#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 103
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm chín mươi bốn:
(Sao) Lược chương giả, ngôn bất tận ý, cố vân lược dã.
(鈔) 略彰者,言不盡意,故云略也。
(Sao: “Trình bày đại lược”: Nói chẳng hết ý, nên bảo là “đại lược”).
Đây là một đoạn ngắn đã được giảng trong lần trước, nhằm giải thích Văn Tự Bát Nhã.
(Sao) Lục chủng thành tựu, phân hợp nhị khoa giả.
(鈔) 六種成就,分合二科者。
(Sao: Sáu thứ thành tựu được chia ra, và gộp lại thành hai khoa).
Có những bản [chú giải] kinh, sáu thứ thành tựu được chia thành sáu khoa, chia rất tỉ mỉ. Ở đây, Liên Trì đại sư chia khá đơn giản, gộp năm thứ thành tựu đầu thành một khoa, xếp Chúng Thành Tựu thành riêng một khoa, [do vậy, sáu thứ thành tựu được] chia làm hai khoa. “Khai hợp” (tức chữ “phân hợp” được dùng trong lời Sao), “khai” là triển khai, “hợp” là quy nạp; trong kinh Phật có rất nhiều lề lối như vậy.
(Sao) Lệ như Ngũ Uẩn, Lục Căn, hoặc hợp Sắc khai Tâm, hoặc hợp Tâm khai Sắc, tùy kỳ sở nghi, vô định pháp dã.
(鈔)例如五蘊六根,或合色開心,或合心開色,隨其所宜,無定法也。
(Sao: Ví dụ như Ngũ Uẩn và Lục Căn thì Ngũ Uẩn là gộp Sắc, tách Tâm [thành nhiều thành phần khác nhau], hoặc [như trong trường hợp Lục Căn] thì gộp Tâm, chia chẻ Sắc [thành năm căn riêng biệt], tùy thuận cơ nghi, chẳng có pháp nhất định).
Đây là nêu thí dụ. Trong kinh điển nhà Phật và các bản chú giải của cổ đức, những trường hợp như vậy rất nhiều, trong tương lai chư vị đều có thể thấy được. Ngũ Uẩn là năm pháp Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Gộp lại, chẳng hạn như “hợp Sắc khai Tâm”, Sắc chỉ nói một thứ, tức là quy nạp hết thảy các Sắc pháp thành một, nói triển khai Tâm pháp thành bốn thứ. Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều là Tâm pháp; đó là “hợp Sắc khai Tâm”. Lục Căn là “hợp Tâm khai Sắc”, Nhãn Căn, Nhĩ Căn, Tỵ Căn, Thiệt Căn, Thân Căn đều là Sắc, chỉ có Ý Căn là Tâm; Tâm pháp nói một thứ, Sắc pháp nói năm thứ. “Hợp” là quy nạp, “khai” là triển khai. Vì thế, thuyết pháp chẳng nhất định; nhưng lúc nói luôn có một nguyên tắc. Vì sao có lúc đức Phật nói Ngũ Uẩn? Có lúc nói Lục Căn? Do đối tượng (thính chúng) khác nhau. Nếu đối phương mê Sắc pháp rất sâu, mê Tâm pháp cạn hơn, bèn đối với điều mê sâu mà nói cặn kẽ, đối với điều mê cạn bèn nói đại lược. Có khi nói nhiều về Tâm pháp, như Ngũ Uẩn là để nói với kẻ mê tâm nặng nề! Nói Lục Căn là đối với kẻ mê sắc nặng hơn một chút, tức là nói với kẻ mê sắc tướng nặng nề. Nếu Sắc lẫn Tâm đều mê nặng nề, đức Phật bèn giảng Thập Nhị Xứ, hoặc Thập Bát Giới. Trong Thập Bát Giới, Sắc pháp được nói rất nhiều, đến mười một thứ: Lục Trần (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp) là sáu Sắc pháp, trong Lục Căn, trừ Ý Căn thuộc Tâm pháp ra, năm thứ còn lại là Sắc pháp; [do vậy] sáu cộng thêm năm thành mười một thứ, tức là nói đến mười một thứ Sắc pháp. Lục Thức là Tâm pháp, lại còn có Ý Căn. Vì thế, nói đến bảy thứ Tâm pháp, [hợp với mười một món Sắc pháp] thành Thập Bát Giới. Đối với kẻ Sắc và Tâm đều mê sâu đậm, đức Phật thuyết pháp như vậy. Do điều này, ta biết đức Phật chẳng có cách nói nhất định, chỉ tùy thuận nhu cầu của đối phương mà thuyết pháp cho chúng sanh. Nói thật ra, bản thân đức Phật chẳng có pháp nào để nói. Đây là một nguyên tắc trong sự thuyết pháp của đức Phật và trong cách chú giải kinh điển của cổ đức.
(Sao) Phật thị giả.
(鈔) 佛示者。
(Sao: Phật dạy).
Nhằm giải thích câu “Phật thị A Nan cố” (đức Phật dạy A Nan) [trong lời Sớ]. Lục Chủng Thành Tựu trong phần Tự [của một bản kinh] xuất phát từ lời dặn dò của đức Phật.
(Sao) Trí Luận vân: “Phật Niết Bàn thời, thị A Nan ngôn, nhất thiết kinh sơ, giai vân như thị ngã văn, nhất thời Phật tại mỗ quốc, mỗ địa”. Cái thị tôn Phật di sắc cố.
(鈔)智論云:佛涅槃時,示阿難言,一切經初,皆云如是我聞,一時佛在某國某地。蓋是尊佛遺敕故。
(Sao: Trí Độ Luận chép: “Lúc đức Phật nhập Niết Bàn, dạy ngài A Nan: – Đầu hết thảy các kinh đều ghi ta nghe như thế này, một thời đức Phật ở nước nọ, nơi nọ”. Đấy là tôn trọng di giáo của đức Phật vậy).
Lúc Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ, ngài A Nan vẫn giống như phàm phu, trong tâm vô cùng khổ sở. Ngài A Nậu Lâu Đà bảo ngài A Nan hãy thỉnh giáo đức Phật, thỉnh giáo bốn chuyện. Trong ấy có chuyện: Đầu hết thảy các kinh phải xếp đặt ra sao? Đức Phật dạy: Trước hết thảy các kinh đều phải thêm câu “tôi nghe như thế này, một thời, đức Phật ở nơi nào đó, cùng với những người nào”, thêm mấy câu ấy. Do vậy, phần Thông Tự tuân theo “di sắc” của đức Phật, tức là làm theo di giáo của đức Phật.
(Sao) “Đoạn nghi” giả, A Nan kết tập thời, chúng khởi tam nghi: Nhất, nghi Phật trùng khởi; nhị, nghi A Nan thành Phật; tam, nghi tha phương Phật lai. Kim viết “như thị ngã văn”, tam nghi đốn
thích. “Tức tránh” giả, viết “ngã văn”, tắc phi ức kiến tự tác cố.
(鈔)斷疑者,阿難結集時,眾起三疑:一、疑佛重起,二、疑阿難成佛,三、疑他方佛來。今曰如是我聞,三疑頓釋。息諍者,曰我聞,則非臆見自作故。
(Sao: “Đoạn nghi: Khi ngài A Nan kết tập, đại chúng dấy lên ba mối nghi: Một là nghi Phật trở lại, hai là nghi A Nan đã thành Phật, ba là nghi Phật từ nơi khác đến. Nay nói “ta nghe như thế”, ba mối nghi ấy nhanh chóng được cởi gỡ. “Dứt tranh cãi”: Nói “tôi nghe” [ngụ ý: Những kinh điển tôi nói đây] chẳng phải do tôi tự suy nghĩ, bịa ra).
Chẳng phải do ý tưởng của ngài A Nan, hoàn toàn là lời đức Phật đã nói, mọi người sẽ chẳng tranh chấp!
(Sao) Giản tà giả, viết “như thị”, tắc dị ngoại đạo “A Ưu” cố.
(鈔) 揀邪者,曰如是,則異外道阿憂故。
(Sao: “Phân biệt khác với tà ngoại”: Nói “như thế” nên khác với [kinh điển] của ngoại đạo dùng chữ “A Ưu”).
Phía trước kinh điển của ngoại đạo Ấn Độ có phù hiệu là từ ngữ “A Ưu” này. A là Không, Ưu là Có. Nói cách khác, [A Ưu là] hoặc Có, hoặc Không, đây là một câu nói nước đôi! Kinh Phật khác hẳn, mở đầu khác hẳn bọn họ
(Sao) Như Phật Địa Luận vân: “Như thị chi pháp, ngã tích tằng văn”, ý tỵ tăng giảm dị phân quá thất, diệc “tức tránh” nghĩa dã.
(鈔)如佛地論云:如是之法,我昔曾聞,意避增減異分過失,亦息諍義也。
(Sao: Như Phật Địa Luận đã nói: “Pháp như thế, xưa kia tôi đã từng được nghe”, [nói như vậy] nhằm tránh khuyết điểm phân tranh, biện bác “tăng, giảm, khác biệt”, cũng là ý nghĩa dứt tranh cãi vậy).
Nêu lên lệ này rất hay! Ngài A Nan kết tập di giáo của đức Phật, hoàn toàn nhắc lại lời đức Phật đã dạy trong thuở ấy, chẳng thêm, chẳng bớt, giống hệt như đức Phật đã nói khi trước. Lúc đấy, những người tham dự, đồng thời tham gia kết tập có năm trăm vị A La Hán, chẳng có ai đưa ra ý kiến phản đối thì lúc ấy mới có thể chép xuống; chắc chắn chẳng giống như chúng ta trong hiện tại, trong hội nghị chỉ cần đa số thông qua là được! Lúc kết tập kinh chẳng phải là như vậy! Hễ có một người phản đối, câu ấy không thể ghi lại, năm trăm vị A La Hán tham dự nghe xong đều gật đầu: “Chẳng sai! Đức Phật nói như thế, tôi có nghe nói”. Nếu có một ai nói: “A Nan! Tôi chưa hề nghe đức Phật nói câu ấy”, chẳng thể ghi lại [câu ấy]. Do vậy biết: Thái độ kết tập kinh điển thuở ấy vô cùng nghiêm túc, cẩn thận, nhằm giữ chữ tín với người đời sau thì hậu thế mới tôn trọng và tin tưởng kinh điển. Đấy cũng là ý nghĩa “dứt tranh luận”. Vì thế, kinh điển lưu thông, mọi người chẳng dị nghị. Dưới đây là tách ra để nghiên cứu, khảo sát từng câu một.
(Sớ) Như thị giả, Tín Thành Tựu dã.
(疏) 如是者,信成就也。
(Sớ: “Như thị” là Tín Thành Tựu).
Trong sáu thứ thành tựu, điều này thuộc về Tín Thành Tựu.
(Sớ) Như Trí Luận trung thuyết.
(疏) 如智論中說。
(Sớ: Như trong Trí Độ Luận đã nói)
Lời Sao trích dẫn Đại Trí Độ Luận. Đại Trí Độ Luận gồm một trăm quyển, do Long Thọ Bồ Tát trước tác. Bộ luận này giải thích Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh[1], chúng ta thường gọi kinh ấy là kinh Đại Bát Nhã. Kinh Đại Bát Nhã có tất cả ba mươi quyển. Long Thọ Bồ Tát soạn chú giải tới bao nhiêu quyển? Bản gốc bằng tiếng Phạn gồm một ngàn quyển. Một ngàn quyển chú giải để giải thích ba mươi quyển kinh văn, giải thích vô cùng tỉ mỉ. Đại Trí Độ Luận đã dành ra từ ba quyển rưỡi đến bốn quyển để giải thích bốn chữ “như thị ngã văn”. Thuở ban đầu, khi tôi đọc Đại Trí Độ Luận mới thật sự cảm nhận nghĩa vị trong kinh Phật chẳng cùng tận. Giải thích bốn chữ mà đã nghiễm nhiên gần tới bốn quyển kinh văn!
Bộ luận này do Huyền Trang đại sư mang từ Ấn Độ về, dịch ra. Do người Hoa chuộng đơn giản, nếu dịch thành một ngàn quyển, sợ chẳng có ai xem. Vừa nhìn thấy nhiều như thế, họ sẽ không đọc! Do vậy, Ngài cô đọng, rút gọn thành một trăm quyển; nói cách khác là một phần mười. Cách dịch ra sao? Phần đầu tiên hoàn toàn dịch đúng theo nguyên văn trong bộ luận, tổng cộng ba mươi bốn quyển, đó là phần đầu. Mỗi phần sau đó đều dịch đại ý, nêu ra những điểm quan trọng, chẳng dịch hoàn toàn. Vì thế, quý vị muốn đọc nguyên bản chú giải của Long Thọ Bồ Tát thì đọc ba mươi bốn quyển đầu, đó là phần đầu bộ chú giải. Do vậy biết: Chú sớ kinh Phật thì phải chú giải tỉ mỉ, nghĩa thú chẳng thể nói trọn. Đây là trích dẫn mấy câu trong Đại Trí Độ Luận để nói, mấy câu quan trọng nhất [nói về] Tín Thành Tựu.
(Sớ) Hựu nhị tự phục vi nhị nghĩa, hữu đa chủng giải. Nhược dĩ Tông giản định, ước đương Tông, tắc nhất tâm bất loạn viết Như, duy thử vô phi viết Thị.
(疏)又二字復為二義,有多種解。若以宗揀定,約當宗,則一心不亂曰如,唯此無非曰是。
(Sớ: Lại nữa, hai chữ [Như Thị] ấy lại có hai nghĩa, có nhiều cách giảng giải. Nếu dùng Tông [do chính mình đang tu học] để biện định, xét theo Tịnh Độ Tông, nhất tâm bất loạn là Như, chỉ có điều này không sai là Thị).
“Dĩ Tông giản định”: Tông ở đây là “bổn Tông” (tông ta đang tu học). Vì một câu kinh văn có rất nhiều ý nghĩa, chúng ta tu học tông nào sẽ có cách giảng giải theo tông đó. Như vậy thì đối với nhiều loại chú giải, chúng ta sẽ có một tiêu chuẩn lấy hay bỏ. Cũng giống như vậy, đối với “như thị ngã văn”, Thiền Tông có cách giảng của Thiền Tông, cách giảng của Thiền Tông và Tịnh Độ Tông hoàn toàn khác nhau, có thể nói là trái ngược nhau. Do vậy, nếu chẳng hiểu rõ, đọc bản chú giải này, cách giảng của hai người [tu theo hai tông phái khác nhau] sẽ hoàn toàn khác nhau, xung đột, mâu thuẫn lẫn nhau. Thật ra, chẳng phải vậy! Mỗi tông có phương pháp tu hành riêng, cho nên giảng giải ý nghĩa khác nhau.
“Đương Tông” tức là Tịnh Độ Tông của chúng ta, niệm Phật. Cách giảng của Tịnh Độ Tông là dùng hai câu đơn giản, rõ ràng để giảng rành rẽ hai chữ “như thị”: Nhất tâm bất loạn là Như. “Duy thử vô phi” (chỉ có điều này không sai), quyết định chẳng sai, đó là Thị. Dùng ngay ý nghĩa trong kinh văn [kinh Di Đà]! Nói thật ra, hai câu trọng yếu nhất trong cả bộ kinh A Di Đà là “nhất tâm bất loạn, tâm bất điên đảo”. Chúng ta học Phật, nếu muốn quyết định thành tựu trong một đời này, quý vị tuân thủ hai câu ấy là được rồi! Phải học hai câu ấy sao cho chúng thật sự hòa nhập thành một khối với tư tưởng, hành vi, và cuộc sống của chính mình thì mới được. Nếu nói lúc tôi niệm Phật thì nhất tâm bất loạn, còn chẳng niệm sẽ loạn; vậy là không được rồi! Chẳng có tác dụng! Xử sự, đãi người, tiếp vật, thảy đều phải nhất tâm bất loạn, tâm chẳng điên đảo, phải như vậy thì quý vị niệm Phật mới được coi là công phu thành tựu.
Chúng ta thấy nhiều người lúc vãng sanh, biết trước lúc ra đi, chẳng có bệnh khổ, nói đi bèn đi, họ có bản lãnh gì vậy? Thật ra, nói xuyên suốt thì họ đã vận dụng chữ “Như” này vào cuộc sống, nên họ thành công. Vì thế, tu Tịnh Độ là tu tâm tịnh, “tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh”. Nhất tâm bất loạn, tâm bèn thanh tịnh; tâm chẳng thanh tịnh, chắc chắn chẳng đạt đến nhất tâm bất loạn. Dùng phương pháp gì để tu đến mức nhất tâm bất loạn? Dùng phương pháp Niệm Phật. Do vậy, phương pháp trong Tông này vô cùng đơn giản, ai nấy đều có thể làm được. Đạt tới nhất tâm bất loạn, chuyện gì cũng đều hiểu rõ, quá khứ, hiện tại, vị lai, không gì chẳng biết. Nói thật ra, ai nấy đều có thể làm được, vấn đề là quý vị có muốn làm, có chịu làm hay không! Nếu quý vị muốn làm, chịu làm, chẳng một ai không làm được!
“Duy thử vô phi viết Thị” (chỉ có điều này không sai nên nói là
Thị), tôi phỏng theo cách này để nói: “Duy thử thị Chân viết Thị” (chỉ có điều này là Thật nên nói là Thị), vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là chân thật, những điều khác thảy đều là giả. Thế giới này là hư vọng, chẳng chân thật, phải giác ngộ điều này! Biết là hư vọng, đấy là thấy thấu suốt. Có thể thấy thấu suốt, quý vị mới có thể buông xuống, xử sự, đãi người, tiếp vật trong cuộc sống hằng ngày, quý vị sẽ chẳng phân biệt quá mức, mà cũng chẳng chấp trước quá mức! Quý vị nhất định giữ thái độ: Cái gì cho qua được bèn cho qua! Chẳng có chuyện gì là thật, đều là hư vọng, chẳng thật sự tồn tại! Chỉ có niệm Phật là thật, chỉ có tâm địa thanh tịnh là thật, những cái khác đều là giả. Xét trong toàn bộ Phật pháp có nhiều tông phái ngần ấy, chỉ có tông phái này thành tựu dễ dàng nhất, nắm chắc thành tựu nhất! Cổ nhân bảo: “Vạn người tu, vạn người về”, chẳng giả một tí nào.
(Sao) Trí Luận vân: “Phật pháp đại hải, tín vi năng nhập”. Tín
giả, ngôn thị sự như thị, bất tín giả, ngôn thị sự bất như thị.
(鈔)智論云:佛法大海,信為能入。信者言是事如是,不信者言是事不如是。
(Sao: Trí Độ Luận chép: “Biển cả Phật pháp, do lòng tin mà có thể vào”. Tin sẽ nói chuyện này đúng là như thế, chẳng tin sẽ nói chuyện này chẳng phải là như thế).
Đoạn văn này trích từ Đại Trí Độ Luận. Đối với Phật pháp, nhất định phải do lòng tin mới có thể nhập môn. Nói đến Tín, thật ra, có hai loại:
– Loại thứ nhất là chân tướng Sự Lý đều hiểu rõ ràng, nên tin tưởng. Loại này rất khá, chẳng hoài nghi, lòng tin vững chắc, chẳng ngờ vực, Tín Căn đã kiến lập.
– Loại kia là những kẻ chẳng hiểu rõ Sự Lý, tuy trọn chẳng hiểu rõ, nhưng có thể tin tưởng, mà cũng chẳng hoài nghi. Nói thật ra, kẻ ấy đã có thiện căn và phước đức từ nhiều đời, nhiều kiếp. Nếu kẻ ấy chẳng có thiện căn, phước đức, sẽ chẳng tin tưởng. Do người ấy tin tưởng, nên chắc chắn sẽ thành tựu. Nhất là đối với pháp môn này, trong kinh, đức Phật đã gọi pháp môn này là “pháp khó tin”, thật sự khó! Nếu kẻ ấy có thể tin tưởng pháp khó tin, ta có thể thấy kẻ ấy thiện căn, phước đức sâu dầy. Vì sao? Do đã tin, nên trong đời này, người ấy nhất định vãng sanh. Hễ vãng sanh, chắc chắn sẽ thành Phật trong một đời này. Pháp môn này là phương pháp thành Phật ngay trong đời này, chẳng cần đợi đến đời thứ hai, thành Phật ngay trong đời này! Tiếp đó, Tổ dẫn lời giảng của mấy vị cổ đại đức.
(Sao) Triệu công viết.
(鈔) 肇公曰。
(Sao: Ngài Tăng Triệu nói).
Triệu công là ngài Tăng Triệu, là một vị đệ tử của Cưu Ma La Thập đại sư. La Thập đại sư là người dịch bộ kinh này, Ngài có bốn học trò vô cùng kiệt xuất, được gọi là “Thập môn tứ triết” (bốn vị học giả lỗi lạc trong môn đình ngài La Thập), Tăng Triệu là một vị trong số đó, trẻ tuổi nhất, thông minh tuyệt đỉnh, nhưng thọ mạng rất ngắn ngủi, ba mươi mấy tuổi đã viên tịch, thành tựu phi phàm. Ngài viết Duy Ma Kinh Chú, Triệu Luận, mấy tác phẩm do Ngài viết được lưu truyền hậu thế. Ngài nói:
(Sao) Như thị giả, tín thuận chi từ dã.
(鈔) 如是者,信順之辭也。
(Sao: “Như thị” là từ ngữ biểu lộ sự tín thuận).
Đó là tin, sau khi đã tin thì mới có thể thuận theo, đấy mới là tin tưởng thật sự.
(Sao) Cố thế nhân doãn khả, diệc viết “như thị”.
(鈔) 故世人允可,亦曰如是。
(Sao: Vì vậy, người đời chấp nhận [điều gì] thì cũng nói “như thị”).
Người thế gian đối với chuyện gì nếu chấp nhận, cũng sẽ nói “đúng như thế”.
(Sao) Phục nhị nghĩa giả.
(鈔) 復二義者。
(Sao: Lại có hai nghĩa).
Lại có hai ý nghĩa.
(Sao) Hựu ly “như thị” nhị tự các thích dã.
(鈔) 又離如是二字各釋也。
(Sao: Chính là lại đem hai chữ “như thị” tách ra để giải thích từng chữ một).
“Ly” là tách ra, Như là gì? Thị là gì?
(Sao) Đa giải giả, hữu dĩ thánh nhân thuyết pháp, đản hiển ư Như, duy Như vi Thị.
(鈔) 多解者,有以聖人說法,但顯於如,唯如為是。
(Sao: “Có nhiều cách giải thích”, có người cho rằng thánh nhân thuyết pháp chỉ nhằm hiển lộ lý Như, chỉ có Như là đúng).
Nêu lên mấy trường hợp. Trên thực tế, có rất nhiều cách giải thích hai chữ này! “Thánh nhân thuyết pháp”: Chữ “thánh nhân” chỉ Phật; câu này có thể nói là đã bao gồm hết thảy các kinh, hết thảy các kinh cũng không ra ngoài phạm vi này! “Đản hiển ư Như” (chỉ nhằm hiển lộ lẽ Như), giảng chữ Như theo cách nào? Chính là Chân Như bổn tánh. Đức Phật giảng hết thảy các kinh, không gì chẳng nhằm mục đích dạy chúng ta minh tâm kiến tánh, thấy Chân Như bổn tánh của chính mình. Hết thảy các kinh đều nhằm bày vẽ, chỉ dạy chúng ta hãy kiến tánh. Vì thế, [lời Sao nhận định] “duy Như vi Thị” (chỉ có Như là đúng). Nếu chẳng dạy chúng ta minh tâm kiến tánh, chắc chắn kinh điển ấy chẳng phải là kinh điển nhà Phật, đặc biệt là kinh điển Đại Thừa. Có phải là kinh này dạy chúng ta minh tâm kiến tánh? Đúng vậy! Vì sao biết đúng là như vậy? Nhất tâm bất loạn là minh tâm kiến tánh, nhất tâm là chân tâm, chân tâm còn gọi là Chân Như. Do vậy, thảy đều là dạy chúng ta minh tâm kiến tánh.
(Sao) Như Lưu Cầu sở thuyết.
(鈔) 如劉虬所說。
(Sao: Như ngài Lưu Cầu[2] đã nói).
Đây cũng là một vị đại đức thuở xưa, hết sức có thành tựu trong Phật pháp. Trong Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao, Thanh Lương đại sư thường trích dẫn lời Ngài.
(Sao) Hữu dĩ Như giả, đương Lý chi ngôn. Thị giả, vô phi chi xưng.
(鈔) 有以如者,當理之言,是者,無非之稱。
(Sao: Có người cho Như là nói xứng Lý, còn Thị là nói không sai).
Lý là Chân Như Lý thể, “đương Lý” nói thật ra là xứng tánh, là từ chân tâm Lý thể lưu xuất ngôn ngữ, văn tự, đó là ý nghĩa của chữ Như. Thị là quyết định chẳng sai. Từ Chân Như bổn tánh lưu lộ, làm sao có khuyết điểm cho được? Lẽ nào có sai lầm cho được? Điều đó được gọi là Thị. Ngài Thanh Lương giải thích kinh Hoa Nghiêm cũng trích dẫn câu này.
(Sao) Như Sanh công sở thuyết.
(鈔) 如生公所說。
(Sao: Như ngài Đạo Sanh đã nói).
“Sanh công” là ngài Đạo Sanh[3]. “Sanh công thuyết pháp, ngoan thạch điểm đầu” (ngài Đạo Sanh thuyết pháp, đá cũng gật đầu) chính là vị này. Ngài nói:
(Sao) Hữu dĩ Như Lai thuận cơ vi ứng, danh Như, chúng sanh vô phi vi cảm, danh Thị.
(鈔) 有以如來順機為應名如,眾生無非為感名是。
(Sao: Có người cho rằng Như Lai thuận theo căn cơ mà ứng thì gọi là Như; chúng sanh không gì chẳng cảm, nên gọi là Thị).
Đây là nói tới chuyện “ứng cơ thuyết pháp, cảm ứng đạo giao”. Từ những lời giải thích hai chữ Như Thị trên đây, có thể thấy nhìn từ phương diện nào để giảng hai chữ Như Thị đều rất có lý, đều có thể chấp nhận; nhưng rốt ráo lấy Chân Như bổn tánh làm Đệ Nhất Nghĩa là cách giải thích bậc nhất. Cách giải thích này cũng tuyệt lắm. Vì đức Phật giảng kinh, đương nhiên là phải Khế Cơ và Khế Lý. Kinh cũng dạy điều này, nếu giảng kinh mà chẳng khế Lý tức là chẳng phải từ Chân Như bổn tánh lưu lộ, sẽ gọi là “ma thuyết”. Vì thế, phân biệt Phật và ma, lấy tông chỉ kinh này để nói, nếu quý vị từ nhất tâm bất loạn mà nói thì là Phật thuyết. Nếu từ tam tâm, nhị ý, loạn tâm mà nói thì là ma thuyết. Phân biệt giữa Phật và ma như thế đó!
Ngoài ra, còn phải Khế Cơ. Khế Cơ là phải có thể thích hợp với trình độ của chúng sanh. Nếu chẳng thích hợp trình độ chúng sanh, tuy là nói từ nhất tâm bất loạn, nhưng nói ra, mọi người nghe không hiểu, đó gọi là nói phí công, là nói lời thừa thãi! Do vậy biết, kinh Phật tuân theo tiêu chuẩn, thứ nhất là phải từ Chân Như bổn tánh lưu lộ, thứ hai là phải khiến cho chúng sanh nghe hiểu. Nghe xong, họ có thể tiếp nhận. Đó gọi là “khế Cơ, khế Lý”. Do vậy, ngài Đạo Sanh nói theo phương diện Khế Cơ, còn những lời giảng trong phần trước là nói theo phương diện Khế Lý. “Thuận cơ vi ứng” (ứng hiện thuận theo căn cơ), chúng sanh có cảm, Phật bèn có ứng. “Vi ứng” (ứng hiện) là Như, “chúng sanh vô phi vi cảm” (chúng sanh chẳng ai không cảm), đó là Thị.
Hiểu rõ đạo lý này, chư vị đồng tu phải nhớ, đức Phật thuyết pháp, các vị Bồ Tát, tổ sư thuyết pháp là vì chúng sanh mà thuyết, chẳng nhằm khoe khoang công phu của chính mình, chẳng nhằm phô trương chính mình. Do trong quá khứ, lúc tôi mới học Phật, đã từng nghe có những pháp sư thuyết pháp, sau khi thuyết xong, phía dưới có rất nhiều tín đồ, thường thân cận pháp sư, rất thân thuộc, đến thỉnh giáo pháp sư sau khi Ngài giảng xong, đã nói: “Thưa sư phụ, lời giảng hôm nay của lão nhân gia, con chẳng hiểu gì hết”. Giảng quá sâu, không hiểu! Vị sư phụ ấy cười: “Nếu các ngươi nghe hiểu pháp ta giảng thì còn đáng giá chi nữa?” Nói vậy là trật lất! Nói ra là phải khiến cho người ta nghe sẽ thấu hiểu, có thể tiếp nhận, tiêu hóa, người ta mới được hưởng lợi ích. Cố ý nói cho kẻ khác nghe chẳng hiểu, tức là quý vị nói uổng công mất rồi, người ta đến đó nghe cũng phí công nghe, đôi bên đều phí uổng thời gian! Rất đáng tiếc, sai mất rồi! Quý vị nhất định phải nhớ: Sau này, quý vị thuyết pháp, chớ nên nói quá sâu, hãy nói sao cho người khác nghe bèn hiểu được. Tự mình khoe khoang bản thân giỏi giang, đấy chính là sai lầm, chớ nên làm như vậy.
(Sao) Như Dung công sở thuyết.
(鈔) 如融公所說。
(Sao: Như ngài Biến Dung đã nói).
“Dung công” là thiền sư Biến Dung[4], Ngài sống vào đời Minh, Liên Trì đại sư đã từng đến tham học với Ngài. Thuở ấy, Ngài là một vị cao tăng nổi tiếng, Liên Trì đại sư chịu ảnh hưởng rất lớn từ Ngài. Chư vị học Phật phải biết, chúng ta thân cận một vị thiện tri thức thì rốt cuộc ai là thiện tri thức? Nói thật ra, chuyện này chẳng quan trọng, thật sự học được điều gì [từ vị ấy mới là quan trọng], còn thầy có thật sự cao minh hay không là chuyện thứ yếu! Chính mình đối với thầy có thành ý mới là điều kiện bậc nhất khiến cho quý vị có thể đạt được điều gì hay không, giống như Ấn Quang đại sư đã dạy: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”.
Trong kinh, đức Phật đã kể một câu chuyện; đó là một chuyện thật được đức Phật nhắc đến trong kinh điển. Ngài nói có một vị tỳ-kheo già tu hành rất nhiều năm, chẳng đắc đạo, trong tâm rất áo não, mà cũng rất hổ thẹn. Có mấy tỳ-kheo trẻ tuổi vừa mới xuất gia muốn trêu ghẹo, bỡn cợt, bèn bảo vị tỳ-kheo già ấy:
– Chẳng phải là thầy muốn chứng quả hay sao?
– Vâng! Tôi muốn chứng lắm, nhưng chẳng biết chứng bằng cách nào!
– Chúng tôi biết, để tụi tôi dạy thầy.
– Hay quá!
– Nhưng thầy phải mời tụi tôi ăn uống ngon lành, phải bao tụi tôi ăn.
Vị tỳ-kheo già lấy tiền bạc dành dụm ra, nhưng Sư cũng chẳng dành dụm được mấy, bèn bán sạch mớ quần áo ít ỏi để mời họ ăn. Họ ăn no xong, vị tỳ-kheo già cầu hỏi cách chứng quả như thế nào? Họ cũng đâu có cách nào, nhưng đã lỡ nhận lời rồi, bèn trêu ghẹo sư, bảo Sư ngồi xổm ở góc nhà, họ nói: “Thầy ngồi xổm ở đó, trong tâm thầy chớ có suy nghĩ loạn xạ, hãy nghe theo lời tôi nói”. Vị tỳ-kheo trẻ bèn cầm trái banh ném vô đầu Sư, bảo: “Thầy đã chứng Sơ Quả”. Vị tỳ-kheo già gật đầu: ‘Đúng vậy!” Lại đổi sang góc bên kia, Sư cũng ngoan ngoãn bước sang góc kia. Lại ném bóng vào đầu Sư: “Thầy đã chứng Nhị Quả”. Chuyển khắp bốn góc: “Thầy đã chứng Tứ Quả La Hán!” Sau khi trở lại góc ban đầu, Sư đảnh lễ mấy vị tỳ-kheo trẻ tuổi nghịch ngợm. Các tỳ-kheo trẻ thưa: “Tôi giỡn với thầy mà!” Sư nói: “Tôi đã thật sự chứng Tứ Quả”. Mấy vị tỳ-kheo trẻ tuổi đều sững sờ, hướng về Sư cầu sám hối, Sư nói: “Tôi quả thật đã chứng Tứ Quả”. Điều này cho thấy tâm vị ấy chân thành, dẫu người khác trêu ghẹo Ngài, Ngài vẫn một mực chứng quả. Tâm Ngài có mười phần thành kính nên đạt được. Bởi lẽ đó, quý vị muốn thân cận một vị thầy, thân cận vị thầy nào mới là thiện tri thức thật sự? Vị thầy nào mà quý vị cảm thấy tôn kính nhất, hãy thân cận vị ấy, nhất định sẽ thành tựu.
Trong quá khứ, lúc tôi mở Đồ Thư Quán ở nơi đây, có mấy vị xuất gia trẻ tuổi như Ngộ Nguyên, Y Nhân ở nơi đây. Sau đấy, pháp sư Vĩnh Tinh bên Hương Cảng mở Phật Học Viện tại nơi đó, thỉnh pháp sư Hiển Minh sang đó làm viện trưởng. Họ nghe tin ấy, mong sang Hương Cảng cầu học. Lúc sắp ra đi, tôi chúc phước: “Mấy thầy đã tôn kính pháp sư Hiển Minh thì phải khéo học theo Ngài. Nếu mấy thầy thật sự có thể học với Ngài suốt mười năm, nhất định sẽ có thành tựu. Vì nếu các thầy chẳng tôn kính thầy, làm sao các thầy đạt được gì?” Đó gọi là “một phần cung kính, được một phần lợi ích”. Sau khi họ tới Hương Cảng, nghe nói hình như chỉ học được một học kỳ, nhà trường cũng chẳng thể tiếp tục, pháp sư Hiển Minh cũng bỏ đi luôn. Sau này, bọn họ ở bên đó chuyên lo kinh sám, rất đáng tiếc!
Vì vậy, chúng ta phải học theo cổ nhân, theo một vị thầy, tức là vị thầy mà quý vị cảm thấy tôn kính nhất. Liên Trì đại sư đã nêu gương cho chúng ta. Thuở ấy, thiền sư Biến Dung hết sức lỗi lạc. Khi Tổ đến gặp Ngài, tam bộ nhất bái, đến lạy dưới tòa lão hòa thượng, thỉnh lão hòa thượng khai thị. Lão hòa thượng thấy Tổ cung kính như vậy, chỉ nói với Tổ một câu: “Ngươi đừng để danh lợi làm hại”, người bên cạnh [lão hòa thượng] nghe xong cười ha hả, vì sao? Tam bộ nhất bái từ chốn xa xôi dường ấy đến nơi, chỉ được dạy một câu tầm thường tẻ nhạt như vậy, mọi người đều cười nhạo Tổ. Tổ bèn bảo bọn họ: “Tôi nhờ một câu nói này mà đạt được lợi ích cả đời!” Có thể thấy lão nhân gia thường giáo huấn người khác như vậy, người khác không được hưởng lợi ích vì đã coi thường câu ấy, nghe mỗi ngày, giống như gió thoảng qua tai, chẳng lưu ý. Tổ nghe câu này bèn nhớ kỹ trong lòng, suốt đời chẳng phạm lỗi lầm ấy, suốt đời tránh né tiếng tăm, lợi dưỡng. Do vậy, Tổ trở thành nhất đại cao tăng, thành tựu vượt trỗi thiền sư Biến Dung. Đấy chính là “mười phần cung kính” như tổ Ấn Quang đã dạy, từ câu này Ngài “được mười phần lợi ích”, đạt được lợi ích viên mãn, hết sức khó có!
(Sao) Hữu dĩ Thật Tướng chi Lý, thỉ chung bất dị danh Như, như Lý nhi thuyết danh Thị.
(鈔) 有以實相之理,始終不異名如,如理而說名是。
(Sao: Có người coi lý Thật Tướng từ đầu đến cuối chẳng sai khác là Như, nói đúng như Lý là Thị).
Cách nói này hoàn toàn dựa vào Lý Thể của chân tánh để luận định Như và Thị, cả hai chữ đều được giảng theo Lý, đều luận theo lý tánh.
(Sao) Như Thiên Thai sở thuyết.
(鈔) 如天台所說。
(Sao: Như tông Thiên Thai đã nói).
Đây là tông Thiên Thai. Tông Thiên Thai lấy kinh Pháp Hoa làm chủ tu (pháp tu chánh yếu).
(Sao) Hữu dĩ Như vi Chân Không, Thị vi Diệu Hữu.
(鈔) 有以如為真空,是為妙有。
(Sao: Có người coi Như là Chân Không, Thị là Diệu Hữu).
Tông Thiên Thai nói như vậy. Thiên Thai là Không Tông, Hoa Nghiêm là Hữu Tông; nhưng các vị tổ sư tông Thiên Thai đều niệm Phật, cầu vãng sanh Tịnh Độ; tuy những vị như Trí Giả đại sư suốt đời hoằng dương kinh Pháp Hoa, giảng lý luận Không Tông, soạn Ma Ha Chỉ Quán để dạy phương pháp tu hành này, lão nhân gia tự viết Ma Ha Chỉ Quán để dạy người khác tu, nhưng chính Ngài niệm Phật cầu vãng sanh, chúng ta phải hiểu rõ điều này. Rất nhiều vị tổ sư tông Thiên Thai niệm Phật cầu vãng sanh, như pháp sư Đế Nhàn, pháp sư Đàm Hư trong thời cận đại, đều niệm Phật cầu vãng sanh.
(Sao) Địch phá ngoại đạo đoạn thường nhị kiến.
(鈔) 敵破外道斷常二見。
(Sao: Phá trừ hai kiến chấp Thường và Đoạn của ngoại đạo).
Cách nói ấy của tông Thiên Thai nhằm phá trừ Thường Kiến và Đoạn Kiến của ngoại đạo.
(Sao) Như Thanh Lương chiết trung chư gia sở thuyết, dư thuyết thượng đa, khủng phiền bất dẫn.
(鈔) 如清涼折衷諸家所說,餘說尚多,恐繁不引。
(Sao: Như ngài Thanh Lương chọn lọc, dung hòa những thuyết của các vị ấy, còn có rất nhiều thuyết khác, sợ rườm rà nên chẳng dẫn ra đây).
Nếu trích dẫn [trọn đủ] sẽ phiền lắm, quá nhiều!
(Sao) Dĩ thượng các hữu ý nghĩa, tiểu dị đại đồng, tịnh vô tương ngại.
(鈔) 以上各有意義,小異大同,並無相礙。
(Sao: Các ý nghĩa được nhắc đến trên đây, khác nhau đôi chút, nói chung là tương đồng, trọn chẳng trở ngại lẫn nhau).
Nếu đọc nhiều thì những điều này đều thuộc loại kiến thức Phật học thông thường; vì thế, những cách nói [khác biệt vừa dẫn trên đây] thật sự là đại đồng tiểu dị, tuyệt đối chẳng trái nghịch chân lý.
(Sao) Dĩ Tông giản định giả.
(鈔) 以宗揀定者。
(Sao: Dùng Tông của hành nhân đang tu tập để biện định, chọn lựa).
Đây là dựa trên tông phái, bản thân chúng ta đang tu học tông nào hay pháp môn nào, bèn dùng giáo nghĩa trong tông ấy hoặc môn ấy để chọn lựa, biện định, sẽ đạt được lợi ích lớn nhất.
(Sao) Như Thị nhị nghĩa, tùy tông dĩ định.
(鈔) 如是二義,隨宗以定。
(Sao: Ý nghĩa của hai chữ Như Thị sẽ tùy theo tông [ta đang tu học] để biện định ý nghĩa).
Mỗi tông có một cách giảng riêng theo tông ấy.
(Sao) Kim thử kinh tông hồ nhất tâm.
(鈔) 今此經宗乎一心。
(Sao: Nay kinh này đề cao nhất tâm).
Bản kinh này lấy “nhất tâm bất loạn” làm Tông.
(Sao) Lương diêu chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn. Nhất tâm, tắc phi sanh, phi diệt, vô khứ, vô lai, trạm nhiên thường trụ.
(鈔)良繇執持名號,一心不亂。一心,則非生非滅,無去無來,湛然常住。
(Sao: Bởi lẽ, chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn. Nhất tâm chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng đến, chẳng đi, trong lặng, thường trụ).
Điều này là đúng, quý vị phải liễu giải điều này. Nay chúng ta thấy hết thảy các pháp trong thế giới này đều là sanh diệt, vô thường. Vì sao có hiện tượng này? Vì tâm chúng ta sanh diệt, vô thường; tâm sanh diệt thấy cảnh giới bên ngoài sanh diệt, tâm vô thường thấy vạn pháp vô thường. Nói thật ra, chẳng phải là vạn pháp có sanh diệt hay vô thường! Nếu nói vạn pháp là sanh diệt, vô thường, sai mất rồi! Đạo lý này rất khó hiểu, chúng ta có thể nêu tỷ dụ để nói, giống như hiện thời chúng ta chiếu phim, nhìn vào TV sẽ chẳng dễ thấy, nhưng chiếu phim sẽ dễ nhìn ra! Quý vị thấy phim ảnh, nay chúng ta thường sử dụng máy quay phim loại nhỏ không chuyên nghiệp, trong một giây thường chụp được hai mươi bốn “pô”, tức là hai mươi bốn tấm phim được chụp liên tục [trong một giây]. Mỗi khi ống kính mở đóng một lần, ống kính mở ra, chúng ta xem như một tấm phim được sanh ra, ống kính đóng lại, ta bảo tấm phim diệt. Một giây, ống kính đóng mở hai mươi bốn lần, tức là hai mươi bốn lần sanh diệt. Hình ảnh được chiếu lên [ví như] tướng bên ngoài, [mỗi giây] chiếu hai mươi bốn tấm [khác nhau], tướng bên ngoài có sanh diệt hay không? Chẳng có, nhưng ống kính đóng hay mở là có sanh diệt. Vì nó đóng hay mở, nên chiếu cuộn phim này giống như có sanh có diệt. Nếu chúng ta chẳng dùng đến sự đóng mở ấy, mà trực tiếp nhìn vào [từng tấm ảnh trong cuốn phim] sẽ chẳng thấy tướng sanh diệt.
Trong tâm chúng ta, mỗi giây “đóng mở” (sanh diệt) bao nhiêu lượt? Trong kinh, đức Phật đã nêu ra một tỷ dụ, Ngài nói một cái khảy ngón tay có sáu mươi sát-na, tức là [một sát-na] bằng một phần sáu mươi [thời gian] khảy ngón tay một lần. Đại khái, chúng ta khảy nhanh một tí, trong một giây có thể khảy bốn lần, chúng ta có thể khảy được như thế. Trong một giây khảy bốn lần, bốn nhân sáu mươi thì trong một sát-na có bao nhiêu lần sanh diệt? Đức Phật nói mỗi niệm trong tâm chúng ta có chín trăm lần sanh diệt. Chư vị lại nhân lên xem, chín trăm nhân với sáu mươi nhân với bốn [thành hai trăm mười sáu ngàn lần sanh diệt]. Máy chiếu phim mỗi giây rọi hai mươi bốn tấm phim lên màn bạc, quý vị đã ngỡ là thật, chẳng thấy nó là giả. Nay chúng ta nhìn hiện tượng bên ngoài, trong một giây có hai mươi mốt vạn sáu ngàn lần (216.000) sanh diệt, làm sao thấy được chân tướng của tướng cảnh giới bên ngoài? Nhìn chẳng ra! Chẳng thấy chân tướng! Thật sự đạt đến nhất tâm, nhất tâm là chẳng có tâm sanh diệt trong ấy, sanh diệt đã đoạn rồi, đó là chân tâm.
Dùng chân tâm để nhìn cảnh giới bên ngoài thì cảnh giới bên ngoài như thế nào? Bất sanh, bất diệt. Vì vậy, trong kinh Pháp Hoa, đức Phật đã dạy: “Thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ (bất hoại)” (pháp ấy trụ nơi pháp vị, tướng thế gian thường trụ (chẳng hư hoại)), tức là Ngài dạy chúng ta: Hết thảy các hiện tượng bất sanh, bất diệt. Nếu quý vị nghĩ tướng ấy có sanh, có diệt, quý vị đã nhìn sai mất rồi! Nếu quý vị thấy hết thảy các pháp bất sanh bất diệt, đấy là Thật Tướng của các pháp. Ai có thể thấy Thật Tướng của các pháp? Đạt tới nhất tâm bất loạn sẽ thấy Thật Tướng của các pháp. Thấy Thật Tướng của các pháp, thế giới ấy cũng chẳng gọi là mười pháp giới, mà gọi là Nhất Chân pháp giới. Như vậy thì Nhất Chân pháp giới ở chỗ nào? Ở ngay trước mặt chúng ta. Chúng ta dùng máy chiếu phim đem chiếu lên màn bạc để nhìn, đấy chính là mười pháp giới; bỏ máy móc đi, bỏ sạch, không cần tới nó, sẽ là Nhất Chân pháp giới. Nay chúng ta chẳng dùng cái tâm sanh diệt ấy, thế giới vốn là Nhất Chân. Chẳng phải là nói ngoài mười pháp giới có một cái Nhất Chân, chẳng phải vậy! Mười pháp giới và Nhất Chân pháp giới là một, không hai, tùy thuộc quý vị dùng tâm gì để nhìn. Quý vị dùng tâm sanh diệt, sẽ thấy mười pháp giới; dùng tâm bất sanh bất diệt để nhìn, pháp giới ấy sẽ là Nhất Chân pháp giới, bởi lẽ, chân tướng sự thật là như vậy. Vì thế, quý vị có thể trở lại quá khứ, cũng có thể lập tức tới vị lai, vì sao? Ba đời là một, không hai. Quý vị có phân biệt, nên mới có ba đời, mới có quá khứ, hiện tại, vị lai; không có phân biệt, sẽ chẳng có ba đời! Do vậy, quý vị có thể trở lại quá khứ, mà cũng có thể đến vị lai. Đấy là nói “phi sanh, phi diệt, vô khứ, vô lai” (chẳng sanh, chẳng diệt, không đến, không đi), chẳng có đến hay đi.
“Trạm nhiên thường trụ”: Trạm nhiên (湛然) là tỷ dụ. Trong kinh
Phật thường dùng bình ngọc lưu ly thanh tịnh làm tỷ dụ. Lưu Ly: Nay chúng ta gọi ngọc Lưu Ly được nói trong kinh Phật là ngọc Phỉ Thúy (Jadeite). “Pha lê” (Sphatika) được nhắc đến trong kinh chính là “thủy tinh” trong hiện thời. Thời cổ chưa phát minh ra pha lê, thủy tinh [thuở đó] là chất pha lê trong thiên nhiên. Những khoáng vật trân quý ấy thanh tịnh, trong ấy chẳng có một tí gì dơ bẩn, giống như bình bằng ngọc Lưu Ly đựng nước, trong ngoài sạch sẽ, khiết tịnh! Đấy là ý nghĩa của chữ “trạm nhiên”. Điều này ví như Chân Như bổn tánh của chúng ta. Nói thật ra, Chân Như bổn tánh chẳng có mảy may ô nhiễm nào! Nay chúng ta nói nó bị nhiễm bẩn, đó là đức Phật nói phương tiện, chẳng phải là thật sự ô nhiễm! Thật sự ô nhiễm thì làm sao có thể đoạn được? Làm sao còn có thể trừ khử được? Do vậy, mê chỉ là mê bề ngoài, tuyệt đối chẳng phải là mê Chân Như bổn tánh, không phải vậy. Chúng ta nói “ô nhiễm” thì chắc chắn chẳng phải là Chân Như bổn tánh bị ô nhiễm. Đến tột cùng mê ở chỗ nào? Ô nhiễm ở chỗ nào? Thưa quý vị, quý vị chú tâm tìm tòi, sẽ chẳng tìm được! Chính vì chẳng tìm được, nên đức Phật mới bảo mê và ô nhiễm là hư vọng, chẳng thật! Nếu là thật, sẽ nhất định tìm được. Quý vị tìm không được, nên nó mới là hư vọng. Vì vậy, gọi là “mê vọng”, mê chẳng phải là thật, mê là hư vọng.
Đã biết là hư vọng thì nhất định có thể rời khỏi cái mê ấy, có thể
đoạn sạch nó. Giác là thật, bổn tánh là thật, thanh tịnh là thật, nên chắc chắn có thể khôi phục. Đến lúc nào sẽ khôi phục? Nói thật ra là trong một niệm! Nhất niệm hoảng nhiên đại ngộ sẽ ngay lập tức khôi phục. Vì thế, Phật pháp mầu nhiệm ở chỗ này, khiến cho quý vị giác ngộ. Sau khi giác ngộ, sẽ được gọi là “phá mê, khai ngộ”. Mê ấy về căn bản là giả, chẳng thể tìm được! Chẳng hạn như quý vị nói: “Trong tâm tôi buồn phiền quá, phiền não! Có phương pháp gì để có thể đoạn phiền não hay chăng?” Có phương pháp! Quý vị hãy tìm cho ra phiền não để tôi nhìn thấy, tôi sẽ đoạn nó giùm quý vị. Quý vị có thể tìm được phiền não hay không? Kết quả là quý vị tìm cách nào cũng chẳng tìm được. Tìm chẳng được phiền não thì về căn bản là không có phiền não! Đấy là chân tướng tỏ lộ.
Thuở ấy, Huệ Khả đại sư là Nhị Tổ của Thiền Tông tuy xuất gia tu hành, nhưng tâm bất an, phiền não rất nặng. Ngài rất hy hữu, thấy Tổ Đạt Ma từ Ấn Độ sang, ngồi nhìn vách suốt chín năm tại chùa Thiếu Lâm, công phu Thiền Định rất sâu, nên thỉnh Tổ hãy dạy Ngài. Về căn bản, Tổ Đạt Ma không đoái hoài ngài Huệ Khả. Ngài Huệ Khả thấy Đạt Ma tổ sư không quan tâm tới, khi đó, mùa Đông, trời đang đổ tuyết, Ngài dùng đao chặt đứt một cánh tay, tay phải cầm cánh tay trái dâng lên cúng dường Tổ Đạt Ma. Ngài Đạt Ma ngó lại: “Vì sao ngươi làm như thế?” Ngài thưa: “Tâm con bất an, xin lão nhân gia an tâm cho con”. Đạt Ma tổ sư duỗi tay ra, nói: “Được rồi, ngươi lấy cái tâm ra cho ta coi. Ta sẽ an nó cho ngươi”. Lúc ấy, ngài Huệ Khả mới hồi quang phản chiếu, tìm mãi chẳng được, tâm chỗ nào vậy? Cuối cùng, trả lời Đạt Ma tổ sư: “Con tìm tâm, nhưng chẳng thể tìm được!” Đạt Ma tổ sư nói: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi”. Ta thay ngươi an cái tâm rồi, ngươi tìm chẳng được, tìm không được tức là nó không có! Ngươi còn cái gì để có thể bất an nữa đây? Do câu nói ấy, tổ Huệ Khả bèn khai ngộ và trở thành tổ sư đời thứ hai của Thiền Tông.
Quý vị thật sự có phiền não, quý vị có thể dùng cách này: Lấy phiền não ra, tìm ra nó cho tôi xem, phiền não của quý vị ở chỗ nào? Có hình dạng giống như thế nào? Là vuông, tròn, hay dẹp? Tìm cho ra để coi thử, nó là vàng, đỏ, hay xanh lá cây? Quý vị có thể tìm ra hay chăng? Tìm không ra, về căn bản là chẳng có chuyện này, tức là quý vị mê hoặc, điên đảo! Hễ quý vị ngộ thì điều gì cũng chẳng có. Do vậy, đức Phật giảng lẽ thật cùng quý vị, pháp chân thật là như vậy đó. Đấy là “trạm nhiên thường trụ, chân tâm thường trụ”. Trong hội Lăng Nghiêm, tôn giả A Nan rất lỗi lạc, Ngài suy nghĩ đến bảy chỗ đều nghĩ chẳng đúng! Ngài thưa trình những chỗ Ngài nghĩ tâm ở đó, đức Phật bèn dạy: “Ông tìm cái tâm ra cho ta coi”. Tìm bảy chỗ, Phật đều bác bỏ, đều sai cả, đúng là tìm tâm trọn chẳng thể được. Do vậy, [đoạn văn giảng về] bảy chỗ gạn tâm [trong kinh Lăng Nghiêm] đích xác là khai trí huệ. Đó là nói về nhất tâm bất loạn, dùng mấy câu này để miêu tả hình dạng của nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn được gọi là Như.
(Sao) Hựu thử nhất tâm, tứ quá ly, bách phi tuyệt, cố danh viết Thị.
(鈔) 又此一心,四過離,百非絕,故名曰是。
(Sao: Lại nữa nhất tâm ấy, lìa bốn lỗi, dứt trăm điều sai, nên gọi là Thị).
Trong kinh nói đến “tứ quá, bách phi” rất nhiều. Đức Phật nêu ra thí dụ này, có thể nói là đã bao quán tất cả vọng tưởng của chúng ta. “Quá” là quá thất (過失: lầm lỗi), [tứ quá] là bốn thứ lầm lỗi. Chúng tôi tùy tiện nêu lên một thứ để nói, chẳng hạn như Thị Phi. Thị (是: đúng) là cái thứ nhất, Phi Thị (非是: chẳng đúng) là cái thứ hai. Diệc Thị Diệc Phi (亦是亦非: vừa đúng, vừa sai) là cái thứ ba, Phi Thị Phi Phi (非是非非: chẳng phải đúng, chẳng phải sai) là cái thứ tư. Những thứ ấy gọi là Bốn Thứ Lầm Lỗi Căn Bản. Tâm thanh tịnh há có Thị, Phi? Hễ có Thị thì tương phản của nó là Phi, thiết lập sự tương đối, Thị cũng là trật! Thị và Phi thảy đều chẳng có thì mới không có lầm lỗi; nhưng quý vị thảy đều chẳng có, hễ còn có ý niệm này (tức ý niệm “mọi thứ thảy đều chẳng có”), quý vị vẫn chưa thanh tịnh! Do vậy, Song Diệc và Song Phi (Diệc Thị Diệc Phi và Phi Thị Phi Phi) đều là lầm lỗi, đây là nêu ra một trường hợp để nói!
Nêu ra bất cứ câu nào, thì sự tương đối được kiến lập đều có đủ bốn câu. Trong mỗi câu thuộc bốn câu ấy, quý vị phỏng theo lệ ấy để suy diễn, [thì trong mỗi câu] lại có bốn câu, nên biến thành bốn lần bốn là mười sáu câu. Đối với mười sáu câu thì quá khứ có mười sáu câu, hiện tại có mười sáu câu, vị lai có mười sáu câu, cho nên biến thành bốn mươi tám câu. Đối với bốn mươi tám câu, lại có bốn mươi tám câu đã dấy niệm, và bốn mươi tám câu chưa dấy niệm, gộp lại thành chín mươi sáu câu. Chín mươi sáu câu ấy kể cả bốn câu căn bản hợp thành một trăm câu, nên gọi là Bách Phi. Từ ngữ này bao quát tất cả hết thảy vọng tưởng. Tất cả vọng tưởng suốt ngày từ sáng đến tối của quý vị chẳng ra ngoài nguyên tắc “tứ cú bách phi” này! Quý vị mỗi ngày dấy vọng tưởng, hết thảy đều là hư vọng, trong nhất tâm bất loạn không có, những thứ ấy thảy đều chẳng có, nên gọi là Thị. Đó là dùng nghĩa lý “nhất tâm bất loạn” trong kinh này để giải thích.
(Sao) Dị thử sở minh, bất đắc xưng Thị.
(鈔) 異此所明,不得稱是。
(Sao: Những gì khác với những điều được nêu lên ở đây sẽ chẳng được gọi là Thị).
Nếu nói khác với cách giải thích này, sẽ chẳng phải là cách giảng trong tông này. Đối với tông này, cách giảng hai chữ Như Thị [như vừa đã nêu trên đây] là hợp lý nhất; đó cũng là sự thụ dụng tốt nhất trong sự tu học pháp môn này. Hai chữ Như Thị được giới thiệu đến đây [là xong], dưới đây là giảng về Ngã Văn.
(Sao) Ngã văn giả, Văn Thành Tựu dã.
(鈔) 我聞者,聞成就也。
(Sao: “Tôi nghe” là Văn Thành Tựu).
Trong sáu thứ thành tựu, món thứ hai là Văn Thành Tựu.
(Sao) Ngã giả, tự ngã.
(鈔) 我者自我。
(Sao: Ngã là tự mình).
Là chính mình.
(Sao) Văn giả, thân văn, tự ngã thân văn, phi tư thục cố, phi độc cổ cố.
(鈔) 聞者親聞,自我親聞,非私淑故,非讀古故。
(Sao: “Nghe” là đích thân nghe, chính mình đích thân nghe, chẳng phải là do được nghe truyền lại, chẳng phải do đọc tác phẩm của cổ nhân).
[Nói “ngã văn”] nhằm phân biệt với “tư thục” và “độc cổ”. [“Tư thục” và “độc cổ”] chẳng phải là đích thân nghe, mà là nghe truyền lại, nghe lời truyền thuật lại. “Độc cổ” là đọc sách, chúng ta đọc sách của cổ nhân, biết một số chuyện, nhưng chẳng phải là chính tai ta nghe, mà là nghe thuật lại! “Tư thục”: Trong Phật môn và Nho gia đều có “tư thục đệ tử”, tức là học theo cổ nhân. Chúng tôi cũng thường đề xướng điều này, vì hiện thời chẳng có những vị đại đức tại thế, chúng ta phải làm như thế nào thì mới có thể thành tựu? Chúng ta học theo cổ nhân. Chẳng hạn như chúng ta muốn học kinh Di Đà, mà chẳng tìm được một vị thầy giỏi, nhưng bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư vẫn còn, chúng ta noi theo Sớ Sao để học kinh Di Đà, làm đệ tử của Liên Trì đại sư; đó gọi là “tư thục đệ tử”. Chẳng phải do Ngài đích thân dạy bảo chúng ta, nhưng trước tác của Ngài vẫn còn, chúng ta học từ văn tự của Ngài, đó gọi là “tư thục đệ tử”. Từ xưa tới nay, người dùng phương pháp này, tu thành công vô cùng nhiều. Ngẫu Ích đại sư học theo ngài Liên Trì, là tư thục đệ tử của Liên Trì đại sư, vì lúc ấy, Liên Trì đại sư đã vãng sanh. Ngài Ngẫu Ích học bộ Sớ Sao, trở thành nhất đại tổ sư của Tịnh Độ Tông, Ngài học thành công.
Phải như thế nào mới là tư thục đệ tử thật sự? Giống như thuở trước bái sư, người ấy vô cùng kính phục thầy, bội phục đến năm vóc gieo xuống đất, muốn theo Ngài. Học bao nhiêu năm? Phải học mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, chuyên học với một vị thầy. Chẳng hạn như quý vị muốn làm tư thục đệ tử của Liên Trì đại sư, làm bạn đồng học với Ngẫu Ích đại sư, tối thiểu quý vị phải đọc bộ Di Đà Kinh Sớ Sao của Liên Trì đại sư mười năm. Tác phẩm này chỉ có bốn quyển, kể cả kinh và sớ, mỗi ngày quý vị đọc một lượt, đọc hằng ngày, đọc suốt mười năm, tôi thấy quý vị cũng chẳng kém Ngẫu Ích đại sư, cũng sẽ trở thành nhất đại tổ sư của Tịnh Độ Tông, thật đấy, chẳng giả đâu! Học theo lời dạy của một vị, theo một thầy, lúc đó mới gọi là “tư thục đệ tử”. Hôm nay ta đọc tác phẩm này, mai xem tác phẩm khác, chẳng thể gọi là “tư thục đệ tử” được. Theo chắc chắn một vị thầy, phải theo suốt mười năm, hai mươi năm, tối thiểu là mười năm, chẳng thể ít hơn mười năm. Mỗi ngày đọc sách này, mỗi ngày đọc một lần, đọc suốt mười năm sẽ khai ngộ, thật sự đạt được nhất tâm bất loạn.
(Sao) Tự ngã thân văn giả, tự giản phi kỷ, thân giản phi diện, cái thị kỷ cung diện thọ chi thuyết dã.
(鈔)自我親聞者,自揀非己,親揀非面,蓋是己躬面受之說也。
(Sao: “Tự mình đích thân nghe”: Chữ Tự nhằm tách biệt với trường hợp chẳng phải do chính mình [nghe nhận], chữ Thân nhằm tách biệt với trường hợp vắng mặt (chỉ nghe nói lại), tức là chính mình đối trước mặt, vâng nhận lời dạy của [đức Thế Tôn]).
“Tự ngã thân văn”: Chính mình nghe nói, được thầy trực tiếp chỉ dạy.
(Sao) Tư thục giả, Mạnh Tử vân: “Dư vị đắc vi Khổng Tử đồ dã, dư tư thục chư nhân dã.
(鈔)私淑者,孟子云:予未得為孔子徒也,予私淑諸人也。
(Sao: “Tư thục”, Mạnh Tử nói: “Ta chưa được làm học trò Khổng Tử, ta học lại với các môn đệ của Ngài”)[5].
“Đồ” (徒) là học trò. Ngài không sống cùng một thời đại với Khổng Tử, Khi Mạnh Tử sanh ra, Khổng lão phu tử đã qua đời, chẳng còn ở trên đời. Do vậy, chẳng thể làm học trò Khổng lão phu tử. “Dư tư thục chư nhân”: Tự mình hướng về các môn sinh của Khổng lão phu tử học tập, tức là được nghe những lời truyền dạy lại, chứ không trực tiếp tiếp nhận [giáo huấn của thầy].
(Sao) Thích viết.
(鈔) 釋曰。
(Sao: Giảng rằng).
Giải thích.
(Sao) Dĩ Mạnh Tử phi thân kiến Khổng Tử, nãi thọ nghiệp Khổng Tử chi hậu nhân, nhi tư kỳ đạo, dĩ thiện kỳ thân giả dã.
(鈔)以孟子非親見孔子,乃受業孔子之後人,而私其
道,以善其身者也。
(Sao: Do Mạnh Tử chẳng đích thân gặp Khổng Tử, mà theo học với hậu duệ của Khổng Tử, tự mình dùng đạo ấy để tu thân trở thành tốt lành vậy).
Đó gọi là “tư thục đệ tử”, chẳng do thầy đích thân truyền dạy.
(Sao) Độc cổ giả, Tề Hoàn Công độc thư ư đường thượng, luân nhân dĩ vi sở độc giả, cổ nhân chi tao phách nhĩ.
(鈔)讀古者,齊桓公讀書於堂上,輪人以為所讀者,古人之糟粕耳。
(Sao: “Đọc sách cổ”: Tề Hoàn Công đọc sách nơi nhà trên, người thợ làm bánh xe chê nhà vua đọc sách như vậy là nhai bã của cổ nhân).
Chuyện này phê phán Tề Hoàn Công[6]. Tề Hoàn Công là chư hầu, tức là hoàng đế [nước Tề] thời ấy, đọc sách. “Luân nhân” là người làm công, là một anh thợ [làm bánh xe]. Anh ta nghe nhà vua đọc sách, bèn phê phán: “Những điều nhà vua đọc chẳng phải là tinh hoa, cốt lõi của cổ nhân, mà là đọc cặn bã của cổ nhân”. Đây là một điển cố, dưới đây là lời giải thích.
(Sao) Dĩ Hoàn Công phi diện đối cổ nhân, cổ nhân dĩ vãng, vi đồ độc kỳ di ngôn giả dã.
(鈔)以桓公非面對古人,古人已往,為徒讀其遺言者也。
(Sao: Bởi lẽ Hoàn Công chẳng gặp mặt cổ nhân, cổ nhân đã qua đời rồi, chỉ uổng công đọc di ngôn của họ).
Nói thật ra, câu này chính là như chúng ta thường nói: “Ăn chẳng tiêu”. Hằng ngày đọc, nhưng chẳng thể tiêu hóa, đọc những thứ ấy chẳng có tác dụng gì! Chúng ta đọc kinh Phật cũng vậy, nếu quý vị chẳng thể tiêu hóa ý nghĩa (lãnh hội ý nghĩa chân thật) của kinh điển, cổ nhân bảo là “chết cứng nơi từng hàng chữ”. Chẳng thà không đọc sách! Nếu nói khó nghe hơn, sẽ là đọc sách trở thành đần, đọc sách lâu ngày biến thành kẻ ngây ngốc vì sách, sai mất rồi! Tề Hoàn Công đọc sách nhưng chẳng tiêu hóa được, nên bị anh thợ chê cười!
(Sao) Kim A Nan cung phùng chí thánh, phi tư thục dã, hợp thượng tự ngã.
(鈔) 今阿難躬逢至聖,非私淑也,合上自我。
(Sao: Nay ngài A Nan đích thân gặp gỡ bậc chí thánh, chẳng phải là “tư thục”, điều này phù hợp với ý nghĩa “tự ngã” trong phần trên).
Ngài A Nan sống cùng một thời đại với Thích Ca Mâu Ni Phật, làm đệ tử Phật, mỗi ngày tự mình nghe Phật thuyết pháp. Do vậy, Ngài chẳng phải là tư thục đệ tử của đức Phật!
(Sao) A Nan nhĩ linh chí giáo, phi độc cổ dã, hợp thượng thân văn.
(鈔) 阿難耳聆至教,非讀古也,合上親聞。
(Sao: Ngài A Nan đích thân nghe giáo lý tột bậc, chẳng phải là đọc sách của cổ nhân, phù hợp với ý nghĩa “thân văn” trong phần trên).
Ngài đích thân nghe Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh, cho nên chẳng phải là đọc sách cổ.
(Sao) Tự ngã thân văn, kim dĩ cáo chúng, tiện ưng tín thọ, cánh phục hà thuyết.
(鈔) 自我親聞,今以告眾,便應信受,更復何說。
(Sao: Do chính mình đích thân nghe, nay thuật lại với đại chúng, họ liền tin nhận, chẳng còn nói gì nữa!)
Đây là chứng tín cho chúng ta, chẳng phải là Ngài nghe thuật lại, chẳng phải là đọc sách cổ rồi xen lẫn kiến giải của chính mình vào đó, mà là trực tiếp nghe lời Phật dạy, nhắc lại lời Phật, đúng như lời Phật nói.
(Sớ) Thánh nhân vô ngã, kim hà xưng Ngã?
(疏) 聖人無我,今何稱我?
(Sớ: Thánh nhân vô ngã, sao nay xưng là Ta?)
Trong Phật pháp, điều thứ nhất là phải phá Ngã Chấp. Nếu chẳng phá Ngã Chấp, sẽ không thể thoát khỏi tam giới; nói cách khác, chắc chắn luân hồi trong lục đạo, chẳng thể thoát được! Nếu chẳng phá Pháp Chấp, sẽ chẳng thể kiến tánh. Do lẽ đó, hàng A La Hán phá Ngã Chấp, chưa phá Pháp Chấp, nên các Ngài vượt thoát lục đạo luân hồi, nhưng chẳng thể kiến tánh. Vì thế, cả hai thứ chấp trước Ngã và Pháp đều phải phá, đặc biệt là phá Ngã Chấp được xếp vào vị trí thứ nhất. Chúng ta niệm Phật thì chư vị phải biết, đối với “nhất tâm bất loạn” được nói trong phần sau kinh này, để giảng bốn chữ ấy, trong tác phẩm [Sớ Sao] này, Liên Trì đại sư đã dành tới nửa quyển văn tự để chú sớ. Bản chú giải của Ngài gồm tất cả bốn quyển; nói cách khác, [Ngài đã dùng tới] một phần tám văn tự [trong toàn bộ bản chú giải] để giải thích “nhất tâm bất loạn”. Quý vị bèn hiểu bốn chữ ấy là một câu trọng yếu nhất trong kinh này. Nhất tâm bất loạn có hai loại là Sự nhất tâm và Lý nhất tâm. Niệm thế nào thì mới có thể đạt đến Sự nhất tâm? Phá Ngã Chấp là Sự nhất tâm, phá Pháp Chấp là Lý nhất tâm. Có thể thấy phá Ngã Chấp rất trọng yếu!
Ngài A Nan là thánh nhân, lúc kết tập kinh điển, Ngài đã chứng Tứ Quả; chứng Tứ Quả, chưa phá Pháp Chấp, nhưng chắc chắn đã phá Ngã Chấp; cớ sao Ngài vẫn nói “Ta”? Tiếp theo đây là lời giải thích cho lời cật vấn “thánh nhân vô ngã, kim hà xưng Ngã” (thánh nhân vô ngã, nay sao lại xưng là Ta), [Liên Trì đại sư] trích dẫn lời giảng của Đại Trí Độ Luận.
(Sớ) Trí Luận hữu tam.
(疏) 智論有三。
(Sớ: Đại Trí Độ Luận nêu ra ba điều).
Đại Trí Độ Luận đã nêu ra ba lý do.
(Sớ) Nhất, tùy thế gian cố.
(疏) 一、隨世間故。
(Sớ: Một, do thuận theo thế gian).
Nhằm thuận tiện trao đổi ý kiến, thuận tiện giáo hóa chúng sanh, nếu chẳng dùng danh xưng Ta, sẽ chẳng có cách nào dạy người khác. Vì lợi ích chúng sanh, tôi tùy thuận thế gian. Quý vị gọi thứ này là Ta thì tôi cũng nói là Ta!
(Sớ) Nhị, phá tà kiến cố.
(疏) 二、破邪見故。
(Sớ: Hai là do phá tà kiến).
Nếu chứng Vô Ngã, nhưng chính mình đối với người khác cũng chẳng thừa nhận, phủ định Ngã, sẽ trở thành tà tri tà kiến, không thể được!
(Sớ) Tam, bất trước Vô Ngã cố.
(疏) 三、不著無我故。
(Sớ: Ba, do chẳng chấp trước Vô Ngã).
Chẳng chấp trước Ngã, mà cũng chẳng chấp trước Vô Ngã, tới lúc ấy mới thật sự là đoạn Ngã Chấp.
(Sớ) Dĩ thị tam giả, bất ngại thuyết Ngã, hựu Pháp Thân chân ngã, diệc đắc xưng Ngã.
(疏) 以是三者,不礙說我,又法身真我,亦得稱我。
(Sớ: Do ba điều ấy, chẳng ngại nói đến Ngã. Hơn nữa, Pháp Thân là Chân Ngã, nên cũng có thể nói Ngã).
Nếu thật sự thấy Pháp Thân, xác thực là Thường – Lạc – Ngã – Tịnh, bốn ý nghĩa ấy là chân thật, chẳng giả. Nay vì sao đức Phật dạy chúng ta phá Ngã Chấp? Chúng ta chưa thấy Pháp Thân. Chưa thấy Pháp Thân thì khái niệm Ngã của chúng ta là giả, chẳng thật! Ý nghĩa này rất ư là sâu! Trong phần sau của bản chú giải này sẽ còn thảo luận cặn kẽ. Những chỗ này đều đáng cho chúng ta học tập. Chúng ta phải hiểu chân tướng sự thật, phải học theo Phật, Bồ Tát, nội tâm của chính mình phải thanh tịnh, chớ nên phân biệt, đừng chấp trước. Nhưng khi chúng ta tiếp xúc đại chúng, thuận theo sự phân biệt của chúng sanh mà phân biệt, thuận theo sự chấp trước của chúng sanh mà chấp trước. Do vậy, nói: “Phật pháp tại thế gian, bất hoại thế gian tướng” (Phật pháp trong thế gian, chẳng hoại tướng thế gian). Không phá hoại tướng thế gian thì gọi là “đại từ, đại bi”.
Chấp trước và chẳng chấp trước đồng thời, chẳng có trước sau, không có thứ tự. Đối với chính mình mà nói thì không có chấp trước, vô ngã; đối người khác bèn nói Ta. Đây là chỗ khác nhau giữa Phật, Bồ Tát và chúng ta. Chúng ta nói Ta, chính mình thật sự có một cái chấp trước Ngã kiên cố; Phật, Bồ Tát trọn chẳng chấp trước. Do tùy thuận chúng sanh mà Phật, Bồ Tát nói [như thế], vì lợi ích chúng sanh mà nói, chẳng phải vì lợi ích chính mình.
Chư vị phải hiểu: Chính mình chẳng có sự chấp trước ấy, đó là tự lợi; hòa quang đồng trần với người khác là lợi tha. Tự lợi và lợi tha cũng là đồng thời, chẳng có thứ tự trước hay sau. Hôm nay, chúng tôi giảng tới chỗ này!
[1] Bộ kinh này do ngài Cưu Ma La Thập dịch (khác với Đại Bát Nhã Kinh sáu trăm quyển do ngài Huyền Trang dịch). Thật ra, từ ngữ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh chỉ hai bản kinh khác nhau: Đại Phẩm Bát Nhã Kinh (hai mươi quyển) và Tiểu Phẩm Bát Nhã Kinh (mười quyển) đều do ngài La Thập dịch. Thông thường, hai bộ này luôn được in chung với nhau, nên Hòa Thượng mới nói bộ kinh này gồm ba mươi quyển.
[2] Lưu Cầu (439-495), tự Linh Dự, là một vị ẩn sĩ đời Nam Tề, người xứ Nam Dương. Thuở trẻ, ông từng làm quan Quốc Tử Bác Sĩ, huyện lệnh, cuối cùng là quận thừa huyện Phú Dương. Ông nghiên cứu Phật pháp tinh tường, chủ trương thuyết “nhập Không tất Đốn”, soạn nhiều bản chú giải như Chú Pháp Hoa Kinh, Chú Vô Lượng Nghĩa Kinh… Ông đề xướng cách phán giáo Phật pháp gồm Đốn Tiệm nhị giáo, ngũ thời, thất giai. Ông chủ trương chỉ có kinh Hoa Nghiêm là Đốn Giáo, các kinh khác đều là Tiệm Giáo. Quan điểm Ngũ Thời của ông khá giống cách phán giáo Ngũ Thời trong tông Thiên Thai.
[3] Đạo Sanh (355-434), còn gọi là Trúc Đạo Sanh, là một học giả lỗi lạc về kinh Niết Bàn thời Đông Tấn. Sư quê ở Cự Lộc (nay thuộc huyện Bình Hương, tỉnh Hà Bắc), kiều ngụ tại Bành Thành (Đồng Sơn, tỉnh Giang Tô), họ ngoài đời là Ngụy. Do tôn ngài Trúc Pháp Thải làm thầy, nên mới có đạo hiệu là Trúc Đạo Sanh. Năm mười lăm tuổi, Sư đã lên giảng tòa, các bậc học rộng thạc đức chẳng ai có thể biện bác hơn được. Năm hai mươi tuổi, Sư thọ Cụ Túc Giới, oai danh giảng diễn vang lừng thiên hạ. Về sau, Sư lên Trường An theo học với ngài La Thập, được xếp vào hàng bốn đại môn đệ kiệt xuất của ngài La Thập. Năm Nghĩa Hy thứ năm (409), Sư chủ trương “Xiển Đề có thể thành Phật”, bị mọi người chống đối, bèn lui về ẩn cư tại Lô Sơn. Đến khi bản dịch kinh Đại Niết Bàn của ngài Đàm Vô Sấm truyền đến kinh đô Kiến Nghiệp, mọi người vô cùng khâm phục kiến giải của Sư. Sư để lại những tác phẩm nổi tiếng như Nhị Đế Luận, Phật Tánh Đương Hữu Luận, Pháp Thân Vô Sắc Luận, Phật Vô Tịnh Độ Luận, Ưng Hữu Duyên Luận, Biện Phật Tánh Nghĩa, Pháp Hoa Kinh Nghĩa Sớ v.v… Trong chú giải kinh Duy Ma của ngài Tăng Triệu và Đại Bát Niết Bàn Kinh Tập Giải của ngài Bảo Lương thường trích dẫn rất nhiều nhận định của ngài Đạo Sanh.
[4] Thiền sư Biến Dung Chân Viên là người nối pháp đời thứ ba mươi mốt của tông Lâm Tế, nối pháp thiền sư Phật Nham Chân Tế. Ngài Biến Dung quê ở Doanh Sơn, Tứ Xuyên, họ Tiền, xuất thân từ một gia đình thư hương nhiều đời, thông duệ, mẫn tiệp từ bé, thích đọc sách, những gì đã đọc Sư chẳng hề quên. Năm ba mươi hai tuổi, chợt ngộ thế sự vô thường, Sư đi chiêm bái Nga My, gặp vị dị tăng ở động Cửu Lạp, bèn xuống tóc xuất gia. Sư tham học khắp nơi, đến kinh sư, nghe pháp sư Thông Tú giảng kinh Hoa Nghiêm đến câu “nhược nhân dục thức Phật cảnh giới, đương tịnh kỳ tâm như hư không” (nếu ai muốn biết cảnh giới Phật, hãy tịnh cái tâm dường hư không), chợt đốn ngộ. Ngày hôm sau, lên Khuông Sơn, ẩn cư trong động Mã Tổ. Người tìm về theo Ngài rất đông. Trong núi thiếu lương thực, Sư bèn đích thân đẵn cũi đem xuống trấn Cửu Giang đổi lấy lương thực châu cấp đại chúng, trải nóng lạnh suốt bảy năm ròng rã, chẳng nề hà gian khổ, nên đạo hạnh lừng lẫy khắp vùng Giang Nam. Về sau, Sư trụ tại Đông Lâm Viện ở kinh đô, lắng lòng đọc kinh, đại chúng kính ngưỡng, suy tôn Ngài là Di Lặc tái thế. Sư thị tịch năm tám mươi ba tuổi.
[5] Câu nói này trích từ thiên Ly Lâu Hạ trong sách Mạnh Tử. Triệu Kỳ chú giải: “Thục, thiện dã. Ngã tư thiện chi vu hiền nhân nhĩ, cái hận kỳ bất đắc học vu đại thánh nhân dã” (Thục là tốt lành, tôi mong được tốt lành như bậc hiền nhân, tiếc rằng chẳng được học với bậc đại thánh nhân). Dựa trên câu chú giải này, các nhà nghiên cứu Khổng Học cho rằng chữ “tư thục” mang ý nghĩa tiếc hận vì không được trực tiếp nghe giảng dạy, nay cảm thấy may mắn được học và làm theo di huấn của thầy để trở thành hiền thiện như thầy.
[6] Tề Hoàn Công là một trong Ngũ Bá thời Xuân Thu, vua đời thứ mười lăm của nước Tề, tên thật là Khương Tiểu Bạch, là con trai của Tề Hy Công, em trai Tề Tương Công. Tranh giành ngôi vua với công tử Củ thành công, Tề Hoàn Công được Quản Trọng phò tá, áp dụng những chính sách tiến bộ, phát triển nông thương nghiệp, biến nước Tề thành một cường quốc, triệu tập các nước như Tống, Trần v.v… kết minh, chín lần triệu tập chư hầu, trở thành Minh Chủ đầu tiên của chư hầu, chinh phạt các sắc dân thiểu số ở ngoài quan ải như Sơn Nhung, Nhung Địch, đánh bại nước Sở, trở thành bá chủ Trung Nguyên. Tiếc là về già, Tề Hoàn Công trở thành hôn ám, sủng nịnh bọn xu phụ bất tài như Dịch Nha, Thụ Điêu, khiến triều chánh rối ren. Cuối đời, khi ông lâm bệnh, năm người con trai là Công Tử Vô Khuy, Công Tử Chiêu, Công Tử Phan, Công Tử Nguyên, Công Tử Thương giành ngôi, bèn xây bít cung điện của vua cha, không cho người vào thăm, khiến Tề Hoàn Công bị chết đói. Năm vị công tử lo đánh nhau giành ngôi đến nỗi xác Tề Hoàn Công bị bỏ mặc suốt sáu mươi ngày, rữa nát, giòi bò đầy lên cửa sổ.