#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 01-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 273
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm sáu mươi tám:
Nhị, tùy nguyện đắc sanh.
(Kinh) Xá Lợi Phất! Nhược hữu nhân dĩ phát nguyện, kim phát nguyện, đương phát nguyện, dục sanh A Di Đà Phật quốc giả. Thị chư nhân đẳng, giai đắc bất thoái chuyển ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Ư bỉ quốc độ, nhược dĩ sanh, nhược kim sanh, nhược đương sanh.
二、隨願得生。
(經)舍利弗。若有人已發願。今發願。當發願。欲生阿彌陀佛國者。是諸人等。皆得不退轉於阿耨多羅三藐三菩提。於彼國土。若已生。若今生。若當生。
(Hai, tùy nguyện được vãng sanh.
Kinh: Này Xá Lợi Phất! Nếu có người đã phát nguyện, nay phát nguyện, sẽ phát nguyện, muốn sanh vào cõi của A Di Đà Phật, thì những người ấy đều được chẳng thoái chuyển nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đối với cõi nước ấy hoặc là đã sanh, hoặc đang sanh, hoặc sẽ sanh).
Đoạn kinh văn này bảo cho chúng ta biết: Vãng sanh thế giới Tây Phương thật sự chẳng khó. Liên Trì đại sư đặt tiểu đề mục cho đoạn này là “tùy nguyện đắc sanh”, chúng ta thấy hết sức nhẹ nhàng, tiêu sái.
(Sớ) Thượng ngôn “tín thọ”, kim ngôn “tín dĩ sanh nguyện” dã. Dĩ nguyện, kim nguyện, đương nguyện, quá, hiện, vị tam thời dã. Cử tam thời giả, minh hữu nguyện giả, vô nhất bất sanh dã.
(疏)上言信受,今言信已生願也。已願、今願、當願,過現未三時也。舉三時者,明有願者,無一不生也。
(Sớ: Trong phần trước đã nói đến sự tin nhận, nay nói “do đã tin bèn sanh khởi nguyện”. Đã nguyện, nay nguyện, sẽ nguyện, tức là ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Nêu ra ba thời hòng chỉ rõ: “Hễ có nguyện, không một ai chẳng được vãng sanh”).
Quá khứ, hiện tại, vị lai là ba đời.
(Sao) Dĩ nguyện dĩ sanh, tắc kim Phật thuyết kinh chi tiền, dĩ hữu nhân cầu sanh bỉ quốc, nhi đắc sanh cố.
(鈔)已願已生,則今佛說經之前,已有人求生彼國而得生故。
(Sao: “Đã nguyện, đã sanh” là trước khi đức Phật nói kinh trong hiện tại, đã có người cầu sanh cõi ấy, bèn được vãng sanh).
“Dĩ phát nguyện”, “nhược dĩ sanh”, trước thời Thích Ca Mâu Ni Phật, [có những người] đã phát nguyện, đã vãng sanh. “Tắc kim Phật thuyết kinh chi tiền” (Tức là trước khi đức Phật nói kinh trong hiện tại), trước khi Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh. Trước khi Thích Ca Mâu Ni Phật đến thế giới này, thị hiện thành Phật, vô lượng vô biên chư Phật trong mười phương vô lượng vô biên thế giới, đều vì mọi người tuyên giảng ba kinh Tịnh Độ, khuyên dạy trọn khắp chúng sanh hãy chuyên tín, chuyên nguyện, chuyên niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tịnh Độ. “Dĩ hữu nhân cầu sanh bỉ quốc nhi đắc sanh cố” (Đã có người cầu sanh cõi ấy bèn được vãng sanh): Chỉ cần cầu vãng sanh, chẳng có ai không vãng sanh.
(Sao) Kim nguyện, kim sanh, tắc Phật chánh trụ thế thời dã.
(鈔)今願今生,則佛正住世時也。
(Sao: “Nay nguyện, nay sanh” là đúng nhằm lúc đức Phật trụ thế).
Đức Phật nói “nay phát nguyện, đời này vãng sanh”. Câu này nhằm nói về những thính chúng trong thuở đức Phật trụ thế.
(Sao) Đương nguyện, đương sanh, tắc văn kinh dĩ hậu, chí ư kim nhật, hậu chi hậu dã.
(鈔)當願當生,則聞經已後,至於今日,後之後也。
(Sao: “Sẽ nguyện, sẽ sanh”, tức là sau khi đã nghe kinh, cho đến hiện thời và mai sau).
“Đương phát nguyện”, “nhược đương sanh” là sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ, mãi cho đến khi pháp vận của đức Thế Tôn chấm dứt trên thế gian. Pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật là một vạn hai ngàn năm: Chánh Pháp một ngàn năm, Tượng Pháp một ngàn năm, Mạt Pháp một vạn năm. Sau một vạn năm, Phật pháp thảy đều diệt hết sạch, kinh Di Đà diệt cuối cùng. Kinh Di Đà còn trụ thế một trăm năm, kéo dài thêm một trăm năm nữa. Sau một trăm năm ấy, kinh Di Đà cũng chẳng còn, danh hiệu sáu chữ “Nam-mô A Di Đà Phật” vẫn còn trên thế gian. Thuở ấy, nếu nghe danh hiệu này mà có thể tín, có thể nguyện, vẫn có thể vãng sanh. Do vậy, có thể biết: Pháp môn này thật sự chẳng thể nghĩ bàn, công đức của danh hiệu càng chẳng thể nghĩ bàn. “Văn kinh dĩ hậu, chí ư kim nhật” (Sau khi nghe kinh cho đến hiện thời), chúng ta cách Phật đã ba ngàn năm!
(Sao) Tiên ngôn bất thoái Bồ Đề, hậu vân vãng sanh giả.
(鈔)先言不退菩提,後云往生者。
(Sao: Trước là nói bất thoái Bồ Đề, sau là nói tới vãng sanh).
Đây là nói: Trong đoạn kinh văn thuộc phần trước đã nói rõ, “văn thị kinh, thọ trì giả, cập văn chư Phật danh giả” (người nghe kinh này, thọ trì kinh này, và nghe danh hiệu của chư Phật), La Thập đại sư dịch như vậy. Bản dịch của Huyền Trang đại sư chẳng ghi là “cập văn chư Phật danh giả”. Câu này trong bản dịch của Huyền Trang đại sư là “cập văn Vô Lượng Thọ Phật danh giả” (và người nghe danh hiệu Vô Lượng Thọ Phật). Do vậy, có thể biết: “Chư Phật” chính là Vô Lượng Thọ Phật, tức là A Di Đà Phật. Người nghe kinh, thọ trì, và nghe danh hiệu A Di Đà Phật, sẽ được hết thảy chư Phật hộ niệm, sẽ chẳng thoái chuyển nơi Vô Thượng Bồ Đề. Tức là trong phần trước đã nói rõ sự bất thoái, nêu ra hai thứ lợi ích thù thắng khôn sánh để khuyên chúng ta hãy phát nguyện vãng sanh.
(Sao) Hậu vân vãng sanh giả, minh phát nguyện giả, kiến thế chi trung, dĩ thuận giác lộ.
(鈔)後云往生者,明發願者,見世之中已順覺路。
(Sao: Sau đó, nói đến chuyện vãng sanh, nhằm chỉ rõ: Người phát nguyện thì ngay trong hiện đời đã đi theo đúng con đường giác ngộ).
Thời cổ, chữ Kiến (見) và chữ Hiện (現) trong hiện tại là cùng một chữ. “Kiến thế” (見世) là trong đời hiện tại. “Dĩ thuận giác lộ” (Đã theo đúng con đường giác ngộ), “giác lộ” (覺路) là đại đạo Vô Thượng Bồ Đề. Chư vị phải biết: Vô Thượng Bồ Đề đạo là sở hành của Pháp Thân đại sĩ, là sở hành của hết thảy Ma Ha Tát Đại Bồ Tát; Nhị Thừa và Quyền Giáo đều chẳng có phần, kể cả Biệt Giáo Tam Hiền Bồ Tát đều chẳng có phần. Pháp môn này đặc biệt, chỉ cần quý vị chịu tin, chịu nguyện, thật sự phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, đấy chính là đại đạo Vô Thượng Bồ Đề, là đường tắt để thành Phật. Đại sư Tông Khách Ba (Tsong Khapa) thuộc Hoàng Giáo (Gelug-pa)[1] của Mật Tông Tây Tạng có tác phẩm Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Luận (Lamrim Chenmo)[2]. Chư vị phải hiểu: Bồ Đề đạo [của Mật Tông] là có thứ tự, là leo cầu thang. Bồ Đề đạo của chúng ta là đáp thang máy, ngay lập tức lên đến nơi, chẳng có thứ lớp, dành cho bậc đại thiện căn, đại phước đức tu hành. Hạng người nào là đại thiện căn, đại phước đức? Người thật sự tin tưởng kinh Di Đà và A Di Đà Phật, thật sự nguyện sanh Tịnh Độ, người ấy là đại thiện căn, đại phước đức, gặp gỡ pháp môn này là đại nhân duyên.
(Sao) Huống ký đắc vãng sanh hồ? Vô nhất bất sanh giả, kiến vãng sanh giả thậm đa vô lượng dã.
(鈔)況既得往生乎?無一不生者,見往生者甚多無量也。
(Sao: Huống hồ người đã được vãng sanh ư? “Không một ai chẳng vãng sanh”: Thấy người vãng sanh rất nhiều, số đến vô lượng).
“Vô nhất bất sanh” (Không một ai chẳng vãng sanh), chỉ rõ người vãng sanh quá nhiều, vô lượng vô biên. Chúng sanh căn cơ thuần thục trong mười phương thế giới đều vãng sanh thế giới Cực Lạc. Dưới đây, đại sư đặt ra hai đoạn vấn đáp.
(Sao) Vấn: Sanh giả ký đa vô lượng, kim hà ngẫu nhất kiến chi?
(鈔)問:生者既多無量,今何偶一見之。
(Sao: Hỏi: Người vãng sanh đã nhiều vô lượng, sao nay chỉ đôi khi trông thấy [dăm ba người vãng sanh]?)
Người vãng sanh thế giới Tây Phương nhiều ngần ấy, vì sao chúng ta thấy người vãng sanh rất ít?
(Sao) Đáp: Thập phương thế giới, chúng như vi trần, kỳ vãng sanh giả hà hạn?
(鈔)答:十方世界,眾如微塵,其往生者何限。
(Sao: Đáp: Mười phương thế giới nhiều như vi trần, người vãng sanh từ những cõi ấy há có hạn lượng?)
“Hà hạn” (何限) là chẳng có cách nào tính toán hạn lượng, quá ư là nhiều!
(Sao) Tử kiến Sa Bà, bất kiến trần sát cố.
(鈔)子見娑婆,不見塵剎故。
(Sao: Ông chỉ thấy cõi Sa Bà, chẳng thấy các cõi nước số nhiều như vi trần).
“Tử” (子) là tiếng tôn xưng đối với người khác vào thời cổ; hiện thời nói là “tiên sinh” (先生). Quý vị chỉ thấy thế giới Sa Bà, trên thực tế, “thế giới Sa Bà” ở đây được Liên Trì đại sư dùng để chỉ địa cầu, lại còn chỉ trong một phạm vi nhỏ nhoi là Trung Hoa. Đấy chính là một nguyên nhân khiến cho chúng ta thấy [người vãng sanh] quá ít!
(Sao) Hựu vấn: Sanh giả ký đa vô lượng, bỉ độ hà dĩ dung chi?
(鈔)又問:生者既多無量,彼土何以容之?
(Sao: Lại hỏi: Người vãng sanh đã là nhiều vô lượng, cõi ấy làm sao dung nạp được?)
Ai nấy đều vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, dân cư của thế giới Cực Lạc có bị bành trướng hay không? Dân số có trở thành quá đông hay không? Chẳng ít người có thắc mắc này!
(Sao) Đáp: Thương minh nạp bách xuyên nhi bất dật.
(鈔)答:滄溟納百川而不溢。
(Sao: Đáp: Biển thẳm dung nạp trăm sông mà chẳng đầy tràn).
“Thương minh” (滄溟) là biển cả. Nước từ sông ngòi lớn nhỏ đều đổ vào biển cả, chảy suốt ngày từ sáng đến tối, chảy suốt mấy ngàn năm, cũng chẳng thấy biển cả đầy tràn. Đây là sánh ví Tây Phương Cực Lạc thế giới giống như biển cả, người vãng sanh từ mười phương ví như nước từ sông ngòi.
(Sao) Minh kính hàm vạn tượng nhi hữu dư.
(鈔)明鏡含萬象而有餘。
(Sao: Gương sáng thừa sức chứa đựng muôn hình tượng).
Lại dùng gương để tỷ dụ. Tấm gương ấy chẳng lớn, nhưng gương soi cảnh giới bên ngoài rành mạch, rõ ràng, [cảnh giới bên ngoài] đều được soi trong ấy, gương chẳng lộ vẻ bị tràn ngập.
(Sao) Huống Tịnh Độ hồ!
(鈔)況淨土乎。
(Sao: Huống hồ Tịnh Độ!)
Huống hồ Tịnh Độ của Phật? Tịnh Độ của Phật rốt cuộc là như thế nào? Bốn câu dưới đây sẽ nói rõ:
(Sao) Tức tâm thị độ, tức độ thị tâm, dĩ tâm quy tâm, hà phất dung dã?
(鈔)即心是土,即土是心,以心歸心,何弗容也。
(Sao: Tâm chính là cõi, cõi chính là tâm, dùng tâm để quy vào tâm, lẽ đâu chẳng dung nạp được?)
Câu giải đáp này hoàn toàn là chân tướng sự thật, mà cũng chính là “duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà” như nhà Phật đã nói, là cảnh giới “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại” trong kinh Hoa Nghiêm. Vì sao có thể vô ngại? Chính là do hai câu này: “Tức tâm thị độ, tức độ thị tâm” (Tâm chính là cõi, cõi chính là tâm). Chúng tôi chỉ cần thay thế “tâm” và “độ” bằng chữ khác, chư vị sẽ hiểu rõ: Đổi Tâm thành Tánh, đổi Độ thành Tướng. Tánh chính là Tướng, Tướng chính là Tánh, Tánh và Tướng như nhau, Tánh và Tướng chẳng hai, há có lớn, nhỏ? Há có nhiều, ít? Chúng sanh trong mười phương thế giới niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ chính là “dĩ tâm quy tâm” (dùng tâm để quy vào tâm), lẽ nào chẳng thể dung nạp lẫn nhau? Y báo và chánh báo trang nghiêm trong hư không pháp giới đều là những vật được biến hiện bởi tự tâm. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, đó là chân tâm, đó là bản tánh. Tây Phương Cực Lạc thế giới là Pháp Tánh Độ, chẳng giống thế giới này. Thế giới này của chúng ta là Pháp Tướng Độ. Chỗ Pháp Thân đại sĩ ngự được gọi là Nhất Chân pháp giới. Pháp giới của chúng ta là mười pháp giới, mười pháp giới là Pháp Tướng Độ; Nhất Chân pháp giới là Pháp Tánh Độ. Điều này chẳng thể nghĩ bàn!
(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh phi khứ, lai, kim, thị dĩ sanh, kim sanh, đương sanh nghĩa.
(Diễn) Tự tánh phi khứ, lai, kim, thị dĩ sanh, kim sanh, đương sanh nghĩa giả. Nhược ngôn quá khứ dĩ sanh, hiện tại kim sanh, vị lai đương sanh, thử tắc tam tế thiên lưu, tứ tướng lưu chuyển, phi sanh Tịnh Độ, nãi sanh Sa Bà dã. Duy tự tánh bất lạc tam tế, nãi dĩ sanh, kim sanh, đương sanh nghĩa dã.
(疏)稱理,則自性非去來今,是已生今生當生義。
(演)自性非去來今 。是已生今生當生義者 。若言過去
已生。現在今生。未來當生。此則三際遷流。四相流轉。非生淨土。乃生娑婆也。唯自性不落三際。乃已生今生當生義也。
(Sớ: Xứng Lý thì tự tánh chẳng phải là quá khứ, vị lai, hiện tại chính là ý nghĩa “đã sanh, nay sanh, sẽ sanh”.
Diễn: Tự tánh chẳng phải là quá khứ, vị lai, hiện tại, chính là ý nghĩa “đã sanh, nay sanh, sẽ sanh”: Nếu nói quá khứ là đã sanh, hiện tại là nay sanh, vị lai là sẽ sanh, thì chính là chuyển dời theo ba đời, bị lưu chuyển theo bốn tướng (thành, trụ, hoại, không), chẳng phải là sanh Tịnh Độ, mà là sanh trong Sa Bà! Chỉ có tự tánh chẳng rơi vào ba đời thì mới là ý nghĩa “đã sanh, nay sanh, sẽ sanh”).
Nói xứng tánh, trong Chân Như bản tánh, chẳng có quá khứ, hiện tại, tương lai, chẳng có ba đời, mà cũng chẳng có mười phương. Nếu có mười phương thì còn có xa, gần; có ba đời thì còn có trước, sau. Chẳng có mười phương, bèn chẳng có ba đời; thưa cùng chư vị, chẳng có trước, sau, mà cũng chẳng có xa, gần. Những điều này toàn là chân tướng sự thật, nhưng lũ phàm phu chúng ta rất khó lý giải. Nguyên nhân ở chỗ nào? Vì chúng ta chấp trước có mười phương, chấp trước có ba đời, [sự chấp trước ấy] đã cứng chắc, không có gì phá được, biến thành một thứ thói quen. Nghe đức Phật giảng cảnh giới chân thật này, chúng ta đâm ra cảm thấy hết sức xa lạ, khó thể tiếp nhận. Trên thực tế, những gì đức Phật đã nói chính là chân tướng, còn [những gì] chúng ta trông thấy chính là giả tướng.
(Sao) Vạn niên nhất niệm, hà cổ phi kim. Nhất niệm vạn niên, hà kim bất cổ?
(Diễn) Vạn niên nhất niệm giả, thập thế cổ kim, thỉ chung bất ly đương niệm cố. Vạn niên vi cổ, nhất niệm vi kim. Vạn niên nhất niệm, hà cổ nhi phi kim? Nhất niệm vạn niên giả, nhất niệm phổ quán vô lượng kiếp dã. Nhất niệm vi kim, vạn niên vi cổ. Nhất niệm vạn niên, hà kim nhi phi cổ, hà cổ phi kim? Dĩ kim đoạt cổ dã. Hà kim phi cổ? Dĩ cổ đoạt kim dã. Hỗ đoạt lưỡng vong, tắc cổ kim không hỹ. Tọa đoạn tam tế, đương xứ Tây Phương.
(鈔)萬年一念,何古非今;一念萬年,何今不古。
(演)萬年一念者 。十世古今 。始終不離當念故。萬年
為古。一念為今。萬年一念。何古而非今。一念萬年者。一念普觀無量劫也。一念為今。萬年為古。一念萬年。何今而非古。何古非今。以今奪古也。何今非古。以古奪今也。互奪兩亡。則古今空矣。坐斷三際。當處西方。
(Sao: Vạn năm là một niệm, có gì là xưa mà chẳng phải là nay; một niệm là vạn năm, có gì là nay mà chẳng phải là xưa?
Diễn: “Vạn năm là một niệm”: Do mười đời, xưa nay, từ đầu đến cuối chẳng lìa một niệm ngay trong hiện tại. Vạn năm là cổ, một niệm là kim (hiện tại). Vạn năm là một niệm, có cổ nào chẳng phải là kim? Một niệm là vạn năm, một niệm quán khắp vô lượng kiếp. Một niệm là kim, vạn năm là cổ. Một niệm là vạn năm, có kim nào chẳng phải là cổ? Có cổ nào chẳng phải là kim? Đó là dùng kim để đoạt cổ. Có kim nào chẳng phải là cổ? Đó là dùng cổ để đoạt kim. Hai bên đoạt lẫn nhau, cho nên cùng mất sạch. Vì vậy, cổ lẫn kim đều rỗng không. Dứt bặt ba đời, ngay nơi đây chính là Tây Phương).
“Vạn năm” là thời gian rất dài, “nhất niệm” là thời gian rất ngắn. Vạn năm có thể rút gọn thành một niệm, thời viễn cổ cũng biến thành hiện tại. Một niệm có thể biến thành vạn năm, cho nên hiện tại cũng có thể biến thành viễn cổ. Chư vị phải đọc kỹ hai câu này, trong ấy có huyền cơ, tức là “nhất niệm”. Trong “một”, chẳng có phân biệt, chấp trước, chẳng có chướng ngại. Hai niệm bèn có phân biệt, chấp trước, tức là có chướng ngại. Người sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, ai nấy đều chứng đắc nhất tâm bất loạn. Nay đã niệm đến mức nhất tâm bất loạn, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, phẩm vị của quý vị càng cao. Nay chưa niệm đến mức nhất tâm bất loạn, chúng ta thường nói là “chỉ niệm đến mức công phu thành phiến”, khi A Di Đà Phật đến tiếp dẫn chúng ta vãng sanh, Phật quang vừa chiếu gội, tội của chúng ta liền diệt, nghiệp chướng cũng chẳng còn, bèn đắc nhất tâm. Bản thân chúng ta là công phu thành phiến, Phật đến tiếp dẫn, Phật quang vừa gia trì, chúng ta được nâng cao thành nhất tâm bất loạn. Điều này chẳng phải là do chúng ta tu được, mà là do Phật gia trì bèn đạt được. Do như vậy mà đạt được nhất tâm bất loạn. Vì thế, người sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới có trí huệ và thần thông to tát dường ấy, đạo lý ở ngay chỗ này. Đó là do được bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì.
Một niệm không chỉ là một vạn năm! “Vạn” chẳng phải là một
con số, [mà có nghĩa] là vô lượng. Vô lượng kiếp có thể biến thành một niệm, đều ở ngay trong hiện tiền! Chẳng có ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai; ba đời đều là cảnh giới hiện tiền, cũng chẳng có mười phương xa hay gần, hết thảy các cõi Phật đều ở ngay trước mặt. Chúng ta rất khó tưởng tượng cảnh giới ấy, cho nên gọi nó là “chẳng thể nghĩ bàn”. Có đôi chút giống như phim lập thể (3D) trong hiện thời: Vô lượng vô biên cõi nước đều ở ngay trước mắt, tùy thuộc ý niệm của quý vị. Ý niệm là sóng, giống như sóng điện, mong thấy thế giới nào, thế giới ấy bèn hiện tiền, chính mình tiến nhập. Vì thế, xác thực là chẳng có xa, gần, trước, sau. Đã thành Phật, chẳng thể nói vị nào là Phật trước, vị nào là Phật sau, chẳng có! Nếu còn có Phật trước, Phật sau, thưa cùng chư vị, đó là Phật trong mười pháp giới, tuyệt đối chẳng phải là Nhất Chân pháp giới. Trong mười pháp giới thì có xa, gần, có trước, sau; vượt thoát mười pháp giới, bèn chẳng có xa, gần, chẳng có trước, sau. Đây là nêu ra Lý. Sau khi đã hiểu rõ Lý, Sự bèn dễ hiểu.
(Sao) Tắc niệm niệm du hành lạc quốc.
(鈔)則念念遊行樂國。
(Sao: Tức là niệm nào cũng dạo chơi cõi an vui).
“Lạc quốc” là cõi nước của hết thảy chư Phật, nơi Phật ngự đều là Tịnh Độ.
(Sao) Thời thời lễ cận từ tôn.
(鈔)時時禮覲慈尊。
(Sao: Lúc nào cũng lễ bái, thân cận đức Từ Tôn).
“Từ tôn” (慈尊) là mười phương hết thảy chư Phật Như Lai. Khi ấy, chẳng phải là thân cận một vị Phật, hai vị Phật, mà là đồng thời thân cận vô lượng vô biên chư Phật Như Lai, đồng thời nhiếp nhập vô lượng vô biên cõi nước của chư Phật. Kinh Hoa Nghiêm nói “trùng trùng vô tận pháp giới”. Kinh Hoa Nghiêm dùng “Nhân Đà La võng” (cái lưới của Indra, tức lưới của Đế Thích) để tỷ dụ sự trùng trùng vô tận, là một cảnh giới như thế đó. Quốc sư Hiền Thủ ở trong hoàng cung giảng cảnh giới này, mọi người nghe xong, cảm thấy rất khó hiểu. Quốc sư Hiền Thủ xin hoàng đế dựng một cái đình bát giác, ở mỗi cạnh đều đặt một tấm gương lớn. Tám tấm gương chiếu lẫn nhau. Sư mời đế vương đứng ở giữa, [nhà vua và quần thần thấy] bốn phương tám hướng chẳng biết có bao nhiêu thân thể! Trùng trùng nhiếp nhập giống như cảnh giới ấy, họ bèn thấu hiểu. Đồng thời hiện thân, đồng thời nhiếp nhập trong vô lượng vô biên các cõi nước của chư Phật, xác thực là cảnh giới ấy, chẳng có cõi nào không hiện thân. Đấy mới là chứng minh “kiến thế chi trung dĩ thuận giác lộ” (ngay trong hiện đời, đã đi theo đúng con đường giác ngộ), chỉ rõ đại đạo Vô Thượng Bồ Đề chẳng có thứ lớp, viên mãn rốt ráo.
(Sao) Thùy phi vãng sanh giả.
(Diễn) Thùy phi vãng sanh giả, thử xuất tam tế thời dã.
(鈔)誰非往生者。
(演)誰非往生者。此出三際時也。
(Sao: Có ai chẳng phải là người vãng sanh?
Diễn: “Có ai chẳng phải là người vãng sanh”: Đấy chính là vượt thoát thời gian bị hạn cuộc trong ba đời vậy).
Có kẻ nào chẳng phải là người vãng sanh? Dưới đây là nói đến ba thứ tâm bất khả đắc.
(Sao) Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc. Ký vô kỳ tâm, thùy thị vãng sanh giả?
(Diễn) Quá khứ hạ, tam tế cầu tâm, tâm bất hữu. Tâm bất hữu xứ, vọng nguyên vô. Vọng nguyên vô xứ tức Bồ Đề. Sanh tử Niết Bàn bổn bình đẳng. Tắc thùy thị vãng sanh giả, thử không tam tế tâm dã. Hựu thùy thị vãng sanh giả, sanh nhi vô sanh dã. Thùy phi vãng sanh giả, vô sanh nhi sanh dã.
(鈔)過去心不可得,現在心不可得,未來心不可得,既無其心,誰是往生者。
(演)過去下。三際求心心不有。心不有處妄元無。妄元無處即菩提。生死涅槃本平等。則誰是往生者。此空三際心也。又誰是往生者。生而無生也。誰非往生者。無生而生也。
(Sao: Tâm quá khứ chẳng thể được, tâm hiện tại chẳng thể được, tâm vị lai chẳng thể được. Đã không có những tâm ấy, ai là người vãng sanh?
Diễn: Từ chữ “quá khứ” trở đi, cầu tâm nơi ba đời, tâm chẳng có. Tâm đã chẳng có ở bất cứ nơi đâu, thì vọng vốn là không. Vọng vốn là không thì chính là Bồ Đề. Sanh tử và Niết Bàn vốn bình đẳng, cho nên ai là người vãng sanh? Đấy chính là chẳng có cái tâm ba đời. Lại nữa, ai là người vãng sanh? Do sanh mà vô sanh vậy! Có ai chẳng phải là người vãng sanh? Chính là vì vô sanh mà sanh vậy).
Ở chỗ này bèn dung hợp hai câu hỏi lại.
(Sao) Vô sanh nhi sanh.
(鈔)無生而生。
(Sao: Vô sanh mà sanh).
“Vô sanh mà sanh, sanh mà vô sanh”, từ chỗ này diễn dịch thành hai vấn đề ấy.
(Sao) Thị danh dĩ sanh, kim sanh, đương sanh.
(鈔)是名已生今生當生。
(Sao: Gọi là đã sanh, nay sanh và sẽ sanh).
Quý vị thật sự hiểu rõ đạo lý và chân tướng sự thật này, sẽ có thể thấu hiểu ý vị “dĩ sanh, kim sanh, đương sanh” do đức Phật đã nói. Đức Phật nói lời này chính là lời lẽ phương tiện dành cho đại chúng hiện tiền chúng ta, tức là nói tùy thuận Tục Đế, [ngõ hầu] chúng ta sẽ nghe hiểu, có thể lý giải. Nếu chẳng tham thấu triệt Lý, chẳng sao cả! Cứ tin tưởng nơi Sự là được rồi! Đã phát nguyện, đã sanh, hiện thời phát nguyện, hiện thời vãng sanh; tương lai gặp được pháp môn này bèn phát nguyện, trong tương lai nhất định được vãng sanh. Quý vị đã hiểu rõ nơi mặt Sự, có thể tin sâu chẳng nghi, sẽ đạt được lợi ích.
Tam, tổng kết tín nguyện.
(Kinh) Thị cố, Xá Lợi Phất! Chư thiện nam tử, thiện nữ nhân, nhược hữu tín giả, ưng đương phát nguyện, sanh bỉ quốc độ.
三、總結信願 。
(經)是故舍利弗。諸善男子善女人。若有信者。應當發願。生彼國土。
(Ba, tổng kết tín nguyện.
Kinh: Do vậy, Xá Lợi Phất! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân, nếu là người có lòng tin, hãy nên phát nguyện sanh về cõi nước ấy).
Đây là khuyên lần thứ tư. Kinh Di Đà chẳng dài, là một bộ kinh nhỏ, ngắn ngủi như thế, [thế mà] ở trong ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật bốn lần khuyên dạy chúng ta. Đúng là một rồi hai lượt, hai lượt rồi ba lượt, ba lượt rồi bốn lượt, chẳng ngại phiền khuyên lơn chúng ta vãng sanh. Chư vị còn phải ghi nhớ: Chẳng phải là một mình Thích Ca Mâu Ni Phật khuyên, mà là sáu phương chư Phật cùng khuyên. Sáu phương chư Phật đại diện cho mười phương hết thảy chư Phật Như Lai, thảy đều khuyên nhủ. [Thế mà] còn có kẻ dẫu được khuyên vẫn cứ trơ trơ! Kẻ ấy nghiệp chướng rất nặng, hết thảy chư Phật khuyên nhủ, kẻ ấy vẫn chẳng động tâm. Người hơi có thiện căn và phước đức, đọc kinh văn như vậy, trông thấy cảnh giới ấy, có lẽ nào chẳng phát nguyện? Trong các kinh điển khác, chúng ta chưa từng thấy điều này. Tuy Tịnh Tông có ba kinh, thiết yếu nhất là kinh Di Đà. Kinh Vô Lượng Thọ giới thiệu cặn kẽ, nhưng chẳng nhọc công khuyên lơn như thế, chẳng có bốn lần khuyên nhủ. Hết thảy chư Phật Như Lai bốn lần khuyên lơn, khích lệ chúng ta, chỉ có mình bộ kinh này! Nếu được khuyên mà vẫn cứ trơ trơ, kẻ ấy phải là phường Nhất Xiển Đề như trong kinh đã nói, chẳng có thiện căn!
Trong bản kinh này, nơi trang bốn trăm mười bốn, kinh văn chép: “Xá Lợi Phất! Chúng sanh văn giả, ưng đương phát nguyện, nguyện sanh bỉ quốc” (Này Xá Lợi Phất! Chúng sanh nghe vậy, hãy nên phát nguyện, nguyện sanh về cõi ấy). Đó là khuyên lần đầu. Kinh văn nơi trang năm trăm mười hai chép: “Xá Lợi Phất! Ngã kiến thị lợi, cố thuyết thử ngôn. Nhược hữu chúng sanh, văn thị thuyết giả, ưng đương phát nguyện, sanh bỉ quốc độ” (Này Xá Lợi Phất! Ta thấy điều lợi ấy, nên nói lời đó. Nếu có chúng sanh, nghe lời nói ấy, hãy nên phát nguyện, sanh vào cõi ấy). Đấy là khuyên lần thứ hai. Kinh văn trong trang năm trăm sáu mươi lăm có chép: “Thị cố Xá Lợi Phất! Nhữ đẳng giai đương tín thọ ngã ngữ, cập chư Phật sở thuyết” (Do vậy, Xá Lợi Phất! Các ông hãy nên tin lời ta và lời chư Phật đã nói). Đó là khuyên lần thứ ba. Nay chúng ta thấy ở chỗ này: “Nhược hữu tín giả, ưng đương phát nguyện, sanh bỉ quốc độ” (Nếu có kẻ nào tin tưởng, hãy nên phát nguyện, sanh vào cõi nước ấy). Đó là khuyên lần thứ tư. Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết pháp bốn mươi chín năm, giảng kinh hơn ba trăm hội, chưa từng thuyết pháp kiểu ấy. Quý vị mới biết kinh này có tầm trọng yếu ngần ấy đối với hết thảy đại chúng học Phật.
(Sớ) Thượng ngôn hữu nguyện tất sanh.
(疏)上言有願必生。
(Sớ: Trong phần trước có nói: “Có nguyện ắt sanh”).
Trong một đoạn kinh văn ở phần trước có nói [như thế].
(Sớ) Tắc nhân quả lịch nhiên.
(疏)則因果歷然。
(Sớ: Tức là nhân quả rành rành).
“Lịch” (歷) là rành mạch, rõ ràng. Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả. Niệm Phật thành Phật, nhân quả ấy rành mạch, rõ ràng. Đó là chánh đạo Bồ Đề.
Thuở tôi mới học Phật, tức là hơn bốn mươi năm trước. Khi đó, tôi hai mươi sáu tuổi. Chương Gia đại sư giới thiệu tôi đọc Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Luận của ngài Tông Khách Ba (Tsong Khappa). Ngài Tông Khách Ba là thầy của đại sư [Chương Gia]. Bốn vị lạt-ma Đạt Lại (Dalai), Ban Thiền (Panchen), Triết Bố Tôn Đan Ba (Jebtsundamba Khutuktu), và Chương Gia (lCang-skya, Zangia Hutagt) đều là học trò của ngài Tông Khách Ba. Chúng tôi gặp kinh này mới biết: Pháp môn này chẳng cần thứ lớp, chẳng cần rắc rối như vậy, mà đơn giản, dễ dàng, ổn thỏa, thích đáng, nhanh chóng. Lại còn thành tựu rốt ráo viên mãn. Chúng ta đọc lời khai thị về Niệm Phật của Ngẫu Ích đại sư, đối với những câu nói của lão nhân gia, thật sự khẳng định, hoàn toàn tin tưởng: Xác thực là viên siêu (圓超: siêu việt viên mãn), viên thâu (圓收: “thâu” là bao dung). Bộ kinh A Di Đà này siêu việt viên mãn hết thảy các kinh điển, bao hàm viên mãn hết thảy các kinh điển. Không chỉ là những kinh do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói, mà kinh do mười phương hết thảy chư Phật Như Lai đã nói, đều chẳng thể vượt ra ngoài kinh A Di Đà! Tất cả đều thuộc trong phạm vi của bộ kinh này. Chuyện này thật sự chẳng thể nghĩ bàn! Tuy kinh Di Đà được lưu truyền rất rộng, mọi người dùng kinh này để niệm trong khóa tối, [thế mà] người hiểu rõ chân tướng sự thật này, chẳng có mấy ai! Vì vậy, tụng kinh niệm Phật “miệng có, tâm không”, nguyên nhân là vì chưa hiểu rõ ràng. Nếu thật sự hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch, đọc, tụng, thọ trì sẽ là cảm ứng đạo giao, hiệu quả hoàn toàn khác hẳn!
(Sớ) Kỳ khủng bất tín.
(疏)祇恐不信。
(Sớ: Chỉ sợ không tin).
Kẻ không tin rất nhiều. Vì thế, pháp môn này được gọi là “pháp khó tin”.
(Sớ) Dữ tín nhi bất nguyện nhĩ.
(疏)與信而不願耳。
(Sớ: Và kẻ tin mà chẳng nguyện).
Còn có kẻ có thể tin. Tuy có thể tin, kẻ ấy chẳng phát tâm vãng sanh Tịnh Độ, chẳng muốn đến Tịnh Độ. Vì sao kẻ ấy chẳng mong vãng sanh? Kẻ đó chẳng biết lợi ích chân thật của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nếu kẻ ấy biết, sức mạnh nào cũng đều chẳng ngăn cản kẻ ấy được, quyết định sẽ vãng sanh.
(Sớ) Cố tổng kết tín nguyện, ngôn: “Bất tín tắc dĩ, nhược hữu tín giả, ưng đương nguyện vãng”. Thị vi đệ tứ trùng khuyến.
(疏)故總結信願,言不信則已,若有信者,應當願往,是為第四重勸。
(Sớ: Vì thế, tổng kết tín nguyện, nói: “Kẻ chẳng tin thì thôi. Nếu là người đã tin, hãy nên nguyện vãng sanh”. Đó là khuyên lần thứ tư).
“Trùng” (重) là lặp lại, khuyên chúng ta lần thứ tư.
(Sao) Đệ tứ khuyến giả, tùng sơ nhi tái, giai minh phát nguyện cầu sanh.
(鈔)第四勸者,從初而再,皆明發願求生。
(Sao: Khuyên lần thứ tư: Từ lần đầu cho đến lần thứ hai đều nói rõ: [Người nghe kinh này], hãy nên phát nguyện cầu sanh).
[Đó là nội dung của lời khuyên] lần đầu và lần thứ hai.
(Sao) Chí ư tam trung, phục minh nguyện tùng tín khởi.
(鈔)至於三中,復明願從信起。
(Sao: Cho đến lần thứ ba, lại nói rõ nguyện do tín mà khởi).
Khuyên lần thứ ba là khuyên chúng ta nhất định phải tin tưởng lời đức Phật dạy, quyết định chớ nên hoài nghi. Nếu không, quý vị sẽ bỏ lỡ lợi ích thù thắng ấy, đúng là quá đáng tiếc. Điều này nói thật ra là “trăm ngàn vạn kiếp khó gặp gỡ”, đúng vậy, chẳng giả tí nào! Chúng ta rất may mắn gặp gỡ, đã gặp mà còn bỏ lỡ, quá đáng tiếc! Đây là nói rõ: Nguyện sanh khởi từ Tín.
(Sao) Như thượng tam trùng, chỉ thị khuyến thuyết ưng đương phát nguyện, vị hiển phát nguyện công đức.
(鈔)如上三重,止是勸說應當發願,未顯發願功德。
(Sao: Ba lần khuyên trên đây, chỉ là khuyên hãy nên phát nguyện, chưa nói rõ công đức do phát nguyện).
Ba lượt khuyên dạy mà chẳng nói rõ công đức của việc phát nguyện.
(Sao) Kim ngôn quá, vị, hiện tại, đản hữu nguyện giả, vô nhất bất sanh, phương tri nguyện lực như thị quảng đại, yên khả bất tín, yên khả bất nguyện, cố vân tứ khuyến, cố vân tổng kết.
(鈔)今言過未現在,但有願者,無一不生,方知願力如是廣大,焉可不信,焉可不願,故云四勸,故云總結。
(Sao: Nay nói: Quá khứ, vị lai, hiện tại, chỉ cần là người có nguyện, không một ai chẳng vãng sanh, mới biết nguyện lực rộng lớn như thế, há nên chẳng tin, há nên chẳng nguyện? Vì vậy, nói là “khuyên lần thứ tư”, nói là “tổng kết”).
Đến chỗ này, công đức và lợi ích do phát nguyện đều nói rõ ràng. Quá khứ phát nguyện, bèn vãng sanh trong quá khứ. Hiện tiền phát nguyện, hiện tiền vãng sanh. Tương lai phát nguyện, tương lai nhất định vãng sanh. Lợi ích đều được nêu ra. Vì thế, trong sách Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã bảo: Có thể vãng sanh Tịnh Độ hay không, “hoàn toàn do có tín nguyện hay không” chính là đã căn cứ vào phần kinh văn của bốn lần khuyên lơn để nói. Phẩm vị cao hay thấp là “do công phu trì danh sâu hay cạn”. Vãng sanh chỉ cần trọn đủ tín nguyện, lâm chung một tiếng hoặc mười tiếng Phật hiệu, cũng đều vãng sanh. Trong ba tư lương Tín, Nguyện, Hạnh, lâm chung một niệm hay mười niệm, người ấy cũng có Hạnh. Vì thế, điểm then chốt để vãng sanh là tín nguyện, do công phu trì danh mà phẩm vị sanh vào thế giới Tây Phương sẽ cao hay thấp. Do vậy, chúng ta phải phát nguyện vãng sanh, phải nhất tâm trì danh. Vì sao? Phẩm vị cao hay thấp trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là thật, là điều chúng ta có thể đạt được, chứ tiếng tăm, lợi dưỡng trong thế gian này, hết thảy đều giả trất, thứ gì cũng đều chẳng đem theo được! Chẳng đem theo được, mà lãng phí quá nhiều tinh lực và thời gian trong đó, thì gọi là “ngu si”. Người thật sự tu hành, đối với hết thảy mọi thứ trong thế gian này, bất luận là thuận cảnh hay nghịch cảnh, thảy đều hoan hỷ, hết thảy đều tùy duyên, đều là rất tốt đẹp, đều chẳng có chuyện gì! Điều thật sự khẩn yếu là nắm chắc câu Phật hiệu, điều đó là khẩn yếu! Chúng ta mang điều ấy theo được. Đấy chính là chúng ta đã biết công đức và lợi ích chân thật. “Yên khả bất tín” (Há nên chẳng tin), có thể nào chẳng tin? Có thể nào chẳng phát nguyện?
(Sao) Trí Giả vân.
(鈔)智者云。
(Sao: Ngài Trí Giả nói).
Đời Tùy, Thiên Thai Tông Trí Giả đại sư.
(Sao) Hỏa xa tướng hiện, thượng đắc vãng sanh, Giới Định huân tu, công bất khả đường quyên hỹ, tín chi chí dã.
(鈔)火車相現,尚得往生,戒定薰修,功不可唐捐矣,信之至也。
(Sao: Tướng xe bốc lửa hiện, còn được vãng sanh. Giới Định huân tu, công chẳng luống uổng, tin tưởng tột bậc vậy).
Đây là tín tâm đạt đến tột bậc! “Hỏa xa tướng hiện”: “Hỏa xa” chính là Hỏa Xa địa ngục. Khi còn là phàm phu tu hành, Thích Ca Mâu Ni Phật đã từng đọa vào Hỏa Xa địa ngục. Kinh Phật Bổn Hạnh có chép câu chuyện này. Đức Phật nói Ngài ở trong Hỏa Xa địa ngục. Tình huống trong Hỏa Xa địa ngục là như thế nào? Tội nhân kéo cái xe bốc lửa, [nghĩa là] xe ấy được nung đến mức sắt cháy đỏ rực, [quỷ sứ] rút gân tội nhân làm thừng để kéo cái xe đó. Chịu tội khổ trong địa ngục ấy, khổ chẳng thể nói nổi! Nhóm Thích Ca Mâu Ni Phật [thuở ấy] là mấy người kéo một xe. Ngài thấy mọi người rất đáng thương, bèn cầu xin quỷ tốt ngưu đầu mã diện (đầu trâu mặt ngựa): “Người kế bên tôi khổ quá, rút gân chẳng được. Rút thêm một sợi gân của tôi để thế cho người ấy, có được hay không?” Tên tiểu quỷ ấy vung lang nha bổng[3] đập chết Thích Ca Mâu Ni Phật: “Ngươi còn có hảo tâm toan giúp đỡ họ ư!” Một bổng đập chết Ngài, do bị đập chết trong địa ngục, Ngài bèn siêu sanh. Phát một niệm từ bi tâm, bèn từ địa ngục siêu sanh.
(Diễn) Hỏa xa tướng hiện giả, Quán Kinh hạ phẩm văn vân: “Hoặc hữu chúng sanh, thâu tăng-kỳ vật, bất tịnh thuyết pháp, vô hữu tàm quý, dĩ chư ác nghiệp, nhi tự trang nghiêm. Như thử ác nhân, mạng dục chung thời, địa ngục chúng hỏa, nhất thời câu chí. Ngộ thiện tri thức, giáo linh niệm Phật, tầm đắc vãng sanh”.
(演)火車相現者,觀經下品文云:或有眾生,偷僧祇物,不淨說法,無有慚愧,以諸惡業,而自莊嚴。如此惡人,命欲終時,地獄眾火一時俱至。遇善知識,教令念佛,尋得往生。
(Diễn: “Tướng xe lửa hiện”: Phần Hạ Phẩm trong Quán Kinh có nói: “Nếu có chúng sanh trộm đồ vật Tăng-kỳ, bất tịnh thuyết pháp, chẳng hề hổ thẹn, dùng các ác nghiệp để tự trang nghiêm. Kẻ ác như vậy, khi mạng sắp hết, các thứ lửa trong địa ngục cùng lúc ùa tới. Gặp thiện tri thức, dạy kẻ ấy niệm Phật, liền được vãng sanh”).
Hiện thời kẻ hữu ý hay vô tình phạm tội này chẳng ít. Có lắm kẻ phạm phải tội lỗi này, nhưng xác thực là chính họ không biết, lại còn chẳng biết do phạm những tội lỗi ấy, trong tương lai sẽ mắc phải khổ báo nặng nề dường ấy. Tuy đọc kinh văn, cũng luôn là hồ đồ, đọc loáng thoáng lướt qua, giống như chẳng có gì liên quan tới chính mình, có thể nói là rất hời hợt, vô ý! “Thâu Tăng-kỳ vật”: Tăng-kỳ là tăng đoàn, nay chúng ta nói là đạo tràng Phật giáo. “Thâu đạo” (偷盜: trộm cắp) là không cho mà lấy. Đừng nói là người bình phàm dùng trộm vật của thường trụ tội rất nặng, người xuất gia cũng chẳng được phép; nhưng hiện thời, Phật pháp chỗ nào cũng suy vi đến tột cùng, đoàn thể Phật giáo thật sự đúng như pháp tôi chưa hề thấy, mà cũng chẳng hề nghe nói tới. Thế nhưng chúng tôi hết sức mong mỏi có một đoàn thể đúng pháp như vậy xuất hiện trên thế gian này, chúng tôi thường nói là “tăng đoàn Lục Hòa Kính”. Nay tuy chúng ta nói tới Lục Hòa Kính, ở ngoài mặt thì hòa hợp khá lắm, bên trong vẫn là bất hòa, [nguyên nhân là do] cách nghĩ và cách nhìn khác biệt. Chỉ cần có cách nghĩ và cách nhìn khác biệt, sẽ vĩnh viễn chẳng có cách nào đạt tới hòa kính. Tăng đoàn Lục Hòa thật sự kiến lập từ nơi đâu? Chính là cách nghĩ và cách nhìn của chính mình thảy đều bỏ hết, hoàn toàn chẳng đòi hỏi [kẻ khác phải chấp nhận] cách nghĩ của chính mình là chánh xác, “các ngươi phải giống hệt như ta”, chẳng phải là như vậy! Thích Ca Mâu Ni Phật cũng chẳng đòi hỏi kẻ khác như thế. Thích Ca Mâu Ni Phật là tất cả hết thảy tri kiến và cách nghĩ thảy đều buông bỏ, tâm địa sạch làu làu, chẳng nhiễm mảy trần, chẳng sanh một niệm. Mỗi người trong đoàn thể đại chúng đều buông xuống, tâm mỗi người đều thanh tịnh, chẳng sanh một niệm. Đó là Kiến Hòa Đồng Giải, được kiến lập như thế đó. Đối với cách nói này của đức Phật, chúng ta quả thật bội phục!
“Bất tịnh thuyết pháp”: Phương thức hoằng pháp rất nhiều, không chỉ là thuyết pháp trên giảng đài. Nhưng hoằng pháp mà nghĩ tới tiếng tăm, lợi dưỡng, đó là bất tịnh. Hễ có mảy may tâm phan duyên tiếng tăm, lợi dưỡng, đó là bất tịnh thuyết pháp. Làm chuyện hoằng pháp lợi sanh, dẫu cho [làm chuyện ấy vì] danh lợi, [dẫu] chính mình chẳng hưởng thụ [danh lợi ấy] thì vẫn không được, tâm quý vị chẳng thanh tịnh. Điều này hết sức quan trọng! Người thế gian tưởng làm chuyện tốt chính là chuyện tốt đẹp, chưa chắc! Bàng cư sĩ đã dạy chúng ta: “Chuyện tốt chẳng bằng vô sự”, “vô sự” mới là chuyện tốt đẹp thật sự. Chư Phật, Bồ Tát trong tận hư không khắp pháp giới thị hiện các thứ thân, các thứ tướng hòng lợi ích hết thảy chúng sanh. Các Ngài là “làm mà chẳng làm, chẳng làm mà làm”. Các Ngài chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, điều gì cũng đều chẳng mong cầu, cũng chẳng thấy là cái do chính mình có. Tâm thanh tịnh, làm mà không làm. Tuyệt đối chẳng suy tưởng phan duyên làm chuyện gì, [hễ phan duyên] thì sai mất rồi! Tùy duyên, chẳng phan duyên. Hễ phan duyên, tâm chúng ta chẳng thanh tịnh.
“Vô hữu tàm quý, dĩ chư ác nghiệp, nhi tự trang nghiêm” (Chẳng hề hổ thẹn, dùng các ác nghiệp để tự trang nghiêm): Tạo tác các thứ ác nghiệp, vẫn cứ tự tưởng là thanh danh rất lớn, rất nổi tiếng, có địa vị cao cả trong xã hội. Kẻ ấy muốn làm chuyện ấy, ngỡ đó là tự trang nghiêm chính mình. Làm theo kiểu đó, trọn chẳng biết là tạo tội nghiệp, quả báo trong tương lai là địa ngục A Tỳ, hết sức đáng thương! Hiện thời phong khí trong xã hội cũng là chẳng thể nghĩ bàn. Khắp nơi trên toàn thế giới gào rống: “Bảo vệ quyền tài sản trí huệ”. Danh từ này mấy năm gần đây mới nghe thấy, trước kia chẳng có! Bảo vệ quyền tài sản trí huệ, trên thực tế là đảm bảo quý vị đọa địa ngục!
Đặc biệt là đối với Phật pháp, Phật pháp là trí huệ. Trí huệ của Phật pháp nhằm lợi ích và phổ độ chúng sanh. Kinh Hoa Nghiêm có dạy: Nếu chẳng hoằng pháp, độ chúng sanh, chẳng thể gọi là người báo đáp ân Tam Bảo. Chúng ta báo đáp ân đức của Phật, Bồ Tát, chỉ có một chuyện là hoằng pháp lợi sanh, lưu thông Phật pháp. [Kẻ hô hào bảo vệ quyền tài sản trí huệ trong Phật pháp] đã ngăn cấm Phật pháp, chẳng cho phép lưu thông! Ngay cả ấn hành kinh sách, hiện thời, tôi thấy người ta tặng cho một bộ kinh Hoa Nghiêm, phía sau, trên trang ghi bản quyền có đề: “Sở hữu bản quyền, chẳng được phép in lại”. Thành ra thể thống chi nữa? Kinh Hoa Nghiêm nghiễm nhiên trở thành bản quyền của kẻ đó, thành [tài sản riêng] của kẻ đó. Chẳng phải rõ ràng là đã ăn trộm bản quyền của Thích Ca Mâu Ni Phật ư? Trong tương lai, đọa vào địa ngục A Tỳ, có chối cũng chẳng được, vừa thấy chuyện bản quyền, chứng cứ ở ngay đây nè! Đừng nói là Phật, Bồ Tát, [ngay cả] cổ thánh tiên hiền cũng niệm niệm đều hy vọng người khác tốt đẹp, niệm niệm đều hy vọng giúp đỡ xã hội an định, phồn vinh, giúp đỡ hết thảy chúng sanh có thể đạt được hạnh phúc mỹ mãn. Người ta in lại, hoan hỷ còn chưa xuể, lẽ đâu còn muốn giữ bản quyền? Chưa hề nghe nói! Do vậy, có thể biết: Chúng ta có thể suy ra, con người mai sau ngày càng ngu si, vì mắc phải quả báo ngu si do tiếc pháp. Khi lâm chung, gặp gỡ thiện hữu hoặc thiện tri thức dạy kẻ ấy niệm Phật, đều có thể vãng sanh. Đấy là tín tâm đạt đến tột bậc. Chúng ta niệm Phật, phát nguyện cầu vãng sanh, quyết định được vãng sanh, chẳng có hoài nghi tí nào!
(Sao) Vĩnh Minh vân: “Kiếp thạch khả ma, ngã nguyện vô dịch hỹ”. Nguyện chi chí dã.
(Diễn) Kiếp thạch khả ma giả, hữu thạch phương viên đại nhất do- tuần, dĩ chư thiên lục thù y, quá ngũ bách niên, nãi phất nhất thứ, ma thử thạch tận, danh vi nhất kiếp.
(鈔)永明云:劫石可磨,我願無易矣。願之至也。
(演)劫石可磨者。有石方圓大一由旬。以諸天六銖衣。過五百年乃拂一次。磨此石盡。名為一劫。
(Sao: Ngài Vĩnh Minh nói: “Kiếp thạch có thể mòn, nguyện của ta chẳng đổi”. Đó là nguyện đến tột bậc vậy.
Diễn: “Kiếp thạch có thể mòn”: Có một hòn đá vuông vắn một do-tuần, dùng cái áo nặng sáu thù[4] của chư thiên, cứ qua năm trăm năm bèn phất qua tảng đá ấy một lần, cho đến khi mài mòn sạch tảng đá ấy thì gọi là một kiếp).
Đây là đức Phật dùng tỷ dụ để nói. Có một tảng đá lớn, tảng đá ấy lớn cỡ nào? To một do-tuần. Một do-tuần: Tiểu do-tuần là bốn mươi dặm. Một khối đá to ngần ấy! Chất liệu quần áo của chư thiên mặc rất mỏng, rất nhẹ. Mỗi năm trăm năm, vị trời ấy đi qua đó một lần, ống tay áo phất qua [tảng đá đó]. Tới năm nào, tảng đá ấy bị mài mòn hết sạch, bèn gọi là một kiếp. Đây là nói rõ thời gian một kiếp dài bao lâu. Kiếp thạch có thể bị mài mòn, nguyện cầu sanh Tịnh Độ của ta quyết định chẳng thay đổi. Vĩnh Minh đại sư dùng tỷ dụ này để nói, “nguyện chi chí dã” (nguyện đạt tới tột cùng). Vì thế, tín và nguyện của chúng ta đều phải giống như tổ sư vậy.
(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh như trí minh khế, thị tín nguyện song thành nghĩa.
(疏)稱理,則自性如智冥契,是信願雙成義。
(Sớ: Xứng Lý, Như và Trí trong tự tánh ngầm khế hợp chính là ý
nghĩa “tín và nguyện cùng thành tựu”).
“Tự tánh Như” là nói theo Lý. “Tự tánh Trí” là nói theo Bát Nhã vốn sẵn có. Vạn pháp đều Như, chẳng có pháp nào không Như. Như là tự tánh, là bản thể của tự tánh. Trí và Như là một, chẳng hai, đó là “minh khế” (冥契: ngầm khế hợp). Ông Âu Dương Cánh Vô nói: “Phật giáo chẳng phải là triết học”. Lời ấy bắt nguồn từ đâu? Trong Triết Học, Lý và Sự tách rời, chẳng phải là một. Tâm và vật tách rời, chúng là đối lập, cũng là “tương đối” như chúng ta nói trong hiện tại. Trong Phật pháp, chẳng có tương đối. Tuy Phật pháp nói Nhị Biên, nhưng Nhị Biên là một, chẳng phải là hai; giống như trong Tâm Kinh, Phật pháp nói Sắc và Không, nhưng Sắc và Không là một, chẳng hai: “Sắc chính là Không, Không chính là Sắc”. Trong Triết Học, Sắc là Sắc, Không là Không, Sắc chẳng phải là Không, Không chẳng phải là Sắc. Đó là nói theo Triết Học. Vì thế, Phật pháp chẳng phải là Triết Học. Đấy là từ Tánh và Thể mà nói tới Tín và Nguyện. Tín và Nguyện là một, chẳng hai. Hễ có Tín, quyết định có Nguyện; có Nguyện, đương nhiên là có Tín.
(Sao) Thuần nhiên chân thật nhi bất hư giả, tự tánh Như dã, thị chi vị Tín.
(鈔)純然真實而不虛者,自性如也,是之謂信。
(Sao: Chân thật, thuần nhất, chẳng hư dối, chính là tự tánh Như. Đó gọi là Tín).
“Như” là Chân Như, là bản tánh. “Tín” xuất sanh từ chân tánh.
(Sao) Xí nhiên xuất sanh nhi vô tận giả, tự tánh trí dã, thị chi vị Nguyện.
(鈔)熾然出生而無盡者,自性智也,是之謂願。
(Sao: “Hừng hực xuất sanh vô tận” chính là Tự Tánh Trí, đó gọi là Nguyện).
“Xí” (熾) là tỷ dụ, giống như lửa, cháy hết sức mạnh mẽ. “Tự tánh Trí dã” (Là tự tánh Trí), trí huệ là vô tận. “Thị chi vị Nguyện”: Điều đó gọi là Nguyện.
(Sao) Như minh hồ Trí, Trí khế hồ Như.
(鈔)如冥乎智,智契乎如。
(Sao: Như ngầm hợp Trí, Trí khế hợp Như).
Như có thể sanh ra Trí, Trí do Như sanh, xác thực là một, chẳng hai. Nói cách khác, một đằng là Thể, một đằng là Dụng. Thể và Dụng là một, chẳng hai.
(Sao) Trí ngoại vô Như, Như ngoại vô Trí.
(鈔)智外無如,如外無智。
(Sao: Ngoài Trí chẳng có Như, ngoài Như chẳng có Trí).
Đấy là nói theo Lý. Dưới đây là nói theo Sự.
(Sao) Văn Thù tín thủ, cụ túc nhất tâm.
(鈔)文殊信首,具足一心。
(Sao: Ngài Văn Thù đứng đầu về Tín, trọn đủ nhất tâm).
Nơi Sự, Văn Thù Bồ Tát biểu thị Tín, có thể sanh ra hết thảy Phật pháp. Văn Thù Bồ Tát là “thất Phật chi sư”, tức là thầy của bảy đức Phật, “bảy” biểu thị sự viên mãn. Hết thảy chư Phật đều từ Tín sanh ra. Văn Thù biểu thị ý nghĩa này. “Cụ túc nhất tâm” (Trọn đủ nhất tâm), nhất tâm là Văn Thù.
(Sao) Phổ Hiền nguyện vương, bất ly đương niệm.
(鈔)普賢願王,不離當念。
(Sao: Nguyện vương của Phổ Hiền, chẳng lìa ý niệm trong hiện tại).
“Đương niệm” (當念) là nhất niệm, nhất niệm là Phổ Hiền. Nhất tâm là Văn Thù, nhất niệm là Phổ Hiền. Chúng ta nhất tâm niệm Phật, bèn trọn đủ viên mãn Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Kinh Hoa Nghiêm ở nơi đâu? Nhất tâm niệm Phật bèn viên mãn! Diệu nghĩa này thật sự chẳng thể nghĩ bàn.
Chư vị đồng tu phải biết: Nếu Ngài (Liên Trì đại sư) chẳng phải là bậc tái lai, sẽ chẳng thể nói như vậy được. Liên Trì đại sư trước tác bộ Sớ Sao Diễn Nghĩa, gần như quá nửa là dùng kinh Hoa Nghiêm để giải thích kinh A Di Đà, giải thích hết sức viên mãn, chẳng có mảy may thêm thắt khiên cưỡng nào! Vì thế, kinh này xác thực là tinh hoa của kinh Hoa Nghiêm. Thời đầu nhà Thanh, cư sĩ Bành Thiệu Thăng đã nói kinh A Di Đà là Tiểu Bổn Hoa Nghiêm, kinh Vô Lượng Thọ là Trung Bổn Hoa Nghiêm. Những vị này đều là bậc thông gia thật sự, thật sự thông đạt. Nếu không, sẽ chẳng nói như thế được! Chúng ta chỉ có thể từ chú sớ nhìn ra những dấu tích ấy. Chúng ta chẳng có cách nào suy lường công phu tu hành của các Ngài trên thực tế, các Ngài tuyệt đối chẳng phải là phàm nhân!
(Diễn) Chân thật bất hư chi Như vi Tín giả. Tín hữu chân thật nghĩa. Dĩ nhược vô hữu tín, vạn sự giai hư cuống cố.
(演)真實不虛之如為信者。信有真實義。以若無有信。萬事皆虛誑故。
(Diễn: “Cái Như chân thật, chẳng hư dối chính là Tín”: Tín có ý nghĩa chân thật. Bởi lẽ, nếu chẳng có Tín, muôn sự đều trở thành hư dối).
Phải chú tâm thấu hiểu ý nghĩa này; đây là học vấn rất sâu. Bất luận là kẻ học Phật hay không học Phật, đối với pháp thế gian, hoặc trong Phật pháp, nếu chẳng có tín tâm, suốt cả một đời này, kẻ ấy chẳng thể thành tựu một chuyện gì! Phàm là người thành tựu, vì sao người ấy thành tựu? Nhân tố thứ nhất là người ấy có tín tâm kiên định. Kinh Hoa Nghiêm dạy chẳng sai: “Tín là nguồn đạo, mẹ công đức”. Ngẫu Ích đại sư nói sáu loại Tín, loại thứ nhất là Tín Tự (tin vào chính mình). Chính mình chẳng có lòng tự tin, chẳng còn chuyện gì để bàn luận nữa! Thành tựu của quý vị lớn, nhỏ, cao, thấp, tùy thuộc lòng tự tin của quý vị lớn hay nhỏ. Lòng tự tin kiên định, hoàn toàn tỷ lệ thuận [với sự thành tựu]. Pháp thế gian là như thế, mà Phật pháp cũng là như thế. Do vậy, đây là đại học vấn! Vạn sự hư dối sẽ lầm lỡ một đời, chẳng có thành tựu gì!
(Diễn) Xuất sanh vô tận chi trí vi Nguyện giả. Nguyện hữu xuất sanh nghĩa. Dĩ vạn đức, vạn hạnh, giai tùng lạc dục cố.
(演)出生無盡之智為願者。願有出生義。以萬德萬行。皆從樂欲故。
(Diễn: Trí xuất sanh vô tận là Nguyện. Nguyện có ý nghĩa xuất sanh. Do vạn đức, vạn hạnh đều xuất phát từ lòng ưa muốn).
Nói theo pháp thế gian là “lập chí”. Nếu một người mà chẳng có chí thì chuyện gì cũng chẳng thành. Người ấy có chí hướng, trong một đời này, người ấy có phương hướng, có mục tiêu, đời này người ấy sống có ý nghĩa, có giá trị. Nếu trong một đời này, ở trong thế gian mà chẳng có phương hướng, chẳng có mục tiêu, sẽ hồ đồ, mê muội, sống say, chết mộng, tự nhiên là sẽ luống uổng một đời này. Pháp thế gian và xuất thế gian đều giống nhau. Trong Phật pháp, nói đến sự phát nguyện, nói tới sự phát tâm, phát tâm là phát nguyện; trong pháp thế gian bèn nói là “lập chí”. Trước đây, trong sự giáo học của Nho gia, Khổng Tử đã nói “tam thập nhi lập” (ba mươi tuổi, chí hướng đã định). Có thể thấy lập chí hết sức trọng yếu. Từ rất sớm, Khổng phu tử đã dốc chí nơi học vấn, “chí ư học” (dốc chí nơi việc học) suốt cả một đời, Ngài quả thật đã thành tựu viên mãn. Trong Phật pháp cũng là như vậy, học nhân Tịnh Tông lại còn thù thắng hơn. Chí hướng của họ là vãng sanh Tịnh Độ, là mong thấy A Di Đà Phật. Trong tất cả chí nguyện, đây là chí nguyện to lớn bậc nhất trong thế gian và xuất thế gian, là chí nguyện viên mãn rốt ráo. Hôm nay, chúng tôi giảng đến chỗ này!
[1] Gelug-pa (đôi khi viết là dGe-lugs-pa) là một trong bốn đại phái của Phật giáo Tây Tạng. Phái này được sáng lập bởi đại sư Tsong Khapa. Do tu viện đầu tiên của phái này là Ganden, nên hiện thời Ganden được coi là tổng bản sơn. Đứng trước tình hình các phái Cổ Mật (Nyingma-pa), Bạch Giáo (Kargyu-pa), và Hoa Giáo (Sakya-pa) không chú trọng giới luật, chỉ chú trọng học Mật pháp, mà không vun bồi vững chắc cơ sở Hiển Giáo, dẫn đến những cách tu tập chẳng đúng pháp, thậm chí xen tạp tà thuật và ma thuật; đại sư bèn đặc biệt nhấn mạnh những nguyên tắc chánh yếu của Đại Thừa, đặc biệt đề cao thuyết tánh Không của Trung Quán, đồng thời đòi hỏi tăng sĩ phải tuân thủ giới luật, không được có vợ con, không được sử dụng pháp “song tu” để hành trì Mật Tông. Trước khi chuyên tu Mật pháp, các tăng sĩ thuộc phái Gelug-pa phải học Nhân Minh Học, Bát Nhã Trung Quán, Luật Học, Câu Xá, Trung Quán Trang Nghiêm Luận, Hiện Quán Trang Nghiêm Luận, và nhất là bộ Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Luận. Do tăng sĩ thuộc phái này đội mũ vàng trong khi các phái như Cổ Mật, Hoa Giáo, Bạch Giáo đội mũ đỏ, hoặc nhiều loại mão màu sắc khác nhau, người ta thường gọi phái Gelug là Hoàng Mạo Phái (phái mũ vàng), hoặc gọi tắt là Hoàng Giáo. Đôi khi còn gọi theo phiên âm là Cách Lỗ Phái.
[2] Đây là một bộ luận giải thích quá trình tu chứng của Đại Thừa. Đại sư Tông Khách Ba đã dựa theo luận điểm trong bộ Bồ Đề Đạo Đăng Luận (Bodhi-pathapradīpa) của luận sư A Để Sa (Atisha) kết hợp với những ý kiến chú giải của các vị đệ tử của ngài Atisha để soạn thành bộ luận ấy. Theo đó, căn tánh của người học Đại Thừa được chia thành ba hạng là hạ sĩ, trung sĩ, thượng sĩ. Đối với mỗi hạng căn tánh, bộ luận này giải thích tỉ mỉ tiến trình chẳng thể thiếu sót trong tu học; đồng thời nhấn mạnh: Người học Mật mà không có cơ sở liễu giải Hiển Giáo vững chắc, giữ vững giới luật, sẽ khó thể thành tựu trong Mật Giáo. Bộ luận này được lưu truyền và học tập mạnh mẽ tại các vùng chịu ảnh hưởng văn hóa Phật giáo Tây Tạng như Khang Tạng, Cam Túc, Thanh Hải, Mông Cổ; nhưng mãi cho đến năm 1931, pháp sư Pháp Tôn (1902-1980) sau khi học luận này tại thủ đô Lạp Tát (Lhasa) vào năm 1931 của Tây Tạng, đã dành ra bốn năm miệt mài phiên dịch, và cho đến mùa Đông năm 1935 mới hoàn thành bản dịch tiếng Hán.
[3] Lang nha bổng (狼牙棒) là một thứ binh khí thời cổ, có thể tạm dịch là “chùy gai”. Nó có hình gậy dài, phần chùy to có hình trụ, cán cầm nhỏ hơn, thuôn dài, thường làm bằng gỗ cứng, dài khoảng bốn năm thước Tàu. Phần nối giữa cán và chùy thường làm bằng sắt. Chung quanh phần chùy, đóng rất nhiều đinh sắt lởm chởm như răng sói, nên gọi là Lang Nha Bổng (gậy răng sói). Loại vũ khí này chỉ thấy tại Trung Hoa từ đời Tống trở đi, có lẽ du nhập từ các sắc dân du mục ở phía Bắc biên cương Trung Hoa. Tác dụng chính của nó là đập vỡ vũ khí và áo giáp của địch thủ, đồng thời gây thương tích nghiêm trọng cho địch nhân.
[4] Thù (銖) là một đơn vị đo lường của cổ Trung Hoa, rất nhỏ. Theo quy định, một lượng là hai mươi bốn thù. Một lượng thời cổ chừng 30g, trong khi tại Đại Lục hiện thời là quy định là 31.7g, còn tại Hương Cảng và Đài Loan là 37.5g, khác với Lạng (theo cách cân đo phổ biến) ở miền Bắc Việt Nam là 100g (trong khi đó một lạng vàng (lượng vàng, một cây vàng) vẫn chỉ tối đa là 37.5g). Theo đó, cái áo sáu thù chỉ nặng 7.5g, rất nhẹ!