#CHƯA-UPDATE
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang
Mã AMTB: 01-003-0001 đến 01-003-0289
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 289 TẬP
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – TẬP 64/289
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang tám mươi lăm:
(Huyền Nghĩa) Thất, hộ trì đa chướng hành nhân bất tao đọa lạc giả.
(玄義) 七、護持多障行人不遭墮落者。
(Huyền Nghĩa: Bảy là vì hộ trì hành nhân nhiều chướng ngại khiến cho người ấy chẳng bị đọa lạc).
Đây là nhân duyên thứ bảy khiến Liên Trì đại sư chú giải bộ kinh này. Vì sao phải chú giải bộ kinh này? Vì sao phải giảng bộ kinh này? Nói cách khác, vì sao phải tu học pháp môn Di Đà? Điều thứ bảy là nói “hộ trì đa chướng hành nhân”, “hành nhân” là người tu hành. Chúng ta thấy đề mục này liền lập tức suy nghĩ: Hiện thời, chúng ta thật sự có quá nhiều chướng ngại. Lắm chướng ngại, dễ bị đọa lạc, tu hành chẳng dễ gì thành tựu. Chướng ngại càng ít càng hay, dễ thành tựu; pháp môn này có ích rất lớn đối với người nhiều chướng ngại.
(Huyền Nghĩa) Mạt thế tu hành, đa chư chướng nạn, nhất khuy chánh kiến, tức hãm quần tà.
(玄義) 末世修行,多諸障難,一虧正見,即陷群邪。
(Huyền Nghĩa: Tu hành trong đời Mạt có nhiều chướng nạn, hễ thiếu chánh kiến bèn bị vây hãm trong các thứ tà kiến).
Hiện tượng này đặc biệt rõ ràng trong hiện thời, có thể nói phát tâm tu hành đều là thiện hạnh, đều là hảo tâm, nhưng chính mình thường đọa trong tà đạo, mà chính mình trọn chẳng hay biết. Nếu biết chính mình đi vào đường tà, đương nhiên kẻ ấy cũng quay lại. “Nhất khuy chánh kiến”: Chánh kiến vừa thiếu hụt đôi chút bèn biến thành tà tri tà kiến. Hiện thời, thiếu sót chánh kiến quá nhiều, đương nhiên do rất nhiều nhân tố: Thứ nhất là ít người thật sự hoằng dương chánh pháp, đó là ngoại duyên. Ngoại duyên quá ít! Những thứ chúng ta tiếp xúc, gặp gỡ, đúng như kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Thời kỳ Mạt Pháp, tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”. Tà sư quá nhiều, đó là ngoại duyên không tốt. Trừ ngoại duyên ra, bản thân chúng ta cũng chẳng tốt lành gì! Ưa chuộng kỳ quái, ham lạ chuộng quái! Theo đúng quy củ giảng kinh cho quý vị, [quý vị bèn chê] không có gì hiếm hoi, lạ lùng! Biến [việc giảng kinh] thành trò ảo thuật, hiển lộ một chút thần thông, [nâng thân] rời khỏi mặt đất ba thước, tuyệt diệu quá! Chính mình ưa thích thần thông, ham kỳ chuộng lạ! Do vậy, yêu ma quỷ quái liền biến hiện các thứ thần thông để dụ dỗ, mê hoặc quý vị. Nội duyên lẫn ngoại duyên đều bất hảo, nội duyên là không có chánh tri chánh kiến. Quý vị nhất định phải hiểu rõ: Phật pháp là sự giáo dục của đức Phật. Đã là giáo dục, nhất định phải theo quy củ dạy học, chẳng thể hằng ngày biến hiện trò ảo thuật, diễn trò xiếc cho chúng ta xem, không có kiểu cách ấy! Đúng quy củ lên lớp dạy học! Yêu ma quỷ quái mới làm ảo thuật, dùng trò xiếc để dụ dỗ, mê hoặc quý vị, chẳng lên lớp nghiêm túc. Chúng ta phải hiểu rõ điều này. Sau khi hiểu rõ, chánh kiến của chúng ta mới được dấy lên. Tri kiến của chính mình đã chánh đáng thì bất luận lũ yêu ma quỷ quái bên ngoài biến hóa những trò ảo thuật gì, quý vị chẳng bị chúng nó dụ dỗ, mê hoặc!
Ở Los Angeles, tôi đã từng gặp không ít các đồng tu học Phật rất kiền thành, từng có một vị Thượng Sư Mật Tông đến đó mở đỉnh đầu (khai đảnh) cho họ, cắm cọng cỏ vào đó[1]. Những đồng tu học Phật như ong vỡ tổ kéo đến, đến cắm cọng cỏ [vào đỉnh đầu] vẫn phải nộp lệ phí, thâu mỗi người hai mươi Mỹ kim. Đã thế, vị Thượng Sư bảo họ: “Đỉnh đầu đã mở, tương lai chắc chắn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới”. Tôi đến Los Angeles, các đồng tu đem chuyện này kể với tôi, tôi nói: “Nếu có pháp môn ấy trong thời Thích Ca Mâu Ni Phật, mà đức Phật chẳng truyền lại, Phật chẳng từ bi! Cớ sao chúng ta phải khổ sở niệm Phật nhiều năm như thế, cắm cọng cỏ vào đỉnh đầu là sang Tây Phương được rồi, đơn giản ngần đó! Pháp này chưa hề được truyền rộng khắp trong thiên hạ, đức Phật chẳng từ bi! Cắm cọng cỏ [vào một huyệt trên đỉnh đầu] bèn có thể vãng sanh, tôi chẳng tin tưởng!”
Sau đó, tôi đến Nữu Ước, ở Nữu Ước có một vị pháp sư tuổi còn rất trẻ, lại còn có một tỳ-kheo-ni rất trẻ, đại khái chưa đến ba mươi tuổi, chúng tôi nhắc đến chuyện ở Los Angeles, bọn họ nói: “Chuyện này rất đơn giản, chúng tôi đều có thể cắm”. Tôi hỏi: “Chuyện này là như thế nào?” Bọn họ đã học châm cứu, họ nói: “Trên thân người có các huyệt đạo. Huyệt đạo trên đỉnh đầu lớn nhất, chỉ cần tìm đúng huyệt đạo thì sẽ có thể cắm được, cũng chẳng cần phải tác pháp[2], cũng chẳng cần phải niệm chú”. Tôi nói: “Công phu của các vị còn cao hơn công phu của vị Thượng Sư đó!” Đủ thấy tánh con người ưa chuộng kỳ quái, tà sư bên ngoài dùng cách mầu mè để lừa gạt. Hắn cắm cọng cỏ kiếm được không ít tiền mang về; quý vị chẳng thể vãng sanh, hắn đâu có chịu trách nhiệm! Do vậy, hễ thiếu tri kiến bèn bị lừa, bị người khác gạt gẫm. Tôi thấy quá nhiều người bị gạt, bị lừa. Quý vị giảng chánh pháp, bảo họ bỏ ra một ít tiền để làm công đức họ chẳng làm, tiếc tiền! Lừa gạt họ, họ ngoan ngoãn mắc lừa, hết sức ngu si! Tri kiến chẳng chánh, “hãm nhập quần tà” (bị vây hãm trong các thứ tà kiến). “Quần tà” là như kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”, bị kẻ khác gạt gẫm!
(Huyền Nghĩa) Bỉ Phật nguyện lực oai thần gia bị hành nhân, đại quang minh trung, bất tao ma sự, năng vị hộ niệm, trực chí đạo tràng.
(玄義) 彼佛願力威神加被行人 , 大光明中 , 不遭魔
事,能為護念,直至道場。
(Huyền Nghĩa: Nguyện lực và oai thần của đức Phật ấy gia bị
hành nhân, trong đại quang minh chẳng gặp ma sự, được hộ niệm mãi cho đến khi ngồi đạo tràng).
Pháp môn này trước hết là kiến lập tín tâm thanh tịnh. Cổ đức từng nói: Nếu chính Thích Ca Mâu Ni Phật đích thân đến bảo quý vị: “Ta có một pháp môn còn dễ dàng, còn ổn thỏa, còn thích đáng, còn nhanh chóng [hơn pháp môn Tịnh Độ], ta sẽ truyền dạy cho ngươi”. Chúng ta cũng phải nên có thái độ kiên định chẳng thay đổi đối với Thích Ca Mâu Ni Phật, thưa: “Bạch Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Con đã tiếp nhận pháp môn niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ này. Dẫu Phật có pháp môn nào khác con cũng chẳng học, con chỉ học pháp môn này là đủ rồi!” Như vậy thì mới có thể thành công, tín tâm của quý vị mới thật sự kiên cố, trong ba món tư lương Tín – Nguyện – Hạnh quý vị mới có Tín. Nếu đức Phật nói có một pháp môn nào khác: “Hay quá! Con lại học theo Ngài”, đủ thấy là về căn bản, quý vị chẳng có tín tâm!
Tín là điều thứ nhất, không có Tín đương nhiên sẽ chẳng có Nguyện, mà Hạnh cũng khỏi cần bàn tới nữa! Vãng sanh Tịnh Độ là do ba điều kiện này, thiếu một điều cũng không được. Vì thế, điều thứ nhất là phải kiến lập tín tâm. Tín tâm thanh tịnh là do oai thần của A Di Đà Phật gia trì. Tín tâm của chúng ta chẳng thanh tịnh, thần lực của Phật có muốn gia trì cũng chẳng được! Chính quý vị có chướng ngại. Quý vị có lắm chướng ngại mà! Tín tâm thanh tịnh, chướng ngại bèn bị trừ khử, có thể được gia trì bởi thần lực của Phật. Chúng ta thường nói là “A Di Đà Phật bảo hựu, Quán Thế Âm Bồ Tát bảo hựu quý vị”, yêu ma quỷ quái chẳng thể đến tìm quý vị, mà tìm người khác. Đây là sự thật ngàn vạn phần xác đáng!
Vì thế, Phật, Bồ Tát thật sự hộ niệm, đặc biệt là trong phần Lưu Thông của bộ kinh này, tức phần nói về chư Phật trong sáu phương có nói “nhất thiết chư Phật sở hộ niệm kinh”, tức là bộ kinh này được mười phương ba đời hết thảy chư Phật hộ niệm. Chúng ta chiếu theo bộ kinh này mà tu hành, đương nhiên cũng là người được mười phương ba đời hết thảy chư Phật hộ niệm, hộ niệm đến khi nào? “Trực chí đạo tràng” (mãi cho đến khi ngồi nơi đạo tràng), đạo tràng ấy chính là đạo tràng Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhất định bảo hựu quý vị vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.
(Huyền Nghĩa) Cố tri trạch đồ tỵ quái, bảo kính độn yêu.
(玄義) 故知澤圖辟怪,寶鏡遁妖。
(Huyền Nghĩa: Cho nên biết quỷ quái tránh né hình vẽ con Bạch Trạch, yêu tinh trốn lánh gương báu).
Ở đây nêu lên hai công án.
(Huyền Nghĩa) Chánh niệm phân minh, vô năng nhiễu giả.
(玄義) 正念分明,無能嬈者。
(Huyền Nghĩa: Chánh niệm phân minh, chẳng thể nhiễu loạn).
“Nhiễu” (嬈) là nhiễu loạn. Đối với người niệm Phật, quan trọng nhất là “chánh niệm phân minh”. Chánh niệm là gì? Trong phần sau của kinh này sẽ nói đến Sự Trì và Lý Trì. Các đồng tu sau khi nghe pháp môn này, thật sự tin tưởng, thật sự phát nguyện, giống như Ấn Quang đại sư đã nói: “Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn” (Biển khổ không ngằn mé, quay đầu là bờ). “Lạc bang hữu lộ” (cõi Cực Lạc có nẻo), “Lạc bang” là Tây Phương Tịnh Độ, “năng nguyện tức sanh” (phát nguyện bèn vãng sanh), quý vị phát nguyện bèn vãng sanh, đúng là “vạn người tu, vạn người đến”. Quý vị thật sự tin tưởng, thật sự phát nguyện, từ hôm nay trở đi, trong tâm giữ kỹ một câu Phật hiệu chẳng gián đoạn, thời thời khắc khắc khởi lên. Câu Phật hiệu ấy từng chữ phân minh, câu trước câu sau liên tục chẳng gián đoạn, suốt ngày từ sáng đến tối là một niệm này, A Di Đà Phật, không có niệm thứ hai. Đó gọi là “chánh niệm phân minh”. Nếu trong khi niệm Phật mà vẫn còn nghĩ đến chuyện khác, vẫn khởi vọng tưởng, tuy là chánh niệm, nhưng trong chánh niệm xen tạp vọng niệm thì chánh niệm cũng chẳng phân minh. Đủ thấy đạt được chánh niệm phân minh là công phu thật sự!
Chánh niệm phân minh, ý nghĩ tà vạy chẳng xen vào được, đấy là “đại quang minh trung, trực chí đạo tràng” (ở trong đại quang minh mãi cho tới khi ngồi đạo tràng). Không có bất cứ kẻ nào mà hòng nhiễu loạn quý vị được! Niệm như vậy, chúng ta thấy trong Vãng Sanh Truyện từ xưa đến nay, bao nhiêu người có thể niệm trong vòng ba năm bèn thành công, biết trước lúc mất, khi mất, có tướng lành vô cùng tốt đẹp, bảo người nhà, quyến thuộc: Lúc nào ta sẽ ra đi. Đến khi ấy thật sự ra đi, đó là tướng lành đẹp đẽ nhất. Tôi lại nói với quý vị, chết rồi thiêu được rất nhiều xá-lợi, tuy là tướng lành, nhưng chẳng phải là tướng lành tốt nhất. Xá-lợi giả rất nhiều! Chúng ta đừng bị lừa gạt bởi những thứ ấy! Ở Hương Cảng, tôi đã gặp người đem thiêu có xá-lợi, đem xá-lợi đến, quẹt một que diêm đốt thử, “xá-lợi” cháy mất tiêu, chẳng còn nữa! Dùng búa gõ nhẹ một cái, xá-lợi vỡ nát. Thứ đó chẳng thật! Sức mạnh của ma rất lớn, biến hiện những thứ đó để gạt người. Vì thế, quý vị thấy những thứ phóng quang, hiện ra này nọ, chẳng đáng coi là lạ! Chỉ có trước lúc lâm chung, bảo với người nhà, quyến thuộc, bạn bè, ngày hôm nào tôi ra đi, đến khi ấy thật sự ra đi, cũng chẳng đổ bệnh. Đó là tướng lành thật sự!
Ở Hương Cảng có một vị lão cư sĩ tám mươi mấy tuổi, cụ thường đọc Đại Tạng Kinh, cụ đã vãng sanh rồi. Cụ mượn Đại Tạng Kinh từ Trung Hoa Phật Giáo Đồ Thư Quán về nhà xem, lần mượn kinh cuối cùng, cụ nói với pháp sư Sướng Hoài sau một tháng nữa, định rõ ngày giờ, [pháp sư hãy] sai người đến nhà cụ lấy Đại Tạng Kinh về, cụ nói cụ sắp đi rồi! Pháp sư Sướng Hoài nghe nói ngạc nhiên, chẳng lẽ cụ sắp vãng sanh? Nhìn chẳng giống, rất hoài nghi, hay là cụ dọn nhà? Rốt cuộc là chuyện như thế nào? Thời gian đúng là còn một tháng nữa, đến khi ấy sẽ sai người đến xem thử. Đến đúng ngày lão nhân gia đã ước định, Đồ Thư Quán sai người đến nhà cụ lấy Đại Tạng Kinh, khi đến nơi, cụ đang ngồi xem kinh, thấy người từ Đồ Thư Quán đến, bảo: “Anh đến làm gì?” “Chẳng phải là cụ bảo cháu hôm nay đến lấy Đại Tạng Kinh đó sao?” “Đúng! Phải rồi! Nhưng tôi không bảo anh đến lúc này”. Người trẻ tuổi ấy đương nhiên chẳng tranh cãi với cụ già: “Thôi! Hai hôm nữa cháu lại đến”. Lúc trở lại, người nhà nói: “Lão cư sĩ đã vãng sanh rồi!” Anh ta hỏi: “Vãng sanh khi nào?” “Sau khi anh đi khỏi hai tiếng”. “Vãng sanh như thế nào?” “Vãng sanh trong khi xem kinh. Đang xem kinh thì cụ vãng sanh”. Pháp sư Sướng Hoài nghe chuyện này, nhanh nhảu quay đầu niệm A Di Đà Phật, Sư nói chuyện này là thật đấy, chẳng giả đâu. Một tháng trước đó, cụ đã nói với người trong Đồ Thư Quán, cụ cũng chẳng ngã bệnh, hết thảy đều rất bình thường, đấy là tướng lành thật sự.
Trong cuốn Niệm Phật Luận, pháp sư Đàm Hư giảng khai thị, Ngài có nêu ra một người là pháp sư Tu Vô. Vị pháp sư này cũng chưa từng đi học, chẳng có kiến thức gì, tuy đã xuất gia rất lâu, nhưng giáo lý cũng chẳng thông, mọi người cũng coi thường Sư, Sư cũng niệm một câu A Di Đà Phật. Pháp sư Đàm Hư lập chùa Cực Lạc tại Trường Xuân, pháp sư Định Tây làm Đương Gia chùa ấy, Ngài (pháp sư Đàm Hư) làm Trụ Trì. Đạo tràng ấy dựng xong, bèn [tổ chức] truyền giới một lần, thỉnh lão pháp sư Đế Nhàn làm Đắc Giới Hòa Thượng[3]. Sư Tu Vô đến chùa ấy kiếm lão pháp sư Đàm Hư, lão pháp sư Đàm Hư bảo pháp sư Định Tây tiếp đãi Sư, hỏi: “Thầy đến làm gì?” Sư thưa: “Con nghe nói ở đây truyền giới, con muốn giúp đỡ”. “Thầy có thể làm việc gì?” Sư thưa: “Con phát tâm chăm sóc bệnh nhân”. [Thời gian cử hành pháp hội] truyền giới ở Đại Lục là năm mươi ba ngày, người bị trúng gió cảm mạo chẳng ít, Sư phát tâm tới chăm sóc người bệnh. Pháp sư Định Tây nói: “Tốt lắm! Tôi cũng hết sức hoan nghênh”, giữ Sư lại, mời Sư chăm sóc người bệnh. Lễ truyền giới còn chưa bắt đầu, Sư lại đến tìm lão hòa thượng, thưa: “Bạch lão hòa thượng! Con phải ra đi!” Pháp sư Định Tây rất bực bội, quở: “Ông là người xuất gia mà chẳng có cái tâm dài lâu! Ông phát tâm đến đây giúp đỡ, ông muốn đi thì cũng phải đợi kỳ hạn truyền giới xong mới đi được!” Sư thưa lão pháp sư: “Chẳng phải là con sang nơi khác, mà là về Tây Phương Cực Lạc thế giới”. Hai vị pháp sư nghe xong, sững sờ: “Ông về Tây Phương Cực Lạc thế giới? Khi nào sẽ đi?” Sư thưa: “Trong vòng mười hôm nữa!” “Đây là đại sự, chúng ta phải phái người trợ niệm cho ông ta, giúp ông ta chuẩn bị. Trong vòng mười ngày sẽ có đủ thời gian để lo liệu”. Hôm sau, Sư lại tới kiếm lão hòa thượng, thưa: “Không được rồi! Ngày mai con sẽ ra đi”. Pháp sư Định Tây vội vàng kê giường cho Sư tại một gian nhà ở phía sau chùa, tìm mấy người chăm sóc Sư. Đến ngày hôm sau, Sư ngồi xếp bằng trên giường, có mấy người trợ niệm giúp Sư. Niệm chưa đầy mười lăm phút, Sư viên tịch. Pháp sư Đế Nhàn hết sức tán thán Sư: “Vị này chẳng hiểu kinh giáo, chẳng có thân phận, địa vị, mọi người đều coi thường Sư. Thành tựu này của Sư, nói thật thà thì các đại pháp sư giảng kinh thuyết pháp, hàng Phương Trượng của các ngôi chùa báu tại các danh sơn đều chẳng bằng Ngài”. Ngài về Tây Phương làm Phật, đấy mới là tướng lành chân chánh.
Lão nhân gia nêu lên ba người, một người là xuất gia, một người là nam cư sĩ tại gia, một người là nữ cư sĩ tại gia, đều ra đi tự tại ngần ấy. Ngài nêu lên vị nam cư sĩ có học vấn một chút, bình thường cũng giảng kinh thuyết pháp ở bên ngoài. Vị nữ cư sĩ làm nội trợ trong gia đình, chuyện gì cũng không biết, cũng là niệm một câu A Di Đà Phật, cuộc sống trong nhà hết sức khốn khổ, chồng làm thuê, ngày nào không làm việc, ngày đó chẳng có cơm ăn. Bà ta niệm Phật thành công, đó mới là tướng lành thật sự.
Chúng ta niệm Phật cầu điều gì? Cầu ra đi giống như thế! Những trường hợp như thế rất nhiều! Đừng bị bệnh, phải vào nằm bệnh viện, khi ấy cũng chẳng đảm bảo sẽ kiếm được người trợ niệm! Phải nên đừng bị bệnh, hoan hỷ sung sướng ra đi, đấy mới là niệm Phật thật sự thành công!
(Sớ) Đa chư chướng nạn giả.
(疏) 多諸障難者。
(Sớ: “Lắm thứ chướng nạn” là…)
Đây là giải thích [đoạn Huyền Nghĩa] trong phần trước, đời Mạt Pháp tu hành có lắm thứ chướng nạn.
(Sớ) Hành nhân ư Thiền Quán trung, kích phát Ấm Ma.
(疏) 行人於禪觀中,擊發陰魔。
(Sớ: Trong Thiền Quán, hành nhân đã kích động Ấm Ma biến hiện).
“Kích” là kích động, “phát” là hiện ra. Kích động các loài ma, ma liền hiện ra. Quá nửa là nói về tu Thiền, Thiền và Mật đều rất dễ bị ma dựa. Ma trong Thiền có thể nói phần nhiều là Nội Ma, tức Ngũ Ấm Ma, giống như kinh Lăng Nghiêm đã nói năm mươi thứ Ấm Ma, quá nửa là biến hiện trong cảnh giới Thiền Định. Đối với Mật, phần nhiều là ma do chiêu vời từ bên ngoài. Vì sao? Quá nửa Mật chú là danh hiệu của quỷ thần. Trì Mật chú là giao tiếp với quỷ thần, nếu quý vị xử lý không khéo, họ đều biến thành chướng ngại! Thiên ma, yêu ma, quỷ quái đông lắm. Ma bên ngoài đông lắm! Tham Thiền thì ma cảnh bên trong nhiều lắm. Kinh Bát Đại Nhân Giác nói có bốn loại ma: Ngũ Ấm Ma, Phiền Não Ma, Tử Ma, và Thiên Ma. Mật có quan hệ mật thiết với Thiên Ma. Thiền Quán phần nhiều dính tới Ngũ Ấm Ma, còn phàm phu thì gặp Phiền Não Ma và Sanh Tử Ma.
(Sớ) Như Lăng Nghiêm khai ngũ thập chủng.
(疏) 如楞嚴開五十種。
(Sớ: Như kinh Lăng Nghiêm nêu ra năm mươi thứ Ma).
Đây là dẫn kinh Lăng Nghiêm để nói. Cảnh giới ma hiện tiền, thường là loài ma lớn, thật sự có thần thông to, nó hiện ra cảnh giới từa tựa cảnh giới của Phật. Về căn bản, chúng ta không có năng lực phân biệt rốt cuộc là Phật hay ma. Dẫu quý vị niệm kinh Lăng Nghiêm nhuyễn nhừ, khi cảnh giới ấy hiện tiền, chưa chắc đã có thể nhận biết rõ ràng, chúng ta phải đặc biệt chú ý điều này!
Thiền Quán: Thiền có thế gian Thiền, xuất thế gian Thiền, và xuất thế gian thượng thượng Thiền; Quán có Tích Không Quán, Thể Không Quán, Thứ Đệ Tam Quán và Nhất Tâm Tam Quán. Thông thường, người tham Thiền đắc Tứ Thiền Bát Định thì nhiều, đó là Thiền Định thế gian. Đắc loại Thiền Định này, họ sẽ sanh về đâu? Sanh lên Tứ Thiền Thiên. Tứ Thiền Thiên không ra khỏi tam giới! Dẫu sanh vào Đệ Tứ Thiền, công phu rất cao, cổ đức bảo chúng ta: Vẫn chẳng bằng Sơ Quả Tu Đà Hoàn của Tiểu Thừa. Vì sao? Tiểu Thừa Sơ Quả Tu Đà Hoàn chẳng đọa vào tam ác đạo, nhưng người trong Tứ Thiền Thiên và Tứ Không Thiên khi hết tuổi thọ, Định mất đi, thường đọa địa ngục.
Tiểu Thừa Tu Đà Hoàn có năng lực gì? Các Ngài đã đoạn sạch tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới; vì thế, chẳng đọa tam đồ, tri kiến chánh đáng, tri kiến chẳng tà. Người đắc Tứ Thiền Bát Định chỉ chế phục phiền não, chưa đoạn phiền não, một phẩm Kiến Tư phiền não cũng chẳng đoạn, chỉ là “phục trụ” (chế ngự, khuất phục phiền não), ở trong Định, do Định lực chế ngự phiền não, cho nên họ có thể sanh vào cảnh giới cao dường ấy, nhưng sau khi Định lực mất đi, Kiến Tư phiền não lập tức hiện tiền. Đó gọi là “trèo cao, ngã đau”, chúng ta phải hiểu rõ, phải giác ngộ.
Ma cảnh hiện tiền, kinh Lăng Nghiêm dạy chúng ta một phương pháp: Chính mình phải thật sự giữ vững chánh niệm phân minh, đừng sợ hãi, ma cảnh hiện tiền ta chẳng bị lay động. Kinh dạy chúng ta như thế này…
(Sớ) Giai vân bất tác thánh tâm, danh thiện cảnh giới, nhược tác thánh giải, tức thọ quần tà.
(疏)皆云不作聖心,名善境界,若作聖解,即受群邪。
(Sớ: Đều nói: “Tâm chẳng nghĩ [chính mình] đã đắc thánh cảnh thì gọi là cảnh giới tốt đẹp. Nếu nghĩ là mình đã chứng thánh quả, liền vướng vào các thứ tà kiến).
Hai câu này chúng ta phải nhớ kỹ trong lòng. Vì sao? Quý vị mới chẳng gặp nạn! Cảnh giới hiện tiền thì như thế nào? Như như bất động. Quý vị hãy nhớ hai câu kinh Kim Cang: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” (phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng). Khi cảnh giới hiện tiền, chẳng sanh lòng hoan hỷ, thấy mà như chẳng thấy, cảnh giới ấy sẽ là cảnh giới tốt đẹp. Vừa thấy liền động tâm, quý vị bị lừa rồi; ngay lập tức bị cảnh giới xoay chuyển! Trong quá trình chúng ta tu hành, dẫu thấy tướng hảo cũng đừng chấp trước, cũng chẳng cần phải nói với ai. Khi thật sự dụng công, sẽ có cảm ứng, có [trường hợp là] cảm ứng thật sự, mà cũng có trường hợp ma đến thử thách, tức là ma đến nhiễu loạn. Ma biến hiện thành một vị Phật ở trước mặt quý vị, quý vị thấy Phật, tâm bị ma lôi đi. Quý vị tu tập thì phải tu nhất tâm bất loạn, hễ ma hiện tiền, tâm hoan hỷ thì tâm bị loạn mất rồi, ma đến phá hoại nhất tâm, đoạn mất công phu của quý vị. Nếu quý vị thấy cảnh giới ấy, thấy mà như chẳng thấy, trong lòng bất động, vĩnh viễn bảo vệ được mình, đó là chánh niệm phân minh, chắc chắn chẳng có ý niệm ham chuộng quái lạ nào!
Vừa nghe nói cắm cọng cỏ [xuyên qua đỉnh đầu đảm bảo sanh về Cực Lạc], liền vội ùa đến, hạng người niệm Phật ấy làm sao niệm thành công cho được? Chẳng thể nào có chuyện ấy! Ở nơi kia nói pháp sư giảng kinh phóng quang tại đó, họ bèn vội hùa nhau kéo đến, ở nơi đây nói [pháp sư thuyết pháp] lìa khỏi [mặt đất] ba thước, họ lại chạy đến. Tâm luôn bị cảnh giới xoay chuyển, đến năm nào mới có thể đắc nhất tâm bất loạn? Đây là chuyện chẳng thể nào có được! Thật sự có công phu, niệm đến mức nhất tâm bất loạn, nhất định chẳng bị xoay chuyển bởi bất cứ cảnh giới nào, chỉ có khi sắp mất mới nói ra, cáo từ mọi người: “Hôm ấy tôi sẽ ra đi”. Chẳng phải là trong tình cảnh đó thì bất cứ cảnh giới nào cũng chẳng nói ra! Sơ Tổ Tịnh Độ Tông là Huệ Viễn đại sư khi còn tại thế đã ba lần thấy Tây Phương Cực Lạc thế giới, trước nay chưa hề kể với ai, đến lúc sắp vãng sanh mới tuyên bố với mọi người thấy Tây Phương Tam Thánh, thanh tịnh hải hội đại chúng đến nghênh tiếp Ngài. Ngài bảo đại chúng: “Trong quá khứ, tôi đã từng thấy cảnh giới này ba lần. Lần này tôi sắp theo A Di Đà Phật ra đi”. Đó là cổ đức chánh niệm phân minh. Vì thế, hai câu kinh trên đây của kinh Lăng Nghiêm rất quan trọng, phải thường gìn giữ cái tâm thanh tịnh của chính mình.
(Sớ) Cố tri chánh kiến sảo khuy, tà ma toại xí.
(疏) 故知正見稍虧,邪魔遂熾。
(Sớ: Cho nên biết: Chánh kiến hơi thiếu, tà ma liền lừng lẫy).
Do người học Phật chánh kiến suy giảm, thiếu khuyết, nên yêu ma, quỷ quái bèn lừng lẫy trong thế gian.
(Sớ) Vô ích cánh tổn.
(疏) 無益更損。
(Sớ: Đã vô ích lại càng thêm tổn hại).
Đối với chúng ta trọn chẳng có mảy may lợi ích gì, chỉ tăng thêm tổn hại.
(Sớ) Cầu thăng phản trầm.
(疏) 求升反沈。
(Sớ: Cầu thăng lên, đâm ra bị chìm xuống).
Chúng ta vốn mong thành Phật mau một tí, kết quả bị đọa lạc. Con người hiện thời cái tâm mong thành tựu nhanh chóng quá tha thiết, lại còn ưa cầu may: Tốt nhất là khỏi phải chịu khổ sở gì hết, ngay cả một câu A Di Đà Phật cũng chẳng muốn niệm, mà cứ mong đến lúc ấy sẽ vãng sanh, trong thế gian đâu có chuyện tiện nghi dường ấy?
(Sớ) Diêu thử thiển căn bố đạo bất học.
(疏) 繇此淺根怖道不學。
(Sớ: Do lẽ này, kẻ căn cơ nông cạn sợ hãi chẳng học đạo).
Nói chung là sợ phải chịu khổ! Nói chung là chẳng nghiêm túc học đàng hoàng. Vì sao hiện thời Mật Tông thịnh hành dường ấy? Mọi người luôn ấp ủ tâm lý cầu may. Học các tông thuộc Hiển Giáo của Trung Quốc phải trì giới, ăn chay, chẳng thể sát sanh, học Mật Tông khoẻ ru! Mật Tông có thể ăn thịt, chẳng bó buộc quý vị ăn chay, cũng chẳng ràng buộc nghiêm ngặt, mọi người như ong vỡ tổ ùa theo. Đã thế, lại còn đề xướng những thuyết rất êm tai, “tức thân thành Phật” (thành Phật ngay trong cái thân này). Thành Phật như thế nào? Mỗi ngày ăn thịt cá no kềnh cũng thành Phật, đâu có lẽ ấy! Ở Los Angeles, tôi gặp cư sĩ Hạ Kinh Sơn, sau khi ông ta đến Mỹ bèn học Mật với các lạt-ma pháp vương Tây Tạng hay Nê Bạc Nhĩ (Nepal). Tôi giảng pháp môn Tịnh Độ ở Los Angeles, ông ta cũng đến nghe, nghe xong cũng hoan hỷ. Có người hỏi ông ta: “Nghe cảm thấy như thế nào?” “A! Tôi cũng phải niệm Phật”. Có người hỏi ông ta: “Ông còn học Mật hay chăng?” “Tạm thời vẫn chưa buông bỏ Mật! Để xem [Mật] có linh hay không?” Ông ta vẫn chưa buông xuống được. Năm nay, ở Los Angeles, tôi lại gặp ông ta, ông ta nêu ra một câu hỏi, vì gần đây có ba người vãng sanh là thầy Lý ở Đài Trung, pháp sư Quảng Khâm, và Sử cư sĩ ở Los Angeles, tướng lành vãng sanh đều rất tốt, chẳng bị bệnh khổ, hết sức an tường. Cho nên ông ta hỏi: “Vì sao các lạt-ma hay Hoạt Phật trong Mật Tông lúc chết đều đau khổ dường ấy? Đều bị bệnh ung thư, khổ chẳng thể kham, hình dáng cũng chẳng tốt đẹp!” Ông ta hỏi tôi: “Vì lẽ nào vậy? Dường như nhìn từ những điều này thì Mật Tông chẳng bằng niệm Phật!” Chúng tôi cũng chẳng thể mích lòng Mật Tông, ông ta hỏi như thế, tôi chỉ đành đáp: “Nói chung là những vị đại đức trong Mật Tông phước báo quá lớn, hưởng hết phước rồi, còn những vị trong Hiển Tông cả đời đều chẳng hưởng phước, suốt đời tu khổ hạnh”. Tôi chỉ có thể trả lời ông ta như vậy, ông ta nghe xong cũng cười xòa!
Phàm những ai tin vào tôn giáo đều thừa nhận có đời sau, trong đời này chết rất tốt đẹp, đời sau nhất định sống rất tốt đẹp. Đời này chết chẳng tốt lành, đại khái là đầu thai vào đời sau làm sao có thể tốt đẹp được! Con người vì sao đầu thai trong đường súc sanh, biến thành ngạ quỷ, hay đọa địa ngục? Ai muốn đi vào đó? Quý vị phải biết: Vào trong ba ác đạo đều là vì hồ đồ mà vào, người lúc chết tỉnh táo, sáng suốt, chắc chắn người ấy chẳng đọa trong ba đường ác. Phàm ai khi chết mê hoặc, điên đảo, bất tỉnh nhân sự, sẽ không thể đảm bảo, quá nửa là đọa trong ba ác đạo. Vì thế, con người nhất định phải tu phước. Người Trung Quốc nói tới Ngũ Phước, phước cuối cùng trong Ngũ Phước cũng là điều quan trọng nhất: Mong được chết tốt lành. Chết tốt lành là khi mất tỉnh táo, sáng suốt, khi chết chẳng mê hoặc, quả báo trong đời sau sẽ thù thắng, chẳng đọa trong ba ác đạo. Vì thế, những điều này đều là chuyện trước mắt, mà cũng là những chứng cứ sống động trước mắt, chúng ta phải tự biết nhìn ra. Nhìn nhiều, tâm quý vị sẽ minh bạch, trong hết thảy các pháp môn sẽ tự nhiên biết lấy hay bỏ như thế nào, biết phải nên tu pháp môn nào, phải nên tu theo cách nào. Người ta có thành tựu như thế đó, chúng ta cũng có thể làm được. Ai nấy đều có thể làm được!
(Sớ) Kim niệm Phật giả, dĩ Phật đại nguyện nhiếp thọ, đại lực
khuông trì, oai mạc cảm can, thần bất khả trắc, tuy hữu ma sự, hành tương tự tiêu.
(疏) 今念佛者 , 以佛大願攝受 ,大力匡持 ,威莫敢
干,神不可測,雖有魔事,行將自消。
(Sớ: Nay kẻ niệm Phật do được đại nguyện của Phật nhiếp thọ, được đại lực gìn giữ, oai thần chẳng ai dám quấy phá, chẳng thể suy lường được, tuy có ma sự nhưng rồi nó sẽ tự tiêu diệt).
Dẫu có những ma sự, người niệm Phật được oai đức và thần lực của Phật, Bồ Tát gia trì, hết thảy ma gặp phải quý vị đều lùi tránh, chẳng dám xâm phạm, chẳng dám nhiễu loạn quý vị. Tự mình đã chánh tâm, chánh niệm phân minh, bên ngoài có oai thần của Tam Bảo gia trì, cho nên người ấy chẳng gặp ma sự. Nếu quý vị thật sự dụng công, thật sự tu học đúng pháp, chỉ cần nửa năm sẽ có cảm giác, có thể nhận biết Tam Bảo thời thời khắc khắc bảo vệ, gìn giữ quý vị.
(Sớ) Hựu kinh vân: Niệm Phật chi nhân, hữu tứ thập lý quang minh chúc thân, ma bất năng phạm.
(疏)又經云:念佛之人,有四十里光明燭身,魔不能犯。
(Sớ: Lại nữa, kinh dạy: “Thân người niệm Phật có quang minh soi sáng bốn mươi dặm, ma chẳng thể xâm phạm”).
Trong kinh, đức Phật dạy: Người thật sự niệm Phật, đi, đứng, nằm, ngồi, trong mười hai thời, một câu Phật hiệu chẳng gián đoạn sẽ có sức mạnh lớn dường ấy. Vì thế, nay chúng ta nói: Phát tâm từ bi muốn cứu độ hết thảy chúng sanh thì cứu như thế nào? Chúng ta giảng kinh thuyết pháp có cứu được hay chăng? Thưa quý vị, chẳng cứu được! Người thật sự niệm Phật thì cứu được. Quang minh của người ấy chiếu xa bốn mươi dặm, trong vòng bốn mươi dặm ma chẳng thể xâm phạm. Chúng sanh ở trong bốn mươi dặm ấy cũng được hưởng lây; một người có phước, cả nhà người ấy đều có phước, mọi người đều được hưởng lây, thật đấy, chẳng giả đâu! Hòn đảo Đài Loan của chúng ta không lớn, có được dăm ba người tu hành chân chánh, hòn đảo này sẽ chẳng gặp kiếp nạn. Dăm ba người tìm ở đâu ra? Hy vọng người khác tu hành, ta được hưởng lây, mỗi người đều nghĩ như vậy thì kết quả chẳng có ai tu hành, chúng ta vẫn phải gặp nạn! Chính mình phải thật sự phát tâm. Thật
sự phát tâm thì nơi đây chẳng gặp tai nạn.
Phát tâm là niệm niệm vì chúng sanh, chẳng vì chính mình. Ta niệm một câu A Di Đà Phật này vì hết thảy chúng sanh mà niệm, ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là vì hết thảy chúng sanh mà vãng sanh. Vì sao phải vãng sanh? Vì chính mình hiện thời không có năng lực hóa độ chúng sanh. Năng lực lẫn học vấn đều chẳng đủ, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới cầu học để vun bồi cho chính mình được trọn đủ; sau khi học thành tài sẽ thả chiếc bè Từ trở lại hóa độ chúng sanh. Đủ thấy niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ là vì chúng sanh, chứ không vì chính mình. Vì chúng sanh, chúng ta phải sốt sắng niệm, vì chính mình thì giải đãi cũng không sao, chuyện cá nhân mà! Ta vì chúng sanh, ta không niệm, chúng sanh phải chịu khổ nạn thêm một ngày, ta sốt sắng niệm thì chúng sanh được hưởng phước báo sớm thêm một ngày. Đó là sức mạnh không gì lớn hơn, thúc đẩy chúng ta nghiêm túc niệm Phật, nghiêm túc cầu sanh Tịnh Độ. Nếu quý vị thật sự hiểu rõ đạo lý này, quý vị sẽ có thể buông xuống vạn duyên, dấy lên chánh niệm. Một câu A Di Đà Phật là chánh niệm, là chánh tri chánh kiến, là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ta không chỉ buông xuống hết thảy các pháp thế gian, mà Phật pháp cũng phải buông xuống. Hết thảy kinh luận, hết thảy pháp môn đều buông xuống! Vì sao phải buông xuống? Chẳng buông xuống, sẽ chẳng thể niệm tốt đẹp câu Phật hiệu! Chẳng buông xuống, câu Phật hiệu này sẽ xen tạp rất nhiều thứ táp nham!
Hôm qua, tôi gặp cư sĩ Châu Gia Lân, chúng tôi nói đến chuyện giảng kinh. Tôi bảo ông ta: Hiện thời tôi chẳng phải là giảng kinh, tôi cũng không biết giảng kinh, khuôn mẫu quy củ giảng kinh tôi đều bỏ sạch. Hiện thời trên bục giảng là giảng gì vậy? Cầm kinh sách để đối chiếu xem hành vi và tư tưởng của chính mình có tương ứng với Phật hay không; hễ tương ứng thì gìn giữ, chẳng tương ứng bèn sửa đổi ngay lập tức. Hằng ngày niệm kinh, hằng ngày giảng nơi đây, đều là tu hành. Vì thế, chẳng phải là giảng kinh, mà là đang tu hành. Ví như ở chỗ này, chúng ta đọc đến câu “chánh niệm phân minh”, chúng ta suy nghĩ: Chính mình có phải là chánh niệm phân minh hay không? Có phải là trong mười hai thời chỉ có một câu A Di Đà Phật hay chăng? Trừ A Di Đà Phật ra, có tạp niệm nào hay chăng? Tôi phải suy nghĩ chuyện này, nếu thật sự chẳng có tạp niệm, bản thân tôi biết ngay: Tôi thành tựu rất nhanh, tôi nắm chắc Tây Phương Tịnh Độ. Nếu còn có những tạp niệm táp nham xen lẫn trong ấy, tôi biết chúng là chướng nạn, là chướng ngại, đó là “gặp nạn”. Vì vậy, tôi bỏ sạch hết thảy các pháp.
Nay chúng ta chỉ đọc một bộ kinh này. Kinh Hoa Nghiêm nhằm dấy lên lòng tin, pháp môn này là pháp khó tin, người khác nghĩ pháp này dành để dạy cho mấy bà cụ già! Đối với kinh Hoa Nghiêm, mọi người ca ngợi khôn cùng. Vì thế, tôi dùng Hoa Nghiêm để khởi lên lòng tin. Quý vị chẳng rất bội phục kinh Hoa Nghiêm hay sao? Kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng dạy quý vị niệm A Di Đà Phật, quý vị còn nói gì được nữa! Tôi giảng kinh Hoa Nghiêm cũng chẳng phải là giảng kinh, mà là mở kinh ra để đối chiếu với điều tâm mình suy nghĩ, việc thân mình làm có giống như đức Phật đã dạy trong kinh Hoa Nghiêm hay chăng? Cầm lấy tấm gương ấy để sửa đổi cho đúng hành vi của chính mình. Giảng kinh phải đọc từng đoạn, giải thích văn tự, giải thích từng chữ, phải giải thích ý nghĩa. Đó là tuân theo quy củ, tôi đều không có [những bước ấy], vì thế, chẳng phải là giảng kinh!
Người thật sự tu hành thân tâm thanh tịnh, đại từ, đại bi, thân người ấy thật sự tỏa quang minh chiếu xa bốn mươi dặm. Thân này phóng quang, chúng ta là phàm phu mắt thịt chẳng thể thấy, nhưng yêu ma quỷ quái chẳng dám đến gần quý vị; bởi lẽ, quang minh ấy có thể nói là quang minh chánh đại, “ma bất năng phạm”, tà ma chẳng dám xâm phạm quý vị!
(Sớ) Dĩ A Di Đà Phật, cập thập phương Phật, thường hộ niệm cố.
(疏) 以阿彌陀佛,及十方佛,常護念故。
(Sớ: Do A Di Đà Phật và mười phương Phật thường hộ niệm).
Đây là một nhân tố bên ngoài. Bản thân quý vị nội tâm thanh tịnh, chánh niệm phân minh, tương ứng với Tây Phương Tịnh Độ. Do vậy, cảm được A Di Đà Phật hộ niệm và mười phương chư Phật hộ niệm quý vị, ma làm sao dám dính đến quý vị, dính chẳng được!
(Sớ) Tùng kim phát tâm, trực chí đạo tràng, tự thỉ tự chung, cát vô bất lợi.
(疏) 從今發心,直至道場,自始自終,吉無不利。
(Sớ: Từ lúc phát tâm trong hiện thời mãi cho đến khi ngồi đạo tràng, từ đầu đến cuối là tốt lành, chẳng có điều gì bất lợi).
Đại cát đại lợi, chuyện gì cũng đều chẳng cần phải lo âu, chuyện
gì cũng chẳng cần phải bận lòng. Dẫu là nơi hiểm nạn, quý vị đến đó cũng được bình an, gặp điều dữ hóa lành. Quý vị chẳng đến thì nơi ấy có thể gặp phải tai nạn. Quý vị là người có đại phước đức, đến đó, chư Phật, Bồ Tát phải bảo vệ quý vị, yêu ma quỷ quái tránh xa, nơi ấy bèn cát tường. Chúng ta muốn cầu cát tường thì niệm Phật là cát tường nhất.
(Sớ) Lương diêu chánh niệm phân minh, túng ma lai giả, dị thức dị khiển, phi tỷ đam tĩnh trước không, trung vô chủ tể, phùng ma bất giác, toại chí nhập tâm giả dã.
(疏)良繇正念分明,縱魔來者,易識易遣,非比耽靜著空,中無主宰,逢魔不覺,遂至入心者也。
(Sớ: Ấy là vì chánh niệm phân minh, dẫu ma có đến cũng dễ biết, dễ xua đuổi ma. Chẳng giống như kẻ đắm đuối trong sự an tĩnh, chấp trước Không, trong tâm chẳng có chủ tể, gặp ma mà chẳng hay biết đến nỗi ma nhập tâm).
Đoạn này nói rất hay! Chúng ta phải ghi nhớ thật kỹ trong lòng. Đây là nói quả báo của người tu pháp môn Niệm Phật và người tu các pháp môn khác chẳng giống nhau. Nói thật thà, xét theo lý luận để nói, tám vạn bốn ngàn pháp môn bình đẳng, nhưng xét theo sự tu học của lũ chúng sanh chúng ta ngày nay, thì trừ niệm Phật là chánh niệm phân minh ra, những pháp môn khác đều chẳng phải là chánh niệm phân minh! Nghiên cứu Giáo sẽ tăng trưởng Sở Tri Chướng. Đó là nói rất dễ nghe; chứ nói khó nghe thì là tăng trưởng tà kiến. Học Thiền, học Mật, hễ gặp phải cảnh giới thì chính mình chẳng thể làm chủ tể. Chữ “đam tĩnh” (đắm đuối nơi tịch tĩnh) chỉ kẻ học Thiền, chữ “trước Không” (chấp vào Không) chỉ người tu học Tam Luận[4] hay Bát Nhã, quả thật họ gặp phải những cảnh giới, bèn chẳng thể làm chủ tể, bất tri bất giác lọt vào ma cảnh. Chỉ có người chánh niệm phân minh, dẫu ma thật sự hiện đến, người ấy nhận biết. Nhận biết nó, sẽ rất dễ dàng đuổi nó đi, chẳng gặp nạn, chẳng bị ma lừa gạt. Đó là người niệm Phật công phu đắc lực, người ấy có thể thấu hiểu sâu xa ý nghĩa này.
(Sớ) Trạch đồ bảo kính giả, dĩ thử nhị dụ, minh phi đản Phật lực, tức thị tự kỷ niệm lực dã.
(疏) 澤圖寶鏡者 ,以此二喻 , 明非但佛力 ,即是自
己念力也。
(Sớ: “Hình con Bạch Trạch, gương báu”: Dùng hai tỷ dụ này để chỉ rõ: Chẳng phải chỉ có Phật lực, mà còn có niệm lực của chính mình).
“Niệm lực” là chính mình, Phật lực là bên ngoài. Pháp môn này gọi là pháp môn Nhị Lực, chính mình có niệm lực, bên ngoài có Phật lực gia trì. Không chỉ là thần lực của A Di Đà Phật gia trì, mà còn được sức mạnh của mười phương ba đời hết thảy chư Phật đều cùng gia trì. Đích xác là rất ít người biết chỗ tốt lành của pháp môn Niệm Phật. Người ta coi thường kinh Di Đà, ngày nay tuyên dương pháp môn Tịnh Độ, nói thật ra, trong thời đại này là thời đại yêu ma quỷ quái hoành hành, nếu chẳng thâm nhập Sớ Sao, nghiên cứu cặn kẽ Sớ Sao, quả thật sẽ chẳng biết chỗ hay trong kinh Di Đà. Điều thật sự khó có là Liên Trì đại sư đã giới thiệu tỉ mỉ thâm nhập như thế, khiến cho chúng ta thật sự nhận thức pháp môn này. Lại còn có kinh Hoa Nghiêm, có thể nói là kinh Hoa Nghiêm từ đầu đến cuối nhằm giới thiệu pháp môn Niệm Phật. Đọc kinh Hoa Nghiêm xong, sẽ chết sạch so đo, khắng khít nơi pháp môn Niệm Phật, chẳng còn ngờ vực nữa, biết chính mình quyết định vãng sanh trong một đời này! Hai bộ kinh này có công đức chẳng thể nghĩ bàn! Đối với người chân chánh học Phật, hai bộ kinh này là đủ rồi, chẳng cần phải học nhiều nữa!
Thế nhưng kinh Hoa Nghiêm quá lớn, rất khó đọc. Có một lần, cư sĩ Trịnh Thạch Nham và tôi có bàn đến vấn đề này, ông ta nói làm cách nào để đơn giản hóa bộ kinh ấy, giới thiệu một cách đơn giản, trọng yếu, tường tận, rõ rệt cho các đồng tu sơ học. Tôi bảo ông ta: “Tôi đã từng suy nghĩ chuyện này hết nửa năm. Làm thế nào để đơn giản hóa những bộ kinh lớn, quả thật là chuyện tất yếu. Bộ Toản Yếu[5] đã đơn giản hóa hai tác phẩm Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao và Hoa Nghiêm Kinh Hợp Luận, nhưng vẫn chưa đủ, chẳng qua là mới đơn giản hóa một nửa mà thôi. Chúng ta hy vọng có thể đơn giản hóa đến một phần mười, tốt nhất là một phần trăm. Khi ở Mỹ quốc, tôi đã suy xét vấn đề này: Sau khi trở về Đài Loan sẽ giảng kinh này theo cách nào để có thể giảng viên mãn kinh này rất mau chóng. Thế nhưng bộ kinh này từ đầu đã giảng từng chữ từng câu như thế thì hiện thời cũng chỉ đành tiếp tục giảng từng câu từng chữ như thế. Phương pháp được chọn lựa là những chỗ nào có quan hệ thụ dụng mật thiết với chúng ta thì chúng tôi sẽ giảng cặn kẽ, những chỗ nào chúng ta chưa thể dùng được thì đọc lướt qua. Đó gọi là “giảng nhanh”, làm như vậy tốc độ sẽ tăng nhanh hơn!
Trong tương lai, giảng lần thứ hai, tôi sẽ không theo cách giảng này mà giảng gì? Tôi giảng trích yếu sớ luận của kinh Hoa Nghiêm. Chẳng hạn như trong một phẩm kinh, tôi chỉ chọn lấy mười câu hay tám câu, tức những câu quan trọng nhất, tôi chỉ giảng những câu đó là được rồi, những câu kinh văn khác tôi đều lược qua. Chú giải, Sớ Sao, Hợp Luận cũng đều giảng như thế, mỗi thứ chọn lấy vài điều, biên tập như thế thành một bài giảng nghĩa. Một bộ kinh Hoa Nghiêm có thể giảng hai mươi lần, ba mươi lần là giảng viên mãn. Giảng như vậy sẽ được hết sức hoan nghênh, chẳng giống như hiện thời tôi đã giảng bộ kinh Hoa Nghiêm đến hơn hai ngàn giờ mà mới giảng được một nửa, quả thật là dài quá! Thầy Lý giảng ở Đài Trung hai mươi năm, bắt đầu giảng từ năm Dân Quốc 55 (1966) đến năm nay thầy vừa vãng sanh mới giảng được một phần ba. Vì thế, nhất định phải đơn giản hóa thì mới có thể khế hợp căn cơ của con người trong thời đại hiện tại. Dưới đây là lời giải thích hai tỷ dụ ấy.
(Sớ) Hữu thần thú danh Bạch Trạch[6], năng nhân ngôn.
(疏) 有神獸名白澤,能人言。
(Sớ: Có con thú thần kỳ tên là Bạch Trạch có thể nói tiếng người).
Bạch Trạch là tên của một con thú thần diệu, nó có thể nói tiếng người.
(Sớ) Biện vạn vật chi tình, chư tà vọng ảnh nhi tỵ. Cố viết: “Gia hữu Bạch Trạch chi đồ, tất vô như thị yêu quái”.
(疏)辨萬物之情,諸邪望影而避。故曰家有白澤之圖,必無如是妖怪。
(Sớ: Nó có thể biện định rành rẽ tình huống của muôn vật, các thứ tà vạy vừa thấy bóng nó từ xa liền tránh né, nên nói: “Trong nhà có hình Bạch Trạch, ắt chẳng có các loài yêu quái như thế”).
Đây là một truyền thuyết vào thời cổ ở Trung Quốc.
(Sớ) Hựu sơn tinh dã mị, năng biến hình chủng chủng, cuống hoặc ư nhân, nhi bất năng biến kính trung chi hình.
(疏)又山精野魅,能變形種種,誑惑於人,而不能變鏡中之形。
(Sớ: Lại như loài tinh mị trong núi non đồng vắng có thể biến ra các thứ hình dạng dối gạt, mê hoặc con người, nhưng chúng chẳng thể
biến đổi hình bóng của chúng trong gương).
Yêu ma quỷ quái có thể biến hiện thành hình dạng con người, nhưng chẳng thể thay đổi bóng của nó trong gương. Nếu đem gương báu soi nó, nó không có cách gì biến hóa được, nó phải hiện nguyên hình. Đối với chuyện này, trong thời cổ có truyền thuyết như sau: Xưa kia có một người tên Vương Độ, nhà ông ta có một tấm gương báu gia truyền, có thể soi nguyên hình yêu ma quỷ quái. Gần nhà ông ta có một cái cây, yêu tinh nơi cây ấy tác quái. Do vậy, ông ta đem kính treo lên cây, kết quả, cái cây ấy bị sét đánh, có một con rắn to chết cứng dưới gốc cây. Có lần, ông ta đem tấm gương ấy soi vào một bé gái, đứa bé gái ấy van nài ông ta hãy cất gương đi, xin cho ăn no một bữa, uống rượu đã đời một bữa. Uống say xong, nó nằm chết trên giường, hiện nguyên hình là một con hồ ly. Đó là chuyện “bảo kính độn yêu” (yêu tinh trốn tránh gương báu). “Sơn tinh dã mị” có thể biến thành hình người để lừa gạt con người, nhưng chẳng thể hiện hình trước gương báu.
(Sớ) Dụ niệm Phật giả, chánh niệm hiện tiền, trí chiếu tinh lãng, nhất thiết thiên ma tâm ma bất đắc tiện cố.
(疏) 喻念佛者 ,正念現前 ,智照精朗 , 一切天魔心
魔不得便故。
(Sớ: Ví như người niệm Phật, chánh niệm hiện tiền, trí chiếu tinh tường, rạng rỡ, hết thảy thiên ma và tâm ma chẳng có cơ hội giở trò).
Đủ thấy chánh niệm phân minh rất quan trọng. Quý vị phải nhớ kỹ “chánh niệm” là ba điều kiện Tín – Nguyện – Hạnh đầy đủ, chẳng thiếu một điều nào, đó gọi là “chánh niệm”. Chánh niệm kiến lập từ chỗ nào? Kiến lập từ Phật hiệu. Trong mười hai thời, một câu A Di Đà Phật chẳng dứt, người ấy nhất định đầy đủ ba điều kiện. Nếu người ấy chẳng nguyện vãng sanh, chẳng tin tưởng pháp môn này, làm sao người ấy chịu niệm Phật? Làm sao chịu niệm Phật chẳng gián đoạn? Ngẫu nhiên niệm một tiếng Nam-mô A Di Đà Phật, chẳng thấy có tín, có nguyện, nhưng suốt ngày từ sáng đến tối niệm chẳng gián đoạn, nhất định đầy đủ tín nguyện, ba điều kiện thảy đều đầy đủ. Đó là ý nghĩa chính xác của “chánh niệm phân minh”. Đấy cũng là điều chúng ta hy vọng làm được. Không chỉ hy vọng làm được, mà nhất định phải làm được, vì sao? Nếu quý vị làm được, sẽ liễu sanh tử, thành Phật trong một đời, thành Phật ngay trong thân này, điều này rất quan trọng! Nếu quý vị chẳng làm được, dẫu đời này tu hành tốt đẹp đến đâu đi nữa, đời sau chỉ được hưởng phước báo nhân thiên, hưởng hết phước này sẽ “hưởng” mê hoặc, “hưởng” hồ đồ, lại còn chẳng thể sốt sắng tu hành!
Cố nhiên Phật pháp dạy quý vị phải hành nhiều thiện sự, nhưng quý vị phải biết: Hảo sự chẳng bằng vô sự! Chuyện tốt nhất là thật thà niệm Phật, chẳng có gì tốt hơn! Làm chuyện tốt hãy tùy duyên mà làm, đừng phan duyên, phan duyên là gì? Bới chuyện ra để làm thì là phan duyên. Sự việc đưa đến, chúng ta chẳng thoái thác mà tận tâm tận lực làm cho tốt, đó gọi là “tùy duyên mà làm”, đừng bới chuyện ra để làm. Bới chuyện ra làm sẽ là “hiếu sự” (ham chuyện) sẽ chẳng phải là “hảo sự”[7]. Phan duyên thì làm sao tâm quý vị thanh tịnh cho được? Ấn Quang đại sư suốt đời chẳng lập đạo tràng, chẳng truyền giới, chẳng thâu nhận đệ tử xuất gia, suốt đời Ngài chẳng có chuyện gì! Vì thế, Ngài niệm Phật hiệu rất tốt đẹp, niệm thành công.
Thư viện này của chúng ta chẳng phải do phan duyên mà có, đây là do các đồng tu hoàn toàn tự động tự phát mua chỗ này rồi đến kiếm tôi. Tuy chúng ta có cái đạo tràng nhỏ chừng này, mãi cho đến bây giờ chúng ta chẳng phan duyên, chúng ta làm rất tròn bổn phận. Vì thế, ở nơi đây chúng ta tâm an lý đắc, một câu Phật hiệu cũng niệm rất tốt đẹp, nguyên nhân là ở chỗ này. Nếu thường xuyên phan duyên, thường muốn đề cao mở rộng Phật giáo như thế nào thì chẳng những không thể giúp đỡ chúng sanh mà chính mình cũng bị hủy hoại. Chuyện hoằng pháp lợi sanh có cần phải làm hay không? Phải làm! Chúng ta tận tâm tận lực thì công đức viên mãn, niệm niệm công đức viên mãn, tự tại lắm! Hướng ra ngoài phan duyên thì công đức ấy vĩnh viễn chẳng viên mãn. Từ trong nội tâm của chính mình, tận hết tấm lòng ta, tận hết sức ta, công đức của ta sẽ viên mãn. Nay tôi có một đồng thì làm chuyện công đức chừng một đồng, công đức của tôi viên mãn, tôi chẳng cần kiếm người khác, chẳng cần phải cầu cạnh người khác. Nếu tôi đi kiếm người khác, cầu cạnh người ta thì có thể làm nhiều hơn một chút, nhưng chẳng viên mãn vì tâm chẳng thanh tịnh. Do vậy, học Phật dẫu là lợi khắp chúng sanh, nhất định phải nghĩ đến thân tâm của chính mình thanh tịnh viên mãn. Điều này rất quan trọng!
Chánh niệm phân minh cũng là pháp môn tốt nhất để xa lìa yêu ma quỷ quái, kinh Lăng Nghiêm có tỷ dụ như sau:
(Diễn) Chủ nhân nhược mê, khách đắc kỳ tiện.
(演) 主人若迷,客得其便。
(Diễn: Nếu chủ nhân mê, khách thừa dịp lợi dụng).
“Chủ nhân” là chính mình, bản thân chúng ta đã mê rồi, người bên ngoài sẽ dùng phương cách mầu mè gạt gẫm chúng ta. Bản thân chúng ta chẳng mê, bất cứ yêu ma quỷ quái nào cũng chẳng làm gì chúng ta được, chúng nó chẳng có một tí biện pháp nào hết! Vì thế, đừng sợ ma mà hãy sợ chính mình tà tâm, sợ ý niệm của chính mình bất chánh. Đó là điều đáng sợ nhất! Kinh Lăng Nghiêm còn có mấy câu như sau:
(Diễn) Đương xử Thiền Na, giác ngộ vô hoặc.
(演) 當處禪那覺悟無惑。
(Diễn: Hãy nên trụ trong Thiền Na, giác ngộ, không mê hoặc).
Tổng cương lãnh tu hành trong Phật môn là Tam Quy Y. Tam Quy Y, khóa sáng khóa tối hằng ngày quý vị đều niệm, khi niệm phải nhắc nhở chính mình: Tự quy y Phật chẳng phải là ai khác quy y, mà là tự mình quy y! Quy y tự tánh Phật, Phật là giác. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ giảng Tam Quy Y cho người khác, sợ chúng ta mê hoặc, nên Ngài chẳng dùng [danh xưng] Phật, Pháp, Tăng mà nói “quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh”, chúng ta vừa nghe liền hiểu ngay. Hiện thời nói “quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng” khiến chúng ta mê hoặc, hồ đồ, rốt cuộc Phật là gì? Pháp là gì? Tăng là gì? Mấy ai hiểu rõ ràng? Lục Tổ trực tiếp nói ra ý nghĩa này: “Phật là Giác, Pháp là Chánh, Tăng là Tịnh”, Ngài bảo chúng ta quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh, giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ không nhiễm, hết thảy ma sự đều chẳng thể nhiễu loạn. Đây là nhân duyên thứ bảy: Hộ trì chướng nạn, chúng tôi giảng tới đây!
[1] Đây là một phép tu của Mật Tông có tên gọi là Ph’owa (thuật ngữ Tây Tạng dịch từ tiếng Phạn Samkrānti, thường được gọi là Sáu Phép Yoga của đại hành giả Naropa, tức là những pháp tu thường được coi là do đại thành tựu sư Tilopa của Ấn Độ truyền lại) nhằm chuyển hóa thần thức khi lâm chung. Phép tu này đòi hỏi hành giả phải tập luyện bằng những cách quán tưởng nhằm hướng dẫn thần thức quen với diễn biến của sự chết, để có thể điều khiển thần thức trong lúc lâm chung. Họ tin rằng khi đạt đến thành tựu nhất định, dưới sự hướng dẫn của một vị A-xà-lê, sẽ mở được một huyệt ở đỉnh đầu, và để dễ quán niệm, người ta cắm vào đó một cọng cỏ Kusha (Cát Tường Thảo). Khi lâm chung, thần thức sẽ theo huyệt ấy thoát ra khỏi thân xác. Tuy thế, khi truyền sang các nước khác, nhất là tại Mỹ và các nước phương Tây, có những Thượng Sư ham lợi, đã giở trò làm lễ mở đỉnh đầu cho bất cứ ai đóng đủ lệ phí, cắm vào đó một cọng cỏ, bảo họ đã có thể liễu sanh thoát tử, chẳng hề truyền dạy giáo nghĩa và cách hành trì của phép tu Ph’owa! Có những người như Liên Sanh Hoạt Phật (tên thật là Lư Thắng Ngạn) của Chân Phật Tông (một tà phái đội danh Mật Tông Tây Tạng ở Đài Loan, pha trộn lung tung Mật Tông và các tín ngưỡng dân gian lẫn Đạo Giáo, có rất nhiều tín đồ người Hoa tại hai tiểu bang California và Washington) đi đâu cũng khoe vết thủng trên đỉnh đầu để chứng tỏ mình là Hoạt Phật (Phật sống) thứ thiệt đã khai đảnh!
[2] “Tác pháp” là một thuật ngữ thường dùng trong Mật Tông với ý nghĩa cử hành các nghi lễ như sái tịnh đàn tràng, hộ thân, triệu thỉnh Bổn Tôn, gia trì, quán đỉnh, tiêu tai, cung tống Bổn Tôn v.v…
[3] Đắc Giới Hòa Thượng còn gọi là Đàn Đầu Hòa Thượng hay Truyền Giới Hòa Thượng là một trong Tam Sư chánh yếu (Đàn Đầu, Yết Ma, Giáo Thọ) của giới đàn. Vị này thường là bậc thanh tu thạc đức, giới hạnh tinh nghiêm, được mười phương sơn môn ngưỡng mộ, và đóng vai trò ban giới (thí giới) cho các giới tử trong giới đàn. Theo Tứ Phần Luật, vị tỳ-kheo làm Truyền Giới Hòa Thượng phải có đủ năm phẩm đức: kiên trì tịnh giới, đủ mười tuổi hạ, thông hiểu Luật Tạng, thông đạt thiền tư, và có trí huệ.
[4] Tam Luận là ba bộ luận, tức Trung Luận (Mūlamadhyamakakārikā), Thập Nhị Môn Luận (Dvādashanikāya-Shāstra) và Bách Luận (Śatakaśāstra). Trung Luận và Thập Nhị Môn Luận do Long Thọ Bồ Tát biên soạn, còn Bách Luận do ngài Thánh Thiên (Āryadeva) biên soạn. Ba bộ luận này thuộc học phái Bát Nhã Trung Quán của Đại Thừa. Những vị tổ sư tiêu biểu góp phần hình thành tông phái này tại Trung Hoa là Cưu Ma La Thập, Tăng Triệu, Tăng Lãng, Pháp Lãng, Đại Minh, Cát Tạng; nhưng người có công hoàn chỉnh luận thuyết của tông này là ngài Cát Tạng. Luận điểm chủ yếu của tông này là: “Các pháp tánh Không, đó là Trung Đạo Thật Tướng”. Sau này, Huệ Quán (Ekan) đã từ Nhật sang Trung Hoa cầu pháp với ngài Cát Tạng vào năm 625 (trong thời đại cai trị của nữ hoàng Thôi Cổ – Suiko) và truyền bá Tam Luận Tông (Sanron Shu) tại Nhật Bản. Ngài Ấn Thuận được coi là học giả lừng danh nhất của tông Tam Luận trong thế kỷ 20.
[5] Đây chính là bộ Hoa Nghiêm Kinh Sớ Luận Toản Yếu do pháp sư Đạo Bái biên soạn vào đời Thanh.
[6] Bạch Trạch là con thú thần thoại được chép trong bộ Vân Cấp Thất Thiêm (do đạo sĩ Trương Quân Phòng biên soạn vào đời Bắc Tống). Trong bộ sách này, Trương Quân Phòng đã trích dẫn sách Hiên Viên Bản Kỷ như sau: “Hoàng Đế tuần du, tới Đông Hải, lên núi Hằng, từ bờ biển chợt có con thú Bạch Trạch xuất hiện. Nó có thể nói thông suốt tình trạng của muôn vật, do vậy, Hoàng Đế hỏi nó chuyện quỷ thần, từ những vật do tinh khí [của trời đất] tích tụ biến hóa ra, cho tới những loài thần hồn thơ thẩn (du hồn) gồm một ngàn năm trăm hai mươi thứ, Bạch Trạch đều nói cặn kẽ. Hoàng Đế bèn cho vẽ hình con Bạch Trạch để truyền dạy dân chúng, và ghi chép những điều đó thành Bạch Trạch Đồ”. Hiên Viên Bản Kỷ do Vương Quán soạn vào đời Đường, thường được coi là lưu giữ nguyên văn trong quyển thứ một trăm của bộ Vân Cấp Thất Thiêm (雲笈七籖). Thông thường, người ta vẽ Bạch Trạch giống như một con bò trắng, mặt như mặt người có râu quai nón, có ba mắt, sáu sừng (hai sừng trên đầu, hai cặp còn lại ở trên lưng), hai bên hông mỗi bên có ba mắt xếp thành hình tam giác, đuôi xù, vẽ cách điệu như hình đám mây vờn. Do đạo sĩ gọi tráp đựng sách là “vân cấp” (tráp mây) và chia sách vở trong Đạo giáo thành bảy loại (tam động, tứ phụ) nên bộ sách này mới có tên là Vân Cấp Thất Thiêm (bảy cái thẻ trong tráp mây) tuy bộ sách này gồm 122 quyển. Tam Động là Động Chân, Động Huyền, Động Thần, Tứ Phụ (thường bị đọc sai thành Tứ Phủ) gồm Thái Huyền, Thái Bình, Thái Thanh và Chánh Nhất. Chữ Động trong Tam Động không có nghĩa là hang động mà có nghĩa là “rỗng thông”. Tam Động tương ứng với ba hệ thống kinh chánh yếu của Đạo Giáo: Động Chân là những sách vở chú giải hoặc phát xuất từ Thượng Thanh Kinh, Động Huyền là những sách thuộc hệ thống Linh Bảo Kinh, Động Thần là sách vở thuộc hệ thống Tam Hoàng Văn.
[7] Chữ 好 có hai cách đọc: Một là “hảo” có nghĩa là tốt đẹp. Hai là Hiếu (hay háo) là ham chuộng, ưa thích. Như vậy nếu bới chuyện ra để làm thì sẽ “hiếu sự” (ưa bới ra chuyện để làm), không phải là “hảo sự” (chuyện tốt đẹp).