Tập 244/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 244

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm bảy mươi ba:

          (Sao) Nhị giả chuyên tâm, như đản niệm danh hiệu, đắc thành mạt phẩm. Kim vị ký vân “đản niệm”, “đản” chi nhất tự, chánh duy đắc Sự, vị đắc Lý cố.

          ()二者專心,如但念名號,得成末品。今謂既云但念,但之一字,正唯得事,未得理故。

(Sao: Hai là chuyên tâm, như người chỉ niệm danh hiệu, đạt được phẩm vị vãng sanh thấp. Nay tôi nói: Chữ “chỉ” trong câu “chỉ niệm” có nghĩa là [hành nhân] chỉ đắc Sự nhất tâm, chẳng đắc Lý nhất tâm).

          Đây là một khái niệm hết sức quan trọng trong phương pháp Niệm Phật. Chúng ta niệm Phật, công phu niệm phải như thế nào thì mới có thể đắc lực? Đại sư dạy chúng ta: Ắt cần phải có định tâm, hoặc là chuyên tâm. Đương nhiên là “định tâm” rất khó, chẳng phải là chuyện kẻ bình phàm mà hòng làm được! Nhưng “chuyên tâm” thì có thể nói là ai nấy đều có thể làm được. Định tâm, chắc chắn là có thể thượng bối vãng sanh. Kinh Vô Lượng Thọ nói “tam bối” (ba bậc): Thượng bối vãng sanh [cần phải có định tâm], còn chuyên tâm thì trung bối và hạ bối cũng quyết định có thể thành công. Chuyên tâm là “đản niệm danh hiệu, đắc thành mạt phẩm” (chỉ niệm danh hiệu, thành tựu phẩm vị thấp hơn). “Mạt” (末) chẳng phải là nói tới hạ hạ phẩm, mà vì đối với thượng phẩm thượng sanh ở trên, nên từ thượng phẩm trung sanh trở xuống, đều là Mạt, cũng có nghĩa là tám phẩm dưới trong chín phẩm, hễ chuyên tâm đều có thể đạt được. “Kim vị ký vân đản niệm” (Nay đã nói là “chỉ niệm”), trong kinh Đại Thừa thường thấy chữ “đản niệm”. Nói thật ra, “đản niệm” là niệm theo mặt Sự, hoàn toàn chẳng chú trọng nói theo Lý, chẳng phải là Lý niệm.

          (Sớ) Cố tri cổ vân ngu nhân cầu Tịnh nghiệp giả, phi duy bất chỉ Lý chi nhất tâm, diệc phục bất chỉ Sự nhất tâm cố.

          ()故知古云愚人求淨業者,非唯不指理之一心,亦復不指事一心故。

(Sớ: Vì vậy biết: Cổ nhân nói “người ngu cầu Tịnh nghiệp”, không chỉ là chẳng nói tới Lý nhất tâm, mà cũng chẳng nói tới Sự nhất tâm).

           Người thật sự niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, cứ thật thà niệm là được rồi, chẳng cần bận tâm là Sự nhất tâm hay Lý nhất tâm; [cứ quan tâm] thì sẽ đâm ra khiến cho cái tâm bị loạn, rất khó đạt được nhất tâm, chỉ cần chuyên tâm niệm. Bất luận là Lý nhất tâm hay Sự nhất tâm, công phu đã thành thục, quý vị thấy bao nhiêu người đứng vãng sanh, hay ngồi vãng sanh, quý vị hỏi họ niệm đạt đến loại nhất tâm nào, họ đâu có biết! Người ta có thụy tướng (瑞相: tướng tốt lành) như vậy, đó là thật sự có thành tựu. Do vậy, câu này rất quan trọng. Dưới đây, Liên Trì đại sư còn giải nói cặn kẽ:

          (Sao) Cổ đức vị hữu tham Thiền bất linh, cự biến tiền nhân, triêu mộ kháp số châu, cầu Tịnh nghiệp.

()古德謂有參禪不靈,遽變前因,朝暮掐數珠,求淨業。

(Sao: Cổ đức nói: – Có người tham Thiền chẳng hiệu nghiệm, liền thay đổi cái nhân [tu tập] trước đó, sáng chiều lần tràng hạt, cầu Tịnh nghiệp).

          Đây là nêu lên mấy thí dụ. Những thí dụ ấy đích xác là có. Vào thời xưa đã có, mà hiện thời cũng có. Tham Thiền chẳng thể đắc Định, đừng nói là khai ngộ, ngay cả Thiền Định cũng chẳng đạt được. Nói thật ra, [những trường hợp giống như vậy] rất ư là nhiều. Do vậy, họ buông bỏ Thiền, quay lại niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ; ở đây nói đến hạng người này.

          (Sao) Hựu vân: “Niệm kỷ thanh Phật, dục miễn Diêm lão tử thủ trung thiết bổng, nãi ngu nhân sở vi”. Chấp thử ngữ giả, toại sanh nghi báng, bất tri thử vị tham Thiền chí bất quy nhất, triếp tự cải đồ giả thuyết, phi ha Tịnh nghiệp cố.

()又云念幾聲佛 ,欲免閻老子手中鐵棒 ,乃愚人所

為。執此語者,遂生疑謗,不知此為參禪志不歸一,輒自改途者說,非呵淨業故。

(Sao: Lại nói: “Niệm Phật mấy tiếng, muốn thoát khỏi gậy sắt trong tay cụ già Diêm La chính là việc làm của kẻ ngu”. Kẻ chấp vào lời ấy, bèn sanh hoài nghi, phỉ báng, chẳng biết lời ấy dành để nói với kẻ tham Thiền tâm chí không quy nhất, liền vội vã thay đổi đường lối, chẳng phải là quở trách Tịnh nghiệp vậy).

          Đây là uốn nắn những hiểu lầm đối với Phật pháp của kẻ bình phàm tu học chẳng đắc lực trong xã hội, nhất là những chỉ trích do hiểu lầm. Loại người thứ hai “niệm Phật mấy tiếng”, nhằm mục đích nào? Nhằm mục đích chẳng bị đọa trong ba ác đạo. “Diêm lão tử” là Diêm La vương, “thủ trung thiết bổng” (gậy sắt trong tay) là [nói tới chuyện] chịu đựng những hình phạt và khổ nạn ấy trong ngạ quỷ hay địa ngục; do niệm Phật có thể tránh khỏi. Cũng có nghĩa là niệm Phật có thể chẳng đọa trong ba ác đạo, ý nghĩa thật sự ở chỗ này. Hạng người ấy từ Thiền quay trở lại, hoặc do sợ đọa trong ba ác đạo nên mới niệm Phật. Nói thật ra, động cơ (motivation) niệm Phật cầu vãng sanh tuy khác nhau, nhân duyên muôn ngàn sai khác, nhưng hễ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, quả báo sẽ giống hệt.

Nhân khác nhau, quả giống nhau, chỉ cần niệm đến mức công phu thành phiến, mong vãng sanh, đều có thể sanh về Tịnh Độ. Nếu như [niệm Phật] chỉ nhằm tránh khỏi ác đạo, vẫn mong mỏi phước báo nhân thiên trong đời sau, [chẳng mong sanh về Tịnh Độ] thì sai mất rồi! Dùng cái nhân rất thù thắng để đổi lấy quả báo vặt vãnh, rất đáng tiếc! Nếu nói theo nhân địa, dường như là “ngu nhân sở vi” (việc làm của kẻ ngu). “Ngu” ở đây [có nghĩa] là chẳng thông đạt, chẳng hiểu rõ chân tướng Sự Lý, chấp trước những luận điệu ấy; do vậy, sanh khởi nghi hoặc, hủy báng. Đại sư chỉ ra: [Lời lẽ ấy] nhằm nói với những kẻ bình phàm chẳng liễu giải, do tham Thiền mà tâm chẳng “quy nhất”, cho nên chẳng thể đắc Thiền Định, người ấy quay về dùng phương pháp niệm Phật để cầu sanh Tịnh Độ. Đó là chuyện tốt, tuyệt đối chẳng phải là nói Thiền chẳng bằng Tịnh Độ, chẳng thể nói theo kiểu ấy được.

          (Sao) Đản ngôn ngu nhân triêu mộ kháp số châu cầu Tịnh nghiệp, bất ngôn ngu nhân triêu mộ nhất tâm bất loạn cầu Tịnh nghiệp dã.

          ()但言愚人朝暮掐數珠求淨業,不言愚人朝暮一心不亂求淨業也。

(Sao: Chỉ nói kẻ ngu sáng tối lần tràng hạt cầu Tịnh nghiệp, chẳng nói kẻ ngu sáng tối nhất tâm bất loạn cầu Tịnh nghiệp).

           Nói thật ra, người niệm Phật thật sự dụng công, thật sự niệm Phật, sẽ chẳng khoe khoang chính mình. Người ta bảo mình ngu, bảo mình đần, rất tốt! Chúng ta nghe xong rất tự tại. Ngu, ngu chẳng ai bằng, hành trì của kẻ ngu mọi người chẳng sánh bằng! Vì sao? Người ấy có thể buông xuống vạn duyên, có thể chuyên tâm nơi Tịnh nghiệp, đó là chỗ khiến cho kẻ ngu chẳng ai sánh bằng được! Người thật sự có trí huệ học theo kẻ ngu còn học chẳng nổi! Vì thế, chớ nên coi rẻ kẻ ngu. Thường là kẻ ngu có thượng thượng trí, những kẻ bình phàm chẳng biết, thật vậy đó! Nói thật ra, Liên Trì đại sư nói cho chúng ta biết một phương diện mà kẻ ở ngoài [pháp môn Tịnh Độ] chẳng biết. Người ta là “triêu mộ nhất tâm bất loạn” (sáng tối nhất tâm bất loạn), cầu Tịnh nghiệp như vậy, cho nên, chẳng mất thời gian bao lâu, người ấy thành tựu Tịnh nghiệp. “Tịnh nghiệp thành tựu”: Hoàn toàn không nhất định là nói đến chuyện vãng sanh. Quý vị phải ghi nhớ chuyện này. Tịnh nghiệp thành tựu là đã đạt được cái tâm thanh tịnh, đã đắc nhất tâm bất loạn; đó là Tịnh nghiệp thành tựu. Đương nhiên là đã đắc nhất tâm bất loạn, còn nhất tâm bất loạn cạn hay sâu họ chẳng màng tới, về căn bản là họ chẳng quan tâm. Nếu thường mong mỏi nhất tâm bất loạn, còn [phân biệt] có Sự nhất tâm, còn có Lý nhất tâm, còn có ba bậc, chín phẩm, tâm người ấy đã loạn từ lâu rồi, chẳng đắc nhất tâm. Nói tới Lý, nói tới Sự, nói tới chín phẩm, chính là nói theo Giáo Hạ, chứ xét theo công phu thật sự, sẽ chẳng bàn tới [những chuyện phức tạp ấy]. Khi đối với công phu mà bàn những điều ấy, công phu bị phá hoại toàn bộ. Xét theo công phu, chư vị phải ghi nhớ, trong phần trước đã nói: “Cầu Tịnh nghiệp giả, phi duy bất chỉ Lý nhất tâm, diệc bất chỉ Sự nhất tâm” (Cầu Tịnh nghiệp thì không chỉ chẳng nói đến Lý nhất tâm mà Sự nhất tâm cũng chẳng nói tới). Về căn bản là chẳng quan tâm Lý nhất tâm hoặc Sự nhất tâm là gì. Lý nhất tâm hay Sự nhất tâm chính là những suy nghĩ lung tung, nói nhăng nói cuội của người nói theo Giáo, thật vậy đó! Người dụng công, công phu thật sự đắc lực, tâm địa thanh tịnh, điều này rất quan trọng!

          (Sao) Quán Kinh vân: “Đản văn Phật cập nhị Bồ Tát danh”.

          ()觀經云:但聞佛及二菩薩名。

          (Sao: Quán Kinh nói: “Chỉ nghe danh hiệu của Phật và hai vị Bồ Tát”).

           “Phật” là A Di Đà Phật, “nhị Bồ Tát” là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí; đấy là Tây Phương Tam Thánh. Chúng ta nghe danh hiệu của Tây Phương Tam Thánh, có thể diệt tội trong vô lượng lần sanh tử. Trong phần trước cũng đã từng nói lời này, người như thế nào nghe danh hiệu của Phật, Bồ Tát sẽ có thể diệt tội? Người có tâm thanh tịnh, người chẳng có vọng niệm, người ít phiền não, nghe danh hiệu của Phật, Bồ Tát, sanh tâm hoan hỷ, bèn diệt tội. Lũ bình phàm chúng ta chẳng đạt được lợi ích này vì chúng ta có quá nhiều vọng tưởng, phân biệt và chấp trước quá nhiều! Vì thế, người học Giáo thành tựu chẳng nhiều bằng người tham Thiền, càng chẳng thành tựu nhiều như người niệm Phật, nguyên nhân ở chỗ nào? Người học Giáo ưa suy nghĩ lung tung, họ phải nghiên cứu kinh điển; ở đây, đức Phật nói thế nào? Ở kia, nói như thế nào? Vị tổ sư này nói ra sao? Vị thiện tri thức nọ nói như thế nào? Suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ lung tung, quý vị ngẫm xem, làm sao tâm người ấy có thể định cho được? Phương pháp của Thiền Tông là hết thảy các duyên đều buông xuống, căn bản là chẳng cho quý vị khởi tâm động niệm. Quý vị nêu ra nghi vấn, lão hòa thượng vung hương bản đập liền. Chẳng hề trả lời, dùng hương bản để “cúng dường” nhằm trừ sạch niềm nghi vấn của quý vị, chẳng cho phép quý vị có nghi vấn! Tâm quý vị đã định, đã thanh tịnh. Phương pháp ấy trực tiếp, nhanh chóng! Giáo Hạ phải nói cả nửa ngày, có những vấn đề nói tới mấy năm vẫn chưa thể giải quyết. Chẳng giải quyết được khối nghi, người ấy sẽ chẳng buông xuống được! Hương bản của Thiền Tông giáng xuống, [khối nghi ấy] liền trừ ngay! Tịnh Tông dạy quý vị hãy buông thân, tâm, thế giới xuống, hết thảy vạn duyên đều buông xuống, một câu Di Đà niệm đến cùng, tất cả hết thảy ý niệm đều quy vào A Di Đà Phật, dùng một niệm ấy để thay thế hết thảy các vọng niệm. Cách này thuận tiện, dễ dàng hơn Thiền Tông. Do vậy, tâm thanh tịnh, ít phiền não, nghe Phật hiệu thì mới có công đức diệt tội.

          (Sao) Hà huống ức niệm.

          ()何況憶念。

          (Sao: Huống chi ức niệm).

          Nghe danh hiệu Phật, Bồ Tát được công đức to ngần ấy. Lại còn thêm “ức niệm”, đương nhiên là công đức càng to hơn nữa!

          (Sao) Ức niệm giả, thả chỉ Sự nhất tâm dã.

()憶念者,且指事一心也。

          (Sao: Ức niệm còn là nói đến Sự nhất tâm).

          “Ức niệm” hoàn toàn thuộc về sự tướng.

          (Sao) Tắc tri Sự nhất, dĩ phi ngu nhân, hà huống Lý nhất.

          ()則知事一,已非愚人,何況理一。

(Sao: Cho nên biết [người đắc] Sự nhất tâm đã chẳng phải là kẻ ngu, huống hồ [người đắc] Lý nhất tâm).

          “Ngu nhân” là người thế gian, người nào trong thế gian? Trong cái nhìn của kẻ ngu trong thế gian, kẻ ngu thấy hết thảy mọi người đều là kẻ ngu. Phật pháp thường nói: Phật thấy hết thảy chúng sanh đều là Phật, Bồ Tát thấy hết thảy chúng sanh đều là Bồ Tát. Vậy thì kẻ ngu thấy hết thảy chúng sanh đều là kẻ ngu! Trong cái nhìn của kẻ ngu, điều đó là sự thật. Chẳng phải là kẻ ngu niệm Phật, mà kẻ nói “người niệm Phật là kẻ ngu” thì mới là kẻ ngu thật sự! Người niệm Phật, bất luận là Sự niệm hay Lý niệm, đều là người có trí huệ vượt trỗi kẻ khác. Cớ sao nói là trí huệ vượt trỗi kẻ khác? Chúng ta đọc Hoa Nghiêm, mọi người hãy suy nghĩ kỹ càng, Văn Thù Bồ Tát có phải là trí huệ vượt trỗi kẻ khác hay không? Trong hết thảy các vị Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát trí huệ bậc nhất. Văn Thù Bồ Tát phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, vậy thì có thể thấy: Cầu sanh Tịnh Độ phải là người trí huệ vượt trỗi kẻ khác mới làm được! Kẻ chẳng có trí huệ vượt trỗi kẻ khác sẽ chẳng làm được! Tuy là một bà cụ già chẳng biết chữ, cũng chưa từng học hành, điều gì cũng chẳng hiểu, cụ tin tưởng niệm Phật, thật thà niệm Phật, xét theo chuyện niệm Phật, bà cụ chẳng thua kém Văn Thù Bồ Tát. Những điều khác cụ đều chẳng sánh bằng Văn Thù Bồ Tát, chỉ có chuyện niệm Phật là chẳng kém Văn Thù Bồ Tát, có trí huệ giống như Văn Thù Bồ Tát. Do đâu mà thấy vậy? Chỉ có niệm Phật được sanh về Tịnh Độ thì sẽ thành Phật ngay trong một đời; chẳng phải là bậc đại trí huệ, làm sao có thể thấu đạt cho được? Do vậy, đây là pháp môn thành Phật trong một đời, chúng ta nhất định phải biết.

          Đoạn kế tiếp hết sức quan trọng, công phu niệm Phật của chúng ta có thể đắc lực hay không, then chốt ở ngay trong đoạn khai thị ngắn ngủi này của Liên Trì đại sư.

(Sớ) Cố tri tu Tịnh nghiệp nhân, phục nghiệp dư hạnh, phi duy bất tri Lý nhất, thượng vị năng trì Sự nhất tâm cố.      

()故知修淨業人,復業餘行,非唯不知理一,尚未能持事一心故。

(Sớ: Do vậy biết: Kẻ tu Tịnh nghiệp mà còn tu học các hạnh khác, không chỉ là chẳng biết gì về Lý nhất tâm, mà còn là chưa thể hành trì Sự nhất tâm).

          Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát nói người niệm Phật kỵ nhất là xen tạp; ở đây, Liên Trì đại sư cũng nói theo cách ấy. Người tu Tịnh nghiệp “phục nghiệp dư hạnh”, “nghiệp” (業) là tu học. Hễ còn tu học những pháp khác, đó là xen tạp. Tu học như vậy, không chỉ là chẳng hiểu Lý nhất tâm, mà ngay cả Sự nhất tâm cũng không hiểu. Trong đoạn dưới đây, Liên Trì đại sư giải thích hai câu ấy.

          (Sao) Niệm niệm niệm Phật, cánh vô tạp niệm, thị danh nhất tâm.

          ()念念念佛,更無雜念,是名一心。

(Sao: Niệm nào cũng đều niệm Phật, trọn chẳng có tạp niệm, thì gọi là nhất tâm).

“Niệm Phật” quý nhất là thật thà niệm; “thật thà niệm” là chẳng có nghi vấn nào! Có người đến hỏi tôi: “Niệm Phật thì phải niệm theo cách nào? Khi nào tôi mới có thể đắc nhất tâm?” Đấy là chẳng thật thà, toàn là xen tạp vọng niệm! Quý vị cứ từng câu “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật” niệm miết là được rồi, cớ sao trong ấy còn có lắm nỗi nghi vấn dường ấy? Trong các buổi giảng, chúng tôi thường khuyên lơn, khích lệ mọi người: Niệm Phật phải là chẳng hoài nghi, chẳng xen tạp, chẳng gián đoạn, sẽ phù hợp [lời dạy] “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” của Đại Thế Chí Bồ Tát. Hoài nghi, xen tạp, tâm chẳng thanh tịnh, niệm Phật mà chẳng có công đức, gián đoạn là chẳng liên tục. Đại Thế Chí Bồ Tát dùng phương pháp này từ sơ phát tâm mãi cho đến khi thành Phật, chưa hề thay đổi. Không chỉ riêng Ngài đã thành tựu, người dùng phương pháp ấy đạt thành tựu chẳng biết là bao nhiêu! Trong chương Viên Thông, lão nhân gia đã nói: Ngài và năm mươi hai vị đồng luân (đồng luân (同倫) là kẻ chí đồng đạo hợp), đều là dùng phương pháp “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. Năm mươi hai địa vị, từ sơ phát tâm cho đến thành Phật, [bao gồm] Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác, năm mươi hai địa vị ấy, chẳng biết có bao nhiêu người, còn đông hơn số người tu các pháp môn khác rất nhiều lần. Họ đều dùng pháp môn này để thành tựu, chúng ta còn có thể hoài nghi ư?

          (Sao) Nhất tâm niệm Phật, hựu nhất tâm tu dư chủng chủng pháp môn, thị nhị tâm dã.

          ()一心念佛,又一心修餘種種法門,是二心也。

          (Sao: Đã nhất tâm niệm Phật, lại còn nhất tâm tu các thứ pháp môn khác, đó là nhị tâm).

          Nhất tâm bất loạn chẳng đạt được, đó là “nhị tâm”. Nhị tâm niệm Phật, vãng sanh khó lắm, tùy thuộc một niệm cuối cùng trong khi người ấy lâm chung. Nếu niệm cuối cùng ấy quy nhất bèn có thể vãng sanh. Nếu niệm cuối cùng ấy vẫn là nhị tâm, niệm Phật suốt đời [chỉ] là kết một thiện duyên với A Di Đà Phật trong A Lại Da Thức, trong một đời này chẳng thể vãng sanh. Chúng ta ắt phải thời thời khắc khắc dấy lòng cảnh giác chuyện này. Vì sao? Vì trong đời quá khứ, chúng ta đã đời đời kiếp kiếp niệm Phật nhưng luôn luôn là chẳng thể vãng sanh, do nguyên nhân nào? Lâm chung vẫn là nhị tâm, tam tâm nhị ý, chẳng thể vãng sanh thành công! Trong một đời này, duyên của chúng ta thù thắng, gặp được Liên Trì đại sư, được xem đoạn khai thị quý báu này của Liên Trì đại sư, chúng ta hiểu nguyên nhân khiến cho đời đời kiếp kiếp chẳng thể vãng sanh là do chuyện này. Sau khi đã hiểu rõ, từ nay trở đi, quyết định chẳng còn đi theo con đường sai lầm, nhất tâm niệm đến cùng, điều này quan trọng lắm! Quyết định chớ nên tu những pháp môn khác, Thiền cũng thế, Mật cũng thế, Giáo cũng thế. Trong Giáo có Thiên Thai, Hiền Thủ, Bát Nhã, Tam Luận, những tông phái ấy xác thực là có thể rất hấp dẫn, khiến cho chúng ta nghe, thấy, sanh tâm ngưỡng mộ, có tốt đẹp hay không? Chẳng tốt đẹp! Chúng đều có đủ sức chướng ngại chúng ta vãng sanh Tịnh Độ. Phải biết: Trong thế gian này, chúng ta khổ nạn trùng trùng. Đã thế, khổ nạn trong thế gian này mỗi năm một nhiều hơn, mỗi năm càng khổ hơn, thọ mạng của chúng ta rất hữu hạn. Nếu chẳng cầu sanh Tây Phương, đấy mới là kẻ ngu thật sự! Cổ đức nói: “Chẳng phải ngu thì là cuồng”, trước kia, thầy Lý giảng kinh Vô Lượng Thọ cũng nói theo cách ấy. Một người học Phật, chẳng biết cầu sanh Tịnh Độ, nếu chẳng phải là ngu si, thì sẽ là cuồng vọng. Nói cách khác là bất bình thường! Kẻ đầu óc sáng suốt, là người bình thường, chẳng có ai không mong mỏi cầu sanh Tịnh Độ. Vì thế, chớ nên xen tạp, hãy nên buông xuống, buông hết thảy các pháp môn xuống, hãy bỏ đi. Tuyệt đối chẳng phải là hết thảy các pháp môn không hay, chẳng phải là coi thường, mà là vì bản thân chúng ta chẳng có năng lực tu học, chờ chúng ta đến Tây Phương Cực Lạc thế giới gặp A Di Đà Phật, mong học gì cũng đều chẳng trễ, đều có thể viên mãn. Cổ đức nói: “Chỉ được thấy Di Đà, lo gì chẳng khai ngộ”. Vì thế, nay được thấy A Di Đà Phật chính là một đại sự trọng yếu nhất!

          (Sao) Phù vô tạp niệm giả, chỉ đắc Sự chi nhất tâm, kim thả vị năng, hà huống Lý nhất.

          ()夫無雜念者,止得事之一心,今且未能,何況理一。

(Sao: Phàm là chẳng có tạp niệm thì chỉ đắc Sự nhất tâm, nay còn chưa thể đắc [Sự nhất tâm], huống hồ Lý nhất tâm).

          Đây là nói về kẻ niệm Phật lại xen tạp các pháp môn khác, chẳng phải là chuyên tâm tu. [Lời Sao] chỉ rõ: Phải đạt đến “chẳng có tạp niệm” thì mới đắc Sự nhất tâm. Sự nhất tâm đã chẳng đạt được thì làm sao có thể đắc Lý nhất tâm cho được? Dưới đây là kết luận:

          (Sao) Cố niệm Phật giả, thủ chí bất nhị, vật nhân tam-muội nan thành, nhi triếp cải tu dư hạnh.

          ()故念佛者,守志不二,勿因三昧難成,而輒改修餘行。

(Sao: Vì thế, người niệm Phật hãy giữ chí hướng chẳng hai, đừng vì tam-muội khó thành liền đổi ngay sang tu các hạnh khác).

          Chúng ta nhất định  phải  ghi  nhớ  điều  này. Trong  hết  thảy  các

pháp môn, Niệm Phật xác thực là đạo dễ hành. Đạo dễ hành mà quý vị cũng chẳng thể thành tựu thì đừng trông cậy vào đạo khó hành, chẳng có phần đâu nhé! Đạo dễ hành mà chẳng thể thành tựu, bèn biết chính mình nghiệp chướng nặng nề dường ấy! Hãy nên làm như thế nào? Tiếp tục nỗ lực niệm Phật chẳng ngừng. Cổ đức dạy: Chúng sanh nghiệp chướng sâu nặng, hết thảy các kinh pháp đều chẳng thể tiêu trừ; cuối cùng, một câu Phật hiệu có thể diệt tội. Nói cách khác, quý vị niệm Phật chẳng phải là Phật hiệu không thể diệt tội, mà do quý vị tội ác quá nặng, chẳng phải là do mấy câu Phật hiệu bèn diệt được. Quý vị phải niệm chẳng ngừng, phải có tín tâm, phải có lòng kiên nhẫn, phải có cái tâm dài lâu mà niệm Phật. Niệm suốt hai ba năm, nghiệp chướng sẽ tiêu trừ. Trong hai ba năm ấy, phải trọn đủ tín tâm, có tâm nhẫn nại, có cái tâm thường hằng thì mới được. Quyết định chẳng thay đổi, biết [chính mình] nghiệp chướng quá nặng, [do niệm Phật mà] có thể tiêu trừ [tội nghiệp dần dần] trong từng niệm.

Vì thế, phải “thủ chí bất nhị” (giữ vững chí hướng chẳng hai), tức là chuyên cần tinh tấn, trong phần trước nói là “chuyên tâm, chuyên niệm”. Ngàn muôn phần đừng nghĩ: Niệm Phật chẳng đắc nhất tâm bèn thay đổi, lại đổi sang pháp môn khác, lại hành tham Thiền, lại đi học Mật, hỏng bét! [Như thế thì] suốt một đời này, chẳng thành tựu được chuyện gì cả! Dẫu chẳng đạt được, vẫn quyết định chẳng thay đổi. Chẳng thay đổi thì do công phu đã sâu, tự nhiên sẽ đạt được. Dưới đây là dẫn chứng:

          (Sao) Tiên nho hữu ngôn.

          ()先儒有言。

          (Sao: Bậc tiên nho có nói).

          Bậc đại đức Nho gia thời cổ đã nói.

(Sao) Bất khả dĩ nhân chi nan thục, nhi cam vi tha đạo chi hữu thành, thử chi vị dã.

()不可以仁之難熟,而甘為他道之有成,此之謂也。

(Sao: “Chớ nên vì lòng nhân khó thể thành tựu mà đành lòng hành theo đạo khác để có thành tựu” chính là nói về điều này vậy).

          Mạnh Tử nói lời này. Đây là tỷ dụ, ngạn ngữ thường nói: “Chỉ cần công phu sâu, chày sắt cũng mài thành kim”, cũng là nói lên ý nghĩa này. Chúng ta chẳng có thành tựu là do công phu chưa đến nơi đến chốn, còn thua kém một chút. Hãy tiếp tục nỗ lực, chẳng phải là sẽ đạt được hay sao? Thua kém một chút, chính mình thiếu lòng kiên nhẫn, buông bỏ, lại đi làm chuyện khác, sẽ trở thành chẳng có chuyện gì thành công được!

(Sớ) Hựu thử tứ tự, nhược ly hợp thích chi, tắc tương tức, cố danh nhất tâm. Tương phi, cố danh bất loạn.

()又此四字,若離合釋之,則相即,故名一心;相非,故名不亂。

(Sớ: Lại nữa, đối với bốn chữ này, nếu dùng cách tách ra hoặc gộp lại để giải thích thì do chúng chính là lẫn nhau, bèn nói là “nhất tâm”; do chẳng phải là lẫn nhau bèn gọi là “bất loạn”).

          “Ly” (離) là tách ra để nói. “Hợp” (合) là nói gộp lại. Tức là bốn chữ “nhất tâm bất loạn” có thể nói gộp lại, hoặc nói tách rời. Nói tách rời thì nhất tâm là nhất tâm, bất loạn là bất loạn. Nói gộp lại thì nhất tâm là bất loạn; bất loạn là nhất tâm. Nhưng khi tách ra thì [mỗi phần trong bốn chữ ấy] cũng có ý nghĩa riêng biệt. Tách ra thì nhất tâm là Định, bất loạn là Huệ. Vậy thì có thể nói gộp lại như thế nào? Nói thật ra, Định là Huệ, Huệ là Định. Do vậy, có thể gộp lại để nói, mà cũng có thể nói tách ra. Dưới đây, lời Sao sẽ giảng về ý nghĩa “tương tức, tương phi”.

          (Sao) Tương tức giả, tức Không, tức Giả, tức Trung.

          ()相即者,即空即假即中。

          (Sao: “Chính là lẫn nhau” là tức Không, tức Giả, tức Trung).

          Giải thích nhất tâm. Trong phần trên đã nói: “Tương tức, cố danh nhất tâm” (Chính là lẫn nhau, nên gọi là nhất tâm). Hình trạng của Tương Tức là gì? Ở đây nói rõ hình tướng của Tương Tức chính là “tức Không, tức Giả, tức Trung”. Đấy chính là Tam Quán nói theo tông Thiên Thai. Nhất Tâm Tam Quán, Không, Giả, Trung đồng thời, chẳng có trước hay sau, chẳng có thứ tự.

          (Sao) Tắc như tiền sở minh.

          ()則如前所明。

          (Sao: Như đã nói trong phần trước).

          Như trong phần trước đã nói.

          (Sao) Thử năng niệm, sở niệm, tức hữu nhi vô, tức vô nhi hữu, nhị biên phả đắc, trung diệc bất tồn.

()此能念所念,即有而無,即無而有,二邊叵得,中亦不存。

(Sao: Năng niệm và sở niệm chính là hữu mà vô, tuy vô mà hữu, hai bên đều chẳng đạt được thì cái chính giữa cũng chẳng tồn tại).

           “Năng niệm” (Chủ thể niệm Phật) là cái tâm linh minh giác tri của chúng ta. “Sở niệm” (Đối tượng được niệm) là câu danh hiệu A Di Đà Phật, chúng ta thường nói là “sáu chữ hồng danh”. Đối với Năng Niệm và Sở Niệm, Năng và Sở là một, không hai. Năng Niệm là giác tri, Sở Niệm là lý thể. Năng Niệm và Sở Niệm, “tức hữu nhi vô, tức vô nhi hữu, nhị biên phả đắc, trung diệc bất tồn” (chính là hữu mà vô, tuy vô mà hữu, hai bên đều chẳng đạt được, cái chính giữa cũng chẳng tồn tại). Khi chúng ta bắt đầu niệm, bèn có Năng Niệm và Sở Niệm, Năng và Sở rạch ròi, phân minh, tức là chưa đắc nhất tâm, vừa mới khởi đầu. Khi đã niệm lâu ngày, thường nói là “niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”, tự nhiên người ấy đạt đến cảnh giới này. Cảnh giới này chính là cảnh giới nhất tâm. Do vậy, chỉ cần một mực niệm mãi, chuyện gì cũng chẳng cần hỏi đến, sẽ đạt được cảnh giới này rất nhanh. Nếu vừa niệm, vừa thường hoài nghi, thường thắc mắc, thường muốn truy tìm tận cùng nguồn cội, suốt một đời này chẳng thể đạt tới cảnh giới này! Do nguyên nhân nào? Chính là vì xen tạp như trong phần trước đã nói! Quý vị xen tạp, tức là đã xen lẫn hoài nghi, xen lẫn vọng tưởng, chẳng dễ gì đắc [nhất tâm]. Điều khẩn yếu là nhất tâm niệm đến cùng, chuyện gì cũng đừng hỏi tới!

(Sao) Tam Đức hồn nhiên, bất khả phân biệt, thị danh nhất tâm.

(Diễn) Tương Tức hạ thập nhất cú, thích Tương Tức, danh nhất tâm.

            ()三德渾然,不可分別,是名一心。

()相即下十一句,釋相即,名一心。

(Sao: Tam Đức hòa quyện trọn vẹn với nhau, chẳng thể phân biệt, nên gọi là nhất tâm.

          Diễn: Mười một câu từ chữ Tương Tức trở đi nhằm giải thích: “Tương tức được gọi là nhất tâm”).

          Hai câu Sao trên đây nhằm giải thích lời Sớ “Tương Tức, danh nhất tâm” (chính là lẫn nhau, nên gọi là nhất tâm).

          (Diễn) Tức hữu nhi vô giả, duyên khởi tức Tánh Không cố. Tức vô nhi hữu giả, Tánh Không tức duyên khởi cố.

          ()即有而無者,緣起即性空故;即無而有者,性空即緣起故。

(Diễn: “Chính là hữu mà vô”: Duyên khởi chính là Tánh Không. “Tuy vô mà hữu”: Tánh Không chính là duyên khởi).

          Bản thể của hết thảy muôn hình tướng chính là Không. Tâm Kinh nói: “Sắc chính là Không, Không chính là Sắc, Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc” là nói đến chuyện này. Hoàn toàn nói về chân tướng sự thật, nhưng phàm phu chúng ta chẳng thấy. Vì sao chẳng thấy? Vì quý vị có phân biệt, có chấp trước, ngỡ huyễn tướng là chân thật, chẳng biết bản thể của hết thảy các tướng chính là Không, chẳng biết, cứ ngỡ chúng có thật. Vì thế, ở trong ấy bèn sanh khởi vọng niệm, sanh khởi phiền não. Đối với hết thảy các pháp, trước hết là có cái tâm phân biệt, kế đó là cái tâm lấy bỏ, nay chúng ta nói là “dục vọng chiếm hữu”. Dục vọng chiếm hữu là cái tâm lấy bỏ, phiền não bèn sanh khởi. Tướng là hư vọng, quý vị sanh phiền não cũng là hư vọng, há có phải là thật sự tồn tại! Thảy đều là hư vọng, quyết định chẳng phải là sự thật. Bởi lẽ, bản thể của chúng chính là Không, Hữu chính là Không. Chính là Vô mà Hữu, chính là Hữu mà Vô. “Tức hữu nhi vô” là nói bản thể của hết thảy muôn vàn hình tướng chính là Không. “Tức vô nhi hữu”: Không chẳng phải là Sắc hay sao? Tánh Không chính là duyên khởi. Do vậy, chớ nên hiểu Không là chẳng có gì hết! Tâm Kinh đã nói rõ chân tướng sự thật này, nó chẳng phải là không có gì, nó có thể biến hiện hết thảy muôn tướng.

(Diễn) Nhị biên phả đắc nhị cú, hỗ đoạt lưỡng vong, duyên khởi, Tánh Không ký câu bất khả đắc,  tắc phi duyên khởi Tánh  Không  chi

Trung Đạo diệc bất tồn cố.

          ()二邊叵得二句,互奪兩亡,緣起性空既俱不可得,則非緣起性空之中道亦不存故。

(Diễn: Hai câu “hai bên đều chẳng thể được” [ý nói]: Do chúng đoạt lẫn nhau, hai bên (Vô và Hữu) cùng mất, duyên khởi lẫn Tánh Không đã đều chẳng thể được thì Trung Đạo vốn chẳng phải là duyên khởi lẫn Tánh Không cũng chẳng tồn tại).

          Hai bên Không và Hữu đều chẳng thể được. Duyên khởi là Tánh Không, duyên khởi chẳng thể được. Tánh Không là duyên khởi, Tánh Không chẳng thể được, đấy mới là chân tướng sự thật. Đó gọi là “nhị biên bất trụ, Trung Đạo bất tồn” (hai bên đều chẳng trụ, Trung Đạo chẳng tồn tại), tâm thanh tịnh lắm! Đấy chẳng phải là Sự nhất tâm, mà là Lý nhất tâm, thật sự thanh tịnh.

          (Diễn) Tam Đức hồn nhiên, bất khả phân biệt giả.

          ()三德渾然,不可分別者。

          (Diễn: Tam Đức hòa quyện trọn vẹn với nhau, chẳng thể phân biệt).

           Tam Đức là Pháp Thân, Bát Nhã, và Giải Thoát, đức Phật đã nói những điều này. Trong Chân Như bản tánh của chúng ta vốn trọn đủ ba tác dụng ấy. Triết học hiện thời gọi Pháp Thân là “bản thể của vạn hữu trong vũ trụ”, sâm la vạn tượng trong mười pháp giới do nó biến hiện. Vì thế, nó là cái “thân” của hết thảy vạn pháp, hết thảy vạn pháp sanh từ nó, nên gọi là Pháp Thân. Tự tánh của chúng ta vốn sẵn trọn đủ. Bát Nhã là hiểu rõ. Vốn hiểu rõ sâm la vạn tượng trong mười pháp giới, vốn hiểu rõ ràng. Giải Thoát là tự tại, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, vốn là như vậy. Nay chúng ta chẳng hiểu rõ hết thảy; chẳng hiểu rõ là vô minh, đã hiểu rõ bèn gọi là Bát Nhã. Nay chúng ta chẳng được tự tại, Lý lẫn Sự đều bị trở ngại, giữa Sự với nhau càng bị trở ngại. Vốn chẳng có trở ngại, mà nay đã biến thành vô lượng vô biên trở ngại, do đâu mà ra? Đều do mê mất tự tánh. Tất cả hết thảy chướng ngại và khổ nạn đều sanh từ vọng tưởng, chấp trước. Vọng tưởng diễn biến thành Sở Tri Chướng, chấp trước diễn biến thành Phiền Não Chướng, đó là cội nguồn của hai chướng. Vốn là Sự Sự vô ngại, vốn là hết thảy hiểu rõ. Giáo học trong Phật pháp chẳng có gì khác, không gì chẳng nhằm khôi phục bản năng sẵn có nơi Tánh Đức của chúng ta mà thôi. Pháp Thân Đức hiện tiền, quý vị sẽ có thể tùy loại hóa thân. Đấy là bản năng, tức là năng lực vốn có. Như chư Phật, Bồ Tát hóa độ chúng sanh trong mười pháp giới, đáng nên dùng thân gì để độ bèn hiện thân ấy, năng lực ấy do đâu mà có? Bản năng (năng lực vốn sẵn có)! Tức là bản năng của Pháp Thân. Hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian đều hiểu rõ, thông đạt hết thảy, đó là Bát Nhã nơi bản năng. Đắc đại tự tại trong hết thảy các pháp chính là Giải Thoát vốn có trong bản tánh. Mục đích giáo học của Phật pháp là ở chỗ này, nhằm khôi phục bản năng của chính chúng ta mà thôi. “Tam Đức hồn nhiên, bất khả phân biệt” (Tam Đức hòa quyện trọn vẹn với nhau, chẳng thể phân biệt), một chính là ba, ba chính là một, tánh là một, nêu rõ: Ba thứ đức dụng của tánh là một chuyện! Chẳng thể nói chúng là ba, chúng là một Thể trọn đủ [ba tác dụng], mà cũng chẳng thể nói chúng là một, đích xác là có ba tác dụng. Vì thế, nói là ba bèn chẳng đúng, nói là một cũng sai luôn! Nếu quý vị đã hiểu rõ thì nói là ba cũng đúng, nói là một cũng đúng. Hễ chấp trước bèn sai; không chấp trước, nói kiểu nào cũng đúng!

          (Diễn) Hữu tức vạn pháp tề chương, thuộc Giải Thoát Đức.

          ()有即萬法齊彰,屬解脫德。

(Diễn: Hữu chính là muôn pháp cùng hiện bày, thuộc về Giải Thoát Đức).

 “Chương” (彰) là biến hiện rõ rệt, sâm la vạn tượng rành rành. Đó là Hữu, thuộc về Giải Thoát Đức.

          (Diễn) Vô tức nhất trần bất lập, thuộc Bát Nhã Đức.

          ()無即一塵不立,屬般若德。

(Diễn: Vô chính là chẳng lập mảy trần, thuộc về Bát Nhã Đức).

           “Vô” là nói theo tánh. “Hữu” là nói theo tướng. Nói theo tánh, xác thực là chẳng lập mảy trần, trong chân tánh chẳng lập mảy trần.

          (Diễn) Trung tức Không Hữu nan tư, thuộc Pháp Thân Đức.

          ()中即空有難思,屬法身德。

(Diễn: Trung chính là Không lẫn Hữu khó nghĩ tưởng, thuộc về Pháp Thân Đức).

          Chẳng thể nghĩ bàn, biến hiện tự tại.

(Diễn) Tức hữu nhi vô, Giải Thoát tức Bát Nhã. Tức vô nhi hữu, Bát Nhã tức Giải Thoát. Nhị biên phả đắc, Bát Nhã Giải Thoát tức Pháp Thân. Trung diệc bất tồn, Pháp Thân tức Bát Nhã, Giải Thoát. Cử nhất tức tam, ngôn tam tức nhất.

()即有而無,解脫即般若;即無而有,般若即解脫;二邊叵得,般若解脫即法身;中亦不存,法身即般若解脫。舉一即三,言三即一。

(Diễn: “Chính là Hữu mà Vô”: Giải Thoát chính là Bát Nhã. “Chính là Vô mà Hữu”: Bát Nhã tức là Giải Thoát. “Hai bên đều chẳng thể được”: Bát Nhã và Giải Thoát chính là Pháp Thân. “Cái chính giữa cũng chẳng tồn tại”: Pháp Thân tức Bát Nhã và Giải Thoát. Nêu ra một bèn chính là ba; nói ba chính là một).

           Tam Đức hòa quyện vào nhau. Quý vị phải hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch chân tướng sự thật này, chẳng có mảy may phân biệt, chấp trước, đó là đúng. Nếu có phân biệt, chấp trước, chẳng thà không nói, chẳng thà không đọc kinh. Không đọc kinh, tâm còn thanh tịnh. Hễ đọc, đọc rồi phiền phức đầy dẫy, đọc rồi có khá nhiều tri kiến, sai lầm đặc biệt to tát! Phải biết: Đức Phật thuyết kinh chính là “nói mà chẳng nói, chẳng nói mà nói”. Vì thế, đức Phật dạy chúng ta nghe kinh, phải là “nghe mà chẳng nghe, chẳng nghe mà nghe” đó là đúng. Đấy mới là ý nghĩa của Phật, vàn muôn phần chớ nên phân biệt, chấp trước.

          “Tương tức” là ý nghĩa nhất tâm, “tương phi” là ý nghĩa bất loạn. “Tương phi, cố danh bất loạn” (chẳng phải là lẫn nhau, nên gọi là bất loạn).

          (Sao) Tương phi giả, Giả phi thị Không, Không phi thị Giả, Trung phi Giả Không.

()相非者,假非是空,空非是假,中非假空。

(Sao: “Chẳng phải là lẫn nhau”: Giả chẳng phải là Không, Không chẳng phải là Giả, Trung chẳng phải là Giả và Không).

          Giả chẳng phải là Không, Không chẳng phải là Giả, Trung chẳng phải là Giả, mà cũng chẳng phải là Không. Ba điều ấy xác thực là có định nghĩa độc lập.

          (Sao) Tắc năng niệm sở niệm song vong, thành Bát Nhã Đức.

          ()則能念所念雙亡,成般若德。

(Sao: Tức là năng niệm và sở niệm cùng mất, nên thành Bát Nhã Đức).

           Thường là trong tâm có [ý niệm] ta là năng niệm, [tức là] hôm nay ta niệm mấy vạn câu Phật hiệu, Phật hiệu là cái được ta niệm (sở niệm). Năng và Sở rành rành, Năng và Sở phân minh. Khi nào niệm Phật dẫu một ngày niệm mấy vạn câu Phật hiệu, mà có thể chẳng nghĩ ta là năng niệm, cũng chẳng nghĩ đức Phật là sở niệm, nhưng miệng niệm Phật hiệu chẳng ngớt, niệm nào cũng niệm liên tục, chẳng hề gián đoạn. Đó chính là “Năng Sở song vong” (Năng lẫn Sở cùng mất), tâm đã định. Định tâm khởi tác dụng là Bát Nhã; đó là trí huệ.

          (Sao) Năng niệm, sở niệm song lập, thành Giải Thoát Đức.

          ()能念所念雙立,成解脫德。

          (Sao: Năng niệm và sở niệm cùng lập, thành Giải Thoát Đức).

          Năng và Sở rành mạch, hết sức tự tại. Giải Thoát là tự tại, nhưng chư vị phải hiểu: Đối với ba thứ ấy, tuyệt đối chẳng phải là ta chỉ đắc một thứ trong ba thứ ấy. Chẳng có lẽ ấy! Hễ đạt được một, nhất định sẽ đạt được hai thứ kia. Ngàn muôn phần đừng nghĩ nay ta có cái Ngã năng niệm, có Phật hiệu là sở niệm (cái được niệm), rành mạch, phân minh là đã đắc Giải Thoát, chẳng có Bát Nhã, chẳng có Pháp Thân. Quý vị hiểu như vậy tức là đã hoàn toàn hiểu sai bét ý nghĩa. Vì sao? Một tức là ba, ba tức là một, vận dụng tự tại, đó là Giải Thoát, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại.

          (Sao) Câu tồn, câu mẫn, hiển hồ Trung Đạo.

          ()俱存俱泯,顯乎中道。

          (Sao: Cùng tồn tại, cùng mất đi, hiển lộ Trung Đạo).

“Câu tồn” (俱存: cùng tồn tại): Năng và Sở cùng lập là “câu tồn”. “Câu mẫn” (俱泯: cùng mất đi): Năng và Sở cùng mất là “câu mẫn”. Tồn tại và mất đi đồng thời, chẳng có trước sau, đấy mới là Trung Đạo. Tâm Kinh dạy: “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”, là đồng thời, chẳng có trước sau, Tịnh Tông bảo đó là cảnh giới Lý nhất tâm, cũng là bốn vô ngại pháp giới được nói trong kinh Hoa Nghiêm, bốn vô ngại pháp giới là đồng thời. Ở đây nói Tam Đức Bí Tạng, Bát Nhã, Pháp Thân, Giải Thoát là đồng thời.

          (Sao) Tam Đức lịch nhiên, bất khả hỗn tạp, thị danh bất loạn.

          ()三德歷然,不可混雜,是名不亂。

(Sao: Tam Đức rành rành, chẳng thể hỗn tạp, nên gọi là bất loạn).

          Trong ấy, Sự và Lý rành mạch, phân minh. Đó là “bất loạn”. Kinh Lăng Nghiêm nói “tự tánh vốn định” là Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm. Tự tánh vốn định cũng là ý nghĩa đang được nói ở đây. Đoạn này nói rất sâu, chẳng phải là nói về văn tự, mà trên thực tế là nói về cảnh giới, là cảnh giới đích thân chứng đắc bởi chư Phật và các vị đại Bồ Tát. Đại Bồ Tát tối thiểu là Sơ Trụ trong Viên Giáo hoặc Sơ Địa trong Biệt Giáo. Do thuộc vào địa vị ấy, Tịnh Tông phán định là cảnh giới Lý nhất tâm, chính là cảnh giới ấy. Qua đoạn văn này, Liên Trì đại sư đã nêu rõ giá trị và địa vị của Tịnh Tông hoàn toàn chẳng kém Thiền và Giáo. Chẳng thể nói học Thiền mà chẳng học thành công, học Giáo cũng học chẳng thể thành công, [chỉ đành]: “Ta là kẻ quá đần, nghiệp chướng quá nặng, thôi thì ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ!” Những điều được nói trong đoạn này chẳng dung nạp hạng người có tri kiến sai lầm ấy. Tịnh Tông bất luận xét theo Sự hay Lý, tuyệt đối chẳng kém Thiền hoặc Giáo, có ý nghĩa như vậy đó.

          (Sớ) Hựu thử nhất tâm bất loạn, diệc phân ngũ giáo, kim bất tự giả, dĩ chánh chỉ đốn viên cố.

          ()又此一心不亂,亦分五教,今不敘者,以正指頓圓故。

          (Sớ: Lại nữa, nhất tâm bất loạn cũng chia thành năm giáo, nay tôi chẳng trình bày, vì nhất tâm bất loạn được nói trong kinh này chính là pháp đốn viên).

          Liên Trì đại sư viết bộ Di Đà Kinh Sớ Sao này, hoàn toàn chọn lựa phương cách [chú giải kinh điển] của tông Hiền Thủ, tức là [phương thức của] tông Hoa Nghiêm. Ngài chọn lựa phương thức “thập môn khai khải” (十門開啟), tức là dùng Thập Huyền để giải thích ý nghĩa của kinh. Mục đích của Ngài hết sức hiển nhiên, chúng ta cũng phải biết bối cảnh trong thời đại ấy. Liên Trì đại sư sống vào niên hiệu Vạn Lịch nhà Minh, tức là vào những năm cuối nhà Minh. Trong xã hội thuở ấy, phong khí nhà Thiền rất mạnh mẽ, mọi người đều tham Thiền, rẻ rúng Tịnh Độ. Thuở ấy, giáo pháp Tịnh Độ bị Thiền coi thường, mà Giáo cũng coi thường. Pháp môn thù thắng như vậy bị người ta hiểu lầm, quý vị nói xem có đáng tiếc lắm hay không! Vì thế, đại sư cực lực đề xướng Tịnh Độ, phải làm như thế nào để mọi người có nhận thức mới mẻ, tái khẳng định [pháp môn ấy], Ngài bèn dùng hình thức [chú giải] kinh Hoa Nghiêm để giải thích [kinh Di Đà]. Bởi lẽ, bất luận Tông Môn hay Giáo Hạ, đều tôn Hoa Nghiêm là “vua của các kinh”, bộ Sớ Sao của đại sư hoàn toàn viết theo hình thức kinh Hoa Nghiêm, dùng kinh nghĩa trong kinh Hoa Nghiêm để giải thích. Đấy chính là đề cao kinh Di Đà, đề cao kinh này giống hệt như kinh Hoa Nghiêm. Quý vị đã coi trọng kinh Hoa Nghiêm, sẽ coi trọng kinh Di Đà; khinh thường kinh Di Đà tức là khinh thường kinh Hoa Nghiêm! Dùng phương thức ấy để nâng cao địa vị của Tịnh Tông. Đây là một phen khổ tâm của lão nhân gia, mà cũng là kiệt tác trí huệ của lão nhân gia.

          Thật ra, dùng Hoa Nghiêm ngũ giáo có thể phán thích hết thảy các giáo. Nó giống như một công thức Toán Học. Ngẫu Ích đại sư chú thích kinh, [viết thành tác phẩm] Di Đà Kinh Yếu Giải đã dùng Thiên Thai tứ giáo, Liên Trì đại sư chọn dùng Hiền Thủ ngũ giáo. Nay đại sư chẳng trình bày Ngũ Giáo cặn kẽ, vì sao chẳng nói [chi tiết]? Vì xét theo ngũ giáo, kinh này đích xác thuộc về Đốn Giáo, thuộc loại Viên Giáo. Tuy chẳng giải thích, nhưng sợ người đời sau đọc đến sẽ nẩy sanh hoài nghi, vẫn mong tra cứu tài liệu, phiền phức quá! Vì thế, tiếp đó, Ngài nói đại lược đôi chút. Trong sách Diễn Nghĩa, pháp sư Cổ Đức nói rõ ràng hơn, thuận tiện rất nhiều cho những người nghiên cứu giáo pháp như chúng ta.

          (Sao) Diệc phân ngũ giáo giả, dĩ liên phân cửu phẩm.

          ()亦分五教者,以蓮分九品。

          (Sao: Cũng chia thành năm giáo, vì chia thành chín phẩm sen).

           Đây là điều được nói trong Quán Kinh.

          (Sao) Tắc tiểu đại thiển thâm, tự hữu sai đẳng.

          ()則小大淺深,自有差等。

          (Sao: Cho nên phải có nhỏ, lớn, cạn, sâu sai khác).

           Chín phẩm, từ thượng thượng phẩm cho đến hạ hạ phẩm, có thứ tự cạn sâu phân biệt khác nhau.

          (Sao) Như Tiểu Giáo dĩ diêu tâm tạo nghiệp nhi cảm tiền cảnh vi nhất tâm.

()如小教以繇心造業而感前境為一心。

(Sao: Như Tiểu Giáo coi “do tâm tạo nghiệp mà cảm tiền cảnh” là nhất tâm)[1].

          Công phu nhất tâm có cạn hay sâu khác biệt, dùng ngũ giáo để phối hợp với [các mức độ ấy] thì có thể phù hợp khít khao.

          (Sao) Thỉ Giáo dĩ A Lại Da Thức sở biến vi nhất tâm. Chung Giáo dĩ thức cảnh như mộng, duy Như Lai Tạng vi nhất tâm. Đốn Giáo dĩ nhiễm tịnh câu mẫn vi nhất tâm. Viên Giáo dĩ tổng cai vạn hữu tức thị nhất tâm.

          ()始教以阿賴耶識所變為一心;終教以識境如夢,唯如來藏為一心;頓教以染淨俱泯為一心;圓教以總該萬有即是一心。

(Sao: Thỉ Giáo coi cái được biến bởi A Lại Da Thức là nhất tâm. Chung Giáo coi “thức cảnh như mộng, chỉ có Như Lai Tạng” là nhất tâm. Đốn Giáo coi “nhiễm và tịnh cùng mất là nhất tâm”. Viên Giáo coi “bao trùm vạn hữu” chính là nhất tâm)[2].

          Đây là nói đại lược theo ngũ giáo, xác thực là nhất tâm có [mức độ] lớn, nhỏ, sâu, cạn khác nhau. Vì thế, chúng ta nói đến nhất tâm, quý vị đắc nhất tâm loại nào? Thành Phật là thành Phật loại nào? [Xét theo] Ngũ giáo của tông Hiền Thủ, sẽ là năm loại Phật bất đồng, có Tiểu Giáo Phật, Thỉ Giáo Phật, Chung Giáo Phật, Đốn Giáo Phật, và Viên Giáo Phật, quý vị thành Phật loại nào? Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói: “Mật Tông thường nói ‘tức thân thành Phật’ (thành Phật ngay trong cái thân này), nếu có thể thành thì được, chẳng thành thì không được” Cụ Hoàng Niệm Tổ nói hay quá. Cụ là truyền nhân trong Mật Giáo, cũng là truyền nhân của Tịnh Độ Tông. Cả đời cụ, cống hiến lớn nhất đối với Tịnh Tông là viết chú giải cho kinh Vô Lượng Thọ, tổng hợp hoàn thiện những ý kiến chú giải xưa nay. Để viết chú giải [cho kinh Kim Cang], cư sĩ Giang Vị Nông đã sưu tập tài liệu, ý kiến của mấy trăm vị [chú giải trước đó] đều được thâu thập lại. Vì thế, trước đây, khi giới thiệu cùng chúng tôi, thầy Lý đã nói bộ Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của Giang cư sĩ là đại từ điển của kinh Kim Cang. Có thể nói bản chú giải kinh Vô Lượng Thọ của cụ Hoàng Niệm Tổ là đại từ điển của kinh Vô Lượng Thọ, đối với những người nghiên cứu giáo hoặc nghiên cứu bộ kinh này, đó là một tài liệu hết sức hay.

          Trong đại bối cảnh đương thời, Liên Trì đại sư đã chọn lựa [giáo nghĩa của tông] Hoa Nghiêm nhiều nhất, kế đó là Thiên Thai, Pháp Tướng Duy Thức, Bát Nhã, Tam Luận trong Giáo Hạ thảy đều trích dẫn, lại còn trích dẫn Nho gia và Đạo gia [để viết Sớ Sao. Vì thế, tác phẩm này] khó có nhất. Cuối [mỗi đoạn] còn có phần Xứng Tánh. Xứng Tánh là nói theo nhà Thiền. Có thể nói là trong bản chú giải này, Ngài đã dung hội Thiền, Giáo, Mật, Luận; pháp thế gian và xuất thế gian cũng hoàn toàn được dung hội trong Sớ Sao. Vì vậy, Ngẫu Ích đại sư khen Sớ Sao là “bác đại tinh thâm” (mênh mông, rộng lớn, tinh tường, sâu xa), bốn chữ ấy đích xác là hết sức thích hợp, chẳng khoa trương tí nào! Văn tự trong Di Đà Kinh Sớ Sao kể ra chẳng nhiều lắm, nhưng đúng là bác đại tinh thâm. Do đó, chúng ta nghiên cứu giáo, học giảng kinh, đối với những chú sớ ấy, nhất định phải nhận thức rõ ràng, sau đấy mới có thể ứng dụng chúng, sử dụng chúng rất thích đáng. Nhờ đó, trong các buổi giảng, sẽ tiện lợi rất nhiều, sẽ hữu ích rất nhiều. Quý vị chẳng biết dùng, sử dụng sai lầm, sẽ biến thành một món hổ lốn, tốn sức mà chẳng đạt được kết quả tốt đẹp, phải biết điều này. Dẫu là [khi giảng kinh, chỉ sử dụng] một bộ chú giải, ví như chúng ta giảng kinh Di Đà, chúng ta tham khảo, dựa theo bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư, khi chúng ta giảng giải kinh Di Đà vẫn phải quan sát thính chúng, xem xét căn tánh và trình độ của họ, xét trạng huống tu học thường ngày của họ [để phán đoán]: Chúng ta giảng kinh ấy, chỗ nào cần nói cặn kẽ, chỗ nào phải nói đại lược, người nghe kinh mới có thể thật sự đạt được lợi ích. Nói cách khác, toàn thể bộ Sớ Sao này đã cung cấp một tài liệu tham khảo cho chúng ta, bản thân chúng ta phải biết chọn lọc, chẳng thể hoàn toàn giảng rập khuôn theo đó. Nay ở đây chúng tôi chẳng phải là giảng kinh Di Đà, mà là giảng bộ Sớ Sao Diễn Nghĩa, cho nên giảng toàn bộ. Đó là chỗ khác biệt! Nếu giảng kinh Di Đà, sẽ chẳng thể giảng theo kiểu này! Vì thế, giảng kinh thì phải biết chọn lọc từ chú giải, chọn lọc thích đáng, người ta nghe xong, ai nấy đều được lợi ích, ai nấy đều hoan hỷ. Chọn lọc chẳng thích đáng, [thính chúng sẽ cảm thấy] “nghe những thứ ấy vô dụng, lãng phí thời gian, lãng phí tinh lực”. Đương nhiên là lần sau người ta chẳng tới nữa. Để chọn lọc đích xác thì phải có trí huệ kha khá. Điều này thuộc loại học vấn, phải biết chọn lọc!

          (Sao) Nhi Phật thuyết thử kinh, bổn vị hạ phàm chúng sanh.

()而佛說此經,本為下凡眾生。

(Sao: Nhưng đức Phật nói kinh này, vốn vì chúng sanh phàm phu hạ căn).

          Liên Trì đại sư nói câu này hay lắm! Lão nhân gia nói kiểu này hoàn toàn giống như cách nói của Thiện Đạo đại sư đời Đường trong bản chú giải kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, chúng ta phải đặc biệt coi trọng. Vì ai mà đức Phật nói kinh này? Đức Phật vì chúng ta mà nói. Chúng ta xác thực là “hạ phàm” (phàm phu hạ căn). Chẳng chiếu theo pháp môn này, sẽ khó thành tựu. Đạt Ma tổ sư truyền dạy Thiền, trong Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng đại sư đã nói rất hay, đó là vì ai mà nói? Vì kẻ thượng thượng căn mà nói; do vậy, chúng ta chẳng có phần. Chúng ta tham Thiền, đừng nói là khai ngộ, ngay cả Định cũng chẳng đắc! Không tin ư? Cứ ngồi xếp bằng nhìn vào vách để coi quý vị có thể ngồi nổi ba ngày hay không? Có thể ngồi ba ngày là tiểu định đấy nhé! Người ta hễ ngồi bèn nhập Định. Quý vị hãy xem [hành trạng của] lão hòa thượng Hư Vân. Từ Niên Phổ, chúng ta thấy Ngài nhập Định là nửa tháng hoặc một tháng, còn phải có người khác phát hiện, dùng dẫn khánh gõ bên tai Ngài mấy lượt, Ngài mới xuất Định. Người ta hỏi Ngài: “Thưa lão hòa thượng! Thời gian nhập Định của Ngài quá lâu!” “Đâu có! Tôi cảm thấy mới mười phút hoặc hai mươi phút thôi mà!” Trên thực tế đã qua nửa tháng! Có một năm, Ngài ở trên núi. Nhằm dịp Giao Thừa, Ngài nấu một nồi khoai môn. Gom lửa phía trên nồi để um khoai [cho chín kỹ], lão nhân gia ngồi cạnh bếp nhập Định. Lần ấy, Ngài nhập Định hai mươi mấy ngày, Tết đã qua từ lâu. Người ta nói: “Lão hòa thượng làm sao mà đã qua Tết lâu rồi chẳng thấy ra ngoài, chẳng thấy Ngài đâu hết”. Đến lều tranh kiếm Ngài, thấy khoai môn nấu trong nồi đã nổi đầy mốc, dưới đáy bếp lò đã mọc cỏ, lão nhân gia đang nhập Định, lại gõ khánh đánh thức Ngài. Sau khi được đánh thức, Ngài nói: “Tôi đã luộc khoai môn, hãy cùng ăn nhé”, [Ngài cảm thấy thời gian nhập Định] mới bất quá hai mươi phút. Khi Ngài mở nồi, thấy khoai [mốc meo] như vậy, người ta bảo Ngài đã hơn nửa tháng rồi! Chúng ta chẳng có cách nào [tu như vậy được]! Do vậy, Thiền là để cho người thượng thượng căn tu. Phàm phu hạ căn chúng ta chớ nên xem thường niệm Phật. Niệm Phật thành tựu vượt trỗi Ngài. Lão hòa thượng Hư Vân vãng sanh Đâu Suất Thiên Nội Viện, đến chỗ Di Lặc Bồ Tát. Nhưng phàm phu hạ căn chúng ta thì…

          (Sao) Đản niệm Phật danh.

          ()但念佛名。

          (Sao: Chỉ niệm danh hiệu Phật).

          Chúng ta sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, Tây Phương Cực Lạc thế giới thù thắng hơn Đâu Suất Thiên quá nhiều; nói thẳng thừng là [Đâu Suất Thiên] chẳng thể sánh bằng! Di Lặc Bồ Tát từ Đâu Suất Thiên đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, Ngài là học trò, có thân phận giống như chúng ta, là học trò của A Di Đà Phật. Lão hòa thượng Hư Vân đến Đâu Suất Thiên là học trò của Di Lặc Bồ Tát, chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, Di Lặc Bồ Tát và chúng ta là bạn học. Bối phận (vai vế) của chúng ta còn cao hơn lão hòa thượng Hư Vân một bậc, chúng ta và thầy Ngài có cùng bối phận! Quý vị ngẫm xem, thế giới Tây Phương thù thắng [như thế đó]. Dễ dàng sanh về! Đâu Suất Thiên tuy gần, rất khó đến, chẳng có công phu định lực như cụ Hư Vân sẽ chẳng đến đó được. Do vậy, người niệm Phật:

          (Sao) Kính đăng bất thoái, trực chí thành Phật.

          ()徑登不退,直至成佛。

          (Sao: Nhanh chóng đạt tới địa vị Bất Thoái, tiến thẳng đến địa vị Phật).

           Lại còn đến thế giới Tây Phương thành Phật hết sức nhanh chóng. Cuối bộ Sớ Sao cũng nói tới chuyện này, trích dẫn kinh văn từ Quán Kinh để nói rõ: Trong thế giới Tây Phương, thời gian để bất thoái thành Phật hết sức nhanh chóng. Thành Phật trong thế giới Sa Bà của chúng ta, mọi người đều biết, trong kinh đức Phật thường nói: Phải mất ba [đại] A-tăng-kỳ kiếp. A-tăng-kỳ kiếp là đại kiếp, ba đại A-tăng-kỳ kiếp mới có thể thành Phật. Chúng ta thường dịch A-tăng-kỳ (Asaṃkhyeya) là Vô Ương Số (無央數), là một con số quá lớn, chẳng nói rõ ràng con số ấy lớn cỡ nào! Đến thế giới Tây Phương để thành Phật, dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh cũng chẳng quá mười hai đại kiếp. Mười hai đại kiếp và ba đại A-tăng-kỳ kiếp chẳng thể so sánh được! Nói rõ: Thành Phật trong thế giới Tây Phương dễ dàng, rất nhanh chóng. Vậy thì chúng ta vãng sanh thế giới Tây Phương có phải là hạ hạ phẩm hay không? Chắc chắn là không phải! Vì sao biết là không phải? Hạ hạ phẩm là chúng sanh tạo tác tội nghiệp Ngũ Nghịch, Thập Ác cực nặng, lập tức phải đọa địa ngục A Tỳ, khi lâm chung, nghe thiện tri thức khuyến cáo, nhất niệm hồi tâm. Người như vậy niệm Phật vãng sanh thế giới Tây Phương mới là hạ hạ phẩm. Chúng ta suốt một đời này tuy tạo chẳng ít tội nghiệp, vẫn chưa tạo tội nghiệp nặng nề dường ấy. Nói cách khác, không vãng sanh thì thôi, hễ vãng sanh, quyết định chẳng phải là hạ hạ phẩm, đại khái là hạ phẩm thượng sanh. Hạ phẩm trung sanh thì sao? Sáu kiếp đã thành Phật, thật mau! Nếu là hạ phẩm thượng sanh, hoặc là trung phẩm hạ sanh, tốc độ còn nhanh hơn nữa! Các thế giới phương khác chẳng có cách nào sánh bằng!

          Trong kinh này, Thích Ca Mâu Ni Phật bảo: “Ngã kiến thị lợi” (Ta thấy điều lợi này), “ngã” là Thích Ca Mâu Ni Phật tự xưng. Đức Phật nói ta thấy lợi ích thù thắng dường ấy, trong hết thảy các cõi Phật khắp mười phương thế giới, chẳng có lợi ích ấy, há có cõi nào nhanh chóng ngần ấy? Vì thế, thượng thượng phẩm vãng sanh, vừa sanh về đó bèn là hoa nở thấy Phật. Nói cách khác, đến thế giới Tây Phương bèn thành Phật. Vì lẽ này, Văn Thù và Phổ Hiền phải gấp rút vãng sanh, vì sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới, những vị đại Bồ Tát như các Ngài sanh về đó, đương nhiên là thượng thượng phẩm vãng sanh trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm, đến đó bèn thành Phật. Nếu các Ngài chẳng về đó, ở trong thế giới Hoa Tạng, vẫn phải chờ một khoảng thời gian khá dài mới có thể thành Phật, đâu có nhanh chóng, thuận tiện ngần ấy như trong thế giới Tây Phương? Đối với những đoạn kinh văn nói rành mạch, rõ ràng như thế, khi đọc, chúng ta phải lưu ý, chớ nên hàm hồ, lơ mơ, coi thường, xem lướt qua, rất đáng tiếc. Vì sao tín tâm của chúng ta chẳng thể tăng trưởng? Đọc kinh quá đỗi qua quít, chẳng thấy được những điều trọng yếu. [Những điểm trọng yếu] bày ra ngay trước mắt, miệng đọc [ào ào] mà vẫn chẳng giác ngộ, quý vị nói xem có cách gì nữa chăng? Bảo là ngu si thì đúng là ngu si! Bày ra ngay trước mặt mà chẳng thấy; do vậy, nhất định phải hiểu!

          Câu nào của tổ sư cũng đều có căn cứ trong ba kinh Tịnh Độ, chẳng vượt ra ngoài ba kinh, ba kinh quyết định là đáng tin cậy. Hiện thời có kẻ đơm đặt, bảo kinh A Di Đà là giả, là do con người ngụy tạo. Nghe nói lập luận này từ Nhật Bản truyền tới, bịa đặt đồn thổi, phá hoại Tịnh Độ. Chúng ta quyết định đừng nên nghe theo, tin tưởng lời đồn. Để chứng minh kinh này quyết định là đáng tin cậy, quyết định là chân thật, có thể nhờ vào thầy trò Huyền Trang đại sư để chứng minh. Người phiên dịch bộ kinh này là La Thập đại sư, thuộc thời đại Diêu Tần, người Hoa gọi thời kỳ đó là Nam Bắc Triều[3]. Huyền Trang đại sư là người đời Đường, hai vị đại sư cách nhau một khoảng thời gian mấy trăm năm. Tại Ấn Độ, Huyền Trang đại sư thấy nguyên văn kinh A Di Đà bằng tiếng Phạn, có thể thấy là kinh này chẳng giả. Ngài còn đem về [Trung Hoa], dịch thành bản mới một lần nữa. Tuy Ngài có phiên dịch, đồ đệ của Ngài là Khuy Cơ đại sư soạn chú giải cho kinh Di Đà, vẫn chọn bản của ngài La Thập, chẳng dùng bản dịch của thầy mình. Quý vị xem A Di Đà Kinh Thông Tán Sớ do Khuy Cơ đại sư soạn nhằm chú giải kinh Di Đà, [sẽ thấy] Ngài đã chọn lựa bản chúng ta đang đọc. Nói cách khác, thầy trò Ngài đều thừa nhận bản dịch này hay lắm. Cho nên ngài Khuy Cơ mới soạn chú giải; [tức là công nhận ngài La Thập] dịch khá lắm, chứng tỏ bản này là thật, quyết định chẳng giả, chẳng do người ta ngụy tạo. Do vậy, chúng ta nhất định phải tin tưởng Tịnh Độ Tam Kinh, nhất định phải tin tưởng Tịnh Độ Ngũ Kinh, quyết định chớ nên hoài nghi, phỏng theo kiểu nói của Cơ Đốc Giáo sẽ là “hễ tin bèn có phước”. Đúng là có phước, y giáo phụng hành, chẳng có ai không thành tựu. Vì lẽ đó, “kính đăng Bất Thoái, trực chí thành Phật”.

            (Sao) Chánh thuộc viên đốn.

          ()正屬圓頓。

(Sao: Thật sự thuộc về pháp viên đốn).

          Xét theo sự phán định và phân biệt theo ngũ giáo, xác thực là thuộc loại Đốn Giáo. “Đốn” (頓) là nhanh chóng, chẳng có gì nhanh hơn. “Viên” (圓) là viên mãn, mảy may khiếm khuyết đều chẳng có. Hôm nay chúng tôi giảng tới chỗ này.

[1] Câu này được sách Diễn Nghĩa giảng tường tận hơn như sau: “Tiểu Giáo chẳng biết đến tám thức. Do sáu thức tạo tác các nghiệp thiện ác, cảm thành các cảnh khổ vui trong ba cõi, sáu đường. Vì thế nói là nhất tâm. Đấy là giả danh nhất tâm, chẳng phải là nhất tâm thật sự, do chẳng thấu đạt lý duy tâm, [nên cho rằng] ngoài tâm thật sự có tiền cảnh”. Xin nói thêm “tiền cảnh” (前境) là thuật ngữ để chỉ cảnh được nhận biết bởi tâm thức.

[2] Sách Diễn Nghĩa giảng đoạn này như sau:

“Thỉ Giáo biết có tám thức, nhưng chẳng biết tám thức chính là Chân Như. Bởi họ thấy Chân Như là ngưng lặng, bất biến, chẳng tùy duyên, còn tám thức là sanh diệt, chứa đựng các thứ được biến hiện hữu lậu và vô lậu; như nói: ‘Các cõi từ vô thỉ mà có, là chỗ nương tựa bình đẳng của hết thảy các pháp, do vậy mà có các đường (lục đạo) và chứng đắc Niết Bàn…’ Đấy là coi tám thức sanh diệt là nhất tâm.

Chung Giáo thấu hiểu tám thức, tức Chân Như tùy duyên chính là A Lại Da Thức. Thức như huyễn mộng, chỉ là một Chân Như. Đấy chính là coi Như Lai Tạng là nhất tâm vậy.

Đốn Giáo coi ‘nhiễm và tịnh cùng mất’ là nhất tâm: Nhiễm chính là sáu thức, và tám thức sanh diệt v.v… Tịnh chính là Như Lai Tạng. Do Chung Giáo đã quy [tất cả các thức] vào Như Lai Tạng, tuy nói là ‘tịnh đến tột cùng’, nhưng vẫn thấy có Như Lai Tạng tồn tại, vẫn là chưa ly niệm. Trong giáo này (Đốn Giáo), năm pháp, ba tự tánh đều Không, tám thức, hai vô ngã cùng mất, một niệm chẳng sanh thì mới là nhất tâm.

Viên Giáo coi ‘bao trùm trọn khắp vạn hữu là nhất tâm’: Trong bốn giáo trước thì giáo trước nông cạn, giáo sau sâu xa, nhưng chẳng dung nhiếp lẫn nhau, nay Viên Giáo dung thông, chứa đựng trọn khắp, trùng trùng vô tận, tùy tiện nêu ra một trần, phô bày trọn vẹn pháp giới. Do đó, bao trùm trọn khắp vạn hữu là nhất tâm vậy”.

[3] Nam Bắc Triều là một giai đoạn rối ren nhất trong lịch sử Trung Hoa kéo dài từ năm 420 đến năm 589, và chỉ kết thúc khi Dương Kiên (tức Tùy Văn Đế, vua sáng lập nhà Tùy) diệt các nước, thống nhất Trung Hoa. Trong giai đoạn này, các lãnh chúa quân phiệt, tướng lãnh nổi lên chiếm đất xưng đế, chia nhỏ Trung Hoa thành nhiều quốc gia, chiến tranh liên miên. Gọi là Nam Bắc Triều vì Nam và Bắc Trung Hoa lần lượt thuộc những triều đại khác nhau, thường xuyên tấn công lẫn nhau. Bắc Triều gồm Bắc Ngụy, Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Tề và Bắc Châu. Nam Triều gồm Tống, Tề, Lương và Trần. Thật ra, nhà Diêu Tần thuộc thời kỳ Ngũ Hồ Thập Lục Quốc (304-439), tức giai đoạn các sắc dân du mục tràn vào Trung Hoa thành lập các vương triều khi nhà Đông Tấn suy vi. Sở dĩ nói nhà Hậu Tần thuộc vào giai đoạn Thập Lục Quốc vì nhà Hậu Tần (Diêu Tần) thành lập vào năm 384 và bị nhà Đông Tấn tiêu diệt năm 417 (tức là ba năm trước khi giai đoạn Nam Bắc Triều bắt đầu). Nói là Thập Lục Quốc, tức là chỉ kể những nước chánh yếu trong giai đoạn đó, gồm mười sáu nước. Để dễ nhớ, người ta hay nói như thế này: “Ngũ Lương, Tứ Yên, Tam Tần, Nhị Triệu, Thành Hán, Hồ Hạ, cộng vi thập lục” (Năm nước Lương, bốn nước Yên, ba nước Tần, hai nước Triệu, nhà Thành Hán và Hồ Hạ cộng thành mười sáu). Năm nước Lương là Tiền Lương (do Trương Thật người Hán sáng lập), Hậu Lương (do Lữ Quang thuộc sắc dân Đê sáng lập), Nam Lương (do Thốc Phát Ô Cô sắc dân Tiên Ty sáng lập), Tây Lương (do Lý Cảo sắc dân Hán sáng lập) và Bắc Lương (do Đoàn Nghiệp thuộc sắc dân Lô Thủy Hồ sáng lập). Tứ Yên là Tiền Yên (do Mộ Dung Hoảng sắc dân Tiên Ty sáng lập), Hậu Yên (do Mộ Dung Thùy sắc dân Tiên Ty sáng lập), Nam Yên (do Mộ Dung Đức sắc dân Tiên Ty sáng lập), và Bắc Yên (do Mộ Dung Vân sáng lập). Tam Tần là Tiền Tần (còn gọi là Phù Tần, do Phù Kiên thuộc sắc dân Đê sáng lập), Hậu Tần (còn gọi là Diêu Tần, do Diêu Trành thuộc sắc dân Khương sáng lập), và Tây Tần (do Khất Phục Quốc Nhân thuộc sắc dân Tiên Ty sáng lập). Nhị Triệu là Tiền Triệu (của sắc dân Hung Nô, do Lưu Uyên sáng lập) và Hậu Triệu (do Thạch Lặc thuộc sắc dân Yết sáng lập). Thành Hán (do Lý Hùng, sắc dân Đê sáng lập), Hồ Hạ (do Hách Liên Bột Bột thuộc sắc dân Hung Nô sáng lập). Đó là chưa kể nhà Đông Tấn và các vương triều nhỏ hơn của các sắc dân khác (không gây ảnh hưởng to lớn trong lịch sử Trung Hoa) như Tiền Cừu Trì, Hậu Cừu Trì, Đãng Xương, Đặng Chí, Nhiễm Ngụy, Tiều Thục, Hoàn Sở, Trác Ngụy, Đại, Tây Yên, Vũ Văn Bộ, Đoàn Bộ v.v…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *