Tập 86/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 86

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm bốn mươi bốn:

          (Sớ) Tam, Cảnh Hạnh nhất đối giả, dĩ cảnh vi Tông, linh khởi hạnh vi Thú. Cảnh tức thị sở quán chi Lý, đối năng quán chi Trí, cố danh vi Cảnh. Ngôn sùng thượng thử Lý, kỳ ý vân hà? Ký tri Di Đà tự tánh, Tịnh Độ duy tâm, chánh dục tức thử dĩ vi chân cảnh, nhi khởi quán hạnh, chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn, thị kỳ Thú dã, bất đồ vi hiểu đạt thử Lý nhi dĩ.

          () 三、 境行一對者, 以境為宗, 令起行為趣。

即是所觀之理,對能觀之智,故名為境。言崇尚此理,其意云何?既知彌陀自性,淨土唯心。正欲即此以為真境,而起觀行,執持名號,一心不亂,是其趣也,不徒為曉達此理而已。

          (Sớ: Cặp thứ ba là “cảnh – hạnh”. Lấy cảnh làm Tông, khiến cho khởi hạnh là Thú. Cảnh chính là cái Lý được quán đối ứng với cái Trí dùng để quán, nên gọi [Lý được quán] là Cảnh. Đề cao Lý này là vì ý gì? Nhằm biết Di Đà là tự tánh, Tịnh Độ duy tâm, nhằm muốn lấy ngay điều này làm cảnh thật để dấy lên quán hạnh, chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn. Đây là Thú, chứ không phải chỉ thông hiểu Lý mà thôi!)

           Đây là cặp thứ ba trong năm cặp Tông Thú của kinh này. Chữ “Cảnh” nếu chiếu theo lời giải thích trong phần sau thì chính là lấy danh hiệu Di Đà làm cảnh giới. Bốn chữ danh hiệu có bản thể là pháp giới. Nhất định phải hiểu ý nghĩa của danh hiệu bốn chữ này! A Di Đà Phật dịch sang nghĩa tiếng Hán là Vô Lượng Giác, A dịch là Vô, Di Đà là Lượng, Phật là Giác. Bốn chữ này cũng là tự tâm của chúng ta, tông Thiên Thai nói “một niệm trong tự tâm trọn đủ ba ngàn tánh tướng”, nói thật ra, chúng ta thường nói y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, không gì chẳng giác; do vậy, gọi là Vô Lượng Giác. Vì thế, trong cặp Cảnh Hạnh, “lấy Cảnh làm Tông”, lấy “khởi Hạnh làm Thú”.

          “Sở quán chi Lý”“năng quán chi Trí” cũng chính là đức Phật được ta niệm và cái tâm niệm Phật của ta. Cái tâm niệm Phật là Quán Trí, đức Phật được niệm là cảnh giới. Phật pháp và học thuật thế gian khác nhau ở chỗ này, tức là Năng và Sở chẳng hai, Cảnh và Hạnh như một, mầu nhiệm ở chỗ này. “Năng quán chi Trí” là cái tâm linh minh chẳng mê muội của ta. Linh giác là chẳng bị gián đoạn, nhưng nay sự linh giác của ta bị chướng ngại, chẳng thể tỏ lộ tác dụng. Quy nạp những thứ chướng ngại ấy lại thì một là Phiền Não Chướng, hai là Sở Tri Chướng. Đây là hai thứ chướng ngại. Kinh cũng nói đến Tam Chướng, Tam Chướng là Hoặc Chướng, Nghiệp Chướng, và Báo Chướng, nhưng Nhị Chướng bao gồm Tam Chướng. Do vậy, tâm linh minh giác liễu của chúng ta chẳng thể tỏ lộ. Nay đức Phật dạy chúng ta phương pháp này, tức là dùng phương pháp Niệm Phật để khôi phục bổn tánh, nhưng chúng ta chớ nên không liễu giải chân tướng sự thật này: Ngoài tâm không cảnh, ngoài cảnh không tâm; tâm và cảnh là một, chẳng hai. Phải hiểu rõ đạo lý này.

          “Ngôn sùng thượng thử Lý, kỳ ý vân hà” (đề cao Lý này là vì ý gì), vì sao phải đề cao cặp Cảnh – Hạnh này? Nhằm nói cho chúng ta biết đại ý: Di Đà là tự tánh Di Đà, Tịnh Độ là duy tâm Tịnh Độ. Vì thế, Cảnh và Trí chẳng hai, ý nghĩa là như vậy đó.

          “Chánh dục tức thử dĩ vi chân cảnh, nhi khởi quán hạnh” (Chính là vì muốn lấy điều này làm cảnh thật để khởi quán hạnh), câu này có nghĩa là: Chúng ta phải nên hiểu rõ những chữ ấy chính là “tự tánh duy tâm”“sở quán chi Lý”, những chữ nào vậy? Bốn chữ A Di Đà Phật! Lìa khỏi tâm tánh của chính mình, sẽ chẳng có danh hiệu; lìa khỏi danh hiệu cũng chẳng có tâm tánh. Câu này nên nói như thế nào? Chúng tôi vẫn dùng tỷ dụ để nói: Ví như khi chúng ta nằm mộng, cảnh trong mộng do tâm chúng ta biến hiện. Lìa khỏi tâm chẳng có mộng cảnh; lìa khỏi mộng cảnh chẳng có tâm! Khi nằm mộng, cái tâm này biến thành mộng cảnh. Vì thế tâm và mộng cảnh là một, chẳng hai. Chúng ta dùng tỷ dụ này để lãnh hội [ý nghĩa Cảnh và Hạnh]. Nay chúng ta niệm một câu A Di Đà Phật giống như cảnh giới trong mộng, A Di Đà Phật là cảnh giới do cái tâm niệm Phật của chúng ta biến hiện. Cái tâm niệm Phật là Trí, danh hiệu được niệm là Cảnh. Từ ý nghĩa này, hãy quan sát những đạo lý được giảng trong kinh này, quý vị sẽ lý giải chẳng khó cho lắm!

          Vì thế, phải lấy điều này “làm cảnh thật để khởi quán hạnh”. Quán hạnh là “chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn, lấy điều này làm Thú”. Mấu chốt tu hành Tịnh Độ nằm trong hai câu này. Một bộ kinh Di Đà cũng là để nói hai câu này. Vì thế, thật sự muốn thành tựu Tịnh nghiệp thì niệm Phật vô cùng quan trọng. Bình thường, ta nghiên cứu những kinh luận đều là để khi chúng ta niệm Phật trong Niệm Phật Đường sẽ chẳng khởi vọng tưởng, chẳng chấp trước, thật sự đạt được “chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, chẳng hoài nghi”, khiến cho chúng ta có thể thành tựu trong một thời gian ngắn. Đối với chuyện này, tôi luôn mong dành thời gian để nói rõ cặn kẽ cùng quý vị: Khi niệm Phật, chúng ta phải nên dùng tâm tư thái độ như thế nào thì mới có thể đạt được hiệu quả thật sự. Đối với chuyện này, nếu dùng sai cái tâm, sẽ rất khó đạt được hiệu quả. Tuy đã hiểu rõ Lý, vẫn phải biết nên dùng tâm thái nào để niệm.

          Câu tiếp theo là “bất đồ vị hiểu đạt thử Lý nhi dĩ” (chẳng phải vì để thấu hiểu Lý này mà thôi), nếu đã hiểu rõ đạo lý này, nhưng chẳng chịu tu hành, chẳng chịu niệm thì cũng uổng phí, vẫn chẳng thể thành tựu.

          (Sớ) Tứ, Hạnh Tịch nhất đối giả.

          () 四、行寂一對者。

          (Sớ: Cặp thứ tư là Hạnh Tịch).

           Trong năm cặp này, mỗi tầng một sâu hơn, cảnh giới càng thù thắng hơn. Hạnh [trong Hạnh Tịch] chính là Cảnh Hạnh đã nói trong phần trên.

          (Sớ) Dĩ Hạnh vi Tông, linh chí Tịch vi Thú.

          () 以行為宗,令至寂為趣。

          (Sớ: Lấy Hạnh làm Tông, khiến đạt đến Tịch làm Thú).

          Tịch là gì? Nói thật ra, đấy chính là nhất tâm.

          (Sớ) Ngôn sùng thượng thử niệm Phật quán hạnh, kỳ ý vân hà? Lương diêu tâm tuy bổn tịch, đa sanh tập nhiễm, xúc cảnh sanh tâm. Nhược bất tu quán hạnh, túng linh cưỡng ức vọng tâm, chung phi Định Huệ bình đẳng.

          ()言崇尚此念佛觀行,其意云何?良繇心雖本寂,多生習染,觸境生心。若不修觀行,縱令強抑妄心,終非定慧平等。

          (Sớ: Đề cao quán hạnh niệm Phật này là vì ý gì? Ấy là vì tâm tuy vốn tịch, nhưng do đắm nhiễm tập khí nhiều đời, hễ tiếp xúc cảnh bèn sanh tâm. Nếu chẳng tu quán hạnh, dẫu gượng khắc phục vọng tâm, rốt cuộc vẫn chẳng phải là Định và Huệ bình đẳng).

          Trong quá trình tu hành gần như [ai cũng] đều đã gặp qua [tình trạng này, tức là tập khí đắm nhiễm nhiều đời khiến cho tâm loạn], không chỉ là Tông Môn, Giáo Hạ, ngay cả niệm Phật cũng chẳng tránh khỏi. Vì thế, chúng ta phải biết Quán Hạnh vô cùng quan trọng. Nói theo sự tu tập trong pháp môn Tịnh Độ, Quán Hạnh là tín nguyện trì danh. Đấy chính là Quán Hạnh [trong pháp môn Tịnh Độ], phải sốt sắng niệm Phật. Trong phần trước đã nói rõ mục đích niệm Phật là “cầu đắc nhất tâm bất loạn”; ở đây, [lời Sớ] giảng “lương diêu tâm tuy bổn tịch” (ấy là vì tuy tâm vốn tịch), cái tâm của chúng ta vốn là nhất tâm, vốn chẳng loạn [cho nên niệm Phật để khôi phục nhất tâm].

          Hiện thời tâm chẳng tịch, hiện thời tâm loạn vì lẽ nào? Tiếp đó, [lời Sớ] nêu ra nguyên nhân: “Đa sanh tập nhiễm, xúc cảnh sanh tâm” (Do đắm nhiễm tập khí nhiều đời, hễ tiếp xúc cảnh bèn sanh tâm). Tám chữ này nói rõ ràng. “Đa sanh”: Chẳng phải là một đời, một kiếp, mà là đời đời kiếp kiếp. “Tập” (習) là tập khí, “nhiễm” (染) là nhiễm trước (chấp trước ô nhiễm). Đắm nhiễm tập khí nhiều đời, nhiều kiếp. Nhiễm là ô nhiễm, Trước là chấp trước. Vì thế, hễ sáu căn tiếp xúc sáu trần, tập khí bèn khởi tác dụng, lập tức bị cảnh giới bên ngoài ô nhiễm, lại dấy lên phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Do vậy, cái tâm tịch tĩnh vốn có của chúng ta bị mất diện mục và tác dụng. Vì thế, đức Phật mới bảo chúng ta: Nếu chẳng tu Quán, “bất tu Quán Hạnh” (chẳng tu Quán Hạnh) sẽ chẳng thể khôi phục, nhất định phải tu Quán Hạnh, tức là tín nguyện trì danh, chúng ta đi theo con đường này.

          Mọi người phải thật sự hiểu rõ, phải giác ngộ lớn lao, phải thật sự giác ngộ, tập khí đáng sợ lắm! Thế nhưng các đồng tu học Phật hiện thời, có ai chẳng đang dốc hết tánh mạng hòng tăng trưởng tập nhiễm? Không chỉ chẳng thể giảm bớt tập nhiễm, mà hằng ngày còn mong cho nó tăng thêm! Đó là khuyết điểm to lớn. Tăng thêm như thế nào? Chẳng hạn như đặc biệt nói về các đồng tu mới học Phật, kinh gì cũng muốn xem, pháp môn gì cũng muốn học, muốn học rộng nghe nhiều; đó là tăng trưởng “tập nhiễm”! Nếu lấy học vấn thế gian để nói, người ấy nghiên cứu Phật học, làm theo cách ấy không sai, làm đúng rồi! Nếu [xét theo phương diện] học Phật, người ấy đã đi sai đường, học Phật chẳng phải là học theo kiểu đó! Học Phật là gì? Mong đạt được nhất tâm bất loạn, mong minh tâm kiến tánh, mục đích ở chỗ này, chứ không phải là học rộng nghe nhiều. Trong phần Huyền Nghĩa của kinh Hoa Nghiêm, Thanh Lương đại sư đã nói học rộng nghe nhiều là “tăng trưởng tà kiến”, chẳng học mà cũng chẳng nghe là “tăng trưởng vô minh”. Hãy làm như thế nào? Thưa quý vị, học một thứ, chuyên tinh, chẳng cầu học rộng. Hiện thời học Phật chẳng có mấy người thành tựu, nguyên nhân là do đâu? Chẳng đúng cách, dùng sai phương pháp!

          Quan niệm tu học Phật pháp và pháp thế gian khác nhau. Hồ Thích[1] đề xướng “học hỏi phải giống như Kim Tự Tháp”, trước hết phải học rộng, dần dần chuyên tinh. Đó là [cách học trong] thế gian. Phương pháp cầu học trong Phật pháp là Kim Tự Tháp lật ngược, trước chuyên sau rộng, cách học như vậy. Thoạt đầu là thâm nhập một môn, vì sao? Tâm quý vị mới có thể thanh tịnh. Khi học nhiều, người học nhất định khởi phân biệt, tâm chẳng đạt được thanh tịnh. Từ xưa đến nay, những tổ sư đại đức Trung Quốc, quý vị đọc Cao Tăng Truyện hay Cư Sĩ Truyện, sẽ biết: Tất cả những người có thành tựu đều là suốt đời học một thứ, thâm nhập một môn, sau khi đã tiến nhập mới có thể cầu học rộng.

          Kinh Hoa Nghiêm là một thí dụ rất hay. Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần. Năm mươi ba lần tham học là học rộng nghe nhiều. Lúc Ngài mới học, có làm như vậy hay không? Không! Vừa mới bắt đầu học bèn theo một vị thầy là Văn Thù Bồ Tát. Ở chỗ Văn Thù Bồ Tát, Ngài chuyên dốc sức, chuyên tu, tu một thứ! Tu thành công một thứ, nhà Thiền gọi chuyện này là “khai ngộ”, minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ, Giáo Hạ gọi là “đại khai viên giải”, người niệm Phật gọi là “nhất tâm bất loạn”, phải tu đạt đến cảnh giới này. Cảnh giới ấy chính là tốt nghiệp, đã hoàn thành một giai đoạn. Từ đấy trở đi bèn học rộng nghe nhiều. Tu học trong Phật pháp giống như một cái cây, trước hết đã có thân chính rồi sau đó mới dần dần có cành lá, hoa quả, giống như vậy, chứ chẳng giống Kim Tự Tháp.

          Nhưng hiện thời nhiều đồng tu học Phật chúng ta làm ngược ngạo, dùng phương cách Kim Tự Tháp: Vừa bắt đầu liền học rộng nghe nhiều, đến khắp nơi nghe ngóng, đến khắp nơi nhìn ngó, khiến cho đầu óc rối loạn lung tung, chẳng nắm được đầu mối. Hỏi người ấy thì chuyện gì cũng biết, khá lắm, là một nhà Phật học cỡ bự! Có đoạn được phiền não hay chăng? Chẳng hề! Thị phi, nhân ngã, tham, sân, si, mạn chẳng thể đoạn tí nào! Chẳng thể đắc Định, chẳng thể khai Huệ. Kẻ học nhiều như thế gọi là Thế Trí Biện Thông, là cái học ký vấn[2], đọc cho nhiều, nghe cho lắm, nhớ cả đống, chứ chẳng phải từ tâm tánh của chính mình lưu lộ! Hy vọng các đồng tu phải chú ý điều này!

          Trong nhiều năm, qua các buổi giảng, tôi thường đề nghị các đồng tu hãy học theo một thầy, quý vị sẽ có thành tích. Nay ta chẳng tìm được thầy, đúng là chẳng tìm được thầy! Nếu quý vị gặp một vị thầy, nói chung, thầy cũng chẳng khác quý vị cho mấy, luôn là một vị thầy học rộng nghe nhiều, cũng là một vị thầy có học thức ký vấn! Cái học thức ký vấn thì ngay cả Nho gia cũng chẳng cần đến! Trong thiên Học Ký [của sách Lễ Ký] có câu: “Ký học chi vấn, bất túc dĩ vi nhân sư dã” (Cái học do hỏi han, ghi nhớ, chẳng đáng để làm thầy người khác được). Chúng ta tìm không được thầy thì làm sao đây? Tìm cổ nhân. Nay chúng ta muốn học kinh Di Đà mà chẳng tìm được thầy thì tìm Liên Trì đại sư. Bản chú giải này là của Liên Trì đại sư, chúng ta nương theo bản chú giải này của Liên Trì đại sư là được rồi!

          Chắc quý vị cũng nói: Chúng tôi đọc bản chú giải này của Liên Trì đại sư không hiểu! Nói thật ra, đây chẳng phải là chuyện khó. Nay tôi báo cáo với quý vị những điều tâm đắc của tôi khi đọc bản chú giải này, tôi chẳng giảng giải. Quý vị đọc bản chú giải này cũng giống như vậy, chỉ cần thành tâm thành ý đọc từ đầu đến cuối, đừng nóng ruột, chuyện này có gấp gáp cũng chẳng được! Câu tiếp theo là nói “Cưỡng ức vọng tâm” (gượng chế ngự vọng tâm), đó là gấp rút! Chuyện này gấp gáp chẳng được, cổ đức thường nói: “Độc thư thiên biến, kỳ nghĩa tự kiến” (Đọc sách ngàn lần, tự thấy ý nghĩa). Quý vị đọc Sớ Sao từ đầu đến cuối một ngàn lần, sẽ khai ngộ. Vì sao khai ngộ? Nếu quý vị chẳng nóng ruột, cứ thong thả đọc. Đọc một ngàn biến sẽ đắc Định. Quý vị đã nhất tâm bất loạn bèn thành công, bất tri bất giác thành tựu nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn là đại triệt đại ngộ, có đạo lý như vậy!

          Vì thế, thiện tri thức chân chánh muốn tìm một học trò, học trò hướng về vị ấy xin dạy dỗ; trước hết, vị ấy nhất định sẽ hỏi: “Ông đã học Phật bao lâu? Đã đọc những kinh điển nào? Đã nghe những ai chỉ dạy?” Nếu quý vị nói: “Tôi đọc khá nhiều kinh luận, tôi nghe rất nhiều pháp sư đại đức giảng kinh”. Vị ấy bèn rất khách sáo: “Khá lắm! Rất hiếm có! Ông chẳng phải xoàng!” Chắp tay tán thán quý vị vài câu, ông hãy đi đi! Chẳng thể dạy ông được! Vì sao chẳng thể dạy? Quý vị phải biết: Tập khí của chúng sanh là “tiên nhập vi chủ” (cái gì được tiếp xúc trước, sẽ trở thành chánh yếu), đầu óc quý vị đã chứa đầy ắp Phật pháp, thầy giảng điều gì, quý vị sẽ tranh luận, chẳng phục, còn dạy gì nữa đây? Chẳng có cách nào dạy được! Bởi lẽ, quý vị vừa mới học Phật đã đi sai đường.

          Nếu quý vị gặp một vị thiện tri thức, người ta hỏi quý vị: “Ông đã niệm kinh nào?” “Tôi mới học, vẫn là mới tiếp xúc”. “Có nghe ai giảng kinh hay chưa?” “Chưa nghe ai giảng kinh”. Người ấy sẽ coi quý vị như bảo bối, quyết định chẳng vứt bỏ, [dù chỉ có] một người thì người ấy cũng dạy quý vị, vì sao? Một trang giấy trắng, sạch tinh tươm, chưa từng bị ô nhiễm, người này dễ dạy, chẳng có thành kiến, dạy hắn ta điều gì cũng đều có thể tiếp nhận hoàn toàn. Vì thế, một vị thiện tri thức gặp được người như vậy, cả đời sẽ coi người ấy như bảo bối, có thể truyền pháp cho người ấy, đâu có đơn giản! Hiện thời, nói thật thà thì thiện tri thức cũng chẳng dễ gì gặp được. Có gặp, vị ấy cũng chẳng thể dạy quý vị. Vì vậy, bất đắc dĩ chỉ có cách kiếm cổ nhân, người hiện thời tìm không được thì kiếm cổ nhân. Học kinh Di Đà, tìm Liên Trì đại sư, tìm Ngẫu Ích đại sư; học kinh Hoa Nghiêm tìm Thanh Lương đại sư, Lý Trưởng Giả, họ là người đời Đường, chỉ có thể làm như vậy. Chúng ta thật sự muốn học đạo, muốn thành tựu, đó là con đường đúng đắn duy nhất, là con đường to lớn sáng sủa!

          Khi nào mới có thể đi tham học, đến các nơi nghe kinh, đến các nơi nhìn ngó? Phải thật sự đạt được tâm đắc nơi một môn, chẳng hạn như khai ngộ, có ngộ xứ. Quý vị đọc bộ Di Đà Kinh Sớ Sao này mười năm; sau mười năm, quý vị lại đi nghe các vị thầy giảng kinh, thuyết pháp, xem những bản chú sớ khác nhau, quý vị sẽ khác hẳn, thật sự có tư cách tham học, vì sao? Tôi đã dụng công nơi bộ kinh này mười năm, đến khi ấy quý vị đã mở mang huệ nhãn, pháp nhãn cũng đã mở; bất luận đến nơi đâu xem xét, thăm dò, chắc chắn đạt được lợi ích, chẳng bị tổn hại. Nếu chẳng có cơ sở mười năm nơi một bộ kinh, nói thật ra, chẳng có tư cách tham học!

          Vì sao hiện thời Phật Học Viện chẳng thể đào tạo nhân tài? Trong quá khứ, tôi cũng dạy tại Phật Học Viện mấy năm, nay tôi chẳng đến đó. Vì sao chẳng đến? Tôi đã hiểu rõ, đó là đại hội đua tài giảng diễn. Học trò là thính chúng, giờ này, vị pháp sư X… đến giảng một tiếng đồng hồ; giờ sau, thay thầy Y… lại giảng một môn khác nữa. Học sinh có thể tiếp thu hay chăng? Hoàn toàn chẳng thể hấp thu! Vừa mới giảng xong, ngay lập tức, thay thầy khác, thay bài học, quên sạch, quên béng mọi điều trong giờ học trước! Cái còn sót lại là “thầy X… giảng như thế nào? Thầy này giảng ra sao?” Phê bình họ Trương giỏi, họ Lý dở ở nơi đó. Chúng ta cần gì phải tham gia đại hội tranh tài giảng diễn ấy? Chẳng ganh đua với người ta, cho nên tôi cũng chẳng đến. Mất thời gian, tốn tinh lực, chẳng đạt được hiệu quả! Chẳng bằng chính mình ở nhà xem kinh, niệm Phật, thật sự có thụ dụng. Đây là tôi cống hiến kinh nghiệm tham học của chính mình cho quý vị đồng tu tham khảo.

          “Nhược bất tu quán hạnh, túng linh cưỡng ức vọng tâm” (nếu chẳng tu quán hạnh, dẫu gắng gượng chèn ép vọng tâm), “ức” (抑) là đè nén, đây là tu tập quá gấp rút, rất phiền phức, sẽ thâu được hiệu quả trái ngược. Chẳng hạn như người tham Thiền, miễn cưỡng khống chế vọng tâm của chính mình, dẫu cho người ấy tu Thiền thì vẫn là có Định chứ không có Huệ. Thiền ấy như thế nào? Si Thiền. Dẫu hết thảy vọng tưởng đều buông xuống, đều chẳng nghĩ tới, đến cuối cùng, tu thành Vô Tưởng Định, biến thành ngoại đạo. Dẫu tu thành công, tương lai sanh làm ngoại đạo thiên trong Tứ Thiền Thiên, tức là Vô Tưởng Thiên, học Phật mà trở thành ngoại đạo! Học Giáo, nếu dụng tâm quá độ, tâm hiếu cường, hiếu thắng tha thiết, chúng tôi thấy rất nhiều người thổ huyết, thần kinh còn bị rối loạn. Trong quá khứ, chúng tôi cũng có một đồng học dụng công quá độ, nghiên cứu kinh chẳng ngủ nghỉ, làm như thế mười tháng sau chẳng thể xem kinh! Ông ta bảo tôi: “Chỉ cần nhìn vào kinh, liền thấy một vầng đen kịt, chẳng thấy một chữ nào”. Biến thành tình trạng như thế là vì dụng công chẳng thích đáng! Tham Thiền cũng giống như thế, mà niệm Phật cũng như vậy, quyết định chẳng thể dụng công quá gấp rút. Muốn thành tựu nhanh chóng, chắc chắn đi vào ngõ rẽ! Chớ nên quá lơi lỏng, mà cũng đừng quá gấp rút. Vì thế, Phật pháp dạy quý vị phải noi theo Trung Đạo thì mới có thể thành công. Niệm Phật đã mệt, bèn nghỉ ngơi, đừng nghĩ “chẳng thể nghỉ ngơi được, ta lại bị gián đoạn”, thể lực sẽ không chịu được, quý vị đâu phải là căn tánh ấy! Thể lực tốt đẹp, mỗi ngày chỉ cần ngủ hai tiếng đồng hồ thì quá tốt, quý vị có thể niệm bảy ngày bảy đêm không ngủ nghỉ, vẫn được! Thân thể không ổn, chắc chắn chớ nên miễn cưỡng! Hễ mệt bèn nghỉ ngơi, tinh thần khôi phục sẽ niệm tiếp, như vậy mới là tốt, như vậy mới là “chẳng gián đoạn”. Vì thế, mọi người phải hiểu ý nghĩa này, đừng nên miễn cưỡng đè nén bản thân, “chung phi Định – Huệ bình đẳng” (rốt cuộc chẳng phải là Định – Huệ bình đẳng). Định – Huệ bình đẳng mới là Thiền thật sự.

           (Sớ) Kim y chánh quán, chấp trì danh hiệu, chí ư nhất tâm, tắc phục hoàn không tịch chi Thể, thị kỳ Thú dã.

() 今依正觀 ,執持名號,至於一心,則復還空寂之

體,是其趣也。

(Sớ: Nay nương theo chánh quán, chấp trì danh hiệu, đến mức nhất tâm bèn khôi phục cái Thể không tịch, đó là Thú).

“Chánh quán”: Chấp trì danh hiệu có Sự Trì và Lý Trì, Sự Trì và Lý Trì đều gọi là Chánh Quán. “Chí ư nhất tâm” (đạt đến nhất tâm) là nhất tâm bất loạn. Ngẫu Ích đại sư nói rất hay, bất luận Sự Trì hay Lý Trì, có thể trì đến mức đoạn Kiến Tư phiền não thì đều gọi là Sự nhất tâm bất loạn. Sự Trì hay Lý Trì đều như nhau. Niệm đến mức phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, đều gọi là Lý nhất tâm bất loạn. Sự Trì chú trọng nơi sự tướng, chúng ta thường nói “thật thà niệm Phật”, những người này thường thành tựu nhiều hơn người thông đạt kinh giáo, lại còn cao minh hơn, vì sao? Người thông đạt kinh giáo suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ lung tung, nghĩ kinh này là đạo lý gì, kinh kia là đạo lý gì, đều gọi là “suy nghĩ lung tung”.

          Lục Tổ nói rất hay: “Vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần”, tâm thanh tịnh khẩn yếu lắm! Do vậy, sư Ấn Tông hỏi Lục Tổ: “Ngũ Tổ có thường giảng Thiền Định giải thoát hay không?” Ngài lập tức ngăn lại, nói: “Thiền Định và giải thoát là hai pháp, Phật pháp là pháp không hai, hai pháp chẳng phải là Phật pháp”. Ngăn chặn ngay! Nói cách khác, do Ấn Tông là pháp sư giảng kinh, đầu óc đầy ắp danh từ Pháp Tướng, cho nên chẳng thể kiến tánh. Tuy Sư có thể giảng kinh, nhưng chẳng thể minh tâm kiến tánh, Lục Tổ một đao cắt rời, đoạn dứt tất cả tri kiến của Sư, mong Sư có thể minh tâm kiến tánh.

          Thông đạt giáo nghĩa, thông đạt lý luận, niệm A Di Đà Phật, đó gọi là Lý Trì. Sự Trì là hoàn toàn không hiểu, như đồ đệ của pháp sư Đế Nhàn, chẳng biết chữ, chưa từng học hành, chưa hề nghe kinh, xuất gia cũng chưa thọ giới. Pháp sư Đế Nhàn bảo ông ta niệm một câu “Nam-mô A Di Đà Phật”, dạy ông ta một câu như thế. Người này rất tuyệt vời, thật sự nghe lời, thật sự tiếp nhận, chịu làm, người này hoàn toàn là Sự Trì. Sở dĩ, lão pháp sư dạy ông ta [làm như thế] là do ông ta đã lớn tuổi mới xuất gia, ngoài bốn mươi mới xuất gia: “Ông niệm mệt bèn nghỉ ngơi, nghỉ khỏe rồi lại niệm tiếp. Một mực niệm như thế, nhất định có lợi ích”. Chính ông ta cũng không biết có lợi ích gì, nhưng niệm suốt ba năm, bèn biết trước lúc mất, đứng vãng sanh. Sự trì đấy! Khi ông ta vãng sanh, pháp sư Đế Nhàn lo liệu hậu sự cho ông ta, tán thán: “Đại pháp sư giảng kinh, thuyết pháp, phương trượng các ngôi chùa nổi tiếng trong thế gian hiện thời, không ai có thể sánh bằng ông! Thật sự chẳng sánh bằng!” Ông ta điều gì cũng chưa nghe đến, chuyện gì cũng chẳng biết, trong đầu ông ta chẳng có những thứ lộn xộn. Thầy dạy ông ta một câu A Di Đà Phật, từ đấy trở đi, trong đầu chỉ có A Di Đà Phật. Trừ A Di Đà Phật ra, điều gì cũng không biết, do như vậy nên mới có thể thành công.

          Nay chúng ta đã bị lừa, đã chất chứa không ít thứ [trong lòng]. Nếu đã hiểu rõ, thấu triệt Lý, thấu triệt rồi thì sao? Có thể buông xuống. Nếu chẳng thấu triệt Lý, không buông xuống được, vẫn nghĩ ngợi, như vậy là sẽ bị thiệt thòi nhiều lắm! Nói thật ra, các đồng tu chúng ta đang hiện diện nơi đây, có ai chẳng phải là đời đời kiếp kiếp đều tu hành? Có ai chẳng cúng dường vô lượng chư Phật? Giống như kinh Vô Lượng Thọ đã nói: “Cúng dường bốn trăm ức Phật”, nhưng quý vị mê khi cách ấm, vẫn bị thoái chuyển, là vì lẽ nào? Đời đời kiếp kiếp đều học, nhưng chẳng học thấu suốt, mà vẫn không đành lòng buông xuống, tạo thành đại chướng ngại cho chính mình.

          Tôi thường khuyến khích các đồng tu, kinh giáo học một môn, thâm nhập một môn, trong tương lai sẽ thành một người có uy tín trong Phật học. Chẳng hạn như trong thời cận đại, lão pháp sư Viên Anh xuất gia, suốt đời chuyên dốc sức nơi kinh Lăng Nghiêm. Trong lời tựa bộ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa, Sư cho biết: Từ năm hai mươi ba, hai mươi bốn tuổi, Sư bắt đầu dốc sức nơi kinh Lăng Nghiêm, đến lúc ngoài bảy mươi tuổi mới viết xong bộ Giảng Nghĩa. Sư suốt đời dốc sức nơi kinh   Lăng   Nghiêm,  gần   như  chẳng  có  ngày  nào  không  đọc  Lăng

Nghiêm. Thông đạt một bộ kinh, các kinh khác đều thông!

          Trong giới cư sĩ tại gia, cư sĩ Giang Vị Nông suốt đời dụng công nơi kinh Kim Cang trọn bốn mươi năm. Bộ Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của ông là bộ chú giải kinh Kim Cang có uy tín nhất, dụng công quá sâu! Cư sĩ Châu Chỉ Am cũng dốc sức suốt bốn mươi năm nơi Tâm Kinh hai trăm sáu mươi chữ, viết ra cuốn Tâm Kinh Thuyên Chú, là bản chú giải Tâm Kinh có giá trị nhất. Chúng ta phải học theo điều này, chỉ cần dốc sức nơi một môn, nhất định sẽ có thành tựu, chẳng có thầy cũng chẳng sao!

          Trong Ảnh Trần Hồi Ức Lục, pháp sư Đàm Hư có chép truyện cư sĩ Lưu Văn Hóa đọc kinh Lăng Nghiêm, không ai chỉ dạy, cư sĩ đọc suốt tám năm. Ông ta niệm kinh Lăng Nghiêm suốt tám năm bèn có cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn. Ông ta biết Đông Y đôi chút, mở tiệm thuốc Bắc. Có một buổi trưa, ông ta ở trong tiệm thuốc Bắc, không có ai mua bán, liền gục đầu lên quầy ngủ gà ngủ gật. Chính ông ta cảm giác hình như mình ngủ mà chẳng phải ngủ, trọn chẳng phải là đã ngủ say, thấy hai người bước vào. Hai người ấy đã chết, là oan gia đối đầu của ông ta, trong quá khứ đã từng có tranh chấp nợ nần, cùng lôi nhau ra tòa. Lưu Văn Hóa thắng kiện, hai người này thua kiện. Sau khi thua, hai người này bèn treo cổ tự tử.

          Đối với chuyện này, ông ta từ trước đến giờ cảm thấy khó chịu lắm, vì lẽ nào mà do một chút tiền đến nỗi ép hai người mất mạng? Tự mình thường áy náy. Nay thấy hai người bọn họ đi đến, ông ta hoảng sợ, biết hai người này đã chết: “Hai con quỷ này đến đây, sợ là đến báo thù!” Rốt cuộc, ông ta thấy hai người này dường như không có ác ý, họ đi tới trước mặt ông ta quỳ xuống. Ông ta bèn hỏi: “Các ông quỳ trước mặt tôi để làm gì?” Bọn họ nói: “Cầu siêu độ”. Ông ta bèn vững tâm, chẳng phải là họ đến báo thù, mà là cầu siêu độ. Ông ta bảo: “Được! Cách siêu độ ra sao?” Họ thưa: “Chỉ cần ông nhận lời là được!” “Không sao! Tôi bằng lòng!” Ông nhìn thấy hai con quỷ ấy trèo lên đầu gối ông ta, trèo đến vai bèn thăng thiên.

          Sau khi hai con quỷ ấy được siêu độ, kế đó, ông ta lại thấy một nữ nhân dẫn một đứa bé. Cô ta là người vợ đã mất của ông ta, đứa con cũng theo mẹ tới trước mặt ông ta, cũng muốn cầu siêu độ. Ông ta bèn đáp ứng giống như vậy: “Được rồi, ta bằng lòng, ta siêu độ các ngươi”. Cũng là thấy bà vợ dắt đứa bé trèo lên đầu gối ông ta, lên đến vai bèn thăng thiên. Nghi thức gì cũng chẳng có, cũng chẳng cần tụng kinh, cũng chẳng cần bái sám. Do sức mạnh nào vậy? Do công đức của tám năm đóng cửa đọc kinh Lăng Nghiêm. Do vậy, là người thật sự có đạo hạnh, ông ta gật đầu, [người đã mất] bèn được siêu độ.

          Không ai giảng giải, không có thầy, chớ sợ! Chỉ cần quý vị cầm cuốn kinh sách này, mỗi ngày đọc một lần, đọc suốt mười năm hay tám năm sẽ hữu hiệu, sẽ thành công. Nói cách khác, quý vị có tâm nhẫn nại hay không? Tâm nhẫn nại là phước báo, quý vị có phước báo ấy hay không? Đó là quý vị có thiện căn, nhân duyên, nay kinh điển chẳng thiếu khuyết chính là nhân duyên trọn đủ, quý vị cũng hiểu rõ đạo lý này. Nói cách khác, quý vị có phước phận hay không? Phước phận chính là tâm nhẫn nại. Trong thực tế, thân cận thầy cũng giống như vậy! Chẳng thân cận một vị thầy mười năm, cũng chẳng thể thành tựu. Tại Đài Trung, tôi thân cận thầy Lý suốt mười năm. Năm Dân Quốc 47 (1958), tôi thân cận thầy, đến năm Dân Quốc 56 (1967) rời thầy, tròn mười năm, không kiên trì sẽ không được. Khuyết điểm lớn nhất của con người hiện thời là mong nhanh chóng, mong mau thành, mong muốn có ngay danh lẫn lợi, đâu có chuyện như vậy được! Nhất định không thể như thế được! Thưa quý vị, nếu danh lợi thật sự đưa tới thì nó tới cũng nhanh mà đi cũng chóng. Đấy là đạo lý tất nhiên! Mong nhanh chóng sẽ chẳng đạt được mà!

          (Sớ) Bất đồ vi hữu tác vọng kế nhi dĩ.

          () 不徒為有作妄計而已。

          (Sớ: Chẳng phải là hữu vi, hư vọng biến kế sở chấp mà thôi)

           “Hữu tác” là hữu vi, “hữu tác” là đối với “vô tác” mà nói. “Vọng kế” hay “hư vọng biến kế” chính là nói tương phản với Viên Thành Thật trong Duy Thức. Câu này có nghĩa là: “Nhược bất quy không tịch, tắc thị hữu vi, hữu tác chi tu” (Nếu chẳng quy về không tịch, sẽ là tu hữu vi, hữu tác). Do tu hữu vi, hữu tác, chắc chắn không đạt được nhất tâm, chắc chắn chẳng thể kiến tánh. Nói cách khác, quý vị tu như thế nào đi nữa, công phu cũng chỉ đạt được phân nửa mà thôi, chẳng thể viên mãn. Do vậy, nhất định phải quy về không tịch, tức là thanh tịnh tịch diệt. Thiền lấy thanh tịnh tịch diệt làm chỗ quy túc, Tịnh Độ cũng lấy thanh tịnh tịch diệt làm chỗ quy túc, nhất tâm bất loạn mà! Nếu trong tâm có một niệm, sẽ thành hai, chẳng phải là một. Giáo Hạ cũng như vậy, Giáo Hạ phải từ ngôn thuyết trở về vô ngôn thuyết, thì mới có thể đại triệt đại ngộ nơi Giáo Hạ, mới có thể đại khai viên giải. Từ có ngôn thuyết trở về vô ngôn thuyết, “thuyết tức vô thuyết, vô thuyết tức thuyết” (nói là chẳng nói, chẳng nói là nói), đều phải lấy không tịch làm chỗ quy thú. Do vậy, quyết định chẳng phải là “hữu vi, vọng kế”.

          (Sớ) Ngũ, Tịch Dụng nhất đối giả.

          () 五、寂用一對者。

          (Sớ: Cặp thứ năm là Tịch Dụng).

          “Tịch” chính là tịch diệt trong đoạn trên. Nói cách khác, khi ấy đã đạt đến Lý nhất tâm bất loạn, công phu đã thành tựu. Sau khi thành tựu, đương nhiên có dụng xứ, tức là khởi tác dụng. Vì thế, Tịch là Thể, khởi dụng là tác dụng to lớn của nó.

          (Sớ) Dĩ Tịch vi Tông, linh phát dụng vi Thú. Ngôn sùng thượng thử Tịch, kỳ ý vân hà? Lương diêu vọng tưởng chấp trước, vô diêu giải thoát, vọng tận, tâm nhất, tắc “tịnh cực, quang thông”. Dụ như trần tận, kính minh, vô tượng bất hiện.

          ()以寂為宗,令發用為趣。言崇尚此寂。其意云何?良繇妄想執著,無繇解脫,妄盡心一,則淨極光通。喻如塵盡鏡明,無像不現

          (Sớ: Lấy Tịch làm Tông, khiến cho khởi tác dụng là Thú. Đề cao Tịch là vì ý gì? Ấy là vì vọng tưởng chấp trước, không do đâu mà giải thoát được. Hễ vọng hết, tâm bèn nhất, đấy chính là “tịnh đến cùng cực bèn sáng suốt”. Ví như hết bụi, gương bèn sáng, không hình ảnh nào chẳng hiện).

Đoạn này có cùng ý nghĩa với điều đức Phật đã giảng trong kinh Lăng Nghiêm. Tâm chúng ta vốn tịch tĩnh, vốn chẳng có một vật, nay trong tâm chẳng tịch tĩnh, vì sao chẳng tịch tĩnh? Trong phẩm Như Lai Xuất Hiện của kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã nói [rõ nguyên nhân]. Phẩm Như Lai Xuất Hiện do đức Phật tự nói sau khi Ngài vừa mới thành Phật, là cảnh giới của chính Ngài khi ấy. Khi chính Ngài đã thành Phật, tức là thị hiện thành Phật, thấy hết thảy chúng sanh trong đại địa đồng thời thành Phật, bèn rất cảm khái, nói một câu: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”, hoàn toàn giống như Phật, chẳng có mảy may sai biệt nào! Đáng tiếc là chúng sanh do có “vọng tưởng, chấp trước, nên chẳng thể chứng đắc”, chẳng thể chứng đắc và hưởng thụ cảnh giới ấy. Căn bệnh là do vọng tưởng, chấp trước; vì thế, ở đây nói “lương diêu vọng tưởng, chấp trước, vô diêu giải thoát” (ấy là do vọng tưởng, chấp trước, không thể do đâu mà giải thoát được), giải thoát là tự tại. Kinh Hoa Nghiêm nói Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại; chẳng thể đạt tới cảnh giới của Phật, Bồ Tát là vì vọng tưởng, chấp trước.

“Vọng tận” là vọng tưởng, chấp trước thảy đều bỏ sạch. Hết thảy đều bỏ sạch, chẳng còn nữa, tâm bèn nhất, đấy là nhất tâm bất loạn. Do vậy, có thể biết: Chỉ cần quý vị còn có một vọng tưởng, còn có một chấp trước, quý vị sẽ chẳng đắc nhất tâm. Bởi vậy, trong khi niệm Phật, tôi luôn khuyến khích, cổ vũ các đồng tu niệm Phật đừng nên cầu nhất tâm, niệm Phật đừng nên cầu vãng sanh, niệm Phật đừng nên cầu tướng lành, vì sao? Do quý vị có cầu là có vọng tưởng, chấp trước. Quý vị niệm Phật mà có vọng tưởng, chấp trước này, làm sao đắc nhất tâm? Chẳng thể được! Quý vị niệm gì cũng đều không có. Niệm một câu Phật này thuần thục, tự nhiên Phật hiện tiền, tự nhiên đắc nhất tâm, quyết định vãng sanh, những điều mong mỏi thảy đều đạt được; nhưng nếu quý vị khởi niệm trong khi niệm Phật, sẽ chẳng đạt được, vì sao? Trong sự niệm Phật của quý vị có xen tạp, tức là xen tạp vọng tưởng, chấp trước, cho nên quý vị chẳng thể thành công. Nhất định phải hiểu điều này!

Có người hỏi: “Tôi niệm Phật chẳng cầu nhất tâm, chẳng cầu vãng sanh, chẳng cầu thấy Phật, chẳng cầu gì cả thì tôi niệm Phật hiệu này để làm gì?” Kẻ ấy chẳng biết: Trong từng câu, từng chữ của Phật hiệu đã bao hàm “cầu nhất tâm, cầu vãng sanh, cầu thấy Phật”, đều được bao gồm trong ấy. Nếu lại khởi lên những ý niệm này thì hỏng rồi, hỏng bét! Chỉ cần một mực niệm bốn chữ này, điều gì cũng chẳng nghĩ tới, chẳng có pháp nào ở trong ấy, sở nguyện sở cầu của quý vị sẽ đều bao gồm trong ấy. Quý vị không nghĩ đến, nhưng chúng vẫn được bao gồm trong ấy, đúng là mầu nhiệm không thể diễn tả được! Cái tâm bèn nhất. Đây là chuyện trọng yếu nhất trong việc học Phật.

Chúng ta học Phật nhằm mục đích cầu “cái tâm chuyên nhất”. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, Hiển Giáo, Mật Giáo, đều có cùng một mục tiêu: Cầu nhất tâm. Quý vị phải nhớ: Phương pháp nào giúp cho cái tâm ta được chuyên nhất thì phương pháp ấy hữu hiệu đối với ta. Phương pháp nào khiến cho trong tâm ta khởi lên phân biệt, chấp trước, chúng ta phải bỏ phương pháp ấy. Chính mình nhất định phải hiểu rõ điều này, nhất định phải giác ngộ, khiến cho chúng ta tiến bộ rất nhanh, thật sự có tiến bộ trên Phật đạo.

“Tắc tịnh cực quang thông”: Câu này xuất phát từ ở câu “tịnh cực

quang thông đạt” trong kinh Lăng Nghiêm. “Tịnh” là Định, là nhất tâm bất loạn. Khi công phu nhất tâm bất loạn đã thành thục, tự nhiên phóng quang minh. Quang minh ấy là trí huệ. Trí huệ hiện tiền, vô lượng vô biên trí huệ. Trí huệ này chẳng phải do học được, cho nên gọi là Tự Nhiên Trí, hay Vô Sư Trí, điều gì cũng đều thông đạt. Mọi người đều biết Huệ Năng đại sư chưa từng đi học, không biết chữ, ở Hoàng Mai nghe Ngũ Tổ thuyết pháp vào canh ba lúc nửa đêm, nghe giảng đôi chút, chỉ một lần ấy! Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang, giảng được một phần ba, giảng đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Hãy nên không trụ vào đâu mà sanh tâm), Ngài bèn hoát nhiên đại ngộ, chẳng cần phải giảng tiếp, Ngài đã thông đạt hết thảy rồi! Không chỉ là thông đạt kinh Kim Cang, mà tất cả toàn bộ kinh điển Phật giáo đều thông đạt

Vì sao có thể thông đạt toàn bộ? Tâm tịnh. “Tịnh cực quang thông”. Ngũ Tổ giúp Ngài một chút; lúc bình thường tâm Lục Tổ đã thanh tịnh. Nếu tâm Ngài không thanh tịnh, sẽ chẳng thể nói: “Bồ Đề bổn vô thụ, minh kính diệc phi đài, bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai” (Bồ Đề chẳng phải cây, gương sáng chẳng phải đài, vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần). Tâm bất tịnh, sẽ chẳng đạt được cảnh giới này, sẽ chẳng thể nói lời này! Tâm Ngài đã tịnh, nên Ngũ Tổ vừa khai thị, tạo một chút Tăng Thượng Duyên, do một chút ấy, Ngài bèn thông suốt, quang minh của Ngài bèn lộ ra. Vì thế, trên đường lánh nạn, còn chưa đến chỗ bọn thợ săn, tại thôn Tào Hầu gặp tỳ-kheo-ni Vô Tận Tạng. Tỳ-kheo-ni Vô Tận Tạng thường niệm kinh Đại Bát Niết Bàn, kinh này phân lượng cũng rất lớn, có bốn mươi quyển. Tuy niệm kinh này, có rất nhiều ý nghĩa bà ta chẳng hiểu, gặp Lục Tổ bèn thỉnh giáo Ngài, vì Ngài trụ tại thôn Tào Hầu tới tám tháng. Có thời gian dài như thế, Ngài bèn giảng cho tỳ-kheo-ni Vô Tận Tạng nghe kinh Niết Bàn một lượt từ đầu đến cuối. Chuyện này có ghi trong Đàn Kinh. Đây là lần đầu tiên Ngài giảng kinh, lúc ấy, Ngài hai mươi bốn tuổi. Trước lúc đến ẩn mình trong đoàn thợ săn, Ngài có một đoạn nhân duyên như thế. Người đuổi bắt Ngài nhằm đoạt lại y bát là Huệ Minh chính là người đắc độ thứ nhất, người đắc độ thứ hai là tỳ-kheo-ni Vô Tận Tạng.

Quý vị phải hiểu: Trí huệ thật sự do nhất tâm bất loạn mà có, chúng ta cầu điều khẩn yếu này. Hiện thời, có rất nhiều người đã phạm sai lầm: Ta phải đọc thật nhiều kinh, đọc thật nhiều luận, ta phải nghiên cứu những thứ ấy. Sai lầm rồi! Đó là [học tập] để trở thành một chuyên gia Phật học. Làm một nhà Phật học thì được, chứ chẳng ăn nhập gì đến Tam Học Giới – Định – Huệ của chính mình! Chúng ta lãng phí nhiều thời gian và tinh lực quý báu nơi đây, cái được không bù nổi cái mất. Cái được quá hữu hạn, cái mất không có cách gì bù đắp được! Thành tựu trong Phật pháp là đắc nhất tâm, do nhất tâm mà khai trí huệ, đấy là thành tựu trong Phật pháp, “tịnh cực quang thông” [có nghĩa là như vậy].

[Liên Trì đại sư dùng] tỷ dụ “trần tận, kính minh” (hết bụi, gương sáng). Thời cổ, gương soi mặt làm bằng đồng. Gương đồng phải mài, càng mài càng sáng, mỗi ngày đều phải mài. Chẳng mài sẽ đóng bụi, đóng bụi sẽ chẳng soi được! Gương soi vốn có thể chiếu, tỷ dụ trí huệ quang minh vốn sẵn đủ, chẳng cần phải cầu từ bên ngoài, cầu chẳng được đâu! Đòi hỏi điều gì? Đòi hỏi gương phải sạch, tâm địa phải thanh tịnh. Tâm đã nhất, trí huệ sẽ tự nhiên xuất hiện. Tâm chẳng nhất, muốn cầu trí huệ thì đến nơi đâu để cầu? Giống như gương dơ bẩn, đóng cả đống bụi bặm, làm sao có thể soi tỏ được? Chẳng trừ bỏ bụi bặm, mà muốn gương tỏa quang minh, sẽ là chuyện không thể thực hiện được! Trước hết, phải cầu nhất tâm, không cầu trí huệ. Từ trong nhất tâm, tự nhiên sanh ra trí huệ, điều này rất khẩn yếu. Bụi hết, gương tự nhiên tỏa quang minh, “vô tượng bất hiện” (không hình tượng nào chẳng hiện), sẽ soi rõ rệt cảnh giới bên ngoài. Nói cách khác, tất cả các pháp thế gian và pháp xuất thế gian đều thông đạt, hiểu rõ, chẳng còn có chướng ngại. Tỷ dụ này có ý nghĩa như vậy!

 (Sớ) Sở vị ký sanh bổn quốc, đắc Vô Sanh Nhẫn dĩ, hoàn nhập sanh tử, dĩ vô số phương tiện, đại tác Phật sự, độ thoát chúng sanh, diệu dụng hằng sa, thị kỳ Thú dã.

() 所謂既生本國 ,得無生忍已 ,還入生死 以無

數方便,大作佛事,度脫眾生,妙用恆沙,是其趣也。

(Sớ: Đó gọi là: Đã sanh về nước ấy, đắc Vô Sanh Nhẫn, trở vào sanh tử, dùng vô số phương tiện để làm Phật sự to lớn, độ thoát chúng sanh, diệu dụng nhiều như cát sông Hằng. Đấy là Thú [của kinh này]).

Phối hợp với kinh này để nói, kinh này lấy vãng sanh làm tác dụng. Chúng ta tu học pháp môn này nhằm mục đích cầu vãng sanh, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới trong một đời, nhất tâm bèn đạt được. Nay chúng ta niệm Phật, mong niệm đến mức nhất tâm, chẳng dễ đâu! Thật khó lắm! Vì thế, nay chúng ta vãng sanh chỉ cầu gì? Đới nghiệp vãng sanh. Trong một lá thư viết cho bạn, Ngẫu Ích đại sư từng để lộ cảnh giới của chính mình. Ngài nói Ngài suốt đời học Phật, nhưng cũng chẳng dám bàn tới thành tựu gì, hạ hạ phẩm vãng sanh chính là kết cục chắc chắn của chính Ngài. Nói cách khác, Ngài quyết định tin tưởng chính mình có thể vãng sanh. Phẩm vị nào? Hạ hạ phẩm mà thôi. Ngài có cầu thượng phẩm hay không? Ngài không cầu, Ngài chẳng có ý niệm ấy, chỉ cầu vãng sanh, hạ hạ phẩm cũng được, chính mình cũng rất thỏa ý rồi! Chúng ta nghĩ xem: Ngẫu Ích đại sư là hạng người nào? Quyết chẳng tham cầu phẩm vị cao. Chúng ta nên bắt chước các tổ sư đại đức, thật thà niệm Phật, cầu đới nghiệp vãng sanh.

Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị bèn chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn chứng đắc điều này. Vì sao biết? Trong kinh thường nói: Viên chứng ba thứ Bất Thoái. Nếu chẳng chứng Vô Sanh Nhẫn, làm sao có ba thứ Bất Thoái cho được? Đã nói đến ba thứ Bất Thoái, nhất định đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Vô Sanh Pháp Nhẫn, thưa quý vị, không chỉ là Sự nhất tâm, trên thực tế, nó là Lý nhất tâm bất loạn. Sau khi chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, quý vị bèn thành tựu. “Đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn dĩ” là quý vị đã đạt được, thật sự đạt được. Sau khi đạt được, bèn độ chúng sanh, “hoàn nhập sanh tử” (trở vào sanh tử), [sanh tử] là lục đạo luân hồi, quý vị bèn trở lại lục đạo luân hồi. Lúc ấy, trở vào lục đạo luân hồi chẳng phải là đầu thai, chẳng phải là đến thọ báo, mà là “thừa nguyện tái lai”, tự tại lắm! Quý vị tự do ra vào lục đạo, không như chúng ta hiện thời muốn thoát khỏi lục đạo chẳng được, chẳng có cách nào! Khi ấy, người đó ra vào tự do, chẳng có chướng ngại.

Người ấy vào trong lục đạo để làm gì? Vào lục đạo độ chúng sanh. Đối với kẻ có duyên với chính mình, thấy kẻ căn cơ đã chín muồi, căn cơ chín muồi còn phải hữu duyên, hữu duyên cũng phải là căn cơ chín muồi, người ấy bèn đến [chỗ kẻ hữu duyên, căn cơ chín muồi ấy]. Nói “căn cơ chín muồi” là người ấy có thể tin tưởng. Quý vị dạy người ấy làm như vậy, người ấy sẽ chết sạch so đo, khăng khăng tu tập, quyết định thành công trong đời này. Loại người ấy được gọi là “căn cơ chín muồi”. Nói cách khác, người căn cơ chín muồi nhất định vượt thoát luân hồi trong đời này, nhất định vãng sanh. Đối với kẻ chưa chín muồi, bèn gieo thiện căn, cũng giúp đỡ người ấy, khiến cho người ấy có thể nghe kinh nhiều, niệm Phật nhiều, nhưng người ấy chưa thể vãng sanh trong đời này. Đấy là tăng trưởng thiện căn cho kẻ ấy, [tuy] kẻ ấy chưa thể vãng sanh trong đời này. Sở dĩ kẻ ấy chẳng thể vãng sanh là do chính kẻ ấy chẳng nghiêm túc niệm Phật, tam tâm, nhị ý, đã niệm Phật mà vẫn mong học môn khác, như vậy là không được rồi!

Ngày hôm nay, tôi bảo Ngộ Đạo, phước báo của tôi chẳng lớn bằng thầy ấy, chính thầy ấy phải hiểu, phải giác ngộ điều này. Tôi chẳng thể an tâm niệm Phật mấy ngày, tôi chẳng có thời gian. Nếu không giảng kinh, bèn có người tới tìm tôi khiến tôi bị chia trí, họ đã đến, chẳng thể không gặp. Vì thế, tôi thiếu phước báo. Tôi bảo họ: “Tôi ra ngoại quốc giảng kinh ba tháng, các ông hãy khéo niệm Phật suốt ba tháng. Đấy là có phước báo”. Tôi nói: “Ngày nào tôi có phước báo, tôi sẽ mở Niệm Phật Đường niệm Phật, cũng chẳng giảng kinh. Người giảng kinh chẳng có phước, người niệm Phật có phước”. Thật đấy, chẳng giả đâu! Người giảng kinh là bỏ mình vì người, chính mình niệm chẳng thành, khuyên người khác niệm Phật. Điều đáng để an ủi là mỗi lần đến chỗ nào vẫn thật sự có mấy người chịu nghe lời, tối thiểu là có một hai người biết nghe lời, có thể thật thà niệm Phật, chúng tôi bèn cảm thấy hết sức an ủi, chẳng uổng công bôn ba!

Sau khi thành tựu, thả chiếc bè Từ, trở lại độ chúng sanh, “dĩ vô số phương tiện, đại tác Phật sự” (dùng vô số phương tiện, làm Phật sự lớn lao). Thưa quý vị, Phật sự ở đây không phải là niệm kinh siêu độ vong hồn, chẳng phải vậy! Giảng kinh, thuyết pháp là Phật sự, đại chúng nhóm lại niệm Phật hoặc tham Thiền cộng tu thì gọi là Phật sự. “Vô số phương tiện” chính là dùng các thứ pháp môn, đương nhiên tùy theo căn tánh của chúng sanh: Thích Thiền bèn dạy họ tham Thiền; ưa Giáo bèn dạy họ nghiên cứu kinh điển; ưa thích niệm Phật bèn dạy họ niệm Phật; chuộng trì chú bèn dạy họ trì chú. Nói chung, những điều này có mối nhân duyên liên quan với kiếp trước hoặc nhiều đời nhiều kiếp.

Chẳng hạn như trong đời quá khứ, quý vị là người niệm Phật, nay vừa nghe nói niệm Phật bèn vui thích; người ta dạy quý vị trì chú, dạy quý vị tham Thiền, quý vị chẳng có hứng thú, vì sao? Do quý vị có tập khí, nhiều đời nhiều kiếp đã huân tập pháp môn này. Nếu trong đời quá khứ toàn là tham Thiền, tọa hương trong Thiền Đường, nay bảo quý vị niệm Phật, quý vị cũng chẳng ham thích, chẳng cảm thấy hứng thú. Do vậy, từ nhiều pháp môn, bản thân chúng ta sẽ thể nghiệm, biết chúng ta đã tu pháp môn nào trong đời quá khứ. Nhiều pháp môn bày ra trước mặt, quý vị vừa tiếp xúc, sẽ có pháp môn đặc biệt ưa chuộng, sẽ có pháp môn đặc biệt ham thích, chứng tỏ quý vị trong đời quá khứ có tập khí rất sâu đối với pháp môn ấy, trong đời này lại tiếp tục tu, sẽ dễ thành tựu. Nếu tu một pháp môn mà chính mình chẳng có hứng thú, sẽ rất khó [thành tựu]!

Mục đích là “độ  thoát  chúng  sanh”, hai chữ “độ thoát” là tỷ dụ,

“độ” là vượt sông. “Độ” (度) được dùng giống như “độ” (渡: vượt sông), từ biển khổ sanh tử này, vượt sang bờ Niết Bàn bên kia. Nếu nói theo kinh này, sẽ là từ thế giới Sa Bà này vượt sang Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Thoát” là thoát ly sanh tử luân hồi, mang ý nghĩa này. “Diệu dụng Hằng sa”: Tác dụng vô lượng vô biên, nhiều như cát sông Hằng. Do vậy, có thể biết sanh sang Tây Phương Tịnh Độ để làm gì? Nhằm khôi phục trí huệ bản năng của chính mình. Khôi phục trí huệ bản năng của chính mình, giúp đỡ vô lượng vô biên chúng sanh. Chúng ta trở vào lục đạo luân hồi để làm chuyện này.

(Sớ) Bất đồ vi trầm không trệ tịch nhi dĩ.

          () 不徒為沈空滯寂而已。

(Sớ: Chẳng phải chỉ là vướng mắc trong không tịch mà thôi).

“Trầm không trệ tịch” là nói điều gì? Người Tiểu Thừa! Người Tiểu Thừa sau khi chứng đắc Thiên Chân Niết Bàn, sẽ không ra khỏi đó, nên được gọi là kẻ chỉ biết giải thoát cho riêng mình (tự liễu hán). Sau khi chính họ đã đạt đến sự an lạc, chẳng quan tâm đến người khác, chẳng độ chúng sanh, giống như đã vùi kín trong không tịch, chẳng thể phát đại dụng lợi ích chúng sanh. Những lời này đều nói về sở chứng của bậc Thanh Văn và Duyên Giác là Thiên Chân Niết Bàn, [loại Niết Bàn này] còn gọi là Hữu Dư Niết Bàn, khác với [Niết Bàn của] Bồ Tát. Bồ Tát niệm niệm mong giúp đỡ chúng sanh, niệm niệm mong độ thoát chúng sanh, quyết chẳng lấy tự độ làm mục tiêu cuối cùng.

Do vậy, người Tiểu Thừa chẳng mong vãng sanh, vì nguyện hạnh chẳng tương đồng, chẳng tương ứng với Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do lẽ này, người Tiểu Thừa tuy chứng đắc A La Hán, hoặc chứng đắc Bích Chi Phật, vẫn chẳng thể vãng sanh; trừ phi họ thay đổi cách nghĩ, hồi Tiểu hướng Đại, muốn phát tâm độ chúng sanh thì được. Họ cầu vãng sanh như vậy, nhất định có thể đạt tới. Nếu chẳng hồi Tiểu hướng Đại, chắc chắn chẳng thể vãng sanh. Vì thế, người hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Tây Phương Cực Lạc thế giới cao minh hơn A La Hán, Bích Chi Phật rất nhiều. A La Hán và Bích Chi Phật chẳng sánh bằng! Thế nhưng tu thành A La Hán hay Bích Chi Phật chẳng dễ dàng! Cầu đới nghiệp vãng sanh chẳng phải là chuyện khó, ai nấy đều có thể làm được. Do vậy, nhất định phải khéo niệm Phật.

Chúng tôi giảng kinh nhiều năm như thế, có được một khoảng thời gian để niệm Phật, công đức ấy vô lượng vô biên, vô cùng thù thắng. Nói thật ra, bản thân tôi vô cùng hâm mộ [những người niệm Phật]. Các đồng tu hễ có thời gian thì tốt nhất là nên ở lại nơi đây. Ở nơi đây, quý vị có thể ngày đêm [niệm Phật] chẳng gián đoạn. Phương pháp niệm Phật là niệm mệt bèn nghỉ, nghỉ ngơi khỏe khoắn xong, bèn tới Niệm Phật Đường để tiếp tục niệm, Phật hiệu sẽ chẳng bị gián đoạn. Ngủ tới nửa đêm, tỉnh giấc bèn dậy niệm Phật. Niệm mệt bèn đi ngủ tiếp, hết thảy hình thức chẳng câu nệ. Làm như thế, trong tâm quý vị chẳng bị áp lực, hết sức thoải mái. Khi nào bước vào Phật Đường bèn niệm, niệm mệt bèn tự bước ra, cũng không cần phải chào hỏi bất cứ người nào, như vậy là tốt lắm, ngày đêm chẳng gián đoạn. Nói thật ra, một Niệm Phật Đường thật sự sẽ tuân theo phương thức này.

(Sớ) Như thị thập môn, triển chuyển sanh khởi, dĩ vi Tông Thú.

() 如是十門,展轉生起,以為宗趣。

(Sớ: Mười môn như thế lần lượt sanh khởi, dùng những môn này làm Tông Thú).

Trong mười môn nói trên đây, luận về phương diện Tông Thú của kinh này, phần trước là Tông, phần sau là Thú. Tông và Thú liên kết với nhau. Từ đoạn văn này, chúng ta thấy rõ rệt, minh bạch. Hôm nay đã hết thời gian rồi!

[1] Hồ Thích (1891-1962) là một nhà tư tưởng thời cận đại của Trung Hoa. Ông ta quê ở huyện Tích Khê, tỉnh An Huy, tên thật là Hồ Tự Môn, tự Hy Cường, về sau đổi tên thành Hồ Thích, lấy bút hiệu là Thích Chi. Ông ta từng học ngành canh nông tại đại học Cornell ở Hoa Kỳ rồi học Triết tại đại học Columbia, chủ trương cách mạng văn hóa, đề xướng phong trào thay đổi văn hóa, bài xích Khổng Mạnh và các trào lưu tư tưởng cũ, là một người lãnh đạo tích cực trong phong trào Ngũ Tứ Vận Động. Trong nhiệt tình cải cách Trung Hoa, ông ta đã đề xướng cấm tuyệt sử dụng Văn Ngôn trong nhà trường cũng như hô hào “đả đảo Khổng gia điếm” (đả đảo tiệm buôn của nhà họ Khổng).

[2] Học ký vấn, tức là học thuộc, ghi nhớ làu làu, nhuyễn nhừ, hễ ai hỏi đến sẽ nói thao thao, nhưng thật ra chẳng nắm được cốt lõi, chẳng hiểu ý nghĩa chân thật. Những ý nghĩa người ấy nói ra chỉ là do hỏi han hay tìm đọc, tham khảo từ sách vở hay dựa dẫm vào kiến thức của người đi trước, chứ không do tự tánh lưu lộ, nên hoàn toàn chỉ nắm được cái vỏ rỗng của văn tự!

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *