#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 182
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm tám mươi mốt:
(Sao) Tiền hậu như thị công đức trang nghiêm hạ, bất các hệ luận tụng, dĩ kim tụng nhất khuyết hóa tác, nhị khuyết ác đạo, cố đặc minh chi. Ngôn chúng điểu xuất âm, nhược phi Phật tác, yên năng thính giả vong tướng nhất tâm dã.
(鈔)前後如是功德莊嚴下,不各係論頌,以今頌一缺化作,二缺惡道,故特明之。言眾鳥出音,若非佛作,焉能聽者忘相一心也。
(Sao: Từ câu “các công đức trước và sau hai thứ trang nghiêm như thế, chẳng đối chiếu với bài tụng trong Vãng Sanh Luận [để trình bày từng điều]” vì bài tụng một là thiếu ý [các loài chim ấy do đức Phật] hóa thành, hai là thiếu ý [chúng không thuộc về] ác đạo, nên đặc biệt giảng rõ. Nói các loài chim phát ra âm thanh, nếu chẳng phải là do Phật biến hóa thì làm sao có thể khiến cho người nghe quên tướng, nhất tâm được?)
Đoạn này nhằm giải thích câu “như luận trung thuyết tiền hậu công đức, phồn bất các hệ” (như đối với các thứ công đức trước và sau bốn thứ công đức (biến hóa, Đại Thừa, hư không, và tánh công đức) [được nói trong luận Vãng Sanh], do rườm rà nên chẳng đối chiếu từng điều [với chánh kinh] để giải thích những sự trang nghiêm). “Chúng điểu xuất âm” (Các loài chim phát ra âm thanh), ở đây bổ sung thêm một câu: Nếu chúng chẳng do A Di Đà Phật biến hóa tạo ra, sẽ chẳng có năng lực nhiếp thọ rất lớn. Chim thuyết pháp, chúng ta nghe xong, có thể khế nhập chân tánh, tự nhiên nẩy sanh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, có sức mạnh nhiếp thọ to lớn dường ấy, nhất định chúng là do A Di Đà Phật biến hóa tạo ra. Vì người vãng sanh, địa vị là Đẳng Giác Bồ Tát cao cả, hãy nghĩ xem ai có tư cách thuyết pháp cho Đẳng Giác Bồ Tát? Đương nhiên là A Di Đà Phật! Chúng ta phàm phu vãng sanh chẳng kể vào đâu, nhưng người từ mười phương thế giới vãng sanh, có không ít vị là Đẳng Giác Bồ Tát, số lượng chúng sanh trong chín pháp giới vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là vô lượng vô biên.
(Sao) Bất vân ác đạo, dĩ nhân trung thượng vô nữ nhân, thánh trung thượng vô tiểu thánh.
(鈔)不云惡道,以人中尚無女人,聖中尚無小聖。
(Sao: Chẳng nói tới ác đạo, vì trong loài người [nơi cõi Cực Lạc] còn không có nữ nhân, trong các vị thánh [bên cõi ấy] còn chẳng có hàng tiểu thánh).
“Tiểu thánh” là nói về Thanh Văn và Duyên Giác. Nữ nhân đau khổ, nhiều nỗi thống khổ hơn nam nhân, nhất là những người sống trong thời đại Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện, chẳng phải là thời đại hiện tại. Trong kinh có nhiều cách nói, đức Phật ứng cơ thuyết pháp. Trong thời đại ấy, quyền hạn của nam giới vượt xa nữ quyền, nữ nhân chẳng thể ra khỏi cửa, không như hiện thời nam nữ bình đẳng, nữ nhân cũng làm Tổng Thống, trong quá khứ chẳng thể nào! Trạng huống xã hội khác nhau, đức Phật thuyết pháp cũng khác. Nói tóm lại, xã hội quá khứ đề cao nam quyền, địa vị của nữ nhân khá thấp, chịu nhiều bó buộc, cho thấy đau khổ vô hạn! Vì thế, kinh thường nói người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có nữ nhân, trong các vị thánh, chẳng có hàng tiểu thánh, lấy đâu ra ác đạo? Đương nhiên là sẽ chẳng có ác đạo.
(Sao) Tiền hậu minh hiển khả tri, cố bất phồn hệ.
(鈔)前後明顯可知,故不繁係。
(Sao: Trước sau đều rõ ràng có thể biết, nên chẳng rườm lời dẫn chứng).
Trong kinh Vô Lượng Thọ và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, những chuyện này đều [được nói] rất rõ ràng.
(Sao) Hựu chánh báo nhị công đức, tại “như thị trang nghiêm” điều ngoại, cố diệc bất hệ.
(Diễn) Chánh báo nhị công đức, vị thượng thủ công đức, đại chúng công đức.
(鈔)又正報二功德,在如是莊嚴條外,故亦不係。
(演)正報二功德,謂上首功德、大眾功德。
(Sao: Lại nữa, hai thứ công đức nơi chánh báo do nằm ngoài phạm vi của câu “trang nghiêm như thế” ở đây, nên cũng chẳng trích dẫn Vãng Sanh Luận để đối chiếu, trình bày.
Diễn: Hai thứ công đức nơi chánh báo là công đức của bậc thượng thủ và công đức của đại chúng).
Hai thứ công đức này được nói trong phần trước của kinh này.
(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh Bát Nhã châu biến pháp giới, thị điểu thụ thuyết pháp nghĩa.
(疏)稱理,則自性般若周遍法界,是鳥樹說法義。
(Sớ: Xứng Lý thì tự tánh Bát Nhã trọn khắp pháp giới là ý nghĩa chim và cây thuyết pháp).
Đoạn kế tiếp là tiêu quy tự tánh, nói xứng tánh.
(Sao) Thủ Lăng Nghiêm Sao vân: “Nhược năng chuyển vật, tức đồng Như Lai, dĩ tâm ngoại vô vật, vật tức thị tâm, đản tâm ly phân biệt, tức thị chánh trí Bát Nhã, châu biến pháp giới, vô hữu chướng ngại”.
(Diễn) “Nhược năng chuyển vật” nhị cú, thị Lăng Nghiêm kinh văn. Văn vân: “Nhất thiết chúng sanh, mê kỷ vị vật, vị vật sở chuyển. Thị cố ư trung, quán đại, quán tiểu, nhược năng chuyển vật, tức đồng Như Lai”.
(鈔)首楞嚴鈔云:若能轉物,即同如來。以心外無物,物即是心,但心離分別,即是正智般若,周遍法界,無有障礙 。
(演)若能轉物二句,是楞嚴經文。文云:一切眾生,迷己為物,為物所轉,是故於中,觀大觀小,若能轉物,即同如來。
(Sao: Thủ Lăng Nghiêm Sao[1] giảng: “Nếu có thể chuyển vật, liền giống như Như Lai, là vì ngoài tâm chẳng có vật, vật chính là tâm, nhưng tâm lìa phân biệt, chính là chánh trí Bát Nhã, trọn khắp pháp giới, chẳng có chướng ngại”.
Diễn: Hai câu “nếu có thể chuyển vật…” chính là kinh văn trong Lăng Nghiêm. Kinh văn như sau: “Hết thảy chúng sanh do mê mất chính mình, ngỡ là vật, bị vật xoay chuyển. Do vậy, thấy lớn, thấy nhỏ. Nếu có thể chuyển vật, sẽ giống như Như Lai”).
Các đạo lý và sự tướng này trong các buổi giảng, chúng tôi cũng thường nhắc tới, nhưng người có thể lãnh ngộ rốt cuộc vẫn là thiểu số. Kinh Lăng Nghiêm nói lời chân thật. Cổ đức Trung Hoa rất tán thán kinh Lăng Nghiêm: “Khai huệ Lăng Nghiêm, thành Phật Pháp Hoa”. Vì sao nói kinh Lăng Nghiêm khai trí huệ? Kinh Lăng Nghiêm từ đầu tới cuối đều là các đệ tử cùng Thích Ca Mâu Ni Phật biện luận, chẳng phải là hàng đệ tử nêu ra nghi vấn rồi Thích Ca Mâu Ni Phật giải đáp, mà là Thích Ca Mâu Ni Phật nêu vấn đề hỏi học trò. Chúng ta nghe các Ngài một hỏi, một đáp, sẽ có thể khai trí huệ. Hỏi rất cao minh, đáp càng mầu nhiệm.
Vì sao nói “thành Phật Pháp Hoa”? Vì trong các kinh Đại Thừa thông thường luôn nói “Nhất Xiển Đề không thể thành Phật”. Nhất Xiển Đề là “chẳng có thiện căn”. Cách nói này có nghĩa là thành Phật phải có điều kiện: Nếu là Nhất Xiển Đề, người ấy chẳng có tư cách thành Phật. Đó là trong quá khứ, khi giáo học, đức Phật đã nói quyền biến, nói phương tiện như vậy, cũng nhằm khích lệ đại chúng. Đến hội Pháp Hoa, đức Phật hoàn toàn nói lời thật, chẳng giấu diếm mảy may; vì thế, Ngài nói: “Nhất Xiển Đề cũng có thể thành Phật”, như vậy thì Phật pháp mới viên mãn. Dùng kinh Pháp Hoa để ấn chứng kinh điển Tịnh Độ, ý nghĩa chân thật được triệt để hiển lộ, tín tâm của chúng ta được hoàn toàn kiến lập, chẳng có mảy may hoài nghi nào! Nhất Xiển Đề là hạng người nào? Ngũ Nghịch, Thập Ác, lâm chung một niệm hay mười niệm đều có thể vãng sanh, hễ vãng sanh vẫn là viên chứng ba món Bất Thoái, thành Phật trong một đời. Chư vị phải hiểu kinh Pháp Hoa nói Nhất Xiển Đề cũng có thể thành Phật, do dựa vào đâu? Dựa vào pháp môn Niệm Phật vãng sanh này, nói đến hạng người thấp nhất. Kinh Hoa Nghiêm nói về hạng người cao nhất, tức là bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ, ngay cả Văn Thù, Phổ Hiền cũng đều niệm Phật cầu sanh về Tây Phương, đó là hạng tột đỉnh! Kinh Pháp Hoa nói về hạng Nhất Xiển Đề, thấp nhất! Từ cao nhất đến thấp nhất, đúng là thích hợp khắp cả ba căn, lợi căn lẫn độn căn đều được thâu gồm. Cổ nhân nói Hoa Nghiêm và Pháp Hoa dẫn đường cho kinh Vô Lượng Thọ, lời ấy hết sức hữu lý. Lăng Nghiêm là một bộ kinh điển thuần túy truy cầu chân lý vũ trụ và nhân sinh, nên kinh ấy là một bộ sách khai trí huệ của nhà Phật.
Nói theo chân tướng sự thật, hết thảy vạn vật là chính mình, hết thảy vạn vật đều là chính mình. Nói thật ra, đối với cảnh giới trước mắt, chúng ta hoàn toàn chẳng nhìn thấy rất viên mãn. Nếu đã có Thiên Nhãn thì Thiên Nhãn vẫn chia thành các đẳng cấp. Thiên Nhãn của bậc A La Hán trở lên sẽ thấy ngoại cảnh khác với chúng ta. Còn có nhiều cảnh giới chúng ta chẳng nhìn thấy, chẳng phát hiện, phạm vi quan sát bởi Thiên Nhãn của các Ngài lớn hơn chúng ta khá nhiều. Thông thường, một vị A La Hán có thể thấy một tiểu thiên thế giới. Vị Thiên Nhãn bậc nhất trong các A La Hán là ngài A Na Luật, Thiên Nhãn của Ngài có thể thấy tam thiên đại thiên thế giới. Ngài có năng lực như vậy; nhưng vẫn chưa phải là rốt ráo viên mãn. Rốt ráo viên mãn là [trông thấy] tận hư không khắp pháp giới vô lượng vô biên hằng sa cõi nước. Điều này do đâu mà có? Từ trong tâm của chính chúng ta biến hiện, chẳng đến từ bên ngoài. Tâm của chính mình có thể biến, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới là cái được biến. Cái có thể biến (năng biến) là chủ nhân, cái được biến (sở biến) là vạn vật. Hiện thời, hết thảy chúng sanh mê hoặc, điên đảo, mê như thế nào? “Mê kỷ vị vật” (Mê mất chính mình, ngỡ là vật), nên bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển, chẳng biết hết thảy cảnh giới do chính mình biến hiện. Giống như nằm mộng, trong mộng chẳng biết chính mình đang nằm mơ, không biết cảnh giới trong mộng toàn là do chính mình biến ra, vẫn bị người khác sắp đặt, bị cảnh giới xoay chuyển, rất oan uổng! Đức Phật dạy chúng ta phải nhận rõ chân tướng sự thật, thật sự hiểu rõ chân tướng: Vạn vật vốn là chính mình, chính mình là vạn vật, tận hư không khắp pháp giới và chính mình là một.
Nếu có thể khẳng định những điều trên đây, chẳng hoài nghi, trong Phật pháp gọi là “chứng đắc thanh tịnh Pháp Thân”. Pháp là vạn pháp, Thân là thân thể. Vạn pháp là cái thân của ta, thân ta là vạn pháp, đó gọi là “chứng đắc thanh tịnh Pháp Thân”. Hoàn toàn chẳng phải là nói thanh tịnh Pháp Thân Phật vẫn còn có hình tướng, [nếu hiểu Pháp Thân còn có hình tướng] thì sai mất rồi! Hiện thời, chúng ta tạc tượng Tỳ Lô Giá Na Phật là Pháp Thân Phật, cũng là do chẳng có cách nào, đành tạc một bức tượng Phật bày ra đó. Thật ra, Pháp Thân là gì? Pháp Thân là tận hư không khắp pháp giới là một thân, cho nên Pháp Thân vô tướng, mà cũng chẳng phải là không có tướng. Tận hư không khắp pháp giới mới là tướng của Pháp Thân, tướng ấy tạc theo cách nào đây? Chẳng có cách nào tạc; bởi lẽ, Pháp Thân vô tướng. Báo Thân còn có tướng, Báo Thân là chứng đắc. Báo Thân và Ứng Hóa Thân có tướng. Pháp Thân chẳng có tướng, Pháp Thân là hư không pháp giới, là diện mạo vốn có của chính mình. “Nếu có thể chuyển vật, tức giống như Như Lai”, đấy là mê và ngộ. Mê bèn bị vật xoay chuyển; đã ngộ bèn có thể chuyển vật.
(Diễn) “Dĩ tâm ngoại vô vật” lục cú, thị Sao trung thích từ.
(演)以心外無物六句,是鈔中釋辭。
(Diễn: Sáu câu “do ngoài tâm chẳng có vật…” là lời giải thích trong [Lăng Nghiêm Kinh] Sao).
Sáu câu được trích dẫn ấy là lời giải thích trong Lăng Nghiêm Kinh Sao.
(Diễn) Tâm ngoại vô vật, vật tức thị tâm, thị minh sắc tâm bất nhị.
(演)心外無物,物即是心,是明色心不二。
(Diễn: Ngoài tâm chẳng có vật, vật chính là tâm, nói rõ sắc và tâm chẳng hai).
Sắc là Tướng Phần của tâm. Tâm là bản thể của sắc pháp. Đối với Sắc đang được nói ở đây, nay chúng ta nói là vật chất, nhưng vật chất vẫn chưa chắc đã có thể bao hàm [trọn vẹn ý nghĩa] của chữ này, vì hiện thời còn có phi vật chất vẫn được bao gồm trong chữ Sắc của Phật pháp. Ví như lục trần, trong Phật pháp, lục trần đều được gọi là Sắc. Những cái mà mắt có thể thấy được thì gọi là Sắc Trần, những gì tai có thể nghe được thì gọi là âm thanh, âm thanh cũng dùng chữ Sắc này để bao quát. Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, dùng một chữ Sắc để bao quát lục trần. Đối với chữ Sắc này, dùng từ ngữ “hết thảy vật chất” để nói, vẫn chưa thể bao quát trọn hết. Mũi chúng ta ngửi hương, thân thể đụng chạm, tức là nói tới nhiệt độ biến đổi: Luồng khí lạnh tràn tới, chúng ta cảm thấy lạnh; mùa hè nhiệt độ cao, chúng ta cảm thấy nóng. Lạnh và nóng thuộc về Xúc Trần, những điều này thường là mắt chẳng thấy, tai cũng chẳng nghe đến, thân thể chúng ta có cảm xúc nóng và lạnh, tất cả những điều này đều bao gồm trong một chữ Sắc. Tâm là cái có thể sanh (năng sanh), Sắc là cái được sanh (sở sanh), Sắc và Tâm là một, chẳng hai, là một. Sắc là Tâm, Tâm là Sắc. Cổ nhân dùng vàng và các món vật [bằng vàng] để tỷ dụ, thường nói là “dùng vàng làm đồ vật, món nào cũng là vàng”. Đồ vật là vàng, vàng là đồ vật. Dùng vàng ròng làm thành rất nhiều vòng đeo tay, vòng đeo cổ, nhẫn, bất luận quý vị làm thứ gì, làm nhiều đến mấy đi nữa, chất liệu của chúng đều là vàng. Tuy lục trần vô lượng vô biên, chúng đều do tâm biến hiện. Do vậy, ngoài tâm chẳng có vật ư? Chẳng có! Ngoài vật cũng chẳng có tâm. Vì tâm là vật, vật là tâm; tận hư không khắp pháp giới và chính mình là một. Ngoài chính mình ra, chẳng tìm được thứ gì khác. Đó là chân tướng sự thật.
(Diễn) Đản ly phân biệt, tức thị Bát Nhã.
(演)但離分別,即是般若。
(Diễn: Chỉ lìa phân biệt, tức là Bát Nhã).
Phải như thế nào thì mới có thể thấy chân tướng? Như thế nào thì mới có thể tìm thấy chính mình thật sự? Nhà Thiền nói là “phụ mẫu vị sanh tiền bản lai diện mục” (diện mạo vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra) là nói về điều này. Như thế nào thì mới có thể tìm được? Đức Phật dạy: Chỉ cần quý vị lìa phân biệt. Trong phân biệt còn bao gồm vọng tưởng. Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã nói rất rõ ràng: Sở dĩ hết thảy chúng sanh chẳng thể chứng đắc Thật Tướng (chẳng hiểu chân tướng sự thật) là vì bị vọng tưởng, chấp trước chướng ngại. Lìa phân biệt là lìa vọng tưởng, chấp trước. Trừ bỏ vọng tưởng, chấp trước, sẽ khởi tác dụng là trí huệ Bát Nhã. Do vậy có thể biết: Vọng tưởng, chấp trước vẫn còn, chắc chắn quý vị chẳng có trí huệ thật sự. Trí huệ Bát Nhã là trí huệ lưu lộ từ chân tâm. Chẳng xả lìa vọng tưởng, chấp trước, trí huệ của quý vị lưu xuất từ tâm ý thức, chẳng phải là trí huệ thật sự, kinh Phật gọi trí huệ ấy là Thế Trí Biện Thông. Trí huệ chân thật thì nhất định phải là kiến tánh. Chẳng kiến tánh, sẽ chẳng có trí huệ!
Vì lẽ đó, A La Hán chẳng có trí huệ, Bích Chi Phật chẳng có trí huệ, Quyền Giáo Bồ Tát cũng chẳng có trí huệ, vì sao? Chưa kiến tánh. Tuy có Định, công phu định lực vẫn chẳng đủ, chỉ có thể tạm thời khuất phục vọng tưởng, chấp trước. Nếu công phu định lực sâu hơn một tầng, bèn khai trí huệ, khai trí huệ là minh tâm kiến tánh. Thiền gia nói là “minh tâm kiến tánh”, nhưng Giáo Hạ chẳng gọi là minh tâm kiến tánh, mà gọi là “đại khai viên giải”. Đại khai viên giải là khai trí huệ, có cùng một cảnh giới với minh tâm kiến tánh của Thiền gia và Lý nhất tâm bất loạn của Tịnh Độ Tông. Chỉ là cách nói khác nhau, danh từ khác nhau, nhưng thật ra cảnh giới hoàn toàn giống nhau. Sự nhất tâm bất loạn tương đương với A La Hán, Niệm Phật tam-muội là công phu định lực có thể chế phục phiền não, nhưng chẳng khai huệ. Lý nhất tâm liền khai huệ, trí huệ Bát Nhã hiện tiền, hiểu rõ thông đạt chân tướng của vũ trụ và nhân sinh.
(Diễn) Vô hữu chướng ngại, thị minh ly niệm tướng giả, đẳng hư không giới.
(演)無有障礙,是明離念相者,等虛空界。
(Diễn: Chẳng có chướng ngại, là nói tướng của ly niệm bằng với hư không giới).
Chẳng có chướng ngại, kinh Hoa Nghiêm nói bốn thứ vô ngại: Sự vô ngại, Lý vô ngại, Lý Sự vô ngại, và Sự Sự vô ngại. Đó mới là thật sự giải thoát, chân thật tự tại. Hàng Nhị Thừa (Thanh Văn, Duyên Giác) chỉ đạt được món thứ nhất trong bốn món vô ngại ấy, tức là Sự vô ngại. A La Hán và Bích Chi Phật vô ngại đối với Sự, nên các Ngài có thể phân thân, có thể biến hóa. Chúng ta xem Tây Du Ký, thấy Tôn Ngộ Không có bảy mươi hai phép biến hóa, nhưng thần thông biến hóa của A La Hán chẳng biết đã vượt trỗi Tôn Ngộ Không bao nhiêu lần! A La Hán có thể biến hóa, có thể phân thân, chẳng bị chướng ngại nơi Sự, nhưng còn bị chướng ngại nơi Lý, vì sao? Các Ngài chưa kiến tánh, chẳng có trí huệ.
Đại Thừa Bồ Tát đối với Lý chẳng bị chướng ngại, nhưng chướng ngại nơi Sự, đó là nói tới hàng Đại Thừa Quyền Giáo Bồ Tát chưa kiến tánh; hễ kiến tánh, đương nhiên sẽ chẳng bị chướng ngại nơi Sự. Ngài A Nan có trí huệ, trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật giảng đến cuốn thứ ba, Ngài liền nói kệ tán thán đức Phật, đã ngộ Lý. Tuy đã hiểu Lý, khai ngộ, nhưng về Sự thì chưa thể đoạn phiền não. Do tham, sân, si, mạn vẫn có, nên vẫn bị chướng ngại về Sự. Tôn giả Phú Lâu Na nghe ngài A Nan thuyết kệ tán Phật, [chứng tỏ ngài A Nan] đã khai ngộ, Ngài cũng rất nghi hoặc: “A Nan là Sơ Quả, ta đã chứng Tứ Quả, mà nghe chẳng hiểu, chẳng khai ngộ, cớ sao thầy ấy khai ngộ?” Đức Phật bảo ngài Phú Lâu Na: A Nan là kẻ Phiền Não Chướng nặng nề, Sở Tri Chướng nhẹ nhàng, vừa nghe đức Phật thuyết pháp bèn khai ngộ. Tuy khai ngộ, nhưng thiếu công phu định lực, nên chẳng thể đoạn phiền não, vẫn là Sơ Quả. Tôn giả Phú Lâu Na thì Phiền Não Chướng nhẹ nhàng, Sở Tri Chướng nặng nề, nên đức Phật dạy cho Ngài một phương pháp. Ngài tu Định có thể đoạn phiền não, nhưng giảng đạo lý Đại Thừa Phật pháp cho Ngài nghe, Ngài không hiểu, chẳng thể khai ngộ. Chúng ta mới hiểu: Hết thảy chúng sanh thuộc các chủng loại mê hoặc khác nhau, cạn sâu khác biệt. Có những người nghe kinh, nghe rất hứng thú, nghe xong liền hiểu ngay, là do Sở Tri Chướng mỏng manh. Có những người tu rất khá, nhưng nghe kinh chẳng hiểu, giống như ngài Phú Lâu Na. Có những người nghe kinh liền hiểu, nghe xong rất hoan hỷ, nhưng bảo họ hãy nghiêm túc tu hành, họ gặp rất nhiều khó khăn, đó là do Phiền Não Chướng nặng nề, Sở Tri Chướng nhẹ nhàng. Nhìn từ chỗ này, có thể thấy chúng ta có tập khí trong đời đời kiếp kiếp khác nhau. Sau khi kiến tánh, sẽ là Lý Sự vô ngại, tức là Đại Thừa Thật Giáo Bồ Tát. Sau khi đăng địa (chứng Sơ Địa) mới là Sự Sự vô ngại, tự tại chẳng khác Phật cho mấy. Bốn thứ vô ngại có tầng cấp, đẳng cấp như vậy, nếu muốn đạt tới cảnh giới ấy, đích xác chẳng phải là chuyện dễ dàng.
Nhưng pháp môn Niệm Phật rất đặc biệt, niệm Phật cầu sanh Tây Phương, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới trong một đời này, lập tức chứng đắc Lý Sự vô ngại và Sự Sự vô ngại, lạ lùng thay! Do đó, pháp môn này được gọi là “pháp khó tin”. Khó tin mà dễ hành, nương theo phương pháp này, tu hành vô cùng dễ dàng, dễ hơn bất cứ pháp môn nào khác, thành tựu thù thắng khôn sánh, từ Đại Kinh chúng ta thấy được điều này. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, thần thông và đạo lực chẳng khác A Di Đà Phật cho mấy, gần như bằng với A Di Đà Phật, chuyện này chẳng dễ khiến cho người ta tin tưởng. Nói theo phương diện Sự vô ngại, [thông thường là bậc Tu Đà Hoàn] bảy lần sanh tử trong cõi trời và nhân gian mới chứng quả A La Hán, mới chứng Sự vô ngại; quý vị niệm Phật vài ngày, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn là Sự Sự vô ngại, khiến cho người ta nghe chuyện này, chẳng phục cho lắm. Vì thế, người không tin tưởng pháp môn này rất nhiều. Dường như là do đạt được quá dễ dàng, [nên họ chẳng tin tưởng], chẳng biết trong ấy có đạo lý rất sâu. Đối với lý luận của Tịnh Tông, trong kinh đức Phật đã nói: “Chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu hiểu rốt ráo”, tuyệt đối chẳng phải là chúng sanh trong chín pháp giới cậy vào sức của chính mình mà hòng hiểu được! Chúng ta thấy điều này từ kinh Vô Lượng Thọ. Có thể tin tưởng, có thể tiếp nhận, đó là thiện căn và phước đức khôn sánh. Do đó, kẻ bình phàm không tin, chúng ta chớ nên trách móc họ. Hãy nên biết: Họ không tin tưởng, đó là một hiện tượng rất tự nhiên. Pháp khó tin mà ai nấy đều tin thì làm sao gọi là pháp khó tin cho được? Bản thân chúng ta tin tưởng, [nguyên do là vì] thiện căn, phước đức, nhân duyên của chúng ta và họ khác nhau. Vì thế, kẻ bình phàm chẳng tin, những tông phái khác [chẳng tin pháp môn này], đó là chuyện đáng phải nên như vậy, là hiện tượng tất nhiên, mà cũng trọn chẳng kỳ quái tí nào!
Nhất định phải lìa phân biệt, chấp trước, vọng tưởng thì Bát Nhã mới có thể hiện tiền, mới chẳng bị chướng ngại. Phương pháp tu hành của Tịnh Tông quả thật đã tương ứng với nguyên tắc ấy, không mưu tính trước mà ngầm hợp. Tu học trong Tịnh Tông là dạy chúng ta “một bề chuyên niệm”, chuyên niệm A Di Đà Phật, chẳng còn phân biệt, vọng tưởng, chấp trước, tương ứng với nguyên tắc ấy. Niệm thành công, ắt sẽ đạt được quả báo “chẳng có chướng ngại”. Vì thế, sanh về Tây Phương chứng đắc pháp giới bình đẳng, chẳng phải là vô lý mà là có lý.
(Diễn) Sao ý vị kinh sở vân “chuyển vật” giả, phi thị hữu vật khả chuyển, cái dĩ tâm ngoại tịnh vô hữu vật, nhất thiết vật giai tức thị tâm, nhi sở dĩ kiến hữu vật giả, dĩ tâm sanh phân biệt cố. Đản nhất niệm bất sanh, toàn thể tức tự hiển hiện. Sở dĩ kinh thuyết: “Nhược năng chuyển vật, tức đồng Như Lai” dã.
(演)鈔意謂經所云轉物者,非是有物可轉,蓋以心外並無有物,一切物皆即是心。而所以見有物者,以心生分別故。但一念不生,全體即自顯現。所以經說,若能轉物,即同如來也。
(Diễn: Lời Sao có nghĩa là: Kinh nói “chuyển vật”, chẳng phải là có vật để có thể chuyển; bởi lẽ, ngoài tâm trọn chẳng có vật, hết thảy các vật đều chính là tâm. Sở dĩ thấy có vật là do tâm sanh phân biệt. Nhưng một niệm chẳng sanh, toàn thể bèn tự hiển hiện. Do đó, kinh nói: “Nếu có thể chuyển vật, ắt giống như Như Lai”).
“Chuyển vật giả, phi thị hữu vật khả chuyển” (Chuyển vật: Chẳng phải là có vật để có thể chuyển). Nói rất hay, có vật hay không? Chẳng có vật! Thật ra là chuyển gì? Chuyển đổi quan niệm của chúng ta. Chư vị phải hiểu đạo lý này, chẳng phải là thật sự chuyển vật, mà là chuyển ý niệm của chúng ta. “Tâm ngoại tịnh vô hữu vật” (Ngoài tâm trọn chẳng có vật), người hiện thời rất khó lý giải câu này, mà cũng chẳng có cách nào tiếp nhận. Quý vị nói “ngoài tâm chẳng có vật”, vậy thì những thứ này là gì? Những người này chẳng phải là vật ư? Bày rành rành trước mặt, cớ sao chẳng phải là vật? Lý này rất sâu, kẻ bình phàm chẳng thể hiểu rõ, xác thực là ngoài thân chẳng có vật. Những vật ấy là gì? Tuy kinh Kim Cang nói rất thấu triệt, chúng ta cũng đọc rất quen thuộc, nhưng vẫn như cũ, chẳng thể đích thân chứng cảnh giới ấy! Kinh Kim Cang nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Lại nói: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Chúng ta luôn thấy chúng là thật. Nói chân thật thì hết thảy những tướng biến hiện trước mắt đúng là như mộng, huyễn, bọt, bóng, chẳng thật sự tồn tại. Các nhà khoa học hiện thời đã hiểu rõ, đã chứng thực, tuy vẫn chưa đạt tới cảnh giới như kinh Phật đã nói, nhưng đã dần dần tiếp cận.
Trước đây, các nhà khoa học tưởng là thế gian này có vật chất, tất cả hết thảy tướng hiện ra đều do các vật chất cơ bản hợp thành nguyên tố. Từ nguyên tố hợp thành hết thảy các tướng vật chất. Đó là cách nói trước kia. Những năm gần đây, họ lại tiến một bước lớn, [nhận biết] sự quan sát trước kia vẫn là sai lầm, về căn bản chẳng có vật chất tồn tại. Vật chất là gì? Khoa học gia hiện thời nói đó là quang tử chấn động, dao động. Hiện thời, họ công nhận tất cả những tướng vật chất biến hiện đều là dao động, trên thực tế, chẳng có vật chất tồn tại, điều này rất gần với cách nói trong Phật pháp. Duy Thức nói: “Vô minh bất giác sanh ra ba tế tướng, cảnh giới làm duyên tăng trưởng sáu thô tướng”. Đối với Kiến Phần và Tướng Phần trong A Lại Da Thức, nay chúng ta gọi Kiến Phần là tâm, tức tâm pháp, Tướng Phần là sắc pháp, nay chúng ta nói là vật chất. Tâm pháp là tinh thần, tinh thần và vật chất là một, không hai. Tâm và vật có cùng một nguồn, cùng một Tự Chứng Phần, Tự Chứng Phần chính là chân tâm, bản thể. Vạn hữu trong vũ trụ chỉ có một bản thể, Phật pháp gọi bản thể ấy là Chân Như bản tánh, còn gọi là “chân tâm lý thể”, những thứ này đều là huyễn tướng được hiện ra [bởi bản thể ấy].
Vì sao gọi là huyễn tướng? Vì các tướng ấy chẳng tồn tại vĩnh hằng. Nay chúng ta thấy rõ ràng những tướng ấy dường như tồn tại rất lâu; thật ra, chúng biến hóa trong từng sát-na, chẳng phải là bất biến. Nói thật ra, Tướng Phần do chúng ta trông thấy giống như Tướng Phần trên màn bạc trong điện ảnh. Tướng Phần ấy sanh diệt trong từng sát-na, nhưng chúng ta thấy sai lầm, vì tướng của chúng là tướng liên tục dấy lên, [cho nên chúng ta cảm thấy] tợ hồ chúng tồn tại trong một khoảng thời gian, thật ra chẳng phải vậy. Kinh Lăng Nghiêm đã nêu ra chân tướng sự thật: “Sanh ra từ đâu, bèn diệt mất từ nơi đó”. Nếu đối với hai câu ấy, chúng ta chẳng [cảm thấy] dễ hiểu cho lắm, hãy nhìn các hình ảnh trên màn bạc của điện ảnh: Từng tấm phim được chiếu lên chính là “sanh ra ngay từ nơi đây”, ngay lập tức ống kính [của máy chiếu phim đóng lại], nó liền diệt mất ở ngay đây. Tấm phim thứ hai lại sanh ra [hình ảnh trên màn bạc] ngay tại nơi đây, [ống kính của máy chiếu phim đóng lại, bèn] diệt mất tại nơi đây. Tấm phim thứ ba, thứ tư cũng là sanh ra ngay tại nơi đây, diệt mất tại nơi đây. Chúng ta biết ống kính của máy chiếu phim đóng mở hai mươi bốn lần trong một giây, tức là một giây chiếu hai mươi bốn tấm phim. Hai mươi bốn tấm phim đã có thể khiến cho chúng ta nhìn sai, thấy chúng rất thật, ngỡ là thật.
Tất cả hết thảy các tướng được hiện ra trước mắt chúng ta đều sanh diệt trong từng sát-na, chẳng thật. Lại còn sanh diệt với tốc độ nhanh hơn tốc độ chiếu phim rất nhiều. Trong kinh, đức Phật đã nói: “Một sát-na có chín trăm lần sanh diệt”, một sát-na là thời gian bao lâu? Một cái khảy ngón tay có sáu mươi sát-na, một sát-na là một phần sáu mươi [thời gian] khảy ngón tay. Thời gian ta khảy ngón tay bao lâu, chia thành sáu mươi phần, một phần trong sáu mươi phần ấy được gọi là một sát-na. Trong một sát-na có chín trăm lần sanh diệt. Trong một giây chúng ta có thể khảy bốn lần, bốn lần sáu mươi nhân với chín trăm, nên một giây có hai cái mười vạn tám ngàn lần sanh diệt[2], chúng ta chẳng cảm thấy tướng cảnh giới bên ngoài là giả tướng sanh diệt trong từng sát-na. Một giây, [ống kính của máy chiếu phim] đóng mở hai mươi bốn lần đã lừa được chúng ta nghĩ nó là thật. Một giây có hai mươi mốt vạn sáu ngàn lần sanh diệt, làm sao chúng ta biết là giả cho được? Chỉ có Phật và hàng đại Bồ Tát biết, tâm các Ngài vi tế nên thấy rất rõ ràng, tâm chúng ta quá hời hợt, thô tháp, nên chẳng thấy được.
Chân tướng sự thật xác thực là như thế! Nếu quý vị biết chân tướng sự thật này, thưa cùng quý vị, tham, sân, si, mạn gì đi nữa đều chẳng có, vì sao? Chúng là giả, chẳng thật! Trong tâm dấy lên ý niệm cũng là giả, sắc tướng bên ngoài cũng là giả, quý vị nói thử xem: Còn có gì để làm nữa? Tự nhiên buông hết thảy thân tâm thế giới xuống. Buông xuống hết thảy thì trong tâm chẳng còn vướng mắc, chẳng còn ghim những chuyện ấy trong lòng, chẳng còn nữa, tâm thanh tịnh mới thật sự hiện tiền. Tâm thanh tịnh hiện tiền, liền chứng đắc Chân Như bản tánh, chính mình mới thật sự thấy được chân tướng của vũ trụ và nhân sinh, thật sự chứng đắc.
Do vậy có thể biết, khá nhiều lời đức Phật dạy trong kinh, quý vị nhất định phải hiểu ý nghĩa ngoài từ ngữ. Ở đây, [Liên Trì đại sư] nhắc nhở chúng ta: “Chuyển vật giả, phi thị hữu vật khả chuyển, cái dĩ tâm ngoại tịnh vô hữu vật, nhất thiết vật giai tức thị tâm, nhi sở dĩ kiến hữu vật giả, dĩ tâm sanh phân biệt cố” (Chuyển vật chẳng phải là có vật để có thể chuyển; bởi lẽ, ngoài tâm trọn chẳng có vật, hết thảy mọi vật đều chính là tâm. Nhưng sở dĩ thấy có vật là vì tâm sanh phân biệt), y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới do đâu mà có? Do phân biệt mà có. Nếu quý vị chẳng phân biệt, sẽ chẳng có. Do phân biệt mà có, có phải là thật sự có hay không? Chẳng thật sự có! Nói theo kiểu hiện thời, tuyệt đối chẳng phải là thật, mà chính là vì quý vị còn có phân biệt, thật ra là do chính mình tưởng những khái niệm trừu tượng là có, tự cho là đúng, đó là mê, chẳng phải là thật sự có. Hễ ta phân biệt thì chúng thật sự có, đức Phật cũng rất bội phục quý vị. Phân biệt kiểu nào thì cũng chẳng phải là thật sự có, cái Có ấy là giả có, huyễn hữu, chẳng phải là chân thật.
“Đản nhất niệm bất sanh, toàn thể tức tự hiển hiện. Sở dĩ kinh thuyết: Nhược năng chuyển vật, tức đồng Như Lai” (Chỉ là một niệm chẳng sanh, toàn thể bèn tự hiển hiện. Vì thế, kinh nói: “Nếu có thể chuyển vật, liền giống như Như Lai”). Có thể thấy “chuyển” là chuyển như thế nào? Chuyển phân biệt thành nhất niệm bất sanh, chuyển ở ngay chỗ này. Tuyệt đối chẳng phải là chuyển nơi cảnh bên ngoài, nên sẽ giống như Như Lai. Có thể chuyển từ chỗ này, thưa cùng chư vị, vấn đề gì cũng đều được giải quyết, giải quyết viên mãn. Vì sao? Hễ chuyển thì không chỉ hết thảy vạn pháp chuyển, mà sanh tử chuyển, luân hồi chuyển, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều chuyển. Sau khi đã chuyển, sẽ biến thành gì? Chẳng có cách nào diễn tả, không nói được, bất đắc dĩ gọi nó là Nhất Chân pháp giới. Nhất Chân pháp giới do đâu mà có? Do một niệm bất sanh. Một niệm bất sanh thì pháp giới ấy được gọi là Nhất Chân pháp giới. Hễ khởi phân biệt, chấp trước, pháp giới ấy sẽ là mười pháp giới, trăm pháp giới, ngàn pháp giới, vô lượng vô biên pháp giới. Nhưng phải thưa cùng chư vị, “một” thì là chân pháp giới; nhưng vô lượng vô biên sẽ chẳng phải là thật. Mười pháp giới chẳng thật! Mười pháp giới là gì? “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, là “mộng, huyễn, bọt, bóng”, chẳng thật. “Thật” thì chỉ có Nhất Chân pháp giới. Do vậy có thể biết, quý vị sử dụng nhất tâm, nhất niệm, sẽ chứng Nhất Chân pháp giới.
Tịnh Độ Tông dạy chúng ta trực tiếp cầu Nhất Chân pháp giới, vì phương pháp tu hành vô cùng đơn giản, tức là “nhất niệm”, bốn chữ A Di Đà Phật, “bất sanh” là vọng niệm chẳng sanh. “Nhưng một niệm bất sanh” thì một niệm là một niệm, bất sanh là bất sanh, chẳng phải là một niệm chẳng sanh! Phải hiểu rõ điều này! Nếu quý vị đọc sai câu này, nói một niệm chẳng sanh ư? Được thôi! Một niệm chẳng sanh là gì? Vô Tưởng Định! Quả báo của Vô Tưởng Định là trong tương lai sanh về Vô Tưởng Thiên, biến thành ngoại đạo. Nếu thật sự một niệm không sanh, thưa cùng chư vị, cái bàn chẳng sanh một niệm, cục đá chẳng sanh một niệm, khi nào quý vị có thể tu giống hệt như chúng? Thật sự tu thành công, bất quá quý vị cũng biến thành khối gỗ hay cục đá mà thôi! Do lẽ đó, phải hiểu rõ những câu giống như vậy. Chúng ta tu Tịnh Tông, “nhất niệm” là một câu A Di Đà Phật, “bất sanh” là tất cả hết thảy vọng niệm đều chẳng sanh. Không chỉ là đến Tây Phương Cực Lạc thế giới mới hiển hiện toàn thể, mà chưa đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, ở ngay nơi đây, cũng có bao giờ chẳng phải là toàn thể hiển hiện? Vì thế mới nói cùng quý vị: “Một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm Niệm Phật”. Tương ứng là gì? Chẳng sanh vọng niệm là tương ứng. Vừa niệm A Di Đà Phật, mà vẫn vừa khởi vọng tưởng, sẽ không tương ứng, vì sao? Một niệm là sanh, chẳng phải là không sanh, trong một niệm còn có rất nhiều vọng niệm, không được rồi! Nhất định phải là một niệm chẳng sanh ra hết thảy vọng niệm thì toàn thể tự tánh mới hiện tiền. Do lẽ này, kinh nói: “Nếu có thể chuyển vật, tức giống như Như Lai”, then chốt của việc chuyển là ở chỗ này, đấy là cách chuyển.
Trong quá khứ, khi tôi giảng kinh Lăng Nghiêm, chẳng giảng hai
câu này. Thuở ấy, cảnh giới của chính mình cũng chưa đạt được, rất nhiều chỗ chẳng hiểu thấu triệt ý nghĩa. Vì thế, nghe kinh thì người nghe tôi giảng hiện thời có phước báo, người nghe trước kia chẳng có phước báo, vì sao? Văn lẫn nghĩa đều chẳng thấu triệt. Không chỉ là nói [so sánh] giữa kinh được giảng trong quá khứ và trong hiện tại, nếu quý vị nghe băng thâu âm để so sánh, sẽ nhận thấy: Dù là cùng một bộ kinh, bộ kinh ấy đã được giảng một trăm tám mươi hai lần, một trăm lượt giảng trước kia chẳng giống một trăm lượt giảng về sau. Cảnh giới mỗi năm khác nhau, mỗi tháng khác nhau. Vì thế, cùng một bộ kinh, giảng suốt một đời vẫn hoan hỷ, vì sao? Mỗi lượt đều khác nhau. Giảng lần trước chưa thấu triệt, có nhiều chỗ chẳng giảng, do chính tôi không biết, chưa thấy được! Đến lần sau, mới nhìn thấy chỗ ấy. Vì thế nói là giảng lần nào cũng đều có ngộ xứ. Đọc kinh cũng như vậy, mỗi lần đọc một lượt đều khác nhau, mỗi lượt đều có ngộ xứ. Sự ngộ ấy chẳng phải do nghiên cứu, chẳng cần nghĩ tới ý nghĩa, [hễ nghĩ tưởng] thì sai mất rồi! Quý vị chỉ một mực niệm, tự nhiên ý nghĩa hiện tiền, đó gọi là ngộ xứ. Nếu hữu ý tìm cầu, quyết ý tìm cầu, đó chẳng phải là ngộ xứ. Quyết định chẳng thể cầu, chớ nên cầu hiểu, sẽ tự nhiên có ngộ xứ. Rõ ràng là Phật pháp đúng là chẳng giống với pháp thế gian.
Thật ra, há có Phật pháp hay pháp thế gian? Phật pháp và pháp thế gian đều do chúng sanh hư vọng phân biệt, chấp trước. Trong pháp thế gian, nếu quý vị dùng nguyên tắc và nguyên lý của Phật pháp để tu học, sẽ khai ngộ giống hệt! Do đó, Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh và sách giáo khoa của học sinh Tiểu Học chẳng khác gì nhau! Dùng vàng làm đồ vật, tượng Phật là hoàng kim, mà chén trà cũng là hoàng kim, chẳng khác gì nhau! Thế gian và xuất thế gian, đích xác là một, không hai. Quý vị mê bèn gọi là thế gian; đã ngộ, bèn gọi là xuất thế gian. Giới hạn giữa mê và ngộ ở chỗ nào? Chẳng tìm thấy. Vì thế, nói lời chân thật cùng quý vị, mê và ngộ chẳng hai, Tánh và Tướng như nhau.
“Chuyển” là chuyển biến quan niệm, chuyển từ tâm địa, chuyển biến cái tâm dấy vọng tưởng hằng ngày thành tâm thanh tịnh, chuyển từ chỗ này. Hễ chuyển điều này, hết thảy vạn pháp đều chuyển.
(Diễn) Dĩ thử quán chi, khả kiến tự tánh Bát Nhã châu biến pháp giới, nhi Tây Phương thủy, điểu, thụ lâm, tự tất giai thuyết pháp dã.
(演)以此觀之,可見自性般若周遍法界,而西方水鳥樹林,自悉皆說法也。
(Diễn: Xét theo điều này, có thể thấy là tự tánh Bát Nhã trọn khắp pháp giới, mà nước, chim, rừng cây trong Tây Phương đều tự nói pháp).
Đây là cảnh giới “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”. Nói là A Di Đà Phật biến hóa tạo tác, chẳng bằng nói tự tánh biến hóa tạo tác, vì tự tánh và Di Đà chẳng hai. Cổ đức nói: “Duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà”. Do Tây Phương Cực Lạc thế giới cho đến A Di Đà Phật vẫn là do tự tâm biến hóa tạo ra, là những thứ thuộc trong Chân Như bản tánh của chính mình. Lục Tổ nói: “Nào ngờ tự tánh vốn trọn đủ”. Tây Phương Cực Lạc thế giới là tự tánh vốn trọn đủ, A Di Đà Phật cũng là tự tánh vốn trọn đủ. A Di Đà Phật là ai? Là chính mình, Tây Phương Cực Lạc thế giới vẫn là chính mình. Chính mình biến hiện thế giới Cực Lạc, há lẽ nào chính mình chẳng thể vãng sanh? Chẳng có lẽ ấy! Vãng sanh là như Sanh Vô Sanh Luận[3] đã nói: “Sanh thì quyết định sanh, đi thì thật sự chẳng đi”. Tự tánh biến hiện, quý vị đi bằng cách nào? Xác thực là như thế. Thật giống như chúng ta xem TV, hình ảnh hiện thời là hình ảnh của thành phố Đài Bắc, lát sau, phần tin tức bèn chiếu cảnh Bạch Cung (tòa Bạch Ốc) của Mỹ, có đi hay không? Chẳng đi, rõ ràng là ở cùng một chỗ, nhưng xác thực là hai nơi, chẳng sai. Do vậy có thể biết: Tây Phương Cực Lạc thế giới tuy nói [cách xa Sa Bà] mười vạn ức cõi Phật, trong một niệm liền đạt đến, [giống như xem TV] trong khoảng một niệm, hình ảnh liền chuyển biến. Đừng nghĩ cõi ấy quá xa, chẳng dễ đến, đó đều là chấp trước nơi mặt sự tướng, mê rất sâu, chẳng biết chân tướng sự thật.
(Sao) Khởi Tín vân: “Ly niệm tướng giả, đẳng hư không giới”. Thị cố, hư không giới trung, phổ giai thuyết pháp.
(鈔)起信云:離念相者,等虛空界。是故虛空界中,普皆說法。
(Sao: Luận Khởi Tín nói: “Tướng ly niệm bằng với hư không giới”. Vì thế, trong hư không giới, đều thuyết pháp trọn khắp).
Câu này trích dẫn từ luận Khởi Tín.
(Diễn) Ly niệm tướng giả, đẳng hư không giới giả, Luận văn vân: “Sở ngôn giác nghĩa giả, vị tâm thể ly niệm. Ly niệm tướng giả, đẳng hư không giới, vô sở bất biến. Pháp giới nhất tướng, tức thị Như Lai bình đẳng Pháp Thân”.
(演)離念相者,等虛空界者,論文云:所言覺義者,謂心體離念。離念相者,等虛空界,無所不遍。法界一相,即是如來平等法身。
(Diễn: “Tướng ly niệm bằng với hư không giới”. Luận [Khởi Tín] có nói: “Nói đến nghĩa Giác là nói tâm thể ly niệm. Tướng ly niệm bằng với hư không giới, không đâu chẳng trọn khắp. Pháp giới một tướng chính là Pháp Thân bình đẳng của Như Lai”).
Khởi Tín Luận do Mã Minh Bồ Tát soạn. Đoạn văn này cũng nhằm bảo chúng ta Pháp Thân là gì. Chứng đắc Pháp Thân, người ấy bèn thành Phật, cũng có nghĩa là thành Chánh Đẳng Chánh Giác. Tuy chẳng phải là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nhưng người ấy thật sự là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Chánh Đẳng Chánh Giác là Phật, nói theo Viên Giáo sẽ là Bồ Tát từ Sơ Trụ trở lên. Bồ Tát từ Sơ Trụ trở lên là Phần Chứng Phật, có năng lực hiện ra ba mươi hai tướng, tám mươi thứ [tùy hình] hảo, giống như trong phẩm Phổ Môn đã nói: “Nên dùng thân Phật để đắc độ, bèn hiện thân Phật để thuyết pháp”, Ngài có năng lực ấy.
Đoạn văn này rất quan trọng. “Sở ngôn giác nghĩa giả” (Nói đến nghĩa giác), giác là gì? Bất giác là gì? Giác và bất giác có giới hạn ở chỗ nào? Ở đây đã nói rất rõ ràng: “Tâm thể ly niệm” là giác, tâm thể có niệm là bất giác. Chư vị phải biết: Giác tâm bất động, tâm động là bất giác. Hễ tâm chúng ta động là mê, là bất giác, giác tâm và chân tâm bất động. Do nó bất động, nên mới trọn khắp hư không pháp giới. Hễ bất động liền trọn khắp. Bất động bèn chẳng có giới hạn, hễ động thì còn có giới hạn. Chúng ta thấy nước trong ao chuôm, khi nước chẳng động bèn chẳng có giới hạn. Ao chuôm to bao nhiêu, nước to bấy nhiêu. Nếu chúng ta ném một viên đá nhỏ vào đó, liền động, nước ngay lập tức xuất hiện từng vòng xoáy, đã có giới hạn. Vì vậy, hễ động bèn có mười pháp giới; bất động là Nhất Chân pháp giới. Bất động là thật, động là giả. Vì hễ là động, dẫu có giới hạn, nhưng giới hạn ấy thường biến hóa, chẳng phải là bất biến. Tâm động bèn biến hóa trong từng sát-na, tâm chẳng động sẽ vĩnh viễn bất biến.
Khi nào chư vị thật sự chứng đắc cái tâm của chính mình bất động, sẽ chẳng già, dáng vẻ sẽ vĩnh viễn chẳng biến đổi. Mười tám tuổi chứng đắc, quý vị mỗi năm đều là mười tám. Hai mươi tuổi chứng đắc, bèn mỗi năm đều là hai mươi! Bất động sẽ chẳng biến hóa. Quý vị còn bị già nua, nói cách khác, cái tâm của quý vị còn bị động. Hiểu đạo lý này, đích xác là quý vị có thể khống chế vạn vật trong vũ trụ, chẳng bị xoay chuyển bởi vạn vật trong vũ trụ. Đây là như đoạn trước đã nói: Có thể chuyển vật, chẳng bị vật chuyển. Có thể thấy “chuyển vật, không bị vật chuyển” thì mấu chốt là tâm địa. Cái công tắc là nơi tâm địa, chẳng ở bên ngoài, bên ngoài tìm chẳng thấy. Các nhà khoa học, triết gia, tôn giáo gia tìm cách nào cũng tìm chẳng thấy, vì sao? Họ tìm bên ngoài, chẳng biết tìm trong nội tâm. Đức Phật bảo chúng ta: Cái mấu chốt ấy ở trong nội tâm, chẳng ở bên ngoài, bên ngoài thì tìm cách nào cũng chẳng thấy.
Nói ra Lý ấy, tiếp đó là Sự. Trong phần trước là Tánh Đức, kế đó là nói về Tu Đức, Tu Đức từ “ly niệm tướng”. Trong pháp Bồ Tát của Đại Thừa, cương mục tu hành của Bồ Tát rất nhiều, quy nạp lại thì chỉ có sáu điều, gọi là Lục Độ. Nếu lại quy nạp Lục Độ, quy nạp đến cuối cùng, sẽ thành chỉ còn một điều là Bố Thí. Quý vị nghĩ xem: Trì Giới và Nhẫn Nhục là Vô Úy Bố Thí. Ta trì giới, người ta chẳng sợ hãi ta, vì sao? Dẫu để lộ tài vật, “người ấy giữ giới ‘không ăn trộm’, sẽ chẳng tước đoạt của ta. Ta để những thứ ấy ở đây rất an toàn, quyết định sẽ chẳng bị mất đi, cũng chẳng cần phải đề phòng”, tâm người ấy an ổn. “Người ấy trì giới chẳng sát sanh, ta xử tệ với người ấy cỡ nào, người ấy cũng chẳng hại ta”, tâm người ta càng thêm yên ổn, nên gọi là Vô Úy. Vì thế, Trì Giới và Nhẫn Nhục là Vô Úy Bố Thí, còn Tinh Tấn, Thiền Định, và Bát Nhã là Pháp Bố Thí. Trong Bố Thí gồm có Tài Bố Thí, Pháp Bố Thí, và Vô Úy Bố Thí. Toàn thể quy nạp lại, sẽ biến thành một điều là Bố Thí.
Bố Thí là gì? Là xả, là lìa. Phương pháp tu hành của Bồ Tát từ sơ phát tâm cho đến thành Phật, là xả, là lìa mà thôi. Hết thảy các pháp xả lìa sạch sành sanh, thảy đều bỏ đi, sẽ thành Phật. Đẳng Giác Bồ Tát thì những thứ khác đều bỏ sạch, hãy còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa bỏ, cho nên vẫn gọi là Bồ Tát, không gọi là Phật. Chư vị phải biết: Tu hành trong Đại Thừa Phật pháp là xả, chẳng có gì không xả, thứ gì cũng đều phải xả. Bên trong là tư tưởng, kiến giải, các thứ cách nghĩ, cách nhìn đều phải bỏ, tâm bèn thanh tịnh. Bên ngoài là thân, tâm, thế giới, hết thảy đều có thể bỏ, chẳng bị vật chuyển. Vì sao hiện thời quý vị bị vật chuyển? Quý vị chẳng bỏ được, chẳng chịu bỏ, nên quý vị mới bị chúng nó chuyển. Nếu quý vị bỏ được, chúng nó làm sao xoay chuyển, ảnh hưởng quý vị cho được? Chẳng thể có chuyện ấy! Nay quý vị chẳng thể bỏ tài, trong tâm luôn nghĩ ta còn có bao nhiêu tiền, làm thế nào để kiếm tiền, lại sợ tiền bạc mất giá, lại sợ kinh tế chẳng khấm khá, phiền não thảy đều ùa đến! Nếu quý vị có thể bỏ sạch, há có những nỗi ưu lự, phiền não ấy? Thứ gì cũng đều chẳng có, tâm thanh tịnh lắm, tự tại lắm! Hễ có thứ gì mà quý vị chẳng bỏ được, sẽ bị rắc rối ngay, khiến cho quý vị bận lòng! Hễ quý vị bận lòng, sẽ bị phiền phức oan uổng, vì sao? Đến cuối cùng đều rỗng tuếch! Không chỉ là mai sau rỗng tuếch, mà ngay lúc này cũng là rỗng tuếch tuềnh toang!
Nếu dùng phương pháp của Thiền Tông, cái này ta không buông xuống được, cái kia chẳng buông xuống được, bèn quay lại tìm xem không buông xuống được ở chỗ nào. Quý vị đi tìm, tìm xem chỗ nào chẳng buông xuống được, đến cuối cùng, tìm chẳng thấy! Vì lẽ đó, Nhị Tổ Huệ Khả thưa: “Tâm con bất an”, cầu Đạt Ma Tổ Sư an tâm cho Ngài. Đạt Ma Tổ Sư xòe tay ra: “Ông lấy cái tâm ra, ta sẽ an nó cho ông”. Huệ Khả lại quay lại tìm, cuối cùng thưa với Tổ: “Con tìm tâm trọn chẳng thể được”, con không biết tâm ở chỗ nào? Chẳng biết tâm ở chỗ nào, còn gì mà an với chẳng an? Tâm ở chỗ nào, tìm không thấy! Tổ nói: “Dữ nhữ an tâm cánh” (Ta đã an cái tâm cho ông rồi!). Nghe câu ấy, Nhị Tổ bèn khai ngộ.
Nếu quý vị có ưu lự, có phiền não, quý vị cũng dùng phương pháp ấy, quay lại xét xem: “Ta ưu lự ở chỗ nào?”. Hãy đi tìm, ưu lự ở chỗ nào? Phiền não ở chỗ nào? Tìm đến cuối cùng, chẳng thể được. Không thể được, nói cách khác, căn bản là quý vị chẳng có ưu lự, căn bản là chẳng có phiền não, đó là mê! Hễ quý vị quay đầu, quay đầu liền giác ngộ, mới hiểu vốn là rỗng tuếch! Kinh Kim Cang nói chẳng sai: “Phàm những gì có tướng, đều là hư vọng”, bất luận là sắc tướng hay tâm tướng, trong tâm tưởng thứ gì sẽ bèn có tâm tướng (hình tướng của thứ ấy hiện bóng trong tâm). Tâm hễ tưởng, bèn có tướng. Người Hoa tạo văn tự rất cao minh: “Tưởng” (想) là trong Tâm (心) có Tướng (相). “Tư” (思) là trong tâm có giới hạn, chữ Điền (田) là vạch giới hạn [như từng ô ruộng]. Tưởng chỉ là dấy vọng tưởng, còn chưa có phân biệt, chấp trước, còn chưa có giới hạn. Tư nghiêm trọng hơn Tưởng, vì sao? Tưởng chẳng có thiện ác, không tạo nghiệp. Trong Tư có giới hạn, bèn tạo nghiệp. Quý vị hồi quang phản chiếu, sẽ biết quả thật ngay trong lúc này là bất khả đắc, há còn nói gì đến tương lai, rỗng tuếch! [Chờ đến] tương lai [mới cảm nhận nó là] rỗng tuếch tức là đã mê rất sâu rồi. Ngay trong hiện tại đây đã là rỗng không, chẳng cần đợi đến tương lai! Người học Phật hiểu đạo lý này, chẳng có một ai không là thân tâm tự tại, sung sướng, pháp hỷ sung mãn, thật sự đạt được thọ dụng trong Phật pháp. Học Phật mà học đến nỗi mỗi ngày mặt ủ mày chau, chắc chắn là đã trái nghịch Phật pháp, học sai lầm mất rồi! Phật pháp thật sự là phá mê khai ngộ, nhất định là thân tâm khỏe mạnh, sung sướng, tự tại, đó là học Phật bèn ngay lập tức đạt được điều tốt đẹp!
Tâm lượng “đẳng hư không giới” (bằng với hư không giới), vì sao? Hư không pháp giới là vật được biến hiện bởi tâm lượng của chính mình, lẽ đâu chẳng bằng? Đương nhiên là bằng. “Vô sở bất biến” (Không đâu chẳng trọn khắp), trí huệ trọn khắp hết thảy các pháp giới. Đối với năng lực của lục căn, tánh Thấy trọn khắp hết thảy các pháp giới; do đó, hết thảy các pháp giới không đâu chẳng thấy. Tánh Nghe trọn khắp hết thảy các pháp giới, âm thanh trong hết thảy các pháp giới chẳng có gì không nghe, thứ gì cũng đều trọn khắp hết thảy các pháp giới. Vì lẽ đó, lẽ nào thuyết pháp lại chẳng trọn khắp các pháp giới?
“Pháp giới nhất tướng”, đó là Nhất Chân, “tức thị Như Lai bình đẳng Pháp Thân” (chính là Pháp Thân bình đẳng của Như Lai), Như Lai là tự tánh, là danh hiệu của tự tánh. “Như” là hết thảy đều Như, chẳng có pháp nào không Như. “Hậu Phật như đồng cổ Phật chi tái lai” (Vị Phật sau giống như cổ Phật trở lại). Do đó, sau khi chứng nhập, chẳng có trước sau. Có nhiều người hỏi: “Phật nào lớn nhất?” Chẳng có Phật nào lớn nhất. Nói vị Phật nào lớn nhất, sẽ còn có vị Phật nhỏ nhất, đó là sai lầm. Vị Phật nào thành Phật trước, vị Phật nào thành Phật sau? Chẳng có, thành Phật chẳng có trước sau. Ví như các dòng nước đổ vào biển cả, quý vị nói xem: Nước nào là dòng trước, nước nào là của dòng sau? Chẳng có, hòa lẫn một chỗ. Ví như những cái đèn này, khi chúng ta bật đèn thì có trước sau, nhưng khi đã bật hết cả rồi, quý vị nói xem ánh sáng nào là trước, ánh sáng nào là sau, chẳng có. Nói trước sau, hoặc lớn nhỏ, đều là vọng tưởng, chấp trước của kẻ mê! Sự thật là chẳng có, quyết định chẳng có trước hay sau, chẳng có lớn hay nhỏ!
Vì thế, Tây Phương Cực Lạc thế giới mới là thật sự bình đẳng, Pháp Thân bình đẳng. Khi mê, nói xưa, nay, lớn, nhỏ với quý vị, đó là lừa quý vị, Phật lừa quý vị, Phật cũng nói lời thật. Đức Phật giảng kinh, thuyết pháp nhằm hướng dẫn quý vị, Ngài có nêu tỷ dụ: “Hoàng diệp chỉ đề” (黃葉止啼: Lá vàng dỗ trẻ thôi khóc). “Hoàng diệp chỉ đề” là lừa quý vị. Trẻ nhỏ khóc nhè, làm cách nào đây? Muốn cho nó thôi khóc, nhặt một chiếc lá vàng rụng xuống trong mùa Thu, bảo đứa bé: “Chiếc lá này là vàng, rất đáng giá, con có thể đem mua kẹo ăn”. Đứa trẻ nghe xong, rất hoan hỷ, thôi khóc, đã đạt được mục đích, chủ yếu là dỗ cho nó khỏi khóc. Còn nó có thể đổi thành tiền hay không là chuyện khác. Đức Phật giảng kinh thuyết pháp cho quý vị, đó là “hoàng diệp chỉ đề”, quý vị phải thật sự khai ngộ từ chỗ này! Ai độ quý vị? Tự mình độ chính mình, đức Phật chẳng độ chúng sanh. Đức Phật chỉ dùng lá vàng dỗ trẻ thôi khóc mà thôi! Từ chỗ này, chúng ta mới có thể thật sự tiến nhập nghĩa chân thật của Phật. Hôm nay chúng tôi giảng tới chỗ này!
[1] Bộ sách này có tên gọi đầy đủ là Lăng Nghiêm Kinh Nghĩa Sớ Thích Yếu Sao, gồm sáu quyển, do ngài Hoài Viễn viết vào đời Tống.
[2] Ở đây, 4x60x900=216.000, tức là hai mươi mốt vạn sáu ngàn lần, hai cái mười vạn tám ngàn lần là hai mươi mốt vạn sáu ngàn lần.
[3] Bộ luận này có tên gọi đầy đủ là Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận do ngài U Khê Truyền Đăng soạn vào đời Minh, xiển minh giáo nghĩa “sanh mà vô sanh, vô sanh mà sanh” trong Tịnh Độ. Cùng với các bộ Tịnh Độ Thập Nghi Luận và Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, được gọi chung là Tịnh Độ Tam Luận, rất được coi trọng.