#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 03-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 193
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm chín mươi bốn:
(Sớ) Hựu thọ mạng, quang minh giả, ước nhi ngôn chi, thiểu nhiếp đa cố. Nhị bộ danh đề, chỉ viết Vô Lượng Thọ giả, ước chi hựu ước, Thể nhiếp Dụng cố. Nhược cụ thuyết giả, y báo, chánh báo, tất giai vô lượng.
(Sao) Ước ngôn giả.
(疏)又壽命光明者,約而言之,少攝多故。二部名題,止曰無量壽者;約之又約,體攝用故;若具說者,依報正報,悉皆無量。
(鈔)約言者。
(Sớ: Lại nữa, thọ mạng và quang minh là nói ước lược, dùng ít để bao gồm nhiều. Tựa đề của hai bộ kinh chỉ nói là Vô Lượng Thọ, tức là đã ước lược lại còn ước lược hơn, vì dùng Thể để thâu nhiếp Dụng vậy. Nếu nói đầy đủ, y báo và chánh báo thảy đều vô lượng.
Sao: Nói ước lược…)
Nói ước lược.
(Sao) Phật cụ vạn đức, kim chỉ cử thọ mạng, quang minh giả, như Hoa Nghiêm Bát Địa, ngôn thân tướng vô lượng, trí huệ vô lượng, phương tiện vô lượng, quang minh vô lượng, thanh tịnh âm thanh vô lượng đẳng. Tắc tri cử nhị sự giả, dĩ thiểu nhiếp đa dã.
(鈔)佛具萬德,今止舉壽命光明者。如華嚴八地,言身相無量,智慧無量,方便無量,光明無量,清淨音聲無 量等。則知舉二事者,以少攝多也。
(Sao: Phật có đủ vạn đức, nay chỉ nêu lên thọ mạng và quang minh, như kinh Hoa Nghiêm nói bậc Bát Địa Bồ Tát thân tướng vô lượng, trí huệ vô lượng, phương tiện vô lượng, quang minh vô lượng, âm thanh thanh tịnh vô lượng v.v… cho nên biết nêu ra hai chuyện chính là dùng ít để thâu nhiếp nhiều vậy).
Danh hiệu của Phật Di Đà là A Di Đà Phật. Bốn chữ A Di Đà Phật là phiên âm tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Vô Lượng. A là Vô, Di Đà là Lượng, Phật là Giác. Danh hiệu Vô Lượng có ý nghĩa hết sức sâu rộng. Trong sự sâu rộng vô hạn, đức Phật chỉ nói hai chuyện: Một là thọ mạng, hai là quang minh, tức là vô lượng thọ và vô lượng quang. Đây chính là ý nghĩa của chữ “ước ngôn” (約言), tức là nói đơn giản nhất, nói tóm tắt nhất. Cổ đức nói: Trong hết thảy các thứ vô lượng, coi thọ mạng là bậc nhất. Chúng ta suy nghĩ thấy rất có lý. Nếu chẳng có thọ mạng, hết thảy các thứ vô lượng đều rỗng tuếch. Dẫu là vô lượng, chúng ta chẳng thể thọ dụng, chẳng thể hưởng thụ được. Vì thế, thọ mạng trọng yếu bậc nhất. Có thể nói là hết thảy các thứ vô lượng đều lấy thọ mạng vô lượng làm Thể, những điều khác đều là đức dụng của nó. Trong hết thảy các đức dụng, đương nhiên coi “trí huệ quang minh” là bậc nhất. Vì sao? Có trí huệ thì mới có vui sướng thật sự; có trí huệ, sẽ chẳng có phiền não. Vì sao nhiều phiền não? Vì chẳng có trí huệ. Do mê, nên mới có phiền não; hễ ngộ, sẽ chẳng có phiền não. Vì lẽ đó, trong hết thảy các thọ dụng, trí huệ là bậc nhất. Chẳng có trí huệ, dẫu có phước báo, tục ngữ thường nói là “giàu mà chẳng vui”. Người ấy rất giàu có, nhưng chẳng sung sướng. “Quý mà chẳng vui sướng”, Quý (貴) là có địa vị trong xã hội, địa vị rất cao, làm hoàng đế, làm Tổng Thống, suốt một đời chẳng sung sướng, đó là vì thiếu trí huệ. Nếu có trí huệ, dẫu nghèo hèn, tuy nghèo mà vui, người ấy vẫn hết sức sung sướng. Do vậy có thể biết, trong hết thảy các đức dụng, trí huệ hết sức trọng yếu. Vì lẽ đó, trong hết thảy các thứ vô lượng, Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng nêu lên những điều khác, chỉ nêu ra hai thứ này: Một là nêu lên thọ mạng, hai là nêu ra quang minh.
Ở đây, đại sư dùng một trường hợp trong kinh Hoa Nghiêm để thuyết minh, nêu rõ đức Phật đề ra hai thứ quang minh và thọ mạng là nói theo ý nghĩa tỉnh lược, chứ trên thực tế là nói chẳng thể cùng tận! Ngài nhắc tới bậc Bát Địa Bồ Tát trong Hoa Nghiêm, Bát Địa là Bất Động Địa (Achala-bhūmi). Hoa Nghiêm là Viên Giáo, Tịnh Tông gọi bậc Bát Địa của Viên Giáo là A Bệ Bạt Trí. Chúng ta biết: Chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, quả báo sẽ giống như Bát Địa Bồ Tát. Thầy Lý chú giải kinh đã ghi là “từ Thất Địa trở lên”, từ Thất Địa trở lên là Bát Địa. Đó là A Bệ Bạt Trí, là Bất Thoái Chuyển Bồ Tát, thật sự chẳng thoái chuyển. Thất Địa là Viễn Hành Địa (Duramgama-bhūmi), Bát Địa mới là Bất Động Địa.
Khen ngợi Bát Địa Bồ Tát “thân tướng vô lượng”, câu này rất khó hiểu, thân tướng vô lượng cách nào? Dẫu lớn cách mấy, cũng còn có hạn lượng. Như trong bài kệ Tán Phật đã mô tả thân lượng Phật to lớn: “Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di, cám mục trừng thanh tứ đại hải”, năm Tu Di, bốn đại hải, vẫn là có hạn lượng! Vì cớ nào nói Bát Địa Bồ Tát thân tướng vô lượng? Nói thật ra, Bát Địa Bồ Tát thật sự đoạn sạch phân biệt, chấp trước. Từ Thất Địa trở xuống là phục đoạn (chế ngự phiền não), chẳng phải là diệt đoạn (đoạn hết), các Ngài dùng sức Định Huệ để chế ngự, khiến cho chúng chẳng dấy lên hiện hành, chẳng khởi tác dụng, còn Bát Địa Bồ Tát là diệt đoạn. Nay chúng ta nói là hữu lượng, do đâu mà có hữu lượng? Do từ vọng tưởng, chấp trước mà có. Nếu chẳng có vọng tưởng, chấp trước, sẽ giống như cảnh giới khai ngộ trong Thiền Tông: “Tận hư không khắp pháp giới là một con mắt của sa-môn”. Các vị hãy suy nghĩ: Thân tướng này là hữu lượng hay vô lượng? Phải thật sự đoạn sạch phân biệt và chấp trước thì mới có thể thấy cảnh giới ấy. Nói theo Lý thì nói thật ra, cũng chẳng khó lãnh hội, tận hư không khắp pháp giới là một Chân Như bản tánh, là một chân tâm.
Người học Phật học điều gì? Khôi phục chân tâm của chính mình mà thôi. Phàm phu sử dụng vọng tâm, suốt ngày từ sáng đến tối đều dùng vọng tâm. Trong Phật pháp, vọng tâm được gọi là dùng tâm ý thức. Dùng tâm ý thức chính là biến cái vốn là vô lượng trở thành hữu lượng. Có phân biệt, có chấp trước, bèn đối lập với hết thảy các pháp. Hễ đối lập, bèn có giới hạn. Vì thế, vốn là vô lượng, nay bị biến thành hữu lượng. Vọng tưởng, chấp trước càng nặng, giới hạn ngày càng bé đi. Vọng tưởng, chấp trước nhẹ đi, giới hạn bèn lớn hơn đôi chút. Nói chung, chẳng thể thoát lìa giới hạn! Vì thế, tâm thể vô lượng là chân tâm bản tánh, chúng ta chẳng thể chứng đắc! Hư không pháp giới đều là vật được biến hiện bởi Chân Như bản tánh. Nói cách khác, Tướng Phần của tự tánh là vô lượng, chúng ta cũng chẳng thể chứng đắc. Nếu chứng đắc, bèn gọi là Thanh Tịnh Pháp Thân.
Trong các buổi giảng, tôi cũng thường nhắc tới Pháp Thân, Pháp là hết thảy vạn pháp, dùng vạn pháp để làm tự thân! Chẳng phải là lấy thân thể này làm tự thân. Thân thể là một pháp trong vạn pháp, đương nhiên cũng chẳng phải là ngoại lệ, mà cũng chẳng thể nói thân này chẳng phải là chính mình. Người thật sự nhập cảnh giới này, sẽ có quan niệm chẳng giống chúng ta, người ấy lấy vạn pháp làm tự thân, vì [vạn pháp] do một Chân Như bản tánh biến hiện. Giống như nằm mộng, khi mê bèn ở trong mộng, trong mộng đương nhiên có chính mình, chấp trước chính mình là ta, cảnh giới bên ngoài chẳng phải là ta. Nếu ở trong mộng mà lập tức giác ngộ “ta nay đang nằm mộng”, toàn thể mộng cảnh đều do tự tâm của ta biến hiện, vậy thì có thứ gì trong mộng chẳng phải là chính mình? Thứ gì cũng đều là chính mình, toàn là do tự tánh biến hiện. Hễ giác ngộ, toàn thể mộng cảnh vốn đều là chính mình, đó gọi là Pháp Thân. Vì vậy, Pháp Thân chẳng phải là nói về một thân của chính mình, mà là thân của vạn pháp. Lão Tử nói: “Trời đất và ta có cùng cội rễ, vạn vật và ta có cùng một Thể”. Hai câu này chính là Thanh Tịnh Pháp Thân được nói trong Phật pháp; nói rõ thân tướng vô lượng.
Tâm tánh trọn khắp hư không pháp giới; thân tướng cũng là trọn khắp hư không pháp giới vô lượng vô biên. Vì sao biết? Nhất định là phải có trí huệ. Chẳng có trí huệ, làm sao quý vị có thể hiểu được! Nói thật ra, Quyền Giáo Bồ Tát, thánh nhân Nhị Thừa, và lục đạo phàm phu đều không biết. Thật sự biết chân tướng sự thật này, trong kinh Phật thường nói là “chư pháp Thật Tướng”, tức là tướng chân thật của hết thảy các pháp. Chứng đắc Thật Tướng là các vị Bồ Tát từ Sơ Trụ trở lên trong Viên Giáo, hoặc Sơ Địa Bồ Tát trở lên trong Biệt Giáo, vì các vị Bồ Tát ấy trí huệ vô lượng. Trí huệ do đâu mà có? Trí huệ sanh từ tâm thanh tịnh. Nay chúng ta nhất tâm nhất ý mong cầu trí huệ, nhưng cầu trí huệ mà tâm chẳng thanh tịnh, lấy đâu ra trí huệ? Trí huệ tuyệt đối chẳng phải là do sự học hỏi ghi nhớ mà có! Ngay cả Nho gia cũng biết: “Ký vấn chi học, bất túc dĩ vi nhân sư dã” (Cái học do hỏi han, ghi nhớ thì chẳng đáng để làm thầy người khác). Vì lẽ đó, tu học Phật pháp coi trọng tu Định, tám vạn bốn ngàn pháp môn chẳng có một pháp môn nào không tu Định, quý vị biết Định học trọng yếu dường ấy! Có thể nói là lìa khỏi Thiền Định, sẽ chẳng phải là Phật pháp. Người niệm Phật chúng ta tu nhất tâm bất loạn, nhất tâm bất loạn là Thiền Định. Cảnh giới trong Định vô lượng vô biên. Tâm đã định, sẽ chẳng khởi tâm động niệm. Không khởi tâm động niệm, bèn chẳng có giới hạn.
Công phu niệm Phật và tham Thiền, nói thật ra, chỉ có phương pháp khác nhau, chứ cảnh giới giống nhau. Công phu quán chiếu được nói trong nhà Thiền chính là công phu thành phiến trong Tịnh Độ Tông. Công phu thành phiến chính là công phu vừa mới đắc lực, [nói công phu thành phiến] là nói công phu đắc lực. Thành phiến bằng cách nào? Trong mười hai thời, trong tâm luôn có A Di Đà Phật. Đó gọi là “tịnh niệm nối tiếp”, bèn thành phiến. Công phu đã thành phiến, tuy quý vị có vọng tưởng, chấp trước, nhưng chúng chẳng khởi tác dụng, vì trong tâm quý vị một câu A Di Đà Phật niệm niệm chẳng gián đoạn, cũng là như chúng tôi thường nói “không gián đoạn, không xen tạp”, sẽ thành một phiến. Gián đoạn bèn chẳng thành một phiến, xen tạp cũng chẳng thể thành một phiến. Vì thế, thật sự muốn công phu đắc lực thì quyết định chớ nên gián đoạn, xen tạp, điều này rất trọng yếu.
Vì sao tu hành bèn coi trọng kết kỳ hạn niệm Phật, thường gọi thông tục là “đả Phật Thất”. Đả Phật Thất nhằm cầu công phu thành phiến. Phật Thất thì phải luyện tập, giống như lũ bình phàm chúng ta niệm Phật suốt bảy ngày chỉ sợ chẳng thể chịu nổi; bởi lẽ, “chẳng gián đoạn” là ngày lẫn đêm đều chẳng gián đoạn. Buổi tối đi ngủ, hễ ngủ bèn gián đoạn, ngủ một giờ bị gián đoạn một giờ, ngủ hai giờ bị gián đoạn hai giờ, ngày lẫn đêm đều chẳng ngủ. Bắt đầu học thì tốt nhất là một ngày, niệm suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ, dần dần sẽ kéo dài thời gian, đối với chúng ta mà nói, cách làm này khá thích đáng. Giống như trong đạo tràng thông thường hiện thời, Phật Thất là Pháp Hội Phật Thất, có thể tham gia, vì sao? Trong ấy có gián đoạn, và cũng có xen tạp, mục đích bất quá là để mọi người rộn ràng suốt bảy ngày mà thôi, trọn chẳng phải là cầu đạt công phu thành phiến.
Phật Thất chân chánh nhằm cầu công phu thành phiến. Đạt đến công phu thành phiến là thành tựu tối thiểu, coi như đạt tiêu chuẩn. Thành tựu cao là đắc Sự nhất tâm bất loạn, thành tựu cao nhất là đắc Lý nhất tâm bất loạn. Sự nhất tâm bất loạn tương đương với Chiếu Trụ được nói trong Thiền Tông. Lý nhất tâm bất loạn là Chiếu Kiến như Tâm Kinh đã nói, đạt đến cảnh giới cao nhất. Chiếu Kiến là phá trừ vô minh, tối thiểu là phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, nhập cảnh giới này. Tâm thể vô lượng, tâm tướng vô lượng, tác dụng của tâm là vô lượng, khi ấy, quý vị đều chứng đắc, đó là cảnh giới của Viên Giáo Sơ Trụ, là mục tiêu chân chánh của người học Phật. Nhập cảnh giới ấy, thưa cùng chư vị, chẳng có sanh tử, thật sự là liễu sanh tử, vượt thoát tam giới, thành Phật ngay trong thân này! Thành Phật ngay trong thân này (tức thân thành Phật) không chỉ là Mật Tông [mới có], mà tông phái nào cũng đều là như thế, bất quá các tông phái khác chẳng phô trương như vậy, chứ thật ra là hoàn toàn tương đồng. Nói theo Tịnh Độ Tông, chỗ phương tiện tối thắng là quý vị niệm đến mức công phu thành phiến, là thành tựu chẳng thể nghĩ bàn. Nói cách khác, liễu sanh tử, thoát tam giới, tức thân thành Phật. Vì vậy, các đồng tu phải thật sự nỗ lực hướng theo mục tiêu và phương hướng này.
Học Phật trọn chẳng phải là trò đùa bỡn của trẻ nít! Thật sự nỗ lực ắt cần phải buông xuống; thân, tâm, thế giới hết thảy đều buông xuống. Vì sao phải buông xuống? Chẳng buông xuống, chúng sẽ là chướng ngại. Người biết buông xuống bèn buông xuống từ căn bản, người biết tu bèn tu từ căn bản. Căn bản là gì? Căn bản là vọng tưởng, chấp trước như đức Phật đã nói. Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã dạy: “Hết thảy chúng sanh chẳng thể chứng đắc, là do vọng tưởng, chấp trước nên chẳng thể chứng đắc”. Quý vị có thể buông vọng tưởng, chấp trước xuống, những cành lá thảy đều buông xuống. Vì thế, trong cuộc sống hằng ngày, bất luận là đối với người, đối với sự, tâm vừa khởi một niệm, bèn nghĩ: “Ta lại chấp trước, ta lại dấy vọng tưởng”. Nếu nói cụ thể hơn một chút, [sẽ là] “ta lại khởi nghiệp chướng”. Vọng tưởng, chấp trước là nghiệp chướng, là tội chướng, tội chướng hiện tiền! Vì sao trong hết thảy cảnh giới, chư Phật, Bồ Tát chẳng khởi vọng tưởng, chấp trước? Vì sao ta khởi vọng tưởng, chấp trước? Ở đây, phải sanh tâm hổ thẹn. Tâm hổ thẹn vừa khởi, lo cho chính mình còn chưa xuể, há có thời gian để dòm ngó người khác? Bởi vậy, Lục Tổ đại sư đã nói rất tuyệt: “Nếu người thật tu đạo, chẳng thấy lỗi kẻ khác”. Vì sao? Tự trông chừng mình còn không xuể, há có thời gian dò xét người khác!
Công phu thật sự đắc lực, nói thật thà, nhất định phải học theo Thiện Tài. Thiện Tài đồng tử là biểu thị pháp, trọn chẳng phải là thật sự có một người như thế. Thiện (善) là nói tới thiện căn, Tài (財) là nói về phước đức, biểu thị phước đức. Người có đại thiện căn, đại phước đức ấy bèn được gọi là Thiện Tài. Vì thế, nam, nữ, già, trẻ đều có thể gọi bằng danh xưng Thiện Tài. Ai có thiện căn và phước đức, người ấy là Thiện Tài. Người có thiện căn, phước đức, thái độ tu học giống như kinh Hoa Nghiêm đã nói: Chỉ có mình ta là học trò; trừ ta ra, đều là thiện tri thức, đều là Phật, Bồ Tát. Trên đường Bồ Đề, hoàn toàn chẳng có đồng học! Năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài là một người tham phỏng, chẳng có đồng học! Vì sao chẳng có đồng học? Có đồng học, Ngài sẽ chẳng thể thành tựu trong một đời. Vì sao? Đồng học thì “ngươi chẳng khác gì ta cho mấy”, vọng tưởng, chấp trước lại dấy lên! Chẳng có đồng học, ai nấy đều là Phật, người nào cũng là Bồ Tát, ai cũng chẳng có lầm lỗi, lầm lỗi hoàn toàn do chính một mình ta gánh hết. Trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, người ấy sửa lỗi, đổi mới, sửa sao cho tất cả lỗi lầm đều chẳng còn, bèn thành Phật, viên thành Phật đạo! Vì lẽ đó, chẳng thể có một đồng học.
Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã nêu gương cho chúng ta, Ngài bảo: “Thành Phật trong một đời”. Thiện Tài đồng tử thành Phật trong một đời, nhục thân thành Phật, chẳng trải qua đời thứ hai, Ngài tu như thế nào? Nếu tu giống như Thiện Tài, có ai chẳng là nhục thân thành Phật? Ai nấy đều như vậy! Chỉ thấy lỗi của chính mình, chẳng thấy lỗi người khác. Lục Tổ bảo Thần Hội: “Ta cũng thấy, mà cũng chẳng thấy”. “Ta cũng thấy” là thấy lỗi của chính mình. “Ta chẳng thấy” là chẳng thấy lỗi của người khác. Có thể thấy sự hành trì trong suốt một đời Lục Tổ là theo tiêu chuẩn của Thiện Tài đồng tử. Lục Tổ chẳng thấy lỗi của chúng sanh, chỉ thấy lỗi của chính mình. Ai nấy đều là Thiện Tài, đoàn thể ấy chính là Tăng đoàn Lục Hòa Kính. Nói thật ra, Phật pháp cao minh hơn pháp thế gian quá nhiều. Pháp thế gian ấn định một chương trình nhất định, buộc mọi người phải tuân thủ, Phật pháp chẳng phải vậy. Phật pháp đề ra chương trình nhằm khuyên bản thân mỗi người tự mình tuân thủ, chẳng buộc ai khác phải tuân thủ. Bản thân ta tuân thủ, người khác đã thành Phật, hoặc là Bồ Tát, họ còn phải vâng giữ chi nữa? Họ chẳng cần tuân thủ. Ta là một kẻ mới học, phải tuân thủ! Mỗi người đều có thể hồi quang phản chiếu, đoàn thể ấy chính là đoàn thể của Phật, Bồ Tát; vì vậy, Lục Hòa Kính là tu như thế đó. Do đó, giới luật được nói trong Phật pháp và pháp luật, quy củ của thế gian chẳng giống nhau, [Phật pháp] là tự hạn chế, chẳng bó buộc người khác. Vì lẽ đó, chẳng thấy lỗi của người khác.
Thấy lỗi lầm của kẻ khác, trong tâm chúng ta khởi phiền não, chẳng phải là kẻ khác có lầm lỗi, mà là nghiệp chướng của chính mình lại hiện tiền, hiện tượng bên ngoài dẫn khởi nghiệp chướng của chính mình. Nếu muốn tìm phương pháp để tiêu nghiệp chướng của chính mình, chớ nên đoái hoài cảnh giới bên ngoài. Thuận cảnh, khởi tâm hoan hỷ. Tâm hoan hỷ cũng là nghiệp chướng. Chẳng hoan hỷ, khởi tâm sân khuể, tâm sân khuể cũng là nghiệp chướng. Nói chung, trong tâm thanh tịnh chẳng sanh một pháp, Lục Tổ thường nói “vốn chẳng có một vật”, há có tham, sân, si, mạn ư? Há có ngũ dục, thất tình ư? Thất tình, ngũ dục vừa động, tội chướng hiện tiền. Chúng ta có thể thường phản tỉnh từ chỗ này, dụng công ở chỗ này, lẽ nào công phu của quý vị chẳng đắc lực? Tu hành là tu từ nơi đâu? Tu ở ngay chỗ này! Thật sự trong hết thảy cảnh duyên, “cảnh” là hoàn cảnh vật chất, “duyên” là hoàn cảnh nhân sự, trong hết thảy hoàn cảnh, chúng ta luôn có thể giữ gìn cái tâm thanh tịnh, luôn có thể giữ gìn cái tâm bình đẳng, nghiệp chướng sẽ tiêu trừ, chẳng có nghiệp chướng!
Cảnh giới nào cũng đều thấy thuận mắt, tâm luôn thanh tịnh, tuyệt đối chẳng khởi tâm, không động niệm, đó là tự tánh vốn định đã thành tựu. Quý vị thấy tướng cảnh giới bên ngoài rành mạch, rõ ràng, đó là vô lượng trí huệ hiện tiền. Trí huệ ấy là thanh tịnh huệ, vì sao? Trong huệ chẳng có phân biệt, chẳng phân biệt “chuyện này là tốt, chuyện kia là xấu”, chẳng có sự phân biệt ấy. Hễ khởi phân biệt, bèn có chấp trước liên đới dấy lên, sai mất rồi! Đó là tri kiến phàm phu, chẳng phải là Phật tri Phật kiến.
Phật tri Phật kiến, tâm giống như gương sáng; bởi lẽ, tâm là Đại Viên Kính Trí. Gương soi rành rẽ bên ngoài, gương có phân biệt hay không? Chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước. Tuy chiếu rất rõ ràng, bản thân tấm gương sạch làu, chẳng nhiễm mảy trần. Nay chúng ta vừa chiếu, hễ chiếu thì cái tâm liền bị nhiễm, liền ghi lại ấn tượng. Làm thế nào để khiến cho cái tâm chúng ta chiếu cảnh giới bên ngoài mà chẳng giữ lại ấn tượng? Không chỉ là lìa cảnh giới bèn chẳng ghi lại ấn tượng, mà khi cảnh giới hiện tiền, cũng chẳng giữ lại ấn tượng, đó gọi là “thật sự chẳng giữ lại ấn tượng”! Chỉ có không ghi lại ấn tượng thì tâm quý vị mới thanh tịnh, mới bình đẳng. Trong Phật pháp, bất luận tông nào, pháp môn nào, đều tu cùng một chuyện: “Tâm tịnh, ắt cõi Phật tịnh!” Cõi Phật thanh tịnh được tu hành như vậy. Vô lượng trí huệ hiện khởi từ cái tâm thanh tịnh.
“Phương tiện vô lượng, quang minh vô lượng, âm thanh thanh tịnh vô lượng”, ba câu này là sự lợi tha của Bồ Tát. Trong phần trước đã nói về sự tự lợi của Bồ Tát, chính mình chứng đắc. Sau khi đã chứng đắc, Bồ Tát nhất định sẽ giúp đỡ hết thảy chúng sanh. Giúp đỡ chúng sanh thì có vô lượng phương tiện, Phương (方) là phương pháp, Tiện (便) là tiện nghi. Đáng nên dùng phương pháp nào, bèn dùng phương pháp ấy, chẳng có pháp nhất định, giống như ba mươi hai ứng thân của Quán Thế Âm Bồ Tát trong phẩm Phổ Môn. “Ba mươi hai” là nói tới ba mươi hai loại lớn, trong mỗi loại lại có thể chia ra vô lượng, vô biên. Đáng nên dùng thân gì để độ, liền hiện thân ấy; nên dùng phương pháp gì, bèn sử dụng phương pháp ấy, chẳng có phương pháp nhất định. Đó là nói “phương tiện vô lượng”.
“Quang minh vô lượng” là nói tới tác dụng của trí huệ. Trí huệ được nói trong phần trước chính là Căn Bản Trí, còn quang minh vô lượng là nói tới Hậu Đắc Trí. Hậu Đắc Trí là ứng dụng nơi Sự. Căn Bản Trí là vô tri, Bát Nhã vô tri! Ứng dụng là không gì chẳng biết, ứng dụng là nói theo phía chúng sanh. Nói cách khác, sẽ là Tha Thọ Dụng, chẳng phải là Tự Thọ Dụng. Trong tâm Tự Thọ Dụng, vĩnh viễn thanh tịnh, là vô tri. Tự Thọ Dụng là vô tri, Tha Thọ Dụng là không gì chẳng biết. Chư vị muốn cầu trí huệ chân thật, trí huệ chân thật là vô tri. Chỉ có vô tri thì ứng dụng mới có thể là không gì chẳng biết. Vô tri là như Lục Tổ đã nói “vốn chẳng có một vật”, người biết học Phật cầu điều này. Quý vị hằng ngày dốc hết tánh mạng để cầu biết, sai lầm mất rồi! Trong tâm thanh tịnh chẳng có một vật, làm sao có nhiều thứ ngần ấy cho được? Các kinh do đức Phật đã giảng toàn là Hậu Đắc Trí, chẳng phải là Căn Bản Trí. Vì sao đức Phật có thể nói ra lắm kinh dường ấy, nói ra vô lượng nghĩa? Đều là do Ngài vô tri!
Nay chúng ta dụng công dốc sức nơi Hậu Đắc Trí của Ngài, lầm lẫn quá đỗi! Quý vị vĩnh viễn chẳng giống như Ngài, vĩnh viễn chẳng thể bằng Ngài, chẳng thể vượt trỗi Ngài. Phải như thế nào thì mới có thể bằng Ngài, mới có thể vượt trỗi Ngài? Quý vị hãy mong cầu vô tri. Đối với sự thật này, hy vọng mọi người hãy đọc kỹ Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư có thể chứng minh cho chúng ta, ban cho lũ hậu học chúng ta một sự khải thị rất lớn. Sau đó, bản thân chúng ta mới có thể phát hiện chính mình vốn đã dụng công dốc sức lầm lạc, phương pháp lẫn thái độ thảy đều sai bét, luôn thực hiện ở chỗ hữu tri, chẳng biết đi theo con đường vô tri!
Đối với ba câu này, nếu dùng ngay gương giáo hóa chúng sanh suốt một đời của Thích Ca Mâu Ni Phật trong thuở Ngài tại thế để nhìn vào thì sẽ rất rõ ràng. Đức Phật giảng cho chúng ta vô lượng pháp môn, tức là phương tiện vô lượng. Đức Phật hiển thị đủ mọi loại trí huệ để giáo hóa chúng sanh đó là quang minh vô lượng. Đức Phật vì chúng ta nói ra kinh điển nhiều ngần ấy, đó là âm thanh thanh tịnh vô lượng! Thuở tại thế, Thích Ca Mâu Ni Phật đã dùng âm thanh làm Phật sự. Kinh Hoa Nghiêm tán thán Bát Địa Bồ Tát, cũng chỉ nêu ra mấy câu như vậy, đó cũng là tỉnh lược. Nếu nói cặn kẽ, sẽ chẳng thể nói trọn hết! “Tắc tri cử nhị sự giả, dĩ thiểu nhiếp đa dã” (Cho nên biết nêu ra hai sự nhằm dùng ít để bao gồm nhiều). Trong kinh Di Đà, để giải thích vô lượng, Thích Ca Mâu Ni Phật chỉ nêu lên hai điều là vô lượng thọ và vô lượng quang. Chúng ta biết “dùng ít để bao gồm nhiều” là nêu thí dụ mà thôi. Tiếp đó, sách viết: “Ước chi hựu ước, Thể nhiếp Dụng cố” (Đã ước lược lại càng ước lược hơn, do Thể nhiếp Dụng vậy).
(Sao) Thể nhiếp Dụng giả, hoặc nạn: Ký quang thọ song cử, vân hà Đại Bổn cập Quán Kinh đề, giai chỉ vân Vô Lượng Thọ, bất ngôn quang giả, phục thị hà nghĩa?
(鈔)體攝用者,或難,既光壽雙舉,云何大本及觀經 題,皆止云無量壽,不言光者,復是何義。
(Sao: “Thể nhiếp Dụng”: Chắc là có kẻ bắt bẻ: “Đã là quang lẫn thọ cùng nêu, cớ sao tựa đề của Đại Bổn và Quán Kinh chỉ nói Vô Lượng Thọ, chẳng nói đến quang, ý nghĩa lại là như thế nào?”)
“Nạn” là vấn nạn (問難: bắt bẻ, cật vấn). Có người hướng về đại sư bắt bẻ: Đã là quang lẫn thọ cùng nêu, nêu ra hai ý nghĩa ấy, cớ sao tựa đề kinh Vô Lượng Thọ chẳng ghi là Vô Lượng Thọ Vô Lượng Quang Kinh, tựa đề kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật cũng chẳng nói là kinh Quán Vô Lượng Thọ Vô Lượng Quang Phật, [cả hai kinh] đều chỉ nói tới vô lượng thọ, chẳng nhắc tới vô lượng quang? Chúng ta xem lời giải thích của đại sư:
(Sao) Lương dĩ Nhất Chân Như tâm.
(鈔)良以一真如心。
(Sao: Ấy là vì Nhất Chân Như tâm).
“Nhất Chân Như”: Nhất là chân tâm, chân tâm còn gọi là Chân Như, cũng gọi là nhất tâm. Nhị tâm sẽ chẳng chân! Tâm chẳng động niệm bèn là nhất tâm; hễ động một niệm bèn là nhị tâm. Chân tâm lìa niệm, trong chân tâm chẳng có niệm. Điều này rất khó, khá chẳng dễ dàng! Hết thảy phàm phu luôn khởi tâm động niệm, nên tuy có chân tâm, nhưng chân tâm chẳng thể hiện tiền. Dẫu có chân tâm, chân tâm chẳng khởi tác dụng, đó chính là phàm phu.
Nhưng trong hết thảy các pháp môn, chỉ riêng Tịnh Tông là thuận tiện. Vì sao? Một câu A Di Đà Phật là chân tâm. A Di Đà Phật cũng là một niệm, một niệm ấy có kể như là vọng niệm hay không? Nếu chư vị chỉ có một niệm ấy, niệm ấy chẳng coi như là vọng niệm, mà niệm ấy chính là chánh niệm hiện tiền, vì chánh niệm “chẳng phải là hữu niệm, chẳng phải là vô niệm”. Nếu thật sự hết thảy đều vô niệm, sẽ biến thành Vô Tưởng Định, cũng sai mất rồi! Quý vị có một niệm là một câu A Di Đà Phật này, chẳng phải là vô niệm. Trừ câu A Di Đà Phật ra, xác thực là trong tâm chẳng một niệm thứ hai, cảnh giới này là phi hữu niệm phi vô niệm. Niệm đến mức Năng lẫn Sở đều mất. Năng và Sở đều mất là chẳng có phân biệt và chấp trước, lìa hết thảy phân biệt, chấp trước, một câu A Di Đà Phật bốn chữ, chữ nào cũng đều rõ ràng, rành mạch, trong ấy chẳng có năng niệm (cái tâm niệm Phật) mà cũng chẳng có sở niệm (đức Phật được niệm), Năng lẫn Sở đều mất. Đó gọi là Lý nhất tâm bất loạn, là chánh niệm.
Trong hết thảy các pháp môn tu học, dùng phương pháp Niệm Phật để đạt tới chánh niệm khá dễ dàng. Khởi đầu, cái niệm hiện thời của chúng ta là vọng niệm, tích lũy vọng niệm [niệm Phật] đến cuối cùng sẽ biến thành chánh niệm. Khi nào sẽ niệm đến mức biến vọng niệm [niệm Phật] thành chánh niệm? Niệm cho đến mức “cả Năng lẫn Sở đều mất” thì sẽ là chánh niệm. Niệm đến mức mất cả Năng lẫn Sở thì là Lý nhất tâm bất loạn. Vẫn còn chưa rời khỏi Năng và Sở thì là công phu thành phiến hoặc Sự nhất tâm bất loạn, chúng ta gọi là Niệm Phật tam-muội, đã nắm chắc vãng sanh, quyết định chẳng có vấn đề gì! Niệm đến mức công phu thành phiến bèn vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Chuyện này trọng yếu! Trong kinh đã đôi ba lượt cảnh tỉnh chúng ta, kinh Di Đà dạy “nhất tâm bất loạn”, kinh Vô Lượng Thọ dạy “một mực chuyên niệm”, những điều này trọng yếu! Tâm Nhất Chân Như hiện tiền:
(Sao) Vô khứ, vô lai, cắng cổ, cắng kim, kỳ thọ vô lượng, kỳ
quang diệc nhĩ.
(鈔)無去無來,亙古亙今,其壽無量,其光亦爾。
(Sao: Chẳng đi, chẳng đến, suốt xưa, thấu nay, thọ mạng vô lượng, quang minh cũng giống như vậy).
Thế nào là chẳng có đến, chẳng có đi? Quý vị hãy ngẫm xem: Đến và đi là hai pháp, hai pháp thì chẳng phải là Phật pháp. Chẳng phải là Phật pháp, sẽ không phải là Tánh Đức, chẳng phải là đức năng vốn sẵn trọn đủ trong tự tánh. Tánh Đức là Phật pháp, trong Tánh Đức chẳng có tương đối. Đến và đi là tương đối, xưa và nay là tương đối, những thứ ấy đều sanh từ vọng tưởng, chẳng phải là sự thật, [nhưng trong cách nghĩ, cách nhìn của] lũ phàm phu chúng ta thì dường như có sự thật. Nói thật ra, đó là cảm nhận sai lầm. Các đại khoa học gia đã phát hiện chuyện này, như ông Ái Nhân Tư Thản (Albert Einstein) biết [những hiện tượng ấy là] tương đối, chẳng phải là thật. Thậm chí, khoa học cận đại cũng phát hiện: Ngay cả vật chất cũng không là sự thật. Trước kia, người ta nghĩ vật chất tồn tại, hiện thời, họ biết vật chất chẳng tồn tại, chẳng phải là sự thật. Vật chất là gì? Các nhà khoa học hiện thời phát hiện chúng là hiện tượng dao động, là hiện tượng sóng ánh sáng chấn động, chẳng phải là sự thật. Những phát hiện này rất gần với những điều đã nói trong kinh Phật. Trong kinh Phật có nói “Tánh và Tướng cùng nguồn”. Nói theo Duy Thức sẽ là Kiến Phần và Tướng Phần có cùng một Tự Chứng Phần. Tự Chứng Phần là bản thể, Kiến Phần và Tướng Phần đều do Tự Chứng Phần biến hiện. Kiến Phần là tâm pháp, Tướng Phần là sắc pháp. Sắc và tâm là một, không hai. Tâm pháp và sắc pháp là một pháp, chẳng phải là hai pháp. Những lời nhận định của giới khoa học tiến bộ quá nhiều, chỉ có Phật pháp là có thể chứng minh cho họ. Vật chất chẳng thật, quý vị coi vật chất và sắc tướng đều là thật, há chẳng oan uổng ư? Ai oan uổng? Chính mình bị oan uổng, chính mình sanh phiền não trong ấy, sanh khởi phân biệt và chấp trước hư vọng, chính mình luân hồi trong lục đạo, tự mình hứng chịu trong ấy. Đó gọi là “tự làm, tự chịu”, kinh Phật thường nói là “kẻ đáng thương xót”. Hạng người ấy thật sự đáng thương xót, chẳng biết chân tướng sự thật.
Chân tướng sự thật chỉ có Nhất Chân; vì thế, đức Phật dạy chúng ta phải cầu chân thật, tức là cầu Nhất Chân. Cầu Nhất Chân từ đâu? Cầu từ tâm địa. Nhất tâm, quý vị sẽ thấy pháp giới là Nhất Chân pháp giới. Nhất Chân pháp giới có mười pháp giới hay không? Có mười pháp giới, tuyệt đối chẳng phải là không có. Quý vị lìa khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước, mười pháp giới là Nhất Chân pháp giới. Ví như quý vị ở trong thiên đường, ao bảy báu, nước tám công đức, cung điện bảy báu, quý vị ở trong đó mà chẳng có Lạc Thọ, tâm địa thanh tịnh, bình đẳng. Quý vị đến thăm địa ngục, trèo lên núi đao, lại vào trong vạc dầu, chẳng có Khổ Thọ. [Do] quý vị bình đẳng, nên gọi là Nhất Chân pháp giới. Khi ngộ bèn thanh tịnh, bình đẳng; khi mê, bất bình đẳng, chẳng thanh tịnh. Khổ và lạc do đâu mà có? Khổ và lạc từ vọng tưởng, chấp trước mà có. Lìa khỏi vọng tưởng, chấp trước thì khổ lẫn lạc đều chẳng thể có được! Chẳng có khổ, lạc thì mới là Chân Lạc, được gọi là Cực Lạc. Hai bên khổ và lạc đều chẳng có, đó là Cực Lạc. Do vậy, Nhất Chân vô cùng trọng yếu; Nhất Chân là mong cầu nhất tâm. Trong nhất tâm, chẳng có một pháp đối lập, chẳng có đến, đi, chẳng có xưa, nay, đương nhiên là thọ vô lượng. Nói thật ra, ngay cả thọ cũng chẳng nói được, đây là chuyện bất đắc dĩ! Phàm phu còn có quan niệm về thọ, được rồi, dùng ngay quan niệm ấy để nói thì là vô lượng thọ. “Thọ vô lượng”: Thọ là Thể, Quang là tác dụng. Thể đã là vô lượng, đương nhiên Dụng cũng là vô lượng, [nên mới nói] “kỳ quang diệc nhĩ” (quang cũng là như thế). Dưới đây là nêu tỷ dụ [nhằm nói lên ý nghĩa] Thể và Dụng chẳng hai.
(Sao) Kim thể, kim quang, bất tương ly cố.
(鈔)金體金光,不相離故。
(Sao: Thể của vàng và ánh sáng của vàng chẳng lìa nhau).
Đối với vàng y thì vàng là Thể, vàng y tỏa ra ánh sáng nhìn rất đẹp. Ánh sáng của vàng chẳng lìa khỏi Thể của vàng, chúng là một! Sánh ví Thọ như Thể, sánh ví Quang như Dụng, chẳng tách lìa nhau!
(Sao) Khởi Tín vân: “Tâm tánh bất khởi, tức thị đại trí huệ quang minh, châu biến pháp giới”.
(鈔)起信云:心性不起,即是大智慧光明,周遍法界。
(Sao: Luận Khởi Tín chép: “Tâm tánh chẳng khởi, chính là quang minh đại trí huệ, trọn khắp pháp giới”).
“Khởi Tín” là Đại Thừa Khởi Tín Luận do Mã Minh Bồ Tát soạn. Mã Minh Bồ Tát là một vị đại Bồ Tát minh tâm kiến tánh, chẳng phải là phàm nhân, những lời Ngài nói chẳng khác gì đức Phật nói, chính là lời Phật nói. “Đại trí huệ quang minh, châu biến pháp giới” là điều chúng ta hướng tới, vô cùng hâm mộ, cũng mong đạt được. Đấy là Tánh Đức, nói thật ra, đó là những gì chúng ta vốn có, vốn trọn đủ. Phải như thế nào thì mới có thể khiến cho Tánh Đức của chúng ta hiện tiền? Trong phần trên có một câu trọng yếu: “Tâm tánh chẳng khởi”. Trong hết thảy cảnh duyên, quý vị thật sự chẳng khởi tâm, không động niệm, chúng tôi lại nói thêm hai câu nữa là “chẳng phân biệt, không chấp trước”, Tánh Đức của quý vị liền lưu lộ. Tánh Đức khởi tác dụng sẽ là “đại trí huệ quang minh”, xác thực là “trọn khắp pháp giới”.
Chúng ta hãy suy nghĩ, nghiệp chướng của chính mình thật sự nặng nề. Nghiệp chướng là khởi tâm động niệm. Hằng ngày, mọi người luôn cầu tiêu nghiệp chướng, tiêu bằng cách nào? Lạy Lương Hoàng Sám, lạy Thủy Sám, niệm mấy bộ kinh Địa Tạng [với hy vọng] nghiệp chướng liền tiêu trừ. Quý vị cứ chăm chỉ tu hành [theo kiểu đó] xem sao, sau khi tu xong, chính mình có còn khởi tâm động niệm hay không? Vẫn còn khởi tâm động niệm thì nghiệp chướng vẫn còn, chẳng tiêu mất! Bao nhiêu người cảm thấy chính mình có nghiệp chướng, tội nghiệp rất sâu, nhưng chẳng biết nghiệp chướng là gì, đều là ù ù cạc cạc, làm thế nào được nữa! Nương theo pháp môn này để tu học, sau khi đã tu, tâm thật sự đạt đến thanh tịnh, vọng niệm ít, phiền não giảm, đó là hiện tượng nghiệp chướng tiêu trừ. Đương nhiên chẳng thể nào tiêu trừ ngay lập tức, phải giảm bớt dần dần, đó là một hiện tượng tốt đẹp.
Do vậy có thể biết, phương pháp tiêu nghiệp chướng có hiệu quả nhất là chuyên tu. Bất luận pháp môn nào, chỉ cần là chuyên, tâm người ấy sẽ thanh tịnh. Tham Thiền mà có thể tiêu nghiệp chướng, người ấy đắc Định. Học Giáo mà có thể tiêu nghiệp chướng, người ấy có thể tùy văn nhập quán, quán là Chỉ Quán. Niệm Phật có thể tiêu nghiệp chướng, trong tâm chỉ có một câu A Di Đà Phật, chẳng có hết thảy vọng tưởng, tạp niệm. Nếu chúng ta tu học, dẫu dụng công cỡ nào, mà vọng tưởng, chấp trước vẫn còn, vẫn chẳng đoạn, tức là công phu chẳng đắc lực, công phu chẳng có hiệu quả, rất đáng tiếc! Công phu chẳng có hiệu quả, tu đến cuối cùng đạt được phước báo, công đức đều biến thành phước đức, trở thành phước báo nhân thiên! Phước báo nhân thiên rất khổ! Bảo tôi làm người đại phú đại quý trong thế gian này, tôi không làm! Tôi rất ngại phiền, khổ quá! Hiện thời làm quan phải lo tranh cử, vất vả quá, chẳng thể làm chuyện này! Dẫu không phải tranh cử, mời tôi làm, tôi cũng chẳng muốn làm, vì sao? Họp hành quá nhiều, thù tạc quá nhiều. Đừng nói chi khác, mỗi ngày phải bắt tay người khác tôi đã không quen, mệt chết luôn! Hạnh phúc nhất vẫn là hằng ngày du sơn ngoạn thủy, đọc các sách chính mình ưa thích, làm những chuyện chính mình ưa thích, người ấy là người có phước bậc nhất. Phàm là miễn cưỡng, chẳng muốn làm, nhưng chẳng thể không làm, sẽ rất khổ não, chẳng làm chuyện này được! Phải thật sự giác ngộ ở chỗ này. Do đó, chớ nên tu phước thế gian, chúng ta phải tu tập và tích lũy công đức, công đức là tâm địa thanh tịnh.
(Sao) Bất khởi, thọ dã.
(鈔)不起,壽也。
(Sao: Chẳng khởi là Thọ).
Vì người ấy chẳng khởi tâm động niệm, nên chẳng có dài hay ngắn, chẳng có trước, sau, chẳng có xưa, nay, đó là vô lượng thọ. Đối với khái niệm thọ lượng của chúng ta, người ấy đã hoàn toàn đột phá, vượt trỗi thọ lượng. Đấy là vô lượng thọ thật sự.
(Sao) Trí huệ, quang dã. Ngôn thọ tắc quang tại kỳ trung, cố đơn cử dã.
(鈔)智慧,光也。言壽則光在其中,故單舉也。
(Sao: Trí huệ là quang. Nói đến thọ thì quang đã được bao gồm trong ấy, nên chỉ nói đến thọ).
Tựa đề kinh chỉ cần nói Vô Lượng Thọ là được rồi. Không chỉ là Quang được hàm nhiếp trong ấy, mà như trong phần trên đã nói, thân tướng vô lượng, trí huệ vô lượng, phương tiện vô lượng, âm thanh thanh tịnh vô lượng, cho đến y báo và chánh báo trang nghiêm, thứ gì cũng đều là vô lượng, thảy đều được bao hàm trong vô lượng thọ. Đối với tất cả hết thảy vô lượng, vô lượng thọ là bản thể. Lìa khỏi vô lượng thọ, hết thảy các thứ vô lượng khác đều chẳng có ý nghĩa gì nữa! Do vậy mới hiểu: Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, thọ lượng như Phật; do Phật là vô lượng thọ, mỗi người chúng ta đều là vô lượng thọ, vô lượng trang nghiêm nơi y báo và chánh báo trong Tây Phương Cực Lạc thế giới thảy đều thọ dụng. Chúng ta cần gì phải bỏ ra một khoảng thời gian và tinh thần để làm những chuyện chẳng liên can trong thế gian này? Chẳng có ý nghĩa chi hết! Không chỉ là pháp thế gian chẳng liên quan, mà ngay cả Phật pháp cũng chẳng có liên quan! Quý vị thật sự giác ngộ, chúng ta học một câu Nam-mô A Di Đà Phật, sáu chữ ấy là được rồi, những thứ khác đều chẳng cần tới. Tôi thường nói: Trong suốt một đời này, chỉ có một bộ kinh, một câu Phật hiệu, đó là người thượng thượng căn. Vẫn còn phải học Tịnh Độ Ngũ Kinh, niệm câu A Di Đà Phật, đó là hạng căn tánh bậc trung. Năm kinh vẫn chưa đủ, còn phải đọc ngữ lục của cổ đại đức Tịnh Độ như Tịnh Độ Thập Yếu, Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, đó là hạng hạ căn. Nếu còn muốn học những thứ khác nữa, đời này chẳng thể vãng sanh, vẫn chưa thể coi là hạng hạ căn được, vì hạ căn vẫn có thể vãng sanh. Chúng ta hãy suy nghĩ, có mấy ai là bậc thượng thượng căn? Điều này đáng cho chúng ta phản tỉnh, kiểm điểm sâu xa.
(Sao) Y chánh vô lượng giả.
(鈔)依正無量者。
(Sao: Y báo và chánh báo vô lượng).
Đây là giải thích câu “y báo, chánh báo, tất giai vô lượng” (y báo và chánh báo thảy đều vô lượng) trong lời Sớ. Chánh báo là nói tới thân thể. Trừ thân thể ra, thảy đều gọi là y báo. Trong y báo có hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất. Hết thảy mọi người đều thuộc về y báo của chính mình. Chúng ta phải nương vào đại chúng thì mới có thể sống sót trên thế gian này. Cũng giống như vậy, chúng ta phải nương vào đại chúng thì đạo nghiệp của chính mình mới có thể thành tựu. Nếu Thiện Tài đồng tử chẳng tham học năm mươi ba lần, năm mươi ba lần tham học là nương tựa đại chúng, Ngài sẽ chẳng thể thành tựu đạo nghiệp. Vì vậy, Ngài phải nương cậy đại chúng, trải qua sự việc trong hoàn cảnh để luyện cái tâm, trải nghiệm trong mỗi chuyện, luyện tâm gì vậy? Luyện không khởi tâm động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước, luyện những điều này.
Trong cảnh giới, chuyển tâm ý thức, tức là chuyển tám thức thành bốn trí. Chuyển tám thức thành bốn trí là chuyển nơi cảnh giới, chẳng phải là lìa khỏi cảnh giới, đóng chặt cửa để chuyển! [Đóng chặt cửa, xa lìa cảnh giới] sẽ vô dụng, chẳng thể chuyển được! Chẳng phân biệt, chuyển thức thứ sáu tức ý thức thành Diệu Quán Sát Trí. Chẳng chấp trước, chuyển Mạt Na thức thành Bình Đẳng Tánh Trí. Không giữ lại ấn tượng, chuyển A Lại Da Thức thành Đại Viên Kính Trí. Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, chuyển năm thức trước thành Thành Sở Tác Trí, chuyển trong cảnh giới! Do đó, trong hết thảy cảnh giới, người ấy chẳng khởi phiền não, chỉ tăng trưởng trí huệ. Khi gặp Ngũ Tổ, Huệ Năng đại sư đã thưa: “Trong tâm đệ tử thường sanh trí huệ”. Chúng ta thấy vậy rất hâm mộ, chúng ta và Ngài hoàn toàn tương phản, chúng ta thường sanh phiền não, còn Ngài thường sanh trí huệ. Vì sao Ngài sanh trí huệ? Trong cảnh duyên, Ngài có thể chuyển thức thành trí, trí huệ là Tứ Trí Bồ Đề. Người bình phàm tu hành dụng công, chẳng biết tu như thế nào, chẳng biết phải dụng công như thế nào? Đó là tu mù luyện đui! Chẳng biết phải tu như thế nào ư? Chẳng biết phải thực hiện từ chỗ nào ư? Nào có biết là dụng công ngay trong mặc áo, ăn cơm, trong đãi người, tiếp vật, dụng công ở ngay trong những chỗ ấy, sẽ bất tri bất giác thành Phật ngay trong các chỗ ấy, nghiệp chướng tiêu trừ, Phật đạo thành tựu viên mãn. Chúng ta xem phần nói về y báo và chánh báo vô lượng:
(Sao) Tự Phật nhất thân sở hữu công đức, cập như hạ văn Thanh Văn, Bồ Tát, nãi chí tiền chi lan võng hàng thụ đẳng, chủng chủng trang nghiêm, tất vô lượng cố.
(鈔)自佛一身所有功德,及如下文聲聞菩薩,乃至前之欄網行樹等,種種莊嚴,悉無量故。
(Sao: Từ tất cả các công đức nơi thân một đức Phật cho đến các vị Thanh Văn, Bồ Tát như sẽ nói trong phần sau, cho đến lan can, lưới mành, hàng cây v.v… trong phần trước, các thứ trang nghiêm thảy đều vô lượng).
“Vô lượng” không chỉ là nói về Sự, vì Thể, Tướng, Đức Dụng là một chỉnh thể. Tâm tánh vô lượng, nên Thanh Văn, Bồ Tát, cho đến mười phương chư Phật Như Lai, kể cả Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật đều là do tự tánh biến hiện. Do đó nói “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”, “ngoài tâm chẳng có pháp, ngoài pháp chẳng có tâm” đều do tự tánh biến hiện. Do tự tánh vô lượng, nên chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn cũng vô lượng, cho đến mười phương thế giới vô lượng, hết thảy thế giới, chúng sanh cũng là vô lượng, toàn là do tâm tánh biến hiện. Chánh báo là như thế, mà y báo cũng chẳng ra ngoài lệ ấy, trong phần trước đã nói lan can, lưới mành, hàng cây, ao báu, nước tám công đức, mỗi mỗi đều là vô lượng. “Chủng chủng trang nghiêm” (Các thứ trang nghiêm), “chủng chủng” là bao gồm toàn bộ, đây là hai chữ tỉnh lược, [mang ý nghĩa] nói chẳng trọn hết, thảy đều vô lượng! Các thứ vô lượng vô biên trang nghiêm, chư vị phải ghi nhớ: Nếu chẳng có vô lượng thọ, toàn bộ [các thứ vô lượng khác] đều rỗng tuếch, chẳng có tí ti ý nghĩa nào cả! Có thể thấy tầm trọng yếu của vô lượng thọ! Trong tựa đề kinh, đối với hết thảy các thứ vô lượng, đức Phật chỉ nêu ra một mình vô lượng thọ, đạo lý ở ngay chỗ này! Trong tất cả hết thảy vô lượng, vô lượng thọ là bậc nhất.
Trong đoạn cuối cùng [của phần này] sẽ được nêu ra dưới đây, Liên Trì đại sư đã hội quy tự tánh để nói, đây cũng là tâm đắc trong khi đọc kinh của Ngài, [tức là] những gì Ngài đã lãnh hội từ đoạn kinh văn này. Trong Phật pháp thường nói tới chuyện “hội quy tự tánh”; đoạn kinh văn này được hội quy tự tánh như thế nào, đấy mới là thật sự đạt được thọ dụng.
(Sớ) Xứng Lý.
(疏)稱理。
(Sớ: Xứng Lý).
Nói theo Chân Như bản tánh, Lý là bản tánh, hội quy tự tánh.
(Sớ) Tắc tự tánh thường chiếu, thị quang minh nghĩa.
(疏)則自性常照,是光明義。
(Sớ: Tự tánh thường chiếu là ý nghĩa của quang minh).
Tự tánh vốn có đức năng là Chiếu. Nơi phàm phu, đức năng Chiếu này cũng hoàn toàn chẳng mất đi. Chiếu là gì? Chiếu là giác. Mắt chúng ta có thể thấy, tai có thể nghe, mũi có thể ngửi, lưỡi có thể nếm, thân có thể cảm nhận, đều là tự tánh giác. Điều này nơi phàm chẳng giảm, nơi thánh chẳng tăng, bản năng trong tự tánh vĩnh viễn chẳng thể mất. Khi mê, công năng giác chiếu bị trở ngại đôi chút, phạm vi nhỏ hơn một chút. Sau khi ngộ, chướng ngại chẳng có, công năng của giác chiếu vô lượng vô biên. Điều gì chướng ngại công năng? Tâm dao động, tức là vọng tâm, tâm bị động. Tâm động với mức độ càng lớn, chướng ngại càng to. Mức độ dao động càng nhỏ, chướng ngại càng nhỏ. Nói thật ra, mười pháp giới là do tâm dao động với các mức độ sai biệt mà hình thành. Phật hoàn toàn bất động, Bồ Tát còn bị động khe khẽ. Duyên Giác động nhiều hơn Bồ Tát, Thanh Văn càng nhiều hơn nữa. Càng đi xuống, mức độ dao động càng lớn. Địa ngục nói đơn giản là gió to, sóng lớn! Sai biệt như
thế đó, mười pháp giới sai biệt.
Tâm vọng tưởng, chấp trước thì mức độ dao động càng lớn, chướng ngại càng lớn, nên bản năng (năng lực sẵn có) của quý vị bị chướng ngại. Tuy có chướng ngại, nó vẫn khởi tác dụng, chẳng phải là không có tác dụng. Ví như hôm trời âm u, mây dày che khuất mặt trời, đó là chướng ngại. Tuy bị che khuất, nó vẫn có ánh sáng, chẳng qua ánh sáng yếu ớt, chẳng rạng rỡ như khi trời quang đãng. Quang minh hôm trời âm u vẫn là ánh nắng mặt trời. Nay chúng ta tuy thuộc địa vị phàm phu, sóng gió vọng tưởng, chấp trước trong tâm rất lớn, vẫn là còn có tri giác, mắt vẫn có thể thấy, tai vẫn có thể nghe, bản năng vẫn khởi tác dụng. Kinh Lăng Nghiêm gọi chuyện này là “căn tánh của sáu căn”. Phật, Tổ thường nói: “Lục căn môn đầu phóng quang động địa” (Từ nơi lục căn phóng quang minh chấn động cõi đất), đó chính là con người vốn có của ta, là diện mục sẵn có của ta, chỉ cần đừng thêm cái tâm ý thức vào đó là được rồi. Hiện thời chúng ta mê điều gì? Tròng thêm cái tâm ý thức [vào bản tâm sẵn có]. Tâm ý thức: Thức là phân biệt, ý là chấp trước, tâm là ghi giữ ấn tượng, chúng ta phạm lỗi ở chỗ này. Nếu thật sự chẳng phân biệt, không chấp trước, chẳng giữ lại ấn tượng, sẽ chuyển tâm ý thức thành Tứ Trí Bồ Đề, chuyển ở ngay chỗ này!
Cổ đức dạy chúng ta: “Nghe giáo phải hội quy tự tánh”, đó là thọ dụng chân thật, chớ nên ghi nhớ ngôn ngữ văn tự, hãy thấu hiểu ý nghĩa, hội quy tự tánh nhằm giúp quý vị giác ngộ. “Tu hành phải chuyển thức thành trí”. Tôi nói đơn giản cùng quý vị, chuyển thức thành trí là trong hết thảy cảnh giới, ta học chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, không ghi giữ ấn tượng. Nói cách khác, trong hết thảy thời, hết thảy chỗ đều giữ gìn cái tâm thanh tịnh của chính mình, đó là tu hành. Bất luận quý vị dùng phương pháp gì, tám vạn bốn ngàn pháp môn, mục đích là một: Làm thế nào để khôi phục tự tánh thanh tịnh tâm? “Tự tánh thường chiếu”: Chiếu là giác, thường giác chính là ý nghĩa của quang minh. Đó là trí huệ quang minh chân chánh.
(Sớ) Tự tánh thường tịch, thị thọ mạng nghĩa.
(疏)自性常寂,是壽命義。
(Sớ: Tự tánh thường tịch là ý nghĩa của thọ mạng).
“Tịch” (寂) là vắng lặng, bất động. Lục Tổ nói: “Nào ngờ tự tánh, vốn chẳng dao động”, tự tánh là bất động. Nay chúng ta nói khởi tâm động niệm, vọng tâm là động, chân tâm bất động. Chân tâm là vốn có, vọng tâm vốn không. Vốn không thì đương nhiên có thể rời lìa, vốn có thì đương nhiên có thể chứng đắc. Bất động là ý nghĩa của thọ mạng, bất động là thường hằng vĩnh cửu, chẳng có xưa, nay, đến, đi; đó là trường thọ thật sự, thật sự sống đời đời, bất sanh, bất diệt.
(Sớ) Tự tánh tịch chiếu bất nhị, thị A Di Đà nghĩa.
(疏)自性寂照不二,是阿彌陀義。
(Sớ: Tự tánh tịch và chiếu chẳng hai, đó là ý nghĩa của A Di Đà).
Vì sao niệm một câu A Di Đà Phật chẳng phải là vọng niệm? Từ chỗ này đã chứng minh. Niệm điều gì khác đều là vọng tưởng, đều là vọng niệm, chỉ có riêng niệm A Di Đà Phật chẳng phải là vọng niệm, vì sao? A Di Đà Phật là “tự tánh tịch chiếu bất nhị”. Vì sao niệm câu A Di Đà Phật bèn thấy tự tánh tịch chiếu bất nhị? Trong phần Sao tiếp theo sẽ giảng tỉ mỉ, nhưng hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng tôi chỉ có thể giảng tới chỗ này. Trong buổi sau, chúng ta sẽ lại thảo luận “tự tánh tịch chiếu bất nhị” là ý nghĩa của A Di Đà Phật.