DUYÊN KHỞI THÀNH LẬP TỊNH TÔNG HỌC HỘI
Đại giác Thế Tôn, thương xót hữu tình, thị hiện thành Chánh Giác, tùy cơ diễn giáo, tuy có quyền thật (phương tiện giáo hóa) lớn nhỏ khác nhau, nhưng đều vì khiến cho chúng sinh khai thị ngộ nhập tri kiến của Phật, cứu cánh thành Phật mà thôi. Song chúng sanh thời mạt pháp, nghiệp chướng sâu nặng, trí kém phước bạc, khó gặp tri thức, chưa thể trực tiếp thông suốt được bổn hoài độ chúng sanh của Phật, do đó đặc biệt mở ra pháp môn Tịnh Độ để phổ độ hết thảy chúng sanh, hiện đời thành tựu. Xưa có Mai Đại Sĩ ở Nam Xương viết rằng: “Nếu có thể thọ trì, như thuyết tu hành, không những bạt được quả khổ của tương lai, mà còn thực sự đạt được phúc lợi ở hiện tiền, người chưa thật tu Tịnh Nghiệp, trọn chẳng cảm nhận được sự kỳ diệu, người chưa từng trải qua biển giáo thì trọn chẳng thấy được sự thâm sâu đó“. Lại nói: “Ngày nay muốn hoằng Phật Pháp, nhất định nên đề xướng Tịnh Độ“.
“Tịnh Tông Học Hội” – là tổ chức chuyên tu chuyên hoằng Tịnh Độ, do đại sĩ Hạ Liên Cư đề xướng từ sau Thế Chiến II. Pháp sư Tịnh Không hoằng dương Đại Thừa 40 năm, hiểu sâu về những Điều cần nương theo của tông Tịnh Độ, đúng là pháp môn đệ nhất của ba đời mười phương tất cả chư Phật để độ chúng sinh thành Phật. Vì thế, trong mười năm gần đây đến các nơi như Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Hoa Kỳ, Canada, Úc và những nơi khác để cực lực tuyên dương; lại in ấn hơn 1 triệu cuốn Đại Kinh và Chú Giải, lưu thông mười phương, mong rằng Tổ chức này có thể thúc đẩy rộng rãi đến các nơi trên toàn cầu, nguyện chư đại thiện tri thức, đều có thể hoằng diễn chánh pháp, hiểu rõ nhân quả ba đời, nói rõ lục đạo luân hồi, hiển dương Phật tánh chân thường, tán dương sự siêu thắng của Tịnh Độ; đọc tụng Đại Knh, khuyến tấn hành giả, cầu nguyện vãng sanh, viên thành Phật quả, thệ nguyện lập chí tuyên dương giáo hóa, rộng khiến cho đông đảo quần chúng đồng quy cõi Tịnh, là mục đích lý tưởng duy nhất khi xây dựng nên bổn hội.
Đối với việc tu học của Liên hữu trong bổn hội, cùng nhau tu theo “Tịnh Độ Ngũ Kinh” và “Tịnh Độ Thập Yếu”, đặc biệt lấy ba loại là “Kinh Vô Lượng Thọ” (bản hội tập của Đại sĩ Hạ Liên Cư), “Di Đà Yếu Giải”, “Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm” làm chỗ nhất định phải nương theo, thực hành mà có dư sức thì bắt đầu nghiên cứu các Kinh Luận Đại Thừa tương ưng với Tông của mình. Học hội đặc biệt xem trọng Hành – Giải tương ưng, tâm khẩu nhất như, là lấy Hành môn cùng nhau phát nguyện, cho đến tận vị lai, tu theo Quán Kinh Tam Phước, Lục Hòa, Tam Học, Lục Độ, Thập Đại Nguyện Vương.
Tam Phước là: thứ nhất, Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp. Thứ hai là, thọ trì Tam Quy, trọn đủ các giới, không phạm oai nghi. Thứ ba là, phát Tâm Bồ Đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả.
Lục Hòa bao gồm: Một là Kiến hòa đồng giải, hai là Giới hòa đồng tu, ba là Thân hòa đồng trụ, bốn là Khẩu hòa vô tranh, năm là Ý hòa đồng duyệt, sáu là Lợi hòa đồng huân.
Tam Học là: Giới Học, Định Học, Huệ Học.
Lục Độ là: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Bát Nhã.
Thập Nguyện bao gồm: Một là Lễ kính chư Phật, hai là Xưng tán Như Lai, ba là Quảng tu cúng dường, bốn là Sám hối nghiệp chướng, năm là Tùy hỉ công đức, sáu là Thỉnh chuyển Pháp luân, bảy là Thỉnh phật trụ thế, tám là Thường tùy học Phật, chín là Hằng thuận chúng sinh, mười là Phổ giai hồi hướng.
Công khóa thường ngày, kính y theo “Tịnh Tu Tiệp Yếu”, “Bảo Vương Tam Muội Sám”, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, không hoài nghi, không xem tạp, không gián đoạn, cầu sanh Tịnh Độ, rộng độ hữu tình.
Trong lời bạt “Kinh Vô Lượng Thọ“, Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ ghi rằng: “Khổ lạc hãn yếm, sanh Phật cảm ứng chi lý, xiển phát tận trí, Hiển-Mật tánh tướng, sự lý nhân quả chi nghĩa, cai quát vô di. Thị dĩ chí hướng Đại Thừa giả tại sở tất độc, hữu tâm cứu thế giả tại sở tất hoằng dã”. (Khổ vui yêu ghét, lý cảm ứng giữa chúng sanh và Phật, xiển phát đến tận cùng tánh tướng của Hiển giáo – Mật giáo, nghĩa của sự lý nhân quả, đã bao gồm không thiếu sót. Vì thế người có chí hướng Đại Thừa nên ắt phải đọc, người có tâm cứu thế giới ắt phải nên hoằng vậy). Than ôi, từ khi phong khí xã hội đi xuống, lòng người chìm đắm, cùng nghiệp cộng cảm, kiếp vận là mảng hư không trước mắt, lòng đau như cắt, nghĩ đến làm sao để cứu vãn. Tuy nhiên, kiếp do nghiệp tạo thành, nghiệp do tâm tạo, muốn vãn hồi kiếp vận, phải chánh nhân tâm, phong khí xã hội chưa chuyển thì kiếp vận khó vãn hồi, nhân của cái khổ chưa nhổ thì quả khổ khó thoát. Bổn kinh mà Bồ Tát tu trì dưới đây, thẳng đến 37 phẩm, là cơ duyên đáng giá chỉ dẫn thoát khổ đời trược thế, là phương pháp thoát khổ, từ bi thương xót đến cùng cực, trùng trùng khuyên bảo. Trải qua thời gian, chúng sanh theo nghiệp tam độc ngũ ác mà triển chuyển chiêu cảm lấy quả báo đau khổ, y như tai kiếp đã ghi chép ngày nay, mong cho chúng sanh xem quả mà biết nhân, tẩy gột tâm trí sửa đổi hành vi, sửa xưa tu nay, lìa khổ được vui. Nếu chỉ biết trì danh mà không rõ cương lĩnh của Tịnh Tông, rất khó thu được hiệu quả của cảm ứng. Vì vậy, bổn kinh ở với phía trước phẩm “Lễ phật hiện ánh sáng”, lại nói rõ rằng: “Phật sở hành xứ (ý nói khu vực thúc đẩy Giáo dục Phật Đà), thiên hạ hòa thuận, nhật nguyệt thanh minh, phong vũ dĩ thời, tai lệ bất khởi, quốc thái dân an, binh qua vô dụng, sùng đức hưng nhân, vụ tu lễ nhượng, quốc vô đạo tặc, vô hữu oán uổng, cường bất lăng nhược, các đắc kỳ sở“. Kinh văn trên đây là nói Pháp không khác với Phật, Phật không rời Pháp, nơi trì tụng Kinh này chính là nơi Phật quang chiếu nhiếp. Nếu có thể thọ trì đọc tụng, tín giải hành chứng, ắt sẽ đạt được hiệu quả khai huệ tiêu nghiệp, kéo dài tuổi thọ, tăng phước. Nếu phổ biến lưu thông, thật có thể thay đổi được phong tục (di phong dịch tục), có công hiệu sửa đổi lòng người trở nên chánh, vì thế trước đây nhà Thanh khai quốc, đặc biệt xem trọng kinh này, lấy làm khóa tụng trong cung đình, xem là quy định thường lệ, bởi vậy con người biết tự đề phòng, trên dưới đều an. Hội Sớ có viết: “Kinh này và 7 chân ngôn khó tiêu diệt, là bí quyết để thiên hạ thái bình, thật là lời chính xác, chẳng phải vọng ngôn vậy“.
Liên Hữu đồng tu Hoa Tạng cảm được sự khải thị của Liên Đại Sĩ Niệm Công, quyết chí y giáo phụng hành, xây dựng “Tịnh Tông Học Hội Hoa Tạng”, thỉnh pháp sư Tịnh Không làm chủ cho việc đó, hàng năm cộng tu Tịnh Nghiệp, cùng học tập Đại Kinh, lấy đó làm chỗ nương tựa mà đề xướng, trên đến bốn ân nặng, dưới cứu khổ tam đồ, thật là đại sự nhân duyên vô lượng kiếp đến này hi hữu khó gặp vậy, nào dám không trân trọng cơ duyên này. Tôi nguyện một lòng cố gắng cùng đồng tu.
Ngày đầu Năm mới, Tịnh Nghiệp Học Nhân Hàn Anh và Hòa Nam tại Thư Viện Hoa Tạng.
(Bài văn trên đây do Lão pháp sư Tịnh Không viết)
TIỂU SỬ LÃO PHÁP SƯ
Giới thiệu tóm tắt về Đạo Sư
HỌC HỘI
Giới thiệu về Tịnh Tông Học Hội
SƯ THỪA
Những người Thầy của Lão pháp sư
LÝ NIỆM
Những lý niệm, quan điểm hoằng pháp