Tập 288/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 01-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 288

          Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang sáu trăm lẻ chín:

          (Sao) Hựu hữu vị “Nam-mô a di đà đa bà dạ”, thử vân “quy mạng Vô Lượng Thọ”.

()又有謂南無阿彌陀多婆夜,此云皈命無量壽。

(Sao: Lại có bản chép là “nam-mô a di đà đa bà dạ”, cõi này dịch là “quy mạng Vô Lượng Thọ”).

          Chú ngữ là tiếng Phạn phiên âm, có nghĩa là “quy mạng Vô Lượng Thọ Phật”, tức là “quy mạng A Di Đà Phật”. “Quy mạng” (皈命) cũng có nghĩa là “quy y”.

          (Sao) Đa tha già đa dạ, tức “đa tha a già độ”, thử vân Như Lai.

          ()多他伽多夜,即多他阿伽度,此云如來。

(Sao: “Đa tha già đa dạ” (Tathāgatāya) tức “đa tha a già độ”, cõi này dịch là Như Lai).

          Phiên âm có đôi chút sai khác, nguyên văn tiếng Phạn như nhau, người dịch khác nhau, đạo tràng dịch kinh cũng khác nhau, danh từ, thuật ngữ chẳng có tiêu chuẩn thống nhất. Câu này dịch sang tiếng Hán là Như Lai.

          (Sao) “Đá địa dạ tha”, tân dịch vân “tha đích dã thát”, cựu vân “đát điệt tha”. Điệt, âm điệt, tức địa dạ nhị hợp dã. Thử vân “tức thuyết chú viết”, tự hậu phương thị mật ngữ.

          ()哆地夜他,新譯云他的也撻,舊云怛絰他。絰,音迭,即地夜二合也。此云即說咒曰。自後方是密語。

(Sao: “Đá địa dạ tha” (Tadyathā): Phiên âm theo lối tân dịch là “tha đích dã thát”, cựu dịch là “đát điệt tha”. Chữ Điệt () đọc là Điệt (), tức là Địa và Dạ đọc dính lại, cõi này dịch là “liền nói chú rằng”, từ đấy trở đi là mật ngữ).

          [Nguyên văn] tiếng Phạn vẫn là cùng một chữ. Một chữ mà có vài cách phiên âm khác nhau, do người phiên dịch phiên âm khác nhau, nhưng ý nghĩa đều như nhau. Sau chữ “đá địa dạ tha” tức là từ “a di rị đô bà tỳ” trở về sau chính là mật chú. Do vậy có thể biết: Trong mười bốn câu chú ngữ, ba câu đầu là hiển thuyết, những câu sau đó mới là mật chú.

          (Sao) Nhiên thần chú tùng cổ bất phiên, lược hữu ngũ ý.

          ()然神咒從古不翻,略有五意。

          (Sao: Nhưng thần chú từ xưa chẳng dịch, nói đại lược thì có năm ý).

          Có năm ý nghĩa [khiến cho] cổ nhân chẳng dịch chú ngữ, chỉ phiên âm, không dịch ý nghĩa. Trong phần trước, chúng tôi cũng đã nói với quý vị ý nghĩa của mỗi câu. Thật ra, chú này vẫn có ý nghĩa, trọn chẳng phải là hoàn toàn không có ý nghĩa[1]. Chú ngữ hoàn toàn chẳng có ý nghĩa cũng có, loại này vẫn chiếm số lượng rất lớn trong các mật chú.

          (Sao) Nhất, như vương mật chỉ, vật vọng tuyên truyền, đản nghi khâm phụng cố.

          ()一、如王密旨,勿妄宣傳,但宜欽奉故。

(Sao: Một là như mật chỉ của vua, chớ tuyên truyền bừa bãi, chỉ nên kính cẩn phụng hành).

          Giống như ý chỉ bí mật của đế vương xưa kia, quý vị chỉ chiếu theo đó mà làm, chẳng cần hỏi han ý nghĩa như thế nào, cứ y giáo phụng hành là được rồi. Thần chú giống như mật chỉ của Như Lai, chẳng cần hỏi ý nghĩa là gì, chỉ cần thật thà niệm, tam mật tương ứng là được rồi!

          (Sao) Nhị, hoặc nhất ngữ quảng hàm đa nghĩa, như Tiên Đà Bà cố.

          (Diễn) Tiên Đà Bà giả, thị Phạn ngữ, hữu diêm, thủy, mã, khí, tứ danh. Duy hữu trí thần nãi năng biện thức, như vương thực thời, hô Tiên Đà Bà, tắc tri yếu diêm. Như vương tẩy quán, hô Tiên Đà Bà, tắc tri yếu thủy. Như vương tác chúng vụ thời, hô Tiên Đà Bà, tắc tri yếu khí. Như vương xuất du, sách Tiên Đà Bà, tắc tri yếu mã.

          ()二、或一語廣含多義,如僊陀婆故。

          ()仙陀婆者。是梵語。有鹽水馬器四名。惟有智臣乃能辨識。如王食時。呼仙陀婆。則知要鹽。如王洗盥。呼仙陀婆。則知要水。如王作眾務時。呼仙陀婆。則知要器。如王出游。索仙陀婆。則知要馬。

(Sao: Hai là một chữ bao hàm rộng rãi nhiều nghĩa, như Tiên Đà Bà.

          Diễn: Tiên Đà Bà là tiếng Phạn, tương ứng với tên gọi của bốn thứ là muối, nước, ngựa và vật dụng, chỉ có kẻ bầy tôi có trí mới có thể phân biệt. Như khi vua ăn, gọi Tiên Đà Bà, biết là cần muối. Như vua tắm gội, kêu Tiên Đà Bà, liền biết là cần nước. Như vua làm các việc, gọi Tiên Đà Bà, liền biết là vua cần vật dụng. Như vua xuất du, đòi Tiên Đà Bà, biết là muốn có ngựa).

          Tiên Đà Bà (Saindhava) là tiếng Phạn. Trong chữ này bao hàm rất nhiều ý nghĩa, trong phần chú giải sau đó có nói. Trong tình huống nào, nói chữ này thì có ý nghĩa là gì. Tình hình đó không phải chỉ là trong tiếng Phạn mới có, trong ngôn ngữ của Trung Hoa cũng có. Muốn thật sự hiểu rõ ý nghĩa, không chỉ là phải xét xem âm đọc như thế nào, chữ Hán có rất nhiều chữ “phá âm”[2], mà còn phải xét xem sự biểu lộ qua ngữ khí thì mới thật sự suy lường ý nghĩa của nó.

          (Sao) Tam, hoặc thử phương sở vô, như Diêm Phù Đề cố.

          ()三、或此方所無,如閻浮提故。

(Sao: Ba, hoặc là do phương này không có, như Diêm Phù Đề[3] vậy).

           Ở Ấn Độ có, tại Trung Hoa chẳng có. Thí dụ như Trung Hoa là xứ ôn đới, Ấn Độ là nhiệt đới, trong miền nhiệt đới có khá nhiều loại động thực vật mà Trung Hoa chẳng có.

          (Sao) Tứ, hoặc thuận cổ văn, như A Nậu Bồ Đề cố.

          ()四、或順古文,如阿耨菩提故。

(Sao: Bốn là thuận theo cổ văn như A Nậu Bồ Đề).

           Thuận theo lệ cổ không dịch. Chữ A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề có thể phiên dịch, nhưng do thời cổ chẳng dịch, mà dùng cách phiên âm, sau đấy mới giải thích thêm.

          (Sao) Ngũ, hoặc tôn trọng, phi Đường ngôn khả đối, như Bát Nhã cố.

          ()五、或尊重,非唐言可對,如般若故。

(Sao: Năm là hoặc do tôn trọng, chẳng có tiếng Hán tương ứng để diễn tả trọn vẹn ý nghĩa, như chữ Bát Nhã).

          Đây là thuộc loại “tôn trọng chẳng dịch”.

          (Sao) Nhất vân: Diệc khả cưỡng phiên.

          ()一云:亦可強翻。

(Sao: Có người nói: Cũng có thể miễn cưỡng phiên dịch).

          “Nhất vân” là lại có một cách nói khác nữa, chú cũng có thể miễn cưỡng dịch ra.

          (Sao) Ký vị chi cưỡng, hạt nhược dĩ chi.

          ()既謂之強,曷若已之。

          (Sao: Đã nói là miễn cưỡng, cần gì phải làm vậy?)

          Nếu đã miễn cưỡng, cần gì phải làm? Chúng ta biết: Dài nhất trong các bài thần chú là thần chú Lăng Nghiêm trích từ kinh Lăng Nghiêm. Từ xưa đến nay, kinh Lăng Nghiêm đã có hơn một trăm vị chú giải, mỗi vị chú giải đều chẳng dịch nghĩa chú Lăng Nghiêm, chỉ giới thiệu đơn giản, khái lược. Chỉ riêng pháp sư Từ Vân Quán Đảnh đời Thanh là dịch nghĩa thần chú Lăng Nghiêm. Cổ nhân có vị dịch nghĩa thần chú, có vị không dịch. Không dịch vẫn chiếm đa số.

          (Sớ) Kinh chú tương liên, chánh Hiển Mật viên thông nghĩa.

          ()經咒相聯,正顯密圓通義。

(Sớ: Kinh và chú liên quan với nhau, chính là ý nghĩa Hiển Mật viên thông).

           Chú Vãng Sanh không thuộc về bộ kinh này, vì sao ghép vào đây? Liên Trì đại sư muốn dạy chúng ta: Hiển và Mật là viên dung, thông đạt, chẳng có chướng ngại. Kinh là chú hiển thuyết, chú là kinh mật thuyết, phương thức biểu đạt khác nhau, nội dung chẳng hai, chẳng khác. Nội dung của phần dịch nghĩa chú Vãng Sanh xác thực là nhằm dạy chúng ta hãy niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, chỉ thú giống hệt như kinh Di Đà. Đại sư làm cách này, đúng là khổ tâm tốn sức! Chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề tánh tình bất định, thay đổi thất thường, nay thích điều này, mai ưa điều khác, niệm Phật chẳng thật thà. Thấy kẻ khác tham Thiền, bèn mong tĩnh tọa tham Thiền. Thấy người ta học Mật, cũng muốn niệm chú, tu học như vậy sẽ chẳng thành tựu! Không chỉ là niệm Phật chẳng tốt đẹp, mà bất luận tu học pháp môn nào, cũng đều chẳng thể học tốt đẹp được! Đại sư làm cách này, không gì chẳng nhằm dạy chúng ta khăng khăng một mực thật thà niệm Phật. Sau mỗi đoạn Sớ Sao, đều có phần đàm luận xứng tánh. Phần xứng tánh ấy thuộc về Thiền Tông, nhằm bảo rõ với chúng ta: Có đoạn nào, câu nào trong kinh Di Đà chẳng phải là thượng thượng Thiền? Chẳng cần phải tu Thiền nữa. Chẳng phải là quý vị đã học Mật rồi đó ư? Chú Vãng Sanh là vô thượng mật chú; ở đây, chúng ta cũng có chú ấy. Vì thế, chỉ là một dụng ý, một mục tiêu, nhằm dạy chúng ta nhận biết rõ ràng hết thảy các pháp môn, thật thà niệm Phật. Thật thà niệm Phật, chẳng có ai không thành tựu! Cổ đức bảo pháp môn này là “vạn người tu, vạn người đến” chẳng giả!

          (Sao) Tường trần bỉ quốc, y chánh trang nghiêm, tín, hạnh, nguyện môn, như kinh sở minh, thị chi vị Hiển.

          ()詳陳彼國,依正莊嚴,信行願門,如經所明,是之謂顯。

          (Sao: Nói cặn kẽ y báo và chánh báo trang nghiêm trong ấy, các môn Tín, Hạnh, Nguyện được giảng rõ trong kinh, đó gọi là Hiển).

          “Trần” là trần thuyết (陳說: tường thuật, giải thích), nói rõ tường tận, cặn kẽ trạng huống trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. “Y” (依) là trạng huống nơi hoàn cảnh sống. “Chánh” (正) là nói đến A Di Đà Phật, cũng như trạng huống tu học tại Tây Phương của những người từ mười phương vãng sanh đến thế giới Tây Phương, đều nói rất rõ ràng, rất minh bạch. Nhất là chúng ta hợp ba kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật và kinh Di Đà lại để xem, sẽ mười phần liễu giải trạng huống trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Chỉ có thật sự liễu giải, thật sự hiểu rõ, tín tâm của chúng ta mới sanh khởi. Tín tâm chẳng thể sanh khởi chính là vì chẳng hiểu rõ trạng huống trong Tây Phương cho mấy. Nghe nói [cõi ấy] tốt đẹp, rốt cuộc là thật hay giả? Kẻ ấy ôm nỗi nghi hoặc, tín tâm chẳng thanh tịnh. Nhất định là phải hiểu rõ ràng, nhất định phải hiểu minh bạch, tín tâm bèn thanh tịnh.

Có tín tâm, có nguyện vọng mạnh mẽ, nguyện sanh về Tịnh Độ, nguyện thấy Di Đà. Nguyện này hết sức trọng yếu, có Tín, có Nguyện thì mới thật sự chịu làm, đó là có Hạnh. Hạnh là dùng niệm Phật làm Chánh Hạnh. Kinh Vô Lượng Thọ từ phẩm ba mươi hai tới phẩm ba mươi bảy dạy chúng ta đoạn ác tu thiện, trì giới niệm Phật, đó là Trợ Hạnh. Tam Phước và [nhân hạnh của] chín phẩm trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật cũng thuộc loại Trợ Hạnh. Chánh Trợ song tu, quyết định được vãng sanh. Kinh đã nói rõ ràng về Tín, Nguyện, Hạnh cho chúng ta. Đó gọi là Hiển Giáo, hết sức rõ rệt.

          (Sao) Tuân Phật bí sắc, đản trì thử chú, tức đắc vãng sanh, thị chi vị Mật.

          ()遵佛祕敕,但持此咒,即得往生,是之謂密。

(Sao: Tuân theo sắc lệnh bí mật của đức Phật, chỉ trì chú này, liền được vãng sanh, đó gọi là Mật).

          Trong Mật, điều kiện trọng yếu nhất là tín tâm tuyệt đối, tuyệt đối chẳng thể có mảy may nghi hoặc nào! Trong Hiển Giáo, có nghi hoặc vẫn chẳng sao, kinh giáo có thể giúp quý vị giải quyết [nỗi nghi hoặc ấy]. Trong Mật Giáo mà có nghi hoặc thì không được rồi, quyết định chẳng thể thành tựu, phải là có tín tâm tuyệt đối. Vì sao? Trong chú chẳng có giải thích, đức Phật nói như thế nào, quý vị bèn thật thà trì chú, dùng phương pháp này.

“Đản trì thử chú, tức đắc vãng sanh” (Chỉ trì chú này, liền được vãng sanh), giống như trong kinh đã nói: Quý vị có thể trì chú Vãng Sanh ba mươi vạn lần, chắc chắn được vãng sanh. Từ xưa đến nay, xác thực là có không ít người thấy kinh dạy như vậy, họ cũng niệm, sau khi đã niệm đủ ba mươi vạn lần, chẳng có hiệu quả! Do nguyên nhân gì? Kẻ ấy chẳng có tín tâm tuyệt đối, vừa niệm vừa hoài nghi, làm thử xem, ba mươi vạn lần rốt cuộc là giả hay thật? Kẻ ấy chẳng có chân tâm, dùng cái tâm “thử xem” để niệm chú, niệm ba mươi vạn lần, hay ba trăm vạn lần cũng chẳng được! Khuyết điểm là do cái tâm “thử xem”. Thử xem có linh hay không, kết quả là chẳng linh. Do đó, cái tâm trì chú chớ nên giả dối, chớ nên [dùng cái tâm] thăm dò, chớ nên dùng cái tâm suy đoán. Người trì chú, nói tới thật thà, chúng ta thường nói “thật thà niệm Phật”, còn phải thật thà hơn người niệm Phật thì mới được. Hễ có mảy may chẳng thật thà, ba mươi vạn lần đều là niệm uổng công, chẳng thể thành tựu, đạo lý ở chỗ này. Chẳng phải là chú không linh!

Như trong Liễu Phàm Tứ Huấn đã nói, ông ta (Viên Liễu Phàm) đã nêu tỷ dụ “vẽ bùa, niệm chú”. Biết vẽ bùa, sẽ vẽ được một đạo bùa linh ứng; chẳng biết cách vẽ bùa, sẽ bị quỷ thần chê cười. Bùa vẽ như thế nào sẽ linh? “Thành tắc linh” (Có lòng thành, ắt linh thiêng). Tiêu chuẩn của Thành là gì? Trong Độc Thư Bút Ký (bút ký đọc sách), ông Tăng Quốc Phiên đã định nghĩa chữ Thành như sau: “Một niệm chẳng sanh thì gọi là Thành”. Trong tâm chẳng có ý niệm nào, đó là Thành. Trong tâm có một niệm thì chẳng thành. Kẻ vẽ bùa ấy, lúc bình thời phải luyện tập, luyện rất thuần thuộc; đối với mỗi đạo bùa, hễ hạ bút liền vẽ một mạch. Không thông thuộc, vẽ tới chỗ nào đó rồi lại dấy lên ý niệm suy nghĩ trong chốc lát [phải vẽ tiếp như thế nào, đạo bùa ấy] sẽ chẳng linh. Người ấy hạ bút liền vẽ một mạch thì sẽ vẽ đạo bùa ấy thành công. Chẳng có một vọng niệm nào, đạo bùa ấy sẽ linh. Hễ dấy lên một vọng niệm, sẽ chẳng linh. Do đó, chẳng biết vẽ bùa, sẽ bị quỷ thần cười cợt. “Chẳng biết vẽ bùa” là khi vẽ bùa có xen lẫn ý niệm trong ấy.

Cùng một đạo lý như vậy, niệm chú có người niệm linh ứng, có người niệm chú, âm đọc cũng chẳng sai một chữ nào, thế mà chẳng linh! Cùng một đạo lý: Hễ thành sẽ linh. Chư vị phải biết: Chú càng dài càng khó, vì thời gian dài, dễ dấy lên vọng tưởng. Hễ vọng tưởng nẩy sanh, chú ấy sẽ không linh. Vì thế, cổ nhân nói: “Niệm kinh chẳng bằng niệm chú, niệm chú chẳng bằng niệm Phật”. Trong bốn chữ A Di Đà Phật, chẳng có một vọng tưởng thì được, rất dễ dàng làm được, [cho nên niệm Phật sẽ] linh! Vì thế, tôi khuyên mọi người dùng pháp Thập Niệm để tu trì, đối với mười câu A Di Đà Phật, thời gian chỉ cần một phút, nhiếp tâm dễ dàng. Trong mười câu Phật hiệu, chẳng có một vọng niệm, thời gian công khóa tuy ngắn ngủi, nhưng linh ứng. Quý vị niệm Phật, mỗi ngày niệm mấy ngàn câu, mấy vạn câu, trong ấy có vọng tưởng, có tạp niệm, sẽ chẳng linh! Vì thế, đối với cách Thập Niệm này, quý vị hãy thật sự khéo niệm, chừng một, hai tuần, sẽ cảm nhận hiệu quả. Do nguyên nhân nào? Đạo lý ở ngay chỗ này! Thời gian ngắn ngủi, dễ nhiếp tâm, phù hợp “tịnh niệm tiếp nối”, phù hợp “nhiếp trọn sáu căn”, phù hợp tiêu chuẩn ấy. Vì thế, hiệu quả hết sức rõ rệt. Trì chú, niệm Phật, phải hiểu bí quyết trọng yếu ở trong ấy.

          (Sao) Hiển giả, hiển thử mật dã; mật giả, mật thử hiển dã.

          ()顯者,顯此密也;密者,密此顯也。

(Sao: Hiển là hiển lộ bí mật này, Mật là ẩn mật hiển pháp này).

           Hiển Mật viên dung là cùng một chuyện, một phương pháp, đức Phật dùng hai phương thức bất đồng để biểu đạt: Một đằng là hiển thuyết, một đằng là mật thuyết.

          (Sao) Kiêm trì tắc song mỹ tất cụ, đơn cử diệc giao nhiếp bất di, cố viết Viên Thông.

          ()兼持則雙美畢具,單舉亦交攝不遺,故曰圓通。

(Sao: Trì cả hai ắt đẹp đẽ, trọn vẹn cả đôi đường, chỉ nêu riêng một pháp thì pháp này dung nhiếp pháp kia chẳng sót. Vì thế nói là Viên Thông).

          “Kiêm trì”: Nay chúng ta đều chọn dùng phương pháp này. Niệm xong kinh Di Đà bèn niệm ba biến chú Vãng Sanh, có Hiển, có Mật. Đó gọi là “kiêm trì”. Đấy là “song mỹ”, “tất cụ”, chẳng có mảy may thiếu khuyết nào! “Đơn cử” là chỉ niệm kinh, hoặc chỉ niệm chú cũng đều được! Niệm kinh là Hiển, trong Hiển có Mật. Tuy chẳng niệm chú, nhưng mật nghĩa đều ở trong kinh. Chỉ trì chú Vãng Sanh cũng được, tuy là Mật, hiển kinh cũng ở trong mật nghĩa. Vì Mật là Mật của Hiển, Hiển là Hiển của Mật. Do vậy, quý vị chỉ trì một loại, ý nghĩa vẫn là viên mãn. Đó mới gọi là Viên Thông.

          Viên Thông là từ ngữ trong kinh Lăng Nghiêm. Trong Hoa Nghiêm, câu này được gọi là Vô Ngại. Vô ngại bèn viên thông; có chướng ngại sẽ chẳng thông, sẽ chẳng viên. Trong kinh Hoa Nghiêm, Thanh Lương đại sư nói là “tứ vô chướng ngại pháp giới”, Viên Thông là pháp giới vô chướng ngại. Pháp giới vô chướng ngại là cảnh giới sở chứng của Như Lai và các vị đại Bồ Tát. “Đại Bồ Tát” là bậc Địa Thượng Bồ Tát trong Viên Giáo, [nói Viên Thông] là nói tới [cảnh giới] sở chứng của các Ngài. Kinh Hoa Nghiêm nói “Lý vô ngại, Sự vô ngại, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”. Kinh Lăng Nghiêm dùng hai chữ Viên Thông để nói trọn hết.

          (Sớ) Tuy vân giao nhiếp, nhi chuyên trì danh hiệu, do thắng trì chú, diệc thắng dư chú, diệc thắng nhất thiết chư dư công đức.

     ()雖云交攝,而專持名號,猶勝持咒,亦勝餘咒,亦勝一切諸餘功德。

          (Sớ: Tuy nói là “nhiếp lẫn nhau”, nhưng chuyên trì danh hiệu vẫn thù thắng hơn trì chú [Vãng Sanh], mà cũng thù thắng hơn các chú khác, cũng thù thắng hơn hết thảy các công đức).

          Trong đoạn khai thị này, nói thật ra, nếu Liên Trì đại sư chẳng giảng cho chúng ta rõ ràng, minh bạch như vậy, thật sự là chúng ta chẳng biết danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn. Danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn, chúng ta cũng thường nghe, cũng thường thấy trong chú sớ của các vị tổ sư nói kiểu này, rốt cuộc là chẳng thể nghĩ bàn như thế nào, chẳng biết! Trong đoạn này, Liên Trì đại sư đã nêu bày chẳng thể nghĩ bàn như thế nào, chẳng thể nghĩ bàn đến mức độ nào, đúng là khó có! Chúng ta có thể gặp gỡ, thật sự là có đại phước báo. Từng câu dưới đây đều nhằm giải thích [vì sao chư Phật, Bồ Tát, lịch đại tổ sư đặc biệt ca ngợi pháp trì danh].

          (Sao) Thiên tán trì danh dã.

          ()偏讚持名也。

          (Sao: Đặc biệt ca ngợi trì danh).

          “Tán” là tán thán (讚歎). Trong tất cả hết thảy các pháp môn, tám vạn bốn ngàn pháp môn, hoặc vô lượng pháp môn, chư Phật Như Lai, tổ sư đại đức đặc biệt tán thán “trì danh”, lại còn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật, đạo lý ở chỗ nào? Rốt cuộc vì sao phải tán thán như vậy?

          (Sao) Dĩ chú vân: “Tụng tam thập vạn biến, tắc kiến A Di Đà Phật”.

          ()以咒云:誦三十萬遍,則見阿彌陀佛。

(Sao: Do trong kinh văn giảng về chú Vãng Sanh đã nói: “Tụng ba mươi vạn lần, sẽ thấy A Di Đà Phật”).

          Chú Vãng Sanh phải niệm ba mươi vạn lần thì mới thấy A Di Đà Phật.

(Sao) Nhi trì danh, tắc nhất nhật nhất tâm, tức Phật hiện tiền cố.

          ()而持名,則一日一心,即佛現前故。

          (Sao: Nhưng trì danh thì một ngày nhất tâm, Phật bèn hiện tiền).

           Chú Vãng Sanh chẳng bằng Phật hiệu; đối với Phật hiệu, chí tâm xưng danh một ngày, một đêm, A Di Đà Phật bèn hiện tiền, bèn đắc nhất tâm bất loạn. Chú Vãng Sanh còn phải niệm ba mươi vạn lần, Phật mới hiện tiền, chứng tỏ chú chẳng bằng Phật hiệu. Liên Trì đại sư nói lời này chẳng phải là nói tùy tiện, mà đều là có kinh điển để làm căn cứ. Niệm ba mươi vạn lần chú Vãng Sanh phải tốn thời gian rất dài. Niệm câu Phật hiệu này một ngày một đêm vượt trỗi ba mươi vạn lần chú Vãng Sanh. Đó là chỗ thua kém của chú Vãng Sanh.

          (Sao) Hựu chú vân: “Trú dạ lục thời, các tụng tam thất biến, năng diệt Ngũ Nghịch đẳng tội, nhi trì danh, tắc chí tâm niệm Phật nhất thanh, tức diệt bát thập ức kiếp sanh tử trọng tội cố.

          ()又咒云:晝夜六時,各誦三七遍,能滅五逆等罪。而持名,則至心念佛一聲,即滅八十億劫生死重罪故。

(Sao: Chú lại nói: Ngày đêm sáu thời, mỗi thời tụng hai mươi mốt lần, có thể diệt các tội như Ngũ Nghịch v.v… Nhưng trì danh thì chí tâm niệm Phật một tiếng liền diệt trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử).

          Niệm chú Vãng Sanh còn phải “trú dạ lục thời, các tụng tam thất biến” (ngày đêm sáu thời, mỗi thời tụng hai mươi mốt biến), “tam thất” là hai mươi mốt biến. “Trú dạ lục thời” (Ngày đêm sáu thời), mỗi thời niệm hai mươi mốt lần, một ngày đêm niệm sáu lượt. Ngày ba thời: Sơ nhật phần niệm một lần, trung nhật phần niệm một lần, hậu nhật phần niệm một lần. Ban đêm cũng thế, sơ dạ phần niệm một lần, trung dạ phần niệm một lần, hậu dạ phần niệm một lần, thì mới “năng diệt Ngũ Nghịch đẳng tội” (có thể diệt tội như Ngũ Nghịch v.v…). “Trì danh” là thành tâm niệm một câu A Di Đà Phật liền “diệt bát thập ức kiếp sanh tử trọng tội” (diệt trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử). Chú chẳng bằng Phật hiệu, trong kinh đức Phật có nói điều này. Có người không niệm Phật mà muốn niệm chú, có cách nào? Chẳng có cách nào hết! Chúng ta chỉ đành nói là mỗi người có nhân duyên riêng.

Trong ấy, điều then chốt là Thành, tức chân thành. Đó là nhân. Phật hiện tiền, diệt tội Ngũ Nghịch, đó là quả. Trong ấy còn có duyên. Nếu chẳng có duyên, quả chẳng thể hiện tiền. Chúng ta mỗi ngày không chỉ niệm một câu Phật hiệu, [thế mà] Phật cũng chẳng hiện tiền. Do duyên cớ gì? Đương nhiên, điều thứ nhất là do cái nhân chẳng chánh đáng, duyên khuyết thiếu. Duyên là gì? Kinh nói “thiện nam tử, thiện nữ nhân”, đó là duyên. Chúng ta thật sự là thiện nam tử, thiện nữ nhân, lại có thành tâm, sẽ linh. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, đức Phật đã giảng về tiêu chuẩn thiện rất rõ ràng, rất minh bạch, chính là Tịnh nghiệp Tam Phước. Đấy là tiêu chuẩn của thiện. Phải thật sự làm được điều thiện nhân thiên, tức là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện nghiệp”, phải thật sự làm được! Hằng ngày niệm Phật suông [không tu điều phước thứ nhất trong Tịnh nghiệp Tam Phước] sẽ vô dụng, chẳng được coi là “thiện nam tử, thiện nữ nhân”, phải làm được! Đó là nhân thiên thiện. Nhị Thừa thiện thì còn phải thêm ba điều, “thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi”, sẽ là thiện nam tử, thiện nữ nhân theo Tiểu Thừa.

Pháp môn này và kinh điển này là pháp của Đại Thừa Bồ Tát. Không chỉ là pháp Đại Thừa, cổ đại đức dạy chúng ta: Pháp môn này là Đại Thừa của Đại Thừa, là Nhất Thừa của Nhất Thừa, là pháp môn vô thượng chân thật bậc nhất. Tiêu chuẩn thiện của nó càng cao hơn; vì thế, còn phải thêm vào: “Phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”. Những điều này chúng ta đều làm được, dùng cái tâm chân thành để niệm câu Phật hiệu, xác thực là niệm một tiếng Phật hiệu “diệt trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử”, vãng sanh Tịnh Độ sẽ là thượng thượng phẩm vãng sanh.

          Có những người thoạt trông dường như rất ngu si, như người đồ đệ làm thợ vá nồi của pháp sư Đế Nhàn. Ông ta chẳng biết chữ, chẳng có kiến thức, trung niên xuất gia. Lão pháp sư dạy ông ta niệm một câu A Di Đà Phật. Người ta niệm ba năm, biết trước lúc mất, đứng vãng sanh. Ông ta chưa từng học Tam Phước, cớ sao có thể vãng sanh thù thắng như vậy? Nói thật ra, đối với mười một điều trong Tam Phước, ông ta thảy đều làm được, thảy đều trọn đủ, nhưng quý vị hỏi ông ta, ông ta sẽ chẳng thốt nên lời, không biết! Đó là người như cổ nhân đã bảo “ngu không ai bằng”. Tuy ông ta ngu ngơ, điều gì cũng chẳng biết, nhưng chúng ta chẳng bằng ông ta! Ông ta tâm địa thanh tịnh, thiện lương, so sánh từng điều trong tiêu chuẩn ấy, ông ta thảy đều trọn đủ. Nghe lời thầy, [vì thế] “phụng sự sư trưởng” ông ta làm được. Thầy dạy ông ta làm như thế nào, ông ta giảm bớt một chút cũng chẳng có, cứ thật thà làm theo, vâng theo một trăm phần trăm, thứ gì cũng làm được, cho nên duyên của ông ta đầy đủ. Tâm địa chân thành, trừ câu A Di Đà Phật ra, ý niệm gì cũng đều chẳng có, nhân đầy đủ! Ông ta nhân duyên đầy đủ, quả báo hiện tiền, quả báo thù thắng khôn sánh. Chúng ta nhất định phải hiểu điều này. Nếu không, chúng ta sẽ cảm thấy: Sao mà có người niệm thì linh, có kẻ niệm chẳng linh? Rốt cuộc người niệm linh ứng thì có phải là người đó rất may mắn hay không? Có phải là người ấy rất hên hay không? Chẳng phải vậy! Mảy may vận hên cũng chẳng có! Vì thế, sau khi đã hiểu rõ lý luận và chân tướng sự thật, chúng ta bèn biết phải tu như thế nào! Do đó, Tam Phước hết sức trọng yếu. Đấy là nói niệm danh hiệu A Di Đà Phật mạnh mẽ hơn niệm chú Vãng Sanh.

          (Sao) Nhị, thắng dư chú giả.

          ()二、勝餘咒者。

(Sao: Hai là thù thắng hơn các chú khác).

          “Dư chú” là những chú khác. Hết thảy các chú do đức Phật đã nói trong bốn mươi chín năm, kể cả chú Đại Bi, chú Lăng Nghiêm, chú Chuẩn Đề v.v… đều chẳng sánh bằng danh hiệu A Di Đà Phật.

          (Sao) Chuyên trì danh hiệu, tức đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú.

          ()專持名號,即大神咒、大明咒、無上咒、無等等咒。

          (Sao: Chuyên trì danh hiệu, chính là đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, chú không có gì sánh bằng).

          Danh hiệu A Di Đà Phật là “đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, chú không có gì sánh bằng”, vì sao?

          (Sao) Dĩ thập niệm tiện đắc vãng sanh, nhất sanh tiện đắc bất thoái, oai linh bất trắc, tư danh đại thần.

          ()以十念便得往生,一生便得不退,威靈不測,斯名大神。

(Sao: Do mười niệm bèn được vãng sanh, trong một đời bèn đắc Bất Thoái, oai linh chẳng lường được, nên gọi là “đại thần”).

          Nhìn từ những ý nghĩa được bao hàm trong danh tự thì sáu chữ hồng danh chẳng thẹn gọi là “đại thần chú”! “Thập niệm vãng sanh” là nguyện thứ mười tám trong bốn mươi tám nguyện. Nguyện thứ mười tám nói: Kẻ tạo tác Ngũ Nghịch, Thập Ác, lâm chung gặp thiện hữu khuyên người ấy niệm Phật, do một niệm hoặc mười niệm bèn có thể vãng sanh. Chú nào có thể sánh bằng một câu Phật hiệu? Dẫu các thần chú khác cũng có năng lực ấy, nhưng “nhất sanh tiện đắc Bất Thoái” (trong một đời bèn đắc Bất Thoái), đại khái là chẳng thể tìm thấy trong các chú khác. Sanh về thế giới Tây Phương, dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư cũng chứng trọn vẹn ba món Bất Thoái, điều này chẳng thể tìm thấy trong tất cả hết thảy các thần chú. Đây là nói rõ ràng, nói minh bạch cùng chúng ta: “Trì chú chẳng bằng niệm Phật”.

Bao nhiêu kẻ mê đắm nơi thần chú, chẳng biết danh hiệu có công đức thù thắng, chẳng nhận biết giá trị, chẳng nhận thức! Thật sự nhận biết rõ ràng, nhận biết minh bạch, thật sự là chẳng dễ dàng! Chẳng phải là người có đại phước đức, đại thiện căn, đại nhân duyên, làm sao quý vị có thể hiểu rõ cho được? Kinh Di Đà chẳng dài, Sớ Sao chẳng ngắn. Giảng bộ Sớ Sao to như vậy một lượt, khá khó khăn! Thiện căn, phước đức, và nhân duyên chẳng phải là ai nấy đều trọn đủ, họ làm sao hiểu nổi? Chẳng hiểu sự thù thắng của danh hiệu. “Oai linh bất trắc” (Oai linh chẳng lường), [nói tới sự] oai đức linh cảm là nói tới mười niệm vãng sanh, bất thoái ngay trong một đời. Đó là đại thần chú.

          (Sao) Dư khả lệ tri cố.

          ()餘可例知故。

          (Sao: Đối với những điều khác, cứ phỏng theo đó suy ra sẽ biết).

          Những điều khác, đại sư tỉnh lược. Trong phần tiểu chú, pháp sư Cổ Đức có bổ sung.

          (Diễn) Dư khả lệ tri giả, nhất tâm bất loạn, đoạn vô minh, kiến tự tánh, đại minh chú dã.

()餘可例知者,一心不亂,斷無明見自性,大明咒也。

(Diễn: “Những điều khác cứ phỏng theo đó, suy ra mà biết”: Nhất tâm bất loạn, đoạn vô minh, thấy tự tánh, tức là đại minh chú).

          “Minh” là minh tâm kiến tánh. Chư vị hãy lắng lòng suy nghĩ cặn kẽ. Nếu trong quá khứ hoặc hiện tại, quý vị học Mật đôi chút, Thượng Sư Nhân Ba Thiết (Rinpoche) dạy quý vị mấy bài chú, quý vị cũng thọ trì hằng ngày, sáng tối đều niệm chú, có phải là tâm quý vị ngày càng sáng suốt hơn hay chăng? Nếu chúng ta càng niệm, tâm càng hồ đồ, càng niệm càng phiền não, càng niệm càng vô tri, chú ấy chẳng linh, xác thực là chẳng bằng một câu danh hiệu!

Để thành tựu công đức nơi danh hiệu, bí quyết trọng yếu là chuyên tinh. Danh hiệu dễ trì, nó rất ngắn, [niệm] câu ấy dễ dàng, nên gọi là “dị hành đạo” (易行道: đạo dễ hành). So sánh các thứ khác với Phật hiệu, chúng đều gọi là “đạo khó hành”, chẳng dễ dàng như cách này. “Dị” (易) là gì? Dễ dàng nhiếp tâm. Cũng có nghĩa là khi chúng ta luyện tập, niệm Phật là thực hiện công phu, trì chú cũng là luyện công phu, đọc kinh cũng là đang hành công phu. Điều khẩn yếu nhất trong luyện tập công phu là nhiếp tâm. Nhiếp tâm là như Đại Thế Chí Bồ Tát đã dạy: “Nhiếp trọn sáu căn”. Chúng ta có thể nhiếp hay không, đó là vấn đề! Càng đơn giản, ngắn gọn, càng tinh yếu, càng dễ nhiếp tâm. Chư vị nhất định phải hiểu: Nói Lý thì phải tỉ mỉ, càng cặn kẽ càng tốt. Chúng ta phải thật sự hiểu rõ ràng, phải hiểu minh bạch; tu hành thì càng đơn giản càng hay, đơn giản mới là dễ dàng. Hành chớ nên phức tạp, chớ nên rất khó, chớ nên ham nhiều!

Một câu Phật hiệu đúng là phải thật thà niệm. Thật sự thật thà niệm, dẫu quý vị chẳng thể đắc nhất tâm bất loạn, quyết định là công phu thành phiến chẳng có vấn đề gì! Nếu quý vị đắc công phu thành phiến, trước mắt sẽ có đại thọ dụng, đạt được lợi ích chân thật nơi Phật pháp. Rốt cuộc công phu thành phiến có ưu điểm gì? Có những lợi ích gì?

1) Thứ nhất là phiền não nhẹ nhàng. Phiền não chưa đoạn; hễ đoạn được, sẽ là nhất tâm bất loạn. Chưa đoạn, nhưng nhẹ bớt, chẳng nặng nề như trước kia.

2) Thứ hai, vọng niệm bớt đi. Có vọng niệm, nhưng chẳng nhiều như trước kia.

3) Thứ ba, trí huệ tăng trưởng, người bỗng dưng thông minh. Trước kia, đối với người, đối với sự, đối với vật, đều hồ đồ, mờ mịt, nay bèn hiểu rõ, chẳng hồ đồ.

4) Thứ tư, pháp hỷ sung mãn. Bất luận khi nào, bất luận nơi nào, trong tâm hoan hỷ, pháp hỷ. Pháp hỷ chính là chất dinh dưỡng thù thắng nhất mà chúng ta nhấn mạnh trong đạo lý dưỡng sanh, nó thật sự  có  thể

khiến cho quý vị giữ mãi vẻ thanh xuân, chẳng già, chẳng bệnh.

Thật sự có thể đạt được, đạt được công phu thành phiến, tiền đồ lại còn là một bầu quang minh. Phàm phu rất đáng thương, chẳng biết sanh từ đâu đến, chết không biết đi về đâu? Hồ đồ, mờ mịt đến, hồ đồ, mờ mịt mà đi. Đáng thương! Quý vị đạt được công phu thành phiến, bèn hiểu rõ ràng, minh bạch, tiền đồ là một bầu quang minh, làm sao có thể giống [như cũ] được? Đại minh chú đấy nhé! Dẫu trong một đời này, chúng ta chẳng đạt được nhất tâm bất loạn, nhất tâm bất loạn xác thực là chẳng dễ dàng, nó là công phu bậc cao, nhưng công phu thành phiến thì chúng ta nhất định có thể đạt được. Đến khi chúng ta vãng sanh, Phật đến tiếp dẫn. Phật quang vừa chiếu, ngay lập tức, một chút công phu thành phiến của chúng ta được nâng lên thành nhất tâm bất loạn. Đó là do Phật lực gia trì. Nếu chúng ta đắc Sự nhất tâm bất loạn, Phật quang vừa chiếu bèn nâng lên thành Lý nhất tâm bất loạn. La Thập đại sư phiên dịch bộ kinh này, dịch thành “nhất tâm bất loạn”, hoàn toàn chẳng dịch sai! Nhưng phải hiểu: Trong kinh điển bằng tiếng Phạn, chẳng nói ý nghĩa “nhất tâm bất loạn”, bản dịch của Huyền Trang đại sư ghi là “nhất tâm hệ niệm”, chẳng phải là nhất tâm bất loạn. Nhưng nhất tâm bất loạn, xác thực là khi vãng sanh, do Phật lực gia trì, khiến cho công phu của quý vị tăng cao hơn. Vì thế, cũng chẳng thể nói Ngài dịch theo ý nghĩa ấy là dịch sai. Do “đoạn vô minh, thấy tự tánh”, nên câu A Di Đà Phật chính là đại minh chú.

          (Diễn) Vãng sanh bỉ quốc, cứu cánh thành Phật, vô thượng chú dã.

          ()往生彼國究竟成佛,無上咒也。

(Diễn: Vãng sanh cõi ấy, rốt ráo thành Phật là vô thượng chú).

           Sở dĩ mật chú có thể hấp dẫn người khác là vì nó đề xướng “tức thân thành Phật” (thành Phật ngay trong thân này), cho nên mọi người đều như ong vỡ tổ kéo đến! Thành Phật ngay trong một đời là thành Phật gì vậy? Thật sự tu thành công trong Mật Tông, chiếu theo Mật pháp để thật sự tu hành, thành Phật ngay trong một đời, chính là thành Tạng Giáo Phật, tương đương với A La Hán của Tiểu Thừa, còn cách biệt Đại Thừa Bồ Tát một khoảng to lớn, chẳng phải là một vị Phật viên mãn rốt ráo. Trong Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, Ấn Quang đại sư đã giảng chuyện này rất nhiều. Ấn Quang đại sư là Đại Thế Chí Bồ Tát ở Tây Phương tái lai, làm sao có thể sai lầm cho được? Thành Phật há dễ dàng như vậy sao? Chẳng có chuyện may mắn đâu nhé!

Để thành Phật, phải phá Trần Sa phiền não, phải đoạn Vô Minh phiền não. Nói cách khác, bất luận quý vị dùng công phu gì, bất luận tu học pháp môn nào, nếu chẳng đoạn phiền não, chắc chắn là chẳng thể chứng quả. Nếu có kẻ nào bảo “chẳng đoạn phiền não, vẫn có thể chứng quả”, đó là gạt người, chẳng có lẽ ấy! Chẳng đoạn phiền não, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đó gọi là “đới nghiệp vãng sanh”. Pháp môn này cũng nói rành mạch: Chỉ mang theo nghiệp cũ, chẳng mang theo nghiệp hiện hành. Đừng nghĩ [đã là] đới nghiệp vãng sanh, [vậy thì] cứ liều mạng tạo nghiệp, chẳng sao hết, trong tương lai vẫn có thể vãng sanh. [Nghĩ như vậy], quý vị đã lầm lẫn quá đỗi. Mang theo nghiệp cũ, chẳng phải là mang theo nghiệp mới. “Đới” (帶) là mang theo nghiệp quá khứ, chẳng thể mang theo nghiệp hiện tại, như vậy thì mới có thể vãng sanh. Người niệm Phật đông đảo, người vãng sanh ít ỏi, vì sao họ chẳng thể vãng sanh? Họ đã hiểu lầm “đới nghiệp”, cứ nghĩ hiện tiền tạo nghiệp vẫn có thể mang theo, sai mất rồi!

          Chúng ta tham Thiền, hoặc là học Giáo, hoặc là trì chú, đều phải đoạn Kiến Tư phiền não thì mới có thể thành tựu. Nay chúng ta hãy suy ngẫm, có thể đoạn Kiến Tư phiền não hay không? Không chỉ là đoạn, mà đè nén nó còn chẳng được, quý vị còn có hy vọng thành tựu hay chăng? Mọi người phải hiểu rõ lý này, biết chân tướng sự thật, mới biết chuyện này thật khó! Đừng nói là chúng ta gặp khó khăn, [ngay cả] A La Hán cũng gặp khó khăn, Bồ Tát cũng khó khăn. Nói thật thà, ngay như Văn Thù và Phổ Hiền Bồ Tát cũng đều lắc đầu, khó lắm! Khó thì làm như thế nào? Niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.

Vài hôm trước, có người kể với tôi, đạo tràng nọ trong quá khứ niệm A Di Đà Phật, nay chẳng niệm A Di Đà Phật, đổi thành niệm Tỳ Lô Giá Na Phật. Tôi nói: “Niệm Tỳ Lô Giá Na Phật cũng tốt! Thật sự có thể đến chỗ Tỳ Lô Giá Na Phật, Văn Thù và Phổ Hiền lại khuyên họ niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ”. Vấn đề là họ có thể đến chỗ Tỳ Lô Giá Na Phật hay không? Đây là một vấn đề lớn. Hàng phục phiền não chẳng được, quý vị còn mong đến đó (đến thế giới Hoa Tạng của Tỳ Lô Giá Na Phật) hay chăng? Phải thật sự đề cao cảnh giác chuyện này. Sáng tối, khi thức dậy vào buổi sáng, trước khi đi ngủ vào buổi tối, hãy suy nghĩ cho nhiều: Thị phi, nhân ngã, tham, sân, si, mạn của chúng ta, chẳng có thứ nào có thể buông xuống được! Nói cách khác, ngay cả niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới mà còn có chướng ngại, huống hồ [tu tập] những pháp môn khác? Đó gọi là “tâm chẳng thanh tịnh”. Tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh. Nay chúng ta nói theo thực tại: Mục tiêu bậc nhất, mục tiêu duy nhất của chúng ta chỉ có mục tiêu này. Hễ có thể làm thông suốt điều này, bèn cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, những điều khác đều chẳng cần nghĩ tới! Đối với những điều khác, quý vị nghĩ xem, nói thật thà, đều là vọng tưởng! Nếu quý vị chẳng tin, hãy suy nghĩ cặn kẽ: Quý vị có buông thị phi, nhân ngã xuống được chưa? Tiếng tăm, lợi dưỡng, quý vị có buông xuống hay không? Tham, sân, si, mạn, quý vị đã buông xuống hay chưa? Nếu những thứ ấy thảy đều chẳng buông xuống, chẳng phải là quý vị đang si tưởng, đang dấy vọng tưởng ư? Ngoại trừ thật thà niệm Phật, còn có con đường nào để có thể đi được nữa? Thật sự nghĩ thông suốt, suy nghĩ rành rẽ, sẽ buông xuống vạn duyên. Đó là thật sự nghĩ thông suốt, thật sự nghĩ minh bạch.

Vào lúc tuổi già, Liên Trì đại sư bảo: “Tam Tạng mười hai bộ, nhường cho người khác ngộ”, đã nghĩ thông suốt! Nghĩ thông suốt, các pháp môn khác đều chẳng được, mà cũng chẳng thể thành tựu, các vị muốn gì, bèn nhường cho quý vị điều ấy. Lão nhân gia lúc tuổi già, một câu A Di Đà Phật, một quyển kinh A Di Đà. Đấy là người thật sự nghĩ thông suốt, thật sự giác ngộ, Ngài mới làm như thế. Nếu còn thấy phải học, phải tu những kinh luận, pháp môn khác, tức là trong tâm còn so đo, người ấy vẫn chưa nghĩ thông suốt, vẫn chưa hiểu rõ ràng. Nếu người ấy thật sự hiểu rõ, thật sự nghĩ thông suốt, nhất định sẽ giống như Liên Trì đại sư, nhất định giống như Văn Thù và Phổ Hiền. Vì thế, cầu sanh Tịnh Độ là mục tiêu duy nhất của chúng ta. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn bảo đảm! A Di Đà Phật là ông chủ lớn của công ty bảo hiểm, [chúng ta] quyết định thành Phật ngay trong một đời. “Thành Phật” ở đây chính là thành một vị Phật viên mãn rốt ráo, “tức thân thành Phật” của Mật Tông chẳng thể sánh bằng! Do vậy, một câu “Nam-mô A Di Đà Phật” xác thực là “vô thượng chú”, làm sao có thể coi thường cho được?

(Diễn) Chứng Vô Sanh Nhẫn, hồi nhập Sa Bà, phổ độ chúng sanh, vô đẳng đẳng chú dã.

()證無生忍,回入娑婆,普度眾生,無等等咒也。

(Diễn: Chứng Vô Sanh Nhẫn, quay trở lại Sa Bà, phổ độ chúng sanh, chính là chú không có gì sánh bằng).

          “Vô đẳng đẳng”, thưa cùng chư vị, chính là vô thượng của vô thượng. “Vô thượng” thì há còn có gì hòng sánh bằng nó ư? Chẳng có gì có thể sánh bằng nó thì mới là vô thượng của vô thượng. Chẳng có gì bình đẳng với nó, chẳng có gì ngang hàng với nó. Vì sao? “Chứng Vô Sanh Nhẫn”. Khi nào sẽ chứng Vô Sanh Nhẫn? Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn chứng Vô Sanh Nhẫn, trong tất cả hết thảy các kinh luận và pháp môn đều chẳng có điều này. Vì chiếu theo pháp môn và kinh luận bình thường để nói, Vô Sanh Nhẫn [tối thiểu] là sở chứng của Thất Địa Bồ Tát, [hay nói chi tiết hơn] sẽ là [sở chứng của] Thất Địa, Bát Địa, và Cửu Địa. Thất Địa Bồ Tát là hạ phẩm Vô Sanh Nhẫn, Bát Địa là trung phẩm, Cửu Địa là thượng phẩm. Lên cao hơn nữa là Tịch Diệt Nhẫn. Thập Địa Bồ Tát là hạ phẩm Tịch Diệt, Đẳng Giác Bồ Tát là trung phẩm, Phật là thượng phẩm. Vì sao chúng ta hễ được sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn là Vô Sanh Nhẫn Bồ Tát? Kinh Di Đà có nói, mà kinh Vô Lượng Thọ cũng là nói như thế. Sanh về thế giới Tây Phương chính là A Bệ Bạt Trí Bồ Tát. A Bệ Bạt Trí là Vô Sanh Nhẫn Bồ Tát. Đây chẳng phải là do chúng ta tu được, mà là do bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì quý vị, khiến cho quý vị tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, thần thông, đạo lực và trí huệ của quý vị bằng với Thất Địa Bồ Tát; do Phật lực gia trì, chẳng phải là chính mình có! Chẳng phải do chính mình tu được, điều này chẳng dễ hiểu!

Ví như quý vị tốt số, đầu thai vào gia đình phú quý, cha quý vị đại phú, đại quý. Khi quý vị đi học, chính mình chẳng kiếm ra tiền, nhưng hoàn cảnh sống tốt đẹp nhất, ra khỏi cửa đi xe tốt nhất. Những thứ đó là của cha quý vị, chẳng phải là của quý vị, có ý nghĩa như thế đó. Chúng ta tới cõi ấy, tất cả hết thảy sự hưởng thụ đều là hưởng thụ từ A Di Đà Phật, có ý nghĩa như thế ấy! Đợi đến khi chính mình đã đoạn Kiến Tư phiền não, đoạn Trần Sa Hoặc, đoạn Vô Minh, vô minh còn phải đoạn hơn ba mươi phẩm, [lần lượt chứng đắc các địa vị] Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng. Khi đã đạt đến Thất Địa, tức là đã đoạn ba mươi bảy phẩm vô minh, khi ấy, [sự hưởng thụ] là của chính quý vị. Khi quý vị chưa đạt đến mức độ ấy, [hết thảy thọ dụng trong Tây Phương Cực Lạc thế giới] là do Phật lực gia trì. Cũng giống như khi chính bản thân quý vị đã có năng lực, làm việc trong xã hội, cũng có thể kiếm tiền, hết thảy những gì quý vị thọ dụng là của chính mình, chẳng phải dựa dẫm vào cha nữa! Khi quý vị chẳng có năng lực ấy, hoàn toàn dựa dẫm cha, bèn có lợi ích như thế đó. Trong các thế giới chư Phật khác, chẳng có sự tốt đẹp này. Do vậy, [nếu ở trong các thế giới khác], quý vị đang trong giai đoạn tu học sẽ rất khổ sở, chẳng thể hưởng thụ tốt đẹp dường ấy! Vì vậy, sự thù thắng của thế giới Tây Phương chẳng có bất cứ thế giới Phật nào có thể sánh bằng! Chúng ta ắt phải hiểu điều này thì tín tâm của chúng ta mới thanh tịnh, mới kiên định, nguyện lực mới thật sự khẩn thiết. Chẳng thể không đến cõi ấy! Đây là nói đến sự thù thắng trong Tây Phương Cực Lạc thế giới, đồng thời đều đạt được, đạt được ngay trong một đời!

          “Hồi nhập Sa Bà”: Chúng sanh trong thế giới này sở dĩ chẳng thể thoát khỏi tam giới là do tình quá nặng, bị tình làm hại. Tình nặng nề, chẳng thể liễu sanh tử, chẳng thể thoát khỏi tam giới. Đã xuất gia mà vẫn còn vương vấn tục gia, đó là sai lầm lớn nhất! Những nỗi vướng mắc, lo âu ấy đều là “dấy vọng tưởng”. Đối với thân nhân, đối với con cháu của quý vị, quý vị có thể giúp đỡ hay không? Giúp chẳng được, chỉ lo lắng suông! Thật sự mong giúp đỡ họ, hãy bảo họ thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Thật sự thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, người ta vừa thấy bèn nói: “Đó là quyến thuộc của Bồ Tát”. Chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần chiếu cố, còn chu đáo hơn chính mình chiếu cố! Há có quyến thuộc của Bồ Tát chẳng được hộ pháp thiện thần chiếu cố? Chẳng có chuyện ấy! Đó là thật sự chiếu cố. [Chính mình] chẳng chiếu cố [người thân] mà thật ra có khá nhiều Phật, Bồ Tát, thiện thần chiếu cố. Bản thân chúng ta một lòng một dạ nghĩ tới họ (người nhà, quyến thuộc), Phật, Bồ Tát cũng chẳng chiếu cố, mà thiện thần cũng chẳng chiếu cố. Không chỉ là chẳng chiếu cố họ, mà ngay cả bản thân ta cũng chẳng có ai chiếu cố. Đó mới là thua thiệt to tát! Kẻ ngu trong thế gian rất nhiều, chẳng hiểu chân tướng sự thật này, thật sự đáng thương!

Tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, được sự gia trì thù thắng khôn sánh của A Di Đà Phật, quý vị có thể lập tức trở lại thế giới Sa Bà; khi đó, quý vị có thể chiếu cố người nhà, quyến thuộc. “Hồi nhập Sa Bà”, câu này nhằm đặc biệt nói với những chúng sanh nặng tình với thế giới Sa Bà. Thật ra, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị tâm khai ý giải, tức là “đại triệt đại ngộ” như Thiền Tông thường nói, tâm lượng sẽ khác hẳn hiện tại. Tầm nhìn mở rộng đến hư không pháp giới, nguyên lai, trong mười phương thế giới có khá nhiều người nhà, quyến thuộc của ta, chẳng phải [chỉ vỏn vẹn] mấy người ở chỗ này, quý vị có thể đồng thời giúp đỡ họ.

“Hồi nhập Sa Bà”: Trở về thì có lìa khỏi A Di Đà Phật hay không? Chẳng lìa khỏi! A Di Đà Phật ở ngay cạnh quý vị. Thế giới Sa Bà cũng có quý vị, quý vị hóa thân tới đó. Đến thế giới Tây Phương bèn có năng lực hóa thân trăm ngàn ức giống như Thích Ca Mâu Ni Phật, tự tại lắm! Trong mười phương thế giới, đối với những người quý vị quen biết, có quan hệ, hoặc là người nhà, quyến thuộc của quý vị, quý vị đều có thể hóa ra vô lượng vô biên thân, đáng nên dùng thân gì để đắc độ [bèn hiện thân ấy], giống hệt như Quán Thế Âm Bồ Tát “phổ độ chúng sanh”. Do vậy, câu danh hiệu này là “vô đẳng đẳng chú”, quý vị phải nên tin tưởng. Vì lẽ đó, danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn. Sau khi chúng ta đọc đoạn này, mới hiểu: Đúng là chẳng thể nghĩ bàn!

          (Sao) Vấn: Chuẩn Đề công đức chí quảng, chí đại, như hà đản trì Phật danh nhi năng thắng bỉ?

          ()問:準提功德至廣至大,如何但持佛名而能勝彼。

(Sao: Hỏi: Chú Chuẩn Đề có công đức tột bậc rộng lớn, cớ sao chỉ trì danh hiệu Phật mà có thể trỗi vượt chú ấy?)

          Tại Trung Hoa, từ xưa tới nay, người trì chú Chuẩn Đề rất đông. Quý vị thấy thiền sư Vân Cốc dạy cư sĩ Liễu Phàm, chẳng dạy ông ta niệm Phật, mà dạy ông ta niệm chú Chuẩn Đề. Nêu ra một câu hỏi như thế, vì sao danh hiệu cũng có thể trỗi vượt thần chú Chuẩn Đề?

          (Sao) Đáp: Chuẩn Đề nhân địa Bồ Tát, Di Đà quả vị Như Lai, trì Chuẩn Đề ký hữu thần công, niệm Di Đà ninh vô diệu ứng?

          ()答:準提因地菩薩,彌陀果位如來,持準提既有神功,念彌陀寧無妙應。

          (Sao: Đáp: Chuẩn Đề là Bồ Tát còn đang tu nhân, Di Đà là quả vị Như Lai. Trì chú Chuẩn Đề đã có công đức thần diệu, há lẽ nào Di Đà chẳng có cảm ứng mầu nhiệm?)

          Lời đáp rất hay. Chuẩn Đề Bồ Tát[4] thuộc về Mật Tông. Chuẩn Đề Bồ Tát trong Mật Tông là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, là Bồ Tát còn đang tu nhân, chẳng phải là quả địa Phật.

          (Sao) Thị cố kinh vân: Trì lục thập nhị ức Hằng hà sa Bồ Tát danh hiệu, bất như nhất xưng Quán Thế Âm Bồ Tát, kỳ phước chánh đẳng.

          ()是故經云:持六十二億恆河沙菩薩名號,不如一稱觀世音菩薩,其福正等。

          (Sao: Vì thế, kinh nói: “Trì danh hiệu của sáu mươi hai ức Hằng hà sa Bồ Tát, chẳng bằng xưng danh hiệu Quán Thế Âm một tiếng, hai phước ấy như nhau”).

          Danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn. Niệm một câu Quán Thế Âm bằng niệm danh hiệu của sáu mươi hai ức Hằng hà sa các vị Bồ Tát bình phàm.

          (Sao) Hựu vân: Trì vô lượng vô số Quán Thế Âm Bồ Tát danh hiệu, bất như nhất xưng Địa Tạng Bồ Tát, kỳ phước chánh đẳng, huống Như Lai hồ?

     ()又云:持無量無數觀世音菩薩名號,不如一稱地藏菩薩,其福正等,況如來乎。

          (Sao: Lại nói: “Trì vô lượng vô số danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, chẳng bằng niệm một tiếng Địa Tạng Bồ Tát, hai phước ấy bằng nhau”, huống hồ [xưng danh] Như Lai ư?)

Quý vị niệm A Di Đà Phật thì danh hiệu của mười phương ba đời hết thảy chư Phật và danh hiệu của hết thảy Bồ Tát đều được bao gồm trọn hết, chẳng cần dấy vọng tưởng nữa! Niệm một danh hiệu này chính là [tất cả các danh hiệu] thảy đều niệm hết, chẳng sót một [danh hiệu] nào! Quý vị niệm danh hiệu khác thì niệm danh hiệu này, bèn sót danh hiệu kia, bỏ sót quá ư là nhiều! Vì thế, đấy mới là thật sự hiểu rõ danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn. Chúng ta gặp gỡ pháp môn này, biết chân tướng sự thật này, đó gọi là thật sự “đáng mừng rỡ”.

          Đoạn thứ ba tiếp theo đây là “trì danh hiệu A Di Đà Phật vượt trỗi hết thảy các pháp môn khác”. Hôm nay, tôi giảng tới chỗ này.

[1] Theo các cổ đức, chú luôn có ý nghĩa, nhưng ý nghĩa ấy quá súc tích, quá sâu xa, chẳng thể diễn tả bằng ngôn ngữ được, vượt ngoài tầm hiểu biết và cảnh giới của phàm phu. Lama Govinda từng nói: Nếu giải thích tỉ mỉ từng ý nghĩa trong một chữ Aum thì dù có nói cả đời vẫn không thể trọn hết.

[2] “Phá âm tự” (破音字) chính là những chữ khi để phân biệt những ý nghĩa khác nhau, phải đọc khác nhau. Thí dụ phổ biến thường được nêu ra để minh họa chữ Phá Âm là chữ “不”. Nó có các âm đọc là Bất, Phầu, Phủ, Phi và Phu tùy theo ngữ cảnh. Chẳng hạn khi dùng với ý nghĩa trợ từ nêu nghi vấn, phải đọc là Phủ, như trong kinh Kim Cang, đức Phật hỏi tôn giả Tu Bồ Đề: “Tu Bồ Đề! Ư nhữ ý vân hà? Khả dĩ thân tướng kiến Như Lai phủ?” (須菩提!於意云何?可以身相見如來不?: này Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao, có thể dùng thân tướng để thấy Như Lai hay chăng?). Dùng chữ này với ý nghĩa phủ định thì đọc là Bất như “bất sanh, bất diệt”. Khi dùng với ý nghĩa mô tả trạng thái lưỡng lự thì đọc là Phầu như “đương phục như thử phầu?” (當復如此不: sẽ lại như thế hay chăng?). Một âm nữa là Phi khi diễn tả ý nghĩa to lớn (theo Thiều Chửu), như “phi hiển tai Văn Vương mưu” (不顯哉文王謀: mưu lược của Văn Vương to lớn rõ rệt thay!) Tuy thế, có tác giả giải thích chữ “不” trong trường hợp này không có nghĩa gì, chỉ là trợ từ làm tăng ngữ khí cho câu nói mạnh mẽ hơn. Âm cuối cùng là Phu, có nghĩa là cuống hoa, như kinh Thi có câu: “Thường lệ chi hoa, ngạc phu vĩ vĩ” (常棣之華,鄂不韡韡: hoa cây thường lệ, cuống, đài rạng rỡ).

[3] Diêm Phù Đề (Jambud) là một loại cây. Theo thần thoại Ấn Độ, chính giữa thế giới này, có một vùng rừng toàn là cây Diêm Phù, lá cây rụng xuống biến thành một loại vàng rất quý gọi là vàng Diêm Phù Đàn. Địa cầu này được gọi tên theo loài cây ấy, tức Diêm Phù Đề Châu.

[4] Chuẩn Đề Bồ Tát (Cundhi, thường được dịch là Thanh Tịnh hoặc Minh Giác. Tên Ngài còn được phiên âm là Chuẩn Nê, Tôn Nê, hoặc Tôn Na, nhưng danh xưng Chuẩn Đề phổ biến nhất). Ngài còn có danh xưng Thiên Nhân Trượng Phu Quán Âm, Chuẩn Đề Phật Mẫu v.v… mật hiệu là Tối Thắng Kim Cang, hoặc Hàng Phục Kim Cang, là một trong sáu tôn Quán Âm chánh yếu của Đông Mật (Thánh Quán Âm, Thiên Thủ Quán Âm, Mã Đầu Quán Âm, Thập Nhất Diện Quán Âm, Chuẩn Đề Quán Âm và Như Ý Luân Quán Âm). Ngài là bộ mẫu của Liên Hoa Bộ, xuất sanh bảy câu-chi (bảy ức) đức Thế Tôn, nên còn có danh xưng là Thất Câu Chi Phật Mẫu Chuẩn Đề. Ngài được tạc tượng dưới nhiều hình thức, từ hai tay, bốn tay, cho đến mười tám tay, nhưng hình tượng được thờ phổ biến nhất là mười tám tay (biểu thị mười tám pháp bất cộng). Ngoại trừ hai tay kết ấn Chuẩn Đề đặt trước ngực, các tay còn lại lần lượt cầm các món pháp khí hoặc kết ấn, nếu kể từ dưới lên, bên phải sẽ là kết ấn Thí Vô Úy, trí huệ kiếm, xâu chuỗi, thiên diệu quả (quả báu cõi trời), phủ việt (búa lệnh), thiết câu (móc sắt), kim cang xử, tràng hoa báu. Bên trái lần lượt là tràng báu Như Ý, hoa sen, tháo bình (bình xối để rửa tay), dây quyến sách (thòng lọng), pháp luân, pháp loa (ốc, tù và), hiền bình, rương kinh Bát Nhã. Mỗi món pháp khí đều có ý nghĩa biểu pháp. Chẳng hạn, thiên diệu quả có đến một vạn hạt, biểu thị chủng tử của vạn hạnh thiện pháp thành tựu viên mãn, phủ việt biểu thị sự chẻ tan, phá trừ hết thảy vô minh, chướng ngại, phiền não. Dây quyến sách trói bắt các ác ma, biểu thị sự hàng phục các tâm thái tham, sân, si, mạn của chúng sanh v.v…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *