Sớ: Thích Đề Hoàn Nhân, cõi này dịch là Năng Thiên Chúa. Nói “đẳng”, còn nói là “vô lượng” vì gồm trọn hết thảy chư thiên).

           Thích Đề Hoàn Nhân (Śakro Devānām Indrah) là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là Năng Thiên Chúa. Thích là Năng, Thích Ca là Năng Nhân. Đề Hoàn Nhân là thiên chúa (chúa một cõi trời), [nên Thích Đề Hoàn Nhân] dịch là Năng Thiên Chúa. Ông ta có năng lực, “Năng” là [từ ngữ] tán thán, ca ngợi ông ta. Ông ta thật sự là một vị chúa trời tốt, cai quản thiên chúng, cho thấy ông ta hết sức có trí huệ, có năng lực, thống lãnh thiên chúng hết sức trật tự, có thể [xử sự] đúng như pháp. Ngọc Hoàng Đại Đế như người Trung Quốc hay nói, trên thực tế là Thích Đề Hoàn Nhân được nói tới trong kinh điển, là Đao Lợi Thiên Chúa. Cõi trời ấy được gọi là Đao Lợi thiên, Đao Lợi (Trayastrimśa) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Tam Thập Tam (ba mươi ba), nên còn gọi là Tam Thập Tam Thiên. Quý vị phải nhớ Tam Thập Tam Thiên là một tầng trời, chẳng phải là ba mươi ba tầng. Có rất nhiều người hiểu lầm, nói Phật giáo bảo chỉ có ba mươi ba cõi trời, hiểu lầm rồi. Tam Thập Tam Thiên là một tầng trời. Vì sao nói ba mươi ba? Đấy là nhân duyên của Thích Đề Hoàn Nhân trong đời quá khứ.

Chúng ta biết bất luận trên cõi trời hay trong nhân gian, quốc vương hay tổng thống đều có phước báo rất lớn. Phước báo ấy do đời trước tu được, tuyệt đối chẳng phải là ngẫu nhiên. Đời trước, Thích Đề Hoàn Nhân tu hành, phát tâm tạo tháp thờ Phật. Ngoài ra, có ba mươi hai người giúp ông ta hoàn thành công đức kiến tạo ấy. Sau đấy, ông ta làm chúa trời, cõi trời ấy giống như một quốc gia trong hiện tại; trừ chánh phủ trung ương ra, còn có ba mươi hai tỉnh. Những người giúp sức ấy giống như chủ tịch của ba mươi hai tỉnh. Trung ương là thiên tử, vây quanh bốn phía là chư hầu, tình hình từa tựa như vậy. Cõi ấy bằng phẳng, mỗi phương có tám cõi trời, tức là tám khu hành chánh; kể cả trung ương là ba mươi ba khu vực, chúng ta gọi chung là Tam Thập Tam Thiên, mang ý nghĩa này, chẳng phải là ba mươi ba tầng. Do vậy, ta biết: Tu phước nhất định được phước báo. Biết tu phước đắc phước báo, chúng ta tạo tác tội nghiệp nhất định cũng có ác báo. “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, chỉ tranh lai tảo dữ lai trì” (Thiện ác cuối cùng đều có báo, chỉ là sớm muộn khác nhau thôi). Chúng ta nhất định phải tin tưởng điều này.

          “Viết đẳng, hựu viết vô lượng giả, tận nhất thiết chư thiên cố” (nói là Đẳng, lại nói là vô lượng, vì gồm trọn hết thảy chư thiên). Chữ Đẳng này chỉ hai mươi tám tầng trời, tuy kinh văn chẳng nói cặn kẽ, chỉ nói một mình Thích Đề Hoàn Nhân, nhưng tiếp đó có nói “vô lượng chư thiên đại chúng câu”, nên đều bao gồm trọn hết thảy.

          (Sớ) Viết đại chúng giả, tận nhất thiết chúng sanh cố.

          () 曰大眾者,盡一切眾生故。

          (Sớ: Nói “đại chúng” là gồm trọn hết thảy chúng sanh).

          Nói tới “đại chúng”, “chư thiên” là nói tới hai mươi tám tầng trời, có các vị thiên chúng dự hội này. “Đại chúng” là nhân gian chúng ta, cho đến bao gồm cả A Tu La đạo, súc sanh, ngạ quỷ đạo. Nói thật ra, chỉ có địa ngục đạo khổ nhất, chẳng có cơ duyên nghe pháp, trong ngạ quỷ đạo mà có thiện căn thì vẫn có thể đến nghe kinh.

         (Sớ) Câu giả, thông kết “tịnh chư Bồ Tát” dĩ hạ văn dã.

          (Sao) Thượng “tịnh Bồ Tát”, thị tiểu đại nhất đối.

          () 俱者,通結并諸菩薩以下文也。

      () 上并菩薩,是小大一對。

          (Sớ: Chữ “câu” có ý nghĩa tương thông với phần tiểu kết trong đoạn văn “và các Bồ Tát”.

          Sao: Phần “và các Bồ Tát” trong phần trước [phối hợp phần nói về chúng Thanh Văn] thành một cặp Tiểu Thừa và Đại Thừa).

          “Thượng” chỉ phía trước, Thanh Văn là Tiểu Thừa, Bồ Tát là Đại Thừa, [hợp thành] một cặp Tiểu – Đại.

          (Sao) Kim cập “chư thiên đại chúng”, thị thánh phàm nhất đối.

          () 今及諸天大眾,是聖凡一對。

          (Sao: Nay ghép với “chư thiên, đại chúng” thành một cặp thánh – phàm)

          A La Hán và Bồ Tát là thánh nhân, chư thiên và đại chúng là phàm phu, ghép thành một cặp thánh – phàm.

          (Sao) Thánh phàm cộng văn thử kinh.

          () 聖凡共聞此經。

          (Sao: Thánh và phàm cùng nghe kinh này).

          Đại chúng dự hội trong pháp hội này vô cùng trang nghiêm, hết sức thù thắng.

          (Sao) Vô vị Tịnh Độ vi phàm phu sở bất năng dã.

          () 毋謂淨土為凡夫所不能也。

          (Sao: Chớ nói phàm phu chẳng thể tu Tịnh Độ).

          Đây là đại sư buốt lòng rát miệng chỉ bảo chúng ta, đừng nghĩ Tây Phương Tịnh Độ quá cao, sợ rằng phàm phu chúng ta chẳng đến được! Quý vị thấy trong kinh đã nói rành rành có phàm phu! Phàm chúng đều có thể đến đó, cớ sao chúng ta chẳng đến được? Dụng ý ở chỗ này!

          (Sao) Thích Đề Hoàn Nhân giả, cụ vân Thích Ca Đề Bà Nhân Đề.

          () 釋提桓因者,具云釋迦提婆因提。

          (Sao: Thích Đề Hoàn Nhân nói đủ là Thích Ca Đề Bà Nhân Đề).

          Đây là âm tiếng Phạn đầy đủ, người Trung Quốc chuộng đơn giản, thường lược bớt âm cuối, như thường nói Bồ Tát lẽ ra phải là Bồ Đề Tát Đỏa, chúng ta lược bớt âm cuối, chỉ gọi là Bồ Tát. Đấy là do người Hoa chuộng giản lược, chẳng thích rườm rà!

          (Sao) Thích Ca giả, thử vân Năng. Đề Bà Nhân Đề giả, thử vân Thiên Chúa. Tường hữu ngũ chủng danh, khủng phiền bất tự.

          ()釋迦者,此云能。提婆因提者,此云天主。詳有五種名,恐繁不敘。

          (Sao: Thích Ca, cõi này dịch là Năng. Đề Bà Nhân Đề cõi này dịch là Thiên Chúa. Nói cặn kẽ thì có năm loại tên, sợ rườm rà nên chẳng trình bày).

          Chẳng nói nhiều vì điều này trọn chẳng quan trọng cho lắm.

          (Sao) Ca Diếp Phật diệt thời, nhất nữ nhân phát tâm tu tháp, tam thập nhị nhân tá chi.

          () 迦葉佛滅時,一女人發心修塔,三十二人佐之。

          (Sao: Thời Phật Ca Diếp diệt độ, một người nữ phát tâm tu bổ tháp, ba mươi hai người giúp đỡ).

          Giúp cho cô ta hoàn thành tháp ấy.

          (Sao) Kim vương Đao Lợi.

          () 今王忉利。

          (Sao: Nay [cô ta] là vua cõi trời Đao Lợi).

          Là Đao Lợi thiên vương.

          (Sao) Thống tứ phương tam thập nhị thiên.

          () 統四方三十二天。

          (Sao: Thống lãnh ba mươi hai vị trời ở bốn phương).

          Ba mươi hai người giúp cô ta trong kiếp trước, phước báo đều là sanh thiên. Đức Phật đã bảo chúng ta, trong Phật pháp thường nói có năm thời kỳ, tức là “ngũ chủng kiên cố”. Năm trăm năm đầu tiên, “giải thoát kiên cố”, nghe kinh, nghe pháp tu hành rất dễ chứng quả. Năm trăm năm thứ hai, “Thiền Định kiên cố”, nhằm lúc Phật pháp vừa mới truyền đến Trung Quốc. Do vậy, Thiền Tông Trung Quốc vô cùng hưng thịnh là do đạo lý này. Năm trăm năm thứ ba, “đa văn kiên cố”. Vào thời đại Tùy – Đường, các tông phái hưng thịnh, là thời đại hoàng kim của Phật pháp, mọi người nghiên cứu, thảo luận giáo lý, phát huy rạng rỡ, đa văn kiên cố. Nói cách khác, chỉ biết nói, người thật sự đắc Thiền Định không nhiều lắm, từ lịch sử quả thật thấy rõ điều này. Thời kỳ thứ tư là “tháp tự kiên cố”. Mọi người dốc hết tánh mạng tu phước, cất tháp, dựng chùa chiền, miếu mạo, làm những chuyện này. Thời kỳ thứ năm là thời đại hiện tại của chúng ta, năm trăm năm thứ năm, tức là sau khi đức Phật diệt độ hai ngàn năm trăm năm, “đấu tranh kiên cố”. Trong kinh đức Phật đã dạy rõ ràng. Nếu thế hệ hiện tại chẳng đấu tranh thì Phật đã nói trật rồi sao? Con người hiện tại đấu tranh, đức Phật giảng rõ, đó là hiện tượng hoàn toàn bình thường, chẳng có gì là lạ! Điều khẩn yếu là kẻ khác đấu đá, ta chẳng đấu đá, họ tranh, ta chẳng tranh, như vậy là tốt! Trong thời đại này, chúng ta thật thà niệm Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó là người thượng thượng căn.

          Dựng tháp, cất chùa phước báo rất lớn. Sau khi chúng ta nghe xong, quý vị chớ nên dấy lên vọng tưởng: Chúng ta hãy đi xây chùa, dựng miếu, tương lai có thể làm chúa trời của Tam Thập Tam Thiên để hưởng phước! Thuở ấy ông ta (Thích Đề Hoàn Nhân) có thể làm được, nếu hiện thời quý vị xây miếu, dựng chùa, sợ rằng chẳng thể sanh thiên. Không chỉ chẳng thể sanh thiên, còn sợ phải đọa địa ngục A Tỳ, vì sao? Vì sau khi quý vị dựng xong, khiến cho người ta đấu tranh. Trước đây, khi đã tạo dựng xong xuôi, thỉnh cao tăng đại đức giảng kinh, thuyết pháp, hướng dẫn đại chúng tu hành, công đức ấy rất lớn. Hiện thời, sau khi xây dựng xong xuôi, sẽ khiến cho người ta vận dụng hết tâm cơ để đấu đá, tranh đấu mỗi ngày. Trước đây là đạo tràng Phật pháp, hiện tại là đạo tràng đấu tranh; vì thế, quả báo khác nhau. Người ta dựng tháp có thể sanh lên trời, nay chúng ta dựng chùa, tháp sẽ bị đọa lạc. Vì thế, chư vị nhất định phải có trí huệ, phải hiểu rõ.

          Tôi giảng kinh nhiều năm như thế, chưa bao giờ khuyên người khác dựng chùa. Tôi xuất gia vào năm Dân Quốc 48 (1959). Xuất gia chưa được bao lâu, ước chừng vào năm Dân Quốc 50 (1961), pháp sư Vô Thượng ở hồ Thanh Thảo, huyện Tân Trúc rất từ bi, dựng một Niệm Phật Đường cạnh chùa, tôi đã đến thăm, xây cất rất đẹp. Sư mời người ta tới đó niệm Phật, lại còn mỗi tháng phát không ít tiền chi dụng, nhưng tìm không được người, không ai đến. Quý vị mới biết hiện thời có một đạo tràng chân chánh rất khó! Chẳng phải là chuyện dễ dàng! Chúng ta liễu giải hoàn cảnh hiện thời, liền biết phải làm theo cách nào! Nếu bản thân chúng ta tổ chức một pháp hội giảng kinh công đức ấy rất lớn. Chúng ta tổ chức một lần “đại chuyên Phật học giảng tòa”, công đức ấy cũng rất lớn, khiến cho những người trẻ tuổi trong một thời gian ngắn, cùng tập trung một chỗ nghiên cứu tất cả kinh giáo. Hoặc mọi người chúng ta cùng nhau niệm Phật cộng tu, công đức ấy cũng rất lớn. Hiện thời, chúng ta in kinh để bố thí, làm băng thâu âm để bố thí, những công đức ấy đều rất lớn. Thật sự có sức thì chúng ta thuê bao đài truyền hình một thời gian, thỉnh pháp sư giảng kinh ở đó mỗi ngày, công đức ấy lớn hơn dựng chùa miếu, hoằng pháp lợi sanh mà! Hiện thời, muốn phát triển theo mục tiêu này thì [không thể tiến hành nơi] tháp miếu, tháp miếu gần như đều là nơi chốn đấu tranh.

          (Sao) Hựu A Hàm vân: “Bổn vi nhân thời, hành ư đốn thí, kham năng tác chủ, cố viết Thiên Chúa.

          ()又阿含云:本為人時,行於頓施,堪能作主,故曰天主。

          (Sao: Lại nữa, kinh A Hàm nói: “Vốn do lúc làm người, đã hành bố thí nhanh chóng, có thể làm người xướng suất, nên gọi là Thiên Chúa”).

          Trong quá khứ, lúc làm người trong nhân gian, Thích Đề Hoàn Nhân đã hành bố thí nhanh chóng, có thể lãnh đạo những kẻ có cùng chí hướng chung sức bố thí hòng thành tựu Phật sự. Vì thế, quả báo hiện thời của ông ta là Thiên Chúa trên cõi trời.

          (Sao) Đẳng giả, đẳng tam thập nhị.

          () 等者,等三十二。

          (Sao: “Đẳng” là kể cả ba mươi hai người kia).

           Như ba mươi hai người kia.

          (Sao) Dĩ cập kỳ dư dã.

          () 以及其餘也。

          (Sao: Cùng với những người khác).

          Chữ “kỳ dư” chỉ chư thiên.

          (Sao) Vô lượng giả, hựu tăng từ dĩ tận, tắc khái Dục, Sắc, Vô Sắc chư thiên dã.

          () 無量者,又增詞以盡,則槩欲色無色諸天也。

          (Sao: “Vô lượng” là từ ngữ nhằm nói thêm cho trọn hết, nhất loạt bao gồm chư thiên thuộc Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới).

          Không chỉ là thiên chúa cõi trời Đao Lợi và chư thiên [trong cõi trời ấy]; ngoài Đao Lợi Thiên ra, chư thiên thuộc Dục Giới Thiên, Sắc Giới Thiên đều đến tham dự pháp hội này rất đông đảo. Tiếp theo đây, giải thích chữ Thiên có rất nhiều ý nghĩa, Thiên có nghĩa là quang minh.

          (Sao) Thiên hữu đa ý, hoặc danh Trú, dĩ trú trường cố; hoặc danh Vô Sầu Não, dĩ thường lạc cố.

          ()天有多意,或名晝,以晝長故;或名無愁惱,以常樂故。

          (Sao: Trời có nhiều ý, hoặc gọi là Trú, vì ngày rất dài; hoặc gọi là Vô Sầu Não vì thường vui sướng).

          Chư thiên phước báo rất lớn, nhân gian chúng ta chẳng sánh bằng chư thiên. Bình thường chư thiên chẳng lo nghĩ, chẳng có phiền não. Trước khi lâm chung bảy ngày, khổ não mới xuất hiện. Khi ấy, họ cảm thấy đau khổ vô cùng, đó gọi là “Ngũ Suy tướng hiện tiền”. Chư thiên là hóa sanh, chẳng phải sanh bằng thai (thai sanh) nên chẳng có sanh khổ. Vì là hóa sanh nên nhớ chuyện quá khứ, do họ chẳng bị mê khi cách ấm. Hơn nữa, chư thiên đắc quả báo Ngũ Thông, trừ Lậu Tận Thông ra, năm loại thần thông kia đều có đủ, chẳng phải do tu thành, mà do quả báo nên có. Vì thế, phước báo rất lớn. Chúng ta thường nói “thiên y vô phùng” (áo trời không may), áo cõi trời chẳng cần may cắt, muốn mặc gì, y phục đã ở trên thân, muốn màu gì, kiểu cọ gì đều thuận theo lòng muốn mà biến hóa, giống như Tây Phương Cực Lạc thế giới; vì thế, chư thiên rất tự tại. Họ ăn thứ gì cũng đều là như vậy, đều là tự nhiên biến hóa thành.

          Khổ vào lúc nào? Lúc tướng Ngũ Suy hiện tiền. Chư thiên diện mạo chẳng già yếu, bất luận tuổi cao đến đâu, quý vị thấy họ vĩnh viễn là trẻ tuổi, chẳng suy lão. Tướng Ngũ Suy:

          – Thứ nhất là hoa héo. Trên đầu chư thiên đều cài hoa, nam hay nữ đều chuộng cài hoa, hoa luôn hết sức tươi tắn, đẹp đẽ. Nếu ngày nào đó, hoa bị khô úa, vị trời ấy sẽ lo lắng, vì sao? Hễ hoa khô tức là thọ mạng chỉ còn bảy ngày.

          – Thứ hai là thân thể hôi thối. Khi phước tận thọ hết, đột nhiên trở nên hôi thối. Thân thể chư thiên rất sạch sẽ, không cần tắm rửa, trên thân có mùi thơm. Chính chúng ta thường khi lạy Phật, tụng kinh, hoặc trong khi niệm Phật, lúc rất an tĩnh, nghe có mùi thơm, chúng ta chẳng thắp hương mà ngửi thấy mùi hương lạ là do nguyên nhân nào? Quá nửa là chư thiên đi qua, thấy quý vị đang niệm Phật, xem kinh nơi đây, họ dừng lại một chút để tỏ lòng kính trọng, họ rất cung kính quý vị, tỏ lòng cung kính, trên thân tỏa hương thơm. Tuy chúng ta chẳng thấy họ, nhưng ngửi thấy mùi thơm. Đấy đều là tướng rất tốt lành.

          – Thứ ba là dưới nách rịn mồ hôi. Đây là tướng suy, họ cũng rất kinh sợ.

          – Thứ tư là y phục ô uế. Họ chẳng cần giặt quần áo, vĩnh viễn chẳng dơ bẩn, chẳng nhiễm mảy trần. Khi ấy, y phục sẽ dính bụi, đất, dơ bẩn.

          – Thứ năm là ngồi đứng không yên.

          Đây là tướng Ngũ Suy hiện tiền của chư thiên, họ cũng rất hoảng sợ, vì biết thọ mạng chẳng còn được mấy ngày! Trừ nỗi thống khổ ấy ra, bình thường họ chẳng có ưu lự, cũng chẳng có phiền não, tới khi ấy, ưu lự lẫn phiền não đều dấy lên. Vì thế, ở đây nói, quả thật họ “sướng nhiều, khổ ít”.

          (Sao) Hoặc danh Đăng Minh, dĩ vô hắc ám cố.

          () 或名燈明,以無黑闇故。

          (Sao: Hoặc gọi là Đăng Minh vì chẳng tối tăm).

          Chư thiên đều có quang minh, trên thân cũng tỏa quang minh, cung điện cũng tỏa quang minh. Vì thế, cõi trời là tướng khắp nơi sáng sủa, chẳng có tối tăm. Đây là nói rõ chữ Thiên có nhiều ý nghĩa như vậy.

          (Sao) Đại chúng giả, chư thiên nhi hạ, nhân cập Tu La, tận lục đạo nhất thiết chúng sanh dã.

          ()大眾者,諸天而下,人及修羅,盡六道一切眾生也。

          (Sao: “Đại chúng”: Từ chư thiên trở xuống, con người và Tu La, trọn khắp hết thảy chúng sanh trong lục đạo).

          Đây là một cách giải thích.

          (Sao) Nhất vân kiêm tiền Bồ Tát, Thanh Văn, đồng danh đại chúng.

          () 一云:兼前菩薩聲聞,同名大眾。

          (Sao: Có thuyết nói là kể cả Bồ Tát và Thanh Văn trong phần trên cùng gọi là “đại chúng”).

          Nói cách này cũng hợp lý.

          (Sao) Thông kết giả, thượng ngôn dữ đại tỳ-kheo chúng câu. Kim thử Câu giả, ngôn diệc dữ chư Bồ Tát, chư thiên, đại chúng câu dã.

          ()通結者,上言與大比丘眾俱。今此俱者,言亦與諸菩薩諸天大眾俱 也。

          (Sao: “Thông kết”: Trong phần trên đã nói “cùng với các vị đại tỳ-kheo nhóm họp”, nay chữ Câu ở chỗ này cũng có nghĩa là “cùng với các vị Bồ Tát, chư thiên, đại chúng nhóm họp”).

          Phần văn tự này có thể giải thích theo nhiều cách. Theo nghĩa rộng, sẽ bao gồm cả những phần trước. Theo nghĩa hẹp thì chỉ nói trực tiếp trong đoạn này. Nói cách nào cũng hợp lý.

          (Sao) Hoặc nạn: Vô sắc tắc vô nhĩ, vô thân, quỷ, ngục tắc cực u, cực khổ, hà dung dự hội nhi văn thử kinh?

          ()或難:無色則無耳無身,鬼獄則極幽極苦,何容與會而聞此經?

          (Sao: Chắc có kẻ bắt bẻ: Vô sắc sẽ chẳng có tai, không có thân; ngạ quỷ và địa ngục vô cùng tối tăm, khổ sở, làm sao có thể dự hội nghe kinh này cho được?)

          Có lẽ cũng có người nêu ý kiến: Quý vị nói như thế, lục đạo chúng sanh đều gồm trọn trong ấy; nói thật thà, trong lục đạo, từ Sắc Giới Thiên cho đến ngạ quỷ giới như tôi vừa mới nói, chẳng có ai hoài nghi. Nếu nói Vô Sắc Giới Thiên cũng bao gồm trong ấy, người ta sẽ hoài nghi: Vô Sắc Giới Thiên chẳng có thân thể; chẳng có thân thể làm sao tới nghe kinh? Địa ngục giới quá khổ, địa ngục giới làm sao còn có thể rời địa ngục đi nghe kinh? Nếu bị giam trong ngục, nghe nói nơi nào đó giảng kinh còn có thể rời nhà giam đi nghe kinh hay không? Vì thế, lời vấn nạn này cũng rất cao minh, đã nêu ra hai điểm [rất đáng hoài nghi]. Tiếp theo đây, chúng ta hãy đọc lời giải thích của Liên Trì đại sư.

          (Sao) Nhiên vô sắc giả vô thô sắc, phi vô tế sắc dã.

          () 然無色者無粗色,非無細色也。

          (Sao: Nhưng Vô Sắc là không có thô sắc, chẳng phải là không có tế sắc).

          Chư thiên Vô Sắc Giới quả thật chẳng có thô sắc, thô sắc là hiển sắc, giống như [những sắc tướng mà] nhục nhãn của chúng ta có thể trông thấy, đó là hiển sắc, họ (chư thiên trong cõi Vô Sắc) thật sự chẳng có [hiển sắc], nhưng họ có sắc hay không? Họ vẫn có sắc! Thí dụ như chúng ta buổi tối đi ngủ nằm mộng, mộng có sắc hay không? Mộng có sắc! Khi quý vị đang nằm mộng, tôi chẳng thấy sắc tướng trong giấc mộng của quý vị, nhưng bản thân quý vị thấy rõ ràng, đó gọi là Vô Biểu Sắc (Avijñapti-rūpa), nó thật sự có. Chẳng hạn như chúng ta ngồi ở chỗ này, nghĩ đến ai đó, nghĩ đến một vật kiến trúc nào, quý vị vừa nghĩ, sắc tướng ấy bèn xuất hiện rõ ràng trong óc, nhưng người ngồi sát cạnh quý vị chẳng thấy. Sắc tướng của chư thiên Vô Sắc Giới có tình trạng giống như vậy, người có công phu Thiền Định khá sâu sẽ có thể thấy.

          Vì thế, người có công phu Thiền Định, quý vị ở nơi ấy dấy vọng tưởng, người ấy liền biết. Vì sao? Vì vừa nghĩ, trong tâm quý vị có tướng, người ấy thấy tướng đó, thấy tướng ấy đang hoạt động. Cho nên quý vị nằm mộng, người ấy cũng biết, biết quý vị đang làm gì trong mộng. Vì người ấy hoàn toàn trông thấy mộng cảnh ấy, có thể thấy vi tế sắc; những kẻ phàm phu như chúng ta chỉ có thể thấy thô sắc, hiển sắc, chẳng thấy sắc tướng vi tế. Vì thế hoàn toàn chẳng phải là chư thiên Vô Sắc Giới không có sắc, họ vẫn có sắc thân! Dưới đây có một chứng cớ.

          (Sao) Phật Niết Bàn thời, Vô Sắc Thiên nhân lệ hạ như vũ.

          () 佛涅槃時,無色天人淚下如雨。

          (Sao: Khi đức Phật nhập Niết Bàn, chư thiên cõi Vô Sắc lệ tuôn như mưa).

           Kinh Niết Bàn nói như vậy. Nếu chư thiên cõi Vô Sắc chẳng có sắc, họ tuôn lệ bằng cách nào? Lệ rõ ràng từ nhãn căn chảy ra, có thể thấy họ thật sự có tế sắc.

          (Sao) Tắc thân chí nhĩ căn, diệc phục hà ngại.

          () 則身至耳聞,亦復何礙。

          (Sao: Như vậy thì từ thân cho đến nhĩ căn, cũng còn ngăn ngại gì?)

          Họ đến nghe kinh quả thật chẳng có chướng ngại.

          (Sao) Địa ngục, ngạ quỷ, trọng giả hoặc cách bất thông.

          () 地獄餓鬼,重者或隔不通。

          (Sao: Địa ngục, ngạ quỷ, nếu là kẻ tội nặng có lẽ bị ngăn ngại, chẳng thông suốt).

          Nếu đọa vào địa ngục A Tỳ, hoặc bát hàn, bát nhiệt địa ngục, nếu muốn đến nghe kinh sẽ chẳng dễ dàng, vì sao? Vô Gián địa ngục, tội ấy rất nặng, chẳng có cách nào đến, nhưng kẻ tội nhẹ có thể. “Du Tăng địa ngục”[1] là tội nhẹ. “Cô Độc địa ngục” cũng nhẹ. Cô Độc địa ngục[2] giống như đem kẻ ấy giam cầm một chỗ, lúc bình thường chẳng cho kẻ ấy tiếp xúc với mọi người, chẳng chịu khổ to tát, giống như người bị giam cầm, tình hình là như thế đó.

          (Sao) Khinh giả, vị khả lệ phán.

          () 輕者未可例判。

          (Sao: Đối với người tội nhẹ, chẳng thể phán định giống hệt như [kẻ đọa trong A Tỳ được]).

           Kẻ tội nhẹ trong địa ngục vẫn có có cơ hội nghe pháp.

          (Sao) Hựu Phật quang sở xúc, địa ngục thiên tử đắc chứng đốn viên.

          () 又佛光所觸,地獄天子得證頓圓。

          (Sao: Lại nữa, do được Phật quang chiếu tới, thiên tử chốn địa ngục bèn chứng đốn viên).

          Đây là nêu một thí dụ thực tế để giảng rõ. “Địa ngục thiên tử” là vua Diêm La, họ hữu duyên, nghe pháp cũng có thể chứng quả, đấy là nói tới chuyện được Phật quang chiếu tới. Câu chuyện này xảy ra vào lúc Phật làm Bồ Tát, còn đang tu nhân, Ngài là Bồ Tát, “túc hạ hữu tứ thập chủng quang minh” (dưới chân có bốn mươi loại quang minh), đương nhiên vị Bồ Tát ấy chẳng phải là hạng Bồ Tát thông thường, chắc chắn là Địa Thượng Bồ Tát, dưới chân mới có quang minh. Từ tướng hảo viên mãn, Ngài phóng quang chiếu xuống phía dưới, chiếu thấu địa ngục. Chúng sanh trong địa ngục được tiếp xúc quang minh của Phật có thể sanh lên trời. Ở trên trời, nghe tiếng trống trời, phát tâm chân thành sám hối. Vừa sám hối, thật sự là vô lượng công đức, “chứng đắc đốn viên”. Đốn viên là quả vị Thập Địa Bồ Tát. Do vậy, sám hối có sức mạnh chẳng thể nghĩ bàn.

          Chúng ta nên hiểu người như vậy cũng chẳng phải là người phàm, cũng là đời đời kiếp kiếp tu hành! Thiện căn vô cùng sâu dầy, nhưng trong đời trước, khi lâm chung, một niệm sai lầm, sai ở chỗ nào? Nói chung là có chuyện gì đó chẳng như ý bèn dấy tâm sân hận, do một niệm tâm sân hận bèn vào địa ngục, đọa trong địa ngục. Vì kẻ ấy tu trì phước báo rất lớn, tuy đọa địa ngục, vẫn làm vua trong địa ngục, làm vua Diêm La. Nay được Phật quang chiếu tới, nghiệp tiêu, giác ngộ, tỉnh ngộ. Sanh lên trời, nghe tiếng trống trời, do vậy, sanh tâm sám hối ân cần. Vì thế, ngay lập tức có thể đốn siêu Thập Địa; Thập Địa ở đây đương nhiên là Thập Địa trong Biệt Giáo, chẳng phải là Thập Địa trong Viên Giáo. Thập Địa trong Biệt Giáo khá lắm, bằng với Thập Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo. Điều này chỉ rõ chúng sanh trong địa ngục vẫn có thể đắc độ nhờ vào pháp môn này.

          (Sao) Nhiên tắc Phật thuyết thử kinh, quang chiếu thập phương, an tri quỷ ngục bất đắc văn dã?

          () 然則佛說此經,光照十方,安知鬼獄不得聞也。

          (Sao: Vậy thì đức Phật nói kinh này, quang minh chiếu đến mười phương, làm sao biết là ngạ quỷ, địa ngục chẳng được nghe?)

          Làm sao quý vị biết ngạ quỷ, địa ngục chẳng đến nghe kinh? Bởi lẽ, nếu sám hối chân thành, thật sự sám hối thì nói thật thà, sám hối có sức mạnh không gì sánh bằng. Phàm nhân chúng ta chẳng thật sự phát khởi cái tâm sám hối, trong tâm mong sám hối, nhưng trên thực tế, chẳng đầy mấy phút bèn quên bẵng, vẫn làm chuyện sai quấy y như cũ, đấy chẳng phải là sám hối! Thật sự sám hối là như Khổng lão phu tử đã nói “bất nhị quá” (chẳng phạm lỗi lần thứ hai). Ta biết ta làm chuyện này sai quấy, về sau, ta quyết định chẳng phạm cùng một lỗi lầm lần thứ hai, có thể phạm lầm lỗi khác, chứ lỗi lầm này chắc chắn chẳng phạm nữa. Đó là thật sự sám hối! Sám hối, được vài hôm lại phạm lỗi lầm giống hệt, tức là chẳng hề sám hối! Quan sát từ góc độ này, người thế gian chúng ta tạo tội ác, rất ít kẻ sám hối; vì thế, nghiệp chướng chẳng thể tiêu được!

          Nghiệp chướng chẳng tiêu cũng rất phiền phức, nghiệp chẳng thể tiêu, bèn tăng trưởng, đấy là đạo lý nhất định; cũng chẳng thể nói là ta giữ nguyên như vậy được, chẳng nhiều hơn, chẳng ít đi, rất khó! Tiêu không được sẽ tăng trưởng, tăng trưởng đến mức độ kha khá, nhất định đọa trong tam ác đạo. Ngàn muôn phần đừng nói ta mỗi ngày lạy Phật, hằng ngày niệm Phật, tụng kinh, nói chung là trong tương lai dẫu ta chẳng thể vãng sanh vẫn không bị đọa trong tam ác đạo! Các vị hãy xem bản chú giải của pháp sư Từ Vân Quán Đảnh, đây là một vị đại pháp sư lỗi lạc vào thời Khang Hy nhà Thanh. Tác phẩm chú giải của pháp sư Từ Vân Quán Đảnh có tựa đề là Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương Sớ Sao, trước đây chúng tôi đã in bản lưu hành riêng. Quý vị đọc bản chú giải Sớ Sao của Ngài, phía sau Ngài có nói một trăm thứ quả báo của người niệm Phật, cùng là niệm một câu A Di Đà Phật như nhau, nhưng có một trăm thứ quả báo khác nhau. Quả báo thứ nhất là đọa địa ngục, niệm Phật mà đọa địa ngục, quả báo thứ hai là đọa ngạ quỷ, quả báo thứ ba là đọa súc sanh. Quý vị hãy xem ba điều đầu tiên ấy, người niệm Phật đọa trong tam ác đạo!

          Thuở ấy, tôi còn rất trẻ, vừa mới học Phật, thấy chuyện này rất nghi hoặc. Người niệm Phật dẫu chẳng thể vãng sanh, đời sau hưởng phước phước báo nhân thiên nói chung là có, cớ sao bị đọa trong tam ác đạo? Tôi thỉnh giáo thầy Lý chuyện này, thầy vừa nghe tôi nêu câu hỏi ấy, bèn bảo: “Anh hỏi câu này rất quan trọng, tôi chẳng trả lời cho một mình anh. Khi tôi giảng kinh sẽ trả lời, nói rõ cùng đại chúng”. Miệng tuy niệm Phật, nhưng trong tâm, tham, sân, si, mạn chẳng đoạn, tiếng tăm, lợi dưỡng, thị phi, nhân ngã chẳng đoạn, mỗi ngày vẫn tạo những nghiệp ấy, vậy thì quý vị chẳng hứng chịu quả báo, ai sẽ lãnh chịu? Người niệm Phật như vậy chỉ là khẩu thiện, tâm bất thiện, hạnh bất thiện! Trong tam nghiệp, quý vị chỉ có một thứ thiện, hai thứ kia đều bất thiện! Vì thế, quả báo vẫn là trong tam đồ.

          Trong một trăm điều ấy, có niệm Phật thành Phật, niệm Phật thành Bồ Tát. Do vậy, nhất định phải hiểu rõ Lý, niệm Phật đúng lý, đúng pháp, ngay cả ngạ quỷ, địa ngục đạo đều có thể đốn siêu Thập Địa, huống hồ chúng ta! Giống như thầy Lý thường nói, nói rất khó nghe, con người hiện thời chai lì, bất nhân! “Chai lì, bất nhân” là gì? Ý nghĩ, tâm tư giống như khúc gỗ, đã chết ngắc rồi, chẳng biết lợi hại, không sợ nhân quả, nguy quá! Do chuyện này, chúng ta biết không phải người niệm Phật nào cũng đều có thể vãng sanh, thật đấy! Hiện thời, trong thế gian này, người niệm Phật đông đảo, người vãng sanh ít ỏi, nói cách khác, đại đa số người niệm Phật vẫn vào trong tam ác đạo. Quý vị muốn thật sự liễu giải nguyên nhân này, hãy nghiên cứu kỹ càng kinh điển Tịnh Độ, hãy đọc kỹ nhiều lượt bản chú giải Đại Thế Chí Viên Thông Chương của pháp sư Quán Đảnh, quý vị sẽ giác ngộ!

          Vì thế, tôi thường nói, thường khuyên mọi người, niệm một câu Phật hiệu như thế nào mới có sức mạnh? Phải chế ngự được vọng niệm của chúng ta. Vọng niệm là gì? Là những thứ thị phi, nhân ngã, phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, tham, sân, si, mạn, hễ ý niệm ấy dấy lên bèn dùng A Di Đà Phật giằn xuống, khiến cho nó chẳng thể dấy lên hiện hành thì Phật hiệu mới có tác dụng. Miệng niệm Phật, nhưng các ý niệm ấy vẫn dấy lên y như cũ, có tác dụng gì đâu? Vô dụng! Đức Phật dạy chúng ta câu Phật hiệu này để làm gì? Chính là vì muốn chúng ta chế phục phiền não. Quý vị có thể chế phục phiền não, bèn đới nghiệp vãng sanh. Chế phục phiền não gọi là công phu thành phiến, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, đấy là mức độ thấp nhất. Đoạn phiền não, thật sự niệm đến mức đoạn Kiến Tư phiền não, quý vị vãng sanh cõi Phương Tiện Hữu Dư. Nếu công phu sâu hơn một chút, Trần Sa phiền não cũng đoạn, vô minh cũng phá được một phần, quý vị sanh trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm.

          Ở chỗ này phải chú ý, phải đặc biệt ghi nhớ, ta suốt ngày từ sáng đến tối niệm Phật, mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, nhưng chẳng thể chế ngự phiền não, sẽ chẳng thể vãng sanh. Vì trong kinh, đức Phật trọn chẳng bảo quý vị mỗi ngày niệm Phật nhiều hay ít, dựa vào quý vị niệm nhiều hay ít để đến tiếp dẫn quý vị vãng sanh, chẳng dựa vào đó, mà dựa vào mức độ thanh tịnh của cái tâm quý vị! Một câu A Di Đà Phật là thuốc để tịnh hóa thân tâm chúng ta, quyết định chớ nên coi thường! Câu Phật hiệu quả thật giúp chúng ta tịnh hóa thân tâm thì niệm Phật hiệu có sức mạnh, khởi tác dụng. Nếu không, miệng niệm suốt ngày từ sáng đến tối, niệm mười vạn câu Phật hiệu, cổ nhân vẫn chê cười: “Rách toạc cổ họng cũng uổng công!” Quý vị vẫn đi vào tam đồ như cũ, rách toạc cuống họng vẫn uổng công! Do vậy, nhất định phải đúng lý, đúng pháp hàng phục phiền não, giằn ép nó. Vì thế, ý niệm vừa dấy lên, ngay lập tức đổi nó thành A Di Đà Phật, niệm tới khi tâm chính mình thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, niệm tới khi phiền não, tập khí của chúng ta chẳng dấy lên, hiện hành. Đương nhiên đoạn chẳng dễ dàng, nhưng có thể niệm đến mức khiến chúng chẳng dấy lên, hiện hành, mỗi cá nhân đều có thể làm được! Niệm đến dứt phiền não, đích xác là chẳng phải ai cũng có thể làm được, nhưng niệm đến mức chế ngự phiền não, tập khí thì [ai nấy đều có thể] làm được. Lại còn do sức mạnh của việc thật sự sám hối, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, phẩm vị cao hay thấp xét theo chỗ này.

          Vì thế, cuối bản chú giải Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, các tổ sư đại đức xưa kia đã nêu trường hợp vua A Xà Thế. Vua A Xà Thế tạo tội nghiệp Ngũ Nghịch, giết cha, hại mẹ, cấu kết tay đôi với Đề Bà Đạt Đa hại cha mẹ, phá hòa hợp tăng, phạm toàn bộ Ngũ Nghịch. Lúc nhà vua lâm chung, tướng địa ngục hiện tiền; khi ấy, nhà vua kinh sợ, sanh tâm sám hối to lớn, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, nghiễm nhiên là Thượng Phẩm Trung Sanh, điều này chẳng thể nghĩ bàn! Ông ta là Ngũ Nghịch, Thập Ác, lâm chung mười niệm, do sức mạnh của tâm sám hối quá mạnh mẽ, nên phẩm vị được nâng cao như vậy. Cũng giống như thí dụ được nêu ở đây, địa ngục thiên tử là vua Diêm La, vua Diêm La là quỷ vương trong ngạ quỷ đạo, thuộc về ngạ quỷ đạo, nghiễm nhiên được Phật quang chiếu tới, vừa nghe tiếng trống trời bèn đốn siêu Thập Địa. Đốn siêu Thập Địa thì tối thiểu cũng là Thượng Phẩm Trung Sanh, phù hợp với lời Thiện Đạo đại sư chỉ dạy. Lão nhân gia bảo: “Ba bậc, chín phẩm là do chúng ta gặp duyên khác nhau mà khác biệt”.

          Ngày nay, chúng ta gặp duyên thù thắng khôn sánh, giảng kỹ ba kinh là nhân duyên khó có. Thông thường chúng ta nhìn ra ngoài, giảng kinh Di Đà thì có, quý vị hãy hỏi thăm một chút, một bộ kinh Di Đà giảng bao lâu thì xong? Bảy ngày! Lại hỏi dò một chút, bảy ngày là giảng bao lâu? Mỗi ngày giảng một tiếng. Lại còn quá nửa thời gian là dịch sang Đài ngữ[3], hai giờ dịch mất một giờ, trên thực tế là bảy giờ giảng xong kinh Di Đà. Quý vị thấy chúng tôi giảng ở đây, mới là mở đầu, đã hết một trăm mười tám lần giảng, vừa mới là phần kinh văn mở đầu! Trong Tự Phần, vẫn chưa giảng xong Thông Tự, nhân duyên này thù thắng khôn sánh, cả đời khó gặp gỡ, duyên thật sự đầy đủ. Gặp duyên đầy đủ, phần còn lại là bản thân chúng ta có chịu làm hay không! Đây là vấn đề thuộc về thiện căn và phước đức của mỗi cá nhân, thiện căn là có thể tin và hiểu. Ta nghe ở nơi đây, thật sự nghe hiểu, có thể tin, hiểu, đó là thiện căn của quý vị. Có thể nguyện, có thể hành là phước đức của quý vị. Quý vị thật sự phát nguyện, thật sự chịu niệm Phật, thật sự chịu sám hối, đó là quý vị có phước đức. Ba điều kiện thiện căn, phước đức, nhân duyên đều đầy đủ, quý vị sẽ vãng sanh. Kinh dạy: “Chẳng thể do chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy”. Ba điều này đều trọn đủ viên mãn, nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên, quý vị nhất định vãng sanh thế giới Tây Phương trong một đời này. Phẩm vị cao hay thấp thì sao? Do bản thân quý vị nỗ lực! Dưới đây là đoạn giảng về xứng lý:

          (Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh triệt thượng triệt hạ, thị La Hán, Bồ Tát, chư thiên đại chúng câu nghĩa.

          ()稱理,則自性徹上徹下,是羅漢菩薩諸天大眾俱義。

          (Sớ: Xứng Lý thì tự tánh thông trên, thấu dưới chính là ý nghĩa của La Hán, Bồ Tát, chư thiên và đại chúng cùng nhóm họp).

          Câu này thuộc phần bàn luận xứng tánh đối với đoạn kinh văn này. Chúng ta hãy đọc lời chú giải của tổ Liên Trì.

          (Sao) Thị pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ, thượng nhi triệt hồ chư thánh dã, thượng diệc dữ chi câu, hạ nhi triệt hồ lục phàm dã, hạ diệc dữ chi câu.

          ()是法平等,無有高下,上而徹乎諸聖也,上亦與之俱,下而徹乎六凡也,下亦與之俱。

            (Sao: Pháp này bình đẳng, chẳng có cao thấp, thượng là thấu đến

các vị thánh, người bậc trên cũng cùng nhóm họp, dưới là thấu đến lục phàm, kẻ bậc hạ cũng cùng nhóm họp).

          Trong hai câu đầu, “pháp” là nói tới Pháp Tánh, đây là nói về Chân Như bổn tánh. Trong Chân Như bổn tánh, vạn pháp bình đẳng vì hết thảy các pháp “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Cái có thể hiện, có thể biến (năng hiện, năng biến) là chân tâm của chính mình, cảnh giới được hiện, được biến (sở hiện, sở biến) thực tại là một, chẳng hai. Vì thế nói, “thị pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ” (pháp này bình đẳng, chẳng có cao thấp), đấy là thật, là sự thật ngàn vạn phần xác đáng. Các khoa học gia hiện thời tuy chưa kiến tánh, nhưng cũng biết các pháp thế gian bình đẳng, chẳng hai, chẳng khác, vì sao? Các khoa học gia cận đại đã phân tích vật chất, chúng quả thật bình đẳng. Con người thấy kim cương quý báu nhất và bùn đất rẻ rúng nhất, các nhà khoa học phân tích thấy chúng hoàn toàn tương đồng, về căn bản chẳng khác gì nhau. Vật chất cơ bản là một, không hai, chỉ là công thức cấu tạo khác nhau. Phân tích, kim cương là nguyên tử, điện tử, các hạt cơ bản [hợp thành], bùn đất cũng do nguyên tử, điện tử, và các hạt cơ bản hợp thành. Nếu chia nhỏ hơn nữa, chúng đều là năng lượng dao động. Khoa học gia hiểu rõ đạo lý này, hết thảy vạn vật trong thế gian là bình đẳng. Cái gọi là “bất bình đẳng” chỉ là chấp trước của mọi người; rời khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước, hết thảy các pháp bình đẳng!

          “Thượng nhi triệt hồ chư thánh” (trên là thấu đến các vị thánh): Nếu Pháp Tánh thật sự có cao hay thấp, thượng sẽ chẳng thể thấu triệt hạ, hạ chẳng thể thấu triệt thượng. Vì chúng là bình đẳng, nên có thể triệt thượng, triệt hạ. Thượng là Bồ Tát, La Hán, hạ là chư thiên, nhân dân, có thể nhóm họp (“câu”), đại chúng có thể nhóm họp cùng một chỗ. Điều này cũng nói rõ Tây Phương Tịnh Độ là một cõi Pháp Tánh, bốn cõi của nó viên dung. Chúng ta thường nói pháp môn này là “hoành xuất tam giới”, nhưng không biết Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng là “hoành sanh tứ độ” (sanh vào bốn cõi theo chiều ngang), thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Đúng là pháp khó tin như kinh đã nói.

          (Sao) Lương dĩ Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Tứ Đẳng, Lục Độ, Ngũ Giới, Thập Thiện, vạn hạnh phân nhiên, nãi chí bát vạn tứ thiên chư trần lao môn, duy thị nhất tâm, chân thật tánh trung vô sai biệt cố.

       ()良以四諦,十二因緣,四等六度,五戒十善,萬

行紛然,乃至八萬四千諸塵勞門,唯是一心,真實性中無差別故。

          (Sao: Ấy là vì Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Tứ Đẳng, Lục Độ, Ngũ Giới, Thập Thiện, vạn hạnh vô số, cho đến tám vạn bốn ngàn môn trần lao, chỉ là nhất tâm, trong tánh chân thật chẳng sai biệt).

          Có thể nói là câu này đã bao quát trọn hết các phương pháp tu học trong Phật môn. Tứ Đế là Khổ, Tập, Diệt, Đạo, là pháp tu của Tiểu Thừa Thanh Văn; trong ấy nói tới hai tầng nhân quả: Khổ, Tập là nhân quả thế gian, Diệt, Đạo là nhân quả xuất thế gian. Đức Phật thuyết pháp, nói quả trước, nói nhân sau. Nói quả trước, [quả là] những gì mọi người nay đang tiếp nhận, dễ giác ngộ. Sau đấy lại bảo quý vị, khổ ấy do đâu mà có, nói ra nhân duyên. Nay chúng ta chịu khổ, Khổ do Tập mà có. Tập là tạo tác, mê hoặc tạo nghiệp, đó là Tập. Mê hoặc tạo nghiệp nên mới có khổ quả, tức khổ quả trong lục đạo luân hồi. Chúng ta thấy xuất thế gian cũng giống như vậy. Diệt là quả, diệt gì? Diệt phiền não, diệt sanh tử. Xuất thế gian chẳng có phiền não, chẳng có sanh tử, vì sao có quả báo tốt đẹp dường ấy? Nhân của nó là Đạo. [Đạo trong] Tiểu Thừa là ba mươi bảy đạo phẩm, Đại Thừa là Lục Độ vạn hạnh Bồ Tát đạo. Trong đoạn này, do nói tới Tứ Đế, nói đến mười hai nhân duyên, lại nói Tứ Đẳng, Lục Độ. Ở đây, Tứ Đế, ba mươi bảy đạo phẩm chuyên nói về Thanh Văn đạo là pháp tu của hàng Tiểu Thừa. Mười hai nhân duyên là pháp Duyên Giác, tức là pháp tu của Duyên Giác. Căn tánh Duyên Giác nhạy bén hơn Thanh Văn, họ nghe mười hai nhân duyên bèn giác ngộ.

          Mười hai nhân duyên là Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, Danh Sắc duyên Lục Nhập, Lục Nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão Tử. Trong mười hai pháp nhân duyên ấy, vừa có nhân vừa có quả, cũng là nói tới tam thế nhân quả. Chẳng hạn như Vô Minh duyên Hành, Vô Minh và Hành là nhân duyên quá khứ. Hành duyên Thức, từ Thức tới Ái, Thủ, Hữu là nhân quả trong đời này, đời hiện tại; sau đó, lão tử là đời sau. Đây là hai tầng nhân quả ba đời. Trước hết, nói đến cái nhân trong đời quá khứ, cái quả hiện tại, lại nói đến cái nhân trong hiện tại, cái quả trong đời sau. Cái nhân hiện tại gồm ba điều Ái, Thủ, Hữu. Vì quý vị có Ái, Thủ, Hữu, nên mới chuốc lấy đời sau lại phải sanh tử luân hồi, vĩnh viễn chẳng thể ngưng dứt, sanh tử nhọc nhằn!

          Ở đây,  phải chú ý Vô Minh.  Vô Minh được nói đến ở  đây  chẳng

phải là Căn Bản Vô Minh. Nếu là Căn Bản Vô Minh thì người đoạn mười hai nhân duyên vô minh ấy tối thiểu là Pháp Thân đại sĩ, vì sao vẫn là Duyên Giác? Duyên Giác chưa kiến tánh. [Do vậy], vô minh ở đây là Chi Mạt Vô Minh, chưa phải là Căn Bản Vô Minh. Chúng ta thường gọi loại vô minh này là Hoặc Nghiệp Khổ, đấy là Hoặc, mê hoặc. Chi Mạt Vô Minh trọn chẳng phải là Căn Bản Vô Minh, cũng là Si, tức si trong tham, sân, si. Si là vô minh, ngu si. Do ngu si nên mới tạo nghiệp, do tạo nghiệp mới có quả báo. Nếu chúng ta muốn đoạn mười hai nhân duyên ấy, nói thật ra, trong đời quá khứ, chúng ta chẳng đoạn được. Thuộc về đời trước thì chúng ta đoạn bằng cách nào? Bởi Vô Minh và Hành là nhân duyên trong đời quá khứ, chẳng có cách nào làm gì được! Năm chi từ Thức đến Xúc thuộc về quả, là quả trong hiện tại. Đã là quả thì cũng không có cách nào thực hiện. Nếu muốn đoạn quả, ta tự sát thì tự sát cũng không được! Tự sát được vài ngày lại đi đầu thai, chẳng thể giải quyết vấn đề! Dẫu quý vị đau khổ đến mấy cũng chớ nên tự sát, tự sát chẳng thể giải quyết vấn đề. Không chỉ chẳng thể giải quyết vấn đề, mà ngược lại còn khiến cho vấn đề phức tạp hơn, quả báo trong tương lai càng khổ hơn!

          Chỉ có thể đoạn một thứ, tức là đoạn nơi nhân duyên trong hiện tại! Nhân duyên hiện tại là gì? Ái, Thủ, Hữu. Ái là vô minh, Ái là mê hoặc, là khởi hoặc; Thủ và Hữu là nghiệp, là hạnh nghiệp. Nếu quý vị giác ngộ nơi ba phương diện này, sanh tử sẽ đoạn trừ, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Quý vị thật sự chẳng tham ái đối với hết thảy các pháp thế gian, đời sau quyết định chẳng còn luân hồi. Đấy là cội rễ của luân hồi! Ta còn ưa thích cái này, còn nghĩ tới cái kia, thôi rồi! Cội rễ vẫn còn! Quý vị chưa nhổ rễ thì vẫn phải luân hồi trong lục đạo. Ta chẳng Ái, ta chán ghét, có được hay không? Không được! Chán ghét cũng là Ái! Cớ sao chán ghét cũng là Ái? Ta không thích kẻ này, ta chẳng muốn gặp hắn, ta thích vĩnh viễn chẳng gặp mặt kẻ ấy, vẫn là Ái! Chư vị phải hiểu, Ái ấy bao gồm cả ưa ghét trong đó! Quý vị ưa thích kẻ khác là Ái, mà chán ghét hắn vẫn là Ái. Vì sao? Ưa thích kẻ khác, ta thích tiếp cận hắn. Chẳng ưa thích hắn, ta thích chẳng phải gặp mặt hắn, thích hắn xa lìa ta. Do vậy, thảy đều thuộc về Ái. Thử hỏi: Chúng ta có cái tâm ấy hay không? Nếu có cái tâm ấy, cội rễ Chi Mạt Vô Minh của quý vị rất mạnh, lục đạo luân hồi rất khó thoát lìa.

          Còn có một phương pháp nữa, hay lắm! Chẳng đoạn từ nơi đây, mà đoạn từ Thủ cũng được! Trên thực tế, đoạn Thủ còn khó hơn đoạn Ái! Thủ là gì? Chiếm giữ lấy. Khi quý vị ái, vẫn là ý niệm, còn khi Thủ, ta phải đạt được, phải nắm trong tay. Đạt được rồi mà buông ra khác hẳn với “đoạn trừ” quan niệm ấy khi chưa đạt được. Nay đã đạt được rồi, quý vị có thể bỏ hay không? Đoạn từ Ái là đoạn nơi Hoặc. Đoạn từ Thủ và Hữu là đoạn nơi hạnh nghiệp. Cuối cùng là Hữu, có thể đoạn từ Hữu là công phu thuộc giai đoạn tối cao. Hữu là gì? Đã có nghiệp, có nghiệp mà có thể tiêu nghiệp, có thể đoạn nghiệp ấy, có thể thấy là công lực càng lớn hơn nữa. Vì vậy, Duyên Giác ra khỏi tam giới, cao hơn Thanh Văn! Trí huệ cao, phương pháp cũng khéo léo, chính Ngài có thể từ ba phương diện Ái, Thủ, Hữu để đồng thời đoạn, hay đoạn một điều trong ấy, vẫn có thể vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, liễu sanh tử, thoát tam giới.

           “Tứ Đẳng, Lục Độ”: Tứ Đẳng là nói tới điều gì? Tông Thiên Thai chia Phật pháp thành tứ giáo là Tạng, Thông, Biệt, Viên. Lục Độ là pháp tu của Bồ Tát. Tạng Giáo Bồ Tát tu Lục Độ, Thông Giáo Bồ Tát vẫn tu Lục Độ, Biệt Giáo và Viên Giáo Bồ Tát vẫn chẳng rời Lục Độ. Danh mục Lục Độ tuy tương đồng, cảnh giới khác nhau, ngày càng thù thắng hơn. Lục Độ là Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Bát Nhã. Ngũ Giới, Thập Thiện là pháp nhân thiên. Thọ trì Ngũ Giới có thể đạt được thân người, siêng tu Thập Thiện có thể sanh lên trời. “Vạn hạnh phân nhiên” là nói gộp chung Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. “Bát vạn tứ thiên trần lao” là gộp chung lục phàm. Tứ thánh lục phàm tuy khác nhau, “duy thị nhất tâm” (chỉ là nhất tâm), đều là duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Tâm này làm Bồ Tát thì là Bồ Tát pháp giới. Tâm này làm Thanh Văn thì là Thanh Văn pháp giới. Tâm chúng ta tưởng làm gì bèn hiện pháp giới ấy. Mười pháp giới do nhất tâm biến hiện ra, trở về nhất tâm. Nhất tâm là căn nguyên của vạn pháp, nhất tâm cũng là chỗ quy hướng của vạn pháp.

          Trong tánh chân thật, tức là trong Chân Như bổn tánh của chúng ta, nói thật ra, chẳng có mười pháp giới khác biệt. Vì vốn chẳng có mười pháp giới sai biệt, cho nên mới có thể thấu triệt mười pháp giới. “Chân thật tánh trung vô sai biệt cố” (do trong tánh chân thật chẳng có sai biệt), nên đại chúng đều có thể thông trên, thấu dưới. Điều này được hiển thị trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Từ đại kinh, chúng ta thấy trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật đã giảng ba câu rất quan trọng. Thứ nhất là “Như Lai trụ chân thật huệ”, đấy là nói tới một điều chân thật. Thứ hai là “tùng Thật Tế lý thể chi sở hiển hóa” (từ Thật Tế lý thể hiển hiện, biến hóa ra), Thật Tế lý thể là Chân Như bổn tánh. Thứ ba là “huệ dĩ chân thật chi lợi”, tức là ban cho chúng sanh lợi ích chân thật. Ba thứ chân thật ấy đều xứng tánh, đều nói tới Chân Như bổn tánh.

          Do vậy, kinh này và kinh Vô Lượng Thọ đều từ chân tánh của đức Phật lưu lộ, là vô thượng pháp bảo, cổ nhân gọi là “xứng tánh cực đàm” (lời bàn luận xứng tánh đến tột cùng). Kinh Hoa Nghiêm xứng tánh, kinh Pháp Hoa cũng xứng tánh, nhưng vẫn chưa thể coi là tột cùng. Kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ xứng tánh đến tột bậc, chẳng có gì cao bằng, chẳng có gì viên mãn hơn được! Nhất là trong kinh này, Liên Trì đại sư dùng đoạn xứng lý này để giảng giải, hoàn toàn nói về tự tánh, thật sự là “duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà”. Đoạn văn tự này quả thật đã hiển thị chân thật, Thật Tế lý thể. Do vậy, thế giới Tây Phương thông trên, thấu dưới, không gì chẳng viên dung, không gì chẳng mỹ mãn, viên chứng ba thứ Bất Thoái, lên trọn bốn cõi. Trong quá khứ, chúng tôi nghĩ thế nào cũng không ra đạo lý này, hiện thời dần dần hiểu rõ, dần dần nhận ra đường nẻo, đúng là pháp hỷ sung mãn, đối với sự tu học và hoằng dương của chúng ta, nẩy sanh lòng tin khôn sánh.

          (Sao) Long xà hỗn tạp, phàm thánh giao tham, thử gian Phật pháp trụ trì, bổn lai như thị.

          ()龍蛇混雜,凡聖交參,此間佛法住持,本來如是。

          (Sao: Rắn rồng hỗn tạp, phàm thánh lẫn lộn, Phật pháp trụ trì trong thế gian này vốn là như thế).

          Câu này nói tới hoàn cảnh tu học hiện thời của chúng ta. Đại sư nói đoạn này cũng là vì có một câu chuyện xưa, có nhân duyên. Trong quá khứ, vào đời Đường, có thiền sư Vô Trước lên núi lễ Phật, đến triều bái Ngũ Đài Sơn. Trước đây, lên núi lễ Phật là tham học, không giống như hiện thời. Hiện thời, lên núi chiêm bái là đi vãn cảnh, du lịch. Trước đây, lên núi lễ Phật không phải là đi xem phong cảnh, mà là đi tham lễ tri thức, tầm sư, phỏng đạo, vì lẽ ấy mà đi. Tâm Sư vô cùng kiền thành, Văn Thù Bồ Tát liền biến hóa thành một cụ già tiếp đãi. Ngẫu nhiên gặp gỡ, thiền sư gặp một cụ già, cụ già ấy hỏi Sư: “Thầy từ phía Nam tới phải không?” “Vâng! Tôi từ phương Nam tới”. Ngũ Đài Sơn ở phương Bắc, cụ lại hỏi: “Phật pháp ở phương Nam duy trì như thế nào?” Thiền sư trả lời: “Tăng ni đời Mạt (là người xuất gia, nam chúng, nữ chúng), ít trì giới luật. Đối với giới luật cũng không coi trọng lắm!” Rất cảm thán thốt lời ấy! Mọi người đều chẳng tuân thủ giới luật, chẳng tuân thủ Thanh Quy. Thiền sư lại hỏi cụ già ấy: “Phương Bắc thì sao?” [nghĩa là] tình hình [tăng ni tu trì] ở phương Bắc của quý vị là như thế nào? Thật ra, cụ già là Văn Thù Bồ Tát bảo Sư: “Long xà hỗn tạp, phàm thánh giao tham”. Do vậy, một câu này của Tổ chính là dùng ngay câu nói do Văn Thù Bồ Tát trả lời thiền sư Vô Trước để nói rõ.

          Nay chúng ta sanh nhằm thời kỳ Mạt Pháp. Đối với các thứ hiện tượng chẳng đúng pháp trong thời kỳ Mạt Pháp chớ nên chê trách. Vì sao? Vốn là như thế! Quý vị muốn trách kẻ khác, nói cách khác, chính mình chịu thua thiệt. Vì sao? Tâm ta chẳng thanh tịnh. Chúng ta giữ vững một tông chỉ, ai nấy tự tu hành, mọi người hoan hỷ, như vậy là tốt! Kẻ khác chẳng ngăn ngại ta, ta cũng chẳng trở ngại họ. Họ chí tâm cầu đạo, hễ chúng ta có thể giúp đỡ bèn giúp đỡ. Họ chẳng chịu chí tâm học đạo, chúng ta chắp tay hoan hỷ, là được rồi! Có những người tâm độ chúng sanh rất thiết tha, tâm từ bi vượt trỗi Phật, Bồ Tát, đúng là nguyện thà chính mình vào địa ngục, hận chẳng thể kéo kẻ khác trở lại! Kéo cách nào cũng chẳng kéo được! Kết quả chính mình bị người ta kéo xuống địa ngục, thật đấy! Đó là sai lầm rất lớn!

          Do vậy, chúng ta nhất định phải biết, kẻ có thể tiếp nhận thì giúp đỡ họ; giống như Phật, Bồ Tát tiếp dẫn chúng sanh, người nào căn cơ chín muồi bèn giúp cho người ấy vãng sanh, giúp cho người ấy thành Phật. Chưa chín muồi, bèn giúp cho kẻ ấy chín muồi. Chia thành vài giai đoạn. Kẻ chẳng có thiện căn, giúp họ gieo thiện căn. Nếu chúng ta chia thành vài giai đoạn, vừa nhìn bèn biết người ấy thuộc giai đoạn nào, đó gọi là “long xà hỗn tạp”. Kẻ chín muồi là rồng, vì sao? Trong đời này, kẻ ấy phải bay lên trời! Kẻ ấy sẽ thoát khỏi tam giới, liễu sanh tử, sẽ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thành Phật, làm tổ. Đó là rồng. Còn có kẻ tuy tin tưởng pháp môn này, nhưng chính kẻ ấy một câu Phật hiệu niệm chẳng đắc lực, suốt ngày từ sáng đến tối vẫn là thị phi, nhân ngã, tham, sân, si, mạn không ngừng tăng trưởng y như cũ! Chúng ta biết kẻ ấy chẳng thể vãng sanh. Tuy chẳng thể vãng sanh, nhưng kẻ ấy có thể niệm Phật, tụng kinh thì vẫn là chuyện tốt, kết duyên với thế giới Cực Lạc! Đời nào, kiếp nào đó trong tương lai, kẻ ấy phát tâm dũng mãnh, tinh tấn, sẽ có thể thành công.

          Vì vậy, chư vị phải hiểu, dũng mãnh, tinh tấn chẳng phải là chuyện đơn giản, tuyệt đối chẳng phải là nói cả đêm nay ta luôn niệm Phật, đọc kinh, lạy Phật, ta rất tinh tấn, chẳng phải! Tinh tấn chẳng phải là ý nghĩa ấy! Đó là gì? Quý vị có tấn, nhưng chưa chắc đã tinh! “Tinh” là gì? “Tinh” là trong tâm quý vị chẳng có thị phi, nhân ngã, phiền não, chấp trước, vọng niệm, đó là Tinh. Tinh là tinh thuần, nói cách khác, Tinh là chẳng xen tạp, Tấn là chẳng gián đoạn, phải hiểu rõ ràng điều này. “Tinh” trọng yếu lắm! Ta có thể không xen tạp thì một câu Phật hiệu của ta sẽ vượt trỗi câu Phật hiệu của người có Tấn chẳng có Tinh. Chẳng biết một câu Phật hiệu [chuyên tinh] trỗi hơn bao nhiêu câu [thiếu chuyên tinh]! Mười vạn câu của người ta chưa chắc đã hữu hiệu, chẳng thể hàng phục phiền não, một câu Phật hiệu của người chuyên tinh có thể hàng phục phiền não. Do vậy, Tinh còn quan trọng hơn Tấn!

          Quý vị đọc lời Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát giảng trong Tây Phương Xác Chỉ, niệm Phật kỵ nhất là xen tạp. Vì hễ xen tạp, sẽ chẳng thể chuyên tâm, chẳng thể chế phục phiền não, chẳng thể tiêu nghiệp chướng. Do vậy, quý vị phải đạt đến chẳng xen tạp. Chẳng xen tạp: Chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng có vọng tưởng, chẳng có tham, sân, si, mạn, đó là “chẳng xen tạp”. Nếu lúc thật sự đạt được thuần túy, chẳng xen tạp, trong tâm chỉ có một câu Phật hiệu, chỉ có một bộ kinh Di Đà này, trừ điều ấy ra, kinh điển gì cũng đều có thể tạm thời gác lại, đấy là tinh tấn thật sự. Tôi muốn nghiên cứu những đại kinh, đại luận thì thảy đều về Tây Phương Cực Lạc thế giới gặp A Di Đà Phật rồi hãy tính, hiện thời chẳng xem, đấy là tinh tấn thật sự! Ngày hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi giảng tới đây!

[1] Du Tăng địa ngục còn gọi là Tứ Môn địa ngục, Phó địa ngục, hoặc Cận Biên địa ngục, là những địa ngục ngoài mười sáu địa ngục chính (bát hàn, bát nhiệt). Theo Chánh Pháp Niệm Xứ Kinh, mỗi địa ngục chính có bốn cửa, ngoài mỗi cửa có bốn địa ngục phụ, như vậy là mỗi địa ngục chính có mười sáu địa ngục phụ, các địa phục ấy được gọi là Du Tăng địa ngục. Du Tăng địa ngục gồm có bốn loại là Đường Ôi (nung nóng, hầm nấu), Thi Phẩn (xác chết và phân), Phong Nhận (các thứ nhọn bén), Liệt Hà (sông sôi sùng sục). Mười sáu địa ngục chính gồm:

  1. Tám địa ngục nóng là Đẳng Hoạt (Sañjīva, chết đi sống lại), Hắc Thằng (Kālasūtra, khổ gấp mười lần Đẳng Hoạt), Chúng Hợp (Samghāta, tội nhân bị các ngọn núi xô đến ép chặt lại), Khiếu Hoán (Raurava, kêu gào), Đại Khiếu Hoán (Mahāraurava), Tiêu Nhiệt (Tapana, nung đốt), Đại Tiêu Nhiệt (Pratāpana) và A Tỳ địa ngục (Avīci). Trong các ngục này, mỗi ngục sau khổ gấp mười lần ngục trước, thời gian trong ngục sau dài gấp đôi ngục trước. Thời gian tội nhân ở trong Đẳng Hoạt là 500 năm, thời gian trong Hắc Thằng là 1.000 năm v.v…
  2. Tám địa ngục lạnh là Cụ Pháo (Arbuda, da dẻ bị lạnh nứt rộp lên), Pháo Liệt (Nirarbuda, nứt toác), Khẩn Nha (Atata, răng rung lập cập), A Thu Thu (Hahava), A Hô Hô (Huhuva), Thanh Liên (Utpala), Hồng Liên (Padma), Đại Hồng Liên (Mahapadma). Những tên gọi này đều nhằm diễn tả tội nhân quá lạnh rên rỉ không thành tiếng, da dẻ nứt toạc, xanh tím như hoa sen xanh, hoặc nứt nẻ phô bày máu thịt như hoa sen hồng. Thời gian trong địa ngục lạnh dài khủng khiếp. Kinh thường nói để tính thời gian trong Cụ Pháo địa ngục, dùng cái hộc chứa gạo của thành Qua Tát Lạp làm chuẩn. Hộc ấy có thể chứa được 200 thưng gạo, cứ mỗi trăm năm lấy một hạt mè bỏ vào đó, khi nào bỏ đầy hộc thì hết thời gian thọ tội trong địa ngục Cụ Pháo. Mỗi ngục lạnh sau có thời hạn thọ tội gấp 20 lần ngục trước.

[2] Cô Độc địa ngục là những ngục chỉ có một chỗ có thể ở gần các địa ngục chính, hoặc lẻ loi trong nhân gian như bên bãi biển, núi non, chốn hoang vu v.v…

[3] Đài ngữ là ngôn ngữ thông dụng ở Đài Loan, gọi theo người Đài Loan là Tâi-uân-uē, đôi khi còn gọi là Phước Lão Thoại, Hà Lạc Thoại, Hạc Lão Thoại v.v… Thật ra, đây là phương ngữ tỉnh Phước Kiến (thường gọi là Mân Nam ngữ), chủ yếu là giọng của vùng Tuyền Châu và Chương Châu, rất tương tự với giọng Hạ Môn, pha trộn với một số từ ngữ vay mượn từ tiếng Hakka (Khách Gia), Nhật Bản, cũng như của thổ dân Đài Loan. Đặc biệt là khi Quốc Tánh Gia (Trịnh Thành Công) chạy ra Đài Loan lập căn cứ chống lại nhà Thanh với chiêu bài “phản Thanh, phục Minh”, đa số thủ hạ là người Tuyền Châu, nên giọng Tuyền Châu chiếm ưu thế trong Đài ngữ. Thêm nữa, người chịu trách nhiệm tổ chức giáo dục ở Đài Loan thuở ấy là quân sư Trần Vĩnh Hoa (tức Trần Cận Nam) cũng là người Tuyền Châu nên giọng Tuyền Châu càng chiếm ưu thế.

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *