Tập 175/289 – Kinh A Di Đà Sớ Sao Diễn Nghĩa

#CHƯA-UPDATE

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Từ tháng 12 năm 1984
Giảng tại: Hoa Tạng Đồ Thư Quán (Thư Viện Hoa Tạng), Đài Loan
Tổng cộng 289 Tập (AMTB)

Chuyển ngữ: Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến, Đức Phong và Huệ Trang

Mã AMTB: 01-003-0001  đến 03-003-0289

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 175

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm bảy mươi:

          (Kinh) Xá Lợi Phất, nhữ vật vị thử điểu thật thị tội báo sở sanh. Sở dĩ giả hà? Bỉ Phật quốc độ, vô tam ác đạo. Xá Lợi Phất! Kỳ Phật quốc độ thượng vô ác đạo chi danh, hà huống hữu thật? Thị chư chúng điểu, giai thị A Di Đà Phật dục linh pháp âm tuyên lưu, biến hóa sở tác.

          (Sớ) Khủng nghi Tịnh Độ hà nhân nhi  hữu  súc  sanh, bất  phù

Pháp Tạng bổn nguyện, cố minh bỉ quốc thật vô ác đạo, dĩ bỉ Phật dục linh pháp biến nhập nhĩ, thần lực biến hóa, phi chân súc sanh cố, hựu bất đồng thiên điểu năng thuyết pháp cố.

            () 舍利弗。汝勿謂此鳥。實是罪報所生。所以者何。彼佛國土。無三惡道。舍利弗。其佛國土。尚無惡道之名。何況有實。是諸眾鳥。皆是阿彌陀佛。欲令法音宣流。變化所作。

       () 恐疑淨土何因而有畜生,不符法藏本願,故明彼國實無惡道,以彼佛欲令法遍入耳,神力變化,非真畜生故,又不同天鳥能說法故。

(Kinh: Này Xá Lợi Phất! Ông chớ nói những con chim ấy thật sự sanh từ tội báo. Vì cớ sao vậy? Cõi đức Phật ấy chẳng có ba ác đạo. Này Xá Lợi Phất! Cõi nước Phật ấy còn chẳng có cái tên ác đạo, huống là thật sự có! Các con chim ấy đều do A Di Đà Phật muốn cho pháp âm được tuyên lưu mà biến hóa tạo ra.

          Sớ: Sợ [người nghe] sẽ nghi cõi Tịnh Độ do nhân gì mà có súc sanh, chẳng phù hợp với bổn nguyện của ngài Pháp Tạng, nên nói rõ cõi ấy thật sự chẳng có ác đạo, mà vì đức Phật muốn cho pháp được nghe trọn khắp, nên dùng sức thần thông mà biến hóa, chứ chẳng phải là súc sanh thật sự. [Những con chim ấy] lại chẳng giống chim cõi trời vì chúng có thể thuyết pháp).

          Lời văn giải thích rất đơn giản. Trong phần trước đã nói hữu tình thuyết pháp trong thế giới Tây Phương, đặc biệt nói tới các loài chim nhiều màu sắc. Trong Đại Bổn, nguyện thứ nhất trong bốn mươi tám nguyện đã nói rất rõ ràng: Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có ba ác đạo. Chẳng có ba ác đạo, nhưng những con chim này thuộc về súc sanh đạo, cớ sao lại có chim? Kinh văn đặc biệt dạy rõ: Xác thực là Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có súc sanh đạo. Vì sao chẳng có súc sanh đạo? Trong kinh Vô Lượng Thọ đã giảng nguyên nhân rất rõ rệt. Lục đạo là quả báo, quả báo thì đương nhiên phải có nghiệp nhân. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có cái nhân là Tam Độc tham, sân, si, bất cứ một người nào trong Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng đều chẳng có ý niệm tham, sân, si, hoàn toàn chẳng có những vọng tưởng ấy, nên Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có quả báo tam đồ. Chúng ta nhất định phải nhận biết rõ ràng điều này: Hễ có nhân, ắt có quả; có quả thì nhất định phải có nhân. Thế giới này của chúng ta không chỉ là ác đạo nhiều, mà còn vô cùng khổ sở! Từ cái nhân, chúng ta có thể thấy được, Tam Độc phiền não không ngừng tăng trưởng, mỗi năm một nghiêm trọng hơn, liền biết quả báo tam đồ ngày càng rộng lớn hơn. Người đọa vào trong ấy rất đông, đó là đạo lý nhất định. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có ba ác đạo, những con chim ấy ở đâu ra? Đức Thế Tôn bảo: Những con chim ấy do A Di Đà Phật biến hóa tạo ra nhằm mục đích thuyết pháp. Lời Sao đã giải thích tỉ mỉ ý nghĩa này.

          (Sao) Hà nhân giả?

            () 何因者。

          (Sao: Do nhân nào?)

          Nhân duyên gì vậy?

          (Sao) Ngu si ám tế dĩ vi chi nhân, sanh súc sanh thú.

          () 愚痴暗蔽以為之因,生畜生趣。

          (Sao: Do bị ngu si tối tăm che lấp làm nhân, nên sanh trong đường súc sanh).

          Nêu ra nghiệp nhân của ác đạo; nghiệp nhân của súc sanh đạo là ngu si, [nghiệp nhân của] ngạ quỷ đạo là tham ái, [nghiệp nhân của] địa ngục đạo là sân khuể. Thật ra, nhân duyên khá phức tạp. Cách nói trên đây là nói theo cái nhân bậc nhất, tức là cái nhân quan trọng nhất. Nếu chúng ta thấu hiểu ý nghĩa sâu xa trong lời Phật nói, chắc chắn là đức Phật nói lời chân thật, trong cuộc sống hằng ngày, bản thân chúng ta phải nên biết tự kiểm điểm: Từ sáng đến tối, chúng ta khởi tâm động niệm có những ý niệm ấy hay chăng? Đối với tham, sân, si, dễ dàng nhận biết tham, sân khuể cũng dễ dàng cảm nhận, nhưng ngu si chẳng dễ gì cảm nhận! Ngu si là hồ đồ, mê hoặc, đối với hết thảy các Sự Lý trước mắt, chẳng thể phân biệt tà, chánh, đúng, sai, điên đảo, lầm loạn. Đó là ngu si! Đang ngu si thì làm sao quý vị có thể cảm nhận được? Rất khó! Nếu chẳng đọc sách thánh hiền, quý vị sẽ chẳng biết chính mình là ngu si. Kẻ ngu si sẽ chẳng nói chính hắn là ngu si, giống như kẻ uống rượu say sưa chẳng thừa nhận chính mình đã say! Vì thế, nhất định phải đọc sách thánh hiền.

          Sách thánh hiền là tiêu chuẩn để phân định trí và ngu. [Nói đến] tiêu chuẩn trong sách thánh hiền thì tuyệt đối chẳng phải là những tiêu chuẩn dựa trên kiến giải của thánh hiền, bởi loại thánh hiền ấy (thánh hiền viết sách dựa trên kiến giải của chính mình) cũng chẳng đáng cho chúng ta tôn kính. Tiêu chuẩn trong sách thánh hiền phải là lấy tự tánh của đương nhân làm tiêu chuẩn, tức là [lấy] Tánh Đức của chúng ta [làm tiêu chuẩn]. Bản thân chúng ta chẳng thể nhận biết Tánh Đức của chính mình, chẳng thể tỉnh ngộ, các vị thánh hiền đã chỉ điểm, cảnh tỉnh, khiến cho chúng ta giác ngộ. Ngay như Thích Ca Mâu Ni Phật và A Di Đà Phật cũng chẳng ra ngoài lệ ấy! Nói đến tiêu chuẩn thì toàn là tự tánh do chính mình sẵn có, điều ấy mới đáng cho chúng ta kính nể. Vì vậy, đọc sách thánh hiền, học thánh, học hiền, chẳng phải là bị người ta xỏ mũi dắt đi, mà là tự giác. Có như vậy thì mới hiển thị sự chí thành vô tư của bậc đại thánh đại hiền, vượt thoát [khuôn khổ của] tôn giáo. Tôn giáo xỏ mũi con người lôi đi, buộc chúng ta đi theo họ, Phật pháp dạy mỗi người độc lập, chẳng đi theo bất cứ kẻ nào, đấy chính là chỗ đáng cho chúng ta tôn kính, bội phục đức Phật. Đây là nêu ra nhân tố thứ nhất: Do ngu si, tối tăm che lấp làm nhân mà sanh trong súc sanh đạo.

          (Sao) Xan tham tật đố dĩ vi chi nhân, sanh ngạ quỷ thú.

() 慳貪嫉妒以為之因,生餓鬼趣。

(Sao: Do keo kiệt, tham lam, ganh ghét làm nhân, mà sanh trong đường ngạ quỷ).

          Người Hoa thường nói: “Người chết thành quỷ”, cách nói ấy rất võ đoán! Trong lục đạo luân hồi, làm sao quý vị có thể đoan quyết người ấy sẽ làm quỷ? Cơ hội để một người đầu thai làm quỷ là một phần sáu. Mọi người đều nói như vậy, nhưng nghĩ ra cũng có một chút đạo lý. Đạo lý ở chỗ nào? Quý vị nói xem có kẻ nào chẳng tham? Kẻ nào chẳng có tâm ganh ghét? Keo kiệt, tham lam, ganh tỵ đích xác là chiếm đại đa số. Nói cách khác, đại đa số con người sau khi đã chết bèn vào quỷ đạo! “Xan” (慳) là keo kiệt, chính mình có, nhưng chẳng thể bỏ được, chẳng thể bố thí. “Tham” (貪) là tham lam, mong có được. Chính mình chẳng có, bèn hy vọng có thể đạt được. Xan tham là căn bản của các căn bản phiền não; trong ấy có ngu si. Nếu kẻ nào chẳng ngu si, sẽ tuyệt đối chẳng xan tham. Chính vì ngu si, nên mới biểu hiện thành xan tham và sân khuể. Một người thật sự giác ngộ, hiểu biết, sẽ chẳng làm những chuyện hồ đồ, lại còn biết bố thí là tu phước thật sự. Trong hết thảy các kinh, đức Phật luôn dạy: Quý vị tu tài bố thí, tiền của sẽ đời đời kiếp kiếp chẳng thiếu khuyết, vì sao? Quý vị đã gieo cái nhân tốt đẹp. Tiền của chẳng thiếu khuyết, tốt lắm! Chẳng thiếu thốn, sẽ tự tại lắm! Chẳng cần phải chiếm hữu, chẳng cần phải tích cóp. Kinh Tiểu Thừa có dạy: “Tích tài táng đạo”, chôn vùi đạo gì vậy? Chôn vùi đạo bố thí. Lục Độ là Bồ Tát đạo, hễ tích tụ tài sản bèn chôn vùi đạo Bồ Tát. Đức Phật chẳng dạy chúng ta tích cóp tiền tài. Hễ có tiền tài, bèn bố thí hết. Quý vị bố thí hết, khi cần tới, chắc chắn sẽ có, chẳng bị khuyết thiếu. Người thế gian học Phật, nhưng chẳng tin Phật! Chẳng dám tin lời dạy này của đức Phật, sợ ta bố thí hết sạch, ngày mai cần dùng sẽ chẳng có, làm như thế nào đây? Đó là chẳng tin tưởng Phật!

          Người học Phật nhiều, kẻ tin Phật rất ít. Đừng nói là các vị đồng tu tại gia rất ít người tin Phật, người xuất gia cũng chẳng ra ngoài lệ ấy! Tôi xuất gia được hai năm mới thọ giới. Sau khi thọ giới, đến Đài Trung lễ tạ thầy. Vừa gặp mặt thầy Lý, câu đầu tiên thầy Lý bảo: “Ông phải tin Phật!” Tôi nghe như vậy rất đỗi kinh ngạc! Thầy liền giải thích: “Ông đã học Phật nhiều năm ngần ấy, cũng đã xuất gia, nay đã thọ giới. Vì sao tôi vẫn nói với ông hai chữ ấy? Hai chữ ấy thật sự chẳng dễ dàng! Tin Phật thì mới có thể đạt thành tựu”. Đặc biệt là Tịnh Độ Tông, Tín, Nguyện, Hạnh, quý vị chẳng tin tưởng, Nguyện sẽ chẳng thật, Hạnh cũng chẳng thể đắc lực. Do đó, nhất định phải tin tưởng. Tin tưởng những câu nói trong kinh, câu nào cũng đều là chân thật, quý vị chỉ cần làm theo, y giáo phụng hành, quyết định đạt được lợi ích. Nếu quý vị trái nghịch, kẻ thua thiệt là chính mình. Vì thế, Tín rất quan trọng. Thầy dạy: “Từ xưa tới nay, rất nhiều người xuất gia suốt đời chẳng làm được một chữ Tín”. Do điều này có thể biết, một chữ Tín đúng là khó! Quý vị còn có ngu si, còn có xan tham, sẽ chẳng tin. Người thật sự tin Phật, chắc chắn chẳng có tâm tham; người thật sự tin Phật, tâm địa chắc chắn thanh tịnh. Vì sao tâm thanh tịnh? Tín tâm thanh tịnh! Mê tâm chẳng thanh tịnh. Mê là hỗn trược, là ngu si, tối tăm che lấp, đã mê mất rồi! Giác tâm là thanh tịnh.

          Thật sự tin tưởng Phật, chúng ta sẽ tận tâm tận lực giúp Phật hoằng pháp từng chút một, giúp đỡ hết thảy chúng sanh nhập Phật môn, quý vị làm chuyện này, đó là bố thí chân thật. Quý vị phải có trí huệ, vì sao? Trong thế gian này, Phật Giáo giả danh quá nhiều. Quý vị giúp đỡ Phật Giáo giả mạo, sẽ quên khuấy Phật Giáo chân thật, tu phước kiểu đó là tu vào đâu? Giống như gieo hạt giống trên đá hoặc vùi trong cát, nó vĩnh viễn cũng chẳng thể nẩy mầm, chẳng mọc lên được, vì lẽ nào? Đó là ngu si, chẳng biện định chân, vọng, tà, chánh chẳng phân, sai lầm mất rồi! Vì lẽ đó, nhất định phải hiểu biết Phật pháp chân chánh. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Thời kỳ Mạt Pháp, tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”, trong Vãng Sanh Luận của Thiên Thân Bồ Tát có nói: Trong thời kỳ Mạt Pháp, nhìn từ biểu hiện bề ngoài và hình thức, Phật pháp chẳng bằng ngoại đạo, phước đức và tướng hảo của người xuất gia cũng thua kém ngoại đạo. Trong thời kỳ Mạt Pháp, ngoại đạo mạnh mẽ dường ấy. Họ có thế lực, có đại phước báo, tướng hảo trang nghiêm vượt trỗi không chỉ gấp mười, gấp trăm lần đệ tử Phật. Đại chúng chỉ nhìn vào bề ngoài, như ong vỡ tổ đi theo, đó gọi là “kẻ đui dẫn lũ mù, dắt nhau vào hố lửa”. Quý vị gặp đệ tử Phật thật sự sẽ coi thường, vì sao? Thấy người ấy ăn mặc rách nát, tả tơi, cơm bữa có bữa không, dáng vẻ đáng thương như thế đó, làm sao quý vị coi trọng người ấy cho được? Quý vị xem thường người ấy. Càng bị mọi người coi thường, Phật pháp sẽ dần dần suy diệt. Chánh pháp chẳng còn, tà pháp ngoại đạo dần dần hưng vượng, tín đồ đông đảo, tài lực hùng hậu. Họ sẵn tiền nên có thể bao cả đài truyền hình để tuyên truyền pháp môn của họ. Vì thế, người tu phước mà chẳng có trí huệ chân chánh, sẽ chẳng tu được phước. Người có phước nhất định có trí huệ; có trí huệ thì mới biết hãy nên tu học như thế nào!

          Tu tài bố thí, tiền của sẽ chẳng khuyết thiếu. Tu pháp bố thí, được thông minh trí huệ, chẳng ngu si. Tu vô úy bố thí, được khỏe mạnh, sống lâu. Tu nhân, có nhân thì mới có quả; chẳng có nhân, lấy đâu ra quả báo? Nhân duyên quả báo chân thật, chẳng hư huyễn, chúng ta phải nhớ điều này. Chúng ta hãy nên nghiêm túc nỗ lực thực hiện, làm theo lời Phật đã dạy. Chúng ta có cầu hay không? Quý vị điều gì cũng chẳng cầu thì mới là thứ gì cũng chẳng thiếu khuyết. Ta tu bố thí trong Phật môn, hễ ta có cầu, tức là ta đặt điều kiện với Phật, Bồ Tát, cái tâm ấy chẳng thanh tịnh: “Nay con đến sửa chùa, đến cúng dường quý Ngài, hy vọng quý Ngài phù hộ cho con thăng quan phát tài. Hễ con phát tài một ngàn vạn, sẽ bố thí mười vạn”. Chắc chắn chẳng thể nào có chuyện ấy được! Trong Phật môn, phải dùng cái tâm thanh tịnh để tu phước, tu huệ. Dục vọng, mong cầu gì cũng đều chẳng có, tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là chân tâm, tâm thanh tịnh có thể sanh ra vạn pháp. Phật môn gọi “có thể sanh ra vạn pháp”“có cầu ắt ứng”, chắc chắn là chẳng khuyết thiếu. “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng” (Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng), trọn chẳng phải là Phật, Bồ Tát ban cho quý vị, mà là trong tự tánh của quý vị vốn sẵn đầy đủ. Vì tâm quý vị đã thanh tịnh, trong tâm thanh tịnh vốn sẵn trọn đủ hết thảy các pháp, tùy tâm tùy niệm liền khởi hiện hành. Vì tâm quý vị được tự tại, nên trí huệ và phước đức ẩn giấu trong bổn tánh của quý vị cũng tự tại hiển lộ, đạo lý là như vậy đó, hữu cầu tất ứng! Chẳng phải là Phật, Bồ Tát đặc biệt ban cho quý vị, Phật chẳng làm chuyện ấy!

          Đây cũng là nói rõ vì sao đức Phật dạy chúng ta tự tu. Tu là gì? Trừ khử những chướng ngại đối với trí huệ và đức năng sẵn có trong tự tánh. Tham, sân, si là chướng ngại. Trí huệ và đức năng của hết thảy chúng sanh và hết thảy chư Phật Như Lai chẳng hai, chẳng khác. Điều sai khác là trí huệ và đức năng của các Ngài hiện tiền khởi tác dụng, các Ngài được thụ dụng. Chúng ta tuy có, nhưng bị tham, sân, si che lấp, chẳng khởi tác dụng, khổ ở chỗ này. Đức Phật dạy chúng ta các phương pháp diệt trừ chướng ngại, [khiến cho] trí huệ và đức năng của chúng ta lại được hiện tiền, chuyện là như thế đó. Tuyệt đối chẳng phải là Phật, Bồ Tát ban cho chúng ta, phù hộ khiến cho chúng ta đạt được, chẳng có chuyện ấy!

          (Sao) Thập Ác, Ngũ Nghịch dĩ vi chi nhân, sanh địa ngục thú.

() 十惡五逆以為之因,生地獄趣。

(Sao: Thập Ác, Ngũ Nghịch làm nhân, sanh trong đường địa ngục).

          Nghiệp nhân của địa ngục đạo là Thập Ác, Ngũ Nghịch. Kinh Vô Lượng Thọ nói tới Ngũ Thống, Ngũ Thiêu, tức là nói tới ác nhân và ác báo. Trong ác báo, Thống (痛) là hoa báo, hoa báo tức là quả báo trong đời hiện tại. “Thiêu” (燒) là quả báo, quả báo là địa ngục báo. Địa ngục hàn băng cũng là một vầng [đau khổ nung nấu] hừng hực, nên dùng chữ Thiêu để biểu thị. Thập Ác là thân tạo giết, trộm, dâm; miệng nói dối, nói đôi chiều (đâm thọc thị phi), ác khẩu, nói thêu dệt (ỷ ngữ). Chúng ta thường nói “ỷ ngữ” (綺語) là hoa ngôn xảo ngữ, nói hết sức êm tai, nhưng chẳng có ý tốt lành gì cả, mong ngấm ngầm hãm hại kẻ khác. Kể cả hết thảy các tuồng tích, ca múa trong xã hội hiện thời, nội dung toàn là dạy con người giết, trộm, dâm, dối. Những thứ ấy đều thuộc về “ỷ ngữ”. Ba nghiệp của ý là tham, sân, si. Gộp [những điều ấy lại] thì là Thập Ác, chúng ta phải thường xuyên kiểm điểm những điều này! Tương phản với Thập Ác là Thập Thiện, đó là giới luật cơ bản nhất phải tuân thủ của người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Nếu ngay cả Ngũ Giới và Thập Thiện mà đều chẳng làm được, dẫu niệm Phật hiệu giỏi giang cách mấy, chắc chắn quý vị chẳng thể vãng sanh, vì sao? Vì thế giới Tây Phương là “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ” (chỗ của những vị thiện nhân bậc thượng nhóm họp). Ba nghiệp thân, ngữ, ý của quý vị đều chẳng lành, làm sao có thể ở chung với họ cho được? Dẫu A Di Đà Phật hoan nghênh quý vị đến đó, quý vị chẳng thể chung sống với đại chúng, nên vẫn chẳng thể vãng sanh! Vì thế, phải nghiêm túc tu Ngũ Giới, Thập Thiện, quyết định chẳng thể vi phạm! Thật sự mong vượt thoát tam giới, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới trong một đời này thì ngàn muôn phần phải ghi nhớ điều này!

Ngũ Nghịch”: Nghịch (逆) là phản nghịch. Đây là tội cực nặng, có năm loại:

– Thứ nhất là giết cha, thứ hai là giết mẹ. Ân đức của cha mẹ vô cùng to lớn. Nhờ cha mẹ, chúng ta mới có thân thể này. Cha mẹ có ân dưỡng dục, đã chẳng thể báo đáp, lại còn muốn sát hại, quyết định đọa trong A Tỳ địa ngục.

– Điều thứ ba là giết A La Hán. Nói theo cách thông thường, A La Hán chính là thầy. Thầy là cha mẹ của Pháp Thân, trong Phật pháp gọi trí huệ của chúng ta là Pháp Thân huệ mạng. Con người có hai cái mạng, một là thân mạng, hai là huệ mạng. Thân mạng do cha mẹ mà có, huệ mạng nhờ nơi thầy. Vì thế, “hiếu thân tôn sư” thường được nói song hành. Ân đức của thầy chẳng khác ân đức của cha mẹ. Giết hại thầy giống như giết A La Hán, tất nhiên đó là cái nhân gây tội đọa địa ngục.

– Điều thứ tư là “làm thân Phật chảy máu”. Phật là vị thầy sáng lập giáo, có ân đức bậc nhất đối với chúng sanh trong chín pháp giới, Phật được gọi là “nhân thiên nhãn mục” (tròng mắt của trời lẫn người). Pháp Thân huệ mạng của hết thảy chúng sanh đều trông cậy vào Ngài. Phật có phước báo quá lớn, không ai có thể làm hại Phật, nhưng khiến cho Phật chảy máu một chút thì có thể, tội ấy cũng rất nặng. Đương nhiên, hiện thời đức Phật chẳng trụ thế, đức Phật đã viên tịch hơn ba ngàn năm, nhưng có Đẳng Lưu Tội[1], tương đương với thân Phật là tượng Phật. Do cái tâm sân khuể, hoặc ác tâm hủy hoại tượng Phật, sẽ giống như làm cho thân Phật chảy máu. Đó là tội Ngũ Nghịch. Nếu vô ý thì chẳng phạm tội nặng nề ngần ấy.

          – Tội thứ năm là “phá hòa hợp Tăng”. Phá hoại Tăng đoàn cũng là tội đọa địa ngục. Nay chúng ta ở trong thế gian này, vẫn chưa thấy có Tăng đoàn hòa hợp. Hiện thời có nhiều đạo tràng hủy báng lẫn nhau, họ có tạo tội Ngũ Nghịch hay không? Vẫn chưa phải! Vì sao? Vì bản thân [các đoàn thể ấy] chưa phải là một Tăng đoàn thật sự. Nếu chính họ là một Tăng đoàn chân chánh, đoàn thể ấy có từ bốn người trở lên ở chung với nhau, đều cùng tu Lục Hòa Kính, nếu quý vị phá hoại, hủy báng, tội lỗi sẽ là tội đọa địa ngục. Có lẽ là có một Tăng đoàn như vậy ở trong hay ngoài nước, nhưng tôi chưa thấy, kể cả chính đạo tràng của chúng ta ở đây cũng chẳng phải là một Tăng đoàn Lục Hòa Kính. Nếu Đài Loan thật sự có thể xuất hiện một đạo tràng như vậy, hai ngàn vạn đồng bào đều hưởng phước lây, vì sao? Nơi này chẳng bị tai nạn. Điều ấy tùy thuộc có người thật sự triệt để hy sinh lợi ích của chính mình hay không? Hai điều cơ bản nhất trong Lục Hòa Kính là kiến hòa đồng giải và lợi hòa đồng quân. Có thể thật sự buông bỏ lợi dưỡng, vứt bỏ thành kiến, kiến giải giống nhau, chẳng có thành kiến, tâm địa thanh tịnh. Đó là cơ sở, mà cũng vô cùng khó bỏ được! Tục ngữ Trung Hoa có câu: “Nhân bất vị kỷ, thiên tru địa diệt” (Kẻ chẳng vì mình, trời tru, đất diệt). Đoàn thể Lục Hòa Kính chẳng vị kỷ, người bình phàm nói là “trời tru, đất diệt”, trên thực tế, đoàn thể ấy đã vượt ngoài trời đất, người ta đã làm Phật rồi! Nói là “trời tru, đất diệt” cũng rất có lý, vì sao? Trong trời đất chẳng có hạng người ấy, những người ấy là Phật, Bồ Tát tái lai. Trong lục đạo chẳng có, các Ngài đã vượt thoát lục đạo. Do tâm thái hành trì ấy, trong hiện tiền, người ấy đã vượt thoát lục đạo. Bốn người có thể cộng tu tại một chỗ, Đài Loan sẽ thật sự có phước.

            (Sao) Danh tam ác đạo.

() 名三惡道。

          (Sao: Gọi là ba ác đạo).

          Súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục là ba ác đạo.

          (Sao) Dĩ lục đạo trung, thiên vi tối thiện, nhân đạo thứ chi, Tu La giới hồ thiện ác chi trung, cố độc thử tam, tối danh vi ác.

() 以六道中,天為最善,人道次之,修羅介乎善惡之中,故獨此三,最名為惡。

(Sao: Do trong lục đạo, thiên là thiện nhất, nhân đạo kém hơn, Tu

La lẫn lộn giữa thiện và ác, nên chỉ riêng ba đường này được gọi là ác nhất).

          Trong lục đạo, “thiên đạo tối thiện”. Dục Giới Thiên do cái nhân thượng phẩm Thập Thiện cảm thành. Tương phản với Thập Ác là Thập Thiện, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không ác khẩu, không nói đôi chiều, không nói thêu dệt, không tham, không sân, không si, người như vậy sẽ sanh lên cõi trời. Thượng phẩm Thập Thiện sanh lên cõi trời. Chỉ cậy vào Thập Thiện thì chỉ có thể sanh đến cõi trời Đao Lợi. Đối với bốn tầng trời ở phía trên Dục Giới là Dạ Ma, Đâu Suất, Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại, nếu chỉ tu Thập Thiện sẽ không thể đến đó được. Siêu độ hữu dụng hay chăng? Hữu dụng! Siêu độ là tu phước, ban tặng phước đức của chúng ta cho người ấy. Sự gia trì trong Phật pháp là tặng cho người ấy, chúng ta tu phước nhưng chẳng cần đến, tặng cho người ấy, người ấy có thể tiếp nhận, nhưng người ấy nương vào phước báo đó thì cao nhất là chỉ có thể sanh lên trời Đao Lợi. Lương Vũ Đế là một vị hộ pháp lừng lẫy trong Phật môn, là một đệ tử Phật kiền thành. Sau khi phi tử [là Hy Thị] đã chết, nhà vua bèn thỉnh ngài Bảo Chí Công chủ trì pháp hội siêu độ. [Các khoa nghi trong] Phật sự ấy được ghi lại thành Lương Hoàng Bảo Sám, tu pháp môn sám hối. Ngài Bảo Chí Công là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, Quán Âm Bồ Tát chủ trì pháp hội để siêu độ bà ta (Hy Thị), cũng bất quá siêu độ tới cõi trời Đao Lợi mà thôi, không thể lên cao hơn tầng trời Đao Lợi được!

Chư vị lại xem A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung Kinh do ngài An Thế Cao phiên dịch. An Thế Cao là cao tăng đắc đạo. Sau khi dịch kinh xong, Sư sang Giang Nam siêu độ sư huynh đệ trong đời trước, nay đang đọa lạc trong súc sanh đạo, làm long vương hồ Cộng Đình. Ông ta mang thân rắn, là một con rắn to, thuộc về súc sanh đạo. Vị long vương ấy phước báo rất lớn, vì kiếp trước ông ta đã “minh kinh, bố thí”, nghĩa là giảng kinh, thuyết pháp rất giỏi, lại chịu bố thí. Vì sao đọa lạc trong thần đạo? Do chẳng đoạn tâm sân khuể. Vì thuở ấy, ông ta đi thác bát (khất thực). Khi khất thực chẳng được, trong tâm rất bực bội: “Người tốt lành như ta, sao nay chẳng có cơm mà ăn?” Trong tâm có chút bất bình, có chút oán hận. Quý vị hãy nghĩ xem, do một chút sân khuể nhỏ nhặt như thế, dẫu tu hành tốt đẹp như vậy mà hãy còn phải đọa trong ác đạo. Nếu chính mình chẳng tu hành, hễ còn có ác niệm ấy, quý vị biết tương lai sẽ sanh về nơi đâu? Vị ấy làm long vương trong hồ, vì đời quá khứ đã giảng kinh, nên có thần thông, biết quá khứ, vị lai, đó là trí huệ. Lại còn bố thí, nên phước báo rất lớn. Người trong phạm vi một ngàn dặm chung quanh hồ đều đến lễ bái ông ta. Người đến cầu xin thường là rất linh nghiệm; đời trước, ông ta thông đạt Phật lý, giảng kinh, thuyết pháp, nên [đời này, làm long vương] rất linh nghiệm, có phước báo.

          Nhưng thần cũng có thọ mạng, ngài An Thế Cao đến độ ông ta, vì thọ mạng của ông ta sắp chấm dứt. Vị thần ấy thấy An Thế Cao, thấy bạn học cũ, người bạn học cũ niệm chú rồi mới gọi ông ta ra cho mọi người thấy. Ông ta ngượng ngùng chẳng muốn ra. Sư bảo nhất định phải ra, có như vậy thì mới có thể diệt tội. Ông ta mới từ khám thờ Phật chậm rãi bò ra, là một con rắn to, trông thấy An Thế Cao liền ứa nước mắt. Ông ta cậy ngài An Thế Cao tu phước giùm, dùng cách thức gì để tu phước? Là đem tài vật trong miếu thờ biếu tặng hết cho An Thế Cao. Ngài An Thế Cao bèn dựng một ngôi chùa tại Nam Xương, đặt tên là chùa Đại An[2], là ngôi chùa bậc nhất ở Giang Nam. Do phước báo ấy, vị thần rắn đó sanh lên Đao Lợi Thiên. Siêu độ [bằng cách] tu phước thì cao nhất là chỉ có thể sanh lên Đao Lợi Thiên. Để sanh lên [các cõi trời] cao hơn, cần phải cậy vào sự tu Định của chính mình.

Tu Định là một danh từ phổ biến trong Phật Giáo, vì bất luận tông nào hay pháp môn nào trong Phật pháp, thường nói là “tám vạn bốn ngàn pháp môn”, quý vị chỉ cần y giáo tu hành thì đều gọi là “tu Định”, [bởi lẽ] phương pháp khác nhau, nhưng mục đích như nhau. Ví như trong Thiền Tông gọi là Thiền Định, Giáo Hạ gọi là Chỉ Quán, tông Thiên Thai có Thiên Thai Chỉ Quán, Hoa Nghiêm có Pháp Giới Quán, Tịnh Độ Tông có nhất tâm bất loạn, công phu thành phiến, tuy cách nói khác nhau, nhưng thảy đều là tu Định. Nhưng Định ấy chưa tu thành công, dẫu chưa tu thành, người ấy đã có công phu định lực. Tùy thuộc công phu định lực sâu hay cạn mà sanh trong bốn tầng trời phía trên của Dục Giới. Nếu công phu định lực thành tựu, thật sự đắc Định, liền sanh trong Sắc Giới Thiên, chẳng phải là Dục Giới Thiên. Chẳng có Ngũ Dục tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê thì mới có thể đạt đến Sắc Giới. Do điều này có thể biết: Trong tâm còn chưa đoạn trừ tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê, dẫu tu tốt đẹp đến mấy, dẫu công phu Thiền Định sâu đến mấy, vẫn là Dục Giới Thiên, chẳng đến được Sơ Thiền. Thật sự đạt đến Sơ Thiền, quyết định chẳng động tâm đối với tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê. Từ Sơ Thiền trở lên, không chỉ phải tu Định, mà còn phải tu Tứ Vô Lượng Tâm, Tứ Vô Lượng Tâm là từ, bi, hỷ, xả. Có Thiền Định thật sự, lại còn phải có từ bi hỷ xả, thì mới có thể sanh trong Sắc Giới hoặc Vô Sắc Giới. Do vậy, thiên đạo thù thắng. “Nhân đạo thứ chi”: Nhân gian kém cõi trời, nhưng tốt đẹp hơn bốn đường kia, chỉ thua thiên đạo.

Tu La giới hồ thiện ác chi trung” (Tu La lẫn lộn giữa thiện và ác), từ cõi trời Đao Lợi trở xuống đều có A Tu La, ngoại trừ địa ngục. A Tu La thì Dục Giới Thiên có, loài người cũng có, quỷ đạo có, súc sanh đạo có. Tánh chất đặc biệt của A Tu La là có phước, nhưng chẳng có đức hạnh, cũng là do đời trước tu phước, chẳng tu huệ. Trong khi tu phước, đã xen lẫn kiêu căng, ngã mạn. Làm công đức trong Phật môn, người ấy cũng chịu bỏ tiền, bỏ sức, nhưng tâm hiếu thắng mạnh mẽ: Người khác bỏ ra một vạn đồng, ta bỏ ra một vạn mốt, ta phải vượt kẻ ấy, chẳng thể ở sau hắn. Dùng tâm thái ấy tu phước, quả báo sẽ là A Tu La. Người ấy cũng tu đạo, nhưng tu A Tu La đạo! Người ấy có tâm sân hận, tâm ganh tỵ, chẳng dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm cung kính để tu, mà dùng cái tâm kiêu căng, ngã mạn để tu phước trong Phật môn. Tùy thuộc người ấy tu phước lớn hay nhỏ, mà A Tu La cũng có thế lực lớn hay nhỏ khác biệt. Thiên, nhân, A Tu La được gọi là ba thiện đạo. Súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục được gọi là ba ác đạo. Ba ác đạo ấy “tối danh vi ác” (được gọi là ác nhất), vì khổ nhất. Do nhân ác, nên quả báo cũng khổ.

          (Sao) Phù nhân ư tịnh tâm, sanh ư Tịnh Độ, hà diêu Tịnh Độ nhi hữu ác đạo.

            () 夫因於淨心,生於淨土,何繇淨土而有惡道。

          (Sao: Phàm do cái tâm thanh tịnh mà sanh về Tịnh Độ, vì lẽ nào Tịnh Độ có ác đạo?)

          Hoài nghi ở ngay chỗ này. Chúng ta biết người được sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới tâm đều thanh tịnh; do tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh. Bất luận thời gian tu học dài hay ngắn, ví như sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, bất luận quý vị tu hành đã lâu hay mới đây, chỉ luận theo tâm địa thanh tịnh. Người ta niệm một tiếng hoặc hai tiếng A Di Đà Phật, tâm liền thanh tịnh, người ấy có thể vãng sanh. Chúng ta niệm suốt đời, tâm chẳng thanh tịnh, chẳng thể vãng sanh! Chẳng thể nói “kẻ đó mới niệm mấy tiếng, lâm chung mười niệm liền vãng sanh, ta niệm suốt đời vẫn chẳng vãng sanh, quá mức thiếu công bằng!” Nói thật ra, chẳng phải là không công bằng! Người ta một niệm hay mười niệm là dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm cung kính để niệm; chúng ta niệm một vạn tiếng, vừa niệm Phật vừa nghĩ lung tung, niệm suốt đời vẫn chẳng bằng người ta mười niệm! Cổ đức dạy chúng ta “tử tận thâu tâm” (死盡偷心: chết sạch tấm lòng mong ngóng, chụp giựt), phải chết sạch tâm niệm lươn lẹo, mưu lợi, dùng tâm chân thành để niệm, đó gọi là “một niệm tương ứng một niệm Phật” thì mới có thể tương ứng! Tuy chúng ta niệm Phật, nhưng chẳng tương ứng, chỉ huân tập thành chủng tử trong A Lại Da Thức; đó là chủng tử để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Chẳng biết ngày nào chủng tử ấy sẽ khởi lên hiện hành, khởi tác dụng!

          Do điều này có thể biết, thật sự niệm Phật sẽ buông hết thảy thân, tâm, thế giới xuống, tuyệt đối chẳng lưu luyến. Trong thế gian này, quý vị còn so đo, tức là tâm chẳng thanh tịnh, chuyện này sẽ làm hỏng đại sự thành Phật trong một đời này! Đầu tiên là phải buông ý niệm “được, mất” xuống. Ở trong thế gian này, chúng ta dùng tâm thái như thế nào? Tạm trụ, tức là giống như ở trong khách sạn, chờ về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Hết thảy mọi thứ ở nơi này chẳng liên quan đến ta, chẳng dính dáng gì tới ta. Mọi người đối xử tốt với ta, ta tôn trọng họ. Mọi người xử tệ với ta, ta vẫn tôn trọng họ. Vì ta ở vài ngày rồi sẽ ra đi, lẽ nào quý vị chẳng chịu đựng được! Quý vị cho tôi thứ gì, tôi đều chẳng cần, vì tôi đã hiểu thứ gì cũng chẳng mang theo được. Hễ có được thì quyết định là tâm chẳng vướng mắc mảy may; mất đi, tâm cũng chẳng mảy may tiếc nuối. Vì sao? Không mang theo được, chẳng phải là của chính mình. Như vậy thì trong tâm quý vị bỏ sạch vọng tưởng, tạp niệm. Cổ nhân nói đó là “buông thân, tâm, thế giới xuống”. Như vậy thì một câu A Di Đà Phật mới tương ứng, Phật hiệu mới có sức mạnh. Chẳng niệm Phật như vậy thì nói thật ra, chỉ là gieo trồng các thứ thiện căn mà thôi! Vì lẽ đó, người niệm Phật đông đảo, nhưng người vãng sanh ít ỏi!

          Người niệm Phật vì sao chẳng thể vãng sanh? Do có vướng mắc, không buông xuống được. Vương vấn tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần trong thế gian này, hại kẻ ấy đời đời kiếp kiếp luân hồi trong lục đạo. Người có trí huệ, thật sự giác ngộ; kẻ bị ngu si tối tăm che lấp, chẳng giác ngộ! Tu hành là tu gì? Tổng hợp hết thảy các pháp môn đã được dạy trong kinh điển Đại Thừa, quy nạp thành hai chữ: Một là xả, hai là nhẫn, tức nhẫn nại. Xả là bố thí, là buông xuống. Thật sự có thể xả, thảy đều bỏ sạch, thảy đều chẳng cần đến nữa, sẽ chẳng có vướng mắc, tâm liền thanh tịnh. Người chẳng cần tiền, tiền bạc lên giá hoặc mất giá về căn bản là chẳng ăn nhập gì đến người ấy, người ấy cũng chẳng bận tâm, được bao nhiêu lợi tức cũng chẳng liên quan! Thảy đều chẳng có ý niệm ấy, tâm đã thanh tịnh. Ngũ dục, lục trần thảy đều phải xả. Không chỉ ngũ dục, lục trần phải xả, mà Phật pháp cũng phải xả! Phật pháp chẳng xả, tâm tâm niệm niệm “còn có khá nhiều kinh điển Đại Thừa chưa xem”, tâm chẳng thể thanh tịnh. Thật sự nhập môn, Liên Trì đại sư tuổi già mới nhập môn, bỏ sạch Tam Tạng mười hai bộ, nhường cho kẻ khác ngộ, một đời đến cuối cùng bèn quy vào một bộ kinh A Di Đà, một câu A Di Đà Phật. Đó là lý do vì sao người ta có thể thành tựu, chúng ta phải biết [điều này]! Ngài đến tuổi xế chiều mới nhập cảnh giới này. Nếu chúng ta lúc tuổi còn rất trẻ mà đã nhập cảnh giới này, trình độ của chúng ta sẽ vượt trội tổ sư rất nhiều! Quý vị đừng nghĩ đến tuổi già mới bỏ, ta nay vẫn còn trẻ, có lẽ lúc này vẫn chưa phải là lúc buông bỏ, nhưng quý vị có ký hợp đồng với Diêm Vương hay chăng? Quý vị có thể sống bao nhiêu năm? Trên đường hoàng tuyền, chẳng có phân biệt già hay trẻ! Phải mau chóng cảnh giác, quý vị giác ngộ càng sớm càng hay!

          Lục Tổ Huệ Năng đại sư hai mươi bốn tuổi đã buông xuống triệt để, trở thành một vị tổ sư. Ngài tu hạnh gì? Ngài đến chỗ bọn thợ săn, giúp người ta, canh chừng [bẫy] dã thú, nấu cơm cho các thợ săn, làm lụng cực nhọc, ăn rau bên cạnh thịt. Đó là một vị minh tâm kiến tánh, là Sơ Trụ Bồ Tát trong Đại Thừa Viên Giáo. Sống tạm trong nhóm thợ săn suốt mười lăm năm, chẳng phải là một thời gian ngắn ngủi! Một là thân tâm thế giới đã triệt để buông xuống, [đấy là] Bố Thí Ba La Mật viên mãn; hai là Nhẫn Nhục Ba La Mật viên mãn. Dùng thân phận Thiên Nhân Sư để hầu hạ những kẻ hằng ngày tạo sát nghiệp, không điều ác nào chẳng làm, phục vụ nhóm người đó. Ngài sống cuộc đời ấy, nên Ngài có thể thành tựu. Về sau, Ngài rời khỏi nhóm thợ săn, xuống phương Nam giảng kinh, thuyết pháp, thị hiện tướng xuất gia và làm tổ sư. Theo như chúng tôi nghĩ, những gã thợ săn ấy nhất định đều học Phật. Khi ấy, những người thợ săn sẽ suy nghĩ, trước kia, mỗi ngày chúng ta chửi ổng, đánh ổng, chê trách ổng, đâu biết ổng là Bồ Tát, [nên họ] nhất định sẽ quay đầu đoạn ác tu thiện. Vì thế, Ngài ở nơi đó suốt mười lăm năm, chẳng nói một câu nào mà độ họ quay về, khiến cho những người ấy sửa lỗi, đổi mới. Từ thời Ngũ Tổ trở đi, kinh Kim Cang là một bộ kinh điển dùng để ấn chứng trong Thiền Tông. Kinh Kim Cang dạy chúng ta hai đại cương lãnh để tu hành là Bố Thí và Nhẫn Nhục; vì thế, nhất định phải có thể nhẫn. Đối với hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất, chỉ có thể chịu đựng thì tâm mới thanh tịnh, đó mới là công phu chân thật. Tu học cái tâm thanh tịnh là mục tiêu của chúng ta, tâm tịnh thì cõi này sẽ tịnh. Do tâm tịnh sanh về Tịnh Độ, cớ gì Tịnh Độ lại có ác đạo?

          (Sao) Như kỳ hữu giả, thị tạp uế xứ, bất dị Sa Bà, hà danh Cực Lạc? Cố hữu nghi dã.

() 如其有者,是雜穢處,不異娑婆,何名極樂?故有疑也。

(Sao: Nếu cõi ấy có [ác đạo], sẽ là chỗ tạp uế, khác gì Sa Bà, làm sao gọi là Cực Lạc cho được? Vì thế hoài nghi).

          Nghi vấn ở chỗ này; do đó, Tịnh Độ đáng lẽ phải là chẳng có ác đạo. Nếu bên đó thật sự có những loài súc sanh ấy, sẽ chẳng phải là Tịnh Độ, mà là uế độ, chẳng khác thế giới Sa Bà! Các cõi nước của mười phương chư Phật chẳng khác thế giới Sa Bà cho mấy, đều có lục đạo, nên [nếu cõi Cực Lạc có súc sanh đạo], sẽ chẳng thể gọi là Cực Lạc! Nghi vấn nẩy sanh từ chỗ này! Đoạn này là lời khai thị của Liên Trì đại sư nhằm giải thích kinh văn. Do vậy có thể biết, ngay trong thời Thích Ca Mâu Ni Phật, đã có nghi vấn ấy. Nếu thuở ấy chẳng có ai hoài nghi, trong kinh, đức Phật sẽ chẳng nói như thế. Đoạn này nhằm đoạn nghi sanh tín, phá trừ nỗi nghi hoặc của chúng ta.

          Đương nhiên đối với người đọc tụng kinh luận Đại Thừa đã nhiều, liễu giải sâu xa, sẽ chẳng có nghi hoặc. Ví như kinh Vô Lượng Thọ quý vị đều đã đọc, chẳng có hoài nghi. Nhưng chư vị phải biết: Tình hình thuở đức Phật tại thế giảng kinh chẳng khác với tình hình giảng kinh hiện thời cho mấy. Đức Phật là một nhà giáo dục, giáo hóa chúng sanh trọn khắp, chẳng mở trường dạy học. Học trò chẳng phải ghi danh giống như trong nhà trường hiện thời, [chẳng] nhất định phải đến học từng buổi trong trường, mà hoàn toàn theo phương thức tự do, cởi mở, giống như pháp hội giảng kinh của chúng ta trong hiện tại. Quý vị thích đến thì hoan nghênh quý vị đến dự. Nếu quý vị chẳng muốn đến, cũng chẳng bị phạt, mà cũng chẳng bị xử trí. Không như học sinh trong nhà trường: Nếu anh không đi học, sẽ bị trừ điểm, bị ghi lỗi. Trong Phật pháp chẳng có chuyện đó. Vì vậy, mỗi hội [giảng kinh] đều có người mới đến dự lần đầu. Những người mới đến lần đầu nghe nói điều này sẽ hoài nghi: Thế giới Cực Lạc chẳng có ba ác đạo, cớ sao có lắm chim như thế? Những người ấy sẽ hoài nghi. Đối với những người sơ học ấy, tất yếu là phải giải thích, giải thích là nhắm vào những người ấy để nói. Nói cách khác, trong số các vị đồng tu đã lâu, có người trọn chẳng thể sanh khởi tín tâm thật sự đối với Tây Phương Cực Lạc thế giới, có người như vậy hay chăng? Có chứ! Chúng tôi tin rằng khi đức Phật tại thế, đã có [những kẻ như vậy]. Hiện thời, người niệm Phật, niệm đã bao nhiêu năm, lúc lâm chung chẳng niệm Phật, hoài nghi, luôn luôn có tình hình ấy! Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Bổn Sư và A Di Đà Phật phát tâm đại từ bi, dùng thần lực gia trì, khiến cho đại chúng dự hội đều thấy Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đó là chứng minh trong Tam Chuyển Pháp Luân, tức là Tác Chứng Chuyển.

          Trong thời Mạt Pháp, chúng ta thấy người niệm Phật vãng sanh có công phu sâu hay cạn khác nhau, nên thụy tướng vãng sanh khác nhau. Phàm là chân tín, chân nguyện, thụy tướng đều vô cùng thù thắng kỳ lạ, đặc biệt. Gần đây, tại Tân Gia Ba có ba người vãng sanh, trông thấy Phật quang, nghe thiên nhạc, ngửi thấy mùi hương lạ, đó là vãng sanh thật sự. Giống như ông Châu Quảng Đại ở Washington DC, nước Mỹ, khi lâm chung mới nghe Phật pháp, chỉ niệm ba ngày ba đêm, thấy Tây Phương Tam Thánh từ trên mây giáng xuống, tiếp dẫn ông ta vãng sanh. Những thụy tướng ấy đủ để chứng tỏ Tây Phương Cực Lạc thế giới là thật, chẳng giả. Quý vị tin tưởng, tức là có phước! Không tin, tức là chẳng có phước! Mấy năm gần đây, tại Trung Quốc Đại Lục và Đài Loan, người niệm Phật vãng sanh rất nhiều. Pháp sư Khoan Luật ở Đại Lục đã viết cuốn Vãng Sanh Lục, lão cư sĩ Lâm Khán Trị ở Đài Loan viết cuốn Cận Đại Vãng Sanh Kiến Văn Lục. Do vậy có thể thấy pháp môn này chân thật chẳng dối, người nào có thể tin, có thể nguyện, thì là người thật sự có phước. Vì thế, bí quyết niệm Phật trong pháp môn này là không hoài nghi, không gián đoạn, không xen tạp, tâm lẫn hạnh đều có thể y giáo phụng hành, người như vậy quyết định vãng sanh. Hôm nay, chúng tôi giảng tới chỗ này!

[1] Đẳng Lưu Tội: Tội tương đương, tương tự, gần giống.

[2] Chùa Đại An thuộc huyện Nam Xương, tỉnh Giang Tây. Có thuyết nói pháp sư An Thế Cao đã đặt tên chùa là Đại An nhằm kỷ niệm quê hương An Tức của mình. An Tức là cách người Trung Hoa dịch tên vương triều Parthia (còn gọi là vương triều Arsacid, tồn tại từ năm 247 trước Công Nguyên đến 224 Công Nguyên) tại Iran. Lãnh thổ An Tức vào thời cực thịnh bao gồm vùng Đông Bắc Iran và Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ hiện thời. Quốc gia này giữ vai trò là một trung tâm thương mại trọng yếu trên con đường tơ lụa. Chùa Đại An nổi tiếng vì thiền sư Hoàng Bá Hy Vận đời Đường sau khi đắc pháp nơi tổ Bách Trượng Hoài Hải đã trụ tích và dạy Thiền tại đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *