#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 219
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm ba mươi ba:
(Sao) Hoa Nghiêm thập nguyện giả, nhất giả lễ kính chư Phật, nãi chí thập, phổ giai hồi hướng, diệc dĩ thử thập sanh bỉ quốc độ.
(鈔)華嚴十願者,一者禮敬諸佛,乃至十普皆迴向,亦以此十生彼國土。
(Sao: “Mười nguyện trong Hoa Nghiêm”: Một là “lễ kính chư Phật”, cho đến mười là “hồi hướng trọn khắp”, cũng dùng mười điều này để sanh về cõi kia).
Đây là điều kiện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới của bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong hội Hoa Nghiêm. Những vị Bồ Tát ấy chẳng phải là Bồ Tát bình phàm, mà đều là bậc Bồ Tát đã minh tâm kiến tánh. Các Ngài sanh về Tây Phương Tịnh Độ đều là sanh trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Do vậy có thể biết, mười điều kiện ấy là các điều kiện của cõi Thật Báo Trang Nghiêm, chẳng giống với mười điều kiện của kinh Bảo Tích đã được nói trong phần trước. Kinh Bảo Tích bao gồm bốn cõi, chín phẩm, từ cạn đến sâu. Trong hội Hoa Nghiêm, thật ra là cạn và sâu một vị! Đấy là điều kiện để thượng thượng phẩm vãng sanh; tuy chúng ta chẳng làm được, nhưng nhất định phải hiểu. Nếu có thể nỗ lực tu học theo tiêu chuẩn ấy, tất nhiên sẽ nâng cao phẩm vị vãng sanh của chính mình. Điều thứ nhất là “lễ kính chư Phật”:
(Diễn) Lễ kính chư Phật giả, sở hữu tận pháp giới hư không giới, thập phương tam thế nhất thiết chư Phật, ngã tất dĩ thanh tịnh tam nghiệp, thường tu lễ kính, nhất nhất Phật sở giai hiện bất khả thuyết vi trần số thân, nhất nhất thân biến lễ bất khả thuyết vi trần số Phật.
(演)禮敬諸佛者,所有盡法界虛空界,十方三世一切諸佛,我悉以清淨三業,常修禮敬,一一佛所皆現不可說微塵數身,一一身遍禮不可說微塵數佛。
(Diễn: “Lễ kính chư Phật”: Đối với tất cả tận pháp giới hư không giới, mười phương ba đời hết thảy chư Phật, tôi đều dùng ba nghiệp thanh tịnh để thường tu lễ kính. Nơi mỗi đức Phật đều hiện bất khả thuyết vi trần số[1] thân, mỗi thân lễ khắp bất khả thuyết vi trần số Phật).
Trong lời chú giải có cả Sự lẫn Lý. Nửa trước nói về Lý, cảnh giới của Ngài (bậc Pháp Thân đại sĩ) là tận hư không khắp pháp giới. Tất cả hết thảy “thập phương tam thế chư Phật”, đối với tam thế, Phật trong đời quá khứ thì đức Thế Tôn đã từng nói, chúng ta cũng từng nghe nói về chư Phật trong đời hiện tại, còn chư Phật trong đời vị lai là những ai? Chữ “tam thế” (三世) bao gồm đời vị lai; chư Phật trong đời vị lai chính là hết thảy chúng sanh. Hết thảy chúng sanh vốn sẵn thành Phật, [bởi lẽ], hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh. Đã có Phật Tánh, ắt sẽ thành Phật. Đó là Phật trong tương lai. Bao gồm toàn bộ phạm vi của lễ kính; hễ chẳng tôn trọng một chúng sanh nào, tức là công đức lễ kính chư Phật của quý vị chẳng viên mãn, bị khiếm khuyết. Do vậy, chẳng dễ sanh về cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Tìm chẳng ra mảy may khuyết điểm nào nơi đại chúng trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Công đức của cõi ấy đích xác là viên mãn rốt ráo. Nay chúng ta thấy người khác có rất nhiều kẻ chẳng thuận mắt, thấy có rất nhiều chuyện chẳng vừa lòng, vậy thì làm sao được nữa? Đó chẳng phải là Phổ Hiền hạnh; dẫu tu tốt đẹp cách mấy đi nữa, vẫn chẳng phải là Phổ Hiền hạnh! Do vậy có thể biết, Phổ Hiền hạnh chính là dùng cái tâm thanh tịnh và cái tâm bình đẳng để tu.
“Thanh tịnh tam nghiệp”: Thanh tịnh thân, thanh tịnh ngữ, thanh tịnh ý; ba nghiệp thân – khẩu – ý thanh tịnh thì mới có thể tu Phổ Hiền hạnh. Nói cách khác, đối với hết thảy các loài chúng sanh trong hư không pháp giới, quyết định chẳng có phân biệt, chấp trước; khi ấy, sự lễ kính do quý vị tu sẽ chính là Phổ Hiền hạnh. Quý vị đối trước tượng Phật lạy Phật một lạy, sẽ là lạy khắp tận hư không khắp pháp giới mười phương ba đời hết thảy chư Phật. Vì sao? Vì trong tâm quý vị chẳng có giới hạn. Tâm chẳng có giới hạn, cái tâm ấy sẽ to như hư không pháp giới; do đó, lễ một vị Phật bèn là lễ hết thảy chư Phật. Do cái tâm của bọn phàm phu chúng ta có phân biệt, có chấp trước, cho nên tâm lượng hết sức nhỏ bé, công đức đã tu tập cũng là chút ít, thuận theo tâm lượng, chẳng có cách nào mở rộng ra ngoài! Tu kiểu nào cũng không được, tâm lượng vẫn rất nhỏ hẹp. Đây là nói theo cảnh giới. Nói theo Lý, ắt phải do ba nghiệp thanh tịnh.
“Thường tu lễ kính”: Hãy chú trọng chữ Thường (常). “Thường” là chẳng gián đoạn, suốt ngày từ sáng đến tối trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ chưa hề gián đoạn. Đó là tâm cung kính. Nói thô thiển một chút, sẽ là đối với người, đối với sự, đối với vật, từ đầu đến cuối một lòng cung kính. Nếu nói theo cảnh giới của mười tâm trong kinh Bảo Tích thì là đối với pháp giới chúng sanh và tự tánh chúng sanh, đối với người, đối với sự, đối với vật mà cung kính, đấy chính là cung kính tự tánh của chính mình. Đối với người, đối với sự, đối với vật mà chẳng cung kính, tức là phạm lỗi đối với tự tánh chúng sanh, có lỗi với chính mình! Vì sao? Lễ kính là Tánh Đức, [thiếu lễ kính tức là] Tánh Đức của quý vị chẳng thể lưu lộ, Tánh Đức bị chướng ngại; đó là lầm lỗi, là nghiệp chướng! Phải trừ khử nghiệp chướng, giống như chư Phật và các vị đại Bồ Tát, Tánh Đức của các Ngài chẳng bị chướng ngại. Vì thế, các Ngài đối với người, đối với sự, đối với vật đều là bình đẳng cung kính. Mỗi vị Bồ Tát thuộc bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong hội Hoa Nghiêm đều tu theo cách này.
Hai câu tiếp theo chính là nói theo mặt Sự. Sự chẳng thể nghĩ bàn, Sự là cảnh giới Hoa Nghiêm, là cảnh giới Sự Sự vô ngại. “Nhất nhất Phật sở” (Ở nơi mỗi đức Phật), ở nơi mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai, đối trước các Ngài, “giai hiện bất khả thuyết vi trần số thân” (đều hiện bất khả thuyết vi trần số thân). Người trong thế giới Tây Phương có thể hóa thân bao nhiêu? Kinh Phạm Võng nói “trăm ngàn ức hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật”, con số trăm ngàn ức ấy rất nhỏ, hễ tính toán là tính được liền. Nói thật ra, mỗi cá nhân trong Tây Phương Cực Lạc thế giới có năng lực hóa thân giống như kinh Hoa Nghiêm [đã nói] “vô lượng vô biên hóa thân”. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, ai nấy đều chứng đắc [năng lực hóa thân ấy].
Chiều nay, pháp sư Ngộ Không đến chỗ tôi. Ở bên ngoài, ông ta làm rất nhiều chuyện náo nhiệt. Tôi bảo ông ta: “Thứ gì cũng đều là giả! Rỗng tuếch”. Kinh Kim Cang dạy chẳng sai: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Điều gì là thật? Vãng sanh thế giới Cực Lạc là thật, tâm địa thanh tịnh là thật. Ngày hôm nay, ông ta nói với tôi muốn tổ chức Phật Thất, đại khái là quy mô rất đáng nể. Tôi bảo ông ta: – Tốt nhất là Phật Thất đừng vượt quá mười người. Nếu mười người ấy vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới làm Phật, mười vị Phật! Tuyệt diệu thay! Quý vị mấy ngàn, mấy vạn người [đả Phật Thất xong, đời sau] là ngạ quỷ, súc sanh, hay đọa địa ngục thì chẳng có ý nghĩa gì hết! Bảy ngày bảy đêm một câu Phật hiệu không gián đoạn, không xen tạp, đó gọi là Phật Thất. Nói chung là đối với người mới học, bảy ngày sẽ chịu không nổi; trước hết, hãy bắt đầu bằng một ngày một đêm, sau đó lại tăng thành hai ngày hai đêm, ba ngày ba đêm, tăng lên dần dần. Vẫn là mười người ấy, đừng nên thay người khác, đấy gọi là người thật sự thành tựu. Thời kỳ Mạt Pháp, “tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”, người xuất gia phải chú tâm cẩn thận, hôm nay tôi nhắc nhở thầy ấy. Pháp sư Tường Vân kể với tôi: “Người xuất gia tướng trạng khi mất cũng chẳng tốt lành, chẳng tốt đẹp như người tại gia!” Nhất định phải chú ý, cẩn thận, phải thật sự phát đạo tâm, đừng làm chuyện thuộc về tiếng tăm, lợi dưỡng, dính dáng đến chúng cũng không được.
Chỉ có mình Tây Phương là chân thật! Tây Phương Cực Lạc thế giới thọ mạng vô lượng, đó là thật, chẳng giả. Vì sao trong thế gian này, hết thảy đều là giả? Vì thọ mạng quá ngắn, sau khi đã chết, thứ gì cũng chẳng mang theo được! Chẳng có gì là của chính quý vị. Sanh mạng rất mong manh, mất đi bất cứ lúc nào! Đừng tưởng là trong tương lai ta còn sống được bao nhiêu năm, chẳng có chuyện đó đâu nhé! Trong kinh, đức Phật thường cảnh tỉnh chúng ta: “Nhân mạng tại hô hấp chi gian” (Mạng người trong hơi thở). Một hơi thở ra, chẳng hít vào được nữa, bèn sang đời thứ hai. Do đó, chẳng có gì là thật, chẳng có thứ gì để chính mình có thể đạt được! Quý vị bèn hiểu vô lượng thọ là chân thật.
Danh hiệu của đức Di Đà trong thế giới Tây Phương là vô lượng, trong vô lượng [ý nghĩa và đức năng], vì sao chỉ dịch thành Vô Lượng Thọ? Thọ mạng là phẩm đức bậc nhất. Chẳng có thọ mạng, vô lượng gì đi nữa cũng đều uổng phí, đều là rỗng tuếch. Chỉ riêng thọ mạng là vô lượng thì hết thảy những thứ vô lượng khác bèn biến thành chân thật. Vì lẽ đó, thọ mạng được xếp hàng đầu, là phẩm đức bậc nhất. Kế đó là vô lượng quang, “quang” là trí huệ. Tuy có thọ mạng, nhưng hồ đồ, mơ màng, thì cũng chẳng có ý nghĩa gì cả, vẫn phải tạo nghiệp chịu báo. Có thọ mạng, còn phải có trí huệ, quyết định là chẳng mê hoặc, điên đảo, thì mới là phước báo thật sự. Chẳng có trí huệ, lấy đâu ra phước báo? Do vậy, trong vô lượng, chỉ dùng thọ mạng và quang minh để đại diện là được rồi!
Ở đây, [phần kinh văn trích dẫn từ kinh Hoa Nghiêm] đã hiển thị vô lượng thần thông, trong thần thông nêu ra một loại là “hóa thân”. Người ấy có thể biến hóa vô lượng vô biên thân. Vì thế, trước vô lượng vô biên chư Phật Như Lai, đều có bản thân người ấy, tức là hóa thân [của người ấy] đến lễ bái, cung kính, cúng dường, nghe pháp. Đấy là hiển thị nhiều thân. “Nhất nhất thân biến lễ bất khả thuyết vi trần số Phật” (Mỗi một thân lễ khắp bất khả thuyết vi trần số Phật), nói về một hóa thân, hóa thân lại có thần thông to lớn ngần ấy. Mỗi hóa thân có thể lễ khắp vô lượng vô biên hết thảy chư Phật. Nếu chư vị suy nghĩ, hiểu rõ sự thật này, có muốn đến thế giới Tây Phương hay không? Chẳng bàn tới những điều tốt đẹp khác, chỉ riêng một điều này, chúng ta đã muốn đến đó rồi! Chẳng đến thế giới Tây Phương, sẽ chẳng thể đạt được loại năng lực ấy. Kinh Hoa Nghiêm nói Bát Địa Bồ Tát mới có năng lực này. Sự thù thắng của thế giới Tây Phương chính là bọn phàm phu lè tè sát đất như chúng ta hễ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, năng lực sẽ bằng với bậc Bát Địa Bồ Tát trở lên! Đây là pháp khó tin, thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Liên Trì đại sư tỉnh lược những nguyện giữa, nhưng chúng tôi vẫn phải giảng.
Nguyện thứ hai là “xưng tán Như Lai”. Cảnh giới của mỗi nguyện trong mười nguyện đều giống nhau, đều là tất cả tận pháp giới hư không giới mười phương ba đời hết thảy chư Phật. Cảnh giới giống nhau, tâm thái cũng giống nhau, đều là dùng ba nghiệp thanh tịnh. Nguyện thứ nhất là thường tu lễ kính, nguyện thứ hai là thường tu xưng tán, tâm thái giống nhau. Ở đây, xưng tán không dùng “chư Phật” mà đổi thành “Như Lai”. Như Lai và chư Phật có gì sai biệt? Kinh Kim Cang có lúc nói “chư Phật”, có khi nói Như Lai. Hễ nói “chư Phật” tức là nói theo sự tướng. Hễ nói Như Lai thì là nói theo Tánh Đức; đó là chỗ khác biệt. Lễ kính thì phải nhất loạt bình đẳng, thật sự bình đẳng đối với hết thảy chúng sanh, chẳng có thân, sơ, xa, gần, thiện, ác, tà, chánh. Dùng cái tâm thanh tịnh tột bậc của chính mình để tu lễ kính, quyết định chẳng có phân biệt, chấp trước. Xưng tán chẳng giống như vậy, trong ấy có phân biệt: Tương ứng với Tánh Đức thì xưng tán; trái phạm Tánh Đức bèn chẳng xưng tán.
Khổng lão phu tử gọi “lễ kính chứ không xưng tán” là “kính nhi viễn chi” (敬而遠之). Viễn (遠) là gì? Chẳng phải là lánh thật xa kẻ ấy, mà là chẳng tán thán, [vẫn] kính trọng, nhưng chẳng thân cận. Trong Tứ Thập Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần, có ba người (ba vị thiện tri thức) tượng trưng cho sự trái nghịch Tánh Đức:
1) Người thứ nhất là Bà-la-môn Thắng Nhiệt, đại diện cho ngu si trong Tam Độc phiền não. Thiện Tài đến tham phỏng, lễ kính, nhưng
chẳng tán thán.
2) Vị thứ hai là Cam Lộ Hỏa Vương, tượng trưng cho sân khuể. Vua cảm thấy chẳng vừa ý, ngay lập tức dùng hình phạt hết sức tàn khốc để đối trị. Thiện Tài đồng tử tham phỏng nhà vua, có lễ kính, nhưng chẳng tán thán.
3) Vị thứ ba là cô gái Phạt Tô Mật Đa, tượng trưng cho tham ái. Thiện Tài đồng tử đến tham phỏng [cô ta] cũng là lễ kính, chẳng tán thán.
Tương ứng với tham, sân, si bèn chẳng tán thán, nhưng có lễ kính. Ở đây, [kinh văn] không dùng chữ “chư Phật”, mà đổi thành Như Lai, đấy là đại từ đại bi, rát miệng buốt lòng [khuyên bảo]! Trong thế gian, Bồ Tát nêu tấm gương tốt lành cho mỗi chúng sanh, niệm niệm thành tựu hết thảy chúng sanh. Đó là từ bi. Thành tựu chúng sanh chính là thành tựu chính mình. Có thể suy nghĩ vì người khác, đó là Phật pháp; suy tưởng vì chính mình, đó là mê hoặc, điên đảo, nhất định là khởi Hoặc, tạo nghiệp. Do đó, xưng tán thì có thể xưng tán người nào? Nhất định là phải xưng tán người nào chẳng khởi tác dụng phiền não, người như vậy bèn có thể xưng tán.
Thuở ấy, tôi cầu học nơi thầy Lý, mới thân cận thầy được một tuần, thầy bảo tôi: “Đừng nên hủy báng người khác”, tôi hiểu điều này. “Đừng ca ngợi kẻ khác”, tôi chẳng hiểu điều này! Ca ngợi là chuyện tốt, người Hoa có nói “ẩn ác, dương thiện” (ẩn giấu điều ác, tuyên dương chuyện lành). Thầy lại chẳng giải thích cho tôi. Tôi nghĩ suốt một hai tuần mà vẫn nghĩ chẳng thông. Vì sao thầy chẳng cho phép chúng tôi khen ngợi kẻ khác? Có một hôm, thầy bảo tôi: “Khen ngợi người ta còn gây hại cho người ta dữ dội hơn hủy báng họ”. Vì sao? Quý vị vừa khen, kẻ ấy sẽ cảm thấy chính mình ghê gớm lắm, vừa mới có một tí thành tựu bèn chẳng còn tinh tấn nữa, [cứ nghĩ] “đến đây là đủ rồi, được rồi”, [như vậy là ca ngợi không đúng chỗ] đã chặt đứt con đường tiến lên của người ta! Tôi mới hiểu rõ: Đúng là hại người! Nhất là khen ngợi quá lố, càng hại người ta, khiến cho kẻ ấy đắc ý, vênh váo, lui sụt Bồ Tát đạo, dấy Hoặc, tạo nghiệp.
Khi nào thì có thể tán thán? Phải là [khi người được tán thán đã đạt đến mức] “tám gió thổi chẳng động”. Quý vị hủy báng người ấy, người ấy chẳng tức giận. Khen ngợi người ấy, người ấy trọn chẳng hoan hỷ, như như bất động. Người như vậy thì có thể tán thán. Nói cách khác, hễ được khen mà còn có tâm hoan hỷ, chớ nên khen ngợi! Thỉnh thoảng khen ngợi đúng mức như một hình thức cổ vũ, khích lệ thì được, đó là một biện pháp. Đệ tử Phật tán thán Phật, Bồ Tát nhằm mục đích khuyên lơn, hướng dẫn những chúng sanh chưa nhận biết Phật pháp, khiến cho họ sanh tâm cung kính, dẫn dụ họ thân cận Phật, Bồ Tát, mang ý nghĩa này, trọn chẳng phải là Phật, Bồ Tát ham chuộng tán thán. Tán thán nhằm tiếp dẫn chúng sanh, mục đích ở chỗ này, dụng tâm ấy hết sức tốt đẹp. Do vậy, trong “xưng tán Như Lai” có trí huệ cao độ.
Nguyện thứ ba là “quảng tu cúng dường”. Chư vị phải ghi nhớ, cảnh giới và tâm thái hoàn toàn giống nhau. Cảnh giới của việc cúng dường cũng là tận hư không khắp pháp giới, hữu tình và vô tình thảy đều được bao gồm trong ấy. Đối với hữu tình chúng sanh, chúng ta tận tâm tận lực cúng dường, mà đối với vô tình [chúng sanh] thì cũng tận tâm tận lực cúng dường. Lau bàn sạch sẽ, sắp xếp ngay ngắn, đó là cúng dường và lễ kính nó. Chúng ta tùy tiện quăng đồ đạc loạn xạ, không được rồi! Đó là đại bất kính! Hễ còn có những hành vi ấy, chúng ta biết người ấy dẫu niệm Phật tốt đẹp cách mấy, vãng sanh tuyệt đối chẳng phải là trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Phàm là người vãng sanh trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm, nhất cử nhất động nhất định tương ứng với mười đại nguyện vương. Mười đại nguyện vương là điều kiện để sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Bản thân chúng ta niệm Phật có niệm đến mức Lý nhất tâm hay không? Mười đại nguyện vương thảy đều làm được, [sẽ là] Lý nhất tâm bất loạn. Người đã đạt Sự nhất tâm bất loạn chưa làm được, còn [người đã chứng đắc] Lý nhất tâm sẽ tự nhiên làm được. Vì sao? Hoàn toàn do Tánh Đức tự nhiên lưu lộ.
Đối với chuyện cúng dường, đích xác là đệ tử Phật tại Đài Loan tu cúng dường bậc nhất thế giới, có phước hay không? Chưa chắc! Cuộc đất Đài Loan giàu có, nhưng chẳng có phước. Hoàn cảnh cư trú chẳng bằng người ngoại quốc, ăn mặc cũng rất lôi thôi, cũng chẳng bằng người ngoại quốc. Ăn uống thì ba bữa đều là nuốt chất độc, cũng chẳng bằng người ngoại quốc! Có một đồng tu bảo tôi, chỉ có lá khoai lang là không có thuốc sát trùng, những loại rau xanh khác đều dính thuốc sát trùng, đều chẳng nên ăn! Người học Phật tuy rất đông, nhưng mê chứ không giác, họ mê tín, chẳng phải là chánh tín, rất đáng thương! Do vậy có thể biết, cúng dường thì cũng phải có trí huệ, cũng phải có phước báo. Người chẳng có phước thì mong tu phước cũng chẳng tu nổi! Người thiếu trí huệ thì mong tu phước cũng tu chẳng được! Người thật sự tu phước bèn có phước, có huệ, đương nhiên là có mối quan hệ đối với thiện căn, phước đức, và nhân duyên trong đời quá khứ. Vì thế, cúng
dường tuyệt đối chẳng phải là chuyện dễ dàng!
Rốt cuộc phải tu cúng dường như thế nào thì mới là phước điền thật sự? Thật ra, muốn phân biệt chẳng khó, nhìn vào kết quả sẽ biết ngay. Chúng ta cúng dường để tạo dựng một tự viện đạo tràng. Sau khi tự viện đạo tràng ấy dựng xong, hằng ngày hoằng pháp, lợi sanh, giảng kinh, thuyết pháp, lãnh chúng tu hành, sẽ đúng là phước điền. Sau khi đạo tràng xây dựng xong, chúng thường trụ trong ấy tranh danh, đoạt lợi, hằng ngày cãi cọ, tranh đoạt tài sản nhà chùa, đấy là tạo tội nghiệp. Chẳng cúng dường sẽ chẳng có tội nghiệp; hễ cúng dường, tội nghiệp đều có. Cúng dường người xuất gia, người xuất gia ấy thật sự tinh tấn dụng công, sự cúng dường ấy có phước. Cúng dường người xuất gia, người xuất gia có tiền, cất trong ngân hàng mấy trăm vạn, mấy ngàn vạn, vênh váo đắc ý, tội lỗi của quý vị bèn to kềnh. Vì sao? Kẻ ấy chẳng có đạo tâm. Khi chẳng có tiền thì có đạo tâm, chẳng suy nghĩ gì, chỉ nghĩ đến Phật, Bồ Tát. Đã có tiền, hằng ngày nghĩ tới tiền, quên bẵng Phật, Bồ Tát, đáng ngại quá! Vì vậy, trước khi diệt độ, Thích Ca Mâu Ni Phật đã khuyên lơn, khích lệ chúng ta hãy “lấy khổ làm thầy”. Người tu đạo lấy khổ làm thầy, khổ một chút cũng được! Khổ sở đôi chút, sẽ chẳng lưu luyến thế giới này. Quá giàu có, quá sung sướng, chẳng tốt! Sẽ dấy tâm tham đối với thế giới này, chẳng nỡ rời khỏi thế giới này, có cầu vãng sanh cũng chẳng cầu nổi! Chỉ cần miễn cưỡng có thể sống được, chẳng cần tranh chấp với kẻ khác. Có thể ăn no, mặc ấm, có căn nhà nhỏ để che mưa tránh gió, đủ rồi! Thân, tâm, thế giới, hết thảy đều buông xuống, thật thà niệm Phật, người như vậy có phước báo bậc nhất, thật sự có phước báo. Cúng dường người như vậy thì mới thật sự có phước, đấy mới là phước điền chân thật.
Hiện thời, chỗ chúng ta rất nhỏ, vì sao chẳng dựng cho to hơn chút nữa? Nếu dựng to hơn, sẽ chẳng có phước! Mấy người sống ở nơi đây, vừa khít. Nếu to hơn nữa, to mà chẳng có đông người như vậy, “phước địa, phước nhân cư”, chẳng có lắm người có phước như vậy đến ở, chẳng phải là phiền phức ư? Đạo tràng chẳng quan trọng ở chỗ lớn hay nhỏ, quan trọng là có đạo hay không? Có người tu đạo hay không? Cơ sở nhỏ, ít người, chi tiêu ít, cuộc sống đơn giản, dễ dàng, tâm mọi người đều đặt nơi đạo. Nơi chốn nhỏ, trụ nơi này bèn chẳng tranh giành, chẳng có gì đáng để tranh giành! Chùa chiền to, trong ấy liền chia bè kết đảng giành quyền, tranh danh, đoạt lợi, tạo nghiệp mất rồi! Vì thế, phải rất lắng lòng quan sát rõ ràng: Tu cúng dường như thế nào?
Kể từ khi học Phật tới nay, tôi chưa hề khuyên người khác kiến lập đạo tràng, mà khuyên kẻ khác in kinh, phóng sanh, cứu giúp người nghèo khổ, tôi cảm thấy những chuyện ấy là công đức chân thật. Tôi muốn lập đạo tràng thì cũng chẳng có tiền, đó là nhân quả báo ứng. Tôi cũng chẳng dám hóa duyên, vì sao? Tôi biết mình có hóa duyên thì cũng không được. Vì tôi chẳng tán thành tạo dựng đạo tràng, lấy đâu ra duyên? Chẳng có duyên! Vì thế, đạo tràng là do Phật, Bồ Tát tạo dựng, chẳng liên can gì đến tôi! Vì sao Phật, Bồ Tát tạo dựng? Đại khái là do thấy có mấy người thật sự muốn tu đạo. Do vì có người mà phải có nơi chốn, nên Phật, Bồ Tát sẽ đưa cơ sở đến. Không có người, thì cũng chẳng có cơ sở. Điều này tốt lắm! Đỡ lo, bớt việc, hễ đến lúc [cần phải có đạo tràng] thì sẽ có đạo tràng đưa đến. Trước mắt, thấy đạo tràng này thành tựu rất thuận lợi, xem ra chúng sanh thuộc thế hệ sau có phước, bèn có một nhóm người thật sự phát khởi đạo tâm, siêng năng tu học ở nơi đây, trong tương lai hoằng pháp lợi sanh, giáo hóa chúng sanh trong thế hệ tiếp theo. Họ có phước, chúng tôi thấy vậy rất hoan hỷ. Cư sĩ Giản Phong Văn nói với tôi, ông ta nói: “Thật sự có phước”. Tôi nói: “Chúng ta tạo phước, họ hưởng phước”. Chúng tôi mua một bộ Tứ Khố Toàn Thư, có thể sẽ được chuyển đến Mỹ rất nhanh; trong tương lai, thư viện tại Mỹ sẽ hết sức hoàn bị. Tôi nói với Giản cư sĩ: “Những thứ thuộc Tam Tạng mười hai bộ nhường cho họ ngộ; chúng ta tuổi già, cũng trao quyền lại, thật thà niệm Phật. Những kẻ trẻ tuổi thuộc thế hệ sau có phước, họ phải gánh vác sứ mạng phục hưng Phật giáo. Chúng ta tận tâm tận lực chuẩn bị tư lương cho họ, tạo cho họ một hoàn cảnh tu học, chúng ta có thể làm được điều này”. Quảng tu cúng dường!
Đừng nghĩ đạo tràng này có chút xíu, [diện tích] là một trăm năm mươi Bình, quảng tu cúng dường như thế nào? Tôi bồi dưỡng nhân tài ở nơi đây để trong tương lai họ hoằng pháp khắp nơi trên thế giới, làm sao không rộng cho được? Đương nhiên là rộng rãi. Học trò xuất thân từ nơi đây trong tương lai đều sẽ hoằng pháp trên khắp thế giới. Vì thế, tôi yêu cầu mọi người ở chung một chỗ phải thật sự tu Tam Phước và Lục Hòa. Chẳng tu Tam Phước và Lục Hòa, sẽ chẳng ở trong đạo tràng được. Vì sao? Phật, Bồ Tát, thần hộ pháp ở trong đạo tràng ấy, quý vị chẳng phải là người tu hành thật sự, thần hộ pháp sẽ khuấy phá bên cạnh, đuổi quý vị đi. Không đi thì cũng ngã bệnh, khiến cho quý vị sống không được, mà chết cũng không xong, khiến cho quý vị phải chịu tội. Do vậy, phải thật sự phát đạo tâm, mọi người ở chung với nhau cộng tu. Vì đây là đạo tràng chân thật, chẳng phải trò đùa bỡn của trẻ con, người chẳng thật sự có đạo tâm sẽ chẳng ở được, nhất định sẽ nẩy sanh phiền phức, sẽ sanh ra rối loạn. Đối với bất cứ ai, chúng ta đều cung kính, lễ bái. Nếu hành vi của kẻ ấy chẳng đoan chánh, chúng ta cũng chẳng cần phải đuổi kẻ ấy đi, Phật, Bồ Tát sẽ đuổi họ đi. Chúng ta đuổi thì sẽ mắc tội với người ta, đôi bên kết thành mối oán cừu; Phật, Bồ Tát, thần hộ pháp đuổi kẻ ấy, chứ chúng ta không đuổi. Tôi dạy Giản cư sĩ như vậy. Trước kia, có mấy người sau khi gia nhập Cơ Kim Hội[2] đã khiến cho Giản cư sĩ rất đau đầu, đến nói với tôi, tôi bảo: “Không sao đâu! Đạo tràng này do Phật, Bồ Tát dựng, Phật, Bồ Tát sẽ chịu trách nhiệm. Chúng ta cứ mắt nhắm, mắt mở”. Không lâu sau, kẻ ấy xuất hiện vấn đề, tự hắn bỏ đi. Tốt hơn nhiều! Gặp lại nhau, chúng ta đều rất hoan hỷ, khẽ gật đầu, tốt lắm! Phật, Bồ Tát chịu trách nhiệm, chúng ta chẳng cần làm mất lòng kẻ khác, chẳng cần bận lòng chuyện tầm phào ấy! Tâm thanh tịnh là được rồi. Quý vị thấy rõ ràng, rành rẽ hết thảy sự lý này, xử sự sẽ rất đúng pháp, thích đáng!
Điều thứ tư là “sám hối nghiệp chướng”. Hai chữ Sám Hối tuân theo thể lệ “Phạn Hoa hợp dịch” trong việc phiên dịch kinh Phật. Sám là phiên âm tiếng Phạn, Hối là chữ Hán. Chữ Sám Ma (Kṣamā) trong tiếng Phạn và Hối Cải (悔改) của tiếng Hán có ý nghĩa rất gần gũi, nên ghép cả hai lại, [đó là thể lệ] Phạn Hoa hợp dịch! Đối với nghiệp chướng, mỗi người chúng ta đều biết: “Tôi nghiệp chướng rất nặng”. Lại hỏi quý vị “nghiệp chướng là gì?” Chẳng biết! Chẳng hiểu rõ nghiệp chướng, lại còn là nghiệp chướng rất nặng, rất kỳ quái! Nghiệp chướng là gì? Nếu chẳng hiểu rõ nghiệp chướng, chư vị ngẫm xem, làm sao có thể sám trừ cho được? Giống như bắt thằng trộm vặt, quý vị phải biết nó là thằng trộm vặt thì mới có thể bắt được. Bắt thằng trộm vặt, mà thằng trộm vặt là đứa nào? Chẳng biết! Đến đâu để bắt nó? Chịu hết mọi nỗi khổ, tốn sạch công sức, vẫn chẳng bắt được. Trước hết, quý vị phải hiểu điều này! Tại Đài Loan, người bái sám rất nhiều! Hằng ngày cầu sám hối, nhưng nghiệp chướng chẳng sám trừ được. Vì sao chẳng sám trừ được? Chẳng biết nghiệp chướng là gì, sám kiểu nào cũng chẳng sám được! Nếu hiểu nghiệp chướng là gì, sám hối sẽ chẳng khó, sẽ thật sự có hiệu quả!
“Nghiệp” là hoạt động, hoạt động ấy đủ để tạo thành chướng ngại, chướng ngại trí huệ và đức năng trong tự tánh. Nghiệp ấy sanh ra chướng ngại bèn gọi là nghiệp chướng. Đương nhiên là phạm vi của hoạt động hết sức rộng lớn, quy nạp lại thì không ngoài ba loại lớn là thân, ngữ, ý; do vậy, gọi là tam nghiệp, tức ba loại hoạt động lớn. Thân thể tạo tác, nhất cử nhất động là tạo tác. Ngữ nghiệp là ngôn ngữ. Ý nghiệp là tư tưởng, ý niệm, kiến giải. Chỉ cần có động tác bèn gọi là Nghiệp. Nghiệp chia thành ba loại lớn là thiện nghiệp, ác nghiệp và vô ký nghiệp (không thiện, không ác). Thiện nghiệp có lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Ác nghiệp có lợi cho chính mình, bất lợi cho chúng sanh. Vô ký nghiệp là chẳng nói tới thiện hay ác, loại này chẳng thiện, chẳng ác.
Ba loại này đều sanh ra chướng ngại. Thiện nghiệp và ác nghiệp sanh ra chướng ngại gì? Phiền Não Chướng, tất cả hết thảy phiền não phát sanh từ chỗ này. Vô ký nghiệp sanh ra chướng ngại gì? Vô minh chướng ngại, thứ gì cũng đều chẳng hiểu rõ, đó chính là ngu si trong Tam Độc. Do vậy, Tam Độc sanh từ nghiệp chướng. Thiện nghiệp khởi tham ái, ác nghiệp là sân khuể, vô ký nghiệp là ngu si. Suốt ngày từ sáng đến tối luôn tạo tác, hằng ngày tạo tác tham, sân, si, làm sao có thể tiêu nghiệp chướng cho được? Thậm chí tôi còn nghe nói, niệm Phật mà luôn dấy lên tham, sân, si. Niệm Phật mà dấy lên tham, sân, si là như thế nào? Kẻ khác mỗi ngày niệm một vạn câu, ta niệm hai vạn câu, phải vượt trội hắn! Đó là tâm tham, tâm ngạo mạn, tâm ganh tỵ. Niệm Phật kiểu đó có thể vãng sanh Tây Phương được không? Thắp hương trong chùa miếu cũng phải giành thắp nén hương đầu tiên! Pháp sư cũng cao minh, đòi tín đồ phải giao ra mười vạn đồng để thắp nén hương đầu tiên! Nộp tám vạn đồng cho nén thứ hai, mọi người giành nhau, ngu si đấy nhé! Nói thật ra, những điều đã làm đều tăng trưởng tham, sân, si, làm sao có thể tiêu trừ nghiệp chướng cho được?
Nếu hiểu rõ nghiệp chướng, tâm chúng ta thanh tịnh. Hiểu rõ rệt, minh bạch hết thảy cảnh giới, đó là Huệ. Trong hết thảy các cảnh giới, như như bất động, chẳng phân biệt, không chấp trước, đấy là Định. Có Định, có Huệ, nghiệp chướng bèn chẳng còn! Niệm Phật và tụng kinh là biện pháp, biện pháp ấy nhằm sanh ra hiệu quả Giới, Định, Huệ. Trì giới là vâng giữ pháp tắc, Tam Phước và Lục Hòa là pháp căn bản. Niệm câu Phật hiệu này, Tam Học Giới, Định, Huệ được hoàn thành cùng một lượt. Đó là thật sự tiêu trừ nghiệp chướng, thật sự sám hối nghiệp chướng. Do vậy, niệm kinh Vô Lượng Thọ, tôi khuyên đồng tu niệm kinh, số lần niệm mỗi ngày càng nhiều càng tốt. Mỗi ngày phải niệm đủ số lượt, chớ nên gián đoạn, dần dần nghiệp chướng sẽ tiêu trừ. Hằng ngày [do niệm kinh], chánh niệm nhiều, vọng niệm ít đi, [nghiệp chướng] tiêu trừ. Vọng niệm là nghiệp chướng, niệm kinh là chánh niệm. Thời gian chánh niệm càng dài, thời gian vọng niệm càng ngắn, đó gọi là “tiêu nghiệp chướng”. Vì thế, hết thảy đều phải quan sát từ hiệu quả thì mới biết có phải thật sự là hữu hiệu hay không? Có phải là thật sự đạt tới mục tiêu tu học hay không? Tuyệt đối chẳng phải là nói hôm nay tôi đã lạy Bát Thập Bát Phật[3], hoặc hôm nay tôi đã lạy Lương Hoàng Sám, đã cử hành nghi thức Thủy Lục, nghiệp chướng của tôi bèn tiêu trừ, chẳng có chuyện ấy! Tôi là kẻ bàng quan, tỉnh táo quan sát, [nhận thấy] không chỉ là [nghiệp chướng] chẳng tiêu trừ, mà còn tăng thêm chẳng ít! Vì sao chẳng tiêu trừ? Tăng trưởng tham, sân, si, mạn, tăng trưởng những thứ ấy.
Nguyện thứ năm là “tùy hỷ công đức”. Đây là nói các vị đại Bồ Tát, Pháp Thân đại sĩ phát nguyện, chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, độ như thế nào? Tùy hỷ công đức. Tùy hỷ là gì? Chẳng phan duyên thì gọi là tùy hỷ. Hữu tâm để làm thì chẳng phải là tùy hỷ. Hữu tâm thực hiện, tâm sẽ chẳng thanh tịnh. Vô tâm thực hiện thì tâm mới thanh tịnh, hết thảy mọi sự thuận theo tự nhiên. Vì sao thế giới loạn như vậy? Vì sao chúng sanh khổ sở ngần ấy? Chư vị hãy ngẫm xem, căn nguyên từ đâu ra? Do có những kẻ thông minh quyết đoán chủ ý thay cho chúng ta: Phải nên làm như thế này! Kẻ khác lại nói làm như thế nọ! Người đề ra chủ ý quá đông, kẻ muốn thực hiện quá đông, bèn [nẩy sanh] tranh cãi. Ai chịu tội? Dân chúng chịu tội!
Đối với chư Phật, Bồ Tát, chư vị hãy xét kỹ năm mươi ba lần tham học [của Thiện Tài đồng tử]. Năm mươi ba vị thiện tri thức các nghề nghiệp đều có, chẳng có vị nào là chủ động “ta phải làm những chuyện gì”. Chẳng hề có! Đều là tùy hỷ. Các vị thích làm như thế nào, chuộng làm như thế nào, tôi biết quý vị chẳng làm chuyện xấu, tôi bèn tận tâm tận lực giúp quý vị làm, tùy hỷ công đức! Nói cách khác, tùy hỷ công đức không chỉ chẳng ngăn ngại Tam Học Giới, Định, Huệ, mà trái lại còn có thể tăng trưởng sự tu dưỡng Giới, Định, Huệ; đó là đúng! Nếu phá hoại Tam Học, trái nghịch Tam Học, sẽ là lầm lỗi đặc biệt to lớn! Đấy là lý do vì sao chư Phật, Bồ Tát, lịch đại tổ sư bất cứ lúc nào cũng đều răn dạy chúng ta “tùy duyên, chớ nên phan duyên”. Phan duyên là rất miễn cưỡng, không tốt! Chuyện tốt chẳng bằng không có chuyện gì! Vô sự thì thiên hạ thái bình, dân chúng mới có thể sống cuộc đời thật sự hạnh phúc. Có một ngày, thầy Lý dạy chúng tôi học, thầy viết bốn chữ to trên bảng đen: “Hảo nhân háo sự” (好人好事: Người tốt ham bới ra chuyện). Thầy bảo chúng tôi: Đang trong lúc bầu cử, bầu cử để chọn lựa người tốt, việc tốt, thầy khoanh tròn bên cạnh câu “hảo nhân háo sự”, người tốt háo sự (ưa bới ra chuyện bày vẽ rườm rà thêm). Lắm người hiếu sự (háo sự) sẽ hay tranh cãi, các vấn đề xã hội đều xuất hiện! Trong Phật pháp, quyết định chẳng chấp nhận chuyện này! Chớ nên đa sự, hãy tùy duyên, đừng phan duyên. Tùy duyên thì sẽ pháp hỷ sung mãn, công đức là gì? Là Tam Học Giới, Định, Huệ tăng thượng, đấy là công đức. Không chỉ là chẳng phá hoại Giới, Định, Huệ, mà ngược lại còn tăng trưởng Giới, Định, Huệ. “Tùy” (隨) là tùy duyên, “hỷ” (喜) là pháp hỷ. Chỉ có tùy duyên thì mới có thể đạt được pháp hỷ, mới có thể tăng thượng Tam Học Giới, Định, Huệ.
Thứ sáu là “thỉnh chuyển pháp luân”. Nói thật ra, thỉnh chuyển pháp luân là thỉnh Phật, Bồ Tát giảng kinh, thuyết pháp. Chúng sanh bình phàm chẳng biết tới trí huệ và đức năng của Phật, Bồ Tát, mà cũng chẳng biết khải thỉnh. Người đã biết, người có cơ duyên ấy, hãy nên thay cho hết thảy đại chúng thỉnh Phật thuyết pháp. “Chuyển pháp luân” chính là thuyết pháp. Chỉ có Phật pháp là có thể giác ngộ hết thảy chúng sanh, chẳng phải là mê hoặc hết thảy chúng sanh.
Phật pháp là phá mê khai ngộ; hiện thời, lắm kẻ học Phật chúng ta mê chứ chẳng ngộ. Chúng ta thấy chuyện này rất đau lòng, cảm thấy rất khó chịu. Hãy gấp rút tuyên dương Chánh Pháp. Thật sự phát tâm, phát khởi tâm thanh tịnh và tâm vô thượng để theo đuổi công tác này, mười phương chư Phật hộ niệm, long thiên hộ pháp ủng hộ, điều này chẳng giả tí nào! Do đó, chúng ta tu cúng dường, trao cho họ một hoàn cảnh tu học thuận lợi dường ấy. Sự thuận lợi không thể tưởng tượng ấy là do Phật, Bồ Tát, hộ pháp long thiên âm thầm gia trì, và do những người ấy thật sự phát đạo tâm. Trong mười người, chỉ cần có một hai người thật sự phát đạo tâm, Phật, Bồ Tát liền chiếu cố, những người khác đều được hưởng lây, đều có phước.
Thỉnh Phật, Bồ Tát thì nay Phật, Bồ Tát chẳng trụ thế, hễ có thiện tri thức thật sự, có bậc hữu tu hữu học, hãy thỉnh họ giảng kinh, thuyết pháp hòng lợi ích chúng sanh. Hôm trước, bên Mỹ gọi điện thoại cho tôi, nói có mấy trường đại học gần đó yêu cầu chúng ta phái người đến giảng kinh, họ hỏi tôi có nên hay không? Tôi nói: “Được chứ!” Các đồng học chúng ta đến trường để luyện giảng, đến dạy họ.
Nhân duyên đúng là hết sức thù thắng, chúng ta gặp gỡ bậc đại đức thật sự hữu tu hữu học thì phải thỉnh pháp. Trong thế giới hiện thời, do thông tin phát triển, giao thông nhanh chóng và tiện lợi, chẳng còn giới hạn trong một khu vực nào nữa, có thể nói là đã phổ biến trên toàn thể thế giới, khắp nơi đến thỉnh thì sẽ chẳng có cách nào phân thân. Vì thế, thiện tri thức thật sự thì chưa chắc là đã nhất định có thể thỉnh được; nhưng có một biện pháp: Hiện thời có băng thâu âm, chúng ta thỉnh băng thâu âm về, mọi người cùng nhau nghe, cùng nhau học, được lắm! Lần trước, ở Hương Cảng tôi đã gặp hai vị tỳ-kheo-ni từ phương Bắc, kể với tôi: Họ có một bộ băng thâu âm lời giảng kinh Vô Lượng Thọ của tôi tại chùa Bát Nhã ở Cáp Nhĩ Tân ([chùa ấy là] đạo tràng của lão pháp sư Đàm Hư). Ni sư nói: – Có hơn hai trăm người đến nghe, người đến nghe giống như thấy pháp sư vậy. Máy thâu âm đặt trên giảng đài, mọi người ngồi ở dưới nghe. Hơn hai trăm người cung kính, vô cùng thù thắng trang nghiêm.
Nay chúng ta đọc đến “thỉnh chuyển pháp luân” thì cũng chớ nên chấp chết cứng nơi câu chữ, phải nên liên tưởng: Hễ là những gì có thể khiến cho chúng sanh có cơ duyên nghe pháp thì đều được gộp trong một điều này, chúng ta hãy nên tận tâm tận lực hiệp trợ.
Thứ bảy là “thỉnh Phật trụ thế”. Căn tánh của chúng sanh đều kém hèn, há có chúng sanh nào nghe kinh một lần, hoặc nghe giảng một bộ kinh liền khai ngộ chứng quả? Tuyệt đại đa số những người có thành tựu đều là do không ngừng huân tập: Hằng ngày đều nghe, mỗi ngày đều học, không ngừng huân tập thì mới có thể thành tựu. Thỉnh thoảng mời một vị pháp sư đến giảng kinh, giảng xong, [pháp sư] ra đi, vô ích, chỉ có thể thu được hiệu quả tuyên truyền Phật giáo, chắc chắn là chẳng thu được hiệu quả thành tựu chúng sanh! Nếu muốn chúng sanh thật sự thành tựu, chỉ có một phương pháp: Thỉnh thiện tri thức ở lâu dài nơi chỗ chúng ta, đừng rời đi, phải thỉnh Phật trụ thế. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nếu chẳng trụ tại Đài Trung Liên Xã suốt bốn mươi năm, Ngài chẳng thể nào có thành tựu. Giống như tôi giảng kinh suốt ba mươi ba năm mà chẳng có thành tựu, vì sao? Chẳng thể ở tại nơi này, cứ đi khắp nơi! Đối với chính mình thì có một chút thành tựu, nhưng đối với mọi người chẳng có thành tựu chi cả! Chính mình huân tập chẳng gián đoạn, nhưng các đồng tu huân tập bị gián đoạn, đấy gọi là “một ngày nóng, mười ngày lạnh”, khó lắm!
Nói thật ra, mười nguyện Phổ Hiền chỉ có bảy thệ nguyện, từ “lễ kính” cho đến “thỉnh Phật trụ thế” là bảy điều, ba điều sau thuộc loại hồi hướng. Điều hồi hướng thứ nhất là “thường tùy Phật học”, điều này là hồi hướng Bồ Đề. “Hằng thuận chúng sanh” là hồi hướng chúng sanh. “Phổ giai hồi hướng” là hồi hướng Thật Tế. Thật Tế là pháp giới, là Chân Như bản tánh.
Học Phật thì đức Phật là gương mẫu, điển hình, khuôn phép cho chúng ta, chúng ta phải học giống như Phật. Chúng ta học giống như một vị Phật như thế nào? Ở đây, mọi người đừng lầm lẫn, chớ nên hiểu là giống như tượng Phật suốt ngày từ sáng đến tối ngồi ì ra cho người khác lễ bái, học Phật kiểu ấy có tác dụng chi đâu? [Làm như vậy] là sai mất rồi! Đối với vũ trụ, nhân sinh, hết thảy vạn pháp, đức Phật có cách nhìn ra sao? Phật có cách nghĩ ra sao? Phật có cách làm ra sao? Chúng ta học những điều ấy! Trong hết thảy các kinh, giảng cặn kẽ và hoàn bị nhất là kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm quá to, niệm phần trước chẳng hiểu phần sau, niệm đến phần sau, quên sạch phần trước, chẳng có tác dụng! Rất khó có là chúng ta tìm được một bản kinh Hoa Nghiêm đại lược, tức là kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ là Trung Bổn Hoa Nghiêm, kinh Di Đà là Tiểu Bổn Hoa Nghiêm. Trung Bổn Hoa Nghiêm có phân lượng rất thích đáng, vừa phải. Tiểu Bổn Hoa Nghiêm quá đơn giản, [nên người đọc và học] chẳng thể thọ dụng. Chúng ta niệm kinh Di Đà rất khó được thọ dụng. Kinh Vô Lượng Thọ phân lượng vừa khéo, chẳng nhiều mà cũng chẳng ít, hãy y giáo phụng hành. Quý vị hãy xem A Di Đà Phật có cách nhìn ra sao đối với vũ trụ và nhân sinh? Cách nghĩ ra sao? Thực hiện như thế nào?
Đọc kinh thì phải biến những giáo huấn trong kinh điển thành tư tưởng, kiến giải và hành vi trong cuộc sống của chính mình, ta và A Di Đà Phật chẳng khác nhau. Đó là học Phật. Chẳng phải là mỗi ngày niệm bao nhiêu kinh, lễ bao nhiêu lạy, niệm bao nhiêu câu A Di Đà Phật thì gọi là học Phật. Kẻ ấy hoàn toàn chẳng học Phật! Học là làm theo, phải học sao cho giống hệt như Phật, đó gọi là “học Phật”. Vì lẽ này, quý vị đọc kinh, hoặc nghiên cứu kinh điển, mỗi ngày học một câu, mỗi ngày học một chuyện, một năm học được ba trăm sáu mươi điều, ba năm sẽ giống Phật. Tuy chưa thành Phật, nhưng là tương tự Phật, chẳng kém Phật cho mấy. Học Phật có gì khó khăn? Thật sự làm! Thực hiện từng điều một, quý vị có thể làm trọn hết kinh Vô Lượng Thọ, sẽ là A Di Đà Phật.
“Hằng thuận chúng sanh”: Chỉ có hằng thuận chúng sanh, trong tâm mới chẳng dấy lên phiền não, tâm mới có thể bình lặng. Đối với chúng sanh ác, hãy uyển chuyển dẫn dụ họ; nếu thật sự chẳng thể [dẫn dụ], đành để mặc họ! Khi nào họ hồi tâm chuyển ý, khi ấy sẽ lại tới độ họ. Độ chúng sanh chẳng phải là trong một đời này, mà là đời đời kiếp kiếp. Đời này chẳng quay đầu, đời sau hoặc kiếp sau, người ấy có thể quay đầu. Đời sau, kiếp sau chẳng quay đầu thì lại qua một kiếp, hai kiếp, vô lượng A-tăng-kỳ kiếp sau, người ấy vẫn có thể quay đầu, chẳng cần lo lắng! Chư Phật, Bồ Tát đều chẳng lo lắng, chúng ta nóng lòng, không chỉ chẳng thể độ chúng sanh, mà chính mình cũng bị vạ lây, vấn đề bèn nghiêm trọng. Do vậy, nếu hằng thuận chúng sanh mà tâm địa của chính mình thanh lương tự tại, sẽ chẳng bị quấy nhiễu chút nào!
Trong cuộc sống, trong gia đình, đối với xóm giềng, làng nước, thân thích, bạn bè, phải hằng thuận. Hằng thuận là có trí huệ, có phương tiện thiện xảo, thật sự tự lợi, lợi tha, khiến cho hết thảy chúng sanh giác ngộ Phật pháp, chẳng đến nỗi hiểu lầm Phật pháp. Có những kẻ chẳng tin Phật pháp, tưởng lầm [Phật pháp] là mê tín, chúng ta bảo họ: “Phật pháp chẳng mê tín”. Có những kẻ nói “Phật pháp có chấp trước”, chúng ta bảo họ: “Phật pháp không chấp trước”. Đối với người nào bèn dùng phương pháp nấy, người học Phật viên dung tự tại, thấy người bèn nói tiếng người, thấy quỷ bèn nói tiếng quỷ. Nói chung, người cũng vậy, mà quỷ cũng vậy, họ đều tin tưởng Phật pháp, đều tán thán Phật pháp, mục đích liền đạt được, đó là chánh pháp, phá mê khai ngộ. Phải hằng thuận chúng sanh!
Có nhiều đồng tu thông thường chẳng tụ hội với người già trong nhà, khi sum họp vào dịp Tết, ăn chay trường, người nhà trông thấy bèn chán ngán, chê là mê tín. Người già rất yêu thương con trẻ, [cứ nghĩ] “ăn chay trường chẳng đủ dinh dưỡng”. Trong tình huống ấy, họ muốn quý vị ăn thịt, quý vị cũng có thể ăn vài miếng. [Họ thắc mắc]: “Nhà ngươi học Phật ăn chay trường, cũng có thể ăn thịt à?” “Có thể ăn, cớ sao không thể ăn?” Quý vị giảng đạo lý cho họ một bài, [họ sẽ nói]: “Học Phật như vậy thì chẳng khó, ta cũng có thể học”, họ liền học Phật. Nếu dứt khoát bắt ăn chay, khá nhiều kẻ sẽ chẳng dám học Phật, đó là sai lầm! Khuyên người khác ăn ba thứ tịnh nhục, đừng nên sát sanh thì họ có thể tiếp nhận! Nhất định nói “chẳng thể không ăn chay”, tra duyệt khắp Đại Tạng Kinh cũng chẳng [thấy] có [lời dạy ấy]. Trên toàn thế giới, chỉ có người Hoa ăn chay, người xuất gia ngoại quốc thấy người Hoa ăn chay rất lấy làm lạ, người Hoa thấy người xuất gia ngoại quốc không ăn chay cũng rất lạ lùng. Trong giới kinh, đức Phật bảo các tỳ-kheo ăn ba thứ tịnh nhục, [tức là thịt của các con vật] chẳng thấy chúng bị giết, chẳng nghe tiếng chúng bị giết, chẳng vì ta mà giết. Do đức Phật chế định [tăng sĩ nuôi thân bằng cách] khất thực, trong nhà người ta ăn món gì bèn cúng dường món đó, chẳng cần phải nấu riêng những món dành cho người xuất gia. Đó là từ bi, chẳng muốn làm phiền người khác! Ăn chay đương nhiên là tốt, đặc biệt là người trung niên hoặc lão niên, ăn chay chắc chắn có lợi cho sức khỏe, giảm bớt khá nhiều bệnh tật. Quý vị có thể giảng đạo lý một phen, họ sẽ nói: “Phật giáo có lý”, sẽ tin tưởng, tiếp nhận. Do vậy, Phật pháp hưng suy, mỗi cá nhân chúng ta có trách nhiệm, do sự tạo tác nơi ba nghiệp mà chúng ta phải gánh lấy trách nhiệm trọng đại.
Thứ mười là “phổ giai hồi hướng”, tâm lượng mở rộng như hư không pháp giới, công đức như vậy mới là công đức viên mãn. [Đoạn kinh văn này nhằm] nói rõ các vị Pháp Thân đại sĩ trong hội Hoa Nghiêm niệm Phật vãng sanh phải tu mười thứ tâm này, đó là điều kiện [để vãng sanh trong] cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Hôm nay tôi giảng tới đây.
[1] “Bất khả thuyết” có thể hiểu theo hai ý nghĩa:
1) Chẳng thể diễn tả được, đây là cách nói và hiểu thông thường. Chẳng hạn theo Du Già Sư Địa Luận, “bất khả thuyết” lại có bốn nghĩa:
– Vô cố bất khả thuyết: Do chẳng thể nào nói rạch ròi nên chẳng thể nói, vì vượt ngoài khả năng diễn tả của ngôn ngữ, do không chấp trước vào hai bên, nên chẳng thể nói.
– Thậm thâm bất khả thuyết: Nghĩa lý quá sâu nên chẳng thể nói được. Chẳng hạn Pháp Thân của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn, cảnh giới của chư Phật chẳng thể nghĩ bàn v.v… nên nói là bất khả thuyết.
– Năng dẫn vô nghĩa cố bất khả thuyết: Nếu điều gì chẳng thể dẫn khởi lợi ích nơi pháp, chư Phật Như Lai chẳng nói.
– Pháp tướng pháp nhĩ chi sở an lập cố bất khả thuyết: Pháp tướng về bản chất vốn được an lập như vậy, nên chẳng thể nói. Chẳng hạn cảnh giới Hoa Nghiêm là “trong một đầu lông, vô biên chư Phật chuyển pháp luân”, trùng trùng duyên khởi, chẳng có cách nào nói trọn hết được.
2) Bất khả thuyết (不可說) là một con số rất lớn trong cách đếm của cổ Ấn Độ. Như trong phẩm A Tăng Kỳ của Bát Thập Hoa Nghiêm đã nói: “Một trăm lạc-xoa là một câu chi, câu chi lần câu chi là một a dữu đa. A dữu đa lần a dữu đa là một na do tha. Na do tha lần na do tha là một tần bà la. Tần bà la lần tần bà la là một căng yết la. Căng yết la lần căng yết la là một a già la. A già la lần a già la là một tối thắng. Tối thắng lần tối thắng là một ma bà la. Ma bà la lần ma bà la là một a bà la… A tăng kỳ lần a tăng kỳ là một a tăng kỳ chuyển. A tăng kỳ chuyển lần a tăng kỳ chuyển là một vô lượng. Vô lượng lần vô lượng là một vô lượng chuyển. Vô lượng chuyển lần vô lượng chuyển là một vô biên. Vô biên lần vô biên là một vô biên chuyển. Vô biên chuyển lần vô biên chuyển là một vô đẳng. Vô đẳng lần vô đẳng là một vô đẳng chuyển. Vô đẳng chuyển lần vô đẳng chuyển là một bất khả số. Bất khả số lần bất khả số là một bất khả số chuyển. Bất khả số chuyển lần bất khả số chuyển là một bất khả xưng. Bất khả xưng lần bất khả xưng là một bất khả xưng chuyển. Bất khả xưng chuyển lần bất khả xưng chuyển là một bất khả tư. Bất khả tư lần bất khả tư là một bất khả tư chuyển. Bất khả tư chuyển lần bất khả tư chuyển là một bất khả lượng. Bất khả lượng lần bất khả lượng là một bất khả lượng chuyển. Bất khả lượng chuyển lần bất khả lượng chuyển là một bất khả thuyết”. Một lạc-xoa là một trăm ngàn.
“Vi trần số” (微塵數) là số lượng vi trần trong một tam thiên đại thiên thế giới.
[2] Đây chính là cơ sở Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội, chính là một tổ chức bất vụ lợi chuyên ấn hành để biếu tặng kinh sách, băng giảng, tranh tượng Phật miễn phí đặt cơ sở tại Đài Bắc. Cơ sở này do ông Giản Phong Văn và các đạo hữu cùng chí hướng sáng lập.
[3] Bát Thập Bát Phật nói ở đây chính là nghi thức sám hối Hồng Danh Bảo Sám. Danh hiệu của tám mươi tám vị Phật ấy bao gồm danh hiệu ba mươi lăm vị Phật trích từ kinh Quyết Định Tỳ Ni (từ Thích Ca Mâu Ni Phật cho đến Bảo Liên Hoa Thiện Trụ Sa La Thụ Vương Phật) và năm mươi ba vị Phật trích từ kinh Quán Dược Vương Dược Thượng Nhị Bồ Tát (từ Phổ Quang Phật cho đến Nhất Thiết Pháp Thường Trụ Mãn Vương Phật).