Tập 57/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 01-003-0289

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 57/289

           Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bảy mươi lăm, giảng đến đoạn thứ tư của phần Giáo  Khởi  Nhân  Duyên, nói

về nhân duyên thứ tư:

          (Huyền Nghĩa) Tứ, hóa đạo Nhị Thừa chấp Không bất tu Tịnh Độ giả, lương dĩ sạ đắc Ngã Không, tức sanh đam trệ, văn thuyết tịnh Phật quốc độ, giáo hóa chúng sanh, tâm bất hỷ nhạo, cố linh hồi Tiểu hướng Đại, phát ý vãng sanh.

          (玄義四化導二乘執空不修淨土者  良以乍得我空

,即生耽滯。聞說淨佛國土,教化眾生,心不喜樂,故令回小向大,發意往生。

          (Huyền Nghĩa: Bốn là giáo hóa, hướng dẫn hàng Nhị Thừa chấp Không chẳng tu Tịnh Độ: Ấy là vì họ vừa đắc Ngã Không, bèn sanh lòng đắm chấp, vướng mắc, nghe nói đến cõi nước thanh tịnh của Phật và giáo hóa chúng sanh, lòng chẳng vui thích, nên [đức Phật nói kinh A Di Đà] làm cho họ hồi Tiểu hướng Đại, dấy lên ý nguyện vãng sanh).

          Đây là nhân duyên thứ tư: Đặc biệt nói với hàng Tiểu Thừa. “Nhị Thừa” là Thanh Văn và Duyên Giác, những người này chẳng tu Tịnh Độ. Nói cách khác, họ chấp trước khá nặng, được chút ít đã cho là đủ. Trong quá trình tu hành, đạt được thân tâm tự tại bèn rất thỏa mãn, ngừng ở đó, chẳng chịu tinh tấn tiến lên nữa! Đức Phật cũng hết sức từ bi đối với những người ấy, biết khuyết điểm của họ, dùng pháp môn Tịnh Độ để tiếp dẫn, thành tựu Phật quả rốt ráo cho họ.

          (Diễn) Nhị Thừa chấp Không giả, Nhị Thừa nhân đơn tu chánh quán giả, đản niệm Không, Vô Tướng, Vô Tác.

          () 二乘執空者 二乘人單修正觀者 但念空無相

無作。

          (Diễn: “Nhị Thừa chấp Không”: Người Nhị Thừa chỉ tu pháp chánh quán bèn chỉ nghĩ tới Không, Vô Tướng, Vô Tác).

          Pháp môn Tiểu Thừa rất nhiều, cũng có Tam Tạng Kinh – Luật – Luận hoàn bị, tông Thiên Thai phán định [Tiểu Thừa] là Tạng Giáo, có kinh Tiểu Thừa, luật Tiểu Thừa, luận Tiểu Thừa ba thứ đầy đủ, họ chiếu theo những thứ ấy để tu hành. Nguyên tắc và nguyên lý tu học của người Tiểu Thừa là phá Ngã Chấp, phá Nhân Ngã Không; do vậy, họ phải niệm “Không, Vô Tướng, Vô Tác”.

          (Diễn) Kiêm tu trợ quán giả, đa do Tứ Không dĩ nhập Diệt Tận, cố giai chấp Không.

          () 兼修助觀者,多由四空以入滅盡,故皆執空。

          (Diễn: Người tu kèm thêm những pháp trợ quán thì phần nhiều dùng Tứ Không để nhập Diệt Tận, nên đều chấp Không).

          “Tứ Không” là Tứ Không Thiên. Công phu tu hành của người Tiểu Thừa là Cửu Thứ Đệ Định, phải trải qua Tứ Thiền, Tứ Không Định[1] rồi mới vượt thoát [tam giới]. Tứ Thiền và Tứ Không gộp thành Bát Định; tám món Thiền Định này đều là Thiền Định thế gian, chưa thể vượt thoát tam giới. Tu thành công [tám món Định này] bất quá sanh vào Tứ Thiền Thiên[2] hoặc là Tứ Không Thiên. Tứ Thiền Thiên và Tứ Không Thiên thọ mạng rất dài, nhưng trong Tứ Thiền Thiên còn có Phật pháp, Tứ Không Thiên chẳng có Phật pháp. Chúng ta thường thấy kinh Phật nói tới “tam đồ bát nạn”, trong bát nạn có Tứ Không Thiên, tức Trường Thọ Thiên. Vì sao gọi là “gặp nạn”? Tuy đời này, quý vị sống trong thế gian, nhưng không có cơ hội nghe Phật pháp, đó là “gặp nạn”. Vì có cơ hội nghe Phật pháp, sẽ có cơ duyên vượt thoát tam giới. Hiện thời quý vị không có duyên phận này, đời này nhất định luống qua nên Phật pháp gọi điều này là “gặp nạn”. Tứ Không Thiên là một trong bát nạn. Bát Nạn là tám trường hợp không có cơ hội tiếp xúc Phật pháp.

          Người Nhị Thừa có lợi căn và độn căn. Bậc lợi căn A La Hán có thể từ Tứ Thiền Thiên mà trực tiếp đốn siêu, nhanh chóng chứng đắc Cửu Thứ Đệ Định. Bậc độn căn A La Hán ắt phải trải qua Tứ Không Thiên, phải mất một thời gian khá dài mới có thể chứng quả A La Hán, đạt đến Cửu Thứ Đệ Định[3]. Do điều này chúng ta biết: Chỉ dựa vào một mình công phu Thiền Định rất sâu thì chỉ có thể đoạn Phiền Não Chướng, phá Nhân Ngã Chấp, chưa thể phá Pháp Ngã Chấp, chẳng thể phá Sở Tri Chướng. Do vậy, người ấy chưa thể kiến tánh. Đó là người chỉ tu Thiền Định, từ Tứ Không Thiên mà nhập Diệt Tận Định. Diệt Tận Định chính là Cửu Thứ Đệ Định, trong quá khứ khi giảng kinh Lăng Nghiêm, chúng ta cũng thường thảo luận vấn đề này.

          Do tập khí tu học trong nhiều đời nhiều kiếp, nên người ấy chấp trước Không, tức là chấp trước Pháp Không, biết con người là giả tướng, do nhân duyên Tứ Đại và Ngũ Ấm hòa hợp mà hiện ra huyễn tướng. Do vậy, vị ấy chẳng chấp trước thân là Ngã. Nói cách khác, người Tiểu Thừa cao minh hơn phàm phu chúng ta nhiều lắm. Phàm phu chúng ta rất đáng thương, chấp trước cái thân này là Ngã, cho nên mới có luân hồi trong lục đạo. Người Tiểu Thừa đã hiểu thân này chẳng phải là ta, thân là Không, nhưng chẳng biết Ngũ Uẩn cũng là Không, chẳng hiểu đạo lý này! Chúng ta đọc Tâm Kinh: “Quán Tự Tại Bồ Tát chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không”, đó là Pháp Chấp cũng phá. Phá được Pháp Chấp sẽ minh tâm kiến tánh, người Tiểu Thừa không có cách nào đạt đến cảnh giới này. Đây là điều thứ nhất, nói rõ sự chấp trước của họ.

          (Diễn) Hựu phục Thanh Văn nhân, đa ư Tứ Đế trung, cư Diệt dĩ hưu, cánh bất tiền tấn, thành Triền Không chủng.

       () 又復聲聞人 ,多於四諦中 ,居滅已休,更不前

進,成纏空種。

          (Diễn: Lại nữa, hàng Thanh Văn phần nhiều ngừng nghỉ nơi Trạch Diệt Vô Vi trong Tứ Đế, chẳng còn tiến lên nữa, trở thành hạng người bị Không trói buộc).

           Đây là căn bệnh lớn thứ hai của người Tiểu Thừa. Phần trên nói về tập khí khó đoạn trong quá trình tu hành, còn phần này nói họ lầm lẫn tưởng Thiên Chân Niết Bàn mà họ đã chứng đắc là rốt ráo. Tứ Đế là Khổ – Tập – Diệt – Đạo. Diệt Đế là quả báo xuất thế gian. Đạo là nhân xuất thế gian. Hai thứ Khổ và Tập là nhân quả thế gian; Khổ là quả thế gian, tam giới đều khổ. Tập là phiền não, là cái nhân của tam giới. Tứ Đế Khổ – Tập – Diệt – Đạo là nói đến hai thứ nhân quả thế gian và xuất thế gian. Nếu chúng ta đọc Tứ Giáo của Thiên Thai Trí Giả đại sư sẽ biết Tứ Đế có Tứ Giáo Tứ Đế, mức độ sâu hay cạn trong ấy khác biệt rất lớn. Người Nhị Thừa tu Tạng Giáo Tứ Đế; nói cách khác là Sanh Diệt Tứ Đế, từ đầu đến cuối họ tuân thủ trong phạm vi ấy. Họ tu đạo, quá nửa là ba mươi bảy Đạo Phẩm. Pháp môn tu tập của người Tiểu Thừa hết sức nhiều, nhưng nói chung, chẳng ra ngoài ba mươi bảy Đạo Phẩm. Giống như trong Đại Thừa có vô lượng pháp môn, nhưng nói chung chẳng ra ngoài Lục Độ. Lục Độ là tổng cương lãnh của Đại Thừa, ba mươi bảy đạo phẩm là cương lãnh của Tiểu Thừa.

          Họ đoạn hết Kiến Tư phiền não, chứng Tứ Quả La Hán; do vậy, ở trong cảnh giới ấy, cho rằng không còn có chuyện gì nữa! Tứ Quả La Hán không còn học nữa. Những thứ cần phải học họ đã học toàn bộ, tốt nghiệp rồi. Đích xác đã tốt nghiệp rồi, nhưng chẳng qua vị ấy tốt nghiệp Tiểu Học! Đoạn hết Kiến Tư phiền não, còn có Trần Sa và Vô Minh, nhưng chính vị ấy không biết. Nếu biết, nhất định sẽ hồi Tiểu hướng Đại. Vị ấy không biết, ngỡ mình đã đạt đến rốt ráo. “Cư Diệt dĩ hưu” (ở trong Diệt bèn ngừng nghỉ), “Diệt” là chứng đắc Trạch Diệt Vô Vi, chúng ta thường gọi là Thiên Chân Niết Bàn, chẳng còn tiến lên nữa, trụ ở trong ấy. Do vậy, trong kinh điển Đại Thừa, đức Thế Tôn thường quở trách bọn họ “đọa vô vi khanh” (rớt vào hầm vô vi). Thiên Chân Niết Bàn là “hầm vô vi”, đọa lạc trong chỗ này, rất đáng thương! Bất quá, La Hán tuyệt đối chẳng vĩnh viễn đọa trong hầm vô vi, tuy ở đây nói là “cánh bất tiền tấn” (chẳng còn tiến lên), nhưng điều này có tánh chất thời gian. Trong kinh điển thường nói: Bậc A La Hán chứng đắc Vô Vi, trụ trong cảnh giới ấy hai vạn đại kiếp rồi mới giác ngộ, mới quay đầu lại, thời gian này khá dài. Bích Chi Phật thông minh hơn La Hán, phải trụ [trong Thiên Chân Niết Bàn] một vạn đại kiếp mới có thể quay đầu. Kinh điển thường nói “định tánh La Hán” là nói đến hạng người này. Thời gian họ trụ trong cảnh giới Thiên Chân Niết Bàn khá dài, chẳng chịu tiến lên. “Thành Triền Không chủng”, bị Không trói buộc. Họ vượt ngoài Hữu, nhưng chẳng thể vượt khỏi Không, bị Không trói buộc. Đây là nói về Tứ Quả Thanh Văn.

          (Diễn) Duyên Giác nhân đa ư giác minh trung, tức lập Niết Bàn, nhi bất tiền tấn, sanh bất hóa chủng.

          () 緣覺人多於覺明中 即立涅槃 而不前進,生

不化種。

          (Diễn: Hàng Duyên Giác phần nhiều tưởng giác minh là Niết Bàn, chẳng còn tiến lên nữa, trở thành chủng tánh chẳng biến đổi).

          Duyên Giác là Bích Chi Phật, căn tánh bén nhạy hơn Thanh Văn. Họ tu Quán, từ Thập Nhị Nhân Duyên mà nhập đạo. Thanh Văn tu Định, từ Định nhập môn, đoạn Kiến Tư phiền não. Duyên Giác thông minh, không chỉ có Định mà còn có Giác Quán, từ mười hai nhân duyên mà nhập môn, hiểu “nhân duyên sở sanh pháp, ngã thuyết tức thị Không” (các pháp từ nhân duyên sanh ra, ta nói chúng chính là Không). Đức Phật thường nói như thế! Các pháp sanh từ nhân duyên không có tự tánh, bản thể của nó chính là Không. Vị ấy hiểu được đạo lý này, cho nên có thể bỏ hết thảy pháp, chẳng chấp trước, nhưng cho rằng cảnh giới mà chính mình đã chứng đắc là Niết Bàn viên mãn rốt ráo, chẳng biết cảnh giới của mình chẳng khác A La Hán cho mấy, chẳng cao minh hơn bao nhiêu, cũng là ở trong “hầm vô vi”; bởi lẽ, vị ấy cũng không biết rõ. Loại người này “sanh bất hóa chủng”, “hóa” là biến hóa, vị ấy ngừng nghỉ giữa chừng ở chỗ này.

          (Diễn) Cố đa chấp Không, bất tu Tịnh Độ giả.

          () 故多執空、不修淨土者。

          (Diễn: Vì thế, họ phần nhiều chấp Không, chẳng tu Tịnh Độ).

          Thanh Văn, Duyên Giác, hai hạng người này tu đến quả vị rốt ráo trong Tiểu Thừa, đều chấp trước Không, [cho rằng] Không ấy chính là Niết Bàn, mà cũng là Diệt Đế trong Tứ Đế, chấp trước vào điều này. Do vậy, họ “chẳng tu Tịnh Độ”, tự nghĩ chính mình đã chứng đắc Niết Bàn, còn có gì để tu nữa sao? Chẳng chịu tu Tịnh Độ!

          (Diễn) Tự vị dĩ đắc Niết Bàn cố, hựu phục yếm ly hữu vi cố.

          ()自謂已得涅槃故,又復厭離有為故。

          (Diễn: Tự cho rằng mình đã đắc Niết Bàn, lại còn chán lìa hữu vi).

          Một đằng là [cứ tưởng] tự mình đã chứng đắc Niết Bàn, “chứng đắc Niết Bàn” là thành Phật rồi, tự nghĩ mình đã viên mãn. Đằng khác là chẳng muốn tu thêm nữa. Đó là căn bệnh của họ, gốc bệnh ở chỗ này. Vì sao đức Phật khuyên hai hạng người này tu Tịnh Độ? Quý vị phải hiểu: Chỉ có pháp môn Tịnh Độ mới có thể giúp chúng ta đạt đến Niết Bàn rốt ráo. Họ chứng đắc Tương Tự Niết Bàn, chứ không phải là Niết Bàn rốt ráo, chỉ đoạn Kiến Tư phiền não, chưa phá căn bản vô minh. Đức Phật chẳng dùng các pháp môn khác để dạy họ, mà dùng pháp môn Niệm Phật để dạy bảo họ, thật là đại từ đại bi. Nếu họ hồi tâm chuyển ý, niệm Phật, lập tức vãng sanh, trừ phi họ chẳng xoay chuyển ý niệm, chứ hễ ý niệm chuyển bèn vãng sanh, mà phẩm vị vãng sanh lại còn cao hơn chúng ta. Với trình độ của họ, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới không phải là sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, mà là sanh trong cõi Phương Tiện Hữu Dư. Vì sao? Họ đã đắc Sự nhất tâm bất loạn. Sự nhất tâm bất loạn là đoạn Kiến Tư phiền não, mỗi vị ấy đều đã đoạn Kiến Tư phiền não. Do vậy, chỉ cần hồi tâm phát nguyện liền thành bậc thượng thiện nhân trong cõi Phương Tiện Hữu Dư của Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đích xác là chẳng có một pháp môn nào thẳng chóng, ổn thỏa, thích đáng bằng pháp môn này. Vì sao đức Phật bảo họ niệm Phật? Đạo lý là ở chỗ này!

          Do đây có thể biết: Nếu chúng ta niệm Phật, dẫu công phu kém một chút, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, nhưng so với hàng Nhị Thừa chưa hồi Tiểu hướng Đại, chúng ta cao minh hơn họ quá nhiều, họ chẳng bằng chúng ta. Thế nhưng, người Nhị Thừa có mấy ai chịu hồi Tiểu hướng Đại? Chẳng dễ dàng! Thật sự nhập cảnh giới ấy, nếu quý vị muốn khuyên họ hồi Tiểu hướng Đại, quá khó khăn, gần như không thể nào! Đức Phật làm thế nào để khuyên họ? Họ đã thật sự chứng Cửu Thứ Đệ Định, còn chưa nhập Niết Bàn; lúc ấy chính là cơ hội để khuyên bảo họ. Do vậy, dụng ý của Phật là nhắm vào bậc A La Hán trong lúc ấy. “Bậc A La Hán vào lúc ấy” là ai vậy? Chính là Thường Tùy Chúng của Thích Ca Mâu Ni Phật thường được nhắc tới trong kinh điển, một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị, chính là họ. Kinh này vừa mở đầu liền liệt kê mười sáu vị La Hán thượng thủ, đối với các vị ấy mà nói kinh này. Những vị ấy có vãng sanh hay không? Tôi nghĩ họ chắc chắn vãng sanh. Bởi lẽ, đức Phật nhắm vào họ mà giảng [kinh này]. Khi đức Phật tại thế, những đệ tử chứng đắc A La Hán đều niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, huống gì đời sau!

          Các vị tổ sư đại đức phiên dịch kinh điển và hoằng pháp trải qua các đời tại Trung Quốc, từ đời Tùy – Đường trở về trước gần như là những vị đã chứng Tam Quả, Tứ Quả rất ít thấy, nhưng Tam Quả rất nhiều; cho nên kinh này mới có thể dịch hay như vậy! Dịch kinh quả thật chẳng phải là chuyện dễ dàng! Phước báo của người Trung Quốc lớn hơn người ngoại quốc quá nhiều! Hiện thời người ngoại quốc đem kinh này dịch sang ngôn ngữ của họ hết sức khó khăn. Người tu hành chứng quả mới có năng lực theo đuổi công tác này, người bình thường không có năng lực dịch kinh. Vì sao? Trong bài kệ Khai Kinh có câu: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”. Họ chẳng hiểu ý nghĩa chân thật trong kinh điển, hoàn toàn là phiên dịch văn tự, phiền toái rất lớn. Ý nghĩa của Phật pháp nằm ngoài văn tự, chẳng thể chiếu theo văn tự để phiên dịch. Cổ nhân thường nói: “Y văn giải nghĩa, tam thế Phật oan” (Dựa theo văn tự để hiểu nghĩa thì ba đời chư Phật bị oan). “Tam thế” là quá khứ, hiện tại, vị lai. Ba đời chư Phật đều kêu oan uổng!

          Mười mấy năm trước, thầy Lý gặp một người ngoại quốc cầm theo một cuốn Phật Học Từ Điển bằng tiếng Anh; thầy Lý bảo người ấy tra hai danh từ rồi nói ý nghĩa của chúng. Thầy Lý hỏi: “Lưỡng Túc Tôn là gì?” Người ấy nói: “Cái tôn quý nhất ở giữa hai đùi!” Thật Tướng là gì? Người ấy nói: “Vẻ ngoài chân thật”. [Người ấy hiểu nghĩa theo mặt văn tự của từng chữ]: Thật là chân thật, Tướng là hình dáng bên ngoài! Hoàn toàn dựa theo văn tự để suy đoán ý nghĩa, làm sao dịch kinh được? Bởi đó, có thể hình dung người ngoại quốc dịch kinh ra sao, đích xác là chẳng dễ dàng! Người Hoa may mắn, các vị đại đức thuở dịch kinh, chú giải, giảng kinh đều là người tu hành chứng quả, có rất nhiều vị là Phật, Bồ Tát tái lai…

          Đức Phật dùng pháp môn này để khuyên hàng Tiểu Thừa hãy mau chóng chứng đắc rốt ráo viên mãn. Đoạn này nhằm nêu rõ dụng ý của Ngài.

          Tiếp theo đó là phân tích cặn kẽ: Vì sao họ chẳng tu Tịnh Độ? “Lương dĩ sạ đắc Ngã Không” (ấy là vì vừa đắc Ngã Không), “sạ đắc” là vừa mới chứng đắc, hoan hỷ! Đoạn sạch phiền não khó có lắm, niềm vui ấy chúng ta chẳng thể tưởng tượng được! Đoạn sạch phiền não, vui sướng lắm! Nếu cảnh giới Niết Bàn chẳng vui sướng, họ đã sớm vứt bỏ rồi! Người Tiểu Thừa chứng cảnh giới ấy hết sức sung sướng, chẳng muốn vứt bỏ, quý vị khuyên họ tu gì họ cũng chẳng chịu tu. Đến khi ấy, đức Phật khuyên họ cũng chẳng được.

                   (Diễn) Sạ đắc Ngã Không giả, Không hữu tứ chủng: Nhất Nhân Không, nhị Pháp Không, tam Không Không, tứ Không Không Diệc Không.

          () 乍得我空者 ,空有四種 :一人空 ,二法空 ,三

空空,四空空亦空。

          (Diễn: “Vừa đắc Ngã Không”: Có bốn loại Không: Một là Nhân Không, hai là Pháp Không, ba là Không Không, bốn là Không Không Cũng Là Không).

          Do đây có thể biết: Có bốn tầng cấp. Tiểu Thừa A La Hán mới chứng đắc tầng thứ nhất. Tầng thứ hai là chứng đắc của Bồ Tát, chứng đắc Pháp Không, gọi là Quyền Giáo Bồ Tát. Thật Giáo Bồ Tát mới chứng đắc Không Không. Không Không Diệc Không là cảnh giới của Địa Thượng Bồ Tát, thật sự thanh tịnh.

          “Sạ đắc Ngã Không” chứng đắc cảnh giới ấy, “tức sanh đam trệ” (liền sanh đắm trước, vướng mắc), ngừng ở nơi đó, sanh lòng tham đắm, chấp trước.

          (Diễn) Tức sanh đam trệ giả, vị trầm không trệ tịch, đọa vô vi khanh, ẩm tam-muội tửu dã.

          () 即生耽滯者 ,謂沈空滯寂 ,墮無為坑 飲三昧

酒也。

          (Diễn: “Liền sanh đắm trước, vướng mắc” nghĩa là chìm đắm nơi Không, vướng mắc nơi Tịch, đọa trong hầm vô vi, uống rượu tam-muội).

          Hai câu này đều là tỷ dụ. Tam-muội (Samādhi) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Chánh Thọ, còn dịch là Định. Tôi vừa mới nhắc tới Cửu Thứ Đệ Định, Chánh Thọ là sự hưởng thụ đúng mực, bình thường. Sự hưởng thụ của chúng ta chẳng đúng mực, bất bình thường, có năm thứ khổ, lạc, ưu, hỷ, xả. Khổ, lạc, ưu, hỷ là bất bình thường. Xả Thọ là tâm tình rất bình tĩnh, không có khổ, lạc, ưu, hỷ, tuy rất tốt, nhưng thời gian ngắn ngủi, tạm bợ, chẳng thể giữ gìn vĩnh viễn. Vĩnh viễn giữ được cảnh giới ấy thì là Định, tạm thời có cảnh giới ấy thì là Xả Thọ. Trên thực tế, Định là Xả Thọ.

Tâm không có ưu, hỷ, thân không có khổ, sướng. Đó gọi là sự hưởng thụ đúng mực, bình thường. Nay bậc A La Hán đã hoàn toàn chứng đắc, hoàn toàn đạt đến cảnh giới ấy. Do vậy, họ ngừng nghỉ nơi cảnh giới ấy. Cảnh giới ấy thoải mái, hết sức tự tại. Đức Phật phê bình bọn họ “đọa vô vi khanh, ẩm tam-muội tửu” (đọa hầm vô vi, uống rượu tam-muội). Đã say tít rượu ấy, bất động, [dùng hình ảnh ấy] để hình dung bọn họ [đắm chìm trong Không Tịch].

          (Diễn) Tịnh Phật quốc độ giáo hóa chúng sanh giả.

          () 淨佛國土教化眾生者。

          (Diễn: “Cõi Phật thanh tịnh, giáo hóa chúng sanh” là…)

                   Tuy nghe pháp Đại Thừa, họ cũng chẳng có hứng thú lắm, vì sao? Vì Bồ Tát đạo khó hành! Người Tiểu Thừa bỏ lìa hết thảy cảnh giới, đạt được thanh tịnh tự tại, thanh tịnh tịch diệt, còn Bồ Tát ắt phải tâm địa thanh tịnh tự tại ngay trong cảnh ồn náo, công phu cao hơn người Tiểu Thừa quá nhiều. Bồ Tát có thể chống lại sự dụ dỗ, mê hoặc, còn người Tiểu Thừa chưa thể, tôi né tránh anh, tôi không qua lại với anh, mong sao thanh tịnh tịch diệt! Vì vậy, người Tiểu Thừa chẳng có ý nguyện độ sanh. Chẳng phải là nói họ không độ chúng sanh, mà là nếu quý vị tìm đến họ, nếu họ ưa thích quý vị thì sẽ dạy bảo, nhất quyết chẳng chủ động dạy dỗ người khác. Quý vị đến tìm họ, nếu chẳng có duyên phận với họ, họ cũng chẳng tiếp nhận quý vị. Có duyên phận bèn tiếp nhận, chẳng giống như Bồ Tát đại từ đại bi dạy dỗ không phân biệt. Đấy là tâm lượng bất đồng!

          Chính vì người Tiểu Thừa chẳng muốn hóa độ chúng sanh, nên đối với cõi Phật thanh tịnh (tức Tây Phương Cực Lạc thế giới), họ chẳng có hứng thú. Vì sao chúng ta muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, phải hiểu rõ điều này! Nếu chẳng hiểu rõ, trong tương lai sẽ chẳng thể vãng sanh! Vì trong tương lai muốn hóa độ chúng sanh thì quý vị phải hoàn thành “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Nếu quý vị không có nguyện như vậy, sẽ chẳng đến thế giới Tây Phương được! Bởi lẽ, người trong thế giới Tây Phương ai nấy đều có tâm lượng rộng lớn, đều phát nguyện phổ độ chúng sanh. Quý vị phát nguyện về đó hưởng phước thì không được rồi! Mọi người không có cách nào dung nạp quý vị cả! Tâm của người Tiểu Thừa là muốn tự mình hưởng phước, chẳng muốn chuốc lấy phiền phức, chẳng muốn độ chúng sanh. Do chí thú chẳng hợp nhau, nên họ chẳng muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.

          (Diễn) Tịnh Danh Kinh vân.

          () 淨名經云。

          (Diễn: Kinh Tịnh Danh nói).

          Tịnh Danh Kinh chính là Duy Ma Cật Kinh.

          (Diễn) Bồ Tát thủ ư tịnh quốc, giai vị nhiêu ích chư chúng sanh cố.

          () 菩薩取於淨國,皆為饒益諸眾生故。

          (Diễn: Bồ Tát giữ lấy cõi tịnh đều nhằm lợi ích các chúng sanh).

          Duyên cớ như vậy, tiếp theo đây là nói về ba thứ Bồ Đề tâm.

          (Diễn) Bảo Tích[4], đương tri trực tâm thị Bồ Tát Tịnh Độ, Bồ Tát thành Phật thời, bất siểm chúng sanh lai sanh kỳ quốc.

          ()寶積。當知直心是菩薩淨土,菩薩成佛時,不諂眾生來生其國。

          (Diễn: Này Bảo Tích! Hãy nên biết trực tâm là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, những chúng sanh chẳng siểm khúc sẽ sanh về cõi Ngài).

          Ở chỗ này, tuy là cảnh giới của Phật, Bồ Tát, nhưng hiện thời chúng ta phải hiểu rõ, phải học vì đại hoàn cảnh và tiểu hoàn cảnh rất tương tự. A Di Đà Phật kiến lập thế giới Cực Lạc tại Tây phương, đó là một đại đạo tràng, nay chúng ta ở trong cái thư viện nhỏ này là một tiểu đạo tràng. Tuy A Di Đà Phật có hoằng nguyện tiếp dẫn chúng sanh niệm Phật phát nguyện cầu vãng sanh trong mười phương, Ngài hoàn toàn chẳng siểm mị, bợ đỡ họ: “Các vị nhất định phải sanh về chỗ tôi”, chẳng phải vậy! Quý vị muốn đến thì tôi hoan nghênh, chẳng muốn đến, tôi quyết chẳng ép buộc! Như vậy là đúng, Phật tâm mới thanh tịnh. Nếu thấy quý vị muốn đến bèn hoan hỷ, chẳng muốn đến bèn phiền não thì Phật vẫn là phàm phu! Quý vị hiểu rõ đạo lý này, chúng ta kiến lập đạo tràng bất luận lớn hay nhỏ ở chỗ này đều cũng giống như vậy. Tự viện tùng lâm vào thời cổ ở Trung Quốc, người đến học bèn hoan nghênh, người chẳng muốn đến bèn chẳng mảy may cưỡng ép họ, quyết chẳng đi ra ngoài quảng cáo, đó là thái độ học Phật.

          Cho đến việc giảng kinh thì thính chúng nghe giảng kinh cũng là tự họ đến, cũng chẳng đi ra ngoài lôi kéo, chẳng giống như các tôn giáo khác phải đi ra ngoài lôi kéo người ta đến nghe, Phật giáo không có như thế! Phật giáo chỉ là tôi bảo quý vị: Nay ở đây chúng tôi có giảng kinh, đến hay không đến là chuyện của quý vị. Tôi chẳng báo cho quý vị biết, tức là tôi có lỗi với quý vị. Nói chung, tôi phải báo cho quý vị biết cơ hội này, quý vị muốn đến thì hoan nghênh, không muốn đến tôi cũng chẳng trách móc quý vị. Xưa kia, tùng lâm tự viện giảng kinh bèn đem cái tràng treo trên cột cờ, người bên ngoài trông thấy: “Hôm nay chùa ấy có giảng kinh!” Ai thích nghe kinh thì đến, [nhà chùa] quyết chẳng đi ra ngoài lôi kéo người khác. Đó là trực tâm! Tuy hoằng pháp lợi sanh, lợi lạc hết thảy chúng sanh, chớ nên đánh mất trực tâm của chính mình, đó là Tịnh Độ của Bồ Tát, tâm địa thanh tịnh lại lợi ích chúng sanh, lợi ích chúng sanh quyết chẳng đánh mất cái tâm thanh tịnh của chính mình.

                   (Diễn) Thâm tâm thị Bồ Tát Tịnh Độ, Bồ Tát thành Phật thời, cụ túc công đức chúng sanh lai sanh kỳ quốc.

          () 深心是菩薩淨土 菩薩成佛時 具足功德眾生

來生其國。

          (Diễn: Thâm tâm là Tịnh Độ của Bồ Tát. Khi Bồ Tát thành Phật, chúng sanh đầy đủ công đức sẽ sanh về cõi Ngài).

          Nói đơn giản, “thâm tâm” là ưa thiện chuộng đức, đó là thâm tâm. Ưa thích hết thảy pháp lành. Bồ Tát thuần thiện, Phật là “chỉ ư chí thiện”[5], phàm những chúng sanh ưa thích thiện hạnh sẽ tự nhiên kéo đến, Tây Phương Tịnh Độ có đạo lý như vậy đó. Lục đạo luân hồi có nguyên lý như thế này: Thật ra, quý vị sanh vào đường nào, chắc chắn chẳng phải do vua Diêm La phán quyết quý vị đi vào đường đó, cũng chẳng phải do Phật, Bồ Tát làm chủ tể bảo quý vị đi vào đó, mà do quý vị tự động đi vào! Đi vào bằng cách nào? Quý vị rất có hứng thú đối với nơi đó, chính là như Khổng lão phu tử đã nói trong phần Hệ Từ của kinh Dịch: “Nhân dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân” (người nhóm theo loài, vật tụ theo bầy)[6], chí đồng đạo hợp mà! Kẻ thích làm ác, đều đi vào ác đạo, thấy cảnh giới ấy là “chí đồng đạo hợp”, bèn đi vào. Ưa thích thiện hạnh bèn đi vào thiện đạo.

          Cố nhiên nghiệp nhân trong lục đạo rất phức tạp, nhưng chủ yếu nhất thì [nghiệp nhân của] thiên đạo là Thập Thiện Nghiệp Đạo, [nghiệp nhân của] nhân đạo là Ngũ Giới. Trong đời quá khứ, tu Ngũ Giới, Ngũ Thường, “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” như Nho gia đã nói có cùng một tinh thần với Ngũ Giới [nhà Phật], đó gọi là “nhân cách”; trong lục đạo giữ được tư cách của nhân đạo. Tư cách để sanh lên trời là Thập Thiện, Tứ Thiền, Bát Định, Tứ Vô Lượng Tâm. Cõi trời có hai mươi tám tầng, sáu tầng ở phía dưới [thuộc về] Dục Giới Thiên lấy Thập Thiện làm chủ yếu, Tứ Thiền Thiên và Tứ Không Thiên lấy Thiền Định và Tứ Vô Lượng Tâm (từ, bi, hỷ, xả) làm chủ. Nghiệp nhân của ngạ quỷ đạo là keo kiệt, tham lam, [nghiệp nhân của] súc sanh đạo là ngu si, chẳng thể hiểu rõ đúng – sai, thiện – ác, lợi – hại, [nghiệp nhân của] địa ngục đạo là nóng giận. Trong kinh luận, đức Phật thường giảng về nghiệp nhân của lục đạo, chúng ta chớ nên không hiểu rõ! Nghiệp nhân của Thanh Văn là tu pháp Tứ Đế, Duyên Giác tu Thập Nhị Nhân Duyên, Bồ Tát tu Lục Độ, Phật là tâm bình đẳng. Chân từ bình đẳng là cái nhân thành Phật. Nhìn từ chỗ này, Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng là nơi chí đồng đạo hợp. “Cụ túc công đức” (đầy đủ công đức), công đức là Tín – Nguyện – Hạnh.

          (Diễn) Nãi chí lục độ vạn hạnh đẳng.

          () 乃至六度萬行等。

          (Diễn: Cho đến lục độ vạn hạnh v.v…)

          Bồ  Tát vãng sanh cõi ấy.  Đối với Bồ Tát,  nếu nói theo Biệt Giáo

thì các Bồ Tát thuộc địa vị Tam Hiền vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư hoặc sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư. Bậc Địa Thượng Bồ Tát nhất định sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Do vậy, vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ nhất định phải phát nguyện giáo hóa chúng sanh, phải phát ra đại nguyện ấy. Đó là nói tới “đầy đủ công đức, đầy đủ nhân lành”. Người Tiểu Thừa thiếu khuyết chuyện này, chỉ độ chính mình, chẳng độ chúng sanh. Vì thế, họ rất khó tiếp nhận điều kiện này!

          (Diễn) Tâm bất hỷ nhạo giả, hướng do trước Hữu.

          () 心不喜樂者,向由著有。

          (Diễn: Tâm chẳng vui thích vì còn chấp Hữu).

          Một mực chấp vào Có.

          (Diễn) Cố thọ luân hồi.

          () 故受輪迴。

          (Diễn: Nên hứng chịu luân hồi).

          Trước khi chứng đắc A La Hán, người ấy ở trong sanh tử luân hồi, nguyên nhân của sanh tử luân hồi là chấp Có: Có thiện, có ác, có tham, có sân, có si. Những thứ này quả thật đều chẳng có, chỉ là huyễn giác trong mê tâm của quý vị. Nói theo cách bây giờ, chúng thuần túy là một thứ vọng tưởng trừu tượng chẳng có thật. Ví như tham, quý vị hãy hồi quang phản chiếu cặn kẽ, tham ở nơi đâu? Trong bộ phận nào, tế bào nào của thân thể có tham? Tìm chẳng ra! Kinh Kim Cang nói: “Tam tâm bất khả đắc” (ba tâm chẳng thể được). Tâm tham chẳng thể được, tâm si chẳng thể được, tâm sân khuể chẳng thể được, thiện tâm chẳng thể được, ác tâm chẳng thể được, quý vị tìm không ra. Những tâm ấy ở chỗ nào? Nếu biết chúng ở chỗ nào, sẽ dễ giải quyết lắm! Hiện thời kỹ thuật giải phẫu rất tiến bộ, tế bào nào có tâm tham bèn cắt bỏ đi, tâm tham chẳng còn nữa! Tìm chẳng ra, không hề có!

          Thế nhưng có mấy ai trong bọn phàm nhân chúng ta hồi quang phản chiếu, tìm tòi phiền não của chính mình rốt cuộc là ở chỗ nào? Tìm Tham trọn chẳng thể được! Ví như chúng ta dấy lên ý niệm Tham nơi cảnh giới, cổ đại đức thường nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ biết chậm”. Quý vị dấy lên tâm tham, đừng lo lắng, hễ tâm tham dấy lên bèn ngay lập tức xoay chuyển nó, tâm tham ở nơi đâu? Quý vị tìm nó, nó sẽ không còn nữa. Đó gọi là Quán Chiếu. Chẳng thể quán chiếu thì dùng một câu Phật hiệu để thay thế, vì cái tâm quán chiếu phải rất vi tế, kẻ tâm ý thô tháp, hời hợt sẽ không thể làm được, công phu này rất khó thành tựu! Thực tại là chẳng thể được! Vì thế, oan uổng luân hồi trong lục đạo, chẳng có thứ ấy, chính mình ngỡ nó là có. Ngỡ là có? Chẳng phải là thật sự có ư? Chẳng phải thật sự có! Giả có! Chúng ta cần phải giác ngộ điều này!

          Người Tiểu Thừa đến khi ấy cũng được coi là đã giác ngộ, đã chứng đắc Chánh Giác. Chánh Giác là biết Nhân Ngã Không, biết Kiến Tư phiền não đều là Không, người ấy mới có thể đoạn được. Nếu chẳng biết là Không, sẽ chẳng đoạn được! Người ấy biết Kiến Tư phiền não là trừu tượng, trọn chẳng thể được, đấy chỉ là một thứ quan niệm sai lầm mà thôi! Thật ra, đâu có chuyện ấy! Hiện tại, họ đã nhập cảnh giới này.

          (Diễn) Luân hồi sạ tức.

          () 輪迴乍息。

          (Diễn: Luân hồi vừa dứt).

           Vượt thoát lục đạo luân hồi, đắc tự tại. Người Nhị Thừa được giải thoát nửa phần, chưa giải thoát rốt ráo. Họ vượt thoát lục đạo luân hồi, chẳng còn thọ sanh trong tam giới nữa. Nếu họ lại sanh trong tam giới là do “thừa nguyện tái lai” (theo bổn nguyện trở lại), chứ không phải do nghiệp lực mà trở lại, họ do nguyện lực mà sanh. Phàm là những bậc do nguyện lực mà sanh thì đều đã hồi Tiểu hướng Đại. Nếu không hồi Tiểu hướng Đại, họ chẳng chịu trở lại, vì sao? Họ sanh vào đây nhằm giáo hóa chúng sanh. Nếu không, họ sanh vào thế giới này chẳng có ý nghĩa gì hết! Vì thế, chẳng hồi Tiểu hướng Đại, sẽ chẳng thể quay lại.

                   (Diễn) Vị trước thiên không Niết Bàn chi lạc.

          () 味著偏空涅槃之樂。

          (Diễn: Tham đắm niềm vui nơi Thiên Không Niết Bàn).

           Do trong Thiền có pháp vị, họ bèn hưởng thụ. Chữ “vị” (味) tượng trưng cho sự hưởng thụ; sự hưởng thụ tối cao vô thượng [đối với Tiểu Thừa] là “Thiên Không Niết Bàn chi lạc”. Cái Không này chẳng thể gọi là Chân Không, chỉ có thể gọi là Thiên Không, tức là chưa viên mãn Chân Không, chỉ có thể chứng đắc một phần. Do chẳng viên mãn nên gọi là Thiên Không (cái Không thiên lệch).

          (Diễn) Văn thuyết Bồ Tát quảng hành vạn hạnh, Tịnh Độ hóa sanh, tự nhiên bất sanh nhất niệm háo nhạo chi tâm dã.

          () 聞說菩薩廣行萬行 淨土化生 自然不生一念

好樂之心也。

          (Diễn: Nghe nói Bồ Tát rộng hành muôn hạnh, Tịnh Độ hóa sanh, tự nhiên chẳng sanh một tâm niệm ưa thích nào!)

          Nghe nói Tịnh Độ phải thệ nguyện học vô lượng pháp môn, phải thệ nguyện độ vô biên chúng sanh, [họ bèn cảm thấy] chuyện này phiền phức quá, nhiều thêm một chuyện chẳng bằng bớt đi một chuyện, bớt đi một chuyện chẳng bằng không có chuyện gì. Đấy là ý niệm của bậc A La Hán. Vì thế, đương nhiên họ chẳng muốn tiếp nhận, hứng thú chẳng dấy lên! Trạng huống của người Tiểu Thừa nói chung là như thế; nhưng đức Phật vẫn dùng các thứ phương tiện thiện xảo để dẫn dụ họ, khiến cho họ quay đầu. “Cố linh hồi Tiểu hướng Đại, phát ý vãng sanh” (nên khiến cho họ hồi Tiểu hướng Đại, phát tâm vãng sanh). Đấy là ý nghĩa thứ tư vì sao đức Phật nói kinh này. Chúng ta lại xem đoạn tiếp theo, Liên Trì đại sư tự mình chú giải đoạn văn của Ngài.

          (Sớ) Sạ đắc Ngã Không giả.

          () 乍得我空者。

          (Sớ: Vừa đắc Ngã Không là…)

          Ngài chú giải rất cặn kẽ, quả thật khiến cho chúng ta có thể thâm nhập kinh giáo. Quý vị thật sự đọc kỹ càng bộ Sớ Sao này thì hết thảy các kinh luận hễ tiếp xúc liền thông hiểu, bởi lẽ, tất cả những nguyên lý và nguyên tắc trong các kinh luận Đại Tiểu Thừa đều giống nhau, đúng là “một kinh thông, hết thảy kinh thông”. Nhưng quán thông bộ kinh này quả thật chẳng dễ dàng, nếu chúng ta không có bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư và sách Diễn Nghĩa của pháp sư Cổ Đức, chúng ta chẳng dễ gì nhìn ra ý nghĩa trong kinh Di Đà.

                   (Sớ) Tiểu Thừa đản ngộ Uẩn trung vô ngã, bất tri Uẩn diệc thị Không.

          () 小乘但悟蘊中無我,不知蘊亦是空。

          (Sớ: Tiểu Thừa chỉ ngộ vô ngã trong Uẩn, chẳng biết Uẩn cũng là Không).

                   Uẩn là Ngũ Uẩn, tức Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Năm loại này là phân chia tổng quát. Nếu chia tỉ mỉ, bất cứ một pháp nào sanh khởi đều có vô lượng nhân duyên, đúng như kinh Hoa Nghiêm đã nói, hết sức phức tạp. Đức Phật quy nạp vô lượng nhân duyên thành năm loại lớn, gọi là Ngũ Uẩn. Ngũ Uẩn triển khai thành Bách Pháp, nhưng Bách Pháp vẫn là quy nạp của hết thảy các pháp. Trong Bách Pháp Minh Môn Luận, Thiên Thân Bồ Tát đã giảng rất rõ ràng. Vì thế, Ngũ Uẩn là hết thảy các pháp quy nạp lại, quy nạp thành năm loại lớn. Hết pháp thế gian và xuất thế gian chẳng ra ngoài năm loại lớn này. Hữu tình chúng sanh là hiện tượng do năm loại nhân duyên lớn này hòa hợp sanh khởi. Sắc là vật chất, hiện thời chúng ta quy nạp Thọ, Tưởng, Hành, Thức thành tinh thần. Phàm là động vật, trừ nhục thể vật chất ra, còn có một bộ phận là tinh thần thì mới là một vật thể sống. Nếu là thực vật và khoáng vật thì không có bộ phận tinh thần, chỉ có Sắc. Trong Sắc lại nói đến Tứ Đại là Địa, Thủy, Hỏa, Phong. Mấy ngàn năm trước khoa học hoàn toàn chưa phát hiện kết cấu của vật chất, nhưng đức Phật đã nói đến Tứ Đại. Trong kinh điển, đức Phật thường nói: Hết thảy các tướng là một hiệp tướng. Một hiệp tướng mới là tướng thật sự bình đẳng, tức là tất cả hết thảy hiện tượng đều cùng do một loại vật chất tổ hợp thành.

          Tứ Đại là bốn yếu tố vật chất. Địa là một vật thể, ngay cả vật nhỏ đến đâu đi nữa, nó vẫn là vật thể. Địa tượng trưng cho Thể, tức vật thể. Hỏa Đại tượng trưng cho ôn độ (độ ấm nóng), con người hiện thời gọi Hỏa là “dương điện” (positive). Thủy Đại tượng trưng cho độ ẩm, Thủy là [những vật chất] tích âm điện (negative). Phong Đại là sự chuyển động, chẳng ngưng lặng. Nay chúng ta gọi chúng là nguyên tử, điện tử, các hạt cơ bản (elementary particles), trong tương lai khoa học lại phân tích, còn có thể phát hiện những hạt nhỏ hơn nữa. Thật ra, từ mấy ngàn năm trước, đức Phật đã thấy được vật chất cơ bản, trong kinh đã nói rất rõ ràng. Vật chất nhỏ nhất được gọi là “cực vi vi”, Thiên Nhãn của A La Hán không thể thấy được, nhưng Ngũ Nhãn viên minh của Phật trông thấy rõ ràng. Tất cả vật chất đều do những vật chất cơ bản này (cực vi vi) sắp xếp, tổ hợp thành, nhưng chúng có công thức cấu tạo khác nhau. Do vậy, Phật pháp thấy hết thảy hiện tượng hoàn toàn bình đẳng. Cổ nhân tỷ dụ: “Dùng vàng chế đồ vật, món nào cũng là vàng”. Vật chất đều là hoàng kim, tuy làm thành các món đồ vật khác nhau, mấy ngàn thứ, mấy vạn hình thể khác nhau, nhưng nguyên liệu hoàn toàn tương đồng, giá trị giống hệt như nhau.

          Ngũ Uẩn được chia thành hai loại: Một là tinh thần, hai là vật chất. Vì vậy, Ngũ Uẩn lại được quy nạp thành hai pháp là Sắc và Tâm. Sắc là nói về vật chất; trong Ngũ Uẩn, Tâm được chia ra thành bốn, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều là Tâm; nhưng Thức là bản thể của Tâm, Thọ, Tưởng, Hành là tác dụng. A La Hán hiểu rõ Ngũ Uẩn vốn là có, trong Ngũ Uẩn không có Ngã, Ngã là giả. Ví như cái nhà, nhà là giả, những vật liệu xây dựng là thật. Nhà do những gì tạo thành? Vốn là cốt sắt, xi-măng, gạch, ngói, những thứ ấy là thật. Chúng ta xếp đặt những vật liệu xây dựng, cất thành một căn nhà. Vật liệu chất một đống thì chẳng gọi là “nhà”. Thật ra, nhà có sanh diệt hay không? Chẳng sanh, chẳng diệt. Sắp xếp lại thì vật liệu nhiều dường ấy, mà tách ra thì cũng là chừng ấy vật liệu, nhà chẳng có sanh diệt, chỉ có sự kết hợp là tụ hay tán mà thôi!

          Thân người chúng ta cũng là hiện tướng (tướng được biến hiện) do Tứ Đại và Ngũ Uẩn tụ tập, con người chúng ta có sanh diệt hay chăng? Chẳng có sanh diệt! Thật sự là không có! Nếu quý vị nghĩ con người có sanh diệt, có già chết, thì đó là huyễn giác, quý vị đã thấy lầm rồi! Không có sanh diệt, giống như cuốn sách này, đóng lại thành tập thì là một cuốn sách, sau khi tách ra thì chừng đó trang tách rời, hỏi quý vị có sách hay không? Không có sách! Sách có sanh hay chăng? Không có! Đóng lại thì chẳng tăng thêm một trang nào, xả ra cũng chẳng bớt đi trang nào, nó là nhân duyên tụ hay tán mà thôi! Khi tụ tập chẳng tăng, lúc tán chẳng giảm. Chẳng tăng, chẳng giảm, bất sanh, bất diệt. Tướng chân thật của hết thảy các pháp là như thế. Sanh thì hoan hỷ, diệt thì đau khổ. Đó là quý vị thấy lầm, hiểu lầm, chính mình chẳng liễu giải chân tướng sự thật, nên mới tự chuốc lấy phiền phức! Nếu thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật này, đâu có sanh tử! Nếu ý niệm sanh tử của một cá nhân đã bỏ được và ý niệm được – mất cũng chẳng còn nữa, người ấy sung sướng lắm! A La Hán chứng đắc cảnh giới này; vì thế, các Ngài hết sức sung sướng. Các Ngài hiểu Ngũ Uẩn vô ngã, nhưng chẳng hiểu Ngũ Uẩn cũng là Không. Ví như, chúng ta hiểu rõ cái nhà là giả, do các vật liệu xây dựng tụ hay tán mà hiện tướng sanh diệt. Thật ra, tìm chẳng được tướng sanh diệt. Nếu nghiên cứu những vật liệu ấy thì chúng cũng do nhân duyên tụ hợp, không có một pháp nào chẳng phải là nhân duyên tụ hợp. Đã do nhân duyên sanh thì nó hoàn toàn không có tự tánh. Tuy kinh Phật nói đến vật chất cơ bản, nhưng vật chất cơ bản do đâu mà có? Vẫn do nhân duyên hiển hiện, bởi vậy, bản thể của chúng chính là Không!

          Vật chất cơ bản từ nơi nào đến? Từ Kiến Phần biến hiện, cũng là trong Không sanh ra Có. Nếu nói tới ba tế tướng trong A Lại Da Thức thì do một niệm bất giác trong bổn tánh nên có vô minh, từ vô minh sanh ra nghiệp tướng. Nghiệp tướng là tướng Động, từ trong cái Động ấy mà sanh ra Kiến, tức là tướng Thấy; nay chúng ta nói tướng Thấy là một bộ phận của tinh thần. Do vậy, vật chất do tinh thần biến hiện. Nói cách khác, tâm và vật có cùng một nguồn. Tâm và vật có thể chuyển biến lẫn nhau, nhưng các nhà khoa học hiện thời chưa đạt đến cảnh giới này. Hiện nay, các nhà khoa học biết năng lực và vật chất có thể chuyển biến thành lẫn nhau, nhưng đó là năng lực vật chất, chứ chưa phải tâm năng. Phật pháp nói tâm năng và vật chất có thể chuyển biến trở thành lẫn nhau. Nếu có thể đạt đến mục tiêu này, chúng ta sẽ tùy tâm sở dục (thuận theo lòng muốn) trong hết thảy các thứ thụ dụng.

          Tây Phương Cực Lạc thế giới và các cõi nước Phật vì sao trang nghiêm dường ấy? Muốn mặc áo, y phục bèn ở trên thân. Muốn ăn gì, đồ ăn bèn hiện trước mặt, ăn xong cũng chẳng cần rửa chén, không hề có, biến mất. Trong cái nhìn của chúng ta, đúng là chuyện thần thoại tiểu thuyết! Thật ra, xét theo lý luận thì hoàn toàn hợp lý! Ngày nào chúng ta thật sự đạt đến mức tâm năng và vật chất có thể chuyển biến trở thành lẫn nhau, không có thứ gì chẳng phải là “tùy tâm sở dục”. Vì thế, Tây Phương Cực Lạc thế giới là nơi khoa học tiến triển đến mức tột cùng. Các nhà khoa học trong thế giới chúng ta tốt nhất là nên du học trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, học lấy những môn khoa học cao minh nhất, viên mãn nhất, rốt ráo nhất. Đó là thật, chẳng phải giả! Những đại khoa học gia của phương Tây đích thực là những người thông minh bậc nhất của nhân loại, đáng tiếc là họ chưa hề tiếp xúc Phật pháp, chưa nghe kinh Phật. Nếu nghe kinh Phật, tiếp xúc Phật pháp, họ càng thông minh, nhất định sẽ phát minh nhiều thứ hơn nữa! Trong kinh Phật có rất nhiều khải thị chẳng thể nghĩ bàn, khoa học càng tiến bộ, càng có ích cho Phật pháp. Những thứ đức Phật đã giảng đều có thể chứng thực!

          Do họ (Thanh Văn, Duyên Giác) chẳng biết Ngũ Uẩn là Không, Ngũ Uẩn đã là Không thì bộ phận tinh thần chẳng cần phải nói nữa! Ngay cả Sắc cũng là Không, Sắc cũng chẳng phải là chân thật. Chúng ta nói đến vật chất cơ bản nhất, chúng cũng chẳng thật sự tồn tại, cũng là pháp sanh bởi nhân duyên, duyên của chúng là nghiệp tướng, kiến tướng. Do vậy, mới biến hiện ra Tướng Phần, biến hiện tướng cảnh giới. Chẳng những phải có Thiền Định rất sâu, mà còn phải có trí huệ thật sự, thì mới có thể thấy rõ chân tướng sự thật này, giống như trong Tâm Kinh đã nói: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời”. Đó chẳng phải là Bát Nhã nông cạn, mà là Bát Nhã sâu, trí huệ rất sâu! “Hành” là quán chiếu, chiếu kiến. “Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai Không”, hai pháp Sắc và Tâm đều trọn chẳng thể được! Đấy là “chiếu kiến Ngũ Uẩn giai Không”. Họ cũng chẳng có Pháp Chấp, mà cũng chẳng chấp trước pháp, như vậy thì mới có thể chứng đắc Bồ Đề viên mãn rốt ráo. Người Nhị Thừa không có công phu này!

                   (Diễn) Đản ngộ Uẩn trung vô Ngã, bất tri Uẩn diệc thị Không giả, Không hữu nhị: Nhất Ngã Không, vị vô ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, thử thị Nhị Thừa sở chứng. Nhị Pháp Không, vị vô Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Thử thị Bồ Tát sở chứng. Kim văn “Uẩn trung vô Ngã”, thị Ngã Không dã. “Uẩn diệc thị Không” thị Pháp Không dã. Tiểu Thừa quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô Ngã. Cố ngộ Uẩn trung vô ngã. Nhược chiếu kiến Ngũ Uẩn giai Không, tắc thị đại Bồ Tát cảnh giới, cố bỉ bất tri.

          () 但悟蘊中無我不知蘊亦是空者 空有二 一我

空,謂無我、人、眾生、壽者,此是二乘所證。二法空,謂無色受想行識,此是菩薩所證。今文蘊中無我,是我空也;蘊亦是空,是法空也。小乘觀身不淨,觀受是苦,觀心無常,觀法無我,故悟蘊中無我。若照見五蘊皆空,則是大菩薩境界,故彼不知。

          (Diễn: “Nhưng ngộ Uẩn vô Ngã, chẳng biết Uẩn cũng là Không”. Không có hai thứ: Một là Ngã Không, tức là không có ta, người, chúng sanh, thọ giả; đây là điều được chứng bởi hàng Nhị Thừa. Hai là Pháp Không tức là không có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức, đây là sở chứng của Bồ Tát. Câu “trong Uẩn không có Ngã” trong đoạn văn này chính là Ngã Không. Câu “Uẩn cũng là Không” chính là Pháp Không. Tiểu Thừa quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã; cho nên ngộ trong Uẩn không có Ngã. Nếu chiếu kiến Ngũ Uẩn đều là Không thì đó là cảnh giới của bậc đại Bồ Tát, cho nên họ (những người Tiểu Thừa) chẳng biết) .

                   Trong kinh Kim Cang,  nửa bộ đầu nhằm phá Tứ Tướng:  “Nhược

Bồ Tát hữu Ngã Tướng, Nhân Tướng, Chúng Sanh Tướng, Thọ Giả Tướng, tức phi Bồ Tát” (Nếu Bồ Tát có Ngã Tướng, Nhân Tướng, Chúng Sanh Tướng, Thọ Giả Tướng thì chẳng phải là Bồ Tát), chẳng phải là Bồ Tát! Tiêu chuẩn thấp nhất của Bồ Tát là phải phá Tứ Tướng. Bồ Tát phá Tứ Tướng có công phu bình đẳng với bậc Tiểu Thừa A La Hán. Tiểu Thừa A La Hán phá Tứ Tướng, vô ngã! [Chỉ chứng đắc] vô ngã thì địa vị Bồ Tát ấy trong Đại Thừa không cao, thuộc vào địa vị Tam Hiền Bồ Tát, là địa vị Thất Tín trong Viên Giáo. Địa vị Sơ Tín Bồ Tát trong Viên Giáo là giai đoạn đầu của năm mươi mốt địa vị Bồ Tát trong Viên Giáo, giống như đi học: Lớp Một là Tiểu Thừa Sơ Quả Tu Đà Hoàn, đã phá Thân Kiến, chẳng còn chấp cái thân này là ta, nhưng còn có Ngã Chấp. Ắt phải đạt đến Tứ Quả, mới phá Ngã Chấp. Vì sao? Đoạn Tư Hoặc rồi, tức là đã đoạn tham, sân, si, mạn, mới thật sự đạt đến Vô Ngã. Vì thế, cảnh giới của kinh Kim Cang là cảnh giới của địa vị Thất Tín Bồ Tát trong Viên Giáo trở lên. Cảnh giới trong nửa sau của bộ kinh ấy cao lắm, phá Tứ Kiến. “Nhược Bồ Tát hữu Ngã Kiến, Nhân Kiến, Chúng Sanh Kiến, Thọ Giả Kiến, tức phi Bồ Tát”. Cảnh giới này còn cao hơn cảnh giới trước. Trong phần trước là Phá Tướng, nhưng chưa Phá Kiến; trong phần sau là Phá Kiến, triệt để phá trừ, nhà Thiền gọi [cảnh giới này] là “minh tâm kiến tánh”. Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên được gọi là Pháp Thân đại sĩ, chiếu kiến Ngũ Uẩn đều Không. Đó là cảnh giới của nửa sau bộ kinh Kim Cang.

          Được nêu ra ở đây là Tiểu Thừa, người Tiểu Thừa tu ba mươi bảy đạo phẩm, chia thành bảy khoa mục. Bất luận tu học bất cứ pháp môn nào, đối với mười hai mục trong ba khoa Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, chẳng thể thiếu khuyết; pháp môn Niệm Phật của chúng ta cũng không phải là ngoại lệ! Đó gọi là Chánh Trợ Song Tu. Niệm Phật là chánh tu, nếu trong cuộc sống có thể thêm vào mười hai hạng mục thuộc ba khoa ấy thì chúng sẽ giúp chúng ta đắc nhất tâm, giúp chúng ta thành tựu “công phu thành phiến”.

          Trong Tứ Niệm Xứ, điều thứ nhất là “quán thân bất tịnh”. Chướng ngại lớn nhất của chúng sanh là quá yêu tiếc thân thể của chính mình, đây là vì chẳng liễu giải chân tướng sự thật. Chẳng yêu tiếc thân thể của chính mình cũng là lầm lỗi, sai lầm, nhưng quá yêu tiếc thân thể cũng là sai lầm! Nhà Phật thường nói “tá giả tu chân” (nhờ cái giả để tu cái thật), [nếu chúng ta hiểu câu này có nghĩa là] chúng ta phải khéo gìn giữ thân thể này, dùng nó để tu Chân, [hiểu như vậy] là hiểu lầm! “Tá giả” thì Giả là gì? Phật pháp là giả, nhờ vào Phật pháp giả để tu chân tánh, chứ không phải là nhờ vào thân thể giả tạm. Do vậy, chỗ này đúng là chớ nên hiểu lầm chút nào! Hễ lầm lẫn sẽ sai lệch quá xa. Vì thế, phải hiểu: Thân bất tịnh. Đối với thân thể này, quý vị nhất định phải có một cách nhìn khác, có nhân sinh quan khác hẳn. Ta biết thân thể này bất tịnh, là công cụ mà thôi; nay ta phải khéo lợi dụng công cụ này. Ta muốn một phen thành tựu sự nghiệp, hãy khéo sử dụng cái thân này. Kẻ chẳng liễu giải chân tướng, coi thân này là chính mình. Đối với người liễu giải chân tướng, thân là công cụ của ta, là công cụ để ta thành Phật, liễu sanh tử, đoạn phiền não. Ta phải khéo lợi dụng nó, đừng làm hỏng nó, mà cũng chẳng yêu tiếc nó. Coi nó như tánh mạng thì vô ích, phải khéo vận dụng nó thì mới nên!

          Thân thể quả thật là một cỗ máy. Nay chúng ta nói đến nhuyễn thể (software) và ngạnh thể (hardware). Cỗ máy thân thể của chúng ta cũng giống như thế, nhuyễn thể lẫn ngạnh thể đều có, tổ hợp lại. Nếu khéo sử dụng bộ máy này, nó sẽ sống một trăm, hai trăm năm là chuyện bình thường. Hễ đoản mạng thì nói cách khác là chưa khéo vận dụng, chẳng biết bảo dưỡng (maintain), tự mình làm hư hỏng. Y học Trung Quốc quả thật phi phàm! Thầy tôi nghiên cứu y học Trung Quốc rất kỹ, cụ nói: “Y học Trung Quốc chẳng phải là trị bệnh, mà dạy con người làm thế nào để chẳng ngã bệnh, ngõ hầu có thể sống hai ba trăm tuổi!” Dự phòng thích đáng lúc bình thường thì khi thật sự có bệnh, dùng châm cứu, như hiện thời nói tới phương pháp “chỉ áp” (bấm huyệt). Trên thực tế, quả thật là bất đắc dĩ mới dùng thuốc. Thuốc thang là phương pháp trị liệu rất thấp kém, cách trị liệu bậc cao chẳng dùng đến thuốc! Hễ bị bệnh tật, nói chung là ở nơi nào đó bị chướng ngại! Chẳng hạn như huyết dịch tuần hoàn không tốt, bị bế tắc ở chỗ nào đó. Đả thông chỗ bế tắc ấy, người đó sẽ khôi phục sức khỏe, trở lại bình thường. Thầy thuốc thật sự cao minh nghe tiếng nói của quý vị, nhìn vào cử chỉ hành động của quý vị sẽ phán đoán mười năm, hai mươi năm sau quý vị bị bệnh ở đâu! Quán thân bất tịnh, khéo lợi dụng thân thể này, chẳng làm hỏng nó, giống như chúng ta có một chiếc xe, hoàn toàn hiểu rõ tánh năng (functionalities) của chiếc xe ấy, ta khéo lợi dụng nó để làm công cụ giao thông, tuổi thọ của nó sẽ lâu dài!

          Thứ hai, “quán thọ thị khổ”: Đối với chính mình có sự cảnh giác càng lớn hơn nữa! Chẳng còn tham luyến sự luân hồi trong tam giới lục đạo, biết tam giới đều khổ, trong ấy chỉ có khổ, chẳng có vui.

          Thứ ba, “quán tâm vô thường”: Tâm ở đây là tâm sanh diệt, tâm sanh diệt là vô thường, thoạt nghĩ Đông rồi thoạt nghĩ Tây, chẳng thể nghĩ mãi một chuyện gì. Nếu có thể nghĩ mãi một chuyện gì tức là người ấy đắc Định. Đó gọi là tam-muội. Đức Phật dạy chúng ta chỉ nghĩ tới A Di Đà Phật. Nếu chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối chỉ nghĩ tới A Di Đà Phật thì công phu đã thành phiến, hay nhất tâm bất loạn, thành tựu rồi! Phải mất bao lâu? Nếu trong một ngày quý vị thành công thì đích thực ngày hôm ấy quý vị đã thực hiện xong chuyện liễu sanh tử, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nhưng nói thì rất đơn giản, quý vị hãy nghĩ xem, chẳng cần nói nhiều, năm phút là xong rồi, quý vị A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, một mặt A Di Đà Phật, một mặt vẫn suy nghĩ loạn xạ; vì thế, chẳng có cách nào hết! Chúng ta thường phải rèn luyện điều này!

          Vì sao có vọng tưởng? Vẫn là vì chưa buông xuống, chưa thấy thấu suốt. Chẳng biết chân tướng sự thật của hết thảy, chưa thấy thấu suốt! Chưa thấy thấu suốt, nên không buông xuống được! Nếu quý vị thật sự thấy thấu suốt, không gì chẳng buông xuống được! Thấy thấu suốt, sẽ buông xuống được! Buông xuống giúp quý vị thấy thấu suốt, thấy thấu suốt lại giúp quý vị buông xuống. Do vậy, chúng ta thấy thấu suốt một chút, hãy nhanh chóng buông xuống một chút. Nói là đã thấy thấu suốt mà vẫn chưa chịu buông xuống thì sự thấy thấu suốt của quý vị chỉ là thấy thấu suốt một tí xíu, công phu chẳng thể tiến bộ. Do vậy, hai điều này (thấy thấu suốt và buông xuống) giúp đỡ lẫn nhau, thành tựu lẫn nhau. Càng buông xuống nhiều, cảnh giới thấy thấu suốt càng cao. Vì thế, một mặt thấy thấu suốt, một mặt phải buông xuống, tuyệt đối chớ nên tham luyến. Đừng nghĩ rằng: Thứ gì ta cũng buông xuống thì ta chẳng có thứ gì hết! Ngày mai chúng ta sống sót bằng cách nào đây? Quý vị còn chưa buông xuống, tức là vẫn chưa thấy thấu suốt. Thật sự thấy thấu suốt, phước báo tự nhiên! Buông xuống, trong mạng quý vị đã có thì tới lúc nó sẽ tự nhiên đưa tới. Dẫu trong mạng sẵn có, [tài vật] đưa tới, chúng ta chỉ cần ăn no, mặc ấm, những thứ dư ra đều phải buông xuống. Bởi lẽ, tích trữ trong pháp giới là đáng tin cậy nhất, chẳng bị biến chất, mà cũng chẳng bị mất giá. Để ở chỗ nào cũng đều chẳng đáng tin cậy. Để ở trong ngân hàng có thể bị mất giá, để trong công ty hay cửa hàng của người ta có thể bị đóng cửa, đều là phiền toái, vẫn chẳng bằng đem bố thí. Bố thí hết, do quý vị không thụ dụng, nên phước báo vẫn còn. Không chỉ vẫn còn, mà còn tăng trưởng. Đó là người thông minh nhất.

          Thứ tư là “quán pháp vô Ngã”, “pháp” là hết thảy vạn pháp. Hết thảy vạn pháp đều không có tự tánh, không có tự thể. Vì thế, Phật pháp nói “vạn pháp đều Không”, do đạo lý này. Chiếu kiến Ngũ Uẩn đều là Không. Đó là cảnh giới của đại Bồ Tát. Đối với người Tiểu Thừa, Ngũ Uẩn đều chẳng Không, nhưng nhân ngã đã Không rồi. Do vậy, đây là hai thứ cảnh giới khác nhau.

          (Diễn) Diệc thị Không giả, dĩ Ngũ Ấm pháp, tự tánh bất sanh, tắc vô hữu diệt, bổn lai Niết Bàn cố.

          () 亦是空者 ,以五陰法 ,自性不生 ,則無有滅

本來涅槃故。

          (Diễn: “Cũng là Không”: Do tự tánh của pháp Ngũ Ấm chẳng sanh, nên chẳng có diệt, vốn là Niết Bàn).

          Niết Bàn là tịch diệt.

          (Sớ) Chấp cảnh vi Hữu, duy dục tỵ cảnh xu tịch, cố văn Tịnh Độ hóa sanh, tâm bất hỷ nhạo.

          () 執境為有 ,唯欲避境趨寂 ,故聞淨土化生

不喜樂。

          (Sớ: Chấp cảnh là Có, chỉ muốn tránh né cảnh, hướng về vắng lặng, nên nghe đến chuyện hóa sanh trong Tịnh Độ tâm chẳng vui ưa).

          Vị ấy chưa thật sự triệt để hiểu rõ chân tướng sự thật, cho nên mới có sự hiểu lầm này. Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi giảng tới chỗ này.

[1] Tứ Không Định, gọi đủ là Tứ Không Xứ Định gồm: Không Xứ Định, Thức Xứ Định, Vô Sở Hữu Xứ Định và Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng Xứ Định.

[2] Tứ Thiền Thiên là bốn tầng trời là nơi cư trụ của người đã đắc Tứ Thiền:

  1. Sơ Thiền Thiên gồm các cõi trời Phạm Chúng Thiên, Phạm Phụ Thiên, Đại Phạm Thiên. Đại Phạm Vương làm chủ các tầng trời này.
  2. Nhị Thiền Thiên gồm các tầng trời Thiểu Quang Thiên, Vô Lượng Quang Thiên, Cực Quang Tịnh Thiên (còn gọi là Quang Âm Thiên).
  3. Tam Thiền Thiên gồm Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên, Biến Tịnh Thiên.
  4. Tứ Thiền Thiên gồm Vô Vân Thiên, Phước Sanh Thiên, Quảng Quả Thiên, Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt Thiên, Thiện Hiện Thiên, Thiện Kiến Thiên, và Sắc Cứu Cánh Thiên.

Bốn tầng trời này đều thuộc Sắc Giới. Từ cõi trời Vô Phiền Thiên trở lên là nơi ở của các bậc thánh nhân từ A La Hán trở lên, không còn luân hồi trong lục đạo, nên năm cõi trời (Vô Phiền, Vô Nhiệt, Thiện Hiện, Thiện Kiến, và Sắc Cứu Cánh) được gọi chung là Ngũ Bất Hoàn Thiên hay Tịnh Cư Thiên.

[3] Xin chú ý, lợi căn hay độn căn A La Hán ở đây là nói về người chưa chứng quả A La Hán. Nếu là lợi căn thì sẽ có thể nhanh chóng chứng quả A La Hán (đắc Cửu Thứ Đệ Định) ngay trong Tứ Thiền Thiên, không cần phải trải qua Tứ Không Thiên.

[4] Trong Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, Bảo Tích là tên một vị Trưởng Giả tại thành Tỳ Da Ly (Vaiśālī), thượng thủ của năm trăm vị trưởng giả, nương theo Phật thần lực đến cúng dường, tán thán, rồi thưa hỏi: “Bạch đức Thế Tôn! Năm trăm vị trưởng giả này đều đã phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nguyện được nghe cõi Phật thanh tịnh. Kính mong đức Thế Tôn giảng về hạnh Tịnh Độ của Bồ Tát”. Nhân đó, đức Phật bèn giảng phẩm đầu tiên của kinh Duy Ma Cật là phẩm Phật Quốc, trong đó có những câu được sách Diễn Nghĩa trích dẫn ở đây.

[5] Theo chú giải của Nho gia, “chỉ ư chí thiện” nghĩa là đạt đến cảnh giới hoàn thiện tột bậc. Về sau, từ ngữ này được dùng với nghĩa rộng hơn là đã đạt đến cảnh giới tối cao, toàn thiện, và an trụ trong cảnh giới ấy, không để mất đi.

[6] Câu này hàm nghĩa những sự vật có cùng một tánh chất sẽ thu hút lẫn nhau, hoặc nói rộng hơn là phân chia sự vật theo tánh chất đặc trưng của chúng. Hệ Từ là một phần của Dịch Truyện, tức là những lời chú giải kinh Dịch, thường được coi là trước tác của Châu Văn Vương và Khổng Tử. Dịch Truyện bao gồm Thoán Truyện, Tượng Truyện, Văn Ngôn Truyện, Hệ Từ Truyện, Thuyết Quái Truyện, Tự Quái Truyện và Tạp Quái Truyện. Hệ Từ Truyện vốn là lời giải thích phần Hệ Từ. Theo quan điểm truyền thống do Châu Hy đề xướng, Châu Văn Vương và Châu Công giải thích mỗi quẻ trong kinh Dịch rồi buộc (hệ) dưới mỗi quẻ (thuở xưa chưa có giấy, những ghi chép được viết lên thẻ bằng tre), hợp thành kinh văn ngày nay của kinh Dịch. Hệ Từ Truyện do Khổng Tử viết nhằm giải thích Hệ Từ cũng như giải thích ý nghĩa chung của trọn bộ kinh Dịch.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *