#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 178
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm bảy mươi bốn:
(Sao) Nhược cứ Bất Nhị môn trung, tham, sân, si tức Giới, Định, Huệ, tắc thiện đạo, ác đạo, tất giai như huyễn. Huyễn vô tự tánh, duy thị nhất tâm, nhất tâm bất sanh, vạn pháp câu tức.
(鈔) 若據不二門中,貪瞋痴即戒定慧,則善道惡道,悉皆如幻,幻無自性,唯是一心,一心不生,萬法俱息。
(Sao: Nếu xét theo môn Bất Nhị, tham, sân, si chính là Giới, Định, Huệ, vậy thì thiện đạo và ác đạo thảy đều như huyễn. Huyễn chẳng có tự tánh, chỉ là nhất tâm. Do nhất tâm không sanh, nên muôn pháp đều dứt bặt).
Đây là đoạn Xứng Lý thứ hai. Đoạn này còn sâu hơn đoạn “tự tánh bổn cụ Như Huyễn pháp môn” (tự tánh vốn trọn đủ pháp môn Như Huyễn) trong phần trước. Đoạn Xứng Lý trong phần trên là Lý Sự vô ngại, đoạn này đạt đến tột đỉnh, cũng chính là cảnh giới Sự Sự vô ngại được nói trong kinh Hoa Nghiêm. Xin xem lời chú giải của sách Diễn Nghĩa.
(Diễn) Tham, sân, si tức Giới, Định, Huệ giả.
(演) 貪瞋痴即戒定慧者。
(Diễn: Tham, sân, si chính là Giới, Định, Huệ).
Tham, sân, si gọi là Tam Độc; Giới, Định, Huệ được gọi là Tam Học. Cớ sao Tam Độc là Tam Học? Vấn đề này cũng rất lớn, quyết định chớ nên hiểu lầm ý nghĩa!
(Diễn) Dĩ vô thỉ Pháp Tánh vi vô minh, cố kim vô minh tức Pháp Tánh. Pháp Tánh vi vô minh, cố thành tham, sân, si. Vô minh tức Pháp Tánh, cố tức Giới, Định, Huệ. Như thanh thủy, trược thủy thấp tánh vô thù, Tam Học, Tam Độc thể tánh bất nhị dã.
(演) 以無始法性為無明,故今無明即法性。法性為無明,故成貪瞋痴;無明即法性,故即戒定慧。如清水濁水濕性無殊,三學三毒體性不二也。
(Diễn: Do vô thỉ Pháp Tánh là vô minh, nên nay vô minh chính là Pháp Tánh. Do Pháp Tánh là vô minh, nên trở thành tham, sân, si. Do vô minh chính là Pháp Tánh, nên chính là Giới, Định, Huệ. Như tánh ướt của nước trong và nước đục chẳng khác nhau, thể tánh của Tam Học và Tam Độc chẳng hai).
Câu chú giải này giảng khá rõ ràng, nhưng người sơ học xem vẫn không hiểu. Chúng ta hãy nên hiểu: Tam Độc và Tam Học đều là nghiệp dụng. Nay chúng ta gọi Nghiệp là hoạt động. Hoạt động là tạo nghiệp, thuộc về Dụng. Dụng đương nhiên có Thể. Có Thể và có Tướng, đương nhiên có tác dụng. Tam Học và Tam Độc đều là tác dụng. Nếu truy cứu bản thể của chúng, bản thể là tự tánh, hiện tướng (tướng được biến hiện bởi bản thể) của nó là mười pháp giới. Lục đạo phàm phu khởi tác dụng là Tam Độc, tứ thánh pháp giới khởi tác dụng là Tam Học. Do vậy có thể biết, Tam Học có sự sai biệt sâu hay cạn khác nhau. Cạn một chút là Thanh Văn, Duyên Giác, sâu là Bồ Tát, Phật. Tam Độc cũng có cạn sâu khác nhau. Cạn một chút là thiên, nhân, nặng hơn là tam ác đạo. Do vậy có thể biết, tác dụng của tự tánh được quy nạp thành Tam Học và Tam Độc, nhưng thể tánh của chúng đều là tự tánh. Xét theo tự tánh, sẽ chẳng có sai biệt, toàn là do tự tánh biến hiện. Biết Tam Độc và Tam Học đều là tự tánh khởi dụng, nên chúng là một, không hai. Tam Độc là tác dụng của tự tánh, Tam Học cũng là tác dụng của tự tánh, đương nhiên nói theo tác dụng thì là một. Vì sao có tác dụng khác nhau? Điều này phải nói đến sự phân biệt giữa mê và ngộ. Tác dụng của giác ngộ là Tam Học, tác dụng của mê hoặc là Tam Độc. Chư vị phải hiểu mê và ngộ chẳng hai. Vì sao mê và ngộ chẳng hai? Mê là mê tự tánh, ngộ là ngộ tự tánh. Mê và ngộ đều chẳng lìa tự tánh. Xét theo tự tánh, chẳng có mê hay ngộ, mà do chính chúng ta mê tự tánh hoặc ngộ tự tánh.
Nói theo tự tánh, tự tánh chẳng có mê hay ngộ, vì thế, nói là “mê và ngộ bất nhị”. Phải tư duy cặn kẽ Lý này. Trong Phật pháp, nói thật ra, không quá coi trọng tư duy. Phật pháp yêu cầu tham cứu, cũng có thể nói như chúng ta trong hiện thời là phải nghiêm túc lãnh hội cặn kẽ. Vì quý vị thật sự lãnh hội chân tướng sự thật này, nếu quý vị thật sự thấu hiểu, sẽ có biến chuyển rất lớn trong cuộc sống hiện tiền. Nhà Phật nói là “lìa khổ, được vui”, quý vị mới có thể thật sự được an lạc. Để thật sự đạt được vui sướng thì phải thấu hiểu chỗ này. Nếu không, chúng ta nói đến lạc thì quá nửa là sự vui tương đối trong khổ lạc, chẳng phải là lạc chân thật. Hiểu rõ đạo lý ở chỗ này, lạc sẽ là thật, vì sao? Nó chẳng phải là lạc trong khổ lạc tương đối, mà là pháp hỷ lưu xuất từ tự tánh. Nếu quý vị hỏi: “Do nguyên nhân gì?” Chúng tôi nói đơn giản: Dẫu quý vị chẳng thể phá sạch phân biệt, chấp trước, thì chúng cũng phai nhạt. Phân biệt, chấp trước đã nhạt bớt, nỗi khổ liền giảm thiểu. Nói thật thà, vô lượng vô biên các nỗi khổ trong thế gian này do đâu mà có? Do phân biệt, chấp trước mà có. Nếu quý vị chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng dấy vọng tưởng đối với hết thảy các pháp, lấy đâu ra khổ? Nhưng chúng ta chẳng thể dẹp tan vọng tưởng, chấp trước, do nguyên nhân nào? Chưa hiểu rõ chân tướng sự thật. Đoạn kinh văn này dạy chúng ta chân tướng sự thật, chuyện này được đức Phật nói rất nhiều trong các kinh điển Đại Thừa liễu nghĩa, nhất là kinh Hoa Nghiêm. Do kinh văn của kinh Hoa Nghiêm dài, nên có thể tận hết sức phát huy, nói cặn kẽ thâm nhập.
Do vậy có thể biết, nói theo Lý, nói theo Tánh, “Tam Học, Tam Độc, thể tánh bất nhị”, xác thực là một thể tánh. Thuở ấy, nhằm khiến cho mọi người hiểu chân tướng sự thật này, Hiền Thủ quốc sư đã nêu tỷ dụ: “Dùng vàng làm đồ vật, món nào cũng đều là vàng”. Ví như chúng ta nay có một khối vàng, đem khối vàng ấy đúc thành một bức tượng Phật, giống như Tam Học Giới, Định, Huệ. Sau vài hôm, ta không thích tượng Phật ấy nữa, đem nung chảy tượng Phật, vàng có thể bị nung chảy! Sau khi nung chảy, bèn đúc thành con cún, hay con mèo nhỏ, bèn biến thành hình tượng súc sanh. Quý vị nói xem bức tượng Phật ấy và con cún hay con mèo nhỏ kia có sai biệt hay chăng? Đều là cùng một khối vàng này! Muốn biến nó thành gì, nó liền biến thành thứ đó. Thuận theo lòng mong muốn, ta nung chảy bèn có thể tái tạo, thích tạo tượng Phật bèn tạo tượng Phật. Thích tạo tượng Bồ Tát, liền tạo tượng Bồ Tát. Tướng của mười pháp giới thuận theo tâm mong muốn mà đúc. Do vậy, có thể biết mười pháp giới là bình đẳng hay bất bình đẳng? Bình đẳng! Mười pháp giới có phải là một hay không? Là một! Biến tới, biến lui, đều chẳng rời khỏi khối vàng ấy!
Nói theo Thể là bình đẳng, nên Tam Học và Tam Độc thể tánh bất nhị, thể tánh là một. Tam Độc là do đã mê thể tánh mà khởi tác dụng, Tam Học Giới, Định, Huệ là do đã giác ngộ tự tánh bèn khởi tác dụng, thảy đều là Tánh Đức khởi dụng. Phàm phu chúng ta chẳng liễu giải đạo lý này, thấy Tam Học bèn sanh tâm hoan hỷ, cung kính, hoan hỷ. Thấy Tam Độc bèn sân hận, chán ghét, chúng ta làm như vậy có đúng hay không? Hoàn toàn sai bét! Sai ở chỗ nào? Lục căn của quý vị tiếp xúc cảnh giới lục trần thường sanh phiền não! “Mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham muốn” được gọi là thất tình ngũ dục. Hoan hỷ là phiền não, sân khuể cũng là phiền não. Mừng, giận cũng là bất nhị, cũng là cùng một chuyện. Phàm phu mê hoặc, nên tiếp xúc cảnh giới bèn khởi tham, sân, si. Mừng, giận, buồn, vui, yêu, ghét, ham muốn đều là tham, sân, si. Người giác ngộ tiếp xúc cảnh giới, tâm địa thanh tịnh, như như bất động. Quý vị tu Giới, Định, Huệ, tâm người ấy chẳng bị dao động. Quý vị khởi tham, sân, si, tâm người ấy vẫn là như như bất động.
Một người tu hành phải tu Bình Đẳng Tánh Trí và Diệu Quán Sát Trí, tu minh tâm kiến tánh trong Giới, Định, Huệ và tham, sân, si. Phải như thế nào thì mới có thể kiến tánh? Như như bất động liền kiến tánh, chẳng bị xoay chuyển bởi cảnh giới bên ngoài liền kiến tánh. Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay, chẳng bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển, có thể chuyển vật, thấu hiểu rành rẽ, phân minh cảnh giới bên ngoài thì là “chuyển vật”. Tuyệt đối chẳng bị lay động bởi cảnh giới bên ngoài, tức là trong hết thảy các pháp, trong hết thảy hiện tướng, trong hết thảy tác dụng, thảy đều kiến tánh. Từ tướng cũng vậy, mà từ tác dụng cũng vậy, quý vị quan sát thể tánh của nó vốn là thanh tịnh, vốn là bất động. Quý vị quan sát thấy được điều đó thì gọi là minh tâm kiến tánh. Tâm địa của chính mình quang minh, minh tâm là trong tâm một tí nhiễm ô cũng chẳng có. Lục Tổ nói “vốn chẳng có một vật”; hễ có một vật, tâm sẽ chẳng minh. Trong tâm quý vị có thứ gì đó, bèn là vô minh; trong tâm thứ gì cũng chẳng có thì gọi là minh tâm. Minh tâm thì thấy bất luận thứ gì cũng đều là Chân Như tự tánh, vì tận hư không khắp pháp giới đều là các hiện tượng được biến hiện bởi Chân Như tự tánh. Trừ tự tánh ra, quả thật chẳng có một pháp nào, đó là bình đẳng. Vì thế, tham, sân, si là Giới, Định, Huệ, chuyện là như thế đó.
(Diễn) Hựu cổ vân: “Vô minh nghiệp tánh tức Pháp Tánh”.
(演) 又古云:無明業性即法性。
(Diễn: Cổ nhân lại nói: “Vô minh nghiệp tánh chính là Pháp Tánh”).
Cổ nhân nói: “Vô minh là phiền não”. Nghiệp bao gồm thiện nghiệp và ác nghiệp. Tham, sân, si chính là ác nghiệp. Nghiệp tánh: Tánh là thể tánh, thể tánh là Pháp Tánh. Pháp Tánh là Phật Tánh, là tự tánh, Chân Như bổn tánh. Vô minh nghiệp tánh là Chân Như tự tánh. Do vậy, có cần phải đoạn phiền não hay không? Nếu đoạn phiền não, chẳng phải là đoạn mất tự tánh ư? Phiền phức to lớn, vấn đề này nghiêm trọng lắm! Kinh thường dạy chúng ta phải đoạn phiền não, đặc biệt là kinh Tiểu Thừa, nhưng chư vị phải biết: Chẳng đoạn phiền não! Giống như chúng ta ở dưới ánh đèn, bèn có cái bóng rọi xuống, chẳng thể gạt bỏ cái bóng ấy. Vì sao chẳng thể gạt bỏ được? Có bóng là vì có thân thể. Nếu trừ bỏ cái bóng thì thân thể cũng chẳng có, làm sao được? Vì vậy, “đoạn” ở đây là tỷ dụ, chẳng phải là thật sự đoạn; [“đoạn” có nghĩa] là chuyển biến, chuyển mê thành ngộ, chuyển phiền não thành Bồ Đề. Do đó, phiền não là Bồ Đề. Chuyển Tam Độc thành Tam Đức, chuyển như vậy đó! Bóng dáng vẫn là bóng dáng; khi mê hoặc, bóng dáng rất đáng ghét, nghĩ đủ mọi cách xóa bỏ nó! Đã giác ngộ, nó chẳng trở ngại sự, không quan tâm tới nó, đó là Tam Đức. Thường bận tâm muốn trừ bỏ nó thì gọi là Tam Độc. Do vậy, xác thật là [Tam Đức, Tam Học, Tam Độc] là cùng một chuyện!
Nhưng trong lúc mê, nghiệp dụng rất đáng sợ, nó sẽ biến thành cảnh giới tam ác đạo. Quả báo của tâm tham là ngạ quỷ đạo, [quả báo của] tâm sân khuể là địa ngục đạo, [quả báo của] tâm ngu si là súc sanh đạo, luân hồi trong lục đạo. Sau khi giác ngộ, lục đạo luân hồi chẳng còn nữa. Vĩnh Gia đại sư nói: “Trong mộng rành rành phô sáu nẻo, giác rồi ba cõi rỗng toang hoang”. Mộng tượng trưng cho mê, giác tượng trưng cho ngộ. Sau khi đã giác ngộ, mới biết chẳng có lục đạo luân hồi. Khi mê thì có, lúc ngộ chẳng có. Then chốt trong Phật pháp là mê hay ngộ, chúng ta nhất định phải nhận biết rõ ràng, công phu tu học bèn đắc lực. Nếu chẳng hiểu rõ chuyện này, tinh tấn dụng công cách nào đi nữa, vẫn chẳng đắc lực. Phải hiểu đây là nêu lên hai cực đoan, biết chân tướng của các cực đoan ấy thì mới thật sự hiểu “vạn pháp như một, Tánh, Tướng bất nhị” như kinh Đại Thừa đã nói.
(Diễn) Thiên Thai vân: “Hoặc, Nghiệp, Khổ tam đạo, đương thể tức thị Tam Đức bí tạng”.
(演) 天台云:惑業苦三道,當體即是三德祕藏。
(Diễn: Tông Thiên Thai nói: “Hoặc, Nghiệp, Khổ tam đạo, Thể của chúng chính là Tam Đức bí tạng”).
Tông Thiên Thai nói như vậy. “Hoặc, Nghiệp, Khổ” là nói đến lục đạo luân hồi. “Hoặc” là vô minh, mê hoặc tạo nghiệp. Tạo nghiệp bèn có tạo thiện nghiệp hoặc tạo ác nghiệp. Tạo thiện nghiệp thì quả báo là ba thiện đạo. Tạo ác nghiệp thì quả báo là ba ác đạo. Ba thiện đạo và ba ác đạo đều dùng một chữ Khổ để làm đại biểu, nên Khổ là quả báo. “Hoặc” (惑) là mê hoặc, “nghiệp” là vọng động, tạo tác, Khổ là quả báo. Vì sao nói lục đạo đều khổ? Ba thiện đạo và ba ác đạo đều khổ ư? Khổ là thật, lạc là giả. Lạc là gì? Khổ tạm thời ngưng dứt, quý vị cảm thấy khi ấy rất vui, nhưng sự vui sướng ấy chẳng lâu dài, khổ lại đưa đến ngay. Vì thế, khổ là thật, lạc là giả.
Lục đạo chia thành tam giới: Dục Giới, Sắc Giới, và Vô Sắc Giới. Chúng sanh trong Dục Giới, loài người chúng ta thuộc Dục Giới. Trên người còn có trời. Trời có Dục Giới Thiên. Dục Giới Thiên có sáu tầng. Từ sáu tầng trời ấy cho đến địa ngục đều phải hứng chịu ba loại khổ lớn:
1) Thứ nhất là Khổ Khổ. Khổ Khổ thường được nói là “tám nỗi khổ chen nhau nung đốt”, tức là sanh, lão, bệnh, tử, cầu chẳng được, yêu thương phải chia lìa, oán ghét phải gặp gỡ, Ngũ Ấm lừng lẫy. Tám loại ấy mỗi chúng sanh trong Dục Giới đều phải hứng chịu, đều chẳng trốn thoát.
2) Nếu thật sự có công phu Thiền Định kha khá, người ấy có thể sanh lên Sắc Giới Thiên. Sắc Giới Thiên chẳng có dục vọng. Người chẳng có ngũ dục tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê, chẳng tham nhiễm những thứ ấy, bèn sanh trong Sắc Giới. Chư thiên trong Sắc Giới chẳng có tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê. Đối với những thứ ấy, họ chẳng có [ý niệm] được, mất, nhưng còn có thân thể. Họ chẳng có tám nỗi khổ, đích xác là rất an lạc; nhưng họ có Hoại Khổ vì có thân thể. Họ chẳng thể giữ mãi thân thể ấy, chẳng thể sống đời đời, vẫn là có thọ mạng. Khi đã hết thọ mạng thì vẫn phải chết, vẫn phải luân hồi. Thân thể của họ bị hư hoại, cung điện, lầu gác nơi họ cư trụ cũng bị hư hoại. Vì họ có sắc, hễ có sắc liền có hoại. Do vậy, họ chẳng có Khổ Khổ, nhưng có Hoại Khổ.
3) Phàm phu bậc cao nhất trong tam giới là hạng người đã giác ngộ, họ biết thân thể chẳng tốt lành gì, thân này là cái gốc khổ! Lão Tử biết đạo lý này. Thuở đó, Phật pháp còn chưa truyền đến Trung Hoa, Lão Tử đã nói: “Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân” (Ta có mối lo nghĩ lớn vì ta có thân). Ta có nỗi lo sầu rất lớn vì ta có thân thể. Thân thể là nỗi ưu hoạn rất lớn, kiến giải này rất cao! Đó là kiến giải của chư thiên Vô Sắc Giới. Họ có sự giác ngộ ấy, do có thân nên mới có khổ. Chẳng có thân, sẽ tự tại lắm. Chẳng có thân, khổ gì cũng đều chẳng có. Vì thế, họ chẳng cần đến thân, sanh trong Vô Sắc Giới Thiên. Vô Sắc Giới có bốn tầng trời[1], thảy đều chẳng có thân, nên họ cũng chẳng có Hoại Khổ. Tuy chẳng có Hoại Khổ, họ có Hành Khổ. Hành Khổ là gì? Hành Khổ có nghĩa là chẳng thể giữ mãi cảnh giới ấy, vẫn là có kỳ hạn, cũng có nghĩa là họ vẫn có thọ mạng. Đến tầng trời cao nhất của Vô Sắc Giới là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên, thọ mạng là tám vạn đại kiếp, vẫn là hữu hạn! Tám vạn đại kiếp là cực hạn, công phu định lực của họ chỉ có thể duy trì lâu chừng ấy. Khi tám vạn đại kiếp đã qua, họ bị mất Định lực, lại đọa xuống, tiếp tục luân hồi. Trên là đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ thiên, dưới là đến A Tỳ địa ngục, mỗi người chúng ta chẳng biết đã trải qua bao nhiêu lượt? Hiện thời, hễ đầu thai vào đời này, chẳng nhớ chuyện trong đời trước. A La Hán có Túc Mạng Thông, biết chuyện trong đời quá khứ, nghĩ đến chuyện trước kia trong địa ngục, thân toát “huyết hãn” (mồ hôi pha lẫn máu)! Mồ hôi đỏ rực, tức là vẫn còn sót lại sự kinh hãi, hoảng sợ!
Hoặc, Nghiệp, Khổ là nguyên lý luân hồi trong lục đạo. Do mê nên bất giác, cho nên mới tạo tác. Tạo tác thiện pháp, thiện pháp của thiên đạo là Ngũ Giới, Thập Thiện, Tứ Thiền, Bát Định, Tứ Vô Lượng Tâm tức Từ, Bi, Hỷ, Xả, tu những điều ấy sẽ sanh thiên. Kinh Phật gọi người thật sự giác ngộ là bậc Chánh Giác. Do vậy có thể biết, sanh trong Sắc Giới Thiên hoặc Vô Sắc Giới Thiên là giác, tuy giác vẫn chẳng thể coi là chánh, vì sao? Chẳng thoát tam giới, không thể coi như Chánh Giác được. Nhất định phải chứng đắc A La Hán thì mới coi như là Chánh Giác, vì sao? Sự giác ngộ của Ngài cao minh hơn bọn họ, đã thoát khỏi tam giới. Tam giới đến tột đỉnh vẫn phải luân hồi. Đã vượt thoát tam giới, vượt thoát lục đạo luân hồi, người như vậy mới gọi là Chánh Giác. Cao hơn nữa, Bồ Tát là Chánh Đẳng Chánh Giác, Phật là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
“Hoặc, Nghiệp, Khổ tam đạo, đương thể tức thị Tam Đức bí tạng” (Hoặc, Nghiệp, Khổ tam đạo, bản thể của chúng là Tam Đức bí tạng). Tam Đức là Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát. Hoặc, Nghiệp, Khổ là Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát. Hoặc là Bát Nhã, Nghiệp là Giải Thoát, Khổ là Pháp Thân. Khổ là quả báo, quả báo là Pháp Thân! Cách nói này hoàn toàn tuân theo cách nhìn từ Thể, quan sát từ Thể, đã hiểu rõ thì quý vị mới thật sự thấy Tướng và tác dụng. Nói theo kinh Đại Thừa, cái được thấy ấy là Thật Tướng của các pháp. Có mười pháp giới hay không? Người mê thấy có; Phật, Bồ Tát chẳng thấy có! Phật, Bồ Tát thấy mười pháp giới đều là Phật, là một pháp giới. Trong hội Hoa Nghiêm và Viên Giác, đức Thế Tôn đã dạy chúng ta: “Hết thảy chúng sanh vốn đã thành Phật”. Phật thấy chúng ta thảy đều là Phật, chúng ta thấy Phật cũng là chúng sanh, cách nhìn khác nhau.
Vì sao có mười pháp giới? Vì quý vị có phân biệt, có chấp trước, nên mới có mười pháp giới. Đây là Phật, kia là Bồ Tát, nọ là La Hán, đó là ngạ quỷ, đó là địa ngục, quý vị phân biệt [như vậy]. Bồ Tát chẳng dùng cái tâm phân biệt, chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, thấy thứ gì cũng như nhau, chẳng khác nhau! Lìa khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước, vạn pháp như nhau. Quý vị nói thiện hay ác thì thiện hay ác là do phân biệt nên mới có. Quý vị nói Giới, Định, Huệ, hay nói tham, sân, si, cũng do phân biệt, chấp trước nên mới có. Lìa khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước, lại hỏi quý vị: Có còn tham, sân, si hay không? Nếu quý vị nói là có, tức là vẫn còn phân biệt, chấp trước. Quý vị nói “chẳng có” thì “chẳng có” cũng vẫn là phân biệt, chấp trước. Nếu quý vị chẳng phân biệt, chấp trước, cớ sao biết là chẳng có? Làm như thế nào đây? Thiền Tông giải quyết bằng cách tốt nhất! Hỏi quý vị, [trả lời là] Có thì đập cho ba mươi hương bản, [đáp] “chẳng có”, vẫn đánh ba mươi hương bản. Chư vị có hiểu hay không? Thiền Tông thường hỏi “hội ma” (會麼)? [Nghĩa là] có hiểu hay chưa? Chẳng phải có, chẳng phải không, cũng có cũng không, quyết định chẳng thể khởi tâm động niệm. Do vậy, ở đây, tâm địa thật sự thanh tịnh, một niệm chẳng sanh, vạn tướng như như! Mới có phân biệt, liền rớt vào Đệ Nhị Nghĩa, chẳng phải là Đệ Nhất Nghĩa; mới động một niệm, liền rớt trong tâm ý thức. Trong hết thảy cảnh giới, Phật và các đại Bồ Tát quyết định chẳng có phân biệt, chấp trước.
Quý vị đừng nhìn Phật, Bồ Tát theo kiểu thân tình: “Con mỗi ngày lạy các Ngài, cúng dường các Ngài, Phật, Bồ Tát phải nên đối xử rất tốt đẹp với con, thường hộ niệm con!” Phật, Bồ Tát hộ niệm hết thảy chúng sanh là lẽ đương nhiên, chẳng sai! Chắc chắn là có thể nói như vậy! Nhưng quý vị lạy lục, nịnh nọt các Ngài, mong các Ngài đặc biệt chiếu cố quý vị, tuyệt đối chẳng có đạo lý ấy! Quý vị thường ngày chẳng lạy lục, chẳng cúng dường các Ngài, các Ngài vẫn quan tâm, chiếu cố quý vị. Vì sao? Vì các Ngài chẳng có tâm, tức là chẳng có vọng tâm. Hễ chúng sanh có cảm, các Ngài bèn có ứng. Kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Thuận theo tâm chúng sanh mà ứng với khả năng tiếp nhận của họ”. Phật, Bồ Tát ở chỗ nào? Không đâu chẳng tồn tại! Chỉ cần chúng ta thật sự dùng cái tâm thanh tịnh để niệm danh hiệu của Phật, Bồ Tát, thì Phật, Bồ Tát lập tức có cảm ứng. Phải dùng tâm thanh tịnh để niệm, phải dùng tâm cung kính để niệm, phải dùng tâm chí thành để niệm. Nay chúng ta niệm Phật, niệm Bồ Tát, cầu gì cũng đều chẳng cầu được. Vì sao? Chẳng phải là Bồ Tát không linh, mà vì tâm chúng ta chẳng thanh tịnh. Hằng ngày lạy lục: “Bồ Tát ơi! Xin Ngài phù hộ cho con, phù hộ cho con mở mang trí huệ”, cầu như vậy sẽ chẳng linh, vì sao? Trong tâm quý vị có phân biệt, chấp trước, tâm ấy chẳng thanh tịnh, làm sao có cảm ứng cho được? Sách Liễu Phàm Tứ Huấn có nói về lòng chí thành như sau: “Một niệm chẳng sanh thì gọi là Thành”. Thành tâm thành ý niệm Quán Âm Bồ Tát bèn niệm Quán Âm Bồ Tát, niệm A Di Đà Phật là niệm A Di Đà Phật, trong ấy, quyết định chẳng xen tạp chút gì, sẽ có cầu ắt ứng! Chúng ta chẳng cần thưa với các Ngài: “Bồ Tát ơi! Con nay đang gặp khó khăn như thế nào đó”. Các Ngài đã biết từ lâu, quý vị cần gì phải thưa thốt? Hễ quý vị khởi tâm động niệm thưa trình, tâm ấy chẳng thanh sạch, tức là chẳng có lòng thành!
Quý vị niệm kinh Vô Lượng Thọ rất thông thuộc, [đã thấy] trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, đừng nói là A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí, ngay cả người vãng sanh trong hạ phẩm hạ sanh đều là Thiên Nhãn thấy thấu suốt, Thiên Nhĩ nghe thông suốt, Tha Tâm biết trọn khắp, chúng ta còn cần phải thưa thốt chi nữa? Điều gì cũng chẳng cần phải thưa trình! Chỉ cần tâm thanh tịnh, tâm cung kính, tâm kiền thành, chúng ta niệm Phật, lễ Phật, bái Phật, bất cứ thứ gì chúng ta đang thiếu khuyết thì sẽ chẳng bị thiếu khuyết, thứ gì cũng đều có. Các Ngài đều biết, chẳng cần thưa trình từng chuyện một. Thưa trình với các Ngài từng chuyện một, tức là chúng ta đang hằng ngày dấy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tâm của chính mình chẳng chân thành. Do đó, quý vị mong cầu, sẽ cầu chẳng được. Không cầu mà điều gì cũng đều đạt được! Đạo lý ở ngay chỗ này. Hễ quý vị có cầu, hãy xóa bỏ ý niệm ấy, chuyên niệm A Di Đà Phật, chuyên niệm Quán Âm Bồ Tát, hoặc là chuyên niệm kinh Vô Lượng Thọ đều được, niệm kinh A Di Đà cũng được, chỉ cần chuyên! Tiếp theo đây, đại sư lại trích dẫn một đoạn trong Đại Thừa Khởi Tín Luận:
(Diễn) Khởi Tín vân: “Nhược ly giác tánh, tắc vô bất giác, nhược ly bất giác chi tâm, tắc vô chân giác tự tướng khả thuyết”.
(演) 起信云:若離覺性,則無不覺,若離不覺之心,則無真覺自相可說。
(Diễn: Khởi Tín Luận nói: “Nếu lìa giác tánh sẽ không có bất giác, nếu lìa cái tâm bất giác, sẽ chẳng có tự tướng chân giác để có thể nói”).
Đây là nói tương phản. Giác tánh là Chân Như bổn tánh. Nếu lìa khỏi giác tánh thì bất giác cũng chẳng có. Bất giác chẳng có, thì thưa cùng quý vị, giác cũng chẳng có! Vì giác và bất giác đều là tự tánh khởi tác dụng. Rời khỏi Thể, làm sao còn có Dụng được nữa? Chẳng thể nào! Đây là bảo với chúng ta: Tuy Tam Độc phiền não rất nặng, quý vị đừng nên sợ hãi, vì sao? Phiền não tức là Bồ Đề. Chỉ cần chuyển được ý niệm là được rồi, hãy chuyển nó. Chuyển biến tham, sân, si thành Giới, Định, Huệ. Chuyển ý niệm là được rồi, nghiệp chướng thảy đều tiêu trừ. Cách chuyển như thế nào? Nói thật ra, phương pháp thù thắng nhất, xảo diệu nhất, ổn thỏa, thích đáng nhất là niệm A Di Đà Phật, hoàn toàn chuyển cái tâm ấy thành A Di Đà Phật, A Di Đà Phật trọn đủ Giới, Định, Huệ. Phải thường niệm, phải nghiêm túc niệm, dũng mãnh niệm thì mới chuyển biến ý niệm được! Hễ chẳng niệm, tham, sân, si lại dấy lên, đó là tập khí phiền não quá nặng, cho nên phải nghiêm túc nỗ lực niệm.
“Nhược ly bất giác chi tâm, tắc vô chân giác tự tướng khả thuyết” (Nếu lìa cái tâm bất giác, sẽ chẳng có tự tướng chân giác để có thể nói). Giác và bất giác đều là tự tánh khởi tác dụng, quyết định chẳng thể lìa Thể. Thể là chân thật, Thể là một, nhưng hiện tướng (tướng được biến hiện bởi Thể) và tác dụng thì luôn luôn biến hóa, tùy thuộc mức độ mê hay giác của chúng ta mà biến hóa. Tu học thông thường, tuy có lúc giác, đã giác rồi nhưng vẫn thường bị đọa, vẫn bị mê, ta thường nói là “thoái chuyển”. Mê khi cách ấm là một hiện tượng hết sức đáng sợ, mà cũng chẳng có cách nào tránh khỏi. Nếu muốn tránh khỏi, đức Phật bảo chỉ có một phương pháp là cầu sanh Tịnh Độ. Nếu chẳng cầu sanh Tịnh Độ, sẽ giống như kinh Vô Lượng Thọ đã nói “hà miễn luân hồi?”, [nghĩa là] quý vị chẳng có cách nào tránh khỏi luân hồi! Hễ luân hồi, thoái chuyển, quyết định là chẳng có cách nào tránh khỏi bị mê khi cách ấm! Người thật sự giác ngộ triệt để, bậc đại triệt đại ngộ là người như thế nào? Là người nhất tâm nhất ý phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Thưa cùng quý vị, còn ngộ rốt ráo, ngộ triệt để hơn người triệt ngộ Thiền Tông! Người đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh trong Thiền Tông chưa chắc cầu sanh Tịnh Độ. Nếu người ấy chẳng cầu sanh Tịnh Độ, sẽ vẫn bị luân chuyển, vẫn bị lui sụt. Chúng ta nhất định phải biết điều này!
(Diễn) Thiện đạo, ác đạo tất giai như huyễn giả, tham đẳng nãi ác đạo chi bổn, giới đẳng vi thiện đạo chi nhân.
(演) 善道惡道悉皆如幻者,貪等乃惡道之本,戒等為善道之因。
(Diễn: Thiện đạo và ác đạo đều như huyễn, tham v.v… là cái gốc của ác đạo, giới v.v… là cái nhân của thiện đạo).
“Bổn” là nói tới căn bản. Nhân duyên của ác đạo vô lượng, chẳng phải vì một hai nguyên nhân mà đọa ác đạo, mà do vô lượng nhân duyên! Trong vô lượng nhân duyên, chúng ta tìm một nhân duyên trọng yếu nhất, tìm cái nhân bậc nhất. Cái nhân bậc nhất chính là tham, sân, si. Người tâm tham nặng nề đọa ngạ quỷ đạo, tâm sân khuể nặng nề là nghiệp nhân địa ngục, ngu si nặng nề là nghiệp nhân của súc sanh đạo. Ngu si là gì? Tôi nói một lời chân thật cùng chư vị, trong hết thảy Đại Thừa Phật pháp, quý vị chẳng muốn chọn lựa niệm Phật đới nghiệp vãng sanh thì là ngu si, vì sao? Quý vị chẳng thể thành tựu trong một đời này! Ngu si, nói đơn giản là chẳng thể phân biệt chân, vọng. Cổ đức đã so sánh hết thảy các kinh, trong Chú Giải kinh Vô Lượng Thọ, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã trích dẫn lời [luận định] của các vị đại đức trong thời đại Tùy – Đường: Đối với “nhất đại thời giáo” của đức Thế Tôn, [tức là đối với] hết thảy các giáo pháp do Ngài đã giảng trong bốn mươi chín năm, nếu đều so sánh trọn hết thì Hoa Nghiêm là bậc nhất. Những gì ở ngoài Hoa Nghiêm đều là bậc hai, bậc ba. So sánh giữa Hoa Nghiêm và kinh Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ bậc nhất, Hoa Nghiêm chẳng sánh bằng. Đó là sự nhận thức về chân và giả.
Kinh Vô Lượng Thọ là pháp chân thật, nên kinh đã nói về ba thứ chân thật. Quý vị thấy trong tất cả kinh Đại Thừa, kinh nào có cách nói như vậy? “Khai hóa hiển thị chân thật chi tế”, Chân Thật Chi Tế là Chân Như bổn tánh. “Trụ chân thật huệ”, quý vị tin tưởng, đọc tụng kinh điển này, thật thà niệm một câu danh hiệu A Di Đà Phật, tâm quý vị an trụ nơi đâu? Trong chân thật huệ. Tâm trụ chân thật huệ, tâm ta sẽ đặt nơi kinh, suốt ngày từ sáng đến tối nghĩ đến kinh! Nói thô thiển một chút thì “trụ” (住) là vấn vương, trong tâm luôn nghĩ tưởng đến chuyện ấy, tâm ta nghĩ tưởng điều gì? Nghĩ tưởng kinh Vô Lượng Thọ, mơ tưởng A Di Đà Phật, thứ gì khác cũng đều chẳng màng! Chỉ vương vấn một điều này, tâm ta đặt nơi A Di Đà Phật, nơi kinh Vô Lượng Thọ. “Huệ dĩ chân thật chi lợi” (Ban cho lợi ích chân thật): Lợi ích chân thật, lợi ích hiện tiền, thưa cùng quý vị, đó là vô lượng thọ, khỏe mạnh, sống lâu, trăm bệnh chẳng sanh! Tâm quý vị thanh tịnh, thân thanh tịnh; thân tâm thanh tịnh lẽ nào ngã bệnh? Đúng là đạt được vô lượng thọ. Trong một đời, chúng ta đến Tây Phương Cực Lạc thế giới thành Phật!
Vãng sanh là vãng sanh trong khi còn sống, chẳng phải là chết rồi mới vãng sanh. Vì thế, chứng đắc vô lượng thọ khi nào? Chứng đắc ngay trong hiện tại! Vãng sanh thế giới Cực Lạc, quý vị thấy A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, quý vị bảo mọi người: “Giã biệt, tôi đi đây!”, theo A Di Đà Phật ra đi. Đi rồi mới chết, chẳng phải là chết rồi mới vãng sanh! Theo A Di Đà Phật ra đi, chẳng cần đến thân thể này nữa, vứt bỏ, có ý nghĩa như vậy đó! Pháp môn này xác thực là pháp môn bất tử, các pháp môn khác vẫn phải chết! Pháp môn này bất tử. Do đó, quý vị nói đến khổ, ba khổ, hay tám khổ, chỉ cần quý vị nghiêm túc tu tập pháp môn này, [các nỗi khổ ấy] thảy đều đoạn sạch, ba khổ, tám khổ đều chẳng có, vì sao? Quý vị bất tử. Đối với sự thật thù thắng này mà quý vị chẳng hiểu rõ ràng, nếu quý vị không ngu si thì ai ngu si? Trong hết thảy các pháp, cái nào là thật, cái nào là giả, cái nào là chánh, cái nào là tà, cái nào là thiện, cái nào là ác, gì là lợi, gì là hại, quý vị thảy đều chẳng hiểu rõ ràng, đó gọi là ngu si. Ngu si đọa súc sanh. “Tham đẳng” là tham, sân, si, đó là căn bản của ba ác đạo. “Giới, Định, Huệ thị thiện đạo chi nhân”, đó là nghiệp nhân của ba thiện đạo. Quý vị có thể trì Ngũ Giới, Thập Thiện, có thể tu Tứ Thiền, Bát Định, có thể chọn lựa Dục Giới Thiên, Sắc Giới Thiên, Vô Sắc Giới Thiên, đó đều là trí huệ. Vì thế, Giới, Định, Huệ là cái nhân của thiện đạo.
(Diễn) Tham, sân, si ký tức Giới, Định, Huệ, tắc ác đạo như huyễn. Giới, Định, Huệ bất ly tham, sân, si, tắc thiện đạo diệc như huyễn hỹ.
(演) 貪瞋痴既即戒定慧,則惡道如幻。戒定慧不離貪瞋痴,則善道亦如幻矣。
(Diễn: Tham, sân, si đã chính là Giới, Định, Huệ, nên ác đạo như huyễn. Giới, Định, Huệ chẳng lìa tham, sân, si, nên thiện đạo cũng như huyễn).
Không chỉ lục đạo là như huyễn. Trong kinh Kim Cang, đức Phật đã nói rất hay: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Ngài còn nói: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”. Vì sao nói là như huyễn? Vì sao nói là hư vọng? Vì lục đạo luân hồi, ba thiện đạo, ba ác đạo đều chẳng thật. Phật pháp nói đến chân và vọng thì có một định nghĩa [như sau]: Hễ nói là chân thì có nghĩa là vĩnh viễn chẳng thay đổi. Phàm những gì có thể biến đổi, sẽ chẳng phải là chân. Quý vị nghĩ xem: Có đường nào trong lục đạo vĩnh viễn chẳng biến đổi? Chúng đều luôn biến đổi, lại còn biến đổi trong từng sát-na. Có phải là con người chúng ta từ nhỏ đến già liền già ngay hay không? Chẳng hề! Mỗi năm một già hơn, mỗi tháng một già hơn, mỗi ngày một già hơn! Lại thưa cùng quý vị, mỗi phút một già hơn, mỗi giây một già hơn, già đi trong từng sát-na, chẳng thể ngưng nghỉ! Vì thế, sự biến hóa ấy là biến hóa trong từng sát-na, phải hiểu đạo lý này. Nếu quý vị thật sự hiểu rõ nguyên nhân này, lại có năng lực tiêu trừ nguyên nhân ấy, sẽ trường sanh bất lão.
Quý vị có muốn biết nguyên nhân ấy hay không? Tôi nói cho quý vị biết: Nguyên nhân chính là ý niệm. Chúng ta dấy lên một niệm, niệm ấy diệt, bèn gọi là “sanh diệt tâm”. Tâm của quý vị là cái tâm sanh diệt, lại còn là sanh diệt trong từng sát-na, nên hết thảy vạn pháp vô thường! Chúng ta đã hiểu nguyên nhân ấy, tiêu trừ nguyên nhân ấy như thế nào đây? Chúng ta tu cái tâm chẳng sanh diệt. Chỉ cần tâm chẳng sanh diệt, thưa cùng quý vị, hết thảy vạn pháp cũng bất sanh bất diệt, tuyệt diệu thay! Hết thảy vạn pháp bất sanh bất diệt. Đại Kinh bảo: Chúng ta thấy hết thảy vạn pháp là tướng sanh diệt, là vô thường. Phàm những gì có tướng đều là hư vọng; nhưng chư Phật nhìn vào vạn tướng thì phàm những gì có tướng đều là thật tướng! Nhất là trong các kinh Đại Thừa, như kinh Pháp Hoa đã nói về cảnh giới Như Lai như sau: “Thường tự tịch diệt tướng”. Hết thảy vạn pháp thanh tịnh, tịch diệt, chẳng có sanh diệt. Các Ngài thấy chẳng sanh diệt, chúng ta thấy có sanh diệt, lạ thay! Chúng ta dùng cái tâm sanh diệt để nhìn cảnh giới. Vì vậy, đức Phật nói “cảnh chuyển theo tâm”, chẳng sai tí nào! Trong Liễu Phàm Tứ Huấn, có không ít chỗ nói đến Phong Thủy. Phật pháp nói về Phong Thủy cao minh nhất: Cảnh chuyển theo tâm. “Nếu có thể chuyển cảnh, ắt giống Như Lai”. Chúng ta mong cầu điều này, mong có thể chuyển cảnh giới, chẳng bị cảnh giới xoay chuyển. Chuyển cảnh giới như thế nào? Học sao cho tâm chẳng động trong cảnh giới. Lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần, phải chẳng khởi tâm, chẳng động niệm trong cảnh giới, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, vạn pháp như như. Phải tinh tấn hướng đến cảnh giới nơi quả địa Như Lai, “hướng” (向) là nỗ lực học tập theo phương hướng ấy, đưa chính mình đến một cảnh giới khác, quay trở lại nhìn cảnh giới này, sẽ chẳng khác gì cách nhìn của chư Phật và chư đại Bồ Tát. Đó là thật sự giác.
Đại Kinh nói “huệ dĩ chân thật chi lợi”, đấy là lợi ích đạt được ngay lập tức trong hiện tiền. Tôi tin tưởng, nghiêm túc niệm bản kinh Vô Lượng Thọ này. Tôi dạy mọi người một phương pháp, quý vị niệm hằng ngày từ ba biến đến năm biến, nếu quý vị thật sự niệm được nửa năm, nhất định sẽ khác hẳn. Nếu có thể thường niệm, thường tư duy giáo huấn trong kinh, trong cuộc sống hằng ngày, hễ gặp cảnh giới gì, bèn nghĩ trong kinh đã dạy chúng ta làm như thế nào, quý vị đạt được lợi ích càng thù thắng, đạt được càng nhiều, càng thù thắng hơn. Công phu ấy chớ nên ngưng nghỉ giữa chừng, phải tiếp tục nỗ lực thực hiện chẳng ngừng, cảnh giới của quý vị sẽ mỗi năm một tốt đẹp hơn, mỗi tháng một tốt đẹp hơn.
Do vậy phải hiểu: Lục đạo đều là như huyễn, như hóa, như mộng, huyễn, bọt, bóng. [Vậy thì] trong lục đạo, quý vị còn chấp trước chi nữa? Còn có gì để so đo nữa? Hoảng nhiên đại ngộ chân tướng sự thật này, trong cảnh giới, chúng ta xác thực là chẳng phân biệt, không chấp trước, không dấy vọng tưởng! Quý vị sẽ sống hết sức tự tại, hết sức vui sướng, thật sự đạt tới lìa khổ được vui. Ở trong hoàn cảnh bèn tùy duyên, chẳng phan duyên, suốt ngày từ sáng đến tối hoan hỷ, pháp hỷ sung mãn, thấy điều gì cũng đều tự tại, thấy điều gì cũng đều vô ngại, như vậy thì mới có thể khế nhập Thật Tướng.
(Diễn) Hựu tham, sân, si, Giới, Định, Huệ, nhân dã, thiện đạo, ác đạo quả dã, nhân ký toàn không, quả phục hà hữu? Cố tất như huyễn.
(演) 又貪瞋痴戒定慧因也,善道惡道果也,因既全空,果復何有?故悉如幻。
(Diễn: Lại nữa, tham, sân, si, Giới, Định, Huệ là nhân; thiện đạo, ác đạo là quả. Nhân đã hoàn toàn không, làm sao có quả nữa? Vì thế, đều là như huyễn).
Kết luận được nêu ra rất triệt để, cũng có cùng một ý nghĩa với lời Sao: “Huyễn vô tự tánh, duy thị nhất tâm, nhất tâm bất sanh, vạn pháp câu tức” (Huyễn chẳng có tự tánh, chỉ là nhất tâm. Nhất tâm chẳng sanh, vạn pháp đều dứt bặt). Chữ “huyễn” chỉ nhân quả của lục đạo, mà cũng là Hoặc, Nghiệp, Khổ. Hoặc, Nghiệp, Khổ đều là huyễn. Vì sao nói Hoặc, Nghiệp, Khổ đều là huyễn? Vì Hoặc, Nghiệp, Khổ đều là pháp hữu vi! Pháp hữu vi là gì? Trong Bách Pháp Minh Môn Luận, tất cả hết thảy các pháp được chia thành hai loại lớn: Một loại lớn là pháp hữu vi, loại kia là pháp vô vi. Pháp hữu vi lại được chia thành bốn hạng mục lớn là tâm pháp, tâm sở hữu pháp, tâm bất tương ứng hành pháp, và sắc pháp, gồm có tất cả chín mươi bốn pháp; sáu pháp sau cùng được gọi là pháp vô vi. Kinh Kim Cang đã nói: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, cũng như chớp, hãy nên quán như thế”. Quý vị biết Hoặc, Nghiệp, Khổ đều là pháp hữu vi. Hoặc nghiệp là nhân, Khổ là quả báo. Nhân như huyễn, quả cũng như huyễn, nhân lẫn quả đều là như huyễn. Mọi người ngàn muôn phần đừng hiểu lầm “nhân là rỗng không, quả cũng là rỗng không”, vậy thì nay ta làm chuyện xấu nhiều hơn một chút cũng chẳng sao, nhân quả đều không mà! Trong cái nhìn của Phật, Bồ Tát, chúng là Không.
Chúng tôi lại nêu tỷ dụ để quý vị có thể lý giải. Nằm mộng có phải là rỗng không hay chăng? Chúng ta biết nằm mộng là rỗng không, chẳng thật. Nếu quý vị mỗi ngày gặp ác mộng, quý vị có cảm thấy cuộc sống như vậy dễ thở hay chăng? Mỗi đêm đều mộng thấy có người muốn tới giết hại quý vị, trừng trị quý vị rất thảm, có thoải mái hay chăng? Lục đạo luân hồi giống hệt như ác mộng, chẳng thoải mái! Giả, chẳng sai, nó giả trất, nhưng quý vị hứng chịu và cảm nhận thật sự cái giả ấy! Tới ngày nào đó, quý vị chẳng còn hứng chịu cái giả ấy, sẽ giống như Như Lai và các đại Bồ Tát. Quý vị có cách nào ở trong giả mà đối với khổ, lạc, ưu, hỷ, xả thảy đều chẳng hứng chịu hay không? Quý vị có thể chẳng còn hứng chịu hết thảy những sự khổ, lạc, ưu, hỷ, xả, thì trong Phật pháp có một danh từ mô tả điều này: Quý vị đã đắc Chánh Thọ. Chánh Thọ là tam-muội, là Thiền Định. Chánh Thọ là khổ, lạc, ưu, hỷ, xả thảy đều chẳng lãnh chịu.
Năm thứ Thọ ấy (khổ, lạc, ưu, hỷ, xả) là tạm có, nhưng không chân thật. Khổ, lạc, ưu, hỷ, xả chẳng thật, khi mê thì có, lúc đã giác bèn chẳng có. Từ A La Hán trở lên bèn chẳng có. A La Hán đã đắc Chánh Thọ, chẳng có khổ, lạc, ưu, hỷ, xả; lục đạo phàm phu mới có! Quý vị nằm mộng, trong mộng bỗng dưng biết: Cớ sao ta nay đang nằm mộng? Mộng thấy cọp ăn thịt, quý vị rất khẳng khái: “Ta hành Bồ Tát đạo, ta xả thân cho cọp xơi!” Quý vị sẽ rất vui vẻ thực hiện, vì sao? Quý vị biết đó là giả, nhân và quả đều là giả, quý vị chẳng sợ hãi! Chính vì quý vị chẳng biết là đang nằm mộng, gặp phải cọp sắp ăn thịt quý vị, sợ đến nỗi toàn thân đẫm mồ hôi lạnh, khiến cho quý vị kinh hãi tỉnh giấc, chẳng biết chân tướng sự thật. Do vậy, đức Phật dạy chúng ta chân tướng của lục đạo.
Nếu thật sự hiểu chân tướng, con người sẽ thay đổi, biến thành như thế nào? Biến thành giống như Bồ Tát, cũng có nghĩa là chẳng có quan niệm được mất. Trong hết thảy các pháp, chẳng được, chẳng mất, người ấy tự tại lắm! Vì đều là rỗng không, há có được? Nếu chẳng có được, há có mất? Chẳng có được mất, liền tự tại. Nay chư vị đã nghe đạo lý này, thử xem quý vị có thể buông bỏ lẽ được mất hay chăng? [Chẳng buông bỏ được] tức là quý vị chẳng thật sự hiểu. Thật sự đã hiểu, nhất định là ngay lập tức vứt bỏ tâm được mất. Vì sao? [Nó chính là] cội khổ, gốc mê, đương nhiên phải bỏ đi! Vẫn chẳng bỏ được, tức là quý vị vẫn chưa nghe hiểu lời ấy! Nghe là nghe vậy thôi, chẳng hiểu! Chẳng thể thấu hiểu ý nghĩa thật sự!
Nói thật ra, Phật pháp là “biết khó, hành dễ”, tu chứng Phật pháp dễ dàng, dễ như lật bàn tay, chuyển mê thành ngộ! Khó ở chỗ nào? Khó ở chỗ “biết khó”, nhận biết chân tướng sự thật, hiểu đạo lý thì khó, rất ư là khó. Vì biết khó như vậy, nên Thích Ca Mâu Ni Phật xót lòng rát miệng khuyên bảo, giảng giải suốt bốn mươi chín năm! Hành rất dễ dàng, niệm A Di Đà Phật! Ông Châu Quảng Đại ở Washington DC niệm ba ngày ba đêm liền vãng sanh, quý vị thấy dễ dàng quá đi chứ! Ông ta ngay lập tức thấy A Di Đà Phật, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Kinh Di Đà nói “hoặc một ngày cho đến hoặc bảy ngày”, dễ dàng nhất là một ngày thành công! Ông Châu Quảng Đại vẫn còn phải làm ba ngày ba đêm, là người căn tánh bậc trung. Người căn tánh bậc thượng chỉ cần một ngày, quý vị thấy dễ dàng quá! Nhưng quý vị muốn hiểu rõ đạo lý và chân tướng sự thật này, chẳng phải là chuyện đơn giản!
Vì thế, hãy nên hiểu “huyễn vô tự tánh”, tự tánh là tự thể, nó chẳng có tự thể. “Duy thị nhất tâm” (Chỉ là nhất tâm), nhất tâm là bổn tánh, là Chân Như bổn tánh. Tận hư không khắp pháp giới, kinh Phật nói là y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, người thế tục nói là vũ trụ và nhân sinh, Phật pháp gọi vũ trụ và nhân sinh là y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. Sử dụng danh từ khác nhau, nhưng ý nghĩa hoàn toàn giống nhau. Những thứ ấy là gì? Chỉ là nhất tâm! Chuyện này ai thật sự biết? Tại Trung Hoa, chúng ta chỉ thấy Lục Tổ biết, lão nhân gia nói: “Nào ngờ tự tánh, vốn sẵn trọn đủ; nào ngờ tự tánh, có thể sanh vạn pháp”. Vạn pháp là cái được sanh ra, cái có thể sanh là nhất tâm, nhất tâm là tự tánh. Tự tánh có thể sanh là thật, vĩnh viễn không thay đổi, vĩnh viễn bất hoại. Cái được sanh ra chính là hiện tướng, vạn pháp là giả, vì nó biến hóa trong từng sát-na. Do đó, cái được sanh là huyễn, cái có thể sanh là thật. “Nhất tâm bất sanh, vạn pháp câu tức” (Nhất tâm chẳng sanh, vạn pháp đều diệt). Trong Chứng Đạo Ca, Vĩnh Gia đại sư đã nói rất minh bạch, lão nhân gia nói: “Giác rồi ba cõi rỗng toang hoang”, giác gì vậy? Giác tâm bất động, giác tâm vô niệm. Vì lẽ đó, tông chỉ của nhà Thiền là “vô niệm vi Tông” (lấy vô niệm làm Tông), nhà Thiền tu hành là tu vô niệm. Tông chỉ tu hành của Tịnh Độ Tông là “nhất tâm bất loạn”. Nhà Thiền nói nhất tâm là vô niệm, cách nói khác nhau, nhưng ý nghĩa và cảnh giới tương đồng. “Nhất tâm bất sanh, vạn pháp câu tức” chính là giác rồi, trống rỗng chẳng có tam thiên đại thiên. Không chỉ chẳng có lục đạo, mà mười pháp giới cũng chẳng có! Lục đạo là huyễn, chẳng có tự tánh. Mười pháp giới cũng là huyễn, chẳng có tự tánh.
Tứ thánh là hiện tướng và tác dụng do tâm giác ngộ hiện ra. Lục đạo luân hồi là hiện tướng và tác dụng do mê tâm hiện ra. Tuy là một tâm giống hệt nhau, cùng do một tâm khởi tác dụng, nhưng cảm nhận khổ vui sai biệt rất lớn. Đại chủ ý, đại mục tiêu trong giáo học Phật pháp là phá mê khai ngộ, nơi quả là “lìa khổ, được vui”. Mê là khổ nhân, lục đạo luân hồi là khổ quả. Giác ngộ là lạc nhân, tứ thánh pháp giới là lạc quả. Hôm nay chúng tôi giảng đến đoạn này!
[1] Vô Sắc Giới (Arūpadhātu) gồm: Không Vô Biên Xứ (Ākāśanantyāyatana), Thức Vô Biên Xứ (Vijñānanantyāyatana), Vô Sở Hữu Xứ (Ākiṃcanyāyatana), Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Naivasaṃjñā-nāsaṃjñāyatana).