#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 123
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm sáu mươi sáu:
(Sao) Nhị viết Thật Báo Trang Nghiêm độ, hành chân thật pháp, cảm thù thắng báo, thất bảo trang nghiêm, cụ tịnh diệu ngũ trần cố. Diệc vân Vô Chướng Ngại độ, dĩ sắc tâm bất nhị, mao sát tương dung cố, thị Pháp Thân đại sĩ sở cư.
(鈔) 二曰實報莊嚴土,行真實法,感殊勝報,七寶莊嚴,具淨妙五塵故。亦云無障礙土,以色心不二,毛剎相容故。是法身大士所居。
(Sao: Hai là cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Hành pháp chân thật, cảm báo thù thắng. Bảy báu trang nghiêm, trọn đủ ngũ trần tịnh diệu, còn gọi là cõi Vô Chướng Ngại, do sắc và tâm bất nhị, sợi lông và cõi nước chứa đựng lẫn nhau, là nơi ở của hàng Pháp Thân đại sĩ).
Đây là loại thứ hai trong bốn cõi, tức cõi Thật Báo Trang Nghiêm. “Thật” là chân thật, “Báo” là quả báo. Báo độ là chân thật, chẳng hư vọng. Bốn cõi đều là quả. Nói đến quả, đương nhiên nhất định phải nói đến tu nhân. Tu nhân như thế nào thì mới chứng quả như thế ấy. Ở đây nói là “hành chân thật pháp”, đấy là tu nhân, nên cảm báo độ thù thắng. “Hành chân thật pháp” là gì? Câu này hết sức trọng yếu, vì chỉ cần cái nhân là chân thật thì quả báo là tự nhiên, chẳng cầu cũng đạt được. Nói thông thường, hễ là Bồ Tát thuộc địa vị tu nhân, còn chưa kiến tánh, chưa chứng đắc Pháp Thân, tu hành trong khi ấy đều chẳng thể nói là chân thật. Do vậy có thể biết, hễ nói đến chân thật, mức độ thấp nhất là phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, Bồ Tát như vậy bất luận tu học pháp môn gì cũng đều là chân thật. Chưa đạt đến cảnh giới ấy thì đều gọi là Quyền Tiểu Bồ Tát, hay Quyền Thừa Bồ Tát, chẳng chân thật. Đối với tiêu chuẩn này, nếu chúng ta dùng tỷ dụ trong kinh Kim Cang để nhìn, sẽ lý giải rất dễ dàng! Nửa đầu kinh Kim Cang nói: “Nhược Bồ Tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ Tát” (Nếu Bồ Tát có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, bèn chẳng phải là Bồ Tát), nửa bộ sau nói: “Nhược Bồ Tát hữu ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, tức phi Bồ Tát” (Nếu Bồ Tát có ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, bèn chẳng phải là Bồ Tát). Do vậy có thể biết, nếu quý vị có bốn tướng, bốn kiến; bốn kiến vi tế hơn bốn tướng rất nhiều, bốn tướng thô, bốn kiến vi tế. “Kiến” là kiến giải, hễ còn có những kiến giải như thế thì quý vị chẳng phải là Bồ Tát. Chẳng phải là hạng Bồ Tát nào? Chẳng phải là Bồ Tát chân thật như đang nói ở đây.
Nói thật thà, chẳng thể nói [vị ấy] không phải là Bồ Tát, vị ấy là Bồ Tát, nhưng chẳng phải là chân thật Bồ Tát, chẳng phải là Pháp Thân đại sĩ. Ở đây nói [cõi Thật Báo Trang Nghiêm là] “Pháp Thân đại sĩ sở cư” (là nơi ở của Pháp Thân đại sĩ), nhưng vị ấy (tức vị Bồ Tát chưa lìa bốn tướng và bốn kiến) chẳng phải là Pháp Thân đại sĩ. Nói cách khác, tuy chúng ta đã phát Bồ Đề tâm, nhưng bốn tướng chưa phá, bốn kiến chưa đoạn, vị Bồ Tát như vậy trụ ở đâu? Trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư hay cõi Phương Tiện Hữu Dư. Tuy phát Bồ Đề tâm, nhưng chưa đắc Thiền Định, bèn trụ trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Nếu đắc Thiền Định, sẽ là cõi Phương Tiện Hữu Dư. Nếu lại phá một phẩm vô minh, chứng một phần bổn tánh, tức là chứng một phần Pháp Thân, đó là chân thật Bồ Tát, trụ trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Nhân chân thật, quả báo cũng chân thật, có ý nghĩa như vậy. Do vậy có thể biết, niệm Phật đạt đến Lý nhất tâm bất loạn liền sanh trong cõi Thật Báo, đây là cách nói theo lẽ thông thường.
Mười phương chư Phật đều có bốn cõi Tịnh Độ, trọn chẳng phải là chỉ riêng Tây Phương Cực Lạc thế giới mới có bốn cõi Tịnh Độ, mà mỗi vị Phật trong mười phương ba đời đều có bốn cõi; nhưng bốn cõi của hết thảy chư Phật chẳng phải là xếp hàng ngang, mà có tầng lớp trên dưới, có thứ lớp cao, thấp, trọn chẳng phải ở cùng một chỗ. Bồ Tát trong cõi Thật Báo chẳng thấy Bồ Tát trong cõi Phương Tiện, Bồ Tát trong cõi Phương Tiện chẳng thấy Bồ Tát trong cõi Đồng Cư, ngoại trừ có nhân duyên đặc biệt. Nếu không, sẽ chẳng thấy nhau; bởi lẽ, giữa các cõi có chướng ngại. Thế giới Tây Phương đặc biệt, bốn cõi xếp hàng ngang kề nhau, chẳng phải là từng tầng một. Nói cách khác, sanh về một là sanh trong hết thảy. Chúng ta sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, dẫu sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, vẫn cùng với cõi Phương Tiện, cõi Thật Báo, cõi Thường Tịch Quang đều ở cùng một chỗ, nên hằng ngày gặp gỡ các vị đại Bồ Tát (Pháp Thân đại sĩ), cùng sống một chỗ, chẳng thể nghĩ bàn! Trong các cõi nước của mười phương chư Phật chẳng có tình hình như vậy, thế giới Tây Phương đặc biệt. Vì thế, chư Phật khuyên chúng ta cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, đạo lý ở chỗ này. Đó là “hoành siêu tam giới”, bên kia là “luôn sanh trong bốn cõi”, đó là lợi ích, công đức thù thắng khôn sánh! “Cảm thù thắng báo”, người ấy cảm được quả báo thù thắng, do nội hạnh thù thắng, quả báo cũng thù thắng, thân tướng người ấy biến chuyển vi diệu.
“Thất bảo trang nghiêm” giống như trong kinh đã nói. Nói thật ra, Tây Phương Tịnh Độ không chỉ là cõi Thật Báo, kể cả cõi Phàm Thánh Đồng Cư cũng chẳng thể nghĩ bàn, hoàn toàn do A Di Đà Phật xứng tánh biến hóa tạo ra. Trong chú giải Đại Kinh, cổ đức bảo Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng phải là “nhất hợp tướng” như kinh Kim Cang đã nói, điều này rất đặc biệt. Các cõi Phật trong mười phương đều là “nhất hợp tướng”, tướng ấy là sâm la vạn tượng, chúng ta nói là “động vật, thực vật, khoáng vật”, sâm la vạn tượng. Bản chất của sâm la vạn tượng là một, do một vật hòa hợp biến hiện ra, khoa học hiện thời đã chứng thực điều này. Chúng ta phân tích tất cả vật chất, phân tích đến cuối cùng là nguyên tử, điện tử, hạt cơ bản, phân tích cho đến những thứ ấy, quả thật vạn vật giống nhau, vật chất cơ bản là một. [Vạn vật] do các vật chất cơ bản ấy hợp thành, nay chúng ta nói “chúng có công thức cấu tạo khác nhau”, nên mới có nguyên tố. Có nguyên tố nên mới hợp thành các vật chất. Hết thảy sâm la vạn tượng quả thật là “nhất hợp tướng”, cách nói ấy chẳng sai tí nào! Nhưng thế giới Tây Phương chẳng do các loại vật chất giống như vậy kết hợp, nó là cõi Pháp Tánh. Nói cách khác, nó là Tướng Phần của Chân Như bổn tánh. Nhất hợp tướng: “Nhất” là vật chất cơ bản, nếu lại quan sát sâu hơn, nó sẽ là năng lượng, dao động, quả thật là “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc, Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc”, đạt đến cảnh giới ấy, các nhà khoa học hiện thời đã chứng thực điều này.
Tướng Phần của mười phương thế giới là như thế nào? Trong Duy Thức đã giảng rất rõ ràng: “Vô minh bất giác sanh tam tế”. Trong ba tế tướng, thứ nhất là Vô Minh Nghiệp Tướng, tức là mê hoặc, vọng động; thứ hai là Chuyển Tướng, do có vô minh vọng động nên nó sanh khởi chuyển biến; Chuyển Tướng còn gọi là Kiến Phần, có thể thấy tướng. Đã có thể thấy tướng, nó có thể biến thành một tướng được thấy, tướng được thấy gọi là Cảnh Giới Tướng tức là Tướng Phần của các cõi nước Phật do đó mà có. Tướng ấy được gọi là “chân vọng hòa hợp”, nó chính là ý nghĩa “nhất hợp tướng” như kinh Kim Cang đã nói. Nói cách khác, sau khi Chân Như bổn tánh khởi vô minh, sẽ biến hiện Cảnh Giới Tướng.
Cõi nước Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng khởi vô minh. Chẳng có vô minh sẽ là Tướng Phần của Chân Như bổn tánh. Hiện thời, Tướng Phần của [thế giới Sa Bà] chúng ta là Tướng Phần của A Lại Da Thức. Các cõi nước của mười phương chư Phật là Tướng Phần của A Lại Da Thức. Tây Phương Cực Lạc thế giới, dẫu là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, vẫn là Tướng Phần của Chân Như bổn tánh, [các cõi Phật khác] chẳng có cách nào so sánh được! Nếu đem so thế giới ấy với cõi nước của chư Phật trong mười phương, Cực Lạc thù thắng trang nghiêm khôn sánh! Do vậy, chư Phật khuyên chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là có lý, thật sự là đại từ đại bi, khiến cho chúng ta vĩnh viễn đạt tới giải thoát rốt ráo!
Chỉ cần quý vị cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đức Phật đã yên tâm về quý vị, vì sao? Quý vị đã được giải thoát rốt ráo, đã đắc độ rốt ráo, Ngài chẳng còn phải bận lòng nữa! Chưa thể vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thì chư Phật, Bồ Tát phải dòm chừng quý vị mỗi ngày, phải bận tâm mỗi ngày. Khi nào quý vị mới khiến cho chư Phật chẳng phải bận lòng? Giống như cha mẹ đối với con cái, con cái học hành thành tựu, sự nghiệp thành tựu, cha mẹ mới yên tâm. Nếu chẳng có thành tựu, cha mẹ sẽ luôn phải lo lắng, đạo lý là như vậy đó! Nếu chúng ta cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, khác nào hết thảy đều thành tựu viên mãn rốt ráo, đến Tây Phương thế giới bảo đảm quý vị sẽ thành Phật. Chư Phật độ chúng sanh còn có chỗ nào phải bận tâm nữa ư? Chẳng cần! Chúng sanh ấy sẽ thành Phật. Ở đây, lời Sao nói “cụ tịnh diệu ngũ trần”, tức là nói rõ ngũ trần [trong cõi Cực Lạc] khác với [ngũ trần] trong các thế giới của mười phương chư Phật, khác hẳn!
“Diệc vân Vô Chướng Ngại độ” (còn gọi là cõi Vô Chướng Ngại), giống như cảnh giới Hoa Nghiêm, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, Tây Phương Cực Lạc thế giới là cõi Vô Chướng Ngại. “Dĩ sắc tâm bất nhị, mao sát tương dung cố” (do Sắc và Tâm bất nhị, sợi lông và cõi nước chứa đựng lẫn nhau), đây là cảnh giới Hoa Nghiêm. Trong Sớ Sao, chỗ nào Liên Trì đại sư cũng trích dẫn kinh Hoa Nghiêm để giải thích kinh A Di Đà, đưa kinh A Di Đà lên địa vị cao vời giống như kinh Hoa Nghiêm, nhằm chứng tỏ kinh Di Đà chẳng khác gì kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm là vua trong các kinh, là Nhất Thừa liễu nghĩa. Kinh Di Đà cũng chẳng ra ngoài lệ ấy, là quy túc và tinh hoa của kinh Hoa Nghiêm. Nói cách khác, [kinh Di Đà] là Hoa Nghiêm của kinh Hoa Nghiêm, là Nhất Thừa của Nhất Thừa, là liễu nghĩa của liễu nghĩa. Đấy là nâng bộ kinh điển này và pháp môn này lên cao như thế, nhằm khuyên chúng ta phải tin tưởng, phải phát nguyện, phải y giáo phụng hành. Lão nhân gia trọn chẳng nói tùy tiện, Ngài nói những lời ấy câu nào cũng đều có căn cứ, tuyệt đối chẳng phải vì chính Ngài tu Tịnh Độ mà bốc thơm Tịnh Độ lên cao như thế, chẳng phải vậy! Do vậy, Ngài phải dẫn chứng kinh điển nhằm chứng tỏ cảnh giới Tây Phương Cực Lạc thế giới quả thật chẳng hai, chẳng khác cảnh giới Hoa Nghiêm.
Sắc là vật chất, Tâm là bổn tánh. Đó gọi là “Sắc ngoại vô Tâm, Tâm ngoại vô Sắc” (ngoài Sắc chẳng có Tâm, ngoài Tâm chẳng có Sắc). Sắc cũng là cảnh giới, tâm và cảnh như nhau. Tâm Kinh dạy: “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”, ở đây có thể nói Sắc là Tâm, Tâm là Sắc. Sắc là Tướng Phần của Tâm, Tâm là Tánh Thể, bản thể của Sắc. Sắc là hiện tướng của Tâm, Sắc và Tâm là một, không hai. Do vậy, chúng chẳng có chướng ngại. Không chỉ là Lý Sự vô ngại, mà Sự Sự đều là vô ngại. Vì sao nay chúng ta đối với sắc tướng lại nẩy sanh vô tận chướng ngại? Đó là do không thấu hiểu chân tướng tạo thành, tuyệt đối chẳng phải là trong Sắc ấy thật sự có chướng ngại, chẳng hề có!
Những chướng ngại ấy do đâu sanh ra? Từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng ta sanh ra. Nếu chúng ta rời khỏi hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, sẽ chứng đắc cảnh giới này, chứng đắc pháp giới “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”; chúng ta đọc kinh, đã hiểu rõ vọng tưởng, chấp trước, rất muốn trừ bỏ chúng, nhưng chẳng bỏ được. Vì sao chẳng bỏ được? Thâm căn cố đế! Sự chấp trước ấy chẳng phải chỉ là một đời, mà là đời đời kiếp kiếp từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng ta chấp trước như vậy, dưỡng thành một thói quen, muốn sửa cũng sửa chẳng được, phiền phức lớn lắm! Phân biệt, chấp trước, vọng tưởng nếu chẳng thể bỏ được, dẫu chúng ta tu hành công phu tốt đẹp đến mấy vẫn chỉ có thể tu đến [các địa vị] Thanh Văn, Duyên Giác, Quyền Giáo Bồ Tát, chẳng thể nhập địa vị chân thật, vì sao? Trong pháp chân thật chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Điều này đáng cho chúng ta phản tỉnh, cảnh giác sâu xa!
Tuy chúng ta phản tỉnh, cảnh giác, trên thực tế, chúng ta vẫn làm không được, nhưng chúng ta phải biết đích xác là có một chuyện như thế. Trong hết thảy cảnh giới, chúng ta phải gắng hết sức giảm nhẹ phân biệt, chấp trước, để làm cái nhân chân thật hòng tiếp cận cõi Thật Báo. Nếu phân biệt, chấp trước của chúng ta vẫn nặng nề y như cũ, trọn chẳng giảm nhẹ mảy may, nói cách khác, chúng ta may mắn học pháp môn niệm Phật, nếu học pháp môn khác, có thể nói là một đời này chẳng có chút hy vọng nào! Học pháp môn này, niệm Phật đến mức công phu thành phiến, có thể vãng sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư, chứ nhất tâm bất loạn chẳng dễ gì đạt được! Phải giảm nhẹ vọng tưởng, chấp trước rất nhiều thì mới có thể đạt đến Sự nhất tâm bất loạn. Phân biệt, chấp trước, vọng tưởng đoạn rồi, thật sự chẳng còn nữa thì mới có thể đạt tới Lý nhất tâm bất loạn. Đó là nói bên trong [nội tâm] hoàn toàn chẳng còn [vọng tưởng, phân biệt, chấp trước] nữa thì mới có thể đạt đến cảnh giới ấy.
“Mao sát tương dung” (lỗ chân lông và cõi nước chứa đựng lẫn nhau), nói rõ Sự Sự vô ngại. “Mao” (毛) [ở đây] là lỗ chân lông, lỗ chân lông trên thân chúng ta rất nhỏ. “Sát” (剎) là Phật sát độ (佛剎土: cõi nước Phật), tức đại thiên thế giới. Có thể lấy đại thiên thế giới bỏ vào một lỗ chân lông, lớn vào trong nhỏ. Nhỏ vào trong lớn thì chúng ta chẳng cảm thấy lạ lùng gì. Đại thiên thế giới dung nạp lỗ chân lông chẳng có vấn đề gì. Lỗ chân lông bé tí có thể dung nạp đại thiên thế giới, có cùng ý nghĩa với tỷ dụ “giới tử nạp Tu Di” (núi Tu Di nhét trong hạt cải) được giảng trong kinh. “Giới tử” (芥子) là hạt cải, hạt cải rất bé, còn bé hơn hạt mè. “Tu Di” là núi Tu Di, đem núi Tu Di bỏ vào hạt cải, hạt cải ấy chẳng phình to, núi Tu Di cũng chẳng rút nhỏ. Thử hỏi làm sao có thể nhét vào được? Chuyện này rất khó lý giải. Chuyện này nhằm hình dung Sự Sự vô ngại. “Mao sát tương dung” so với “giới tử nạp Tu Di”, cảnh giới này còn rộng lớn hơn nữa. Núi Tu Di bé hơn tam thiên đại thiên thế giới quá nhiều. Hạt cải so với lỗ chân lông còn to hơn quá nhiều! Chúng ta nhét hạt cải vào lỗ chân lông còn chưa được, làm sao có thể đem tam thiên đại thiên thế giới nhét vào trong đó? Những điều này toàn là cảnh giới trong kinh Hoa Nghiêm, chẳng thể nghĩ bàn! Trong kinh thường nói: “Nhất nhất trần trung, nhất thiết trần” (hết thảy các vi trần trong mỗi một vi trần), đó gọi là “nhất mao đoan hiện bảo vương sát” (trên đầu một sợi lông hiện cõi bảo vương). “Bảo vương sát” (寶王剎) là một cõi Phật, tức tam thiên đại thiên thế giới. [Sách Diễn Nghĩa giảng] “cử nhất mao đoan, toàn chương pháp giới, cố năng pháp pháp tương tức, châu biến hàm dung” (nêu ra đầu một sợi lông để phơi bày toàn bộ pháp giới; vì thế, các pháp chính là lẫn nhau, chứa đựng lẫn nhau trọn khắp), thảy đều là cảnh giới của Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm Kinh, là cảnh giới Hiện Lượng được các vị Pháp Thân đại sĩ thuộc bốn mươi mốt địa vị đích thân chứng đắc, chẳng phải là tưởng tượng, mà là đích thân chứng. “Thị Pháp Thân đại sĩ sở cư” (là cõi để Pháp Thân đại sĩ ở), là cõi Tịnh Độ cư trụ của các Ngài. Cõi thứ ba…
(Sao) Tam viết Phương Tiện Hữu Dư độ, đoạn tứ Trụ Hoặc, thuộc phương tiện đạo. Vô minh vị tận, danh viết Hữu Dư, thị tam thừa thánh nhân sở cư.
(鈔) 三曰方便有餘土,斷四住惑,屬方便道。無明未盡,名曰有餘。是三乘聖人所居。
(Sao: Ba là cõi Phương Tiện Hữu Dư, đoạn bốn Trụ Hoặc, thuộc về đạo phương tiện. Do vô minh chưa hết nên gọi là Hữu Dư, là nơi ở của tam thừa thánh nhân).
Nhân của cõi Phương Tiện Hữu Dư là đoạn Tứ Trụ Phiền Não. Như cõi Thật Báo trong phần trước có nhân là “hành chân thật pháp”. Chúng ta đặc biệt chú trọng câu này, chú trọng phương diện tu nhân. Tứ Trụ Hoặc là gì? Chúng ta thường gọi Tứ Trụ Hoặc là Kiến Tư phiền não. Tư tưởng sai lầm là Tư Hoặc, kiến giải sai lầm là Kiến Hoặc. Ở đây, coi Kiến Hoặc là một Trụ, tức là Kiến Nhất Thiết Trụ Địa. Nếu đã đoạn Kiến Hoặc, tức là đã đoạn một Trụ trong Tứ Trụ Hoặc, quý vị chứng Tiểu Thừa Tu Đà Hoàn quả. Tư Hoặc được tách thành ba Trụ:
– Thứ nhất là Dục Ái Trụ Địa, tức là chín phẩm Tư Hoặc trong Dục Giới. Nếu đoạn hết, chẳng còn trở lại Dục Giới, tức là chứng Nhị Quả, chứng Tiểu Thừa Nhị Quả.
– Thứ hai là Sắc Ái Trụ Địa. Nói thật ra, ba điều này rất dễ nhớ, tức là Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới. Nếu quý vị đoạn sạch Sắc Ái Trụ Địa sẽ là Tứ Địa trong Sắc Giới, Tứ Địa là Tứ Thiền. Trong mỗi Thiền, có chín phẩm Tư Hoặc, quý vị đều đoạn sạch các thứ này, bèn chứng Tam Quả.
– Thứ ba là Vô Sắc Ái Trụ Địa, tức là Tứ Không Thiên. Tứ Không Thiên cũng gọi là Tứ Địa, trong mỗi tầng cũng là chín phẩm Hoặc. Bốn lần chín là ba mươi sáu, có thể đoạn sạch ba mươi sáu phẩm Tư Hoặc này, sẽ chứng quả A La Hán. Vì thế, Tiểu Thừa phá Tứ Trụ Hoặc.
Trong pháp môn theo đường lối thông thường, phải đoạn Tứ Trụ
Hoặc thì mới có thể vượt thoát tam giới, vĩnh viễn thoát khỏi lục đạo sanh tử luân hồi. Nói cách khác, Kiến Tư phiền não thảy đều đoạn sạch. Nói dễ dàng, làm chẳng đơn giản! Nếu chúng ta hỏi “ai có năng lực?” Chẳng cần nói đoạn cả bốn Trụ Phiền Não, quý vị chỉ đoạn một Trụ thử xem! Ai có năng lực ấy? Trong một đời có thể đoạn một Trụ (tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới)? Do vậy, Phật pháp tuy nói bình đẳng, mỗi tông phái, mỗi pháp môn đều bình đẳng, chẳng hai, chẳng khác; nhưng quý vị tu pháp môn khác, bất luận tu pháp môn nào thảy đều phải đoạn Hoặc. Nếu điều kiện là đoạn Hoặc chứng Chân, quả thật là chúng ta chẳng thể trông mong gì! Chỉ riêng pháp môn Tịnh Độ là chẳng cần đoạn Hoặc, mà nói đới nghiệp vãng sanh, “đới nghiệp” là mang Hoặc theo, tức là có thể chẳng cần đoạn bốn Trụ Phiền Não này, mang Hoặc đi vãng sanh, chúng ta mới có hy vọng! Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Chúng ta thật sự hiểu rõ, tu hành mới chẳng bị lạc lối, sau này chẳng phí uổng công phu tu hành trong cả một đời, trong tương lai quý vị nhất định có kết quả.
Tu học pháp môn này phải thâm nhập một môn. Trong quá khứ, quả thật có rất nhiều đồng tu hỏi tôi câu này: “Chúng tôi học Phật phải thực hiện từ chỗ nào?” Chuyện này thật sự là khó! Tôi cũng chẳng có cách nào dạy người ấy thực hiện từ chỗ nào. Hiện thời có thể nói là nhân duyên thù thắng, thấy chúng sanh đời này rất có phước báo, phước báo lớn hơn chúng tôi trong quá khứ. Hiện nay, nếu có ai tới hỏi tôi [câu ấy], sẽ rất đơn giản, tôi lập tức bảo kẻ ấy: “Hãy bắt đầu thực hiện bằng Vô Lượng Thọ Kinh Chú Giải (chú giải kinh Vô Lượng Thọ)”, bản chú giải ấy có lẽ sẽ xuất bản vào đầu tháng sau. Vô Lượng Thọ Kinh Chú Giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, bắt đầu từ đó là được rồi! Vì sao? Chú giải của cụ giống như một bộ đại từ điển Phật học, mỗi danh từ thuật ngữ trong kinh Vô Lượng Thọ đều được cụ giải thích rành rẽ, rõ rệt. Quý vị đọc bản chú giải ấy, nói cách khác, kiến thức Phật học thông thường của quý vị được trọn đủ, quý vị cũng thông hiểu rất nhiều thuật ngữ Phật giáo. Quý vị cũng hiểu rõ nghĩa lý trong pháp môn Tịnh Độ, tuyệt lắm! Thông đạt hết thảy danh tướng chính là liễu giải kiến thức Phật giáo thông thường.
Nói thật ra, trong quá khứ cũng có [tác phẩm chú giải cặn kẽ như vậy], như cuốn Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của cư sĩ Giang Vị Nông hay cuốn Tâm Kinh Thuyên Chú của cư sĩ Châu Chỉ Am, có tính chất tương tự. Trong quá khứ, tại Đại Chuyên Phật Học Giảng Tòa, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã khuyến khích sinh viên các trường đại học và chuyên nghiệp hãy đọc Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của cư sĩ Giang Vị Nông. Nói thật ra, Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa chẳng hay bằng Vô Lượng Thọ Kinh Chú Giải, vì sao? Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa quá u huyền, nói thật thà là chẳng dùng được! Hiểu rõ Phật lý, nhưng lại chẳng ăn khớp với cuộc sống hiện thực của chúng ta, sẽ chẳng dùng được! Không như kinh Vô Lượng Thọ, học xong kinh Vô Lượng Thọ có thể áp dụng ngay lập tức, nó hòa làm một với cuộc sống của chúng ta, tốt đẹp ở chỗ này! Do có cuốn sách ấy, trong tương lai, người ta đến hỏi: Học Phật nên nhập môn từ chỗ nào? Quý vị giới thiệu cuốn sách ấy cho kẻ đó, nhập môn từ nơi ấy!
Nếu thật sự muốn nhập môn, thật sự nhập môn là nhập Giải môn, liễu giải bản chú giải ấy là được rồi. Đại khái, quý vị liễu giải Phật pháp là gì. Nếu muốn chứng quả, muốn vãng sanh, chỉ dựa vào Giải sẽ không được, phải nhập như thế nào? Nhất định phải tụng thuộc lòng kinh Vô Lượng Thọ. Quý vị có thể niệm kinh văn mỗi ngày một lần. Mỗi ngày niệm một lần là mười năm, mỗi ngày niệm hai lần trong năm năm, mỗi ngày niệm ba lần là ba năm, đó là mức thấp nhất. Mỗi ngày niệm ba lần sẽ phải niệm ba năm, chẳng gián đoạn ngày nào, quý vị cũng rất có thể ngộ nhập. Vì sao? Niệm như vậy, tâm con người bèn định. Phải hiểu: Niệm kinh là “Định Huệ đẳng học” (học Định và Huệ cân bằng). Đức Phật dạy chúng ta tu Giới, Định, Huệ, niệm kinh là tu Định và tu Huệ. Ta chuyên niệm bộ kinh này, trong tâm chẳng có vọng tưởng, tâm đã định rồi. Sau khi niệm đã lâu bèn khai trí huệ, đúng như Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế, bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai” (nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, chẳng nhờ vào phương tiện, tâm tự được khai ngộ), đạo lý là như thế đó, thâm nhập một môn! Trừ niệm kinh ra, chuyên trì thánh hiệu A Di Đà Phật. Sau khi đã niệm thuộc kinh, có thể đọc thuộc lòng, chẳng cần kinh bổn mà vẫn có thể niệm, bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào đều có thể niệm, chẳng hạn định phải đối trước Phật, mở kinh bổn ra để đọc tụng. [Nếu vẫn phải mở kinh ra] đó là chưa thuần thục, chẳng có cách nào, phải mở kinh ra để đọc tụng. Sau khi đã thuần thục, chẳng cần nữa! Hiện thời chúng tôi in [kinh Vô Lượng Thọ] thành những cuốn sách nhỏ cúng dường quý vị, hy vọng quý vị mang theo cuốn kinh ấy bên người, tùy thời, tùy chỗ đọc tụng. Quý vị niệm càng nhiều càng hay!
Đoạn hết bốn Trụ Phiền Não, phiền não có tất cả năm trụ. Đoạn
bốn trụ trước, sau đó còn có trụ nào? Chính là vô minh phiền não, chẳng đoạn tí nào, nên gọi là Hữu Dư. Trong năm trụ phiền não, chỉ đoạn bốn trụ trước, vẫn còn sót lại vô minh phiền não, nên gọi là “Phương Tiện Hữu Dư độ”, danh xưng cõi Phương Tiện Hữu Dư do vậy mà có! “Tam thừa thánh nhân sở cư” (là chỗ ở của tam thừa thánh nhân), tam thừa là A La Hán, Bích Chi Phật, Quyền Giáo Bồ Tát, tức là những vị Bồ Tát chưa phá bốn tướng và bốn kiến như kinh Kim Cang đã nói, những vị ấy vẫn trụ trong cõi Phương Tiện Hữu Dư. Nếu phá bốn tướng và bốn kiến, sẽ trụ trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm, chẳng còn trụ trong cõi Phương Tiện Hữu Dư. Nhưng chư vị phải ghi nhớ, điều kiện của cõi Phương Tiện Hữu Dư là phải đoạn Kiến Tư phiền não, còn Trần Sa và Vô Minh chưa đoạn, các vị ấy chỉ có Định, chẳng có Huệ. Thứ tư…
(Sao) Tứ viết Phàm Thánh Đồng Cư độ, thị tứ thánh lục phàm chi sở cộng cư.
(鈔) 四曰凡聖同居土,是四聖六凡之所共居。
(Sao: Bốn là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, là chỗ tứ thánh và lục phàm cùng ở).
Cõi này rất đặc biệt, Phật, Bồ Tát cũng ở nơi đây, lục đạo phàm phu cũng ở đây. Đó là tứ thánh lục phàm tạp cư Tịnh Độ. “Tứ thánh” là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật, là bốn thánh pháp giới trong mười pháp giới. “Lục phàm” là lục đạo, nói cách khác, mười pháp giới đều cùng ở một chỗ.
(Sao) Tứ độ tuy thắng liệt bất đồng, diệc khả các phân tịnh uế.
(鈔) 四土雖勝劣不同,亦可各分淨穢。
(Sao: Bốn cõi tuy thù thắng hay kém hèn khác nhau, nhưng đối với mỗi cõi đều có thể chia thành tịnh hay uế).
“Tứ độ tuy thắng liệt bất đồng, diệc khả các phân tịnh uế”: Nếu so sánh, cũng thấy rõ cảnh giới đây kia có đẳng cấp sai biệt khác nhau. Ví dụ như Kiến Tư phiền não nhẹ hay nặng mà cõi Đồng Cư hiển hiện tịnh hay uế tương ứng. Cũng như vậy, đối với đoạn Kiến Tư phiền não, A La Hán tuy đoạn Kiến Tư phiền não, nhưng chẳng đoạn tập khí, Bích Chi Phật cũng đoạn Kiến Tư phiền não, nhưng do người ta chẳng có tập khí, nên [cõi nước] hiển hiện cao hơn A La Hán. Cũng như vậy, đối với cõi Phương Tiện Hữu Dư, A La Hán trụ trong uế độ, Bích Chi Phật trụ trong Tịnh Độ. Bồ Tát có năm mươi mốt giai cấp, cấp trên thấy cấp dưới trụ trong uế độ, phía dưới thấy phía trên trụ trong Tịnh Độ, họ thanh tịnh hơn ta. Đó là cách nói so sánh; vì thế, “thắng liệt bất đồng, diệc khả các phân tịnh uế”. Thí dụ như phàm phu, nếu Kiến Tư phiền não nhẹ một chút, ở trong cõi Đồng Cư bèn cảm thấy thanh tịnh. Do tâm thanh tịnh, hoàn cảnh cũng thanh tịnh. Nếu Kiến Tư phiền não rất nặng, tuy ở trong Đồng Cư, người ấy trụ trong uế độ, tâm chẳng thanh tịnh, sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, người ấy luôn cảm thấy mê hoặc, luôn cảm thấy phiền não, đó là tâm địa chẳng thanh tịnh. Hàng Nhị Thừa, Thanh Văn, Duyên Giác dùng Thể Không Quán, cho thấy họ rất cao minh, thanh tịnh, hiểu rõ hết thảy các pháp, [nhận biết] bản thể [của các pháp] chính là Không, tâm các Ngài thanh tịnh.
Hàng A La Hán chậm lụt hơn một chút, dùng phân tích, giống như các nhà khoa học hiện thời dùng máy móc để phân tích, phân tích đến cuối cùng biết vật chất là Không, đó là Tích Không Quán. Từ nghiên cứu, phân tích để đạt được kết luận, so với Đương Thể Tức Không chậm lụt hơn rất nhiều! Như vậy thì cõi Phương Tiện Hữu Dư mà họ chứng đắc sẽ là uế độ; còn cõi chứng đắc bằng Thể Không Quán là Tịnh Độ. Đây là nêu một thí dụ để nói, cõi Thật Báo và cõi Tịch Quang cũng có tình hình như vậy. Như cõi Thật Báo, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo. Lại phá một phẩm vô minh, chứng thêm một phần Pháp Thân nữa, bèn là Nhị Trụ Bồ Tát. Sơ Trụ thấy Nhị Trụ là Tịnh Độ, Nhị Trụ thấy Sơ Trụ là uế độ. Đấy là uế độ và Tịnh Độ trong cõi Thật Báo. “Diệc khả các phân tịnh uế” (trong mỗi cõi cũng đều có thể chia thành tịnh hay uế), mang ý nghĩa này, nói về tình hình trong các cõi Phật thông thường.
(Sao) Kim Cực Lạc quốc, ký viết Bồ Tát, Thanh Văn, chư thiên, nhân dân, thị dữ Sa Bà quân danh Đồng Cư.
(鈔) 今極樂國,既曰菩薩聲聞諸天人民,是與娑婆均名同居。
(Sao: Nay cõi Cực Lạc, đã nói là có Bồ Tát, Thanh Văn, chư thiên, nhân dân, tức là cũng như Sa Bà, đều gọi là Đồng Cư).
Nói đến Tây Phương Cực Lạc thế giới Tịnh Độ, nay chúng ta hiểu rõ: Tây Phương Cực Lạc thế giới là Bồ Tát thuần nhất, chẳng có Nhị Thừa, chẳng có trời, người, vì sao trong kinh Di Đà, đức Phật lại nói “Bồ Tát, Thanh Văn, chư thiên, nhân dân”? Nói những lời này nhằm tùy thuận [tri kiến của] chúng ta trong thế gian này trước khi đạt tới thế giới Cực Lạc. Ở trong các cõi Phật khắp mười phương, bèn nói là Thanh Văn, Bồ Tát, hay người, trời, nói tới các thân phận đó. Hễ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đã tới đó, thảy đều là Bồ Tát. Từ bốn mươi tám nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy rõ điều này! Nói đến những danh xưng này nhằm tùy thuận thân phận của quý vị trước khi đến thế giới Cực Lạc, nói tới những thân phận ấy, chứ không phải là nói đến [thân phận] sau khi đã đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, cõi Đồng Cư của Tây Phương Cực Lạc thế giới rất đặc biệt, có danh xưng giống như trong thế giới Sa Bà là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, nhưng trên thực tế chẳng giống nhau.
(Sao) Nhi thử phương tắc thổ, thạch, kinh cức, tứ thú vân vân.
(鈔) 而此方則土石荊棘,四趣紜紜。
(Sao: Nhưng phương này thì đất, đá, gai góc, bốn đường lăng xăng)
“Đất, đá, gai góc” là nói tới y báo. “Bốn đường lăng xăng” là nói tới chánh báo. “Bốn đường” là trời, quỷ, súc sanh, gộp địa ngục vào trong quỷ đạo. Chia tỉ mỉ sẽ là năm đường, nói chi tiết hơn nữa sẽ là lục đạo. Nói cách khác, y báo lẫn chánh báo đều chẳng thanh tịnh. Cõi Phàm Thánh Đồng Cư trong thế giới Sa Bà chẳng thanh tịnh. Lại xem kinh điển nói về Tây Phương thế giới:
(Sao) Bỉ quốc tắc bát đức, thất trân, nhân thiên tế tế, thị Đồng Cư tịnh dã.
(鈔) 彼國則八德七珍,人天濟濟,是同居淨也。
(Sao: Cõi kia thì tám đức, bảy thứ quý báu, trời người đông đảo, là cõi Đồng Cư thanh tịnh).
Đối với tình huống trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư của thế giới kia, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Di Đà, và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đều nói cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Tây Phương Cực Lạc thế giới rất thù thắng. “Bát đức” là nói nước có tám công đức, “thất trân” là bảy thứ báu. Nước trọn đủ tám đức, ‘thất bảo” nơi đâu cũng đó. Ở nơi này, bảy báu là vật chất hiếm có, bên Tây Phương Cực Lạc thế giới bảy thứ ấy phổ biến, chỗ nào cũng có, giống như hiện thời chúng ta thấy bùn, cát, đá, chỗ nào cũng có! Chúng ta dùng hắc ín để lót đường, thế giới Cực Lạc dùng vàng ròng lót đường. Ở nơi đây, chúng ta coi trân châu, mã não, phỉ thúy là những món bảo vật dùng làm đồ trang sức, người ta dùng làm vật liệu xây dựng, quá ư là nhiều! Đất của chúng ta là bùn, cát, [đất trong] thế giới Cực Lạc là lưu ly, phỉ thúy, lục sắc ngọc, từ trên mặt đất có thể thấy [thấu suốt] dưới nền đất, trong suốt mà! “Nhân thiên tế tế” (trời người đông đảo) đều là Bồ Tát, chẳng có tam ác đạo. “Thị Đồng Cư tịnh dã” (là cõi Đồng Cư thanh tịnh), y báo và chánh báo đều thanh tịnh.
(Sao) Diệc thông tiền tam giả, tùy kỳ cơ dị, sở kiến diệc dị.
(鈔) 亦通前三者,隨其機異,所見亦異。
(Sao: “Cũng thông với ba cõi trước”: Tùy theo căn cơ khác nhau mà cũng thấy khác nhau).
Đây là điểm đặc biệt của Tây Phương Tịnh Độ! Trong thế giới này, nay chúng ta đang ở trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, chẳng thấy các vị Bồ Tát trong cõi Thật Báo. Chẳng hạn như chúng ta biết bốn vị đại Bồ Tát cũng ở trong thế gian này, Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Quán Âm Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, tại Trung Quốc đại lục có tứ đại danh sơn chính là đạo tràng của tứ đại Bồ Tát. Tứ đại Bồ Tát có hiện diện hay không? Hiện diện, chúng ta chẳng thấy, nhưng xác thực là có người đã từng thấy. Lại còn không phải chỉ là một người thấy, trong sử sách có ghi chép. Do vậy, chúng ta biết, Bồ Tát quả thật ở trên cùng địa cầu này với chúng ta, nhưng chúng ta chẳng thấy các Ngài. Các Ngài có thể thấy chúng ta, nhưng chúng ta chẳng thấy các Ngài, do vì trong ấy có chướng ngại.
Đời Đường, thiền sư Pháp Chiếu đã gặp hai vị Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền tại núi Ngũ Đài, đó là một nhân duyên đặc biệt. Trong đời quá khứ, thiện căn sâu dầy, có duyên với Bồ Tát nên Sư mới thấy. Cận đại cũng có chẳng ít người, như triều bái Phổ Đà sơn, cũng có những người thấy Quán Âm Bồ Tát. Tuy thấy, nhưng là đôi khi thấy một chút, chỉ thấy hình tướng Bồ Tát, chẳng được thưa chuyện với Bồ Tát, cũng chẳng nghe Bồ Tát khai thị, thấy chốc lát rồi chẳng còn nữa. [Nhân duyên của] thiền sư Pháp Chiếu còn khá lắm, Sư gặp Bồ Tát nhằm lúc Bồ Tát đang giảng kinh, nghe hết một buổi giảng. Sau khi nghe xong, còn thỉnh giáo mấy vấn đề, Bồ Tát còn trả lời Sư. Cơ duyên như thế rất khó có! Trong Từ Bi Tam Muội Thủy Sám, quốc sư Ngộ Đạt gặp tôn giả Ca Nặc Ca, đó là một vị A La Hán. Ngài có duyên với tôn giả, khi Ngài gặp nạn, tôn giả giúp Ngài giải quyết. Tuy vậy cũng là thiểu số rất ít!
Chẳng giống như Tây Phương Cực Lạc thế giới. Chúng sanh trong cõi Đồng Cư của Tây Phương Cực Lạc thế giới gặp mặt các vị đại Bồ Tát hằng ngày. Hằng ngày ở chung một chỗ. Hằng ngày gặp mặt cũng là “tùy kỳ cơ dị, sở kiến diệc dị” (tùy theo căn cơ khác nhau mà thấy cũng khác nhau). Nói cách khác, tùy thuộc công phu tu hành của người ấy cạn hay sâu, mà thấy Phật, Bồ Tát khác nhau. Tây Phương Cực Lạc thế giới đích xác là thù thắng, vì sao? Tướng mạo đều tương đồng. Thưa quý vị, đại khái là giống nhau, nhưng tướng vi tế vẫn khác nhau. Đại khái là giống nhau, chẳng có sai biệt quá lớn. Nói cách khác, nếu phàm phu chúng ta nhìn, hời hợt nhìn lướt qua, sẽ thấy hoàn toàn giống nhau, chẳng khác gì nhau, nhưng trong mắt Phật, Bồ Tát là khác nhau; bởi lẽ, [hình tướng] vẫn có mối quan hệ mật thiết với công đức tu hành của chính mình.
Chẳng hạn như, nếu quý vị đoạn một phần vô minh, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, tức là công phu niệm Phật của quý vị đạt đến mức Lý nhất tâm bất loạn, dẫu quý vị đang ở trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Tây Phương Cực Lạc thế giới, cõi ấy cũng đặc biệt thù thắng, cõi Phàm Thánh Đồng Cư ấy và cõi Thật Báo Trang Nghiêm chẳng khác biệt! Nếu quý vị niệm đạt đến Sự nhất tâm bất loạn, quý vị ở trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư chẳng khác gì cõi Phương Tiện. Chúng ta hiểu rõ những đạo lý này, hiểu công phu niệm Phật ở chỗ nào? Ở chỗ đoạn phiền não, trừ tập khí. Không chỉ trong tương lai, chúng ta vãng sanh phẩm vị cao, mà quả báo còn thù thắng. Ở chỗ này, kinh dạy rõ ràng:
(Sao) Hữu ư Đồng Cư kiến Tịch Quang độ, hữu ư Đồng Cư kiến Thật Báo độ, hữu ư Đồng Cư kiến Phương Tiện độ, hữu ư Đồng Cư đản kiến bổn độ.
(鈔) 有於同居見寂光土,有於同居見實報土,有於同居見方便土,有於同居但見本土。
(Sao: Có kẻ trong cõi Đồng Cư thấy cõi Tịch Quang, có kẻ trong cõi Đồng Cư thấy cõi Thật Báo, có kẻ trong cõi Đồng Cư thấy cõi
Phương Tiện, có kẻ trong cõi Đồng Cư chỉ thấy cõi mình).
Đây là chỗ khác nhau so với bốn cõi trong các thế giới ở phương khác. Bồ Tát trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Tây Phương thế giới đều có thể thấy ba cõi trên. [Chuyện này] lại còn rất phổ biến, chẳng có chút hiếm hoi, lạ lùng gì! Tuy cùng thấy ba cõi trên, nhưng ba cõi trên cũng hiển lộ tịnh hay uế, thù thắng hoặc hèn kém khác nhau, xác thực là cảnh chuyển theo tâm, trọn chẳng phải là những cõi ấy khác nhau, mà do tâm của chính mình khác biệt. Chẳng phải là Bồ Tát đãi ngộ quý vị có sai biệt hay đãi ngộ hết thảy chúng sanh sai biệt, chẳng phải vậy! Tâm Phật, Bồ Tát bình đẳng, nhưng tâm chúng sanh bất bình đẳng, nên thấy tướng cảnh giới khác nhau. Chúng ta phải hiểu rõ lý này! Ở đây, đại sư đã nêu tỷ dụ.
(Sao) Như Pháp Hoa vân: “Ngã thử độ an ổn, thiên nhân thường sung mãn”.
(鈔) 如法華云:我此土安穩,天人常充滿。
(Sao: Như kinh Pháp Hoa nói: “Cõi ta đây an ổn, trời người thường đông đầy”).
Hai câu này trích từ kinh Pháp Hoa để làm dẫn chứng. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật nói các thế giới thông thường đều có Tam Tai. Nói tới Đại Tam Tai và Tiểu Tam Tai thì Tiểu Tam Tai là đao binh kiếp, ôn dịch, đói kém (chết đói); Đại Tam Tai là hỏa tai, thủy tai, và phong tai, những tai nạn lớn. Kinh nói: Hỏa tai cháy đến trời Sơ Thiền, thủy tai ngập chìm Nhị Thiền, phong tai có thể thổi tan Tam Thiền, đến Tứ Thiền mới tránh khỏi Tam Tai, nên Tứ Thiền được gọi là Phước Thiên, phước báo thật to! Đức Phật nêu tỷ dụ này: Trong lúc đại hỏa thiêu đốt, cõi này của ta vẫn yên ổn. [Sách Diễn Nghĩa giảng]: “Đại hỏa sở thiêu, thị Đồng Cư độ, ngã độ an ổn, thị Đồng Cư kiến Phương Tiện độ” (là cõi Đồng Cư bị đại hỏa thiêu đốt. “Cõi ta an ổn” là cõi Đồng Cư thấy cõi Phương Tiện). Đây là [Liên Trì đại sư] dùng kinh Pháp Hoa để chứng thực lời giải thích này chẳng phải do chính mình suy đoán, mà có kinh điển để làm căn cứ.
(Sao) Tượng Pháp Quyết Nghi kinh vân: “Kim nhật tọa trung vô ương số chúng, hoặc kiến thử xứ, sơn lâm, địa thổ, sa lịch, hoặc kiến thất bảo, hoặc kiến thị chư Phật hành xứ, hoặc kiến tức thị bất tư nghị chư Phật cảnh giới”, giai tùy cơ dị kiến nhĩ.
(鈔) 像法決疑經云:今日坐中無央數眾,或見此處山林地土砂礫,或見七寶,或見是諸佛行處,或見即是不思議諸佛境界,皆隨機異見耳。
(Sao: Kinh Tượng Pháp Quyết Nghi nói: “Vô ương số đại chúng đang hiện diện trong pháp hội hôm nay, có người thấy nơi này là núi rừng, đại địa là đất, cát, sỏi, hoặc thấy là bảy báu, hoặc thấy là hành xứ của chư Phật, hoặc thấy chính là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật”, đều do tùy theo căn cơ mà thấy sai khác vậy).
Kinh Tượng Pháp Quyết Nghi[1] nói: Người trong cõi Đồng Cư tuy cùng sống một chỗ, cảnh giới của mỗi cá nhân khác nhau. Có người thấy đại địa là sạn, sỏi, bùn, cát, nhưng có người thấy là bảy báu, cảnh giới khác nhau. Ý nghĩa này chẳng khó hiểu, chúng ta dùng Thập Lục Quán Kinh để nói. Nếu chiếu theo Thập Lục Quán Kinh tu hành, tu thành tựu phép Quán thứ hai. Thập Lục Quán Kinh là mỗi phép Quán đều có thể tu đơn độc, mà cũng có thể tu theo thứ tự thuận, mà cũng có thể chẳng tuân theo thứ tự thuận, chỉ tu một, hai phép Quán trong ấy. Thông thường tu Quán, quá nửa là quán tượng Phật, quán tướng hảo của A Di Đà Phật, hoặc quán Tây Phương Tam Thánh, cách này [được áp dụng] nhiều nhất. Nếu tu phép Quán thứ hai, tức là quán đại địa. Biển cả đóng băng, quán Tây Phương Cực Lạc thế giới là đất lưu ly. Nếu quán thành tựu phép Quán này, quý vị sẽ thấy đại địa trong hiện tại giống như đại địa bên Tây Phương Cực Lạc thế giới, là lưu ly. Chúng ta thấy đất nơi đây là bùn, cát, người ấy thấy là lưu ly! Tuyệt đối chẳng phải là người ấy nhìn sai, những gì người ấy trông thấy là thật, là sự thật, hoàn toàn dùng tâm lực của chính mình để biến đổi cảnh giới. Sức quán tưởng của tâm quý vị lớn lắm! Biến đại địa hiện tiền trở thành chẳng khác gì đại địa của Tây Phương Cực Lạc thế giới, đấy là một thí dụ.
Đại chúng tham dự pháp hội tùy thuộc cảnh giới tu hành khác nhau, tùy thuộc mức độ đoạn phiền não khác nhau, mà họ thấy y báo và chánh báo cũng khác nhau. Chẳng hạn như trong kinh có nói “nước trong nhân gian”, chúng ta thấy nước vốn là cùng một thứ, nhưng loài người, quỷ, và súc sanh thấy khác nhau. Loài người chúng ta thấy là nước, những sinh vật sống trong nước như loài cá, tôm, thấy nước giống như không khí. Quỷ Diệm Khẩu trong loài ngạ quỷ thấy nước là lửa. Quý vị cho quỷ nước để uống, trong miệng quỷ sẽ phun ra lửa. Cùng là một loại vật chất, hoặc là một vật giống nhau, mà người, quỷ, súc sanh nhìn thấy, cảm nhận khác nhau, chẳng phải là cùng một thứ. Đây cũng là chứng minh rất hay! Vì thế, có công phu tu hành tốt đẹp, cảnh giới vô cùng thù thắng, thấy đạo tràng này, thấy pháp hội này là hành xứ của chư Phật, là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật. Vì sao thấy cảnh giới khác nhau, đạo lý ấy đã được nêu bày.
(Sao) Tam độ đồng thượng giả.
(鈔) 三土同上者。
(Sao: “Ba cõi có cùng một ý nghĩa với [bốn cõi] trong phần trên”).
Giải thích từ ngữ “tam độ” trong [lời Sớ] ở phần trên.
(Sao) Nhất, Pháp Tánh độ, tức thị Tịch Quang.
(鈔) 一、法性土,即是寂光。
(Sao: Một là cõi Pháp Tánh, tức là Tịch Quang).
Tây Phương Cực Lạc thế giới là cõi Pháp Tánh.
(Sao) Nhị, Thụ Dụng độ, phục phân tự tha, đồng hồ Thật Báo.
(鈔) 二、受用土,復分自他,同乎實報。
(Sao: Hai là cõi Thụ Dụng, lại chia thành Tự Thụ Dụng và Tha Thụ Dụng, giống như cõi Thật Báo).
Cõi Thật Báo Trang Nghiêm là cõi Thụ Dụng, trong ấy có Tự Thụ Dụng Tịnh Độ và Tha Thụ Dụng Tịnh Độ. Tự Thụ Dụng là để cho chính mình hưởng thụ, Tha Thụ Dụng dùng để giáo hóa Bồ Tát. Nói cách khác, tự độ gọi là Tự Thụ Dụng; độ kẻ khác gọi là Tha Thụ Dụng. Tự độ phải thanh tịnh, độ tha phải từ bi. Từ bi là đối với người khác, chẳng phải đối với chính mình; thanh tịnh là đối với chính mình, chẳng phải đối với người khác. Thanh tịnh là Tự Thụ Dụng, từ bi là Tha Thụ Dụng. Vì đại từ đại bi, nên giáo hóa chúng sanh không mệt mỏi, chẳng chán ngán, thật sự có thể tùy thuận chúng sanh, hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, những điều ấy đều là biểu hiện cụ thể của đại từ đại bi. Về phương diện Tự Thụ Dụng sẽ là “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”, bất luận trong cảnh giới nào cũng có thể giữ gìn cái tâm thanh tịnh, quyết định chẳng mê hoặc, quyết định chẳng nhiễm ô. Đó là Tự Thụ Dụng.
(Sao) Tam, Biến Hóa độ, đồng tiền tam tứ Phương Tiện Đồng Cư.
(鈔) 三、變化土,同前三四方便同居。
(Sao: Ba là cõi Biến Hóa, giống như cõi thứ ba là Phương Tiện và cõi thứ tư là Đồng Cư trong phần trước).
Chính là cõi thứ ba Phương Tiện, và cõi thứ tư là Đồng Cư.
(Sao) Tắc Cực Lạc giả, tuy đương Biến Hóa, diệc khả Thụ Dụng cập Pháp Tánh dã.
(鈔) 則極樂者,雖當變化,亦可受用及法性也。
(Sao: Như vậy thì Cực Lạc tuy ở trong cõi Biến Hóa, vẫn có thể ở trong cõi Thụ Dụng và Pháp Tánh).
Đây là chỗ rất đặc biệt. Tuy Cực Lạc có bốn cõi, nhưng bốn cõi đều có thể nói là Tịnh Độ, bốn tức là một, một tức là bốn. Xác thực là có bốn, nhưng xét theo phương diện thụ dụng, những vị Bồ Tát trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư nghiễm nhiên có sự thụ dụng của hàng Bồ Tát trong cõi Tịch Quang và Thật Báo. Đây là chỗ chẳng thể nghĩ bàn của Tây Phương Cực Lạc thế giới, mà cũng là điều khiến cho pháp môn này được gọi là pháp khó tin, thật sự khó tin. Đối với những điều chư Phật, Bồ Tát đã dạy này, chúng ta chớ nên hoài nghi. Nếu hoài nghi sẽ bỏ lỡ lợi ích chân thật này. Nương theo phương pháp này để tu hành, nói thật thì chắc chắn là từ kinh bổn này chúng ta chẳng thể tưởng tượng được sự thù thắng thật sự! Tục ngữ thường nói: “Bách văn bất như nhất kiến” (trăm nghe chẳng bằng một thấy). Quý vị phải sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, mới biết sự chân thật trang nghiêm ấy. Sự thù thắng trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đúng như đức Phật đã nói, mười phương chư Phật khác miệng cùng tiếng tuyên dương tán thán đều chẳng thể tán thán trọn hết, chân thật chẳng thể nghĩ bàn. Những gì đức Phật đã nói với chúng ta [về cõi Cực Lạc] chỉ là một phần vạn, hoặc một phần vạn vạn mà thôi! Do vậy, tôi hy vọng mọi người phải cố gắng. Hôm nay tôi giảng tới đây!
[1] Kinh Tượng Pháp Quyết Nghi không rõ người dịch, nội dung nói về tình hình sau khi đức Phật nhập diệt một ngàn năm. Đức Phật giảng về tướng Phật pháp suy vi trong thời ấy, khuyên đại chúng tu bố thí đại bi. Kinh này được nói khi đức Phật sắp nhập Niết Bàn.