Tập 239/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 239

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm sáu mươi hai:

          (Sao) Đức Vân Niệm Phật môn giả, Hoa Nghiêm Nhập Pháp Giới phẩm, Đức Vân tỳ-kheo cáo Thiện Tài ngôn: “Ngã đắc ức niệm nhất thiết chư Phật cảnh giới trí huệ quang minh phổ kiến pháp môn”, nhi phục khai nhị thập nhất môn, khởi ư Trí Quang Phổ Chiếu, chung ư Trụ Hư Không.

()德雲念佛門者,華嚴入法界品,德雲比丘告善財言,我得憶念一切諸佛境界智慧光明普見法門,而復開二十一門,起於智光普照,終於住虛空。

(Sao: “Pháp môn Niệm Phật của ngài Đức Vân”: Trong phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm, tỳ-kheo Đức Vân bảo Thiện Tài: “Ta đắc pháp môn Nghĩ Nhớ Cảnh Giới Của Hết Thảy Chư Phật, Trí Huệ Quang Minh Thấy Trọn Khắp”, rồi lại chỉ ra hai mươi mốt môn [Niệm Phật], bắt đầu bằng môn Trí Quang Phổ Chiếu, kết thúc bằng môn Trụ Hư Không).

           Kinh Hoa Nghiêm là kinh điển căn bản của Đại Thừa Phật pháp, cổ đức gọi nó là Căn Bản Pháp Luân. Hết thảy các kinh đều là cành lá của Hoa Nghiêm, giống như một cái cây, Hoa Nghiêm là cội cây, tức là căn bản của cây. “Căn bản của cây” tức là thân chánh, hết thảy các kinh đều là cành, lá, nhánh nhóc, hoa, quả trên thân cây. Từ tỷ dụ này, chúng ta liễu giải địa vị và tánh chất trọng yếu của kinh Hoa Nghiêm trong Phật pháp. Kinh Hoa Nghiêm giảng rất nhiều pháp môn tu hành. Trong phẩm Ly Thế Gian, đức Thế Tôn đã giảng tất cả hơn hai ngàn pháp môn. “Hơn hai ngàn” chỉ là nêu theo từng loại mà thôi, [tức là] quy nạp [những pháp môn liên quan] thành từng loại một. Trên thực tế là nói bất tận, pháp môn vô lượng! Vô lượng pháp môn quy nạp thành hơn hai ngàn loại, cũng khá cặn kẽ. Trong khá nhiều pháp môn, chư Phật Như Lai đề cao pháp môn nào? Đối với hết thảy các pháp môn, chư vị ắt phải có một quan niệm, phải khẳng định lời Phật dạy: “Pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp”, chẳng thể nói pháp môn nào cao, pháp môn nào thấp, chẳng có lẽ ấy! Vì sao? Thành tựu cuối cùng của tất cả hết thảy các pháp môn đều là viên thành Phật đạo, đương nhiên [các pháp môn] đều là tốt đẹp như nhau. Tuy pháp môn bình đẳng, nhưng căn khí của chúng sanh sai khác; có những căn khí thích hợp pháp môn này, chẳng thích hợp pháp môn kia. Chúng sanh có căn tánh khác nhau; do vậy, đức Phật mở ra nhiều pháp môn.

Hiện thời, đức Phật chẳng trụ thế. Không chỉ là chúng ta chẳng tìm thấy Phật, mà Bồ Tát cũng tìm chẳng thấy, thậm chí A La Hán, thiện tri thức cũng chẳng gặp được. Pháp môn nhiều như vậy, chúng ta chọn lựa như thế nào để biết pháp môn ấy thích hợp căn khí của chính mình? Nếu chọn lựa chẳng thích đáng, sẽ phiền phức to lớn! Pháp môn giống như các vị thuốc bán trong tiệm thuốc. Có mấy ngàn, mấy vạn loại thuốc, hễ khế cơ liền trị được bệnh. Nếu thuốc đúng bệnh, dùng thuốc bệnh liền hết, bèn khỏi bệnh. Nếu thuốc chẳng đúng với chứng bệnh, không chỉ là bệnh nặng thêm, chỉ sợ uống vào một lần bèn “ô hô, ai tai” (ôi chao! buồn thay). Pháp môn chẳng khế cơ, tai hại quá lớn. Uống lầm thuốc, thân mạng bị hại. Thân này sau khi đã chết, kinh Địa Tạng nói sau bốn mươi chín ngày lại đầu thai. Vì thế, trong Phật pháp trọn chẳng coi trọng thân mạng. [Chọn lựa] pháp môn sai trật, sẽ hại Pháp Thân huệ mạng, nghiêm trọng lắm, có tánh chất nghiêm trọng lớn hơn uống sai thuốc quá nhiều lần!

Đức Phật liễu giải trạng huống hiện thời của chúng ta, mà cũng biết căn khí của người hiện thời. Không chỉ là Thích Ca Mâu Ni Phật đề cao pháp môn Niệm Phật; trong hội Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ Tát cũng đề cao pháp môn này. Từ kinh Vô Lượng Thọ và kinh Di Đà, chúng ta thấy mười phương ba đời hết thảy chư Phật khác miệng cùng tiếng giới thiệu pháp môn này, đều đề cao pháp môn này. Do vậy có thể biết, chúng ta chẳng gặp thiện tri thức chân chánh chỉ dạy, hãy tuyển chọn pháp môn này để tu, quyết định chẳng sai lầm! Chúng ta hãy lắng lòng quan sát xã hội hiện thời, người học Phật rất đông, người học Phật bị ma dựa cũng lắm! Chúng ta hãy dò hỏi tỉ mỉ, chẳng nghe nói có ai niệm Phật mà bị ma dựa. Bị ma dựa nhiều nhất là kẻ học Thiền, học Mật, học Giáo, dễ dàng biến thành cuồng huệ. Đó cũng gọi là “ma dựa”, đều chẳng bình thường! Chỉ riêng pháp môn Niệm Phật này, đặc biệt là người thật thà niệm Phật, hầu như chẳng có một ai không thành tựu. Điều này chứng tỏ chư Phật, Bồ Tát đã giới thiệu với chúng ta pháp môn này chẳng sai lầm! Huống hồ pháp môn này là pháp môn bậc nhất để Như Lai phổ độ hết thảy chúng sanh, vì pháp môn này trên độ Đẳng Giác Bồ Tát, dưới độ chúng sanh trong địa ngục.

          Nếu mọi người đọc kỹ Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương, sẽ hiểu rõ. Vừa mở đầu, Bồ Tát đã nói: “Ngã dữ ngũ thập nhị đồng luân” (Tôi và năm mươi hai hạng người cùng hàng). Câu này hết sức trọng yếu, chớ nên dễ dãi, xem nhẹ, coi lướt qua. Nói theo cách hiện thời, “đồng luân” (同倫) là người chí đồng đạo hợp, bèn gọi là “đồng luân”, [tức là] những kẻ cùng loại. Loại người nào vậy? Chuyên niệm A Di Đà Phật. Trong vô lượng pháp môn, chuyên tu một môn này. “Năm mươi hai” là năm mươi hai tầng cấp Bồ Tát, [bao gồm các] địa vị Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, lại cộng thêm Đẳng Giác và Diệu Giác. Diệu Giác bèn thành Phật. Nói cách khác, từ sơ phát tâm mãi cho đến khi thành Phật, chẳng dùng phương pháp thứ hai, một câu Phật hiệu cứ niệm đến cùng! Niệm từ sơ phát tâm cho đến khi thành Phật, quý vị nói xem có đơn giản, dễ dàng lắm hay không? Lại còn ổn thỏa, thích đáng, nhanh chóng, chẳng có [pháp môn nào khác] mà hòng sánh bằng pháp môn này! Quý vị có thể nhận biết rõ ràng, minh bạch, có thể nghiêm túc nương theo phương pháp này để tu học, vậy là quý vị có đại phước báo. Trên cõi trời và nhân gian, chẳng có ai có phước báo to hơn quý vị. Quý vị không chỉ là thành tựu thù thắng, mà còn thành tựu viên mãn ngay trong một đời, thật sự chẳng thể nghĩ bàn!

          Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói rất rõ ràng, phương pháp vô cùng đơn giản: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”, chúng ta phải chú tâm lãnh hội phương pháp này, phải nghiêm túc thực hành, mấu chốt là “tịnh niệm tiếp nối”. Tịnh (淨) là chẳng thể xen tạp, hễ tạp sẽ chẳng thanh tịnh. Những gì là xen tạp? Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát đã nói rất hay, quý vị hãy xem xen tạp là gì? Xen tạp chẳng phải là tịnh niệm, gián đoạn là chẳng liên tục. Bí quyết niệm Phật là “chẳng hoài nghi, chẳng xen tạp, chẳng gián đoạn”, quý vị bèn thành công. Nói theo hiệu quả, “chẳng nhờ vào phương tiện, tự được tâm khai”, chẳng cần nhờ vào phương pháp nào khác để phụ trợ, cứ một câu Phật hiệu niệm đến cùng. Công phu chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là “công phu thành phiến”. Có thể niệm đến mức công phu thành phiến, quyết định được vãng sanh, nắm chắc vãng sanh thế giới Tây Phương. Chúng ta thường nghe hoặc thấy có người biết trước lúc mất. Công phu tốt đẹp thì biết trước cả năm sẽ vãng sanh ngày nào, chẳng ngã bệnh. Công phu cao hơn một tầng nữa, sẽ là tự tại vãng sanh: Muốn ra đi khi nào bèn đi khi ấy. Chưa muốn đi, muốn ở thêm mấy năm cũng chẳng trở ngại, hoàn toàn do chính mình làm chủ. Nếu chúng ta hỏi: Công phu như vậy, rốt cuộc là niệm Phật đạt đến mức độ nào? Thưa cùng chư vị, chẳng khó, chúng ta ai nấy đều có thể làm được. Vì công phu ấy của người ấy chẳng quá cao, đó là công phu thành phiến đến mức thượng thừa. Giả sử chúng ta cũng chia công phu thành phiến thành chín phẩm, thì đối với thượng phẩm, công phu [thành phiến] thượng phẩm sẽ tự tại vãng sanh, chúng ta làm được điều này. Công phu sâu hơn sẽ là nhất tâm bất loạn. Trong nhất tâm bất loạn có Sự nhất tâm và Lý nhất tâm, xác thực là rất khó! Đắc Sự nhất tâm, địa vị của người ấy bằng A La Hán và Bích Chi Phật. Lý nhất tâm sẽ là Pháp Thân đại sĩ, sanh trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm của thế giới Tây Phương, là thượng thượng phẩm vãng sanh. Nhìn như vậy, [ta thấy] Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói chẳng sai, “chẳng nhờ vào phương tiện, tự được tâm khai”.

          Nhìn từ đâu mà thấy pháp môn này thành tựu ổn thỏa, thích đáng, nhanh chóng? Trong kinh luận, đức Phật đã nói rất nhiều: Trong thế giới Sa Bà của chúng ta, tình huống trong thế giới Sa Bà và [tình huống trong] các thế giới chư Phật nơi các phương khác chẳng sai khác cho mấy. Tu hành trong thế giới này, từ phàm phu tu thành Phật đạo, phải mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp, dùng đơn vị thời gian là kiếp để tính. Thời gian ba đại A-tăng-kỳ kiếp quá dài, đó là con số thiên văn, chẳng có cách nào hình dung được. Ba đại A-tăng-kỳ kiếp tính từ ngày nào? Chẳng giống như cầu sanh Tây Phương. Cầu sanh Tây Phương thì có thể nói là tính từ hôm nay: Chúng ta phát tâm cầu sanh Tịnh Độ, niệm A Di Đà Phật, bèn có thể tính khởi đầu từ hôm ấy. [Còn trong các pháp môn khác], ba đại A-tăng-kỳ kiếp tính khởi đầu từ ngày nào quý vị chứng đắc quả Sơ Quả. Nếu quý vị chưa chứng đắc Sơ Quả, chẳng tính! Sơ Quả là quý vị phải đoạn tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới, chứng đắc Vị Bất Thoái. Trong ba thứ Bất Thoái, quý vị chứng đắc Vị Bất Thoái, tính từ ngày hôm ấy, ba đại A-tăng-kỳ kiếp thành Phật! Tông Thiên Thai nói có bốn giáo Tạng, Thông, Biệt, Viên, ba đại A-tăng-kỳ kiếp thành Phật là thành Tạng Giáo Phật, chẳng phải là Viên Giáo. Viên Giáo Phật phải mất bao nhiêu thời gian? Kinh Hoa Nghiêm có nói: [Phải mất] vô lượng kiếp mới có thể thành Phật quả trong Viên Giáo. Đức Phật chẳng thường nói chuyện này, sợ người ta nghe xong sẽ kinh hãi, ngã lòng. Vô lượng kiếp mới có thể thành Phật, thôi đi! Chẳng học nữa! Đức Phật đành phải nói “ba đại A-tăng-kỳ kiếp”, Phật chẳng nói dối! Xác thực là thành Phật, thành Tạng Giáo Phật, chẳng phải là Viên Giáo Phật.

          Chúng ta so sánh sự thật này với Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị mới biết pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn, khó trách khá nhiều Bồ Tát chẳng tin tưởng. Trong kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật bảo thế giới Cực Lạc “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ” (các vị thượng thiện nhân nhóm họp một chỗ), số lượng nhiều đến nỗi chẳng có cách nào tính toán được! “Thượng thiện nhân” là nói tới bậc Đẳng Giác Bồ Tát, từ Thập Địa trở về trước thì gọi là “thiện nhân”, chẳng gọi là “thượng thiện”. Thượng thiện là Đẳng Giác. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, những vị Bồ Tát giống như Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền chẳng có cách nào tính toán, quá nhiều! Đó là những vị đã thành Phật. Năm mươi hai vị đồng luân với Đại Thế Chí Bồ Tát đều là Đẳng Giác, gần như là Diệu Giác. Trên thực tế, Đẳng Giác chính là Diệu Giác, [vì các Ngài] đã chứng đắc Phật quả viên mãn.

          Chúng ta phải suy ngẫm: A Di Đà Phật kiến lập thế giới Tây Phương cho đến nay bất quá mới là mười kiếp, những vị ấy vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, mười kiếp thành tựu. Trong cõi này, dẫu mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp vẫn chưa đạt đến địa vị ấy, phải mất vô lượng kiếp mới có thể đạt đến địa vị ấy. Trong thế giới Tây Phương, mười kiếp bèn đạt được! Quý vị biết là nhanh chóng ngần nào! Mười kiếp và vô lượng kiếp chẳng thể sánh tầy! Nếu chúng ta lại quan sát cặn kẽ một phen, sẽ hiểu thật rõ chân tướng. Nếu nói tu hành trong thế giới Tây Phương mười kiếp có thể đạt đến Đẳng Giác, khi A Di Đà Phật kiến lập thế giới Tây Phương, người vãng sanh trong kiếp thứ nhất nay đã thành tựu. Người vãng sanh trong kiếp thứ hai, cho đến hiện thời là chín kiếp, [lẽ ra] vẫn chưa thành tựu. Nhưng kinh dạy rõ ràng: Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, các vị thượng thiện nhân chiếm tỷ lệ đại đa số. Mười kiếp thành tựu thì chẳng cần phải nói năng chi nữa. [Những người vãng sanh trong] kiếp thứ hai cũng thành tựu, kiếp thứ ba cũng thành tựu, cho đến những người [khi Cực Lạc đã thành lập] năm kiếp rồi mới vãng sanh, nay cũng đã thành tựu. Tỷ lệ ấy mới là năm mươi năm mươi, chẳng thể nói là đại đa số. Đa số thì mức độ thấp nhất là kiếp thứ sáu mới vãng sanh, cũng đã thành tựu. Như vậy thì chúng ta có thể rút ra một kết luận: Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, chứng địa vị Đẳng Giác, đại khái chỉ cần từ ba kiếp cho đến bốn kiếp. Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, thượng thiện Bồ Tát mới là đại đa số! Quan sát như vậy, quý vị mới có thể thấy và hiểu thế giới Tây Phương thù thắng: Trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, lũ phàm phu chúng ta vãng sanh cũng chẳng quá ba bốn kiếp bèn có địa vị bình đẳng với Văn Thù, Phổ Hiền. Còn có thế giới nào khác nhanh chóng như vậy hay chăng? Quý vị đã hiểu rõ chân tướng sự thật này, còn có thể nói là chẳng sanh về đó hay chăng? Sức mạnh nào cũng đều chẳng thể ngăn trở, chẳng vãng sanh sẽ không được! Sanh đến các thế giới ở phương khác, dẫu cho duyên tốt đẹp, cũng phải mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp hoặc vô lượng kiếp, phải tốn thời gian lâu ngần ấy. Do vậy, các đồng tu đọc kinh, hãy tính toán cặn kẽ, quý vị mới biết [nên làm như thế nào]. Sau đó, tuân thủ giáo huấn của Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát: “Nhất tâm xưng niệm, buông xuống muôn duyên”.

          Đời này, quý vị phát nguyện cầu sanh Tây Phương, tu học pháp môn Niệm Phật, suốt một đời nương vào một bộ kinh, một câu danh hiệu, quý vị là bậc thượng thượng căn, chẳng có ai thù thắng hơn quý vị. Quý vị quyết định được vãng sanh! Quý vị ngại một bộ kinh rất buồn tẻ, quá ít, được rồi, hãy niệm Tịnh Độ năm kinh một luận, quý vị là hạng trung căn. Chê năm kinh một luận còn ít, lại thêm một chút, niệm các kinh sách Tịnh Độ nhiều hơn một chút, Tịnh Độ Thập Yếu, Ấn Quang Đại Sư Văn Sao. Hiện thời, Đài Loan biên tập Tịnh Độ Tùng Thư có tới hai mươi mấy tập, quý vị phát tâm niệm những thứ ấy, quý vị là kẻ hạ căn, chắc cũng còn có thể vãng sanh, nhưng không nhất định! Nếu nói những thứ ấy vẫn chưa đủ, vẫn mong niệm [kinh sách của] Thiên Thai, Duy Thức, Hoa Nghiêm, lại niệm những kinh luận khác, chỉ có thể nói là quý vị gieo một tí thiện căn trong Phật môn, quyết định luân hồi, chẳng thể vãng sanh! Cổ nhân thường nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Nhất là đối với pháp môn này, lỡ làng đời này, thật sự quá đáng tiếc. Chúng ta có thiện căn hay không? Có phước đức hay không? Hãy nhìn từ chỗ này! Thâm nhập một môn, đó là thiện căn và phước đức sâu dầy khôn sánh. Hễ còn phải học tràn lan khá nhiều pháp môn, tín tâm sẽ chẳng thể kiến lập, chẳng thể viên giải, chẳng nhận thức Tịnh Độ rõ ràng. Đó là thiện căn mỏng manh, mà phước đức cũng mỏng tanh!

          Hoa Nghiêm cũng đề cao pháp môn này, tỳ-kheo Đức Vân là vị thiện tri thức thứ nhất mà Thiện Tài đến tham phỏng. Vị đầu tiên rất quan trọng, thế tục thường nói: “Tiên nhập vi chủ”, [ý nói] giáo huấn của vị thiện tri thức đầu tiên thường tạo ảnh hưởng suốt một đời người [đến tham học, tiếp xúc]. Ngài Đức Vân dạy pháp môn Niệm Phật, vị cuối cùng kết thúc là Phổ Hiền Bồ Tát, càng nói minh bạch hơn, mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Vào đời Thanh trước kia, cư sĩ Bành Tế Thanh đã tổng hợp các phương pháp tu hành trong kinh Hoa Nghiêm, viết thành một bài có tựa đề là Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam Muội Luận, chỉ rõ tổng cương lãnh và tổng phương hướng tu hành trong kinh Hoa Nghiêm chính là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Nếu vẫn chẳng tin tưởng lời này, hết cách! Vậy thì hãy cứ thong thả luân hồi, nhiều đời nhiều kiếp sau, khi thiện căn đã từ từ chín muồi, sẽ lại gặp gỡ! Đối với sự luân chuyển ấy, chư vị phải hiểu: Trong các đồng tu đang hiện diện tại đây, có rất nhiều vị [lẽ ra] đã thành Phật, đã sớm thành Phật, nhưng [cho đến nay vẫn phải luân hồi trong lục đạo] là vì họ đã bán tín bán nghi pháp môn này. Quý vị nói xem: Chênh lệch quá lớn! Quá ư to lớn! Những lời này đều là lời thật thà!

          Chúng ta đọc đoạn kinh văn này, liễu giải ý nghĩa này, sẽ đạt được lợi ích chân thật. “Đức Vân tỳ-kheo cáo Thiện Tài ngôn” (tỳ-kheo Đức Vân bảo Thiện Tài rằng), Thiện Tài đến tham phỏng, Ngài (tỳ-kheo Đức Vân) bèn khai thị cho Thiện Tài: “Ngã đắc ức niệm nhất thiết chư Phật cảnh giới” (Ta đắc môn nghĩ nhớ cảnh giới của hết thảy chư Phật). Cảnh giới của chư Phật là cảnh giới nơi quả địa của Như Lai. Cảnh giới được chứng đắc bởi một vị Phật là cảnh giới an trụ của hết thảy chư Phật. Vì thế, có thể nói là “hết thảy chư Phật”. Kinh Di Đà nói “chư Phật”, trong chú giải, tổ Liên Trì và Ngẫu Ích đại sư đã thẳng thừng chỉ ra: “Chư Phật” là A Di Đà Phật, A Di Đà Phật là “chư Phật”. Nói theo Lý bèn thông suốt, mà nơi Sự cũng chẳng có vấn đề gì. A Di Đà Phật đại diện hết thảy chư Phật. Trong kinh Di Đà, sáu phương Phật tán thán, đó là Sự. Đã là hết thảy chư Phật đều tán thán A Di Đà Phật, A Di Đà Phật là đại diện của chư Phật! Huống hồ trong kinh Vô Lượng Thọ, Thích Ca Mâu Ni Phật đã tán thán Phật Di Đà tột bậc: “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” (Ánh sáng tôn quý nhất, là vua trong các vị Phật). Đức Thế Tôn tán thán, cũng là thay mặt hết thảy chư Phật tán thán A Di Đà Phật. Xác thực là “mười phương hết thảy Phật, A Di Đà bậc nhất”. Cùng một đạo lý như vậy, trong mười phương các cõi Phật, thế giới Cực Lạc bậc nhất. “Ức niệm” (憶念) là niệm Phật, trong ức niệm có quán tưởng, có xưng danh, quán tưởng bao gồm xưng danh. Kế đó, Ngài liệt kê “hai mươi mốt môn”, hai mươi mốt môn là những hạng mục niệm Phật riêng biệt. “Ức niệm nhất thiết chư Phật cảnh giới trí huệ quang minh phổ kiến pháp môn” là tổng thuyết, hai mươi mốt môn là tế thuyết (細說: nói chi tiết, nói tỉ mỉ), trong ấy bao gồm các cảnh giới của hết thảy chư Phật. Đối với những danh mục ấy, sách Diễn Nghĩa đã chú giải rất tỉ mỉ[1]. “Khởi ư Trí Quang Phổ Chiếu, chung ư Trụ Hư Không” (Khởi đầu bằng môn Trí Quang Chiếu Khắp, kết thúc bằng môn Trụ Hư Không), đó là kinh văn tỉnh lược những môn ở giữa, trong phần chú giải có chép ra.

          (Sao) Kim vị tâm ngoại vô cảnh giới, tâm ngoại vô trí chiếu, tâm ngoại vô hư không, cố bất xuất nhất tâm, tất giai cụ túc.

          ()今謂心外無境界,心外無智照,心外無虛空,故不出一心,悉皆具足。

(Sao: Nay nói là “ngoài tâm không có cảnh giới, ngoài tâm chẳng có trí chiếu, ngoài tâm chẳng có hư không”. Vì thế, chẳng ra ngoài nhất tâm mà thảy đều trọn đủ).

          Đoạn văn này khẩn yếu, không chỉ là hai mươi mốt môn [Niệm Phật] do tỳ-kheo Đức Vân đã nói “bất xuất nhất tâm” (chẳng ra ngoài nhất tâm). Trong phần trước, chúng ta đã đọc thấy [Liên Trì đại sư khẳng định] mười tâm trong kinh Bảo Tích, tám pháp trong kinh Tịnh Danh và mười tâm trong kinh Hoa Nghiêm, cho đến những điều được dạy trong hết thảy các kinh luận, kể cả Thiền và Mật đều chẳng ra ngoài nhất tâm. Pháp môn này trực tiếp tu nhất tâm, dùng phương pháp đơn giản nhất để tu nhất tâm là “một câu A Di Đà Phật”, còn dễ dàng hơn [so với cách tu của] tỳ-kheo Đức Vân rất nhiều. Bất cứ cách niệm Phật hay tu học nào cũng đều rắc rối hơn chấp trì danh hiệu. Người thông minh chọn lựa cách đơn giản nhất, dễ dàng nhất, thẳng chóng nhất, ổn thỏa, thích đáng nhất, nhanh lẹ nhất, mới được coi là người thật sự có trí huệ, đã chọn lựa đúng đắn. Có người nói: “Ta phải học nhiều hơn, biết nhiều hơn”, có đúng là quý vị học nhiều hơn sẽ biết nhiều hơn hay chăng? Giảng về Huyền Nghĩa kinh Hoa Nghiêm, trong phần Giải Thích Tựa Đề Kinh, Thanh Lương đại sư đã nói “hữu giải vô hạnh”, nghĩa là quý vị học rộng nghe nhiều, nhưng chẳng có công phu Giới, Định, Huệ, chẳng thật sự tu hành, kết quả là “tăng trưởng tà kiến”. Nếu quý vị hỏi vì sao tăng trưởng tà kiến ư? Tâm tà! Do tâm tà, thấy hết thảy các pháp đều tà, thấy Phật pháp cũng tà, đạo lý là như vậy đó. Nương theo Giới, Định, Huệ để tu hành, tâm bèn tịnh. Tâm tịnh, thấy hết thảy Phật pháp đều tịnh, thấy hết thảy các pháp thế gian cũng tịnh. Một tịnh, hết thảy tịnh, một tà, hết thảy tà, phải hiểu rõ chuyện này, vàn muôn phần chớ nên đi lầm đường!

          Qua Tứ Hoằng Thệ Nguyện, đức Phật đã dạy chúng ta thứ tự tu học, tương ứng với hết thảy những điều được giảng trong kinh luận Đại Thừa. Điều thứ nhất trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện là phát tâm độ chúng sanh, bỏ mình vì người, phải phát đại tâm này. Hy sinh chính mình để thành tựu người khác, đấy là Bồ Tát phát tâm, là Đại Bồ Đề tâm. Bắt tay vào tu hành, trước hết là đoạn phiền não, “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, sau đấy mới lại học pháp môn. Phiền não là độc; tham, sân, si là Tam Độc! Chẳng trừ hết độc, tuy pháp ấy là Đề Hồ [đã bị xen tạp chất độc]. Trong kinh thường có tỷ dụ: Chúng ta lấy cái chén, cái chén ấy được gọi là “khí” (器: vật dụng). Trước kia, nó chứa độc dược. Không chỉ chẳng trừ sạch độc dược, mà độc dược vẫn còn, rót Đề Hồ vào đó, Đề Hồ cũng biến thành độc dược, chuyện là như thế đó. Ắt phải gột rửa sạch sẽ, độc tiêu trừ hết thì [cái chén ấy] mới gọi là Khí, tức pháp khí! Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn: Đoạn hết phiền não thì quý vị mới là pháp khí, sau đấy mới có thể chứa Đề Hồ, mới có thể học rộng nghe nhiều. Người tu học trong hiện thời chẳng nhấn mạnh điều này. Nói cách khác, đã lấy cái chén chứa độc dược để đựng Đề Hồ. Đề Hồ là thứ tốt đẹp, là cam lộ, [thế mà] uống vào, người ấy chết tươi, chẳng có kẻ nào không chết! Chẳng lẽ là cam lộ Đề Hồ có khuyết điểm hay chăng? Chẳng có khuyết điểm! Quý vị dùng cái chén đã đựng độc dược, mà chẳng tiêu trừ chất độc ấy, chẳng rửa sạch sẽ, đạo lý ở ngay chỗ này. Vì thế, bước đầu tiên trong tu học là đoạn phiền não. Đoạn phiền não là tiêu độc, thành tựu pháp khí của chính mình, sau đấy mới lại “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Do đó, nó thuộc vào giai đoạn thứ hai.

          Các vị đại đức từ xưa, người thời cổ và người hiện thời khác nhau. Thời cổ, lòng người thuần hậu, cuộc sống của mọi người trong xã hội cũng đơn thuần, cảnh giới bên ngoài chẳng có gì dụ dỗ, mê hoặc. Từ bé đã bồi dưỡng cái tâm hiếu kính, cái tâm thuần hậu, cho nên thời gian tiêu độc của họ ngắn ngủi. Cổ nhân học giới năm năm, có những người [làm như thế] năm năm hoặc mười năm, đúng là thân tâm thanh tịnh, tiếp nhận Phật pháp, chẳng cần mất một thời gian rất dài bèn khai ngộ chứng quả. Vì sao? Bản thân người ấy là pháp khí, độc tố ô nhiễm rất nhẹ, rất dễ gột trừ. Người hiện thời thì không được, hoàn cảnh xã hội hiện tại là một cái vò nhuộm to, tức là cái vò nhuộm Tam Độc. Trước kia, chẳng cần nói rất xa, nay tôi đã bảy mươi tuổi. Tôi sanh trưởng ở nông thôn, đến mười bốn tuổi tôi mới hiểu chuyện. Trước đó, đúng là ngây thơ, ngờ nghệch, chuyện gì cũng đều chẳng hiểu. Mỗi ngày, trừ học hành ra bèn chơi đùa, tuổi thơ hạnh phúc. Trẻ nít hiện thời đáng ngại quá! Từ lúc mở mắt ra, chúng đã xem TV, mọi thứ loạn cào cào trong TV chúng đều học được, thứ gì cũng đều hiểu. Trẻ một hai tuổi thứ gì cũng đều hiểu, nó biết quan sát vẻ mặt, biết nịnh nọt người khác, còn làm sao được nữa! Nói cách khác, đến mười bốn, mười lăm tuổi, chúng tôi mới dần dần lây nhiễm bầu không khí trong xã hội. Trẻ con hiện thời vừa mở mắt ra bèn bị ô nhiễm, làm thế nào được nữa!

          Sức dụ dỗ, mê hoặc trong xã hội vượt trỗi xưa kia mấy trăm lần, mấy ngàn lần! Trong quá khứ, năm năm [học giới] có thể gột rửa sạch sẽ thân tâm; hiện thời, tôi thấy tốn năm mươi năm vẫn chẳng gột sạch được! Lời tôi nói là thật, làm thế nào đây? Do vậy, tôi thường khuyên lơn, khích lệ mọi người: Hãy đem nửa đoạn sau [trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện] là “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”“Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành” sang thực hiện bên Tây Phương Cực Lạc thế giới. Trong cuộc đời này, chuyên môn gột rửa thân tâm của chính mình. Tâm tịnh, cõi nước tịnh, như vậy thì mới có thể vãng sanh. Tâm chẳng thanh tịnh, chẳng thể vãng sanh, phải biết điều này. Cổ nhân có thể học rộng nghe nhiều, vì sao? Độc tố cạn, từ năm năm đến mười năm có thể gột sạch; sau đó, họ mới có thể học rộng nghe nhiều, có thể thành tựu. Người hiện thời không được, người hiện thời đúng là năm mươi năm vẫn chẳng thể gột sạch! Gột rửa không sạch, học rộng nghe nhiều sẽ đạt được kết quả như Thanh Lương đại sư đã giảng: “Tăng trưởng tà kiến”. Cớ gì cứ phải làm như vậy? Người ấy chẳng tăng trưởng trí huệ, mà tăng trưởng tà kiến. Điều này rất đáng sợ, trong tương lai vẫn phải tiếp tục luân hồi trong lục đạo. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, cũng phải hiểu rõ chân tướng sự thật, chính mình có thể hạ quyết tâm: Trong đời này, chúng ta học hai câu đầu trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện, nguyện phải rộng lớn, kiên cố, phải nghiêm túc niệm Phật. Dùng câu Phật hiệu để tiêu trừ nghiệp chướng, gột rửa thân tâm, trong tương lai, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới thấy A Di Đà Phật. Khi ấy, sẽ là pháp môn vô lượng thệ nguyện học, rất nhanh chóng! Như vậy thì vãng sanh mới nắm chắc, không đến nỗi bỏ lỡ cơ duyên khó có trong một đời này, duyên phận ấy hết sức khó có. Một câu Phật hiệu bao gồm trọn hết pháp môn Niệm Phật của tỳ-kheo Đức Vân.

          “Kim vị” (Nay nói), “kim” (今) là nói tới những điều được nói trong kinh này. “Tâm ngoại vô cảnh giới, tâm ngoại vô trí chiếu” (Ngoài tâm chẳng có cảnh giới, ngoài tâm chẳng có trí chiếu): Quang minh của chư Phật Như Lai chiếu trọn khắp, cảnh giới viên mãn do chư Phật Như Lai đã chứng đều thuộc trong nhất tâm xưng niệm. Vì vậy, điều khẩn yếu nhất trong niệm Phật là phải nhất tâm xưng niệm. Niệm Phật chớ nên dấy vọng tưởng, dấy vọng tưởng là xen tạp, công phu chẳng đạt được. Nhưng có ai niệm Phật chẳng dấy vọng tưởng? Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Dấy vọng tưởng là xen tạp nghiêm trọng, công phu chẳng đắc lực. Nếu muốn không dấy vọng tưởng, ắt phải buông xuống vạn duyên, nhưng trần duyên thường khăng khăng chẳng buông xuống được! Có một vị đồng tu rất cảm khái nói: “Tôi chuyện gì cũng có thể buông xuống, nhưng chẳng bỏ con cháu được”. Vậy là chẳng có cách nào hết! Hễ có chuyện gì không bỏ xuống được, sẽ là đại chướng ngại, chẳng thể không lưu ý điều này. Hết thảy buông xuống, tạp niệm của quý vị tự nhiên ít đi.

          Trong hoàn cảnh thực tế, trong thời gian dài, vọng niệm lại xen tạp. Trong thời gian ngắn, khống chế dễ dàng. Quý vị bèn hiểu: Thời gian tu hành ngắn bèn có sức mạnh, chúng ta chọn lấy thời gian ngắn. Tôi dạy các đồng tu pháp Thập Niệm. Pháp Thập Niệm là [niệm Phật] mười câu, không giống cách của pháp sư Từ Vân Quán Đảnh. Pháp Thập Niệm do pháp sư Từ Vân truyền dạy thì một hơi được gọi là một niệm, chỉ dùng trong công khóa sớm tối. Tôi dạy “mười niệm” chính là mười câu danh hiệu, trong một hơi đã niệm xong, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, câu này tiếp theo câu kia, xác thực là chẳng có tạp niệm. Mười câu là một lần công khóa viên mãn, chẳng có tạp niệm. Nhưng một ngày phải thực hiện chín lần thì mới có hiệu quả, nghĩa là cách một khoảng thời gian, chẳng dài, ta lại tu một lần. Chín lần tu hành chẳng thể thiếu lần nào; thời gian ấn định vào khi nào? Buổi sáng thức dậy, sau khi rửa mặt, súc miệng, chắp tay cung kính, buông hết thảy niệm xuống, niệm Phật mười tiếng. Đó là “tịnh niệm tiếp nối”, xác thực là “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” như Đại Thế Chí Bồ Tát đã nói, thời gian chỉ cần một phút. Lần thứ hai là khi ăn điểm tâm, giáo đồ nhà Phật thường niệm chú cúng dường: “Cúng dường Phật, cúng dường Pháp, cúng dường Tăng, cúng dường hết thảy chúng sanh”. Nói thật ra là “miệng có, tâm không”, ăn cơm bèn ca xướng một chút, chẳng có tác dụng gì, chẳng bằng chắp tay cung kính, vạn duyên buông xuống, niệm mười câu Phật hiệu, thân tâm thanh tịnh. Ăn cơm như vậy sẽ hữu ích cho tiêu hóa, lợi ích rất nhiều. Lần thứ ba là lúc đi làm, trước khi bắt đầu làm việc, trước hết, chắp tay niệm mười câu Phật hiệu, đầu óc sáng suốt, xử sự càng có lớp lang. Lần thứ tư là khi đã làm xong công việc buổi sáng, khi tan tầm lại niệm một lần. Lần thứ năm là khi ăn cơm trưa, lần thứ sáu khi trở lại làm việc vào buổi chiều, lần thứ bảy là buổi chiều lúc tan sở, lần thứ tám là niệm khi ăn cơm chiều, lần thứ chín là niệm trước khi ngủ. Một ngày chín lần công khóa, chẳng thể thiếu lần nào, nhưng mỗi lần công khóa chỉ cần một phút. Chúng ta dùng chín lần ấy làm “định khóa” (定課: công khóa nhất định), coi những lần khác là “tán khóa” (散課). Tán khóa niệm Phật là hễ chẳng có việc gì bèn niệm Phật. Tôi dạy phương pháp này cho không ít người, họ tu trong hai tuần liền cho tôi biết: “Hết sức hoan hỷ, rất có thọ dụng”. Đây là thích ứng với thời đại này, mọi người công việc bận rộn, [tu kiểu này] chẳng trễ tràng công việc của quý vị, chắc chắn là hữu ích cho công việc. Trong khi quý vị tâm tình bất ổn, vừa niệm mười tiếng Phật hiệu, tâm bình khí hòa, hết sức hữu hiệu. Chuyện này phù hợp “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”, dùng phương pháp này hết sức tốt đẹp. Quý vị tự mình tu, đạt được lợi ích, lại giới thiệu cho người khác. Giới thiệu những phương pháp khác cho người khác, người ta rất khó tiếp nhận, thời gian quá dài! Khóa sớm phải niệm rất nhiều kinh, rất nhiều chú, niệm rất nhiều danh hiệu Phật, Bồ Tát, họ đâu có nhiều thời gian như vậy. Cách này chỉ cần một phút, họ sẽ vui vẻ thực hiện.

          Nhất tâm xưng niệm, cảnh giới và trí chiếu của Như Lai thảy đều ở trong đó. “Bất xuất nhất tâm, tất giai cụ túc” (Chẳng ra ngoài nhất tâm, thảy đều trọn đủ), vô lượng vô biên pháp môn của chư Phật Như Lai thảy đều trọn đủ. Do đó, mười câu này có công đức chẳng thể nghĩ bàn!

          (Sao) Na Tiên kinh vân: “Chư thiện chi trung, độc hữu nhất tâm, tối vi đệ nhất”.

          ()那先經云:諸善之中,獨有一心,最為第一。

(Sao: Kinh Na Tiên[2] chép: “Trong các điều thiện, chỉ có nhất tâm thật là bậc nhất”).

          Niệm Phật là tu nhất tâm trực tiếp. Đắc nhất tâm, hết thảy các pháp thảy đều trọn đủ. Vì thế nói là “chẳng cậy vào phương tiện, tự được tâm khai”. Tâm khai ý giải chính là đại triệt đại ngộ trong Thiền Tông, hoặc đại khai viên giải trong Giáo Hạ. Nhập cảnh giới ấy, hễ quý vị tiếp xúc hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian bèn thông đạt, hiểu rõ.

          (Sao) Nhất kỳ tâm giả, chư thiện tùy chi, chánh thử ý dã.

          ()一其心者,諸善隨之,正此意也。

(Sao: Cái tâm đã chuyên nhất thì các điều thiện đều thuận theo, chính là ý này vậy).

          Thật sự đắc nhất tâm, hết thảy thiện pháp thế gian và xuất thế gian tự nhiên trọn đủ. Không chỉ là trọn đủ, mà còn tự nhiên viên mãn, đúng là “một tu, hết thảy tu”.

          (Sớ) Hựu thử nhất tâm, tức tác thị nhị nghĩa cố.

          ()又此一心,即作是二義故。

          (Sớ: Nhất tâm lại chính là hai nghĩa “làm” và “là”).

           “Tác thị” là gì? Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói: “Thị tâm tác Phật, thị tâm thị Phật” (Tâm này làm Phật, tâm này là Phật). Nhất tâm có ý nghĩa này, trong phần lời Sao sẽ giảng cặn kẽ.

          (Sao) Quán Kinh vân.

          ()觀經云。

          (Sao: Quán Kinh nói). 

          Điều này phát xuất từ kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật.

          (Sao) Tâm tưởng Phật thời, thị tâm tác Phật, thị tâm thị Phật. Kim vị thử kinh nhất tâm trì danh, diêu thử nhất tâm, chung đương tác Phật, tùng nhân chí quả, danh chi viết Tác.

          ()心想佛時,是心作佛,是心是佛。今謂此經一心持名,繇此一心,終當作佛,從因至果,名之曰作。

(Sao: “Khi tâm tưởng Phật, tâm này làm Phật, tâm này là Phật”. Nay kinh này nói “nhất tâm trì danh”, do nhất tâm ấy, cuối cùng sẽ thành Phật. Từ nhân đến quả, nên gọi là Làm).

          Sớ và Sao đều do Liên Trì đại sư tự viết. Lời giải thích này đúng là đơn giản, minh bạch. Vì hai câu ấy trong Quán Kinh rất khó hiểu. Thoạt xem thì dường như rất nông cạn, dễ hiểu; thật ra, hết sức sâu xa, uyên áo. Trong kinh Đại Thừa, đức Phật thường nói: “Hết thảy các pháp do tâm tưởng sanh”. Đức Phật nói câu này rất nhiều lượt, [vì thế], câu này hết sức trọng yếu. Hết thảy các pháp, bao gồm pháp thế gian và pháp xuất thế gian. Pháp xuất thế gian như y báo và chánh báo trang nghiêm của Tỳ Lô Giá Na Phật hoặc Tây Phương Cực Lạc thế giới của A Di Đà Phật. Đó là nhìn lên trên. Nhìn xuống dưới, thì là lục đạo chúng sanh trong hết thảy các thế giới, cho đến ba ác đạo. Hết thảy các pháp do đâu mà có? Từ tâm tạo ra. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” (Hãy nên quán tánh pháp giới, hết thảy chỉ do tâm tạo). Kinh luận Pháp Tướng Duy Thức bảo chúng ta: “Tâm năng hiện tướng, thức năng biến dị” (Tâm có thể hiện tướng, thức có thể biến đổi khác), “hiện tướng” là tác dụng của tâm, đó gọi là “vạn pháp duy tâm”. Tâm hiện ra, sau khi đã hiện ra, tướng ấy bèn dấy lên sự biến hóa. Biến hóa là tác dụng của điều gì? Thức. “Vạn pháp duy thức”, duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Mười pháp giới bất đồng là do thức biến. Thức là tâm tưởng sanh khởi. Tâm tưởng là thức, thức có thể tưởng. Chân tâm bản tánh chẳng tưởng, trong ấy chẳng có tưởng; hiện tướng thì chẳng có tưởng. Do tưởng bèn khởi biến hóa, đó là chân lý. Biết chân lý này, mười pháp giới sanh từ tâm tưởng, tâm chúng ta tưởng Phật bèn biến ra Phật pháp giới. Tưởng A Di Đà Phật bèn biến ra pháp giới của A Di Đà Phật, tưởng Dược Sư Phật bèn biến ra pháp giới của Dược Sư Phật. Tưởng gì biến nấy!

          Mười pháp giới do đâu mà có? Chẳng phải do Phật, Bồ Tát kiến tạo mười pháp giới hòng thưởng phạt chúng ta. [Nếu nghĩ như vậy], sai mất rồi! Chẳng có lẽ ấy! [Mười pháp giới] do tâm của chính mình biến hiện. [Những điều] chúng tôi nghĩ: Nói thật ra, quá phức tạp, đặc biệt là đối với người học Phật; do người học Phật hằng ngày suy tưởng, nên mười pháp giới đều có. Niệm A Di Đà Phật, tưởng Phật, đó là Phật pháp giới. Đợi một lát sau, quên bẵng, muốn đi kiếm tiền, kiếm nhiều hơn một chút, tâm tham dấy lên, ngay lập tức đọa trong ngạ quỷ pháp giới. Gặp chuyện chẳng như ý, nổi cáu, sân hận, đó là địa ngục pháp giới. Nhìn sai sự việc, coi giả là thật, ngỡ thật là giả, chẳng rõ đúng sai, đen trắng điên đảo, đó là súc sanh pháp giới. Từ sáng đến tối, niệm nào cũng đều tưởng. Quý vị tưởng pháp giới nào trong thời gian dài, sức mạnh của sự tưởng pháp giới ấy sẽ to lớn, trong tương lai sẽ là “cường giả tiên khiên” (cái nào mạnh bèn lôi đi trước). Khi quý vị thọ quả báo, cái tưởng nào có sức mạnh sẽ lôi quý vị đi thọ báo trước, đạo lý là như vậy đó. Tâm tham nặng nề biến thành ngạ quỷ, tâm sân khuể nặng nề sẽ đọa địa ngục, do ngu si nặng nề bèn biến thành súc sanh. Do nhân luân, đạo đức, Ngũ Giới, Thập Thiện, sẽ được làm thân người, thượng phẩm [Thập Thiện] bèn sanh trong Dục Giới Thiên. Do vậy, hết thảy các pháp đều sanh từ tâm tưởng.

Cũng có lẽ phải hỏi: Phật nhiều ngần ấy, thế giới Phật lắm như thế, vì sao cứ khăng khăng bảo chúng ta tưởng A Di Đà Phật? Thật ra, không nhất định! Quý vị tưởng đức Phật khác vẫn được, đều có thể thành tựu. Chúng ta khăng khăng tưởng A Di Đà Phật là vì chúng ta tuân theo lời thầy răn dạy. Thầy dạy như vậy, chúng ta học theo như vậy, chúng ta tôn sư trọng đạo. Huống hồ Bổn Sư Thích Ca giáo huấn chúng ta như vậy, lại còn được mười phương hết thảy chư Phật Như Lai khuyên dạy [như vậy], [tưởng, niệm] A Di Đà Phật há còn có thể sai lầm được ư? Chúng ta đọc kinh luận vãng sanh, biết Phật Di Đà và thế giới chúng ta đặc biệt hữu duyên, lại còn có chuyện thù thắng nhất, khó có nhất là đới nghiệp vãng sanh. Trong các cõi của chư Phật Như Lai khác, chẳng hề nói đới nghiệp vãng sanh. Nói cách khác, nếu quý vị chuyên tưởng, tưởng sẽ sanh ra sức mạnh to lớn, mạnh mẽ. Sức mạnh gì vậy? Đoạn phiền não. Trong tâm quý vị chỉ có một vị Phật này, hết thảy các tạp niệm khác đều chẳng có. Đó là Định. Hễ có công phu định lực này, quyết định có thể vãng sanh.

          Chúng ta tưởng A Di Đà Phật mà chẳng đắc Định, là vì sao? Tưởng A Di Đà Phật mà phần lớn thời gian vẫn còn dấy vọng tưởng, cũng có thể vãng sanh, đó gọi là “đới nghiệp vãng sanh”. Vì sao dấy những vọng tưởng khác mà vẫn có thể vãng sanh? Kinh Vô Lượng Thọ đã dạy điều kiện để vãng sanh là “phát Bồ Đề tâm, một mực chuyên niệm”. Chúng ta tin tưởng có Tây Phương Cực Lạc thế giới, tin có A Di Đà Phật, tin A Di Đà Phật tiếp dẫn hết thảy chúng sanh, bao gồm cả bản thân chúng ta trong số đó, phát nguyện quyết định cầu sanh Tịnh Độ, đó là “phát Bồ Đề tâm”. Công phu tu hành là “một mực chuyên niệm”. Trong chú giải kinh Vô Lượng Thọ, cư sĩ Hoàng Niệm Tổ khi chú giải đoạn kinh này, đã trích dẫn khai thị của cổ đức: Người dẫu công việc rất bề bộn, chọn lựa pháp Sáng Chiều Mười Niệm của pháp sư Từ Vân, thọ trì cho đến hết đời chẳng thiếu ngày nào, cũng phù hợp với [yếu chỉ] “một mực chuyên niệm”. Dựa trên trường hợp này để suy diễn, tôi dạy chư vị đồng tu pháp Thập Niệm, mỗi ngày chín lượt, chẳng thiếu lượt nào, đương nhiên càng phù hợp [yếu chỉ] “một mực chuyên niệm”. Nếu thật sự suốt đời chẳng thiếu một lượt nào, quyết định được vãng sanh. Cách niệm này so với cách niệm mười hơi của ngài Từ Vân Quán Đảnh, mỗi ngày chỉ niệm hai lần, hiệu quả phải to hơn. Vì sao? Thời thời khắc khắc nhắc nhở [chúng ta] tưởng A Di Đà Phật. Khi tâm tưởng Phật, thời gian ngăn cách rất ngắn, lập tức buông xuống hết thảy để chuyên tưởng Phật. Tuy thời gian rất ngắn, người ấy chuyên ròng, chẳng có tạp niệm; vì thế, hiệu quả hết sức mạnh mẽ mà hữu lực. Quý vị hãy dùng phương pháp này để tu. Khi tâm tưởng Phật, tâm chúng ta bèn hiện cảnh giới Phật; đó là “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”. Đối với “tâm làm, tâm là”, sách Diễn Nghĩa có chú giải.

          (Diễn) Tâm tưởng Phật thời, thị tâm tác Phật giả, Quán Kinh vân: “Nhữ đẳng tâm tưởng Phật thời, thị tâm tức thị tam thập nhị tướng, bát thập tùy hình hảo, thị tâm tác Phật, thị tâm thị Phật”.

          ()心想佛時,是心作佛者,觀經云:汝等心想佛時,是心即是三十二相八十隨形好,是心作佛,是心是佛。

(Diễn: “Khi tâm tưởng Phật, tâm này là Phật”: Quán Kinh nói: “Khi tâm các ông tưởng Phật, tâm này chính là ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo, tâm này làm Phật, tâm này là Phật”).

          Đó là kinh văn trích từ Quán Kinh.

          (Diễn) Kim thích thị tâm tác Phật giả, Tác hữu nhị nghĩa.

          ()今釋是心作佛者,作有二義。

(Diễn: Nay giải thích câu “tâm này làm Phật”, Tác có hai nghĩa).

          “Tác” có hai ý nghĩa.

(Diễn) Nhất, tịnh tâm năng cảm tha phương ứng Phật, cố danh “thị tâm tác Phật”, tức sớ văn sở vị “Phật bổn thị vô, tâm tịnh cố hữu” dã.

()一、淨心能感他方應佛,故名是心作佛,即疏文所謂佛本是無,心淨故有也。

(Diễn: Một là tịnh tâm có thể cảm ứng Phật ở phương khác, nên gọi là “tâm này làm Phật”, tức là như lời Sớ đã viết: “Phật vốn là không, do tâm tịnh mà có”).

           Phật chẳng có thân, người sơ học nghe nói “chẳng có thân” đều sợ hãi. Chẳng có thân đáng ngán quá! Luôn mong có cái thân, đó là gì? Thân Kiến, Ngã Chấp, vì quan niệm ấy quá kiên cố, khiến cho quý vị từ vô lượng kiếp tới nay đời đời kiếp kiếp đều lưu chuyển trong luân hồi, vĩnh viễn chẳng thể vượt thoát. Do nguyên nhân gì? Đó là do sức mạnh to lớn, mạnh mẽ lôi kéo quý vị, quý vị chẳng có cách nào thoát lìa. Khi Phật giáo chưa truyền đến Trung Hoa, Lão Tử của Đạo Gia đã từng nói một câu: “Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân”, [tức là] Ngài nói ta có mối lo âu lớn nhất là ta có thân. Thân đúng là mối họa hoạn lớn! Chẳng trừ Thân Kiến, không chỉ chẳng thể thoát khỏi tam giới, mà Sơ Quả còn trọn chẳng thể chứng đắc, vì Sơ Quả phải đoạn Hoặc. Trong tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc, điều thứ nhất là đoạn Thân Kiến. Do vậy, Phật chẳng có thân, Phật là tận hư không khắp pháp giới không nơi đâu chẳng tồn tại, giống như hư không, nơi nào có cảm, liền hiện thân nơi đó, tuyệt diệu! Vì chẳng có thân, cho nên có thể hiện hết thảy thân. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng” (Tùy thuận cái tâm của chúng sanh mà ứng hiện phù hợp với khả năng nhận biết của họ). “Ứng” (應) là Ứng Thân, Ứng là tương ứng với tâm cảm của chúng sanh. Tâm chúng sanh có cảm, Phật bèn có ứng. Phật và Bồ Tát, như Quán Thế Âm Bồ Tát đều là chẳng có thân; nơi nào có niệm, các Ngài bèn hiện thân nơi đó. Các Ngài không nơi đâu chẳng tồn tại, không chỗ nào chẳng hiện thân, điều này được gọi là “đắc đại tự tại”! Chúng ta luôn chấp trước thân này là chính mình. Vì thế, chẳng thể hiện thân thứ hai, chẳng thể hiện thân tận hư không khắp pháp giới, khổ quá! Tổn thất to tát! Vì thế, [phải biết] Phật là chân tâm, là bản tánh. Đây là ý nghĩa thứ nhất [của chữ Tác]. Nói theo Lý, tâm chúng ta thanh tịnh, tâm thanh tịnh bèn có cảm ứng. Vì sao? Vì chẳng có chướng ngại.

          Phật, Bồ Tát chẳng có thân tướng, tận hư không khắp pháp giới đều là [thân tướng của các Ngài], có mối quan hệ hết sức mật thiết với chúng ta. Chướng ngại ở chính bản thân chúng ta. Bản thân chúng ta tâm chẳng thanh tịnh, chướng ngại ở chính nơi chúng ta. Tâm chúng ta chẳng thanh tịnh, đó là chướng ngại. Vì thế, Phật, Bồ Tát chẳng thể hiện thân, sự cảm ứng giữa chúng ta và các Ngài bị ngăn ngại. Tâm thanh tịnh, sự chướng ngại ấy chẳng còn nữa. Vì thế, ta tưởng Phật, Phật liền hiện tiền; tưởng Bồ Tát, Bồ Tát liền hiện tiền, cảm ứng đạo giao. Chư vị phải đặc biệt chú ý: Tâm phải thật sự thanh tịnh. Nếu tâm chẳng thật sự thanh tịnh, vừa tưởng Phật, Phật liền hiện tiền, tưởng Bồ Tát, Bồ Tát hiện tiền, đó toàn là ma biến hóa, chẳng phải là Phật [hoặc Bồ Tát ứng hiện thật sự], phải chú ý chỗ này! Cảm ứng thì nhất định là cảm và ứng đều là đúng lý, đúng pháp, [nếu đúng lý, đúng pháp] thì là thật. Nếu không, giả trất. Kinh Lăng Nghiêm có nói năm mươi loại Ấm Ma, trong mỗi một loại đều có vô lượng vô biên [loại Ma nhỏ hơn], ma chướng tầng tầng. Ngàn muôn phần đừng nên coi ma là Phật! Ma có thể lừa gạt kẻ khác, chướng ngại quý vị. Ma có thể biến hiện thân tướng Phật hoặc Bồ Tát để dụ dỗ, mê hoặc quý vị. Quý vị đọc kinh Lăng Nghiêm, thấy cảnh giới của Ấm Ma, đúng là chúng ta chẳng có năng lực phân biệt chúng nó là ma. Chúng hiện cảnh giới gần giống hệt như Phật. Chúng nó biến hiện, chẳng phải [là cảnh giới Phật] thật sự, nhằm lừa phỉnh, dụ dỗ, mê hoặc quý vị.

Kinh Lăng Nghiêm dạy chúng ta một nguyên tắc: Cảnh giới hiện tiền, chẳng cần quan tâm đến, nó sẽ là cảnh giới tốt đẹp. Cảnh giới hiện tiền mà chẳng quan tâm tới thì Phật cũng thế, ma cũng vậy, thảy đều chẳng đoái hoài, ta vẫn nhất tâm niệm A Di Đà Phật, đó là đúng. Cảnh giới hiện tiền, chớ nên sanh tâm hoan hỷ. Sanh tâm hoan hỷ, sanh tâm nhiễm trước, quý vị sẽ bị lừa, nhất định phải biết điều này. Đối với sự cảm ứng, Phật, Bồ Tát hiện cảnh giới, đó là chuyện rất bình thường, chẳng có gì hiếm hoi, kỳ lạ, cũng chẳng có gì là lỗi lạc! Bất cứ người nào tâm thanh tịnh đều có thể cảm Phật hiện thân, có gì hiếm hoi, lạ lùng đâu nhỉ? Thường là người trông thấy cảnh giới ấy, [bèn dấy lên vọng tưởng]: “Ta thấy Phật, công phu của ta tốt đẹp, các ngươi chẳng bằng ta”, ngay lập tức bị ma dựa. Vì sao? Tâm chẳng thanh tịnh, nhiễm trước, kiêu căng, ngã mạn sanh khởi, coi thường người khác, lập tức bị đọa lạc. Chư vị ắt phải ghi nhớ điều này thì mới chẳng đến nỗi đọa trong ma chướng. Tịnh tâm cảm ứng là chuyện rất dễ dàng, người bình phàm chúng ta đều có thể gặp cơ duyên này.

          (Diễn) Nhị, tam-muội năng thành kỷ chi quả Phật.

          ()二、三昧能成己之果佛。

(Diễn: Hai là tam-muội có thể thành tựu quả Phật của chính mình).

          Cảnh giới này cao lắm, tự mình thành Phật.

          (Diễn) Cố danh thị tâm tác Phật, tức Sớ văn sở vị diệc nhân tam muội tâm chung thành tác Phật dã. Sơ tác tha Phật, thứ tác kỷ Phật.

          ()故名是心作佛,即疏文所謂亦因三昧心終成作佛也。初作他佛,次作己佛。

(Diễn: Cho nên gọi là “tâm này làm Phật”, tức là như lời Sớ đã nói: “Cũng do cái tâm tam-muội mà rốt cuộc thành Phật”. Thoạt đầu là làm vị Phật khác, kế đó là làm vị Phật của chính mình).

          Hai ý nghĩa ấy. Chính mình thành Phật, Thiền Tông nói hay lắm: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Nơi nào cơ duyên chín muồi, “đáng nên dùng thân Phật để đắc độ, bèn hiện thân Phật để thuyết pháp”. Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo bèn có năng lực hiện thân Phật có ba mươi hai tướng, tám mươi thứ hảo để vì chúng sanh thuyết pháp. Đó là ý nghĩa thứ hai của “tâm này làm Phật”. Hôm nay chúng tôi giảng tới chỗ này.

[1] Do hòa thượng Tịnh Không lược đi không giảng phần này, chúng tôi sao lục từ sách Diễn Nghĩa lời chú giải về hai mươi mốt môn Niệm Phật của tỳ-kheo Đức Vân như sau:

“Ta đắc pháp môn Ức Niệm Nhất Thiết Chư Phật Cảnh Giới Trí Huệ Quang Minh Phổ Kiến”: ‘Chư Phật cảnh giới’ là cảnh được quán. Nói ‘nhất thiết’ nghĩa là trọn khắp chiều ngang, cùng tột theo chiều dọc. Trí huệ quang minh là cái trí năng quán. Phổ Kiến pháp môn gồm thâu hai môn trước (tức Chư Phật Cảnh Giới và Trí Huệ Quang Minh) để tổng kết tên gọi [của pháp môn này], ý nói: Dùng trí huệ để quán cảnh giới của chư Phật nên gọi là Phổ Kiến.

Hai mươi mốt môn niệm Phật là: Một, trí quang phổ chiếu, hai là ‘khiến cho hết thảy chúng sanh [niệm Phật]’, ba là ‘khiến cho an trụ nơi lực’, bốn là ‘khiến cho an trụ nơi pháp’. năm là ‘sáng ngời các phương’, sáu là ‘vào chỗ chẳng thể thấy’, bảy là ‘trụ trong các kiếp’, tám là ‘trụ trong hết thảy thời’, chín là ‘trụ trong hết thảy cõi’, mười là ‘trụ trong hết thảy đời’, mười một là ‘trụ trong hết thảy cảnh’, mười hai là ‘trụ tịch diệt’, mười ba là ‘trụ nơi viễn ly’, mười bốn là ‘trụ rộng lớn’, mười lăm là ‘trụ vi tế’, mười sáu là ‘trụ trang nghiêm’, mười bảy là ‘trụ năng sự’, mười tám là ‘trụ nơi tâm tự tại’, mười chín là ‘trụ trong nghiệp của chính mình’, hai mươi là ‘trụ nơi thần biến’, hai mươi mốt là ‘trụ hư không’. Trí quang phổ chiếu là thường thấy hết thảy các cõi Phật, các thứ cung điện thảy đều trang nghiêm, thanh tịnh. Trụ hư không là quan sát thân Như Lai nhiều như mây, trang nghiêm pháp giới hư không”. Nếu muốn tìm hiểu chi tiết hơn về hai mươi mốt môn Niệm Phật này, xin hãy tham khảo bài giảng về Tứ Thập Hoa Nghiêm Cát Tường Vân Tỳ Kheo Chương của hòa thượng Tịnh Không.

[2] Kinh này còn có tên là Di  Lan  Đà  Vương  Vấn  Kinh, gồm hai quyển, thường gọi

tắt là Na Tiên Kinh, được dịch sang tiếng Hán dưới thời Đông Tấn, đã mất tên người dịch. Kinh này ghi lại cuộc vấn đáp giữa tỳ-kheo Na Tiên (Nāgasena, còn phiên âm là Na Già Thê Na, Na Già Tư Na, dịch nghĩa là Long Quân, hoặc Tượng Quân) và vua Di Lan Đà (Milinda hoặc Menandros), quốc vương xứ Đại Hạ (Bactria) ở Tây Bắc Ấn Độ. Qua cuộc vấn đáp ấy, ngài Na Tiên đã hóa độ nhà vua quy kính Phật pháp. Nội dung cuộc vấn đáp này xoay quanh những giáo nghĩa duyên khởi, vô ngã, nghiệp báo, luân hồi v.v…

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *