#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 01-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 282
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm chín mươi lăm:
(Sớ) Hựu Pháp Hoa cực tán thuyết kinh chi nan, diệc đồng thử ý.
(Sao) Pháp Hoa cực tán giả, vị tận thuyết dư kinh, thủ trịch Tu Di, túc động đại thiên, giai vị vi nan, năng ư ác thế, thuyết Pháp Hoa kinh, thị tắc vi nan. Kim kinh nan thuyết, diệc phục như thị.
(Diễn) Vị tận thuyết dư kinh, thủ trịch Tu Di, túc động đại thiên đẳng giả, thị Đa Bảo phẩm, Như Lai phổ cáo đại chúng chi từ. Tận thuyết dư kinh như Hằng hà sa, cố thị nan sự, nhiên giai xứng cơ chi đàm, nhân diệc dị tín, bất túc vi nan. Nhược dĩ thủ chưởng tiếp Tu Di, nhi trịch phương ngoại, hựu dĩ túc chỉ động đại thiên, nhi trịch tha quốc, tuy giai nan sự, nhiên hữu thần thông đạo lực giả, tức năng vi chi, do vị vi nan.
(疏)又法華極讚說經之難,亦同此意。
(鈔)法華極讚者,謂盡說餘經,手擲須彌,足動大千,皆未為難,能於惡世說法華經是則為難,今經難說亦復如是。
(演)謂盡說餘經。手擲須彌。足動大千等者。是多寶品。如來普告大眾之辭。盡說餘經如恆河沙。固是難事。然皆稱機之談。人亦易信。不足為難。若以手掌接須彌而擲方外。又以足指動大千而擲他國。雖皆難事。然有神通道力者。即能為之。猶未為難。
(Sớ: Lại nữa, kinh Pháp Hoa tán thán tột bậc sự khó khăn do nói kinh là cũng có cùng ý nghĩa này.
Sao: “Kinh Pháp Hoa tột bậc tán thán”, nghĩa là: Nói trọn hết các kinh khác, tay quăng núi Tu Di, chân đạp rúng động đại thiên thế giới, đều chưa phải là khó. Có thể ở trong đời ác nói kinh Pháp Hoa mới là khó. Nay kinh này khó nói, cũng giống như thế.
Diễn: “Nghĩa là nói trọn hết các kinh khác, tay quăng Tu Di, chân động đại thiên v.v…” chính là lời đức Như Lai bảo khắp đại chúng trong phẩm Đa Bảo. Nói trọn hết các kinh khác số nhiều như cát sông Hằng, cố nhiên là chuyện khó khăn, nhưng đều là bàn luận xứng hợp căn cơ, người ta cũng dễ tin, chẳng đáng coi là khó! Nếu dùng bàn tay đỡ lấy núi Tu Di, quăng ra ngoài phương khác. Lại dùng ngón chân lay động đại thiên, đá văng nó sang cõi nước khác, tuy đều là chuyện khó khăn, nhưng kẻ có thần thông đạo lực bèn có thể làm được, vẫn chưa phải là khó).
Kinh Pháp Hoa có một đoạn nói như vậy. “Tận thuyết dư kinh” (Nói trọn hết các kinh khác), “dư kinh” (餘經) là những kinh điển khác, cũng là trừ kinh Pháp Hoa ra. Kinh Pháp Hoa đến tột cùng nói điều gì? Nói đến sự thành tựu Phật quả viên mãn, cũng có nghĩa là nói một bộ kinh thành Phật, khó lắm! Nếu là dạy kẻ khác làm Bồ Tát, làm A La Hán, hoặc đạt được phước báo trong cõi nhân thiên, kinh luận như vậy hết sức nhiều, chẳng khó! Chỉ riêng kinh nói về đạo [tu hành] thành Phật thì khó.
Hai câu kế đó là tỷ dụ, “thủ trịch Tu Di” (tay quăng núi Tu Di). Núi Tu Di là một quả núi lớn nhất trong thế gian này, chúng ta giống như ném bóng rổ, cầm quả núi ấy trên tay quăng qua, ném lại. Đây là nêu tỷ dụ, chuyện ấy chẳng đáng coi là khó khăn. Nói thật ra, đó là chuyện chẳng thể nào có được! “Túc động đại thiên” (Chân lay động đại thiên thế giới): Tam thiên đại thiên thế giới là khu vực giáo hóa của một vị Phật. Chân chúng ta đạp lên đại thiên thế giới, có thể khiến cho toàn thể đại thiên thế giới đều chấn động. Đấy cũng chẳng phải là chuyện dễ dàng. Hình dung tột bậc chuyện ấy đều chẳng phải là chuyện khó khăn! Chỉ riêng trong đời ác nói kinh Pháp Hoa, hoặc những kinh thuộc cùng loại với kinh Pháp Hoa, “thị tắc vi nan” (thì là khó khăn). Kinh này và kinh Pháp Hoa thuộc cùng một loại, đều là kinh giảng giải về pháp viên thành Phật đạo.
(Diễn) Duy ư ác thế tuyên thuyết thử kinh, tối vi nan sự.
(演)唯於惡世宣說此經,最為難事。
(Diễn: Chỉ có trong đời ác, tuyên nói kinh này là chuyện khó nhất).
Khó ở chỗ nào?
(Diễn) Nhân bất tín cố, sanh oán tật cố, chiêu mạ lỵ cố, gia trượng mộc cố, nhược vô đại nguyện, sanh thoái khuất cố.
(演)人不信故,生怨嫉故,招罵詈故,加杖木故,若無大願生退屈故。
(Diễn: Do người ta chẳng tin, bèn sanh lòng oán ghét, ganh tỵ, [người nói kinh] chuốc lấy tiếng chửi bới, bị đánh đập. Nếu chẳng có đại nguyện, sẽ sanh lòng thoái khuất).
Quý vị nói kinh này cho họ nghe, người ta không chỉ là chẳng tin tưởng, chẳng thể tiếp nhận, mà còn oán hận. Nghe xong, tâm họ bực bội, lại còn ganh tỵ, còn chửi bới quý vị. “Trượng mộc” (杖木) là họ còn đánh đập quý vị. Nếu chẳng có đại nguyện chân thật, nghe [nói những nỗi gian nan như vậy] xong, cũng rất dễ ngã lòng.
(Diễn) Kim kinh nan thuyết diệc phục như thị giả, chúng sanh ngã mạn tâm cao, vô minh kiên hậu, bất khẳng tín thọ, đa sanh oán tật, diệc do thị dã.
(演)今經難說亦復如是者,眾生我慢心高,無明堅厚,不肯信受,多生怨嫉,亦猶是也。
(Diễn: Kinh này khó nói cũng giống như vậy, chúng sanh tâm ngã mạn cao ngất, vô minh dầy chắc, chẳng chịu tin nhận, sanh lắm nỗi oán hận, ganh tỵ, cũng giống như vậy đấy).
“Chúng sanh ngạo mạn tâm cao, vô minh kiên hậu” (Chúng sanh tâm ngã mạn cao ngất, vô minh dầy chắc): Chúng ta thấy trong xã hội hiện tiền, đại sư nói hai câu ấy xác thực là đã miêu tả hết sức chánh xác. “Bất khẳng tín thọ, đa sanh oán tật” (Chẳng chịu tin nhận, sanh lắm nỗi oán ghét, ganh tỵ): Trạng huống hoàn toàn giống như kinh Pháp Hoa đã nói trong phần trước.
(Sớ) Phục hữu nhị nghĩa.
(疏)復有二義。
(Sớ: Lại có hai ý nghĩa).
Còn có hai ý nghĩa.
(Sớ) Tiền nan phản hiển Cực Lạc đắc đạo vi dị, hậu nan phản hiển Cực Lạc thuyết pháp vi dị.
(疏)前難反顯極樂得道為易,後難反顯極樂說法為易。
(Sớ: Chuyện khó thứ nhất nêu bật sự tương phản: Trong Cực Lạc, đắc đạo dễ dàng. Điều khó sau đó nêu bật sự tương phản: Trong Cực Lạc, thuyết pháp dễ dàng).
“Tiền nan”: Trong phần trước đã nói, đức Thế Tôn thành Phật và thuyết pháp trong thế gian này khó khăn. Ngược lại, ta thấy trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, thành Phật dễ dàng. Văn Thù, Phổ Hiền, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong hội Hoa Tạng đều bằng lòng cầu sanh Tịnh Độ. Đạo lý ở chỗ nào? Thành Phật trong Tây Phương Cực Lạc thế giới dễ dàng, thuyết pháp dễ dàng.
(Sao) Đắc đạo dị giả, Bà Sa Luận vị niệm Phật vãng sanh, thừa Phật nguyện lực, vi dị hành đạo.
(鈔)得道易者,婆沙論謂念佛往生,乘佛願力,為易行道。
(Sao “Đắc đạo dễ dàng”: Tỳ Bà Sa Luận bảo niệm Phật vãng sanh, nương cậy nguyện lực của Phật là “đạo dễ hành”).
Thành tựu rất dễ dàng. Chúng ta đọc phần bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật trong kinh Vô Lượng Thọ, [sẽ thấy] nguyện nào cũng đều nhằm giúp đỡ hết thảy chúng sanh chứng đắc viên mãn Vô Thượng Bồ Đề ngay trong một đời. Đó là bổn nguyện công đức của A Di Đà Phật. Chúng ta niệm Phật vãng sanh chính là nương nhờ nguyện lực của Phật, mà cũng là do A Di Đà Phật gia trì, giúp đỡ, khiến cho chúng ta rất dễ chứng đắc Phật quả. Đó gọi là “dị hành đạo” (đạo dễ hành).
(Sao) Ngũ Trược ác thế, gian ư tu tấn, vi nan hành đạo cố.
(鈔)五濁惡世,艱於修進,為難行道故。
(Sao: Đời ác Ngũ Trược khó thể tấn tu, là “đạo khó hành”).
Thế giới hiện thời trược ác tột bậc. Chúng ta trong thì có phiền não, có tập khí, rất khó đoạn trừ; bên ngoài bèn có ngũ dục, lục trần dụ dỗ, mê hoặc, rất khó bài trừ. Trong có phiền não, ngoài có dụ hoặc, đạo nghiệp rất khó thành tựu. Một vạn người tu hành, khó có được đôi ba người thành tựu; nguyên nhân ở chỗ nào? Chẳng có cách nào bài trừ phiền não và sự dụ dỗ, mê hoặc. Chẳng thể chống nổi sự dẫn dụ, mê hoặc của phiền não. Vì thế, tu hành thường bị thất bại. Kế đó, nói về sự khó dễ trong thuyết pháp. Trong Tây Phương Cực Lạc, thuyết pháp dễ dàng.
(Sao) Thuyết pháp dị giả, bỉ quốc chư thượng thiện nhân.
(鈔)說法易者,彼國諸上善人。
(Sao: Thuyết pháp dễ dàng: Các vị thượng thiện nhân trong cõi ấy).
Nếu chẳng phải là bậc thượng thiện, sẽ chẳng thể vãng sanh. Kinh chẳng lập giới hạn đối với hai chữ “thượng thiện”, nhưng cổ đại đức bảo: Thượng thiện là bậc Đẳng Giác Bồ Tát, vì trên Pháp Vân Địa (Thập Địa) Bồ Tát còn có Đẳng Giác, chẳng thể coi [Thập Địa Bồ Tát] là tối thượng. Tối thượng trong hàng Bồ Tát là Đẳng Giác Bồ Tát, lên cao hơn nữa là thành Phật, chẳng tính. Vì thế, cách nói ấy cũng thông suốt.
Đối với “thượng thiện”, tôi có cách nhìn khác biệt. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, đức Phật đã nói “Tịnh nghiệp tam phước”, điều thứ nhất là nhân thiên thiện, điều thứ hai là Nhị Thừa thiện, điều thứ ba là Bồ Tát thiện. Nếu chúng ta chia ba điều ấy thành ba cấp thượng, trung, hạ, thì Bồ Tát thiện là thượng thiện. Tôi nói theo kiểu này, chúng ta đều có phần. Nếu giải thích là Đẳng Giác, chúng ta chẳng có phần! Tôi nói kiểu này có tương ứng hay không? Tôi nghĩ cũng có thể là tương ứng, vì kinh nói như vậy. Do vậy có thể biết: Chúng ta phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, ắt cần phải thực hiện từ Tam Phước trong Quán Kinh. Do vậy, chẳng phải là thượng thiện, chẳng thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Từ chương Hạ Phẩm Hạ Sanh của Quán Kinh, chúng ta thấy kẻ phạm Ngũ Nghịch Thập Ác trong thế gian, lâm chung một niệm quay đầu, đều có thể vãng sanh. Chư vị phải biết: Người ấy một niệm quay đầu, chính là chân thật sám hối, bèn trọn đủ thượng thiện. Thật đấy, chẳng giả đâu nhé! Tục ngữ trong thế gian có câu: “Lãng tử hồi đầu kim bất hoán” (Lãng tử quay đầu, vàng chẳng đổi). Người ấy quay đầu, sẽ là người tốt chánh cống, chẳng phải là người xấu. Thật sự quay đầu, hết sức đáng quý. Do vậy, người ấy có thể vãng sanh. Chúng ta cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhất định phải tu thượng thiện. “Thượng thiện” chính là đối với mười một câu thuộc phần Tịnh Nghiệp Tam Phước trong Quán Kinh, phải nghiêm túc nỗ lực thực hiện.
(Sao) Huệ thâm, chướng thiển.
(鈔)慧深障淺。
(Sao: Huệ sâu, chướng cạn).
Các vị thượng thiện nhân trong cõi ấy, trí huệ sâu xa, nghiệp chướng cạn mỏng.
(Sao) Chí ý điều nhu.
(鈔)志意調柔。
(Sao: Điều phục chí ý nhu hòa).
“Chí” (志) là chí nguyện, chí hướng, “ý” (意) là tâm ý, tình tự. Người ta chí hướng kiên định, tình tự cũng ổn định, biểu lộ sự ôn nhu. “Điều” (調) là điều lý (調理: sửa sang, điều phục, sắp xếp), tánh tình hòa thuận, ôn nhu.
(Sao) Phong thụ, điểu âm, tất tư giải ngộ.
(鈔)風樹鳥音,悉資解悟。
(Sao: Gió rung cây, tiếng chim hót, đều cậy vào đó mà giải ngộ).
[Âm thanh của] gió luồn qua cây, [tiếng] nước chảy trong thế giới Tây Phương đều là vô tình thuyết pháp; các loài chim là hữu tình thuyết pháp. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, những gì mắt chúng ta thấy, tai chúng ta nghe, đều là âm thanh thuyết pháp; những thứ ấy đều giúp chúng ta khai ngộ. “Giải ngộ” [ở đây] là khai ngộ. Tuy trong lục căn, chỉ nói hai thứ là Nhãn Căn và Nhĩ Căn; trên thực tế, sáu căn tiếp xúc sáu loại cảnh giới bên ngoài, toàn bộ đều là âm thanh thuyết pháp. Vì sao [nhân dân trong] thế giới Tây Phương bất thoái chuyển, đạo lý ở ngay chỗ này. Chẳng như chúng ta, chúng ta ở trong thế gian này, cơ hội sáu căn tiếp xúc Phật pháp ít ỏi, thời gian rất ngắn. Thời gian tiếp xúc dụ dỗ, mê hoặc từ ngoại giới lâu dài, chúng có sức mạnh rất lớn, đạo tâm chẳng chống cự nổi tình dục, thường bị đọa lạc, thất bại.
Trong thế giới Tây Phương, căn bản là chẳng tiếp xúc tình dục. Những gì sáu căn được tiếp xúc toàn là Phật pháp. Hơn nữa, kỹ xảo thuyết pháp của Phật, Bồ Tát hết sức cao minh. Nếu hằng ngày [chư Phật, Bồ Tát] ngồi giảng trên tòa, [thính chúng] nghe ở dưới, nghe lâu bèn chán mệt. Cách thuyết pháp trong thế giới Tây Phương đã thăng hoa đến cảnh giới nghệ thuật cao nhất, có ca, có múa, có động, có tĩnh, điều hòa khéo léo như vậy, chắc chắn là quý vị chẳng chán ngán, mệt mỏi. Quý vị sẽ thật sự cảm thấy cuộc sống hạnh phúc, sung sướng. Trong hạnh phúc, vui sướng, thành tựu viên mãn Phật pháp, đoạn phiền não, khai trí huệ, chứng Vô Thượng Bồ Đề. Vì thế, chẳng khó khăn!
(Sao) Phi tỷ thử độ.
(鈔)非比此土。
(Sao: Chẳng như cõi này).
Không giống như thế gian này của chúng ta.
(Sao) Cang cường, nan phục.
(Diễn) Cang cường nan phục giả, Pháp Hoa vân: “Thị Sa Bà quốc trung, nhân đa tệ ác, hoài tăng thượng mạn, công đức thiển bạc, sân trược siểm khúc, tâm bất thật cố”. Tịnh Danh vân: “Thử độ chúng sanh, cang cường nan hóa. Cố Phật vị thuyết cang cường chi ngữ, nhi điều phục chi. Ngôn thị địa ngục, thị ngạ quỷ, thị súc sanh. Nãi chí vân: Thí như tượng mã, lung lệ bất điều, gia chư sở độc, nhiên hậu điều phục. Như thị cang cường nan hóa chúng sanh, cố dĩ nhất thiết khổ thiết chi ngôn, nãi khả nhập luật.
(鈔)剛強難伏。
(演)剛強難伏者。法華云。是娑婆國中人多弊惡。懷增上慢。功德淺薄。嗔濁諂曲。心不實故。淨名云。此土眾生剛強難化。故佛為說剛強之語。而調伏之。言是地獄。是餓鬼。是畜生。乃至云。譬如象馬。儱悷不調。加諸楚毒。然後調伏。如是剛強難化眾生。故以一切苦切之言。乃可入律。
(Sao: Ương ngạnh, khó hàng phục.
Diễn: “Ương ngạnh, khó hàng phục”: Kinh Pháp Hoa nói: “Người trong cõi Sa Bà này, đa số là tệ ác, ôm lòng tăng thượng mạn, công đức nông cạn, mỏng manh, sân trược, dua vạy, tâm chẳng chân thật”. Kinh Tịnh Danh (kinh Duy Ma Cật) nói: “Chúng sanh trong cõi này ương ngạnh, khó giáo hóa. Vì thế, đức Phật nói lời cứng cỏi để điều phục họ”. Nói tới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cho đến nói: Ví như voi, ngựa, hung hăng chẳng thuần, bèn dùng roi vọt, sau đấy, chúng nó sẽ thuần phục. Chúng sanh ương ngạnh khó giáo hóa như thế; do vậy, bèn dùng những lời lẽ nặng nề, gắt gao [để điều phục] thì họ mới có thể tuân thủ luật nghi được).
Căn tánh của chúng sanh trong thế gian này ương ngạnh, khó giáo hóa.
(Sao) Cố cử nan, hiển dị.
(鈔)故舉難顯易。
(Sao: Do vậy, nêu ra điều khó, để tỏ lộ chuyện dễ).
Nói rõ: Trong thế gian này, chúng ta tu hành chứng quả, thuyết pháp khó khăn, tương phản rõ rệt với Tây Phương Cực Lạc thế giới, những chuyện ấy đều dễ dàng.
(Sao) Chánh thị Cực Lạc quyết nghi cầu dã.
(鈔)正示極樂決宜求也。
(Sao: Chỉ dạy thẳng thừng: Quyết định là phải nên cầu sanh Cực Lạc).
Dụng ý thật sự của những lời lẽ ấy là nhằm khiến cho chúng ta biết: Nhất định phải vãng sanh thế giới Cực Lạc, nhất định phải lập vững chí hướng ấy, chúng ta sẽ chẳng phí uổng một đời này. Cuộc sống trong đời này sẽ rất có ý nghĩa, rất có giá trị. Nếu chẳng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, nói thật ra, nhất định sẽ phí uổng đời này! Điều này đáng để chúng ta cảnh giác cao độ.
(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh tâm cảnh song dung, thị hành thử nhị nan nghĩa.
(Diễn) Tâm cảnh song dung thị hành thử nhị nan nghĩa giả, đắc đạo nãi triệt ngộ nội tâm.
(疏)稱理,則自性心境雙融,是行此二難義。
(演)心境雙融是行此二難義者,得道乃徹悟內心。
(Sớ: Xứng Lý thì tâm và cảnh trong tự tánh dung hội lẫn nhau. Đó chính là ý nghĩa “hành hai sự khó”.
Diễn: “Tâm cảnh dung hội lẫn nhau là ý nghĩa của hành hai sự khó”: Đắc đạo bèn ngộ thấu triệt nội tâm).
Đắc đạo là gì? Đắc đạo gì thế? Nói “đắc đạo” chính là triệt ngộ nội tâm. Nội tâm là tâm tánh, là chân tâm bản tánh của chính mình. Đã hiểu rõ tâm tánh, bèn gọi là “đắc đạo”. Người tu hành hiểu tâm tánh có thứ lớp cạn sâu khác nhau. Do vậy, đắc đạo có sai biệt, có danh xưng cạn hay sâu khác nhau, [chẳng hạn như] đắc A La Hán đạo, đắc Bích Chi Phật đạo, đắc Bồ Tát đạo, đắc Phật đạo, đều gọi là “đắc đạo”. Tiểu Thừa A La Hán còn có Tứ Quả, Tứ Hướng. Danh xưng trong Tiểu Thừa [gọi những quả vị này] là Tứ Song Bát Bối (四雙八輩: bốn cặp hợp thành tám bậc). Sơ Quả Hướng và Sơ Quả là một cặp, Nhị Quả Hướng và Nhị Quả lại là một cặp, cho đến Tứ Quả Hướng và Tứ Quả. Càng chia tỉ mỉ hơn, Bồ Tát chia thành năm mươi mốt đẳng cấp, Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, lại còn thêm Đẳng Giác, [cộng chung là] năm mươi mốt địa vị. Những quả vị ấy đều gọi là “đắc đạo”.
Trong pháp Đại Thừa, tức Viên Giáo Đại Thừa, đoạn Kiến Hoặc là địa vị Sơ Tín Bồ Tát. Đoạn Kiến Hoặc bèn chứng quả, chứng quả gì? Trong năm mươi mốt địa vị, địa vị đầu tiên là Sơ Tín vị Bồ Tát. Chúng ta đừng nên xem nhẹ Ngài. Vì sao? Chứng đắc địa vị Sơ Tín, đối với ba thứ Bất Thoái như kinh đã nói, Ngài đã chứng đắc Vị Bất Thoái. Tuy Ngài vẫn chưa thể thoát ly tam giới luân hồi, vẫn ở trong lục đạo, quyết định chẳng đọa trong ba ác đạo, sẽ chẳng thoái chuyển, chẳng thoái đọa trong ba ác đạo. Ngài ở trong hai đường trời, người tiếp tục nỗ lực tu hành, chẳng phải ở trong nhân đạo, bèn ở trong thiên đạo, chẳng đọa vào tam đồ, nên gọi là Vị Bất Thoái Bồ Tát. Vì thế, đối với “đắc đạo”, chúng ta phải hiểu rõ, hiểu rành mạch, đạo ấy ở trong Phật pháp.
Ngoài Phật pháp, có rất nhiều lũ ngoại đạo cũng nói đến “đắc đạo”. Thành thần, hoặc thành tiên, họ đều bảo là đắc đạo, hoàn toàn khác với định nghĩa được nói trong Phật pháp. Họ nói “đắc đạo” là đạt được một quả vị, đắc một địa vị. Còn trong Phật pháp, [đắc đạo] là nói tới mức độ thấu hiểu tâm tánh; sự đắc đạo ấy khó khăn. Đắc đạo là trừ khử chướng ngại. Nếu chẳng đoạn tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới, đối với pháp Đại Thừa, chúng ta sẽ chẳng thể chứng đắc Sơ Tín vị Bồ Tát!
(Diễn) Thuyết pháp nãi hóa tha ngoại cảnh cố.
(演)說法乃化他外境故。
(Diễn: Thuyết pháp chính là hóa độ người khác, thuộc về ngoại cảnh).
“Đắc đạo” là tự tu, là chuyện của chính mình. “Thuyết pháp” là chuyện đối với người khác. Đương nhiên thuyết pháp và đắc đạo đều chẳng dễ dàng. Bản thân quý vị chẳng đắc đạo, quý vị lấy gì để dạy người khác? Trong thời đại hiện tại, dân chủ tự do, cởi mở, bất cứ ai cũng đều có thể lên giảng đài giảng kinh, thuyết pháp, ngôn luận tự do, xuất bản tự do. Trước kia, chẳng thể được! Trước đời Thanh, nếu quý vị chẳng thật sự khai ngộ, chẳng thật sự chứng quả, sẽ chẳng có tư cách thuyết pháp. Nói thật ra, chính mình cũng chẳng dám thuyết pháp. Tất cả các trước tác đều phải qua sự thẩm tra của quốc gia, xét thấy kiến giải của quý vị xác thực chẳng sai lầm, [quý vị] đúng là một người hữu tu, khai ngộ, thì mới có thể lưu thông. Nếu không, chẳng thể tùy tiện ra sách, chẳng thể tùy tiện thuyết pháp, có tiêu chuẩn trong ấy. Hiện thời, dân chủ tự do rộng mở, chẳng có tiêu chuẩn!
Thuyết pháp là lợi ích chúng sanh, nhất định là chính mình phải có thành tựu. Nếu đặt tiêu chuẩn là đắc đạo, chỉ sợ trên thế gian này, chẳng có ai thuyết pháp! Hiện thời, thuyết pháp khó lắm! Làm như thế nào? Bất đắc dĩ dùng cách thức kém hơn: Chính mình chẳng đắc đạo, cổ nhân đã đắc đạo. Liên Trì đại sư đắc đạo, pháp sư Cổ Đức cũng đắc đạo, ta chẳng đắc đạo, mà cũng chẳng khai ngộ, ta bèn giảng giải, giới thiệu những trước tác của những vị đã đắc đạo khai ngộ. Cũng có nghĩa là ở đây, tôi thưa trình cùng quý vị đồng tu những điều tâm đắc nông cạn, dễ hiểu do đọc những trước tác của các Ngài, để mọi người dùng làm tham khảo. Nay năng lực của chúng tôi chỉ có thể làm được đến đó. Có rất nhiều người hỏi tôi: “Thưa pháp sư! Thầy đã giảng kinh nhiều năm như vậy, sao không viết mấy cuốn sách?” Quý vị hãy nghĩ xem, tôi có thể viết sách gì? Tu hành chẳng khai ngộ, chẳng chứng quả, làm sao có thể ra sách cho được? Chẳng thể nào! Khổng lão phu tử suốt một đời khiêm hư, “thuật nhi bất tác” (thuật lại, chẳng sáng tác), Ngài [tự khiêm, nói chính mình] chẳng có trước tác, toàn là thuật lại những điều của người khác. Nay chúng tôi chẳng phải là khiêm hư; hiện thời, chúng tôi xác thực là chẳng có năng lực sáng tác. Truyền thuật chú sớ của cổ nhân là đã hết sức khó có rồi!
(Diễn) Tâm giả đắc đạo nghĩa, cảnh giả thuyết pháp nghĩa.
(演)心者得道義,境者說法義。
(Diễn: Tâm nghĩa là đắc đạo, cảnh nghĩa là thuyết pháp).
Minh tâm kiến tánh có nghĩa là “đắc đạo”. “Tâm” tức là chân tâm bản tánh, chính là ý nghĩa “đắc đạo”. “Cảnh”: Công phu của chính chúng ta đã đạt đến một cảnh giới nào đó, quý vị mới có thể nói ra, mới có thể thấu hiểu. Bản thân chúng ta chẳng có công phu thật chứng, nhưng đọc sách của cổ nhân, có thể lãnh hội mấy phần, đó cũng là cảnh giới tương tự. Sự lãnh ngộ cảnh giới hoàn toàn tỷ lệ thuận với sự hiểu rõ tâm địa. Quý vị nghe băng thâu âm của tôi trong quá khứ, sẽ thấy ý nghĩa hiện thời viên mãn hơn, sâu sắc hơn những gì đã nói trước kia. Cùng là một bộ kinh này, cùng là một bản [chú sớ], tôi giảng lần này là lần thứ ba, giảng lần này xác thực là viên dung hơn lần trước nhiều. Do nguyên nhân gì vậy? Xác thực là tôi chẳng giữ lại mảy may! Trong lần giảng trước, tuy [những ý nghĩa ấy tồn tại] trong văn bản này, nhưng tôi chẳng nhìn ra! Giảng lần này viên mãn hơn lần trước, do lần này phát hiện những ý nghĩa thâm diệu trong ấy. Phát hiện như thế nào? Năm nay tâm thanh tịnh hơn năm trước đôi chút. Tâm chẳng thanh tịnh, sách bày ngay trước mặt, giống như kẻ mù mở banh mắt mà chẳng thấy ý nghĩa! Tâm càng thanh tịnh, càng chân thành, quý vị xem thứ gì, đều thấy càng sâu, càng rộng hơn. Công phu của chúng ta mỗi năm một tiến bộ, cảnh giới mỗi năm cũng khác hẳn. Do vậy, “cảnh” có ý nghĩa là thuyết pháp.
(Diễn) Kim tánh trung tâm cảnh song dung, thị nhị nan tịnh vận nghĩa.
(演)今性中心境雙融是二難並運義。
(Diễn: Nay tâm và cảnh trong tánh cùng dung hội, chính là ý nghĩa “hai thứ khó khăn cùng được vận dụng”).
Tâm và cảnh trong bản tánh cùng dung hội, đó là hai ý nghĩa đắc đạo và thuyết pháp, vì kiến tánh khó khăn. Ngược lại, thuyết pháp cũng chẳng dễ dàng.
(Sao) Tâm trục cảnh sanh, tâm thể bổn tịch, tắc vô sở đắc giả, danh đắc Bồ Đề. Cảnh tùy tâm hiện, cảnh thể tự không, tắc vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp.
(Diễn) Tâm trục đẳng giả, tâm trục cảnh sanh, tắc tâm vô tự tánh, tâm thể bổn tịch dã. Đắc đạo nãi triệt ngộ nội tâm. Kim tâm thể bổn tịch, tắc vô sở đắc giả, danh đắc Bồ Đề. Cảnh tùy tâm hiện, tắc cảnh vô tự tánh, cảnh thể tự không dã. Thuyết pháp nãi hóa tha ngoại cảnh. Kim cảnh thể tự không, tắc vô pháp khả thuyết giả, thị danh thuyết pháp.
(鈔)心逐境生,心體本寂,則無所得者,名得菩提。境隨心現,境體自空,則無法可說,是名說法。
(演)心逐等者。心逐境生。則心無自性。心體本寂也。得道乃徹悟內心。今心體本寂。則無所得者。名得菩提。境隨心現。則境無自性。境體自空也。說法乃化他外境。今境體自空。則無法可說者。是名說法。
(Sao: Tâm thuận theo cảnh mà sanh, bản thể của tâm vốn vắng lặng, nên chẳng có gì để đắc thì gọi là “đắc Bồ Đề”. Cảnh thuận theo tâm mà hiện, bản thể của cảnh vốn là Không, nên chẳng có pháp gì để có thể nói, bèn gọi là “thuyết pháp”.
Diễn: “Tâm thuận theo cảnh v.v…”: Tâm thuận theo cảnh mà sanh, tức là tâm chẳng có tự tánh. Bản thể của tâm vốn là Tịch. Đắc đạo bèn triệt ngộ tự tâm. Nay bản thể của cái tâm vốn là Tịch, nên không có gì để đắc, bèn gọi là “đắc Bồ Đề”. Cảnh thuận theo tâm mà hiện, nên cảnh chẳng có tự tánh. Bản thể của cảnh vốn là Không. Thuyết pháp chính là hóa độ người khác, thuộc về ngoại cảnh. Nay bản thể của cảnh là Không, nên chẳng có pháp nào để có thể nói, bèn gọi là thuyết pháp).
Ý nghĩa này được nói rất sâu! Trong pháp Đại Thừa, nó được diễn tả là “nói mà chẳng nói, chẳng nói mà nói”. Quý vị hiểu rõ ràng ý nghĩa đoạn này, sẽ hiểu ý nghĩa của hai câu ấy. “Tâm trục cảnh sanh”: Tâm chính là tám tâm, tám thức như trong Duy Thức đã nói. Nếu chẳng có cảnh giới hiện tiền, nó sẽ chẳng khởi tâm động niệm. Do vậy, nó là “cảnh sanh” (do cảnh mà sanh khởi). Có lẽ sẽ có đồng tu nói: “Đêm ngủ, mắt nhắm tịt, chẳng có cảnh giới, vì sao vẫn nằm mộng?” Trong khi ngủ, vẫn có cảnh giới, chẳng có cảnh giới thuộc về năm trần bên ngoài [mà thôi]. Cảnh có sáu loại, [tức là] Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc bên ngoài chẳng có, quý vị chẳng khởi cái tâm ấy, chẳng động niệm ấy; nhưng đối với Pháp ở trong ý thức, quý vị chẳng có cách nào khống chế. Cảnh ấy lại sanh khởi, hễ nó sanh khởi bèn nằm mộng. Lục căn đối ứng sáu cảnh, chúng ta ngủ thì năm căn trước chẳng khởi tác dụng, năm cảnh trước cũng chẳng khởi tác dụng, nhưng Ý Căn đối ứng pháp cảnh bèn nằm mộng, ngày đêm đều chẳng ngưng ngớt. Do vậy, tâm theo cảnh mà sanh.
Nhưng “tâm thể bổn tịch” (bản thể của tâm vốn là Tịch), chân tâm bổn tánh là “tâm thể” (bản thể của tâm) thanh tịnh, tịch diệt, xác thực là chẳng nhiễm mảy trần, giống như Lục Tổ đã nói: “Vốn chẳng có một vật, nơi nào nhuốm bụi bặm”. Đó là nói về chân tâm, bản tánh, ở đây nói là “tâm thể bổn tịch”. Nói theo tâm thể, nó là “vô sở đắc” (không có gì để có thể đạt được). Bát Nhã Tâm Kinh đến cuối cùng, bèn nói “vô trí mà cũng vô đắc”, đó là nói về tâm thể. Nếu nói về tác dụng của tâm, sẽ là “hữu trí mà cũng hữu đắc”. Nói theo Thể, bèn là “vô trí mà cũng vô đắc”. “Vô sở đắc giả, danh đắc Bồ Đề” (Do chẳng có gì để đạt được, gọi là đắc Bồ Đề). Thích Ca Mâu Ni Phật tu hành chứng quả, đắc Vô Thượng Bồ Đề, đấy là do chúng ta nói, chứ trong cảnh giới của chính Ngài, sẽ là “vô trí mà cũng vô đắc”, Ngài nhập cảnh giới ấy. Chúng ta gọi [cảnh giới ấy] là Vô Thượng Bồ Đề, đắc Vô Thượng Phật quả. Đó gọi là “đắc Bồ Đề”.
“Cảnh tùy tâm hiện” (Cảnh theo tâm hiện), cảnh do đâu mà có? Cảnh do tâm biến hiện. Duy Thức Luận nói “vô minh bất giác sanh tam tế”: Ba tế tướng, thứ nhất là Nghiệp Tướng, thứ hai là Chuyển Tướng, thứ ba là Cảnh Giới Tướng. Nghiệp là động; hễ động, bèn khởi biến hóa. Chuyển Tướng còn gọi là Kiến Phần, hễ động bèn là “có biết, có cảm thấy”. Từ “có biết, có cảm thấy”, biến hiện ra Hiện Tướng. Hiện Tướng được gọi là Cảnh Giới Tướng. Đấy là ba tế tướng. Từ ba tế tướng, lại diễn biến, lại phát triển, trở thành y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. Vì thế, cảnh do tâm hiện. Cảnh Giới Tướng trong ba tế tướng cũng do tâm biến hiện.
“Cảnh thể tự không” (Bản thể của cảnh vốn là Không): Bản thể của tâm vốn vắng lặng, bản thể của cảnh vốn là Không, hoàn toàn có cùng một ý nghĩa. Tâm và cảnh có cùng căn nguyên phát sanh, [căn nguyên ấy chính là] Chân Như bản tánh. Tâm và cảnh có cùng nguồn, Kiến Phần và Tướng Phần có cùng một Tự Chứng Phần[1]. Do đó, tinh thần có thể biến thành vật chất, vật chất có thể biến hóa thành tinh thần. Chúng có thể biến thành lẫn nhau, vì sao? Vì có cùng một nguồn! Khoa học hiện thời vẫn chưa thể đạt tới cảnh giới này. Khoa học hiện thời có thể chuyển biến năng lượng và vật chất, điều đó chỉ thuộc về Cảnh Giới Tướng, vẫn chưa có năng lực chuyển biến tinh thần thành vật chất. Nếu đạt tới cảnh giới ấy, đúng là “tùy tâm sở dục” (thuận lòng mong muốn).
Tây Phương Cực Lạc thế giới đã đạt tới cảnh giới ấy. Do đó, quý vị nghĩ tới y phục, y phục là vật chất, khi quý vị động một niệm ấy, y phục ưa thích đã khoác trên thân. Tây Phương Cực Lạc thế giới đã đạt tới tiêu chuẩn ấy, có thể vận dụng tâm năng (năng lực của cái tâm) để biến hóa thành vật chất. Chẳng ưa thích, nó lập tức chẳng còn nữa. Vật chất quy hoàn tâm năng, chẳng còn nữa! Khoa học kỹ thuật trong thế giới Tây Phương đã đạt tới mức viên mãn thật sự, viên mãn đến mức mỗi cá nhân đều có thể thọ dụng, hoàn toàn chẳng phải là một nhóm nhỏ các nhà khoa học [mới có thể hưởng thụ]. Ai nấy đều có thể [sử dụng], ai nấy đều sử dụng rất tự tại. Do vậy, trong cuộc sống của họ, chẳng có mảy may thiếu khuyết nào!
Bản thể của cảnh là Không, bản thể của cảnh là chân tâm, là bản tánh. “Tắc vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp” (Cho nên chẳng có pháp nào để có thể nói, bèn gọi là thuyết pháp). Há có pháp nào để có thể nói? Thuở ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện trên thế gian, thuyết pháp bốn mươi chín năm, đức Phật bảo Ngài chẳng nói một chữ. Nếu có ai nói đức Phật thuyết pháp, đó là báng Phật! Xác thực là đức Phật chẳng thuyết pháp, đấy là nói theo tâm và cảnh. Xác thực là đức Phật vô trí mà cũng vô đắc, càng không có gì để nói. Chúng ta nói đức Phật đắc đạo, hoặc nói đức Phật thuyết pháp, hoàn toàn là nói theo tướng, chẳng phải là nói theo tánh thể.
(Sao) Tâm ngoại vô cảnh, cảnh ngoại vô tâm.
(Diễn) Nội tâm ngoại cảnh, hỗ đoạt lưỡng vong, tự giác, giác tha, nhị giác câu mẫn hỹ.
(鈔)心外無境,境外無心。
(演)內心外境。互奪兩亡。自覺覺他。二覺俱泯矣。
(Sao: Ngoài tâm chẳng có cảnh, ngoài cảnh chẳng có tâm.
Diễn: Nội tâm, ngoại cảnh, đoạt lẫn nhau, nên cả hai cùng mất. Tự giác, giác tha, hai giác đều cùng mất).
Tâm và cảnh là một, chẳng hai. Chướng ngại lớn nhất của chúng ta trong hiện thời là chẳng thể minh tâm, chẳng thể kiến tánh, chẳng thể đắc đạo, chẳng thể chứng quả, nguyên nhân ở chỗ nào? Chúng ta nhìn hết thảy các pháp đều thấy thành hai phần: Tâm chẳng phải là cảnh, cảnh chẳng phải là tâm, tánh chẳng phải là tướng, tướng chẳng phải là tánh. Đối với hết thảy các pháp, chấp trước kiên cố, đức Phật bảo đó là vọng tưởng, chấp trước. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Hết thảy chúng sanh chỉ vì vọng tưởng, chấp trước, mà chẳng thể chứng đắc”. Chúng ta vọng tưởng kiên cố, chấp trước kiên cố, chẳng biết hết thảy các pháp sanh từ cùng một căn nguyên. Trong hết thảy các pháp, quyết định là chẳng có chướng ngại. Kinh Hoa Nghiêm hiển thị Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, nhưng chư vị nhất định phải hiểu: Vô chướng ngại thật sự chính là “ngoài tâm chẳng có cảnh, ngoài cảnh chẳng có tâm” thì mới là vô ngại. Nếu tâm và cảnh là hai phần, chắc chắn là có chướng ngại.
Pháp giới thật sự vô chướng ngại, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại. Xác thực là từ bậc Sơ Trụ Bồ Tát của Viên Giáo trở lên bèn nhập cảnh giới ấy. Tại Trung Hoa, Lục Tổ Huệ Năng đã nhập cảnh giới ấy. Những kẻ chẳng cùng hàng với ngài Huệ Năng thì vẫn là chỗ nào cũng đều bị chướng ngại. Tuy trên sự thật, chúng ta chẳng làm được, nhưng chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Hiểu rõ đạo lý này thì có lợi ích gì? Bụng dạ của chúng ta có thể rộng mở, chẳng đến nỗi chấp trước như vậy, chẳng đến nỗi hẹp hòi dường ấy. Nói cách khác, có thể giúp chúng ta sớm khai ngộ, có lợi ích ấy!
(Sao) Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
(鈔)自覺覺他,覺行圓滿。
(Sao: Tự giác, giác ngộ người khác, giác hạnh viên mãn).
Ắt cần phải đạt tới mức tâm và cảnh dung hội lẫn nhau thì mới là giác hạnh viên mãn. Nếu tâm và cảnh chẳng dung nhập, vẫn là hai chuyện, vẫn là đối lập, chúng ta chẳng thể đạt tới cảnh giới “tự giác, giác tha viên mãn”.
Tam, lưu thông phần.
(Kinh) Phật thuyết thử kinh dĩ, Xá Lợi Phất, cập chư tỳ-kheo, nhất thiết thế gian, thiên, nhân, A Tu La đẳng.
三、流通分 。
(經)佛說此經已。舍利弗。及諸比丘。一切世間天人阿修羅等。
(Ba là phần Lưu Thông.
Kinh: Đức Phật nói kinh này xong, ngài Xá Lợi Phất và các vị tỳ-kheo, hết thảy thế gian, trời, người, A Tu La v.v…)
Trong phần Lưu Thông, chia thành hai đoạn, mấy câu kinh văn này là một đoạn. Đoạn này là “trùng cử thính chúng” (重舉聽眾: nhắc lại thành phần thính chúng). Thuở ấy, khi đức Phật tuyên giảng kinh A Di Đà, trong phần khai kinh, tức Tự Phần, đã giới thiệu cùng chư vị về đại chúng dự hội, có những vị nào tham gia. Sau khi giảng kinh xong, lại đề cập cùng chúng ta, trong phần đề cập, có bổ sung đôi chút. Tuy trong phần trước chẳng nói, nhưng đến chỗ này, hết thảy đều nói viên mãn thì phải là “nhất thiết thế gian, thiên, nhân, A Tu La đẳng”, bổ sung thiên long bát bộ [trong hàng thính chúng nghe pháp].
(Sớ) Pháp tất lưu thông, dĩ Phật thuyết pháp, vị phổ độ chúng sanh cố.
(疏)法必流通,以佛說法,為普度眾生故。
(Sớ: Pháp ắt phải được lưu thông, do đức Phật thuyết pháp nhằm phổ độ chúng sanh).
Trong câu này, Liên Trì đại sư giảng rõ phần Lưu Thông, [nêu rõ] ý nghĩa của Lưu Thông. Mục đích của Phật pháp là quảng lợi chúng sanh, tức là lợi ích đại chúng rộng khắp. Chữ “chúng sanh” bao gồm chúng sanh trong chín pháp giới. Trong hội này, có Văn Thù Bồ Tát, có Di Lặc Bồ Tát, đương nhiên còn có nhiều vị đại Bồ Tát, nhưng chẳng nêu tên. Có Bồ Tát pháp giới, có A La Hán, tỉnh lược Duyên Giác. Trong pháp hội ấy, có chúng Bồ Tát, có chúng Duyên Giác, có chúng Thanh Văn, có lục đạo chúng sanh. “Nhất thiết thiên, nhân, A Tu La” là nói đến lục đạo chúng sanh.
Có thể thấy đức Phật thuyết pháp, chúng sanh trong chín pháp giới hữu duyên với pháp hội kinh điển ấy đều góp mặt, đều đến tham dự pháp hội ấy, đều đắc lợi ích. Do vậy, đức Phật thuyết pháp nhằm phổ độ chúng sanh. Nếu Phật pháp chẳng lưu thông, sẽ hoàn toàn mâu thuẫn với tông chỉ và nguyện vọng thuyết pháp của đức Phật. Chính mình đạt được lợi ích nơi Phật pháp, mà chướng ngại kẻ khác, chẳng để cho người khác cũng đạt được [lợi ích ấy], người ấy có thể thành Phật hay không, có thể thành Bồ Tát hay không? Quyết định là chẳng thể, vì sao? Vì tự tư tự lợi, chẳng chịu làm lợi cho kẻ khác, đó là đại chướng ngại, có thể thấy là chính người ấy tự chướng ngại chính mình. Không chỉ là chướng ngại đắc đạo, ngay cả khai ngộ cũng chẳng thể. Không chỉ là chẳng thể khai ngộ, mà xem chú giải của cổ nhân, kẻ ấy cũng chẳng hiểu. Vì sao? Tâm lượng quá nhỏ, tâm địa chẳng thanh tịnh. Xem chú giải không hiểu, kinh văn lại càng chẳng cần phải nói nữa! Người ấy có thể đạt được gì? Nói thật ra, ngay cả da lông (ý nói bề ngoài) của Phật pháp kẻ ấy đều chẳng đạt được. Những gì kẻ đó đạt được chỉ là tro bụi dính ngoài da lông! Đại khái là có thể đạt được những thứ ấy! Vì sao? Bụi đất ô nhiễm cái tâm thanh tịnh của kẻ ấy, đúng vậy đó! Đối với pháp, chỉ cần là lợi ích chúng sanh, chúng ta nhất định tận tâm tận lực lưu thông. Nói theo cách hiện thời, phải phổ biến giới thiệu, “lăng-xê” cùng đại chúng, tận tâm tận lực thực hiện. Đó gọi là Lưu Thông. Giúp đỡ chư Phật, giúp đỡ hết thảy tổ sư đại đức phổ độ chúng sanh. Chuyện này khẩn yếu!
(Sớ) Phục liệt chúng giả, kinh sơ minh chúng thính pháp, kinh chung minh chúng thọ pháp dã.
(疏)復列眾者,經初明眾聽法,經終明眾受法也。
(Sớ: Lại liệt kê đại chúng: Đầu kinh là nói về đại chúng nghe pháp, cuối kinh là nói rõ đại chúng tiếp nhận pháp).
Khởi đầu kinh điển này, trong Tự Phần có nói tới đại chúng nghe kinh, bảo cho chúng ta biết: Người nghe kinh đông đảo ngần ấy. Sau khi đã nghe kinh xong, lại trần thuật đại chúng sau khi nghe đức Phật thuyết pháp đã đạt được lợi ích như thế nào. Liệt kê [những lợi ích ấy] nhằm tạo tác dụng khơi gợi, khích lệ. Họ nghe kinh xong đạt được lợi ích, chúng ta nghe xong có đạt được lợi ích hay không?
(Sớ) Độc cử Thân Tử giả, dĩ đương cơ cố.
(疏)獨舉身子者,以當機故。
(Sớ: Chỉ nêu tên mình ngài Xá Lợi Phất, vì Ngài là bậc đương cơ).
Phần cuối kinh được tổng kết khá đơn giản, chỉ nói “Xá Lợi Phất cập chư tỳ-kheo” (Xá Lợi Phất và các tỳ-kheo).
(Sớ) Bất ngôn Bồ Tát giả, nhiếp tỳ-kheo trung cố. A Tu La giả, thử vân Phi Thiên. Đẳng giả, đẳng bát bộ lục đạo dã.
(疏)不言菩薩者 , 攝比丘中故 。 阿修羅者 , 此云非
天。等者,等八部六道也。
(Sớ: Chẳng nói tới Bồ Tát vì Bồ Tát được gộp trong tỳ-kheo. A Tu La, cõi này dịch là Phi Thiên, “đẳng” là nói tám bộ, lục đạo).
Chúng sanh thuộc chín pháp giới đều bao gồm trong ấy.
(Sao) Lưu Thông giả, Quang Minh Sớ vân.
(鈔)流通者,光明疏云。
(Sao: Lưu Thông: Quang Minh Sớ nói).
Trong chú giải kinh Kim Quang Minh[2] có nói.
(Sao) Lưu giả, hạ chú, Thông giả, bất ủng.
(鈔)流者下澍,通者不壅。
(Sao: Lưu là rót xuống, Thông là chẳng bế tắc).
“Lưu” (流): Giống như nước, nước chảy xuôi. “Thông” (通) là chẳng có trở ngại, chẳng có chướng ngại.
(Sao) Hựu Khuê Phong vân.
(鈔)又圭峰云。
(Sao: Ngài Khuê Phong lại nói).
Ngài Khuê Phong [Tông Mật] là tổ sư đời thứ năm của tông Hoa Nghiêm, là học trò của Thanh Lương đại sư.
(Sao) Đô vô nhân truyền tắc bất lưu.
(鈔)都無人傳則不流。
(Sao: Chẳng có người truyền thừa, sẽ chẳng lưu thông).
Nếu Phật pháp chẳng có ai truyền, pháp ấy sẽ chẳng thể truyền bá, chẳng thể lưu lại cho thế hệ kế tiếp.
(Sao) Lưu giả bất trụ.
(鈔)流者不住。
(Sao: Lưu là chẳng trụ [một chỗ]).
“Lưu” (流) có nghĩa là chẳng ngừng. Pháp ấy phải được tuyên dương ra ngoài, chớ để nó ngưng dứt!
(Sao) Truyền chi ngộ chướng tắc bất thông.
(鈔)傳之遇障則不通。
(Sao: Truyền mà gặp phải chướng ngại, ắt chẳng thông suốt).
Chúng ta truyền pháp, tuyên truyền gặp phải chướng ngại, nên chẳng thông suốt!
(Sao) Thông giả, bất tắc.
(鈔)通者不塞。
(Sao: Thông là chẳng tắc nghẽn).
“Bất tắc” (不塞) là chẳng bị trở ngại, chính là thông đạt vô ngại, đã thông suốt. Vào thời cổ, có thể nói là cổ đức đã tận tâm tận lực lưu truyền Phật pháp. Cách Bắc Kinh hơn hai giờ lái xe là Phòng Sơn, trước kia chẳng lâu, đã phát hiện thạch kinh tại đó, tức là kinh Phật được khắc trên các phiến đá, khắc toàn bộ Đại Tạng Kinh. Thạch kinh được khắc kể từ đời Đường, khắc mãi cho đến thời đại Liêu – Kim sau triều đại Nam Tống, gần như là gần đến thời nhà Nguyên mới hoàn tất. Tổng cộng khắc suốt bốn trăm năm. Đương nhiên là sử dụng nhân công rất đông, tổng cộng có mấy chục vạn phiến đá được khắc. Mỗi phiến đá còn to rộng hơn cây cột này một chút, khắc chữ cả hai mặt. Cổ nhân dùng phương pháp ấy để lưu truyền kinh Phật cho hậu thế, chỉ sợ kinh điển bị thất truyền. Khổ sở dụng tâm, siêng năng ra sức, chúng ta trông thấy chẳng thể không cảm kích. Nay chúng ta có thể dùng computer để sắp chữ, in lại một bản Đại Tạng Kinh mới, có thể lưu thông trên toàn thế giới. Đấy chính là công tác ắt phải thực hiện của hàng đệ tử Phật chúng
ta trong hiện thời khi đọc đến chữ Lưu Thông.
(Sao) Phổ độ giả, lưu thông thập phương, dĩ cập tam thế, phi cẩn vị nhất xứ, nhất thời chi chúng sanh dã.
(鈔)普度者,流通十方,以及三世,非僅為一處一時之眾生也。
(Sao: Phổ độ là lưu thông mười phương cho đến ba đời, chẳng phải chỉ là vì chúng sanh trong một chỗ, một thời).
Câu này rất trọng yếu. Nếu vì một thời, vì một nơi, người ta cũng chẳng cần phải khắc Đại Tạng Kinh trên bia đá. Vì mười phương ba đời hết thảy chúng sanh mà suy nghĩ, đấy là nói đến lưu thông Phật pháp thật sự. Hôm nay, chúng tôi nói đến chỗ này.
[1] Tướng Phần (相分): Đối tượng được nhận thức của Thức, nên còn gọi là Sở Thủ Phần (所取分), tức là đối tượng được nhận biết của Tâm Vương, thuộc về Sắc pháp.
Kiến Phần (見分): Chính là chủ thể có tác dụng nhận biết Tướng Phần (thường được diễn tả bằng từ ngữ Chiếu Tri, 照知), còn gọi là Năng Thủ Phần (能取分). Tướng Phần bao gồm Tâm pháp, tức là tám tâm vương và năm mươi mốt tâm sở.
Tự Chứng Phần (自證分): Chính là bản thể của Kiến Phần.
Chứng Tự Chứng Phần (證自證分): Chính là trí huệ Bát Nhã trong bản tánh.
[2] Bộ chú giải này có tên gọi đầy đủ là Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh Sớ do ngài Huệ Chiểu (?-714) soạn vào đời Đường, căn cứ theo bản dịch kinh Kim Quang Minh của ngài Nghĩa Tịnh. Lập luận trong bản chú giải chủ yếu dựa theo lập trường Tam Thừa và Ngũ Tánh của Pháp Tướng Tông để luận định, nhấn mạnh tính chất hộ quốc của kinh này giống như kinh Nhân Vương Hộ Quốc vậy.