Tập 229/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 229

           Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm năm mươi:

          (Sao) Thể cứu giả, văn Phật danh hiệu, bất duy ức niệm, tức niệm phản quán, thể sát cứu thẩm, cúc kỳ căn nguyên. Thể cứu chi cực, ư tự bổn tâm, hốt nhiên khế hợp. Trung nhị nghĩa giả, sơ tức Như Trí bất nhị.

()體究者,聞佛名號,不惟憶念,即念反觀,體察究審,鞫其根源,體究之極,於自本心,忽然契合。中二義者,初即如智不二。

(Sao: “Thể cứu” là nghe danh hiệu Phật, không chỉ ức niệm, mà còn từ ngay nơi niệm quán ngược lại, hòng lãnh hội thấu hiểu, truy tìm đến tận nguồn cội của nó. Thể cứu đến mức cùng cực, sẽ bỗng dưng khế hợp bản tâm của chính mình. Trong ấy có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất là Như và Trí chẳng hai).

          Giải thích lời giảng về Lý nhất tâm bất loạn trong phần Sớ. Hai chữ “thể cứu” (體究) chẳng dễ hiểu cho lắm, vì nó đòi hỏi phải là công phu nội tại. Lại còn phải lìa hết thảy tư duy và phân biệt thì mới là Thể Cứu. Chẳng giống như “nghiên cứu” mà chúng ta đang nói trong hiện thời; nghiên cứu là dùng thức thứ sáu, tức ý thức, [tức là] dùng cái tâm có thể tư duy. Ở đây, ắt phải lìa khỏi hết thảy phân biệt và chấp trước, đấy mới là Thể Cứu. Tiếp đó, [lời Sao] giải thích Thể Cứu là gì? “Văn Phật danh hiệu, bất duy ức niệm” (Nghe danh hiệu Phật, không chỉ là ức niệm), [hãy chú ý] “không chỉ là ức niệm”. Nếu nghe danh hiệu Phật, ức niệm chẳng quên, sẽ chẳng thuộc về Thể Cứu, mà thuộc về Sự niệm, là cảnh giới Sự nhất tâm bất loạn. “Tức niệm phản quán, thể sát cứu thẩm” (Từ ngay nơi niệm, quán ngược lại, hòng lãnh hội xem xét), đó là Thể Cứu, có độ sâu hơn công phu Sự niệm một tầng nữa. Chúng ta dùng phương pháp nào [để Thể Cứu] chẳng quan trọng! Chẳng cần phải dùng [phương pháp nào cả], có dùng cũng vô ích. Vì sao? Quý vị vẫn dùng tâm ý thức, dùng tâm ý thức thì chắc chắn chẳng phải là Thể Cứu. Chẳng bằng thật thà niệm một câu Phật hiệu đến mức “không xen tạp, không gián đoạn”, Sự niệm quyết định thành công. Sau khi Sự niệm đã thành công, niệm lâu ngày, niệm nhuần nhuyễn, niệm thấu suốt, tự nhiên bèn nhập Lý niệm. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Chẳng cậy vào phương tiện, tâm được tự khai”. “Tâm được tự khai” chính là Thể Cứu. Tâm khai ý giải bèn minh tâm kiến tánh, pháp môn này thù thắng ở chỗ này! Bậc thượng thượng căn nghe đoạn khai thị này, vừa nghe bèn ngộ nhập, chẳng khác gì Thiền; kẻ trung hạ căn chẳng có phần. Trung hạ căn chẳng có phần nơi Thiền, vậy là [kẻ trung hạ căn tu Thiền sẽ] chẳng thoát khỏi tam giới, chẳng có cách nào liễu sanh tử. Trong Tịnh Tông, tuy kẻ trung hạ căn chẳng có phần [nơi Thiền], vẫn có thể vãng sanh y hệt, đới nghiệp vãng sanh. Sau khi sanh đến thế giới Tây Phương, ba căn thượng trung hạ bình đẳng, chẳng hai, chẳng khác, điều này chẳng thể nghĩ bàn! Chúng ta nhất định phải nhận thức rõ rệt điều này!

“Tức niệm phản quán”: Phản quán (反觀) rất khó diễn tả, mà cũng rất khó hiểu. Trong kinh Lăng Nghiêm, pháp “phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo” (xoay ngược cái Nghe để nghe tự tánh, tánh trở thành vô thượng đạo) của Quán Thế Âm Bồ Tát chính là ý nghĩa này. Kinh Lăng Nghiêm dạy chúng ta phương pháp xoay chuyển lục căn, đức Phật chỉ nêu ra một căn của sáu trần bên ngoài, quay ngược lại duyên theo tự tánh để nói: Hãy nên xoay ngược dòng[1] của sáu căn, [chuyện đó] được gọi là “phản văn” (反聞) , dùng chữ Văn (聞: nghe) để biểu thị. Nói cách khác, lục căn chẳng duyên theo trần cảnh, mà duyên theo căn tánh của sáu căn, đó là đúng! Căn tánh của sáu căn là Chân Như bản tánh của chính mình. Do vậy, quý vị có thể quay lại. Trong hội Lăng Nghiêm, đối với sáu căn, đức Phật nêu ra một căn là Nhãn Căn. Phần đầu của kinh Lăng Nghiêm có một đoạn kinh văn rất dài [thường được các vị chú giải] gọi là “thập phiên hiển kiến” (十番顯見: mười phen giảng rõ cái Thấy). “Kiến” ở đây chẳng phải là Nhãn Thức, chẳng phải là “ngũ câu ý thức”[2] đồng thời khởi tác dụng với Nhãn Thức, chẳng phải là thứ ấy. Lìa khỏi Nhãn Thức lẫn ngũ câu ý thức; sau khi đã lìa khỏi, sẽ là kiến tánh. Kiến tánh [thì “tánh” như vừa mới nói chính] là chân tánh, nơi mắt gọi là tánh Thấy, nơi tai là tánh Nghe, nơi mũi gọi là tánh Ngửi, là một tánh. Một tánh, chứ không phải là hai tánh! Có thể thật sự tìm được thứ này, bèn thành vô thượng đạo. Vì lẽ này, Phật pháp được gọi là “nội học” (內學), phải hướng nội, hồi quang phản chiếu, đừng duyên theo cảnh giới bên ngoài. Duyên theo cảnh giới bên ngoài, sẽ vĩnh viễn chẳng đạt được chân tướng. Đức Phật dạy chúng ta dùng phương pháp này để tu hành. Trì Danh Niệm Phật cũng dùng phương pháp này: Đối với một câu Phật hiệu của ta, ta chẳng duyên theo Thanh Trần bên ngoài. Ta tìm tòi, tìm kiếm cội nguồn của Phật hiệu, Phật hiệu do đâu mà có? Niệm xong, nó lại đến nơi đâu? Hoàn toàn là công phu của nhà Thiền, chẳng khác gì tham Thiền, tham thoại đầu, và quán tâm! Cổ đức nói “niệm Phật chính là thâm diệu Thiền”, là có lý! Nếu chư vị mong biết cách phản quán như thế nào, mà chẳng đọc Lăng Nghiêm thì sẽ chẳng có cách nào! Trong quyển sáu của kinh Lăng Nghiêm, nói chung là kinh văn trong nửa quyển ấy hoàn toàn giảng về công phu này, [tức là giảng về] phương pháp và công phu tu hành của Quán Thế Âm Bồ Tát.

          “Thể sát cứu thẩm”: “Thể” (體) là dùng tâm để lãnh hội, trong tâm hiểu rõ là Sát (察). Ba chữ Sát (察), Cứu (究), Thẩm (審) đều có nghĩa là “hiểu rõ”. Do lãnh hội mà hiểu rõ, chẳng phải là nghiên cứu hoặc tư duy, chẳng phải là suy luận. Hễ dùng những phương pháp ấy (nghiên cứu, tư duy, suy luận) sẽ đều sai bét, đều rơi vào tâm ý thức. “Cúc kỳ căn nguyên” nghĩa là truy cứu đến tận cùng, thấu hiểu đến chỗ sâu thẳm. Chư vị ngẫm xem: Chúng ta có thể làm được ba câu ấy (“tức niệm phản quán, thể sát cứu thẩm, cúc kỳ căn nguyên”) hay không? Vì sao chúng ta chẳng làm được? Nói thật ra, tâm quá thô. Ở đây, tâm rất tế, tế tâm là gì? Tế tâm là định tâm, là tâm thanh tịnh. Do vậy, chúng ta hiểu rõ: Lý nhất tâm ở sau Sự nhất tâm. Quý vị chẳng đoạn phiền não, chẳng có cách nào thực hiện công phu này! Chúng ta còn có thị phi, nhân ngã, còn có tham, sân, si, mạn, còn có ưu lự, được, mất, sẽ chẳng có cách nào thực hiện công phu này. Người tâm địa hết sức thanh tịnh thì được, có thể thực hiện công phu này.

          Ba câu tiếp theo đó chính là “tự đắc tâm khai” như kinh Lăng Nghiêm đã nói, đã khai ngộ, kiến tánh. “Thể cứu chi cực”: Thể Cứu là định công (công phu định lực), Định chẳng phải là “tử định” (định lực chết cứng, cứng ngắc, chẳng hoạt bát, uyển chuyển). Nếu là tử định, trong ấy chẳng có Quán; còn Định [của Lý nhất tâm] có Quán, như trong phần trước đã nói là “tức niệm phản quán” (quán ngược lại ngay nơi niệm). Nói theo Giáo Hạ, sẽ là “Chỉ Quán song vận” (vận dụng Chỉ lẫn Quán); nói theo Thiền thì Thiền là Tĩnh Lự, Tĩnh (靜) là Định, Lự (慮) là Huệ, “Định Huệ đẳng trì” (giữ cân bằng Định và Huệ). Họ dùng công phu này, dùng đến mức kha khá, sẽ hoát nhiên khai ngộ. “Ư tự bổn tâm, hốt nhiên khế hợp” (Bỗng dưng khế hợp bản tâm của chính mình). Đấy là khai ngộ, nhà Thiền nói là “minh tâm kiến tánh”, trong Giáo Hạ nói là “đại khai viên giải”. Cảnh giới ấy, nói theo kinh Phật, sẽ là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, hoặc Sơ Địa Bồ Tát trong Biệt Giáo. Địa vị này liễu sanh tử, thoát tam giới. Không chỉ là liễu sanh tử, vượt thoát tam giới, mà vị ấy còn có năng lực hóa thân theo từng loài: Đáng nên dùng thân Phật để độ, bèn thị hiện thành Phật, thị hiện tám tướng thành đạo, dùng thân phận Phật để giáo hóa chúng sanh trong thế gian. Đáng nên dùng thân Bồ Tát để độ, Ngài có thể hiện thân Bồ Tát để thuyết pháp, có năng lực ấy.

          Trong pháp môn Niệm Phật, chỉ cần niệm một câu A Di Đà Phật đến mức độ này là được rồi, chẳng cần thay đổi phương pháp, chẳng cần thêm vào phương pháp nào khác nữa! “Chẳng cậy vào phương tiện, tự được tâm khai”, một câu Phật hiệu niệm đến cùng. Nay chúng ta niệm Phật, chẳng biết phản quán. Nói thật ra, nay quý vị cũng chẳng cần phải phản quán, chỉ cần chú ý sao cho thật sự niệm đến mức không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Chúng ta chỉ yêu cầu ba điều kiện ấy, ba điều kiện ấy chính là Sự niệm. Niệm đạt đến Sự nhất tâm, bèn sanh vào cõi Đồng Cư, hoặc sanh trong cõi Phương Tiện, quyết định vãng sanh! Nhưng nếu quý vị thật sự niệm đến Sự nhất tâm bất loạn, cho tới khi đó, sẽ tự nhiên có thể phản quán. Vì sao? Tâm đã thanh tịnh.

          Trong ấy, có hai nghĩa: Trong Thể Cứu có hai loại cảnh giới. Loại thứ nhất là “Như Trí bất nhị”. “Như” (如) là Lý, là sở chiếu (cái được chiếu). “Trí” (智) là Bát Nhã, là năng chiếu (chủ thể chiếu soi). Năng và Sở chẳng hai. Năng và Sở chẳng hai tức là Tự và Tha chẳng hai. Nếu chư vị hỏi “khi nào tôi sẽ đắc Lý nhất tâm” ư? Thật sự đắc Lý nhất tâm, quan niệm của quý vị sẽ biến đổi, biến đổi như thế nào? Tận hư không khắp pháp giới và chính mình là một. Đó là chánh tri chánh kiến; tuyệt đối chẳng còn có nhân ngã, thị phi, chẳng thể nào còn có quan niệm sai lầm ấy!

          (Sao) Năng niệm tâm ngoại, vô hữu Phật vi ngã sở niệm, thị Trí ngoại vô Như. Sở niệm Phật ngoại, vô hữu tâm năng niệm ư Phật, thị Như ngoại vô Trí. Phi Như, phi Trí, cố duy nhất tâm.

          ()能念心外,無有佛為我所念,是智外無如;所念佛外,無有心能念於佛,是如外無智。非如非智,故惟一心。

(Sao: Ngoài cái tâm năng niệm, chẳng có đức Phật để ta niệm. Đó là ngoài Trí chẳng có Như. Ngoài đức Phật được niệm, chẳng có cái tâm có thể niệm Phật. Đó là ngoài Như chẳng có Trí. Chẳng phải là Như, chẳng phải là Trí, nên chỉ là nhất tâm).

          Cảnh giới này chính là: Tận hư không khắp pháp giới là nhất tâm. Kinh Hoa Nghiêm nói tận hư không khắp pháp giới là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, là cảnh giới này. Khi đó, chính là Pháp Thân đại sĩ, chẳng phải là kẻ bình phàm, mà gọi là “thành Phật”. Tuy chưa phải là Cứu Cánh Phật, vị ấy là Phần Chứng Phật, tức Phần Chứng Phật trong Lục Tức Phật như tông Thiên Thai đã nói, được gọi là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”.

          Chúng ta ắt cần phải biết, phải giác ngộ: Con người sống trên thế gian hết sức ngắn ngủi, tạm bợ. Ngày hôm qua, tôi tham dự cuộc họp mặt bạn học cũ, [là bạn cũ] thuộc trường trung học, hiệu trưởng là lão cư sĩ Châu Bang Đạo. Năm mươi bốn năm trước, trường được thành lập trong thời Kháng Chiến; khi Kháng Chiến[3] kết thúc, trường học cũng đóng cửa. Thuở ấy, trường trung học do quốc gia lập ra nhằm cứu giúp những học trò lưu vong. Chúng tôi học trong trường đó giống như vào lính, hoàn toàn được chính quyền trợ cấp. [Do học trò] mất hẳn liên lạc với gia đình, mọi nguồn kinh tế đều bị cắt đứt, nên quốc gia nuôi dưỡng những đứa trẻ ấy. Toàn bộ cơm áo, chi phí sinh hoạt đều do quốc gia cung cấp, [trường ấy] thuộc loại trung học lâm thời (tạm thời). Khi chúng tôi đến Đài Loan, các bạn học cùng trường có chừng một trăm tám mươi người. Ngày hôm qua, chúng tôi họp mặt, những người có thể đến được đều đến, chỉ có bốn mươi mấy người, một nửa số người đã chẳng còn, còn có những người đã di dân sang hải ngoại. Trong hội bạn cũ ấy, tôi học lớp dưới, tuổi tác nhỏ nhất, các bạn học đều đã trên bảy mươi, đại đa số đều về hưu; cho nên là hội của người già. Cuộc họp mặt ấy rất thương cảm, vì sao? Họp mặt mỗi năm đều thiếu mất mấy người, người mỗi năm một già hơn, mỗi năm một ít hơn. Đối với chuyện học Phật, đây là một sự cảnh giác rất lớn, nhất định phải hiểu: “Sanh tử là chuyện lớn, vô thường nhanh chóng”, chúng tôi họp mặt có cảm xúc rất sâu đậm. Tuổi già bệnh tật khổ lắm, còn có một bạn học bị trúng phong đã chín năm, đẩy xe lăn đến tham gia cuộc họp mặt bạn học, nói chuyện cảm động ứa lệ, đau lòng khóc ròng!

          Người thế gian mong cầu phước báo, mong cầu thông minh, trí huệ, khỏe mạnh, sống lâu, nhất là lúc tuổi già. Khi trẻ tuổi, chẳng cảm nhận [tầm quan trọng] của sự khỏe mạnh, trường thọ, đến khi già cả, lắm bệnh, mới biết tầm quan trọng của sự khỏe mạnh, trường thọ! Đến khi ấy, biết tầm trọng yếu của khỏe mạnh, trường thọ thì đã muộn rồi! Chữa trị kiểu nào, thuốc men kiểu nào, đều chẳng trông mong được! Nếu do chữa trị và thuốc thang mà có thể chuộc lại sức khỏe, những kẻ có tiền, có thế lực phải nên sống lâu trăm tuổi! Chuyện này tiền bạc chẳng mua được, mà thế lực cũng chẳng thể đạt được! Đức Phật biết chuyện này rất rõ ràng: Của cải là quả báo đạt được do Tài Bố Thí. Quý vị chẳng chịu tu Tài Bố Thí, làm sao đạt được quả báo có của cải? Không thể đạt được! Tu nhân thì mới có thể đắc quả! Không tu nhân mà có thể may mắn đạt được quả báo, chẳng có lẽ ấy! Trồng dưa thì mới có dưa để thâu hoạch, trồng quả thì mới có quả hạt để thâu hoạch. Quý vị chẳng trồng mà hưởng thâu hoạch dưa, trái, há có lẽ ấy? Người thế gian chẳng hiểu rõ! Chư vị đọc thuần thục sách Liễu Phàm Tứ Huấn, [sẽ hiểu]: Nói thật ra, chính mình có thể làm chủ tể vận mạng của chính mình.

          Phật pháp dạy chúng ta thật sự lìa khổ được vui, thật sự là hết sức hiện thực. Lìa nỗi khổ nghèo cùng, lìa nỗi khổ ngu muội, lìa nỗi khổ già bệnh, chúng ta thật sự mong cầu những điều này. Phật pháp nói có ba loại bố thí nhằm rời lìa ba loại khổ ấy. Nếu muốn lìa bần cùng, hãy tu Tài Bố Thí. Nếu muốn lìa ngu si, hãy tu Pháp Bố Thí. Có lẽ cũng có kẻ nói: “Tôi chẳng biết giảng kinh, thuyết pháp, chẳng có cách nào tu pháp bố thí. Trong tương lai, đời đời kiếp kiếp đều ngu muội, đáng thương lắm!” Thật ra, chẳng phải vậy! Pháp Bố Thí, đặc biệt là Phật pháp, [có thể thực hiện bằng cách] ta khuyên kẻ khác đến nghe kinh, giới thiệu người khác đến nghe kinh. Họ nghe kinh khai ngộ, cũng giống như ta bố thí cho họ, đã biến pháp thí giảng kinh của pháp sư thành pháp thí của chính mình, chẳng khác gì hết! Mười phương hết thảy chư Phật Như Lai giới thiệu với đại chúng pháp niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đều đã biến pháp thí của A Di Đà Phật thành pháp thí của chính mình. Các vị hãy suy ngẫm: Trong giảng tòa, chúng tôi đã nói nhiều lượt ngần ấy, tôi vừa nhắc tới điều này, chư vị hãy nên có cảm xúc rất sâu. Đặc biệt là đối với kinh A Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ, mười phương hết thảy chư Phật Như Lai đã biến công đức của Phật Di Đà thành công đức của chính mình. Nay chúng ta cũng thực hiện đúng pháp, nay chúng ta phổ biến giới thiệu cho người khác, phổ biến đề xướng rộng rãi, cũng là biến công đức của Phật Di Đà thành công đức của chính mình, bản thân chúng ta cũng chẳng kém mười phương chư Phật Như Lai cho mấy! Vấn đề là quý vị có thể làm hay không? Quý vị có phước ấy hay không? Người chẳng có phước sẽ không tin. Đúng như trong kinh đã nói, kẻ ấy ít thiện căn, ít phước đức, cho nên chẳng tin tưởng. Nếu chướng ngại pháp môn này, chướng ngại kẻ khác pháp thí, có thể suy ra mà biết tội lỗi ấy: Tội lỗi ấy chẳng có cách nào diễn tả trọn hết! Do [pháp thí Tịnh Độ là] công đức bậc nhất, nên chống trái [việc pháp thí ấy] sẽ là tội lỗi bậc nhất. Dẫu bản thân quý vị tu suốt một đời tốt đẹp cách mấy, làm người tốt đẹp cách mấy, mà nếu quý vị phạm tội nghiệp to lớn này, trong tương lai vẫn phải đọa vào địa ngục A Tỳ. Đó chính là chướng ngại Pháp Thân huệ mạng của kẻ khác, chướng ngại cơ duyên đắc độ của kẻ khác trong một đời, đáng ngại lắm!

          Chúng ta phải hiểu: Ai nấy đều có thể tu Pháp Bố Thí, chẳng có kẻ nào không thể tu! Nay chúng ta tặng kẻ khác một quyển kinh sách, nói cho họ biết chỗ tốt đẹp của kinh sách, khuyên họ hãy tin nhận phụng hành, đấy là Pháp Thí. Chúng ta biếu họ một cuốn băng thâu âm để họ nghe, đó là Pháp Bố Thí. Người hiện thời tu Pháp Bố Thí dễ hơn người thời cổ, có nhiều cơ duyên hơn. Trước kia, muốn bố thí pháp, thật sự là phải giảng kinh, thuyết pháp. Người giảng kinh, thuyết pháp cũng chẳng nhiều. Nếu muốn tặng người khác kinh sách, chỉ có cách sao chép, đâu có thuận tiện như hiện tại! Hễ in, bèn in mấy ngàn cuốn, mấy vạn cuốn, chẳng biết bao nhiêu người được lợi ích! Nhất là phát sóng trên đài truyền thanh, phí tổn chẳng nhiều lắm, nhưng người được hưởng lợi ích quá đông. Chẳng ngại phát sóng lặp đi lặp lại trên đài truyền thanh, chỉ có phát sóng trùng lặp thì mới có thể thật sự độ chúng sanh. Vì sao? Vì có khá nhiều người chẳng có dịp nghe đến. Quý vị phát sóng lần thứ nhất, thậm chí đã phát sóng hai hôm rồi họ mới biết. Khi họ biết thì [chương trình ấy đã] phát qua rồi; nếu phát lại lần thứ hai, họ sẽ hoan hỷ. Có rất nhiều người nghe lần thứ nhất, đến lần thứ hai đã phát được một nửa, họ mới nghe. Như vậy thì quý vị phát sóng lần thứ ba để giúp đỡ họ. Đừng sợ phát sóng trùng lặp, phải biết là có nhiều người vẫn chưa nghe. Dẫu đã nghe, nghe thêm một lần, nghe thêm hai lần càng hay! Nghe một lần chưa thể khai ngộ, nghe nhiều lần thì mới có thể có ngộ xứ, mới có thể nhập cảnh giới.

          Chúng ta đọc kinh cũng là như vậy. Quý vị đọc càng nhiều lượt càng hay. Quý vị học giảng kinh cũng là như thế, bộ kinh này quý vị giảng càng nhiều lần càng hay. Năm xưa, tôi học kinh ở Đài Trung, nếu một bộ kinh chẳng giảng từ đầu đến cuối mười lượt, tức là chưa học hiểu kinh ấy. Có thể giảng từ đầu đến cuối mười lần, [đó chính là] mức độ thấp nhất để quen tay thạo việc. Đã thông thạo thì ở trên giảng đài mới có thể vận dụng linh hoạt, chẳng bị khô khan. Lần này, pháp sư Diễn Bồi đến ở đây vài ngày, Ngài rất vui thích, rất khách sáo bảo: “Tôi phải học theo thầy”. Tôi hỏi: “Học điều gì nơi tôi?” Sư nói: “Trong quá khứ, tôi giảng kinh luôn luôn là giảng một lượt, chẳng nghĩ sẽ giảng lần thứ hai, chẳng giống như thầy giảng một bộ kinh rất nhiều lượt”. Đây là do phương pháp học tập của hai người chúng tôi khác nhau. [Tôi học kinh theo cách sau đây]: Một bộ kinh tối thiểu phải giảng mười lần thì mới coi như học hiểu bộ kinh ấy, mới có thể học bộ khác. Chẳng giảng trên giảng đài mười lượt, tôi tuyệt đối chẳng thể suy tính học một bộ kinh khác. Tôi ở Đài Trung mười năm chỉ học năm bộ kinh; tuy học rất ít, nhưng học rất thực tiễn.

          Quyết định đừng tiếc pháp! Quả báo của tiếc pháp là ngu si. Kinh Di Đà có nhắc tới ngài Châu Lợi Bàn Đà Già, Ngài là một học trò đầu óc chậm lụt nhất trong hội của đức Thế Tôn, chẳng có trí nhớ. Đức Phật dạy Ngài “thiều trửu” (笤帚: Chổi quét bằng cỏ lau bó lại). Dạy chữ Thiều, Ngài quên khuấy chữ Trửu; dạy đến chữ Trửu, lại quên tuốt chữ Thiều trước đó. Ngu si tột bậc! Do nguyên nhân gì? Đời trước, Ngài là một vị Tam Tạng pháp sư hoằng pháp lợi sanh nhưng keo kiệt pháp, dạy người khác bèn giấu diếm, chẳng thể để kẻ khác vượt trỗi chính mình, đời sau vướng phải quả báo như vậy. Quý vị càng chịu bố thí, trí huệ càng tăng trưởng. Nếu quý vị muốn tăng trưởng trí huệ, phải toàn tâm toàn lực dạy kẻ khác, chẳng giữ lại mảy may, biết bao nhiêu bèn nói bấy nhiêu. Nay ta biết nhiều như thế, ta còn giữ lại hai, ba phần, chẳng hoàn toàn nói ra; nói cách khác, trình độ quý vị sẽ dừng ở đó, chẳng thể tăng cao hơn, rất đáng tiếc! Toàn bộ đều giãi bày hết, chẳng để lại gì, ngày mai sẽ lại tiến cao hơn, cảnh giới mỗi ngày mỗi khác. Vì sao? Do đã bố thí hết sạch. Giữ lại đôi chút, chắc chắn là chẳng thể tăng cao, chẳng thể tăng trưởng. Chúng ta nhất định phải nhận biết rõ ràng sự thật này! Sau đấy, chúng ta bố thí chẳng giữ lại mảy may, thảy đều thí xả hết.

          Vô úy bố thí sẽ được khỏe mạnh, trường thọ. Úy (畏) là kinh sợ. Hết thảy chúng sanh trong thế gian đều có những nỗi kinh sợ. Sanh, lão, bệnh, tử đáng sợ, thiên tai nhân họa đáng sợ, những nỗi bức bách trong cuộc sống đáng sợ, những nỗi niềm trong tinh thần đáng sợ, chuyện đáng kinh sợ nhiều lắm! Ta có thể giúp người khác, khiến họ lìa hết thảy các nỗi sợ hãi, đó là vô úy bố thí. Người ấy an tâm, chẳng sợ hãi, lìa khỏi hết thảy buồn đau, khổ não, phàm những gì thuộc loại này đều gọi là vô úy bố thí. Phạm vi của vô úy bố thí vô cùng rộng rãi. Nói quy nạp lại, sẽ là đối với cuộc sống vật chất lẫn cuộc sống tinh thần của chúng sanh, chúng ta đều bảo vệ, khiến cho tâm họ an ổn, sẽ thuộc loại vô úy bố thí. Tương phản, nếu chúng ta cố ý nhiễu loạn tâm tình của chúng sanh, khiến cho họ kinh sợ, bất an; do tạo tác như vậy, sẽ bị già bệnh, thương tổn, tàn tật. Quả báo khiến cho năm căn tàn khuyết là như vậy đó. Nếu chẳng thể hành vô úy bố thí, quyết định chớ nên uy hiếp kẻ khác, khiến cho kẻ khác thân tâm bất an, quyết định chớ nên làm chuyện đó! Quả báo ấy đưa đến quá nhanh, chẳng cần chờ đến đời sau, mà là báo ứng ngay trong hiện đời! Quá đáng sợ! Khi làm [những chuyện sai trái], quý vị chẳng có cảm giác; khi quả báo xảy đến, hối hận chẳng kịp! Bản thân chúng ta nếu muốn được phú quý, được thông minh, được khỏe mạnh, trường thọ, phải tu! Không tu thì làm sao được? Há có lẽ nào chẳng dựa vào đâu mà đạt được ư? Hằng ngày lễ Phật, bái Phật [mà không tu tâm sửa tánh], thưa cùng chư vị, điều gì đều chẳng đạt được. [Tu tập] nơi tâm hạnh, nơi xử sự, đãi người, tiếp vật, nơi khởi tâm động niệm, sẽ đạt được những điều ấy.

          Cụ Hoàng Niệm Tổ thường dạy người học Phật chúng ta đừng nên coi trọng hình thức. Lễ Phật hoặc bái Phật là một loại hình thức. Hình thức chẳng quan trọng, quan trọng ở chỗ sửa lỗi đổi mới nơi khởi tâm động niệm, chính mình phải thường phản tỉnh. Trong quá khứ, tôi đã nhiều lần nhắc nhở mọi người: “Khóa sáng nhằm nhắc nhở chính mình, khóa tối nhằm phản tỉnh”. Khóa sáng nhắc nhở trong một ngày hôm nay, khởi tâm động niệm, việc làm, cách đãi người, tiếp vật của chúng ta sẽ chẳng trái nghịch giáo huấn của Phật, Tổ. Khóa tối là phản tỉnh, kiểm điểm, trong một ngày hôm nay, hành vi của chúng ta có chỗ nào trái nghịch giáo huấn của đức Phật, có làm chuyện lầm lỗi hay không? Sau khi phản tỉnh, kiểm điểm, bèn sửa lỗi, đổi mới, ngày mai ta quyết định chẳng tái phạm những lầm lỗi ấy. Mọi người hằng ngày đều có thể sửa một lỗi, ba năm sau, quý vị sẽ là thánh nhân. Trong ba năm, quý vị sửa đổi một ngàn điều lầm lỗi, quý vị chẳng phải là thánh nhân, ai mới là thánh nhân? Đó chính là Phật, Bồ Tát. Đó chính là khóa tụng sáng tối phát sanh tác dụng. Nếu không, khóa tụng sáng tối có tác dụng gì đâu! Bình thường, khởi tâm động niệm lợi mình, tổn người, nói dối, nói đôi chiều, khóa tụng sáng tối chẳng thiếu buổi nào, vẫn là tội lỗi vô biên. Sáng sớm lừa gạt Phật, Bồ Tát một lần, buổi tối lừa một lần nữa. Mỗi ngày đúng lệ lừa hai lần, quý vị nói xem tội lỗi ấy có lớn hay chăng? [Tượng] Phật, Bồ Tát [ta đang thờ phụng] là tượng bằng đất nặn, gỗ khắc, căn bản là [Phật, Bồ Tát] chẳng ngự nơi đó, cứ sáng tối lừa tượng hai lần, huống hồ là [đối với] người thế gian [sẽ còn e ngại gì mà chẳng lừa gạt]? Tu hành như vậy quyết định đọa vào địa ngục A Tỳ! Người thế gian thường nói: “Trước cửa địa ngục, tăng đạo đông”. Vì sao? Những kẻ ấy mang tiếng xuất gia tu hành, nhưng hằng ngày lừa gạt chư Phật, Bồ Tát, quỷ thần, chẳng chuyện ác nào không làm, [thế mà] bản thân vẫn cứ ngỡ chính mình đang tu hành, cứ ngỡ chính mình là thiện nhân, đó là mê hoặc, điên đảo. Hạng người như vậy chính mình chẳng nhận biết [những sai trái nơi bản thân], thậm chí là ngu si đến tột cùng, có chỉ điểm vẫn chẳng tỉnh!

Hiện thời, tôi ăn nói chẳng có chút ý nghĩa ẩn tàng như trước kia. Hiện thời [ăn nói kiểu đó sẽ] không được, quý vị nghe chẳng hiểu! Hy vọng bản thân chúng ta hãy thật sự phản tỉnh, thật sự cảnh giác, thật sự quay đầu. Mục tiêu duy nhất trong một đời này là vãng sanh Tịnh Độ, đại sự nhân duyên này bèn thành tựu viên mãn, những thứ khác đều là giả. Hết thảy các pháp trong thế gian này đều tùy duyên, quyết định chẳng phan duyên, tùy duyên sống qua ngày, quyết định chẳng tranh chấp thị phi, nhân ngã cùng kẻ khác!

          Hôm qua, có hai vị tỳ-kheo-ni đến kể với tôi: Đạo tràng của họ có vấn đề. Tín đồ cúng một cuộc đất, họ đi khắp nơi để hóa duyên xây chùa. Phòng ốc đã xây dựng xong, chỉ cần sơn phết là xong. Nay chủ đất đổi ý, muốn đưa người con gái đã xuất gia của họ về làm Trụ Trì hòng cai quản ngôi chùa ấy. Họ hỏi tôi nên làm sao? Tôi đáp: “Chỉ sợ chẳng có đạo, đừng sợ chẳng có chùa! Quý vị cứ giao cho họ là xong. Họ tranh, chúng ta chẳng tranh”. Tôi bảo: “Nếu trong mạng của quý vị có, sau vài ngày sẽ có người mời quý vị làm Trụ Trì”. Nghe xong, bà ta tâm khai ý giải, chẳng còn vướng mắc, ưu lự. Tôi nói: “Khi quý vị trao chùa cho họ, hãy nói với họ một câu là hết trách nhiệm. Nói câu gì vậy? Ngôi chùa này do mười phương tín đồ hiến cúng. Sau khi quý vị nhận lấy, nếu vẫn là tự viện Phật giáo, sẽ chẳng gánh trách nhiệm nhân quả. Nếu quý vị giữ lấy để tự mình hưởng thụ, trong tương lai, sẽ đọa vào địa ngục A Tỳ”. Nói lời này với họ là được rồi! Họ có nghe lọt tai hay không, chẳng sao hết! Chúng ta đã dặn dò hòng sau này khi họ bị đọa địa ngục, khỏi tìm đến chúng ta [cật vấn]: “Sao thuở ấy ngươi không bảo cho ta biết? Ngươi là kẻ xấu xa!” Khi đó, tôi đã bảo quý vị, quý vị chẳng làm theo, chẳng giác ngộ, còn nói gì được nữa? Đã trọn hết nghĩa khí bằng hữu rồi! Do vậy, nhất quyết đừng tham luyến, trọn chẳng thèm nghĩ ta phải đi làm Trụ Trì. Phải bảo cho họ biết trách nhiệm nhân quả, phải nói rõ ràng. Đó là yêu thương, bảo vệ họ, tuyệt đối chẳng mong tranh giành đạo tràng ấy, như vậy là đúng.

          Phải ghi nhớ, từ sáng đến tối, nơi nào, lúc nào, cũng thực hiện ba loại bố thí này, mỗi ngày chúng ta đều thực hiện ba loại bố thí này. Giảng kinh trên giảng tòa là pháp bố thí và vô úy bố thí. Chúng ta in tặng kinh điển, tặng băng thâu âm, chính là tài, pháp, vô úy ba loại bố thí đều có, viên mãn cùng một lượt! Phải nghiêm túc, nỗ lực thực hiện, chúng ta mới có thể thật sự đạt được. Chẳng cần có của cải, chỉ cần không bị thiếu khuyết là được rồi. Trí huệ ngày một tăng trưởng, khỏe mạnh, sống lâu, ít bệnh tật, ít khổ não, tự tại lắm! Trong tương lai, khi lâm chung, biết trước lúc mất, như nhập Thiền Định, tâm chẳng điên đảo, tự tại vãng sanh, chúng ta chẳng sống uổng một đời này! Cuộc đời này mới thật sự có ý nghĩa, có giá trị. Các đồng tu phải khéo ghi nhớ lời này! Nhất định phải nghe kinh cho nhiều, nghe nhiều thì mới khắc sâu ấn tượng. Hiện thời, trong nhà có TV, xem TV tâm sẽ chuyển theo hình ảnh được chiếu. Thấy TV chiếu kịch vui bèn cười theo; thấy TV chiếu cảnh đấu đá bèn bực tức, tâm đã bị cảnh giới chuyển mất rồi! Tôi thấy tình hình này, tính bảo người ta thiết kế một tờ băng dính (sticker) nho nhỏ, [trong ấy] thiết kế một tượng Phật, hoa sen, chính giữa in bốn câu kệ của kinh Kim Cang: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, “nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai” (Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng, tức là thấy Như Lai). Dán tấm băng ấy trên màn hình TV để nhắc nhở quý vị khi xem TV phải biết những hình tướng ấy là giả, chẳng thật, đừng bị chúng xoay chuyển. Quý vị có thể thấy “các tướng chẳng phải là tướng”, bèn thấy Như Lai. Điều này có thể độ rất nhiều người. Thiết kế sao cho tấm băng dính đó trong suốt, chẳng ngăn ngại hình ảnh [trên màn hình TV]. Chúng ta có thể lưu thông rộng rãi, trong nhà thân thích, bạn bè của quý vị có TV đều tặng cho họ một tấm. Bởi lẽ, ba thứ bố thí ấy rất quan trọng!

          Đối với người học Phật, điều thứ nhất trong Lục Ba La Mật của Bồ Tát là Bố Thí. Nói thật ra, một độ Bố Thí bao hàm trọn vẹn Lục Độ, đều được bao gồm. Trong Bố Thí đã bao gồm tài bố thí, pháp bố thí, và vô úy bố thí. Trì giới là vô úy bố thí. Một người trì giới, mọi người chẳng sợ hãi kẻ ấy. Ví dụ như tài vật bị quý vị trông thấy, [họ sẽ tự nhủ]: “Kẻ ấy trì giới, sẽ chẳng trộm cắp, ta rất an tâm, chẳng sao cả! Tiền tài của ta bày ở nơi đó, kẻ ấy sẽ chẳng lấy, chẳng trộm cắp!” Trong tâm người ta chẳng có nỗi sợ hãi. Chúng ta ăn nói mích lòng kẻ ấy, hoặc là nói rất khó nghe, [vẫn an tâm]: “Người ấy trì giới. Người trì giới sẽ chẳng so đo cùng chúng ta”, họ an tâm. Nhẫn Nhục là vô úy bố thí; Tinh Tấn, Thiền Định và Bát Nhã là pháp bố thí. Nếu chúng ta hỏi: “Bồ Tát tu hạnh gì?” Bồ Tát tu bố thí. Chẳng tu bố thí sẽ không phải là Bồ Tát. Có người hỏi: “Quý vị học Phật là tu hạnh gì?” Quý vị bảo kẻ ấy: “Tôi tu tài bố thí, pháp bố thí, vô úy bố thí”. Đồng thời, nói cho kẻ ấy biết vì sao ta phải tu? Vì ta mong có của cải, mong được thông minh trí huệ, mong được khỏe mạnh, trường thọ, quý vị có mong muốn hay không? Quý vị mong muốn thì phải học theo tôi. Nếu quý vị chẳng mong học theo tôi, chắc chắn quý vị chẳng đạt được điều mong muốn!

          Cảnh giới được nói ở đây cao lắm. Năng niệm và sở niệm; Năng và Sở chẳng hai, tâm và cảnh như một, đó là nhất tâm, là thật, chẳng giả! Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã bảo chúng ta: “Ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” (Hãy nên quán tánh pháp giới, hết thảy chỉ do tâm tạo). Y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, A Di Đà Phật cũng là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, chẳng có ngoại lệ. Tâm của ai? Tâm của chính mình! Không chỉ là y báo và chánh báo trang nghiêm trong thế giới Tây Phương và A Di Đà Phật là vật được biến hiện bởi cái tâm của chính mình, mà vô lượng vô biên các cõi Phật và vô lượng vô biên chư Phật Như Lai trong tận hư không khắp pháp giới đều do tự tâm biến ra. Vì thế, đủ mọi phương pháp tu học do đức Phật đã dạy đều là Tánh Đức, chẳng phải là ở bên ngoài, tự tánh vốn trọn đủ đức dụng. Giống như ba loại bố thí chúng ta vừa nói, Lục Ba La Mật là công đức của tự tánh, tự tánh khởi tác dụng, hoàn toàn tương ứng với Tánh Đức, cho nên người ấy mới có thể kiến tánh. Nếu trái nghịch, sẽ là mê; còn tương ứng là giác. Giác là Phật, Bồ Tát, mê là lục đạo chúng sanh. Phàm phu và Phật, Bồ Tát sai biệt ở chỗ tự tánh giác hay tự tánh mê, ở nơi mê hay ngộ. Hễ giác thì hết thảy đều giác; hễ mê thì hết thảy đều mê! Chớ nên không biết điều này.

          Nương theo giáo huấn của Phật để tu học, đi theo con đường tự tánh giác. Vì sao con đường này khó đi dường ấy? Chúng ta mê quá lâu, mê quá sâu, nay ngay lập tức quay lại sẽ chẳng dễ dàng cho lắm, đạo lý ở chỗ này! Người lợi căn, người thiện căn sâu dầy, sẽ chuyển mình nhanh chóng, do chướng ngại ít. Kẻ thiện căn mỏng, nghiệp chướng tập khí sâu nặng, sẽ chuyển khó khăn, [do bị] nghiệp lực ngăn trở! Phương pháp tiêu trừ nghiệp chướng hữu hiệu nhất là niệm Phật, niệm kinh Vô Lượng Thọ. Trong Quán Kinh Trực Chỉ, Từ Vân Quán Đảnh đại sư bảo: Nếu hết thảy các kinh pháp chẳng thể tiêu nghiệp chướng, [vì] nghiệp chướng ấy nặng nề [đến nỗi] hết thảy các kinh giáo và pháp môn do đức Như Lai đã nói đều chẳng có hiệu quả, đều chẳng thể tiêu nghiệp chướng ấy, thì niệm Phật có thể tiêu, niệm kinh Vô Lượng Thọ có thể tiêu. Chúng ta hãy suy ngẫm, vì sao? Vì Phật hiệu và hai kinh Đại Bổn và Tiểu Bổn được mười phương chư Phật hộ niệm, quý vị mới biết chúng có công đức chẳng thể nghĩ bàn! Đó chẳng phải là do một vị Phật, hai vị Phật, ba, bốn, năm vị Phật tuyên dương, mà là mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai, chẳng có vị Phật nào không hoằng dương, chẳng có vị Phật nào không hộ niệm. Do đó, [Phật hiệu, kinh Đại Bổn và Tiểu Bổn] có sức mạnh đặc biệt thù thắng, chẳng có gì thù thắng hơn được! Nếu quý vị thật sự có thể tin nhận phụng hành, chẳng có nghiệp chướng nào không tiêu được! Trừ phi chính quý vị chẳng làm theo đúng cách này, hiểu sai ý nghĩa kinh, dụng tâm sai lầm, cho nên đọc tụng thọ trì, chấp trì danh hiệu đều chẳng thể tương ứng với giáo huấn trong kinh. Vậy thì [chẳng tiêu được nghiệp chướng cũng] chẳng có gì đáng để trách móc cả! Nếu thật sự tương ứng, chẳng có gì không thể tiêu được!

(Diễn) Năng niệm tâm ngoại vô hữu Phật vi ngã sở niệm giả, vị nhất niệm vị sanh tiền, Phật tại hà sở? Nhân tâm khởi niệm, cố Phật cảnh hiện tiền. Tắc sở niệm chi Phật, nhân năng niệm chi tâm nhi hữu. Nhược ly năng niệm chi tâm, diệc vô sở niệm chi Phật, tắc Phật cảnh tùng duyên vô hữu tự tánh.      

()能念心外無有佛為我所念者,謂一念未生前,佛在何所?因心起念故佛境現前。則所念之佛,因能念之心而有,若離能念之心,亦無所念之佛,則佛境從緣無有自性。

(Diễn: “Ngoài cái tâm năng niệm, chẳng có vị Phật để ta niệm”, ý nói: Trước khi một niệm sanh khởi, Phật ở chỗ nào? Do tâm khởi niệm, nên Phật cảnh hiện tiền. Vậy thì đức Phật được niệm là do cái tâm năng niệm mà có. Nếu lìa khỏi cái tâm năng niệm, cũng chẳng có đức Phật để niệm, cho nên Phật cảnh do duyên [mà có], chẳng có tự tánh).

          Ý nghĩa này hay lắm, rất rõ ràng, rất minh bạch. Đây chính là “chư pháp Thật Tướng” như đức Phật đã nói trong kinh Bát Nhã; đấy mới là chân tướng. Nếu chúng ta chẳng niệm Phật, lấy đâu ra Phật? Phật chẳng có. Phật do đâu mà có? Do vì chúng ta khởi niệm nên Phật mới hiện, duy tâm sở hiện mà! Cớ sao chúng ta biết là Phật, hay là Bồ Tát? Ở đây, có phân biệt, chấp trước, [đó chính là] duy thức sở biến. Tâm chúng ta có thể hiện Phật, có thể biến Phật. Cũng giống như vậy, tâm chúng ta cũng có thể hiện Bồ Tát, cũng có thể biến Bồ Tát. Nói cách khác, tâm chúng ta có thể biến địa ngục, có thể hiện địa ngục, mười pháp giới [hiện hữu] là do đạo lý này. Trong mười pháp giới, quý vị muốn pháp giới nào? Muốn pháp giới nào, bèn có pháp giới ấy; muốn pháp giới nào bèn thành tựu pháp giới ấy. Đạo lý ở chỗ này! Niệm Phật bèn thành Phật, niệm tham, sân, si bèn thành tam ác đạo. Như vậy thì mới biết y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới vốn do khởi tâm động niệm của chúng ta quyết định, chẳng phải do Phật, Bồ Tát làm chủ tể, cũng chẳng phải do Thượng Đế làm chủ tể, cũng chẳng phải do vua Diêm La làm chủ tể, mà do một niệm tâm của quý vị làm chủ tể. Đấy mới là chân tướng sự thật. Quý vị có một niệm thiện tâm, hết thảy cảnh giới tốt lành bèn hiện tiền. Một niệm ác tâm, hết thảy cảnh giới ác hiện tiền, làm sao quý vị có thể oán trời hờn người cho được? Hết thảy Phật cảnh giới đều từ duyên khởi, còn có gì để nói nữa? Đức Phật giảng Pháp Hoa hay Hoa Nghiêm cũng là một đại duyên khởi. Trừ duyên khởi ra, chẳng có thứ gì khác. Tâm của chính chúng ta hiện, tâm của chính mình biến. Sau khi đã biến, hiện, chính mình chẳng biết chân tướng sự thật, mê muội ngay trong cảnh giới do chính mình biến hiện, đó là phàm phu, khổ lắm! Chư Phật, Bồ Tát tâm hiện, tâm biến, [nhưng] các Ngài chẳng mê mất chính mình trong ấy, mà hiểu rõ ràng, rành rẽ. Đó gọi là “du hý thần thông”, chính mình biến hiện để chính mình thọ dụng.

          (Diễn) Sở niệm Phật ngoại, vô hữu tâm năng niệm ư Phật giả, vị Phật cảnh vị hiện chi tiền, tâm tại hà sở?

          ()所念佛外無有心能念於佛者,謂佛境未現之前,心在何所。

(Diễn: “Ngoài đức Phật được niệm, chẳng có tâm để có thể niệm Phật” nghĩa là: Trước khi Phật cảnh hiện ra, tâm ở chỗ nào?)

          Tìm không thấy! Kinh Lăng Nghiêm gạn tâm bảy chỗ, tâm ở nơi nào? Chẳng biết, nhưng vừa động một niệm, tâm bị phát hiện, biết nó đang ở chỗ nào!

          (Diễn) Nhân văn sở niệm chi Phật, nãi dẫn sanh năng niệm chi tâm, tắc năng niệm chi tâm, nhân sở niệm chi Phật nhi hữu. Nhược ly sở niệm chi Phật, diệc vô năng niệm chi tâm, tắc tâm diệc tùng duyên, vô hữu tự tánh.

          ()因聞所念之佛,乃引生能念之心,則能念之心,因所念之佛而有;若離所念之佛,亦無能念之心,則心亦從緣無有自性。

(Diễn: Do nghe đức Phật được niệm mà dẫn khởi cái tâm niệm Phật. Vậy thì cái tâm niệm Phật là do có đức Phật được niệm mà có. Lìa khỏi đức Phật được niệm, cũng chẳng có cái tâm có thể niệm. Do vậy, tâm cũng từ duyên [mà hiện hữu], chẳng có tự tánh).

          Tâm ở chỗ nào? Chẳng thể nói là nó không có. Tâm chẳng có dấu vết, công năng của sáu căn đều chẳng thể thấu đạt. Mắt chẳng trông thấy, tai cũng chẳng nghe thấy, tay cũng chẳng sờ được, ngửi không thấy, nếm chẳng được, cũng chẳng nghĩ tới được. Những gì quý vị có thể suy tưởng đều thuộc trong phạm vi của A Lại Da Thức. Công năng của thức thứ sáu, tức ý thức rất lớn. Bên ngoài, nó có thể duyên theo cảnh giới sáu trần; bên trong, nó duyên tới thức thứ tám, nhưng chẳng thể duyên chân tánh! Đối với tâm, nó chẳng có một tí biện pháp nào hết, chẳng duyên được! Vì sao chẳng duyên được? Do nó có phân biệt, có chấp trước, cho nên chẳng duyên được. Lìa khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước, tâm tánh ở chỗ nào? Không nơi nào chẳng tồn tại! Nó là bản thể của hư không pháp giới. Tách lìa bản thể, nó có thể hiện gì? Tâm tánh giống như màn hình của TV, tất cả hết thảy các hiện tượng đều phải hiện ra trên màn huỳnh quang. Rời lìa màn huỳnh quang, nó hiện gì vậy? Chẳng hiện! Tâm chúng ta là hư không pháp giới, hư không vẫn là vật được biến hiện bởi tâm tánh. Tâm tánh chẳng phải là hư không, hư không vẫn là vật do tâm tánh biến hiện. Tâm tánh cũng chẳng phải là pháp giới, pháp giới là vật được biến hiện bởi tâm tánh.

          Tâm chúng ta to cỡ nào? Hiện thời, tâm lượng nhỏ nhen quá đỗi, [chỉ có] hai người mà còn cãi nhau! Quý vị nói xem có đáng thương hay không? Đó gọi là “mê mất tự tâm, là kẻ đáng thương xót”. Học Phật thì học từ chỗ nào? Học từ chỗ mở rộng tâm lượng. Tâm lượng chẳng lớn, sẽ chẳng thể tiến nhập Đại Thừa. Trong kiến trúc của chùa miếu, tại Thiên Vương Điện, đối diện với cổng chính bèn bày tượng Phật Di Lặc bụng bự, nhằm dạy quý vị tâm lượng phải lớn thì mới có tư cách bước vào, ngưỡng cửa [của sơn môn] biểu thị cửa Đại Thừa. Phật giáo Trung Hoa là Đại Thừa Phật pháp; quý vị chẳng có tâm lượng to lớn, sẽ chẳng thể bước vào cửa Đại Thừa! Lại thưa cùng quý vị: Chẳng tiến vào được, cũng chẳng sao! Nếu là tâm lượng nhỏ hẹp, sau khi tiến nhập Đại Thừa, sẽ hỏng bét! Ngưỡng cửa ấy là gì vậy? Cửa địa ngục! Vì sao là cửa địa ngục? Tâm lượng hẹp hòi, sau khi tiến vào, sẽ phá hòa hợp tăng, phá hoại tăng đoàn, kẻ ấy tuyệt đối đọa địa ngục. Do vậy, quý vị thấy cửa ấy là Phật môn hay là địa ngục môn? Nói thật ra, nó cũng chẳng phải là Phật môn, mà cũng chẳng phải là địa ngục môn. Tâm lượng lớn, cửa ấy bèn biến thành Phật môn. Tâm lượng hẹp hòi, cửa ấy sẽ biến thành cửa địa ngục. Cảnh giới bên ngoài không Phật cũng không ma, Phật môn và địa ngục đều do tự tâm biến hiện. Cùng là một ngôi chùa như nhau, ta từng bước tiến vào là Phật môn, kẻ khác từng bước tiến vào mà thành địa ngục môn, khác nhau! Chúng ta dắt tay nhau cùng tiến vào, ta vào cửa Phật, họ tiến vào cửa địa ngục, làm sao có thể giống nhau cho được? Sau khi đã bước vào cửa, nhất định là trước hết phải đoạn phiền não, trước hết là tu Giới, Định, Huệ, đoạn phiền não, sau đấy mới lại học vô lượng pháp môn, viên thành Phật đạo, phổ độ chúng sanh. Quyết định chẳng thể đảo lộn thứ tự này, [nếu đảo lộn] sẽ là sai lầm khôn cùng!

          Do vì niệm Phật mà cái tâm phát khởi, hiện ra, Phật cũng phát khởi, hiện ra. Chẳng niệm, Phật chẳng có, mà tâm cũng chẳng có, đều chẳng có. “Thật Tướng vô tướng” (Thật Tướng chẳng có tướng); vừa niệm Phật, tâm lẫn cảnh đều hiện tiền, “Thật Tướng vô bất tướng”! “Vô bất tướng” là có tướng. Nếu chư vị có thể thật sự thấu hiểu hai câu trên đây, bất luận khởi tâm gì, động niệm gì, tâm và cảnh đều hiện tiền. Khi chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, tâm lẫn cảnh cùng mất, hai bên đều chẳng hiện tiền. Hễ khởi tâm động niệm, hai bên đều cùng hiện tiền. Niệm Phật, hai bên hiện tiền; niệm Bồ Tát, hai bên hiện tiền. Khởi một niệm tâm tham lam, hai bên hiện tiền. Dấy tâm nóng giận, cũng là hai bên hiện tiền. Do đó, tâm và cảnh đều sanh từ duyên. Duyên là gì? Ý niệm sanh khởi chính là duyên. Duyên ấy chẳng thể nói tỉ mỉ; hễ nói tỉ mỉ, sẽ rất phức tạp. Trong Duy Thức có giảng cặn kẽ, kinh Hoa Nghiêm nói vô lượng nhân duyên. Cái tâm ấy hễ động, [sẽ là] vô lượng nhân duyên. Nếu quý vị chẳng có duyên, ý niệm sẽ chẳng động. Vô lượng nhân duyên rất phức tạp.

          Tuy đoạn này thuộc cảnh giới rất cao, nhưng có thể khiến cho chúng ta nhận biết chân tướng của tâm và cảnh, cái hay [của sự nhận biết chân tướng] là khiến cho chúng ta chẳng hoài nghi, một lòng khăng khăng chuyên chú niệm Phật, biết pháp môn Niệm Phật quyết định là chẳng sai lầm, xác thực là có căn cứ lý luận!

          (Diễn) Trí ngoại vô Như giả, tâm giả thị Trí, Phật giả thị Như. Tâm ngoại vô Phật, thị Trí ngoại vô Như dã.

          ()智外無如者,心者是智,佛者是如,心外無佛,是智外無如也。

(Diễn: “Ngoài Trí chẳng có Như”: Tâm là Trí, Phật là Như. “Ngoài tâm chẳng có Phật” là ngoài Trí chẳng có Như).

          “Trí” là chân tâm khởi tác dụng. Chân tâm phát khởi tác dụng, hết thảy đều hiểu rõ, hết thảy đều thông đạt, ta thường nói là “trí huệ Bát Nhã”. Tâm khởi tác dụng, tâm là trí huệ; Phật là cảnh giới được biến hiện bởi tâm. Nếu nói theo Duy Thức, Trí là Kiến Phần của tâm, Phật là Tướng Phần của tâm. Tâm là bản thể, cái có thể thấy (năng kiến) chính là Kiến Phần của nó, cái bị thấy (sở kiến) chính là Tướng Phần của nó. Chính mình thấy chính mình, bên ngoài chẳng có thứ gì! Do vậy nói “ngoài tâm không có Phật”, đó chính là “ngoài Trí chẳng có Như”.

          (Diễn) Thử nãi đoạt cảnh bất đoạt nhân. Cổ vân: “Thượng viên hoa dĩ tạ, xa mã thượng biền điền”, thị dã.

          ()此乃奪境不奪人。古云:上園花已謝,車馬尚駢填,是也

(Diễn: Đây chính là đoạt[4] cảnh, chẳng đoạt người. Cổ nhân nói: “Thượng Uyển hoa tàn lụi, xe ngựa vẫn dập dìu” nhằm nói lên ý này).

          Đây là nêu lên một công án của cổ nhân để nói. “Thượng viên” chỉ ngự hoa viên. Thông thường, hễ người ta nói tới Thượng thì đều là tiếng tôn xưng hoàng đế. Điều này tỷ dụ “đoạt cảnh, chẳng đoạt người”. Câu kế tiếp nói theo phương diện tương phản.

          (Diễn) Như ngoại vô Trí giả, ký Phật ngoại vô tâm, thị Như ngoại vô Trí dã. Thử nãi đoạt nhân bất đoạt cảnh. Cổ vân: “Thị xứ hữu phương thảo, mãn thành vô cố nhân”, thị dã.

     ()如外無智者,既佛外無心,是如外無智也。此乃奪人不奪境。古云:是處有芳草,滿城無故人,是也。

(Diễn: “Ngoài Như không có Trí”: Đã là ngoài Phật chẳng có tâm, tức là ngoài Như chẳng có Trí. Đây chính là đoạt người, chẳng đoạt cảnh. Cổ nhân nói: “Nơi đây, cỏ tỏa hương thơm ngát, khắp thành đâu thấy bóng người xưa” là nói lên ý này).

          “Thị xứ hữu phương thảo” là cảnh, “mãn thành vô cố nhân” là người. Người chẳng có, nhưng cảnh tồn tại. Trong đoạn trước là “chẳng có cảnh, nhưng người tồn tại”. Nói cách khác, đối với vũ trụ và nhân sinh, quý vị nhìn từ góc độ nào, sẽ hiểu kết quả như thế đó. Những kết quả ấy đều chánh xác, nhưng vẫn chưa phải là viên mãn. Cũng có nghĩa là: Đối với cảnh giới, quý vị chỉ thấy một mặt, hãy còn các mặt khác. Giống như đối với một cánh tay, quý vị nhìn vào mặt trước, chẳng thấy mặt sau, nhìn vào mặt sau, chẳng thấy mặt trước. Ắt cần phải hợp cả hai mặt lại để nhìn thì mới có thể hoàn toàn liễu giải chân tướng.

“Phi Như phi Trí” là thấy toàn thể. Chẳng thấy toàn thể, ắt sẽ có sự tranh chấp. Chư vị phải hiểu: Ngay trong bản thân Phật môn cũng có rất nhiều tranh chấp. Vì sao có lắm nỗi tranh chấp ngần ấy? Chẳng thể nói là tri kiến của họ không chánh xác, đều chánh xác, nhưng họ thấy một mặt, chẳng thấy mặt khác. Các đại tông phái như Tông Môn, Giáo Hạ công kích lẫn nhau, người học Thiền và kẻ niệm Phật hủy báng lẫn nhau, đều là do nhìn vào một mặt, chẳng thấy mặt thứ hai. Nếu mặt nào cũng đều nhìn thấy, mới biết không chỉ mười đại tông phái chính là một, mà tất cả hết thảy ngoại đạo bên ngoài cũng là một. Đối với những lời tôi nói cùng mọi người trong phần trước, nếu quý vị có thể thấu hiểu, sẽ biết ngay. Vì sao? Chẳng có một pháp nào không phải là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, đều là như vậy. Tâm hễ niệm ngoại đạo liền hiện ngoại đạo, niệm ma vương liền hiện ma vương. Niệm gì hiện nấy, tâm biến ra cảnh ấy.

Vì thế, quý vị hãy nói xem: Có pháp nào chẳng phải là tự tánh? Pháp nào cũng đều là [tự tánh], pháp nào cũng đều là Như. Tâm chúng ta liền bình, liền thanh tịnh. [Có như vậy thì] trong hết thảy các pháp, mới giống như kinh Kim Cang đã dạy: “Chẳng chấp lấy tướng, như như bất động”. Vì sao chẳng chấp lấy tướng? Vì hết thảy các tướng do tự tánh biến hiện, huyễn hóa, chẳng có tự tánh. Không chỉ là chẳng chấp sắc pháp, mà tâm pháp cũng chẳng chấp giữ, tâm cũng là duyên khởi. Hai bên tâm và cảnh đều xóa sạch, tự tánh hiện tiền. Thiên trọng sắc pháp, sẽ là vật chất, duy vật, chẳng thể kiến tánh. Thiên trọng tâm pháp, sẽ là duy tâm, cũng chẳng thể kiến tánh. Ắt phải là tâm và pháp hai bên đều buông xuống thì mới có thể khế nhập, hoát nhiên khế nhập.

Chư vị phải hiểu, khi một câu Phật hiệu niệm đến mức tâm và cảnh như nhau thì sẽ khế hợp. Nếu quý vị hỏi: Niệm đến khi nào thì mới có thể đạt đến Lý nhất tâm bất loạn? Niệm đến khi [tâm và cảnh] như nhau, niệm đến khi cái tâm năng niệm chính là đức Phật được niệm (sở niệm chi Phật), đức Phật được niệm là cái tâm năng niệm, Năng và Sở là một, Năng và Sở chẳng hai, bèn khai ngộ. Do vậy, đây là một công phu rất sâu. Hễ còn có Năng và Sở, nói cách khác, đều rớt vào hai bên, chẳng thể kiến tánh, có thể niệm đến Sự nhất tâm, chẳng phải là Lý nhất tâm.

          (Diễn) Phi Như phi Trí, cố duy nhất tâm giả, Trí ngoại vô Như, dĩ Trí đoạt Như, cố phi Như. Như ngoại vô Trí, dĩ Như đoạt Trí, cố phi Trí. Hỗ đoạt lưỡng vong, tắc phi Như phi Trí, cố duy nhất tâm.

          ()非如非智,故唯一心者,智外無如,以智奪如故非如;如外無智,以如奪智故非智。互奪兩忘,則非如非智,故唯一心。

(Diễn: “Chẳng phải là Như, chẳng phải là Trí, nên chỉ là nhất tâm”: Ngoài Trí chẳng có Như, do Trí đoạt Như, nên chẳng phải là Như. Ngoài Như không có Trí, do Như đoạt Trí, nên chẳng phải là Trí. Do [Như và Trí] đoạt lẫn nhau, nên hai bên cùng mất. Vì thế, chẳng phải là Như, chẳng phải là Trí, chỉ là nhất tâm).

          “Hỗ đoạt lưỡng vong” (Hai bên đoạt lẫn nhau), hai đằng đều chẳng có. Đây là phương pháp xảo diệu để tô đậm cảnh giới Lý nhất tâm, giống như vẽ vời vậy, dồn mây để mô tả mặt trăng. Do chẳng thể vẽ mặt trăng được, nên trong giữa các đám mây, [vẽ] lộ ra một hình tròn trặn, thoạt nhìn liền biết là mặt trăng. Dùng phương pháp ấy để biểu lộ, khiến cho chúng ta nhờ vào đó bèn có thể thấu hiểu.

          (Diễn) Thử nhân cảnh song đoạt. Cổ vân: “Vân tán, thủy lưu khứ, tịch nhiên, thiên địa không”. Hựu vân: “Nhân ngưu câu bất kiến, chánh thị nguyệt minh thời”, thị dã.

     ()此人境雙奪。古云:雲散水流去,寂然天地空。又云:人牛俱不見,正是月明時。是也。

(Diễn: Đây chính là người và cảnh đều bị đoạt. Cổ nhân nói: “Mây tan, nước chảy mất, khắp trời đất lặng tênh”. Lại nói: “Người, trâu đều chẳng thấy; khi ấy, trăng rạng ngời” là nói về ý này).

          Đây là bài kệ trong Mục Ngưu Đồ Tụng[5] (tranh kệ chăn trâu), những điều này đều thuộc về Thiền cơ, hãy chú tâm lãnh hội, cảm nhận, trong ấy rất có ý vị. Ý thú cạn hay sâu tùy thuộc cảnh giới lãnh ngộ khác nhau của mỗi người. Đó là đối với hai nghĩa của chữ Thể Cứu, chúng tôi đã giảng một ý nghĩa. Kế tiếp sẽ là ý nghĩa thứ hai, tức “tịch chiếu nan tư”. Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi để lần sau sẽ giảng tiếp.

[1] Nguyên văn là “phản lưu” (反流). “Phản lưu” là nói tương phản với “nhập lưu”  (入流). Nhập Lưu là khi căn tiếp xúc trần, nẩy sanh thức, mê muội chấp trước, phân biệt, đuổi theo trần cảnh, hoàn toàn bị cảnh bên ngoài chi phối. “Phản lưu” là hễ căn tiếp xúc trần cảnh, bèn truy ngược lại để hiểu thấu suốt tánh của căn và trần là một, không hai, tìm lại tự tâm.

[2] Ngũ Câu Ý Thức (五俱意識): Khi năm thức trước sanh khởi, Ý Thức sẽ luôn sanh khởi tác dụng, nên Ý Thức khi đó được gọi là Ngũ Câu Ý Thức.

[3] Kháng Chiến là gọi tắt của từ ngữ Kháng Nhật Chiến Tranh, là giai đoạn chiến tranh giữa Trung Hoa và Nhật Bản từ ngày 18 tháng Chín năm 1937 cho đến ngày 9 tháng Chín năm 1945.

[4] “Đoạt” (奪) ở đây có nghĩa là làm cho mất đi.

[5] Mục Ngưu Đồ Tụng (牧牛圖頌) là một hình thức chỉ bày phương pháp tu hành điều tâm trong Thiền Tông, sánh ví cái tâm như con trâu, Thiền giả như người chăn trâu. Đúng như tên gọi, tác phẩm này có nhiều bức vẽ, mỗi bức bao gồm hình vẽ và một bài kệ tụng. Mục Ngưu Đồ Tụng có nhiều loại, nói chung, ba loại được người đời chú trọng nhất là Mục Ngưu Đồ Tụng của Thanh Cư (năm bức vẽ), Khuếch Am (mười bức) và Tự Đắc (sáu bức). Trong các bản này, phổ biến nhất là bản của ngài Khuếch Am từ đời Tống. Hiện thời, hầu như chỉ còn hai bản được lưu hành là bản của thiền sư Khuếch Am và thiền sư Phổ Minh.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *