Tập 152/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 152

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm hai mươi lăm:

          (Sớ) Vấn: Chư thiên cung điện, viên uyển, diệc dĩ bảo nghiêm, dữ thử hà biệt?

          () 問:諸天宮殿園苑,亦以寶嚴,與此何別。

          (Sớ: Hỏi: Cung điện và vườn hoa của chư thiên cũng trang nghiêm bằng các báu, có khác gì [y báo trang nghiêm trong cõi Cực Lạc được nói] ở đây hay chăng?)

          Đây cũng là câu hỏi do Liên Trì đại sư giả thiết. Chư thiên từ Dục Giới trở lên, từ Tứ Vương Thiên trở lên, chư thiên đều là hóa sanh, cũng có cung điện bảy báu. Như vậy thì rốt cuộc khác biệt với Tây Phương Cực Lạc thế giới ở chỗ nào? Dưới đây, đại sư sẽ giải đáp cho chúng ta:

          (Sớ) Đáp: T diệu d cố.

            () 答:粗妙異故。

          (Sớ: Đáp: Do thô hay diệu khác biệt).

          Nói rõ hoàn cảnh sống của chư thiên và Tây Phương Cực Lạc thế giới đích xác có sai biệt.

          (Sao) Thô diệu giả, như thế châu ngọc, tuy quân danh bảo, nhi chất hữu thô diệu, giá hữu trọng khinh.

          () 粗妙者,如世珠玉,雖均名寶,而質有粗妙,價 有重輕。

          (Sao: “Thô, diệu” là như châu ngọc trong cõi đời, tuy đều gọi là “của báu”, nhưng thể chất có thô hay diệu, giá trị có quý giá hay rẻ mạt).

          Châu bảo, ngọc thạch trong thế gian, chủng loại rất nhiều, có thứ rẻ mạt, có thứ giá trị liên thành[1], đó là do chất liệu của ngọc khác nhau. So sánh giữa bảy báu của chư thiên và Tây Phương Cực Lạc thế giới, chất liệu thua kém rất xa.

          Trong phần trước, chúng tôi cũng đã từng nói: Đây cũng là một chuyện rất khó hiểu. Bảy báu trong thế giới Cực Lạc do Pháp Tánh biến hiện. Cõi ấy là cõi Pháp Tánh, chẳng giống các thế giới của mười phương chư Phật. Ở đây, trong các thế giới thông thường, chúng ta nói chúng là “sáu trần”; trong cõi kia, chẳng phải là sáu trần, mà là Pháp Tánh. Chúng ta thường thấy danh xưng này trong các kinh luận Đại Thừa, nhưng rất khó lãnh hội cảnh giới ấy trên thực tế. Đại sư dùng tỷ dụ này khiến cho chúng ta có thể hiểu đại lược về sự sai biệt.

          (Sao) C chư thiên tự hạ nhi thượng.

          () 故諸天自下而上。

          (Sao: Vì thế, chư thiên từ các tầng trời dưới thấp cho đến trên cao).

           Có hai mươi tám tầng trời, phước báo trong mỗi tầng trời khác nhau. Do đó, tuy danh xưng của các bảo vật trong mỗi tầng trời giống nhau, chất liệu cũng khác nhau, càng lên cao càng thù thắng hơn!

          (Sao) Y chánh trang nghiêm, tùng thô tiệm diệu, thắng liệt huýnh thù, hà huống Cực Lạc siêu việt tam giới, ninh bất bảo nghiêm chi trung, độc vi tối thắng.

            () 依正莊嚴,從粗漸妙,勝劣迥殊,何況極樂超越三界,寧不寶嚴之中,獨為最勝。

          (Sao: Y báo và chánh báo trang nghiêm t thô tới diệu, hơn kém khác xa nhau. Huống chi cõi Cực Lạc vượt trỗi tam giới, lẽ nào chẳng được trang nghiêm bằng các món báu tối thắng không cõi nào khác có được!)

          Ý nghĩa này rất dễ hiểu. So sánh với chư thiên, chúng ta nói tới tầng cao nhất là Đại Tự Tại Thiên, chẳng có cách nào sánh bằng hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Tây Phương Cực Lạc thế giới.

          (Sao) Kinh vân: “Luân vương diệc hữu tam thập nhị tướng, nhi bất cập Phật”, tức thử ý dã.

          () 經云:輪王亦有三十二相,而不及佛,即此意也。

          (Sao: Kinh dạy: “Luân vương cũng có ba mươi hai tướng, nhưng chẳng bằng Phật”, chính là nói đến ý nghĩa này).

          Đức Phật xuất hiện trên thế gian, đức Phật có ba mươi hai tướng, tám mươi [tùy hình] hảo. Chuyển Luân Thánh Vương cũng có ba mươi hai tướng, cũng có tám mươi hảo, nhưng chẳng thù thắng bằng Phật, chẳng rõ rệt như Phật. Tướng mạo là phước báo, người có phước sẽ thấy tướng mạo khác hẳn. Chúng ta thường thấy kinh nói Bồ Tát tu hành thành Phật, thành Phật là thành tựu trí huệ rốt ráo viên mãn, nghiệp chướng, tập khí vô minh thảy đều đoạn trừ, nhưng phước báo không nhất định đã viên mãn, nên Phật còn phải dùng thời gian một trăm kiếp để chuyên tu phước báo, trăm kiếp tu phước, có thể thấy tầm trọng yếu của phước báo. Nhưng Phật tu phước cuối cùng, tu huệ trước, vì sao vậy? Nếu có huệ mà chẳng có phước, chẳng bị đọa lạc. Vì thế, sau khi thành tựu huệ lại tu phước, làm cách này rất thông minh!

          Vì sao phải tu phước? Chẳng có phước báo, không thể độ chúng sanh. Đã thành Phật, thành Bồ Tát, nếu tướng mạo khó coi, rất xấu xí, người ta thoạt nhìn đã chán ghét, dẫu quý vị giảng Phật pháp hay ho đến mấy đi nữa, họ chẳng nghe, họ chạy tuốt, chẳng muốn thân cận quý vị. Vì thế, Thích Ca Mâu Ni Phật có tướng mạo đẹp nhất, viên mãn nhất trong thế gian này. Chúng ta thấy trong kinh Lăng Nghiêm [có chép duyên do khiến cho] tôn giả A Nan xuất gia. Đức Phật hỏi Ngài: “Vì sao ông xuất gia?” Ngài [trả lời là vì] thấy đức Phật tướng mạo đẹp quá, [nguyên do khiến A Nan] xuất gia là như vậy đó! Cổ nhân có nói: “Tú sắc khả xan” (Vẻ đẹp nuốt người), nhìn thấy tướng mạo người ấy quá đẹp, tự nhiên đi theo người ấy. Vì thế, tướng mạo là một công cụ để nhiếp thọ chúng sanh, người ta luôn thích theo người có phước đức rất lớn. Đức Phật cũng phải thuận theo tâm lý của người đời. Nếu vì chính mình, chắc chắn đức Phật chẳng cần, trăm kiếp tu phước là phương tiện để độ chúng sanh. Tu phước và tu huệ có thứ tự trước sau, chúng ta nhất định phải hiểu rõ điều này.

          (Sớ) Hựu thử công đức, tuy Phật lực thành tựu, diệc kiêm diêu chúng sanh, dĩ tâm tịnh, độ tịnh cố.

          () 又此功德,雖佛力成就,亦兼繇眾生,以心淨土淨故。

          (Sớ: Lại nữa, công đức ấy tuy do Phật lực thành tựu, nhưng cũng do chúng sanh góp phần, vì tâm tịnh, cõi nước bèn tịnh).

          Câu này vô cùng quan trọng. Pháp môn Tịnh Tông nói đến ba điều kiện Tín, Nguyện, Hạnh, thứ nhất là phải tin tưởng chính mình, Ngẫu Ích đại sư đã giảng rất rõ ràng. Thứ hai là phải tin Phật, tin Phật là tin thầy; ở đây, cũng nêu ra đạo lý này. Tây Phương Cực Lạc thế giới được trang nghiêm bằng vô lượng công đức, từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta đọc thấy, đó là do A Di Đà Phật tu tập thành tựu trong bao kiếp. Ngài đã tu tập thành tựu thế giới ấy, phàm người nào vãng sanh Tây Phương Cực Lạc cũng tu công đức tương tự như Ngài. Có như thế thì mới tương ứng, mới có thể cảm ứng đạo giao. Nếu không, tâm hạnh của chúng ta và tâm hạnh của Phật hoàn toàn khác nhau, chẳng có cách nào vãng sanh được! Vì lẽ đó, trong Tịnh Độ Tông, người niệm Phật đông đảo, người vãng sanh ít ỏi, nguyên nhân ở chỗ nào? Tuy mỗi ngày đều niệm, tâm chẳng giống tâm Phật, hành vi cũng chẳng giống hành vi của Phật, chỉ niệm Phật đằng miệng, tâm hạnh chẳng tương ứng, nên chẳng thể vãng sanh. Vì thế, trong các buổi giảng, chúng tôi thường khuyên lơn hết thảy đồng tu, học Phật phải học theo cái tâm của đức Phật, học sự hành trì của Phật, học cách đãi người tiếp vật của Phật. Nói cách khác, phải tương ứng với Phật, như vậy thì mới được!

          Khi chúng tôi giảng giải kinh Vô Lượng Thọ, đã từng nói với quý vị: Nếu giáo huấn và đạo lý trong kinh chúng ta thảy đều làm được, chẳng phải là nói chúng ta niệm mỗi ngày, niệm suông chẳng có tác dụng, mà phải làm được! Ngài dạy chúng ta làm như thế nào, chúng ta thảy đều làm được, quyết định là thượng phẩm thượng sanh. Chưa thể làm hoàn toàn, làm được chín mươi phần trăm, thượng phẩm trung sanh. Làm được tám mươi phần trăm, thượng phẩm hạ sanh. Đối với hạ phẩm hạ sanh, chư vị hãy suy nghĩ, mức độ thấp nhất cũng phải là làm được hai mươi phần. Hai mươi phần mà chẳng làm được, tuy niệm Phật, chỉ có thể kết duyên cùng thế giới Cực Lạc, chẳng thể vãng sanh trong một đời này!

          Ở đây, câu nói này cũng nhắc nhở chúng ta, “diệc kiêm diêu chúng sanh, dĩ tâm tịnh độ tịnh” (cũng do chúng sanh góp phần, vì tâm tịnh, cõi sẽ tịnh). Vì lẽ đó, tu học pháp môn này chú trọng tâm thanh tịnh. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta xử sự, đãi người, tiếp vật, bất luận là hoàn cảnh nhân sự hay hoàn cảnh vật chất, học điều gì trong hoàn cảnh? Học tâm thanh tịnh. Năm mươi ba lần tham học trong kinh Hoa Nghiêm dạy chúng ta trải qua sự việc để luyện tâm trong các loại cảnh giới khác nhau, “luyện (鍊) ở đây là tu luyện, là tu hành. Luyện gì? Luyện thanh tịnh, luyện bình đẳng là được. Tâm chỉ cần thanh tịnh, bình đẳng, liền giống như tâm Phật. Tâm Phật là thanh tịnh, bình đẳng; tâm chúng ta là tâm thanh tịnh, bình đẳng đến tột bậc bèn gọi là “thành Phật”. Lòng từ bi của Phật sanh từ thanh tịnh, bình đẳng, đó là đại từ đại bi, vì bình đẳng chẳng có giới hạn, chẳng có phân biệt. Tâm bất bình đẳng sẽ có phân biệt, có giới hạn, đối với người này từ bi, đối với kẻ khác chẳng từ bi, đó chẳng phải là đại từ đại bi. Đại từ đại bi là bình đẳng như nhau, chẳng phân biệt oán thân thì mới là đại từ đại bi thật sự. Do vậy có thể biết, tâm Phật là như thế nào? Thanh tịnh, bình đẳng. Chúng ta mới có thể luyện tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng trong hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất, đó là thật sự học Phật. Do vậy, tâm tịnh, ắt cõi tịnh.

          (Sao) Kiêm diêu chúng sanh giả, Duy Ma Kinh vân: “Trực tâm thị Bồ Tát tịnh độ”.

          () 兼繇眾生者,維摩經云:直心是菩薩淨土。

          (Sao: “Cũng do chúng sanh góp phần”, kinh Duy Ma dạy: “Trực tâm là tịnh độ của Bồ Tát”).

           “Trực tâm” như kinh Duy Ma đã nói cũng là “chí thành tâm” như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đã nói. Chân thành tới tột bậc bèn gọi là trực tâm. Gọi là “trực” vì trong ấy chẳng có mảy may tướng cong vẹo nào thì mới gọi là “trực tâm”. Chúng ta dùng cách giải thích trong Quán Kinh sẽ dễ hiểu hơn. Quán Kinh nói “chí thành”,Thành là gì? Trước kia, tiên sinh Tăng Quốc Phiên đọc sách, có một quyển bút ký nhan đề là Cầu Khuyết Trai Độc Thư Bút Ký (bút ký đọc sách tại thư phòng Cầu Khuyết). Kẻ bình phàm chúng ta đều mong cầu viên mãn, ông ta chẳng cầu viên mãn, cho rằng làm người phải có chút khiếm khuyết thì mới tốt đẹp, nên đặt tên thư phòng của mình là Cầu Khuyết Trai. Trong bút ký đọc sách, ông ta đã định nghĩa chữ Thành như sau: Một niệm chẳng sanh bèn gọi Thành”. Thành tâm thành ý là gì? Trong tâm quý vị có một niệm thì tâm chẳng thành. Do vậy có thể biết, thành tâm là chân tâm, chân tâm ly niệm, quyết định chẳng có vọng niệm, hễ có niệm đều là vọng. Trong tâm chẳng có niệm, tâm ấy là chân tâm. Chẳng có niệm thì lục căn đối trước sáu loại cảnh giới bên ngoài bèn hiểu rõ ràng, rành mạch, nên gọi là “linh quang độc diệu, huýnh thoát căn trần” (linh quang riêng chiếu, vượt thoát căn trần). Nói theo Thiền Tông, đó là chân tâm hiển l, ở đây gọi là trực tâm hoặc chí thành tâm. Nếu trong tâm ta, thứ gì cũng đều chẳng có, ta đối với bên ngoài thứ gì cũng chẳng biết, đó chẳng phải là chân tâm, mà là gì? Là vô minh. Chân tâm là hiểu rõ hết thảy, nhưng một niệm chẳng sanh, phải thỏa điều kiện này. Trực tâm là chân tâm, là chí thành tâm, đó là tịnh độ của Bồ Tát, nên nói “tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh”.

          Tam trí ư nhất tâm trung tu (Ba trí tu từ trong nhất tâm). Ba trí là Nhất Thiết Trí, Đạo Chủng Trí và Nhất Thiết Chủng Trí. Nhất Thiết Trí là trí huệ của A La Hán, Đạo Chủng Trí là trí huệ của Bồ Tát, Nhất Thiết Chủng Trí là trí huệ của Như Lai. Tu từ nơi đâu? Tu từ nhất tâm. Nhà Phật nói trí huệ chân chánh là do Giới sanh Định, nhân Định khai Huệ. Định là tâm thanh tịnh, ở đây gọi là Trực Tâm. Tâm chẳng thanh tịnh, chắc chắn chỉ có vọng tưởng, chẳng có trí huệ, bản thân chúng ta phải thừa nhận điều này. Vì sao đức Phật nói khẳng định “trí huệ của chúng ta toàn là vọng tưởng” như vậy? Trí huệ của phàm phu chúng ta gọi là Thế Trí Biện Thông, tức là thông minh trí huệ của thế gian, chẳng phải là trí huệ như trong Phật pháp đã nói. Phật pháp nói đến trí huệ chân thật, trí huệ trong thế gian sanh từ tâm phân biệt, sanh từ tâm ý thức, chẳng sanh từ trực tâm. Cái được sanh từ tâm ý thức là Thế Trí Biện Thông.

          Trí huệ được nói trong Phật môn quyết định sanh từ Thiền Định. Lại thưa cùng quý vị, chớ nói nhà Thiền chú trọng Thiền Định, Tịnh Độ chú trọng nhất tâm, các tông thuộc Giáo Hạ, chúng ta thường nói tới Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Bát Nhã, Duy Thức, Tam Luận, những tông phái ấy chú trọng nghiên cứu kinh điển, về nguyên tắc, họ nhấn mạnh đại khai viên giải, đại khai viên giải là trí huệ chân chánh hiện tiền. Có phải là do họ suốt ngày nghiên cứu giáo lý nên đạt được trí huệ? Chẳng phải vậy! Chẳng phải là cậy vào nghiên cứu. Tuy họ đọc tụng kinh luận, họ tu Giới, Định, Huệ. Nói cách khác, họ chẳng dùng thức thứ sáu, tức ý thức, cũng tức là họ đọc kinh, nhưng đọc kinh mà chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng dấy vọng tưởng, chẳng cầu hiểu ý nghĩa của kinh, chỉ là niệm từng biến một. Niệm kinh là tu Giới, tu Định, tu Huệ, hoàn thành Tam Học Giới, Định, Huệ một lượt.

          Giới luật tuy rất nhiều, trở thành một bộ phận lớn trong kinh điển Phật Giáo, tức Luật Tạng. Tinh thần của toàn bộ Luật Tạng ở trong hai câu nói: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” (Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành). Khi người ấy đọc kinh, trong tâm tuyệt đối chẳng nghĩ tới chuyện xấu, chẳng có ý nghĩ xấu, nên đọc kinh là “đừng làm các việc ác”, người ấy đã làm được. Kinh điển là ngôn ngữ văn tự lưu lộ từ Chân Như bổn tánh của Như Lai, tuyệt đối chẳng phải là [ngôn ngữ văn tự] thế gian. Đó là điều thiện nhất trong các điều thiện, chẳng có gì tốt lành bằng, nên niệm kinh là “vâng làm các điều lành”. Quý vị thấy giới luật đã viên mãn; vì thế, niệm kinh là tu Giới.

          Khi niệm kinh bèn chuyên tâm, chuyên tâm là tu Định, nên đồng thời vừa là tu Giới vừa là tu Định. Khi niệm kinh, niệm rành mạch, rõ ràng, chẳng đọc sai chữ, chẳng đọc câu nào điên đảo, hoặc đọc thiếu, đó là tu Huệ. Huệ ấy là huệ gì? Là Căn Bản Trí. Căn Bản Trí là gì? Kinh Bát Nhã đã nói rất hay: “Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết. Căn Bản Trí là vô tri, khi nó khởi tác dụng sẽ là không gì chẳng biết. Vì thế, khi đọc kinh là tu trí huệ gì? Tu Căn Bản Trí, tu vô tri. Tâm Kinh là tinh hoa và cương lãnh của kinh Bát Nhã; Tâm Kinh đến cuối cùng kết luận “vô trí mà cũng vô đắc”. Do đó, khi quý vị đọc tụng kinh điển, phải tu “vô trí mà cũng vô đắc”, tâm quý vị mới thật sự thanh tịnh, thanh tịnh đến tột bậc. Đó chính là tương ứng với trực tâm, trực tâm là Phật tâm, như vậy thì mới tương ứng.

          Vì thế, đọc kinh thì mỗi ngày ta đọc một giờ, tức là ta tu một giờ, ta đồng thời tu Tam Học Giới, Định, Huệ. Trong một tiếng đồng hồ ấy, ta tu Giới, tu Định, tu Huệ. Đọc kinh quyết định chớ nên nghiên cứu! Quý vị nghiên cứu câu này nói như thế nào? Đoạn này có ý nghĩa gì? Thôi rồi! Tam Học Giới, Định, Huệ của quý vị thảy đều bị phá sạch. Quý vị đọc kinh mà coi như đọc sách thế gian, bèn đạt được Thế Trí Biện Thông. Căn bản là quý vị chẳng cầu lý giải, cứ cung kính niệm, sẽ đạt được Giới học, Định học, Huệ học, hoàn toàn khác nhau!

          Trong Phật môn hiện thời, các đồng tu chúng ta, tại gia hay xuất gia, không ít người đọc kinh, nhưng họ đạt được gì? Thưa cùng chư vị, tuyệt đại đa số đạt được Thế Trí Biện Thông. Thanh Lương đại sư đã nói là “tăng trưởng tà kiến. Kẻ không đọc sách, hằng ngày lạy Phật, lễ sám, niệm Phật, Thanh Lương đại sư nói là “tăng trưởng vô minh”. Không đọc kinh là “tăng trưởng vô minh”, đọc kinh mỗi ngày bèn tăng trưởng tà kiến, rốt cuộc là chuyện như thế nào? Nói cách khác, người ấy chẳng hiểu phương pháp tu hành. Vì vậy, hiểu phương pháp tu hành thì chư vị nhất định phải nhớ kỹ, chúng ta đọc kinh chẳng cầu hiểu nghĩa.

          Nhưng có khi đọc đến chỗ nào đó, ý nghĩa của chính mình hiện tiền, đó là ngộ xứ của quý vị. Vì sao? Quý vị chẳng thông qua tâm ý thức, ý nghĩa ấy bỗng hiện tiền, đó là ngộ xứ. Cảnh giới ấy hiện tiền, quý vị cũng chớ nên sanh tâm hoan hỷ. Vì sao? Hai ngày sau quý vị đọc lại, ý nghĩa tinh tường, sâu sắc hơn đều lộ ra. Vì thế, nếu cảnh giới ấy hiện tiền, căn bản là chẳng để ý tới nó, vẫn cung kính niệm mãi, như vậy thì mới được. Đọc kinh kiểu đó là công đức, tương ứng với tự tánh, tương ứng với Tam Học Giới, Định, Huệ, tương ứng với năm phần Pháp Thân. Đó là nói “tu ba trí trong nhất tâm”. Tam Đế cũng do nhất tâm tạo. Tông Thiên Thai nói [Tam Đế] là Tục Đế, Chân Đế, và Trung Đế. Họ nói Tam Chỉ, Tam Quán, tất cả đều từ nhất tâm hiển hiện. Do vậy có thể biết nhất tâm trọng yếu dường ấy!

          Tu học trong Tịnh Độ Tông là trực tiếp tu nhất tâm, kinh văn trong bộ kinh này đã nói rất rõ ràng, nhất tâm bất loạn”. Chúng ta niệm câu Phật hiệu nhằm mục đích nào? Cầu nhất tâm bất loạn. Khi chúng ta chẳng niệm kinh, chẳng niệm Phật, đầu óc sẽ suy nghĩ loạn xạ. Suy nghĩ loạn xạ là bệnh nặng, chúng ta thường gọi nó là tà kiến, vọng tưởng đấy! Khi chẳng suy nghĩ bèn hôn trầm, vô minh đấy! Nói cách khác, quý vị chẳng đọa bên vọng tưởng, sẽ đọa bên vô minh, chuyện này rắc rối to! Do vậy, những phương pháp và đường lối trong tám vạn bốn ngàn pháp môn của Phật pháp đều nhằm đối trị các tật xấu!

          Niệm A Di Đà Phật cũng không ra ngoài lệ ấy, nó cũng là một phương pháp trong rất nhiều pháp môn. Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối niệm câu A Di Đà Phật. Câu A Di Đà Phật chẳng phải là vọng tưởng, nên cũng chẳng đọa trong vô minh. Ta chỉ có một niệm A Di Đà Phật, trừ niệm này ra, ý niệm gì cũng đều không có, chẳng có vọng tưởng. Dùng một niệm này để thay thế hết thảy vọng niệm. Ta có một niệm này, trọn chẳng phải là niệm gì cũng đều không có, nên không rớt vào vô minh. Huống hồ công đức của một niệm này chẳng thể nghĩ bàn! Có thể nói câu danh hiệu này là tổng đề mục của vô lượng vô biên pháp môn do mười phương ba đời hết thảy Như Lai đã giảng nhằm giáo hóa chúng sanh. Nay chúng ta gọi các kinh điển do Thích Ca Như Lai đã giảng là Đại Tạng Kinh, Đại Tạng Kinh là tổng đề mục. Đối với các kinh điển được giảng bởi mười phương hết thảy Như Lai, chúng ta cũng đặt cho chúng một đề mục, đề mục gì vậy? Là A Di Đà Phật. Vì thế, một câu A Di Đà Phật có ý nghĩa sâu rộng, thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Nếu chư vị có thể nghiên cứu thâm nhập kinh Vô Lượng Thọ và Di Đà Sớ Sao, quý vị mới thật sự hiểu danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn. Không chỉ tương ứng với A Di Đà Phật, mà còn tương ứng với mười phương hết thảy Như Lai. Do đó, mười phương hết thảy chư Phật, chẳng có vị Phật nào không tán thán A Di Đà Phật, chẳng có vị Phật nào không giảng kinh A Di Đà.  Có thể thấy Tịnh Độ Tam Kinh là kinh điển ắt phải

nói của hết thảy Như  Lai  nhằm  giáo  hóa  chúng  sanh, những  kinh  ấy

được gọi là kinh bậc nhất trong Phật môn.

          (Sao) Bồ Tát thành Phật thời, bất siểm chúng sanh, lai sanh kỳ quốc.

          () 菩薩成佛時,不諂眾生,來生其國。

          (Sao: Lúc Bồ Tát thành Phật, chẳng siểm nịnh chúng sanh để mong họ sanh về cõi Ngài).

           “Siểm” là siểm mị (諂媚: nịnh nọt, bợ đỡ, mê hoặc). Bồ Tát thành Phật, đã thành Phật đương nhiên Ngài có quốc độ. Đương nhiên Bồ Tát hết sức hoan nghênh chúng sanh đến quốc độ của Ngài, nhưng trọn chẳng siểm mị, bợ đỡ! Quý vị muốn đến thì cứ đến. Quý vị không thích đến, tôi tuyệt đối chẳng cưỡng ép quý vị đến. Bởi lẽ, Phật pháp là tùy duyên, chẳng phan duyên, ai có duyên phận nấy! Chẳng phan duyên, đó là trực tâm. Nếu có phan duyên, có hy vọng, tâm sẽ chẳng “trực”, trong tâm có cong vẹo, chẳng phải là trực tâm.

          Vì lẽ đó, chính chúng ta phải phát tâm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, A Di Đà Phật chưa hề nói Ngài đến nơi nào đó để chiêu sinh, chẳng hề có! Nếu chúng ta phát tâm cầu tìm Ngài, chắc chắn Ngài chẳng cự tuyệt, Ngài rất hoan nghênh. Chúng ta không cầu tìm Ngài; nói thật thà, Ngài quyết định chẳng đến tìm chúng ta. Nói thật ra, sư đạo (đạo thầy trò) trong thế gian cũng giống như thế, chỉ nghe học trò đến học, chưa từng nghe thầy phải đi tìm trò để dạy”. Vì quý vị đến học, có thành ý, nhất định có thể đạt được điều gì đó. Về căn bản, học trò chẳng có thành ý, thầy đến dạy, uổng phí tinh thần, trò chẳng đạt được gì! Dạy học hiện thời là truyền thọ tri thức, tri thức thì [dạy theo kiểu ấy] cũng được! Học trò chẳng có thành ý đối với thầy, vẫn đạt được tri thức, nhưng không thể đạt được học vấn, nhất định phải có thành ý. Học vấn là nói tới khai ngộ.

          Đối với chuyện khai ngộ, chắc chắn là phải có tâm kiền thành, cung kính thì mới có thể đạt được. Tổ Ấn Quang thường giáo huấn: Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. Quý vị chẳng có thành kính, quý vị học Phật pháp bèn học được Phật học thường thức (kiến thức thông thường về Phật học), tức là tri thức trong Phật Giáo. Nếu quý vị dùng tâm thành kính, sẽ đạt được Tam Học Giới, Định, Huệ trong Phật pháp, tuyệt đối chẳng phải là tri thức thế gian. Chữ Thành ấy là tâm thanh tịnh. Nói thật ra, Thành cũng chẳng phải là biểu hiện bề ngoài. Bên ngoài dẫu cung kính cách nào đi nữa, nhưng tâm địa chẳng thanh tịnh, vô dụng! Tâm địa thật sự đạt đến thanh tịnh, biểu hiện bề ngoài chẳng lễ kính, chẳng sao cả! Phật vẫn hết sức hoan hỷ, thừa nhận kẻ ấy là đệ tử thật sự của ta.

          Chư vị phải hiểu “Phật pháp trọng thực chất, chẳng trọng hình thức. Hình thức tất yếu phải tồn tại, hình thức dùng để làm gì? Nói thật ra là nhằm tiếp dẫn chúng sanh. Phật không cần hình thức, cá nhân chúng ta tự mình tu hành chẳng cần hình thức. Nếu chúng ta ảnh hưởng người khác, hình thức sẽ khởi tác dụng rất lớn. Chúng ta bước vào Phật đường, cung kính hướng về tượng Phật đảnh lễ ba lạy, khiến cho những kẻ chưa học Phật trông thấy bèn gieo thiện căn, họ suy nghĩ: “Vì sao người này cung kính đức Phật như thế? Có ý nghĩa gì vậy?” Những kẻ ấy bèn hỏi han, đó là cơ hội giáo dục. Hễ họ hỏi, họ đến thỉnh giáo, chúng ta có thể giảng giải cho người ấy nghe, cơ hội giáo dục đấy nhé! Đó là dẫn dắt người ấy nêu câu hỏi, dẫn dụ kẻ ấy nhập Phật môn, có ý nghĩa này! Chúng ta nhất định phải hiểu rõ điều này! Vì lẽ đó, nghi thức phải long trọng, phải trang nghiêm, nhằm khơi gợi tâm ý của chúng sanh hướng về đức Phật. Tuyệt đối chẳng phải là đức Phật cần [những nghi thức ấy], mà cũng chẳng phải bản thân chúng ta tu hành nhất định phải làm như vậy. Mọi người nếu hiểu ý nghĩa chân thật của nghi thức, sẽ chẳng bị bó buộc trong nghi thức, học Phật mới thật sự sống động, thật sự tự tại! Ta biết khi nào cần phải nhấn mạnh nghi thức, khi nào có thể chẳng cần nhấn mạnh nghi thức, không lúc nào, không chỗ nào chẳng tự tại. Vì thế, Phật pháp, nhất là Phật pháp cao cấp bèn nói “Lý S vô ngại, S S vô ngại”, đó mới là thật sự giải thoát tự tại.

          (Sao) Thâm tâm thị Bồ Tát tịnh độ, Bồ Tát thành Phật thời, cụ túc công đức chúng sanh, lai sanh kỳ quốc.

          () 心是菩薩淨土,菩薩成佛時,具足功德眾生,來生其國。

          (Sao: Thâm tâm là tịnh độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh trọn đủ công đức bèn sanh về cõi Ngài).

          Mở đầu là nói về Bồ Đề tâm, [bao gồm] trực tâm, thâm tâm, và đại bi tâm. “Thâm tâm” là tâm thanh tịnh, cũng có thể nói là cái tâm chuộng thiện, ưa đức. Thiện đức đạt tới tột bậc là thanh tịnh, tâm thanh tịnh tối thiện, tâm thanh tịnh là đại đức. Do đó, khi Bồ Tát thành Phật, những người sanh đến cõi Ngài cũng là chí đồng đạo hợp. Đức Phật nói lục đạo, lục đạo hình thành như thế nào? Chẳng do đức Phật tạo ra, cũng chẳng do Thượng Đế tạo, cũng chẳng do thần tiên tạo. Ai tạo? Do chính mình tạo, chẳng có cách nào hết! Chính quý vị cùng những người chí đồng đạo hợp tự nhiên cùng nhau đi vào đường ấy!

          Ví như chúng ta ở trong nhân gian, trong xã hội hiện tiền, những người thích niệm Phật hễ có dịp bèn đến nơi đây (Hoa Tạng Đồ Thư Quán) [để tụng niệm], nhưng kẻ thích khiêu vũ chẳng đến đây, nhất định đến vũ trường. Kẻ thích đánh mạt chược nhất định tìm một nhóm bạn [để gầy sòng], họ là “vật dĩ loại tụ” (muôn vật tụ tập theo từng loài, hoặc những kẻ có sở thích, có cùng tính cách bèn tụ tập với nhau). Con người vì sao sanh lên trời? Người ấy có phẩm đức cõi trời, nói chuyện với những người có chuẩn mực đạo đức cao rất hợp ý, tự nhiên phải đến đó. Vì thế, sanh lên trời chẳng phải là nhất định phải tin vào Thượng Đế thì mới sanh lên trời, chẳng có lẽ ấy. Quý vị có tiêu chuẩn đạo đức ấy, bèn tự nhiên sanh về. Quý vị tin Thượng Đế, nhưng đức hạnh của chính quý vị chẳng giống Ngài, dẫu tin cũng uổng công, chẳng thể sanh lên trời được!

          Trong phần Hệ Từ[2] của kinh Dịch, Khổng lão phu tử đã nói: “Nhân dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân” (Người có những tính cách đặc điểm giống nhau sẽ tụ thành nhóm, loài vật sống theo bầy), đạo lý này đúng là thiên kinh địa nghĩa! Những kẻ chí đồng đạo hợp họp nhau thành từng loài một, tự nhiên sẽ đi vào một đường nào đó, sanh lên trời là như vậy, mà mỗi đường trong lục đạo cũng đều là như vậy. Tâm tham bèn vào ngạ quỷ đạo, tâm sân khuể vào địa ngục đạo, tâm ngu si vào súc sanh đạo, Ngũ Giới Thập Thiện vào trong nhân gian hay sanh lên trời. Do vậy có thể biết, lục đạo luân hồi là sự hiển hiện của tiêu chuẩn đức hạnh, hiển hiện sáu loại lớn ấy, trong mỗi loại lại chia nhỏ hơn thành vô lượng vô biên, nói chẳng cùng tận!

          (Sao) Nãi chí vạn hạnh, tất diệc như thị.

          () 乃至萬行,悉亦如是。

          (Sao: Cho đến vạn hạnh ắt cũng giống như vậy).

          “Vạn hạnh” là nói về hạnh môn của Bồ Tát, thí dụ như Lục Độ, Tứ Nhiếp, Thập Thiện, cho đến lũ chúng sanh niệm Phật như chúng ta đều là như vậy, đều là Bồ Tát Tịnh Độ. Vì thế, Phật pháp dạy chúng ta những phương pháp tu hành, không gì chẳng nhằm giúp chúng ta khôi phục tâm thanh tịnh, mà cũng nhằm thành tựu tịnh độ của chính chúng ta. Tâm tịnh, ắt cõi tịnh, tự nhiên tương ứng với tịnh độ của Bồ Tát. Nay chúng ta dùng pháp môn Niệm Phật này, phát Bồ Đề tâm, luôn chuyên niệm. Pháp môn này tương ứng với Tịnh Độ của A Di Đà Phật.

          Trần cư sĩ thường đến thư viện của chúng ta, ông ta là người Phước Châu[3], đầu cạo trọc lóc, tướng mạo cũng chẳng sáng sủa. Trong đạo tràng này, chẳng ai coi trọng ông ta, rất nhiều người không ưa ông ta. Ông ta vãng sanh mười mấy hôm trước, thụy tướng hết sức đẹp đẽ, tự mình biết. Lần trước, tôi ra nước ngoài, ông ta đến đảnh lễ, nói ông ta quyết định chiếu theo kinh Vô Lượng Thọ tu hành, nhất tâm chuyên niệm A Di Đà Phật. Ông ta thưa: “Thưa pháp sư! Con chỉ sợ lần sau chẳng gặp thầy nữa”. Lần này tôi trở về, ông ta đã đi rồi, là người thật sự vãng sanh thuộc thư viện của chúng ta. Rất khó có, rất khó được! Nhất tâm nhất ý niệm A Di Đà Phật, mỗi ngày ông ta niệm khoảng chừng mấy vạn câu Phật hiệu, ông ta nói cho tôi biết như thế.

          (Sao) Thị dĩ thử phương niệm Phật, bỉ độ liên thành.

          () 是以此方念佛,彼土蓮成。

          (Sao: vì trong cõi này niệm Phật, cõi kia tr hoa sen).

           Chúng ta phát tâm niệm Phật ở đây, kinh dạy: Trong ao bảu báu bên Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn có một đóa hoa sen. Hoa sen ấy từ trong pháp tánh của chính chúng ta biến hiện. Vì đối với pháp môn Niệm Phật này, cái tâm niệm Phật là Thỉ Giác, Phật hiệu được niệm là Bổn Giác của chính mình, nhất tâm niệm Phật là Thỉ Giác hợp với Bổn Giác, nên hoa sen từ tự tánh biến hiện trong ao bảy báu. Tịnh Độ Tây Phương Cực Lạc thế giới không chỉ là cõi Pháp Tánh của A Di Đà Phật, mà còn là cõi Pháp Tánh của chính chúng ta. Nếu chẳng phải là cõi Pháp Tánh của chính mình, chúng ta chẳng thể nào đến được cõi Pháp Tánh của A Di Đà Phật. Vì thế nói: “Tự tha bất nhị, sanh Phật nhất thể”, [nghĩa là] chúng sanh và Phật có cùng một Thể.

          (Sao) Tắc Cực Lạc chủng chủng thanh tịnh trang nghiêm, tuy bỉ Phật vi Bồ Tát thời chi sở thành tựu, nhi vị cần tu tịnh nghiệp chúng sanh, cộng dữ thành tựu, diệc khả dã.

          () 則極樂種種清淨莊嚴,雖彼佛為菩薩時之所成就,而謂勤修淨業眾生,共與成就,亦可也。

          (Sao: Nên các thứ thanh tịnh trang nghiêm trong cõi Cực Lạc tuy được thành tựu bởi đức Phật ấy khi Ngài còn là Bồ Tát, nhưng nói là [các thứ thanh tịnh trang nghiêm ấy] do chúng sanh siêng tu tịnh nghiệp cùng góp sức thành tựu thì cũng được).

          Câu này rất dễ hiểu, vì chúng ta đồng thời đọc kinh Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ nói hết sức cặn kẽ. Khi A Di Đà Phật làm Bồ Tát, Ngài thệ nguyện, tu trì, tích công lũy đức thành tựu [các thứ y báo thanh tịnh trang nghiêm]. Cũng có thể nói là do mười phương vô lượng vô biên người vãng sanh, vì tất cả mọi người đều tu tịnh nghiệp, mọi người đều tu nhất tâm bất loạn, nên có thể nói [cõi Cực Lạc] là cộng đồng thành tựu, đều là đồng tâm, đồng nguyện, đồng hạnh với A Di Đà Phật, thành tựu ấy hết sức vĩ đại.

          (Sao) C viếttùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh.

          () 故曰:隨其心淨則佛土淨。

          (Sao: Nên nói là “thuận theo tâm tịnh mà cõi Phật tịnh”).

          Đây là kết luận. Do đó, người niệm Phật chẳng thể không biết: Nếu quý vị muốn cầu sanh Tịnh Độ, điều thứ nhất, tâm phải thanh tịnh, đó mới là Phật pháp chân thật, là Phật pháp tối cao vô thượng.

          (Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh năng sanh vạn pháp, thị trang nghiêm nghĩa.

          () 稱理,則自性能生萬法,是莊嚴義。

          (Sớ: Xứng Lý thì tự tánh có thể sanh vạn pháp là ý nghĩa trang nghiêm).

          Tự tánh thể sanh ra vạn pháp là một câu trong  Lục  Tổ  Đàn

Kinh.

          (Sao) Lục Tổ vân: “Hà kỳ t tánh năng sanh vạn pháp.

            () 六祖云:何期自性能生萬法。

          (Sao: Lục Tổ nói: “Nào ngờ tự tánh có thể sanh ra vạn pháp?”)

          Thuở ấy, Lục Tổ ở Hoàng Mai, nêu gương tu hành đáng cho chúng ta bắt chước, đáng để chúng ta học tập. Người tu hành chân chánh chọn lựa đạo tràng, đạo tràng ấy chắc chắn phải có đạo, ta trụ ở đấy sẽ có thể thành tựu, nên phải chọn lựa. Đạo tràng nhất định phải có đạo, hữu đạo, hữu học, chúng ta trụ nơi ấy mới chẳng đến nỗi uổng công. Nếu cơ sở ấy đạo lẫn học đều chẳng có, chúng ta đến nơi đó, nhất định là phí công. Thuở ấy, đạo tràng của Ngũ Tổ lừng danh thiên hạ, là đạo tràng bậc nhất trong Thiền Tông, Lục Tổ tới đó tham học, học gì? Trong cái nhìn của chúng ta, Ngài chẳng học được gì; thật ra, kể từ hôm Ngài nhập chúng tại Hoàng Mai, toàn là chân tham thật học, nhưng lũ phàm phu mắt thịt chúng ta chẳng nhận biết. Nói cách khác, về căn bản, chúng ta chẳng hiểu phương pháp tu học chân thật.

          Trước đây, bất luận người học Phật xuất gia hay tại gia, vừa nhập môn đạo tràng thì kỳ hạn là năm năm, năm năm học giới, giới gì vậy? Giáo huấn của thầy! Sư phụ bảo quý vị làm như thế nào, quý vị liền ngoan ngoãn làm như thế ấy, phục tùng một trăm phần trăm, thật thà làm suốt năm năm. Trong năm năm tu gì? Tu cơ sở Tam Học Giới, Định, Huệ, dùng thời gian năm năm để xây đắp cơ sở. Quý vị chẳng có cơ sở ấy, chắc chắn chẳng thể thành tựu trong một đời này. Ngoài việc tu cơ sở Tam Học Giới, Định, Huệ ra, bèn tu phước. Chẳng có phước báo, quý vị tự học trong tương lai, sẽ gặp khó khăn về cơm áo. Đức Phật đã dạy: Tu huệ chẳng tu phước, La Hán ôm bát rỗng”. Vị A La Hán ấy đời đời kiếp kiếp tu huệ, chẳng tu phước, đi khất thực bên ngoài, chẳng được ai cúng dường, mỗi ngày đói rã ruột, chẳng có phước báo mà! Có thể thấy Đại Thừa Phật pháp rất chú trọng tu phước. Còn có một loại khác: Tu phước, chẳng tu huệ, voi to đeo chuỗi ngọc”. Kẻ kiếp trước chuyên tu phước, không tu huệ, đời sau như thế nào? Biến thành súc sanh. Tuy là súc sanh, nhưng là voi để quốc vương cưỡi khi ra ngoài, nên quốc vương ra khỏi cửa, con voi to ấy được đeo giắt vàng, bạc, bảo châu, chuỗi ngọc đầy mình, phước báo rất lớn, ăn cũng ngon, mặc cũng đẹp, nhưng là súc sanh! Vì thế, đức Phật dạy chúng ta phước huệ song tu.

          Cách tu phước như thế nào? Phục vụ trong đạo tràng. Lục Tổ ở Hoàng Mai tám tháng, được phân công làm việc trong nhà kho. Thuở ấy, đại chúng trụ trong chùa thường là hơn ba ngàn người. Hơn ba ngàn người mỗi ngày ăn cơm rất phiền phức. Công việc của Ngài là giã gạo, thuở ấy chẳng có máy móc, phải dùng sức người để giã. Giã gạo, bửa củi, nói cách khác, Ngài làm việc trong nhà bếp. Đó là tu phước. Tu huệ thì Thiền Tông dùng phương pháp tham cứu, hoặc dùng quán tâm, dùng hai loại phương pháp ấy. Nói cách khác, dụng công trong cuộc sống và trong khởi tâm động niệm, dùng công phu gì? Cầu nhất tâm bất loạn, tu tâm thanh tịnh, họ dùng công phu ấy. Ngài đến Hoàng Mai công phu tám tháng chẳng gián đoạn ngày nào, và cũng miên mật dụng công tại đó, đấy là công phu chân thật. Vì vậy, Thiền Tông dùng công phu tham cứu, dùng công phu ấy để thành tựu Tam Học Giới, Định, Huệ.

          Giáo Hạ dùng cách đọc kinh. Chẳng hạn như tông Thiên Thai phải niệm tam đại b. Tam đại bộ giống như sách in theo lối đóng gáy bằng chỉ khâu của tôi, sẽ gồm tất cả sáu mươi quyển. Trong năm năm, phải học thuộc lòng sáu mươi quyển sách đó. Tam đại bộ là khoa mục cơ bản của tông Thiên Thai. Quý vị chẳng thể thuộc thì trong tương lai, chẳng có tư cách đến giảng đường nghe giảng. Phàm là người có thể đến giảng đường ngồi nghe giảng đều thuộc lòng những thứ ấy. Tam đại bộ, bộ thứ nhất là Pháp Hoa Kinh Văn Cú, bộ thứ hai là Pháp Hoa Kinh Huyền Nghĩa Thích Thiêm. Chúng ta thường nói Trí Giả đại sư “cửu tuần đàm huyền” (chín mươi ngày bàn luận lẽ huyền diệu, tức là giảng chữ Diệu trong tựa đề Diệu Pháp Liên Hoa Kinh mất chín mươi ngày), đó là một phần trong bộ Thích Thiêm, giảng về tựa đề kinh Pháp Hoa và ngũ trùng huyền nghĩa. Pháp Hoa Huyền Nghĩa gồm hai mươi quyển, Văn Cú gồm hai mươi quyển. Văn Cú là chú giải kinh Pháp Hoa, còn có bộ Ma Ha Chỉ Quán hai mươi quyển là phương pháp tu hành. Đó là tam đại bộ của tông Thiên Thai, phải thuộc lòng! Không thuộc lòng, chẳng được! Thầy có hỏi tới quý vị hay không? Chẳng hỏi han chi cả! Giao các sách ấy cho quý vị, học thuộc đi! Trong năm năm phải học thuộc nhuyễn nhừ, học thuộc lòng các sách ấy. Học thuộc lòng là Giới học, Định học, Huệ học hoàn thành cùng một lượt, chẳng mong hiểu nghĩa, chẳng cần hỏi ý nghĩa trong ấy, chỉ quan tâm học thuộc là được rồi. Trừ điều này ra, làm lụng trong chốn thường trụ suốt năm năm.

          Tịnh Độ Tông là dạy một câu Phật hiệu. Một câu Phật hiệu trong Niệm Phật Đường, miên mật hành một câu Phật hiệu này suốt năm năm, mục đích vẫn là hoàn thành Giới học, Định học, Huệ học một lượt. Vì thế, giáo dục cơ sở trong năm năm ấy hết sức trọng yếu! Nay trong các đồng học của chúng ta, cũng có chẳng ít người hiểu đạo lý này. Có mấy vị đồng tu niệm kinh Vô Lượng Thọ, mỗi ngày niệm năm, sáu lượt; nếu [làm như vậy] suốt ba năm chẳng gián đoạn, cơ sở bèn thành tựu. Có cơ sở như vậy rồi lại nghe kinh một lần, hoặc hai lần sẽ khai ngộ. Nay chúng ta nghe kinh, nghe suốt đời vẫn chẳng thể khai ngộ, nguyên nhân ở chỗ nào? Chẳng có nền tảng Tam Học. Vì thế, phương pháp giáo học Trung Quốc từ xưa đích xác là theo một khuôn khổ, thoạt nhìn, cách giáo học ấy chẳng có ý nghĩa gì, ngờ nghệch, [kẻ nghĩ như vậy là do] họ chẳng hiểu trong ấy đã thật sự thành tựu cơ sở vững chắc, [người hành như vậy] trở thành pháp khí; sau đấy, sẽ tiếp nhận đại pháp của Như Lai cũng rất dễ dàng, có thể thành tựu.

          Câu này do Lục Tổ đã nói khi khai ngộ. Ngũ Tổ truyền pháp, giảng kinh Kim Cang cho Ngài, giảng đến câu ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (hãy nên chẳng trụ vào đâu mà sanh tâm), đại khái giảng được một phần ba kinh Kim Cang, Ngài liền khai ngộ. Sau khi đã ngộ, chẳng cần giảng nữa. Không chỉ kinh Kim Cang chẳng cần giảng, mà tất cả hết thảy các kinh cũng chẳng cần phải giảng, vì sao? Hết thảy đều thông đạt. Không chỉ thông đạt Phật pháp xuất thế gian, mà hết thảy các pháp thế gian cũng thông đạt. Chư vị ngẫm xem, cách giáo học trước kia là tốt đẹp, hay cách giáo học hiện thời tốt đẹp? Không thể đặt ngang nhau để so sánh luận định được! Những thứ tốt đẹp từ xưa, người hiện thời chẳng nhận ra, chẳng biết chúng thật sự tốt đẹp! Khi Lục Tổ khai ngộ đã nói ra năm câu, câu này là câu cuối cùng, hết thảy vạn pháp đều do tự tánh hiển hiện.

          (Sao) Hoa Nghiêm kinh vân: “Nhất thiết bảo linh võng, giải nhất thiết pháp như huyễn tâm sở sanh”.

       () 華嚴經云:一切寶鈴網,解一切法如幻心所生。

          (Sao: Kinh Hoa Nghiêm nói: “Hết thảy lưới linh báu, giải hết thảy các pháp như huyễn do tâm sanh ra”).

          Đây là kinh văn trong kinh Hoa Nghiêm, có nghĩa là y báo và chánh báo trong thế gian này từ tâm ý thức của hết thảy chúng sanh biến hiện. Nói cách khác, tâm tạp nhiễm biến hiện cảnh giới [tạp nhiễm]. Đối với điều này, nếu chúng ta chú tâm quan sát, quý vị sẽ có thể chứng minh. Nhìn từ lịch sử, xã hội thời cổ đơn thuần hơn xã hội hiện tại, tâm người xưa thuần phác hơn tâm người hiện tại. Nhìn vào thời cận đại, tôi đến Đài Loan năm Dân Quốc 38 (1949), người Đài Loan thuở ấy khác người Đài Loan hiện thời. Người thuở ấy thật thà, thật sự khả ái, đối xử khiêm cung, lễ độ đối với người khác. Chúng ta lạc đường, tùy tiện hỏi bất cứ ai, họ không chỉ rất sốt sắng chỉ vẽ, mà còn dẫn quý vị đi. Trong xã hội hiện thời, bị lạc đường hỏi ai đó, mặt họ lạnh tanh, “không biết!” Ba mươi năm, lòng người và xã hội hoàn toàn biến đổi!

          Hiện thời, không chỉ hoàn cảnh bị ô nhiễm nghiêm trọng, mà lòng người còn ô nhiễm nghiêm trọng hơn hoàn cảnh. Nhất là trong một hai năm gần đây nhất, ô nhiễm đã đến mức độ vô cùng nguy hiểm, quý vị nhìn từ chỗ nào? Thị trường cổ phiếu! Thị trường cổ phiếu người [mua bán] đông như thế, cái tâm lên cao xuống thấp theo từng con số, đáng sợ quá! Biểu hiện điều gì? Tham, sân, si, mạn! Quý vị xem những điều được giảng trong kinh Phật sẽ thấy ngay, tất cả những Kiến Tư phiền não quý vị thấy ngay. Chúng lại còn biến hóa quá nhanh, giây này là tham, giây sau là ngạo mạn, điều này quá rõ rệt! Sự ô nhiễm ấy so với hoàn cảnh ô nhiễm còn đáng sợ hơn nhiều lắm, đáng sợ quá!

          Hiện tại, chúng ta ở trong hoàn cảnh chẳng tốt đẹp, vì sao chẳng tốt đẹp? Lòng người chẳng tốt đẹp! Vì sao thời cổ tốt đẹp ngần ấy? Thời cổ coi trọng giáo dục. Hiện thời giáo dục bị vứt bỏ, chẳng có giáo dục! Hiện thời là gì? Hiện thời là kỹ thuật, khoa học kỹ thuật. Giáo dục là gì? Nói về đạo lý làm người. Hiện thời, mọi người chẳng nói đến đạo lý làm người mà nói chuyện gì? Nói chuyện kiếm tiền như thế nào, nhấn mạnh tiêu thụ ra sao? Làm những chuyện ấy. Do vậy, phải phát triển theo chiều hướng đi xuống, thế giới này bèn đáng sợ, lẽ nào chẳng gặp tai nạn to tát? Chúng ta chẳng cần phải nghe những lời tiên đoán, mà cũng chẳng cần nghe những lời đồn đại gì. Nói theo cách hiện thời thì hết sức khoa học, hết sức hiện thực, quý vị nhìn vào thế đạo, nhân tâm, chúng ta có thể liễu giải quả báo trong tương lai sẽ ra sao.

          Thế gian này do tâm tạp nhiễm biến hiện, Tây Phương Tịnh Độ do tâm thanh tịnh hiện ra. Hiện thời, chúng ta ở trong thế giới tạp nhiễm này, tu tâm thanh tịnh, kẻ khác nhiễm, ta chẳng nhiễm, kẻ khác chẳng thanh tịnh, ta thanh tịnh. Hiện thời, tuy chúng ta ở cùng một chỗ, con đường tương lai của mỗi cá nhân chúng ta, cũng như quả báo sau này của chúng ta khác nhau. Tâm chúng ta thanh tịnh, nhất định cảm được cõi Tịnh Độ thanh tịnh. Tâm chẳng thanh tịnh cực độ, chắc chắn sẽ cảm ba ác đạo. Vì thế, buôn bán cổ phiếu, [hãy chú ý] người thuở trước có nói đến chuyện mẫm trong tiền nhãn”, tiền xưa kia đều có lỗ (cái lỗ đó được gọi là “tiền nhãn”), đổ công dốc sức trong đó, chẳng thoát ra được, rất đáng thương! Tiền trước kia được làm thành hình dạng ấy nhằm cảnh giác con người. Hình dạng ấy là hình dạng của hình cụ (dụng cụ tra khảo, trừng phạt), gông cùm, khiến cho quý vị nhìn đến thứ ấy bèn sợ hãi! Cố nhiên thứ ấy tốt đẹp, nhưng phải cẩn thận, nó chẳng phải là thứ thật sự tốt đẹp; thiếu trí huệ, mê man trong ấy là không được rồi!

          “Huyễn tâm sở sanh” (Do huyễn tâm sanh ra), sánh ví “linh võng” (lưới treo những cái linh) như huyễn[4]. Người có thể lý giải hết thảy các pháp, kinh Kim Cang đã dạy: Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng,hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, nếu chúng ta thật sự lý giải thì hết thảy các pháp đều do huyễn tâm sanh ra.

          (Sao) Nhất thiết bảo lâu các, vô trước thiện căn, vô sanh thiện căn sở sanh, nãi chí y, cái, tràng, tòa đẳng, mạc bất giai nhiên.

          () 一切寶樓閣,無著善根,無生善根所生,乃至衣蓋幢座等,莫不皆然。

          (Sao: Hết thảy lầu gác báu, căn lành không chấp trước, sanh từ thiện căn vô sanh, cho đến y phục, lọng, tràng, tòa ngồi v.v… không gì chẳng phải là như vậy).

          “Y” là y phục, “cái” là bảo cái (lọng báu), “tràng” là tràng phan, “tòa” là liên hoa bảo tọa v.v…, không gì chẳng phải vậy! Hiểu rõ đạo lý này, đối với hết thảy các thứ trang nghiêm, quý vị có thể hưởng thụ, hưởng thụ là thụ dụng, trong tâm thanh tịnh, trọn chẳng đắm nhiễm. Chẳng đắm nhiễm là gì? Chẳng có tâm tham luyến. Hưởng thụ, nhưng chẳng có tâm tham; mất đi, chẳng có tâm hối tiếc. Tức là đối với hết thảy các pháp chẳng có tâm được mất, chẳng có tâm lấy bỏ, hưởng thụ hết thảy các pháp không gì chẳng tự nhiên, hết sức sung sướng! Hết thảy tùy duyên, chẳng phan duyên, đó là đúng. Phan duyên là khởi tâm động niệm “ta phải thực hiện như thế nào”, rất khổ! Hết thảy tùy duyên sẽ đắc đại tự tại.

          Thật sự hiểu đạo lý này, chúng ta tu phước quyết định có phước báo. Chớ nên nghĩ: “Ta chẳng có tiền, trong tương lai sẽ sống ra sao?” Nếu quý vị có phước, đến chỗ nào cũng đều có phước báo. Quý vị chẳng có phước báo, đến nơi nào cũng đều thiếu thốn. Do vậy, tu phước rất trọng yếu. [Không có phước, dẫu] có tiền bỏ trong ngân hàng cũng vô dụng, tiền bị giảm giá trị, ngân hàng bị đóng cửa. Phước phải cất trên thân của hết thảy chúng sanh thì phước ấy mới vĩnh viễn hưởng chẳng tận. Ta có phước bèn để cho mọi người hưởng, mọi người có phước, đương nhiên ta cũng có phước, đó là đạo lý nhất định. Vì thế, phước phải dành cho mọi người hưởng, đó là gieo phước.

            (Sao) Hựu vân: “Thử Hoa Tạng Trang Nghiêm Thế Giới Hải trung, nhược sơn hà, nãi chí thụ lâm, trần, mao đẳng xứ, nhất nhất giai thị xứng Chân Như pháp giới, cụ biên đức”. Thị cố đương tri Tịnh Độ duy tâm, cánh vô ngoại cảnh.

          () 又云:此華藏莊嚴世界海中,若山河,乃至樹林塵毛等處,一一皆是稱真如法界,具無邊德,是故當知淨土唯心,更無外境。

          (Sao: Lại nói: “Trong Hoa Tạng Trang Nghiêm Thế Giới Hải, dù núi, sông, cho đến những ch như rừng cây, hạt bụi, sợi lông v.v… mỗi mỗi đều tương xứng Chân Như pháp giới, đầy đủ vô biên đức”. Vì thế, hãy nên biết Tịnh Độ duy tâm, chẳng có ngoại cảnh).

          Tổng kết hay lắm. Đây là nói tới Hoa Nghiêm, Hoa Nghiêm là cõi Pháp Tánh, Hoa Nghiêm là Nhất Chân pháp giới, ai trụ trong ấy? Bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ, thảy đều là bậc minh tâm kiến tánh. Vì vậy, thế giới Hoa Tạng là cõi Pháp Tánh, giống như Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhưng Tây Phương Cực Lạc thế giới còn thù thắng hơn thế giới Hoa Tạng, thù thắng ở chỗ nào? Thế giới Hoa Tạng phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân thì mới có tư cách đến đó. Tây Phương Tịnh Độ chỉ cần quý vị chuyên niệm một câu A Di Đà Phật, ta quyết định muốn sanh về, quý vị bèn được sanh về, thù thắng ở chỗ này! Quý vị quyết tâm muốn đến thế giới Hoa Tạng, chẳng đến được. Ta chưa phá vô minh, chưa kiến tánh, chẳng đến được! Pháp giới của họ hoàn toàn như nhau, chỉ là đến cõi kia (Hoa Tạng) không được, còn thế giới Tây Phương thì đến được. Tây Phương Tịnh Độ và thế giới Hoa Tạng giống nhau, thảy đều là Nhất Chân pháp giới, chẳng thể nghĩ bàn! Thù thắng ở chỗ này!

          Lớn thì nói đến núi, sông; nhỏ thì nói đến “trần, mao”. Trần là thứ nhỏ bé nhất trong y báo, tức vi trần. “Mao” là nói đến chánh báo, tức một sợi lông trên thân chúng ta. Y báo và chánh báo “nhất nhất giai xứng Chân Như pháp giới” (mỗi mỗi đều xứng với Chân Như pháp giới). Chân Như pháp giới là tự tánh, là Chân Như bổn tánh của chúng ta, nên chẳng có pháp nào không do tự tánh lưu lộ, chẳng có pháp nào không xứng tánh. Nói cách khác, chẳng có pháp nào không phải là tánh. Trong các buổi giảng, thật sự là khi bất đắc dĩ, chúng tôi thường dùng mộng cảnh để tỷ dụ. Trong khi chúng ta nằm mộng, nếu chúng ta bỗng nhận biết chúng ta đang nằm mộng, trong mộng quả thật có cảnh giới, có núi, sông, đại địa, cây cối, cũng có rất nhiều động vật, cũng có hư không, do đâu mà có? Đều do cái tâm của chính mình biến hiện. Chúng ta có cái tâm có thể nằm mộng và cảnh trong giấc mộng. Nếu quý vị bỗng giác ngộ, cảnh trong mộng và cái tâm có thể nằm mộng là một, không hai, Năng và Sở như nhau. Mộng cảnh là tướng, cái có thể nằm mộng là tâm, chúng ta sánh ví nó như bổn tánh. Tánh và tướng bất nhị, là một, không hai, toàn là do chính mình biến hiện!

          Khi nằm mơ, đương nhiên có một cái ta, quý vị chẳng thể nào nằm mộng mà trong mộng chẳng có chính mình, tuyệt đối chẳng thể có chuyện đó! Nhất định là có chính mình, và cũng có rất nhiều người, những người đó do đâu mà có? Những người đó vẫn do chính mình biến hiện. Người quý vị ưa thích là do thiện tâm biến hiện. Kẻ quý vị ghét, căm hận là do ác tâm của chính quý vị biến hiện. Toàn là do chính mình biến hiện; trừ chính mình ra, xác thực là chẳng có gì. Vì vậy mới bảo quý vị “ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp chẳng có tâm”, toàn là do chính mình biến hiện. Dựa theo đạo lý này để suy đoán, tận hư không trọn pháp giới đều là vật được biến hiện bởi Chân Như bổn tánh của chính chúng ta.

          Do đó, nói “trọn đủ vô biên công đức”. Đức là đức tướng và đức dụng, cũng là như Lục Tổ đại sư nói “nào ngờ tự tánh vốn sẵn trọn đủ”. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều là tự tánh trọn đủ, chẳng có thứ gì ở ngoài tự tánh. Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật vẫn là tự tánh trọn đủ, vẫn do tự tánh biến hiện, Tây Phương Cực Lạc thế giới do đâu mà có? A Di Đà Phật do đâu mà có? Tự tánh có thể sanh ra vạn pháp, vẫn sanh bởi tự tánh; nhưng chư vị phải biết: Đây là Tánh Đức. Tánh Đức tuy vốn trọn đủ, nhưng nếu quý vị chẳng có Tu Đức, chẳng thể biến hiện tự tại. Nay quý vị đang mê Tánh Đức, nên bị nghiệp lực xoay chuyển. Bản thân quý vị hoàn toàn chẳng thể làm chủ được, bị chuyển theo nghiệp lực. Nếu quý vị khôi phục tâm thanh tịnh, sẽ làm chủ tể. Trong y báo và chánh báo trang nghiêm của mười pháp giới, chính quý vị có thể làm chúa tể, có thể chuyển hết thảy cảnh giới. Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: Nếu có th chuyển cảnh, bèn giống như N Lai”, quý vị có thể chuyển cảnh, quý vị bèn là Như Lai, bèn thành Phật, chẳng bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài. Phàm phu điên đảo, bị hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng, chính mình chẳng có năng lực ảnh hưởng hoàn cảnh, rất đáng thương!

          Nếu nói chân thật, cảnh chuyển theo tâm, ở đây, mấu chốt là tâm thanh tịnh. Trong Tam Quy, chúng tôi thường nói Giác tâm, Chánh tâm, Thanh Tịnh tâm, ba tâm ấy là một tâm, một mà ba, tuy ba mà một; nhưng thực hiện từ Giác và Chánh khó khăn. Thiền Tông thực hiện từ Giác, Giáo Hạ thực hiện từ Chánh, pháp môn Niệm Phật khởi sự từ Tịnh. Trong ba môn này, nhập môn từ Tịnh, quả thật khá dễ dàng, nhưng đã tiến nhập thì chắc chắn là thành tựu như nhau. Giống như một giảng đường có ba cái cửa, bất luận theo cửa nào tiến vào, hễ đã tiến vào đều như nhau, tiến vào là đã đạt đến viên mãn. Khi ở ngoài cửa, Giác, Chánh, Tịnh khác nhau; sau khi tiến vào cửa, quyết định là giống nhau. Bởi lẽ đó, sau khi Lục Tổ khai ngộ, Giáo cũng thông, mà Tịnh cũng hiểu, thứ gì Ngài cũng đều thông đạt. Trước khi khai ngộ, Ngài chỉ có một thứ là công phu Thiền Định; sau khi đã ngộ, hết thảy thành tựu viên mãn.

          Chúng ta hiểu rõ nguyên lý này, quý vị liền biết phải tu như thế nào? Biết chúng ta niệm kinh là tu gì? Chúng ta niệm câu Phật hiệu là tu gì? Chính mình thấu hiểu rõ ràng, rành rẽ, khi tu mới thấy thú vị, mới có hứng thú, sẽ chẳng niệm niệm đều tẻ ngắt, vô vị! Niệm đến cuối cùng, cảm thấy rất mờ mịt, rất rỗng tuếch, không hiểu chính mình đang làm gì, sai lầm mất rồi! Vì thế, biết chính mình đang làm gì, biết ý nghĩa của việc đang làm, biết chúng ta mong đạt tới mục tiêu gì? Biết chúng ta tu học chắc chắn chẳng luống công, trong hiện tiền, đạt được trí huệ chân thật. Trí huệ hiện tiền, cuộc sống của quý vị nhất định hết sức mỹ mãn, vô cùng sung sướng. Vì sao? Quý vị có trí huệ chân thật, biết chính mình, biết hoàn cảnh, biết người khác, biết thế giới này, biết quá khứ, cũng biết tương lai, điều gì cũng đều hiểu rõ ràng, rành rẽ, lẽ nào cuộc sống chẳng tự tại? Đương nhiên là tự tại, chẳng mê hoặc tí nào. Năng lực ấy do tâm thanh tịnh phát sanh. Cậy vào sách vở, cậy vào học vấn, sẽ chẳng đạt được, chỉ có tâm thanh tịnh thì mới đạt được. Đó là sự thật ngàn muôn phần xác đáng. Hôm nay chúng ta đã giảng viên mãn quyển thứ hai.

[1] “Giá trị liên thành” là một từ ngữ diễn tả một vật báu có giá trị rất lớn. Thành ngữ này phát xuất từ câu chuyện Hòa Thị Bích. Hòa Thị Bích là một viên ngọc quý được đặt theo tên một tiều phu nước Sở tên là Biện Hòa. Ông này tuy là tiều phu, nhưng có con mắt nhìn ngọc rất nhạy bén. Một hôm, ông ta tìm được một khối đá có ngọc tại Kinh Sơn. Đem dâng lên Sở Lệ Vương, vua sai người coi thử, chỉ chặt một góc đá nên không phát hiện ra ngọc. Vua cho là Biện Hòa khi quân, bèn chặt đứt một chân. Sở Lệ Vương chết, Sở Vũ Vương kế vị, Biện Hòa lại dâng ngọc, lại bị chặt nốt chân kia. Đau lòng Biện Hòa cứ ôm khối đá mà khóc ngoài đồng. Sở Vũ Vương chết, Sở Văn Vương kế vị, Biện Hòa lại dâng đá, vua nhận biết, sai người chẻ đá lấy ngọc. Viên ngọc ấy quý báu, theo truyền thuyết, tỏa ánh sáng chiếu xa bốn tấc. Nhằm tôn vinh lòng trung nghĩa của Biện Hòa, vua đặt tên viên ngọc ấy là Hòa Thị Bích (ngọc họ Hòa). Trải bao biến động, cuối cùng viên ngọc ấy lọt vào tay Huệ Văn Vương nước Triệu. Tần Chiêu Vương muốn có viên ngọc ấy, bèn sai người viết thư sang Triệu, đề nghị dùng mười lăm thành của nước Tần đổi lấy viên ngọc ấy. Do đó, viên Hòa Thị Bích được gọi là “giá trị liên thành”.

[2] Hệ Từ là phần chú giải kinh Dịch, nêu bày ý nghĩa chánh yếu của kinh Dịch, chủ yếu giải thích ý nghĩa của từng quẻ, từng hào, cũng như vị trí của từng tượng trong mỗi quẻ. Tương truyền, Hệ Từ do Khổng Tử biên soạn.

[3] Phước Châu, còn gọi là Dung Thành, Tam Sơn, Tả Hải, Mân Đô, hoặc gọi gọn là Dung, là tỉnh lỵ của tỉnh Phước Kiến. Phước Châu nằm ở phía Đông tỉnh Phước Kiến, trên sông Mân Giang. Thành phố này khá cổ, thành lập từ năm 202 trước Công Nguyên.

[4] Sách Diễn Nghĩa giảng: “Linh võng là nói đến y báo và chánh báo trong uế độ, sanh từ hữu lậu thức của phàm phu, nên gọi là như huyễn tâm sở sanh”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *