Tập 249/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 01-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 249

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm tám mươi chín. Đoạn này bàn luận xứng tánh, đương nhiên là kinh nghĩa sâu hơn đôi chút, có thể hiểu thì càng tốt, chẳng hiểu cũng không sao! Điều khẩn yếu là phải thật thà niệm Phật, đấy mới là điều quan trọng nhất.

         (Sao) Vọng tâm vị tận, u u miên miên, thị vi mạng căn vị đoạn, Hoặc đoạn, chấp Không, tình tiêu, kiến tạ, nhân vong, gia phá, yên diệt, hôi phi, mạng chung chi vị dã. Chư vọng tận trừ, bất trực chân hà đãi? Cầu Phật bất hiện tiền, bất khả đắc dã.

()妄心未盡,幽幽綿綿,是為命根未斷,惑斷執空,情消見謝,人亡家破,煙滅灰飛,命終之謂也。諸妄盡除,不直真何待,求佛不現前,不可得也。

(Sao: Vọng tâm chưa hết, mờ mờ mịt mịt, đó là “mạng căn chưa đoạn”. Hoặc đã đoạn, nhưng chấp trước nơi Không, tình chấp tiêu trừ, kiến chấp rơi rụng, người chết, nhà tan, khói tắt, tro bay, chính là ý nghĩa “mạng chung”. Trừ sạch các vọng, há còn chẳng phải là chân ư? [Khi ấy], cầu Phật chẳng hiện tiền, trọn chẳng thể được).

          Trong hai chữ “vọng tâm” còn có [mức độ] cạn hay sâu sai khác rất lớn. Trong lục đạo, đối với những vọng tâm thô hay tế, phàm phu thảy đều trọn đủ. Đức Phật dạy có hai loại sanh tử:

– Một loại rất thô, được gọi là Phần Đoạn sanh tử.

– Loại kia vi tế hơn, gọi là Biến Dịch sanh tử.

Đối với Phần Đoạn sanh tử, chỉ cần đoạn cái vọng tâm Kiến Tư (chúng ta thường nói là Kiến Tư phiền não, hoặc nói là Kiến Tư Hoặc), Phần Đoạn sanh tử sẽ chẳng còn nữa, nhưng Biến Dịch sanh tử hãy còn. Biến Dịch (變易: biến đổi) là như chúng ta mỗi năm tuổi một cao hơn, mỗi năm sẽ từ trẻ trung biến thành già nua hơn, đó là Biến Dịch. Biến (變) là biến hóa, Dịch (易) là thay đổi, chẳng giống như trước. Sự biến dịch ấy tuyệt đối chẳng phải là mỗi năm một thay đổi; nói thật ra, nó biến đổi trong từng sát-na. Nay chúng ta hai thứ sanh tử ấy đều có. Đoạn hết vọng tâm thô thì gọi là Tận. Phần Đoạn sanh tử trong tam giới lục đạo là từng giai đoạn [sanh tử] một; đối với mỗi giai đoạn, [hãy xét như sau để hiểu]: Giống như cả một đời này của chúng ta là một đoạn lớn. Nếu chia nhỏ hơn và cũng chia rất vi tế, mỗi ngày là một giai đoạn, mỗi giờ cũng là một giai đoạn. Vì thế, phân biệt thành thô hay tế sẽ là rất nhiều, [mỗi giai đoạn ấy đều là Phần Đoạn sanh tử]. Sau khi đã giải quyết xong Phần Đoạn sanh tử trong tam giới, người ấy vẫn có Biến Dịch sanh tử. Từ Tiểu Thừa A La Hán cho đến Đẳng Giác Bồ Tát đều có Biến Dịch sanh tử[1]. Đại Thừa Viên Giáo Bồ Tát có năm mươi mốt địa vị, cứ mỗi địa vị biến hóa bèn gọi là một lần biến dịch. Biến Dịch, nói thật ra là “chẳng có sanh tử”. “Sanh tử” là hình dung từ, [chứ chẳng phải là sanh tử thật sự], [dùng chữ] “sanh tử” [nhằm hình dung] nỗi khổ sở [trong mỗi lần biến dịch]! Mỗi lần thay đổi là một lần khổ nạn, giống như chúng ta học hành trong nhà trường, học từ lớp Một rất vất vả, sau đấy phải trải qua thi cử, sang năm lên lớp Hai. Từ lớp Một biến thành lớp Hai được gọi là Biến Dịch sanh tử. Lớp Một đã “chết”, lớp Hai “sanh” ra, có ý nghĩa này. Quả vị của Bồ Tát cũng giống như thế, từ địa vị Thập Tín Bồ Tát biến thành Thập Trụ, từ Thập Trụ biến thành Thập Hạnh, từ Thập Hạnh biến thành Thập Hồi Hướng, lại biến thành Thập Địa, đó gọi là Biến Dịch. Sự biến dịch này xác thực chẳng phải là thân thể này có sanh tử, mà là trải qua một phen nỗ lực, nỗ lực cũng rất vất vả để tiến lên một tầng cấp cao hơn, có ý nghĩa này. Những điều này đều gọi là “vọng tâm vị tận” (vọng tâm chưa hết sạch). Do vậy có thể biết: Nếu vọng thật sự đã hết, sẽ là hạng người nào? Là Phật. Phật chẳng có Biến Dịch, đương nhiên là đã chẳng có Phần Đoạn từ lâu. Đó mới là “liễu sanh tử”, thật sự thoát ly, vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử. Hai thứ sanh tử thảy đều giải quyết xong xuôi! “Vọng tâm vị tận” (Vọng tâm chưa hết) có phạm vi bao hàm rất lớn, hai loại sanh tử đều được bao hàm trong đó.

          “U u miên miên, thị vi mạng căn vị đoạn” (Mờ mờ mịt mịt, đó là mạng căn chưa đoạn), hai câu này là cách nói hình dung, cũng là nói phàm phu không ngừng sanh tử trong lục đạo! Sau khi đã chết, theo như kinh Địa Tạng đã dạy, đa số là trong vòng bốn mươi chín ngày, lại đầu thai thọ sanh, luân hồi trong lục đạo. “Mạng căn chưa đoạn” là nói tới tình hình trong tam giới lục đạo, tuyệt đối chẳng phải là nói tới thân thể này. Mạng căn chẳng phải là thân thể, nó chẳng đoạn, nó phải luân hồi trong lục đạo, xả thân, thọ thân từ vô lượng kiếp tới nay vẫn chẳng xong! Trong kinh, đức Phật thường cảm thán: “Sanh tử bì lao” (Sanh tử nhọc nhằn). Xác thực là hiện tượng này, bản thân chúng ta chịu đựng nỗi khổ này, chính mình chẳng giác ngộ, chính mình chẳng hiểu biết! Đó là tướng trạng “mạng căn chưa đoạn”. Ở đây nói: Nếu mạng căn đã đoạn, sẽ bất sanh bất diệt, [tức là] đã giải quyết xong sanh tử thì mạng căn mới được gọi là đoạn. Do vậy, “mạng căn” (命根) chẳng phải là nói tới thọ mạng, chẳng phải là nói tới điều ấy!

          “Hoặc đoạn, chấp Không” (Đã đoạn Hoặc, chấp trước Không), Hoặc (惑) là nói tới Kiến Tư phiền não. Hàng Tiểu Thừa đã đoạn Kiến Tư phiền não, chẳng còn sanh tử trong tam giới lục đạo, [tức là] chẳng còn Phần Đoạn sanh tử, nhưng họ chấp trước cái Không. Chấp trước nơi Không thì người Tiểu Thừa gọi là Thiên Chân Niết Bàn. Đó là “chấp Không”. Trong kinh luận Đại Thừa, đức Phật thường quở trách họ là “tiêu nha bại chủng” (mầm hư, hạt lép). Phàm phu chấp trước Hữu, người Tiểu Thừa chấp trước Không, đều là chấp trước hai bên. Đương nhiên là Tiểu Thừa cao minh hơn phàm phu chúng ta nhiều! Phàm phu chấp Hữu, nên có nỗi khổ luân hồi trong lục đạo; Tiểu Thừa chấp Không, nên có nỗi khổ “chẳng thể kiến tánh”. Họ chẳng có nỗi khổ luân hồi trong lục đạo, nhưng do chẳng thể kiến tánh, vô lượng trí huệ và vô lượng đức năng trong bản tánh chẳng thể hiện tiền, chẳng thể hưởng thụ, đó là nỗi khổ của người Tiểu Thừa. Nỗi khổ của người Tiểu Thừa chẳng giống bọn phàm phu. “Tình tiêu kiến tạ”: “Tình” (情) là phiền não, [“tình tiêu”] là đã đoạn Kiến Tư phiền não, “kiến” là Kiến Hoặc, cũng chẳng có. Tình và Kiến đều thuộc loại vọng tưởng, chấp trước, hai thứ ấy đều chẳng có. “Nhân vong, gia phá, yên diệt, hôi phi” (Người mất, nhà tan, khói tắt, tro bay), đây là nói theo thời cổ. Người xuất gia học Phật tại Ấn Độ, sau khi mạng chung đều được hỏa táng. Khi hỏa táng, khói đã tắt, [tức là] đã hỏa thiêu xong, tro cũng được rải rắc, tỷ dụ sự mạng chung.

          Người ấy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng thảy đều chẳng có, giống như khói tắt, tro bay, chẳng có, đều đoạn sạch. “Chư vọng tận trừ, bất chân hà đãi” (Các vọng đã trừ sạch, há còn gì chẳng phải là chân), chân tâm hiển lộ. Cảnh giới này, mức độ thấp nhất sẽ là Sự nhất tâm bất loạn. Nếu nói nghiêm ngặt, sẽ thuộc về Lý nhất tâm bất loạn. Vì sao? Xứng Lý, xứng tánh. Tánh Đức chẳng hiển lộ, làm sao có thể gọi là xứng tánh? Do vậy, đây là cảnh giới Lý nhất tâm bất loạn, cao hơn A La Hán quá nhiều, chân tâm hiển lộ. “Cầu Phật bất hiện tiền, bất khả đắc dã” (Cầu Phật chẳng hiện tiền, trọn chẳng thể được). Nếu chúng ta hỏi vì sao ư? Nhà Thiền nói hay lắm: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, chính là cảnh giới này, kiến tánh thành Phật. Thành Phật đương nhiên là thấy Phật, thấy Phật nhất định thành Phật. Khi ấy, sẽ thấy hết thảy chúng sanh trong đại địa cùng thành Phật đạo, kinh Hoa Nghiêm nói như vậy. Khi nào cảnh giới này hiện tiền? Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo bèn thấy, tức là kiến tánh. Vì thế, những điều đang nói ở đây chính là cảnh giới của bậc Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo.

          (Sao) Nhiên nhi Phật từ vô hạn, khởi tất lâm chung.

          ()然而佛慈無限,豈必臨終。

          (Sao: Nhưng lòng Từ của Phật là vô hạn, há cứ phải là khi lâm chung [mới thấy Phật]).

          Câu này nói hết sức hay, chư Phật Như Lai đại từ đại bi, xác thực là có năng lực giúp chúng ta chứng thực cảnh giới ấy tồn tại, chứng thực cảnh giới ấy là chân thật. “Hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật”: “Hiện tiền thấy” bao gồm thấy trong Định, hoặc thấy trong mộng, hoặc lâm chung Phật đến tiếp dẫn. “Thấy trong tương lai” là khi đã sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, hoặc là sau khi đã lìa khỏi lục đạo luân hồi bèn trông thấy. Đức Phật từ bi vô hạn, không nhất định là khi lâm chung thấy Phật. Trong khi chúng ta tu học bình thường, nếu duyên đã chín muồi thì cũng có thể thấy Phật. Dưới đây là nêu một thí dụ:

          (Sao) Thị cố, thời thời thị thời nhân, thời nhân tự bất thức.

          ()是故時時示時人,時人自不識。

(Sao: Vì thế, “luôn luôn hiện trước người đời, người đời nào có biết hay chút gì”).

          “Thời thời” (時時) là thời thời khắc khắc, nơi nơi chốn chốn cũng không chừng Phật luôn ở trước mặt chúng ta, nhưng chúng ta chẳng nhận biết. Ở ngay trước mặt mà bỏ lỡ, tình hình ấy xác thực là rất nhiều. Hai câu này do Bố Đại hòa thượng nói. Trong lịch sử, Bố Đại hòa thượng được ghi chép rất chi tiết, nhưng chẳng ai biết tên họ của Ngài, cũng chẳng biết Ngài quê quán nơi đâu. Điểm đặc trưng của Ngài là thân thể mập mạp, mặt luôn tươi cười, mỗi ngày quảy một cái túi vải to đi khắp nơi hóa duyên. Người ta cho thứ gì, Ngài bỏ ngay vào túi, bước đi, là một người xuất gia như thế. Ngài xuất hiện vào triều đại Nam Tống đời vua Cao Tông[2], cùng thời đại với Nhạc Phi, xuất hiện tại vùng Phụng Hóa, tỉnh Chiết Giang. Theo ghi chép trong gia phả của lão tổng thống (Tưởng Giới Thạch), vào triều đại Nam Tống, họ (tổ tiên của Tưởng Giới Thạch) từng thỉnh Bố Đại hòa thượng về nhà cúng dường hai tháng. Khi Bố Đại hòa thượng sắp tịch, đương nhiên là Ngài biết trước lúc mất, ngồi mất, nói một bài kệ rồi mới mất. Bài kệ ấy là: “Di Lặc, chân Di Lặc. Hóa thân thiên bách ức, thời thời thị thời nhân, thời nhân tự bất thức” (Di Lặc, thật Di Lặc. Hóa thân trăm ngàn ức. Luôn hiện trước người đời, người đời nào hay biết). Tức là bảo cho mọi người biết: Ngài thật sự là Di Lặc Bồ Tát. Nói xong bài kệ ấy, Ngài tọa hóa. Về sau, người Hoa tạo tượng Di Lặc Bồ Tát, đều tạc tượng Bố Đại hòa thượng. Một vị khác là Phó Đại Sĩ đời Đường, mang thân phận cư sĩ, cũng là hóa thân của Di Lặc Bồ Tát. Vì thế, Phật, Bồ Tát hóa thân trong thế gian này, thường ở cùng một chỗ với chúng ta, nhưng chúng ta chẳng nhận biết. Điều này nói rõ: Chư Phật, Bồ Tát luôn luôn thị hiện, cũng là nêu rõ một thí dụ về thấy Phật trong hiện tiền và tương lai.

          (Kinh) Thị nhân chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh A Di Đà Phật Cực Lạc quốc độ.

          ()是人終時。心不顛倒。即得往生阿彌陀佛極樂國土。

(Kinh: Người ấy lúc mất, tâm chẳng điên đảo, bèn được sanh về cõi nước Cực Lạc của A Di Đà Phật).

          Chúng ta không chỉ phải thuộc kinh văn, mà còn phải chú tâm thấu hiểu. Trong đoạn kinh văn trước đó, có nói: Người niệm Phật khi lâm chung, Phật, Bồ Tát đến tiếp dẫn, tức là nói Phật lực chẳng thể nghĩ bàn; đoạn này nói về tự lực. Nếu chẳng có tự lực, Phật lực cũng chẳng gia trì được, pháp môn này được gọi là pháp môn Nhị Lực. Chính mình ắt cần phải có nhất tâm bất loạn như đã nói trong phần trước, đó là khi bình thường; ở đây nói tới “tâm chẳng điên đảo” [là nói về] lúc lâm chung. Đọc kỹ các phần kinh văn trước và sau, quý vị sẽ hiểu rõ: Điều kiện quan trọng nhất trong khi lâm chung là “tâm chẳng điên đảo”. Dẫu lúc bình thời chưa thể “nhất tâm bất loạn”, chẳng sao cả, hễ lâm chung tâm chẳng điên đảo, nhất định được vãng sanh. Chúng ta xem phần Hạ Bối Vãng Sanh trong Quán Kinh, tức là phần quán ba phẩm Hạ trong mười sáu phép Quán, gồm hạ thượng phẩm, hạ trung phẩm, hạ hạ phẩm, [sẽ thấy những người vãng sanh trong ba phẩm Hạ] đều là chúng sanh làm ác.

Quán Kinh nói chín phẩm rất cặn kẽ. Ba phẩm thượng là phàm phu đại tâm, [tức là những người] phát tâm Đại Thừa. Ba phẩm trung là phàm phu trì giới, tu thiện. Có thể thấy: Trong Phật pháp, đại tâm là bậc nhất. “Đại tâm” là phát Bồ Đề tâm, trì giới tu thiện là bậc trung. Ba phẩm hạ là chúng sanh tạo tội nghiệp. Hạ thượng phẩm tạo tội nghiệp nhẹ một chút, hạ hạ phẩm tạo tội nghiệp cực nặng. Tạo tội nghiệp cực nặng, suốt một đời chưa hề nghe Phật pháp, lâm chung gặp gỡ thiện tri thức, khuyên người ấy niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ. Nếu thần trí người ấy chẳng sáng suốt, sẽ chẳng có cách nào, khuyên người ấy, người ấy chẳng thể tiếp nhận, nghe mà chẳng hiểu! Nếu thần trí tỉnh táo, tâm chẳng điên đảo, sáng suốt, phân minh, người ấy sẽ tiếp nhận lời khuyên bảo; khi ấy bèn nhất tâm niệm Phật, cầu nguyện vãng sanh, Phật cũng đến tiếp dẫn, người ấy cũng có thể vãng sanh. Do vậy có thể biết: Lâm chung tâm chẳng điên đảo chính là nhân tố quyết định vãng sanh. Vì sao chúng ta cần phải cầu nhất tâm trong lúc bình thường? Hễ lúc thường ngày đã đắc nhất tâm, khi lâm chung, tâm không điên đảo sẽ nắm rất chắc, đó là điều nhất định. Trong thường nhật mà chẳng thể đắc nhất tâm, sẽ chẳng chắc chắn khi lâm chung tâm chẳng điên đảo! Chúng ta ắt cần phải biết điều này. Nếu chúng ta mong trong tương lai, khi lâm chung, tâm thật sự chẳng điên đảo, Phật đến tiếp dẫn, tự tại vãng sanh, hiện thời chúng ta phải thực hiện công tác thứ nhất là tự mình tu nhất tâm bất loạn. Đó là đối với chính mình. Nhất tâm bất loạn là Định Huệ. Trong cuộc sống hằng ngày, nếu chúng ta còn có sức, bèn tu phước tích đức, như vậy là phước huệ song tu! Phù hợp với “nhiều thiện căn, nhiều phước đức” như kinh đã dạy. Đối với nhân duyên, chúng ta đã gặp gỡ, không cần phải bận lòng về nhân duyên. Nói thật ra, nhân duyên rất thù thắng, ba điều kiện ấy trọn đủ, nhất định vãng sanh! Chúng ta hãy xem phần chú giải:

          (Sớ) Thượng ngôn lâm giả, thị tương dục mạng chung.

          ()上言臨者,是將欲命終。

          (Sớ: Chữ “lâm” nói [trong phần chánh kinh] trên đây chính là khi mạng sắp hết).

          Trong phần trên, [kinh văn đã nói tới tình hình] khi Phật đến tiếp dẫn. Quý vị xem xét những lời lẽ ấy ở đây, chúng ta càng hiểu rõ ràng, minh bạch hơn, Phật đến tiếp dẫn là hiện tiền. Vì sao? Người ấy chưa chết, hãy còn sống, “tương dục mạng chung” (mạng sắp chấm dứt), [nghĩa là] còn chưa chết, bèn thấy Phật đến tiếp dẫn.

          (Sớ) Kim ngôn “chung thời”, chánh noãn tận, thức khứ.

          ()今言終時,正煖盡識去。

          (Sớ: Nay nói là “chung thời” tức là khi hơi ấm đã hết, thần thức đã rời đi).

           Ở đây nói là “chung thời” (終時), tương ứng với chúng ta nói “khi tắt hơi”. Thần thức của người ấy rời khỏi thân thể, tâm chẳng điên đảo, hiểu biết rành mạch, phân minh.

          (Sớ) Tâm bất điên đảo giả, dĩ nhất tâm bất loạn, cố bất điên đảo. Dĩ bất điên đảo, cố bất sanh tha xứ.

()心不顛倒者,以一心不亂,故不顛倒。以不顛倒,故不生他處。

(Sớ: “Tâm chẳng điên đảo”: Do nhất tâm bất loạn, nên chẳng điên đảo. Do chẳng điên đảo, nên chẳng sanh vào nơi khác).

          Người ấy niệm Phật suốt đời, niệm nào cũng hướng đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nay đã thấy Phật, mục đích hướng tới trong cả một đời đã đạt được, quý vị nói xem: Khi ấy có hoan hỷ lắm không? May mắn lắm thay! Đã đạt được mục đích, theo Phật ra đi, nói tới khi ấy. Vì thế, sợ nhất là khi lâm chung thần trí chẳng sáng suốt, đó là điều đáng sợ nhất. Bất luận tu học pháp môn nào, nếu lúc lâm chung thần trí chẳng sáng suốt, mê hoặc, điên đảo, chúng tôi thấy tình hình ấy rất nhiều, có thể nói là khá nhiều người gặp phải tình hình ấy. Chẳng cần nói tới lúc lâm chung, khi bệnh nặng, thậm chí người nhà, quyến thuộc, kẻ ấy đều chẳng nhận biết. Trong quá khứ, chúng tôi đã gặp một vị lão cư sĩ, cụ bị bệnh mất trí lúc tuổi già, đã bị bệnh bảy, tám năm. Vào hai năm cuối, chỉ nhận biết người trong nhà, chẳng biết đến người khác. Nửa năm trước khi lâm chung, chẳng nhận ra một ai. Chắc chắn là hạng người ấy lưu chuyển theo nghiệp, chính mình chẳng thể làm chủ. Đó là sự thật. Chúng ta trông thấy tình hình ấy rất nhiều, đấy chính là điều cảnh cáo thật sự: Trong tương lai, có thể nào chúng ta sẽ giống như họ hay chăng?

          Nếu chúng ta hy vọng khi mất sẽ tỉnh táo, sáng suốt, hãy nên nghiêm túc nỗ lực tu học ngay từ hiện thời. Phật, Bồ Tát là những người đã tu thành, lục đạo cũng do con người biến hiện, vấn đề là tùy thuộc chúng ta ra đi như thế nào. Mười pháp giới là mười con đường, chúng ta đi như thế nào? Muốn đi đến nơi đâu? Như thế nào thì mới có thể khiến cho chúng ta thật sự đạt tới mục tiêu ấy? Suốt một đời này, coi như là chúng ta có thành tích rất tốt đẹp, hãy lắng lòng quan sát kỹ càng, những người thành tựu từ xưa đến nay đã thành tựu như thế nào? Những người tu hành thất bại thì đã thất bại như thế nào? Từ đó, hấp thu những giáo huấn, hấp thu các kinh nghiệm, đó là trí huệ. Phàm hễ thành công, đều là do hai chữ “chuyên ròng” mà đắc lực. Phàm là kẻ thất bại, nói thật ra, cũng do hai chữ “tán loạn” đã thâu gồm trọn hết. Tán loạn đáng sợ thay! Vì thế, sau khi Phật pháp được truyền đến Trung Hoa, các vị tổ sư đại đức các tông Trung Hoa, người đời sau gọi họ là “tổ sư”, những vị ấy nói thật ra đều là bậc hữu tu, hữu chứng, trọn đủ trí huệ chân thật, đều đề xướng “chuyên ròng”. Mỗi một tông phái là do các Ngài đã từ kinh điển Đại Thừa lấy ra một phần có tánh chất giống nhau để kiến lập một phương hướng tu hành nhằm hướng tới một mục tiêu tu hành. Vì thế, phân tông chia phái, đó là “chuyên ròng”. Căn tánh nhạy bén gần như là [bất luận chuyên ròng hay tán loạn] đều có thể thành tựu, chứ căn tánh chậm lụt mà lại còn tán loạn, ít có kẻ thành tựu! Cổ đại đức thường nói, pháp môn Tịnh Tông là “thích hợp khắp ba căn, gồm thâu lợi căn lẫn độn căn” (tam căn phổ bị, lợi độn toàn thâu) chỉ rõ [để hành] Thiền phải là bậc thượng thượng căn. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng đại sư đã dặn dò rất minh bạch: Ngài tiếp dẫn bậc thượng thượng căn. Cao hơn Đại Thừa thì mới có tư cách để thành tựu trong pháp môn của Ngài. Thông thường, Giáo Hạ tiếp dẫn kẻ trung thượng căn. Kẻ trung căn học Giáo phát phẫn, nỗ lực vất vả học tập bèn có thể thành tựu; người thượng căn chính là bậc lợi căn học Giáo, đương nhiên chẳng cần phải nói nữa. “Đại khai viên giải” tương đương “minh tâm kiến tánh” của Thiền Tông. Từ [hành trạng của] lịch đại cao tăng, chúng ta cũng thấy không ít. Còn như kẻ hạ căn, hoặc kẻ độn căn tu học các pháp môn khác thì thành tựu ít ỏi, rất ít thấy; nhưng người thuộc loại căn tánh này hễ niệm Phật, thành tựu thường là phi phàm, có thành tựu đặc biệt thù thắng.

          Trong Niệm Phật Luận, pháp sư Đàm Hư đã nêu ra tấm gương của thầy Tu Vô, mọi người đều thấy. Chuyện này xảy ra tại chùa Cực Lạc ở Cáp Nhĩ Tân[3]. Sư Tu Vô xuất thân là thợ nề, chẳng biết chữ. Nếu quý vị hỏi Sư kinh giáo, Sư chẳng biết chút gì, chỉ biết niệm Phật, tức là niệm một câu “nam-mô A Di Đà Phật”. Quý vị thấy Sư vãng sanh tự tại lắm! Biết trước lúc mất, chẳng ngã bệnh. Khi ấy, chùa Cực Lạc [tổ chức lễ] truyền giới, Giới Hòa Thượng là lão pháp sư Đế Nhàn. Lão pháp sư Đế Nhàn thấy chuyện ấy bội phục cực điểm, công nhận đấy mới là tấm gương tốt nhất cho người xuất gia tu hành. Sư thành tựu nhờ vào đâu? Chuyên ròng. “Chuyên” là chuyên nhất, “ròng” là tinh thuần, trọn chẳng xen tạp, Sư bèn thành công. Cụ Đàm Hư còn kể: Thuở trước, pháp sư Đế Nhàn còn có một đồ đệ làm thợ vá nồi. Người ấy căn khí càng kém cỏi hơn, cũng là niệm một câu A Di Đà Phật suốt ba năm, người ta đứng vãng sanh, là một tấm gương tốt nhất cho chúng ta. Do vậy, kinh giáo chẳng thông không sao cả, chẳng phải là điều sỉ nhục! Chẳng thể vãng sanh mới là nỗi sỉ nhục thật sự. Ngàn muôn phần đừng nên làm cho đẹp mặt bề ngoài, chúng ta bị những hình tượng hư giả ấy lừa gạt chính mình. Chúng ta biết chính mình thuộc căn tánh như thế nào, biết căn tánh chẳng nhạy bén, bèn tu pháp môn này. Pháp môn này thường bị nói là pháp môn hạ hạ, nhưng nó có thành tựu thượng thượng; vì thế nói là chẳng thể nghĩ bàn, là pháp khó tin, đúng là thành tựu thượng thượng. [Đã là] thành tựu thượng thượng thì thượng thượng quả đương nhiên là có thượng thượng nhân. Vì thế, pháp môn Niệm Phật là pháp môn bậc nhất để mười phương ba đời hết thảy chư Phật, Bồ Tát độ chúng sanh thành Phật đạo. Những kẻ vô tri thấy pháp môn này là pháp môn hạ hạ, dùng để độ những bà cụ già chẳng hiểu biết gì cả. Đó là [pháp môn này đã] bị họ hiểu lầm. Nếu quý vị nói đây là pháp để độ những bà cụ già chẳng hiểu biết gì, [vậy thì] trong hội Hoa Nghiêm, Văn Thù và Phổ Hiền cũng là những bà lão chẳng hiểu biết gì hết hay sao? Các Ngài cũng phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, cũng là mỗi vị đều thực hiện viên mãn [chí nguyện thành Phật độ sanh].

          Do đó, trong Tứ Thiếp Sớ, đúng là Thiện Đạo đại sư đã rát miệng buốt lòng khuyên dạy chúng ta phải tin Phật, tin lời A Di Đà Phật đã nói, tin Thích Ca Mâu Ni Phật đã vì chúng ta giới thiệu [pháp môn này], tin mười phương hết thảy chư Phật Như Lai đã vì chúng ta mà đề cao. Nếu thật sự tin sâu đậm, nguyện thiết tha, chẳng cần nói đến đại lợi ích được vãng sanh trong tương lai, ngay trong hiện tại đã đạt được lợi ích! Đạt được lợi ích gì? Tâm trong sạch, ít ham muốn, sống cuộc đời hạnh phúc mỹ mãn tự tại, thật đấy, chẳng giả đâu nhé! Người chẳng học Phật mỗi năm một già suy hơn, người niệm Phật mỗi năm một trẻ trung hơn. Vì sao? Do tâm địa thanh tịnh. Tâm địa thanh tịnh bèn chuyên ròng một môn. Tâm địa quý vị thanh tịnh, sẽ chẳng thể xen tạp, chẳng thể tạp loạn. Trong một đời này, chúng ta chẳng có nhiều thời gian cho mấy, dẫu quý vị sống tới trăm tuổi, tính ra cũng chẳng quá ba vạn sáu ngàn ngày. Cuốn nhật lịch ấy có ba vạn sáu ngàn tờ, đảo qua đảo lại bèn chẳng còn nữa! Hai năm nữa, tôi bảy mươi tuổi, ba vạn sáu ngàn ngày đã trôi qua quá nửa. Chúng ta mới biết pháp môn này thù thắng, mới biết pháp môn này tốt đẹp! Căn tánh của tôi hết sức thích hợp pháp môn này, tu rất sung sướng, rất được thọ dụng. Có người hỏi tôi: “Khai ngộ là gì? Chứng quả là gì?” Tôi giải đáp rất đơn giản, họ nghe xong cũng thấy rất dễ hiểu. Đã thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật thì gọi là khai ngộ. Chúng ta nương theo phương pháp ấy để tu hành, thật sự đạt được lợi ích, đó là chứng quả. Quả trong Phật pháp là lìa khổ được vui. Ta thật sự lìa khổ được vui. “Phá mê khai ngộ” là khai ngộ, “lìa khổ được vui” là chứng quả. Hoa báo trước mắt thù thắng, quả báo vãng sanh trong tương lai tất nhiên là thù thắng, đó là đạo lý nhất định! Do vậy, mọi người phải ghi nhớ: Chuyên ròng, quyết định chẳng tạp!

          Hôm nay có đồng tu đến tìm tôi, bảo là bị ma chướng hiện tiền, có oán quỷ bám theo, tinh thần hoảng hốt, đứng ngồi không yên, đến cầu tôi. Trước khi cầu tôi, ông ta đã từng cầu cạnh rất nhiều pháp sư, đến rất nhiều đạo tràng, mỗi vị pháp sư dạy ông ta một phương pháp, phương pháp rất loạn. Có nhiều pháp sư dạy ông ta niệm kinh Địa Tạng, dạy ông ta lạy Lương Hoàng Sám, dạy ông ta làm pháp hội Thủy Lục, dạy ông ta siêu độ oán thân trái chủ, lại dạy ông ta niệm kinh Kim Cang, niệm chú Lăng Nghiêm, niệm chú Đại Bi, ông ta choáng váng luôn! Ông ta đến kể với tôi tình hình ấy. Tôi nói: “Tôi đã biết”. Tôi bảo: “Ông vĩnh viễn chẳng thể lành bệnh được, bệnh sẽ mỗi ngày một nghiêm trọng hơn, đến cuối cùng chẳng có thuốc gì chữa được. Do nguyên nhân gì? Tán loạn quá mức!” Ông ta hỏi: “Có cứu được hay không?” Tôi nói: “Có cách cứu, nhưng ông có nghe theo hay không?” Ông ta hỏi: “Phương pháp gì vậy?” Tôi nói: “Từ nay trở đi, ông hãy thật thà niệm một câu nam-mô A Di Đà Phật, tất cả hết thảy kinh chú đều chẳng cần niệm. Tất cả hết thảy đạo tràng chẳng cần phải tới. Ông hãy về nhà thật thà niệm Phật”. Ông ta hỏi: “Tôi có cần phải đến đạo tràng này hay không?” Tôi nói: “Ông chẳng cần tới đạo tràng này”. Ông ta nói: “Tôi phải bỏ ra một chút công đức”. Tôi nói: “Tôi cũng chẳng cần ông đến, cũng chẳng cần ông bỏ ra chút tiền làm công đức. Ông hãy quay về thật thà niệm Phật nửa năm, bệnh sẽ lành”. Ông ta lại băn khoăn: “Vị pháp sư nọ bảo tôi niệm kinh Địa Tạng, tôi không niệm có được hay không? Vị khác lại bảo tôi niệm kinh Kim Cang, chẳng niệm không phải là lại mắc tội ư?” Tôi nói: “Thôi rồi! Chẳng có cách nào giải quyết xong!” Vì thế, phải hiểu chuyên ròng đáng quý, tán loạn là hỏng, là sai lầm!

          Lấy chuyện học kinh để nói, quý vị bỏ thời gian mười năm học mười bộ kinh, bình quân là mỗi năm học một bộ, thành tích của quý vị tầm thường, rất khó ngoi cao hơn kẻ khác được! Mười năm chuyên nhất, học một bộ kinh, quý vị bèn vượt trỗi người khác. Vì sao? Hãy nhìn vào thế giới hiện thời, người chuyên học một bộ kinh chẳng có mấy! Quý vị là chuyên gia của bộ kinh ấy! Quý vị đem một bộ kinh ấy [đi giảng] khắp thế giới, nhất định sẽ được người ta hoan nghênh. Vì sao? Chuyên gia mà. Cả đời chuyên đổ công dốc sức nơi kinh A Di Đà, chuyên hoằng dương kinh A Di Đà, làm suốt mười năm, người ta trông thấy quý vị sẽ chắp tay: “Quý vị là A Di Đà Phật tái lai!” Người trên cả thế giới muốn nghe kinh A Di Đà, nhất định là đầu tiên sẽ nghĩ tới quý vị, chẳng tìm người khác. Vì sao? Người khác chẳng phải là chuyên gia. Hiện thời, thông tin phát triển, giao thông nhanh chóng, tiện lợi, mời quý vị đến giảng kinh chẳng khó! Trước kia, từ Trung Hoa sang Mỹ ngồi thuyền phải mất một, hai tháng, đích xác là chẳng dễ dàng! Nay thì mười tiếng đồng hồ đã đến nơi, hết sức dễ dàng. Vì vậy, học một bộ kinh, hoằng dương khắp toàn thể thế giới. Chuyên ròng, không chỉ là có thể lợi tha, mà chắc chắn là tự lợi, chính mình đắc nhất tâm, chính mình đắc nhất tâm bất loạn. Cùng học rất nhiều thứ như vậy, nói thật ra, chẳng thể đắc nhất tâm! Tâm quý vị vẫn là tán loạn; nói cách khác, khi vãng sanh, tâm không điên đảo rất khó! Người tâm chẳng điên đảo nhất định là có phước, có huệ; chẳng có phước huệ sẽ không làm được! Vì chẳng điên đảo, cho nên người ấy sẽ chắc chắn chẳng thể sanh về nơi khác, sẽ thuận theo nguyện vọng của chính mình mà vãng sanh, mong thấy A Di Đà Phật bèn chắc chắn thấy Phật, mong sanh về Tịnh Độ, quyết định được sanh.

          (Sớ) “Tức đắc” giả, ngôn kỳ tốc dã.

          ()即得者,言其速也。

          (Sớ: “Liền được” ý nói: Nhanh chóng).

          Ý nói rất nhanh chóng.

          (Sao) Điên đảo giả, diêu kỳ bình nhật tùy thuận vọng tưởng, bất tu chánh niệm, tâm đa tán loạn. Như tiền sở vị tương xả noãn xúc, nhất sanh sở tác, câu thời hiện tiền, tâm thần hoàng bố, động chỉ huy hoắc.

()顛倒者,繇其平日隨順妄想,不修正念,心多散亂。如前所謂將捨煖觸,一生所作,俱時現前,心神惶怖,動止揮霍。

(Sao: “Điên đảo”: Do thường ngày tùy thuận vọng tưởng, chẳng tu chánh niệm, tâm lắm nỗi tán loạn. Như trong phần trên đã nói: Lúc hơi nóng [trong thân thể] sắp mất đi, những việc đã làm trong suốt một đời đều cùng hiện tiền, tâm thần hoảng sợ, động tác quýnh quíu).

          Giảng rõ “điên đảo” là gì, chúng ta phải hiểu rõ những Lý và Sự này. Bộ kinh này, từng câu từng chữ trong kinh văn có mối liên quan mật thiết với cuộc sống hạnh phúc trong cả một đời này, cũng như liên quan mật thiết đến mục tiêu viên mãn mà chúng ta mong đạt được trong tương lai. Bộ Sớ Sao của ngài Liên Trì và bộ Yếu Giải của ngài Ngẫu Ích giống như người hướng dẫn du lịch. Chúng ta ra đi mà rất lơ mơ, chẳng nhận biết [phương hướng, lộ trình], hai vị đại sư là hướng dẫn viên du lịch, nói rõ cặn kẽ từng thứ một, giới thiệu trạng huống trong Tây Phương Cực Lạc, cũng như trạng huống trong cuộc sống hiện tại của một người tu Tịnh Độ, hết sức khó có. Từ đây, chúng ta lãnh hội, học tập, đó là thật sự tu hành. Vì thế, trước hết phải nhận biết điên đảo là gì, sau đấy mới nghiêm túc phản tỉnh đối với cuộc sống hằng ngày của chính chúng ta [xét coi chính mình] có phạm phải những lỗi lầm ấy hay không? [Như thế thì] chẳng uổng công niệm kinh này, chẳng phí công nghe kinh này.

          “Diêu kỳ bình nhật tùy thuận vọng tưởng, bất tu chánh niệm” (Là do thường ngày tùy thuận vọng tưởng, chẳng tu chánh niệm), hai câu này quan trọng nhất. Thường nhật, có phải là chúng ta tùy thuận vọng tưởng hay không? Tùy thuận vọng tưởng, [là do] chẳng biết tùy thuận vọng tưởng đáng sợ, chẳng biết kết quả do tùy thuận vọng tưởng. Đó gọi là mê hoặc. Phật pháp thường nói tới mê và ngộ, mê là gì? Ngộ là gì? Vọng tưởng hiện tiền bèn có thể lập tức nhận biết, đó là Ngộ. Do vậy, Tông Môn thường nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Niệm là gì? Vọng tưởng. Nếu bất giác, sẽ tùy thuận vọng tưởng. Một niệm giác, sẽ chẳng tùy thuận. Vì thế, một niệm giác thì sự giác ấy chính là “chánh niệm”, điều này rất khẩn yếu. Trong các tông khác, định nghĩa của “chánh niệm” có tầng cấp cạn hay sâu khác nhau. Người sơ học như chúng ta, người căn tánh trung hạ rất khó nắm vững [định nghĩa ấy]. Chánh niệm trong Tịnh Tông hết sức dễ nắm vững. Chánh niệm là gì? Chính là sáu chữ hồng danh. Giác của chúng ta chính là “Nam-mô A Di Đà Phật”, đã giác. Vọng niệm vừa dấy lên, vọng niệm thứ nhất khởi lên, niệm thứ hai bèn là Nam-mô A Di Đà Phật, dùng một câu Phật hiệu để trừ bỏ vọng niệm. Giữ sao cho một câu A Di Đà Phật niệm niệm liên tục, đó là gìn giữ chánh niệm. Đó là chỗ tu học dễ dàng của Tịnh Tông so với các tông khác. Vì thế, nó đơn giản, dễ dàng, ổn thỏa, thích đáng, nhanh chóng. Người dẫu ngu si đến mấy, hoặc là kẻ hạ hạ căn, dạy họ niệm một câu A Di Đà Phật, họ đều làm được! “Đề khởi chánh niệm” chính là dấy lên một câu Phật hiệu. Chúng ta là người niệm Phật, Phật hiệu là chánh niệm. Chánh niệm duy nhất, quyết định chẳng có niệm thứ hai nào khác, tâm chúng ta sẽ chẳng tán loạn, tâm lực bèn tập trung.

          Chư vị phải hiểu: Tập trung ý chí tinh thần, nói theo người hiện thời, cái được coi là hợp mode nhất, lưu hành nhất, được hướng tới nhiều nhất, chính là biến hóa thể chất! Chúng ta tuổi già, làm thế nào để có thể biến hóa thể chất giống như kẻ trẻ tuổi, có phương pháp nào hay chăng? Có chứ! Phương pháp gì vậy? A Di Đà Phật. Nhưng có người hỏi tôi: “Có hay không?” Tôi nói có! Phương pháp gì vậy? Tôi nói niệm A Di Đà Phật. Người ấy hoàn toàn không hiểu, chẳng lãnh hội được! Chính là nhất tâm niệm A Di Đà Phật, trong tâm thứ gì cũng đều chẳng có, chỉ cần nửa năm, thể chất quý vị liền biến hóa, chẳng giả tí nào! Trên thân vốn có rất nhiều bệnh tật; sau nửa năm, tâm đã thanh tịnh. Kinh giáo Đại Thừa thường nói: “Y báo chuyển theo chánh báo”. Tâm niệm là chánh báo. Niệm đã thanh tịnh, tâm bèn thanh tịnh; về phương diện sinh lý, các cấu trúc tế bào tự nhiên điều chỉnh, khôi phục bình thường. Hiện thời, các nhà khoa học vẫn chưa thể quan sát sự thật này. Không đi khám bác sĩ, chẳng cần uống thuốc. Thuốc chẳng phải là thứ tốt đẹp, thuốc có tác dụng phụ, chẳng lợi ích! Tốt nhất là điều phục cái tâm! Tôi thuốc gì cũng chẳng uống. Tôi giảng kinh ở Tân Gia Ba, hằng năm tôi đều sang Tân Gia Ba, các đồng tu bên ấy gặp tôi, bèn hỏi: “Thưa pháp sư! Làm sao mà mỗi năm thầy một trẻ trung, chẳng già. Thầy dùng phương pháp bảo dưỡng nào vậy?” Tôi bảo họ: “Có chứ!” Họ nói: “Thầy uống thuốc bổ gì vậy?” Tôi nói: “Nước máy từ công ty nước máy của Đài Loan”. Tôi chẳng dùng thuốc gì khác. Quý vị thấy tôi rửa mặt, cả năm chưa dùng hết một bánh xà-bông. Bánh xà-bông ấy dùng để rửa mặt lẫn tắm rửa, cả năm chưa xài hết một bánh. Tâm thanh tịnh, đó là điều trọng yếu!

          Do vậy, tán loạn không chỉ là đại chướng ngại cho tu đạo, mà còn là đại chướng ngại không gì lớn bằng đối với sức khỏe, phải hiểu điều này. Do đó, học Phật, bất luận học tông nào, bất luận học theo pháp môn nào, chỉ là phương pháp và cách thức khác nhau, phương hướng và mục tiêu đều như nhau, bí quyết là chuyên ròng. Nếu quý vị tham Thiền, hãy chuyên ròng tham cứu. Nếu quý vị trì chú, hãy chuyên ròng niệm chú. Quý vị muốn học Giáo, hãy chuyên ròng học kinh. Chẳng có gì khác, chuyên ròng bèn thành công. Vì lẽ đó, chúng ta niệm Phật, phương pháp niệm Phật đơn giản, so với tham Thiền, trì chú, hoặc niệm kinh đều đơn giản hơn, dễ dàng hơn! Người thông minh chọn lựa phương pháp đơn giản nhất, nhẹ nhàng, thoải mái, chẳng tốn sức! Cổ nhân nói: “Niệm kinh chẳng bằng niệm chú”, do nguyên nhân gì? Chú ngắn, kinh dài. Lại nói: “Niệm chú chẳng bằng niệm Phật”, Phật hiệu càng ngắn hơn, càng đơn giản hơn. Càng lúc càng đơn giản hơn, càng đơn giản thì càng thù thắng hơn, càng đơn giản thì càng là bậc nhất, phải biết điều này. Do vậy, ngàn muôn phần phải ghi nhớ, trong cuộc sống hằng ngày, quyết định chớ nên tùy thuận vọng tưởng. Nói cách khác, niệm dấy lên, bất luận là thiện niệm hay ác niệm, chẳng cần quan tâm tới, thiện niệm cũng là vọng tưởng. Hễ ý niệm dấy lên, bèn niệm A Di Đà Phật, chuyển càng nhanh càng hay, chớ nên tùy thuận vọng tưởng. Đó là nói kẻ bình phàm “tùy thuận vọng tưởng, chẳng tu chánh niệm”.

          “Tâm đa tán loạn”  (Tâm nhiều tán loạn), rất khổ!  Tất cả hết thảy

phiền não đều do tán loạn lưu xuất. Người đang lúc lâm chung; khi ấy, sức mạnh của tinh thần ý chí bạc nhược nhất, chẳng thể khống chế tâm niệm được. Nói cách khác, khi ấy, chủng tử của nghiệp chướng tập khí chứa đựng trong A Lại Da thảy đều dấy lên. Vì thế, trước khi lâm chung, thấy thần, thấy quỷ; chúng ta tới bệnh viện coi sẽ biết ngay. Do đó, bác sĩ và y tá trong nhà thương đều tin có quỷ, họ đã thấy quá nhiều. Những người bệnh nhìn thấy người nhà, quyến thuộc, đều là những người đã chết, còn có người thấy rất nhiều ác tướng, những tướng hết sức khó coi, đúng như kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện đã nói. Có đúng là người nhà quyến thuộc của họ hay không? Chẳng phải, đều là oán gia trái chủ biến hiện hình dạng người nhà quyến thuộc, giả mạo hòng lôi kéo người ấy. Nếu người bệnh đi theo họ, sẽ mắc lừa. Họ đến báo thù, chuyện là như vậy đó. Khi ấy, nghiệp thiện hoặc ác đã làm trong một đời thảy đều hiện tiền.

          “Tâm thần hoàng bố, động chỉ huy hoắc” (Tâm thần hoảng sợ, động tác quýnh quíu). Chúng ta thường nói là kinh hãi, tâm thần bất an, tiền đồ mờ mịt, đó là người khổ sở nhất. Trong một đời này, người như thế nào hạnh phúc nhất? Người như thế nào sung sướng nhất? Trong một đời này, người ấy có phương hướng nhất định, có mục tiêu nhất định, người ấy hạnh phúc, sung sướng nhất. Giả sử người ấy chỉ có một đời, đến khi người ấy chết là xong, là thôi. Trong sát-na sắp chết, người ấy cảm thấy tiền đồ mờ mịt. Nếu trong một đời này, người ấy có phương hướng, có mục tiêu, có sự nghiệp, suốt một đời thực hiện hoan hỷ, vui thích, sung sướng, đạt được [kết quả] mỹ mãn. Nếu người ấy có thể niệm Phật, lại lấy cầu sanh Tịnh Độ làm mục tiêu nối tiếp cho mai sau, sẽ thật sự sung sướng, thật sự tự tại, trong một đời này sẽ sống rất vui sướng, rất hạnh phúc. Đời sau sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới càng sung sướng, càng mỹ mãn hơn. Đó gọi là hạnh phúc thật sự. Đúng vậy! Quả thật là nếu chẳng cầu sanh Tịnh Độ, đới nghiệp vãng sanh, tu học các pháp môn khác cậy vào tự lực, quá ư là khó khăn! Đây là một con đường lớn quang minh, mười phương hết thảy chư Phật đều tán thán. Nếu chẳng tu pháp môn này, hoặc chẳng chuyên ròng tu học pháp môn này, chẳng tu thành công pháp môn này, đời sau tất nhiên là theo nghiệp thọ báo.

 

          (Sao) Ưng nhập địa ngục giả, đao sơn, kiếm thụ, thị tác viên lâm.

          ()應入地獄者,刀山劍樹,視作園林。

(Sao: Kẻ đáng vào địa ngục, sẽ thấy núi đao, rừng gươm là vườn rừng).

           Thấy hoa viên rất xinh đẹp, tiến vào dạo chơi. Sau khi đã bước vào mới biết là địa ngục, là núi đao, rừng gươm. Quý vị đã nhìn trật rồi, đã thấy sai mất rồi!

(Sao) Ưng đọa súc sanh giả, mã phúc, lư thai, nhận vi đường vũ.

()應墮畜生者,馬腹驢胎,認為堂宇。

(Sao: Kẻ đáng đọa súc sanh, sẽ ngỡ bụng ngựa, thai lừa là nhà to, điện lớn).

          Đây là kẻ đến đầu thai trong loài súc sanh, thấy hiện tượng gì? Thấy cung điện hoa lệ, chỗ ở rất hào nhoáng, xa hoa. Đã trông thấy bèn hết sức yêu thích, tiến vào đó để ngắm nghía. Hễ tiến vào bèn nhập thai, biến thành súc sanh. Chuyện này trong bút ký hoặc tiểu thuyết của cổ nhân, hoặc trong những ghi chép về nhân quả báo ứng cũng có nói rất nhiều. Chúng ta hãy dành thời gian để đọc, xác thực là có tác dụng cảnh giác rất lớn đối với chính mình.

          (Sao) Tựu linh tác thiện, hợp sanh nhân thiên, vị miễn tăng ái phụ mẫu.

          ()就令作善,合生人天,未免憎愛父母。

(Sao: Dẫu cho người làm lành, đáng sanh vào cõi trời, người, chưa khỏi yêu ghét cha mẹ).

          Trong kinh Lăng Nghiêm đã nói chuyện này rất rõ ràng. Cha mẹ và con có bốn loại duyên phận: Báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Bốn thứ ân oán ấy nặng nhất bèn biến thành người một nhà, hơi kém hơn một chút bèn biến thành thân thích, bằng hữu. Cổ nhân thường nói: “Một hớp uống, một miếng ăn, không gì chẳng định sẵn”. Do vậy, tôi khuyên các đồng tu hãy đọc Liễu Phàm Tứ Huấn cho nhiều, nhằm dạy quý vị biết chuyện gì? Dạy quý vị biết nhân duyên quả báo là nhất định. Một hớp uống, một miếng ăn, không gì chẳng được định sẵn. Chúng ta đi đường, gặp kẻ hoàn toàn xa lạ, có người thấy quý vị bèn gật đầu cười, có người thấy quý vị rất ngứa mắt, chúng ta thường gặp chuyện này. Trong đời quá khứ, chúng ta có duyên với họ. Họ gật đầu cười với ta, tức là trong quá khứ, chúng ta cũng có chút thiện duyên, hảo duyên. Họ nhìn ta bèn thấy ta ngứa mắt, tức là đại khái trong đời quá khứ, ta đã làm một hai chuyện có lỗi với họ. Nhân quả ba đời, trong cuộc sống hằng ngày, xử sự, đãi người, tiếp vật, những sự thật bày ra ngay trước mặt chính là chứng minh, người nhà quyến thuộc cũng chẳng phải là ngoại lệ.

          Cũng có nghĩa là dẫu chúng ta suốt đời hành thiện (Thiện nói theo kinh Phật sẽ là Ngũ Giới, Thập Thiện. Nói theo Nho gia sẽ là luân lý đạo đức), chúng ta sanh trong cõi trời, người, cũng chẳng tránh khỏi vẫn có tâm yêu ghét đối với thân nhân. Huống hồ còn có phiền não tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay! Có nghĩa là người thật sự thông minh, kẻ thật sự giác ngộ, chẳng còn tu tiểu quả nhân thiên, chẳng tu tập nữa! Nhất định sẽ cầu sanh Tịnh Độ. Nhất định là phải biết ưu điểm và lợi ích của việc cầu sanh Tịnh Độ, quý vị mới có thể phát tâm khẩn thiết.

          Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thành tựu cực nhanh chóng, các thế giới phương khác đều chẳng sánh bằng. Chúng ta xem phần chín phẩm vãng sanh trong Quán Kinh, nhìn từ phần Hạ Hạ Phẩm, hạ hạ phẩm sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Hạ hạ phẩm làm gì? Ngũ Nghịch, Thập Ác, người tạo tội nặng nề dường ấy, lúc lâm chung, một niệm hay mười niệm vãng sanh. Đương nhiên chúng ta vãng sanh, quyết định chẳng thuộc vào hạ hạ phẩm. Vì sao? Chúng ta chẳng tạo tội nghiệp nặng nề ngần ấy. Tuy tạo tội nghiệp không ít, nhưng chẳng nặng ngần ấy, có lẽ sẽ thuộc trong hạ phẩm trung sanh. Hạ phẩm trung sanh, sau sáu kiếp hoa nở thấy Phật. Hoa nở thấy Phật là địa vị gì? Sơ Địa Bồ Tát trong Biệt Giáo. Quý vị phải ghi nhớ: Sáu kiếp bèn thành Sơ Địa! Nếu ở trong thế giới Sa Bà, phải tu trong thời gian bao lâu thì mới có thể đạt đến Sơ Địa? Hai A-tăng-kỳ kiếp mới đạt đến Sơ Địa. Trong thế giới này, tu hai A-tăng-kỳ kiếp; đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, sáu kiếp! Làm sao có thể so sánh cho được? Nếu chúng ta làm lành, chẳng phải là làm ác, chúng ta tu thiện pháp vãng sanh, chiếu theo điều kiện của chín phẩm, ắt phải nên thuộc vào trung phẩm thượng sanh, hoặc là trung phẩm trung sanh. Sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới, thời gian bao lâu hoa sẽ nở? Bảy lần bảy tức bốn mươi chín ngày. Ở cõi này phải tu hai A-tăng-kỳ kiếp, đến thế giới Tây Phương, chỉ cần bốn mươi chín ngày! Bốn mươi chín ngày là tính theo thời gian ở bên này. Trong thế giới Tây Phương chẳng có năm, tháng, ngày, giờ, mọi người hãy hiểu điều này! Do vậy, hễ đức Phật nói đến đơn vị thời gian đều là tính theo thời gian của chúng ta ở nơi đây. Bốn mươi chín ngày, chưa đến hai tháng, quý vị đã thành Sơ Địa Bồ Tát trong Biệt Giáo.

          Nếu quý vị hỏi, trong hội Hoa Nghiêm, vì sao Văn Thù, Phổ Hiền phải cầu nguyện vãng sanh ư? Văn Thù và Phổ Hiền là Đẳng Giác Bồ Tát trong thế giới Hoa Tạng. Các Ngài thành Phật trong thế giới Hoa Tạng, phá một phẩm sanh tướng vô minh cuối cùng, vẫn phải mất thời gian khá lâu. Tu hành càng đến địa vị cao hơn càng khó khăn. Trong A-tăng-kỳ kiếp thứ nhất, đây là nói theo Biệt Giáo, chẳng nói theo Viên Giáo, A-tăng-kỳ kiếp thứ nhất bèn tu viên mãn địa vị Tam Hiền, tức là Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng. A-tăng-kỳ kiếp thứ hai, từ Sơ Địa cho đến Thất Địa. A-tăng-kỳ kiếp thứ ba là Bát Địa, Cửu Địa và Thập Địa, ba địa vị. Nói cách khác, Đẳng Giác Bồ Tát phải phá một phẩm sanh tướng vô minh cuối cùng, quý vị nghĩ xem, Ngài phải tốn bao nhiêu thời gian? Chuyện khó khăn dường ấy! Sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới, vừa đến Tây Phương liền hoa nở thấy Phật, đoạn ngay một phẩm sanh tướng vô minh, bèn thành Phật. Có vị Đẳng Giác Bồ Tát nào chẳng hy vọng đến thế giới Cực Lạc? Chẳng cần phải lãng phí thời gian nhiều như vậy, chẳng cần hứng chịu vất vả ngần ấy, hễ thấy A Di Đà Phật bèn thành tựu. Nếu chúng ta thảy đều hiểu rõ, thông hiểu những đạo lý và chân tướng sự thật này, thì mới hoảng nhiên đại ngộ vì sao mười phương ba đời hết thảy Như Lai cứ đặc biệt ca ngợi Tịnh Độ, đạo lý ở ngay chỗ này. Vì thế, pháp môn này nhằm tiếp dẫn chúng sanh căn cơ thuần thục. Nói “căn cơ thuần thục” tức là thiện căn, phước đức đã gieo từ vô lượng kiếp, đến nay đã chín muồi. Đã chín muồi thì vừa tiếp xúc, người ấy bèn hoan hỷ, tin tưởng, chịu phát tâm, chịu niệm Phật, đó là tướng trạng chín muồi! Chẳng chín muồi, sau khi tiếp xúc, chẳng thể sanh khởi tâm hoan hỷ, chẳng thể tin nhận, phụng hành. Chẳng chín muồi, đức Phật bèn dạy họ hết thảy các pháp môn Đại Tiểu Thừa, giúp cho họ chín muồi. Do vậy, phải biết: Pháp môn này chuyên nhằm tiếp độ chúng sanh căn cơ đã chín muồi. Nói theo cách hiện thời, chúng sanh căn cơ chín muồi là “trong một đời này, cơ hội thành Phật của người ấy đã đến”, nhằm tiếp dẫn loại này. Nếu cơ hội thành Phật của người ấy chưa đến, pháp môn này chẳng có tác dụng gì đối với họ. Nếu đời này họ muốn thành Bồ Tát, thành A La Hán, đó là do các pháp môn khác tiếp dẫn. Pháp môn này chuyên tiếp dẫn kẻ thành Phật; vì thế, gọi là “pháp môn thành Phật trong một đời”, pháp môn thành tựu trong một đời!

          (Sao) Nãi chí tiểu thánh sơ tâm.

()乃至小聖初心。

(Sao: Cho đến hàng tiểu thánh, sơ tâm).

           “Tiểu thánh” chỉ A La Hán, “sơ tâm” là Quyền Giáo Bồ Tát.

          (Sao) Do bất năng chánh tri xuất nhập.

          ()猶不能正知出入。

(Sao: Còn chưa thể biết xuất thai, nhập thai đúng thật).

          “Chánh tri xuất nhập” là nói tới chuyện nhập thai và xuất thai. A La Hán và Quyền Giáo Bồ Tát đều bị mê khi cách ấm. Họ đến đầu thai rất rõ ràng, dùng Ứng Hóa Thân đến thế gian này để độ chúng sanh hữu duyên. Họ nhập thai, ở trong bào thai chẳng chịu khổ, giống như ở trong cung điện, rất thoải mái. Ra khỏi thai bèn mê, chuyện quá khứ lại quên tuốt. Bất quá những vị thánh nhân ấy, dẫu sao cũng có căn bản công phu sâu dày, chỉ mê muội nhất thời, chẳng bị mê suốt đời. Do vậy, trong kinh Kim Cang, đức Thế Tôn dặn dò các đại Bồ Tát phải hộ niệm các vị Bồ Tát, tức là hộ niệm những vị tiểu Bồ Tát, tức là nói đến hàng tiểu thánh và sơ tâm, tới lúc đó phải đến nhắc nhở họ. Được cảnh tỉnh, họ ngay lập tức giác ngộ, khôi phục. Vì vậy, La Hán và Quyền Giáo Bồ Tát đều bị mê khi cách ấm, chẳng thể biết xuất thai, nhập thai đúng thật.

          (Sao) Giai sở vị điên đảo dã.

          ()皆所謂顛倒也。

(Sao: Đều gọi là điên đảo vậy).

          Có thể thấy điên đảo không chỉ là phàm phu, mà cả thánh nhân trong tam thừa vẫn chẳng tránh khỏi!

          (Sao) Thừa thử điên đảo, tam giới thất thú.

          ()乘此顛倒,三界七趣。

          (Sao: Do sự điên đảo ấy mà sanh vào bảy đường trong ba cõi).

          “Thất thú” là nói theo kinh Lăng Nghiêm. Thông thường, chúng ta nói “lục thú” (sáu đường), tức là lục đạo. Bảy đường là [lục đạo] cộng

thêm tiên đạo, tức những vị thần tiên[4].

          (Sao) Tùy nghiệp thọ sanh.

          ()隨業受生。

          (Sao: Theo nghiệp thọ sanh).

          Đây là luân hồi trong lục đạo, thuận theo nghiệp lực của chính mình mà đi đầu thai, thọ sanh. Đại khái là chúng ta quan sát, [sẽ thấy] thông thường là kẻ theo nghiệp thọ sanh, đa số là ở trong ba ác đạo, [sanh vào] ba thiện đạo là thiểu số. Chư vị nhất định phải biết điều này. Đối với nghiệp lực, bản thân chúng ta phải lắng lòng phản tỉnh, đừng nhòm ngó kẻ khác, hãy tự mình phản tỉnh: Chúng ta từ sáng đến tối, từ mồng Một Tết cho đến Ba Mươi tháng Chạp, khởi tâm động niệm là ác niệm nhiều hay thiện niệm nhiều? Sẽ biết trong tương lai, chính mình phải theo nghiệp lưu chuyển đến chỗ nào! Thiện niệm là gì? Niệm nào cũng đều mong lợi ích hết thảy chúng sanh, đó là thiện niệm. Phải tạo lợi ích chân thật cho hết thảy chúng sanh; đó là thiện niệm. Niệm nào cũng đều suy tính vì chính mình, đó là ác niệm. Có ai chẳng vì chính mình? Vì chính mình, chẳng có ai không đọa trong ba ác đạo. Vì người khác thì mới có thể được làm trời, người. Người tu hành rất khá, giới luật tinh nghiêm, tâm địa thanh tịnh, nếu chẳng cầu sanh Tịnh Độ, đại đa số đều ở trong Dục Giới. Sắc Giới rất thưa thớt, vì sao? Điều kiện của Sắc Giới Thiên là đoạn hết Ngũ Dục, tức là đối với tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, xác thực là chẳng động tâm thì mới có thể sanh vào Sắc Giới. Nếu đối với tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, ta đã lìa khỏi về mặt Sự, nhưng tâm vẫn còn có lúc dấy động, sẽ sanh trong Dục Giới, chẳng thể đạt đến Sắc Giới. Vì sao? Dục niệm chưa đoạn, thật đấy! Vì thế, những chuyện này chẳng cần hỏi ai khác, chính mình niệm kinh cho nhiều sẽ biết ngay! So sánh, đối chiếu, tiêu chuẩn của ta là ở nơi đâu? Ta đối với ngũ dục, lục trần vẫn còn khởi tâm động niệm; nói cách khác, chẳng có phần trong Sơ Thiền! Tu cao tới mấy đi nữa, cũng bất quá là sanh lên Tha Hóa Tự Tại Thiên, chẳng thể  thoát  khỏi  tam  giới. Do vậy,

theo nghiệp thọ sanh là chuyện rất đáng sợ!

          (Sao) Kim ký nhất tâm bất loạn.

          ()今既一心不亂。

          (Sao: Nay đã là nhất tâm bất loạn).

          Nói tới công phu của người niệm Phật bình phàm, chúng ta tu tâm thanh tịnh. “Bất loạn” là quyết định chẳng bị cảnh giới bên ngoài dao động. Trước hết, chúng ta cầu “bất loạn”.

          (Sao) Tắc nội ngưng chánh niệm.

          ()則內凝正念。

          (Sao: Tức là bên trong chánh niệm ngưng đọng).

         Chánh niệm” là một câu Phật hiệu. Một câu Phật hiệu niệm đến cùng, trong tâm xác thực có A Di Đà Phật, đấy là chánh niệm. Niệm (念) là “kim tâm” (今心), tức là trong tâm quý vị thật sự có, đó là niệm, chẳng phải là nói leo lẻo đằng mồm! Miệng chúng ta niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”, đó là xưng danh. Trong Thập Lục Quán Kinh, pháp Niệm Phật được nói cuối cùng: Người bệnh ấy nghiệp chướng rất nặng, khi lâm chung chẳng thể ức niệm, bèn bảo người ấy xưng danh. Có thể thấy là xưng danh và niệm Phật khác nhau. Ức niệm chẳng nhất định là xưng danh. Tuy chúng ta chẳng niệm A Di Đà Phật ngoài miệng, trong tâm thời thời khắc khắc ghim A Di Đà Phật trong lòng, đó là “niệm”, tức là trong tâm quý vị thật sự có A Di Đà Phật, quyết định vãng sanh, cảm ứng đạo giao.

          (Sao) Ngoại cảm Phật nghênh.

          ()外感佛迎。

          (Sao: Bên ngoài cảm Phật đón tiếp).

          Bên ngoài cảm ứng A Di Đà Phật khi lâm chung đến tiếp dẫn.

          (Sao) Xả thử báo thân, kính sanh bỉ quốc, như Phật ngôn, tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh.

          ()捨此報身 ,徑生彼國 ,如佛言,隨其心淨則佛土

淨。

(Sao: Bỏ báo thân này, nhanh chóng sanh về nước kia, như đức Phật nói: “Do cái tâm tịnh mà cõi nước Phật thanh tịnh”).

 Thế giới Tây Phương có bốn cõi, ba bậc, chín phẩm, mức độ thanh tịnh khác nhau. Tùy thuộc mức độ thanh tịnh nơi tâm địa của chúng ta mà vãng sanh. Thanh tịnh tột bậc là thượng phẩm thượng sanh. Mới được một hai phần thanh tịnh thì là hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, đạo lý là như vậy đó. Vì thế, Ngẫu Ích đại sư nói phẩm vị cao hay thấp là do công phu niệm Phật của chúng ta cạn hay sâu. Công phu là gì? Là mức độ thanh tịnh trong tâm. Công phu là nói tới điều này, chẳng phải là nói mỗi ngày ta niệm Phật bao nhiêu câu Phật hiệu mà gọi là công phu, chẳng phải là nói tới điều ấy! Nếu một ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu mà tâm chẳng thanh tịnh, sẽ như cổ nhân đã nói: Quý vị gào toạc cổ họng cũng uổng công! Tuy mỗi ngày tôi niệm Phật hiệu rất ít, nhưng tâm xác thực là thanh tịnh, công phu liền sâu. Vì thế, nói tới công phu cạn hay sâu, chứ không phải là niệm Phật hiệu nhiều hay ít. Thế nhưng cổ đức thường khuyên chúng ta phải niệm Phật hiệu cho nhiều, niệm nhiều sẽ có lợi, vì chúng ta là phàm phu, tập khí rất nặng, chẳng niệm Phật bèn dấy vọng tưởng. Vì thế, niệm Phật nhằm thay thế vọng tưởng [bằng Phật hiệu], dụng ý ở chỗ này. Thật sự nói đến công phu là nói tới cái tâm thanh tịnh. A! Chúng ta niệm Phật hồi hướng!

 

 

[1] Do lời giải thích trong đoạn này dường như không rõ ràng cho lắm, chúng tôi mạn phép nói thêm như sau: Đối với người chưa đoạn Kiến Tư Hoặc, Phần Đoạn sanh tử chính là thọ mạng. Chúng ta có thọ mạng nhất định, tức là có một khoảng thời gian tồn tại nhất định từ lúc sanh ra cho đến khi chết. Do có một khoảng thời hạn nhất định, nên gọi là Phần Đoạn. Thật sự có sanh tử để khởi đầu và chấm dứt một giai đoạn thọ mạng. Khi đã đoạn Kiến Tư Hoặc, không còn sanh tử, sanh tử chỉ là tùy nguyện tái lai, không phải là sanh tử do nghiệp lực quyết định nữa, nên bảo là “không còn Phần Đoạn sanh tử”. Chẳng hạn các vị Phật, Bồ Tát khi thân phận bại lộ hoặc chúng sanh hữu duyên đáng được hóa độ đã hết, các Ngài bèn xả thân, muốn đi lúc nào bèn đi lúc ấy. Do vì thọ mạng bất định nên gọi là chẳng còn Phần Đoạn sanh tử.

Trừ phi đạt đến Phật Quả viên mãn rốt ráo, cảnh giới của chúng ta thay đổi liên tục, đó là Biến Dịch. Chẳng hạn phàm nhân có sanh, già, bệnh, chết, ba khổ, tám khổ, quả báo hiện hành, vận mạng có thịnh hay suy, có thăng lên, đọa xuống trong lục đạo. Đó là Biến Dịch hiển nhiên. Đối với thánh nhân từ Tiểu Thừa trở lên, vẫn có thể bị thoái đọa (chỉ từ Bát Địa trở lên là không thoái đọa), hoặc cảnh giới tăng tấn do tu tập, nên luôn có sự Biến Dịch. Nhưng để đạt đến cảnh giới cao hơn, phải siêng khổ dụng công, cho nên sự vất vả nhọc nhằn ấy được gọi là “sanh tử”, nhằm sánh ví cảnh giới cũ mất đi (tử), cảnh giới mới hiện ra (sanh).

[2] Tống Cao Tông (Triệu Cấu) làm vua từ năm 1127 đến năm 1279. Ông là con của Tống Huy Tông (Triệu Cát). Khi cha và anh (Tống Khâm Tông, tức Triệu Đản) bị quân Kim cầm tù, giải về kinh đô nhà Kim, ông được quần thần tôn lên làm vua. Thoạt đầu, ông tỏ ra có bản lãnh, trọng dụng hiền tài, áp dụng một loạt cải cách, thế nhưng vẫn do dự, chẳng dứt khoát loại trừ bọn đại thần cấu kết với quân Kim bán nước cầu vinh như Trương Bang Xương, Vương Thời Ung v.v… Càng về sau, ông càng trở thành nhu nhược đến nỗi bị Miêu Phó và Lưu Chánh Ngạn ép thoái vị nhường ngôi cho thái tử Phu mới ba tuổi. May mà được các vị trung thần như Trương Tuấn, Hàn Thế Trung phù tá mới được khôi phục ngôi vua. Càng ngày ông càng nhu nhược, tối tăm đến nỗi chủ động cầu hòa với quân Kim khi chiến sự bất lợi, tuy vẫn có những dũng tướng lỗi lạc như Nhạc Phi, Hàn Thế Trung, Trương Tuấn xả thân chống giữ nhà Nam Tống. Vết nhơ lớn nhất là ông nghe lời xu nịnh, trọng dụng Tần Cối đến nỗi hại chết Nhạc Phi, tuy trước đó Nhạc Phi đã giành thắng lợi vẻ vang khiến tướng Ngột Truật của quân Kim phải tháo chạy nhục nhã. Cái chết của Nhạc Phi là giọt nước đầy ly dẫn đến sự diệt vong tất yếu của nhà Nam Tống.

[3] Cáp Nhĩ Tân (Harbin) là thành phố đóng vai trò tỉnh lỵ của tỉnh Hắc Long Giang, được coi là trung tâm văn hóa, kinh tế, và giao thông của vùng Đông Bắc Trung Hoa. Mùa Đông lạnh và rất dài, mùa Hạ ngắn ngủi, nên còn có tên gọi là Băng Thành. Thành phố này đã có từ rất lâu, từng là trọng trấn của những quốc gia cổ của như Phù Dư (Buyeo), Bột Hải. Nơi này cũng từng là một phần của cố đô Thượng Kinh Hội Ninh Phủ của nhà Kim, trước khi Kim Hải Lăng Vương (Hoàn Nhan Lượng) thiên đô về Yên Kinh (Bắc Kinh hiện thời), và hạ lệnh phá hủy Cáp Nhĩ Tân. Theo nguyên nghĩa, Harbin là tiếng Mãn Châu, có nghĩa là “nơi phơi lưới đánh cá”. Cáp Nhĩ Tân trở thành thịnh vượng khi công ty đường sắt Đông Hoa ra đời với sự tài trợ của đế quốc Nga, nhất là khi tuyến đường sắt được phát triển thành tuyến đường xuyên Tây Bá Lợi Á, nối liền thành phố Đại Liên và hải cảng Lữ Thuận (nơi hải quân Nga đóng quân). Chùa Cực Lạc được xây dựng tại khu vực Nam Cương của Cáp Nhĩ Tân, xây dựng từ năm 1921 đến năm 1924 mới xong, diện tích toàn chùa lên đến 27.186 m2. Theo tự chí, chùa đã có từ đời Đường, nhưng đã bị hủy hoại qua nhiều lần chiến tranh. Năm 1921, chùa được trùng kiến bởi hội trưởng hội Phật Giáo Trung Quốc thời ấy là pháp sư Viên Anh với sự phụ tá của cư sĩ Hồ Chấn.

[4] Ở đây, không có nghĩa là thần tiên ở ngoài lục đạo. Do thần tiên của Đạo Giáo vẫn thuộc về Dục Giới, hoặc cao nhất là thuộc về Sắc Giới (do thần tiên Đạo Giáo có sắc thân, vẫn mong hưởng lạc trong tiên cảnh), nên họ chẳng thể thoát khỏi tam giới. Thông thường, nói lục đạo tức là đã gộp thần tiên vào các đường thiên đạo, A Tu La đạo và ngạ quỷ đạo (tùy theo phước báo của thần tiên nhiều hay ít).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *