#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 207
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm mười lăm:
(Sớ) Hựu nguyện chi vi lực, bất khả tư nghị, bỉ Phật Tịnh Độ diệc diêu nguyện cố. Lâm chung vãng sanh, duy trượng nguyện cố. Tam giới nhân quả, tất tùy nguyện cố. Chư đại Bồ Tát giai nguyện sanh cố.
(疏)又願之為力,不可思議,彼佛淨土,亦繇願故;臨終往生,惟仗願故;三界因果,悉隨願故;諸大菩薩,皆願生故。
(Sớ: Nguyện lại có sức mạnh chẳng thể nghĩ bàn. Cõi Tịnh Độ của đức Phật ấy cũng do nguyện mà có. Lâm chung vãng sanh chỉ cậy vào nguyện. Nhân quả trong ba cõi đều tùy thuộc nguyện. Các đại Bồ Tát đều do nguyện mà vãng sanh).
Đoạn Sớ này nêu rõ nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn. Nguyện lực là niệm lực, tức là ý niệm trong cái tâm của chúng ta. Trong kinh Đại Thừa, đức Phật thường nói tới y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. Nói cách khác, tận hư không khắp pháp giới do đâu mà có? Đều sanh từ trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh. Chúng ta biết nguyên lý này, khẳng định nguyên lý ấy, sẽ biết: Đối với chuyện trong thế gian này, có lắm chuyện kỳ quái; nếu chúng ta hỏi: “Có chuyện ấy hay không?” Đương nhiên là có! Vì sao? Tâm có thể biến, có thể sanh, hết thảy vạn vật là cái được biến, cái được sanh. Sức mạnh của cái tâm có thể biến ấy (năng biến tâm) chẳng có cùng tận; do vậy, biến ra vô lượng vô biên các hiện tượng. Tịnh Độ cũng chẳng ra ngoài lệ ấy, cũng chẳng rời lìa tâm tưởng. Chúng ta xem đoạn giải thích dưới đây:
(Sao) Bỉ Phật Tịnh Độ giả.
(鈔)彼佛淨土者。
(Sao: Cõi Tịnh Độ của đức Phật ấy).
Nói tới Tây Phương Cực Lạc thế giới Tịnh Độ.
(Sao) Pháp Tạng dĩ nhân trung tứ thập bát nguyện, kim thành Phật đạo, quảng độ chúng sanh, tắc Như Lai vô tận công đức, giai tùng nguyện sanh, cố vân bất khả tư nghị.
(鈔)法藏以因中四十八願,今成佛道,廣度眾生,則如來無盡功德,皆從願生,故云不可思議。
(Sao: Do ngài Pháp Tạng đã phát ra bốn mươi tám nguyện trong lúc tu nhân, nay thành Phật đạo độ chúng sanh rộng khắp, vô tận công đức của Như Lai đều sanh từ nguyện, nên nói là “chẳng thể nghĩ bàn”).
Điều này xuất phát từ Đại Kinh, tức là kinh Vô Lượng Thọ. Nói thật ra, tinh vi, đẹp đẽ nhất, tinh hoa nhất, thù thắng nhất trong toàn thể Phật pháp, không gì hơn bốn mươi tám nguyện. Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng, tâm tưởng nơi bốn mươi tám nguyện ấy, niệm nào cũng đều là “chỉ ư chí thiện” (止於至善), nghĩa là đức Phật đã nghĩ tới chỗ tốt đẹp tột bậc, tốt lành đến tận cùng, niệm niệm trụ nơi chí thiện! Vì thế nói “bốn mươi tám nguyện thù thắng, tinh vi đẹp đẽ nhất, và cũng là tinh hoa nhất”. Chúng ta niệm bốn mươi tám nguyện, phải biến bốn mươi tám nguyện trở thành tư tưởng của chính mình, biến chúng thành tâm tưởng của chính mình. Phật Di Đà có thể tạo ra thế giới Cực Lạc, lẽ đâu chúng ta chẳng thể tạo thành thế giới Cực Lạc? Thế giới Cực Lạc do chúng ta tạo và thế giới Cực Lạc do A Di Đà Phật đã tạo chẳng hai, chẳng khác, hoàn toàn tương ứng, do điều này bèn quyết định vãng sanh! Không chỉ là vãng sanh, mà thật sự là vãng sanh trong bậc thượng, quyết định là vãng sanh trong ba phẩm thượng. Bốn mươi tám nguyện của Phật Di Đà, nguyện nào cũng phổ độ chúng sanh, làm sao chúng ta có thể đối lập với chúng sanh? Làm sao có thể đối địch với chúng sanh? Không chỉ là đừng nên đối địch nơi hành vi, mà trong tâm hơi có đôi chút ngăn cách thì đã sai mất rồi. Sai không ở nơi cảnh giới, mà là do tư tưởng và kiến giải của chính chúng ta đã sai. Vì sao? Chẳng phải là chí thiện. Dẫu là thiện, nhưng thiện chưa đạt tới viên mãn, chẳng thể coi là chí thiện. Vì lẽ đó, kinh Vô Lượng Thọ xác thực là “chỉ ư chí thiện”, hãy dùng bản kinh này để uốn nắn tư tưởng, kiến giải và hành vi của chúng ta sao cho đích xác là viên mãn bậc nhất. Đấy là lý do vì sao chúng tôi phải đặc biệt đề xướng bộ kinh này. Trong kinh Pháp Diệt Tận[1], Thích Ca Mâu Ni Phật có dạy: Trong tương lai, toàn thể Phật pháp đều tiêu diệt hết, kinh này còn lưu lại trong thế gian một trăm năm. Trong kinh Vô Lượng Thọ cũng có đoạn kinh văn ấy. Đức Phật bảo: Trong tương lai, Phật pháp sẽ diệt mất, bộ kinh bị tiêu diệt đầu tiên là kinh Lăng Nghiêm, kinh bị diệt cuối cùng là kinh Vô Lượng Thọ. Do vậy, điều khẩn yếu là phải biến nguyện của A Di Đà Phật thành bổn nguyện của chính chúng ta. Trong mỗi niệm, chúng ta đều phải giúp đỡ hết thảy chúng sanh, tin tưởng và yêu thích pháp môn này, phát nguyện cầu sanh. Nếu chẳng thể giúp họ phát nguyện cầu sanh, tối thiểu cũng là làm cho họ biết có pháp môn này. Biết có pháp môn này thì gọi là “gieo chủng tử thù thắng bậc nhất trong A Lại Da Thức”. Nhiều đời nhiều kiếp sau trong tương lai, khi chủng tử ấy gặp duyên bèn dấy lên hiện hành, người ấy có thể thành tựu. Ý nghĩa này hết sức sâu rộng, hy vọng chúng ta có thể lãnh hội cặn kẽ!
(Sao) Lâm chung vãng sanh giả. Hạnh Nguyện phẩm ngôn: “Thị nhân lâm mạng chung thời, nhất thiết chư căn, tất giai bại hoại, dĩ chí thân thuộc, oai thế, tượng mã, trân bảo đẳng, tất giai tán diệt. Duy hữu nguyện vương bất tương xả ly, nhất thiết thời trung dẫn đạo kỳ tiền, nhất sát-na gian, tức đắc vãng sanh Cực Lạc thế giới”. Cố vân bất khả tư nghị.
(鈔)臨終往生者,行願品言:是人臨命終時,一切諸根,悉皆敗壞,以至親屬威勢,象馬珍寶等,悉皆散滅;惟有願王不相捨離,一切時中引導其前,一剎那間,即得往生極樂世界。故云不可思議。
(Sao: “Lâm chung vãng sanh”: Phẩm Hạnh Nguyện có nói: “Người ấy khi mạng chung, hết thảy các căn đều hư hoại, cho đến thân thuộc, oai thế, voi, ngựa, đồ quý báu v.v… đều tan diệt. Chỉ có nguyện vương chẳng hề lìa bỏ, trong hết thảy các thời, nó luôn dẫn đường đằng trước, trong khoảng sát-na liền được sanh về thế giới Cực Lạc. Vì thế nói là “chẳng thể nghĩ bàn”).
Trong phần trên đã nói thế giới Cực Lạc được thành tựu bởi nguyện lực của A Di Đà Phật, mà cũng là được thành tựu bởi nguyện lực của mỗi người vãng sanh. Phật và chúng sanh có cùng một tâm, cùng một nguyện, cùng một kiến giải, cùng một tư tưởng mà thành tựu. Nay chúng ta nói tới Lục Hòa Kính thì Lục Hòa Kính trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đạt được một trăm phần trăm, là Lục Hòa Kính viên mãn, chẳng bị khiếm khuyết mảy may! Đối với thế gian này, nói theo thời Mạt Pháp, Lục Hòa Kính hữu danh vô thực! Hai người ở chung với nhau bèn bất hòa, hàng tại gia thì vợ chồng bất hòa, cha con bất hòa, người xuất gia thì thầy trò bất hòa, sư huynh sư đệ bất hòa. Đó là hiện tượng bình thường, tức là hiện tượng [cho thấy] Phật pháp và pháp thế gian đều suy đồi đến cùng cực. Nếu chính mình thật sự mong vãng sanh Tịnh Độ trong một đời này, hãy nên làm theo cách như thế nào, chính mình phải hiểu rõ chuyện này!
Khi vãng sanh, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện đã nói: “Thị nhân lâm mạng chung thời” (Người ấy lúc lâm chung), tức là nói về người niệm Phật, “nhất thiết chư căn tất giai bại hoại” (hết thảy các căn đều hư hoại), “chư căn” là lục căn, tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, đó là vật chất. Sau khi con người tắt hơi hai ba ngày liền hôi thối, bảy tám ngày liền rữa nát. Chưa đầy nửa năm, thịt chẳng còn nữa, biến thành một đống xương trắng. “Nhất thiết chư căn tất giai bại hoại” (Hết thảy các căn thảy đều hư hoại) là nói thân thể chẳng thể giữ vững được! “Thân thuộc” (親屬) tức là người nhà, quyến thuộc của quý vị. “Oai thế” (威勢): Khi còn sống, địa vị, thế lực của quý vị dẫu cao tới mấy đi nữa, đến lúc này đều chẳng còn. Khi sống làm hoàng đế, làm Tổng Thống, lúc chết sẽ đều giống như tiểu quỷ. Chẳng thể còn có người tôn trọng quý vị, mà quỷ cũng không tôn trọng. Tài vật của quý vị, “tượng mã trân bảo”, voi ngựa là công cụ giao thông vào thời cổ, hiện thời trong nhà của chính mình có xe cộ. Người có tiền thì có máy bay riêng, trân bảo (珍寶) [là những vật quý báu], những tài sản ấy quý vị chẳng thể đem theo món nào được, “tất giai tán diệt” (thảy đều tan diệt). Nói cách khác, thân thể và hết thảy các vật mà quý vị sở hữu, chẳng có thứ gì mang theo được cả! Tục ngữ Trung Hoa có câu: “Sanh không mang gì đến, chết chẳng đem gì đi!”
Có những kẻ làm con, cảm thấy người già chết rồi sẽ làm quỷ, bèn
đốt nhiều tiền vàng mã, đốt nhiều nhà giấy để họ có thể hưởng thụ trong cõi âm! Chư vị ngẫm xem, họ có thể hưởng thụ hay không? Dương thế và âm gian chẳng sai khác cho mấy, cõi trời cũng tương tự. Nói chung, chư vị phải hiểu rõ một đạo lý: Quý vị có phước, sẽ luôn được hưởng thụ. Quý vị thiếu phước, người ta tặng cho, quý vị vẫn chẳng thể hưởng thụ được! Quý vị đốt nhiều cách mấy, nếu người ấy chẳng có phước báo, chỉ sợ thiêu cho nhiều, vẫn bị kẻ khác cướp đi, đoạt mất; thậm chí đã thành quỷ vẫn bị kẻ khác mưu sát. Vì sao? Trong loài quỷ cũng có mưu mô chiếm đoạt tài sản mà hại tánh mạng, cũng có cường đạo, thổ phỉ! Quý vị chẳng có gì, họ chẳng tìm đến quý vị. Khi quý vị có gì đó, họ chuyên môn tìm đến. Không chỉ là chẳng có lợi lộc, mà ngược lại còn gây hại cho người [đã khuất] ấy. Quý vị hiểu đạo lý này: Tu phước là quan trọng nhất. Con người nhất định phải có phước báo! Không tu phước thì làm sao được? Tục ngữ có câu: “Nhân toán bất như thiên định” (Người tính chẳng bằng trời định). Trời định [có nghĩa là] trong mạng quý vị có hay không, chẳng phải do chính mình có thể tính toán được! Nhất định phải
biết tu phước.
Vì vậy, học Phật thì bắt đầu học từ đâu? Học từ Liễu Phàm Tứ Huấn. Chúng tôi học Phật lâu ngần ấy, càng học càng cảm thấy Ấn Quang đại sư rất lỗi lạc. Thuở sinh tiền, lão nhân gia cực lực đề xướng Liễu Phàm Tứ Huấn. Đối với Liễu Phàm Tứ Huấn, An Sĩ Toàn Thư, và Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, thuở tại thế, lão pháp sư đã in ba bộ sách ấy đến hơn ba trăm vạn cuốn, nhằm bảo chúng ta: “Học Phật thì phải học từ chỗ này”. Học Phật phải khởi đầu bằng học làm người, phải học từ tu phước, học từ đoạn ác tu thiện. Chư vị phải biết: Phật là đấng Nhị Túc Tôn, phước trọn đủ, huệ cũng viên mãn. Do hai môn phước và huệ đều viên mãn, nên gọi là Nhị Túc Tôn. Trong thế gian lẫn xuất thế gian, Phật có phước báo lớn bậc nhất! Nếu chúng ta chẳng tu phước, làm sao có thể thành Phật cho được? Cố nhiên, tu huệ là trọng yếu, nhưng chẳng tu phước thì huệ cũng chẳng tu thành. Vì sao? Quý vị chẳng tu phước, quý vị chẳng có cái ăn, chẳng có cái mặc, chẳng có nơi để ở, làm sao có thể tu huệ cho được? Phật môn Trung Hoa có một câu tục ngữ: “Pháp luân vị chuyển, thực luân tiên” (Chưa chuyển pháp luân, phải lo cái ăn trước). Ăn uống là chuyện khẩn yếu bậc nhất! Chẳng ăn no, làm sao có thể tu Phật pháp cho được? Điều này nói rõ tu phước trọng yếu ngần ấy! Tu phước, nhất định phải nghiêm túc chiếu theo Liễu Phàm Tứ Huấn để tu học.
Khuyên dạy đại chúng trong xã hội, nói thật ra, Liễu Phàm Tứ Huấn có hiệu quả quyết định thù thắng hơn hết thảy các kinh. Chẳng phải là hết thảy các kinh chẳng bằng Liễu Phàm Tứ Huấn, [nói “quyết định thù thắng”] là nói tới chuyện khế cơ. Trong quá khứ, mọi người đọc sách của Khổng Tử, tốt hơn nhiều, đối với luân lý và đạo đức đều có khái niệm. Hiện thời, chẳng đọc sách Khổng Tử, lòng người chẳng có chỗ nương về, chân, giả, tà, chánh, đúng, sai, lợi, hại đều chẳng thể phân biệt, làm thế nào được nữa! Vì thế, cái để nhanh chóng cứu vãn tình thế trước mắt chính là nhân quả. Sách Liễu Phàm Tứ Huấn giảng điều gì? Giảng về nhân quả báo ứng. Thật sự tin tưởng nhân quả báo ứng, chúng ta đối với khởi tâm động niệm sẽ tự mình kiềm chế đôi chút. Vì sao? Nghĩ ta làm như thế này, trong tương lai sẽ mắc quả báo như thế nào! Vì sợ ác báo trong tương lai, nên đối với khởi tâm động niệm và hết thảy tạo tác của chính mình, chẳng thể không cẩn thận. Đó là cứu tế chuyện cấp bách! Dựa trên cơ sở này để tu học Phật pháp, nhất định sẽ có thể đạt được lợi ích thù thắng nơi Phật pháp. Vì lẽ đó, vào đầu thời Dân Quốc, lão pháp sư [Ấn Quang] đặc biệt đề xướng ba bộ sách ấy nhằm tạo căn cơ học Phật cho chúng ta. Đó là đại trí huệ, chúng ta quyết định chớ nên xem nhẹ ba tác phẩm ấy.
Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm là pháp tu của Pháp Thân đại sĩ trong thế giới Hoa Tạng, chẳng phải là pháp tu của kẻ bình phàm. Pháp Thân đại sĩ cũng chẳng phải là ngoại lệ, vẫn phải phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Do đó, từ kinh Hoa Nghiêm, chúng ta đạt đến một kết luận, trong kinh luận đức Phật thường nói tới chuyện này. Tu Tiểu Thừa, Tiểu Thừa gần với A La Hán, đức Phật đã dạy: A La Hán sẽ chẳng vĩnh viễn làm A La Hán. Trong toàn thể Phật pháp, A La Hán được gọi là “tiêu nha bại chủng” (焦芽敗種: mầm cháy, hạt giống lép), đây là một kiểu quở trách của đức Phật. Thật ra, từ kinh Đại Thừa, đức Phật đã dạy rất minh bạch: A La Hán phải sau hai vạn kiếp mới có thể hồi Tiểu hướng Đại, tu Bồ Tát đạo. Bích Chi Phật phải sau một vạn kiếp mới có thể quay đầu. Nói cách khác, A La Hán trong hai vạn kiếp chẳng thể tiến lên, dừng nghỉ ở chỗ này. Bích Chi Phật dừng nghỉ ở chỗ này một vạn kiếp, công phu chẳng thể tiến bộ, có tình hình giống như Trường Thọ Thiên[2]. Đó gọi là “đọa Niết Bàn khanh” (đọa trong hầm Niết Bàn), có ý nghĩa này. Nhưng sau hai vạn kiếp, các Ngài vẫn hồi Tiểu hướng Đại, tu học Đại Thừa. Đại Thừa bất luận là pháp môn hay tông phái nào, kết quả cuối cùng đều ở trong thế giới Hoa Tạng. Nói cách khác, đến thế giới Hoa Tạng, nhất định sẽ gặp gỡ Văn Thù và Phổ Hiền, Phổ Hiền Bồ Tát nhất định khuyên họ cầu sanh Tịnh Độ. Chư vị hãy ngẫm xem: Vòng qua đảo lại, đến cuối cùng vẫn vòng đến pháp môn Tịnh Độ. Chúng ta mới thật sự biết: Cực Lạc Tịnh Độ là chỗ quy túc rốt ráo trong sự tu học của tất cả Bồ Tát. Trạm cuối cùng là ở nơi đây, những nơi khác đều là các trạm giữa đường.
Ở đây, kinh văn nói “duy hữu nguyện vương bất tương xả ly” (chỉ có nguyện vương chẳng hề rời lìa), “nguyện” ở đây chính là mười đại nguyện vương. Nói thật thà, mười đại nguyện vương rất khó diễn giải, mà cũng chẳng dễ hiểu, lại càng chẳng dễ thực hiện, xác thực là cảnh giới của Pháp Thân đại sĩ. Các Ngài tu học chẳng khó, chúng ta tu học rất khó, khó ở chỗ nào? Tâm lượng của chúng ta quá nhỏ. Tâm lượng trong nguyện nào của mười đại nguyện vương cũng đều to như hư không pháp giới. Vì thế, các Ngài có thể thực hiện, chúng ta chẳng thể làm được, học kiểu nào cũng chẳng giống! Đạo lý ở chỗ này. Nguyện ấy, niệm ấy chẳng hề rời lìa. Nguyện ấy, niệm ấy hướng dẫn họ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Nhất thiết thời trung dẫn đạo kỳ tiền, nhất sát-na gian, tức đắc vãng sanh Cực Lạc thế giới” (Trong hết thảy các thời, nó dẫn dắt đằng trước, trong khoảng sát-na liền được vãng sanh thế giới Cực Lạc). Ở đây, đại sư trích dẫn một đoạn kinh văn trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm để thuyết minh vãng sanh là do nguyện lực, chỉ nhằm nói rõ chuyện này.
Do vậy cũng có thể biết: Chúng ta chớ nên đánh mất nguyện tâm cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ một giờ một khắc nào, vì sao? Chẳng có nguyện tâm ấy, sẽ chẳng thể vãng sanh. Nếu thời thời khắc khắc nguyện sanh Tịnh Độ, đối với hết thảy người, hết thảy sự, hết thảy vật trong thế gian này, quý vị có còn riết róng so đo hay chăng? Quý vị riết róng so đo thì nói cách khác, quý vị chẳng có nguyện cầu sanh Tây Phương! Niệm nào cũng đều muốn sanh về Tây Phương, thế giới này còn có điều gì đáng để so đo? Chẳng so đo! Tâm đã thật sự thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là Phật tâm. Nguyện từ nơi cái tâm thanh tịnh là chân nguyện, chẳng phải là suy nghĩ loạn xạ. Tâm không thanh tịnh, dẫu có phát nguyện thì cũng đều là suy nghĩ loạn xạ, chẳng chân thật, biến hóa trong từng sát-na: Một hồi nghĩ như thế này, một hồi nghĩ như thế khác, đều chẳng chân thật! Do đó, phải hiểu đạo lý này.
(Sao) Tam giới nhân quả giả.
(鈔)三界因果者。
(Sao: Nhân quả trong ba cõi).
“Tam giới” là Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới, nói tới lục đạo trong thế giới Sa Bà.
(Sao) Nguyện thọ thiên lạc, tắc bần mẫu thượng sanh.
(鈔)願受天樂,則貧母上生。
(Sao: Do nguyện hưởng sự vui trong cõi trời, nên người đàn bà nghèo được sanh lên trời).
“Nguyện thọ thiên lạc” là [mong muốn] hưởng thụ sự sung sướng trên cõi trời. “Tắc bần mẫu thượng sanh”: Đây là một câu chuyện được sách Diễn Nghĩa ghi lại. [Chuyện này trích từ] kinh Ca Diếp Độ Bần Mẫu[3], trong Đại Tạng Kinh có một bộ kinh như vậy. Bộ kinh này phân lượng không nhiều lắm, có ghi chép câu chuyện này.
(Diễn) Tích hữu bần nữ, xử ư phẩn tụ, dĩ nhân dân sở khí tàn trấp vi thực. Ca Diếp tùng khất, dĩ trấp cúng dường. Tôn giả vấn kỳ sở nguyện, vân dục sanh thiên. Sổ nhật mạng chung, sanh Đao Lợi, phước thắng dư thiên.
(演)昔有貧女處於糞聚,以人民所棄殘汁為食,迦葉從乞,以汁供養。尊者問其所願,云欲生天,數日命終生忉利,福勝餘天。
(Diễn: Xưa kia có một người đàn bà nghèo sống nơi chỗ chứa phân, dùng những thứ cơm thừa canh cặn của người khác vứt bỏ để làm thức ăn. Ngài Ca Diếp đến đó khất thực, bà ta bèn cúng dường cơm thừa canh cặn ấy. Tôn giả hỏi bà ta nguyện gì, đáp “muốn sanh lên trời”. Mấy hôm sau bèn mạng chung, sanh lên trời Đao Lợi, phước vượt trỗi các vị trời khác).
Trích lục khéo lắm! Một bộ kinh dài ngần ấy, dùng mấy câu đã nêu bày rõ rệt toàn bộ ý nghĩa của bộ kinh ấy. Người đàn bà nghèo ấy là ăn mày, tuổi tác cũng rất cao, hết sức khổ sở. Sống ở chỗ nào? “Phẩn tụ” (糞聚) là ở bên cạnh hầm phân, kết một cái chòi tranh sống ở đó. Người ta thấy bà ta đáng thương, nên họ đem cho bà những thứ cơm thừa canh cặn, gần như là những thứ người ta dùng để nuôi lợn, bà ăn những thứ đó. Khi tôn giả Ca Diếp khất thực, có đi qua chỗ bà ta. Trên thân bà ta cũng chẳng có quần áo mặc, nên cũng không dám bước ra, liền cầu xin tôn giả Ca Diếp. Tôn giả Ca Diếp thương xót, tiếp nhận sự cúng dường của bà. Bà ta đem những thứ chính mình ăn còn thừa cúng dường tôn giả Ca Diếp. Sau khi tiếp nhận, tôn giả liền hỏi: “Bà mong cầu điều gì?” Bà đáp: “Nhân gian quá khổ, nghe nói trên trời rất sung sướng, con mong được sanh lên trời”. Tôn giả Ca Diếp chúc nguyện cho bà. Bảy ngày sau, người đàn bà nghèo ấy chết, sanh lên cõi trời, sanh trong trời Đao Lợi. Đây là một chút phước cúng dường, là phước báo do cúng dường một vị A La Hán. Bảy ngày sau, bà ta sanh thiên.
(Sao) Nguyện tác minh vương, tắc ngục thần trị quỷ.
(鈔)願作冥王,則獄神治鬼。
(Sao: Nguyện làm vua trong cõi âm, bèn làm thần cai trị quỷ trong địa ngục).
Đây cũng là một công án.
(Diễn) Nguyện tác minh vương giả, Tỳ Sa quốc vương, dữ Duy Đà Như Sanh Vương cộng chiến bất thắng, nhân lập thệ nguyện: “Nguyện ngã lai thế vi địa ngục chủ, trị thử tội nhân”. Thập bát đại thần nguyện diệc như thị. Kim địa ngục chủ, Tỳ Sa Vương thị, thập bát ngục chủ, thập bát đại thần thị.
(演)願作冥王者,毘沙國王,與維陀如生王共戰不勝,因立誓願,願我來世為地獄主,治此罪人,十八大臣願亦如是。今地獄主毘沙王是,十八獄主十八大臣是。
(Diễn: “Nguyện làm vua trong cõi âm”: Quốc vương Tỳ Sa đánh nhau với vua Duy Đà Như Sanh chẳng thắng. Do vậy, lập thệ nguyện: “Nguyện trong đời sau, tôi sẽ làm chủ địa ngục để trừng trị những tội nhân này”. Mười tám vị đại thần cũng phát nguyện như thế. Nay chủ cõi địa ngục là vua Tỳ Sa, chủ của mười tám ngục là mười tám vị đại thần [thuở ấy]).
Đây là một trường hợp. Người Hoa gọi “minh vương” (冥王: vua cõi âm) là Ngũ Điện Diêm Vương (五殿閻王), tức Diêm La Vương cai quản địa ngục. Hiện thời, những quỷ vương trong địa ngục trên thế gian do đâu mà có? Cũng là do trước kia đã phát nguyện, nguyện ấy cũng thật sự được thực hiện. Quốc vương Tỳ Sa đánh nhau với vua Duy Đà Như Sanh, bị thua trận. Sau khi thất bại, bèn phát ra lời nguyện hung tợn ấy. Do niệm lực kiên cố, niệm niệm chẳng quên, hễ có cơ hội bèn báo thù.
Chư vị đọc lịch sử nhà Thanh, nhà Thanh mất nước bởi tay Từ Hy Thái Hậu. Từ Hy Thái Hậu thuộc thị tộc Diệp Hách Na Lạp (Yehenara)[4]. Khi nhà Thanh dựng nước đã tiêu diệt bộ tộc này. Tù trưởng của bộ tộc ấy bèn phát thệ: “Nếu bộ tộc ta còn sót lại một đứa con gái thì trong tương lai cũng phải tiêu diệt đất nước của nhà Đại Thanh”. Hoàng thất nhà Thanh khi đó đều biết chuyện này, nên nhà Thanh có một điều luật lệnh: Không được phép thông hôn với Na Lạp Thị (người thuộc thị tộc Diệp Hách Na Lạp). Cuối cùng, đến đời vua Hàm Phong nạp phi tử thuộc thị tộc Na Lạp, khiến nhà Thanh bị tiêu diệt! Nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn! Nhìn theo nhân quả trong Phật pháp, đây là một thí dụ rất rõ rệt, có lịch sử để làm căn cứ, xác thực là đúng với lời phát nguyện của kẻ ấy trong thuở đó.
Chư vị lại xem Từ Bi Tam Muội Thủy Sám, đầu gối Ngộ Đạt quốc sư nổi mụn ghẻ mặt người. Tôn giả Ca Nặc Ca (Kanaka-vatsa) khi trị ghẻ mới giảng rõ tiền nhân hậu quả. Đó là oan gia trái chủ của Sư truy lùng Sư đến mười đời, mỗi đời đầu thai đều toan báo cừu. Đời trước, hai người bọn họ kết cừu oán lúc nào? Vào thời Cảnh Đế (188-141 trước Công Nguyên) nhà Hán, [khi các nước chư hầu] Ngô và Sở làm phản. Hán đế theo mưu kế của Viên Áng (袁盎) giết chết Triều (Tiều) Thố (晁錯)[5]. Triều Thố bị chết vì hãm hại, ôm hận trong tâm, niệm niệm mong báo thù. Nào ngờ về sau, Viên Áng xuất gia làm cao tăng, có thần hộ pháp bảo vệ, đời đời kiếp kiếp đều có đạo đức, đều nghiêm túc tu hành. Đến đời thứ mười, Ngài làm quốc sư, tức là Ngộ Đạt quốc sư, là thầy của hoàng đế. Hoàng đế cúng dường Sư một tòa báu bằng trầm hương, chúng ta biết hiện thời một cân trầm hương đến mấy chục vạn đồng! Sư tiếp nhận tòa báu trầm hương, sanh một tâm niệm ngạo mạn, cảm thấy chính mình ghê gớm lắm. Do một tí tâm ngạo mạn ấy nẩy sanh mà công đức tu hành trong mười đời đều mất sạch. Một niệm nẩy sanh tâm ngạo mạn, tự cho mình là đúng, thần hộ pháp bỏ đi, oán quỷ quấn thân, gần như mất mạng!
Quý vị hiểu sự thật này, giữa con người với nhau, chớ nên kết oán! Kết oán thì đời đời kiếp kiếp đều phiền phức, mấy đời tu hành, chướng ngại trên đường Bồ Đề gọi là ma chướng! Quý vị phải chịu rất nhiều vùi dập. Vì lẽ đó, đức Phật dạy chúng ta nhẫn nhục, dạy chúng ta tu Định, dạy chúng ta tâm địa phải thanh tịnh, bình đẳng, phải từ bi, nhường nhịn. Như vậy thì chính mình tu hành mới tương đối thuận lợi đôi chút. Do oai thần của Tam Bảo gia trì, nên cũng có thể nẩy sanh hiệu lực. Nếu không, nghiệp chướng của quý vị nặng nề, Phật, Bồ Tát cũng chẳng có cách nào gia hộ quý vị! Oán thân trái chủ của quý vị quá đông, Phật, Bồ Tát cũng chẳng thể không đếm xỉa lý lẽ, quý vị đáng phải chịu báo mà! Do đó, chính mình phải nghiêm túc tu hành, phải nhẫn nhục, phải nhường nhịn người khác, chớ nên nổi nóng. Chuyện này hết sức trọng yếu.
(Sao) Chủng chủng tùy nguyện, mạc vi nhi vi. Cố vân bất khả tư nghị.
(鈔)種種隨願,莫為而為。故云不可思議。
(Sao: Các thứ thuận theo nguyện, không làm mà làm. Vì thế, nói là “chẳng thể nghĩ bàn”).
Nhìn từ đoạn văn này, chúng ta có thể hiểu rõ, thế gian và xuất thế gian, trên là từ thế giới Cực Lạc, thế giới Hoa Tạng, dưới là cho tới ba ác đạo, đều chẳng lìa khỏi nhân quả. Pháp sư Ấn Quang đề xướng nhân quả là có lý, có căn cứ. Đề xướng nhân quả, Ngài không nói gì khác, chỉ nói tới Liễu Phàm Tứ Huấn. Đấy là vì từ cuối đời Minh cho đến đầu đời Thanh, trong hơn ba trăm năm, ai cũng biết đến tác phẩm Liễu Phàm Tứ Huấn. Xưa kia, hễ là người đọc sách thì gần như chẳng có ai không đọc sách này, cho nên đề xướng [hành theo sách ấy] sẽ hết sức thuận tiện. Sách ấy lại còn nói thấu triệt. Cư sĩ Liễu Phàm hiện thân thuyết pháp, sửa đổi vận mạng của chính mình như thế nào? “Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng”. Ông ta có thể làm được, mà cũng có thể cầu được. Những điều ông ta mong cầu, trong mạng chẳng có, nhưng ông có thể cầu được thì mới gọi là “cầu”. Trong mạng đã có thì chẳng gọi là cầu. Trong mạng chẳng có mà ông ta có thể cầu được, cầu bằng cách nào? Tin nhân quả sửa đổi vận mạng của chính mình, đặc biệt lấy chuyện này để giáo hóa kẻ sơ học, sửa đổi xã hội, xác thực là đã sanh ra hiệu quả rất lớn. Xã hội hiện thời cũng là [một xã hội] rối loạn đến tột cùng. Làm thế nào để cứu vãn xã hội? Mọi người đều có thể đề xướng Liễu Phàm Tứ Huấn, đều có thể thực hành Liễu Phàm Tứ Huấn, tôi tin tưởng là trong hai ba năm, xã hội sẽ an tường, hòa thuận. Sự an hòa lợi lạc như chánh phủ đang đề xướng có thể thực hiện, chuyện này phải cậy vào sự nỗ lực của mọi người.
(Sao) Bồ Tát nguyện sanh giả, Phổ Hiền tụng vân: “Nguyện ngã lâm dục mạng chung thời, tận trừ nhất thiết chư chướng ngại, diện kiến bỉ Phật A Di Đà, tức đắc vãng sanh An Lạc sát”.
(鈔)菩薩願生者,普賢頌云:願我臨欲命終時,盡除一切諸障礙,面見彼佛阿彌陀,即得往生安樂剎。
(Sao: “Bồ Tát nguyện sanh”: Bài kệ của ngài Phổ Hiền có đoạn: “Nguyện tôi lúc mạng sắp lâm chung, tận trừ hết thảy các chướng ngại, gặp gỡ đức Phật A Di Đà, liền được vãng sanh cõi An Lạc”).
“Ngã” là Phổ Hiền Bồ Tát tự xưng. “An Lạc Sát” là thế giới Cực
Lạc. Đây là Phổ Hiền Bồ Tát phát nguyện, lời nguyện này ở trong kinh Hoa Nghiêm. Phổ Hiền và Văn Thù là hai vị trợ thủ của Tỳ Lô Giá Na Phật trong thế giới Hoa Tạng. Trong toàn thể Phật pháp, các Ngài có địa vị tối cao vô thượng, [thế mà] vẫn phải cầu sanh Tịnh Độ. Đã thế, trong lời kệ phát nguyện còn nói: “Tận trừ hết thảy các chướng ngại”. Chúng ta đọc câu này, trong tâm có cảm tưởng gì? Đẳng Giác Bồ Tát còn có chướng ngại gì? Ngài còn phải trừ chướng ngại, chúng ta làm thế nào? Chúng ta có quá nhiều chướng ngại, có trừ cũng trừ không hết. Nhưng chư vị đừng sợ, nếu chúng ta hiểu rõ sự thật, sẽ có thể yên tâm. Chướng ngại gì vậy? Chẳng tin, chẳng nguyện, chẳng chịu niệm A Di Đà Phật, đó là chướng ngại! Chúng ta có những chướng ngại ấy hay không? Có! Chúng ta cũng chẳng tin pháp môn này, mà cũng chẳng phát nguyện, cũng không chịu niệm Phật. Nếu quý vị chẳng có chướng ngại, sẽ là một câu A Di Đà Phật suốt ngày từ sáng đến tối hai mươi bốn tiếng đồng hồ chẳng gián đoạn. Quý vị còn niệm Phật gián đoạn, còn quên bẵng niệm Phật, chứng tỏ quý vị có chướng ngại, ba phương diện Tín, Nguyện, Hạnh đều có chướng ngại. Từ chỗ này, có thể kiểm điểm chính mình. Đừng tự cho là “ta đã không còn chướng ngại, ta đã tin tưởng rất kiền thành”. Thật ra, tín căn của quý vị có vấn đề to lớn! Hễ có chuyện gì xảy đến, [bèn nghĩ] “chuyện này quan trọng hơn niệm Phật”, đó là chướng ngại!
Có chuyện nào trọng yếu hơn niệm Phật? Chẳng có! Dẫu là chuyện bất đắc dĩ, tạm thời buông Phật hiệu xuống để làm việc. Hễ làm xong chuyện, liền tiếp tục niệm Phật hiệu ngay, đó là đúng. Tận hết sức giảm thiểu những chuyện không cần thiết. Có những kẻ bảo người niệm Phật là Tiểu Thừa, có những người nói người niệm Phật là phường chỉ lo tự giải thoát cho riêng mình, người niệm Phật rất tiêu cực, vì sao? Người niệm Phật lục thân[6] chẳng nhận, thù tạc với thân thích bằng hữu đều chẳng có. Vì thế, người ta chê quý vị là tiêu cực. Sợ người ta chê là tiêu cực, hừm! Lại thù tạc, Phật hiệu cũng tạm thời vứt qua một bên, vứt riết rồi quên bẵng. Những thứ vây quanh quý vị toàn là ma chướng, chướng ngại quý vị niệm Phật, quý vị phải hiểu nhé!
Nói thật thà, chúng ta niệm A Di Đà Phật, kẻ khác nói ta là Tiểu Thừa, Tiểu Thừa có sao đâu! Kẻ khác nói ta tiêu cực, tiêu cực cũng được! Kẻ khác chê ta vô tình vô nghĩa, kệ họ nói sao thì nói, ta cứ niệm một câu A Di Đà Phật tới cùng, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, thả chiếc bè Từ trở lại, thành Bồ Tát, thành Phật đến độ hết thảy chúng sanh, có phải là tiêu cực hay không? Có phải là Tiểu Thừa hay không? Người thế gian chẳng thấy chuyện này! Nay chúng ta nghe những lời lẽ đó, tâm chính mình bị dao động thì nói cách khác: Ba món Tín, Nguyện, Hạnh của quý vị đều chưa thể trông cậy được! Đó là chướng ngại. Nay chúng ta chỉ cần quét sạch những chướng ngại ấy, nhất tâm nhất ý niệm A Di Đà Phật. Đừng nói là pháp thế gian chẳng thể chướng ngại được, hết thảy xuất thế gian Phật pháp cũng chẳng thể chướng ngại được. Quý vị nói Thiền hay, chúng tôi rất cung kính, Thiền hay lắm! [Quý vị nói] Giáo hay, [tôi cũng tán thán] Giáo cũng khá lắm. Mật cũng hay, thứ gì cũng đều hay. “Quý vị học pháp của quý vị, tôi học pháp của tôi, tôi tuyệt đối chẳng bị lay động!” Đó là diệt trừ chướng ngại, tâm quý vị thật sự định, như vậy thì mới chắc chắn thành tựu. Do đó, bí quyết niệm Phật là “quyết định chẳng hoài nghi, chẳng gián đoạn, không xen tạp”, há lẽ nào chẳng thành công? Phổ Hiền và Văn Thù phải trừ khử hết thảy chướng ngại, cũng là trừ những chướng ngại ấy!
(Sao) Nãi chí nguyện mông thọ ký, quảng lợi chúng sanh đẳng, chí như Văn Thù phát nguyện vãng sanh sở thuyết chi kệ, diệc vân: “Nguyện ngã mạng chung thời, diệt trừ chư chướng ngại, diện kiến Di Đà Phật, vãng sanh An Lạc sát”, dữ Phổ Hiền nhược hợp phù tiết.
(鈔)乃至願蒙授記,廣利眾生等,至如文殊發願往生所說之偈,亦云:願我命終時,滅除諸障礙,面見彌陀佛,往生安樂剎。與普賢若合符節。
(Sao: Cho đến “nguyện được thọ ký, lợi ích chúng sanh rộng rãi” v.v… Như ngài Văn Thù nói bài kệ phát nguyện vãng sanh, cũng nói: “Nguyện tôi lúc lâm chung, diệt trừ các chướng ngại, gặp gỡ Phật Di Đà, vãng sanh cõi An Lạc”, phù hợp khít khao với ngài Phổ Hiền).
“Phù tiết” (符節)[7] là một loại ấn tín. Văn Thù Bồ Tát phát nguyện chẳng khác Phổ Hiền Bồ Tát, hoàn toàn giống nhau.
(Sao) Tha như Thiên Thân, Long Thọ đẳng, đa nan tất trần, cố vân “bất khả tư nghị”.
(鈔)他如天親龍樹等,多難悉陳,故云不可思議。
(Sao: Những vị khác như Thiên Thân, Long Thọ v.v… nhiều đến nỗi khó thể kể xiết. Do đó nói là “chẳng thể nghĩ bàn”).
Nói tới những vị khác như Thiên Thân Bồ Tát, Long Thọ Bồ Tát, các vị này là người ngoại quốc[8]. Thiên Thân và Vô Trước là anh em, Vô Trước là anh. Thiên Thân Bồ Tát cũng thông minh tột bậc. Thuở đầu, Ngài học Tiểu Thừa, có thành tựu rất lớn trong Tiểu Thừa. Về sau, Ngài hồi Tiểu hướng Đại. Ngài soạn năm trăm bộ luận Tiểu Thừa, đối với Đại Thừa cũng soạn năm trăm bộ luận. Đấy là hai vị đại Bồ Tát lỗi lạc tái hưng Phật pháp sau thời Thích Ca Mâu Ni Phật. Sau ngài Thiên Thân là Long Thọ, Long Thọ là tổ chung của tám tông phái Đại Thừa, tám tông phái Đại Thừa ở Trung Hoa đều do Long Thọ Bồ Tát truyền. Vị này cũng là người thông minh tuyệt đỉnh! Các Ngài đến cuối cùng đều niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục có truyện ký của các Ngài. Các vị tổ sư đại đức như vậy cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ quá nhiều, từ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện ta đều có thể xem thấy.
“Cố vân bất khả tư nghị” (Nên nói là chẳng thể nghĩ bàn), ý nói nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn. Quý vị có nguyện vọng kiên cố, chẳng có gì không đạt được, đúng là “có nguyện ắt thành”. Có nguyện ắt thành thì nguyện phải có hạnh. Nguyện mà thiếu hạnh sẽ là nguyện rỗng tuếch, nguyện ấy chẳng thể thành tựu. Sau nguyện phải có hành động, dùng hạnh để thực hiện nguyện. Có nguyện ắt thành, chúng ta phải làm! Ta có nguyện cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, ta nhất định phải niệm Phật. Nếu ta niệm Phật chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, nguyện ấy quyết định thành tựu. Nếu quý vị chẳng làm được, tức là nguyện suông, suốt một đời này vẫn chẳng thể vãng sanh được!
(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh hoàn quy bản thể, thị nguyện sanh bỉ quốc nghĩa.
(疏)稱理,則自性還歸本體,是願生彼國義。
(Sớ: Xứng Lý thì tự tánh trở về bản thể chính là ý nghĩa “nguyện sanh về cõi ấy”).
Ý nghĩa này sâu xa, đây là nói xứng tánh. Trong phần trước là nói theo sự tướng, còn đoạn này nói theo tâm tánh. Nếu từ sự tướng mà lại có thể quy vào tâm tánh, vãng sanh Tịnh Độ sẽ là thượng phẩm thượng sanh, sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm, phẩm vị cao cả. “Tự tánh hoàn quy bản thể” là gì?
(Diễn) Tự tánh hoàn quy bản thể giả, nhược bất minh bản thể,
duy yếm thử Sa Bà hân Cực Lạc, tắc tùy cảnh thiên di, trục vật lưu chuyển, phi chân sanh bỉ quốc cố vân dã.
(演)自性還歸本體者,若不明本體,唯厭此娑婆忻極樂,則隨境遷移,逐物流轉,非真生彼國故云也。
(Diễn: “Tự tánh trở về bản thể”: Nếu không hiểu rõ bản thể, chỉ chán nhàm thế giới Sa Bà này, yêu thích Cực Lạc, sẽ bị chuyển dời theo cảnh, lưu chuyển theo vật, chẳng phải là thật sự sanh về cõi kia, cho nên nói như vậy).
Chúng ta xem mấy câu này, vừa xem xong bèn sanh hoài nghi. Vì sao? Nhà Thiền nói “minh bản thể” là minh tâm kiến tánh. Nếu chẳng thể kiến tánh, tuy chán lìa Sa Bà, ưa cầu Cực Lạc, vẫn chẳng thật sự sanh về cõi ấy, đấy chẳng phải là một nỗi phiền phức to lớn ư? Nhìn vào chuyện này, chúng ta đều chẳng có hy vọng gì! Trong tương lai, chúng ta sanh vào Tây Phương Cực Lạc thế giới rốt cuộc là sanh vào chỗ nào? Chẳng phải là thế giới Cực Lạc thật, chẳng lẽ còn có một thế giới Cực Lạc giả ư? Do đó, ở chỗ này có một vấn đề, lại còn là một vấn đề rất lớn. Chẳng thể giải quyết vấn đề này, chúng tôi vừa mới nói niệm Phật có ba điều kiện, [trong đó, đối với điều kiện] không hoài nghi, quý vị đã hoài nghi. Tuy hoài nghi, nhưng quý vị thật sự còn có thể [niệm Phật] chẳng gián đoạn, không xen tạp, thì vẫn có thể vãng sanh, sanh vào biên địa, kinh Vô Lượng Thọ có nói chuyện này. Biên địa cũng khá lắm, bất quá ở nơi đó tới năm trăm năm, vẫn dự vào phẩm vị vãng sanh y hệt, vẫn là rất may mắn, vẫn là rất hạnh phúc. Sanh vào biên địa cũng tuyệt diệu, thù thắng khôn sánh, chỉ là lâu hơn người ta năm trăm năm, như thế mà thôi! Do đó, chúng ta chớ nên coi thường biên địa. Ở đây, xác thực là phải hiểu rõ sự thật này. Thông thường, người niệm Phật hễ niệm đến mức biết trước lúc mất, chẳng bị bệnh khổ mà vãng sanh, thưa cùng chư vị, đại khái đều là đã kiến tánh. Họ cũng chẳng nói là họ đã minh tâm kiến tánh, chúng ta cũng chẳng nhìn ra họ đã minh tâm kiến tánh, nhưng họ thật sự minh tâm kiến tánh. Vì sao? Chỉ có một câu A Di Đà Phật, niệm đến mức phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, ưu lự, vướng mắc thảy đều hết sạch. Quý vị ngẫm xem, người ấy đã đắc Niệm Phật tam-muội, đã đắc Định, nói theo Tịnh Độ Tông sẽ là Sự nhất tâm bất loạn. Trong sát-na vãng sanh, khi Phật đến tiếp nghênh, Phật quang vừa chiếu rọi, công phu của người ấy liền được nâng cao gấp bội.
Trong nguyên bản tiếng Phạn, kinh Di Đà chẳng có chữ “nhất tâm
bất loạn”, Huyền Trang đại sư dịch là “nhất tâm hệ niệm”. Cưu Ma La Thập đại sư dịch là “nhất tâm bất loạn”, chẳng phải là ý nghĩa trong kinh văn nguyên thủy. La Thập đại sư dịch ý, Huyền Trang đại sư chẳng nói ngài La Thập dịch sai. Điều này chứng tỏ, phàm là người vãng sanh đều là nhất tâm bất loạn. Chúng ta thường nói mức độ niệm Phật thấp nhất là phải niệm đạt tới công phu thành phiến. Công phu thành phiến thì khi vãng sanh, Phật đến tiếp dẫn, do Phật quang chiếu gội, công phu của quý vị được nâng cao thành Sự nhất tâm bất loạn. Do nhìn từ chỗ này, Cưu Ma La Thập đại sư dịch thành “nhất tâm bất loạn” chẳng sai! Nhất tâm bất loạn là do được Phật lực gia trì, chúng ta mới đạt tới. Công phu của chúng ta đạt mấp mé nhất tâm bất loạn, Phật vừa gia trì, bèn nâng cao, đạt tới nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn bèn khai huệ, khai huệ bèn minh tâm kiến tánh.
Dẫu là một bà cụ chẳng biết chữ, điều gì cũng không biết, nhưng bà thật thà niệm một câu A Di Đà Phật, niệm mấy năm, đứng mất, ngồi mất, quyết định là kiến tánh. Nếu chẳng kiến tánh, chẳng thể nào có công phu như vậy. Vị đồ đệ của lão hòa thượng Đế Nhàn niệm A Di Đà Phật ba năm bèn đứng mất. Sau khi vãng sanh, thân thể còn đứng sững suốt ba ngày, chờ thầy mình đến lo liệu hậu sự. Nếu chẳng kiến tánh, sao có thể làm được? Do vậy, cụ Đế Nhàn tán thán ông ta, tán thán người ấy chẳng uổng công xuất gia, tán thán người ấy thành tựu vượt trỗi các pháp sư giảng kinh thuyết pháp cả nước, vượt trỗi những vị trụ trì các nơi danh sơn bảo sát (các chùa nổi tiếng) quá nhiều, những người ấy đều chẳng thể sánh bằng ông ta! Đấy là lời thật, chẳng phải hư giả. Trong kinh Lăng Nghiêm, chúng ta cũng có một câu kinh văn để chứng minh, “tịnh cực quang thông đạt”. Một câu A Di Đà Phật là tịnh, vị ấy niệm gì cũng đều chẳng có, trừ một câu A Di Đà Phật ra, thứ gì cũng đều chẳng có. Tịnh đến mức tột cùng bèn hoát nhiên khai ngộ, minh tâm kiến tánh. “Quang thông đạt” là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Do đó, chúng ta hiểu: Người niệm Phật khi vãng sanh, đại đa số đều là khai ngộ, nhất là những người biết trước lúc mất, chúng ta có thể đoán định họ chẳng phải là phường tầm thường!
Do vậy, bình thường niệm Phật, há nên xen tạp vọng tưởng? Xen tạp vọng tưởng gây tổn hại rất lớn. Vì sao người ta niệm Phật đôi ba năm bèn thành công, chúng ta niệm mấy chục năm vẫn chẳng thể thành công? Do chúng ta xen tạp vọng tưởng quá nhiều! Dẫu chẳng gián đoạn, nhưng trong ấy hãy còn xen tạp. Vì thế, công phu chẳng thể thành tựu. Người thật sự niệm Phật, trong Phật hiệu chẳng có xen tạp, thuần túy là một câu Phật hiệu, là một niệm ấy. Vì vậy, họ thành tựu thù thắng. Nếu chẳng có công phu như vậy, sẽ thật sự giống như hai câu nói ở đây: “Tùy cảnh thiên di, trục vật lưu chuyển” (Đổi dời theo cảnh, lưu chuyển theo vật). “Cảnh” là hoàn cảnh vật chất, quý vị thời thời khắc khắc bị hoàn cảnh bên ngoài dụ dỗ, mê hoặc. “Trục vật lưu chuyển” là trong tâm quý vị chẳng thể tự chủ. Đấy chính là phiền não dấy lên hiện hành, đồng tu tại gia thuộc trong tình cảnh này, mà người xuất gia cũng thuộc tình cảnh này! Người khác tán thán quý vị một câu, bèn đắc ý vênh váo, đáng sợ quá! Tự cho mình là đúng, [người khác] mắng quý vị mấy câu, tức tối mấy hôm chẳng thể nguôi nổi! Khen ngợi hay hủy báng là cảnh giới bên ngoài, quý vị đã bị ngoại cảnh ảnh hưởng. Trong tâm quý vị động, hoan hỷ hay nóng giận là trong tâm quý vị chấn động, mất mấy ngày chẳng thể khôi phục bình thường! Lưu chuyển theo vật như vậy, làm sao có thể nói tới công phu cho được? Làm sao quý vị có thể niệm Phật hiệu tốt đẹp cho được? Chẳng thể nào!
Nếu hỏi niệm Phật theo cách nào ư? Cảnh giới bên ngoài vừa
động bèn “A Di Đà Phật”. Ngoại cảnh lẫn nội tâm đều quy hết vào A Di Đà Phật, hóa giải nơi A Di Đà Phật, đều chẳng còn nữa. Đó gọi là niệm Phật, là biết niệm, là công phu, chẳng bị ngoại cảnh xoay chuyển, thật sự có thể niệm mất sạch phiền não và tập khí. Đã đắc Định rồi thì mới có thể khai trí huệ, có trí huệ thì mới có thể phá vô minh, thấy bản thể, bản thể là tự tánh.
(Diễn) Hựu hoàn quy giả, vô bất tùng thử pháp giới lưu, vô bất hoàn quy thử pháp giới dã.
(演)又還歸者,無不從此法界流,無不還歸此法界也。
(Diễn: Lại nữa, “hoàn quy” là không gì chẳng từ pháp giới này lưu xuất, không gì chẳng trở về pháp giới này).
“Pháp giới” là gì? Là nhất tâm, là chân tâm của chính mình. Ai nấy đều có chân tâm, chân tâm là một, chân tâm như nhau. Vọng tâm khác hẳn, vọng của mỗi cá nhân đều khác biệt. Chân tâm giống như nước khi nó tĩnh lặng, chẳng cuộn sóng, hoàn toàn tương đồng. Toàn thể biển cả đều giống hệt như nhau. Vọng tâm là sóng cuộn, mỗi con sóng đều khác nhau. Hết thảy chúng sanh dùng vọng tâm, Phật dùng chân tâm. Chúng ta học Phật thì phải bỏ vọng tâm, dùng chân tâm. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” (Nên quán tánh pháp giới, hết thảy do tâm tạo). Đó chính là ý nghĩa của hai câu này.
Y báo và chánh báo trang nghiêm của mười pháp giới đều thuộc trong tự tánh, do chân tâm biến hiện ra, duy tâm sở hiện. Pháp giới do chân tâm biến hiện có lìa khỏi chân tâm hay không? Chẳng hề lìa khỏi; vì vậy, “hoàn quy thử pháp giới” (trở về pháp giới này). Giống như ban đêm ngủ rồi nằm mộng, mộng cảnh giống như mười pháp giới, cái tâm có thể nằm mộng ví như chân tâm. Trong lúc quý vị đang nằm mộng, nếu chúng ta hỏi tâm quý vị giống như thế nào ư? Cảnh giới được hiện [trong giấc mộng] chính là hình dạng của cái tâm. Tâm quý vị đã biến thành một cảnh giới, dáng vẻ [của cảnh giới ấy] chính là hình dạng của cái tâm quý vị. Tâm là cảnh, cảnh là tâm, chẳng hai, chẳng khác. Hễ tỉnh giấc, cảnh ấy chẳng có, trở về nhất tâm. Trong Phật pháp thường nói “toàn vọng chính là chân, toàn chân chính là vọng”. Chân là năng biến (cái có thể biến), vọng là sở biến (cái được biến). Năng biến và sở biến là một, không hai. Năng tức là Sở, Sở tức là Năng; mộng là tâm, tâm là mộng, điều này khá dễ hiểu!
Cùng một đạo lý như vậy, cảnh giới mà nay chúng ta đang trông thấy chính là do Chân Như bản tánh của chúng ta biến hiện. Nếu hỏi quý vị, chân tâm của quý vị có hình dạng ra sao? Vũ trụ như quý vị đang thấy chính là chân tâm của quý vị, vì vũ trụ do chân tâm biến hiện. Quý vị nói xã hội chẳng tốt, tức là tâm quý vị chẳng tốt. Nếu tâm quý vị tốt, lẽ nào biến thành cảnh giới ấy? Do lẽ đó, há có nên chê trách cảnh giới không tốt? Đức Phật nói có lý lắm, hãy quay lại sửa đổi cái tâm. Tâm thanh tịnh, cảnh giới liền thanh tịnh. Vì vậy, trong mắt Phật, Ngài thấy hết thảy chúng sanh đều là Phật, chúng sanh thấy Phật, Bồ Tát cũng là chúng sanh, là do đạo lý này. Trong cái nhìn của quỷ, hết thảy đều là quỷ. Bậc thiện nhân chân chánh sẽ thấy hết thảy mọi người đều là thiện nhân, kẻ ác thấy hết thảy mọi người chẳng có ai không ác! Đây cũng là đạo lý được nói trong kinh Hoa Nghiêm: “Một chính là hết thảy, hết thảy chính là một”.
(Diễn) Tùng nhất tâm trung lưu xuất tứ thánh lục phàm, tắc tứ thánh lục phàm nhưng cựu hoàn quy nhất tâm. Hựu tự tánh tức thị bản thể, nhi vân hoàn quy giả, dĩ tự tánh nhất hướng bất thủ tự tánh, ngũ đạo tùy duyên, cố kim ưng đương hoàn quy dã.
(演)從一心中流出四聖六凡,則四聖六凡仍舊還歸一心。又自性即是本體,而云還歸者,以自性一向不守自性,五道隨緣,故今應當還歸也。
(Diễn: Từ trong nhất tâm lưu xuất tứ thánh lục phàm, nên tứ thánh lục phầm vẫn trở về nhất tâm y như cũ. Tự tánh lại chính là bản thể, nhưng nói “trở về” là do tự tánh một mực chẳng giữ lấy tự tánh, tùy duyên trong năm đường, cho nên [nói] “nay hãy nên trở về” vậy).
Nói thật ra, những lời này là do đức Phật đã rát miệng buốt lòng, bất đắc dĩ nói phương tiện cùng chúng ta. Nếu nói lời thật, chúng ta sẽ chẳng hiểu, chẳng có cách nào thấu hiểu. Nói thật ra, thưa cùng chư vị, chẳng có lưu xuất, mà cũng chẳng có quy hoàn, cũng chẳng có năng biến, mà cũng chẳng có sở biến. Nhưng chúng ta chẳng hiểu điều này, do nó vượt khỏi thường thức của chúng ta quá nhiều! Do lẽ đó, đức Phật chẳng thể không thuyết pháp thuận theo thường thức của bọn chúng sanh chúng ta. Nếu chúng sanh muốn thật sự lãnh hội ý nghĩa chân thật của Phật, nhất định phải tuân theo lời dạy của Mã Minh Bồ Tát trong Khởi Tín Luận: “Lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng văn tự, lìa tướng tâm duyên”, quý vị mới có thể thật sự thấu hiểu nghĩa chân thật do đức Như Lai đã nói. Trong ba điều trên, chỉ cần chấp trước một điều, sẽ chẳng thể hiểu nghĩa chân thật do Như Lai đã nói, quý vị chỉ có thể nghe hiểu một chút bề ngoài mà thôi! Nếu quý vị cứ chiếu theo [cách hiểu hời hợt như vậy] để nói, nói y chang như thế thì sai bét mất rồi, quý vị vẫn phải chịu trách nhiệm nhân quả.
Người hiện thời thích giảng kinh, thuyết pháp, thích biểu hiện, đây là căn bệnh chung của người hiện thời. Cổ nhân dẫu có thể giảng kinh, thuyết pháp, nhưng quý vị thỉnh họ, họ chẳng dám giảng, vì sao? Cổ nhân sợ nhân quả. Còn hiện thời thì là “nhân quả sợ”, [tức là] nhân quả sợ quý vị! Cổ nhân hiểu “nói sai một chữ chuyển ngữ, đọa làm thân chồn hoang năm trăm đời”. Họ làm sao dám tùy tiện giảng? Họ chẳng dám giảng. Người hiện thời chẳng tin nhân quả báo ứng; chẳng tin nhân quả báo ứng thì vẫn trốn không thoát nhân quả báo ứng. Nói cách khác, họ đáng phải chịu quả báo ra sao thì vẫn phải chịu đúng như thế đó. Chẳng thể nói “không tin thì sẽ không chịu quả báo”, chẳng có lẽ ấy! Vẫn phải chịu quả báo, điều này vô cùng đáng sợ. Muốn nói Phật pháp mà chẳng phạm phải sai lầm thì chính mình phải hữu chứng! Quý vị chẳng nhập cảnh giới này mà mong nói pháp chẳng phạm sai lầm, quá khó! Thầy Lý dạy bọn sơ học chúng ta hãy nương theo chú giải của cổ nhân, một câu cũng chẳng thể trái nghịch. Nói cách khác, dịch lời chú giải của cổ nhân thành văn nói, dịch sang văn Bạch Thoại. Từng câu, từng chữ đều có căn cứ, như vậy thì nếu quý vị nói sai, đó là chú giải sai, cổ nhân phải chịu trách nhiệm, quý vị chẳng gánh trách nhiệm. Nếu không căn cứ như vậy, chính mình nói trật, chẳng thể nào không gánh trách nhiệm. Do đó, chính mình nhất định phải thật sự hữu tu hữu chứng, nêu ra tâm đắc do sự tu chứng của chính mình thì mới thật sự được mấy phần tương ứng, mới có thể miễn trừ khuyết điểm. Nếu không, đúng là chẳng dễ dàng! Kẻ trẻ tuổi hiện thời đến đâu cũng dám nói [cho sướng miệng], chứ người thuộc thế hệ già hơn chẳng dám làm theo kiểu đó.
“Bất thủ tự tánh” là gì? Kinh Lăng Nghiêm nói điều này rất nhiều.
Giáo Hạ thường nói “Chân Như bất thủ tự tánh” là “nhất niệm bất giác, nhi hữu vô minh” (do một niệm bất giác, bèn có vô minh). Chẳng giữ lấy tự tánh chính là một niệm bất giác, là một niệm mê. Mê là không giữ lấy tự tánh, giác là tự tánh hiện tiền, tức là mê và giác! Giác tâm thanh tịnh, giác tâm bình đẳng. Tâm chúng ta bất bình đẳng trong hết thảy các pháp thì là mê, tâm bất tịnh trong hết thảy các pháp là mê. Tâm bất tịnh là gì? Tâm chuyển động, hễ động thì là mê. Giác tâm bất động, cho nên giác tâm là thanh tịnh tịch diệt. Đây là nói vì sao Phật pháp phải tu Định, Định là giác tâm. Huệ là gì? Huệ là Định khởi tác dụng, Định khởi tác dụng là Huệ. Giống như nước, chúng ta đối trước Phật, Bồ Tát dâng cúng nước nhằm biểu thị ý nghĩa này. Nước phải thanh tịnh, nước phải bình lặng. Nói thật ra, đó chính là “thanh tịnh, bình đẳng, giác” trong tựa đề kinh Vô Lượng Thọ, nước biểu thị ý nghĩa ấy. Tâm của ta thanh tịnh, bất nhiễm, tâm của ta bình đẳng, bất động, cái tâm ấy đối ứng cảnh giới bên ngoài, sẽ được gọi là “chiếu kiến”. Đó là “chiếu kiến” như Tâm Kinh đã nói. Nếu chẳng giữ lấy tự tánh, bèn gọi là “tình kiến”. Tình là động, tình là mê. Cái Thấy ấy sẽ chẳng phải là chân tướng, mà là hư vọng tướng. Chiếu kiến là chân tướng, là Thật Tướng của các pháp, khác hẳn! Đó mới gọi là “hoàn quy”. Nay chúng ta từ “chẳng thanh tịnh” khôi phục thanh tịnh, từ bất bình đẳng khôi phục bình đẳng, đó là khôi phục tự tánh. Khôi phục tự tánh, quý vị nhìn lại y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, sẽ hoàn toàn hiểu rõ chân tướng sự thật. Khi ấy, nếu vì hết thảy chúng sanh thuyết pháp, quyết định chẳng phạm sai lầm. Vì sao? Quý vị đích thân chứng nhập cảnh giới, tri kiến hoàn toàn giống như tri kiến của Phật, há có thể sai được ư?
Thời gian trôi qua quá nhanh, phía sau hãy còn một nửa. Nửa ấy cũng chẳng thể giảng bằng mấy câu là xong được! Nhưng tuy vậy, đoạn này có ý nghĩa vô cùng sâu rộng, vẫn phải nói nhiều, có thể lãnh hội một phần thì xác thực là sẽ giúp chúng ta đoạn nghi sanh tín. Nói thật ra, nay chúng ta công phu chẳng đắc lực. Không gián đoạn, không xen tạp, đó là Sự. Vì sao Sự mà chẳng làm được? Chẳng hiểu rõ Lý! Nếu thấu triệt Lý, Sự sẽ chẳng khó! Biết khó, hành dễ. Chẳng gián đoạn, không xen tạp là “hành”. Chẳng hoài nghi là biết, biết khó, hành dễ. Thật sự lý giải thấu triệt, thì chẳng xen tạp, không gián đoạn sẽ làm được, chẳng khó! Có một hạng người, tuy không biết, nhưng vẫn có thể làm được, đó là người thiện căn đặc biệt sâu dầy. Thầy dạy họ ra sao, họ tin tưởng thầy, chẳng có một tí hoài nghi nào. Tìm đâu ra người như vậy? Nếu là người phục tùng thầy một trăm phần trăm, chẳng giảm bớt tí nào, tìm chẳng ra! Pháp sư Đế Nhàn suốt một đời cũng chỉ gặp được một học trò như vậy. Nghe lời chính là thiện căn đặc biệt sâu dầy. Người bình phàm đối với thầy nói chung ít nhiều đều đánh một loạt dấu hỏi, chẳng thể hoàn toàn tiếp nhận, chẳng thể hoàn toàn tin tưởng. Do vậy, nhất định là phải đoạn nghi sanh tín. Giảng kinh, nghiên cứu giáo nhằm mục đích đoạn nghi, kiến lập tín tâm, từ tín tâm kiến lập nguyện tâm, từ nguyện tâm kiến lập diệu tâm trì danh niệm Phật. Hôm nay chúng tôi giảng tới chỗ này.
[1] Pháp Diệt Tận Kinh có tên gọi đầy đủ là Phật Thuyết Pháp Diệt Tận Kinh, đã mất tên người dịch. Kinh này được giảng tại nước Câu Di Na Kiệt (Kushinagar), trước
khi Ngài nhập Niết Bàn ba tháng, giảng về tình hình khi Phật pháp diệt vong, đặc biệt nêu rõ vào thời diệt pháp, ma vương, ngoại đạo sẽ giả làm đệ tử Phật phá hoại Phật pháp. Dẫu các vị Bồ Tát và La Hán tận lực hộ pháp vẫn không thể duy trì Phật pháp vì ác nhân đông đảo, con người lại thiếu thiện tâm, cũng như tai họa liên tục xảy ra. Trong kinh này, đức Phật cũng huyền ký hai kinh Thủ Lăng Nghiêm và Ban Châu Tam Muội sẽ bị diệt đầu tiên, y ca-sa của sa-môn trở thành hoa lệ, phù phiếm giống như y phục của thế tục.
[2] Trường Thọ Thiên chỉ các vị trời có thọ mạng rất dài. Vô Tưởng Thiên trong Đệ Tứ Thiền Thiên của Sắc Giới có thọ mạng là năm trăm đại kiếp, chư thiên trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng thuộc Vô Sắc Giới có thọ mạng là tám vạn kiếp.
[3] Kinh này có tên gọi đầy đủ là Phật Thuyết Ma Ha Ca Diếp Độ Bần Mẫu Kinh do tôn giả Cầu Na Bạt Đà La dịch vào đời Tống.
[4] Yehenara là một chi tộc trong một đại thị tộc của người Mãn Châu, tức là thị tộc Nara (sử Trung Hoa thường phiên âm là Nạp Lạt Thị, Nạp Lan Thị hoặc Na Lạp Thị). Riêng về các phân chi thị tộc hợp thành liên minh Hốt Luân (Hulun) tại vùng Cát Lâm, có bốn thị tộc chính là Ô Lạp Na Lạp (Ulanara), Huy Phát Na Lạp (Hoifanara), Cáp Đạt Na Lạp (Hadanara) và Diệp Hách Na Lạp. Đứng đầu mỗi thị tộc là một thân vương có tước hiệu là Bối Lặc (Beile). Thị tộc Diệp Hách Na Lạp thường sống tại Cát Lâm, Hắc Long Giang, Liêu Ninh và Nội Mông. Họ là hỗn huyết giữa người Mông Cổ thị tộc Tümed và người Mãn Châu. Vì họ sống đông nhất ở vùng sông Yehe nên thị tộc này lấy danh xưng là Yehenara. Do thị tộc Diệp Hách Na Lạp thần phục nhà Minh từ lâu và có nhiều đặc quyền, nên họ không muốn thần phục Nỗ Nhĩ Cáp Xích (Nurhachi, sáng tổ của nhà Thanh). Vì vậy, với tham vọng thống nhất các bộ lạc Mãn Châu, Nỗ Nhĩ Cáp Xích quyết tâm tiêu diệt thị tộc Diệp Hách Na Lạp. Lời nguyền được hòa thượng Tịnh Không nhắc đến trên đây do bối lặc Kim Đài Cát (Jintaiji) phát ra khi thua trận Tát Nhĩ Hứa (Sarhū), khiến cho các chiến binh giỏi nhất trong thị tộc tử vong gần hết, thị tộc Diệp Hách Na La phải thần phục nhà Thanh, các lãnh tụ mất hết thực quyền lẫn lãnh địa. Hiện thời, do ảnh hưởng Hán hóa, những người thuộc thị tộc này đã đổi họ thành Na, Nạp, Nam, Lưu, Tô, Triệu, Diệp và Hà.
[5] Khi Lưu Bang (Hán Cao Tổ) mất, Lã Hậu đã thừa cơ lũng đoạn triều chánh, đưa con cháu họ Lã nắm quyền, khiến nhà Hán gần mất nước. Dưới sự lèo lái của Trần Bình và Châu Bột, phe cánh họ Lã đã bị tiêu diệt, Lưu Hằng được tôn lên làm vua là Hán Văn Đế. Để đền đáp sự ủng hộ của các hoàng thân, quốc thích trong cuộc binh biến, Hán Văn Đế đã phong cho họ tước vương, và cắt đất phong cho họ thành các nước chư hầu Tề, Triệu, Sở, cộng thêm với các nước chư hầu sẵn có từ thời Hán Cao Tổ. Dần dần, thế lực của chư hầu hùng mạnh, lấn áp chính quyền trung ương. Theo lời tâu của Giả Nghị, khi Tề Vương qua đời, Hán Văn Đế đã chia nước Tề làm sáu nước, và chia Hoài Nam thành ba nước nhỏ. Khi đó, Triều Thố là Ngự Sử Đại Phu đã khuyên Văn Đế hãy mạnh tay giảm thế lực của Ngô Vương Lưu Tỵ (anh họ của Hán Văn Đế), nhưng nước Ngô quá mạnh nên không thể làm gì được. Mối bất hòa giữa chư hầu và Hán đế càng thêm căng thẳng. Đồng thời, khi còn làm thái tử, Lưu Khải (về sau trở thành Hán Cảnh Đế) đánh cờ với con Ngô Vương Lưu Tỵ là Lưu Hiền, do Lưu Hiền ngạo mạn, Lưu Khải bực tức, lỡ tay đánh chết Lưu Hiền, nên hiềm khích giữa đôi bên càng sâu! Khi Hán Cảnh Đế lên ngôi, Triều Thố khuyên vua tiếp tục giảm bớt thế lực của các chư hầu. Bảy nước chư hầu (Ngô, Sở, Triệu, Giao Đông, Giao Tây, Tế Nam, Truy Xuyên) bèn khởi loạn, viện cớ “giết Triều Thố để làm sạch triều chánh”. Do bất hòa với Triều Thố từ trước, Viên Áng xúi vua giết Triều Thố để xoa dịu chư hầu. Dưới sự bức bách của phe phái Viên Áng, vua đành hạ lệnh đem Triều Thố ra chợ chém ngang lưng, nhưng chư hầu vẫn tiếp tục làm loạn. Đến cuối cùng, phải nhờ đại tướng quân Đậu Anh thống suất quân đội giao chiến với chư hầu suốt ba tháng mới dẹp tan được cuộc nội loạn.
[6] Hiểu thông thường, lục thân là những người có quan hệ họ hàng với chính mình do huyết thống hoặc hôn nhân. Trong cách hiểu phổ biến nhất, lục thân là cha, con, anh, em, vợ, chồng. Một cách hiểu khác cũng khá phổ biến, theo đó, lục thân là cha con, anh em, anh em họ bên nội, các anh em của ông nội, các anh em của ông cố, các anh em cùng họ.
[7] “Phù tiết” là những tín vật nhằm thể hiện sự trao quyền của vua cho các quan vâng
chiếu tuần thú, hoặc trao quyền cho các tướng lãnh điều binh khiển tướng. Phù thường là ấn tín hoặc lệnh bài, các thẻ khắc cầu kỳ, hoặc tín vật có khắc huy hiệu riêng. Thoạt đầu, Phù thường là một mảnh kim khí hay mảnh trúc có khắc tín hiệu theo quy định, được bẻ làm hai. Khi gặp nhau, nếu ghép vào nhau khít khao thì sẽ chấp nhận người cầm tín phù ấy đúng là người được bề trên cử tới. Về sau, Phù chỉ là tín vật có chạm khắc những biểu tượng riêng, nhìn vào biết ngay là huy hiệu thể hiện chức quyền của một người nào đó. Tiết là cờ lệnh. Chẳng hạn như thời Hán quy định Tiết có cán làm bằng trúc, sơn màu vàng hoặc đỏ, dài tám thước (một thước thời Hán là 32cm), trên cán buộc đuôi trâu thành chùm. Càng về sau, Tiết càng hoa lệ, cầu kỳ. Đến đời Minh, Tiết có cán sơn son thếp vàng, trên đỉnh bịt đồng mạ vàng có hình đầu rồng, thắt nhiều quả cầu kết bằng tơ hồng treo bằng dây tơ bện thắt cầu kỳ. Đời Thanh, giảm số quả cầu xuống còn năm cái, nhưng thêm chuông mạ vàng v.v… Hễ có Phù thì có cờ hiệu (Tiết) tương ứng; “nhược hợp phù tiết” nghĩa đen là giống như phù và tiết phù hợp nhau.
[8] Do các vị này giáng sanh tại Ấn Độ, nên người Hoa nói họ là “người ngoại quốc”.