Tập 153/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 01-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 153

                   Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm hai mươi tám.

          Đây là quyển thứ ba của bộ Sớ Sao Diễn Nghĩa. Hôm nay chúng ta bắt đầu dùng bản mới. Trong bản này, Sớ Sao và Diễn Nghĩa được ghép chung lại. Kinh bổn này hết sức khó có! Văn bản do chúng ta sử dụng trong quá khứ đã tách rời Sớ Sao và Diễn Nghĩa [thành hai bản], nên phải xem bằng cách đối chiếu hai bản, khá bất tiện, mà cũng dễ bỏ sót. In [gộp chung] thành Hội Bản, có ích rất lớn cho sự tu học. Đây là bản sau khi tu chỉnh lần thứ hai lại ấn hành lần nữa. Chúng tôi tin tưởng phần lớn các chữ bị sai đã được sửa chữa, có thể lưu thông bản này sẽ có ích rất lớn cho sự tu học và hoằng dương Tịnh Tông. Từ hôm nay trở đi, chúng ta bắt đầu dùng bản mới này.

          Tam, thiên nhạc vũ hoa.

       三、天樂雨華。

          (Ba, nhạc trời, mưa hoa).

          Chúng ta xem đoạn thứ nhất:

          Sơ, thiên nhạc.

          初、天樂。

          (Thứ nhất, nhạc trời).

           “Kinh” là kinh văn, “Sớ” là chú giải kinh, “Sao” là chú giải của chú giải (chú giải lời Sớ), “Diễn Nghĩa” là tầng chú giải thứ ba (tức chú giải lời Sao). [Đối với mỗi phần, trong bản in mới này] chúng tôi đều dùng ô vuông [bao quanh những chữ Kinh, Sớ, Sao, Diễn] để chỉ rõ.

          (Kinh) Hựu Xá Lợi Phất! Bỉ Phật quốc độ, thường tác thiên nhạc.

          (經) 又舍利弗。彼佛國土。常作天樂。

          (Kinh: Lại này Xá Lợi Phất! Cõi Phật ấy thường tấu nhạc trời).

           Kinh văn của kinh Di Đà ngắn ngủi, nhưng nội dung trọn chẳng kém kinh Vô Lượng Thọ. Liên Trì đại sư nói kinh Vô Lượng Thọ là Đại Bổn của kinh này, gọi kinh Di Đà là Tiểu Bổn. Văn tự nhiều hay ít khác nhau, nhưng nói theo phương diện nghĩa lý, chẳng có sai biệt. Chúng ta xem phần chú giải câu kinh văn này.

          (Sớ) Thượng tự bảo trì, thử đàm kim địa chi thượng, hoa nhạc giao huy dã.

          (疏) 上敘寶池,此談金地之上,華樂交輝也。

            (Sớ: Phần trước là trần thuật ao báu, ở đây nói trên đất vàng, hoa và nhạc giao xen rạng ngời).

          “Thượng” là phía trước. Ở phía trước đã nói về sự trang nghiêm nơi ao bảy báu và đức thủy (nước tám công đức) trong ao báu của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đoạn kinh văn này nói đến những sự trang nghiêm trên mặt đất trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Kim địa chi thượng, hoa nhạc giao huy” (Trên đất vàng, hoa và nhạc giao xen rạng ngời), “hoa” là thiên hoa, “nhạc” là thiên nhạc.

          (Sớ) Thiên nhạc giả, dị thế nhạc cố. “Thường tác” giả, vô gián yết cố.     

(疏) 天樂者,異世樂故。常作者,無間歇故。

          (Sớ: “Thiên nhạc” khác với nhạc thế gian, “thường tấu” là chẳng gián đoạn, ngưng dứt).

                     Dưới đây có chú giải mấy câu này.

          (Sao) Dị thế nhạc giả.

       (鈔) 異世樂者。

          (Sao: Khác với nhạc thế gian).

          “Dị” (異) là bất đồng, âm nhạc của Tây Phương Cực Lạc thế giới khác với thế gian này. Rốt cuộc là khác nhau như thế nào? Đại sư dẫn chứng kinh điển để giảng rõ, có thể thấy Ngài nói một câu “dị thế nhạc” chẳng phải là nói tùy tiện.

          (Sao) Đại Bổn vân.

            (鈔) 大本云。

          (Sao: Kinh Đại Bổn nói).

          “Đại Bổn” là kinh Vô Lượng Thọ.

          (Sao) Đệ nhất Tứ Thiên Vương Thiên.

          (鈔) 第一四天王天。

          (Sao: Tầng thứ nhất là trời Tứ Thiên Vương).

                   Từ thế giới này đi lên, tầng trời thứ nhất là Tứ [Thiên] Vương Thiên, [tức cõi trời của] Tứ Đại Thiên Vương. Tứ Thiên Vương là Đông, Nam, Tây, Bắc, ở giữa là núi Tu Di (Sumeru). Phương Đông là Trì Quốc Thiên Vương (Dhṛtarāṣṭra), tay cầm đàn tỳ bà. Phương Nam là Tăng Trưởng Thiên Vương (Virūḍhaka), tay cầm bảo kiếm. Phương Tây là Quảng Mục Thiên Vương (Virūpākṣa), tay cầm một con rắn. Phương Bắc là Đa Văn Thiên Vương (Vaiśravaṇa), tay cầm một cái tán. Sắp xếp theo thứ tự thuận, người Hoa sẽ nói là “phong điều vũ thuận”, bảo kiếm sanh Phong, tỳ bà Điều huyền (điều hòa dây đàn), tán che mưa (Vũ), loài tiểu động vật trên tay là Thuận tùng.

                     (Sao) Cập chư thiên nhân, bách thiên hương hoa, bách thiên âm nhạc, dĩ cúng dường Phật, cập chư Bồ Tát, Thanh Văn chi chúng.       (鈔) 及諸天人,百千香華,百千音樂,以供養佛,及諸菩薩聲聞之眾。

          (Sao: Và các vị trời, dùng trăm ngàn thứ hương hoa, trăm ngàn loại âm nhạc, cúng dường Phật, và các vị Bồ Tát, Thanh Văn).

          Nói rõ Tứ Vương Thiên cúng dường đạo tràng của Phật, Bồ Tát bằng “hương hoa” và “âm nhạc”. Đương nhiên là hương hoa và âm nhạc của Tứ Vương Thiên thù thắng hơn nhân gian rất nhiều. Vì sao biết là thù thắng? Chúng ta nhìn từ chỗ nông cạn và gần gũi nhất, nơi thế gian này, hương hoa trong nhà người phú quý chẳng giống hương hoa trong nhà kẻ nghèo khó, tôi nghĩ chư vị có thể lãnh hội điều này. Phước báo của Tứ Vương Thiên lớn hơn nhân gian chúng ta. Đừng nói chi khác, lấy thọ mạng để nói, một ngày trên Tứ Vương Thiên bằng năm mươi năm trong nhân gian chúng ta. Họ có thọ mạng là năm trăm năm, một ngày bằng năm mươi năm trong nhân gian, cũng coi như một năm là ba trăm sáu mươi ngày, họ lại thọ năm trăm năm, nhân gian chúng ta chẳng có cách nào sánh bằng! Phước báo của họ to hơn chúng ta rất nhiều, đương nhiên thụ dụng thù thắng hơn chúng ta rất nhiều! Họ là thần hộ pháp của Phật. Khi Phật, Bồ Tát giảng kinh, thuyết pháp, họ đều đến nghe. Đến nghe, đương nhiên là trước đó phải cúng Phật, cúng Bồ Tát. Thanh Văn là A La Hán, họ cũng phải cúng dường, những vị ấy đều là thánh nhân.

          (Sao) Ư thị đệ nhị Đao Lợi Thiên Vương, Dục Giới chư thiên, dĩ chí đệ thất Phạm Thiên, nhất thiết chư thiên, hương hoa âm nhạc, chuyển tương bội thắng.

            (鈔) 於是第二忉利天王,欲界諸天,以至第七梵天,一切諸天,香華音樂,轉相倍勝。

          (Sao: Kế tiếp là tầng trời thứ hai là Đao Lợi Thiên Vương, chư thiên trong Dục Giới, cho đến tầng trời thứ bảy là Phạm Thiên, hết thảy chư thiên, hương, hoa, âm nhạc càng lên cao càng thù thắng gấp bội).

          Càng lên cao, phước báo của chư thiên càng to. Đao Lợi Thiên là tầng trời thứ hai. Người Hoa gọi Đao Lợi Thiên Chúa là Ngọc Hoàng Đại Đế, rất nhiều tôn giáo gọi ông ta là Thượng Đế. Phước báo trong tầng trời này to gấp đôi Tứ Vương Thiên, thọ mạng cũng dài. Một ngày trong Đao Lợi Thiên bằng một trăm năm trong nhân gian chúng ta, họ thọ một ngàn năm. Nay chúng ta thấy những con số này cũng là con số thiên văn. Phước báo đương nhiên vượt trỗi Tứ Vương Thiên rất nhiều. Lên cao hơn còn có Dạ Ma Thiên, Đâu Suất Thiên, Hóa Lạc Thiên, và Tha Hóa Tự Tại Thiên. Câu “Dục Giới chư thiên” đã bao gồm trọn vẹn [những tầng trời ấy]. “Dĩ chí đệ thất Phạm Thiên” (Cho đến tầng trời thứ bảy là Phạm Thiên). Tầng trời thứ bảy là Sơ Thiền trong Sắc Giới, tức là Đại Phạm Vương Thiên, vượt khỏi Dục Giới tiến vào Sắc Giới. “Nhất thiết chư thiên” (Hết thảy chư thiên) là nói từ Sắc Giới trở lên. Sắc Giới gồm Tứ Thiền, có mười tám tầng trời. Ở đây, không nói tới Vô Sắc Giới, chỉ nói Sắc Giới, vì sao? Nó có hình sắc, chúng ta có thể trông thấy. [Đoạn kinh văn này] nói rõ chư thiên trong các cõi trời từ Tứ Thiền trở xuống, thảy đều cúng Phật, cúng dường Bồ Tát, cúng dường các vị A La Hán.

          (Sao) Hựu vân: “Diệc hữu tự nhiên vạn chủng kỹ nhạc, vô phi pháp âm, thanh sướng ai lượng (liêu lượng), vi diệu hòa nhã, nhất thiết âm thanh, sở bất năng cập.      

        (鈔) 又云:亦有自然萬種伎樂,無非法音,清暢哀亮(嘹亮),微妙和雅,一切音聲,所不能及。

          (Sao: Lại nói: “Cũng có vạn thứ kỹ nhạc tự nhiên, không gì chẳng phải là pháp âm, trong trẻo, du dương, êm ái, réo rắt (rõ ràng), vi diệu hòa nhã, hết thảy các âm thanh khác đều chẳng thể bằng”).

           Đoạn này nói về âm nhạc tự nhiên. Trong phần trước là chư thiên cúng dường; trong đoạn này [âm nhạc] là “tự nhiên có”, chẳng do chư thiên cúng dường. Điều này hết sức kỳ diệu, vì sao tự nhiên có? Thật vậy, chẳng giả. Chư vị niệm Phật đã có công phu kha khá, khi chẳng niệm, vẫn nghe tiếng Phật hiệu. Đó gọi là “thiên nhạc”, thiên nhạc chưa chắc đã do chư thiên cúng dường, có khi là tự nhiên. Tự nhiên từ đâu sanh ra? Thưa cùng chư vị, từ trong Pháp Tánh lưu lộ. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư đã nói rất hay: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn trọn đủ”, hương, hoa, âm nhạc đều vốn trọn đủ trong tự tánh của chúng ta.

          Tu hành là tu gì? Tu hành phải chú ý những gì? Điều này vô cùng quan trọng. Chúng ta thấy hiện nay có bao nhiêu người học Phật, học suốt một đời, chẳng phải là họ không tinh tấn, họ thật sự tinh tấn, nhưng học suốt một đời chẳng thành tựu một điều gì! Đúng là hết sức đáng tiếc. Đó là do chẳng hiểu đạo lý, chẳng hiểu phương pháp, dùng sai công phu!

          (Sao) Quán Kinh vân: “Vô lượng chư thiên, tác thiên kỹ nhạc. Hựu hữu nhạc khí huyền xử hư không, như thiên bảo tràng, bất cổ tự minh”.

            (鈔) 觀經云:無量諸天,作天伎樂。又有樂器懸處虛空,如天寶幢,不鼓自鳴。

          (Sao: Quán Kinh chép: “Vô lượng chư thiên, tấu kỹ nhạc cõi trời. Lại có các thứ nhạc khí treo lơ lửng trên không, như tràng báu cõi trời, chẳng ai tấu mà tự phát ra âm thanh”).

          Câu “vô lượng chư thiên” bao gồm Dục Giới và Sắc Giới. Đoạn này và nửa đoạn sau nói về cùng một chuyện, tức là âm nhạc tự nhiên trong hư không. Có thể thấy khi đức Phật giảng kinh, thường nói đến chuyện này. Có thể thấy đức Phật không chỉ nói đến chuyện này trong một pháp hội, mà thường tuyên thuyết trong nhiều pháp hội, bất quá Liên Trì đại sư nêu đại lược hai bộ kinh mà thôi. Đoạn kế tiếp là kết luận.

          (Sao) Dĩ thị thiên nhân sở tác chi nhạc, phi nhân gian sở hữu, cố vân “dị thế nhạc” dã.

          (鈔) 以是天人所作之樂,非人間所有,故云異世樂也。

          (Sao: Do là loại nhạc của chư thiên tấu lên, nên trong nhân gian chẳng có, vì thế nói là “khác với nhạc thế gian”).       

           Đây là nói [âm nhạc cõi trời] chẳng giống âm nhạc trong thế gian.

            (Sao) Vô gián yết giả.

       (鈔) 無間歇者。

          (Sao: Chẳng gián đoạn, ngưng dứt).

         Đây là thường tấu. “Vô gián yết” là thiên nhạc chẳng hề gián đoạn.

          (Sao) Thế nhạc tu nhân, hữu tác, hữu chuyết.

          (鈔) 世樂須人,有作有輟。

          (Sao: Nhạc thế gian cần phải có người [tấu nhạc], có lúc tấu, có lúc ngưng).

          Âm nhạc thế gian cần phải có người diễn tấu. Khi quý vị tấu nhạc thì có tiếng nhạc; khi không tấu, tiếng nhạc bèn gián đoạn. Nói rõ [nhạc thế gian] có gián đoạn.

          (Sao) Thiên nhạc tự minh, cố vân “thường tác” dã.

          (鈔) 天樂自鳴,故云常作也。

            (Sao: Nhạc trời tự trỗi, nên nói là “thường tấu”).

          Thiên nhạc chẳng gián đoạn, ngày đêm cũng chẳng gián đoạn. Nếu chúng ta có Thiên Nhĩ Thông, bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào, quý vị muốn nghe, đều có thể nghe thấy; nhưng mọi người chớ nên khởi lên ý niệm “ta muốn đắc thần thông”. Mong đắc thần thông chẳng phải là không đạt được, nhưng sau khi đạt được, sẽ bị rắc rối, có những tác dụng phụ, tuyệt đối chẳng phải là chuyện tốt đẹp. Vì thế, người học Phật hãy nên thật thà niệm Phật, đừng cầu thần thông, mà cũng chẳng cần phải cầu cảm ứng.

          (Sao) Kim nhân niệm Phật, lâm chung chi nhật, thiên nhạc nghênh không, chánh duy Tịnh Độ thường tác thiên nhạc cố.

          (鈔) 今人念佛,臨終之日,天樂迎空,正唯淨土常作天樂故。

          (Sao: Nay người niệm Phật, nhằm ngày lâm chung, thiên nhạc vang rền hư không, đó chính là vì Tịnh Độ thường tấu nhạc trời vậy).

          Đây là nói trong thế giới này, có nhiều người niệm Phật khi vãng sanh có thụy tướng ấy, trên không trung trỗi âm nhạc. Không chỉ người vãng sanh nghe thấy, mà người trợ niệm bên cạnh, thậm chí chẳng phải là người trợ niệm, những người ở gần đó đều có thể nghe thấy. Do vậy có thể biết, chuyện này là thật, chẳng giả. Lần này tôi ở Mỹ, đến Dallas. Ở Washington DC, có một vị đồng tu lâu năm là cư sĩ Cung Chấn Hoa, ông Cung là một người niệm Phật kiền thành nhất, cũng chuyên niệm kinh Vô Lượng Thọ, chuyên niệm A Di Đà Phật. Trong nhà ông ta có Phật đường, Phật đường ấy rất lớn; hai vợ chồng đều học Phật, chuyên tu, chuyên hoằng, hết sức khó có! Ông ta gọi điện thoại kể cho tôi nghe chuyện vừa mới xảy ra gần đây nhất. Ở DC có tiên sinh Châu Quảng Đại là chủ tiệm bánh mì. Ông Châu bị ung thư gan, bệnh ấy hết sức đau đớn, suốt đời chẳng nghe Phật pháp, chưa hề tiếp xúc Phật Giáo. Đến lúc sắp lâm chung, bác sĩ đã ngừng trị liệu, chẳng có cách nào chữa trị. Khi ấy, vợ ông ta rất lo lắng, đi khắp nơi lạy thần cầu cảm ứng vì thấy chồng đau đớn dường ấy! Vợ ông Cung Chấn Hoa mở quán cơm tại Hoa Thịnh Đốn, nói chung, thường đến chỗ họ mua bánh mì, rất thân thiết với bà Châu. Bà Châu liền đem tình hình bệnh tật của chồng kể cho bà Cung biết, hỏi bà Cung có cách nào cứu chữa hay không. Bà Cung về nhà kể chuyện với Cung cư sĩ, bảo Cung cư sĩ hãy đến thăm.

          Ông Cung Chấn Hoa cũng rất sốt sắng, đến thăm một phen. Sau khi trông thấy [tình trạng bệnh nhân], ông ta nghĩ thầm: “Căn bệnh này chẳng thể nào lành được”. [Đối với chuyện] cầu Phật, cầu Quán Âm Bồ Tát gia hộ cho ông Châu lành bệnh, Cung cư sĩ nói chẳng thể nào có chuyện ấy được. Ông ta liền rành rẽ khuyên ông Châu Quảng Đại: “Chớ nên cầu lành bệnh, hãy cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Ông sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới làm Bồ Tát, làm Phật, sau đó, lại quay trở lại đây độ vợ ông, độ con cái, người nhà quyến thuộc của ông. Đấy chẳng phải là chuyện tốt lành ư?” Tiên sinh Châu Quảng Đại vừa nghe liền tiếp nhận, rất khó! Rất chẳng dễ dàng! Cả đời chưa hề nghe Phật pháp, vừa nghe người ta khuyên cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ông ta không chỉ chẳng tức giận, mà rất hoan hỷ tiếp nhận, bảo vợ và con cái niệm A Di Đà Phật giúp ông ta sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, bắt đầu niệm Phật, phát nguyện cầu vãng sanh.

          Ông Cung Chấn Hoa trợ niệm cho ông ta, mặt khác báo tin cho hội Phật Giáo DC, tức là Hoa Phủ Phật Giáo Hội, có mười mấy vị đồng tu thay phiên nhau tới trợ niệm. Niệm đến ngày hôm sau, niệm cảm được Địa Tạng Bồ Tát hiện tới, Cung cư sĩ liền bảo ông ta: “Bất luận Phật, Bồ Tát nào đến, đều chớ đi theo, vẫn nhất tâm niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ”. Câu khai thị ấy vô cùng trọng yếu, mấu chốt ở đó. Tôi chẳng ngờ ông Cung Chấn Hoa có bản lãnh ấy; đó cũng là Phật, Bồ Tát cảm ứng. Ông ta nói: “Điều gì chúng ta cũng không cầu, chỉ cầu A Di Đà Phật, cầu sanh Tây Phương”. Niệm đến ngày thứ ba, A Di Đà Phật tới, Tây Phương Tam Thánh, Quán Âm, Thế Chí, A Di Đà Phật từ trên mây giáng xuống tiếp dẫn, bọn họ mười mấy người đều trông thấy. Lại nữa, kể từ lúc Châu cư sĩ phát tâm niệm Phật, chẳng còn đau khổ, điều này rất chẳng thể nghĩ bàn! Đến cuối cùng, khi ra đi, ông ta niệm mấy chục câu Phật hiệu, trung khí[1] vẹn mười. Cung cư sĩ kể ông Châu nằm trên giường, niệm Phật trong phòng ngủ, ở ngoài đường còn nghe tiếng.

          Vì vậy, ông Cung gọi điện thoại cho tôi, kể:

          – “Hoặc từ một ngày cho đến bảy ngày”, trước đây, con thấy sách viết như vậy, chẳng ngờ tại Washington trông thấy thụy tướng ấy, [niệm Phật] ba ngày mà thôi!

          Ba ngày niệm Phật, nói thật ra, hoàn toàn tương ứng với kinh Vô Lượng Thọ đã dạy: “Phát Bồ Đề tâm, một mực chuyên niệm”. Ý niệm phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ của ông ta là Vô Thượng Bồ Đề tâm, ba ngày ba đêm chẳng gián đoạn. Từ lúc mới phát tâm cho đến khi vãng sanh, Phật hiệu chẳng gián đoạn, một mực chuyên niệm, ông ta đã làm được. Tại DC còn có chẳng ít người học Mật, thấy tình hình ấy, nay đã khăng khăng một mực niệm A Di Đà Phật, thật sự chính mắt trông thấy mà! Vì lẽ đó, chuyện này chẳng giả, chúng ta phải nghiêm túc, phải nỗ lực, vì lúc lâm chung thấy thiên hoa, thiên nhạc, Phật, Bồ Tát đến tiếp dẫn, hoàn toàn tương ứng với những điều kinh đã nói, hoàn toàn giống hệt. Duyên quá tốt đẹp, ông ta trọn đủ ba duyên sau đây:

          – Duyên thứ nhất là khi lâm chung, thần trí sáng suốt; tuy rất đau khổ, nhưng chẳng mê hoặc.

          – Thứ hai là gặp thiện tri thức, vừa được chỉ dạy, liền lập tức tiếp nhận, liền thật sự niệm.

          – [Điều thứ ba là nhất tâm nhất ý chuyên niệm].

          Trọn đủ ba điều kiện ấy, kinh dạy “bảy ngày vãng sanh”. Chẳng ngờ trong thời đại này, trong một xã hội như vậy, chúng ta vẫn còn thấy sự thật này!

          Đoạn tiếp theo là Xứng Lý, cũng là “tiêu quy tự tánh” như trong Phật môn thường nói. Cổ nhân thường nói “xem kinh phải biết tiêu quy tự tánh”. Cách tiêu quy như thế nào? Đoạn này là tiêu quy tự tánh, Liên Trì đại sư đã nói rõ cho chúng ta biết. Nếu chẳng nói ra, bản thân chúng ta cũng có thể xứng lý như vậy, quý vị cũng sẽ được thụ dụng rất lớn.

          (Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh vạn đức hòa dung, thị thiên nhạc nghĩa.

          (疏) 稱理,則自性萬德和融,是天樂義。

          (Sớ: Xứng Lý thì vạn đức hòa hợp, dung nhập trong tự tánh chính là ý nghĩa của thiên nhạc).

          Trừ chư thiên cúng dường thiên nhạc ra, còn có âm nhạc tự nhiên. Âm nhạc tự nhiên là thứ vốn sẵn có trong bổn tánh, sẵn có như thế nào? Do “Tánh Đức hòa dung” nên tự nhiên có âm nhạc.

          (Diễn) Nhạc khả dĩ dưỡng nhân chi tánh tình, nhi đãng địch kỳ tà uế, tiêu dung kỳ tra chỉ, thị hữu hòa dung chi nghĩa.

     (演) 樂可以養人之性情,而蕩滌其邪穢,消融其渣滓,是有和融之義。

          (Diễn: Nhạc có thể di dưỡng tánh tình của con người, gột rửa tà uế, tiêu tan những cặn bã, nên có ý nghĩa “hòa dung”).

          “Nhạc” là một phương pháp giáo dục cao thượng, trong Phật môn gọi là “thiện xảo phương tiện”. Nói theo cách hiện thời, nhạc là một kỹ xảo giáo dục. Trong xã hội cổ xưa của Trung Quốc, phương pháp giáo học của Khổng lão phu tử đã chú trọng lễ nhạc. Lễ nhằm “điều thân”, nhất cử nhất động nơi thân chúng ta phải phù hợp lễ tiết. Nhạc nhằm “điều tâm”, nhằm dưỡng tánh tình. Trong lúc tâm tình chúng ta phiền bực, xáo động, hát một bài, tâm bèn bình lặng, an tĩnh. Vì thế, nhạc nhằm dưỡng tâm, dưỡng tánh tình. Có thể điều hòa tốt đẹp hai thứ ấy, phẩm cách con người tự nhiên thăng hoa, trong Phật môn nói là “siêu phàm nhập thánh”, trong giáo học Nho gia gọi là “biến hóa khí chất”. Có thể thấy nhạc giáo (giáo dục bằng âm nhạc) hết sức trọng yếu.

          Thế gian hiện thời là đời loạn, lễ và nhạc đều chẳng có. Trước kia, nhạc là dưỡng tâm, quý vị nghe âm nhạc hiện thời chỉ sợ tâm chẳng tĩnh, đáng sợ quá! Nghe âm nhạc trong Phật môn so ra vẫn tốt hơn bất cứ loại nhạc nào, nhưng nhạc chương[2] hiện thời trong Phật môn, những loại phạm bái, tán tụng có thể nói là chẳng bằng trước kia, càng xướng càng lạc điệu! Nguyên nhân ở chỗ nào? Người tu hành hiện thời chỉ tu bề ngoài, chẳng tu tâm. Nếu tâm thanh tịnh, tự nhiên sẽ phù hợp nhạc chương. Tâm người hiện thời chẳng thanh tịnh, những kẻ bình phàm chẳng học Phật trong xã hội lại càng chẳng cần phải nói nữa. Do vậy có thể biết tầm trọng yếu của nhạc giáo.

          (Sao) Tự tánh như thật không, tắc bất lập nhất trần; như thật bất không, tắc giao la vạn đức.

       (鈔) 自性如實空,則不立一塵,如實不空,則交羅萬德。

          (Sao: Tự tánh là Như Thật Không nên chẳng lập mảy trần, tự tánh là Như Thật Bất Không nên muôn đức giao xen).

          Bốn câu này có ý nghĩa rất sâu, hết sức trọng yếu. Trong sách Diễn Nghĩa có chú giải Không và Bất Không là một, tuyệt đối chẳng phải là chia làm hai chuyện. Nếu chúng ta coi nó như hai chuyện, quý vị chẳng có cách nào lãnh hội chân nghĩa ở đây. Bài kệ Khai Kinh có câu: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”. Vì sao nói là một chuyện? Do nói tới Thể và Dụng của tâm. Bản thể của chân tâm là Không, Lục Tổ đã nói: “Vốn chẳng có một vật”. Chẳng có một vật là Không! Tuy chẳng có một vật, nó có thể khởi tác dụng, biến hiện sâm la vạn tượng, nên nó lại là Bất Không (chẳng phải là Không). Không là chân thật, Bất Không vẫn là chân thật. Tuy biến hiện sâm la vạn tượng, chư vị phải hiểu, sâm la vạn tượng quyết định là trọn bất khả đắc, vì sao? Chúng tuy có hình tướng, nhưng chẳng có tự thể, chỉ có hình tướng mà thôi. Vì lẽ đó, trong Phật pháp gọi Tướng là Giả Tướng, hoặc Huyễn Tướng. Kinh Kim Cang đã nói rất hay: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, “hết thảy các pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Tướng có hay không? Có, nhưng chẳng chân thật, quý vị chớ nên coi nó là thật. Nếu quý vị nghĩ nó là thật, sẽ bị rắc rối to, quý vị liền mê hoặc, điên đảo, tạo nghiệp thọ báo, làm những chuyện đó. Nói thật ra, quý vị làm những chuyện ấy thì những chuyện ấy vẫn đều là giả! Tuy là giả, nhưng quý vị phải chịu khổ, có Khổ Thọ. Thí dụ như nằm mộng, quý vị gặp ác mộng, trong mộng rất khổ, rất sợ hãi; sau khi tỉnh mộng bèn biết [những nỗi sợ hãi ấy] là giả. Mộng tuy là giả, nhưng khi quý vị nằm mơ, chẳng biết đó là mộng. Hoàn cảnh hiện thực của chúng ta xác thực là như vậy. Thật vậy, đó là Thật Tướng, là Thật Tướng của hết thảy các pháp. Chúng ta đã mê mất Thật Tướng một thời gian rất lâu. Do mê mất chân tướng, nên ngỡ các cảnh giới là chân thật. Đó là mê hoặc, đó gọi là vô minh.

          Khoa học hiện đại đã tiến bộ hơn trước rất nhiều. Các khoa học gia hiện nay đã phát hiện trong thế giới này chẳng có vật chất, các hiện tượng [vật chất] là gì? Là các hiện tượng được sanh từ sự dao động của ánh sáng, xác thực là chẳng có vật chất tồn tại. Học thuyết ấy tương ứng với những điều kinh Phật đã dạy. Chúng ta thường xem TV, trên màn hình huỳnh quang là không gian hai chiều. Nếu khoa học kỹ thuật trong tương lai tiến bộ hơn, TV có thể biến thành không gian ba chiều, chư vị hãy nghĩ xem sẽ thành như thế nào? Hiện thời, chúng ta sống trong không gian ba chiều, chúng ta thường nói là TV lập thể, con người thật sự có thể bước ra khỏi màn ảnh. Có loại TV ấy hay không? Có, hiện thời ở bên ngoại quốc có. Quý vị đến chơi Địch Sĩ Ni Lạc Viên (khu giải trí Disney) của nước Mỹ, xem TV lập thể, toàn là hình ảnh tạo bởi ánh sáng, lại còn chiếu chính quý vị vào đó. Quý vị thấy [mỗi hình ảnh] đối diện với chính mình, chẳng cảm thấy chúng là giả, vì sao? Quý vị thấy hoàn toàn là [hình tượng] lập thể, nhưng nó là hình ảnh, chẳng thật. Nếu có thể đạt đến bốn chiều, năm chiều, thì nay chúng ta nói là chuyện “thần tiên”! Không gian chẳng có hạn lượng, đó là Thật Tướng của các pháp, là tướng chân thật của hết thảy các pháp. Vì thế, phải biết Không và Có là một, không hai.

          Kinh giảng về Chân Như, Chân là nói đến tánh thể, Như là nói về tác dụng của tánh. Tuy hiện vô lượng vô biên hiện tướng, tướng giống như tánh, tánh giống như tướng, tánh và tướng bất nhị. Giống như chúng ta nằm mộng, trong cái tâm nằm mộng của chúng ta vốn chẳng có mộng, tâm là Chân, là Không, nhưng nó có tác dụng biến hiện mộng cảnh. Mộng cảnh là có, là Như, Như là như thế nào? Là Tướng Phần của cái tâm quý vị, tướng chẳng thể lìa tánh, tánh chẳng thể lìa tướng. Cổ nhân nói: “Dùng vàng làm đồ vật, món nào cũng đều là vàng”, đồ vật chẳng thể rời khỏi vàng, vàng cũng chẳng thể rời khỏi đồ vật; vàng là đồ vật, đồ vật là vàng. Quý vị hiểu đạo lý này, Không là Có, Có là Không. Vì thế, Không và Bất Không là một, không hai. Quý vị phải thấu hiểu từ chỗ này.

          Thật sự có thể ngộ nhập, quý vị sẽ đạt đến giải thoát, vì sao? Thụ dụng hết thảy, chẳng có phiền não. Vì sao chẳng có phiền não? Chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, chẳng có vọng tưởng. Chư Phật, Bồ Tát chẳng khác gì chúng ta, chỗ khác nhau là trong hết thảy vạn tượng, các Ngài xác thực đã vĩnh viễn đoạn trừ vọng tưởng, chấp trước. Phàm phu chúng ta khởi lên vọng tưởng, chấp trước đối với vạn tượng. Kinh Hoa Nghiêm đã nói hết thảy chúng sanh mê hoặc, điên đảo “chỉ vì vọng tưởng, chấp trước, nên chẳng thể chứng đắc”. Nay chúng ta vẫn dùng vọng tưởng, chấp trước để niệm Phật, vẫn dùng vọng tưởng, chấp trước để học Phật, rất khó thành tựu! Do vậy, cương lãnh trọng yếu trong tu học là ở chỗ nào? Làm thế nào để xóa sạch vọng tưởng, chấp trước, quý vị sẽ thành công. Đây là một đại sự vô cùng khẩn yếu! Phải làm như thế nào thì mới có thể trừ bỏ vọng tưởng, chấp trước? Thưa cùng chư vị, hiểu rõ ràng, rành rẽ hết thảy các pháp, thật sự chẳng khởi niệm, không động tâm, tức là không phân biệt, không chấp trước. Cảnh giới [không phân biệt, chấp trước] ấy tương ứng với cảnh giới của Phật, Bồ Tát. Quý vị  có thể gìn giữ lâu dài cảnh ấy, bèn là Phật, Bồ Tát. Quý vị có thể giữ gìn trong một niệm bèn tương ứng trong một niệm, niệm niệm gìn giữ bèn niệm niệm tương ứng.

          “Giao  la  vạn  đức”  là  nói đến y báo và chánh báo trang nghiêm

trong mười pháp giới. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều là Tánh Đức, nên chúng là bình đẳng. Phàm phu chẳng thấy chân tướng này vì có phân biệt, có chấp trước ở trong ấy, khởi lên [phân biệt] đây là thiện, kia là ác, đây là tốt, kia là xấu, dấy lên phân biệt, chấp trước trong ấy, nên chẳng thấy chân tướng. Chư Phật, Bồ Tát chẳng có phân biệt và chấp trước, nên các Ngài thấy hết thảy các pháp bình đẳng. Thiên đường và địa ngục bình đẳng, phàm thánh bình đẳng, sanh Phật bình đẳng, [tức là] chúng sanh và Phật bình đẳng, tịnh uế bình đẳng, [tức là] Tịnh Độ và uế độ bình đẳng. Vì sao bình đẳng? Vì tâm các Ngài bình đẳng. Chúng ta thấy những thứ bất bình đẳng, điều gì bất bình đẳng? Chẳng phải là cảnh giới bất bình đẳng, mà là tâm chúng ta bất bình đẳng, hỏng bét! Nói thật thà, một câu Phật hiệu này nhằm mong cho quý vị niệm đến mức bình đẳng, niệm đến mức thanh tịnh. Nếu trong cảnh giới vẫn chưa thể quay đầu, dẫu niệm Phật hiệu nhiều đến mấy, đến khi lâm chung chỉ sợ nẩy sanh vấn đề, vẫn không đắc lực. Vì thế, tu hành là tu ở chỗ nào? Tu trong cảnh giới bất bình đẳng tột bậc, tu cái tâm bình đẳng của chính mình. Đến khi tâm quý vị đã bình đẳng, quý vị mới thật sự cảm thấy cảnh giới bình đẳng, rất kỳ diệu! Mới biết đức Phật chẳng gạt ta, Phật nói lời thật!

          Chính mình phải đích thân tự chứng cảnh giới ấy, quý vị mới có thể chân thật thụ dụng. Chính quý vị chưa thể đích thân chứng cảnh giới ấy, dẫu nghe đã nhàm tai, ở trong cảnh giới vẫn thấy có cao, thấp, vẫn bất bình, chẳng có cách nào cả, vẫn chẳng khởi tác dụng! Nói cách khác, dẫu niệm Phật tốt đẹp cách mấy, quý vị chẳng thể thụ dụng! Vì thế, tu học Phật pháp nhất định phải hòa nhập thành một khối với cuộc sống của chính mình thì quý vị mới có thụ dụng. Nếu tu hành thuộc về tu hành, niệm Phật thuộc về niệm Phật, lạy Phật thuộc về lạy Phật, cuộc sống thuộc về cuộc sống, [như vậy là] hoàn toàn trật khớp, há có tác dụng gì đâu? Vô dụng! Người khác tu theo cách nào, chúng ta chẳng cần phải quan tâm, phải tu cho chính mình, điều này mới là trọng yếu, đó gọi là “kẻ khác mê, ta không mê”.

          Nếu nói cụ thể hơn một chút, tu hành là tu gì? Đầu tiên là quý vị trừ bỏ dục vọng, tham, sân, si, mạn, phải bỏ sạch những thứ ấy. Ngàn vạn phần chớ nghĩ dục vọng chẳng thể bỏ, người khác đều đang truy cầu, làm sao chúng ta có thể bỏ cho được? Vì sao đức Phật bảo chúng ta bỏ sạch hết thảy các dục vọng? Vì có đạo lý, từ vô thỉ kiếp tới nay, chúng ta đời đời kiếp kiếp sanh tử luân hồi là do dục vọng giở trò. Chẳng có dục vọng, sẽ chẳng có luân hồi. Do đó, đức Phật bảo chúng ta đoạn hết thảy dục vọng là đúng, tiếng tăm, lợi dưỡng thảy đều chẳng cần, chẳng dính mắc tí nào. Dính vào ngũ dục lục trần bèn sanh tử luân hồi, đương nhiên là như vậy. Người khác cần, chúng ta không cần. Những thứ chúng ta cần, người khác cũng chẳng cần! Vì thế, chúng ta và người khác đối xử với nhau, kinh nói là “vạn đức hòa dung”. Vì sao? Chẳng xung đột! Chẳng xung đột với bất cứ ai. Những gì quý vị cần, tôi đều không cần, những gì tôi cần, quý vị cũng chẳng cần, làm sao có xung đột cho được? Trong ấy có pháp hỷ thật sự, có lợi ích chân thật. Đại Kinh có nói: “Huệ dĩ chúng sanh chân thật chi lợi” (Ban cho chúng sanh lợi ích chân thật). Lợi ích chân thật chính là điều này: Khiến cho quý vị trong một đời này, tâm và cảnh như một, pháp hỷ sung mãn, đời sau thấy Phật, thành Phật. Chúng ta phải nhớ điều này, phải nghiêm túc tu học.

          (Sao) Điều hòa nhi khắc hài bất bột, dung dịch nhi nhất vị vô quai.

            (鈔) 調和而克諧不悖,融液而一味無乖。

          (Sao: Điều hòa, nhịp nhàng, chẳng chõi nhau, một mực hòa hợp chẳng trái nghịch).

                            Hai câu này đều nhằm tán thán nhạc chương.

 

          (Diễn) Thuấn Điển vân: “Bát âm khắc hài, vô tương đoạt luân”. Kim tư vạn đức diệc nhiên, thường, lạc, ngã, tịnh, bất bột chân thật thức tri. Biến chiếu pháp giới, bất bột thanh lương bất biến, bất ly, bất đoạn, bất dị, bất tư nghị, tức khắc hài bất bột.

          (演) 舜典云:八音克諧,無相奪倫。今茲萬德亦然,常樂我淨,不悖真實識知;遍照法界,不悖清涼不變,不離、不斷、不異、不思議,即克諧不悖。

          (Diễn: Thuấn Điển[3] chép: “Tám âm điều hòa, đừng bị rối loạn trật tự”. Nay vạn đức cũng giống như thế, thường, lạc, ngã, tịnh, chẳng trái nghịch với sự hay biết chân thật, chiếu khắp pháp giới, chẳng trái nghịch thanh lương, bất biến, chẳng lìa, chẳng đoạn, chẳng khác, chẳng nghĩ bàn chính là “hài hòa, chẳng chống trái”).

           “Bát âm[4] khắc hài” là nhạc giao hưởng. Thời cổ, nhạc khí đơn giản, nhạc khí hiện thời phức tạp, không phải chỉ là tám loại. Quý vị thấy dàn nhạc giao hưởng diễn tấu, nhạc khí có tới mấy chục loại, diễn tấu quả thật vô cùng êm tai, mỗi loại nhạc khí đều có điểm đặc sắc. Dùng những điều ấy để sánh ví Tánh Đức. Đối với Tánh Đức, trong kinh thường tán thán “thường, lạc, ngã, tịnh”. Người thế gian có bốn danh xưng ấy, nhưng chẳng có thực chất. Vì sao hữu danh vô thực? Vì Tánh Đức của quý vị chưa thể tỏ lộ, bốn chuyện ấy chỉ có Tánh Đức mới trọn đủ.

          “Thường” là vĩnh viễn bất biến, đó là Tánh Đức. Thưa cùng chư vị, nếu chúng ta muốn thấu lộ Tánh Đức, đạt được thụ dụng chân thật, dùng phương pháp gì? Niệm Phật là phương pháp tốt nhất. Chúng ta niệm Phật nhằm mong đạt được gì? Chẳng phải là để được cảm ứng, chẳng phải nhằm đắc thần thông, cũng chẳng phải là để thấy thụy tướng, cũng chẳng phải là để thấy Phật hay thấy quang minh, những thứ ấy đều chẳng phải! Niệm Phật nhằm mục đích đắc nhất tâm bất loạn; nói cách khác, niệm nhằm đạt được cái tâm thanh tịnh, trong tâm thanh tịnh chẳng có một vọng niệm nào! Khi một vọng niệm cũng chẳng có, bèn là Thường, tâm vĩnh viễn là như vậy. Tâm phàm phu vô thường, vì sao? Niệm này khởi, niệm kia diệt, ý niệm sanh diệt không ngừng, suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn xạ, đó là vô thường. Người niệm Phật trong mười hai thời chỉ có một niệm A Di Đà Phật, ngoại trừ A Di Đà Phật ra, chẳng có niệm nào khác. Niệm ấy là Thường.

          Trong tâm thanh tịnh chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, chẳng có phiền não, chẳng có ưu lự, đó là Lạc, đấy là Chân Lạc. Lạc trong Thường – Lạc – Ngã – Tịnh chẳng phải là Lạc trong Khổ Lạc. Lạc trong Khổ Lạc là tương đối. Trong Chân Như bổn tánh, khổ và lạc đều chẳng có, đó là Chân Lạc. Nói thật thà, đối với người thế gian chúng ta, lạc cũng là khổ, há có lạc? Có một câu thường nói rất hay: “Lạc cực sanh bi”, lạc có thể biến thành bi, biến thành khổ, lạc ấy há có phải là chân lạc? Chẳng phải là chân lạc! Chân lạc vĩnh viễn bất biến, đó là chân lạc.

          “Ngã” có nghĩa là chúa tể, chính mình thật sự làm chủ. Lục đạo phàm phu trong thế gian này đều chẳng làm được chuyện này. Đừng nói là lục đạo phàm phu, ngay cả A La Hán và Quyền Giáo Bồ Tát đều chẳng làm được! Chính mình có thể làm chủ tể, đầu tiên là chúng ta chẳng muốn già, có thể làm được hay không? Chúng ta muốn bất tử. Tôi nói lời thật cùng quý vị, người niệm A Di Đà Phật chẳng già, mà cũng chẳng chết. Mọi người phải luôn nhớ, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, tôi thường nói là vãng sanh trong khi còn sống, chẳng phải là chết rồi mới vãng sanh, mọi người hãy nghe cho rõ lời này. Như tiên sinh Châu Quảng Đại, ông ta thấy Tây Phương Tam Thánh đến đón tiếp, theo Phật ra đi, sau khi đã đi mới chết, chẳng phải là chết trước rồi sau đấy mới thấy Phật. Thấy Phật đến đón, “ta theo Phật ra đi”, đó là ra đi trong khi còn sống. Sau khi đã ra đi mới chết, chẳng phải là chết rồi mới đi, phải hiểu rõ điều này! Quý vị phải hiểu rõ sự thật này, người ấy chẳng chết, mà là theo Phật ra đi. Vì vậy, pháp môn này là bất sanh, bất diệt, phải hiểu rõ chân tướng sự thật này.

          “Tịnh” là thanh tịnh. Tâm thanh tịnh, thân liền thanh tịnh. Thân tâm thanh tịnh, thế giới này liền thanh tịnh, hoàn cảnh liền thanh tịnh, đúng như kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Cảnh chuyển theo tâm”. Phàm phu trong thế gian là “tâm chuyển theo cảnh”, rất khổ, bị ngoại cảnh xoay chuyển. Chư Phật, Bồ Tát chẳng bị ngoại cảnh chuyển! Quý vị không bị ngoại cảnh xoay chuyển, còn có năng lực chuyển hoàn cảnh bên ngoài, còn có năng lực chuyển cảnh. Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: “Nếu có thể chuyển cảnh, ắt giống như Như Lai”, quý vị chẳng khác gì Như Lai! Quý vị chuyển cảnh giới, chẳng còn bị cảnh giới xoay chuyển chính mình. Người chuyển cảnh giới đắc đại tự tại, người bị cảnh giới chuyển khổ lắm! Có các đồng tu thường nói với tôi, [họ dự tính] tìm một hoàn cảnh tu hành tốt đẹp. Đến đâu để tìm? Hoàn cảnh nào tốt đẹp? Đưa quý vị đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị vẫn chẳng vừa ý, vẫn thấy không thuận mắt! Vì sao? Bản thân quý vị có phiền não, quý vị đến đâu để tìm được một hoàn cảnh tốt đẹp? Hoàn cảnh tốt đẹp ở chỗ nào? Trong tâm quý vị. Khi trong tâm quý vị chẳng có vọng niệm, hoàn cảnh bèn tốt đẹp. Tìm trong hoàn cảnh y báo nơi thế giới này, sẽ chẳng tìm được. Thật vậy! Tâm đã thanh tịnh thì chẳng chỗ nào không thanh tịnh. Do đó, phải cầu từ trong nội tâm.

          “Biến chiếu pháp giới, bất bột thanh lương, bất biến, bất ly, bất đoạn, bất dị, bất tư nghị” (Chiếu khắp pháp giới, chẳng trái nghịch thanh lương, bất biến, chẳng lìa, chẳng đoạn, chẳng khác, chẳng nghĩ bàn). “Pháp giới” ở đây là nói tới mười pháp giới. Nếu nói cụ thể hơn một chút, sẽ là xã hội hiện thực của chúng ta. Các tầng lớp khác nhau trong xã hội giống như mười pháp giới. Trong xã hội, chúng ta thường nói có người thiện, có kẻ ác. Người thiện như ba thiện đạo, kẻ ác như tam ác đạo, hoàn cảnh có thuận cảnh và nghịch cảnh, chẳng khác gì mười pháp giới! “Biến chiếu” là quý vị đối với tất cả những cảnh giới ấy, đối với những tầng lớp trong toàn thể xã hội, thảy đều hiểu rõ ràng, rành rẽ, nhưng tuyệt đối chẳng trái nghịch sự “thanh lương bất biến” của chính mình. Tâm địa hết sức thanh lương, chẳng bị biến đổi bởi cảnh giới bên ngoài. Tâm quý vị thanh tịnh, nhưng vẫn chẳng tách rời, chẳng thoát khỏi xã hội. Tâm và cảnh trọn chẳng phải là hai thứ, [đó là] bất dị! Cảnh giới ấy chẳng thể nghĩ bàn. Đó là hòa hài, là vạn đức hòa dung, chúng ta dụng công là dụng công ở chỗ này. Vì thế, tổ Liên Trì dùng chữ “bất tư nghị” để tổng kết, ý nghĩa này rất sâu.

          Tâm và cảnh đích xác là chẳng thể suy nghĩ, Tư là tư duy. Hễ quý vị có Tư là còn có giới hạn, còn có phân biệt, chấp trước. Quý vị thấy chữ Tư (思) là một chữ thuộc loại Hội Ý, phía trên chữ Tâm (心) vẽ một chữ Điền (田), [tức là cái tâm] có giới hạn! Nói cách khác, quý vị có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, Tư là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Do đó, chớ nên Tư! Chẳng thể Tư thì ta chẳng có phân biệt, chẳng có vọng tưởng, chẳng có chấp trước, đó là dung hợp vạn đức. “Nghị” (議) là nghị luận. Chẳng có nghị luận! Tất cả hết thảy ngôn ngữ, thưa cùng chư vị, đều gọi là “phế thoại” (廢話: lời thừa), đều chẳng có ý nghĩa. Quý vị thấu hiểu ý nghĩa chân thật bằng tự tâm, chẳng thể nói ra được! Do đó, nhà Phật thường nói: “Ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt”. Quý vị có thể thực hiện công phu như vậy, Thật Tướng của các pháp liền hiện tiền, Tánh Đức liền biểu lộ. Đối với hết thảy các pháp, không nghĩ ngợi, không bàn luận, hiểu rõ ràng, rành rẽ, chiếu khắp pháp giới, đó là “khắc hài bất bột” (hài hòa, chẳng trái nghịch), chẳng trái phạm tự tánh. Bất luận trong cảnh giới nào cũng đều chẳng trái phạm tự tánh, đều thuận theo tự tánh, nên Tánh Đức biểu lộ.

          (Diễn) Kim tư vạn đức diệc nhiên, xác thực hữu thử chư công đức nghĩa, nhi vô sai biệt chi tướng, đẳng đồng nhất vị, duy nhất Chân Như dã.

       (演) 今茲萬德亦然,確實有此諸功德義,而無差別之相,等同一味,唯一真如也。

          (Diễn: Nay vạn đức cũng giống như thế, xác thực là có các ý nghĩa công đức ấy, nhưng chẳng có tướng sai biệt, cùng là một vị như nhau, chỉ là một Chân Như mà thôi).

          Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều do Tánh Đức lưu lộ. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, ao bảy báu, nước tám công đức, vàng ròng lót đất, đó là Tánh Đức. Núi đao, vạc dầu trong địa ngục cũng là Tánh Đức. Vì thế, nói theo Tánh Đức thì chẳng khác gì nhau, chân tâm năng biến (có thể biến) chẳng khác nhau, nhưng hiện tướng được biến ra khác nhau, nên có sai biệt. Trong sai biệt có vô sai biệt, vô sai biệt là tánh có thể biến, sai biệt là tướng. Tánh – tướng như một, sai biệt là chẳng có sai biệt. Kết luận là “đẳng đồng nhất vị, duy nhất Chân Như dã” (cùng là một vị như nhau, chỉ là một Chân Như), câu này có ý nói: Trong tận hư không khắp pháp giới, trên là các cõi Phật thanh tịnh, dưới là A Tỳ địa ngục, “đẳng đồng nhất vị, duy nhất Chân Như”, quý vị chia rời như thế nào đây? Quý vị đắc nhất tâm bất loạn sẽ là cảnh giới này. Ta niệm Phật, có niệm đến mức nhất tâm hay không? Quý vị hãy phản tỉnh: Cảnh giới trước mắt có phải là như vậy hay không? Cảnh giới trước mắt quả nhiên là như vậy thì gần như là công đức của quý vị đã thành tựu. Phải ghi nhớ: Kẻ khác có phân biệt, ta vô phân biệt. Ta phân biệt là vì kẻ khác phân biệt nên bèn phân biệt, chẳng phải vì chính mình có phân biệt. Do đó, Phật, Bồ Tát thuyết pháp là Tha Thụ Dụng, phân biệt giùm người khác, bản thân Phật, Bồ Tát có phân biệt hay không? Chẳng có! Chính mình vĩnh viễn là tâm và cảnh như nhau, “đẳng đồng nhất vị, duy nhất Chân Như” là cảnh giới của chính vị Phật hay Bồ Tát đó.

          (Sao) Nhẫn, Tấn tương dữ đê ngang, tắc huân minh, trì tấu.

          (鈔) 忍進相與低昂,則塤鳴篪奏。

          (Sao: Nhẫn và Tấn cao thấp tương ứng, tức là huân thổi, địch tấu[5]).

          Trong Bồ Tát hạnh, nêu ra hai thứ là Nhẫn Nhục và Tinh Tấn, đây là hai thứ trong Lục Độ. Lục Độ là khuôn phép và tiêu chuẩn cho cuộc sống và hành vi của Bồ Tát, gồm có sáu điều. Trong sáu điều, đặc biệt chỉ ra hai điều nhằm chuyên nói với người tu Tịnh Độ, cũng nhằm nói rõ: Chúng ta niệm Phật công phu không đắc lực do đã sơ sót hai chữ [Nhẫn và Tấn] ấy. Vì sao? Chẳng thể nhẫn nại chịu đựng, một tí chẳng vừa ý vặt vãnh bèn vứt bỏ ngay, làm sao có thể thành công cho được?

          (Diễn) Nhẫn giả, ác mạ chúy đả, giai tất năng nhẫn, do như đại địa, do như kiều lương, nhậm nhất thiết tiễn đạp, nhi bất khởi nhất niệm, cố viết Đê.

     (演) 忍者,惡罵捶打,皆悉能忍,猶如大地,猶如橋梁,任一切踐踏,而不起一念,故曰低。

          (Diễn: “Nhẫn”: Chửi bới nặng nề, đánh đập, đều có thể nhẫn, giống như đại địa, hoặc như cầu bến, mặc cho hết thảy giày xéo nhưng chẳng khởi một niệm, nên nói là Thấp).

          Chúng ta có thể làm được hay không? Chư vị phải luôn nhớ một câu, “trong hết thảy cảnh giới mà chẳng thể nhẫn, kẻ ấy chẳng thể thành tựu”. Người nào thành tựu? Điều gì cũng đều có thể chịu đựng, loại người ấy thành tựu! Trong Bồ Tát hạnh, trước hết phải chịu đựng nghịch cảnh. Nói cách khác, phải ở trong hoàn cảnh xấu xa, kém cỏi nhất mà đoạn cái tâm sân khuể của chính mình. Tâm sân khuể chẳng có, chẳng đọa địa ngục. Vì thế, khi tu hành, vì sao phải tu trong nghịch cảnh? Tôn giả Đại Ca Diếp xuất thân từ gia đình phú quý. Sau khi xuất gia, Ngài bèn tu khổ hạnh, nhẫn được những điều kẻ khác chẳng thể nhẫn. Trong xã hội ngày nay, người thật sự biết tu hành thành tựu mau, mà bị đào thải cũng mau! Chẳng thể nhẫn bèn bị đào thải, có thể chịu đựng bèn thành tựu. Thường có người chửi bới, đánh đập, hủy nhục chúng ta, thì đối với một người tu hành chân chánh, kẻ đó là một vị đại thiện tri thức. Chúng ta tiêu trừ nghiệp chướng từ vô thỉ kiếp tới nay như thế nào? Kẻ ấy đã tiêu trừ thay cho chúng ta. Quý vị thấy trong năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử, Cam Lộ Hỏa Vương là thiện tri thức giống như vậy. Suốt ngày từ sáng đến tối kiếm chuyện gây khó dễ, hễ đôi chút trái ý bèn đánh, chửi, lại còn giết quý vị. Đã thế, chẳng giết ngay, mà còn lăng trì xử tử, khiến cho quý vị chết từ từ. Đó là đại thiện tri thức, là vị thầy về Nhẫn Nhục Ba La Mật, cách dạy Nhẫn Nhục Ba La Mật là như vậy. Nếu quý vị có thể tiếp nhận, học chẳng động tâm trong cảnh giới, sẽ đoạn hết sân khuể. Không trải qua cửa ải này, sân khuể chẳng dễ gì đoạn được! Ý niệm sân khuể rất sâu, bình thường bản thân quý vị chẳng thể phát giác,  khi cảnh giới hiện tiền,  nó bèn tự nhiên  bộc

lộ.

          Vì thế, phải đoạn trừ sân khuể trong nghịch cảnh thì tâm chúng ta mới đạt được thanh tịnh. Thật sự đoạn trừ tâm sân khuể, tức là tu thành công Nhẫn Nhục Ba La Mật. Lại tu trong thuận cảnh, tu gì trong thuận cảnh? Đoạn tâm tham, đoạn tham ái. Vì vậy, người bình phàm tu hành, trước hết là [tu] từ nghịch cảnh sẽ dễ thành tựu; vừa mở đầu bèn tu trong thuận cảnh, chẳng dễ gì thành tựu! Nếu chư vị lắng lòng quan sát một phen, sẽ thấy từ xưa tới nay, trong và ngoài nước, những nhân vật anh hùng hào kiệt thật sự trỗi vượt người khác, gần như đều là con em nhà nghèo hèn. Quý vị hãy xem trong lịch sử, có mấy ai xuất thân là con em nhà giàu có? Quá ít! Thuận cảnh thường khiến cho chí khí của con người bị hủy diệt, nghịch cảnh dễ rèn luyện con người. Vì thế, dạy chúng ta hãy học theo đại địa. Địa Tạng Vương Bồ Tát đại diện cho Nhẫn Nhục Ba La Mật, đại địa mặc cho kẻ khác giẫm đạp, nó vẫn có thể chịu đựng!

          (Diễn) Tấn giả, hiểu dạ vong bì, tinh tấn bất giải, do như nhất nhân dữ vạn nhân địch, dũng mãnh trực tiền, cố viết Ngang.

          (演) 進者,曉夜忘疲,精進不懈,猶如一人與萬人敵,勇猛直前,故曰昂。

          (Diễn: Tấn là đêm ngày quên mệt, tinh tấn chẳng lười nhác, giống như một người chống lại vạn người, dũng mãnh tiến thẳng lên phía trước, nên gọi là Cao).

          Tấn là tinh tấn. Có nhiều người, dường như cũng rất dụng công, mỗi ngày cũng Tấn, nhưng chẳng phải là Tinh Tấn, mà là Tạp Tấn, dũng mãnh tạp tấn, dũng mãnh loạn tấn, làm sao thành công cho được? Chẳng thể thành công! Thuần mà chẳng tạp, thâm nhập một môn, đó mới là Tinh Tấn. Học rất nhiều thứ, rất tạp, không được! Ngày đêm quên mệt, tinh tấn chẳng lười nhác, dũng mãnh tiến thẳng lên trước, sức mạnh nào thúc đẩy kẻ ấy? Thưa cùng chư vị, pháp hỷ! Kẻ ấy càng tu càng hoan hỷ, sức mạnh đó thúc đẩy kẻ ấy. Nếu tu học chẳng đạt được pháp hỷ, quyết định sẽ đi vào lối rẽ. Nếu quý vị chẳng đi sai đường, nhất định có pháp hỷ, pháp hỷ sung mãn, thật sự sung sướng, thật sự tự tại. Nếu học Phật càng học càng khổ, sai mất rồi, chắc chắn là đã đi lạc đường. Người học Phật nhất định là càng học càng vui sướng, càng học tâm địa càng thanh tịnh, càng học tâm lượng càng rộng lớn, đích xác là phiền não, ưu lự thảy đều dần dần phai nhạt, quên đi, đến cuối cùng tìm chẳng thấy nữa! Người ấy lẽ nào chẳng vui sướng? Thông đạt, hiểu rõ hết thảy Lý Sự, nhưng chẳng khởi một niệm, liền tương ứng với Tánh Đức. Hiểu rõ, thông đạt hết thảy, nhưng còn có vọng niệm thì chưa phải là Phật, Bồ Tát, chúng ta phải nhận biết rõ ràng điều này. Nhẫn nhục và tinh tấn cũng là đồng thời.

          (Diễn) Chánh nhẫn nhục thời, chánh tinh tấn; dũ tinh tấn thời, dũ nhẫn nhục.

       (演) 正忍辱時,正精進;愈精進時,愈忍辱。

          (Diễn: Ngay trong lúc nhẫn nhục là lúc tinh tấn; khi càng tinh tấn thì càng nhẫn nhục).

          Trong ấy có pháp vị thật sự, có thụ dụng thật sự. Nói cách khác, người không tinh tấn chẳng thể nhẫn. Người chẳng thể nhẫn tức là không có tinh tấn. Đó là đạo lý nhất định.

          (Diễn) Huân minh trì tấu giả, huân, thổ vi chi, trì, trúc vi chi, nhị khí hỗ tương xướng họa.

          (演) 塤鳴篪奏者,塤,土為之,篪,竹為之,二器互相唱和。

          (Diễn: “Huân minh, trì tấu”: Huân làm bằng đất, Trì làm bằng tre. Hai thứ nhạc khí cùng nhau xướng họa).

          Trong kinh Thi có một đoạn chép về [hai thứ nhạc khí này]. Huân và Trì đều là nhạc khí thời cổ. Huân làm bằng đất sét, có hình dạng giống như cái nậm, dưới đáy có mấy lỗ để thổi. Trì làm bằng tre. Hai thứ nhạc khí này có thể hòa tấu với nhau. “Thi vân: Bá thị xuy huân, trọng thị xuy trì” (Kinh Thi chép: “Anh thổi huân, em thổi trì”). “Bá” (伯) là anh, “Trọng” (仲) là em, [dùng chữ Huân Trì] để sánh ví anh em hòa thuận.

          (Diễn) Kim thử Nhẫn Tấn, đê ngang hỗ tạo, như huân trì chi hỗ vi cao hạ dã.

          (演) 今此忍進,低昂互造,如塤篪之互為高下也。

          (Diễn: Nay Nhẫn và Tấn cao thấp nâng đỡ nhau, như tiếng Huân và tiếng Trì cao thấp hỗ trợ nhau).

          Giống như hai thứ nhạc khí Huân và Trì, một nhạc khí âm thanh thấp, một nhạc khí âm thanh cao, hai thứ điều hòa cho nhau. Vì thế, người ấy khiêm hạ chẳng phải là thật sự khiêm hạ, mà là dũng mãnh tinh tấn. Tuy dũng mãnh tinh tấn, người ấy có thái độ rất nhún nhường, chẳng kiêu mạn, chẳng ngạo mạn. Ý nghĩa này hết sức vi diệu, hết sức viên mãn, hy vọng các đồng tu hãy chú tâm lãnh hội, nhất định phải đạt được sự thụ dụng chân thật trong Phật pháp. Cũng là nhất định học sao cho có thể ứng dụng trong cuộc sống, ứng dụng vào xử sự, đãi người, tiếp vật, chúng ta sẽ đạt được lợi ích chân thật. Trong cuộc sống, trong hoàn cảnh nhân sự hằng ngày, bản thân chúng ta thật sự đạt được tâm thanh tịnh, thật sự thành tựu từ bi, Nhẫn và Tấn đầy đủ, như vậy thì mới có thể thành tựu. Hôm nay chúng tôi giảng đến đây.

[1] “Trung khí” có nhiều cách hiểu, nhưng ở đây có nghĩa là lượng khí hô hấp, vận động khi nói, ca hát, hoặc xướng niệm. Do người Hoa quan niệm, khi nói, hát, hay đọc tụng, nếu chúng ta dùng luồng khí xuất phát từ phần Trung Tiêu (từ dưới ngực đến Đan Điền) thì giọng đọc hoặc giọng hát sẽ rền vang, mạnh mẽ, ấm áp, lưu loát, không ngắc ngứ, không bị cụt hơi.

[2] Nhạc Chương là một thuật ngữ hiểu theo nghĩa hẹp là từng phân đoạn cấu trúc của một đại tác phẩm, bao gồm tốc độ, tiết tấu, phong cách, trình tự riêng. Chẳng hạn một tác phẩm nhạc giao hưởng thường chia thành nhiều phần từ chậm đến nhanh mang sắc thái biểu đạt tình cảm khác nhau. Ở đây, nhạc chương chỉ có nghĩa là sắc thái đặc thù, tiết tấu, giai điệu của một thể loại âm nhạc.

[3] Thuấn Điển là một chương sách của kinh Thư (Thượng Thư), ghi chép về ngôn hạnh của vua Thuấn. Câu nói được trích dẫn ở đây là lời vua Thuấn dặn ông Quỳ: “Đế viết: – Quỳ! Mạng nhữ điển nhạc, giáo trụ tử, trực nhi ôn, khoan nhi lật, cương nhi vô ngược, giản nhi vô ngạo. Thi ngôn chí, ca vịnh ngôn, thanh y vĩnh, Luật hòa thanh, bát âm khắc hài, vô tương đoạt luân, thần nhân dĩ hòa. Quỳ viết: – Ư! Dư kích thạch, phụ thạch, bách thú suất vũ” (Vua nói: “Ông Quỳ! Ta đặt ông làm quan chủ trì âm nhạc, nhằm dạy bảo lũ trẻ, khiến cho chúng nó chất trực, ôn hòa, khoan dung nhưng kiên quyết, cương nghị nhưng chẳng thô bạo, giản dị, chẳng cao ngạo. Thơ nhằm biểu lộ tư tưởng, tình cảm, lời ca nhằm diễn đạt ngôn ngữ, năm âm thanh căn cứ trên những quy định về xướng âm, Lục Luật nhằm khiến cho năm âm thanh được hài hòa, âm thanh của tám loại nhạc khí điều hòa, chẳng bị rối loạn trật tự, khiến cho thần và người đều hòa hợp”. Ông Quỳ tâu: “Thưa vâng! Thần sẽ gõ khánh đá khiến cho trăm loài thú cùng nhảy múa”).

[4] Bát âm là âm thanh của tám loại nhạc khí, phân loại dựa theo chất liệu tức là:

– Kim: Nhạc khí bằng kim loại như chuông, khánh, biện chung, biện khánh, phương hưởng, vân la, trống đồng, cồng, chiêng, não bạt, linh v.v…

– Thạch: Nhạc khí bằng đá, như khánh đá chẳng hạn.

– Ty: Các loại đàn dây. Do dây đàn thuở xưa se bằng tơ, nên gọi là các loại đàn được gọi chung là Ty, như đàn cầm, đàn sắt, không hầu, tỳ bà, nhị hồ, tam huyền, nguyễn cầm, liễu cầm, nguyệt cầm, tranh v.v…

– Trúc: Các loại bằng tre, trúc, sậy, như sáo, tiêu, địch, tỏa na (kèn Tàu), quyển, kèn tất lật… Sau này, các loại nhạc khí thổi, nếu không có bầu cộng hưởng, dù không làm bằng tre vẫn được xếp vào bộ Trúc.

– Bào: Các loại nhạc khí làm bằng quả bầu, hay có hình dáng bầu tròn làm bầu cộng hưởng như sênh, hồ lô tư (một loại kèn gồm ba ống cắm vào một quả bầu), hồ lô sênh (một loại sênh gồm có năm đến bảy ống cắm vào quả bầu khô, trong khi loại sênh thường có bầu cộng hưởng bằng gỗ hay kim loại) v.v…

– Thổ: Nhạc khí bằng đất nung như huân (giống kèn Ocarina của phương Tây), phẫu (nhạc khí bằng đất nung có dạng vò, dùng cây giộng vào lòng phẫu tạo ra tiếng, nhạc khí này hầu như chỉ dùng trong lễ tế Khổng Tử)…

– Cách: Các loại nhạc khí bịt da như các loại trống.

– Mộc: Nhạc khí bộ gõ bằng gỗ như mõ, phách, bản tử, ngữ (nhạc khí hình con hổ, trên lưng có 27 vạch nổi lên. Khi dùng sẽ dùng một bó tre gồm 15 thanh tre cà lên những cái vạch gỗ đó cho phát ra âm thanh loạt xoạt. Ngày nay, Ngữ chỉ dùng trong lễ tế Khổng Tử) v.v…

[5] Huân (塤, còn viết là 壎) là một thứ nhạc khí thường làm bằng đất nung, hình hơi giống quả trứng, một đầu nhọn, một đầu bằng. Đầu nhọn khoét lỗ để thổi, chung quanh khoét lỗ, thông thường là sáu lỗ, được chia thành hai loại: Loại có hình như trứng con phượng, gọi là Nhã Huân; loại giống hình trứng gà thì gọi là Tụng Huân. Huân đôi khi còn được gọi là Đào Địch (ống sáo bằng đất nung), và chữ Huân (Đào Địch) cũng thường được dùng để dịch tên loại kèn Ocarina của phương Tây (tuy Ocarina dẹp và nhỏ hơn Huân).

Trì (篪) là loại sáo bằng trúc thổi ngang, khoét tám lỗ hoặc bảy lỗ (trong khi Tiêu là sáo thổi dọc). Hiện thời hầu như không ai sử dụng Trì, trừ những dàn nhạc tấu loại Nhã Nhạc thời Tùy – Đường mới dùng đến. Trì gần giống như ống Địch (sáo ngang) hiện thời, điểm khác biệt là hai đầu của Trì bịt kín, trong khi Địch để trống, Trì cũng ngắn hơn Địch. Sách Nhĩ Nhã chép: “Trì dài một thước bốn tấc, to ba tấc, thổi ngang. Loại nhỏ chỉ dài hai tấc”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *