Tập 148/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 148

           Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm mười sáu:

          (Sao) Tam ngôn hương giả, thử phương bỉ quốc tương giảo thắng liệt, diệc hữu nhị nghĩa.

            () 三言香者,此方彼國相較勝劣,亦有二義。

          (Sao: Ba là nói về hương, so sánh sự hơn kém giữa phương này và cõi kia thì cũng có hai nghĩa).

          Đây là nói về hoa sen “vi diệu hương khiết”, trong phần trước, đã giới thiệu ý nghĩa “vi diệu. Dưới đây, chúng ta xem ý nghĩa của hai chữ “hương khiết”. Trong chú giải, đại sư đã giảng rõ: Hương của hoa sen trong thế giới Sa Bà đem so với hương trong thế giới Cực Lạc thì cũng có hai ý nghĩa:

            (Sao) Nhất giả, thử phương tắc xuất ô nê trung, nghi v sở hỗn, nhi thanh hinh chiêm nhiên, thị vi “uế trung hương”.        

          () 一者,此方則出汙泥中,宜為所溷,而清馨澹然,是為穢中香。

          (Sao: Một là [hoa sen] nơi cõi này mọc từ bùn nhơ, lẽ ra phải nhuốm bẩn, mà lại nghiễm nhiên thơm sạch. Đó là Hương trong chốn ô uế).

          Hoa sen trong thế gian này cũng có hương, nhưng kém hơn thế giới Cực Lạc.

          (Sao) Nhị giả, bỉ quốc tắc như Đại Bổn ngôn.

       () 二者,彼國則如大本言。

          (Sao: Hai là nước kia thì như kinh Đại Bổn đã nói).

          Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ, giảng rất tỉ mỉ.

          (Sao) Quang sắc ký dị, hương khí diệc dị, phân phương phức úc, bất khả thắng ngôn. Cố thanh liên hoa hương, bạch liên hoa hương. Tụng tư kệ giả, thượng trí khẩu xuất liên hoa chi hương, siêu nhất thiết hương, hương vô dữ tỷ, thị vi “hương trung hương”. Tắc tri thử phương chi hương, dĩ thắng dư hoa, bỉ quốc nãi thắng nhi hựu thắng giả dã.

          () 光色既異,香氣亦異,芬芳馥郁,不可勝言,故青蓮華香,白蓮華香。誦斯偈者,尚致口出蓮華之香,超一切香,香無與比,是為香中香。則知此方之香,已勝餘華,彼國乃勝而又勝者也。

          (Sao: Quang minh và màu sắc đã lạ lùng, hương thơm cũng lạ, thơm tho, ngào ngạt, chẳng thể kể xiết. Vì thế, hương hoa sen xanh, hương hoa sen trắng, người tụng bài kệ ấy còn đến nỗi miệng có mùi thơm hoa sen, vượt trỗi hết thảy các thứ hương, chẳng hương nào sánh bằng. Đó là “hương thơm nhất trong các loại hương”. thế biết hương sen trong cõi này (Sa Bà) đã trỗi vượt [mùi hương của] các thứ hoa khác, nhưng cõi kia lại còn thù thắng hơn nữa).

          Đoạn văn này chẳng khó hiểu. Nói thực tại thì thế giới Tây Phương cảm ứng đạo giao chẳng thể nghĩ bàn. Nói đến cảm ứng thì hôm qua có một đồng tu ở Tân Trúc gọi điện thoại cho tôi, tôi và ông ta chưa gặp mặt, ông ta nghe băng thâu âm lời giảng kinh của tôi, nghe rất hoan hỷ. Ông ta hỏi tôi một câu: “Phật, Bồ Tát hóa thân có phải là thật hay không?” Tôi nói: “Xác thực là có chuyện ấy”. Ông ta kể: Cách đây không lâu, vợ ông ta qua đời, do niệm Phật mà vãng sanh. Có một vị xuất gia đến đưa tiễn (nghĩa là hộ niệm) vợ ông ta, trong miệng cũng niệm liên tục, nhưng nghe chẳng ra ông ta đang niệm điều gì. Vị xuất gia ấy tướng mạo hết sức đoan nghiêm, trước nay chưa hề thấy, cũng chẳng biết vị ấy trụ nơi đâu, cũng chẳng biết tên gì. Vị ấy ngồi trong nhà rất lâu, còn chơi giỡn với cháu nội ông ta. Khi vị ấy đã rời đi, hỏi dò hàng xóm, chưa có ai trông thấy vị ấy. Vì lẽ đó, ông ta hỏi về chuyện này, hết sức lạ lùng, có người như vậy đến viếng!

          Tôi liền kể: Xưa kia, phu nhân Châu Bang Đạo khi ở Nam Kinh đã gặp Địa Tạng Vương Bồ Tát đến nhà bà ta hóa duyên, đó cũng là hóa thân. Do vậy, tôi hỏi ông ta: “Vợ ông nhất định hết sức thiện lương, thiện căn sâu dầy?” Ông ta đáp: “Đúng vậy, lời ấy chẳng sai tí nào! Tôi và bà ta kết hôn ba mươi năm, miệng bà ta trước nay chưa hề thốt lời thô tháp, trước nay chưa từng tranh cãi với người nhà”. Tôi nói: “Nếu không phải là thiện căn khá sâu dầy, lâm chung sẽ chẳng thể cảm Phật, Bồ Tát hóa thân hiện tiền. Đó là thụy tướng vô cùng tốt đẹp, là vị Phật, Bồ Tát nào hóa thân hiện đến, chẳng biết, nhưng quyết định là hóa thân”. Nói thật ra, Phật, Bồ Tát thường thị hiện trong nhân gian, nhưng chúng ta là phàm phu mắt thịt chẳng thể nhận biết. Đó là nói về sự cảm ứng.

          Hoa sen trong thế giới Tây Phương, không chỉ là quang minh chiếu khắp, mà còn là bảo hương ph huân (hương báu xông khắp), nên thế giới ấy được gọi là thế giới Hương Quang, tất cả hết thảy các chất báu đều có mùi thơm. Chẳng giống như chất báu trong thế gian này có ánh sáng, nhưng không có mùi thơm. Mùi thơm có thể khác nhau, nhưng xác thực là thật sự có mùi thơm. Chúng ta niệm kinh, niệm kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, niệm A Di Đà Phật, trong miệng đều tỏa hương, đều có sự cảm ứng ấy. Người học Phật hơi miệng còn hôi thì chính mình phải cảnh giác, nghiệp chướng nặng nề, một chút cảm ứng nhỏ nhặt cũng không có. Mùi hôi có thể biến đổi, người tu hành thật sự chẳng cầu mà tự nhiên có.

          Xưa kia, Trần lão cư sĩ, tôi xuất gia lúc ba mươi ba tuổi tại chùa Lâm Tế, ông ta là [cư sĩ] hộ pháp của chùa Lâm Tế. Có lần, tôi và ông ta mười mấy năm chưa gặp mặt, ông ta đến thăm Đồ Thư Quán, gặp tôi rất hoan hỷ, bảo: “Thầy học Phật giảng kinh nhiều năm như thế có cảm ứng”. Tôi nói: “Có cảm ứng gì vậy?” Ông ta nói: “Xưa kia miệng thầy rất thối, nay hoàn toàn chẳng còn nữa”. Đó là thật, khá nhiều thứ cảm ứng, có khi chính mình biết, có lúc chính mình chẳng biết. Do vậy, nhất định phải nghiêm túc tu học, chẳng cần cầu cảm ứng, mà tự nhiên có cảm ứng. Cầu cảm ứng, tâm sẽ chẳng thanh tịnh. Quý vị không cầu, tự nhiên xoay chuyển! Đó là quý vị tiêu nghiệp chướng, hết thảy điều tốt lành tự nhiên hiện tiền.

          Thế giới Cực Lạc đúng như Liên Trì đại sư đã nói, mùi hương chẳng thể nghĩ bàn. Đó gọi là hương trung chi hương (hương thơm nhất trong các mùi hương), chẳng thể sánh tầy. Bản thân chúng ta đang lễ Phật, hoặc đang niệm kinh, niệm Phật, có khi cảm ứng, ngửi thấy mùi hương lạ. Mùi hương ấy quý vị cũng chẳng thể diễn tả được! Vì sao? Trước nay chưa từng ngửi thấy, cũng chẳng biết mùi hương ấy tỏa ra như thế nào? Một người ngửi thấy, [hoặc] rất nhiều người cùng nhau ngửi thấy, đều có! Mùi hương ấy chẳng thuộc về thế gian này. Năm xưa, tôi ở Ôn Ca Hoa (Vancouver), ông Trần Đại Xuyên kể, ông ta từng ở Đạt Lạp Tư (Dallas), nước Mỹ, mấy đồng tu buổi tối tán gẫu Phật pháp trong sân, bỗng nhiên có một làn hương lạ, năm, sáu người đều ngửi thấy, thời gian khá dài, chẳng biết là mùi thơm gì, tuyệt đối chẳng phải là mùi các loài hoa trồng trong sân. Ông ta đem chuyện ấy kể với tôi, đó là cảm ứng!

          Tuy chưa đến thế giới Cực Lạc, nhưng hương báu trong thế giới Cực Lạc xông khắp, thế gian này cũng có thể ngửi thấy. Chẳng thấy quang minh, chẳng ngửi thấy hương báu, tức là bản thân chúng ta có nghiệp chướng. Chướng ngại phát sanh từ nơi chính chúng ta, chứ chẳng phải là hương thơm và quang minh chẳng thấu đến thế gian này. Tâm địa chúng ta thanh tịnh một chút, sẽ đúng như kinh thường dạy: Một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”. Chỉ cần quý vị có một niệm tương ứng, trong một sát-na, quý vị liền có thể thấy quang minh, ngửi mùi hương; nhưng chúng ta chớ nên cầu! Hễ có tâm mong cầu thì tâm ấy là chướng ngại, chẳng thanh tịnh. Do vậy, hãy thành tâm thành ý niệm Phật là được!

          (Sao) Tứ ngôn khiết giả, thử bỉ thắng liệt, diệc hữu nhị nghĩa.

          () 四言潔者,此彼勝劣,亦有二義。

          (Sao: Bốn là nói đến Khiết thì so sánh hơn kém giữa phương này và cõi kia, cũng có hai nghĩa).

           “Này” là thế giới Sa Bà. “Kia” là thế giới Cực Lạc. Luận về Khiết Tịnh thì hai thế giới cũng chẳng giống nhau.

          (Sao) Nhất giả, thử phương tắc xuất ô nê trung, nghi v sở nhiễm.

            () 一者,此方則出汙泥中,宜為所染。

          (Sao: Một là phương này, [hoa sen] mọc từ bùn lầy, lẽ ra phải nên bẩn).

          Rễ của hoa sen trong thế gian này sanh trưởng từ bùn lầy, bùn lầy đương nhiên là nhơ bẩn.

          (Sao) Nhi oánh nhiên thanh tịnh, thị vi cấu trung khiết.

          () 而瑩然清淨,是為垢中潔。

          (Sao: Nhưng rạng ngời, thanh tịnh, đó là trong sạch trong dơ bẩn).

          Hoa nở trên mặt nước, nhưng rễ mọc trong bùn lầy, nên là khiết tịnh trong chốn nhơ bẩn.

            (Sao) Nhị giả, bỉ quốc tắc căn tự kim sa, dị trược thổ cố.

          () 二者,彼國則根自金沙,異濁土故。

          (Sao: Hai là, cõi kia rễ sen mọc từ cát vàng, khác với đất bẩn).

           Chúng ta thấy ao bảy báu cát vàng phủ đất, đáy ao là cát bằng vàng, chẳng giống đáy ao của chúng ta là bùn cát.

          (Sao) Sanh tùng đức thủy, d thường lưu cố.

            () 生從德水,異常流故。

          (Sao: Sanh từ nước tám công đức, khác với nước thông thường).

          Nước ấy có tám thứ công đức, chẳng giống nước trong thế gian này. “Thường lưu” là nước thông thường trong thế gian này!

          (Sao) Chất thành diệu bảo, d phàm hủy cố.

       () 質成妙寶,異凡卉故。

          (Sao: Thể chất do chất báu nhiệm mầu tạo thành, khác với những loài cây cỏ tầm thường).

           Chất liệu của hoa là do các thứ báu mầu nhiệm hợp thành. “Phàm hủy”: Hoa sen trong thế gian này là loài thân thảo.

(Sao) Siêu nhất thiết khiết, khiết vô dữ tỷ, thị vi khiết trung khiết.

          () 超一切潔,潔無與比,是為潔中潔。

          (Sao: Vượt trỗi hết thảy các thứ thanh khiết, thanh khiết chẳng thể sánh bằng, là thanh khiết nhất trong các thứ thanh khiết).

          Ý nghĩa này cũng rất dễ hiểu.

          (Sao)  Thắng nhi hựu thắng,  lệ thượng khả tri.  Dĩ thượng tùng

kỳ thiết cận, lược biểu tứ đức, nhược quảng diễn chi, diệc ưng vô lượng.

          () 勝而又勝,例上可知。以上從其切近,略表四德,若廣演之,亦應無量。

          (Sao: Đã thù thắng lại càng thù thắng hơn, chuẩn theo những điều trên đây bèn có thể biết. Những điều vừa nói trên đây chỉ là dựa theo những gì thiết thực, gần gũi, để nêu bày đại lược bốn đức. Nếu giảng rộng thì các đức cũng phải là vô lượng).

          Ở đây, Liên Trì đại sư nêu kết luận, nói rõ phẩm đức của hoa sen là vô lượng vô biên, bốn thứ vi diệu hương khiết” là nói đại lược. Đối với hai ý nghĩa “hương khiết” nếu nói theo Lý thì hoa do tự tánh biến hiện; chúng sanh trong mười phương thế giới chỉ cần phát tâm niệm Phật, có ý nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ao bảy báu liền trổ một đóa hoa sen. Nay chúng ta đang ở trong thế giới Sa Bà thế giới, luân hồi trong lục đạo, phiền não chưa đoạn, Tánh Đức chẳng hoàn toàn hiển hiện, hoa sen vẫn sanh từ bùn lầy, nhưng chẳng nhiễm. Nói cách khác, chẳng bị phiền não nhuốm dơ. Có phiền não hay không? Có. Giống như người niệm Phật chúng ta chưa đoạn Kiến Tư phiền não, có phiền não! Tuy chưa đoạn, nhưng một câu Phật hiệu của chúng ta quyết định chẳng nhiễm phiền não. Chúng ta niệm quyển kinh Vô Lượng Thọ mỗi ngày, tâm quyết định chẳng nhiễm phiền não. Không chỉ tâm chẳng nhiễm, mà miệng cũng chẳng nhiễm, thân – ngữ – ý ba nghiệp đều chẳng nhiễm phiền não. Tuy chẳng đoạn phiền não, mà chẳng nhiễm phiền não, giống như hoa sen trong thế gian này, đó gọi là “uế trung chi hương.

          Sanh sang Tây Phương Cực Lạc thế giới, thân chúng ta sẽ khác hẳn, sang bên kia là liên hoa hóa sanh, giống như trong Đại Kinh đã nói: “Kim Cang Na La Diên thân, tử ma kim sắc, tam thập nhị tướng, bát thập chủng hảo”, giống như thân tướng của A Di Đà Phật, hoàn mỹ chẳng thiếu sót. Thân tướng trong Tây Phương Cực Lạc thế giới tốt đẹp dường ấy, đó gọi là “viên cụ ngũ phần Pháp Thân hương” (đầy đủ trọn vẹn năm phần Pháp Thân hương), trọn đủ năm phần. Chúng ta trong khi niệm Phật, tụng kinh, lễ sám, bèn cùng một lúc đầy đủ. Năm phần Pháp Thân là Giới Hương, Định Hương, Huệ Hương, Giải Thoát Hương, Giải Thoát Tri Kiến Hương. Đặc biệt là trong pháp môn Niệm Phật, quý vị niệm kinh Di Đà, niệm kinh Vô Lượng Thọ, niệm A Di Đà Phật, đúng là đầy đủ năm phần [Pháp Thân]. Không chỉ là năm phần Pháp Thân trọn đủ, mà nói thật ra, trong hết thảy Phật pháp, chẳng có pháp nào không trọn đủ. Vì Liên Trì đại sư nói một câu Phật hiệu cai la bát giáo, viên nhiếp ngũ tông (bao trùm tám giáo, nhiếp trọn năm tông). Một câu Phật hiệu thống nhiếp hết thảy Phật pháp, là cương lãnh của hết thảy Phật pháp, quý vị mới biết Phật hiệu chẳng thể nghĩ bàn.   

Hiện thời chúng ta thấy có rất nhiều người phát sóng các chương trình Phật pháp trên đài truyền thanh, phát sóng [các chương trình] giảng kinh của pháp sư. Giảng kinh nếu nói sai một câu sẽ phải chịu trách nhiệm nhân quả, phải gánh trách nhiệm nhân quả rất nặng! Cổ đức thường nói: Niệm kinh không bằng niệm chú, niệm chú không bằng niệm Phật”. Chúng tôi thật sự có một nguyện vọng, hy vọng trong tương lai có cơ hội sẽ mua một số giờ [phát sóng] trên đài truyền thanh, để làm gì? Niệm kinh, chẳng phải là giảng kinh. Giống như nay chúng ta đem băng thâu âm tiếng niệm kinh Vô Lượng Thọ phát trên đài phát thanh, công đức vô lượng vô biên, chắc chắn chẳng có lỗi lầm. Trừ chuyện ấy ra, còn có một điều có thể làm là phát thanh băng thâu âm tiếng niệm Phật hiệu Nam-mô A Di Đà Phật” trên đài truyền thanh, khiến cho mọi người mở radio lên đều có thể nghe thấy, công đức ấy lớn lắm! Công đức phát sóng băng thâu âm to hơn công đức mời pháp sư giảng kinh rất nhiều, lại vừa đơn giản, vừa thuận tiện. Niệm Phật thì điệu niệm Phật nào hay bèn dùng điệu ấy để phát sóng; làm như vậy sẽ có thể độ vô lượng vô biên chúng sanh, Đài Loan sẽ là phước địa, là đảo báu thật sự.

          Giảng kinh đôi khi còn có mấy câu giảng trật, [ví như] trong Đề Hồ xen lẫn thuốc độc, chẳng dễ dàng! Thí dụ như chúng ta phát tâm làm chuyện tốt, khá lắm, có những chuyện tốt tuy không có tội, nhưng trong ấy có lỗi lầm thì cũng có thể hại người. Đọc kinh chẳng hại người, niệm kinh rành mạch, rõ ràng. Ở đây, chúng ta in kinh sách biếu tặng, sau khi nghe xong, họ vui thích, hãy bảo cho họ biết chỗ nào có kinh sách: “Hễ gọi điện thoại cho chúng tôi, chúng tôi liền gởi cho quý vị”. Vì thế, quá nhiều chỗ có thể làm công đức thật sự, ngàn vạn phần chớ đâm quàng vào lối rẽ.

          Đây là hương báu vô lượng Ba La Mật trong tự tánh của chúng ta. Tuy tự tánh ở trong tam giới lục đạo luân hồi, nhưng nó tùy duyên bất biến, Chân Như bổn tánh của chúng ta trước nay chưa hề biến đổi, đó là gì? Đó là khiết tịnh giữa chỗ cấu uế. Giống như thế giới Sa Bà, đối với cái thân hiện tại, chúng ta có thể đúng lý đúng pháp tu học, thân tâm thanh tịnh; sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, viên chứng ba món Bất Thoái, thanh tịnh viên mãn, đó là Khiết trung Khiết” nơi tự tánh. Nếu chẳng sanh về Tây Phương, làm được bốn chữ ấy (“vi diệu hương khiết”) khá khó khăn. Chưa sanh về Tây Phương, tu học pháp môn này, hiện thời có thể đạt được ít phần, quý vị mới biết pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn.

          Thế giới hiện thời hết sức hỗn loạn, vô duyên vô cớ cả đống người tử vong. Đừng nghĩ những ngày tháng tốt lành của chúng ta rất dài! Ngẫm lại, người ngoại quốc tiên đoán tận thế nhằm ngày nào? Năm 1999, năm nay là 1989, [theo dự đoán ấy] còn mười năm nữa tận thế sẽ xảy ra. Nói kiểu ấy là nhìn vào cái tâm và động thái của của người trên cả thế giới trong hiện thời, có lý, chẳng phải là vô lý! Phật pháp nói đến nhân quả, thiện có thiện báo, ác có ác báo, tâm con người trên cả thế giới chẳng tốt đẹp, đầy ắp tham, sân, si, mạn, lừa mình, dối người. Thế giới hiện thời là thế giới lừa người, thường nói là “nghe lừa, chẳng nghe lời khuyên. Thế giới lừa người thì thế giới này còn có tương lai [tốt đẹp] nữa hay chăng? Vì thế, trước khi vãng sanh, thầy Lý đã bảo: Chư Phật, Bồ Tát, tất c thần tiên đều chẳng cứu được, chẳng có cách nào cả! Vì thế, cụ chẳng giảng kinh Hoa Nghiêm nữa. Cụ vốn tính giảng kinh Hoa Nghiêm viên mãn xong, bèn giảng thêm một bộ kinh A Di Đà nữa rồi mới vãng sanh. Cụ bảo chỉ có một con đường sống là “niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ”. Trừ con đường ấy ra, chẳng có con đường nào dễ đi! Chúng ta phải đặc biệt cảnh giác điều này. Lại xem tiếp đoạn dưới, do sợ có người nghi hoặc, ở đây, đại sư giả lập một đoạn vấn đáp:

          (Sao) Vấn: “Hữu vị hạ phẩm hạ sanh, sanh thiết liên hoa, kỳ thuyết nhiên phủ?”

          () 問:有謂下品下生,生鐵蓮華,其說然否。

          (Sao: Hỏi: Có kẻ hỏi hạ phẩm hạ sanh bèn sanh trong hoa sen bằng sắt. Lời ấy đúng hay không?”)

          Liên Trì đại sư là người sống vào cuối đời Minh, [thuở ấy] có những kẻ bịa chuyện đặt điều, [đồn đại] hạ phẩm hạ sanh bèn sanh trong hoa sen sắt, nên hỏi cách nói ấy đúng hay sai!

          (Sao) Đáp: “Vị kiến Phật thuyết”.

          () 答:未見佛說。

          (Sao: Đáp: Chưa thấy đức Phật nói).

          Tra khắp ba kinh Tịnh Độ chẳng có cách nói này! Hạ phẩm hạ sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều là hoa sen bảy báu, đều là bảo hoa, chẳng nghe nói có hoa sen bằng sắt. Vì thế, người học Phật nhất định phải ghi nhớ Tứ Y Pháp của đức Phật. “Y pháp, bất y nhân”, Pháp là gì? Kinh điển. Kinh điển quan trọng nhất để người tu Tịnh Độ chúng ta y cứ là kinh Vô Lượng Thọ, kinh ấy giảng tỉ mỉ nhất. Tịnh Độ Tam Kinh là kinh Vô Lượng Thọ, kinh Di Đà, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, chúng ta dựa vào những kinh này. Trong các kinh điển hiện nay vẫn còn [gìn giữ được], có năm bản dịch gốc [của kinh Vô Lượng Thọ]. Hiện thời cuốn Tịnh Độ Ngũ Kinh Độc Bổn do chúng tôi mới ấn hành, nội dung rất hoàn chỉnh, đây là [kinh văn để] chúng ta y cứ. Bất luận kẻ nào nói gì, chỉ cần tra trong năm kinh mà không thấy thì chúng ta chẳng cần phải tin tưởng kẻ đó, những lời lẽ đó là bịa đặt đồn thổi! Mười phương chư Phật giới thiệu Tịnh Độ, cũng quyết định chẳng nói trái nghịch những gì [Thích Ca Mâu Ni Phật] đã nói trong ba kinh. Tuy là ngôn ngữ sử dụng khác nhau, nhưng ý nghĩa quyết định giống nhau. Đức Phật dạy chúng ta phải “y pháp, bất y nhân”, bất luận kẻ khác nói gì đi nữa, chúng ta không cần tin tưởng.

          Hiện thời có kẻ nói: “Quý vị niệm một câu A Di Đà Phật bèn có thể vãng sanh ư?” Cớ sao không thể vãng sanh? Người niệm câu A Di Đà Phật được vãng sanh nhiều lắm, ngồi mất, đứng vãng sanh, rất nhiều! Câu này có căn cứ hay không? Có! Trong kinh Vô Lượng Thọ có nói: Lâm chung mười niệm hoặc một niệm đều có th vãng sanh”. Đại Kinh đã dạy rõ: Phát Bồ Đề tâm, một bề chuyên niệm, đây là điều kiện vãng sanh cần phải hội đủ. Phát Bồ Đề tâm là Tín Nguyện, một bề chuyên niệm là Hạnh, ba điều Tín – Nguyện – Hạnh trọn đủ. Trong Tịnh Độ Tông nói “phát Bồ Đề tâmcó điểm khác biệt với những nghĩa thú thường nói [trong các tông phái hoặc pháp môn khác]. Trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói rất hay: “Thật sự phát tâm cầu nguyện vãng sanh Tịnh Độ, tâm ấy là Vô Thượng Bồ Đề tâm”. Vì vậy, chúng ta có thể nói “Vô Thượng Bồ Đề tâm là tín nguyện”. Quý vị trọn đủ tín nguyện, tức là quý vị đã phát Vô Thượng Bồ Đề tâm. Nhất tâm chuyên niệm, ba tư lương trọn đủ, chẳng ai không vãng sanh. Vì thế, đại sư đáp là “chưa thấy đức Phật nói” [hạ phẩm hạ sanh sẽ sanh trong hoa sen bằng sắt].

          (Sao) Như thượng sở minh, sắc bất chỉ tứ.

          () 如上所明,色不止四。

          (Sao: Như những điều đã nói trên đây, [hoa sen] không phải chỉ có bốn màu).

          Phần trên đã nói hoa sen không phải là chỉ có bốn màu.

          (Sao) Hữu thất bảo hoa, tắc tri kim liên hoa giả, hoàng sắc sở nhiếp.

          () 有七寶華,則知金蓮華者,黃色所攝。

          (Sao: Có hoa bảy báu, nên biết là hoa sen vàng thuộc vào hoa màu vàng).

          Màu vàng, ánh sáng vàng. Màu trắng, ánh sáng trắng. Hoàng kim là màu vàng, nên [hoa sen bằng vàng] thuộc về màu vàng.

          (Sao) Pha lê, xa cừ, cập dữ ngân liên, bạch sắc sở nhiếp.

          () 玻璃硨磲,及與銀蓮,白色所攝。

          (Sao: Hoa sen bằng pha lê, xa cừ, và bạc, thuộc v sắc trắng).

          Nay chúng ta gọi “pha lê” là thủy tinh, còn gọi là thủy ngọc. “Xa cừ” là loài trai lớn, vỏ trai rất lớn, rất dầy, màu trắng, rất đẹp mắt. “Ngân” cũng là màu trắng. Hoa sen màu trắng thuộc về các loại báu ấy.

          (Sao) Xích châu, mã não, hồng sắc sở nhiếp, nãi chí lưu ly, diệc hoàng sắc nhiếp.

          () 赤珠瑪瑙,紅色所攝,乃至琉璃,亦黃色攝。

          (Sao: Xích châu, mã não, thuộc về màu hồng, cho đến lưu ly, cũng thuộc về màu vàng).

           Lưu Ly giống như Phỉ Thúy trong hiện thời; thật ra, nó màu xanh. [Đất trong] Tây Phương Cực Lạc thế giới là đất lưu ly, nó cũng trong suốt. Ở đây nói là màu vàng thì đại khái cũng có loại ngọc Phỉ Thúy màu vàng, tức là ngọc màu vàng.

          (Sao) Thôi nhi quảng chi, đế thanh liên hoa, thanh sắc sở nhiếp, như chân châu đẳng, diệc bạch sắc nhiếp. Dĩ thị tham hợp, ưng vô thiết liên.

            (推而廣之,帝青蓮華,青色所攝,如真珠等,亦

白色攝,以是參合,應無鐵蓮。

          (Sao: Mở rộng ra, hoa sen màu đế thanh[1] thuộc về màu xanh, như [các loài hoa bằng] chân châu v.v… cũng thuộc v sắc trắng. Hợp các điều này lại để tham chiếu, ắt là chẳng th có hoa sen bằng sắt).

          Nhìn từ kinh thì dù xét cách nào cũng chẳng thấy có hoa sen bằng sắt, nghĩ thế nào cũng chẳng ra ý nghĩa này! Chẳng thể nào có hoa sen bằng sắt.

          (Sao) Thiết ư ngũ kim, kim s tiện cố.

          () 鐵於五金,金所賤故。

          (Sao: Trong ngũ kim, sắt rẻ hơn vàng).

          “N kim” là vàng, bạc, đồng, sắt, thiếc. Sắt chẳng trân quý, là thứ rất tầm thường.

          (Sao) Thiết ư thất bảo, bảo sở vô cố.

            () 鐵於七寶,寶所無故。

          (Sao: Sắt chẳng thuộc vào bảy báu).

          Trong bảy báu không có sắt. Tây Phương Cực Lạc thế giới đã do các chất báu hợp thành, chúng tôi nghĩ chắc chắn là không có sắt, vì sắt chẳng được coi là chất báu, nên chẳng thể nào có thứ này xuất hiện, kinh chẳng hề nhắc tới.

          (Sao) Cửu phẩm hạ sanh, do thắng thiên cung.

          () 九品下生,猶勝天宮。

          (Sao: Hạ phẩm vãng sanh trong chín phẩm còn vượt trỗi thiên cung).

          Nói theo kinh văn, hoàn cảnh [cư trụ] của người hạ phẩm hạ sanh vượt trỗi cung trời Dạ Ma.

          (Sao) Thiên cung giai dĩ bảo thành, bất văn hữu thiết.

          () 天宮皆以寶成,不聞有鐵。

          (Sao: Cung trời đều do chất báu tạo thành, chưa nghe nói có sắt).

          Cung trời Dạ Ma toàn bằng chất báu hợp thành, chẳng phải do sắt tạo thành. [Cực Lạc] vượt trỗi cung trời Dạ Ma, há có hoa sen bằng sắt? Chẳng có lẽ ấy! “Bất văn hữu thiết” (chưa nghe nói có sắt), các cung trời Dạ Ma và Đao Lợi trong thế giới Sa Bà này chẳng nghe nói có thứ gì bằng sắt, mà toàn do các chất báu hợp thành! Huống hồ Tây Phương Cực Lạc thế giới, há có hoa sen bằng sắt? Đoạn này nhằm biện định những điều hiểu lầm của một số người.

          Đối với Tịnh Độ, nói thật ra, người hiểu lầm rất nhiều. Có những người rất thông đạt Phật pháp, nói cũng rất khá, thậm chí có kẻ trước tác phong phú, nhưng chưa từng tu tập Tịnh Độ, ôm lòng hoài nghi. Nói thật thà, nghiên cứu giáo lý càng nhiều, càng không tin tưởng pháp môn này, vì sao? Dường như nói theo Lý [thì cách giảng giải trong pháp môn Tịnh Độ] chẳng hợp lý, há có phàm phu sát đất thành Phật trong một đời? Chẳng có đạo lý này! Tra khắp Đại Tạng Kinh, chẳng có cách nói này! Người ta tu hành đều phải đoạn Kiến Tư phiền não, đoạn Trần Sa phiền não, phá vô minh, phải trải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp, khó khăn ngần ấy mới thành công. Lẽ đâu quý vị nói chẳng cần tốn công phí sức bèn thành công ngay lập tức? Đúng là chẳng hợp lý! Vì thế, càng nghiên cứu giáo pháp này nhiều hơn, càng chẳng tin tưởng pháp môn này, đó là bị giáo võng (lưới giáo pháp) làm mê! Do đó, mười phương hết thảy chư Phật đều nói pháp môn này là pháp khó tin, đúng là chẳng dễ gì tin tưởng! Thật sự tin tưởng, tất nhiên là thâm nhập một môn, chẳng còn hành môn thứ hai. Kẻ nào còn muốn hành pháp khác thì nói cách khác, vẫn chưa thể khăng khăng một dạ nơi pháp môn này, cổ nhân bảo là “tử tận thâu tâm” (chết sạch cái tâm chụp giựt, đứng núi này trông núi nọ), [tu Tịnh Độ mà còn hành thêm pháp khác] tức là cái tâm đầu cơ thủ lợi vẫn chưa chết hẳn! Do vậy, hễ thật sự tin tưởng, nhất định sẽ chết sạch tấm lòng mong ngóng, so đo, chỉ thâm nhập một bộ kinh này, những thứ khác đều chẳng cần nữa! Những điều này đều đáng cho chúng ta phản tỉnh sâu xa! Chúng ta có thể gặp gỡ pháp môn này, có thể lý giải đôi chút, có thể phát nguyện nghiêm túc tu học, quả thật là chẳng thể nghĩ bàn.

          (Sớ) Hựu liên hoa giả, vãng sanh bỉ quốc thác chất chi sở, niệm Phật chi nhân, đặc nghi tri thử.

          () 又蓮華者,往生彼國托質之所,念佛之人,特宜知此。

          (Sớ: Lại nữa, hoa sen là chỗ để người vãng sanh gởi thân trong cõi ấy. Người niệm Phật phải nên đặc biệt biết điều này).

           Kinh luận giới thiệu hoa sen trong Tây Phương Cực Lạc thế giới rất nhiều, giới thiệu rất cặn kẽ, chính vì nguyên nhân này. Pháp môn này, nói thật ra, là pháp môn bậc nhất nhằm độ chúng sanh trong thời kỳ Mạt Pháp, là pháp môn thù thắng khôn sánh, chính chúng ta nhất định phải lý giải thấu triệt. Quý vị thật sự hiểu, sẽ tự nhiên có thể nói rõ ràng. Nay ta giới thiệu pháp môn này với kẻ khác mà chẳng thể nói rõ ràng cho lắm, thì nói cách khác, chính mình chưa hiểu rõ ràng! Nếu quý vị hiểu rõ, làm sao có thể chẳng giới thiệu [rõ ràng] cho được? Có thể giới thiệu pháp môn này với người khác, công đức ấy to lớn, như vậy thì mới có thể “xứng với bổn hoài của Phật, thỏa thích bổn nguyện của Phật”. Không chỉ A Di Đà Phật dùng pháp môn này để nhiếp thọ hết thảy chúng sanh trong mười phương, mà mười phương hết thảy chư Phật Như Lai cũng dùng pháp môn này để độ hết thảy chúng sanh viên thành Phật đạo trong một đời. Do vậy, trong thời Mạt Pháp hiện nay, chúng ta phải nghiêm túc đổ công dốc sức nơi Tịnh Độ Ngũ Kinh, phải thâm nhập cầu giải, thật sự lý giải thì mới có thể đoạn nghi sanh tín, mới có thể giúp người khác sanh khởi lòng tin, mới tương ứng với Phật tâm, Phật nguyện, Phật hạnh. Vì lẽ đó, chẳng thể không giảng kinh này. Không giảng thì chúng sanh chẳng có cơ duyên đắc độ ngay trong một đời này! Tuy họ có thiện căn và phước đức, nhưng chẳng có cơ duyên, đời này chẳng gặp gỡ, [cho nên] không biết cách tu như thế nào? Điều này hết sức đáng tiếc.

          Giống như lần này chúng tôi ở Tân Gia Ba, người Tân Gia Ba học Phật rất nhiều, nhưng phần nhiều cầu phước, người giảng kinh rất ít. Nhất là trước nay chưa có ai giảng về Tịnh Độ, nên chúng tôi sang bên đó giảng Tịnh Độ, muốn đi thử xem, không ngờ cơ duyên Tịnh Độ của chúng sanh bên ấy đã chín muồi, nên hiệu quả vượt ngoài dự liệu của chúng tôi. Thoạt đầu, chúng tôi ước đoán thính chúng đại khái chỉ có hai ba trăm người, không ngờ thính chúng đông tới sáu, bảy trăm người. Nếu kể cả những người khi đến, khi không, chẳng thể đến mỗi ngày, chỉ đôi khi đến dự, thì tính gộp chung trong một tháng ấy, đại khái có khoảng một hai ngàn người. Vì thế, bọn họ làm một ngàn cuốn băng thâu tiếng đọc tụng kinh Vô Lượng Thọ, trong hai tuần liền bán hết sạch. Phỏng đoán dè dặt nhất, chúng tôi bỏ ra ba mươi ngày để giảng bộ kinh Vô Lượng Thọ tại đó, nay ở bên ấy, tối thiểu có ba ngàn người niệm Phật, niệm kinh, cầu sanh Tịnh Độ. Cơ duyên ấy quá thù thắng, đúng là chẳng thể nghĩ bàn! Giảng giải suốt một tháng, giảng đại lược bộ kinh ấy, chẳng giảng cặn kẽ như chúng ta ở nơi đây. Càng giảng kỹ lưỡng, càng dễ hiểu rõ thấu triệt. Nhưng nói đại lược lại có ưu điểm là những chỗ cương lãnh khẩn yếu đều có thể nắm được. Tôi mang băng thâu âm ấy về, trong tương lai, sau khi đã chỉnh lý hoàn hảo, cũng sẽ phổ biến lưu thông, tổng cộng là sáu mươi giờ, giảng viên mãn bộ kinh ấy!

          Hoa sen và chúng ta có quan hệ rất lớn, trong tương lai, chúng ta sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, nơi sanh về là hoa sen, chỗ ở cũng là hoa sen, tất cả hết thảy hoạt động đều chẳng tách rời hoa sen. Vì vậy, “niệm Phật chi nhân, đặc nghi tri thử” (người niệm Phật phải đặc biệt biết điều này), phải nên đặc biệt biết tường tận!  

          (Sao) Thác chất giả.

            () 托質者。

          (Sao: Gởi thân…)

           “Chất” (質) là thân, [hoa sen] là chỗ để gởi thân, là chỗ nương nhờ. Chúng ta sanh vào thế giới này, nương nhờ tinh cha, huyết mẹ, đến đầu thai, sanh nở bằng bào thai. Tây Phương Cực Lạc thế giới là hoa sen hóa sanh, sanh đến Tây Phương Cực Lạc thế giới là sanh trong đâu? Sanh trong hoa sen.

          (Sao) Vị chứng vô sanh, sanh tất hữu thác.

          () 未證無生,生必有托。

          (Sao: Chưa chứng vô sanh, nên sanh bèn ắt phải có chỗ nương gởi).

          Đây là nói theo Lý, quý vị chưa thật sự  chứng  đắc  Vô  Sanh. Nói

cách khác, quý vị nhất định có sanh, có sanh thì nhất định có một chỗ để nương gá cái thân. Vô Sanh, nói nghiêm ngặt, từ Bát Địa Bồ Tát trong Viên Giáo trở lên mới thật sự chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Nói cách khác, trước khi đạt tới Bát Địa đều có chỗ thác chất”.

          (Sao) Lục thú chúng sanh, tắc Trung Ấm chi thân, tự cầu phụ mẫu.

          () 六趣眾生,則中陰之身,自求父母。

          (Sao: Chúng sanh trong sáu đường thì thân Trung Ấm tự tìm cha mẹ).

           Người Trung Quốc thường gọi Trung Ấm là “linh hồn”. Sau khi đã chết, nó sẽ đi đầu thai. Người Hoa gọi là “linh hồn”, kinh Phật gọi nó là “thần thức”, hoặc còn gọi là Trung Ấm. Vì sao gọi là Trung Ấm? Vì nó vẫn thuộc loại thân Ngũ Ấm, bất quá nó là Vô Biểu Sắc, chúng ta nhục nhãn chẳng thấy. Nó có Sắc hay không? Có Sắc. Vì sao có Sắc mà chúng ta chẳng nhìn thấy? Chúng tôi nêu một tỷ dụ: Quý vị đêm ngủ nằm mộng, mộng có sắc tướng hay không? Quý vị đang nằm mộng, cớ sao người bên cạnh chẳng thấy sắc tướng trong giấc mộng của quý vị? Chính quý vị hiểu rõ ràng, nhưng người khác chẳng thấy. Còn nữa, Tưởng có sắc tướng, thí dụ như hiện thời chúng ta nghĩ tới một người nào, ấn tượng về người ấy liền rõ rệt, vì sao người bên cạnh chẳng nhìn thấy? Thưa cùng chư vị, phàm phu chẳng nhìn thấy, chứ người có công phu Thiền Định trông thấy. Có rất nhiều người có công phu Thiền Định, chẳng phải là có Tha Tâm Thông, chẳng dễ gì đắc Tha Tâm Thông, Thiên Nhãn Thông thì dễ đạt được. Người đắc Thiên Nhãn Thông, trong tâm quý vị nghĩ gì bèn có tướng, người ấy thấy được. Quý vị nằm mộng, người ấy thấy rõ rệt sắc tướng trong giấc mộng của quý vị. Thiên Nhãn thấy được, chứ lũ phàm phu mắt thịt chúng ta chẳng thấy. Có thể thấy tướng của Tưởng trong tâm chúng ta, hễ nghĩ đến chuyện gì bèn hiện tướng ấy. Quý vị thấy chữ Tưởng, trên chữ Tâm là chữ Tướng, trong tâm bèn có Tướng, trong tâm có tướng bèn gọi là Tưởng. Hễ tưởng bèn có tướng; chẳng tưởng bèn không có tướng. Hễ tưởng bèn có tướng, người đắc Thiên Nhãn Thông sẽ thấy rành rành. Phải ghi nhớ, kinh Vô Lượng Thọ có nói: Người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới “thiên nhãn đỗng thị, thiên nhĩ triệt thính (thiên nhãn thấy thấu suốt, thiên nhĩ nghe thấu suốt). Thấy rõ ràng, rành mạch, chẳng thấy sai tí nào! Thậm chí chính mình chẳng nhận biết mà kẻ khác trông thấy rõ ràng!

          Trung Ấm thật sự có tướng. “Trung Ấm, v Tiền Ấm tạ, Hậu Ấm vị thành” (Trung Ấm, ý nói Tiền Ấm đã tan, Hậu Ấm chưa thành), Hậu Ấm còn chưa sanh, ở trong khoảng giữa. Thí dụ như người ấy đã chết, Tiền Ấm là thân thể trước đó, linh hồn người ấy thoát ly thân xác, nhưng còn chưa đi đầu thai, chúng ta gọi giai đoạn trung gian ấy là Trung Ấm. Giai đoạn trung gian ấy dài bao lâu? Trong kinh, đức Phật bảo, thông thường là bốn mươi chín ngày. Sau bảy thất, tức bốn mươi chín ngày, người ấy đi đầu thai. Trong bốn mươi chín ngày, có khi vẫn chưa vào quỷ đạo, mà cũng chẳng vào đường nào trong lục đạo, lúc đó bèn gọi là Trung Ấm. Trong kinh, đức Phật dạy chúng ta: Chỉ có hai hạng người không có Trung Ấm. Một là đại thiện nhân, tắt thở nơi đây bèn sanh lên trời; lên hưởng phước trong cõi trời; [hoặc là] người vãng sanh cũng chẳng có Trung Ấm, vừa tắt thở nơi đây bèn đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó là đại thiện! Một loại khác là kẻ đại ác, tạo tội nghiệp địa ngục, vừa tắt thở bèn ngay lập tức đọa địa ngục, đọa địa ngục thì không có Trung Ấm. Ngoài hai loại này ra, đều có Trung Ấm. Thời gian Trung Ấm dài hay ngắn khác nhau, không nhất định, tùy thuộc cơ duyên của chính người đó. Thân Trung Ấm “t cầu cha m, đi tìm cha mẹ trong lục đạo. Trong đời quá khứ, người ấy có những nghiệp [dính líu] đến cha mẹ, nên Phật pháp nói [giữa cha mẹ và con cái] có bốn thứ duyên: Báo ân, báo oán, đòi nợ, và trả nợ. Không có những mối quan hệ ấy, kẻ đó chẳng đến [đầu thai làm con]. Do có bốn mối quan hệ ấy, nên mới đến [đầu thai]. Trung Ấm tự cầu cha mẹ, điều này tuyệt đối là sự thật.

          Do vậy, chúng ta nhất định phải hiểu: Chúng ta làm người trong thế gian này mấy chục năm ngắn ngủi, người sống đến một trăm tuổi rất ít! Vì thế, quyết định chớ nên làm ác, quyết định đừng kết oán cừu với kẻ khác. Quý vị tạo ác thì nói thật thà cái được chẳng th bù đắp cái mất, trong tương lai còn phải tự hứng chịu quả báo, ai cũng chẳng thể thay thế được! Vì vậy, cớ gì phải tạo ác? Cớ gì phải va chạm với người khác? Trung Quốc có câu tục ngữ: Lượng to, phước lớn”. Phật môn chúng ta đắp tượng Di Lặc Bồ Tát dưới hình dạng Bố Đại hòa thượng đặt ở cửa chánh của chùa miếu, nhằm dạy người ta điều gì? Lượng to, phước lớn, phải nên bao dung. Phước do chính mình cầu, chính mình tu, chẳng phải là từ trên trời rớt xuống, chẳng phải do may mắn mà hòng có được, nhất định phải do chính mình tu, phải nên bao dung người khác. Quý vị có thể bao dung người khác, người khác cũng có thể bao dung quý vị. Quý vị có thể đối xử vui vẻ với người khác, người khác cũng có thể đối đãi vui vẻ với quý vị, đó là đạo lý nhất định. Vì thế, nhân quả báo ứng chẳng sai suyển mảy may! Chiến tranh, tai nạn trong thế gian này vì sao mà có? Oan oan tương báo, mê hoặc, điên đảo, càng báo thù càng thê thảm, vì sao? Chẳng phải là báo thù đúng mức mà luôn vượt trội đôi chút! Kẻ bị báo thù cũng chẳng phục! Đời sau lại báo thù! Quý vị đọc bộ An Sĩ Toàn Thư, đầu bài Âm Chất Văn của Văn Xương Đế Quân có câu: “Ngô nhất thập thất thế vi sĩ đại phu (ta mười bảy đời làm sĩ đại phu[2]), quý vị đọc đoạn ấy, Ngài nói tới nhân quả báo ứng đời đời kiếp kiếp. Nếu chẳng gặp gỡ Phật pháp, thật sự sám hối, nguy lắm, quả báo là trong địa ngục A Tỳ.

          Nói tới Trung Ấm t cầu cha m thì chư thiên là hóa sanh, Tây Phương Cực Lạc cũng là liên hoa hóa sanh. Lại bảo chư vị, địa ngục cũng là hóa sanh. Trừ những trường hợp ấy ra, người, Tu La, quỷ, súc sanh đều có cha mẹ, trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã giảng chuyện này rất cặn kẽ, rất thấu triệt.

          (Sao) Vãng sanh thiện sĩ.

          () 往生善士。

          (Sao: Người lành vãng sanh).

           Có thể vãng sanh bèn là người thuần thiện, là bậc thiện nhân chân chánh! Tâm hạnh bất thiện sẽ chẳng thể vãng sanh. Kinh dạy: “Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”, chúng ta bất thiện thì làm sao có thể ở cùng một chỗ với họ cho được? Phải chú ý điều này! Nói chung là chẳng thể sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, đến nơi đó mỗi ngày vẫn cãi nhau với các Bồ Tát, chẳng có lẽ ấy! Vì thế, Lục Hòa Kính vô cùng trọng yếu, không riêng gì Tăng đoàn xuất gia phải tuân thủ, mà đồng tu tại gia cũng phải thật sự tuân thủ, phải hòa, phải kính. Người khác chẳng kính trọng ta là chuyện đương nhiên, ta phải kính trọng người khác, đừng đòi hỏi người khác phải đối đãi với ta như thế nào, mà phải xét xem ta đối đãi người khác ra sao thì đạo nghiệp mới có thể thành tựu. Tu chính mình!

          Người khác đối xử với ta bằng ác ý, ta nghĩ kẻ ấy là thiện tri thức của ta, thay ta tiêu nghiệp chướng. Người khác đối xử với ta bằng thiện ý, kẻ ấy cũng là thiện tri thức của ta, muốn ta học khiêm tốn, hòa thuận, học cung kính! Do vậy, hết thảy thiện nhân hay ác nhân, thuận cảnh hay nghịch cảnh, chuyện tốt hay chuyện xấu đều là thiện tri thức của chính mình, tu cái tâm thanh tịnh, tu tâm bình đẳng, tu tâm đại từ bi trong cảnh duyên, đó mới là thiện, quý vị mới có tư cách đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nếu không, dẫu quý vị suốt đời niệm Phật tốt đẹp cách mấy đi nữa, nhưng tâm hạnh bất thiện, chỉ là gieo thiện căn với Tây Phương Cực Lạc, chứ đời này chẳng thể thành công. Vì sao? Quý vị đến Tây Phương Cực Lạc thế giới nhất định sẽ cãi lẫy với kẻ khác, người trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng thể dung nạp quý vị. Dẫu A Di Đà Phật từ bi hoan nghênh quý vị đến đó, nhưng bên kia có rất nhiều đại chúng: “Hắn đến nhiễu loạn trật tự, mỗi ngày gây rối. Hễ gây rối thì thế giới Tây Phương bị rối beng, trật tự đại loạn!” Do vậy, chắc chắn chẳng thể dung nạp quý vị. Vì lẽ đó, nếu quý vị muốn quyết định nắm chắc vãng sanh trong một đời này; trước hết, phải rèn luyện tánh nhẫn nại. “Vãng sanh thiện sĩ, chúng ta phải coi trọng chữ Thiện này.

          (Sao) Tắc nhất đàn chỉ khoảnh, liên hoa hóa sanh.

       () 則一彈指頃,蓮華化生。

          (Sao: Bèn trong một cái khảy ngón tay, hóa sanh trong hoa sen).

          “Nhất đàn chỉ” là nói tới một thời gian ngắn ngủi, thời gian khảy ngón tay một cái rất ngắn. Nói thật ra, lâm chung, tâm thanh tịnh, chẳng kinh hãi, chẳng sợ sệt. Người bình phàm khi lâm chung hoảng hốt, sợ sệt, vì sao? Tham sống, sợ chết, nên người ấy kinh hoàng. Người niệm Phật đối với sanh tử chẳng kinh sợ, tâm ấy là Định. Định tâm là tâm thọ sanh Tịnh Độ; vì vậy, một niệm khi ấy chính là lúc sanh về Tịnh Độ, khi [niệm xong] một câu Nam-mô A Di Đà Phật cuối cùng chính là lúc sanh về Tịnh Độ.

          (Sao) Hạ văn nhất tâm bất loạn, tức đắc vãng sanh A Di Đà Phật Cực Lạc quốc độ, tức thị sanh thử liên hoa trung dã.

    () 下文一心不亂,即得往生阿彌陀佛極樂國土,即是生此蓮華中也。       

          (Sao:  Trong phần “nhất  tâm  bất  loạn” về sau có nói “liền được

sanh sang cõi nước Cực Lạc của A Di Đà Phật”, tức là sanh trong liên hoa ấy).

          Sanh đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, sanh ở chỗ nào? Sanh trong hoa sen. Hoa sen ấy do chính quý vị vun bồi, sanh từ tự tánh của quý vị, hiển hiện ra. Vãng sanh, Phật, Bồ Tát nhất định đến tiếp dẫn. Người phước báo lớn khi lâm chung tỉnh táo, chẳng mê hoặc, chẳng đau khổ. Khi Phật đến tiếp dẫn, người ấy trông thấy, có thể nói: “Đức Phật và đại chúng đến tiếp dẫn tôi, Ngài đã đến rồi, tôi phải theo Ngài ra đi”. Đó là vãng sanh ngàn vạn phần xác thực, chẳng sai tí nào! Người phước báo kém hơn một chút, khi lâm chung mắc chút bệnh khổ, thể lực yếu ớt. Lâm chung, Phật đến tiếp dẫn, người ấy trông thấy, mở miệng nói cùng mọi người, tuy môi mấp máy, nhưng chẳng có âm thanh, chẳng có hơi sức. Vì thế, lâm chung vãng sanh quyết định là Phật đến tiếp dẫn.

          Người vãng sanh có tướng lành như vậy rất đông, hoặc là thấy tượng Phật, hoặc thấy ánh sáng, hoặc nghe nhạc trời, hoặc có mùi hương lạ, những điều này đều là thụy tướng rất tốt đẹp. Nhưng có thể chứng tỏ xác thực vãng sanh, tốt nhất là do chính người ấy có thể nói ra, chẳng giả tí nào, đáng tin cậy một trăm phần trăm. Vì vậy, trên thế gian, chúng ta nhất định phải tu phước. Tu phước quyết định không thể tự gạt mình, càng chẳng thể gạt người khác, phải nghiêm túc tu học.

          (Sao) Thị liên hoa giả, nãi tá phàm xác chi huyền cung, an huệ mạng chi thần trạch.

       () 是蓮華者,乃卸凡殼之玄宮,安慧命之神宅。

          (Sao: Hoa sen ấy là cung điện u huyền để phá v cái v phàm, là nhà thần để an huệ mạng).

          Hoa sen ấy, “tá” là tá trừ (卸除: xé bỏ, gạt bỏ), phàm (凡) là phàm phu. Phàm phu giống như chim ở trong vỏ trứng, lúc ấy mới phá vỡ, xé rách vỏ trứng, dùng điều này làm tỷ dụ. Sau khi phá vỡ cái vỏ vô minh, vĩnh viễn phá vô minh. Tuy là đới nghiệp vãng sanh, vô minh chưa phá cũng giống như đã phá, vì sao? Tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, quyết định viên mãn thành Phật trong một đời. Vì thế, pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn. Tu pháp môn khác rất ư khó khăn, Ngẫu Ích đại sư thường nói: “Một cửa ải Đồng Cư, khó vượt thoát nhất”. Cửa ải Phàm Thánh Đồng Cư cũng là lục đạo luân hồi. Phàm phu thông thường mong vượt thoát lục đạo luân hồi quả thật hết sức khó khăn. Nếu không do pháp môn này, nói thật thà, chúng ta học Phật đều chẳng có gì để nương cậy.

          Chẳng thể vãng sanh thì chúng ta học Phật đời đời kiếp kiếp đều là trình độ này, đều là như vậy, vì sao biết [như vậy]? Vì mỗi người đều tu hành trong vô lượng kiếp trước, đời đời kiếp kiếp đều tu, thành tích là gì? Nay chúng ta tự ngẫm bản thân liền biết ngay. Vì sao nhiều đời nhiều kiếp vẫn là tình trạng như vậy? Hễ luân hồi bèn bị mê khi cách ấm, những gì đã tu trong đời trước liền quên sạch sành sanh. Không chỉ bị mê khi cách ấm, mà còn bị thoái chuyển, duyên thoái chuyển trong thế gian này quá nhiều, lùi nhiều, tiến ít, bản thân chúng ta chẳng có cách nào thành tựu! Lìa khỏi thế giới Sa Bà thì còn có cách, [vì] giống như Phật, Bồ Tát. Do vậy, hoa sen là “an huệ mạng chi thần trạch, Pháp Thân huệ mạng của chúng ta an trụ trong hoa sen.

                     (Sao) Vãng nghệ chi quốc, hiệu viết Liên Bang.

       () 往詣之國,號曰蓮邦。

          (Sao: Nước để tiến về được gọi là Liên Bang).

          Tây Phương Cực Lạc thế giới là thế giới Liên Hoa, nên chúng ta gọi nó là Liên Bang.

                   (Sao) Đồng tu chi hữu, hiệu viết “liên hữu”.

          () 同修之友,號曰蓮友。

          (Sao: Bạn đồng tu gọi là “liên hữu”).

           Mọi người ở cùng nhau, cùng tu pháp môn này, đạo tràng ấy được gọi là Liên Xã. Thời Đông Tấn, Huệ Viễn đại sư là người đề xướng đầu tiên, mọi người ở cùng một chỗ cùng tu pháp môn này. Thuở đó, có một trăm hai mươi ba người hợp thành Liên Xã, ai nấy vãng sanh, thù thắng khôn sánh. Những người đã vãng sanh từ sớm đều theo A Di Đà Phật đến tiếp dẫn người vãng sanh sau. Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện đều có ghi chép rất rõ ràng, chi tiết. Vì thế, phàm là đạo tràng Niệm Phật đều dùng [danh xưng] Liên Xã.

            (Sao) Ước Thiền tụng chi kỳ, hiệu viết Liên Lậu.

          () 約禪誦之期,號曰蓮漏。

          (Sao: Dụng cụ để ước định thời gian tụng niệm, tĩnh tọa, gọi là Đồng Hồ Sen).

          “Lậu” là dụng cụ để tính giờ thời cổ, giống như đồng hồ hiện thời, [để biết] mấy giờ rồi. Xưa kia, chưa có đồng hồ thì dùng cách thức nào? Dùng Lậu, tức là dùng nước để nó từ từ nhỏ giọt, từ thùng này nhỏ giọt sang thùng khác. Phía trên thùng có khắc vạch định mức, coi nước đã rỉ cạn bao nhiêu bèn biết là mấy giờ. Đây là phương pháp tính thời gian vào thời cổ tại Trung Quốc. Cái Lậu để đo giờ trong Niệm Phật Đường được gọi là Liên Lậu, cũng chẳng lìa khỏi chữ Liên!

          (Sao) Định xu hướng chi cực, hiệu viết Liên Tông.

          () 定趨向之極,號曰蓮宗。

          (Sao: Mục tiêu chung cực để quyết định hướng về thì gọi là Liên Tông).

           Tịnh Độ Tông được gọi là Liên Tông. Vì sao? Vì hoa sen là chỗ chúng ta hướng về, là mục tiêu của chúng ta. Mục tiêu chúng ta muốn hướng tới là thế giới Liên Hoa, chúng ta muốn sanh trong hoa sen, nên gọi là Liên Tông.

          (Sao) Trọng kỳ sự dã.

          () 重其事也。

          (Sao: [Gọi như vậy là vì] coi trọng chuyện ấy).

         Thảy đều dùng chữ Liên là do chúng ta coi trọng chuyện này.

          (Sao) Tu Tịnh Độ giả, nhược lễ Phật thời, đương tưởng kỷ thân tại liên hoa trung tác lễ, Phật tại liên hoa trung thọ ngã lễ kính.

            () 修淨土者,若禮佛時,當想己身在蓮華中作禮,佛在蓮華中受我禮敬。

          (Sao: Người tu Tịnh Độ, nếu lúc lễ Phật, hãy nên tưởng thân mình đang ở trong hoa sen, Phật ở trong hoa sen, tiếp nhận sự lễ kính của ta).

          Đây là dạy chúng ta khi đang lễ Phật, hãy quán tưởng thêm: Bản thân chúng ta đang niệm Phật ở đâu? Chính mình niệm Phật ở trong hoa sen, đức Phật cũng ở trong hoa sen tiếp nhận sự lễ bái của ta. Vì thế, khi chúng ta lễ Phật, trong tâm phải tưởng chỗ ta đứng là hoa sen, ở trong hoa sen lạy Phật. Thậm chí người niệm Phật thường tưởng hoa sen. Chúng ta đi đường, từng bước đều bước trên hoa sen; tụng kinh là tụng kinh trong hoa sen; lạy Phật là lạy Phật trong hoa sen; đi, đứng, ngồi, nằm đều ở trong hoa sen. Trong tâm quý vị nghĩ tưởng hoa sen, xác thực là có hoa sen, tuy quý vị chẳng thấy, người có Thiên Nhãn trông thấy: “Vì sao dưới chân quý vị có một đóa sen to như vậy?”, họ thấy được. Vì quý vị quán tưởng, tưởng hoa sen to cỡ nào, tưởng hoa sen màu gì, người có Tha Tâm Thông, hoặc có Thiên Nhãn Thông trông thấy rõ ràng, thấy quý vị chẳng giống người khác. Quý vị đứng trong hoa sen, ngồi trong hoa sen. Chúng ta quán tưởng đạo tràng là một hoa sen to, trong hoa sen to ấy có rất nhiều hoa sen nhỏ hơn. Mỗi chỗ ngồi đều là một đóa sen, quý vị thường quán tưởng như vậy.

          (Sao) Nhược niệm Phật thời, đương tưởng kỷ thân tại liên hoa trung, kết già phu tọa, Phật tại liên hoa trung, tiếp dẫn ư ngã.

       () 若念佛時,當想己身在蓮華中,結跏趺坐,佛在蓮華中,接引於我。

            (Sao: Nếu là lúc niệm Phật, hãy nên nghĩ mình đang trong hoa sen, ngồi xếp bằng, Phật trong hoa sen, tiếp dẫn ta).

          Đây là mong Phật tiếp dẫn, “hãy nên nghĩ mình đang trong hoa sen, ngồi xếp bằng, Phật đến tiếp dẫn ta.

          (Sao) Nhiên hậu nhất tâm t danh.

          () 然後一心持名。

          (Sao: Sau đấy, nhất tâm trì danh).

          Trước hết là quán tưởng rồi mới niệm Phật hiệu, hoặc là trước khi tụng kinh hay lễ bái đều quán tưởng. Khi lễ bái, đứng trước cái đệm để quỳ lễ, trước hết bèn quán tưởng, quán tưởng ta ở trong hoa sen, Phật cũng ở trong hoa sen rồi mới lạy. Khi tụng kinh cũng quán tưởng như thế. Quán tưởng trước rồi mới nhất tâm tụng kinh, nhất tâm niệm Phật.

          (Sao) Tích hữu nhị tăng.

          () 昔有二僧。

          (Sao: Xưa kia có hai vị Tăng).

           Đây là nói đến chuyện trong quá khứ, có hai vị xuất gia.

          (Sao) Tác liên hoa khai hợp tưởng.

          () 作蓮華開合想。

          (Sao: Tưởng hoa sen khép nở).

          Họ thường tưởng hoa sen nở xòe, hoa sen cụp lại, chính mình ở trong hoa sen, suốt ngày từ sáng đến tối nghĩ tới chuyện ấy. Nói thật ra, đây là một cách hành trì thuộc loại Quán Tưởng Niệm Phật, chuyên quán hoa sen khép nở.

          (Sao) Toại đắc vãng sanh.

            () 遂得往生。

          (Sao: Liền được vãng sanh).

           Họ tu cách này cũng có thể vãng sanh. Họ tương ứng với hoa sen, nhất tâm nhất ý cầu sanh về liên hoa Phật quốc, nên họ cũng có thể vãng sanh.

          (Sao) Huống phục gia chi nhất tâm trì danh nhi bất sanh giả!

          () 況復加之一心持名而不生者。

          (Sao: Huống là người còn có thêm nhất tâm trì danh mà chẳng được vãng sanh ư?)

          Liên Trì đại sư nói: “Huống gì quý vị còn có thể tín nguyện trì danh, lẽ nào chẳng được vãng sanh?” Chỉ tu đơn độc “liên hoa khai hợp tưởng mà cũng có thể vãng sanh thì tín nguyện trì danh chẳng cần phải nói nữa, quyết định vãng sanh! Câu chuyện này hết sức hay, là một chứng minh mạnh mẽ cho chuyện cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, chứng thực pháp môn này quyết định chân thật, đáng tin cậy, đơn giản, dễ dàng, ổn thỏa, thích đáng. Nói thật ra, chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối không nghĩ tới hoa sen, không nghĩ tới y báo và chánh báo trang nghiêm trong thế giới Cực Lạc, mà cứ suy nghĩ loạn xạ. Nghĩ tới ngũ dục lục trần trong thế gian là suy tưởng loạn xạ, nghĩ tới hết thảy kinh điển đều là suy tưởng loạn xạ, chư vị phải biết điều này. Nghĩ tưởng hoằng pháp lợi sanh cũng là suy tưởng loạn xạ. Có thật sự hoằng pháp hay chăng? Có lợi sanh hay chăng? Chẳng thấy! Lợi ích chúng sanh, ngoại trừ khuyên người ta niệm Phật ra là chân thật, những thứ khác đều chẳng đáng trông cậy! Quý vị khuyên người khác nghiên cứu Giáo, họ nghiên cứu cả đời vẫn chẳng hiểu rõ Giáo, đến cuối cùng là tà tri tà kiến.

          Quý vị dạy họ trì chú, trì chẳng tốt đẹp sẽ bị ma dựa, vì trong chú có rất nhiều danh hiệu quỷ thần. Quý vị niệm tên quỷ thần, gọi họ đến, lại chẳng có cách nào đưa họ đi, chuyện này phiền phức to lớn. Tục ngữ có câu: “Thỉnh thần dễ, tiễn thần khó”. Quý vị thỉnh họ đến, cuối cùng chẳng có bản lãnh tiễn họ đi, do chuyện này phải chuốc lấy phiền phức. Vì tôi đã thấy có mấy vị đồng học học Mật, tôi không thể khuyên bảo họ. Lần trước, tôi ra ngoại quốc, lần này trở về nước, thời gian chưa lâu, cũng chưa đầy hai tháng, tôi thấy vẻ mặt lẫn tinh thần của họ không khá lắm, người khác kể với tôi là những người đó học Mật, tôi liền hiểu vì sao có điểm bất bình thường!

          Còn có một đồng tu kể cho tôi biết, nay ông ta niệm Phật, lúc buổi tối niệm Phật thân tâm bất an, hoảng sợ, càng niệm càng sợ hãi. Người ấy cũng không nói cho tôi biết duyên cớ, người khác bảo tôi người ấy đang học Mật, khó trách được! [Do quý vị học Mật], nên quý vị niệm Phật mới có hiện tượng ấy. Vì sao? Quý vị đã qua lại với quỷ thần, quỷ thần không thích quý vị niệm A Di Đà Phật, nên quý vị niệm A Di Đà Phật, họ ở bên cạnh uy hiếp quý vị, sau đó sẽ có phiền phức to. Nhưng chúng tôi nói thì ông ta cũng chẳng tin tưởng, ông ta [nghĩ mình đã] có Thượng Sư, có thầy giỏi giang chỉ dạy [nên chẳng coi lời tôi nói ra gì]. Nếu chẳng tích cực quay đầu, sau này sẽ bị phiền phức to. Nhưng chúng tôi không thể khuyên ông ta, nhân duyên của mỗi người bất đồng, chỉ đành để mặc ông ta. Duyên phận của mỗi người khác nhau, thiện căn, phước đức của mỗi người chẳng giống nhau!

          Do vậy, quý vị mới biết khăng khăng một mực tu pháp môn này là phước huệ to tát dường nào! Chẳng có đại phước huệ, cả đời này quý vị chẳng gặp gỡ! Giống như cư sĩ Hạ Liên Cư đã nói: “Nếu đời quá khứ chẳng tu phước, tu huệ, gặp pháp môn này, quý vị muốn tạm thời nghe, nhưng chẳng có duyên phận ấy!”, [nguyên văn là] tuy ngộ, tạm văn diệc bất năng”. Vì vậy, các đồng tu nhất định phải quý trọng chính mình. Đối với các đồng tu đi lạc vào ngõ rẽ, chúng ta cũng nhắc nhở họ vừa mức thì thôi. Vì sao? Nếu không, họ bèn hủy báng chánh pháp, khiến tội nghiệp của họ nặng thêm. Do vậy, Phật, Bồ Tát đời đời độ người, chẳng gấp rút trong một chốc, chớ nên khiến cho hành vi tội lỗi của họ nặng hơn, đừng khiến cho họ hủy báng, như vậy là tốt! Hôm nay chúng tôi giảng tới đây.

[1] “Đế thanh” có hai cách hiểu:

  1. Đế Thanh là tên gọi khác của một loại ngọc màu xanh da trời. Sách Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa giảng: “Đế Thanh, tiếng Phạn là Nhân Đà La Ni La Mục Đa, dịch là Đế Thích Bảo, còn dịch là Thanh Sắc, do màu xanh này đẹp nhất nên gọi là Đế Thích Thanh… Chữ ‘Mục Đa’ được cõi này dịch là Châu, bởi loại chất báu này thuộc loại Châu”.
  2. Đế Thanh chỉ màu xanh da trời. Ý nghĩa này thường được dùng trong văn học cổ, chẳng hạn bài Cổ Ý của Vương An Thạch có câu: “Đế thanh cửu vạn lý, không động, vô nhất vật” (trời xanh chín vạn dặm, rỗng tuếch, chẳng vật gì).

Dù hiểu theo nghĩa nào, chữ Đế Thanh đều chỉ màu xanh da trời.

[2] “Sĩ đại phu” là danh xưng chung để gọi hàng quan lại bậc trung thời cổ, và cũng thường dùng như một danh xưng phiếm chỉ những người có học thức, danh vọng và địa vị trong xã hội. Khái niệm này xuất hiện từ thời Chiến Quốc; theo đó, Sĩ được xếp dưới hàng Khanh Đại Phu, trên thứ dân (dân thường). Sau này, chữ Sĩ Đại Phu còn được dùng để nói tới những văn nhân có học thức rộng, tính tình khoan hòa, rộng rãi, được người đời trọng vọng. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *