#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 129
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm tám mươi ba:
(Sao) Tam Khổ giả, nhất, Khổ Khổ, vị thọ hữu lậu thân, dĩ danh vi Khổ, cánh gia chủng chủng bức não, tắc khổ nhi phục khổ dã, thị vi Dục Giới Khổ.
(鈔) 三苦者,一、苦苦,謂受有漏身,已名為苦,更
加種種逼惱則苦而復苦也,是為欲界苦。
(Sao: Ba khổ là: Một, Khổ Khổ, ý nói mang thân hữu lậu nên gọi là Khổ, lại còn thêm đủ mọi thứ bức bách, não hại, nên đã khổ lại càng thêm khổ. Đó là nỗi khổ trong Dục Giới).
Giải thích Khổ, Tập, Diệt, Đạo trong Tứ Đế, trước hết nói về Tam Khổ. Đức Thế Tôn quy nạp khổ báo trong tam giới thành ba loại lớn. Trong Dục Giới, ba thứ khổ ấy đều có, tức là Khổ Khổ, Hoại Khổ và Hành Khổ, ba loại khổ này đều trọn đủ. Cách giải thích này rất đơn giản, nhưng hết sức ngắn gọn. Chúng ta nhận quả báo trong tam giới, đương nhiên trọng yếu nhất là thân thể, thân thể này là “hữu lậu thân”, Lậu (漏) là gì? Đây là một thuật ngữ trong Phật học, nó là tên gọi khác của phiền não. Nói cách khác, quý vị có thân bèn có phiền não, có thân thể bèn có đau khổ. Đạo gia Lão Trang của Trung Quốc đã hiểu đến trình độ này nên nói: “Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân” (ta có mối lo âu lớn vì ta có thân). Ta có nỗi lo âu lớn nhất là gì? Có thân thể! Có thân thể bèn có ưu hoạn. Có thể thấy khi Phật giáo chưa truyền đến Trung Quốc, cổ thánh tiên hiền Trung Quốc cũng nhận biết vấn đề này. “Lậu” là tỷ dụ, thí dụ như một chén trà. Nếu cái chén này hư nứt, đem nó đựng nước sẽ bị rò rỉ mất. Đức Phật sánh ví thân thể như một thứ pháp khí chẳng toàn vẹn, dẫu chúng ta hằng ngày tu công tích đức đều bị rỉ mất!
Trong kinh, đức Phật thường nói “hỏa thiêu công đức lâm” (đốt trụi rừng công đức), mọi người phải nhớ điều này: Quý vị vừa nổi nóng, công đức liền cháy sạch. Do vậy, quý vị phải nghĩ rốt cuộc ta tu tập, tích lũy bao nhiêu công đức? Quý vị phải suy tính từ lúc ta chẳng nổi nóng cho đến hiện tại. Nếu trong một sát-na lâm chung, quý vị vẫn nổi nóng một trận thì chuyện gì cũng coi như xong, đã thiêu sạch rừng công đức! Do vậy, người tu hành sợ sân khuể nhất, như thường nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai” (một niệm sân tâm dấy, trăm vạn cửa chướng mở), tất cả hết thảy chướng ngại đều cùng kéo đến, nghiệp chướng đều hiện tiền; nhưng có mấy ai có thể chẳng nổi nóng? Nhìn từ chỗ này, như thường nói “người niệm Phật nhiều, kẻ vãng sanh ít” là vì lẽ nào? Hễ nổi nóng là không được rồi, sẽ trở thành chướng ngại. Do vậy, người niệm Phật sau khi thật sự giác ngộ, đối với hết thảy những người và sự trên thế gian này đều để mặc, tốt cũng được, xấu cũng xong, dẫu như thế nào cũng đều chẳng liên can đến ta. Ta khuyên nhủ họ, họ nghe lời thì ta khuyên. Họ không nghe thì thôi, chẳng cần phải quan tâm đến nữa, phải giữ gìn sự thanh tịnh nơi thân tâm của chính mình. Kinh thường nói “tích công lũy đức”, công đức ấy mới có thể tích lũy.
Trong quá khứ, tôi có một người bạn. Ông ta tuổi trẻ đã bị bệnh phổi, chẳng thể tức giận. Hễ nổi nóng, căn bệnh ấy sẽ phát ra. Vì thế, suốt đời ông ta giữ cho tâm mình chẳng nóng giận, vì sao? “Ta chẳng có sức nóng giận”. Đến cuối cùng, chuyện ấy quả thật rất hữu ích cho sự tu hành của ông ta. Về sau, ông ta học Phật. Tuy ông ta mất sớm, nhưng lúc chết cũng chẳng rất đơn giản. Ông ta thân mang bệnh nặng, tự mình ngồi xe bus đến bệnh viện Vinh Dân vào phòng cấp cứu. Sau khi ghi danh xin nằm phòng cấp cứu, vào phòng cấp cứu chưa đầy nửa giờ bèn mất, tỉnh táo, sáng suốt, đó là chuyện hết sức chẳng dễ dàng
Do vậy, nói cách khác, đối với cái thân này, hễ có cảm tình thì cảm tình là phiền não, là hữu lậu, rất khổ! Nói cách khác, chẳng có cách nào tích lũy công đức, khá là khổ sở. Lại còn thêm “chủng chủng bức não”, “chủng chủng bức não” (các thứ bức bách, khổ não) là nói tám thứ khổ trong phần sau. Nếu nói chi tiết, Khổ Khổ gồm tám loại lớn: Sanh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly (yêu thương mà phải chia lìa), oán tăng hội (oán ghét mà phải gặp gỡ), cầu không được, Ngũ Ấm lừng lẫy. Có thể nói là đối với tám loại lớn này, mỗi chúng sanh trong Dục Giới đều phải hứng chịu, chẳng ai có thể trốn tránh. Đây là loại thứ nhất, là sự khổ trong Dục Giới.
(Sao) Nhị, Hoại Khổ, vị đương lạc hoại thời, bất thắng ưu não dã, thị vi Sắc Giới Khổ.
(鈔) 二、壞苦,謂當樂壞時,不勝憂惱也,是為色界苦。
(Sao: Hai là Hoại Khổ, ý nói trong lúc vui sướng mà bị hư hoại bèn ưu não khôn xiết, đó là nỗi khổ trong Sắc Giới).
Trong Dục Giới tuy cũng có sáu tầng trời, phước trời cũng rất lớn, thọ mạng cũng khá dài, nhưng chỉ cần ở trong Dục Giới sẽ chẳng thể tránh khỏi tám nỗi khổ ấy. Đến Sắc Giới Thiên, nói cách khác, nếu kẻ ấy chẳng có một chút công đức, sẽ chẳng đến được Sắc Giới Thiên. Chúng ta thấy kinh luận Đại Thừa nói: Trong Kiến Tư phiền não của chư thiên Sắc Giới và Vô Sắc Giới chẳng có sân khuể, điều này đáng để cho chúng ta phản tỉnh thật sâu! Nếu quý vị có tâm sân khuể, dẫu quý vị tu tập tốt đẹp cách mấy, chẳng thể đến Sắc Giới Thiên. Sắc Giới Thiên mà còn chưa đến được, huống gì những nơi khác? Nói cách khác, đạo nghiệp của quý vị không thể thành tựu. Do vậy, có thể biết, phiền não sân khuể thật sự vô cùng nặng nề, nhất định phải ngăn ngừa, dứt trừ. Sanh vào Sắc Giới phải cậy vào Thiền Định, Tứ Thiền, Bát Định, bốn thứ Thiền Định từ Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, đến Tứ Thiền. Tu Thiền Định thành công xong lại phải tu Tứ Vô Lượng Tâm, tức Từ, Bi, Hỷ, Xả thì mới có thể sanh vào mười tám tầng trời thuộc Sắc Giới. Mười tám tầng ấy cũng tùy thuộc công phu của mỗi cá nhân, tùy thuộc công phu Thiền Định của quý vị. Do Tứ Vô Lượng Tâm cạn hay sâu sẽ sanh lên các tầng trời khác nhau.
Chư thiên Sắc Giới chẳng có tám khổ, họ hóa sanh, nên chẳng có sanh, lão, bệnh, tử, cũng chẳng có cầu bất đắc, oán tăng hội, ái biệt ly, chẳng có những thứ ấy, nên rất tự tại. Tuy rất tự tại, nhưng thọ mạng vẫn có hạn. Khi hết tuổi thọ, vẫn phải chết, vẫn phải đọa lạc. Khi ấy, họ cảm thấy khổ sở. Lúc bình thường, họ chẳng cảm thấy, đến khi công phu định lực mất đi, lúc sắp đọa lạc xuống dưới, lúc đó sẽ bắt đầu cảm thấy rất khổ. Đó là Hoại Khổ.
(Sao) Tam, Hành Khổ, thử khổ xử trung, tức bất khổ, bất lạc, niệm niệm thiên lưu dã, thị vi Vô Sắc Giới Khổ.
(鈔) 三、行苦,此苦處中,即不苦不樂,念念遷流也,是為無色界苦。
(Sao: Ba là Hành Khổ, ở trong loại khổ này, sẽ chẳng khổ, chẳng vui, nhưng niệm niệm đổi dời, là nỗi khổ trong Vô Sắc Giới).
“Bất khổ, bất lạc”: Đối với ba thứ khổ, đem phối hợp với ba thứ cảm nhận để nói, Khổ Khổ ứng với Khổ Thọ, Hoại Khổ ứng với Lạc Thọ mà sanh ra, còn Hành Khổ tương ứng với chẳng khổ, chẳng vui. Chẳng khổ, chẳng vui tốt lắm, cái tâm bình lặng, an tĩnh, hết sức tốt đẹp, vì sao người ấy cảm thấy khổ? Do cảnh giới ấy chẳng thể vĩnh viễn duy trì, sẽ dần dần bị mất đi. Vì vậy, kẻ ấy cảm thấy đau khổ. Chư thiên Vô Sắc Giới thọ mạng dài nhất là tám vạn đại kiếp, thọ mạng trong Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên là tám vạn đại kiếp! Tuy tám vạn đại kiếp khá dài, vẫn có lúc hết. Đến lúc đó, vẫn phải đọa lạc. Họ không thể thường ở trong cảnh giới này, đó là Hành Khổ. Ba thứ khổ này là nói phân biệt theo tam giới.
(Sao) Hựu, Dục Giới cụ tam.
(鈔) 又欲界具三。
(Sao: Lại nữa, Dục Giới có đủ cả ba).
Trong Dục Giới, cả ba thứ khổ đều có.
(Sao) Sắc kiêm hậu nhị.
(鈔) 色兼後二。
(Sao: Sắc Giới có hai thứ sau).
Sắc Giới có Hoại Khổ và Hành Khổ; Vô Sắc Giới chỉ có Hành Khổ, kể cả Hoại Khổ cũng chẳng có, vì sao? Vì họ chẳng có thân. Chư thiên Vô Sắc Giới chẳng cần đến thân thể, nên họ chẳng có sắc tướng. Nói theo kiểu bây giờ, họ được gọi là “linh giới” (spirit world). Họ chẳng có thân thể, là phàm phu cao cấp trong tam giới, nhưng vẫn là phàm phu! Họ thông minh, trí huệ cao nhất, kể cả thân thể cũng chẳng cần, đắc tự tại! Có thân thể sẽ bị trói buộc, chẳng tự tại. Chẳng có thân thể thì mới thật sự tự tại, nhưng họ có Hành Khổ.
Đối với Khổ Khổ, chúng tôi nêu một thí dụ đơn giản, sanh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tăng hội, nào ngờ oan gia đối đầu ở cùng một chỗ, chẳng có cách nào cả, sống trong cùng một nhà, chẳng tách lìa được, chán ghét mà cứ phải gặp gỡ! Cầu chẳng được, Ngũ Ấm lừng lẫy, đó là những khổ báo hết sức thô thiển, rõ ràng. Đối với Hoại Khổ, chúng tôi nêu một tỷ dụ, giống như nay đang làm quan, được thăng chức, hỷ sự ùa vào cửa, vui sướng lắm! Đến ngày nào đó ngã ngựa, khổ lắm! Hễ mất chức tước, cửa nhà liền quạnh quẽ[1], thân thích, bằng hữu nào cũng đều chẳng đặt chân đến. Có thể thấy thói đời bạc bẽo, kẻ ấy lập tức cảm nhận khi thăng chức và khi ngã ngựa hoàn toàn khác hẳn nhau! Hoại Khổ đấy!
Đối với Hành Khổ, thí dụ rõ rệt nhất là chúng ta không thể giữ mãi tuổi thanh xuân. Mỗi người đều muốn mỗi năm đều là mười tám, nhưng đâu có được! Già thì chẳng phải là mỗi mười năm mỗi già, chẳng phải vậy! Cũng chẳng phải là mỗi năm mỗi già, mà là mỗi ngày một già hơn, chẳng có cách nào cả, ai hòng giữ mãi [tuổi xuân]! Nói thực tại, mọi người phải giác ngộ điều này, đời người trên thế giới chẳng có ý nghĩa gì. Từ ngày quý vị được sanh ra, chỉ có một mục tiêu, một phương hướng, đi tới đâu? Tiến đến mộ phần! Mỗi ngày đều tinh tấn, chẳng chịu chừa một phút, một giây nào, chẳng chịu ngừng nghỉ tí nào! Quý vị nghĩ xem có ý nghĩa gì hay không? Tuy người thế gian nói ba điều “bất hủ” (không hư nát) là lập công, lập đức, lập ngôn, nhưng nói theo Phật pháp, những điều ấy đều là hư vọng, vì sao? Thế giới có Thành, Trụ, Hoại, Không, thứ gì cũng chẳng giữ lại được! Đúng như kinh luận đã nói: “Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân” (muôn thứ chẳng mang được, chỉ có nghiệp theo thân). Cần gì phải tạo tội nghiệp? Cái quý vị có thể mang theo được là quý vị tạo một ít thiện quả. Tạo thiện nghiệp sẽ có thiện báo, tạo ác nghiệp ắt có ác báo, quyết định chẳng thể tránh được. Người thật sự giác ngộ hiểu rõ. Đức Phật dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”, được thân người chẳng dễ dàng. Được làm thân người đáng quý nhất là nghe Phật pháp. Phật pháp giảng rõ ràng cho chúng ta biết chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Đã hiểu rõ chân tướng, chúng ta sẽ biết cách nên làm như thế nào, sống cuộc đời trước mắt ra sao, xử sự, đãi người, tiếp vật như thế nào? Đã hiểu rõ, từ nay trở đi quyết định chẳng tạo ác nghiệp.
Trong Phật pháp, pháp thù thắng bậc nhất là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, pháp môn này quá thù thắng! Rất đáng tiếc là quá ít người biết đến pháp môn thù thắng hy hữu như vậy. Không chỉ người thế gian chẳng biết, mà người tu Phật pháp đã lâu, những vị đại đức xuất gia lẫn tại gia thật sự hiểu rõ cũng chẳng nhiều! Cổ nhân thấy sự tướng này đều hết sức cảm thán! Liên Trì đại sư nhọc nhằn viết một bộ chú giải kinh Di Đà vĩ đại như vậy, nhằm mục đích khuyên chúng ta hãy nên tin tưởng pháp môn này, y chiếu pháp môn này để tu học, có công huân không gì lớn hơn đối với Tịnh Độ giáo. Nhưng Liên Trì đại sư là người sống vào cuối đời Minh, văn tự [trong tác phẩm này viết bằng] thể văn Văn Ngôn, người hiện thời chẳng đọc văn chương Văn Ngôn nữa, điều này rất đáng tiếc!
Trong tương lai, thể văn Văn Ngôn dần dần thất truyền, đó là nỗi bất hạnh cho toàn thể dân tộc. Tôi cảm thấy tổ tiên lưu lại di sản lớn nhất, kho báu phong phú nhất là văn chương Văn Ngôn, bất cứ dân tộc nào thuộc quốc gia nào trên toàn thế giới đều chẳng có điều này. Phát minh này thật sự lỗi lạc! Tổ tiên biết ngôn ngữ, văn tự sẽ biến đổi theo thời đại, nếu muốn lưu truyền trí huệ và kiến thức của người đương thời cho người đời sau làm tham khảo, dùng phương pháp gì mới có thể bảo tồn, khiến cho người đời sau đọc đến sẽ giống như đối diện đàm thoại, nên mới sáng chế thể văn Văn Ngôn. Ngôn ngữ có thể biến đổi theo thời đại, nhưng thể văn Văn Ngôn vĩnh viễn chẳng thay đổi.
Ngày nay, chúng ta đọc sách của Khổng Tử, giống như bạn bè viết thư cho nhau. Tuy đọc sách vở đã lâu hơn hai ngàn năm, vẫn giống như đối diện trò chuyện, chẳng đến nỗi hiểu sai ý nghĩa, đó là chỗ tuyệt diệu của thể văn Văn Ngôn. Chúng ta xem cổ văn của các quốc gia khác, xem những văn tự từ hai ngàn năm trước, đều phải cần đến những nhà khảo cổ học và chuyên viên thì mới có thể đọc hiểu, chẳng tiện lợi nhiều bề như người Trung Quốc. Đó là tổ tiên người Trung Quốc đã nghĩ thật chu đáo cho con cháu đời sau, cả thế giới chẳng có chuyện này! Nếu ngày nay chúng ta vứt bỏ thể văn Văn Ngôn, há chẳng có lỗi với tổ tiên? Đối với tư tưởng, kiến giải, và trí huệ trong mấy ngàn năm của các bậc thánh hiền, nếu chúng ta có thể thông đạt thể văn Văn Ngôn, kho báu ấy sẽ thuộc về bản thân chúng ta, quả thật sẽ tăng trưởng học vấn và kiến thức.
Nói thật ra, tu học thể văn Văn Ngôn chẳng có bí quyết gì, từ xưa tới nay chỉ có một phương pháp là học thuộc lòng. Trong quá khứ, thầy Lý dạy học tại Đài Trung, lão nhân gia bảo chúng tôi: “Các anh có thể học thuộc năm mươi bài trong bộ Cổ Văn Quán Chỉ, sẽ có khả năng đọc được văn chương Văn Ngôn. Có thể đọc thuộc lòng một trăm bài Văn Ngôn, sẽ có thể viết bằng Văn Ngôn”. Có thể thấy từ xưa tới nay, Tiểu Học của Trung Quốc dạy gì? Học thuộc sách. Lợi ích của việc thuộc sách là ở chỗ này, tạo lập cơ sở về thể văn Văn Ngôn. Thời đầu Dân Quốc, trẻ nhỏ mười một, mười hai tuổi viết văn chương Văn Ngôn đều viết hết sức trôi chảy. Hiện thời sinh viên đại học khoa Hán văn viết không nổi!
Tôi nhớ có một lần trong khóa Đại Chuyên Giảng Tòa, tôi photopcopy bài văn mẫu của học trò Tiểu Học thời đầu Dân Quốc thành mấy bản dán ở nơi ấy cho các sinh viên đại học xem. Vì sao chúng nó viết khá như thế? Do học thuộc cổ văn rất nhiều! Con người hiện thời chẳng chịu học thuộc sách, hễ nghe nói phải học thuộc sách bèn nhức đầu! Chẳng có cách nào, nhất định phải học thuộc sách. Hiện thời, chúng tôi cổ vũ, khích lệ các đồng tu học Phật phải xem trọng văn chương Văn Ngôn. Vì sao? Tất cả kinh điển đều viết bằng văn chương Văn Ngôn. Nếu chúng ta lười nhác, chẳng muốn đọc văn chương Văn Ngôn, mà đọc những kinh điển được dịch sang Bạch Thoại của người hiện thời thì những bản kinh điển dịch sang Bạch Thoại ấy sai sót trăm bề, tuyệt đối chẳng phải là ý nghĩa gốc. Vì thế, quý vị muốn thật sự đạt được lợi ích từ Phật pháp, chính mình phải cần đến công cụ này.
Chúng ta có phải học thuộc lòng cổ văn hay không? Tôi cảm thấy chẳng cần. Kinh điển đều là cổ văn, học thuộc kinh điển là được rồi. Nhất là kinh Vô Lượng Thọ, phân lượng chẳng dài, chẳng ngắn, tất cả chỉ có bốn mươi tám thiên, tức bốn mươi tám chương, thầy Lý định tiêu chuẩn là năm mươi bài [cổ văn], kinh này có bốn mươi tám thiên, hết sức gần gũi. Có thể học thuộc lòng kinh Vô Lượng Thọ từ đầu đến cuối, quý vị sẽ chẳng có vấn đề gì đối với thể văn Văn Ngôn. Vì văn tự trong kinh Vô Lượng Thọ là Hán văn tiêu chuẩn, kinh được phiên dịch từ thời đại Hán – Đường. Học văn chương Văn Ngôn lẫn học kinh đều được, lại còn là kinh bậc nhất trong các kinh Phật, công đức lợi ích thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Điều này rất đáng chú ý, phải tận lực tuyên dương, phổ biến khuyên dạy hết thảy mọi người, nhất là đối với kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta phải gắng sức lưu thông. Tiếp theo đây là nói về Tây Phương Cực Lạc thế giới:
(Sao) Nhi bỉ quốc ly dục thanh tịnh, tắc vô Khổ Khổ.
(鈔) 而彼國離欲清淨,則無苦苦。
(Sao: Nhưng cõi kia ly dục thanh tịnh, nên không có Khổ Khổ).
Nói về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Trong thế giới Tây Phương chẳng có tám thứ khổ được kể trong Khổ Khổ. Thế giới Tây Phương là liên hoa hóa sanh, chẳng có Sanh Khổ. Người trong thế giới Tây Phương ai nấy đều là thân thanh hư, thể vô cực, nên chẳng có Lão Khổ. Người nơi ấy chẳng già, dung mạo vĩnh viễn chẳng thay đổi. Chúng ta thật sự mong trường sanh bất lão, hãy cầu về Tây Phương Tịnh Độ.
Trong Phật môn, Tịnh Độ Tông có một vị đại đức là ngài Đàm Loan, sống vào thời Bắc Ngụy[2], vốn là một đạo sĩ, theo đuổi thuật trường sanh bất lão. Có một hôm Ngài gặp một vị pháp sư Ấn Độ đến Trung Quốc hoằng dương Phật pháp, bèn hỏi Sư: “Trong Phật môn có phương pháp trường sanh bất lão hay không?” Sư đáp: “Nếu mong thật sự trường sanh bất lão, chỉ Phật môn mới có! Cõi trời tuy trường thọ, dẫu thọ mạng rất dài, đến cuối cùng vẫn phải chết! Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên thọ mạng tám vạn đại kiếp, hết tám vạn đại kiếp thì sao? Có thể thấy trọn chẳng phải là trường sanh bất lão thật sự. Thật sự trường sanh bất lão thì Tây Phương Cực Lạc thế giới là vô lượng thọ”. Vị này thiện căn hết sức sâu dầy, sau khi nghe xong, bèn lập tức tiếp nhận, bỏ Đạo giáo, quy y Tịnh Độ, chuyên tu pháp môn Tịnh Độ. Ngài có soạn An Lạc Tập và Vãng Sanh Luận Chú, người đời sau tôn xưng Ngài là Thần Loan. Đây là một vị thật sự tu trường sanh bất lão, thật sự đạt được. Bởi lẽ, trong thế giới ấy chẳng có sanh, lão, bệnh, tử.
Thế giới ấy là một pháp giới bình đẳng, chẳng có ái biệt ly, mà cũng chẳng có oán tăng hội. Chúng ta đọc kinh phải lưu ý những chỗ như thế này. Trong thế gian này, chúng ta thấy người này đáng ưa, kẻ kia đáng ghét, tâm thái ấy chớ nên có, vì sao? Chướng ngại quý vị vãng sanh Tịnh Độ. Quý vị chán ghét kẻ đó, người ta mỗi ngày đều niệm Phật, nếu trong tương lai đến Tây Phương Cực Lạc thế giới gặp mặt vẫn cãi cọ một trận, há lẽ nào có chuyện như thế? Cãi nhau thì cả hai người đều cùng bị đuổi ra. Bình thời, chúng ta phải nghiêm túc tu dưỡng, hạ cái tâm yêu thích, chán ghét xuống mức thấp nhất thì mới không đến nỗi nẩy sanh chướng ngại đối với sự vãng sanh của bản thân chúng ta. Chuyện này thoạt nhìn tưởng chừng là chuyện nhỏ nhặt, nói thật ra, rất nghiêm trọng, cả đống kẻ suốt đời niệm Phật do vì việc nhỏ nhặt này mà lỡ làng, cái tâm bất bình đẳng mà!
Thế giới Tây Phương hết thảy đều được biến hóa ra, chẳng có nỗi khổ Cầu Bất Đắc, hết thảy nguyện vọng của quý vị đều được thỏa mãn. Đó gọi là “tư y đắc y, tư thực đắc thực” (nghĩ đến áo được áo, nghĩ đến ăn liền được ăn). Ý niệm vừa mới dấy lên, quý vị muốn thứ gì, [thứ ấy] đều hiện trước mặt. Chẳng cần nữa thì cũng chẳng có rác rưởi, chẳng cần thì chúng liền biến mất, hay lắm! Hiện thời chúng ta chẳng cần thì cũng phiền phức, rác rưởi rất khó xử lý. Các nhà khoa học hiện thời đã hiểu đạo lý này, đạo lý gì vậy? Năng lượng và vật chất có thể chuyển biến [thành lẫn nhau]; khi cần bèn biến năng lượng thành vật chất, đúng là “lấy chẳng hết, dùng mãi không cạn!” Không cần nữa, vật chất lập tức biến thành năng lượng, chẳng còn nữa. Đúng là sạch sành sanh, chẳng nhiễm mảy trần. Chỗ tốt đẹp này chúng ta hằng ngày đều mong muốn, nhưng muốn mà chẳng đạt được! Tây Phương Cực Lạc thế giới thứ gì cũng đều có.
(Sao) Y chánh thường nhiên, tắc vô Hoại Khổ.
(鈔) 依正常然,則無壞苦。
(Sao: Y báo và chánh báo thường hằng nên chẳng có Hoại Khổ).
Trong Đại Kinh nói càng thấu triệt hơn nữa. Y báo và chánh báo vĩnh viễn chẳng suy, chẳng kém đi, chẳng biến đổi. Thật sự là một thế giới trường sanh bất lão.
(Sao) Siêu quá tam giới, tắc vô Hành Khổ.
(鈔) 超過三界,則無行苦。
(Sao: Vượt trỗi tam giới, nên chẳng có Hành Khổ).
Đại Kinh đã giảng Tây Phương Cực Lạc thế giới rất rõ ràng, vượt trỗi hết thảy các thế giới chư Phật. Hết thảy các thế giới của chư Phật đều chẳng thể sánh bằng, cho nên gọi là Cực Lạc. Do cõi ấy chẳng có ba thứ khổ này, nên mới gọi là thế giới Cực Lạc.
(Sao) Bát khổ giả, sanh cư thai ngục.
(鈔) 八苦者,生居胎獄。
(Sao: Tám khổ, [sự khổ thứ nhất] là sanh trong thai ngục).
Đây là nói về Sanh Khổ. Trong kinh, đức Phật đã giảng rất chi tiết, Ngài nói khi loài người chúng ta đầu thai, ở trong thai mẹ mười tháng, cảm nhận mười tháng ấy giống như trong địa ngục, đúng là sống một ngày bằng cả năm! Mẹ uống một chén nước nóng, [con có cảm giác] giống như ở trong tám địa ngục nóng. [Mẹ] uống một chén nước lạnh, [con cảm giác] giống như ở trong tám địa ngục lạnh. Đức Phật hình dung sự thống khổ này là “thai ngục”, địa ngục là nơi khổ nhất. Thoạt nhìn, mười tháng kể ra chẳng dài lắm, nhưng đứa bé trong thai cảm thấy chịu không nổi, cảm nhận thời gian quá dài. Đó là nói về “sanh cư thai ngục”. Vừa sanh ra, thân thể tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, kinh Phật hình dung sự cảm thụ ấy là “lãnh phong xúc thân dữ địa ngục vô dị” (gió lạnh chạm thân chẳng khác gì địa ngục), giống như đao bén cắt thịt. Vì thế, trẻ sanh ra liền khóc, khóc là vì nó quá đau khổ, chẳng có cách nào chịu đựng! Nếu sanh ra rất vui, chẳng khổ, trẻ nhỏ được sanh ra chẳng nên khóc, lúc nó vui sướng sẽ cười. Các vị có thấy trẻ nhỏ sanh ra mà cười khanh khách hay không? Điều này chứng tỏ đức Phật nói đúng. Sanh, xác thực là khổ!
(Sao) Lão yếm long chung.
(鈔) 老厭龍鍾。
(Sao: Già cả chán ngán run rẩy).
Đây là Lão Khổ. Chúng ta có thể trông thấy, hiện tại tuy chính mình chưa già, nhưng trông thấy chỗ khổ sở của người già, chính mình phải có tâm cảnh giác, vì sao? Trong tương lai, bản thân chúng ta cũng có ngày đó. Nếu quý vị không muốn già thì chỉ đành đoản mạng. Quý vị lại không thích đoản mạng, lẽ nào chẳng già? Quyết định phải thừa nhận Lão Khổ. Lúc già có phước chính là thật sự có phước báo; chứ tuổi trẻ có phước, chẳng coi là phước báo.
Cha tôi có một người bạn học, lúc còn trẻ, trong thời Kháng Chiến, ông ta làm tướng quân, rồi làm quân trưởng[3], tổng tư lệnh, hô một tiếng, trăm người dạ. Làm quân trưởng tại Đại Lục thuở ấy, lừng lẫy lắm! Không giống như hiện thời, làm quan chẳng đáng kể chi! Quyền uy rất lớn, trong nhà mấy chục kẻ hầu. Đến lúc cao tuổi, sang Đài Loan, xuất ngũ; khi đó, cụ đã ngoài bảy mươi tuổi. Trong nhà chỉ có hai người là cụ và vợ, mỗi ngày phải tự mình xách giỏ đi mua thức ăn, tôi nhìn [tình cảnh ấy] lắc đầu, so với cuộc sống trong quá khứ đúng là khác biệt một trời một vực! Cơm phải tự mình nấu lấy, tôi thấy cũng rất khổ sở.
Lúc ấy, tôi vừa mới xuất gia chưa được bao lâu, tôi đến thăm cụ, khuyên cụ học Phật. Cụ nói: “Học Phật hay lắm! Hiện thời tôi đang kinh doanh một nông trại. Sau khi làm xong chuyện này, tôi sẽ học Phật đàng hoàng”. Một người chẳng có con cái, tuổi tác đã cao dường ấy, vẫn không chịu buông xuống, vẫn không chịu niệm Phật, mà làm nông trại. Làm chưa được mấy năm, tôi nghe cụ đã mất, đúng là đáng tiếc! Vị này căn bản Hán học tốt đẹp, viết chữ cũng hết sức đẹp đẽ. Đáng tiếc là phước báo hưởng hết sạch trong tuổi trung niên, lúc có địa vị, có của cải, có quyền thế chẳng chịu tu phước nữa, cho nên hưởng hết phước báo, đến tuổi xế chiều khổ sở ngần ấy! Tình hình giống như vậy tôi đã thấy rất nhiều.
Do vậy, phải giác ngộ, tuổi trẻ có phước chẳng phải là phước. Tuổi trẻ có phước chớ nên hưởng phước, hãy dùng trọn phước báo của quý vị để vun bồi phước, dùng để tu phước. Ta chẳng hưởng phước báo, tuy phước đưa đến, ta chẳng tiếp nhận! Không tiếp nhận, nó sẽ chẳng mất đi, vĩnh viễn tồn tại, đến tuổi xế chiều, ta lại hưởng thụ, đó là phước báo chân chánh. Tuổi trẻ có thể lực, chịu khổ đôi chút cũng chẳng sao, chứ người tuổi tác đã cao sẽ không kham nổi. Tuổi trẻ chẳng cần người khác hầu hạ, thứ gì cũng tự mình làm, đúng đấy! Tuổi tác đã cao, thể lực suy yếu, có người đến chăm sóc, đó là phước báo! Vì thế, phải biết tu phước. Nhất là chúng ta thấy những người già cả, đừng ghét bỏ họ. Nếu quý vị ghét bỏ họ, trong tương lai, quý vị già cả, người trẻ tuổi sẽ ghét bỏ quý vị, vì sao? Nhân quả báo ứng! Đối với người già, chúng ta nên tôn trọng, nên thương yêu, tùy thời, tùy chỗ giúp đỡ họ thì đến lúc tuổi già quý vị cũng sẽ có những người trẻ tuổi đến chăm sóc quý vị. Quý vị gieo nhân như thế nào, trong tương lai sẽ có quả báo như thế ấy. Đúng là nhân duyên quả báo chẳng sai sẩy mảy may! Trong thế gian này, chúng ta chẳng tránh khỏi Lão Khổ, vậy thì hãy lo toan cho lúc tuổi già. Nói cách khác, tận hết sức giảm nhẹ Lão Khổ, phương pháp là hiện thời chúng ta có thể tôn kính, giúp đỡ người già, có thể tu phước nhiều hơn, chớ nên hưởng phước.
(Sao) Bệnh thọ thống kha.
(鈔) 病受痛疴。
(Sao: Bệnh tật phải chịu đau đớn, dây dưa).
Đây là Bệnh Khổ. Tôi nghĩ mỗi người đều từng ngã bệnh, đều có kinh nghiệm, chẳng cần phải rườm lời. Trong xã hội hiện thời, các chứng bệnh lạ lùng đặc biệt nhiều, chúng ta phải cẩn thận. Cổ nhân đã nói: “Họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập” (họa từ miệng ra, bệnh từ miệng vào). Do vậy, chúng ta ăn uống, sinh sống hằng ngày phải có quy luật, phải chú trọng vệ sinh. Chẳng phải là chuyện bất đắc dĩ, chớ nên ăn uống bên ngoài. Thầy Lý đến lúc tuổi già, tôi tới thăm Ngài, mỗi lần gặp Ngài, Ngài đều khuyên tôi đừng ra ngoài ăn này nọ, vì nguyên nhân khiến cho chính Ngài bị nhiễm bệnh là do trúng độc ẩm thực. Do vậy, Ngài cảnh cáo chúng tôi: “Cuộc sống của con người hiện thời trong thế gian này rất đáng thương, ba bữa cơm toàn ăn thứ độc địa”. Ngài bảo: “Nói thẳng thừng, chúng ta chẳng phải là ăn cơm, mà nuốt chất độc. Một ngày phải nuốt chất độc ba lần, lẽ nào thân thể này chẳng bị ngã bệnh?” Ngài bảo ăn thịt thì trong đó chẳng biết họ đã chích những thuốc gì, đó là chất độc. Những loài lợn, bò, gà, vịt đều sanh trưởng bất bình thường. Như những con gà từ lúc đẻ ra cho đến khi bị giết luôn bị nhốt trong lồng, giống như cả đời nó bị giam trong tù ngục, oán khí trong tâm chẳng phát ra được, đó là có chất độc. Trước kia, gà được thả cho sanh trưởng tự nhiên bên ngoài, chỉ có lúc nó bị giết thì sân hận mới dấy lên, chứ bình thường chẳng có! Hiện thời, gà, vịt suốt ngày từ sáng đến tối oán khí ngút trời, quý vị ăn vào lẽ nào chẳng trúng độc? Lợn bị chích thuốc, bò cũng bị chích thuốc, đến cuối cùng, thầy Lý kể cả sữa bò cũng chẳng dám dùng, do bò bị chích thuốc, nên sữa cũng có chất độc!
Ngài nói: Rau dưa tốt hơn một tí, nhưng thuốc trừ sâu nhiều quá. Ăn rau dưa là ăn thuốc trừ sâu. Trong gạo tẩm chất hóa học để gạo trắng hơn một tí, trông đẹp mắt hơn một chút. Ngài nói: “Chẳng có thực phẩm nào sạch sẽ!” Nói thật ra, thầy Lý hoàn toàn chẳng có bệnh gì, thứ gì thầy cũng chẳng dám ăn, đến cuối cùng là chết đói. Thật vậy, chẳng giả tí nào, đích xác là Ngài bị chết đói!
Trong ẩm thực, sinh hoạt hằng ngày, Trung Quốc chẳng bằng ngoại quốc, thật đấy! Rau dưa ngoại quốc tuy có thuốc trừ sâu, nhưng chánh phủ của họ hết sức có trách nhiệm. Nếu phân lượng thuốc trừ sâu có hại cho thân thể, chắc chắn sẽ cấm ngặt. Ở Trung Quốc thì thuốc diệt trùng vừa phun ra, gián chết ngay, nồng độ quá cao! Ở ngoại quốc, tôi đã từng mua thuốc đem phun gián, cả nửa ngày nó cũng không chết, phun hồi lâu, thấy nó bất tỉnh chừng một hai tiếng đồng hồ rồi trở mình chạy mất. Quý vị biết loại thuốc sát trùng ấy chẳng có hại cho sức khỏe của thân thể con người. Sở Y Tế đương cục và chánh phủ hạn chế rất nghiêm ngặt. Do vậy nói về điều này thì Trung Quốc chẳng bằng ngoại quốc. Nói tới bệnh thì hiện thời các thứ bệnh tật kỳ quái quá nhiều! Có những người đang mắc bệnh, nói thật ra, tốt nhất đừng nên dùng chung chén uống nước, khăn mặt, nhất định phải chú trọng vấn đề vệ sinh hòng giảm bớt tật bệnh.
(Sao) Tử bi phân tán.
(鈔) 死悲分散。
(Sao: Chết thì buồn bã vì chia ly).
Đây là Tử Khổ. Nay chúng ta tuy còn chưa chết, chưa nếm trải mùi vị cái chết, nhưng thấy cả đống người chết như vậy, quý vị thấy dáng vẻ, tướng mạo chẳng dễ coi của họ khi chết, mới biết đích xác là họ phải chịu đau khổ. Những điều này đều chẳng thể tránh được!
(Sao) Ái tắc dục hợp thiên ly.
(鈔) 愛則欲合偏離。
(Sao: Yêu thương thì mong muốn quây quần lại cứ phải chia lìa).
Đây là Ái Biệt Ly Khổ. Những người quý vị ưa thích chẳng thể thường ở cùng một chỗ với mình, vật quý vị ưa thích cũng chẳng thể thường ở cùng một chỗ, Ái Biệt Ly mà!
(Sao) Oán tắc dục đào thiên ngộ.
(鈔) 冤則欲逃偏遇。
(Sao: Oán ghét thì muốn trốn tránh mà cứ gặp gỡ).
Đây là Oán Tăng Hội Khổ. “Oán” là oan gia trái chủ, chẳng mong ở chung với họ, mà cứ phải thường gặp gỡ. Oán do đâu mà có? Oán do yêu mà có. Yêu quá biến thành oan gia đối đầu. Do vậy, ái là giả, oán là thật. Chúng ta thấy khá nhiều oan gia đối đầu, quý vị xét coi, thoạt đầu vừa quen biết họ đều là bạn tốt. Nếu vừa bắt đầu đã là oan gia đối đầu, họ sẽ chẳng thể ở cùng một chỗ. Trước tiên, tốt đẹp khôn cùng, đến cuối cùng biến thành oan gia đối đầu, một mất một còn! Oan gia đời đời kiếp kiếp đều chẳng trốn thoát, vì thế, đức Phật dạy chúng ta “oan gia nghi giải, bất nghi kết” (oan gia nên cởi gỡ, đừng thắt buộc). Chớ nên kết oán với bất cứ ai. Không chỉ chẳng thể kết đại oán, mà sự khó chịu nhỏ nhoi, trong lòng bực bội đều chớ nên có, vì sao? Có tiểu oán sẽ dần dần kết thành đại oán, phải cảnh giác điều này.
Vì sao chúng sanh tu hành không thể chứng quả? Vì sao không thể vượt thoát tam giới? Do oan gia trái chủ của quý vị quá nhiều, chẳng cho quý vị ra đi. Quý vị muốn đi, họ nói: “Ngươi còn nợ mạng của ta chưa đền, mắc nợ ta chưa trả xong xuôi, ngươi đã muốn đi, há có chuyện tiện nghi như vậy?” Từ lịch sử, chúng ta thấy ngài An Thế Cao là cao tăng thật sự đắc đạo, còn phải hai lần trả nợ mạng tại Trung Quốc! Kiếp trước ngộ sát kẻ khác, kiếp này đến nơi đây trả nợ. Người thật sự đắc đạo hiểu nợ mạng chẳng thể không đền. Chẳng đền, sẽ đời đời kiếp kiếp chẳng xong! Do vậy, có thể biết, kết oán đáng sợ lắm! Vì thế, chớ nên kết oán cừu với kẻ khác! Cũng đừng nên ân ái triền miên với kẻ khác, vô dụng, vì sao? Đều là giả, chẳng phải thật. Trên thế gian này, người và người ở chung với nhau, nói thật thà chẳng có ái, ái là giả, chẳng phải là thật sự. Nếu quý vị ngỡ ái là thật sự có, tức là ngu si mất rồi! Vì sao biết là giả? Ái có thể biến đổi. Ngày hôm nay yêu thương, ngày mai chẳng còn yêu nữa. Ngày hôm nay yêu thương khôn cùng, hai người kết hôn. Hai ngày sau bèn ly hôn, kéo nhau ra tòa ly hôn, đủ thấy [tình yêu ấy] là giả, chẳng chân thật. Vì thế, đức Phật bảo chúng ta: Trước khi chứng đắc A La Hán, chớ nên tin vào ý nghĩ của chính mình. Ý nghĩ của chính mình còn chẳng thể tin tưởng được, làm sao có thể tin tưởng người khác? Chẳng thể tin tưởng ý nghĩ của chính mình, nó thiên biến vạn hóa!
Do vậy, Phật pháp nói tới tu hành thì điều thứ nhất đòi hỏi chúng ta phải phát Bồ Đề tâm. Bồ Đề tâm là chân tâm, tâm chân thành vĩnh viễn không thay đổi. Hễ tâm có thể biến đổi, tâm ấy là giả. Bởi lẽ, người thế gian chẳng có chân tâm, chẳng có thành ý, luôn là hư tình giả ý. Nếu quý vị nhìn thấu suốt, thấy rõ ràng là hư tình giả ý, chúng ta cũng hư tình giả ý với họ đôi chút là được rồi, cần gì phải nghiêm túc! Hiểu rõ người ta đều là hư tình giả ý, nếu thứ gì quý vị cũng coi là thật, sẽ chịu khổ chẳng dứt. Quá khổ sở!
Nói đến chân ái, trong Phật pháp gọi [chân ái] là từ bi, từ bi là lòng yêu thương thật sự. Lòng yêu thương vĩnh viễn không thay đổi gọi là từ bi, nó sanh khởi từ tâm chân thành. Đó gọi là “trong cửa nhà Phật, chẳng bỏ một ai”. Phật, Bồ Tát độ chúng sanh, bất luận chúng sanh ở trong đường nào, bất luận dưới tình huống nào, Phật nhãn trông thấy rõ ràng, rành rẽ. Quý vị khởi tâm động niệm, các Ngài cũng đều biết rõ ràng, rành rẽ. Khi nào quý vị thật sự giác ngộ, thật sự cần đến Phật, Bồ Tát giúp đỡ, các Ngài sẽ tới, cảm ứng đạo giao, tuyệt đối chẳng luống qua. Nay chúng ta yêu cầu Phật, Bồ Tát đến độ chúng ta, Phật, Bồ Tát có đến hay không? Không đến. Vì sao chẳng đến? Phật, Bồ Tát thấy rất rõ ràng: “Giả trất! Miệng có, tâm không!” Quý vị nói “ta muốn vãng sanh”, đó là lời giả. Phật, Bồ Tát thật sự đến tiếp dẫn quý vị vãng sanh, [quý vị bèn giẫy nẩy]: “Không được! Con không thể chết được!” Kẻ ấy lại không chịu ra đi, có thể thấy chẳng phải là thật sự. Nếu quý vị phát tâm chân thật, Phật, Bồ Tát sẽ đến. Do vậy, chúng ta khởi tâm động niệm các Ngài liền biết, thậm chí, bản thân chúng ta cũng chẳng biết, tưởng chính mình rất có thành ý, chân tâm, nhưng Phật, Bồ Tát biết quý vị là giả, nên các Ngài không đến. Chẳng phải là Phật, Bồ Tát không ứng, mà do chúng ta dùng tâm hư ngụy để cầu cảm! Tâm chân thật mới có thể cảm ứng đạo giao. Đây là nói về Oán Tăng Hội Khổ, chớ nên kết oán cừu với bất cứ ai. Thời gian chúng ta ở trên thế gian này không dài, dẫu sống đến một trăm năm vẫn là một sát-na bèn qua.
Tôi đến Đài Loan bốn mươi năm, nghĩ lại chuyện bốn mươi năm trước giống như ngày hôm qua, bất tri bất giác đã bốn mươi năm rồi. Còn có thể có bốn mươi năm nữa hay không? Chẳng thể nào! Quang âm quá ngắn ngủi, mọi việc nhẫn nại một chút là được rồi, chẳng cần phải xử sự cứng ngắc, chớ nên so đo. Người khác có nói ta này nọ, đừng nên nghĩ rằng đó là thật. Nói láo mà chơi, nghe láo chơi![4] Mọi người đều tốt đẹp cả! Chớ nên xử sự cứng ngắc, chẳng kết oán cừu với chúng sanh.
(Sao) Cầu tắc dục đắc thiên thất.
(鈔) 求則欲得偏失。
(Sao: Cầu thì mong được mà cứ bị mất đi).
Đây là Cầu Bất Đắc Khổ. Người trong thế gian phú quý, cùng quẫn, hanh thông đều là nhất định, nói thông tục là “con người có vận mạng” chẳng phải là giả. Trong một đời quý vị, các nhà tướng số thường nói, mạng vận con người cứ năm năm thay đổi một lượt. Trong cuộc đời quý vị, nhất định có năm năm cực thịnh, đó là lúc vận mạng của quý vị tốt nhất. Trong một đời cũng có năm năm tệ nhất. Giai đoạn cực thịnh trước hay sau [giai đoạn tồi tệ] không nhất định, mỗi cá nhân khác nhau. Nếu chúng ta cực thịnh vào lứa tuổi thiếu niên hay trung niên, chẳng tốt đẹp đâu. Nếu chúng ta giác ngộ, chẳng hưởng thụ, để dành lúc tuổi già, đó là thông minh nhất.
Cầu, chắc chắn là cầu không được. Dẫu là phát tài bất ngờ, nói thật thà, phát tài ngang xương cũng là trong mạng quý vị có sẵn. Trong mạng quý vị chẳng có thì muốn phát tài ngang xương cũng không được. Ví dụ như cường đạo cướp đoạt, có kẻ đoạt được, nói thật ra, [nguyên nhân là do] trong mạng gã ấy phải có. Có kẻ làm cường đạo chẳng cướp đoạt được! Không chỉ chẳng cướp đoạt được mà còn phải ngồi tù, [là vì] trong mạng chẳng có! Thật sự hiểu đạo lý này, cổ nhân nói: “Quân tử vui vẻ làm bậc quân tử, kẻ tiểu nhân oan uổng làm phường tiểu nhân”. Kẻ ấy cưỡng cầu! Nếu cưỡng cầu mà có thể cưỡng cầu được, tôi thấy chư Phật, Bồ Tát đều bái quý vị làm thầy, vì sao? Các Ngài không làm được! Do vậy, chuyện này chẳng thể nào xảy ra!
Mọi người thật sự hiểu đạo lý nhân quả báo ứng, tâm chúng ta bèn an, tâm an lý đắc. Chúng ta nghèo hèn có thể an phận nghèo hèn, phú quý có thể yên hưởng phú quý. Do vậy, mấy ngàn năm qua, Trung Quốc tuy giàu nghèo chẳng đều nhau, xã hội an bình vô sự là do đạo lý nào? Do tiếp nhận giáo hóa của Nho gia và Phật gia, mọi người đều hiểu nhân quả báo ứng. Ta nghèo hèn, biết đời trước ta chẳng tu phước, chẳng hâm mộ hoặc ghen ghét kẻ phú quý, vì sao? Kẻ ấy phú quý ắt hẳn do đời trước gieo phước, đáng nên hưởng thụ. Ta đời trước chẳng gieo phước! Ta mong hưởng phú quý, đời này phải gieo phước, tu phước cho nhiều! Do hiểu đạo lý này, xã hội có thể ổn định lâu dài. Điều này nhằm nói rõ Cầu Bất Đắc, trong mạng chẳng có, quyết định chẳng thể đạt được!
Đối với điều này, nếu chúng ta đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, sẽ thấy
đạo lý này rõ ràng, minh bạch. Tiên sinh Liễu Phàm gặp một người cao minh, là thầy tướng số, đã đoán định số mạng suốt đời của ông, từ lúc sanh ra cho đến ngày chết, tính sẵn ngày giờ nào ông ta sẽ chết. Mỗi năm, ông ta được thăng chức, của cải thu vào số lượng bao nhiêu đều đoán định, chẳng sai chạy tí ti nào. Do vậy, ông ta đúng là khăng khăng một mực tin tưởng. Từ đấy trở đi, chẳng còn có vọng niệm, vì sao? Biết năm sau được thăng quan, đến năm sau vào lúc nào đó, nhất định được thăng chức, sang năm tiền lương của ta sẽ tăng thêm bao nhiêu, đến lúc nào đó nhất định tăng thêm. Nếu ta mong cầu cũng chẳng cầu được. Ta muốn cầu nhiều hơn một chút cũng chẳng cầu được. Do vậy, chẳng cần suy nghĩ nữa, cũng chẳng mong cầu, an phận thủ thường.
Ông ta và hòa thượng Vân Cốc hai người ngồi ba ngày ba đêm trong Thiền Đường, chẳng khởi một niệm nào. Thiền sư Vân Cốc xuống tòa, nói với ông ta: “Ông giỏi quá! Ba ngày ba đêm ngồi ở chỗ này chẳng khởi một vọng niệm, chẳng phải là kẻ tầm thường có thể làm được”. Sư hỏi ông ta tu hành đã bao lâu, ông ta thưa: “Con có công phu chi đâu! Mạng của con đã được người khác tính sẵn rồi, con khởi vọng niệm cũng vô dụng. Vì thế, hiển nhiên là chẳng cần phải khởi vọng niệm”. Thiền sư Vân Cốc nghe lời ấy cười ha hả: “Ta vốn nghĩ ông là thánh nhân, rốt cuộc đâu biết ông vẫn là phàm phu!” Chúng ta gọi hạng phàm phu ấy là “phàm phu tiêu chuẩn”, còn như chúng ta thì chẳng đủ tiêu chuẩn. Ông ta là phàm phu tiêu chuẩn, tin tưởng mạng vận, “một miếng ăn, một hớp uống, không gì chẳng được định sẵn”. Vì thế, tâm ông ta an định, chẳng có vọng tưởng, chẳng vọng cầu, hết thảy thuận theo mạng vận. Đó là phàm phu tiêu chuẩn!
Thiền sư Vân Cốc quở trách Liễu Phàm: “Vận mạng do chính mình tạo. Đã do chính mình tạo, đương nhiên chính mình có thể thay đổi, tự mình có thể sáng tạo vận mạng mới”. Trước nay, cư sĩ Viên Liễu Phàm chưa nghe ai nói, bèn thỉnh giáo thiền sư Vân Cốc. Thiền sư Vân Cốc dạy ông ta phương pháp cải tạo vận mạng, dạy ông ta sám trừ nghiệp chướng, tích công lũy đức. Sau khi ông ta tu ba năm, quả nhiên sửa đổi [vận mạng], [số mạng] chẳng còn giống như Khổng tiên sinh đã tính nữa. Chức vị được nâng lên cao hơn so với số mạng đã định, thu nhập lại nhiều hơn số mạng đã định, vận mạng đã được biến cải rồi. Về sau, phạm vi thay đổi ngày càng to, bản thân ông ta tràn trề tin tưởng, nỗ lực đoạn ác tu thiện, đã thế, người trong cả một nhà đều làm theo. Đó là một tấm gương rất tốt, chẳng phải là giả, mà là sự thật thiên chân vạn xác! Ai làm theo phương pháp này, sẽ nắm quyền điều khiển vận mạng của chính mình, tự mình có thể thay đổi hết thảy những gì thuộc về mình. Đúng như Phật giáo đã nói: “Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng”. Chẳng phải là cầu không được, mà là có cầu ắt ứng, nhưng quý vị phải cầu đúng lý, cầu đúng pháp. Quý vị cầu chẳng hợp lý, chẳng hợp pháp, sẽ chẳng thể có cảm ứng. Cầu đúng lý, đúng pháp, chắc chắn là có cảm ứng, kể cả cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, hoặc cầu thành Phật, thành Bồ Tát đều có thể đạt được, huống hồ những thứ khác!
(Sao) Nãi chí Ngũ Ấm xí thịnh.
(鈔) 乃至五陰熾盛。
(Sao: Cho đến năm Ấm lừng lẫy).
Bảy điều trước nói về khổ quả, điều cuối cùng nói về khổ nhân. Ngũ Ấm là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, nói về thân thể của chúng ta. Đối với thân thể của chúng ta, bộ phận vật chất là Sắc, thuộc loại Sắc pháp; bộ phận tinh thần gồm Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Thọ là cảm nhận, tức là những cảm nhận khổ, sướng, buồn, vui, xả. Tưởng là phân biệt, suy lường. Hành ở đây có phạm vi hết sức rộng lớn. Trong năm mươi mốt pháp tâm sở thuộc Bách Pháp, trừ hai pháp Thọ và Tưởng ra, bốn mươi chín pháp còn lại đều thuộc về Hành. Thức là tám thức. Ngũ Ấm là Ngũ Uẩn, tức Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, triển khai thành một trăm pháp, nếu mở rộng ra sẽ là toàn thể vũ trụ, nhân sinh. Trạng huống của thân tâm chúng ta có thành phần cấu tạo như vậy. Thành phần này rất phức tạp, trong tâm sở pháp thì phiền não tâm sở gồm hai mươi sáu loại, [chia ra] sáu căn bản phiền não và hai mươi tùy phiền não. Trong có phiền não, ngoài có dụ hoặc, Ngũ Ấm lừng lẫy, nên quý vị mới khởi Hoặc tạo nghiệp, mới cảm vời, hứng chịu bảy quả báo phía trước! Do vậy, những khổ quả phía trước đều có một khổ nhân chính là điều này. Những điều được nói trong Phật pháp đều gom về nhân quả, chỉ nói quả báo, chẳng nói nguyên nhân, sẽ chẳng thể giải quyết khổ. Muốn giải quyết khổ, trong Tâm Kinh có nói: “Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Dùng gì để chiếu? Dùng trí huệ. “Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm Bát Nhã Ba La Mật đa thời”, trí huệ rất sâu có thể phá Ngũ Ấm, vĩnh viễn thoát ly tam khổ và bát khổ.
(Sao) Tổng thành thượng thất, danh bát khổ dã.
(鈔) 總成上七,名八苦也。
(Sao: Gộp chung [điều này] với bảy điều trên, gọi là “tám khổ”).
Trong Phật môn thường nói “bát khổ giao tiên” (tám khổ xen nhau nung nấu), hôm nay chúng tôi giới thiệu đơn giản ở đây. Hôm nay giảng tới chỗ này!
[1] Nguyên văn “môn khả la tước” (ngoài cửa chim sẻ đậu đầy), đây là một cách nói dựa theo thành ngữ “môn kham la tước” hình dung sự vắng vẻ, điêu linh, chẳng có ai lui tới.
[2] Bắc Ngụy (386-534) là triều đại đầu tiên trong thời Nam Bắc Triều do Thác Bạt Khuê sáng lập, đóng đô tại Bình Thành (nay là thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây). Năm 439, nhà Bắc Ngụy thống nhất Hoa Bắc. Năm 493, nhà Ngụy thiên đô về Lạc Dương, đổi họ từ Thác Bạt sang Nguyên, nên sử gọi giai đoạn từ năm 493 trở đi là nhà Nguyên Ngụy. Về sau, vào năm 534, Bắc Ngụy suy yếu, bị tách ra thành Đông Ngụy và Tây Ngụy. Nhà Đông Ngụy về sau lại bị quyền thần Cao Dương phế trừ Ngụy Hiếu Tĩnh Đế, lập ra nhà Bắc Tề vào năm 550. Còn nhà Tây Ngụy bị quyền thần Vũ Văn Hộ phế trừ Ngụy Cung Đế, lập ra nhà Bắc Châu vào năm 557. Thác Bạt Khuê là người Tiên Ty. Tiên Ty là một bộ tộc du mục cổ, sống ở Mãn Châu, Nội Mông và phía Đông Mông Cổ. Họ là một trong các bộ tộc cổ của Mông Cổ, hiện thời những người Mông Cổ thuộc bộ tộc Mengwu Shiwei thường được coi là hậu duệ của người Tiên Ty. Thoạt đầu, bộ tộc Thác Bạt người Tiên Ty chiếm lãnh miền Bắc tỉnh Sơn Tây và Mông Cổ lập ra nước Đại, về sau nước Đại bị nhà Tiên Tần (Phù Tần) diệt. Mãi đến năm 356, dưới sự lãnh đạo của Thác Bạt Khuê, người Tiên Ty trở nên hùng mạnh, chiếm được Hoa Bắc và lập ra nước Ngụy. Đây là một trong các triều đại không phải người Hán lại bị Hán Hóa mạnh nhất khi xâm chiếm Trung Nguyên. Đây cũng là thời kỳ Phật giáo phát triển mạnh mẽ tại Hoa Bắc. Hoàng tộc nhà Ngụy áp dụng chính sách “tử quý, mẫu tử” tức là nếu phi tần hay hoàng hậu sanh con trai liền bị giết chết, để tránh nạn ngoại thích (dòng họ bên vợ) cướp ngôi vua. Do vậy, khi hoàng thái tử lên ngôi, sẽ tôn nhũ mẫu làm Hoàng Thái Hậu, rốt cuộc vẫn dẫn đến nạn Thái Hậu và ngoại thích lạm quyền, lũng đoạn triều chánh, khiến nhà Ngụy bị suy yếu nhanh chóng. Hủ tục này mãi đến đời Ngụy Tuyên Vũ Đế mới bị chấm dứt.
[3] Quân Trưởng là chức vụ chỉ huy quân sự thời Quốc Dân Đảng, cấp bậc thấp hơn tư lệnh quân khu, nhưng cao hơn Sư Trưởng. Tùy theo cách tổ chức của từng quân khu mà có cấp bậc sĩ quan khác biệt, nhưng quân trưởng tối thiểu phải là thiếu tướng.
[4] Nguyên văn “cô vọng ngôn chi, cô thính chi” là một thành ngữ, hàm nghĩa người nói tùy tiện, chẳng có đạo lý gì, người nghe cũng là nghe qua rồi bỏ, chẳng tin tưởng hay so đo lời đó. Ở đây, chúng tôi dựa theo cách dịch của cụ Tản Đà khi dịch bài thơ do Ngư Dương Vương Sĩ Trinh đề tựa cho bộ Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh: “Cô vọng ngôn chi, cô thính chi, đậu bằng qua giá vũ như ty, liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ, ái thính thu phần quỷ xướng thi”. Thi sĩ Tản Đà dịch thơ như sau: “Nói láo mà chơi, nghe láo chơi. Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi. Chuyện đời chán hẳn, không thèm nhắc. Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời”. Nghiêm Đàm dịch: “Nói phiếm nhảm chơi, nghe nhảm chơi; giăng giăng giàn đậu hạt mưa rơi, chuyện người nghe mãi thêm nhàm chán, ưa quỷ thu ngâm, mộ vẳng lời”.