#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 01-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 279
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm tám mươi sáu.
(Sao) Ngôn bất dị giả, tiền nhất thuyết, tâm vô sơ tướng, tắc siêu Kiếp Trược, nãi chí vô Nghiệp Hệ Khổ, tắc siêu Mạng Trược, thị đoạn vô minh đẳng, danh Ngũ Trược đắc Bồ Đề dã. Hậu nhất thuyết, Sắc Ấm phá, tắc siêu Kiếp Trược, nãi chí Thức Ấm phá, tắc siêu Mạng Trược, thị phá Ngũ Ấm đẳng, danh Ngũ Trược đắc Bồ Đề dã. Vị thuyết thiểu thù, nhi nghĩa tắc đại đồng dã.
(Diễn) Vị thuyết sảo thù, nhi nghĩa tắc đại đồng giả, ly cửu tướng vô Ngũ Ấm, ly Ngũ Ấm vô cửu tướng, danh thù nhi thể nhất dã.
(鈔)言不異者,前一說,心無初相,則超劫濁,乃至無業繫苦,則超命濁,是斷無明等,名五濁得菩提也。後一說,色陰破,則超劫濁,乃至識陰破,則超命濁,是破五陰等,名五濁得菩提也。為說少殊,而義則大同也。
(演)為說稍殊。而義則大同者。離九相無五陰。離五陰無九相。名殊而體一也。
(Sao: Nói là “chẳng khác”: Thuyết trước (tức thuyết phối hợp ba tế tướng và sáu thô tướng với Ngũ Trược), tâm không có tướng ban đầu bèn vượt thoát Kiếp Trược, cho đến chẳng có Nghiệp Hệ Khổ Tướng bèn vượt thoát Mạng Trược, đấy là đoạn những thứ như vô minh v.v… gọi là “từ trong Ngũ Trược đắc Bồ Đề”. Đối với thuyết sau, phá Sắc Ấm bèn vượt thoát Kiếp Trược, cho đến phá Thức Ấm bèn vượt thoát Mạng Trược, đó là do phá Ngũ Ấm bèn nói là “từ trong Ngũ Trược đắc Bồ Đề”. [Hai cách] nói sai khác đôi chút, nhưng ý nghĩa hầu như tương đồng.
Diễn: “Nói sai khác đôi chút, nhưng ý nghĩa hầu như tương đồng”: Lìa chín tướng (ba tế tướng và sáu thô tướng) chẳng có Ngũ Ấm, lìa Ngũ Ấm chẳng có chín tướng, danh tướng tuy sai khác, nhưng Thể là một).
Đoạn này nhằm giải thích câu “hoặc phối tam tế, lục thô, hoặc phối Ngũ Ấm, nghĩa diệc bất dị” (hoặc là phối ứng với ba tế tướng và sáu thô tướng, hoặc là phối ứng với Ngũ Ấm, ý nghĩa cũng chẳng khác) trong lời Sớ. “Tiền nhất thuyết” (thuyết trước) chính là [giải thích Ngũ Trược theo] ba tế tướng như trong kinh Lăng Nghiêm đã nói, “hậu nhất thuyết” là phối ứng [Ngũ Trược] với Ngũ Ấm. Ba tế tướng và sáu thô tướng là huyễn giác, trong Chân Như bản tánh và cái tâm thanh tịnh, quyết định chẳng có những thứ ấy! Khoa học hiện thời đã khá tiến bộ, theo như các nhà khoa học quan sát, họ nhận thấy: Về căn bản, vật chất chẳng tồn tại. Các hiện tượng được sanh ra như thế nào? Đó là một loại dao động, [vật chất] là một hiện tượng dao động. Pháp Tướng Duy Thức nói: “Một niệm bất giác”, một niệm bất giác là dao động. Hễ bất giác bèn động, giác thì bất động. Do từ một niệm bất giác, mới có các hiện tượng ba tế tướng và sáu thô tướng phát sanh.
“Tâm vô sơ tướng” (Tâm không có tướng ban đầu): “Tâm” [ở đây] là chân tâm. Chân tâm chẳng có đầu hay cuối, cũng có nghĩa là “chẳng có quá khứ, hiện tại, vị lai”, chẳng có các hiện tượng ấy. Kinh Kim Cang có nói: “Mịch tam tâm bất khả đắc” (Tìm ba tâm chẳng thể được). Nó chẳng có trước sau; chẳng có trước sau bèn vượt thoát thời gian, “tắc siêu Kiếp Trược” (bèn vượt thoát Kiếp Trược). “Kiếp” là thời gian và không gian, [“siêu Kiếp Trược”] là đã vượt thoát [thời gian lẫn không gian]. “Nãi chí vô Nghiệp Hệ Khổ” (Cho đến chẳng có Nghiệp Hệ Khổ), Nghiệp Hệ Khổ (nỗi khổ gắn chặt với nghiệp) là quả báo, tức là điều cuối cùng trong sáu thô tướng. Hễ nói đến một mình Nghiệp Tướng, hoặc nói đến một mình Nghiệp Hệ Khổ, chính là đã bao gồm ba tế tướng và sáu thô tướng. “Nãi chí” (乃至) là từ ngữ diễn tả sự tỉnh lược, “tắc siêu Mạng Trược” (bèn vượt thoát Mạng Trược). Phải thật sự giác ngộ, triệt để giác ngộ, nhà Thiền nói là “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh”, đã thấy chân tướng sự thật này. Kẻ chẳng có công phu như chúng ta vẫn sống trong thế gian huyễn hóa, dẫu cho các nhà khoa học hiện thời đã nói: “Không gian là vô hạn chiều”. Con người sống trong không gian ba chiều hoặc bốn chiều, cho đến năm chiều, sáu chiều, cho đến vô hạn chiều, toàn là huyễn hóa, đều chẳng chân thật. Chỉ cần không gian có số chiều hạn lượng, sẽ chẳng phải là thật, đều thuộc trong phạm vi của ba tế tướng và sáu thô tướng. Vượt thoát phạm vi ấy, sẽ gọi là Nhất Chân pháp giới. Các nhà khoa học hiện thời vẫn chưa phát hiện, cách nhìn và cách nói của họ vẫn chưa có ý vị của Nhất Chân pháp giới, nhưng đã khá khả quan.
“Đoạn vô minh” là “Ngũ Trược đắc Bồ Đề” (Từ trong Ngũ Trược mà đắc Bồ Đề), có thể thấy Ngũ Trược và Bồ Đề chỉ là do một niệm giác hay mê mà sanh ra hai thứ cảnh giới bất đồng. Giác là Bồ Đề, mê là Ngũ Trược. Thuyết sau và thuyết trước có ý nghĩa tương đồng, [chỉ là] cách nói khác nhau. Thuyết trước nói theo ba tế tướng và sáu thô tướng, thuyết sau nói theo Ngũ Ấm. Ba tế tướng và sáu thô tướng là nói rõ: Sau khi chúng ta đã mê chân tánh, bèn biến hiện y báo và chánh báo trang nghiêm của mười pháp giới; những lý luận, sự thật và quá trình ấy được nói rất cặn kẽ! [Luận định theo] Ngũ Ấm thì chỉ là nói về hiện tượng, Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, chẳng nói sâu sắc, rõ ràng như ba tế tướng và sáu thô tướng. Nếu phá Ngũ Ấm thì cũng gọi là Bồ Đề. Phá Ngũ Ấm bằng cách nào? Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã dạy rất cặn kẽ!
(Sớ) Quán Kinh vân: “Trược ác bất thiện, ngũ khổ sở bức”. Kim bất ngôn ngũ khổ giả, văn tỉnh dã.
(Diễn) Trược ác bất thiện giả, Trược giả Ngũ Trược, bất thiện
tức thập bất thiện. Ngũ khổ vị ngũ đạo phi lạc cố.
(疏)觀經云:濁惡不善,五苦所逼。今不言五苦者,文省也。
(演)濁惡不善者。濁者五濁。不善即十不善。五苦謂五道非樂故。
(Sớ: Quán Kinh nói: “Trược ác, bất thiện, bị năm nỗi khổ bức bách”. Nay chẳng nói đến năm nỗi khổ, tức là kinh văn tỉnh lược vậy.
Diễn: “Trược ác bất thiện”: Trược là Ngũ Trược, bất thiện chính là mười điều chẳng lành. Năm nỗi khổ có nghĩa là năm đường đều chẳng vui sướng).
Nếu muốn nói cặn kẽ, thật sự là chẳng thể nói trọn hết được! Vì thế, Phật, Bồ Tát, tổ sư đại đức giảng kinh, thuyết pháp cho đại chúng, đều phải luôn nêu ra những điều trọng yếu, cương lãnh, nhằm dạy chúng ta “từ một suy ra ba”. Người nói đỡ tốn công sức, mà người nghe cũng có chỗ lãnh ngộ, có chỗ hội nhập. Ở đây, [lời Sao] đã nêu lên hai câu “trược ác bất thiện, ngũ khổ sở bức” (trược ác, bất thiện, bị năm nỗi khổ bức bách) trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Hai câu ấy đúng là “bằng một lời đã nói toạc tướng trạng của thế gian trong thời kỳ Mạt Pháp”. Các thứ thọ dụng trong cuộc sống của chúng ta trên thế gian này trong hiện thời xác thực là như Quán Kinh đã nói!
(Sao) Ngũ Khổ giả, Sớ vân: “Ngũ đạo chi khổ, hoặc Ngũ Thống, Ngũ Thiêu, Ngũ Ác đẳng, tường cụ Đại Bổn”. Tư bất phồn lục, dĩ trược tất hữu khổ. Cử trược cai khổ, cố viết văn tỉnh.
(Diễn) Ngũ đạo chi khổ giả, địa ngục thiêu chử khổ, ngạ quỷ cơ hư khổ, súc sanh đồ cát khổ, nhân gian bát chủng khổ, thiên thượng ngũ suy khổ. Thử sơ dĩ ngũ đạo phi lạc, thích ngũ khổ dã. Hoặc Ngũ Thống, Ngũ Thiêu, Ngũ Ác đẳng giả, Ngũ Ác vị sát sanh, thâu đạo, tà dâm, vọng ngữ, ẩm tửu. Ngũ Thống tức Ngũ Ác chi hiện tại hoa báo. Ngũ Thiêu tức Ngũ Ác chi tam đồ quả báo. Thử thứ dĩ ngũ tội chiêu báo, thích ngũ khổ dã.
(鈔)五苦者,疏云:五道之苦,或五痛五燒五惡等。詳具大本,茲不繁錄,以濁必有苦,舉濁該苦,故曰文省。
(演)五道之苦者。地獄燒煮苦。餓鬼飢虛苦。畜生屠割苦。人間八種苦。天上五衰苦。此初以五道非樂。釋五苦也。或五痛五燒五惡等者。五惡謂殺生。偷盜。邪婬。妄語。飲酒。五痛即五惡之現在花報。五燒即五惡之三塗果報。此次以五罪招報。釋五苦也。
(Sao: Năm nỗi khổ, giải rằng: Nỗi khổ trong năm đường, hoặc là năm điều đau đớn, năm điều thiêu đốt, năm điều ác v.v… được nói tường tận trong kinh Đại Bổn. Ở đây, do rườm rà, chẳng sao lục. Bởi lẽ, do Trược bèn có Khổ. Nêu lên Trược để bao hàm Khổ; vì thế, nói là “văn tỉnh lược”.
Diễn: “Nỗi khổ trong năm đường”: Địa ngục khổ vì bị đốt nấu, ngạ quỷ khổ vì đói khát, súc sanh khổ vì bị mổ chặt, nhân gian có tám nỗi khổ, cõi trời khổ vì năm tướng suy. Đây chính là trước hết, dùng [sự thật] năm đường đều chẳng vui để giải thích năm nỗi khổ. Còn như năm điều đau đớn, năm điều thiêu đốt, năm điều ác v.v… Năm điều ác chính là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu. Năm điều đau đớn chính là hoa báo của năm điều ác trong hiện tại. Năm điều thiêu đốt là quả báo của năm điều ác trong tam đồ. Đây là kế đó, dùng chuyện “do năm tội mà chiêu cảm báo” để giải thích năm nỗi khổ).
“Tỉnh” (省) là tỉnh lược. Nay các đồng học đọc đoạn văn tự này, phải nên có ấn tượng khá sâu đậm. Vì chúng tôi đã từng giảng bản chú sớ kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật của Thiện Đạo đại sư, và đối với bộ Diệu Tông Sao của Thiên Thai Trí Giả đại sư, tuy chúng tôi chẳng giảng toàn bộ, nhưng đã giảng bản tiết lục bộ Diệu Tông Sao của pháp sư Đế Nhàn, [cho nên các đồng tu] cũng rất quen thuộc đối với những phần văn tự này. Ngũ Thống là hoa báo, tức là các nỗi đau khổ mà chúng ta phải chịu trong hiện tiền. Vì sao nói là Ngũ Thống? Do năm loại nhân lớn mà cảm vời năm loại quả báo lớn này. Ngũ Thiêu là quả báo. Nói theo Phật pháp, Ngũ Thống là hoa báo, trước nở hoa, sau kết quả. Ý nghĩa này cũng nhằm bảo cho chúng ta biết rõ ràng: Hoa báo là báo trong hiện đời, quả báo là trong đời sau. Đời sau là khổ báo trong tam đồ. Đặc biệt dùng chữ Thiêu (燒), nói thật ra, Thiêu là quả báo trong địa ngục. Bất luận địa ngục thuộc loại hình nào cũng đều là một vùng biển lửa.
Ngũ Ác là nhân. Ngũ Ác là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu. Chư vị phải hiểu: Những điều này tương phản với Ngũ Giới. Người gây tạo năm thứ ác ấy, bèn cảm vời quả báo Ngũ Thống và Ngũ Thiêu. Người thế gian chẳng biết chân tướng sự thật này, chẳng biết lợi hại. Nay gây tạo năm thứ ác nghiệp ấy, người ta trong khi tạo tác, trọn chẳng nghĩ năm thứ ấy là ác nghiệp, cứ nghĩ năm thứ ấy là bình thường. Đó chính là mê hoặc, điên đảo. Tâm tạo tác hết sức sôi nổi, hết sức mạnh mẽ, cảm vời quả báo cũng hết sức rõ rệt. Đối với những quả báo ấy, nếu đầu óc chúng ta hơi tỉnh táo một chút, sẽ có thể thấy được, vì quả báo ấy quá nhanh chóng. Nhanh chóng nhất là chưa đầy một năm, hai năm, ba năm, năm năm, Ngũ Thống và Ngũ Thiêu hiện tiền, chúng ta thường có thể thấy được. Đương nhiên là thông thường đối với những người học Phật, do đã được Phật pháp un đúc, tâm địa khá thiện lương, đối với hết thảy tạo tác, đều biết thâu liễm, chúng ta chẳng thể nói là không có Ngũ Thống và Ngũ Thiêu, nhưng nhẹ ít hơn kẻ bình phàm. Thế nhưng chư vị phải hiểu: Những thứ ấy vẫn gây chướng đạo. Nói theo con đường của chúng ta trong hiện thời, chúng chính là chướng ngại cho việc mong cầu vãng sanh Tịnh Độ.
Trong kinh luận, các vị tổ sư đại đức đều dạy chúng ta: Thật sự vãng sanh thì điểm then chốt chính là một sát-na lâm chung; trong sát-na ấy, tâm địa phải sáng suốt, rõ ràng. Nhất tâm bất loạn là công phu [phải tu tập] trong thường nhật thì tới sát-na lâm chung, tâm sẽ chẳng điên đảo. Kinh Di Đà nói “tâm chẳng điên đảo” là nói lúc lâm chung. Một niệm khi lâm chung chẳng điên đảo, quyết định được vãng sanh. Chúng ta thấy mấy ai có thể giữ cho đầu óc rất sáng suốt, tỉnh táo, chẳng mê hoặc tí nào khi lâm chung? Đó là đại phước báo. Cổ nhân nói Ngũ Phước[1], phước thứ năm là chết an lành. Cái gọi là “chết an lành” chính là tỉnh táo, sáng suốt. Người như vậy, dẫu không niệm Phật, chẳng cầu vãng sanh, cũng chẳng bị đọa trong ác đạo. Phải biết: Đọa vào ba ác đạo là hồ đồ, mờ mịt đi vào, chẳng phải là tỉnh táo, sáng suốt mà đi vào đó. Tỉnh táo, sáng suốt, chắc chắn sẽ ở trong hai đường trời, người; quý vị có thể niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, quyết định vãng sanh. Chúng ta biết đạo lý này, biết chân tướng sự thật này, đối với lợi, hại, được, mất, từ ngày nay trở đi, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác, phải nghiêm trì giới luật. Ngũ Giới là giới căn bản, chẳng cần tham nhiều[2]. Giữ gìn tốt đẹp năm điều ấy, chẳng có ai không vãng sanh. Đấy là cổ đức đã rủ lòng giáo huấn chúng ta “trì giới niệm Phật”. Thật sự làm được năm điều ấy, sẽ hữu ích to tát đối với chuyện vãng sanh. Nếu chẳng thể thọ trì năm điều ấy, dẫu niệm Phật tốt đẹp cách mấy, chúng (Ngũ Ác) sẽ gây chướng ngại, chẳng thể nắm chắc vãng sanh. Nghiêm trì giới luật thì mới thật sự nắm chắc vãng sanh.
(Sớ) Thử Ngũ Trược xứ, năng tự lập giả, diệc dĩ tiển hỹ, đắc thành Chánh Giác, ninh bất nan hồ? Thị vi đệ nhất trùng nan sự, minh tự lợi công đức bất khả tư nghị.
(疏)此五濁處,能自立者,亦已鮮矣,得成正覺,寧不難乎?是為第一重難事,明自利功德不可思議。
(Sớ: Người ở trong Ngũ Trược mà có thể tự lập cũng đã là hiếm hoi lắm. Được thành Chánh Giác, há chẳng khó khăn ư? Đây là sự khó thuộc tầng thứ nhất, nói rõ: Công đức tự lợi chẳng thể nghĩ bàn).
Người ở trong đời ác Ngũ Trược mà có thể tự lập, chẳng dễ dàng! “Tiển” (鮮) là ít ỏi. Liên Trì đại sư bảo người như vậy đã là thiểu số. So sánh thời đại của Liên Trì đại sư và chúng ta trong hiện thời, sự trược ác của thời chúng ta vượt xa thời Ngài không chỉ gấp trăm lần. Do vậy có thể biết: Trong xã hội hiện thời, người có thể tự lập [hiếm hoi] như lông phượng, sừng lân, quá đỗi khó khăn!
(Sao) Tự lập giả, ngũ trược ác thế, nhân sanh kỳ trung, ngoại tắc thời thế chi sở bức não, nội tắc hoặc chướng chi sở oanh triền.
(鈔)自立者,五濁惡世,人生其中,外則時勢之所逼惱,內則惑障之所縈纏。
(Sao: “Tự lập”: Người sanh trong đời ác Ngũ Trược, ngoài thì bị thời thế bức bách khổ não, trong thì bị Hoặc chướng quấn trói).
Thời cổ, nói kinh này khó lắm, vì sự trược ác [trong thuở ấy] nhẹ hơn chúng ta trong hiện thời rất nhiều, chẳng dễ cảm nhận cho lắm. Thông thường, họ cảm thấy xã hội rất an ổn, phong tục, tình người rất thuần hậu, cuộc sống xác thực là hạnh phúc mỹ mãn. Hiện thời chẳng phải vậy, dẫu giàu có, chúng ta thấy khá nhiều kẻ giàu có mà chẳng sung sướng. Dẫu địa vị rất cao, địa vị cao mà vẫn bị người khác nhục mạ, đúng là khổ chẳng thể nói nổi! Chúng ta sống trong hoàn cảnh này, thời thế bên ngoài bức bách, não hại chúng ta. Trong ấy, lại có hoàn cảnh nhân sự (các mối quan hệ giữa con người với nhau), Phật pháp thường nói là “oán tắng hội” (怨憎會: oán ghét mà cứ phải gặp gỡ). Chẳng phải là oan gia, không gặp gỡ! Cho đến thân tình như cha con, anh em, hiện thời đều ít thấy! Vì của cải, vì quyền lực, địa vị, mà cốt nhục tương tàn rất nhiều! Chẳng phải là thời cổ không có [những chuyện ấy], nhưng rất ít, hiện thời quá nhiều! Người hiện thời, [mối quan hệ] giữa con người với nhau là quan hệ lợi hại. Hôm nay, anh có lợi cho tôi, hai ta là bạn bè tốt; ngày mai, anh chẳng có lợi ích gì cho tôi nữa, gặp mặt bèn [làm như] không quen biết, coi như kẻ xa lạ. Đó là sự bức não trong hoàn cảnh nhân sự.
Hoàn cảnh vật chất cũng chẳng phải là ngoại lệ. Hiện thời, trên toàn thể địa cầu, hết thảy vạn vật đều bị ô nhiễm khá nghiêm trọng. Chúng ta sống trong thế gian, chẳng thể không ăn, chẳng thể không mặc quần áo, chẳng thể không uống nước; những thứ chúng ta uống, ăn thảy đều bị ô nhiễm, những thứ mặc trên thân đều có tác dụng phụ. Sự bức não nơi hoàn cảnh vật chất đã đạt tới trạng huống hết sức nghiêm trọng, có mấy ai giác ngộ? Mấy ai hiểu rõ?
“Nội tắc Hoặc chướng” (Bên trong thì là Hoặc chướng). “Hoặc” (惑) là mê hoặc, [tức là] đối với chân tướng sự thật, tiền nhân hậu quả chẳng biết một điều nào! Một mực mù quáng theo đuổi, nẩy sanh khá nhiều chướng ngại. Trong Phật pháp gọi những chướng ngại đó là Nhị Chướng hoặc Tam Chướng. Nhị Chướng hoặc Tam Chướng là nói quy nạp. Trong thì có mê hoặc, có chướng ngại, bên ngoài có những ác duyên. Đấy là hoàn cảnh sống của thân thể chúng ta trong hiện thời.
(Sao) Huống hồ thân thuộc Tứ Sanh.
(Diễn) Thân thuộc Tứ Sanh giả, noãn nhân tưởng sanh, thai nhân tình hữu, thấp dĩ hợp cảm, hóa dĩ ly ứng. Tình tưởng hợp ly cánh tương biến dịch. Sở hữu thọ nghiệp trục kỳ phi trầm.
(鈔)況乎身屬四生。
(演)身屬四生者。卵因想生。胎因情有。濕以合感。化以離應。情想合離更相變易。所有受業逐其飛沈。
(Sao: Huống hồ thân thuộc Tứ Sanh.
Diễn: “Thân thuộc Tứ Sanh”: Nhân của Noãn Sanh là do Tưởng sanh ra, nhân của Thai Sanh là do có Tình, Thấp Sanh là do hợp mà cảm vời, Hóa Sanh là do ly mà ứng. Do Tình, Tưởng, Hợp, Ly mà biến đổi, tất cả đều do thọ nghiệp mà thăng trầm).
Tứ Sanh là thai, noãn, thấp, hóa, tức là nói tới các hình thức sanh nở của hết thảy các hữu tình chúng sanh, có thể chia thành bốn loại lớn. Thân thể của chúng ta thuộc về Thai Sanh trong bốn loại lớn đó.
(Sao) Mạng tồn hô hấp.
(鈔)命存呼吸。
(Sao: Sanh mạng tồn tại trong hơi thở).
Câu này nhằm nói mạng của chúng ta hết sức mong manh, yếu đuối, hoàn toàn chẳng kiên cố.
(Sao) Thị dĩ dục khiết thiên ô, cầu thăng phản trụy.
(鈔)是以欲潔偏汙,求升反墜。
(Sao: Do vậy, muốn thanh khiết mà lại thành ô uế, cầu thăng lên đâm ra bị đọa xuống).
“Khiết” (潔) là thanh tịnh. Chúng ta rất mong thanh tịnh, kết quả là như thế nào? Ô nhiễm càng sâu. Chúng ta mong mỏi vượt lên cao, kết quả ngược ngạo là đọa lạc. Mong muốn là một chuyện, kết quả lại là một chuyện khác, nguyên nhân ở chỗ nào? Chính là do “Hoặc chướng” như trong phần trước đã nói, chẳng biết hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng lìa khỏi mối quan hệ nhân quả. Tạo tác ác nhân mà mong được thiện quả, há có lẽ ấy? Chắc chắn là chẳng thể đạt được! Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác đều là Ngũ Ác, hy vọng chính mình được hạnh phúc, vui sướng, gia đình mỹ mãn, xã hội hòa hài, đó là điều chúng ta mong cầu, cầu kiểu nào cũng chẳng cầu được! Dùng đủ mọi phương pháp, thủ đoạn, cho đến [luồn lách những kẽ hở trong] pháp luật, đều chẳng đạt được. Nếu kẻ ấy liễu giải chân tướng sự thật, thực hiện từ nơi nhân duyên, sẽ có thể đạt được quả báo ấy. Hãy nên cầu theo cách nào? Đoạn ác, tu thiện, trì giới, niệm Phật, sẽ thật sự cải thiện được. Chúng ta muốn thanh khiết bèn được thanh khiết, cầu thăng tiến bèn thăng tiến, phải đổ công dốc sức từ chỗ này thì mới được.
(Sao) Năng ư thử trung, phân biệt thiện ác, trì giới, tu phước, tự lập ư nhân thiên chi vị giả, tiển hỹ!
(鈔)能於此中,分別善惡,持戒修福,自立於人天之位者,鮮矣。
(Sao: Có thể ở trong ấy, phân biệt thiện ác, trì giới, tu phước, tự lập nơi địa vị trong cõi trời người, hiếm lắm thay!)
Thiểu số! Chúng ta học Phật, thành tựu thấp nhất là đời sau chẳng đọa trong ba ác đạo, coi như quý vị suốt một đời này chẳng uổng công học Phật! Học Phật suốt cả một đời này, đời sau vẫn phải đọa trong ba ác đạo để thọ báo, quý vị đã uổng công học Phật pháp mất rồi, đã học sai bét mất rồi! Nhưng chúng ta quan sát kỹ lưỡng người học Phật trong thế gian này, người đi sai đường đông lắm, vẫn chẳng phải là thiểu số. Chuyện này rất đáng sợ! Chúng ta chẳng cần bận tâm dòm ngó người khác, hãy thường hồi quang phản chiếu để suy xét chính mình, đấy mới là thật sự có thọ dụng. Dò xét người khác thì có liên quan gì đến mình? Người ta thanh tịnh, đáng thăng lên cao hơn, hay đáng đọa xuống thấp hơn, chẳng có mảy may nào liên quan tới mình, điều khẩn yếu là phải tu sửa chính mình! Trong tu hành, điều quan trọng nhất là quý vị có năng lực “phân biệt thiện ác”, đấy là trí huệ. Liễu Phàm Tứ Huấn đã dạy chúng ta: “Sự có thật và giả”. Chúng ta nói đến Thiện thì Thiện có chân và giả, có thiên (lệch lạc) và viên (viên mãn), có lớn và nhỏ, có bán (một phần) và mãn (trọn vẹn), nói rất nhiều. Quý vị đọc kỹ [sẽ thấy] rất thú vị! Chúng ta học Phật là học theo chân Phật hay học theo giả Phật? Chúng ta học Phật là học theo bán Phật hay học theo mãn Phật? Chớ nên không biết! Tức là ở chỗ này, bèn phân biệt thiện ác, đó là trí huệ.
“Trì giới, tu phước”, mà nếu quý vị chẳng biện định thiện ác, giới do quý vị đã trì chắc chắn chẳng phải là thanh tịnh giới, phước do quý vị đã tu chưa chắc đã là phước báo chân thật. Gieo phước điền, quý vị gieo nơi đất lắm cát, hoặc gieo trên tảng đá, chẳng có thâu hoạch. Quý vị chẳng tìm thấy, chẳng trông thấy phước điền phì nhiêu nhất! Trì giới lẫn tu phước đều phải có huệ; chẳng có huệ, sẽ không được. Do vậy, có năng lực phân biệt thiện ác, [sau đấy] nghiêm túc trì giới, tu phước, người ấy quyết định có thể giữ vững thân người, đời sau sẽ hưởng phước trong hai đường nhân thiên. Đó là “tự lập ư nhân thiên chi vị” (tự lập nơi địa vị nhân thiên), [người như vậy] ít ỏi, chẳng nhiều cho mấy!
Đúng như thuở ấy, đức Thế Tôn ngự tại vườn Cấp Cô Độc. Khi [các cư sĩ] xây cất nhà cửa trong Cấp Cô Độc Viên, đức Phật trông thấy một tổ kiến trên mặt đất, bèn mỉm cười. Các đệ tử bèn hỏi: “Đức Phật cười chuyện gì? Vì sao phải cười chúng nó?” Đức Phật đáp: “Những con kiến này đọa làm thân kiến mãi cho đến nay đã trải qua bảy đức Phật nhập diệt, chúng nó vẫn làm thân kiến”. Nói thông thường, [thời gian để] một vị Phật [xuất thế] là ba A-tăng-kỳ kiếp, đã trải qua bảy vị Phật, tức là [trong suốt] hai mươi mốt A-tăng-kỳ kiếp, chúng nó vẫn chưa lìa khỏi thân kiến. Do chúng nó ngu si, chẳng phải là kiến có thọ mạng dài như thế, mà là chết đi, lại đầu thai làm thân kiến trong cái tổ ấy.
Chuyện này cho thấy: Quyết định chớ nên đi vào ác đạo! Đọa ác đạo dễ dàng, thoát khỏi ác đạo hết sức gian nan. Thọ mạng trong đường ngạ quỷ hoặc địa ngục còn dài hơn [thọ mạng trong súc sanh đạo]. Hỏi đến [tình trạng của] loài người, sau khi đã đánh mất thân người thì tỷ lệ lại được làm thân người sẽ là như thế nào? Đức Phật bốc một nhúm đất trên mặt đất, rồi vẩy đi, trong kẽ móng tay còn dính chút đất, đức Phật dùng ngay chuyện ấy để làm tỷ dụ: Đời sau vẫn có thể được làm thân người, giống như chút đất dính nơi móng tay, cho thấy tỷ lệ của cơ duyên ấy quá nhỏ!
Chúng ta nghe đức Phật thuyết pháp, sau đấy, lại tự nghĩ đến mình: Từ sáng đến tối chúng ta khởi tâm động niệm, nghĩ tưởng những gì? Chúng ta niệm gì? Chúng ta có thể niệm Ngũ Giới, Thập Thiện, có thể nghĩ lợi ích chúng sanh, đó là ý niệm nhân thiên. Chúng ta niệm tham, sân, si, niệm tổn người lợi mình, đó là ý niệm của ba ác đạo. Cứ so sánh mà xem, ý niệm nào nhiều? Ý niệm nào có sức mạnh to lớn? Đời sau, bản thân chúng ta sẽ đi về đâu, bèn biết rõ ràng, rành mạch, chẳng cần phải hỏi ai khác!
Kinh Đại Thừa thường dạy chúng ta: “Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng”, tưởng gì biến nấy! Mười pháp giới đều do tâm tưởng biến hiện. Thập Lục Quán Kinh khuyên chúng ta tưởng Phật, tưởng Phật bèn thành Phật. “Tưởng” (想) là trong tâm (心) thật sự có tướng (相). Trong văn tự Trung Hoa, “tưởng” (想) là trong tâm có tướng, Niệm (念) là cái tâm hiện tại. Chúng ta có thể tưởng niệm A Di Đà Phật, há lẽ nào chẳng sanh về Tịnh Độ? Có thể tưởng niệm A Di Đà Phật, đó là người có phước báo to bậc nhất trong thế gian và xuất thế gian, vì chẳng bao lâu nữa, người ấy sẽ thành Phật.
(Sao) Năng ư thử trung, thâm cụ vô thường, tu Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, tự lập ư Thanh Văn, Duyên Giác chi vị giả, ức hựu tiển hỹ.
(鈔)能於此中,深懼無常,修四諦十二因緣,自立於聲聞緣覺之位者,抑又鮮矣。
(Sao: Có thể ở trong ấy, sợ hãi vô thường sâu xa, tu Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, tự lập nơi địa vị Thanh Văn, Duyên Giác, lại càng hiếm hoi hơn nữa).
Trong điều trước, đã được làm thân người mà chẳng đánh mất thân người, đã là rất khó. Đoạn thứ hai lại cao hơn đoạn trước một tầng. Đời sau, vẫn được hưởng quả báo trong cõi nhân thiên, thọ mạng của nhân thiên chẳng dài, có khổ, có lạc, chẳng phải là “không có khổ, thuần vui”. Có khổ, có lạc, đời sau vẫn phải sống cuộc đời như vậy ư? Vẫn phải hứng chịu những khổ nạn ư? Hứng chịu suốt một đời này vẫn chưa đủ ư? Nếu có sự giác ngộ ấy, người ấy nhất định sẽ nghĩ: “Ta phải lìa khỏi lục đạo”. Cách nghĩ ấy thông minh, chánh xác. Lìa khỏi lục đạo, “thâm cụ vô thường” (sợ hãi vô thường sâu xa), “vô thường” là sanh tử. Trong lục đạo, luôn luôn có sanh tử, chỉ là thọ mạng dài hay ngắn khác nhau mà thôi. Mọi người đừng tưởng thọ mạng trong cõi trời dài lâu! Thọ mạng của Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên là tám vạn đại kiếp, bọn phàm phu chúng ta thoạt nhìn, ngỡ là con số thiên văn, chẳng thể nghĩ bàn! Nhưng chư vị phải hiểu rõ một sự thật: Thọ mạng của loài người chúng ta dài tới một trăm năm, những con phù du sống trên mặt nước từ lúc sanh ra cho đến khi chết đi chỉ có bảy, tám tiếng đồng hồ. Phù du nhìn thọ mạng một trăm năm của con người, há chẳng phải là giống như loài người chúng ta nhìn [thọ mạng] của Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên ư? Từ tỷ dụ ấy, quý vị bèn liễu giải trạng huống sự thật: Tuổi thọ dài lâu trên cõi trời chẳng đáng để hâm mộ! Loài phù du thấy con người trường thọ, chẳng khác chúng ta thấy cõi trời trường thọ! Tuy nói là dài, chúng ta vẫn có cảm giác là một sát-na đã trôi qua, cuộc sống trôi qua quá nhanh. Nhất định phải giác ngộ: “Sanh tử đáng sợ, vô thường nhanh chóng”! Nhất tâm nhất ý liễu sanh tử, thoát tam giới, tam giới là lục đạo. Cầu thoát lìa lục đạo luân hồi, làm như thế nào? “Tu Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên”, đó là phương pháp liễu sanh tử, thoát tam giới được dạy trong giáo pháp Tiểu Thừa. Có sự giác ngộ như vậy, người tu học nghiêm túc như vậy, “ức hựu tiển hỹ” (lại càng ít hơn), càng ít hơn so với loại trước!
(Sao) Nãi ư thử trung, vĩnh đoạn vô minh, cao siêu tam giới, nhi đắc ư Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, thị tắc đồng cư hỏa trạch, độc ngự bảo xa, cộng nịch ái hà, trác đăng bỉ ngạn. Khởi phi nhẫn nhân sở bất năng nhẫn, hành nhân sở bất năng hành, thử chi vị nan, thử chi vị tự lợi công đức bất khả tư nghị dã!
(鈔)乃於此中,永斷無明,高超三界,而得於無上正等菩提,是則同居火宅,獨馭寶車,共溺愛河,卓登彼岸。豈非忍人所不能忍,行人所不能行,此之謂難,此之謂自利功德不可思議也。
(Sao: Cho đến ở trong ấy, vĩnh viễn đoạn vô minh, vượt thoát tam giới cao tột, chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, tức là cùng sống trong nhà lửa, mà riêng ngự xe báu, cùng chìm đắm trong sông Ái, riêng mình lên bờ kia. Há chẳng phải là nhẫn được những điều người khác chẳng thể nhẫn, hành được những điều người khác chẳng thể hành. Chuyện ấy gọi là Khó, điều này được gọi là công đức tự lợi chẳng thể nghĩ bàn).
Điều này so với điều trước càng khó hơn. Đây là trí huệ cao, kiến giải thấu triệt, biết thoát khỏi tam giới vẫn chưa phải là rốt ráo. Thật sự rốt ráo là gì? Phải “vĩnh đoạn vô minh” (vĩnh viễn đoạn trừ vô minh). Vĩnh viễn đoạn trừ vô minh là gì? Hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, quá khứ, hiện tại, vị lai thảy đều hiểu rõ, thứ gì cũng đều chẳng mê, đó gọi là “đoạn vô minh”. Vô minh là chẳng hiểu rõ; đoạn vô minh là thảy đều hiểu rõ ràng, đều hiểu rành rẽ, trí huệ ấy mới được coi là viên mãn. “Cao siêu tam giới”: Chẳng phải là vượt thoát bình thường, mà là vượt thoát ở cấp độ cao. Đó là chuyện của Phật, Bồ Tát. “Nhi đắc ư Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề” (Mà đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề), câu này nói theo cách hiện thời, sẽ là “đạt trí huệ rốt ráo viên mãn, chẳng có gì không biết, chẳng có gì không hiểu rõ”. Người có tầm nhìn như vậy, có chí hướng như vậy, được gọi là “căn tánh Đại Thừa”, hoặc “căn tánh Bồ Tát”, họ học Bồ Tát đạo.
“Thị tắc đồng cư hỏa trạch” (Tức là cùng ở trong nhà lửa), nghĩa là ở cùng một chỗ với chúng ta trong hiện tại. Cõi này là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, thuộc đời ác Ngũ Trược. Chúng ta tuy sống chung với nhau, nhưng tâm và hạnh của chúng ta rốt ráo bất đồng. Suy nghĩ trong tâm phàm phu là vì tư lợi, tham, sân, si, mạn, trong tâm Bồ Tát là thanh tịnh, quang minh, lợi ích chúng sanh rộng rãi. Đó là kiến giải và tư tưởng của các Ngài chẳng giống lũ phàm phu chúng ta, ví như “độc ngự bảo xa” (riêng ngự xe báu) vậy.
Tiếp đó, lại có một tỷ dụ, “cộng nịch ái hà” (cùng chìm đắm trong sông Ái), Ái ở đây là tham, tức tham ái. Kinh Lăng Nghiêm có nói: “Tham tương ứng với nước”. Vì thế, người ta khi tham ăn, bèn chảy nước miếng. Sân tương ứng với lửa, nên khi nổi giận thì mặt đỏ bừng, giống như bị lửa đốt, phát nóng! “Ái hà” là tham dục. Trong tham ái, người ấy có thể buông bỏ, chẳng tham, “trác đăng bỉ ngạn” (riêng lên bờ kia). “Khởi phi nhẫn nhân sở bất năng nhẫn” (Há chẳng phải là có thể nhẫn những điều người khác chẳng thể nhẫn), người khác chẳng thể nhẫn tham, sân, si! Bồ Tát thấy rõ ràng, thấy minh bạch, có chí nguyện to lớn, có mục tiêu và phương hướng chánh xác. Kẻ khác tham, Ngài chẳng tham. Kẻ khác sân hận, Ngài không sân hận, nhẫn được những điều kẻ khác chẳng thể nhẫn. Người thế gian mong muốn tiếng tăm, lợi dưỡng, tham cầu ngũ dục, lục trần, Bồ Tát thảy đều buông bỏ, trọn chẳng tiêm nhiễm. “Hành nhân sở bất năng hành” (Làm được những điều người khác chẳng thể hành): Người thế gian chẳng muốn làm, Bồ Tát thực hiện hằng ngày, nghiêm túc, nỗ lực, tinh tấn thực hiện. Bồ Tát làm gì? Đối với chính mình, bèn tu cái tâm thanh tịnh; đối với người khác, bèn đại từ đại bi, tận tâm tận lực giúp đỡ chúng sanh, chẳng mong được báo đáp. Người thế gian giúp đỡ người khác sẽ mong cầu được báo đáp, Bồ Tát chẳng cầu báo đáp. Đó là “hành nhân sở bất năng hành”. Khó lắm! “Thử chi vị tự lợi công đức bất khả tư nghị” (Điều này được gọi là công đức tự lợi chẳng thể nghĩ bàn), ở đây nói đến ba tầng [của sự khó khăn].
(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh Thỉ Giác minh hồ Bổn Giác, thị ngã tán chư Phật nghĩa. Bổn Giác minh hồ Thỉ Giác, thị chư Phật tán ngã nghĩa.
(Diễn) Thỉ Giác minh hồ Bổn Giác đẳng giả, chư Phật cửu thành thị Bổn Giác nghĩa. Thích Ca kim thành thị Thỉ Giác nghĩa. Thỉ Giác tại triền viết Bổn. Bổn Giác xuất triền viết Thỉ. Thỉ Bổn bất nhị, thị Phật Phật hỗ tán nghĩa.
(疏)稱理,則自性始覺冥乎本覺,是我讚諸佛義;本覺冥乎始覺,是諸佛讚我義。
(演)始覺冥乎本覺等者。諸佛久成是本覺義。釋迦今成是始覺義。始覺在纏曰本。本覺出纏曰始。始本不二。是佛佛互讚義。
(Sớ: Xứng Lý thì Thỉ Giác trong tự tánh ngầm hợp Bổn Giác chính là ý nghĩa “ta tán thán chư Phật”, Bổn Giác ngầm hợp Thỉ Giác là ý nghĩa “chư Phật tán thán ta”.
Diễn: “Thỉ Giác ngầm hợp Bổn Giác”: Chư Phật thành Phật đã lâu chính là ý nghĩa Bổn Giác. Phật Thích Ca nay mới thành Phật chính là ý nghĩa Thỉ Giác. Thỉ Giác ẩn trong phiền trược, nên gọi là Bổn. Bổn Giác thoát khỏi phiền trược, nên gọi là Thỉ. Thỉ và Bổn chẳng hai, đấy chính là ý nghĩa chư Phật tán thán lẫn nhau).
Chư Phật thành Phật đã lâu là ý nghĩa của Bổn Giác. Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện “hiện tại mới thành Chánh Giác”, đó chính là ý nghĩa Thỉ Giác. Thỉ Giác và Bổn Giác là một, Thỉ Giác và Bổn Giác chẳng hai. Đó là “tán Phật” hiểu theo phương diện xứng tánh. Cùng một đạo lý như vậy, Bổn Giác ngầm hợp Thỉ Giác chính là ý nghĩa chư Phật tán thán Phật Thích Ca.
(Sớ) Tự tánh Tịch nhi thường Chiếu, Chiếu nhi thường Tịch, thị Thích Ca Mâu Ni nghĩa.
(Diễn) Thích Ca nãi đại bi lợi sanh thị Chiếu nghĩa, Mâu Ni nãi đại trí minh Lý thị Tịch nghĩa. Tịch Chiếu đồng thời, thị Năng Nhân Tịch Mặc nghĩa.
(疏)自性寂而常照,照而常寂,是釋迦牟尼義。
(演)釋迦乃大悲利生是照義。牟尼乃大智冥理是寂義。寂照同時。是能仁寂默義。
(Sớ: Tự tánh Tịch mà thường Chiếu, Chiếu mà thường Tịch, là ý nghĩa của Thích Ca Mâu Ni.
Diễn: Thích Ca chính là ý nghĩa Chiếu, tức là đại bi lợi lạc chúng sanh. Mâu Ni chính là ý nghĩa Tịch, tức là đại trí ngầm hợp Lý. Tịch và Chiếu đồng thời, chính là ý nghĩa của Năng Nhân Tịch Mặc).
Thích Ca Mâu Ni là danh hiệu của đức Bổn Sư. Chúng ta biết chư Phật, Bồ Tát chẳng có danh hiệu, danh hiệu là do tùy thuận chúng sanh mà kiến lập. Danh hiệu là tông chỉ và cương lãnh của sự giáo hóa chúng sanh. Trong thế gian này, trong khu vực này, đối với chúng sanh trong thời đại này, căn bệnh lớn nhất là thiếu khuyết tâm từ bi. Vì thế, trong sự dạy học, đức Phật dùng chữ Thích Ca. Thích Ca (Śakya) dịch sang nghĩa tiếng Hán là Năng Nhân (能仁), tức là nhân từ, dạy chúng ta đối đãi với hết thảy chúng sanh phải dùng lòng nhân từ. Kế đó, do tâm của chúng sanh trong thời đại này chẳng thanh tịnh, cho nên dùng danh hiệu Mâu Ni. Mâu Ni (Muni) có nghĩa là Tịch Mặc (寂默). Nói đơn giản, Tịch Mặc chính là tâm thanh tịnh. Có thể thấy: Danh hiệu chính là tông chỉ giáo học của lão nhân gia trong thời này, chốn này, dạy chúng ta đối với người khác phải từ bi, đối với chính mình phải thanh tịnh. Đó chính là ý nghĩa của danh hiệu Thích Ca Mâu Ni Phật.
(Sớ) Tự tánh nhiễm nhi bất nhiễm, bất nhiễm nhi nhiễm, thị Ngũ Trược Bồ Đề nghĩa.
(Diễn) Ngũ Trược thị nhiễm nghĩa, Bồ Đề thị bất nhiễm nghĩa. Tùy duyên bất nhiễm, bất nhiễm tùy duyên, thị Ngũ Trược Bồ Đề nghĩa.
(疏)自性染而不染,不染而染,是五濁菩提義。
(演)五濁是染義。菩提是不染義。隨緣不染。不染隨緣。是五濁菩提義。
(Sớ: Tự tánh nhiễm mà bất nhiễm, bất nhiễm mà nhiễm, chính là ý nghĩa của Ngũ Trược và Bồ Đề.
Diễn: Ngũ Trược có ý nghĩa là nhiễm, Bồ Đề có ý nghĩa chẳng nhiễm. Tùy duyên mà chẳng nhiễm, tuy chẳng nhiễm mà vẫn tùy duyên, đó là ý nghĩa của Ngũ Trược và Bồ Đề).
Tự tánh có thật sự bị ô nhiễm hay chăng? Chẳng có! Xác thực là chẳng có! Thành Phật chẳng ô nhiễm, nay chúng ta biến thành chúng sanh, tự tánh của chúng ta cũng chẳng bị ô nhiễm. Đó gọi là “nơi Phật chẳng tăng, nơi phàm chẳng giảm”, chẳng giảm thiểu chút nào! Nhiễm chẳng phải là thật. Nay chúng ta thấy nhiễm là có thật, Phật, Bồ Tát dạy chúng ta [nhiễm] chẳng phải là thật sự có. Chẳng phải là thật sự có, chuyện này là như thế nào? Kinh điển thường nói Diệu Hữu. Diệu Hữu là “có mà chẳng phải là có, chẳng phải là có mà có”, đó mới gọi là Diệu! “Có” là khi chúng ta dấy lên một vọng niệm bèn có; niệm mà được gọi là “vọng niệm”, có thể thấy nó chẳng phải là thật. Tưởng gọi là “vọng tưởng” thì nó chẳng phải là thật. Phía trước [những chữ ấy] đều thêm vào một chữ Vọng, nhằm chỉ rõ rành rành: Tưởng là vọng tưởng, niệm là vọng niệm, động là vọng động, từ trong hư vọng sanh ra những hiện tượng ấy. Vì thế, dường như là bị ô nhiễm, trên thực tế là bất nhiễm. Bản tánh bất nhiễm, nay thấy dường như bị ô nhiễm. Đó là ý nghĩa Ngũ Trược và Bồ Đề. Trược là [nhìn theo] phương diện nhiễm, Bồ Đề là [xét theo] phương diện bất nhiễm. Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không”, đối với ý nghĩa này, đã hiểu rõ triệt để, chiếu kiến Ngũ Uẩn đều là Không.
(Sao) Nhân cai quả hải, quả triệt nhân nguyên, tắc Thỉ Bổn bất nhị.
(Diễn) Nhân cai quả hải đẳng giả, nhân cai quả hải: Thỉ tức Bổn dã. Quả triệt nhân nguyên: Bổn tức Thỉ dã.
(鈔)因該果海,果徹因源,則始本不二。
(演)因該果海等者。因該果海。始即本也。果徹因源。本即始也。
(Sao: Nhân trùm biển quả, quả tột nguồn nhân chính là Thỉ Giác và Bổn Giác chẳng hai.
Diễn: “Nhân trùm biển quả” v.v…: Nhân trùm biển quả: Thỉ Giác chính là Bổn Giác. Quả tột nguồn nhân: Bổn Giác chính là Thỉ Giác).
Hai câu này là tổng cương lãnh. Ứng dụng vào hết thảy các pháp môn, bất luận là pháp thế gian hay Phật pháp, chúng đều là tiêu chuẩn, đều chẳng có mảy may sai lầm. Trong nhân có quả, trong quả có nhân. Khi chúng ta thọ báo, đó là tạo nhân, tạo nhân mà cũng đồng thời thọ báo. Ngũ Ác là tạo nhân, Ngũ Thống là hoa báo. Hoa báo là ngay trong khi quý vị đang tạo nhân bèn thọ quả báo. Ngũ Thiêu là quả báo càng nghiêm trọng hơn trong tương lai, nhưng trong quả báo Ngũ Thiêu, người ấy lại đang tạo nhân. Nhân quả luôn đan quyện vào nhau, chẳng thể tách bạch rõ ràng, chúng ta nhất định phải hiểu điều này. Tu hành chứng quả thành Phật, Thỉ Giác là nhân, Bổn Giác là quả. Thỉ Giác hợp với Bổn Giác, trong Thỉ Giác có Bổn Giác, trong Bổn Giác cũng có Thỉ Giác. Vì thế, “Thỉ Bổn bất nhị” (Thỉ Giác và Bổn Giác chẳng hai).
(Sao) Dụng bất ly Thể, Thể bất ly Dụng.
(Diễn) Dụng bất ly Thể, Năng Nhân tức Tịch Mặc. Thể bất ly Dụng, Tịch Mặc tức Năng Nhân.
(鈔)用不離體,體不離用。
(演)用不離體。能仁即寂默。體不離用。寂默即能仁。
(Sao: Dụng chẳng lìa Thể, Thể chẳng lìa Dụng.
Diễn: Dụng chẳng lìa Thể, Năng Nhân tức là Tịch Mặc. Thể chẳng lìa Dụng, Tịch Mặc chính là Năng Nhân).
Hai câu này nhằm giải thích đại ý trong đức hiệu của đức Thế Tôn. Tâm thanh tịnh là Thể, đại từ bi là Dụng. Thích Ca là đại từ bi, Mâu Ni là tâm thanh tịnh, có Thể và có Dụng. “Dụng bất ly Thể”: Đại từ bi xuất sanh từ cái tâm thanh tịnh. Vì thế, lòng từ bi ấy được gọi là Đại, Đại là gì? Bình đẳng, chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, chẳng có điều kiện. Khi nó đang khởi tác dụng, chẳng có hết thảy phân biệt, chấp trước, tâm thanh tịnh hoàn toàn hiển lộ. Từ đại từ bi, hiển thị tâm thanh tịnh; từ tâm thanh tịnh sanh ra tâm đại từ bi. Thể và Dụng là một, chẳng hai. Vì thế, Thể và Dụng giúp đỡ lẫn nhau thành tựu, chúng ta phải hiểu chuyện này. Tu cái tâm thanh tịnh của ta như thế nào? Đại từ bi. Tu đại từ bi như thế nào? Tâm thanh tịnh.
(Sao) Tắc tịch chiếu đồng thời, bất nhiễm nhi nhiễm, nan khả liễu tri, thị Bồ Đề trầm mai Ngũ Trược.
(鈔)則寂照同時。不染而染,難可了知,是菩提沉埋五濁。
(Sao: Do vậy Tịch và Chiếu đồng thời. Chẳng nhiễm mà nhiễm, khó thể biết rõ, đó chính là Bồ Đề chôn vùi trong Ngũ Trược).
Chư Phật Như Lai “Tịch Chiếu đồng thời”. Tâm phàm phu, thậm chí là ác đạo, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cũng là Tịch Chiếu đồng thời. Vốn là bất nhiễm, vì có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, nên “bất nhiễm mà nhiễm”. Lý ở trong ấy quá sâu, Sự quá phức tạp, quá nhiều, cho nên “nan khả liễu tri” (khó thể biết rõ). “Thị Bồ Đề trầm mai Ngũ Trược” (Là Bồ Đề chôn vùi trong Ngũ Trược), chân tánh lưu chuyển trong ngũ đạo (ngũ đạo chính là lục đạo), [đoạn này] cũng nhằm nói rõ vì sao [chúng sanh sẵn có Bồ Đề mà] biến thành chúng sanh trong lục đạo.
(Sao) Nhiễm nhi bất nhiễm, nan khả liễu tri, thị Ngũ Trược độc lộ Bồ Đề.
(鈔)染而不染,難可了知,是五濁獨露菩提。
(Sao: Nhiễm mà chẳng nhiễm, khó thể biết rõ, chính là Ngũ Trược riêng hiển lộ Bồ Đề).
“Nhiễm nhi bất nhiễm” (Nhiễm mà chẳng nhiễm) là nói: Đối với người tu hành thì cũng là “nan khả liễu tri” (khó thể biết rõ). Lý và Sự đều hết sức sâu rộng. Người Tiểu Thừa đoạn Kiến Tư phiền não, vượt thoát tam giới luân hồi. Đại Thừa Bồ Tát phá vô minh, hiển lộ Pháp Thân, mãi cho đến khi viên mãn Vô Thượng Bồ Đề. Những lý ấy đều hết sức sâu xa, Sự hết sức rắc rối, phức tạp. “Thị Ngũ Trược độc lộ Bồ Đề” (Là trong Ngũ Trược, riêng hiển lộ Bồ Đề), La Hán và Bồ Tát vẫn chưa thành Phật viên mãn, nhưng ở trong Ngũ Trược, các Ngài giác ngộ, nên ở trong nhiễm mà chẳng nhiễm. Giống như kinh Hoa Nghiêm đã sánh ví: Ví như hoa sen, không chỉ là chẳng bị bùn lầy ô nhiễm, mà ngay cả nước cũng chẳng nhiễm. Hoa sen nở phía trên mặt nước. Đức Phật thường dùng chuyện này làm tỷ dụ. Bùn đất ví như lục phàm pháp giới, nước ví như tứ thánh pháp giới, tức là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Hoa nở trên mặt nước, tức là vượt khỏi tứ thánh lục phàm. Đó là gì? Bất đắc dĩ, lại đặt cho nó một cái tên là Nhất Chân pháp giới. Nhất Chân pháp giới vượt lên trên mười pháp giới! Chư vị hiểu sự thật này, sẽ hiểu [vì sao] trong Thiền Tông thường nói: “Ma đến phải chém, Phật đến cũng phải chém”. Vì sao Phật đến mà cũng phải chém? Phật là mười pháp giới, phải hướng thượng “vô Phật, vô chúng sanh”, đó mới là pháp giới Nhất Chân bình đẳng. “Một” mới là thật, có thể thấy mười chẳng phải là thật. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ, nhất định phải hiểu minh bạch điều này.
Đối với Phật, tông Thiên Thai nói Tứ Giáo, tức là có bốn loại Phật:
Tạng Phật, Thông Phật, Biệt Phật, Viên Phật. Chỉ có Viên Phật thuộc về Nhất Chân pháp giới, ba quả vị Phật khác đều là Phật trong mười pháp giới, chẳng phải là chân Phật! Tông Hiền Thủ nói Ngũ Giáo (Tiểu, Thỉ, Chung, Đốn, Viên), nói cách khác là năm loại Phật, ngoài Viên Phật ra, những quả vị Phật khác cũng chẳng phải là chân Phật! “Thành Phật” là thành Phật loại nào? Chẳng thể không hiểu rõ ràng! Muốn thành chân Phật, tức là [thành] chân Phật trong Nhất Chân pháp giới, thưa cùng chư vị, chỉ có đến Tây Phương Cực Lạc thế giới thì mới có thể thật sự chứng đắc rốt ráo viên mãn Phật. Vì sao biết? Từ kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy được chuyện này. Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát là trợ thủ đắc lực của Tỳ Lô Giá Na Phật, là Đẳng Giác Bồ Tát trong thế giới Hoa Tạng, các Ngài vẫn phải cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì sao? Thế giới Hoa Tạng là Nhất Chân pháp giới; thế giới Cực Lạc cũng là Nhất Chân pháp giới. Các Ngài phải sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới để thành Phật. Các Ngài chẳng thể thành Phật trong hội của Tỳ Lô Giá Na Phật, mà đến thành Phật trong hội của Di Đà Như Lai. Điều này nói rõ: Thành Phật trong hội của Tỳ Lô Giá Na Phật khó khăn! Đến chỗ của Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, thành Phật dễ dàng, rất nhanh chóng! Người ta bèn qua đó. Ngay cả hai vị đại Bồ Tát ấy mà còn phải cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, Tây Phương Cực Lạc thế giới là nơi như thế nào? Chúng ta phải nên suy nghĩ cho nhiều, có còn phải đến đó hay chăng? Chẳng muốn đến đó, đúng là như xưa kia thầy Lý đã nói: “Phi ngu tức cuồng” (Chẳng phải là ngu thì tức là cuồng). Nói cách khác, đầu óc bất bình thường! Người bình thường thấy hiện tượng này, nghe kinh điển này, quyết định cầu vãng sanh.
(Sao) Cố tri thử Phật, bỉ Phật, đồng quy Tịch Chiếu chi tự tâm.
(Diễn) Cố tri hạ, ký vân Thỉ Bổn nhị giác, vi thử Phật, bỉ Phật, tịch chiếu tự tâm, vi Thích Ca Mâu Ni. Bất độc thử Phật thị tịch chiếu tự tâm. Thử Phật, bỉ Phật đồng quy tịch chiếu tự tâm. Thỉ Giác, Bổn Giác, tức Tịch Chiếu chi Thể cố.
(鈔)故知此佛彼佛,同歸寂照之自心。
(演)故知下。既云始本二覺。為此佛彼佛。寂照自心。為釋迦牟尼。不獨此佛是寂照自心。此佛彼佛同歸寂照自心。始覺本覺。即寂照之體故。
(Sao: Vì thế biết vị Phật này và vị Phật kia (mười phương Phật),
đều quy vào tự tâm Tịch Chiếu.
Diễn: Từ chữ “vì thế biết” trở đi, đã nói đến hai thứ giác là Bổn Giác và Thỉ Giác, đấy chính là vị Phật này, vị Phật kia. [Còn nói đến chuyện] tịch chiếu tự tâm thì chẳng riêng Thích Ca Mâu Ni Phật là vị Phật này độc chiếu tự tâm, mà là vị Phật này và các vị Phật kia đều cùng quy vào tự tâm Tịch Chiếu, do Thỉ Giác và Bổn Giác chính là cái Thể của Tịch Chiếu vậy).
Không chỉ là “thử Phật, bỉ Phật”, “thử Phật” là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, “bỉ Phật” là mười phương thế giới hết thảy chư Phật. Nói thật ra, hữu tình chúng sanh trong mười pháp giới, có ai chẳng phải là “đồng quy tịch chiếu chi tự tâm”? Đều là như vậy. Chỉ là cái tâm Tịch Chiếu của phàm phu bị che phủ bởi một tầng chướng ngại. Nói theo Phật pháp, chướng ngại ấy chính là Sở Tri Chướng và Phiền Não Chướng, hai loại chướng ngại to lớn. Vốn là Tịch Chiếu, bị hai thứ chướng ngại ấy che trùm, dường như là bị ô nhiễm, trên thực tế là chẳng nhiễm. Chư Phật Như Lai chỉ là phá trừ hai thứ chướng ngại ấy mà thôi, khiến cho tự tâm Tịch Chiếu hoàn toàn hiển lộ.
(Sao) Phiền não, Bồ Đề, bất xuất ngộ mê chi nhất niệm.
(Diễn) Ký vân bất nhiễm nhi nhiễm, thị Bồ Đề Ngũ Trược nghĩa. Nhiễm nhi bất nhiễm, thị Ngũ Trược Bồ Đề nghĩa, tắc phiền não, Bồ Đề bất xuất ngộ mê nhất niệm.
(鈔)煩惱菩提,不出悟迷之一念。
(演)既云不染而染。是菩提五濁義。染而不染。是五濁菩提義。則煩惱菩提不出悟迷一念。
(Sao: Phiền não, Bồ Đề, chẳng ra ngoài một niệm ngộ hay mê.
Diễn: Đã nói là “bất nhiễm mà nhiễm” là ý nghĩa của Ngũ Trược trong Bồ Đề, “nhiễm mà chẳng nhiễm” là ý nghĩa Bồ Đề trong Ngũ Trược. Vì vậy, phiền não và Bồ Đề chẳng ra ngoài một niệm ngộ hay mê).
“Phiền não” là mê, Bồ Đề là giác. Nói cách khác, bất giác bèn mê, chẳng mê bèn giác, chúng là một Thể, hai khía cạnh mà thôi. Do vậy, nói “mê và ngộ chẳng hai, phiền não tức Bồ Đề”, có ý nghĩa như vậy đó. Thể là một, nhưng Dụng khác nhau, [tức là] tác dụng chẳng giống nhau. Tác dụng của Giác là bình thường, tác dụng của Mê là sai lầm. Tác dụng của Giác là chư Phật, Bồ Tát phổ độ chúng sanh trong chín pháp giới. Tác dụng của Mê là hứng chịu những quả báo sanh tử luân hồi trong tam đồ lục đạo. Câu này cũng nhằm nói rõ sự bất đồng giữa phàm và thánh: Giác ngộ là thánh nhân, bất giác là phàm phu. Vì thế, có phiền não thì là phàm phu. Chuyển phiền não thành Bồ Đề, thì gọi là “chuyển phàm thành thánh”, chúng ta thường nói là “phá mê khai ngộ”.
(Sao) Bổn Sư tức ngã, ngã tức Bồ Đề, cập đắc Bồ Đề, thật vô sở đắc.
(Diễn) Ký thử Phật, bỉ Phật đồng quy tự tâm, phiền não Bồ Đề bất ly nhất niệm, tắc Bổn Sư tức ngã, ngã tức Bồ Đề. Ký ngã tức Bồ Đề, tức đắc Bồ Đề, thục vi năng đắc, thục vi sở đắc da?
(鈔)本師即我,我即菩提,及得菩提,實無所得。
(演)既此佛彼佛同歸自心。煩惱菩提不離一念。則本師即我。我即菩提。既我即菩提。則得菩提。孰為能得。孰為所得耶。
(Sao: Bổn Sư chính là ta, ta chính là Bồ Đề, và đắc Bồ Đề chính là thật sự không có gì để đắc.
Diễn: Đã là vị Phật này và các vị Phật kia đều quy vào tự tâm, [cho nên] phiền não và Bồ Đề chẳng lìa một niệm. Do đó, Bổn Sư chính là ta, ta chính là Bồ Đề. Ta đã là Bồ Đề, bèn đắc Bồ Đề. Cái nào là năng đắc (chủ thể chứng đắc), cái nào là sở đắc (đối tượng được chứng đắc) vậy thay?)
Trong phần cuối, Tâm Kinh đã hoàn toàn phơi bày chân tướng, “vô trí mà cũng vô đắc”, đấy mới là chân tướng của sự thật. Ở đây nói là “thật vô sở đắc” (thật sự chẳng có gì để đạt được). Pháp Đại Thừa thường nói: “Viên mãn Bồ Đề, quy vô sở đắc” (Viên mãn Bồ Đề, trở về chỗ không có gì để đạt được). Trong hội Lăng Nghiêm, đức Phật đã nói điều này. Ở đây, mọi người phải đặc biệt lưu ý. “Bổn Sư tức ngã, ngã tức Bồ Đề”, chớ nên chỉ học theo hai câu ấy, sẽ biến thành cuồng huệ, cuồng vọng. Xét theo Lý thì [thật sự] là như vậy, nhưng nơi Sự, chúng ta vẫn còn thua kém một khoảng cách rất xa.
Nói theo Lý, chẳng sai! Thích Ca Mâu Ni Phật là ta, A Di Đà Phật cũng là ta, Tỳ Lô Giá Na Phật cũng là ta. Nơi Sự, chúng ta là phàm phu sanh tử, vẫn phải luân hồi trong lục đạo, là Phật, Bồ Tát ở chỗ nào? Thua kém rất xa! Ở đây, lại phải biết: Lý là một chuyện, Sự lại là một chuyện khác nữa! Lý và Sự chẳng tương ứng. Tương ứng thì tốt quá rồi, chúng ta có thành tựu, chứng quả. Phải như thế nào thì mới có thể tương ứng? Kinh này dạy chúng ta phương pháp thù thắng nhất, phương pháp xảo diệu nhất: “Tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ”. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, hai câu ấy bèn tương ứng. Chẳng thể thật sự tiến vào Tây Phương, hai câu ấy sẽ là nói theo Lý, chẳng mảy may dính dáng đến Sự. Phải hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch điều này! Hôm nay chúng tôi nói tới chỗ này.
[1] Ngũ Phước được nói trong thiên Hồng Phạm của sách Thượng Thư (kinh Thư) bao gồm: Thọ, Phú (giàu có), Khang Ninh (mạnh khỏe), du hảo đức (ưa chuộng đức hạnh), khảo mạng chung (chết an lành, chẳng bị chết ngang trái, chết đột ngột, hoặc chết vì tai nạn, thiên tai).
[2] Do các giới đều là mở rộng của Ngũ Giới, nên hễ trì Ngũ Giới tốt đẹp, sẽ là trì trọn vẹn các giới. Do hiện thời, có rất nhiều người thích thọ giới thật nhiều, nhất là một số Phật tử coi chuyện thọ Bồ Tát Giới hay Thập Thiện như một thành tích để khoe khoang, gặp nhau, cứ thường hỏi: “Anh (chị) đã thọ Bồ Tát Giới hay chưa? Tôi thọ giới Bồ Tát đã lâu lắm rồi”.