#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 01-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 289
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang sáu trăm mười một.
(Sao) Tam, diệc thắng chư dư công đức giả, lục độ vạn hạnh, pháp môn vô lượng, nhi chuyên trì danh hiệu, tắc chủng chủng công đức, nhiếp vô bất tận, dĩ bất xuất nhất tâm cố, như tiền văn trung quảng thuyết.
(鈔)三、亦勝諸餘功德者,六度萬行,法門無量,而專持名號,則種種功德,攝無不盡,以不出一心故,如前文中廣說。
(Sao: Ba, cũng thù thắng hơn các công đức khác. Lục Độ, vạn hạnh, pháp môn vô lượng, nhưng chuyên trì danh hiệu thì các thứ công đức đều được nhiếp trọn chẳng hết, do chẳng ra ngoài nhất tâm, như trong phần kinh văn trước đã nói rộng rãi).
Đây là Liên Trì đại sư đã chỉ ra cho chúng ta biết chỗ thù thắng chẳng sánh bằng thứ ba của pháp môn Niệm Phật. Trong phần trước đã nói: Điều thù thắng thứ nhất là niệm Phật thù thắng hơn trì chú Vãng Sanh; điều thù thắng thứ hai là nói rõ niệm Phật còn thù thắng hơn trì hết thảy các thần chú, tức là hết thảy các thần chú đều chẳng sánh bằng [danh hiệu Phật]. Nay trong đoạn thứ ba này, đại sư dạy chúng ta: Danh hiệu A Di Đà Phật siêu thắng vô lượng vô biên pháp môn. Không chỉ là các loại pháp môn do Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong bốn mươi chín năm đều chẳng sánh bằng công đức và lợi ích của một câu thánh hiệu A Di Đà Phật, mà cho đến vô lượng vô biên pháp môn do mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đã vì hết thảy chúng sanh tuyên thuyết cũng chẳng thể vượt ra ngoài sáu chữ hồng danh này. Vì thế, một câu Phật hiệu thật sự là pháp môn đại tổng trì của hết thảy chư Phật trong tận hư không khắp pháp giới. Khi chúng ta đã [học tập] viên mãn Di Đà Sớ Sao, [do Sớ Sao] đã hiển thị công đức của danh hiệu chẳng còn sót, thật sự giãi bày trọn hết, chúng ta mới nhận biết pháp môn này rõ ràng, mới thật sự hiểu lợi ích do trì danh niệm Phật.
“Lục độ vạn hạnh, pháp môn vô lượng”, hai câu này bao quát trọn hết tất cả hết thảy các pháp môn, Đại Thừa bao gồm Tiểu Thừa. Lục Độ là tổng cương lãnh của toàn thể pháp Đại Thừa. “Pháp môn vô lượng”, vô lượng vô biên pháp môn, Lục Độ vạn hạnh của Bồ Tát bao gồm trọn hết. “Chuyên trì danh hiệu”, “danh hiệu” là nói về danh tự A Di Đà Phật. Hãy chú trọng một chữ Chuyên, chữ này hết sức trọng yếu. Nay chúng ta chẳng đạt được các thứ lợi ích và công đức của Niệm Phật, vấn đề là đối với chữ Chuyên, chúng ta làm chẳng đủ, thậm chí còn chưa hề làm! Chỉ cần lắng lòng phản tỉnh một phen, sẽ biết điều này, [sẽ nhận thấy: Chẳng đạt được lợi ích và công đức do trì danh] cũng là do “xen tạp” như Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát đã nói. Chúng ta niệm Phật xen tạp quá nhiều thứ, xen tạp vô lượng vô biên pháp thế gian. Vướng mắc, bận tâm là xen tạp, còn xen tạp khá nhiều Phật pháp! Vì thế, công đức và lợi ích của việc trì danh chẳng thể hiển lộ được!
Nếu chúng ta có thể chuyên, bỏ sạch hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, chuyên trì danh hiệu, công đức và lợi ích ấy sẽ hết sức rõ rệt. Lại còn trong một thời gian rất ngắn, đã thấy hiệu quả. Ngắn đến mức độ nào? Trong kinh này, đức Phật đã nói: “Hoặc một ngày, hoặc hai ngày”, tối đa là bảy ngày liền thấy hiệu quả. Nếu quý vị hỏi: “Thật ư? Có thể ư?” Xác thực là thật, xác thực là có thể. Từ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện, chúng ta đã thấy những tấm gương như vậy, đã thấy sự thật ấy. Chúng ta chớ nên không hiểu rõ, chớ nên không phản tỉnh sâu xa, vì “xen tạp” và “chẳng chuyên” đã gây tổn hại quá nghiêm trọng.
Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta luân hồi sanh tử trong lục đạo, chẳng thể thoát lìa. Trong cái nhìn của chư Phật, Bồ Tát, chúng ta thật sự đáng gọi là “kẻ đáng thương xót”, mê mẩn trong tam giới lục đạo. Tam giới lục đạo giống như mê cung, đích xác là thời thời khắc khắc mong thoát ra, nhưng chẳng tìm thấy cửa nẻo hoặc đường lối, vĩnh viễn xoay chuyển trong ấy. Tuy đức Phật đã nói rõ ràng, nói minh bạch, nếu quý vị mong thoát ra, hãy là “một môn, chuyên tinh”. Chúng ta nghe lời này đã nhiều, cũng thấy quá nhiều, nhưng chưa hề thực hiện! Nghe nhiều, xem nhiều, mà vẫn giống y hệt như cũ, chẳng khởi tác dụng, chính mình nhất định phải nghiêm túc thực hiện!
Vào thời cổ, chúng ta thấy những gương rõ rệt nhất, trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện đều có ghi chép [những tấm gương ấy]. Pháp sư Oánh Kha đời Tống niệm Phật ba ngày bèn vãng sanh, “nhược nhất nhật, nhược nhị nhật, nhược tam nhật”, chẳng sai! Ba ngày bèn thành công, có thể thấy kinh nói “từ một ngày cho đến bảy ngày” chẳng phải là gạt người. Đó là thật sự buông xuống, triệt để buông xuống, nhất tâm chuyên niệm. Thông thường, kẻ bình phàm niệm Phật, từ truyện ký, chúng ta thấy từ nửa năm đến ba năm đại khái đều thành tựu. Vì vậy, trong quá khứ, đã từng có người hỏi tôi, vì họ đọc Vãng Sanh Truyện, [nhận thấy] những người niệm Phật nói chung là niệm ba năm đều vãng sanh, bèn nói: “Cớ sao lại khéo phù hợp như vậy? Chẳng lẽ là họ niệm Phật ba năm, thọ mạng đã hết ư?” Chẳng thể nào có chuyện phù hợp vừa khéo như vậy được! [Họ chất vấn]: “Chẳng có chuyện phù hợp khéo léo như vậy, cớ sao niệm ba năm đều vãng sanh cả rồi?” [Thật ra], do ba năm công phu đã thành tựu, những người ấy có thể vãng sanh. Họ cũng có thể chẳng vãng sanh [ngay lập tức như thế], chúng ta nghĩ: “Hễ có thể chưa vãng sanh, bèn chẳng ra đi”. Người ta là hễ có thể vãng sanh, bèn vãng sanh ngay lập tức. Vì sao? Hai thế giới chẳng thể sánh tầy! [Đối với người thật sự niệm Phật], chẳng thể vãng sanh thì đành chịu, chứ thật sự có cách đi gặp Phật [lẽ nào bỏ lỡ cơ hội]. Đối với sự thù thắng trang nghiêm do sanh về thế giới Cực Lạc, chẳng cần nói chi khác, chỉ nói một chuyện thôi: Tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị có năng lực trăm ngàn ức hóa thân, tự tại lắm! Quý vị có năng lực ấy. Do vậy, người ta công phu thành tựu bèn đi ngay lập tức, chẳng muốn trì hoãn thêm một giờ, một khắc nào trong thế giới này!
Phàm những kẻ vẫn chẳng muốn ra đi cho lắm, [nguyên do là vì] vẫn mê hoặc, điên đảo y hệt như cũ, không nỡ lìa khỏi hoàn cảnh xấu ác này, vẫn muốn ở trong cái vò nhuộm để được nhuộm màu thêm vài ngày nữa! Đó là tình huống thật sự của người niệm Phật chẳng có công phu xác thực thành tựu. Đã thành tựu mà vẫn chưa ra đi, vẫn ở lại trong thế gian này, đó là do bi tâm đặc biệt của người ấy. Vì sao có thể vãng sanh mà chưa vãng sanh? Người ấy phải ở lại đây để độ chúng sanh, giúp đỡ người khác, tiếp dẫn đại chúng. Nhưng tiếp dẫn đại chúng thì phải có duyên, có người thành tựu nào mà chẳng có tâm từ bi? Người đã thành tựu, chính mình có thể vãng sanh, cớ sao chẳng mang thêm mấy người đi vãng sanh? Do chẳng có duyên! Duyên là gì? Tôi khuyên quý vị, quý vị chịu nghe, đó là “có duyên”. Tôi khuyên quý vị, quý vị không tin tưởng, tức là chẳng có duyên. Chẳng có duyên thì vãng sanh, chẳng có lý do gì để ở trong thế gian này nữa! Hễ có duyên, người ấy có lý do để ở trong thế gian này thêm mấy năm nữa. Có duyên thì nhất định phải ở lâu hơn. Chẳng có duyên, bèn sớm có ngày gặp Phật, bèn sớm có ngày đến thế giới Tây Phương, thân cận A Di Đà Phật.
Do vậy, hễ chuyên thì chuyên tinh sẽ có lợi ích chẳng thể nghĩ bàn. Chúng ta chẳng thể chuyên, tức là chẳng triệt để buông xuống. Chẳng thể triệt để buông xuống là vì còn chưa thể thấy thấu suốt. Nói cách khác, còn chưa hiểu rõ tình huống nơi hai thế giới. Nếu chúng ta hiểu triệt để, rành mạch thế giới Tây Phương và thế giới Sa Bà, sẽ khác hẳn. Triệt để hiểu rõ, quyết định chẳng nhiễm hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Vì sao? Quý vị đã hoàn toàn chứng thực lời đức Phật dạy trong kinh Kim Cang. Đức Phật nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Quý vị còn có gì chẳng thể buông xuống? Hai câu ấy không chỉ là nói về pháp thế gian, Phật pháp cũng là hư vọng! Kinh Kim Cang chẳng nói: “Phàm tất cả pháp đều là hư vọng, ngoại trừ Phật pháp”, chẳng nói kiểu ấy. Hết thảy Phật pháp do đức Phật đã giảng trong thế gian cũng là pháp hữu vi. Vì thế, pháp thế gian và xuất thế gian thảy đều phải buông xuống. Sau khi đã buông xuống, chân tâm hiển lộ. Hễ còn mảy may chưa thể buông xuống, sẽ là chướng ngại, toàn là phiền phức. Chướng ngại gì vậy? Chướng ngại tự tánh, chướng ngại bổn tâm. Học Phật thì mục đích cuối cùng và nguyện vọng lớn nhất là thành Phật. Thành Phật là gì? Minh tâm kiến tánh, tâm tánh hiển lộ viên mãn thì là Phật, là vị Phật rốt ráo viên mãn, hiển lộ viên mãn rốt ráo, trong ấy chẳng có mảy may chướng ngại!
Đại Thừa Phật pháp thường nói: “Chỉ cần trừ vọng, chẳng cần cầu chân”. Ý niệm cầu Chân vẫn là vọng niệm, cho nên chẳng cần cầu. Chúng ta cầu sanh Tịnh Độ, đó là nguyện. Trong công phu hằng ngày, chúng ta chẳng có ý niệm này, thật thà niệm một câu Phật hiệu đến cùng, vì sao quý vị niệm? Niệm để cầu sanh Tịnh Độ! Đừng nên vừa niệm, vừa mong cầu sanh Tịnh Độ. Vừa niệm vừa có chướng ngại trong ấy, cái tâm đó rất khó thanh tịnh. Chúng ta nói là công phu rất khó thành phiến, chẳng dễ gì đắc nhất tâm bất loạn. Do vậy, phải phân biệt rành rẽ giữa Nguyện và Cầu. Có nguyện, chẳng có cầu, tâm bèn thanh tịnh. Trong Đại Thừa, bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật và nguyện của hết thảy chư Phật, Bồ Tát thường được quy nạp thành Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Tứ Hoằng Thệ Nguyện là tổng nguyện, là cương lãnh trong đại nguyện của chư Phật, Bồ Tát. Có nguyện, chớ nên có cầu, như vậy thì mới có thể thật sự thực hiện lời Phổ Hiền Bồ Tát đã dạy: “Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”. Hằng thuận và tùy hỷ đều là tâm thanh tịnh, tùy duyên chứ chẳng phan duyên. Phan duyên là đã khởi tâm động niệm. Tùy duyên thì chẳng khởi tâm, không động niệm, tự nhiên thành tựu.
“Chủng chủng công đức, nhiếp vô bất tận” (Các thứ công đức nhiếp trọn chẳng sót): Các thứ công đức, không chỉ là công đức của vô lượng các pháp môn do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói. Trên thực tế, nó bao gồm công đức của hết thảy chư Phật Như Lai. Vì sao? “Dĩ bất xuất nhất tâm cố” (Do chẳng ra ngoài nhất tâm). Câu này có ý nghĩa rất sâu, lại rất chân thật. Do vậy, mọi người đừng nghĩ: Công đức tu học của chính mình quá ít, đến ngày nào thì mới có thể thành tựu? Thật vậy! Nếu chúng ta đắc nhất tâm, công đức của quý vị là vô lượng vô biên. Vì sao là vô lượng vô biên? Hết thảy chư Phật Như Lai là nhất tâm, quý vị cũng là nhất tâm. Tâm quý vị và tâm hết thảy chư Phật là một cái tâm, quyết định chẳng có phân biệt, chẳng có giới hạn. Quý vị ngẫm xem: Công đức do hết thảy chư Phật đã tu từ vô lượng kiếp đến nay đều biến thành công đức của chính mình. Chuyện là như vậy đó!
Nhưng quý vị phải biết, nếu quý vị đã mê, mê đến tận cùng, tâm của kẻ mê và tâm ta là cùng một cái tâm, tất cả tội nghiệp do kẻ mê gây tạo đều biến thành tội nghiệp của ta. Chư vị ngẫm xem, có phải là đạo lý này hay chăng? Có phải là sự thật này hay chăng? Trong kinh Đại Thừa đã dạy: “Một chính là hết thảy, hết thảy chính là một”. Ý nghĩa này sâu rộng lắm! Đó là chân tướng sự thật. Do đó, chúng sanh mới có cộng nghiệp. Quý vị đã giác ngộ, dần dần buông bỏ mê hoặc, ngộ tánh mỗi ngày tăng thêm, quý vị quay đầu, tức là trong cộng nghiệp xuất hiện biệt nghiệp, đạo lý là như thế đó. Do vậy, mê hay ngộ là then chốt thật sự, là then chốt của khổ hay lạc, là then chốt của thăng hay đọa, là then chốt của thánh hay phàm; chúng ta nhất định phải hiểu điều này.
Trong tất cả hết thảy các pháp, quý vị có thể chọn lựa pháp môn Niệm Phật, trong hết thảy các kinh, quý vị chọn lựa kinh A Di Đà. Đó là thật sự giác ngộ, triệt để giác ngộ, rốt ráo giác ngộ, chư Phật Như Lai đều tán thán. Nếu quý vị chẳng tin, hãy xem kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Phu nhân Vi Đề Hy ở trong thế gian này hứng chịu khổ sở, gặp phải tai nạn, mong cầu giải thoát, cầu cứu Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng dạy bà ta, chỉ đem tình trạng trong hết thảy các cõi Phật triển hiện cho bà ta trông thấy, giống như chúng ta xem TV trong hiện thời vậy. Đức Phật dùng thần lực, biến hiện các cõi Phật trước mặt để bà ta có thể trông thấy. Sau khi đã xem trọn hết, bà ta chọn lựa thế giới Cực Lạc, Thích Ca Mâu Ni Phật hoan hỷ, vui mừng, bà chọn chẳng sai tí nào! Một vị Phật hoan hỷ, hết thảy chư Phật đều hoan hỷ. Một vị Phật đã tán thán, hết thảy chư Phật đều tán thán, đã chọn lựa đúng rồi! Một niệm giác thật sự chẳng thể nghĩ bàn, thật sự tuyệt diệu. Vì đã luân hồi vô lượng kiếp, đời này quý vị đã chọn đúng pháp môn, quyết định vượt thoát. Lại còn thành Phật viên mãn ngay trong một đời, khó có ngần ấy, thù thắng ngần ấy! Bất cứ pháp môn nào, dẫu quý vị chọn một pháp môn mà quý vị có đủ năng lực để tu học, chẳng thể thành Phật ngay trong một đời. Chư vị ắt phải hiểu điều này!
Mật Tông nói “nhất sanh thành Phật” (thành Phật ngay trong thân này) chính là thành Tạng Giáo Phật. Năng lực của vị Phật ấy chẳng khác A La Hán cho mấy! Mọi người đọc Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, [sẽ thấy] Ấn Quang đại sư đã giảng rất rõ ràng. Tổ Ấn Quang là Tây Phương Đại Thế Chí Bồ Tát hóa thân, lời lão nhân gia nói chính là lời Đại Thế Chí Bồ Tát nói. Đại Thế Chí Bồ Tát là Tịnh Tông Sơ Tổ. Chúng ta đọc Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương của kinh Lăng Nghiêm, [sẽ thấy] Ngài thật sự chuyên, chuyên tới cùng cực. Từ sơ phát tâm mãi cho đến khi thành Phật, Ngài dùng phương pháp gì? Chính là một câu A Di Đà Phật, chuyên đến mức cùng cực. Chúng ta còn phải niệm kinh A Di Đà, Ngài thì ngay cả kinh A Di Đà cũng chẳng cần, chỉ là một câu A Di Đà Phật, từ sơ phát tâm cho đến khi thành Vô Thượng Đạo. Sau khi đã thành Vô Thượng Đạo, đến mười phương thế giới giáo hóa chúng sanh, Ngài vẫn dùng pháp môn này để tự hành, hóa độ người khác, vĩnh viễn không thay đổi! Từ hết thảy các kinh, chúng ta đã thấy: Lão nhân gia xác thực đúng là bậc nhất. Chuyện này đáng để chúng ta học tập theo, đáng cho chúng ta bắt chước. Chúng ta gặp gỡ bậc thiện tri thức như vậy mà nếu vẫn chẳng tin tưởng, đúng là ngu si đến cùng cực, đúng là Nhất Xiển Đề như kinh đã nói. Nhất Xiển Đề là chẳng có thiện căn. Gặp gỡ bậc đại thiện tri thức như vậy mà vẫn chẳng thể tin nhận, phụng hành!
Do đó, phải hiểu: Ở đây, đã nêu ra lý thuyết căn bản, [tức là] nhất tâm! Nhất tâm bao hàm nghĩa lý sâu rộng vô tận. Chúng ta và Phật có cùng một tâm; chúng ta cùng hết thảy chúng sanh là một tâm. Chúng ta và địa ngục A Tỳ cũng là một tâm. Nhân, duyên, quả của mười pháp giới chẳng có thứ gì không trọn đủ. Quả báo nào sẽ dấy lên hiện hành, xác thực là chẳng phải do người khác quyết định, mà là do chính mình. Tùy thuộc chính quý vị chọn lựa như thế nào. Sự chọn lựa ấy là duyên, nhân bèn được viên mãn. Ở đây, đại sư chẳng nói cặn kẽ ý nghĩa này, nhưng trong các phần trước đã nói quá nhiều.
Hôm nay chúng tôi hết sức hoan hỷ, Sớ Sao giảng lần này là lần thứ ba. Chúng tôi bắt đầu giảng từ năm Dân Quốc 73 (1984), năm nay là năm Dân Quốc 83 (1994) mới viên mãn. Nói thật ra, hoàn toàn chẳng phải là thật sự giảng Sớ Sao mất mười năm, mà là trong mười năm ấy, cứ gián đoạn rồi lại tiếp tục. Thời gian chúng tôi ở trong nước rất ít, thời gian ở ngoại quốc rất dài. Trong thời gian ấy, chúng tôi đã giảng xen lẫn kinh Vô Lượng Thọ, Quán Kinh, giảng những kinh luận khác, cuối cùng đến hôm nay, chúng tôi giảng Sớ Sao lần thứ ba viên mãn. Tuy nửa bộ sau chẳng nói cặn kẽ, nếu giảng cặn kẽ, tôi nghĩ có thể giảng đến bốn trăm buổi, nay chúng tôi thấy là hai trăm tám mươi chín buổi giảng, tốt lắm! Giảng lần thứ hai, chúng tôi có băng thâu âm, giảng tới ba trăm ba mươi sáu lượt. Lần thứ ba, đối với nửa bộ sau, tuy chẳng nói cặn kẽ, nhưng kinh nghĩa và tinh hoa đều được nêu ra. Người hiện thời thích tinh giản, chẳng thích rườm rà, cho nên cũng hết sức phù hợp nguyện vọng của mọi người, càng tinh giản càng tốt. Chúng tôi rút gọn thời gian, toàn bộ trọng điểm yếu nghĩa của kinh đều nắm được, đều giữ vững. Trong đoạn khai thị tiếp theo, chúng ta đọc xong, chẳng có ai không cảm động. Liên Trì đại sư đặt niềm kỳ vọng nơi chúng ta, rát miệng buốt lòng khuyên dạy, có thể nào chẳng cảm kích ư?
(Sao) Nguyện tịnh nghiệp đệ tử, chuyên kỳ tín, bất nhị kỳ tâm.
(鈔)願淨業弟子,專其信,不二其心。
(Sao: Nguyện hàng đệ tử tu tập Tịnh Nghiệp, hãy chuyên nhất tín tâm, chớ có hai lòng).
Tu Tịnh nghiệp có thể thành tựu trong một đời hay không; đây là then chốt: Phải “chuyên kỳ tín” (lòng tin chuyên nhất), chớ nên tam tâm nhị ý. Có thể chuyên tín, chuyên nguyện, tự nhiên buông xuống vạn duyên. Sáng nay, có một vài vị lão bằng hữu đến gặp tôi, hỏi tôi có viết nhật ký hay không, hỏi tôi có đem sự tích tu học và hoằng pháp ghi lại hay chăng, để trong tương lai lưu lại một bộ truyện ký cho người đời sau. Tôi bảo họ: Tôi chẳng có nhật ký, mà cũng chẳng có bút ký. Bất cứ khi nào giảng kinh, giảng xong đều chẳng biết đến nữa. Không chỉ là giảng kinh xong bèn chẳng biết, mà tôi bước xuống bục giảng, cũng không biết là trong một tiếng rưỡi trên bục giảng đã nói những gì! Nhớ những thứ ấy để làm gì? “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, những thứ hư vọng mà còn phải nghiêm túc ghi lại, chúng ta mong đạt công phu thành phiến sẽ khó lắm! Nhưng người thế gian ưa chuộng chuyện này! Do ưa thích chuyện này, nên chẳng ra khỏi tam giới, chẳng vượt thoát luân hồi, chỗ nào cũng chấp trước, mong mỏi biểu hiện thành tích. Chúng ta có thành tích nào? Trong tâm thứ gì cũng đều chẳng có, đó là thành tích. Tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh, tâm địa sạch làu. Đó là thành tích. Nay tôi nghe nói có chẳng ít người chép lại băng thâu âm của tôi, còn có một số người phát tâm chỉnh lý để trong tương lai in thành sách. Đó là chuyện của họ, chẳng liên can gì đến tôi. Chúng ta phải là tâm địa thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần, sớm có ngày thấy A Di Đà Phật. Trừ chuyện này ra, thế gian này chẳng có gì đáng cho chúng ta mong muốn, chẳng có gì để chúng ta mong cầu.
(Sao) Như kinh vân: “Thiết hữu nhất pháp, quá ư Niết Bàn, diệc sở bất cố”.
(鈔)如經云:設有一法,過於涅槃,亦所不顧。
(Sao: Như kinh nói: “Giả sử có một pháp, vượt trỗi Niết Bàn, cũng chẳng đoái hoài”).
Đây là kinh nêu ra một tỷ dụ. Niết Bàn là Phật quả viên mãn rốt ráo. Kinh nói giả thiết, đức Phật nói nếu còn có một pháp môn còn thù thắng hơn cực quả của Như Lai, chúng ta nghe xong sẽ như thế nào? Chúng ta nghe xong vẫn chẳng cần! Chuyên đến mức độ này! Hiện thời, lũ bình phàm chúng ta sai sót ở chỗ này! Người ta bảo quý vị: “Còn có pháp hay hơn pháp Niệm Phật, thành tựu còn nhanh chóng hơn niệm Phật”. Tâm bị động ngay lập tức, chẳng cần A Di Đà Phật nữa, theo kẻ đó học pháp môn khác! Gió thổi, cỏ rạp, tín tâm dao động như vậy; kẻ tu học kiểu đó, bất luận tu học pháp môn nào cũng đều chẳng thể thành tựu. Do vậy, quyết định chẳng lay động. Đức Phật đến khuyên quý vị, Thích Ca Mâu Ni Phật đến trước mặt quý vị khuyên bảo: “Ta còn có một pháp môn hay hơn pháp môn niệm A Di Đà Phật”, chúng ta nghe xong bèn như thế nào? “Cám ơn Thích Ca Mâu Ni Phật, con nay niệm A Di Đà Phật đến cùng, chẳng mong đổi sang pháp môn khác”. Phải có tín tâm như vậy thì mới có thể thành công.
(Sao) Thiền Tông tri thức, hữu giáo nhân đản trì thoại đầu, nhất thiết bất tác.
(鈔)禪宗知識,有教人但持話頭,一切不作。
(Sao: Bậc tri thức trong Thiền Tông có vị dạy người khác chỉ giữ câu thoại đầu, chẳng làm hết thảy những chuyện khác).
Vị đại đức Thiền Tông như vậy chính là thiện tri thức chân chánh. Ngài “giáo nhân đản trì thoại đầu” (dạy người khác chỉ trì câu thoại đầu). Các vị phải xem rõ chữ này. Thiền Tông là “tham” thoại đầu; ở đây, chẳng phải là Tham, mà là Trì. “Trì thoại đầu” là gì? “Thoại đầu” [ở đây] là A Di Đà Phật, “trì thoại đầu” là trì danh niệm Phật. Thoại đầu chẳng cần tham, cứ chăm chỉ trì là được rồi. Quý vị thấy chữ chủ yếu [trong câu nói trên đây] là Trì, quý vị thấy chữ ấy rất có ý vị![1] Chẳng cần tham cứu, cứ thật thà niệm Phật là được rồi! Đấy chính là gọi người tham Thiền quay về, bảo họ hãy thật thà niệm Phật. “Đản trì thoại đầu” là thật thà niệm Phật. “Nhất thiết bất tác”: Chẳng cần tham cứu nữa, chẳng cần tham Thiền, cứ thật thà niệm Phật sẽ thành tựu.
(Sao) Cố tri nguyên nghiệp dư môn giả, thượng đương cải tu Niệm Phật.
(鈔)故知原業餘門者,尚當改修念佛。
(Sao: Vì thế biết kẻ vốn chuyên tu tập các môn khác hãy còn nên đổi sang tu Niệm Phật).
Đây là nói rõ những vị đại đức thật sự, những vị giác ngộ chân chánh, thật sự hiểu rõ. Nói thật ra, chỉ có một môn này là có thể thành tựu ngay trong một đời. Những pháp môn khác tuy tu tập, chỉ là gieo thiện căn mà thôi, mong liễu sanh tử, thoát tam giới ngay trong một đời này sẽ chẳng thể được! Đó gọi là thiện tri thức thật sự. Trước kia, quý vị tham Thiền, niệm chú, trì giới, hay học Giáo, toàn bộ đều khuyên quý vị hãy quay về thật thà niệm Phật, buông xuống những gì đã học trong quá khứ.
“Nguyên nghiệp dư môn giả” (Kẻ vốn chuyên tu tập những pháp môn khác), “nghiệp” (業) là tu học. Vốn tu học những pháp môn khác đều “cải tu Niệm Phật” (đổi sang tu Niệm Phật). Từ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục ta thấy chuyện này rất nhiều, các vị tổ sư trong Tịnh Tông cũng thị hiện như vậy. Quý vị thấy Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư là bậc đại đức trong Thiền Tông, Ngài từ Thiền Tông quay lại chuyên tu Tịnh Độ, chuyên hoằng dương Tịnh Độ, biến thành tổ sư của Tịnh Độ Tông, là tổ sư đời thứ sáu của Tịnh Độ Tông. Ngẫu Ích đại sư chẳng bộc lộ thân phận, không biết Ngài là vị nào? Từ truyện ký của Ngài, chúng ta thấy Ngài từ tông Thiên Thai quay lại. Ngài học Thiên Thai, đến tuổi già, chuyên tu Tịnh Độ, chuyên hoằng dương Tịnh Độ. Lão nhân gia viết Di Đà Kinh Yếu Giải, cuối sách có một bài Bạt ngắn, trần thuật quá trình Ngài viết Yếu Giải, viết xong trong chín ngày! Tổ Ấn Quang tán thán: “Dẫu cổ Phật tái lai để viết chú giải kinh Di Đà, cũng chẳng thể hay hơn tác phẩm này được!” Đấy là tán thán đến tột đỉnh. Chúng ta biết tổ Ấn Quang là Đại Thế Chí Bồ Tát tái lai. Đại Thế Chí Bồ Tát tán thán như vậy, Ngẫu Ích đại sư là người nào? Chúng tôi suy đoán: Nếu chẳng phải là A Di Đà Phật, nhất định là Quán Thế Âm Bồ Tát tái lai. Nếu không, chẳng thể giải thích hay như vậy! Ý nghĩa trong kinh Di Đà đều được Ngài chỉ ra, chú giải hoàn toàn chẳng dài, đơn giản, trọng yếu, ngắn gọn, thế mà ý nghĩa của từng câu, từng chữ trong kinh đều được chỉ ra, xác thực là chẳng dễ dàng! Vì thế, chúng tôi nói: Trong các bản chú giải kinh Di Đà qua các thời đại, Yếu Giải xác thực là bậc nhất.
Liên Trì đại sư là thầy của Ngẫu Ích đại sư, nhưng Ngẫu Ích đại sư và Liên Trì đại sư chẳng hề gặp mặt. Ngài Ngẫu Ích kính ngưỡng, hâm mộ tổ Liên Trì. Ngẫu Ích đại sư tu học pháp môn Tịnh Độ, Liên Trì đại sư đã vãng sanh, Tổ đọc sách của Liên Trì đại sư, tự mình phát nguyện làm học trò của Liên Trì đại sư, làm tư thục đệ tử. Có thể thấy là Ngài ngưỡng mộ Liên Trì đại sư, nhất định là Ngài đọc rất nhuần nhuyễn Sớ Sao và Diễn Nghĩa, tuyệt đối không chỉ là đọc một lần. Vì thế, Ngài tán thán Sớ Sao “rộng lớn, tinh vi, sâu xa”. Đúng như vậy đó! Khuyên người khác hồi tâm chuyển ý, chuyên tin Tịnh Tông, chuyên tu Tịnh Tông thì Sớ Sao hay lắm, Sớ Sao giảng giải mọi khía cạnh. Nếu đã tin tưởng Tịnh Độ, hy vọng quyết định được vãng sanh ngay trong một đời này, Yếu Giải hay lắm. Sách Yếu Giải đơn giản, trọng yếu, ngắn gọn, giúp quý vị quyết định được vãng sanh ngay trong một đời này. Đó là chỗ khác biệt giữa Sớ Sao và Yếu Giải.
(Sao) Hà huống nguyên niệm Phật nhân, nãi biến kỳ sở thủ, nhi phục tha thượng, tâm hoài nhị lộ, chí bất quy nhất, vân hà tam-muội, nhi đắc thành tựu?
(鈔)何況原念佛人,乃變其所守,而復他尚,心懷二路,志不歸一,云何三昧,而得成就?
(Sao: Huống hồ kẻ vốn niệm Phật, lại thay đổi điều vâng giữ, lại noi theo pháp khác, lòng ôm ấp hai nẻo, chí chẳng quy nhất, làm sao thành tựu tam-muội cho được?)
Mấy câu ở đây đã [vạch ra] điều đáng kiêng dè nhất của người niệm Phật. Vì sao niệm Phật chẳng thể đắc công phu thành phiến? Vì sao chẳng thể đạt được cái tâm thanh tịnh? Vì sao chẳng thể vãng sanh? Ở đây, đại sư bằng một lời đã nói toạc ra. Chúng ta phải thường ghi nhớ trong tâm, phải thường dùng điều này để phản tỉnh, kiểm điểm. Nếu chúng ta phạm phải khuyết điểm này, niệm Phật sẽ chẳng có hy vọng vãng sanh! Người ta học pháp môn khác, đến cuối cùng còn buông xuống, quay về chuyên niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tịnh Độ. Chúng ta vốn niệm A Di Đà Phật, nghe người khác nói nhăng nhít mấy câu, bèn vứt bỏ chuyện niệm Phật của chính mình để hành pháp môn khác. Sai mất rồi! Lầm lẫn quá đỗi! Đó là “tâm hoài nhị lộ, chí bất quy nhất” (tâm ôm ấp hai đường, chí chẳng quy nhất). Huống hồ người hiện thời không chỉ là “tâm hoài nhị lộ”! Trong tâm có đến mười con đường, tám con đường, trăm con đường, ngàn con đường, [là chuyện] thường thấy, “hai con đường” kể ra còn khá lắm! Nhưng quý vị phải hiểu, hai con đường thì cũng chẳng thể thành tựu, huống chi nhiều? Điều này nhằm nói rõ: Nếu chúng ta thật sự mong vãng sanh trong một đời này, thật sự mong vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, nhất định là phải y giáo phụng hành.
Còn có một hạng người ăn nói thoạt nghe cũng rất có đạo lý, họ nói như thế nào? Họ nói như thế này: “Người niệm Phật đúng là chẳng có một tí cảm tình nào! Người nhà, quyến thuộc, con cái đều chẳng cần đến. Cứ nhất tâm niệm A Di Đà Phật vãng sanh, quá ích kỷ, quá lạnh lùng, tàn khốc!” Nghe ra cũng rất có đạo lý, thật ra là “dường như đúng, nhưng hoàn toàn sai bét!” Chúng ta ở trong tam giới lục đạo bị nghiệp lực làm chủ tể, bản thân còn khó giữ gìn, quý vị có thể giữ nổi người nhà, quyến thuộc, con cháu hay không? Quý vị có thể chiếu cố họ được chăng? Oan uổng dụng tâm, chẳng có năng lực! Quý vị thường ghim trong lòng, bất quá là một đống phiền não to đùng mà thôi, chắc chắn là chẳng thể giải quyết vấn đề. Do đó, cách nghĩ và cách nhìn của họ đã sai bét, chẳng thấy sự thật!
Chuyên tâm niệm Phật, nhất tâm cầu vãng sanh, từ nhà quý vị nẩy sanh một vị Bồ Tát, hoặc sanh ra một vị Phật, trong Phật môn thường nói “một đứa con thành Phật, tổ tiên chín đời sanh lên trời”. Do vậy, người nhà, quyến thuộc của quý vị được chư Phật, Bồ Tát hộ niệm, có long thiên thiện thần chiếu cố. Bản thân chúng ta mong chiếu cố họ, chẳng thể chiếu cố nổi! Phật, Bồ Tát, thần hộ pháp thật sự có thể chiếu cố, người thế gian không hiểu điều này. Người thế gian ngu si, chẳng trông thấy! Chúng ta thường nghe những lời ấy, trong tâm hiểu rõ, chẳng bị họ lay động. Họ chỉ thấy một mặt, chẳng thấy mặt khác. Một người tu hành có thành tựu, cả nhà, cả họ sẽ được hưởng phước của người ấy. Từ xưa đến nay, nếu chư vị quan sát cặn kẽ, sẽ thấy đấy là sự thật, quý vị đều có thể chính mắt trông thấy.
Chúng tôi nêu ra một thí dụ nông cạn, dễ hiểu nhất. Trong Niệm Phật Luận, Đàm Hư đại sư có nói tới chuyện vãng sanh của vị nữ cư sĩ họ Trương thuộc chùa Trạm Sơn ở Thanh Đảo. Bà ta có hai đứa con nhỏ, đứa lớn mới mười tuổi, đứa nhỏ đương nhiên càng bé hơn. Bà có chồng, cuộc sống hết sức kham khổ. Vào thời đó, chồng bà là phu kéo xe, làm việc ở bến tàu. Mỗi ngày nhọc nhằn kiếm được một chút tiền để cả nhà sống qua một ngày. Ngày nào chẳng đi làm, ngày ấy chẳng có cơm ăn. Sống cuộc đời khổ sở như vậy. Bà ta học Phật, tham dự hội Niệm Phật ở chùa Trạm Sơn, mỗi tuần đều đến tham dự. Gia cảnh nghèo khổ như vậy, trong Niệm Phật Đường, đương nhiên cũng chẳng có ai coi trọng bà ta. Bà làm tạp vụ trong Niệm Phật Đường, rửa chén trong nhà bếp, làm việc này. Quý vị thấy bà ta niệm Phật thành công, vãng sanh tự tại lắm, tiêu sái lắm! Biết trước lúc mất, ngồi vãng sanh. Trước khi vãng sanh mấy tiếng đồng hồ, còn dặn dò chồng, giao phó mấy đứa con thơ. Bà ta vãng sanh, thật sự buông xuống. Con còn thơ bé dường ấy mà vãng sanh, có phải là nhẫn tâm hay không? Bà ta ra đi như thế, vãng sanh trong tình hình ấy, các vị ngẫm xem, các đồng tu thuộc Niệm Phật Đường tại chùa Trạm Sơn có ai chẳng chiếu cố các con của bà? Con bà ta ngay lập tức có phước báo, đó gọi là thật sự chiếu cố. Thấy mẹ của mấy đứa trẻ ấy niệm Phật thành tựu như vậy, chẳng có một ai không hoan hỷ, chẳng có ai không tận tâm tận lực giúp đỡ, chiếu cố bà ta. Đấy là thật sự thông minh, thật sự có trí huệ, thật sự có thể chiếu cố gia đình, chiếu cố con cái. Vì thế, chí hướng chuyên nhất hết sức trọng yếu. Chí chẳng chuyên nhất, tam tâm nhị ý, chẳng thể thành tựu Niệm Phật tam-muội.
“Niệm Phật tam-muội” là nói chung; Lý nhất tâm bất loạn, Sự nhất tâm bất loạn, và công phu thành phiến, đều gọi là Niệm Phật tam-muội. Trong Niệm Phật tam-muội, công phu có cạn hay sâu sai khác. Nông cạn nhất là công phu thành phiến; có thể niệm đến thành phiến, chắc chắn vãng sanh, nắm chắc vãng sanh. Theo như chúng tôi thấy, rất nhiều người biết trước lúc mất, ra đi rất tự tại, lìa thoát [Sa Bà] rất tiêu sái, đứng mất, ngồi mất. Nếu quý vị hỏi: Rốt cuộc họ niệm đến mức độ công phu nào? Chín mươi chín phần trăm là công phu thành phiến. Công phu thành phiến loại giỏi, nếu chúng ta chia công phu thành phiến thành chín phẩm, ba phẩm thượng có thể đạt tới sanh tử tự tại. “Tự tại” là muốn đi khi nào bèn vãng sanh khi ấy, muốn trụ thêm trong thế gian này bao nhiêu năm nữa, quyết định chẳng bị trở ngại. Chuyện này chẳng phải là đã đạt nhất tâm bất loạn; [đã đạt] nhất tâm bất loạn thì đương nhiên là càng tự tại. Công phu thành phiến bèn có thể đạt tới cảnh giới này, cho thấy mỗi người chúng ta đều có thể làm được chuyện này. Nếu nói “nhất tâm bất loạn” thì chẳng phải là mỗi người chúng ta đều có thể làm được. Công phu thành phiến thì ai nấy đều có thể làm được. Đó gọi là “vạn người tu, vạn người đến”. Nếu chẳng chiếu theo phương pháp này, chúng ta nửa tin, nửa ngờ, có lúc niệm Phật, có lúc trì chú, có khi lại tu những pháp môn khác, suốt một đời này chỉ gieo một tí thiện căn nơi Phật môn, chẳng thể khởi tác dụng.
(Sao) Trực chí vô thường, không vô sở hoạch.
(鈔)直至無常,空無所獲。
(Sao: Thẳng cho đến khi vô thường, trắng tay, chẳng đạt được gì).
“Vô thường” là đến ngày chết. Mãi cho đến lúc chết, quý vị chẳng đạt được gì! Nói cách khác, cuộc đời quý vị vẫn bị nghiệp lực chi phối y như cũ. Sanh tử có mạng, đại hạn xảy đến, vẫn y như cũ lưu chuyển theo nghiệp lực. Đó gọi là “không vô sở hoạch” (trắng tay, chẳng đạt được gì).
(Sao) Võng tư kỷ quá, phản khởi báng ngôn. Ô hô mậu tai!
(鈔)罔思己過,反起謗言,嗚呼謬哉。
(Sao: Chẳng nghĩ đến lỗi mình, ngược ngạo thốt lời phỉ báng. Ôi chao, lầm lạc thay!)
Đại sư cảm thán, người niệm Phật ấy đến lúc lâm chung, vua Diêm La sai tiểu quỷ đến bắt, người ấy vẫn chẳng phục, vẫn báng bổ Phật: “Các ngươi coi đó! Ta suốt đời làm chuyện tốt, luôn niệm Phật, [thế mà] chẳng thể vãng sanh, vẫn phải đến chầu Diêm Vương. Phật lừa ta, kinh pháp chẳng linh”, báng Phật, báng Pháp! Kẻ ấy chẳng biết chính mình tu học chẳng đúng lý, đúng pháp, tạo thành khuyết điểm, vẫn cứ báng Phật, báng Pháp, tội càng thêm tội!
(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh không, thị bạt nghiệp chướng nghĩa; tự tánh hữu, thị đà la ni nghĩa; tự tánh bất hữu bất không, thị sanh Tịnh Độ nghĩa.
(Diễn) Tự tánh Không, tức Không Như Lai Tạng. Sở vị “nhất không, nhất thiết không”. Vô Giả, vô Trung, vô bất không dã. Tự tánh Hữu, tức bất không Như Lai Tạng. Sở vị “nhất giả, nhất thiết giả”. Vô Không, vô Trung, vô bất Giả dã. Tự tánh bất hữu, bất không, tức không bất không Như Lai Tạng. Sở vị “nhất trung, nhất thiết trung”. Vô Không, vô Giả, vô bất Trung dã.
(疏)稱理,則自性空,是拔業障義;自性有,是陀羅尼義;自性不有不空,是生淨土義。
(演)自性空。即空如來藏。所謂一空一切空。無假無中無不空也。自性有。即不空如來藏。所謂一假一切假。無空無中無不假也。自性不有不空。即空不空如來藏。所謂一中一切中。無空無假無不中也。
(Sớ: Xứng Lý, tự tánh Không là ý nghĩa dẹp trừ nghiệp chướng, tự tánh Hữu là ý nghĩa đà la ni. Tự tánh chẳng Có, chẳng Không là ý nghĩa sanh Tịnh Độ.
Diễn: Tự Tánh Không, tức Như Lai Tạng cũng là Không. Đó gọi là “một thứ là Không, hết thảy đều là Không”. Chẳng có Giả và chẳng có Trung thì cũng chẳng có cái “chẳng phải là Không”. Tự Tánh Hữu tức là Như Lai Tạng chẳng phải là Không. Đó gọi là “một thứ là Giả, hết thảy đều là Giả”. Chẳng có Không và chẳng có Trung thì cũng chẳng có “chẳng phải là Giả”. Tự Tánh chẳng Có, chẳng Không, chính là Như Lai Tạng không mà chẳng không, đó gọi là “một thứ là Trung, hết thảy đều là Trung”. Chẳng có Không, chẳng có Giả thì chẳng có “không phải là Trung”).
Mấy câu này nói hết sức viên mãn. Tự tánh xác thực là Không. Nói cách khác, trong Chân Như bản tánh, lấy đâu ra nghiệp chướng? Có thể thấy là nghiệp chướng vốn là Vô. Vốn là vô, nhất định là có thể dẹp trừ, nhất định là có thể đoạn sạch. Tự tánh là Có thì quyết định có thể chứng đắc. Đà la ni là Tổng Trì, pháp môn Đại Tổng Trì của hết thảy chư Phật Như Lai là gì? Chính là câu “Nam-mô A Di Đà Phật”, chúng ta quyết định có thể chứng đắc. Không là nói theo Thể, Có là nói theo Tướng; “chẳng phải Có, chẳng phải Không” là nói theo Dụng. Nói theo Dụng, há có lẽ nào chẳng sanh Tịnh Độ? Đoạn Sao dưới đây đã dùng ý nghĩa của Thiền Tông để nói.
(Sao) Mịch tâm liễu bất khả đắc, nhất thiết nghiệp chướng, thùy vi căn bản?
(Diễn) Mịch tâm liễu bất khả đắc giả, Nhị Tổ tham Sơ Tổ, thời đương long Đông, tích tuyết chí tất, kiên lập bất động. Sơ Tổ vấn dục cầu hà sự? Nhị Tổ viết: “Khất sư vị ngã an tâm”. Sơ Tổ viết: “Tương tâm lai, vị nhữ an”. Nhị Tổ vân: “Mịch tâm liễu bất khả đắc”. Cái dĩ đắc tâm không, dĩ đáo giác tâm sơ khởi, tâm vô sơ tướng địa vị dã.
(鈔)覓心了不可得,一切業障,誰為根本?
(演)覓心了不可得者。二祖參初祖。時當隆冬。積雪至膝。堅立不動。初祖問欲求何事。二祖曰。乞師為我安心。初祖曰。將心來為汝安。二祖云。覓心了不可得。蓋已得心空。已到覺心初起。心無初相地位也。
(Sao: Tìm tâm trọn chẳng thể được, căn bản của hết thảy nghiệp chướng là gì?
Diễn: “Tìm tâm trọn chẳng thể được”: Nhị Tổ tham yết Sơ Tổ, nhằm lúc trời đang giữa Đông, tuyết ngập đến gối, [Nhị Tổ] đứng vững, bất động. Sơ Tổ hỏi: “Muốn cầu chuyện gì?” Nhị Tổ thưa: “Xin thầy an cái tâm cho con”. Sơ Tổ bảo: “Ông lấy cái tâm ra đây, ta sẽ an cho ông”. Nhị Tổ thưa: “Tìm tâm trọn chẳng thể được”. Do vậy đã được tâm không, đã đạt đến địa vị giác tâm mới dấy lên, tâm chẳng có tướng ban đầu).
“Tâm” chính là ba tâm như kinh Kim Cang đã nói, tức là quá khứ tâm, hiện tại tâm và vị lai tâm. “Tam tâm bất khả đắc” (Ba tâm trọn chẳng thể được), lấy đâu ra nghiệp chướng? Thật vậy! Nay vì sao có nghiệp chướng? Quý vị hiểu lầm, dấy vọng tưởng trong ấy, cứ ngỡ ba tâm thật sự có thể đạt được, tưởng ba tâm thật sự có! Đó chính là mê hoặc, điên đảo, tạo thành nghiệp chướng. Ba tâm xác thực là chẳng có. Do vậy có thể biết: Nghiệp chướng giống như mây trôi, chẳng phải là thực tại. Nhưng khi quý vị mê, nó khởi tác dụng, mây trôi thật sự che khuất mặt trời, xác thực là đã mê mờ bản tánh. Một niệm giác, nghiệp chướng bèn rỗng không, nghiệp chướng chẳng còn nữa. Một niệm mê, nghiệp chướng bèn hiện tiền. Chân tâm tự tánh, một niệm giác, chân tâm tự tánh là có. Một niệm mê, chân tâm tự tánh vẫn có, nó chẳng thuộc về mê hay ngộ. Nghiệp chướng thuộc về mê ngộ, khi mê thì có, lúc ngộ chẳng có. Vì thế, nó là giả, chẳng phải là thật. Ở đây, đại sư hỏi một câu: Gì là căn bản?
(Sao) Tức tâm vô sở bất cụ, nhất thiết công đức, hà phất tổng trì?
(Diễn) Tức tâm vô sở bất cụ giả, sở vị tự thể hữu đại trí huệ quang minh nghĩa cố, biến chiếu pháp giới nghĩa cố, chân thật thức tri nghĩa cố. Tự tánh thanh tịnh nghĩa cố, thường lạc ngã tịnh nghĩa cố, thanh lương bất biến tự tại nghĩa cố, cụ túc như thị quá ư Hằng sa bất tư nghị Phật pháp, nãi chí mãn túc vô hữu sở thiểu nghĩa cố, danh vi Pháp Thân Như Lai chi Tạng dã.
(鈔)即心無所不具,一切功德,何弗總持?
(演)即心無所不具者。所謂自體有大智慧光明義故。遍照法界義故。真實識知義故。自性清淨義故。常樂我淨義故。清涼不變自在義故。具足如是過於恒沙不思議佛法。乃至滿足無有所少義故。名為法身如來之藏也。
(Sao: Tâm không gì chẳng trọn đủ, hết thảy công đức có gì chẳng được tổng trì?
Diễn: “Tâm không gì chẳng trọn đủ” nghĩa là nói tới ý nghĩa tự thể có quang minh đại trí huệ, ý nghĩa chiếu khắp pháp giới, ý nghĩa chân thật hay biết, ý nghĩa tự tánh thanh tịnh, ý nghĩa thường, lạc, ngã, tịnh, ý nghĩa trong mát, chẳng biến đổi, tự tại, có chẳng thể nghĩ bàn Phật pháp vượt trỗi số cát trong sông Hằng như thế, cho đến trọn đủ, chẳng có nghĩa nào thiếu sót. Đó gọi là Pháp Thân Như Lai Tạng).
Đây là nói tự tánh chẳng có hình tướng. Khi nó khởi tác dụng, bèn có thể hiện hết thảy tướng. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều do chân tâm bản tánh biến hiện. Các nhà khoa học hiện thời nói rất hay: Hết thảy các tướng đều là hiện tượng dao động. Hiện tượng dao động là chẳng thật, là giả, giống như kinh Kim Cang đã nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, “hết thảy các pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, ý nghĩa hết sức gần gũi. Các nhà khoa học đã nhìn thấy chân tướng sự thật này, [các tướng] là giả, chẳng thật, về căn bản là chẳng tồn tại. Vì thế, tướng là huyễn hóa, là huyễn tướng, chẳng phải là chân tướng. Mười pháp giới là do mức độ mê hay ngộ sai biệt khác nhau mà biến hiện cảnh giới bất đồng. Mê ít, ngộ nhiều, bèn hiện ra tứ thánh pháp giới. Mê nhiều, giác ít, bèn hiện ra lục phàm pháp giới. Hoàn toàn là mê, chẳng giác thì là A Tỳ địa ngục pháp giới. “Tức tâm vô sở bất cụ” (Tâm không gì chẳng trọn đủ): Bổn tâm vốn sẵn trọn đủ mười pháp giới, do mê hay ngộ mà hiện. “Nhất thiết công đức”: Trên từ chư Phật cho tới dưới là ác đạo chúng sanh đều được bao gồm. Đó là Tổng Trì.
(Sao) Đương tổng trì nhi bất lập tiêm trần.
(鈔)當總持而不立纖塵。
(Sao: Trong tổng trì chẳng lập một mảy trần).
Điểm này chính là nguyên tắc chỉ đạo cao nhất trong sự tu dưỡng của chúng ta, vì chúng ta hiểu sự thật là “Tướng có, Thể không”. Thể là Không, Tâm Kinh bảo là Sắc Không, “Sắc hữu, Tánh không” (Sắc có, Tánh không). Do vậy, có thể thọ dụng, chứ chẳng thể chiếm hữu, cũng có nghĩa là “chớ nên chấp trước”. Thọ dụng: Chư Phật, Bồ Tát thọ dụng rất tự tại! Do chẳng có chấp trước, cho nên các Ngài tự tại. Nay chúng ta đối với sự thọ dụng bèn khởi chấp trước, khuyết điểm ở chỗ chấp trước, chẳng phải là nói thọ dụng [có khuyết điểm]. Có thể thọ dụng, cái đáng sợ là chấp trước. Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Chỉ vì vọng tưởng, chấp trước, mà chẳng thể chứng đắc”. Có thể thấy: Chớ nên có vọng tưởng, chớ nên có chấp trước. Vậy thì trong mười pháp giới, quý vị sẽ thọ dụng tự tại, giống như chư Phật, Bồ Tát du hý thần thông trong chín pháp giới, rộng độ chúng sanh.
(Sao) Hữu thị tức Không chi hữu.
(鈔)有是即空之有。
(Sao: Hữu là cái Có chính là Không).
Hữu là Không.
(Sao) Vô căn bản nhi xuất sanh vạn pháp.
(鈔)無根本而出生萬法。
(Sao: Chẳng có căn bản mà sanh ra vạn pháp).
Chẳng có căn bản. Hết thảy vạn pháp “pháp nhĩ tự nhiên” (pháp tự nhiên là như vậy) biến hiện ra, chẳng cần phải truy cứu. Truy cứu chẳng ra! Chỉ có từ trong cảnh Định rất sâu, vừa nhìn bèn hiểu rõ ngay, tuyệt đối chẳng phải là do nghiên cứu, thăm dò mà có thể lần mò tìm được chân tướng. Làm như vậy, vĩnh viễn chẳng tìm thấy chân tướng. Nhất định là phải từ công phu định lực, tâm thanh tịnh, cảnh giới ấy bèn hiển lộ rành mạch, rõ ràng!
(Sao) Không thị tức Hữu chi không.
(鈔)空是即有之空。
(Sao: Không là cái Không chính là Có).
“Không” chẳng phải là Ngoan Không (cái Không trơ trơ). Không chẳng phải là Vô, chẳng phải là thứ gì cũng đều chẳng có, mà là “tức Hữu chi Không” (cái Không chính là Có).
(Sao) Tức Hữu tắc Bất Không, tức Không tắc Bất Hữu, Bất Không Bất Hữu, duy thị nhất tâm, bất việt nhất tâm, thị danh Tịnh Độ.
(Diễn) Đương tổng trì nhi bất lập tiêm trần giả, Diệu Hữu tức thị Chân Không dã. Cố Hữu thị tức Không chi hữu. Vô căn bản nhi xuất sanh vạn pháp giả. Chân Không tức thị Diệu Hữu dã. Cố Không thị tức Hữu chi không. Tức Hữu tắc Bất Không, thị như thật Bất Không dã. Tức Không tắc Bất Hữu, thị như thật Không dã. Nhi như thật Bất Không, dữ như thật Không, bất ly nhất Chân Như tâm, nhi nhất Chân Như tâm, chánh thị Tịch Quang Tịnh Độ. Cố viết duy thị nhất tâm, thị danh Tịnh Độ.
(鈔)即有則不空,即空則不有,不空不有,惟是一心,不越一心,是名淨土。
(演)當總持而不立纖塵者。妙有即是真空也。故有是即空之有。無根本而出生萬法者。真空即是妙有也。故空是即有之空。即有則不空。是如實不空也。即空則不有。是如實空也。而如實不空。與如實空。不離一真如心。而一真如心。正是寂光淨土。故曰唯是一心。是名淨土。
(Sao: Tức là Có thì chẳng phải là Không, chính là Không thì chẳng phải Có, chẳng phải Có, chẳng phải Không, chỉ là nhất tâm, chẳng ra ngoài nhất tâm, bèn gọi là Tịnh Độ.
Diễn: “Trong tổng trì chẳng lập mảy trần”: Diệu Hữu chính là Chân Không. Vì thế, Hữu chính là “cái Hữu tức là Không”. “Vô căn bản mà xuất sanh vạn pháp”: Chân Không chính là Diệu Hữu. Vì thế, Không chính là “cái Không tức là Có”. “Hữu chính là chẳng Không” là như thật Bất Không. “Không chính là chẳng Có” là như thật Không. Nhưng Như Thật Bất Không và Như Thật Không đều chẳng lìa khỏi một tâm Chân Như, cái tâm Chân Như chính là Tịch Quang Tịnh Độ. Vì thế nói “chỉ là nhất tâm, gọi là Tịnh Độ”).
Trưởng giả Duy Ma bảo chúng ta: “Tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh”. Đoạn này có thể dùng để giải thích câu kinh văn ấy, [tức câu] “tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh” là gì, ý nghĩa bèn hết sức viên mãn. Chúng ta thật sự hiểu rõ, thật sự minh bạch, lập tức đối với chính mình và hoàn cảnh sống của chính mình, quan niệm ngay lập tức thay đổi. “Quan” là cách nhìn, “niệm” là cách nghĩ. Cách nhìn và cách nghĩ của chúng ta ngay lập tức thay đổi, bèn nhập Phật tri Phật kiến. Cách nghĩ và cách nhìn của chúng ta hoàn toàn tương đồng với Phật và các vị đại Bồ Tát, đó gọi là “nhập Phật tri kiến”. Chớ nên xem nhẹ kinh Di Đà, cảnh giới cao nhất của Thiền Tông là “nhập Phật tri kiến”. Kinh Pháp Hoa nói rõ ràng hơn: “Khai thị ngộ nhập Phật chi tri kiến” (Khai thị ngộ nhập tri kiến của Phật), chẳng thuận tiện như kinh Di Đà. Chẳng dễ dàng như câu Phật hiệu! Đối với câu Phật hiệu này, Đại Thế Chí Bồ Tát nói: “Chẳng cậy vào phương tiện, tự được tâm khai”. Hễ tâm khai, bèn nhập Phật tri kiến.
Ba hàng cuối của lời Sao văn tự không nhiều, nghĩa lý đúng là rốt ráo viên mãn, càng đọc càng có ý vị, càng thấu hiểu, càng chân thật, có thể giúp chúng ta thành tựu Niệm Phật tam-muội trong một thời gian ngắn ngủi. Vì thế, ba hàng này cần phải đọc mấy lượt, tham cứu tường tận. Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa giảng lần thứ ba đến đây đã viên mãn, cảm ơn chư vị đồng tu.
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa
Trọn Bộ
(Hoàn thành cảo bản ngày 24 tháng 05 năm 2015)
Tái giảo duyệt lần thứ nhất ngày 16 tháng 12 năm 2015
“Hoan nghênh ấn tống – công đức vô lượng”
Thay lời tri ân và hồi hướng
Kể từ khi khởi sự chuyển ngữ phần thứ nhất của bài giảng này vào tháng 11 năm 2011, đến nay đã gần bốn năm, chúng con mới chuyển ngữ xong bộ Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa này tuy nguyên tác chỉ gồm 289 buổi giảng. Trong gần suốt bốn năm ấy, các liên hữu Minh Tiến, Đức Phong, Huệ Trang, Trịnh Lộc, và Vạn Từ đã không tiếc công phí sức giảo duyệt, góp ý sửa chữa, nhất là sư huynh Đức Phong đã tốn rất nhiều công sức trình bày, ấn tống và lưu thông. Cũng xin chân thành cảm tạ những đạo hữu gần xa đã khích lệ chúng con có đủ quyết tâm thực hiện công việc này. Nhìn lại bản dịch, chúng con hết sức hổ thẹn vì thế học lẫn đạo học đều quá kém cỏi, không thể chuyển ngữ lưu loát, mạch lạc, nêu bật văn phong trang trọng, ưu nhã của Tổ, chẳng thể diễn giải trong sáng, rõ ràng những diệu nghĩa do Tổ chỉ dạy, cũng như chẳng thể hiện được phong cách giảng giải rất độc đáo của Hòa Thượng Tịnh Không. Do sự ngu độn của chính mình, chẳng biết đã có bao nhiêu ý nghĩa đã bị hiểu lầm, dịch sai, đến nỗi hoàn toàn tương phản với ý tổ, ý thầy. Chắc chắn là công chẳng được mấy, tội lỗi vô biên. Chúng con chân thành sám hối, ngưỡng mong sẽ có bậc cao minh thương xót phủ chính. Nhất là khi đọc đến phần cuối của bài giảng, Hòa Thượng có nói việc phiên dịch kinh sách không chỉ là một vài người có thể thực hiện được, càng thêm hổ thẹn, đau xót muôn phần. Chỉ xuất phát từ lòng tham pháp, tiếc pháp, mong muốn chia sẻ phần nào pháp nhũ mà chúng con liều lĩnh làm chuyện quá phận này. Chỉ mong dịch phẩm thô vụng này có thể giúp đỡ các đồng tu lãnh hội phần nào diệu nghĩa Tịnh Độ và dốc lòng trân quý bảo điển A Di Đà Kinh. Nếu việc làm liều lĩnh, quá phận này có chút công đức nào, đều xin hồi hướng về thầy, tổ, quá khứ hiện tại sư trưởng, phụ mẫu, lịch đại tổ tiên, các vị thiện hữu Đức Phong, Minh Tiến, Huệ Trang, Trịnh Lộc, Vạn Từ, các đồng tu niệm Phật khắp mười phương pháp giới, hết thảy hữu tình chúng sanh đều cùng được ân triêm Phật quang, phiền não tiêu trừ, cùng hội ngộ nơi An Dưỡng Quốc.
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa đê đầu, hòa-nam bái bạch.
[1] Trong tu học, người hành Thiền thường được dạy “tham thoại đầu”, nhưng ở đây lại nói bậc tri thức trong Thiền Tông dạy hành giả “trì thoại đầu” tức là niệm Phật, nói cách khác, nhà Thiền vẫn dạy hành nhân niệm Phật.